CƠ CẤU NGÀNH KINH TẾ: MỤC TIÊU,
TIẾN ĐỘ VÀ CẢNH BÁO
Xác định một cơ cấu ngành kinh tế đúng cho từng giai đoạn lịch sử là vấn đề
chiến lược trong đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước. Việc xác định
"Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu" trong Chiến lược phát triển kinh tế, đã góp phần
đưa nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội từ cuối những năm
70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, vượt qua trạng thái hụt hẫng về vốn đầu tư và
thị trường, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào đầu
những năm 90, chuyển sang thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng với 6 chữ "Công nghiệp hóa,
hiện đại hóa" trong Chiến lược cho thời kỳ mới đã đưa nước ta đạt được tốc độ tăng
trưởng khá cao và liên tục từ năm 1994 đến 1997, tránh được "dòng xoáy" của cuộc
khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở khu vực (năm 1997 - 1998). Trong thời kỳ này
nước ta không những đã hạn chế được tác động tiêu cực của sự sút giảm tốc độ tăng
trưởng kinh tế toàn cầu, mà còn đưa quy mô về GDP năm 2003 tăng trên 2,5 lần so
với năm l990, công nghiệp: gần 5,6 lần, xuất khẩu: gần 8,4 lần..., đang phấn đấu
thực hiện mục tiêu kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, chiến lược 10 năm 2001 - 2010 và
đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những thành tựu phát triển kinh tế đạt được như trên là do nhiều nguyên nhân,
trong đó nguyên nhân quan trọng là nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, thể
hiện rõ nét trong hai khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp:
- Tỷ trọng của khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản trong GDP đã giảm từ
38,74% (năm 1990) xuống 21,83% (năm 2003), tức là giảm 16,91% trong 13 năm,
trung bình mỗi năm giảm trên l,3%. Với tiến độ này, tỷ trọng nông, lâm nghiệp thủy sản sẽ chỉ còn khoảng 19,2% vào năm 2005 và 12,7% vào năm 2010, vượt xa
so với mục tiêu đề ra cho năm 2005 (giảm xuống còn 20 - 21%) và năm 2010 (giảm
xuống còn 16 - 17%).
- Tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng trong GDP đã tăng nhanh từ
22,67% (năm 1990) lên 39,95% (năm 2003), tức là tăng 17,28%, (tăng trên
l,33%/năm). Với tiến độ này, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GDP đến năm
2005 sẽ tăng lên đạt 42,6% và đến năm 2010 sẽ đạt 49,3%, vượt xa so với mục tiêu
đề ra cho năm 2005 là 38,39% và năm 2010 là 40 - 41%.
Xét trong từng khu vực, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã đạt được kết
quả tích cực. Trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản, tỷ trọng nông
nghiệp đã giảm từ 82,5% (năm 1990) xuống còn 77,7% (năm 2003), còn tỷ trọng
thủy sản tăng tương ứng từ 10,9% lên 18,5%. Từ năm 2001 đến 2003 đã có bước
khởi đầu quan trọng trong việc cơ cấu lại khu vực này theo hướng chuyển từ cây,
con có giá trị tăng thấp sang cây, con có giá trị tăng cao để tăng thu nhập trên 1 hécta canh tác; chuyển từ các sản phẩm cung đã vượt cầu sang các sản phẩm có thị
trường tiêu thụ rộng lớn hơn, với giá cả cao hơn. So với năm 2000, diện tích lúa
năm 2003 giảm 217 nghìn héc-ta, trong khi diện tích ngô tăng 179,64 nghìn héc-ta,
cây công nghiệp ngắn ngày tăng 51 nghìn héc-ta (trong đó bông tăng 10 nghìn hécta, đậu tương tăng 42,4 nghìn héc-ta, mía tăng 4,1 nghìn héc-ta), cây công nghiệp
lâu năm tăng 60,4 nghìn héc-ta (trong đó chè búp tăng 28,6 nghìn héc-ta, cao su tăng
22,5 nghìn héc-ta, hồ tiêu tăng 21,8 nghìn héc-ta, cà phê giảm 51,7 nghìn héc-ta, cây
ăn quả tăng 154,8 nghìn héc-ta)...; đàn lợn tăng gần 3,7 triệu con; bò tăng 2.694
nghìn con; dê cừu tăng 236,4 nghìn con; gia cầm tăng 58,2 triệu con...; diện tích
nuôi trồng thủy sản tăng 216,4 nghìn héc-ta, sản lượng thủy sản tăng 544,1 nghìn
tấn (trong đó khai thác tăng 167,6 nghìn tấn, nuôi trồng tăng 376,5 nghìn tấn, riêng
tôm nuôi tăng 130,3 nghìn tấn). Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản nuôi trồng trong
tổng giá trị sản suất thủy sản tăng từ 31,7% (năm 1990) lên 51,1% (năm 2003).
