Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

TIỂU LUẬN tìm HIỂU tư TƯỞNG của LÊ NIN về mối QUAN hệ GIỮA KINH tế và CHIẾN TRANH TRONG tác PHẨM HẢI CẢNG LỮ THUẬN THẤT THỦ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (120.92 KB, 14 trang )

1

TÌM HIỂU TƯ TƯỞNG CỦA LÊNIN VỀ MỐI QUAN HỆ
GIỮA KINH TẾ VÀ CHIẾN TRANH TRONG TÁC PHẨM
HẢI CẢNG LỮ THUẬN THẤT THỦ

Những năm đầu của thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản thế giới đã bước vào
giai đoạn phát triển cao, theo đó, nó đã bộc lộ ngày càng rõ hơn bản chất kinh
tế, bản chất chính trị phản động. Ở Nga, chủ nghĩa tư bản, giai cấp tư sản có
sự cấu kết chặt chẽ với chế độ Nga Hoàng và chế độ địa chủ. Sự lệ thuộc của
nước Nga vào chủ nghĩa tư bản nước ngoài ngày càng tăng. Lúc này, giai cấp
vô sản Nga bị chủ nghĩa tư bản bóc lột vô cùng tàn bạo, còn giai cấp nông
dân, do bị bọn địa chủ và bọn cu-lắc thống trị, nên họ cũng rơi vào cảnh “túng
bấn, đói khổ và bị phá sản”. Thêm vào đó là cuộc khủng hoẳng kinh tế 1900 1903 rồi cuộc chiến tranh Nga - Nhật xảy ra hồi tháng giêng năm 1904, càng
làm cho tình cảnh của người lao động thêm cơ cực hơn. Các cuộc bãi công
biểu tình của quần chúng dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản Nga liên tiếp
xảy ra. Nước Nga đã trở thành điểm nút tập trung tất cả các mâu thuẫn của chủ
nghĩa tư bản và những điều kiện tiền đề kinh tế, chính trị chứng tỏ một cách rõ
ràng rằng, cuộc bùng nổ cách mạng đã đến gần.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, Lênin đã viết tác phẩm “Hải cảng Lữ Thuận
thất thủ” và được đăng tải trên tờ báo “Tiến lên”, số 2, ngày 14 tháng 1 năm
1905 - một tờ báo Bôn-sê-vích ra hàng tuần ở Giơ-ne-vơ. Tác phẩm này được
in trong V.I. Lênin toàn tập, tập 9, nhà xuất bản Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1979.
Hiện, tại Cục lưu trữ trung ương của đảng thuộc Viện nghiên cứu chủ nghĩa
Mác-Lênin còn lưu trữ được bản thảo của Người về các tài liệu chuẩn bị cho
tác phẩm này như: một số bản đề cương dưới đầu đề “Hải cảng Lữ Thuận đầu
hàng”, nhiều đoạn trích trong các báo chí ngoại quốc và báo chí Nga. Điều


