Tải bản đầy đủ (.pdf) (20 trang)

Yếu tố địa chính trị trong chiến lược toàn cầu của mỹ từ sau chiến tranh lạnh đến nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (376.09 KB, 20 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
---------------------

Nguyễn Thị Kim Hằng

Chuyên ngành : Lịch sử thế giới
Mã số
: 60 22 50

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGÔ MINH OANH

Thành phố Hồ Chí Minh – 2009


LỜI CẢM ƠN

Tôi xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình giúp đỡ của Ban Giám Hiệu Trường Đại học Sư
Phạm TP.HCM, Phòng Khoa học Công nghệ - Sau Đại học cùng tập thể Thầy, Cô khoa Lịch sử.
Đặc biệt, tôi xin tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS. Ngô Minh Oanh, thầy đã dành
nhiều thời gian và tận tình hướng dẫn tôi từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành luận văn.
Cảm ơn gia đình và bạn bè đã hỗ trợ vật chất cũng như đã làm chỗ dựa tinh thần cho tôi
trong suốt thời gian tôi học tập và thực hiện luận văn.
Xin chân thành cảm ơn!


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài


Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang có nhiều diễn biến sâu sắc và phức tạp như hiện nay,
nghiên cứu cục diện chính trị quốc tế không thể không nghiên cứu địa-chính trị, nghĩa là nghiên cứu sự
biến đổi chính trị trong những quy mô không gian địa lý nhất định với tất cả sự tác động qua lại giữa
hai nhân tố đó. Cụ thể là việc xác định các nước láng giềng, các khu vực có vị trí trọng yếu với những
ý đồ và chiến lược có thể là đối tác quan hệ hoặc là đối tượng đấu tranh ... luôn là vấn đề có ý nghĩa hết
sức quan trọng đối với việc hoạch định chiến lược đối ngoại của mỗi quốc gia sao cho phù hợp với tình
hình thế giới và khu vực, để phục vụ kịp thời mục tiêu phát triển đất nước. Đặc biệt là sau Chiến tranh
lạnh, địa-chính trị đã được sử dụng phổ biến hơn để phân tích các vấn đề toàn cầu và khu vực.
Mỹ là một cường quốc có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế và đang ra sức củng cố vị trí siêu
cường, mưu đồ giữ vai trò chi phối và làm bá chủ thế giới. Mỹ cũng là một trong những nước thành
công nhất trong việc nghiên cứu và vận dụng khoa học địa-chính trị: bắt nguồn từ nhân tố địa lý để
khảo sát, phân tích mối quan hệ chính trị quốc tế, từ đó xác định chiến lược an ninh và phát triển quốc
gia. Chiến lược toàn cầu của Mỹ là sự vận dụng nội dung của các học thuyết địa-chính trị, đó là: lợi ích
an ninh quốc gia không tách rời khỏi các hoạt động chính trị và trong mỗi một thời kỳ lịch sử, trên bản
đồ chính trị quốc tế thường có một trung tâm chiến lược mà nếu nước nào khống chế được trung tâm
đó thì sẽ chi phối được toàn bộ thế giới. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mục tiêu địa-chính trị của Mỹ
chủ yếu nhằm vào đối tượng chiến lược toàn cầu là Liên Xô và châu Âu là “cấu trúc nền” của chính trị
quốc tế. Châu Âu là nơi giới lãnh đạo của cả Mỹ lẫn Liên Xô coi là có ý nghĩa hàng đầu đến sự sống
còn của quốc gia mình. Sau Chiến tranh lạnh, thực tế cạnh tranh địa-chính trị giữa các nước lớn cho
thấy: đại lục Âu - Á đang trở thành “cấu trúc nền” của chính trị quốc tế đầu thế kỷ XXI. Mục tiêu chiến
lược đối ngoại của Mỹ là tiếp tục xác lập và duy trì vai trò lãnh đạo đối với thế giới.
“Yếu tố địa-chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay” là một
vấn đề thời sự, việc tiến hành nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện vấn đề này là một việc làm
cần thiết và có ý nghĩa sâu sắc, góp phần phục vụ cho công việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu lịch sử
thế giới hiện đại của sinh viên và học sinh.
Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn đó, chúng tôi thấy rằng vấn đề “yếu tố địa-chính trị
trong chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay” là đề tài đầy lý thú và đem lại
những kết quả hữu ích. Do đó, chúng tôi đã mạnh dạn chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu cho luận
văn tốt nghiệp cao học của mình.
2. Lịch sử vấn đề



Trong những năm gần đây, khái niệm “địa-chính trị” thường được đề cập nhiều trong các công
trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Đó là vì quá trình nghiên cứu về chính trị thế giới hiện nay vẫn
dựa trên việc phân tích tình hình ở các khu vực, các quốc gia. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ trở thành siêu
cường duy nhất. Để bảo vệ địa vị bá chủ của mình, Mỹ muốn xây dựng trật tự thế giới đơn cực dưới sự
chỉ đạo của Mỹ bằng cách bảo vệ cho được vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị ở lục địa Âu - Á.
Vì vậy, “yếu tố địa-chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay” được
nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và đã có nhiều công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài
nước với nhiều góc độ, phạm vi phân tích và đánh giá khác nhau.
Năm 1993, John Rennie Short có công trình nghiên cứu “An Introduction to Political
Geography” mang tính lý luận về địa-chính trị của trật tự thế giới, địa-chính trị của nhà nước, địa-chính
trị của sự tham dự. Tác giả phân tích trật tự thế giới được hình thành từ sự phát triển không đều trong
vòng xoáy tư bản chủ nghĩa, thể hiện ở trật tự Bắc - Nam: giữa những nước giàu và nước nghèo, cuộc
đối đầu Đông - Tây: giữa hai khối xã hội chủ nghĩa (XHCN) và tư bản chủ nghĩa (TBCN), sự phát
triển và tiêu vong của Liên bang Xô viết, sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới tạo nên một
thế giới đa cực. Trong chương địa-chính trị của nhà nước, nội dung đáng chú ý là mối liên hệ giữa nhà
nước và trật tự thế giới, phạm vi của mỗi quốc gia, tình trạng căng thẳng giữa các quốc gia - dân tộc
hàm chứa quan điểm của mỗi quốc gia dân tộc và nhà nước được nghiên cứu với tư cách là thực thể
trong không gian. Yếu tố địa-chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ được tác giả đề cập nhằm
minh họa cho những lý luận, chưa phải là một hệ thống nghiên cứu toàn diện, chuyên biệt.
Năm 2000, Nguyễn Thế Lực, Nguyễn Hoàng Giáp có bài “Khái quát lịch sử phát triển tư tưởng
địa-chính trị thế giới” đăng trên tạp chí Khoa học Chính trị. Bài viết định nghĩa “địa-chính trị là khoa
học nghiên cứu về mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố địa lý và chính trị” [47, tr.13]. Tư tưởng về
địa-chính trị đã có từ rất lâu đời, ngay khi có sự xuất hiện các nhà nước quốc gia-dân tộc, nhưng phải
đến nửa sau thế kỷ XIX, địa-chính trị mới trở thành một khoa học độc lập. Các tác giả đã chia quá trình
phát triển tư tưởng địa-chính trị thành các giai đoạn chủ yếu sau: giai đoạn từ thế kỷ XIX đến chiến
tranh thế giới thứ nhất, giai đoạn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, giai đoạn từ sau chiến tranh thế
giới thứ hai đến nay. Bài viết tập trung vào các nhà tư tưởng địa-chính trị nổi tiếng như Alfred Thayer
Mahan với luận điểm “việc kiểm soát quyền lực trên biển là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với quyền

lực quốc gia, những quốc gia có lối vào trên biển dễ trở thành cường quốc hơn các quốc gia trên bộ”,
Halford Mackinder với quan điểm nổi tiếng: “Ai chiếm được vùng Đông Âu thì sẽ chiếm được vùng
đất trung tâm (hàm ý nói về nước Nga); ai nắm được vùng đất trung tâm sẽ chỉ huy được hòn đảo của
thế giới (đại lục Á - Âu); ai nắm được hòn đảo của thế giới sẽ chi phối được cả thế giới” và Saul Cohen
với bản thiết kế về một thế giới được phân chia thành các khu vực địa-chiến lược dưới áp lực của các
siêu cường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng địa-chiến lược của hai lãnh địa đối với Mỹ, đó