Ngay đối với cây lúa, sự chuyển đổi mùa vụ cũng đã diễn ra theo hướng tích cực:
tăng 9,4 nghìn héc-ta lúa đông xuân là vụ có nhiều thuận lợi về ánh sáng, độ ẩm, khí
hậu, thời tiết, giống, khả năng thâm canh, cho năng suất cao và ổn định, giá bán cao,
chi phí thấp; giảm 253,5 nghìn héc-ta lúa mùa là vụ thường chịu ảnh hưởng của bão
lũ, lốc, sâu bệnh, năng suất bấp bênh, chi phí cao; tăng tỷ trọng diện tích lúa có chất
lượng gạo ngon (dù năng suất không cao), giảm dần các giống lúa chất lượng thấp
(dù năng suất cao hơn), bước đầu hình thành vùng lúa đặc sản, có chất lượng phù
hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GDP đã tăng từ 18,8% (năm 1990) lên
34,1% (năm 2003), chiếm trên 1/3 GDP của toàn bộ nền kinh tế. Ngành xây dựng
không những có liên quan đến đầu vào của sản xuất, tạo thành năng lực và tài sản cố
định của các ngành và tạo ra kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn là
kênh tiêu thụ lớn sản phẩm do các ngành sản xuất tạo ra, làm gia tăng thu nhập và
sức mua có khả năng thanh toán của người lao động. Tuy mấy năm trước tỷ trọng
trong GDP còn thấp (năm 1990 chỉ đạt 3,8%), thậm chí có thời kỳ còn giảm (năm
1995 chiếm 6,9%, đến năm 1999 chỉ còn 5,4%), thì đến năm 2001 tăng lên 5,8% và
năm 2002, 2003 đã tăng lên 5,9%. Kết quả trên chủ yếu do việc thực hiện Luật
Doanh nghiệp, đầu tư ở khu vực dân doanh tăng với tốc độ cao, góp phần làm tăng
vốn đầu tư phát triển. Nếu so với GDP, riêng năm 2003 đã đạt 36,3%, vượt xa tỷ lệ
31,7% của năm 1995.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng còn
những hạn chế, bất cập. Nếu lấy cơ cấu ngành kinh tế làm một thước đo về trình độ
phát triển, thì cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2003 chỉ tương đương với cơ cấu kinh tế
của những nước trong khu vực vào những năm 80 trong thế kỷ trước. Theo số liệu
thống kê năm 2001, tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp - thủy sản ở Ma-lai-xi-a: 8%,
Thái Lan: 10%, Phi-líp-pin: 15%, In-đô-nê-xi-a: 16%; Trung Quốc: 15 %, còn ở
Hàn Quốc là 4%. Tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng của Ma-lai-xi-a đạt
49,6%, Thái Lan: 40%, In-đô-nê-xi-a: 46,5%; Trung Quốc: 52,2%, Hàn Quốc:
41,4%. Tỷ trọng khu vực dịch vụ của Ma-lai-xi-a: 41,9%, Thái Lan: 49,8%, Phi-líppin: 53,6%, Hàn Quốc: 54,1%; Ấn Độ: 48,4%.
