Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Chủ đề phân tích những đặc điểm của doanh nhân việt nam marketing management

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.98 KB, 10 trang )

Chủ đề : Những đặc điểm của doanh nhân Việt Nam
Thông qua một số nghiên cứu thứ cấp và đánh giá cá nhân kết hợp phân tích kết
quả điều tra sơ cấp (phỏng vấn đối với 3 nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam), tôi có
một số phân tích về 3 đặc điểm của doanh nhân Việt Nam (theo gợi ý) một cách khái
quát nhất.
Các doanh nghiệp được phỏng vấn là các doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực,
bao gồm các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ với số lao động trung bình trong
năm là trên 35 lao động (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và mới gia nhập thị trường trong
khoảng 6 - 10 năm (Xin xem 3 phiếu câu hỏi kèm theo).
1. Mức độ chấp nhận rủi ro trong kinh doanh
Rủi ro là bất cứ điều gì không chắc chắn có thể ảnh hưởng tới các kết quả của
chúng ta so với những gì chúng ta mong đợi1.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng các yếu tố rủi ro xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên.
Nhưng nó chỉ thật sự là ngẫu nhiên, nếu phía sau không có sự phụ thuộc vào giá cả
trong một thị trường kinh doanh cạnh tranh. Đúng là khi nghĩ về các rủi ro, chúng ta
thường liên tưởng ngay tới vấn đề tài chính. Trên thực tế, rủi ro tài chính là điều quan
trọng, nhưng không nên để nó thu hút toàn bộ sự quan tâm của bạn. Bạn cần chú ý tới
cả những rủi ro phi tài chính - loại rủi ro vốn không thể định giá bằng các chương trình
quản lý rủi ro dựa trên các con số hiện hữu.
Tôi tin rằng chúng ta có thể nhìn nhận các rủi ro phi tài chính như những gì có
thể học hỏi và thấu hiểu. Ví dụ như thời tiết chẳng hạn. Trước kia, chúng ta không có
đủ kiến thức và sự hiểu biết để nói một cách chính xác thời tiết sẽ như thế nào. Song
những dự đoán của chúng ta ngày càng đạt được mức độ chính xác cao hơn. Các nhà
khoa học khí tượng thuỷ văn đang tiến hành các chương trình tính toán phức tạp, cũng
như xây dựng các dự án đào tạo, nghiên cứu chuyên gia trong lĩnh vực này. Giờ đây,
chúng ta không còn nghĩ về thời tiết như một yếu tố hoàn toàn ngẫu nhiên nữa.
Theo các kết quả điều tra, khoảng 70% doanh nhân lãnh đạo các doanh nghiệp
dân doanh ở độ tuổi dưới 45 (đối với doanh nghiệp nữ, tỷ lệ đó là 62%, với doanh
nghiệp quốc doanh là 20 – 25%). Tuổi đời trẻ, ảnh hưởng nhiều tới tính năng động, ý