là: lãnh địa mậu dịch hàng hải hướng ngoại (Tây Âu, châu Phi, các nước châu Mỹ) và lãnh địa lục địa
hướng nội (Liên Xô trước đây, Trung Quốc). Tuy nhiên, các tác giả chưa đề cập đến thuyết “Vùng rìa”
(Rim Land) của Nicholas John Spykman, thuyết “Sức mạnh trên không” (Air Power) của Alexander
Procofieff de Seversky.
Năm 1996, NXB Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Sự đảo lộn của thế giới địa chính trị
thế kỷ XXI” của Maridon Tuareno do Nguyễn Văn Hiến dịch. Bà Maridon Tuareno là một chuyên gia
có uy tín ở Pháp về các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế, đã từng làm cố vấn về các vấn đề chiến
lược và quốc phòng cho thủ tướng Pháp Misen Rôca trong những năm 1988 - 1991. Cuốn sách cho ta
một bức tranh sinh động và chi tiết về những thay đổi diễn ra trên thế giới sau khi Chiến tranh lạnh kết
thúc, và những thay đổi ấy được phân tích rất cặn kẽ trong bối cảnh lịch sử và bối cảnh khu vực của
chúng. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một lý thuyết về quan hệ quốc tế hiện đại mà chúng ta không thể
đồng tình: theo bà, với sự chấm dứt của “trật tự Yanta”, thế giới sẽ là một thế giới chịu sự chi phối của
châu Âu, của sức mạnh và các giá trị của châu Âu.
Năm 2004, NXB Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách “Nước Mỹ nửa thế kỷ chính sách đối
ngoại của Hoa Kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh” của Thomas J. McCormich do Thùy Dương dịch.
Trọng tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong và sau Chiến tranh lạnh là thực hiện kế hoạch bá
quyền Mỹ. Chiến tranh lạnh là một phần của kế hoạch bá quyền, một phần quan trọng trong kế hoạch
đó là việc ngăn chặn và chế ngự Liên Xô, việc ràng buộc nước Anh vào một “mối quan hệ đặc biệt”,
việc kiềm chế Đức và Nhật Bản, cũng như việc kiềm chế chủ nghĩa dân tộc cách mạng ở Thế giới thứ
ba bằng “củ cà rốt và cây gậy” cũng chỉ là một phần của nhiệm vụ này. Mặc dù Chiến tranh lạnh đã kết
thúc song Chính phủ Mỹ vẫn tin rằng cấu trúc của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đòi hỏi phải có một trung
tâm bá quyền để đặt ra và cưỡng chế thi hành các luật lệ quốc tế của chủ nghĩa tư bản tự do, và chỉ Mỹ

mới có sức mạnh để đóng vai trò đó.
“Bàn cờ lớn” là tác phẩm tiêu biểu của Zbigniew Brzezinski về địa-chính trị thế giới, mô tả và
lý giải chiến lược toàn cầu của nước Mỹ trong thế kỷ XXI dưới lăng kính lợi ích chính trị và khả năng
duy trì vị trí siêu cường của quốc gia này. Theo Brzezinski, trên “bàn cờ lớn” đó, lục địa Âu - Á là nơi
sẽ diễn ra những tranh chấp chủ yếu và chính tại nơi đó, Mỹ sẽ khẳng định được vị trí lãnh đạo thế giới
của mình. Vì vậy, đảm bảo vị trí lãnh đạo của Mỹ trong NATO, mở rộng tổ chức này về địa lý và
phạm vi tác chiến, duy trì sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng tuyệt đối của Mỹ tại các khu vực then
chốt như Trung Đông, Viễn Đông (Nhật Bản và Hàn Quốc), tăng cường xâm nhập những địa bàn chiến
lược then chốt (Trung Á, Đông Nam Á) sẽ là những bước đi mang tính “chiến thuật” nhằm đảm bảo
không một đối tượng nào có thể nổi lên tranh giành quyền lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, trong
cuốn sách này, Brzezinski đã đánh giá chưa đúng vai trò của Trung Quốc, tuyệt đối hóa vai trò của Mỹ
trong trật tự thế giới ngày nay. Brzezinski đã gọi tên bàn cờ lớn là “bàn cờ Âu - Á” để giới hạn không


gian mô tả của mình. Sự quá chú trọng đến khu vực Âu - Á đã khiến cho quan điểm về thế giới mới
của Brzezinski thiếu đi tính toàn diện, dù không hẳn là phiến diện. Cho dù vai trò của lục địa Âu - Á
trong việc hình thành trật tự thế giới có lớn đến mức nào thì cũng không thể xem nhẹ các khu vực khác
(châu Phi, châu Mỹ).
Năm 2003, Viện Thông tin Khoa học xã hội xuất bản công trình nghiên cứu “Khủng bố và
chống khủng bố với vấn đề an ninh quốc tế”. Trong công trình, các tác giả đã đưa ra định nghĩa về
khủng bố: “Khủng bố là những hành vi bạo lực không tuyên bố nhằm vào những mục tiêu không được
trang bị các phương tiện quân sự hoặc không được báo trước để tự bảo vệ mình, nhằm mục đích gây
sức ép đối với nhà cầm quyền về mặt chính trị” [80, tr.24], đồng thời phân tích nguyên nhân của chủ
nghĩa khủng bố nằm ở mối quan hệ giữa nhà nước với dân chúng, giữa những người cai trị với người
bị cai trị, giữa khu vực trung tâm và khu vực ngoại vi, vì vậy xây dựng tốt các mối quan hệ này sẽ có
cơ hội loại trừ được chủ nghĩa khủng bố. “Vụ chấn thương ngày 11/9 đòi hỏi phải thực hiện nhiều công
việc tái cơ cấu về mặt địa-chính trị và thể chế”, cụ thể là Mỹ cần “tập hợp rộng rãi các quốc gia thành
một mặt trận hợp tác linh hoạt chống khủng bố; trợ giúp về mặt kinh tế, chính trị, quân sự để ổn định
khu vực cho vùng Trung Đông, Trung Á, thậm chí cho cả Đông Nam Á; khuyến khích dân chủ hóa đối
với các chế độ bị nhiều nước phản đối đồng thời với cả những nước phương Tây ủng hộ họ; cuối cùng

cần hợp nhất dân nhập cư đến phương Tây đang ngày càng gia tăng do logic toàn cầu hóa” [80, tr.154155]. Thông qua cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ đã củng cố được vị trí địa-chính trị của mình.
Năm 2003, Nguyễn Đình Luân có bài nghiên cứu “Tìm hiểu logic địa-chính trị trong chiến lược
đối ngoại của Mỹ sau Chiến tranh lạnh” đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế. Bài viết phân tích tầm
quan trọng của địa-chính trị trong ván bài của các nước lớn, làm rõ khái niệm “cấu trúc nền” và các
“cửa ô” của cơ cấu địa-chính trị đầu thế kỷ XXI. Quan trọng nhất là Nguyễn Đình Luân đã có những
nhận định về các tính toán địa-chính trị của Mỹ, cụ thể như việc Iraq tiến công Kuwait tạo cơ hội cho
Mỹ đóng quân lâu dài ở Trung Đông, quá trình Đông tiến của NATO với mục tiêu vẽ lại bản đồ địachính trị ở châu Âu, khủng hoảng Balkan và cuộc chiến Kosovo với ý đồ khống chế bán đảo Balkan,
sự kiện 11/9 và cuộc chiến chống khủng bố với mục tiêu biến “nguy cơ” thành “thời cơ” tiến quân vào
Trung Á, thay đổi bàn cờ chính trị ở Trung Đông, trở lại Đông Nam Á về quân sự. Bài viết cũng đề cập
đến những tác động và giới hạn chiến lược của Mỹ. Giá trị tham khảo của bài viết là rất lớn, tuy nhiên
do số lượng trang của bài nghiên cứu còn hạn chế - chỉ 13 trang nên cần bổ sung những nội dung chi
tiết, cụ thể làm sáng tỏ những nhận định trên.
Năm 2005, Hồ Châu có bài viết “Chiến lược Á - Âu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh - nhìn từ
góc độ địa-chính trị” đăng trên tạp chí Nghiên cứu châu Âu. Như tên của bài viết, nội dung chính được
đề cập ở đây là sự phân tích chính sách của Mỹ đối với lục địa Âu - Á sau hơn 10 năm Chiến tranh
lạnh kết thúc dưới góc nhìn địa-chính trị. Bài viết nêu rõ: “Điều quan trọng nhất để tìm kiếm vai trò bá