Tìm hiểu quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các nước khu vực cho thấy,
họ rất coi trọng phát triển dịch vụ và tìm cách nâng cao tỷ trọng của khu vực này
trong GDP. Lý giải tình hình này, các chuyên gia kinh tế cho rằng:
Thứ nhất, khu vực dịch vụ thường có năng suất, hiệu quả cao hơn nhiều so với
khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản và cũng cao hơn khu vực công nghiệp - xây
dựng. Chẳng hạn, phát triển du lịch vừa không mất chi phí vận chuyển ra nước
ngoài, không phải chịu thuế nhập khẩu, không phải nhập nguyên vật liệu, được "ăn
từ gốc đến ngọn", vừa khai thác được thế mạnh các điều kiện tự nhiên, lịch sử, vừa
tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động... Hoạt động khoa học - công nghệ vừa là
động lực của tăng trưởng kinh tế, vừa tạo được điều kiện để "đi tắt, đón đầu", rút
ngắn thời gian công nghiệp hóa của nước đi sau. Dịch vụ tài chính - tín dụng là hình
thức mang lại nhiều lợi nhuận bởi sức mạnh vốn có của công cụ tiền tệ; xuất khẩu
lao động vừa giải quyết được công ăn việc làm, vừa thu được ngoại tệ, vừa có thể
nâng cao tay nghề, học tập tác phong làm việc công nghiệp...
Thứ hai, thị trường của sản phẩm dịch vụ còn rất rộng lớn, do nhu cầu gần như
không có giới hạn như đối với các sản phẩm vật chất và tinh thần...
Thứ ba, khu vực dịch vụ không những ít phụ thuộc vào nguồn nguyên, nhiên
vật liệu nhập khẩu, phương tiện vận chuyển, tỷ giá đồng tiền..., mà hoạt động của
khu vực này còn ít tác động xấu đến tài nguyên, môi trường sinh thái như các hoạt
động nông nghiệp, công nghiệp.
Còn ở nước ta, nhiều năm gần đây phát triển của khu vực dịch vụ hầu như chưa
đạt được mục tiêu đề ra. Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đề ra mục tiêu đến
năm 2005 tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP phải đạt 41% - 42% và đến năm
2010 phải đạt 42% - 43%. So với các nước láng giềng, đây không phải là mục tiêu
cao, nếu không nói là thấp, nhưng sau khi đạt mức cao nhất (đạt 44,06% vào năm
1995), tỷ trọng khu vực này trong GDP đã liên tục bị sút giảm: năm 1996 còn
42,51%, năm 1997 còn 42,15%, năm 1998 còn 41,73%, năm 1999 còn 40,08%, năm
2000 còn 38,74%, năm 2001 còn 38,63%, năm 2002 còn 38,46% và năm 2003 chỉ
còn 38,22%.
Tốc độ tăng GDP do khu vực dịch vụ tạo ra cũng liên tục bị sút giảm và thường
xuyên thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế: năm 1996 là 8,80% so với
9,34%, năm 1997 là 7,14% so với 8,15%, năm 1998 là 5,08% so với 5,76%, năm
1999 là 2,25% so với 8,9%, năm 2002 là 6,54% so với 7,08%, năm 2003 là 6,57%
so với 7,26%. Điều đó chứng tỏ dịch vụ chưa thực sự là một động lực quan trọng
trong tăng trưởng kinh tế.
Ngay ở trung tâm kinh tế và dịch vụ lớn như Hà Nội tỷ trọng dịch vụ cũng bị
sút giảm từ 66% (năm 1985) xuống 62% (năm 1990 ít thay đổi cho đến năm 1995),
còn 60% (năm 2000) và 58% (năm 2003). Nhiều nơi cũng có tình trạng tương tự:
năm 2003 ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn chiếm 50,5% của GDP; Đà Nẵng:
48,3%, Hải Phòng: 45,3%, Cần Thơ: 42,2%...
Một số ngành dịch vụ quan trọng vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp và đang có xu
hướng giảm dần: tài chính - ngân hàng năm 1995 chiếm 2,01% thì đến năm 2003
chỉ còn 1,80%; khoa học - công nghệ năm 1995 chiếm 0,61%, nhưng đến năm 2002
chỉ còn 0,56%.
