Tải bản đầy đủ (.doc) (118 trang)

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN: BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG TẢN VĂN Y PHƯƠNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (500.14 KB, 118 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
--------@&?--------

HOÀNG THỊ KIỀU TRANG

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC
TRONG TẢN VĂN Y PHƯƠNG
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam hiện đại
Mã số: 60.22.01.21

TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học : TS. Lê Thị Bích Hồng

HÀ NỘI - 2014


LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành được luận văn Bản sắc văn hóa dân tộc trong tản văn Y
Phương tôi đã nhận rất nhiều sự động viên, giúp đỡ của nhiều cá nhân và tập thể.
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới TS Lê Thị
Bích Hồng, người đã tận tâm hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện
và hoàn thành luận văn này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà thơ Y Phương đã nhiệt tình
giúp đỡ, khuyến khích tôi trong quá trình nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn tới Ban Giám hiệu, Phòng đào tạo sau đại
học, Ban Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn, Tổ bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại,
trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã nhiệt tình giảng dạy, giúp đỡ, động viên
chúng tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến gia đình, bạn bè, những
người đã luôn bên tôi, động viên và khuyến khích tôi trong quá trình thực


hiện đề tài nghiên cứu của mình.
Hà Nội, Ngày 15 tháng 10 năm 2014
Tác giả luận văn
Hoàng Thị Kiều Trang


MỤC LỤC
HÀ NỘI - 2014..................................................................................................1


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1 Toàn cầu hóa cùng với quá trình giao lưu văn hóa giữa các quốc
gia trên thế giới đã làm cho văn hóa nhân loại càng phong phú, sinh động.
Trong quá trình này, các nền văn hóa bổ sung, tiếp nhận và làm giàu cho nhau
dẫn đến sự phát triển và biến đổi không ngừng. Trong bối cảnh nước ta đang
đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hoàn thiện nền kinh tế thị trường,
định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy
bản sắc văn hóa dân tộc đang đặt ra những vấn đề cần thiết hơn bao giờ hết.
Việc quan tâm hàng đầu trong thời điểm này là vấn đề giữ gìn bản sắc văn
hóa dân tộc trên nền tảng kế thừa di sản văn hóa của cha ông, kết hợp học hỏi
những tinh hoa văn hóa nhân loại với phương châm “hòa nhập không hòa
tan”. Là một lĩnh vực tinh tế của văn hóa, văn học nghệ thuật nói chung và
văn học nói riêng có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa. Nghiên cứu văn hóa
trong mối quan hệ với văn chương đang trở thành một hướng đi mới trong
việc khám phá cái hay, cái đẹp của văn chương.
1.2 Cùng đội ngũ nhà văn các dân tộc thiểu số như: Nông Quốc Chấn,
Bàn Tài Đoàn, Triều Ân, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Lò Ngân Sủn, Cao Duy
Sơn, Lâm Tiến… luôn ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tác
của mình, Hứa Vĩnh Sước – Y Phương là một trong số những nhà thơ như

vậy. Người trai Tày sinh ra và lớn lên ở làng Hiếu Lễ, dưới chân núi Bo Păn ở
gần biên giới Việt – Trung, thuộc huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) nổi lên như
một gương mặt thơ tiêu biểu, xuất sắc, một phong cách riêng, độc đáo cho
vùng văn hóa dân tộc miền núi vừa đậm đà bản sắc “người đồng mình”, vừa
rộng mở giao hòa với vùng văn hóa rộng lớn để hợp lưu thành con sông văn
chương Việt Nam.

1


Là một trong những cây bút tiêu biểu của dân tộc Tày, cầm bút từ
những năm chiến tranh lửa đạn khốc liệt cho tới bây giờ, Y Phương vẫn miệt
mài trên từng con chữ, lao động sáng tạo không ngừng để hôm nay là “ông
chủ” sở hữu một “gia tài” không nhỏ văn chương gồm thơ và tản văn. Các tác
phẩm của anh đã góp phần đưa văn học của các dân tộc thiểu số đến gần hơn
với độc giả và trở thành một bộ phận không thể thiếu đóng góp vào thành tựu
chung của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Là nhà thơ dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trên quê hương Cao Bằng, Y
Phương luôn cháy bỏng một khát khao đem đến cho bạn đọc một cái nhìn chân
xác nhất về cảnh sắc thiên nhiên và con người quê hương anh, cũng như cuộc
sống và con người của đồng bào Tày ở Cao Bằng nói chung và vùng quê Trùng
Khánh nói riêng. Chính vì vậy, đọc tác phẩm nào của anh, độc giả sẽ cảm nhận
được chất “miền núi” thấm sâu và lan tỏa trên từng con chữ, câu văn.
1.3 Tản văn trong những năm gần đây bắt đầu được sự công nhận từ
góc độ giới chuyên môn. Dường như “Tản văn Việt Nam hiện đại – một thể
loại bị lãng quên” (Trần Đình Sử) đang có sự hồi sinh và ngày càng chứng tỏ
thế mạnh cũng như sự hấp dẫn của mình với nhiều cây bút như: Tản mạn
trước đèn của Đỗ Chu, Nhân trường hợp chị Thỏ bông của Thảo Thảo, Tản
văn Nguyễn Ngọc Tư… Tản văn Kung fu người Co Xàu, đặc biệt tản văn
Tháng Giêng, tháng Giêng một vòng dao quắm của Y Phương nhận được giải

thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam… Đọc tản văn của Y Phương, người đọc
luôn thấy chất miền núi, chất Tày được kết hợp hài hòa lối tư duy hiện đại,
tạo nên những trang viết bình dị mà sâu lắng, thiết tha nghĩa tình, thấm đượm
bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc khai thác văn nghiệp Y Phương đã được tiến hành khá sớm. Càng
ngày càng thêm người yêu mến, càng có nhiều công trình nghiên cứu sự
nghiệp sáng tác của anh. Tuy nhiên, việc đánh giá, thẩm định của giới nghiên