chủ thế giới chính là làm sao để khống chế và giữ vai trò chủ đạo trong các công việc tại lục địa Á Âu” [7, tr.19]. Từ đó Mỹ đã hình thành một chiến lược quan trọng khác là ngăn chặn bất kỳ nước lớn
hoặc một liên minh nào khác ở châu Âu có khả năng vươn lên loại bỏ hoặc đe dọa gạt Mỹ ra khỏi lục
địa Âu - Á. Trọng tâm trong hoạt động đối ngoại của Mỹ là khống chế châu Âu đặc biệt là Tây Âu, mở
rộng NATO, tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gia tăng ảnh hưởng
ở các khu vực Trung Đông, Trung Á và Nam Á. Bài viết chủ yếu đề cập đến các quan hệ Mỹ - Liên
minh châu Âu, quan hệ Mỹ - Nhật, quan hệ Mỹ - Ấn Độ; quan hệ Mỹ - Nga chỉ điểm vài nét quanh vấn
đề các nước SNG, khu vực Trung Á, chưa nói đến quan hệ cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong
khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số vấn đề khác như vấn đề Kosovo, vấn đề hạt nhân trên
bán đảo Triều Tiên v.v...
Năm 2006, John Bellamy Foster có bài nghiên cứu “The New Geopolitics of Empire” đăng trên
tạp chí Monthly Review. Bài viết phân tích những tư tưởng địa-chính trị của Mackinder, Haushofer,
Spykman và ảnh hưởng của nó đến chính sách đối ngoại của các cường quốc Anh, Đức, Mỹ và lịch sử

thế giới. Cụ thể là địa-chính trị của “hòa bình kiểu Mỹ” là nội dung của yếu tố địa-chính trị trong chiến
lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh và “địa-chính trị mới” giai đoạn sau Chiến tranh lạnh
“đã di chuyển từ vùng đến phạm vi toàn cầu”. Mục tiêu địa-chính trị xuyên suốt trong chiến lược toàn
cầu của Mỹ là ngăn chặn sự xuất hiện của bất cứ một nước hay liên minh nào chống lại uy quyền tối
cao trên phạm vi toàn cầu của Mỹ. Foster cũng khẳng định sự thất bại của địa-chính trị đế quốc và trật
tự đơn cực của Mỹ, đồng thời tìm kiếm sự hòa bình ở một thế giới công bằng của chủ nghĩa xã hội.
Qua vài nét mang tính tổng quan như trên cho thấy vấn đề “yếu tố địa-chính trị trong chiến lược
toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến nay” hết sức rộng lớn và phức tạp, cần được tiếp tục
nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.
3. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian, luận văn nghiên cứu yếu tố địa-chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau
Chiến tranh lạnh (12/1989) đến nay (5/2008).
- Về không gian nghiên cứu của vấn đề, chủ yếu ở châu Âu, châu Á - những khu vực địa-chính
trị trọng tâm của thế giới, châu Phi và châu Mỹ được đề cập ở mức độ hạn chế.
- Về nội dung nghiên cứu, bên cạnh những nét khái quát về địa-chính trị và yếu tố địa-chính trị
trong lịch sử nước Mỹ giai đoạn trước và trong Chiến tranh lạnh, luận văn chủ yếu trình bày yếu tố địachính trị trong chính sách đối ngoại của Mỹ với các khu vực và trong sự tham dự của Mỹ vào các sự
kiện và vấn đề tiêu biểu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng tôi
đã vận dụng các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành sau đây:


- Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử nhằm tái hiện lại bức tranh sinh động về sự vận dụng
yếu tố “địa-chính trị” trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ ở các khu vực chủ yếu trên thế
giới từ sau Chiến tranh lạnh (12/1989) đến nay (5/2008).
- Chúng tôi sử dụng phương pháp logic để lý giải những tính toán địa-chính trị của Mỹ, phát
hiện ra mục đích của việc vận dụng yếu tố “địa-chính trị” là nhằm tìm kiếm những nguồn lực kinh tế
cho sự sinh tồn và phát triển quốc gia, củng cố và giữ vững địa vị bá quyền của Mỹ.
- Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các phương pháp liên ngành như phương pháp nghiên cứu
quan hệ quốc tế nhằm tìm hiểu các sự kiện, các vấn đề quốc tế; phương pháp khu vực học nghiên cứu

mối quan hệ giữa Mỹ và các khu vực; và sử dụng những kiến thức của địa-văn hóa, địa-kinh tế… nhằm
hiểu rõ nguồn gốc của các vấn đề quốc tế có liên quan đến chiến lược toàn cầu của Mỹ.
5. Đóng góp của luận văn
- Luận văn trình bày một cách tương đối đầy đủ, hệ thống và toàn diện về vấn đề địa chính trị
nói chung và yếu tố địa-chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nói riêng từ sau Chiến tranh lạnh
đến nay, góp phần lấp đầy khoảng trống này trong nghiên cứu lĩnh vực địa chính trị.
- Phục dụng bức tranh toàn cảnh về sự vận dụng yếu tố “địa-chính trị” trong việc giải quyết
những vấn đề quốc tế, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ ở các khu vực chủ yếu ở trên thế giới từ
sau Chiến tranh lạnh đến nay.
- Kết quả nghiên cứu đạt được phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và những ai
quan tâm đến khoa học địa-chính trị, cũng như vận dụng tư tưởng địa-chính trị trong chiến lược toàn
cầu của Mỹ.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung chính của luận văn được
kết cấu thành 3 chương như sau:
Chương 1: Khái quát về địa-chính trị và yếu tố địa-chính trị trong lịch sử nước Mỹ giai đoạn
trước và trong Chiến tranh lạnh
Chương 2: Yếu tố địa-chính trị trong chiến lược toàn cầu của Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh đến
nay
Chương 3: Yếu tố địa-chính trị trong sự tham dự của Mỹ vào các sự kiện và vấn đề tiêu biểu


Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA-CHÍNH TRỊ VÀ YẾU TỐ ĐỊA-CHÍNH TRỊ TRONG LỊCH SỬ
NƯỚC MỸ GIAI ĐOẠN TRƯỚC VÀ TRONG CHIẾN TRANH LẠNH
1.1. Khái quát về địa-chính trị
1.1.1. Khái niệm
Trong những năm gần đây, khái niệm “địa- chính trị” (geopolitics) thường được đề cập nhiều
trong các công trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Thuật ngữ “địa-chính trị” được sử dụng lần đầu
tiên vào năm 1899 với tên tuổi của Rudolph Kjellen (1864-1922) - nhà địa lý học Thụy Điển. Năm

1905, Kjellen sử dụng thuật ngữ này nhằm biểu thị “khoa học của một quốc gia với tư cách là một
vùng trong không gian”. Quan niệm này của ông chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng địa-chính trị của
Friedrich Ratzel (người Đức). Kjellen quan niệm quốc gia như một cơ thể sống và có một quyết tâm
sống mãnh liệt. Năm 1917, Kjellen đã nêu lên định nghĩa về địa-chính trị: đó là khoa học coi quốc gia
là một tổ chức về mặt địa lý hay là một hiện tượng trong không gian. “Tổ chức” này bị ràng buộc với
cuộc đấu tranh không bao giờ kết thúc để có được các nguồn lực cần thiết cho sự sống, trong đó lãnh
thổ là cái quan trọng nhất.
Mở rộng lãnh thổ vì vậy luôn là mục tiêu của mỗi quốc gia nhằm tìm kiếm nguồn lực kinh tế, tài
nguyên thiên nhiên cho sự sinh tồn và phát triển quốc gia. Hệ thống thuộc địa của các đế quốc Anh,
Pháp, Mỹ ... vào cuối thế kỷ XIX - giữa thế kỷ XX cũng là nhằm tận dụng nguồn nguyên nhiên liệu,
nhân lực, thị trường tiêu thụ của thế giới để đáp ứng nhu cầu phát triển của những nước này. Trước
thành công của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nửa sau thế kỷ XX, chủ nghĩa thực dân có
sự thay đổi tinh vi về mặt hình thức. Các cường quốc tìm cách gây ảnh hưởng về kinh tế, chính trị ở
những nước nhỏ yếu hơn nhằm thu hút những nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, chất xám phục vụ cho
những mục tiêu tăng trưởng của quốc gia, biến những nước nhỏ thành những công cụ, phương tiện để
thực hiện sự bá quyền.
Vị trí địa lý là yếu tố trọng yếu của địa-chính trị gồm các khía cạnh chính là vị trí địa lý tự
nhiên, vị trí địa lý giao thông, vị trí địa lý quốc phòng. Vị trí địa lý, đặc biệt là vị trí giao thông và vị trí
quốc phòng có ý nghĩa xác định tầm quan trọng của một quốc gia trong quan hệ với các nước khác và
giữa các nước khác với nhau, đặc biệt là giữa các cường quốc.
Trong lịch sử, Thái Lan đã biết tận dụng vị trí địa lí để làm trái độn giữa các cường quốc. Thái
Lan nằm giữa các vùng thuộc địa của Anh và Pháp. Phía Đông là Đông Dương - thuộc địa của Pháp,
phía Tây là Mianma - thuộc địa của Anh. Lợi dụng vị trí nước “đệm” và mâu thuẫn giữa hai thế lực
Anh và Pháp, Thái Lan đã thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo (chính sách ngoại giao cây tre),
cho tư bản nước ngoài được phép đầu tư kinh doanh, cắt nhượng một số vùng đất phụ thuộc (vốn là