1



Risk Intelligence: Learning to Manage What We Don't Know - David Apgar


chí dám chấp nhận rủi ro, thách thức, khả năng học hỏi và sức làm việc của doanh
nhân.
Chủ tịch Công ty Secoin, GS Đinh Xuân Bá đã nói: ”Một trong những tố chất
quan trọng nhất của một doanh nhân là dám chấp nhận rủi ro. Không biết được điều đó
thì không có một doanh nghiệp lớn mạnh”
Tuy vậy, cũng có thể nói có một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt là không
dám chấp nhận rủi ro. Họ thiếu hẳn sự sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ dám làm và tính
tiên phong. Điều này thể hiện rõ nhất ở “tâm lý bầy đàn” trong hoạt động doanh
nghiệp thời gian qua. Những bài học đau lòng về “bầy đàn trong chứng khoán”, “bầy
đàn trong bất động sản”, “bầy đàn trong mô hình tập đoàn đa ngành, đa nghề”,… đã
đẩy không biết bao doanh nhân, doanh nghiệp đến bờ vực phá sản và đẩy kinh tế đất
nước vào cơn khủng hoảng trầm trọng.
Ở một góc nhìn khác, việc dám đối mặt với rủi ro trong quyết định của một bộ
phận doanh nghiệp Việt Nam vẫn mang nặng tính “liều” và quyết định mang tính thiếu
nhận thức và hiểu biết. Có thể nhận thức những “rủi ro trong những quyết định dám
chấp nhận rủi ro” của doanh nghiệp Viêt nam như sau:
- Thiếu những qui tắc khôn ngoan trong việc chấp nhận rủi ro
- Thiếu kỷ luật trong việc tuân thủ nguyên tắc này
- Đơn giản hóa những qui trình kinh doanh
- Chưa đo lường và lượng hóa được những rủi ro
Nói cách khác, bí quyết đầu tư là phải mạo hiểm với những rủi ro được tính
toán trước. Mỗi một cơ hội đầu tư luôn mang theo những rủi ro tiềm ẩn. Trong một số
thương vụ đầu tư, một loại rủi ro nhất định có thể chiếm ưu thế hơn, và những rủi ro
khác chỉ là thứ yếu. Hiểu đầy đủ về những loại rủi ro chính yếu là cần thiết để mạo
hiểm có tính toán và đưa ra những quyết định đầu tư nhanh nhạy.
Trong một số tài liệu đã liệt kê được các loại rủi ro trong hoạt động doanh

nghiệp: - Rủi ro vỡ nợ; - Rủi ro kinh doanh; - Rủi ro thanh khoản; - Rủi ro sức mua
hay rủi ro lạm phát; - Rủi ro lãi suất; - Rủi ro công nghệ; - Rủi ro chính trị; - Rủi ro thị
trường.
Có một câu nói rất hay là: “Không rủi ro có nghĩa là không lợi nhuận. Nơi rủi
ro cao thì cũng kỳ vọng lợi nhuận cao”, vấn đề chỉ là quản lý rủi ro đó như thế nào.
Không phải tất cả 8 loại rủi ro này có thể đồng thời xảy ra tại một thời điểm và với


cùng một vụ đầu tư. Mặt khác, các loại rủi ro khác nhau có mối liên hệ với nhau. Điều
quan trọng là phải đánh giá một cách cẩn trọng sự tồn tại của mỗi loại rủi ro, và mức
độ của nó trong mỗi cơ hội đầu tư.
Việt Nam ra nhập WTO được các nhà lãnh đạo và giới doanh nghiệp Việt hay
thích dùng từ gọi là “ra biển lớn”. Ra biển lớn là chấp nhận rủi ro. Biển lớn chứa đựng
cả những cơ hội "cá về đầy khoang" cũng như những rủi ro của những cơn bão lớn.
Chỉ những Doanh nghiệp và doanh nhân dám chấp nhận sự thách thức của biến cả mới
xứng đáng thu nhận về mình sức mạnh của đại dương. Ra biển lớn cần thuyền trưởng
vững vàng và đội ngũ thuỷ thủ dạn dày sóng gió. "Sóng cả nhưng không ngã tay chèo"
là nhờ vào “thuyền trưởng” - tức là ban giám đốc và hội đồng quản trị của Doanh
nghiệp, và "thủy thủ đoàn" - tức là nhân viên của Doanh nghiệp. Ra biển lớn cần “hoa
tiêu” giỏi, cần có la bàn và hệ thống định vị, dẫn đường tốt. Ra biển lớn cần tàu lớn, và
quan trọng hơn, cần tàu tốt. Hơn 90% doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam là nhỏ và
vừa, trong đó phần lớn trong số đó lại là nhỏ và rất nhỏ. Để cạnh tranh trên thị trường
quốc tế, không thể không có Doanh nghiệp lớn. Có một nghịch lý hiện nay là chúng ta
vừa thiếu vừa thừa Doanh nghiệp lớn: thiếu những Doanh nghiệp lớn có khả năng
cạnh tranh quốc tế, trong khi lại thừa Doanh nghiệp lớn kém hiệu quả (Tập đoàn Kinh
tế Nhà nước). Ra biển lớn cần một hệ thống bảo hiểm rủi ro tin cậy. Ngay cả khi các
Doanh nghiệp dám chấp nhận rủi ro thì họ cũng cần tìm những biện pháp để giảm bớt
và phân tán rủi ro. Ở đây, vai trò của Nhà nước là hết sức quan trọng. Ra biển lớn cần
hiểu biết và tôn trọng "luật hàng hải" quốc tế, luật biển quốc tế khác luật sông nội địa.
Đã một thời gian dài các Doanh nghiệp Việt quen với việc xé rào và lách luật hơn là

