Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Sự cần thiết phải chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (157.77 KB, 3 trang )

Sự cần thiết phải chăm sóc sức khỏe sinh sản vị
thành niên và sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân
(ĐCSVN) – Trong xã hội hiện đại, với sự "nở rộ" của các loại văn hóa phẩm, mối
quan hệ rộng mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được "trẻ hóa"…
khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, đặc biệt là việc mang thai
ngoài ý muốn, bệnh lây truyền qua đường tình dục... Hơn lúc nào hết chăm sóc
sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên cần được quan tâm từ các cấp, các
ngành
tới
mỗi
người
dân.
Đối tượng vị thành niên chưa hiểu tầm quan trọng CSSKSS

Trong báo cáo năm 2014 của Tổng cục Thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 1,2 đến 1,6
triệu ca nạo phá thai. Nếu như tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5 - 7% tổng số ca
nạo phá thai trong các năm trước, thì đến nay, tỉ lệ đó đã tăng lên 18 - 20%. Bên cạnh đó, xã
hội hiện đại cũng dẫn đến những bệnh tật mới xuất hiện liên quan đến đường sinh sản
hoặc những bệnh tật có từ trước ảnh hưởng đến sự sinh sản, thai nghén… Điều đáng nói là,
một số bệnh tật ở người cha, người mẹ tương lai còn gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi sau
này nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phát hiện khoảng gần 100 sản phụ nhiễm HIV,
phần đông khi họ đến đây mới biết mình mắc bệnh. Nguyên nhân là do họ không kiểm tra
sức khoẻ tiền hôn nhân và không biết rõ về thể trạng sức khoẻ của bạn đời. Do đó, thai nhi
không được điều trị dự phòng dẫn đến nhiễm HIV từ mẹ truyền sang.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỉ lệ trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 1,5
- 3%. Sự thiếu hiểu biết về kiến thức sinh sản, không kiểm tra sức khỏe trước và trong khi
mang thai dẫn đến việc không dự phòng cũng như không phát hiện sớm những dị tật bẩm
sinh của trẻ...
Những vấn đề trên đều có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm vợ chồng hoặc ảnh hưởng đến
các yếu tố khác như: Kinh tế, sức khỏe, tâm lý; sâu rộng hơn là ảnh hưởng đến cộng đồng,


xã hội. Điều đáng nói là phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng nhằm tránh hoặc giảm
nhẹ rủi ro nếu người nam và người nữ được hướng dẫn và chăm sóc SKSS tiền hôn nhân
tốt.
Nhiều khó khăn trong tuyên truyền chăm sóc sức khỏe vị thành niên (CSSKVTN)

Một nữ thanh niên kiểm tra SKSS tại Trung tâm CSSKSS
TP Đà Nẵng.
Ảnh: TH
Trên thực tế, mặc dù việc giáo dục, tuyên truyền về sức khỏe sinh sản đã có sự cải thiện
đáng kể so với trước đây nhưng cụm từ “CSSKSS” dường như còn khá xa lạ với các đối
tượng tiền hôn nhân, trong đó có trẻ vị thành niên. Ở lứa tuổi này, sự hiểu biết về SKSS vẫn
còn nhiều bất cập, hạn chế: Các bậc phụ huynh còn khá dè dặt trong việc trao đổi với con
em mình về SKSS; trong khi đó, chương trình học phổ thông tuy đã có các buổi giáo dục
giới tính và CSSKSS, song việc giáo dục này mới chỉ mang tính phong trào, đôi khi gượng
gạo. Điều này vô hình trung đã đẩy trẻ vị thành niên vào thế “tự tìm hiểu”.

Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh - Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, Quận
Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết, Chương trình giáo dục giới tính, CSSKSS được nhà trường
triển khai từ năm 2010 lồng ghép vào các tiết sinh hoạt lớp, giáo dục công dân theo các Dự
án Hành trình yêu thương, Thế giới tuổi hoa. Nhà trường coi đây là chương trình cần thiết
nhằm trang bị kỹ năng sống cho các em. Năm nay, các nguồn tài trợ của Dự án đã hết,
nhưng nhà trường vẫn tiếp tục triển khai dạy các chương trình này. Tuy nhiên, khó khăn lớn
nhất là do chưa có giáo trình chuẩn, mà mới chỉ dạy theo các giáo trình do Bộ Y tế đưa ra, do
đó việc giáo dục chưa thường xuyên, liên tục và chủ yếu cũng là giáo dục giới tính, chứ việc
giáo dục CSSKSS chưa nhiều. Qua các chương trình học, nhà trường nhận thấy đối tượng
dạy tốt nhất là học sinh khối lớp 6, 7. Còn ở lứa tuổi lớn hơn thì các em có tâm lý ngượng
ngùng, e ngại, không tương tác với người dạy. Chương trình cũng chỉ có thể được thực hiện
lồng ghép, còn nếu đưa vào chương trình chính khóa các giáo viên sẽ rất vất vả do phải đảm
nhiệm quá nhiều chương trình dạy.
Cô giáo Nguyễn Thị Thuận – Giáo viên bộ môn Giáo dục công dân - người trực tiếp

giảng dạy lồng ghép giáo dục giới tính vào môn học Trường THCS Lý Thường Kiệt cho biết,
bằng cách học ngoại khóa, học sinh khá hào hứng với môn học, nắm bắt nhanh các nội