lãnh thổ của Campuchia, Lào, Mã Lai). Kết quả Thái Lan trở thành vùng trung lập, cơ bản giữ được
chủ quyền đất nước, không lệ thuộc hẳn vào nước nào.
Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và

các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà
nước. “Chính trị là sự phản ánh tập trung của kinh tế” nên cạnh tranh địa-chính trị luôn có nội hàm
kinh tế xác định như vấn đề năng lượng chẳng hạn, nhưng chính trị có tính độc lập tương đối. Chính trị
có quy luật riêng. Một nước Nhật Bản mạnh về kinh tế (là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới) nhưng
vẫn là “chú lùn về chính trị”. Về phương diện kinh tế, cả Trung Quốc và Nga đều thua xa Mỹ nhưng
vẫn có vai trò chính trị lớn trên thế giới. Chính trị quốc tế là cuộc đấu tranh giành quyền lực và quyền
lực được xác định trong mối quan hệ với lợi ích: ai giành được cái gì, được bao nhiêu, khi nào và bằng
cách nào [46, tr.25-26].
Trên thực tế, giữa địa lý và chính trị có quan hệ nhân quả; nói cụ thể hơn, địa lý thường ảnh
hưởng đến các quyết định chính trị và ngược lại, quyền lực chính trị có ảnh hưởng đến địa lý. Việt
Nam là một nước nhỏ, giàu tài nguyên lại ở sát nách một nước Trung Quốc khổng lồ nên đã được
Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Trung Quốc đã từng thống trị nước ta đến cả ngàn năm và còn nhiều
lần xâm lăng nhưng đã bị quân dân ta đánh bại. Sự quan tâm ấy đến nay vẫn tồn tại vì Việt Nam nằm
trên trục giao thông của nhiều nước và do đó, chiếm một vị trí đặc biệt về quân sự, chính trị và kinh tế
tại Đông Nam Á và, lẽ dĩ nhiên, Việt Nam luôn nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc.
Trung Quốc có tham vọng trở thành cường quốc thế giới và lãnh đạo khu vực, do đó Trung Quốc
tăng cường khống chế biển Đông và gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Đối với Trung Quốc, biển Đông
có tầm quan trọng sống còn: 80% dầu lửa nhập khẩu của Trung Quốc cũng như phần lớn hàng
hóa thông thương giữa Trung Quốc với châu Âu và Trung Đông đi qua đây.
Địa-chính trị chủ yếu bàn về mối quan hệ giữa chính trị và các nhân tố mang tính chất địa lý,
các hình thức tập hợp lực lượng và các chiến lược (quân sự và chính trị) theo một quan điểm mang tính
địa lý. Ví dụ các nhà địa-chính trị cổ điển như Mahan, Mackinder thường phân biệt cường quốc đại
dương như Anh, Mỹ với cường quốc lục địa như Nga, Trung Quốc. Từ đó hình thành nên bản đồ địachính trị thế giới phục vụ cho chính sách đối ngoại của Anh và Mỹ với những khái niệm “heartland”
của Mackinder, “rimland” của Spykman...
Tài nguyên địa-chính trị của một nước là sự kết hợp của địa thế, tài nguyên thiên nhiên
và tài nguyên nhân văn của nước đó với những vận hội mà cục diện chính trị và kinh tế quốc tế mở
ra cho nước đó. Tài nguyên địa-chính trị của một khu vực là những lợi thế có được do địa lý - cả tự
nhiên lẫn nhân văn - của khu vực đó trên bản đồ chính trị quốc tế [38, tr.18]. Tài nguyên địachính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vận mệnh của một nước. Người ta thường nghĩ một
nước giàu có là nhờ khoáng sản phong phú hoặc dân cư cần cù nhưng trong nhiều trường hợp,



chính tài nguyên địa chính trị là yếu tố có tầm quan trọng số một trong việc quyết định sự phồn
thịnh của một quốc gia. Hai ví dụ tiêu biểu là Hồng Kông và Singapore và một phản ví dụ là Congo
(Kinshasa). Congo Kinshasa là nước rất giàu tài nguyên khoáng sản, với trữ lượng kim cương và
nhiều loại quặng quý khác đứng hàng đầu thế giới, nhưng cho đến nay vẫn là một trong những
nước nghèo nhất trên địa cầu. Trong khi đó thì Hồng Kông và Singapore đều không có chút tài
nguyên thiên nhiên gì, ngoài một vị trí trung chuyển rất thuận lợi trên con đường biển nối giữa Ấn
Độ Dương với Thái Bình Dương (Singapore) và một vị trí vừa trung chuyển trên con đường giao
thương nói trên vừa là cửa ngõ của thế giới vào Trung Quốc (Hồng Kông).
Đặc điểm địa-chính trị của mỗi quốc gia thay đổi theo trình độ phát triển và bối cảnh chung của
khu vực và thế giới. Thí dụ, cùng với sức ép của toàn cầu hóa và sự leo thang của khủng bố bạo lực, sự
trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, trước hết là Mỹ Trung ở Đông Nam Á đã và đang làm thay đổi sâu sắc môi trường địa - chính trị khu vực này. Xét tầm
với của các nước lớn hiện nay và trong tương lai gần thì Việt Nam có thể trở nên quan trọng hơn đối
với ba nước là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản; trong tầm trung và dài hạn, Việt Nam còn có khả năng
nằm trong bàn cờ chiến lược của cả Nga và Ấn Độ. Sự cạnh tranh chiến lược trên đang làm tăng vị thế
địa-chính trị của Việt Nam. Việt Nam có thể trở thành “đầu mối” của các nỗ lực hợp tác và liên kết
kinh tế cho khu vực và thế giới với tư cách là “cửa ngõ” ra biển cho vùng Tây Nam của Trung Quốc,
Lào, Campuchia và miền Bắc Thái Lan, và “đầu cầu” trên đất liền, trên biển và trên không giữa Đông
Bắc Á và Đông Nam Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa Âu - Mỹ và các nước trong khu
vực [47, tr.67].
Bán kính vùng ảnh hưởng của địa-chính trị có xu hướng mở rộng trong xu thế toàn cầu hóa
đang diễn ra mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong hơn 20 năm qua của Trung Quốc, các
nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng giờ đây “chiếc chổi” của Trung Quốc đã đủ dài để quét khắp thế
giới, mở rộng phạm vi ảnh hưởng địa-chính trị của Trung Quốc và xây dựng được những cơ sở chiến
lược cung cấp năng lượng và nguyên vật liệu cho Trung Quốc. Chiến lược “Một vòng ba tuyến” thể
hiện tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. “Một vòng” là các nước láng giềng xung quanh, hình thành vành
đai gần thông qua hợp tác Trung Quốc - ASEAN, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Trung Á,
Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Nga..., tiếp đó là ba trọng điểm phân bố thành “ba tuyến” ở ba châu
lục: Nam Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi. Đây là điều rất quan trọng đảm bảo cho sự phát triển trong
tương lai của Trung Quốc.

Từ lý thuyết về địa-chính trị, có thể vận dụng hai khái niệm là “cấu trúc nền” và “cửa ô” để mô
tả trung tâm địa - chính trị và các vị trí chiến lược then chốt, nơi các cường quốc thường cạnh tranh,
kiềm chế lẫn nhau để giành được vị thế tối ưu trong việc chi phối khu vực hoặc cả thế giới. Hai khái


