Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Tham luận về công tác giáo trình các môn toán của trường đại học bách khoa hà nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (150.93 KB, 3 trang )

Tham luận về công tác giáo trình các môn toán
của trường Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS. TS Tống Đình Quỳ
Viện Toán ứng dụng và Tin học
ĐH Bách khoa Hà Nội

Xây dựng hệ thống giáo trình là công việc không thể thiếu trong giảng dạy và đổi
mới chương trình đào tạo của các trường đại học và cao đẳng. Trong hoàn cảnh Việt Nam
hiện nay, đổi mới công tác giáo trình, học liệu là một nhiệm vụ rất quan trọng và là khâu
then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo.
1. Thực trạng công tác giáo trình các môn toán trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Thư viện trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện có khoảng 4100 đầu sách giáo trình với
khoảng 257000 bản in (chiếm tới 42% số bản in của thư viện). Tuy nhiên số tài liệu mới
xuất bản, nhất là các môn toán với nội dung được cập nhật và hiện đại là không nhiều, và
hiện đang hình thành khuynh hướng phát triển và sử dụng các tài liệu điện tử.
Số đầu sách giáo trình ngành toán tương đối ít: hiện chỉ có khoảng hơn 10 đầu sách,
trong đó chủ yếu là các tài liệu dành cho giai đoạn đại cương (Giải tích 1-2-3, Đại số,
Xác suất-Thống kê, Lý thuyết tối ưu, Giải tích số...). Số giáo trình dành cho sinh viên và
học viên cao học ngành toán ứng dụng và toán - tin do các cán bộ giảng dạy của Viện
Toán ứng dụng và Tin học, ĐH Bách khoa Hà Nội, biên soạn và xuất bản lại càng hiếm.
Các tài liệu được sử dụng trong giảng dạy chuyên ngành đa số là sách tham khảo nước
ngoài, một số ít là giáo trình của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Mặc dù trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có Nhà xuất bản từ cuối năm 2005, đồng
thời nhà trường đã có nhiều chính sách mới khuyến khích các thày cô trong trường tham
gia biên soạn, xuất bản các tài liệu, học liệu, nhưng số giáo trình toán được viết chưa
nhiều và mới dừng ở dạng tiền ấn phẩm là các bài giảng điện tử mà chưa được in ấn
chính thức.
Việc thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội càng
cho thấy nhu cầu cấp thiết của hệ thống giáo trình, học liệu. Mặt khác các tài liệu tham
khảo chủ yếu bằng tiếng nước ngoài và cũng khó tiếp cận, đồng thời do hạn chế về ngoại
ngữ của sinh viên, cũng là những yếu kém cần khắc phục trong thời gian trước mắt. Hệ


thống giáo trình mở của Bộ còn thiếu và yếu về chất lượng, chưa kể không mang tính đặc
thù của từng trường đại học.


2. Nguyên nhân
- Khối lượng giảng dạy quá lớn đã làm mất quá nhiều thời gian của đội ngũ giảng
viên. Đặc biệt những năm gần đây số lượng sinh viên tăng, một số lớn cán bộ giảng dạy
tuổi cao nghỉ hưu, trong khi đó số cán bộ trẻ chưa đủ độ chín để tham gia vào biên soạn
và xuất bản giáo trình.
- Việc viết giáo trình để xuất bản đòi hỏi quá nhiều thời gian mà thu nhập không cao,
tiền nhuận bút quá thấp so với việc trực tiếp giảng dạy cũng là lý do không thu hút được
các giảng viên tham gia. Mặt khác việc viết sách yêu cầu những kỹ năng khác với công
việc giảng dạy quen thuộc, nhất là viết cho hai nhóm đối tượng là sinh viên các ngành
không chuyên về toán và sinh viên chuyên ngành toán ứng dụng và toán - tin, nhưng
không ai có thể thay thế các thày làm công việc này.
- Đối với sinh viên chuyên ngành còn tồn tại một vấn đề phức tạp khác là số lượng ít,
rất khó trong khâu phát hành để đảm bảo lấy thu bù đắp cho chi phí xuất bản và biên
soạn. Giá thành sách giáo trình cao làm cho các ấn phẩm khó tiếp cận đến các độc giả
mong muốn là sinh viên; đồng thời nạn sao chụp, in ấn sách giả có chiều hướng tăng
trong những năm gần đây cũng tạo ra khủng hoảng cho công tác xuất bản nói chung và
xuất bản giáo trình nói riêng.
- Thói quen của đa số sinh viên chủ yếu vẫn là học theo bài giảng của thày cô, sử
dụng các tài liệu chưa rõ nguồn gốc, mà chưa quan tâm đến đọc các sách giáo trình, tài
liệu tham khảo. Các thày cũng chưa tạo được chuyển biến cơ bản trong đổi mới phương
pháp giảng dạy và trong yêu cầu về văn hóa đọc cho sinh viên.
3. Giải pháp đổi mới công tác giáo trình
- Điểm khác biệt căn bản của giáo dục đại học so với giáo dục phổ thông là phải biết
tự học và rèn luyện phong cách tự làm việc, vì vậy vai trò của sách giáo trình, học liệu,
sách tham khảo là không thể bỏ qua trong quá trình dạy và học ở các trường đại học. Cần
có sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của các cấp quản lý đại học, nhất là ở các trường, để

hình thành hệ thống giáo trình trọng điểm của từng trường, nhất là trong đào tạo theo học
chế tín chỉ đang thịnh hành hiện nay trong hệ thống giáo dục nước ta.
- Đội ngũ giảng viên phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tạo ra các giáo trình mang tính
khoa học và tính đặc thù của từng trường và từng ngành học. Chất lượng giảng dạy được
đo bởi khả năng của sinh viên biết tự đào tạo, tự làm việc và sau này lao động độc lập,
sáng tạo. Phải gắn được các hoạt động dạy và học với tự học và tự tìm kiếm, sử dụng
sách và tài liệu tham khảo. Tạo cơ chế chính sách để đội ngũ cán bộ giảng dạy có trách
nhiệm và nghĩa vụ tham gia tích cực vào công tác biên soạn và xuất bản giáo trình, tài


liệu tham khảo... Giáo trình phải đưa vào đề cương chi tiết các học phần và là tài liệu bắt
buộc sinh viên phải đọc và tự nghiên cứu.
- Thày và trò phải có quyết tâm cao chống sách giả, sách lậu… với sự giúp đỡ tích
cực hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước và của toàn xã hội. Ngoài việc nâng cao
chất lượng sách xuất bản, cần tìm nguồn trợ cấp và đàu tư tài chính để hạ giá thành sách
phát hành để sách có thể đến tay đối tượng cần đọc là sinh viên.
- Các trường ĐH phải dành một khoản kinh phí mang tính đột phá từ nhiều nguồn
(trong đó có cả học phí) cho công tác biên soạn và xuất bản giáo trình, kể cả các học liệu
điện tử. Trước mắt cần cung cấp bản in các giáo trình điện tử của các thày giáo đến tận
tay người học. Về lâu dài cần xây dựng một hệ thống giáo trình mở cho từng trường và
từng ngành học (cơ sở dữ liệu online, ebook, thư viện số…). Nên chú ý đến các giáo trình
cho sinh viên chuyên ngành ít người học và công tác biên dịch các tài liệu khoa học nước
ngoài.



×