2


này chứng tỏ, đây là vấn đề đã được Lênin rất quan tâm và chuẩn bị một cách
khá chu đáo trước khi viết và chuyển tới tay người đọc.
Dưới hình thức một bài xã luận ngắn gọn, bằng cách tiếp cận trực diện,
với những lời lẽ, luận cứ sắc đáng, cụ thể, tác phẩm không chỉ phân tích rõ “sự
phá sản về quân sự và cuộc khủng hoảng chính trị của chế độ chuyên chế,
nhấn mạnh tính tất yếu của cuộc cách mạng đang đến gần ở Nga” 1, mà còn
luận giải một cách khá sâu sắc, đầy đủ, có hệ thống và khoa học về mối quan
hệ giữa kinh tế và chiến tranh trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Làm cơ sở lý
luận và thực tiễn cần thiết trong việc vạch ra đường lối sách lược về vấn đề
đấu tranh vũ trang, vấn đề chuyên chính dân chủ… cho giai cấp vô sản, nhân
dân lao động Nga trong quá trình đấu tranh cách mạng giành chính quyền.
Cho đến nay, đã hơn một thế kỷ trôi qua với bao biến động xảy ra, nhưng
những tư tưởng quý báu ấy của Lênin vẫn còn nguyên giá trị. Theo đó, tiếp
tục nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng này của Người là một việc làm có ý nghĩa
rất thiết thực đối với chúng ta trong tình hình hiện nay.
Từ lâu, con người đã biết đến mối tương quan giữa kinh tế với chiến
tranh thông qua quá trình hoạt động thực tiễn. Điều này cũng đã được C. Mác
và Ph. Ăngghen nghiên cứu và khái quát một cách khoa học. Hai ông đã
chứng minh rằng, nguồn gốc, nguyên nhân của “bạo lực” phải tìm ngay trong
điều kiện sản xuất vật chất của xã hội, chứ không phải trong ý chí của “chúa
trời” hay bản năng của con người. Kế thừa, phát triển luận điểm này của C.
Mác và Ph. Ăngghen, trong tác phẩm “Hải cảng Lữ Thuận thất thủ”, Lênin đã
phân tích, làm rõ, xác định mối quan hệ, sự thống nhất biện chứng và tác động
qua lại giữa hai phạm vi hoạt động của con người, đó là kinh tế và chiến tranh.

1

V.I.Lênin, toàn tập, tập 9, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, lời tựa, XVII.



3

Qua đó, góp phần làm phong phú hơn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về kinh
tế quân sự, chiến tranh và cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.
Nói đến kinh tế , theo Lênin là nói tới những quan hệ vật chất của con
người trong quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng của cải vật
chất trong những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người. Những
quan hệ này biểu hiện thành mối quan hệ giữa người với người với tự nhiên và
giữa người với người trong quá trình sản xuất (có nghĩa là được xem xét cả
dưới góc độ lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất xã hội). Còn chính trị là
lĩnh vực của những quan hệ nhất định trong xã hội diễn ra như hoạt động có ý
thức của con người. Đó là một hình thức nhận thức xã hội phản ánh mức độ
lớn nhất của các quan hệ kinh tế của con người. Chiến tranh là một hiện tượng
chính trị - xã hội, là sự tiếp tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực, gắn liền
với nó là các hoạt động có tính quân sự. Kinh tế và chiến tranh là hai lĩnh vực
hoạt động khác nhau của con người, nhưng chúng lại có mối liên hệ chặt chẽ
không tách rời nhau. Theo Lênin, chiến tranh nảy sinh hoàn toàn không phải
là tự nhiên hoặc do sự sắp đặt của một lực lượng siêu nhiên nào; kinh tế chính
là cơ sở làm nảy sinh mâu thuẫn, xung đột xã hội; vì lợi ích kinh tế, mưu đồ
thôn tính giữa các quốc gia mà dẫn đến chiến tranh. Nói cách khác, kinh tế
chính là nguyên nhân nảy sinh chiến tranh. Trong tác phẩm “Hải cảng Lữ
Thuận thất thủ”, Lênin viết: “Đối với giai cấp tư sản châu Âu, uy tín của giống
nòi Nga trẻ trung gắn liền với uy tín của chính quyền Nga hoàng mạnh mẽ
không gì lay chuyển nổi, đang kiên quyết bảo vệ “trật tự” hiện đại. Chẳng lấy
gì làm lạ là toàn thể giai cấp tư sản châu Âu đều cho rằng tai họa của nước
Nga đang thống trị và chỉ huy, thật là “đáng sợ”: tai họa ấy có nghĩa là sự phát
triển phi thường của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới”2. Và, “Nhân dân buộc
2

Sách đã dẫn, tr 187.