niệm này có mối quan hệ qua lại với nhau. Nhìn vào bản đồ chính trị thế giới có thể thấy các vị trí “cửa
ô” đó là:
+ Ba bán đảo: Ban Căng, Triều Tiên, Đông Dương.
+ Hai “trung”: Trung Đông và Trung Á.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là 3 vị trí chiến lược: Trung Đông, Trung Á, bán đảo Đông
Dương, ngoài tầm quan trọng về giao thông chiến lược, đều là những khu vực có trữ lượng dầu lửa và
khí đốt lớn nhất thế giới (vùng Vịnh, biển Caspian và biển Đông).
Theo Jefferey Park, tác giả cuốn “Tư tưởng địa-chính trị phương Tây thế kỷ XX”, địa-chính trị
học nghiên cứu hiện tượng không gian địa lý của một quốc gia hoặc khu vực, chỉ ra cơ sở địa lý đối với
thực lực và ảnh hưởng chính trị của quốc gia hoặc khu vực đó. Địa-chính trị học khảo sát hoạt động
của đất nước trong bối cảnh lãnh thổ, khu vực, tài nguyên thiên nhiên, phân bố nhân khẩu, hoạt động
kinh tế, cơ cấu chính trị - quyền lực.
Như vậy, “địa-chính trị là khoa học nghiên cứu về mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố địa
lý và chính trị. Mục đích của nó là nhằm luận giải các quan hệ quốc tế dựa trên các yếu tố địa lý, tức là
nghiên cứu các thực thể, quá trình, xu hướng cũng như sự phân bố quyền lực chính trị trên phạm vi địa
lý và trong thời điểm lịch sử cụ thể” [47, tr.13].
Ngoài khái niệm quen thuộc “địa-chính trị”, ngày nay người ta còn nhắc đến khái niệm “chính
trị dầu lửa” (petropolitics) vì giá dầu cao đang chi phối mạnh mẽ đến chính trị và ngược lại chính trị
cũng đang tác động đến giá dầu.
Địa-chính trị có mối quan hệ gần gũi với địa-văn hóa, địa-kinh tế, cả ba đều thuộc địa lý nhân
văn. Địa-văn hóa là khoa học nghiên cứu, tìm hiểu những đặc thù về văn hóa của các dân tộc do sự tác
động và ảnh hưởng qua lại giữa môi trường tự nhiên và văn hóa tạo nên. Chẳng hạn môi trường tự
nhiên Đông Nam Á có núi, sông, đồng bằng, chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa nên nền văn hoá
Đông Nam Á có bản sắc riêng. Đó là một phức thể văn hóa của các cư dân thuộc nền văn minh nông
nghiệp lúa nước với ba yếu tố: văn hóa núi, văn hóa đồng bằng và văn hóa biển, trong đó văn hóa đồng

bằng tuy có sau nhưng lại đóng vai trò chủ đạo. Văn hóa Đông Nam Á có nền nông nghiệp lúa nước do
điều kiện môi trường và sự lựa chọn của cư dân ở đây. Chính vì vậy, nghề trồng lúa nước kết hợp với
chăn nuôi, làm vườn, đi biển đánh cá là một đặc điểm tiêu biểu của người dân Đông Nam Á. Địa-kinh
tế là khoa học nghiên cứu các đặc điểm địa lý ảnh hưởng đến tiến trình phát triển kinh tế của một vùng,
một quốc gia, thậm chí một khu vực. Chẳng hạn, đặc điểm địa lý khu vực Địa Trung Hải tạo ra thế
mạnh để phát triển vận tải biển và thương nghiệp của các quốc gia ở khu vực này.
Yếu tố địa-văn hóa, địa-kinh tế là nguồn gốc nảy sinh các vấn đề địa-chính trị. Ví dụ như xung
đột sắc tộc, xung đột tôn giáo giữa người Albania theo Hồi giáo và người Serbia theo Chính thống giáo
đã dẫn đến sự ly khai của Kosovo ra khỏi Serbia; hay các mỏ dầu ở vùng Trung Đông là nguồn gốc của


sự can thiệp thường xuyên của các thế lực bên ngoài vào khu vực này và đã biến Trung Đông thành
“thùng thuốc súng”.
1.1.2. Khái quát lịch sử phát triển tư tưởng địa-chính trị thế giới
Với tư cách là một môn khoa học độc lập, địa-chính trị đã ra đời tại các nước phát triển Âu-Mỹ
vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau đó phát triển mạnh mẽ trên thế giới đến giai đoạn chiến tranh
thế giới thứ hai. “Người được coi là cha đẻ của địa- chính trị học là một lý thuyết gia người Mỹ - ông
Alfred Thayer Mahan (1840-1914)” [47, tr.13]. Alfred Thayer Mahan được giới khoa học đánh giá là
một nhân cách và tài năng đa dạng đặc biệt. Ông vừa là cố vấn của Tổng thống Mỹ, quan hệ thân thiết
với quan chức Anh, vừa là nhà sử học, nhà cải cách hải quân, là nhà thần học. Mahan được xem là
“nhà truyền giáo” về quyền lực đại dương với tác phẩm nổi tiếng “The enfluence of sea power upon
history” (Ảnh hưởng của quyền lực đại dương trong lịch sử) (1890) được coi là kinh điển của địa-chính
trị học. Trong cuốn “The enfluence of sea power upon history”, Mahan một mặt phân tích tác động của
việc kiểm soát các vùng biển, lãnh hải (nhất là các vùng hẹp) đối với đường giao thông biển của các
quốc gia; mặt khác ông cũng nghiên cứu về sự lớn mạnh của đế chế Anh với tư cách là một quốc gia
hải đảo. Khái niệm cơ bản được ông sử dụng là “các vùng biển và quyền lực quốc gia”. Theo ông có
sáu điều kiện khiến cho một quốc gia phát triển được sức mạnh trên biển của mình, đó là:
1. Vị trí địa lý đối với biển của quốc gia đó
2. Những đặc trưng địa chất của lãnh thổ quốc gia trong tương quan với các đại dương, chiều
dài bờ biển, số lượng hải cảng, độ sâu của nước và địa hình che chắn các hải cảng

3. Chiều rộng của lãnh thổ quốc gia và tương quan giữa địa lý địa chất và địa lý nhân văn
4. Dân số
5. Có hay không truyền thống thương mại trong bản tính dân tộc
6. Đặc trưng của lãnh đạo quốc gia, thiên về một quốc gia chuyên chế (như Tây Ban Nha) hay
dân chủ (như Anh, Mỹ) [30, tr.142].
Công trình lý luận này đã gây ảnh hưởng lớn đến tư duy của vua Phổ Wilhelm II. Ông vua hiếu
chiến này hết lời ca ngợi và áp dụng vào chiến lược hải quân của mình.
Như vậy, nội dung của thuyết “Sức mạnh trên biển” của Mahan là: việc kiểm soát quyền lực
trên biển là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với quyền lực quốc gia, là tiêu chí và nhân tố cơ bản đối với
sự giàu mạnh và phồn vinh của một quốc gia, những quốc gia có lối vào trên biển dễ trở thành cường
quốc hơn các quốc gia trên bộ. Có thể nói, ai khống chế được biển sẽ trở thành cường quốc thế giới.
Vấn đề then chốt để khống chế biển là chiếm giữ các eo biển và khống chế các tuyến hàng hải quan
trọng huyết mạch. Tư tưởng này của Mahan có ảnh hưởng rất lớn đối với các lý thuyết địa-chính trị sau
này.


Người có sự mô tả rõ ràng và tương đối phong phú về thế giới dưới góc độ địa - chính trị là nhà
địa lý học người Anh - Sir Halford Mackinder (1861-1947). Mackinder không chỉ là một nhà địa lý
học, ông còn là nhà kinh tế học và một chính trị gia. Ông bắt đầu phát triển những tư tưởng địa-chính
trị năm 1904 với bài viết: “The Geographical Pivot of History” (Mấu chốt địa lý của lịch sử). Ông đã
nêu ra tư tưởng về “trục quay địa lý của lịch sử”. Ông cho rằng, trái đất là một hệ thống đóng, trong đó
sự thay đổi trên một bộ phận của hệ thống này sẽ làm thay đổi sự cân bằng của các mối quan hệ trên
tất cả các phần còn lại. Trong bài viết này, Mackinder đã thể hiện mối quan hệ giữa 3 yếu tố địa lý kỹ thuật - chính trị của một quốc gia, sự phát triển của 3 yếu tố ấy sẽ đem lại quyền lực trên đất liền
chứ không phải trên biển như Mahan quan niệm.
Mackinder rất quan tâm tới sự chi phối về mặt địa lý, đặc biệt là quyền lực của đất và quyền lực
của nước (biển và đại dương). Nét đặc sắc trong cách nhìn của ông là không chia lịch sử theo thời
gian, mà theo các khái niệm không gian, nghĩa là theo cách nhìn không gian hóa lịch sử với những
chuyển hóa bên trong hết sức sinh động. Dưới con mắt của ông, trái đất hiện ra như là một không gian
duy nhất, thống nhất và đã được chiếm lĩnh, là một hệ thống khép kín. Ông dự báo rằng thời của
cường quốc hải quân (như nước Anh) đã hết, và thế giới bắt đầu kỷ nguyên cường quốc lục địa.