2


cứu về Y Phương chủ yếu tập trung ở thể loại thơ, còn tản văn thì hầu như ít
được nhắc đến, trong khi đây là một trong những thể loại mới mà anh gặt hái
được không ít thành công. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn đề tài “Bản sắc văn
hóa dân tộc trong tản văn Y Phương” với mong muốn sẽ đưa thêm một
hướng tiếp cận với những giá trị nổi bật của tản văn và bước đầu thấy được
những đóng góp mới trong tản văn Y Phương đối với việc giữ gìn bản sắc văn
hóa dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề về thơ Y Phương
Quá trình lao động nghệ thuật miệt mài của Y Phương đã đóng góp
không nhỏ cho thơ ca dân tộc thiểu số nói riêng và nền Văn học Việt Nam
hiện đại nói chung. Thơ Y Phương mang bản sắc rất riêng, độc đáo đã thu hút
sự quan tâm của giới nghiên cứu, phê bình văn học và nhiều nhà văn, như: Tế
Hanh, Phạm Hổ, Chu Văn Sơn, Nguyễn Hữu Tiến, Trúc Thông, Hồng Diệu,
Thái Vĩnh Linh, Tạ Duy Anh, Đỗ Trung Lai, Trần Mạnh Hảo, Phạm Quang
Trung, Lê Thị Bích Hồng, Bảo Thu, Đỗ Thị Thu Huyền… Các nhà nghiên
cứu đều tập trung khai thác sự độc đáo trong sáng tác và ý thức giữ gìn bản
sắc dân tộc trong thơ của anh.
Nhận xét về thơ Y Phương, Tế Hanh cho rằng “Y Phương là một nhà thơ,

một nhà thơ miền núi rất mới mẻ. Thơ anh vừa dân tộc, nhưng có cái gì hiện
đại, hôm nay và mai sau…Y Phương bắt đầu tuổi trẻ của mình bằng cuộc đời
người lính và bắt đầu đời thơ mình là những bài thơ đánh giặc” [20, 246].
Nguyễn Hữu Tiến nhận thấy: “Thơ Y Phương vừa hiện đại vừa dân tộc
là bởi vì anh đã kết hợp truyền thống văn hóa của quê hương mình với mọi
miền quê của đất nước” [68, 272].
Tác giả Tạ Duy Anh đánh giá Y Phương là “Người gảy khúc đàn trời để
viết những bài ca vút lên từ đất, ca ngợi xứ sở đã nuôi ông thành thi sĩ” [7, 293].

3


TS Chu Văn Sơn nhận thấy sự gắn kết sâu sắc của Y Phương với cội
nguồn xứ sở: “Sự tha thiết với xứ sở dân tộc mình chính là nhịp tim thầm kín,
bền vững nhất trong từng bài thơ Y Phương, là cốt lõi của giọng hát Y
Phương” [60, 264].
Theo Trúc Thông, “Y Phương không yêu dân tộc mình ở đầu lưỡi, lạm
dụng chất dân tộc. Qua tất cả những cảnh huống sinh hoạt vật chất và tinh
thần hiện thực, những đam mê và đau khổ trần trụi, những chìm lặng không
sao nói hết và những sự thật cuộc đời… Y Phương tiếp tục phát hiện về dân
tộc mình” [76, 273].
Trần Mạnh Hảo nhận thấy cái chất Y Phương “Nhẩn nha sống – nhẩn nha
thơ” để “nhìn cuộc đời bằng đôi mắt thơ ngây của hoa lá dân tộc mình, rung
động bằng trái tim suối nguồn và tư duy bằng sừng đá”. Trần Mạnh Hảo còn
nhận ra sự thống nhất trong những mặt đối lập “thơ Y Phương bình dị, chân
chất, hồn nhiên, giấu cất mà he hé lộ thiên, lặng lẽ mà bùng nổ, như chính cuộc
đời ông, con người ông” [23, 303].
Nhiều bài viết về thơ Y Phương đăng trên báo chí: Phạm Quang Trung
thừa nhận:“Y Phương trước sau nhất quán một xác tín nghề nghiệp” [80].
Lê Thị Bích Hồng đã phát hiện ra Y Phương thời kỳ đầu cầm bút không

thể đứng ngoài “dàn đồng ca” thời ấy, nhưng điều quan trọng “người con làng
Hiếu Lễ” đã bứt phá, vượt thoát rất nhanh khỏi “tiếng nói chung” để khẳng
định một lối đi riêng, một phong cách cá nhân với một gia tài thi ca “săn chắc,
vạm vỡ, nhưng mềm mại, tinh tế mang hồn làng”: “Thời kỳ đầu, thơ anh vẫn
không thể khác giọng thơ chung hào sảng vốn đã chi phối cả một thế hệ sáng
tác: “Câu hát thiêng liêng lắm chứ-Hát bây giờ còn để hát mai sau”... Nhưng
chỉ sau các tập “Lửa hồng một góc”, “Lời chúc”, “Đàn then”, anh đã sớm
tạo ra tiếng nói riêng, không nhòe lẫn có sự bồi hồi dân tộc đặc trưng và có
sự khao khát chiếm lĩnh đỉnh cao” [29, 226]. Y Phương đã trở thành nhà thơ

4


có phong cách riêng bởi sự ý thức đi tìm cái mới, cái độc đáo. Lê Thị Bích
Hồng đã “bắt đúng mạch” suy nghĩ về văn chương của nhà thơ dân tộc Tày:
“sáng văn chương không mới, không độc đáo thì khó lòng tạo được dấu ấn,
thu hút được độc giả và không thể có đời sống trong lòng công chúng. Văn
chương với anh là “một thứ chơi. Chơi cho mình thích và cho người ta
thích”. Lao động sáng tạo mang dấu ấn cá nhân đậm nét và không bao giờ là
dễ dàng như kiểu vận hành sản xuất để ra sản phẩm hàng loạt. Khi con tim
không rung, đôi tay không buồn, cầm cây bút sao nổi. Cầm bút không nổi lấy
đâu ra thơ ca. Người ta phải yêu tiếng mẹ đẻ cái đã. Yêu hết mình mới có thơ
ca. Yêu từ tim gan bên trong xương thịt mình. Cảm xúc sáng tạo không phải
là thứ đặt hàng” [29-224].
Một số Hội thảo khoa học đã đề cập tới sáng tác của Y Phương đặt
trong mối quan hệ với thơ ca dân tộc thiểu số nói chung “Sự chuyển biến của
thơ dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp xúc với văn hóa Kinh (qua trường
hợp sáng tác của Y Phương)” (Kỷ yếu hội thảo Quốc tế Những lằn ranh văn
học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2011).
Trong các bài viết của mình, dù cách nói có khác nhau, nhưng các nhà

nghiên cứu, phê bình đều nhìn nhận, đánh giá đúng “chất Y Phương” với một
tình yêu nồng thắm với quê hương xứ sở, một bản lĩnh kiên cường tích cực
giữ gìn bảo tồn văn hóa dân tộc. Nhưng chủ yếu mới xoay quanh lĩnh vực thơ
mà anh đã “gặt hái bội thu” những “Mùa hoa” giải thưởng.
Những năm gần đây, thơ Y Phương đã thu hút giới nghiên cứu, trong
đó phải kể đến một số luận văn cao học đặt thơ Y Phương trong mối liên hệ
với văn hóa, với bản sắc văn hóa dân tộc, đó là: “Bản sắc dân tộc trong thơ Y
Phương – Dương Thuấn” (Hà Thị Thu Trang, Đại học Sư phạm Hà Nội,
2007); “Ngôn ngữ thơ Y Phương” (Lê Thị Huệ, Đại học Vinh, 2009); “Ngôn
từ nghệ thuật trong thơ Y Phương” (Nguyễn Thúy Hằng, Đại học Sư phạm