4

phải đổ máu để trả nợ cho chế độ chuyên chế, là tình trạng xung khắc giữa chế
độ chuyên chế với lợi ích của toàn bộ sự phát triển của xã hội, với lợi ích của
toàn thể nhân dân…Do tiến hành chính sách thực dân phưu lưu tội lỗi và ngu
xuẩn nên chế độ chuyên chế đã tự dẫn mình đến con đường bế tắc” 3. Qua
những lời lẽ này của tác phẩm, Lênin muốn khẳng định chính xác rằng, chính
chế độ kinh tế xã hội của nước Nga sa hoàng đương thời và ý đồ thôn tính
nhau vì những lợi ích kinh tế, là nhân tố quyết định nảy sinh của cuộc chiến
tranh Nga – Nhật. Chế độ Nga sa hoàng - một chế độ đã trở nên nỗi thời, trì
trệ, chất đầy mâu thuẫn và các xung đột lợi ích, đến “ngay cả giai cấp tư sản
châu Âu không tham chiến cũng cảm thấy mình bị làm nhục và bị đè bẹp”, và
đến nỗi “Ngay cả những kẻ không biết thế nào là chế độ chuyên chế, ngay cả
những kẻ biết điều đó và hết lòng muốn giữ gìn chế độ ấy, cũng cảm thấy
không thể sống được dưới chế độ ấy nữa”. Kinh tế ở đây được Lênin xem xét
chủ yếu dưới góc độ quan hệ sản xuất xã hội, nghĩa là quan hệ giữa con người
với con người trong nền sản xuất xã hội.
Trong tác phẩm, Lênin cũng đã lấy dẫn chứng trong lịch sử rằng, việc
Nhật đánh chiếm Mãn Châu (Trung Quốc) cũng như Anh và Pháp chiếm
thành Xê-va-xtô-pôn chỉ vì đây là những “vùng béo bở”, một thị trường rộng
lớn, có thể mang lại cho họ những lợi ích to lớn và giúp họ thực hiện sự thống
trị về kinh tế. Còn với chính cuộc chiến tranh Nga – Nhật, Lênin cũng phân
tích và chỉ ra cái nguyên nhân kinh tế sâu xa của nó, rằng: “Khi mở cuộc
chiến tranh, chính phủ chuyên chế hy vọng sẽ giành được thắng lợi dễ dàng
đối với Nhật, vì cho rằng thắng lợi này sẽ mở ra những thị trường tiêu thụ mới
và nâng cao uy tín của chính phủ chuyên chế Nga hoàng, giúp nó đè bẹp
phong trào cách mạng ở trong nước”. Từ việc chỉ rõ nguồn gốc kinh tế của
3


Sách đã dẫn, tr, 190.


5

chiến tranh, Lênin cũng đã chỉ ra cho những người cách mạng rằng: “Giai cấp
vô sản cách mạng phải tuyên truyền không mệt mỏi chống chiến tranh, đồng
thời luôn luôn nên nhớ rằng chừng nào còn sự thống trị giai cấp nói chung thì
chiến tranh là không thể trừ bỏ được”4.
Thực tiễn lịch sử phát triển của xã hội loài người, nhất là sự tồn tại và
phát triển của chủ nghĩa tư bản đã chứng minh tính đúng đắn của luận điểm
này của Lênin. Chiến tranh gắn liền với những điều kiện kinh tế xã hội nhất
định, với sự đối kháng về lợi ích kinh tế, với xu hướng bành trướng thế lực tư
bản ra thế giới nhằm tìm kiếm thị trường, nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ
mạt. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sự phát triển không đều về kinh tế trong
thế giới tư bản chủ nghĩa đã dẫn tới sự thay đổi về so sánh lực lượng giữa các
nước tư bản chủ nghĩa, từ đó xuất hiện nhu cầu phân chia lại thị trường và khu
vực ảnh hưởng có lợi cho các nước đế quốc trẻ mới mạnh lên. Trên cơ sở kinh
tế ấy, hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX đã nổ ra. Rồi tiếp đó là
hàng loạt các cuộc chiến khác diễn ra ở khắp các khu vực mà kẻ khơi mào
không phải ai khác, đó chính là chủ nghĩa đế quốc và nguyên nhân suy đến
cùng vẫn lại là vấn đề kinh tế.
Theo Lênin, kinh tế không chỉ là nguyên nhân của chiến tranh mà nó
còn là nhân tố bảo đảm cơ sở kinh tế cho chiến tranh, quyết định sự thắng lợi
hay thất bại của chiến tranh. Nói đến chiến tranh là nói đến một cuộc đọ sức
toàn diện giữa các bên tham chiến. Đi liền với nó là việc sử dụng những loại
vũ khí và phương tiện quân sự khác. Với tư cách là tổng thể các hoạt động vật
chất của con người, kinh tế cung cấp các phương tiện, các trang thiết bị, kỹ
thuật để tiến hành chiến tranh; bảo đảm lương thực, thực phẩm, những đồ