Mackinder đã viết trong “Democratic Ideals and Reality” (Tư tưởng dân chủ và sự thực) (1919) là
“những cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của sự phát triển không
đều của các quốc gia” và “sự phát triển của các đế quốc cần đến yếu tố địa-chính trị” [87, tr.1-2].
Mackinder là tác giả của luận điểm vùng đất trung tâm (heartland). Ông đã dành trọn cuộc đời
hoạt động học thuật và chính trị của mình cho mục tiêu bảo vệ vị trí cường quốc của nước Anh trước
nguy cơ Mỹ, Đức, Nga lớn mạnh. Theo ông, Trung Á là pháo đài quyền lực trong nền chính trị toàn
cầu. Pháo đài ấy trở thành bất khả xâm phạm trước sức tấn công của các cường quốc biển bởi nó được
bảo vệ bởi hai vành đai: vành đai bên trong là các nước Đông Âu và vành đai bên ngoài là các không
gian Á - Phi - châu Mỹ. Vai trò chiến lược sống còn của vùng đất trung tâm được Mackinder khái quát
trong công thức: “Ai khống chế Đông Âu, sẽ làm chủ vùng đất trung tâm (vùng Trung Á). Ai làm chủ
vùng đất trung tâm, sẽ cai quản hòn đảo của thế giới (đại lục Âu - Á - Phi). Ai cai quản hòn đảo của
thế giới Âu - Á - Phi sẽ bá chủ toàn cầu” [87, tr.186].
Mackinder muốn dùng sơ đồ chiến lược này để chỉ ra con đường làm bá chủ thế giới cho nước
Anh. Nhưng lập luận của ông lại rất “hợp khẩu vị” của nước Đức, cho nên nó đã bị các nhà địa-chính
trị Đức lợi dụng, xây dựng thành cơ sở lý luận của chiến lược bành trướng phát xít.
Quan điểm địa-chính trị của người Đức vào những năm 20 của thế kỷ XX đặc biệt nhấn mạnh tới
yêu cầu về không gian lãnh thổ của một quốc gia. Karl Haushofer (1869-1946) là nhà địa-chính trị nổi
tiếng của nước Đức, từng phục vụ trong quân đội với cấp bậc thiếu tướng trước khi giảng dạy tại Đại
học Munich vào năm 1919. Haushofer có mối quan hệ thân thiết với Hitler và phục vụ Hitler với tư


cách là cố vấn quân sự. Từ năm 1924, Haushofer đã sáng lập ra tạp chí chuyên ngành về địa-chính trị
với tên gọi “Zeitschirift Fiir Geopolitik”, trong đó đăng nhiều bài bào chữa và khuyếch trương cho
chính sách dân tộc cực đoan, cũng như hành động xâm chiếm lãnh thổ đầy tội ác của chủ nghĩa phát xít
Đức. Ông đã đưa ra khái niệm “không gian sinh tồn” quốc gia và nhìn thế giới dưới góc độ có một
vùng đất trung tâm (nước Đức) và các khu vực liên quan. Từ đó, ông ta cho rằng nước Đức là một tổ
chức quan trọng sống còn được thiên phú cho cái quyền tự nhiên đi bành trướng xâm lược, thống trị
các dân tộc khác. Có thể nói, lý thuyết địa-chính trị của Haushofer lúc ấy đã trở thành nền móng về mặt
tri thức, cung cấp cơ sở lý luận cho việc phát xít hóa nước Đức và là công cụ tuyên truyền cho cuộc
chiến tranh nhằm chia lại thế giới của nước Đức quốc xã.

Nicholas John Spykman có thể được xem là học trò và nhà phê bình của cả hai nhà địa chiến
lược Alfred Mahan và Halford Mackinder. Spykman (1893-1943) là một nhà địa chiến lược người Mỹ
gốc Hà Lan, là “cha đẻ của thuyết bao vây khoanh vùng”. Ông là một trong những nhà sáng lập trường
phái chủ nghĩa hiện thực cổ điển trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Spykman từng là Viện trưởng
Viện nghiên cứu quốc tế Đại học Yale. Một trong những quan tâm hàng đầu của ông là tạo cho sinh
viên cách học địa lý. Ông quan niệm không thể tiếp cận khoa học địa-chính trị nếu không có những
hiểu biết về địa lý.
Spykman nổi tiếng với hai cuốn sách viết về chính sách đối ngoại là “America’s Strategy in
World Politics” và “The Geography of the Peace”. Trong “America’s Strategy in World Politics”, xuất
bản năm 1942, ông cho rằng chủ nghĩa biệt lập, dựa vào đại dương để bảo vệ nước Mỹ đã đến lúc kết
thúc. Mục đích của ông là ngăn chặn sự rút lui của Mỹ sau chiến tranh tương tự như chính sách của Mỹ
sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Chính sách của Mỹ phải là “chỉ huy việc ngăn chặn bá quyền”. Thực
tế cho thấy quan điểm này chỉ nhằm khuyến khích sự mở rộng phạm vi thống trị của đế quốc Mỹ.
“The Geography of the Peace” được xuất bản một năm sau khi ông mất. Trong đó, ông trình bày
quan điểm địa chiến lược của ông là sự cân bằng quyền lực ở châu Âu ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh
nước Mỹ. Vì vậy, Mỹ cần đảm bảo việc ngăn chặn Liên Xô thiết lập quyền lãnh đạo quanh vùng rìa
châu Âu. Ông cho rằng trong nghiên cứu chính sách đối ngoại, cần chú ý trước tiên đến vị trí địa lý của
nước đó. Địa lý chính trị cần xây dựng một bản đồ các cường quốc theo khu vực và thời gian nhất
định. Xuất phát từ quan điểm sùng bái bạo lực, ông tin rằng nền hòa bình thế giới phải dựa vào công cụ
bạo lực mà chỉ các cường quốc mới đủ sức đảm trách.
Spykman nổi tiếng với học thuyết “vùng rìa”. Vùng rìa là vùng đệm giữa sức mạnh vùng trung
tâm và sức mạnh đại dương, an ninh của vùng rìa lệ thuộc vào sự chống đỡ từ hai luồng sức mạnh.
Theo Spykman, vùng rìa chia thành 3 vùng: vùng đất ven biển ở Châu Âu, vùng sa mạc Arabia - Trung
Đông, vùng chịu ảnh hưởng gió mùa Châu Á. Tầm quan trọng của vùng rìa căn cứ vào số lượng nhân
khẩu, tài nguyên thiên nhiên và sự phát triển công nghiệp. Vùng rìa có ý nghĩa quyết định trong việc


kiềm chế vùng trung tâm. Spykman cho rằng bằng việc kiểm soát vùng rìa của châu Âu, Trung Đông,
châu Á - Thái Bình Dương, nước Mỹ có thể hạn chế sức mạnh của vùng trung tâm Âu - Á. Vì vậy,
nước Mỹ cần xây dựng nền móng hải quân và không quân ở Bắc Atlantic và toàn bộ Thái Bình Dương

nhằm bao vây đại lục Âu - Á. Ông nhận xét: “Sức mạnh to lớn của nước Nga Xô viết không đủ để
chống lại một vùng rìa thống nhất dưới sự lãnh đạo của Mỹ, và sự tồn tại của vùng rìa đó sẽ đem đến
cho Mỹ một uy quyền toàn cầu” [91, tr.57]. Vì vậy, Spykman kết luận “Ai kiểm soát vùng rìa sẽ khống
chế được lục địa Âu - Á, ai khống chế được lục địa Âu - Á sẽ làm chủ vận mệnh của thế giới” [91,
tr.43].
Một học thuyết địa-chính trị quan trọng nữa là thuyết “Sức mạnh trên không” (Air Power) của
Alexander Procofieff de Seversky. Seversky (1894-1974) là người Mỹ gốc Nga đi đầu trong lĩnh vực
hàng không, đồng thời là một nhà phát minh và là người ủng hộ sức mạnh trên không với luận điểm:
lực lượng nào khống chế được bầu trời, giành ưu thế trên không thì sẽ đạt được thắng lợi. Thuyết “Sức
mạnh trên không” được Seversky trình bày qua tác phẩm “Victory Through Air Power” xuất bản năm
1942, sau sự kiện Trân Châu cảng và sự tham gia của nước Mỹ vào chiến tranh thế giới thứ hai.
Seversky cho rằng sự phát triển nhanh chóng về phạm vi và sức mạnh tấn công của không quân dẫn
đến một điều chắc chắn là nước Mỹ sẽ bị đặt vào tình trạng nguy hiểm của sự phá hủy từ trên không.
Vì vậy, nước Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến xuyên đại dương và phải trở thành nước
thống trị sức mạnh trên không. Seversky biện luận cho việc phát triển ngay lập tức những máy bay
ném bom tầm xa (khoảng 3000 dặm hoặc hơn), đặc biệt là những máy bay ném bom xuyên lục địa có
khả năng bay từ Mỹ đến tấn công trực tiếp Đức và Nhật mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu.
Nhà làm phim nổi tiếng Walt Disney đã đọc “Victory Through Air Power” và cảm thấy thông
điệp của tác phẩm rất có ý nghĩa đến mức Walt Disney đã tự bỏ tiền làm bộ phim điện ảnh mang tên
tác phẩm. Bộ phim đã thể hiện chính xác tư tưởng của Seversky và thu hút sự quan tâm chú ý của các
quan chức Chính phủ. Seversky là một trong số những người ủng hộ việc thành lập Bộ tư lệnh không
quân năm 1946 và phát triển máy bay B-36 và B-47. Seversky tiếp tục quảng bá những ý tưởng cải tiến
các loại vũ khí và máy bay, đáng chú ý là năm 1964, máy bay một người lái đã được chế tạo.
Như vậy, nội dung chính của các học thuyết địa-chính trị trên đó là: “lợi ích an ninh quốc gia
không tách rời khỏi các hoạt động chính trị và trong mỗi một thời kỳ lịch sử, trên bản đồ chính trị quốc
tế thường có một trung tâm chiến lược mà nếu nước nào khống chế được trung tâm đó thì sẽ chi phối
được toàn bộ thế giới” [46, tr.26].
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, địa-chính trị gần như bị lãng quên do ảnh hưởng của sự căm
ghét chủ nghĩa phát xít Đức tại các nước phương Tây. Địa-chính trị không còn được ưa thích như trước
và đã mất tính cách chính thống vì đã bị các lý thuyết gia quốc xã Đức sử dụng để tạo ra một học