5


Hà Nội, 2011); “Bản sắc Tày trong thơ Y Phương và Dương Thuấn” (Nguyễn
Thị Thu Huyền, Đại học Thái Nguyên, 2009)... Luận án tiến sĩ “Thơ dân tộc
Tày từ 1945 đến nay” (Đỗ Thị Thu Huyền, Học viện Khoa học xã hội Việt
Nam, 2013) nghiên cứu các nhà thơ Tày, trong đó có thơ Y Phương.
2.2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề về tản văn Y Phương
Là nhà thơ Tày thành danh, liên tiếp trong hai năm 2009-2010, Y
Phương ra mắt bạn đọc hai tập tản văn Tháng Giêng, tháng Giêng một vòng
dao quắm (Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành) và tản văn Kung fu người Co Xàu
(Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2010) đã thu hút nhiều độc giả và
giới nghiên cứu phê bình.
Nhận xét về tập tản văn Y Phương, Lâm Tiến viết “Mỗi tản văn của Y
Phương như một lát cắt, một tầng vỉa làm lộ dần chiều sâu văn hóa của quê
hương, của dân tộc. Y Phương không phải chỉ kể lại, tả lại những sự vật, những
hiện tượng mà đi sâu phân tích ý nghĩa cội nguồn của nó, đẩy những sự kiện,
tình huống đi đến tận cùng để từ đó khám phá, phát hiện tâm hồn, tính cách dân
tộc, nói rộng ra là ngọn nguồn, chiều sâu văn hóa của dân tộc” [66].

Tuy Hòa cho rằng “Tháng Giêng, tháng Giêng một vòng dao quắm
không khác gì những bài thơ mà Y Phương từng tin cậy “Câu hát thiêng liêng
lắm chứ/ Hát bây giờ còn để lại mai sau”… Tản văn Y Phương không chinh
phục người đọc bằng ánh mắt sắc sảo, mà bằng cái nhìn đầy âu yếm” [27].
Lê Thị Bích Hồng nhận thấy tản văn của Y Phương là “Chiếu nghỉ giữa
khoảng thơ”, là thời điểm tác giả vịn câu nói của cổ nhân người Tày: "Chỗ
nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy", anh vượt qua cảm giác
lống loáng, rỗng ruột đến với tản văn như phút “nghỉ ngơi” hiếm hoi [28].
Lê Thị Bích Hồng khi viết “Người đàn ông sinh ra ở làng Hiếu Lễ” đã
khẳng định chất văn hóa thấm đẫm trong tản văn: “Chất Tày được bộc lộ độc
đáo, trong trải nghiệm cuộc đời, ở một tầng vỉa làm lộ dần tầm cao và chiều

6


sâu văn hóa. Anh coi trọng giá trị văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần
bền vững nhất, Anh hiểu hơn ai hết văn hóa là sức mạnh nội sinh, là cội cuồn
giá trị của làng Tày “Vách nhà ken câu hát” với niềm tin vững chắc “Còn
quê hương thì làm phong tục”. Và điều “đáng trân trọng là tác phẩm của
nhà thơ Tày ấy không "đóng đinh" bó hẹp trong cuộc sống sinh hoạt của
người Tày mà vượt lên, vươn xa như một dấu nối với thơ ca các dân tộc khác
trong thời kỳ hội nhập. Tác phẩm vì thế mà mở rộng biên độ, phong phú đề
tài về cuộc sống, con người miền núi – thành thị, tình yêu đất nước – quê
hương, tình cảm gia đình – bạn bè - tình yêu lứa đôi…và điều quan trọng là
thẫm đẫm bản sắc văn hóa “người đồng mình”. Tình yêu với đồng bào dân
tộc mình đã cho anh nguồn xúc cảm cùng bản sắc văn hóa Tày khó lẫn” [29].
Những ý kiến nhận xét về tản văn Y Phương chủ yếu dừng lại ở những
bài viết trong sách, báo, tạp chí có dung lượng nhỏ, khai thác một số nét nổi
bật chủ yếu của tản văn. Song đó là những tư liệu quý, giúp người viết trong
quá trình tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc trong tản văn Y Phương.

Tính đến thời điểm này, chưa nhiều luận văn nghiên cứu tản văn Y
Phương. Mới có một số luận văn, như: “Đặc trưng tản văn Y Phương” (Hồ Thị
Loan, Đại học Vinh, 2011); “Đặc sắc tản văn Y Phương” (Sùng Thị Hương,
Đại học Sư phạm Thái Nguyên, 2013). Cùng với tôi, hiện ở Khoa Ngữ văn Đại
học Sư phạm Hà Nội có một luận văn nghiên cứu tản văn Y Phương “Những
đặc sắc của tản văn Y Phương” (Nông Ngọc Hiên, chưa bảo vệ).
Tuy chưa nhiều công trình nghiên cứu tản văn Y Phương, nhưng những
nghiên cứu trước là những gợi ý quý báu cho tôi thực hiện đề tài này.
3. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung khảo sát chủ yếu hai tập tản văn của Y Phương:
Tháng Giêng tháng Giêng một vòng dao quắm (Nhà xuất bản Phụ nữ 2009)
và tản văn Kung fu người Co Xàu ( Nhà xuất bản Hội nhà văn 2010). Ngoài

7


ra, để hiểu đầy đủ bản sắc dân tộc trong tản văn Y Phương, chúng tôi khảo sát
mở rộng sang một số các tập thơ và trường ca của anh như: Đàn then, Tiếng
hát tháng Giêng, Chín tháng. Đò trăng, Thơ Y Phương, Thất Tàng lồm
(Ngược gió)…
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn chủ yếu sử dụng một số phương pháp dưới đây:
- Phương pháp phân tích - tổng hợp.
-Phương pháp thống kê- phân loại.
- Phương pháp liên ngành (văn hóa học, dân tộc học...).
- Phương pháp đối chiếu so sánh.
- Phương pháp phân tích tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại.
5. Đóng góp của luận văn
- Về mặt lý luận: Luận văn của chúng tôi góp phần xác định vị trí,
những đóng góp của tản văn Y Phương trong tản văn hiện đại Việt Nam.