Nhiều loại dịch vụ như nhà khách, bảo vệ, vệ sinh tạp vụ, kế toán, y tế, hội
trường, đội xe... hiện còn đang được các cơ quan, đơn vị kiêm nhiệm, chưa được
tách ra để các đơn vị khác kinh doanh tập trung, nên, một mặt, đã làm hạn chế đến
việc tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chính, mặt khác, dẫn đến hiệu quả hoạt động
của các loại dịch vụ kiêm nhiệm này còn thấp.
Nói chung, tăng tỷ trọng công nghiệp là một xu hướng chuyển dịch tích cực,
nhưng sự phát triển của ngành công nghiệp nước ta thời gian qua đã bộc lộ một số
hạn chế mang tính cơ bản. Chẳng hạn, tại các thành phố lớn hiện vẫn còn nhiều nhà
máy sử dụng nhiều lao động và xa vùng nguyên liệu, thậm chí xây dựng thêm nhà
máy dạng tương tự, kéo theo dòng người từ nông thôn nhập cư vào thành phố, thị xã
bằng nhiều con đường, gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý, kết cấu hạ tầng
đô thị trở nên quá tải. Ngay như ở các nước đã tiến hành công nghiệp hóa, không
phải ở địa phương nào (nhất là thành thị) cũng đều tìm đủ mọi cách, với bất cứ giá
nào để phát triển công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp. Kinh nghiệm cho
thấy, tại các thành phố, thị xã không nên xây dựng thêm cơ sở công nghiệp có
nguồn nguyên liệu, lao động ở nông thôn, mà phải chuyển các cơ sở cũ đã xây dựng
trước đây ra khỏi thành phố, thị xã. Đồng thời chỉ nên tập trung các ngành công
nghiệp kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có tính chất trung tâm, có tính đến động lực,
hiệu quả, chất lượng tăng trưởng và phát triển theo chiều sâu, như khoa học - công
nghệ, đào tạo đại học, sau đại học, tài chính - ngân hàng... Xây dựng mới ở nông
thôn các cơ sở công nghiệp để hình thành các thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp
mới sẽ vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đổi mới cơ cấu kinh tế, rút bớt
lao động đang làm nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, vừa cơ cấu lại dân số
theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa mà không gây ra những hậu quả tiêu cực
lớn, thực hiện "ly nông bất ly hương".
Ngoài ra, tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến năm 2003 ở
nước ta mới đạt 20,8%, mặc dù đã tăng 8,54% so với tỷ trọng 12,26% của năm
1990, nhưng tiến độ tăng chậm. Nếu 17 năm tới ngành công nghiệp chế biến vẫn giữ
tiến độ này thì đến năm 2020 sẽ chỉ đạt khoảng 32%, còn thấp hơn 37% là ranh giới
để một nước được đánh giá là đã chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp. Đó là
chưa kể tốc độ chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Ngay trong ngành công nghiệp chế biến, tuy có tăng trưởng nhanh nhưng chưa
thực sự bền vững vì tỷ trọng các sản phẩm gia công lắp ráp (dệt may, giày dép, lắp
ráp ô tô, xe máy, ti vi...) còn quá cao, trong khi những ngành này lại phụ thuộc
nhiều vào nước ngoài về nguyên - phụ liệu, với giá nhập khẩu cao, lại không giữ
được thương hiệu và không chủ động chiếm lĩnh thị trường.