dùng thiết yếu cho các lực lượng tham chiến. Nền kinh tế càng phát triển cao
4

Sách đã dẫn, tr, 194.


6

thì khả năng bảo đảm các mặt nêu trên cho chiến tranh càng tốt, đầy đủ hơn.
Lênin chỉ ra rằng: “Nước Nga chiếm hải cảng Lữ thuận sáu năm, đã tốn hàng
trăm và hàng trăm triệu rúp để đặt đường sắt chiến lược, để lập các cửa biển,
để xây dựng những thành phố mới, để củng cố pháo đài…”5. Sở dĩ, Nhật thắng
nước Nga xa hoàng bởi nền kinh tế của Nhật vững mạnh hơn, do đó việc bảo
đảm nguồn vật chất kỹ thuật cho chiến tranh của họ trở nên đầy đủ hơn so với
Nga. Trong khi đó, nước Nga vốn có nền kinh tế lạc hậu hơn Nhật, mặt khác,
việc đáp ứng các nhu cầu cần thiết như: lực lượng, lương thực, vũ khí, trang
thiết bị phục vụ cho cuộc chiến lại không đảm bảo, bởi phải vận chuyển qua
một chặng đường dài đầy khó khăn, vất vả. Lênin viết: “Nhật đã chiếm được
vùng béo bở nhất và đông dân nhất của Mãn Châu, là nơi họ có thể nuôi quân
bằng những phương tiện của nước bị chinh phục và nhờ vào Trung Quốc. Còn
quân của Nga thì ngày càng chỉ có thể dựa vào quân trang quân dụng chở từ
nước Nga đến, và đối với Ku-rô-pát-kin thì việc tiếp tục tăng viện quân đội
chẳng bao lâu sẽ trở thành điều không thể thực hiện được, vì không thể chở đủ
số quân trang quân dụng đến nữa” 6. Rõ ràng, vai trò của kinh tế (mà trước hết
là sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội) đối với chiến tranh là hết sức
quan trọng. Quan điểm này của Lênin hoàn toàn đúng với tư tưởng của Ph.
Ăngghen: “Bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, những điều kiện kinh tế và tài
nguyên kinh tế đều là những cái đã giúp cho bạo lực chiến thắng, nếu không
có những điều kiện và tài nguyên đó thì bạo lực không còn là bạo lực nữa”;
thể hiện tính duy vật hết sức cách mạng, nó chống lại những quan điểm không

đúng khi nhìn nhận, đánh giá về vấn đề kinh tế, chiến tranh và quốc phòng.
Đồng thời, là lời chỉ dẫn quan trọng cho những người vô sản rằng, muốn cho
5
6

Sách đã dẫn, tr, 188.
Sách đã dẫn, tr, 190.