thuyết đề cao chủ nghĩa bành trướng (expansionism) dựa trên khái niệm Lebensraum (không gian sinh
tồn) và Social Darwinism (xã hội tiến hóa luận, căn cứ theo học thuyết Darwin).
Thuật ngữ địa-chính trị được hiểu theo nghĩa tiêu cực, các thuyết địa-chính trị là học thuyết
chính trị xuyên tạc các tư liệu của khoa học địa lí để luận chứng cho chính sách đối ngoại của chủ nghĩa
đế quốc nhằm bành trướng và thống trị thế giới, và bị loại ra khỏi danh mục các môn khoa học chính
trị.
Phải đến thập kỷ 60 của thế kỷ XX, địa-chính trị mới bắt đầu được chú ý trở lại và dần dần được
phát triển theo quan điểm của những nhà tư tưởng Mỹ, tiêu biểu trong số đó là Saul Cohen. Do có nhận
thức sâu sắc rằng những vấn đề địa - chính trị là cực kỳ quan trọng, nên Cohen đã cố gắng duy trì
nghiên cứu thế giới từ góc độ địa-chính trị và ông đã khuyến cáo các chính trị gia không được xem
thường hoặc phủ nhận các vấn đề đó. Trong tác phẩm “Geography and Politics in a World Divided”
xuất bản năm 1963, Cohen đã đưa ra bản thiết kế về một thế giới được phân chia thành các khu vực
địa- chiến lược dưới áp lực của các siêu cường. Khái niệm khu vực địa-chiến lược do Cohen đưa ra
được dùng để chỉ một không gian quyền lực với quy mô toàn cầu. Hai khu vực địa chiến lược đều nằm
ở bán cầu Đông. Khu vực thứ nhất, thuộc thế giới hải đảo phụ thuộc thương mại, bao gồm Tây Âu, Bắc
Âu, Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Khu vực thứ hai, thuộc thế giới lục địa Á - Âu, là dải đất mênh
mông trải dài từ Đông Âu sang khắp toàn bộ vùng đất trái tim. Ngoài ra, còn hai khu vực địa chiến
lược tiềm tàng là Nam Á và Đông Nam Á. Từ khu vực địa-chiến lược, Cohen chia nhỏ thành các khu
vực địa-chính trị. Khái niệm khu vực địa-chính trị được Cohen dùng để chỉ các không gian quyền lực
với quy mô khu vực. Các khu vực địa chính trị trên thế giới gồm có: Trung Á (nằm trong khu vực địa
chiến lược thứ hai), Nam Thái Bình Dương, châu Phi Nam Sahara, Bắc Mỹ - Trung Mỹ - Caribe và
Nam Mỹ. Kẹp giữa hai khu vực địa chiến lược là hai khu vực vành đai xung yếu là Trung Đông và
Đông Nam Á. Sau đó, Cohen bổ sung thêm vành đai xung yếu thứ ba là vùng Đông Bắc khu vực châu
Phi Nam Sahara. Những vành đai xung yếu là những không gian chính trị chứa đựng nhiều nhân tố mất
ổn định tiềm tàng và đều là nơi tranh chấp giữa các cường quốc thế giới. Các siêu cường cạnh tranh
nhau để có được các nước trong khu vực địa chính trị gắn bó, trung thành với mình. Theo Cohen, các
quốc gia có quyền lực lớn ngày càng đóng vai trò quyết định trong những vấn đề toàn cầu.
Một nhà nghiên cứu địa-chính trị nổi tiếng nữa của Mỹ là Zbigniew Brzezinski, sinh ngày

28/3/1928 tại Ba Lan, từng là Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter
(1977-1981), hiện là giáo sư về chính sách đối ngoại của trường Nghiên cứu Quốc tế cao cấp Paul
H.Nitze thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington D.C. Đóng góp của Brzezinski cho khoa học địachính trị chính là việc đưa ra ý tưởng về bàn cờ chính trị Âu-Á, một lần nữa đề cao ý nghĩa “xương
sống”của lục địa Âu - Á trên bản đồ chính trị thế giới.


Âu - Á là lục địa lớn nhất toàn thế giới và là trục địa chính trị. Một cường quốc thống trị được
lục địa Âu - Á sẽ kiểm soát được 2 trong số 3 khu vực tiên tiến nhất và có năng lực sản xuất nhiều nhất
về kinh tế. Kiểm soát được lục địa Âu - Á sẽ gần như tự động đưa châu Phi vào lệ thuộc, làm cho Tây
bán cầu và châu Đại Dương trở thành ngoại vi về địa chính trị đối với lục địa trung tâm của thế giới.
Khoảng 75% dân số thế giới sống ở lục địa Âu - Á và hầu hết của cải vật chất thế giới cũng ở nơi đay,
bao gồm cả doanh nghiệp lẫn tài nguyên dưới lòng đất. Âu - Á chiếm khoảng 60% GNP và khoảng ¾
nguồn năng lượng đã được biết của thế giới. Lục địa Âu - Á cũng là khu vực của hầu hết các nước có
chủ quyền và năng động về chính trị của thế giới. Hầu hết các cường quốc hạt nhân công khai và bí
mật của thế giới đều ở lục địa Âu - Á. Tất cả những nước có khả năng thách thức tiềm tàng về chính trị
và kinh tế đối với vị thế đứng đầu của Mỹ đều là các nước Âu - Á. Gộp cả lại thì sức mạnh của Âu - Á
mạnh hơn sức mạnh của Mỹ rất nhiều. May mắn cho Mỹ, lục địa Âu - Á quá lớn, không thể là một
thực thể chính trị duy nhất. Do vậy, Âu - Á là bàn cờ mà ở đó cuộc tranh giành vị thế đứng đầu thế giới
diễn ra [5, tr.38-39].
Brzezinski đã chỉ ra chính xác những điểm nóng trên thế giới, những lỗ hổng “chính trị” có thể
gây nên tình trạng bất ổn, đe dọa hòa bình khu vực và quốc tế. “Khoảng trống đen” tại lục địa Âu-Á
sau khi Liên Xô tan rã là một phát hiện mới của Brzezinski. Trong cuốn “The Grand Chessboard” (Bàn
cờ lớn - 1997), ông nhìn từ góc độ an ninh toàn cầu và quyền lợi của Mỹ để đặt ra bốn khu vực: châu
Âu là đầu cầu dân chủ (Democratic Bridgehead); Nga là Hố đen (Black Hole), khu vực Caucases và
Trung Á là vùng Balkan mới, hàm ý hỗn loạn, của lục địa Âu-Á (Eurasia) và Đông Á là mỏ neo. Mỹ
cần có những chính sách phù hợp để xây dựng trật tự thế giới đơn cực trong đó Mỹ nắm quyền chi phối
quan hệ quốc tế.
Trong thế giới toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chiến lược đang điễn ra đồng thời trong 5 không
gian chiến lược là: Tam lục địa liên kết Á - Âu - Phi; Tam đại dương liên hoàn là Ấn Độ Dương - Thái
Bình Dương - Đại Tây Dương, không gian trái đất, không gian vũ trụ và không gian thông tin. Hạm