- Về mặt thực tiễn: Qua khảo sát, phân tích tác phẩm của Y Phương (đặt
trong so sánh liên ngành), chúng tôi mong muốn được góp thêm một tiếng nói
khẳng định việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tư liệu tham khảo, nội dung của luận
văn bao gồm ba chương:
Chương 1: Quan niệm về thể loại, một số vấn đề chung về bản sắc văn
hóa dân tộc và vị trí của tản văn trong văn nghiệp Y Phương.
Chương 2: Bản sắc văn hóa dân tộc nhìn từ phương diện nội dung tư
tưởng trong tản văn Y Phương.
Chương 3: Bản sắc văn hóa dân tộc nhìn từ phương diện nghệ thuật.

8


NỘI DUNG
Chương 1
QUAN NIỆM VỀ THỂ LOẠI, MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VÀ VỊ TRÍ CỦA TẢN
VĂNTRONG VĂN NGHIỆP Y PHƯƠNG
1.1 Quan niệm về thể loại
“Thể loại tản văn khai sinh từ những thập kỉ đầu thế kỉ XX nhưng nó
tồn tại mờ nhạt, không gây được sự chú ý của giới nghiên cứu, phê bình bởi
trong ý thức của nhiều người thì tản văn là thể loại đi ngoài lề đời sống văn
học; hơn nữa nó lại là một thứ văn không có diện mạo, không tiếng nói,
không được định danh một cách nhất quán. Từ những thập niên 90 của thế kỉ
XX, tản văn bắt đầu gây sự chú ý nhiều hơn bởi quá trình giới thiệu tản văn
Trung Quốc vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn, cũng từ đây ý thức thể loại
được định hình rõ hơn” [50, 4].
Trong cuốn Năm bài giảng và thể loại, tác giả Hoàng Ngọc Hiến cho

rằng tản văn là “một tiểu loại kí ngắn gọn, hàm súc theo tùy hứng của tác giả,
có thể bộc lộ trữ tình, tự sự hoặc nghị luận, thường là mấy thứ đan quyện
nhau. Lối thể hiện đời sống trong tản văn mang tính chất chấm phá, tuy vậy,
ngòi bút tản văn chạm vào những hiện tượng được tái hiện ở những khía cạnh
cốt yếu và bất ngờ. Có lẽ đặc trưng quan trọng nhất của thể loại tiểu kí này là
ở chỗ tất cả những gì được thể hiện biểu hiện trong bài tản văn đều mang đậm
dấu ấn cách cảm nhận và cảm nghĩ của riêng tác giả”. Như vậy, theo quan
niệm của GS Hoàng Ngọc Hiến thì tản văn vẫn chưa thể tách ra thành một thể
loại riêng biệt, tồn tại độc lập mà vẫn “dưới trướng” của thể kí; tuy nhiên có
một số đặc trưng nổi bật nhất của tản văn được Hoàng Ngọc Hiến đề cập tới ở
đây: sự tự do trong cách biểu hiện (có thể tự sự, trữ tình, nghị luận), sự luận
giải mang tính cá nhân của người viết đối với vấn đề đưa ra được đề cao.

9


Theo Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử chủ biên):
“Tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị
luận, miêu tả phong cách, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản
văn mang tính chất chấm phá, không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức
tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá
nhân. Tản văn là loại văn tự do, dài ngắn tùy ý, cách thể hiện đa dạng, đặc
biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả, có truyền thống lâu đời
và sức sống mạnh mẽ” [22, 293-294].
Trong bài tản văn trên báo văn nghệ 2011, tác giả Nguyễn Thị Lan cho
rằng tản văn là một thể loại văn học độc lập:“Tản văn có những đặc điểm
khác với những thể loại khác. Tản văn là những bài viết tản mạn tương đối tự
do; về dung lượng khá ngắn gọn, hàm súc; về kết cấu: có sự linh hoạt tất cả
các phương thức, phương tiện biểu hiện nghệ thuật; về nội dung: thường biểu
hiện đời sống theo kiểu chấm phá và đặc trưng quan trọng nhất là thể hiện

đậm nét dấu ấn cá nhân của người viết; về mặt thẩm mỹ: tản văn đứng giữa
thơ và truyện ngắn”.
1.2. Một số vấn đề chung về bản sắc văn hóa dân tộc
1.2.1. Văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc
Theo nghĩa chung nhất, văn hoá được xem là toàn bộ những hoạt động
sáng tạo của con người trong quá khứ cũng như trong hiện tại tạo thành
những chuẩn mực - giá trị, thị hiếu và truyền thống, gọi chung là hệ giá trị xã hội, một thành tố cơ bản làm nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng dân tộc.
Hiện nay có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm “Văn hóa”.
Trong cuốn Từ điển bách khoa Xô viết: “Văn hóa là một tổng thể các
giá trị vật chất và tinh thần được con người sáng tạo ra và phát triển theo
lịch sử, khác với các đối tượng tự nhiên” [70, 16].

10


Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc cho rằng:“Văn hóa là mối quan hệ
giữa thế giới biểu tượng trong óc một cá nhân hay một tộc người với cái thế
giới thực tại trong biểu tượng” [54, 17].
GS - Tiến sĩ Trần Ngọc Thêm xác định cụ thể: “Văn hóa là một hệ
thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích
lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với
môi trường tự nhiên và xã hội” [73, 10].
Nhà nhân loại học phương Tây E.B.Taylo lại định nghĩa: “Văn hóa là
toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp
luật, phong tục, những khả năng và tập quán khác mà con người có được với
tư cách là một thành viên của xã hội” [82, 8].
Tuy có nhiều khái niệm khác nhau về khái niệm văn hóa, nhưng các định
nghĩa vẫn xoay quanh vấn đề tương đối thống nhất: Văn hóa là một trong những
giá trị đặc trưng về vật chất, tinh thần được con người sáng tạo ra trong sự phát
triển của dân tộc.