tuân thủ luật. Hiểu biết luật và các tập quán thương mại quốc tế không chỉ giúp các
Doanh nghiệp thành công hơn, mà còn giúp họ giảm rủi ro và bớt tổn thất trong những
tranh chấp thương mại khi chúng xảy ra.
Qua kết quả từ 3 phỏng vấn có thể đánh giá sơ bộ như sau :
- Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (3/3) đều rất đồng ý với việc chấp nhận mạo
hiểm, chịu rủi ro cao đối với các dự án được doanh nghiệp đánh giá là có nhiều khả
năng mang lại kết quả, lợi nhuận hấp dẫn. Họ cho rằng doanh nghiệp muốn thu được
lợi nhuận mong muốn thì cần chấp nhận rủi ro và điều đó sẽ góp phần làm kết quả
kinh doanh đạt được so với mong muốn và tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, họ
cho rằng bản thân doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khá linh hoạt trong


phát triển, khi đưa ra các quyết định kinh doanh, doanh nghiệp đều có sự phân tích,
đánh giá nhưng không ‘chờ đợi, xem đã’, họ cho rằng các quyết định nhanh chóng và
kịp thời có thể làm tăng mức độ rủi ro nhưng dựa trên kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh
doanh và mong muốn không bỏ qua cơ hội cũng như không ảnh hưởng đến quyết định
kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua nghiên cứu và trao đổi thêm các nhà lãnh đạo được phỏng vấn, các doanh
nghiệp đều cho rằng rủi ro của doanh nghiệp phải được quản lý một cách khoa học,
dựa trên 5 quy tắc cơ bản sau :
- Không mạo hiểm đầu tư nhiều hơn những gì mà số vốn riêng cho phép.
- Cần phải suy tính đến các hậu quả của rủi ro trong kinh doanh.
- Không hy sinh nhiều cái lớn chỉ vì một điều nhỏ.
- Chỉ thông qua các quyết định tích cực khi đã chắc chắn.
- Không nghĩ là chỉ có duy nhất một phương án giải quyết, bởi vì còn có rất
nhiều phương án khác.
2. Tính đổi mới, sáng tạo (đối với sản phẩm, kênh phân phối, hoạt động
khuếch trương...)
Có một thực tế cần phải nhìn nhận thẳng thắn là tính đổi mới và sáng tạo trong
một bộ phân không nhỏ doanh nhân Việt còn ở mức rất thấp. Chúng ta hay tự nhận xét

rằng người Việt thông minh, sáng tạo, nhưng nhiều khi các sáng tạo đó mang nặng
tính chất manh mún, đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
Vậy thì gốc vấn đề là ở đâu ? Trước hết, một số không ít doanh nhân có trình độ
học vấn hạn chế, kỹ năng kinh doanh thấp. Theo kết quả cuộc điều tra của MPDF và
doanh nhân nữ nói trên cho thấy chỉ có khoảng 25% nữ chủ doanh nhân có trình độ đại
học hoặc là trên đại học, trong khi có tới 32.5% chưa học tới phổ thông trung học. Từ
những thống kế về doanh nhân nữ ta có thể suy ra tỷ lệ tương tự đối với nam doanh
nhân. Đó là lỗ hổng rất lớn, hạn chế khả năng và tầm nhìn của doanh nhân trong thế
giới kinh doanh hiện đại ngày nay và do đó giảm hiệu quả và tính sáng tạo của doanh
nghiệp. Lý giải ở góc độ khác, Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh bởi đạo Khổng và phần
nào nữa là đạo Phật. Khổng giáo vốn trọng lễ nghi, thứ bậc, hình thức. Phật giáo
khuyến khích an nhiên, tự tại, đơn giản. Nhiều người cho rằng cả hai trào lưu tư tưởng
này đều phản tự do. Quan niệm như vậy là cực đoan, nhưng cũng phải thừa nhận rằng,
hai luồng tư tưởng này đều không mấy khuyến khích những con người năng động,