7

cách mạng thành công thì phải có một đường lối chính trị đúng đắn, trong đó
nhất thiết phải tạo dựng cho được một nền kinh tế vững mạnh, bảo đảm cung
cấp những điều kiện cần thiết cho cuộc cách mạng về nhân, tài và vật lực. Đến
đây, chúng ta liên tưởng tới sự thắng lợi vẻ vang của hai cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước mà nhân dân ta tiến hành. Sự
thắng lợi của chúng ta trước những tên đế quốc hùng mạnh, chính là sự thắng
lợi của chế độ kinh tế - xã hội ưu việt, sự đoàn kết nhất trí muôn người như
một dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng vô sản.
Cùng với việc bảo đảm cơ sở kinh tế cho chiến tranh, trong tác phẩm
“Hải cảng Lữ Thuận thất thủ”, Lênin còn chỉ ra vai trò quyết định của kinh tế
trong việc xây dựng lực lượng vũ trang, hình thức và phương pháp tác chiến
trong chiến tranh. Người cho rằng, chất lượng, sức mạnh chiến đấu của lực
lượng vũ trang phụ thuộc trước hết vào các điều kiện kinh tế đạt được. Khi
nền kinh tế không vững, lạc hậu, trì trệ thì kéo theo là “các sỹ quan không có
học thức, không được rèn luyện, thiếu liên hệ chặt chẽ với binh sỹ và không
được binh sỹ tin cậy”, nó cũng dẫn đến “tình trạng tối tăm, dốt nát, mù chữ,
khiếp nhược của quần chúng nông dân”, và “trong thời đại như thế thì chẳng
có sự dẻo dai nào, chẳng có thế lực nào, chẳng có hình thức chiến đấu nào có
thể đem lại ưu thế được”. Với một nền kinh tế xã hội lạc hậu như chế độ Nga

hoàng thì lúc này nó đã “trở thành chướng ngại cho việc tổ chức quân sự phù
hợp với yêu cầu tối tân. Uy lực quân sự của nước Nga chuyên chế chỉ là hào
nhoáng bề ngoài”. Điều đó sẽ không thể mang lại những lợi thế và cũng không
có được chiến thắng trong chiến tranh. Và như vậy, “Việc thất thủ của hải
cảng Lữ Thuận là một trong những tổng kết lịch sử vĩ đại nhất về tội ác của


8

chế độ Nga hoàng”7, một bằng chứng không thể chối cãi được về vai trò tất
yếu, quyết định của kinh tế đối với tiến trình và kết cục của chiến tranh.
Thực tiễn lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới đã chứng minh, do
sức sản xuất xã hội phát triển mà những phương tiện đấu tranh vũ trang mới
xuất hiện. Sự xuất hiện các loại vũ khí trang bị mới đến lượt mình, lại tạo ra
điều kiện, tiền đề làm biến đổi cơ cấu, tổ chức, biên chế của lực lượng vũ
trang; đồng thời làm thay đổi cả hình thức và phương pháp chiến đấu của quân
đội. Sự ảnh hưởng, tác động của trình độ phát triển kinh tế vào sự biến đổi
thành phần, cơ cấu tổ chức và sức mạnh của lực lượng vũ trang đặc biệt rõ nét
trong thời đại cách mạng công nghiệp. Việc phát minh ra động cơ đi-ê-den đã
tạo điều kiện cho việc xuất hiện các binh chủng mới như phòng không, không
quân, tăng thiết giáp… trong cơ cấu lực lượng vũ trang các nước. Rồi việc
phát triển các ngành công nghiệp hạt nhân cùng với những thành tựu của công
nghiệp vũ trụ, đã cho phép ra đời các loại vũ khí tối tân như tên lửa mang đầu
đạn hạt nhân, điều khiển từ xa… Theo đó, quân đội của những quốc gia này
có thêm binh chủng tên lửa chiến lược và ngay trong các quân, binh chủng
cũng có những biến đổi sâu sắc trong tổ chức biên chế theo hướng hiện đại,
hiệu quả cao.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, những biến đổi mới
của mâu thuẫn, xung đột xã hội mà cụ thể là trong chế độ tư bản chủ nghĩa, thì
chiến tranh cũng có những đặc trưng mới so với lịch sử, trong tác phẩm, Lênin

đã chỉ ra cái đặc trưng cơ bản đó. Người viết: “Thời đại mà bọn đánh thuê hay
bọn đại biểu các đẳng cấp bán thoát ly khỏi nhân dân, tiến hành chiến tranh –
thời đại ấy đã vĩnh viễn qua hẳn rồi. Chiến tranh ngày nay là chiến tranh do
nhân dân tiến hành, vì vậy, đặc tính vĩ đại của chiến tranh ngày nay thể hiện
7

Sách đã dẫn, tr, 191.