Mỗi quốc gia có một nền văn hóa riêng và mỗi dân tộc cũng sẽ có bản
sắc văn hóa của riêng mình. “Bản” là cái gốc, cái căn bản, cái lõi, cái hạt nhân
của một sự vật. “Sắc” là thể hiện ra ngoài. Nói bản sắc dân tộc của văn hóa
Việt Nam tức là nói những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân
của dân tộc Việt Nam. Nói những hạt nhân giá trị hạt nhân tức là không phải
nói tất cả mọi giá trị, mà chỉ là nói những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất,
mang tính dân tộc sâu sắc biểu hiện trong mọi lĩnh vực của nền văn hóa Việt
Nam, trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, sân khấu, hội họa, điêu khắc,
kiến trúc, sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hằng ngày của người Việt Nam... Bản
sắc văn hoá dân tộc bao hàm những mặt được hình thành và gắn bó với dân
tộc từ thuở xa xưa, các mặt này được duy trì theo quá trình của lịch sử. Đó là
các kiểu quan hệ hay một kiểu lựa chọn riêng của một cộng đồng về một

11


phương thức ứng xử nào đó, khiến cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc
đáo nhằm phân biệt với các dân tộc khác.
Nói đến bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam là nói đến những tinh
hoa, những giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong suốt chiều dài lịch
sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá
trị ấy, những tinh hoa ấy đã tạo nên những nét đặc sắc, riêng có ở cộng đồng
các dân tộc Việt Nam, trong con người Việt Nam.
Bản sắc văn hóa Việt Nam là tố chất được hợp luyện cùng chiều với lịch
sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản sắc đó không
phải là một hằng số, là những giá trị bất biến, mà có những giá trị mới được
hình thành, bồi tụ trong quá trình hội nhập, tiếp biến giữa các nền văn hóa.
Văn hóa khắc họa bản sắc và phương thức tồn tại của một cộng đồng,
khiến cộng đồng ấy có một đặc thù riêng. Như vậy, văn hóa mang bản sắc dân
tộc. Và yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hóa. Bản sắc

văn hóa dân tộc là cái "hồn", là sức sống nội sinh, là “thẻ căn cước” của mỗi
dân tộc, để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, từ đó nó có thể biểu lộ một
cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của mình trong quá trình giao lưu và hội nhập.
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Bản sắc là những
nét riêng biệt, độc đáo của một dân tộc thể hiện trong nền văn hóa, nghệ thuật
trong phong tục tập quán, trong đời sống muôn màu của dân tộc” [17, 11].
Trong cuốn Cơ sở văn hóa, GS Trần Quốc Vượng cho rằng: “Bản sắc
là sự lan tỏa tự nhiên trong sắc thái tư duy ngôn ngữ, trong tâm hồn, trí tuệ,
trong phong tục, cung cách, hành vi, ứng xử, trong lề thói, tập tục, trong văn
chương, nghệ thuật, và trong toàn bộ các giá trị văn hóa vật chất, văn hóa
tinh thần của con người. Bản sắc dân tộc trong mọi sắc thái là sự lan tỏa một
cách tự nhiên không ai gò ép được, nhưng nó phải gắn liền với ý thức dân tộc
và tự khẳng định qua thử thách của thời gian, nếu không qua giao lưu và mở

12


rộng văn hóa, bản sắc sẽ bị biến đổi, mất đi những gì tinh túy nhất của dân
tộc. Do đó các nhà nghiên cứu trên thế giới đã từng đưa ra những ý kiến
thống nhất gọi bản sắc văn hóa dân tộc là một thứ căn cước, một chứng minh
thư của riêng một dân tộc” [82, 78].
Theo GS Trần Đình Sử: “Bản sắc dân tộc là thuộc tính độc đáo của
một nền văn học, vừa là biểu hiện cái chung của nền văn học ấy vừa phân
biệt nó với dân tộc khác” [61, 19].
Tác giả Nguyễn Hùng Vĩ đưa ra ý kiến: “Bản sắc dân tộc không phải
cái gì đó tiên thiên, có sẵn trong cội nguồn mà nó luôn luôn được sáng tạo và
bồi đắp. Từng thế hệ nhà văn đã sáng tạo nên bản sắc dân tộc của văn học
Việt Nam” [81].
Điều đó đã được thể hiện trong quan điểm chỉ đạo, đường lối, chính
sách của Đảng và Nhà nước. Nghị Quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định

“xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn
bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người”. Trong cương lĩnh xây
dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm
2011), Đảng ta tiếp tục hoàn chỉnh: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng,
thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa
gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng
tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Nghị
quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa
XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định bản sắc dân tộc “Xây dựng
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa

13


dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân
văn, dân chủ và khoa học”.
Văn hóa và văn học có mối quan hệ mật thiết bởi trước hết văn học có
thể coi là một bộ phận nằm trong chỉnh thể của nó là văn hóa, mỗi nhà văn
khi sáng tạo tác phẩm của mình đều phải dựa trên một nền tảng rộng lớn là
văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại. Có thể coi văn học là một tấm gương
vừa phản chiếu, vừa thu nhỏ bộ mặt văn hóa của từng thời đại vào trong đó.
Đặc biệt văn học sẽ kết tinh toàn bộ các phương diện của văn hóa vào trong
thế giới nghệ thuật của mình. Bielinxki từng viết: “Văn học cũng như mọi
loại hình nghệ thuật khác đều là sản phẩm tinh thần của một cá nhân nghệ sĩ.
Mà cá nhân người nghệ sĩ đó lại thuộc về một cộng đồng, một dân tộc nhất
định. Mỗi tác phẩm văn học ít nhiều đều mang dấu ấn riêng về văn hóa,
phong tục tập quán hay tâm lí, tính cách đặc trưng của dân tộc mình. Vậy

tính dân tộc được xem như là một thuộc tính xã hội của văn học, là một
“thuộc tính tất yếu của việc sáng tạo”.
Bàn về tính dân tộc trong văn học, nhà nghiên cứu người Nga A. Tôn
xtôi cho rằng: “Nghệ thuật dân tộc là nghệ thuật mang mùi hương đất đai,
trong tiếng mẹ đẻ mỗi từ dường như có hai lần ý nghĩa nghệ thuật…”. Quan
điểm đó rất đúng bởi vì tác phẩm văn học nghệ thuật là sản phẩm riêng của
cá nhân nghệ sĩ, nhưng đằng sau mỗi người nghệ sĩ bao giờ cũng mang bóng
dáng của dân tộc, giai cấp mà họ đang sống. Vậy nên bản sắc văn hóa dân
tộc luôn thấm đẫm trong từng câu chữ, trong cách cảm cách nghĩ của mỗi
nhà văn, nhà thơ. Và cũng chính đặc thù của đời sống dân tộc đã mang lại
cho văn học của dân tộc ấy một bản sắc riêng độc đáo được bảo tồn lưu giữ
qua nhiều thế hệ” [44].