sáng tạo, đổi mới, sẵn sàng chiến đấu, vươn lên trong môi trường cạnh tranh tự do
khốc liệt.
Ngày nay chúng ta thường nghe quá nhiều đến những lý thuyết trong quản trị
doanh nghiệp: quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị chiến lược, quản trị
marketing,… Rồi rằng doanh nghiệp cần phải “nhắm vào thị trường, hướng tới khách
hàng”, phải đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, giá cạnh tranh nhất, phải xây
dựng một đội ngũ công nhân lành nghề, đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên
tiến. Và giờ đây hình như đó đang là đích trong tư duy chiến lược của các nhà doanh
nhân Việt.
Cần phải có cái nhìn toàn cục hơn, trong bối cảnh một “thế giới phẳng”, một
chiến lược “đại dương xanh” và một nền “kinh tế tri thức” thì ta “giật mình” nhận thấy
rằng: tập đoàn Nike, Reebook không có một nhà máy nào cả, Nokia đa phần sản phẩm
Made in China, … Cả một tòa nhà khổng lồ của Nike ở giữa trung tâm New York chỉ
quản lý 3 mảng chính: Hệ thống nghiên cứu và Phát triển (R&D); Hệ thống phân phối

và Quản lý thương hiệu.
Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D):
Đây là một khâu then chốt trong việc tạo ra một sản phẩm mới. Gần đây người
ta nói nhiều tới chiến lược “Tập trung để khác biệt” và coi đó như là chìa khóa thành
công của doanh nghiệp. Rất tiếc rằng điều đó ở doanh nghiệp Việt nam chưa được coi
trọng. Họ đa phần chỉ tập trung những sản phẩm mà thị trường đã làm và chỉ lo để
“copy”. Theo thống kê không chính thức, có tới xấp xỉ 90% doanh nghiệp Việt không
có bộ phận R&D.
Những chiến lược “hớt váng sữa” của Nokia trong việc tung sản phẩm điện
thoại di động hay Sony với sản phẩm thiết bị nghe nhìn,… cho doanh nghiệp Việt
những bài học quí báu khi tung ra thị trường sản phẩm mới và để làm điều đó thì cần
đầu tư tối đa cho khâu R&D.
Hệ thống phân phối
Không phải đơn giản để chuyển đổi từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao
cấp sang kinh tế thị trường và cũng không dễ dàng chuyển từ khâu phân phối theo kiểu
“xin cho” sang kênh phân phối cạnh tranh hiện đại.
Thiết lập một hệ thống theo chuẩn mực, quản lý kênh phân phối và quản lý lực
lượng bán hàng hiệu quả là mấu chốt để cạnh tranh và giành thị phần. Đây là mảnh đất


mầu mỡ cho những ý tưởng sáng tạo trong việc: thiết lập kênh phân phối theo dạng
trực tiếp hay gián tiếp, đơn kênh hay đa kênh, độ dài của kênh và các giải pháp khuyên
khích bán hàng cũng như giảm thiểu các xung đột lợi ích trong kênh.
Thương hiệu
Định vị được thương hiệu và xây dựng một thương hiệu mang tính nhất quán và
chuyên nghiệp là vấn đề không phải doanh nghiệp Việt nào cũng đã làm được. Nhiều
doanh nghiệp trong quá trình phát triển đã xa rời những giá trị cốt lõi mà mình định ra
rồi phát triển dần theo hướng “đa ngành, đa nghề” để rồi đánh mất chính bản sắc của
mình.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt

nam đang bước vào giai đoạn thử thách gay go nhất cho Chính phủ cũng như giới
doanh nghiệp.
Ở một góc độ nào đó thì khả năng dự báo, sự linh hoạt trong chiến lược kinh
doanh và khả năng tư duy không chuẩn mực là những nhân tố mang tính sáng tạo cao
của doanh nhân trong việc đưa doanh nghiệp của mình vượt khó khăn.
Cuộc khoảng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra kéo theo một loạt các định
chế tài chính, các tập đoàn khổng lồ sụp đổ hoặc trên bờ vực phá sản. Những lý thuyết
kinh tế, tài chính, những chuẩn mực kinh doanh tưởng chừng bền vững nhất, tiên tiến
nhất thì nay lung lay dữ dội và gây ra sự hoài nghi cho các nhà kinh tế. Và cùng lúc
đó, thành công của các doanh nghiệp khi thực thi công việc ngược lại với các chuẩn
mực lại đem lại những thành công bất ngờ. Cuối năm 2008 khi thị trường tài chính Mỹ
lung lay dữ dội thì theo logic chuẩn mực chung đồng Dollar Mỹ nhất thiết phải mất
giá, vậy mà thực tế cho thấy một điều kỳ lạ là đồng Dollar Mỹ lại lên giá một cách
mạnh mẽ và có tính bền vũng với tất cả các đồng tiền khác. Nếu lý giải vấn đề theo
hướng không chuẩn mực thì sự việc này lại mang tính logic của nó và nếu doanh
nghiệp cũng “hành xử “theo một kiểu không chuẩn mực tương tự thì đây lại là cơ hội
lớn với họ.
Tưởng chứng câu chuyện không xa của Warren Buffet về những nguyên tắc
thành công trên thị trường chứng khoán “hãy đầu tư khi thị trường run sợ …” là những
minh chứng. Rồi câu chuyện về thị trường bất động sản của Việt Nam: khi bất động
sản tăng thì đổ xô vào mua, khi thị trường càng xuống thì càng ít người mua. Vậy ta
sao không làm ngược lại ?


Ở tầm vĩ mô cao hơn, ta nhận thấy những thiệt hại khôn lường nếu người điều
hành nền kinh tế đất nước “thiếu” những tư duy không chuẩn mực thì hậu quả như thế
nào. Từ đầu năm 2008, khi kinh tế đất nước bước vào giai đoạn lạm phát nghiêm trọng
thì Nhà nước đã rất “đúng bài” khi tăng lãi suất cơ bản lên và đã phần nào kìm hàm
được lạm phát. Nhưng có điều là đáng tăng lãi suất với mức vừa phải, vừa tăng vừa
“lựa” thì họ lại tăng với một tốc độ chóng mặt. Một hệ lụy xảy ra là chỉ vài tháng sau

hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đứng trên bờ phá sản vì không chịu được “nhiệt”
của lãi suất 21.5%/ năm. Hàng hóa giá thành cao, không bán được, xuất khẩu suy giảm
nghiêm trọng, hàng trăm nghìn người mất việc làm. Tới lúc đó, Nhà nước cũng rất
“đúng bài” là lại đưa ra ngay một loạt chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn và lãi suất
cho hàng xuất khẩu để “kích cầu” và “kích cung”. Chưa biết có “kích” được gì không
nhưng một hệ lụy mà không biết Nhà nước có nghĩ tới không đó chính là việc làm này
lại phạm luật cạnh tranh của WTO ! Nói tới câu chuyện này để thấy các nhà điều hành
đất nước nếu vận hành chính sách “đúng bài” mà thiếu đi sự linh hoạt không nhất thiết
theo chuẩn mực thì cũng giống như người đau đầu mà trị bằng aspirin, chỉ giảm đau
chứ không chữa lành bệnh!
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng rằng khả năng tư duy không chuẩn mực chỉ xuất
hiện ở những nhà lãnh đạo rất am hiểu và nắm vững về những chuẩn mực.
Phân tích kết quả phỏng vấn cho thấy tất cả các doanh nghiệp đều rất đồng ý
với vai trò của hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới và ứng dụng công nghệ
trong doanh nghiệp bất kể doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực gì. Chính vì vậy,
kết quả là sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp (bao gồm số lượng và chủng loại sản
phẩm) đều có ý nghĩa thay đổi to lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp.
3. Tính chủ động, tiên phong đi trước đối thủ trong các hoạt động kinh
doanh (tiên phong tung ra sản phẩm mới...)
Khi nói về sứ mệnh doanh nghiệp, chúng ta thường nhấn mạnh đến vai trò đầu
tàu trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu xã hội… Về mặt bề
nổi thì đúng là như vậy nhưng nhìn nhận ở góc độ sâu hơn, tính tiên phong, mở đường
cho những ý tưởng mới, nhận thức mới và ở mức độ nào đó, tác động tích cực đến tầm
nhìn trong tổ chức đời sống xã hội.
Dưới đây là một số tính tiên phong trong hoạt động doanh nghiệp Việt nam:
- Tiên phong về sản phẩm mới, dịch vụ mới