9

đặc biệt rõ rệt”8. Trong chiến tranh hiện đại, do điều kiện kinh tế phát triển
nên đã cho phép các nước tham chiến tiến hành chiến tranh với quy mô lớn,
lôi cuốn đông đảo lực lượng tham gia, “đòi hỏi phải có nhân lực có chất
lượng”; sử dụng các loại vũ khí tiên tiến, hiện đại như “vũ khí bắn nhanh cỡ
nhỏ, trọng pháo cơ giới, thuyền hạm trang bị kỹ thuật phức tạp”. Trong điều
kiện ấy, “không có lục quân và thuỷ quân có sáng kiến và giác ngộ thì không
thể có thắng lợi được”. Cũng trong những cuộc chiến tranh hiện đại ấy, theo
Lênin, mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh càng trở lên chặt chẽ hơn bao
giờ hết. Chiến tranh càng hiện đại, vai trò của kinh tế đối với chiến tranh càng
tăng và có ý nghĩa quyết định. Lênin viết: “Mối liên hệ giữa tổ chức quân sự
của một nước với toàn bộ chế độ kinh tế và văn hoá của nước ấy chưa bao giờ
lại hết sức chặt chẽ như ngày nay”9. Lúc này, kinh tế phải cung cấp cho chiến
tranh những phương tiện, trang bị, kỹ thuật hiện đại nhất. Chiến tranh yêu cầu
chi phí hết sức lớn về vật chất, tài chính và nguồn lực con người; không chỉ có
vậy, chiến tranh còn đặt ra yêu cầu phải nâng cao về trình độ chuẩn bị kinh tế,
động viên kinh tế và duy trì sức sống lâu bền của nền kinh tế. Lênin dẫn lại
lịch sử: “Từ trước đến nay, sau mỗi một trận chiến đấu lớn, Nhật đều đã tăng
viện lực lượng quân sự của mình nhanh hơn và nhiều hơn quân của Nga. Mà
hiện nay, sau khi hoàn toàn chiếm ưu thế trên mặt biển và hoàn toàn tiêu diệt

một trong các đạo quân của Nga, họ sẽ gửi được viện binh tăng cường gấp hai
lần nhiều hơn viện binh của Nga” 10. Sở dĩ có được việc làm ấy là do, Nhật đã
xây dựng và duy trì được một sức sống của nền kinh tế, đảm bảo khả năng huy
động các điều kiện vật chất cho chiến tranh. Theo đó, quân Nhật có thể chiến
đấu trong một thời gian dài mà không gặp nhiều khó khăn trở ngại.
8

Sách đã dẫn, tr, 190.
Sách đã dẫn, tr, 192.
10
Sách đã dẫn, tr, 189.
9


10

Trong tác phẩm “Hải cảng Lữ Thuận thất thủ”, đồng thời với việc chỉ
ra vai trò, tầm quan trọng có tính chất quyết định của kinh tế đối với chiến
tranh, Lênin còn phân tích, khái quát và chỉ ra những tác động tiêu cực của
chiến tranh đến kinh tế, thể hiện một cái nhìn biện chứng, khoa học của bậc
thên tài khi xem xét vấn đề này.
Lênin chỉ ra rằng, chiến tranh xảy ra sẽ gây lên sự tổn thất hết sức
nặng nề về con người, kể cả sức lực, trí lực, xương máu lẫn tính mạng, điều
mà hoàn toàn không một ai trên thế gian này mong muốn. Chỉ tính riêng việc
thất thủ của Hải cảng Lữ Thuận trước quân Nhật đã làm cho Nga “tổn thất mất
hàng chục nhân viên phục vụ hạm đội ưu tú và cả một quân đoàn bộ binh”.
Lênin còn dẫn chứng: “Theo số liệu cuối cùng của Anh, số tù binh lên đến
48.000 người và trong các chiến dịch Kim - Châu và ngay ở pháo đài đó, còn
hy sinh mất hàng mấy nghìn người”. Những mất mát to lớn này mãi mãi
không thể lấy lại được, nó càng “làm gay gắt thêm những tai họa không sao kể