14


1.2.2 Khái quát về văn hóa dân tộc Tày
Dân tộc Tày là một cộng đồng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày – Thái, là cư
dân đông nhất ở vùng núi phía Bắc và chiếm tỉ lệ cao so với các dân tộc thiểu
số khác. Theo số liệu điều tra dân số công bố năm 2001 của Tổng cục Thống
kê, dân tộc Tày có 1.477.514 người, “cư trú trên một địa bàn rộng lớn miền
thượng du Việt Bắc, Đông Bắc… Vùng người Tày cư trú thường xen kẽ các
dân tộc Mông, Dao, Nùng, Sán Chay, Giáy” [14, 284].
Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm. Sử sách còn ghi rõ ngay từ
buổi bình minh của lịch sử, thế kỷ thứ II trước công nguyên, liên minh bộ lạc
Âu Việt (Tày, Nùng) đã cùng liên minh với bộ lạc Lạc Việt (Việt, Mường)
dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh An Dương Vương Thục Phán, đã có đủ sức mạnh
đánh bại quân Tần xâm lược và thành lập Vương quốc Âu Lạc. Âu Lạc chính
là nhà nước đầu tiên xuất hiện trên vũ đài lịch sử Việt Nam với tiến trình lịch
sử lâu đời của mình, dân tộc Tày chẳng những góp phần quan trọng vào sự

nghiệp dựng nước và giữ nước mà còn sớm hình thành một nền văn hóa, làm
phong phú thêm nền văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
* Văn hóa sản xuất
Từ rất lâu đời người Tày đã sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước.
Do có mặt sớm hơn các dân tộc khác nên người Tày đã khai phá và làm chủ
được những vùng thung lũng phẳng. Việc trồng lúa nước của người Tày được
ghi dấu trong truyền thuyết Pú Lương Quân của dân tộc mình. Vì địa hình đồi
núi cao, hệ thống sông, suối thường thấp hơn các cánh đồng, đám ruộng, nên
từ xa xưa người dân đã biết đào mương, đắp phai, bắc máng, làm cọn lấy
nước lên ruộng và lợi dụng sức nước để giã gạo.
Ngoài lúa nước, người Tày còn trồng lúa nương, hoa màu, cây ăn
quả… Các loại cây công nghiệp cũng được người dân chú trọng phát triển
như thuốc lá, trẩu, hồi, tre, trúc…

15


Người Tày rất chú trọng phát triển về chăn nuôi. Bởi ngoài trồng trọt,
chăn nuôi cũng đem lại nguồn thu lợi đáng kể cho kinh tế hộ gia đình. Từ bao
đời nay, dân tộc Tày đã có quan niệm “tu mò nhò pỏ khỏ” (con bò giúp đỡ
người nghèo). Cư dân Tày cổ cũng đã biết thuần dưỡng trâu để phục vụ sản
xuất. Chính vì vậy con trâu được chọn làm vật tế lễ trong lễ hội “Lồng
Tôồng”, hình đầu trâu được treo trong nhà ở những chỗ trang trọng nhất. Điều
này thể hiện tín ngưỡng của dân tộc đối với con vật sống gần gũi và có ích
trong đời sống của người dân.
Săn bắt, hái lượm cũng là một nét phong tục quen thuộc của dân tộc
Tày, đặc biệt là nghề đánh bắt cá ở sông, suối. Hầu như gia đình người Tày
nào cũng có dụng cụ để đánh bắt cá (bằng chài, lưới, vó, đơm…). Một số
người còn chủ yếu sống dựa vào nghề này.
Dân tộc Tày rất nổi tiếng với các nghề thủ công, như: đan lát các vật

dụng gia đình bằng tre, trúc, mây; đục đẽo đá làm cối giã, cối xay; rèn sắt,
dao… Họ biết trồng bông, làm sa quay, làm khung cửi dệt vải, và nhất là có
kỹ thuật nhuộm tạo ra loại vải màu đen rất đặc trưng (màu chàm) để may
quần áo, làm màn, mặt chăn. Đặc biệt là những tấm thổ cẩm được dệt với
nhiều hoa văn đẹp, độc đáo làm mặt chăn, mặt địu…
Do nông lâm thổ sản và tiểu thủ công nghiệp phong phú, cộng thêm
nhu cầu trao đổi, buôn bán của mọi người dân, nên ở vùng có người Tày cư
trú, chợ được mở ở nhiều nơi. Chợ họp theo chu kỳ năm ngày một phiên. Các
chợ bày bán sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Trong ngày
chợ phiên, nhiều hình thức văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn địa phương đã
tạo nên văn hóa chợ độc đáo của các dân tộc thiểu số vùng cao.
* Văn hóa tổ chức đời sống
Tục ngữ Tày có câu “vỉ noọng tam tó bấu táy vỉ noọng sỏ rườn” (anh
em ruột ở xa không bằng người dưng ở ngay bên cạnh) cũng giống câu tục

16


ngữ Kinh “Bán anh em xa mua láng giềng gần” để nói lên sự cố kết dân bản
và sự đoàn kết trong lao động sản xuất, chiến đấu để chống nạn trộm cướp,
chống kẻ thù. Hơn thế, họ luôn quan tâm, giúp đỡ, chia ngọt sẻ bùi lẫn nhau
mỗi khi gia đình bạn bè có chuyện vui buồn như tình làng nghĩa xóm “tắt lửa
tối đèn có nhau” của các dân tộc khác. Trong quan hệ với các dân tộc anh em,
đồng bào có tập quán kết nghĩa anh em gọi là “lạo tồng”, thương yêu, giúp đỡ
nhau như anh em ruột thịt. Đồng bào Tày rất mến khách “Khách đến nhà bao
giờ cũng được tiếp đãi chu đáo. Khách đến làng, tuy không quen biết, nhưng
cũng được đồng bào chào hỏi thân mật” [41, 8].
*Văn hóa vật chất
Người Tày ăn cơm tẻ là chính. Mỗi ngày ăn ba bữa sáng, trưa và tối.
Những ngày lễ tết (dù là tết to hay tết nhỏ), cưới hỏi đồng bào thường ăn gà,

vịt, ngan, lợn và chế biến thành những món ăn mang đậm phong vị miền núi.
Các loại bánh trái làm trong ngày tết lễ hết sức phong phú, như: bánh chưng,
bánh gai, bánh dợm, bánh gio, bánh khảo, chè lam, bánh trứng kiến, bánh
cuốn… đã trở thành nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Tày.
Nước chè của người Tày chủ yếu được nấu bằng các loại lá cây do
đồng bào hái trên rừng và đều có tác dụng về y học. Từ lâu, người Tày đã biết
cất rượu bằng ngô, gạo, sắn ủ với men lá tự chế. Rượu được uống trong sinh
hoạt ngày thường, khi có khách đến nhà chơi thể hiện lòng hiếu khách vào
những ngày lễ tết.
Người Tày từ lâu đã cư trú tập trung thành bản. Vì thế, tên bản thường
gọi theo tên cánh đồng, khúc sông suối, hay dốc núi. Ở những nơi đất rộng
ruộng nhiều có bản tập trung tới hàng trăm nóc nhà, nơi ruộng ít thì cũng dăm
chục nóc nhà. Bản làng thường dựa lưng vào núi, trước mặt trông ra cánh
đồng. Nhà ở của dân tộc Tày thường là nhà sàn, nhà sàn đá, nhà đất; mái nhà
lợp bằng ngói âm – dương hoặc lá cọ, lá gianh…