dung, tuy đôi khi cả cô và trò cũng ngượng ngùng, khó diễn đạt. Hơn nữa, hiện chưa có giáo
trình cho từng khối lớp học nên các chương trình đưa vào giảng dạy không phù hợp khi triển
khai với tất cả các khối lớp.
Còn chị Lê Thị Nguyệt, Trưởng khoa CSSKSS vị thành niên và nam khoa - Trung tâm
CSSKSS tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã có đối tượng tiền hôn nhân tới khám và tư vấn sức
khỏe tại Trung tâm, nhưng số lượng chưa nhiều. Còn với đối tượng vị thành niên (độ tuổi từ
12 – 25), từ đầu năm 2014 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các trường THPT, THCN,
THCS tổ chức khoảng 40 buổi truyền thông công tác CSSKSS (mỗi buổi từ 100 - 150 em).
Các buổi sinh hoạt đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên,
việc triển khai nhân rộng cũng như sự chủ động trong các trường học về vấn đề này hầu như
chưa có, có thể do kinh phí, chuyên môn. Về mặt chuyên môn, Trung tâm luôn sẵn sàng hỗ
trợ, nhưng vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên Trung tâm chưa tổ chức được nhiều buổi truyền
thông hơn nữa tới các trường học.
Thiếu kinh phí triển khai, thiếu giáo trình chuẩn khiến việc giáo dục giới tính và CSSKSS gặp
nhiều hạn chế, còn quá nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên thiếu hiểu biết các kiến thức về
sinh sản đã khiến cho tình trạng mang thai ở lứa tuổi vị thành niên đang ngày một tăng. Thực
trạng nói trên cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên ở nước ta tăng
nhanh trong những năm gần đây.
Tại sao lại phải quan tâm CSSKSS vị thành niên và CSSKSS tiền hôn nhân?

Một buổi ngoại khóa về SKSS tại Trường THCS Lý Thường Kiệt - Hải Châu - Đà Nẵng
Ảnh: TH
Thực tế hiện nay, việc chủ động tìm hiểu các vấn đề về SKSS và chăm sóc SKSS tiền hôn
nhân hầu như rất ít diễn ra. Lý do chính của tình trạng này là tâm lý ngại ngùng trước các
vấn đề được xem là tế nhị, chưa có ý thức và thói quen chủ động "phòng bệnh hơn chữa
bệnh"; chưa có nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi

kết hôn, v.v…

Theo lời khuyên của các bác sĩ, việc CSSK tiền hôn nhân là việc làm rất cần thiết và mang lại
nhiều lợi ích thiết thực. Nó không chỉ giúp người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng
một cách tự tin, mà còn giúp hạn chế, ngăn ngừa những nguy cơ dị tật, khuyết tật ở con cái,
giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Bên cạnh đó, nên có một cách nhìn mới về vấn đề


này, coi việc CSSKSS giai đoạn tiền hôn nhân cũng cần thiết như việc chăm sóc sức khỏe
các giai đoạn khác trong cuộc đời.
Bác sĩ Lê Thị Nguyệt đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ có thể đến Trung tâm CSCKSS địa
phương để được tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân. Qua tư vấn, bác sĩ sẽ thảo luận những dịch
vụ cần thiết phù hợp với hoàn cảnh/tình huống của từng người. Các bác sĩ khuyến khích
khách hàng quan tâm vấn đề này đến tư vấn từng cá nhân, không khuyến khích cặp vợ
chồng sắp cưới đến tư vấn chung (theo quan điểm tư vấn) để tự kiểm tra sức khỏe của mình.
Đến các Trung tâm, các đối tượng tiền hộ nhân sẽ được khám sức khỏe toàn thân, tư vấn
chăm sóc sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng…
Tuy nhiên, Bác sĩ Nguyệt cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh các hoạt
động truyền thông, giáo dục tới đối tượng tiền hôn nhân, vị thành niên bởi có hiểu được việc
chăm sóc SKSS tiền hôn nhân mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình như thế nào thì các
đối tượng mới có thể vượt qua các rào cản tâm lý mà đến với các cơ quan chuyên môn để
được chăm sóc SKSS.
Như vậy, không chỉ là việc hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an
toàn, công tác chăm sóc SKSS tiền hôn nhân còn nhằm các mục đích hết sức thiết thực và to
lớn là chuẩn bị tâm, sinh lý để xây dựng một gia đình hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần,
góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trong xã hội. Điều này cần được
toàn xã hội, mọi người dân nhận thức và góp phần thực hiện.
Riêng với đối tượng trẻ vị thành niên, các nhà trường nên tăng cường hơn nữa việc tổ chức
các hoạt động để định hướng cho học sinh những quan niệm về một lối sống lành mạnh,
khoa học… đồng thời, phối hợp với các bậc phụ huynh có hướng giáo dục phù hợp và giúp

trẻ nhận thức đúng đắn hơn về lĩnh vực này.
Các cơ quan chức năng cần phối hợp đồng bộ với nhà trường, với Đoàn thanh niên, với các
tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về công tác CSSKSS, về giới tính,
tình dục, các biện pháp bảo vệ bản thân với trẻ vị thành niên; giúp các bạn trẻ cởi mở hơn,
nhằm xóa bỏ tâm lý rụt rè, e ngại để các bạn trẻ mạnh dạn tự chăm lo CSSKSS của bản
thân./.



×