xiết đang đè nặng lên nhân dân Nga”, nỗi ám ảnh đen tối của chiến tranh bám
riết cuộc sống của hàng triệu triệu con người qua các thế hệ, không chỉ ở các
nước tham chiến, mà với cả các dân tộc khác trên thế giới. Thực tiễn cũng đã
cho chúng ta thấy những tổn thất hết sức to lớn về con người mà chiến tranh
đã từng mang lại. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã làm cho 10 triệu
người chết, 20 triệu người khác bị thương tật. Trong chiến tranh thế giới lần
thứ hai, con số tương ứng là 55 triệu và 20 triệu. Chiến tranh sử dụng vũ khí
càng hiện đại thì những tổn thất ấy càng tăng lên.
Không chỉ gây ra những mất mát nặng nề về người, trong tác phẩm
“Hải cảng Lữ Thuận thất thủ”, Lênin cũng chỉ rõ, chiến tranh còn mang đến
những thiệt hại vô cùng to lớn về kinh tế, tài chính, các nguồn lực của xã hội.
Là lĩnh vực đặc biệt, hoạt động quốc phòng trong thời bình cũng như quá trình


11

chuẩn bị và tiến hành chiến tranh thường tiêu tốn một bộ phận lớn các phương
tiện vật chất của xã hội. Điều đó làm cho các nguồn lực của nền kinh tế vốn đã
có hạn, lại không được tập trung cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống
người dân. Lênin luận chứng: “Chỉ nội thiệt hại vật chất của Nga về hạm đội
thôi, cũng đã lên tới ba trăm triệu rúp”, tiêu tốn biết bao chi phí bảo đảm khác,
nền kinh tế bị tổn thất, chế độ chuyên chế bị lung lay, “sức mạnh tinh thần của
một đế quốc hùng mạnh bị sụp đổ, uy tín của một giống nòi trẻ trung bị phai
mờ”. Sự tổn thất về vật chất sẽ càng tăng lên khi chiến tranh sử dụng các loại
trang bị, vũ khí hiện đại. Thực tế các cuộc chiến tranh nổ ra sau này trên thế
giới, trong đó có cuộc không kích của Mỹ và NATO vào Nam Tư đầu năm
1999 cho thấy rõ điều Lênin đưa ra là hoàn toàn đúng đắn: “tất cả các nhà máy
lọc dầu và kho chứa dầu, nhiều nhà máy điện và trạm thuỷ điện, hơn 80 nhà
máy khác, 20 bệnh viện, hàng trăm trường học, 12 tuyến đường sắt của Nam
Tư bị phá huỷ. Ước tính, để khôi phục lại nền kinh tế, thì phải cần đến 52 tỷ

USD”11.
Có thể thấy rằng, thông qua việc phân tích sự thất bại về quân sự của
chế độ chuyên chế Nga hoàng trong cuộc chiến Nga – Nhật năm 1904, Lênin
đã luận giải khá sâu sắc và toàn diện mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động qua
lại giữa hoạt động kinh tế với chiến tranh. Đây chính là sự kế thừa và phát
triển những luận điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen về mối tương quan giữa
kinh tế, chính trị và bạo lực trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai
đoạn độc quyền. Điều này đã làm cho tác phẩm “Hải cảng Lữ Thuận thất thủ”
thực sự trở thành một tác phẩm mẫu mực về sự phân tích mối quan hệ giữa
kinh tế và chiến tranh trong thời đại đế quốc chủ nghĩa.