17


Người Tày có câu nói “Chiêm slao, chiêm tin slửa” (kén gái nhìn tà áo) để
nói về tài nghệ của người phụ nữ Tày trong việc trồng bông, kéo sợi vải, nhuộm
chàm, cắt quần áo... Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện rất rõ qua trang phục.
Trong trang phục truyền thống của dân tộc, “cả nam lẫn nữ đều mặc
quần áo màu chàm và hầu như cùng một kiểu, không thêu trang trí” [14,
290]. Riêng chiếc áo của phụ nữ thường may vừa vặn cơ thể: hơi nhân thêm
eo, ống tay nhỏ để tôn những đường nét của cơ thể. Khi mặc áo, bao giờ
người phụ nữ cũng thắt ra ngoài một chiếc thắt lưng bằng vải chàm để xõa
mối ra đằng sau tạo nên sự mềm mại. Người phụ nữ Tày cũng mặc áo dài năm
thân, cài khuy áo bên nách phải như nhiều dân tộc khác, nhưng vẫn tạo ra
dáng vẻ riêng của mình, nhờ thân áo dài chấm gót, tay áo hẹp bó sát giống

như áo dài của phụ nữ Kinh, cổ áo không ôm khít vòng cổ như áo dài Kinh,
mà vẫn để hở một khoảng tạo cảm giác như chiếc áo “mềm mại” hơn. Độc
đáo hơn cả có lẽ là màu sắc của áo dài người Tày. Đó là màu vải chàm sậm
đen ánh sắc tím hay màu tím hồng. Để tôn thêm sự duyên dáng, phụ nữ Tày
còn vấn tóc, chít khăn vuông màu chàm theo kiểu chít vuông trước trán, các
góc khăn thường đính tua chỉ màu. Họ cũng hay đeo vòng cổ, vòng tay, chân
và dây xà tích bằng bạc.
Do địa hình không bằng phẳng, nhiều núi đồi, khe suối nên phương tiện
người Tày dùng để đi lại, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp thường bằng
ngựa. Vật dụng chứa mang vận chuyển thường bằng gánh đôi dậu, đôi xỏng
và đôi cuôi. Tất cả những vật dụng này đều do bàn tay người dân đan lát mà
tạo thành. Dùng trâu kéo và bè, mảng để chuyên chở cũng là một nét đặc sắc
riêng của dân tộc Tày.
* Văn hóa tinh thần
Thanh niêm nam nữ Tày được tự do tìm hiểu qua các cuộc hội hè, hát
lượn. Nhưng để đi đến hôn lễ hay không lại do hai gia đình quyết định. Người

18


Tày có phong tục “Khai lục nhình” (bán con gái) nên lễ vật và tiền cưới nhà
trai phải mang đến nhà gái rất hậu hĩnh. Việc tiến hành hôn nhân phải qua rất
nhiều khâu; đánh tiếng (đi hỏi), lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt. Lễ cưới thể hiện
rõ nhất nét đẹp văn hóa của người Tày qua việc hát đối đáp sli lượn trong đám
cưới. Đó là tiếng hát của ông quan lang (người chủ đón dâu) và đại diện nhà
gái để được lên nhà gái làm lễ tổ tiên và đón dâu, đưa dâu về nhà chồng.
Tiếng hát “quan lang” mang ý nghĩa cao quý bởi nó thể hiện tình cảm trân
trọng của nhà trai đối với nhà gái và ngược lại; đồng thời nó cũng thể hiện
văn hóa ứng xử của cả gia tộc nói riêng, tộc người nói chung thông qua đại
diện của hai gia đình. Đó còn là tiếng lượn của những người đến dự đám cưới

cất lên để mừng cho cô dâu chú rể, mừng cho gia chủ có được con dâu, con rể
thảo hiền, mừng cho cuộc sống mới… Tất cả các điệu si lượn đó đã tạo nên
một phần quan trọng trong đời sống văn nghệ của dân tộc Tày.
Người Tày là dân tộc theo tín ngưỡng đa thần. Các thần đều được gọi là
ma (phi), gồm phi phạ ở trên trời, phi đông ở trong rừng, phi pú pẩu là tổ
tiên… Bên cạnh quan niệm về các loại ma như trên, trong tâm thức của dân
tộc này còn có lại ma gà (phi cáy) ngự trị ở một số người. Đây là một loại ma
ác, thường làm hại nên người Tày rất ghét, sợ những ai bị mang tiếng là ma
gà. Mỗi khi gia đình có việc vui, buồn, ốm đau, bệnh tật… dân tộc Tày đều
hay mời thày mo, thày tào, bà bụt (pựt) về để hành lễ.
Trong một năm, người Tày có nhiều ngày tết với những ý nghĩa khác
nhau, Những dịp tết dù nhỏ hay to, người Tày đều làm những thứ bánh theo
từng thời điểm. Các loại bánh trái luôn biểu hiện cho bản sắc dân tộc của dân
tộc. Ví như mùng 3 tháng 3 là ngày tết ăn xôi ngũ vị, bánh trứng kiến; rằm
tháng bảy là tết bánh gai, bánh dợm và ăn thịt vịt quay… Đặc biệt nhất là
những ngày hội “Lồng Tôồng” (xuống đồng) tổ chức vào dịp đầu xuân ở
nhiều địa phương trong vùng với nhiều hình thức văn hóa và tín ngưỡng dân
gian mang đậm bản sắc dân tộc càng làm phong phú hơn đời sống văn nghệ,
đời sống tín ngưỡng của người dân.