- Tiên phong về công nghệ
- Tiên phong trong phương pháp quản trị doanh nghiệp

- Tiên phong về văn hóa và tri thức
Khi Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chúng ta có cái nhìn
logic hơn về mối quan hệ cung – cầu, giá – cầu; nhưng chỉ khi các siêu thị Metro,
Vincom, BigC, Nguyễn Kim, Parkson,… tung những “đòn” siêu khuyến mãi, chúng ta
mới nhận thức một cách trực quan, đầy đủ sự vận động của giá lên cầu, cũng như
quyền năng, giới hạn của người tiêu dùng trong 3 trụ cột quyết định đến nhịp độ phát
triển đất nước, bao gồm: xuất khẩu – tiêu dùng trong nước – đầu tư toàn xã hội.
Cùng với động lực mở rộng thị trường, doanh nhân có nhu cầu sử dụng những
biểu tượng văn hóa dân tộc. Họ là sứ giả đưa những tinh hoa Việt Nam ra thế giới.
Những Café Trung Nguyên, đôi dép Bitis, bánh kẹo Kinh Đô, tà áo dài của nhà thiết
kế thời trang Minh Hạnh, gạch ngói Secoin, … xuất hiện ở nhiều châu lục, khiến Việt
Nam gần gũi hơn trong con mắt bạn bè thế giới.
Hoạt động của doanh nhân còn mở rộng ra thị trường nhân lực, buộc các trường
đại học, viện nghiên cứu phải đổi mới phương pháp giáo dục, nghiên cứu khoa học
theo hướng coi trọng thực hành hơn. Sỡ dĩ doanh nhân giữ vai trò tiên phong trong
sáng tạo, đổi mới nhận thức, cách nhìn như vậy là do họ là đối tượng sử dụng tài
nguyên (đất, mặt nước, rừng, dải tần số, nhân lực, thông tin,…) nhiều nhất; họ cũng là
đối tượng sử dụng công nghệ nhiều nhất.
Tính tiên phong cũng là nhân tố quan trọng bậc nhất trong chiến lược cạnh
tranh vượt lên đối thủ . Tại Công ty Secoin, tiêu chí “luôn tạo ra sự mới lạ” như kim
chỉ nam cho hoạt động R&D để phát triển sản phẩm mới. Theo thống kê, cứ 1 tháng
chúng ta cho ra 1 model gạch mới và mỗi năm lại tung ra thị trường 1-2 chủng loại sản
phẩm mới. Điều dó đã đẩy các đối thủ cạnh tranh của Secoin luôn ở thế người đi sau.
Mỗi khi họ copy xong 1 model gạch của chúng tôi thì cũng là lúc chúng tôi kịp tung ra
model mới được bán với giá cao, còn model cũ thì hạ giá để cạnh tranh với đối thủ.
Với chiến lược này, Secoin luôn là người tiên phong chiếm lĩnh và dẫn dắt thị trường
trong lĩnh vực của mình.
Các doanh nghiệp được phỏng vấn thống nhất với nhận định rằng bản thân
doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên trên thị trường tung ra các sản phẩm, dịch vụ mới, áp
dụng những kỹ thuật và công nghệ mới. Đồng thời với đó họ là đơn vị đầu tiên đưa ra



các hoạt động mà sau đó đối thủ cạnh tranh thường đi theo. Nhiều sản phẩm, dịch vụ
mới của doanh nghiệp đã được tung ra thị trường trong vòng 5 năm qua./.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

____

1. MBA trong tầm tay - Marketing - Charles D. Schewe & Alexander Hiam - Nhà
xuất bản Trẻ - 2008;
2. Risk Intelligence: Learning to Manage What We Don't Know - David Apgar ;
3. Tài liệu thu thập trên Internet./.
___



×