11

Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị, Kinh tế quân sự Mác-lênin, Nxb QĐND, tr 18.


12

Nghiên cứu tư tưởng này của Lênin trong tác phẩm có một ý nghĩa hết
sức to lớn, nó là cơ sở lý luận khoa học giúp chúng ta nhận thức, xem xét, lý
giải những nội dung của kinh tế quân sự, vấn đề chiến tranh bảo vệ Tổ quốc;
thấy được mối quan hệ gắn bó, hữu cơ giữa kinh tế và chiến tranh, cũng như
vai trò của kinh tế đối với chiến tranh trong điều kiện khoa học công nghệ
phát triển. Phải thấy được kinh tế là nguyên nhân suy đến cùng quyết định
chiến tranh. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa vai trò của nhân tố kinh tế mà
không thấy vai trò của các nhân tố khác. Đồng thời, việc xem xét vai trò của
kinh tế không nên chỉ chú ý trình độ phát triển lực lượng sản xuất, của vũ khí,
trang bị kỹ thuật mà cần phải thấy cả vai trò to lớn của chế độ kinh tế xã hội.
Bởi lẽ, chiến tranh là một cuộc thử thách toàn diện, ác liệt đối với một dân tộc.
Nếu biết và phát huy hết được sức mạnh tổng hợp của mình mới mong giành

được thắng lợi trong chiến tranh.
Nghiên cứu tư tưởng này của Lênin cho chúng ta một lần nữa thấy
được sự đúng đắn, sáng suốt trong việc đề ra đường lối, chính sách của Đảng,
Nhà nước trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa. Chúng ta luôn mong muốn được sống trong hoà bình ổn định, nhưng
không bao giờ chịu sống dưới ách thống trị, đô hộ của kẻ thù; sẵn sàng dùng
bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, giành và bảo vệ
những quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình. Với ý nghĩa đó, lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí
Minh là sự lựa chọn đúng của lịch sử; phát động và “sử dụng chiến tranh để
đập tan chiến tranh đẫm máu”, giành lại nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn
lãnh thổ. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn coi
phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại
hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, “chúng ta chủ trương kết


13

hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an
ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước, xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân…Xây dựng
quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt của sức mạnh quốc phòng an ninh; nâng
cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu để lực lượng vũ trang thực sự là
lực lượng chính trị trong sạch, vững mạnh”12. Đây chính là kết quả của sự vận
dụng trung thành, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào
thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng, chúng ta tiếp tục phát huy
những thành quả đã đạt được, nỗ lực, huy động mọi tiềm năng, thế mạnh, thực
hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hóa, nhằm phát triển kinh

tế đất nước, xây dựng lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại, quan hệ sản xuất
mới phù hợp. Trên cơ sở đó, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển nghệ
thuật quân sự, tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự, đáp ứng ngày càng tốt hơn
các nhu cầu vật chất, tinh thần cho việc củng cố và tăng cường nền quốc
phòng vững mạnh.
Ngày nay, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới, lĩnh
vực chiến tranh, quốc phòng của mỗi quốc gia dân tộc cũng đã có nhiều biến
đổi hết sức mạnh mẽ - xuất hiện chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh số
hoá, chiến tranh không đối xứng, chiến tranh không có kẻ thắng người thua,
đang đặt loài người trước những hiểm họa khó lường. Chính vì vậy, bên cạnh
việc không ngừng phát triển kinh tế, củng cố nền quốc phòng đáp ứng yêu cầu
cách mạng trong tình hình mới, chúng ta cần phải có những hành động, thái độ
12

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2006, tr. 37, 38.


14

đúng đắn nhằm đẩy lùi và ngăn ngừa không để chiến tranh xảy ra; cực lực lên
án, phản đối các hành động bạo lực phản cách mạng đe dọa hòa bình, ổn định
và sự sống của nhân loại.



×