19


Người Tày có kho tàng truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, tục
ngữ, truyện thơ phong phú, tiêu biểu là truyện Quả bầu, Thạch Sanh, Cẩu
Khây, Pú Lương Quân, Báo Luông - Sao Cải, Khảm hải (vượt biển)… Ngoài
ra, dân tộc tày còn có dân ca với các làn điệu đặc trưng như hát sli, lượn,
phong slư, phuối pác, puối rọi, vén eng… các làn điệu dân ca này phục vụ
trong đời sống sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng của người Tày.
Cũng giống như một số dân tộc thiểu số ở vùng cao khác, người Tày

còn có một nền y học nhân dân khá phong phú “Hầu như gia đình nào cũng
biết nhiều cây thuốc chữa bệnh, thuốc bổ” [14, 30] cho con người và gia súc,
gia cầm để tự do phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Từ những điều vừa tìm hiểu về đặc điểm văn hóa của dân tộc Tày
chúng ta có thể nhận ra rằng: Mỗi một dân tộc đều mang trong mình những
dấu ấn văn hóa riêng hòa trong những nét văn hóa chung của nhiều dân tộc.
Chính cái riêng tạo nên đặc sắc của dân tộc đó. Còn những nét chung đã tạo
nên nét hài hòa giao lưu giữa các dân tộc anh em. Bản sắc văn hóa hay truyền
thống dân tộc là quá trình chọn lọc, tích lũy qua nhiều thế hệ. Trong xu hướng
phát triển kinh tế hội nhập ngày nay, để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Tày
cùng các dân tộc anh em khác như giữ lại những trang phục cổ truyền, sinh
hoạt văn hóa trong đám cưới, ma chay, lễ hội là điều không phải dễ dàng; Do
đó việc phát hiện, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của từng dân tộc
theo hướng ngày càng hiện đại nhưng vẫn giữ được dấu ấn riêng là vấn đề ý
nghĩa mang tính thời sự, cập nhật.
1.3 Cuộc đời và văn nghiệp Y Phương
1.3.1 Sáng tác của Y Phương
Tên khai sinh của Y Phương là Hứa Vĩnh Sước (các bút danh: Y
Phương, Chu Văn Păn, Hứa Hiếu Lễ) sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 trong
một gia đình nông dân dân tộc Tày ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh

20


Cao Bằng. Thân phụ là cụ Hứa Văn Cường biết chữ nho, làm thầy tào và chữa
bệnh điên cứu người. Ngày bé, cậu bé Vĩnh Sước hiếu động đã theo cha gõ
trống, đánh não bạt cho đám ma. Cậu cũng đã từng ước ao ước có được
những phép thuật của thầy tào, học được những bài thuốc của cha, nhưng cha
nhìn thấy số mạng Vĩnh Sước không hợp nghề đó “Con là người nóng tính,
ham hố nhiều như tóc. Riêng hai điều đó không thể học được để làm thày

tào”. Cha tôn trọng thiên hướng bẩm sinh và bài học đầu tiên dạy con là cách
xử thế nhân văn:
“Không bao giờ quỳ gối và nói lời cong
Con phải sống thẳng băng như đường mực”.
Thân mẫu anh là bà Nông Thọ Lộc - một phụ nữ, tảo tần, đảm đang,
tháo vát, hiểu biết rộng, giàu đức hy sinh, luôn khích lệ con trai lòng can đảm,
ý chí phấn đấu vươn lên, quý trọng tinh thần tự chủ: "Tốc đin rà mạ tấc. Tốc
đin than mạ mè" (Sống tại đất mình thành ngựa đực. Sống ở nơi người là
ngựa cái). Mẹ luôn răn dạy anh: “Hãy giữ mình như giữ lửa-Cứ ngồi -Đừng
sợ bóng người cong”; phải biết sống đẹp, ngẩng cao đầu kiêu hãnh “Không
bao giờ nhỏ bé được nghe con”. Ghi nhớ lời mẹ, anh đã gửi thông điệp đó vào
bài thơ “Nói với con” và cũng chính bài thơ được đưa vào chương trình giảng
dạy văn học lớp 9 đã đưa tên tuổi anh đến gần hơn với công chúng, với giáo
viên, học sinh, với những người yêu thơ…
Hứa Vĩnh Sước lớn lên trong niềm tự hào về truyền thống của quê
hương, gia đình và nhất là chú anh - ông Hứa Văn Khải ở làng Hiếu Lễ. Năm
1947, ông Hứa Văn Khải và hai cụ lão du kích đã dùng khẩu đại bác do mình
tạo ra bằng gỗ nghiến, đặt tên Sàng Là, bắn giặc Pháp khi chúng đang hành
quân qua đèo Keng Phác - một trận đánh có một không hai trong lịch sử chiến
tranh thế giới. Cảm phục chiến công của ba ông lão du kích Co Xàu, trong đó
có ông Hứa Văn Khải, Bác Hồ đã tặng bài thơ Tặng các cụ lão du kích:

21


“Tuổi cao ý chí càng cao
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu
Sẵn sàng tiêu diệt quân thù
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”
Khẩu súng kỳ lạ đó hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Pháo binh ở

thủ đô Hà Nội.
Muộn hơn so với bạn bè cùng trang lứa, lên 9 tuổi, anh mới tập nói
tiếng Kinh. Ngày đầu tiên mẹ đưa đến học trường cấp I thị trấn Trùng Khánh
(Cao Bằng), cậu bé Vĩnh Sước lạ lẫm nhìn thầy cô, bạn bè, chỉ bám riết lấy áo
mẹ nằng nặc đòi về. Sự nghiêm khắc và cả sự kiên trì của pa me khiến anh
mới dần quen với bảng đen, phấn trắng, thầy cô, bạn bè. Niềm đam mê văn
chương manh nha và phát lộ khi pa thấy cậu con trai chắm chúi, nghiền ngẫm
như một “con mọt sách” kho sách của mình. Nhìn thấy tố chất bẩm sinh trong
con trai, pa đã ủng hộ, nâng bước cho thiên hướng lựa chọn của anh. Việc
truyền nghề cho con là điều pa me đã từng nghĩ tới, nhưng không thành.
Thời ấu thơ sống bên đá, trên đá, thở trong đá, anh làm bạn với đá, với
sách: "Sống trên đá không chê đá gập ghềnh". Sau này khi cái tên Y Phương
đã trở thành một tên tuổi quen thuộc trong làng văn chương, tâm sự của anh
vẫn là nỗi niềm gắn bó, thủy chung với đá: “Tôi nói với núi đá. Núi đá vọng
lại. Tôi hát với núi đá. Núi đá vọng lại. Chúng tôi thân thiết nhau hơn sáu
chục năm trời. Nay tôi đang trở thành người già. Còn núi vẫn... non”. Núi
non Cao Bằng – nơi thế kỷ XV là kinh thành của nhà Mạc, nơi các ngọn núi
từ thấp đến cao đều lao vút lên trời nhọn hoắt đã góp phần hun đúc, dung
dưỡng tố chất văn chương của anh.
Ngoài đá, bạn của anh là sách. Anh tâm sự “Tôi coi sách như bạn. Vì
tôi không có hứng thú ham chơi thả diều, đá bóng như nhiều bạn cùng lứa.
Tôi cô đơn và hay buồn, ngay từ khi còn ít tuổi". Từ những cuốn sách đầu tiên

22


×