đội hải quân là thành quả của thế kỷ XIX và vũ khí hạt nhân là sản phẩm của thế kỷ XX vẫn tiếp tục
được sử dụng như công cụ chủ yếu để bành trướng ảnh hưởng và răn đe trong cạnh tranh địa chiến
lược ở thế kỷ XXI. Ngày nay, địa-chính trị chịu tác động rất lớn từ vấn đề hạt nhân, từ cuộc cách mạng
khoa học-công nghệ và từ nền kinh tế thị trường. Với những tiến bộ vượt bậc của cách mạng truyền
thông và thông tin, các tham số về không gian và thời gian dường như không còn nguyên giá trị trong
so sánh lực lượng quốc tế. Không gian và thời gian đã bị rút ngắn bởi hệ thống vệ tinh không gian cũng
như những phương tiện đạn đạo ngày càng hiện đại và chuẩn xác. Lý luận địa-chính trị hiện đại lập
luận rằng lực lượng nào khống chế được không gian sẽ khống chế được hành vi của mọi chủ thể trên
Trái đất. Kiểm soát khoảng không vũ trụ hoặc ít nhất là đảm bảo cho mình một khả năng tiếp cận với


vũ trụ giờ đây đang là yêu cầu cấp thiết của mọi quốc gia nếu họ mong muốn ít ra là được tồn tại theo
cách của riêng mình.
Chiến tranh lạnh kết thúc, hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, trật tự thế giới hai
cực tan rã đã làm biến đổi sâu sắc bản đồ địa - chính trị thế giới. Sự thay đổi tương quan so sánh lực
lượng giữa các nhóm nước, các khu vực và các châu lục diễn ra nhanh chóng, diễn biến quá trình hợp
tác và đấu tranh trên thế giới rất phức tạp. Thực tế, nhiều nhà hoạch định chính sách trên thế giới
thường xuyên sử dụng các tri thức khoa học địa-chính trị để phân tích các vấn đề toàn cầu và khu vực...
Chính điều này đã làm tăng giá trị và tính phổ biến của môn khoa học này. Trong đó, Mỹ là nước thành
công trong việc nghiên cứu và vận dụng yếu tố địa-chính trị phục vụ cho chiến lược toàn cầu của Mỹ.
1.2. Ảnh hưởng của yếu tố địa lý trong lịch sử nước Mỹ giai đoạn trước Chiến tranh lạnh (1783 1947)
1.2.1. Vị trí địa lý của nước Mỹ
Mỹ là một trong những quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới, do kết quả của những
cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Quốc gia được thành lập ban đầu với mười ba
thuộc địa của vương quốc Anh nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương. Sau khi giành độc lập từ sự bảo
hộ của Anh, đầu thế kỷ XIX, Mỹ bắt đầu chú trọng vào việc bành trướng quốc gia thông qua “ngoại
giao điền thổ”. Lợi dụng lúc Napoleon rất cần tiền để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Anh, Mỹ đã
mua toàn bộ vùng Louisiana từ tay Pháp (1803). Cuộc mua bán ngoạn mục này đã làm cho diện tích
của Mỹ tăng lên gấp đôi. Tiếp theo là các vụ mua bán khác, gây chiến tranh, sáp nhập nhằm mở rộng
lãnh thổ: mua lại Florida từ Tây Ban Nha (1819), sáp nhập Texas (1845). Hiệp ước Oregon với Anh

năm 1846 đưa đến việc Mỹ kiểm soát vùng mà ngày nay là Tây Bắc Mỹ. Chiến thắng của Mỹ trong
chiến tranh Mexico - Mỹ năm 1848 đưa đến việc Mexico nhượng lại California và phần nhiều những
vùng đất mà ngày nay là Tây Nam Mỹ. Nội chiến nước Mỹ (1861-1865) kết thúc chế độ nô lệ tại nước
Mỹ, ngăn ngừa một sự chia xé quốc gia và góp phần gia tăng đáng kể quyền lực của Chính phủ liên
bang. Năm 1867, tranh thủ cơ hội khi Nga đang gặp khó khăn về tài chính, Mỹ cũng đã nhanh chóng
mua lại toàn bộ vùng Alaska rộng lớn từ Nga với cái giá rẻ khó tưởng tượng - 7,2 triệu USD. Vùng đất
này có vị trí hết sức quan trọng trong việc bố trí chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ Chiến tranh lạnh
và cả hiện nay. Việc mua Alaska năm 1867 từ Nga đã hoàn thành việc mở rộng nước Mỹ trên lục địa.
Như vậy, có thể thấy chỉ trong hơn nửa đầu thế kỷ XIX, bằng “ngoại giao điền thổ” và chiến tranh thôn
tính, các chính quyền kế tiếp nhau của Mỹ đã nhanh chóng mở rộng lãnh thổ, tạo cho Mỹ một vị thế
địa-chiến lược mới trên bản đồ địa-chính trị quốc tế so với nước Mỹ thuở lập quốc.
Hiện nay, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là một cộng hòa lập hiến liên bang gồm có 50 tiểu bang và
một quận liên bang. Quốc gia này nằm gần như hoàn toàn trong Tây bán cầu: 48 tiểu bang lục địa và
Thủ đô Washington nằm giữa Bắc Mỹ; giáp Thái Bình Dương ở phía tây, Đại Tây Dương ở phía đông,


Canada ở phía bắc và Mexico ở phía nam. Tiểu bang Alaska nằm trong vùng tây bắc của lục địa Bắc
Mỹ, giáp với Canada ở phía đông. Tiểu bang Hawaii nằm giữa Thái Bình Dương. Mỹ cũng có 14 lãnh
thổ hay còn được gọi là vùng quốc hải rải rác trong vùng biển Caribbe và Thái Bình Dương.
Với 3,79 triệu dặm vuông (9,83 triệu km²) và trên 300 triệu dân, nước Mỹ là quốc gia lớn hạng
ba về tổng diện tích (sau Nga và Trung Quốc) và dân số (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Tài nguyên thiên
nhiên của Mỹ rất đa dạng và phong phú: than đá, đồng, chì, molybden, phốt phát, uranium, bô xít,
vàng, quặng sắt, thuỷ ngân, nicken, muối kali, bạc, tungsten, thiếc, dầu lửa, khí tự nhiên, gỗ.
Nước Mỹ nằm giữa hai đại dương đông tây mênh mông - Thái Bình Dương và Đại Tây Dương.
Phía Bắc giáp giới với Canada, một nước có cùng văn hóa Anglo-Saxon, giàu có, chỉ có hơn 20 triệu
dân, thân thiện với Mỹ. Phía Nam là Mexico - một nước nghèo, hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế Mỹ. Với
vị trí địa lý như vậy, người Mỹ không hề bị đe dọa bởi cường quốc láng giềng nào như nhiều nước
khác. Ảnh hưởng của vị trí địa lý đó đối với người dân của Mỹ cũng có một tầm quan trọng lịch sử:
chủ nghĩa biệt lập trở thành nét cơ bản trong đường lối ngoại giao của Mỹ từ khi lập quốc đến trước
chiến tranh thế giới thứ hai và vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

“Nước Mỹ nằm ở Tây bán cầu, dưới góc độ địa-chính trị, nước Mỹ chỉ là một hòn đảo trên bờ
của lục địa Âu - Á. Nếu muốn làm bá chủ thế giới, bắt buộc Mỹ phải vượt đại dương để có mặt ở lục
địa Âu - Á, khống chế và giữ được vai trò chủ đạo ở lục địa này” [7, tr.20].
1.2.2. Ảnh hưởng của yếu tố địa lý trong lịch sử nước Mỹ giai đoạn trước Chiến tranh lạnh
(1783 - 1947)
1.2.2.1. Mỹ là cường quốc trên biển
Vị trí địa lý đã góp phần quy định đặc điểm của Mỹ là một cường quốc trên biển. Thực tế, Mỹ
đã thông qua ưu thế về biển để có thể phát huy sức mạnh vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia, thực hiện vai
trò bá quyền trên thế giới. Chiến tranh Tây Ban Nha - Mỹ năm 1898 đã đánh dấu một bước ngoặt trong
lịch sử nước Mỹ. Sau trận chiến này, Mỹ nắm hoàn toàn quyền kiểm soát các đảo trong vùng biển
Caribe và Thái Bình Dương. Theo Hiệp định hòa bình được ký kết ngày 10/12/1898, Cuba thuộc
quyền kiểm soát tạm thời của Mỹ trước khi quốc đảo này giành độc lập. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng
nhượng lại Puerto Rico và Guam thay cho các đền bù thiệt hại do chiến tranh và nhượng lại cho Mỹ
quần đảo Phillipines để đổi lấy 20 triệu USD.
Can thiệp của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương không chỉ giới hạn ở quần đảo Phillipines
mà còn mở rộng đến quần đảo Hawaii. Năm 1893, vương quyền của vương quốc Hawaii Thái Bình
Dương bị lật đổ trong một cuộc đảo chính do cư dân người Mỹ lãnh đạo. Hawaii trở thành một lãnh thổ
độc lập trên danh nghĩa cho đến cuộc chiến giữa Tây Ban Nha và Mỹ năm 1898, khi đó với sự hậu
thuẫn của Tổng thống McKinley, Quốc hội đã phê chuẩn hiệp định sáp nhập. Năm 1959, Hawaii trở
thành bang thứ 50 của Mỹ.



×