Tỷ trọng của khu vực nông, lâm nghiệp - thủy sản tuy giảm xuống nhưng chứa
đựng một số vấn đề đáng lưu ý. Sự sút giảm đó có phần do giá nông sản ổn định
trong nhiều năm, thậm chí có năm còn bị giảm. Chẳng hạn giá lương thực tháng 122003 so với tháng 12-1998 đã giảm 5,0%, trong khi giá hàng phi lương thực - thực
phẩm tăng khoảng 13%. Điều đó có nghĩa là, cùng bán một lượng lương thực, nếu
cuối năm 1998 còn mua được 100% lượng hàng phi lương thực - thực phẩm, thì đến
tháng 12-2003, chỉ còn mua được khoảng 84,1% lượng hàng phi lương thực - thực
phẩm. Chín tháng đầu năm giá lương thực tăng 12,5%, nhưng giá phân bón, giá
xăng dầu còn tăng cao hơn. Ngoài ra, cung của nhiều sản phẩm nông nghiệp đã vượt
cầu ở thị trường trong nước, nhưng do giá quốc tế lúc tăng lúc giảm, trong nhiều
trường hợp lại phải bán qua nước trung gian, nên giá trị xuất khẩu hàng nông sản bị
giảm. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tỷ trọng của khu vực nông, lâm - thủy sản
trong GDP giảm so với những năm trước.
Trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản, ngành lâm nghiệp
chiếm tỷ trọng rất thấp, lại liên tục bị giảm: năm 1990 còn chiếm 6,6%, đến năm
2003 chỉ còn chiếm 3,8%. Trong giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá thực tế),
chăn nuôi năm 2003 cũng mới chiếm 22,4%. Hơn nữa, việc chuyển dịch cơ cấu
trong những năm qua còn mang tính tự phát; công tác quy hoạch cũng như cơ chế và
công cụ điều hành theo quy hoạch chưa rõ ràng, còn lúng túng. Tình trạng "nuôi,
trồng - chặt, phá", "cung vượt cầu", "sản xuất chưa gắn với tiêu thụ" hầu như năm
nào cũng xảy ra đối với nhiều cây, con, ở nhiều địa phương.
Những hạn chế, bất cập có thể thấy ở hầu hết các địa phương. Cụ thể: công
nghiệp mang nặng tính gia công, thương mại mang nặng tính đại lý, còn sản phẩm
nông nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ...
Để khắc phục những hạn chế vừa qua trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thiết
nghĩ, cần tập trung làm tốt các việc:
Thứ nhất, công tác quy hoạch, kế hoạch là một tiền đề quan trọng để xác định
cơ cấu đầu tư và cơ cấu lại nền kinh tế. Công tác này đã sớm được đề ra và thực
hiện, nhưng hiện còn nhiều khâu yếu, và bộc lộ thiếu tầm nhìn tổng thể. Cụ thể là,
sự phối hợp giữa các địa phương và giữa địa phương với ngành trong quy hoạch
chưa tốt; còn tập trung vào kinh tế nhà nước, chưa bao quát hết toàn bộ nền kinh tế;
quy hoạch chỉ tập trung nêu các vấn đề chúng ta có thể làm được, thiếu dự báo về
thị trường đầu ra, thiếu các giải pháp thực hiện khả thi và các cân đối lớn; còn thiếu
những quy hoạch chuyên ngành cụ thể...
Thứ hai, phải thực hiện những việc làm thiết thực để bảo đảm đầu tư tạo nên cơ
cấu kinh tế có hiệu quả. Chuyển đổi cơ cấu phải xét trong trạng thái động. Muốn
vậy, một mặt, phải xác định được trọng tâm của cơ cấu ngành, cơ cấu sản phẩm; mặt
khác, phải xây dựng chính sách đầu tư hết sức linh hoạt, bắt đầu từ đầu tư sản phẩm,
sau đó mới hình thành ngành và vùng... Trong các hoạt động điều tiết nền kinh tế,
Nhà nước cần lưu ý có các chính sách để những nguồn lực đầu tư được sử dụng phù
hợp với quy luật cung cầu của thị trường, có hiệu quả thì việc chuyển đổi cơ cấu
kinh tế mới bảo đảm đúng hướng.
Thứ ba, trong ba khu vực, cần dịch chuyển cơ cấu theo hướng khu vực công
nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao bởi phát triển
nông nghiệp chỉ tạo nên yếu tố quan trọng đầu tiên là nguyên liệu và cung cấp lương
thực, thực phẩm cho đời sống hằng ngày, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia chứ
không thể làm giàu. Tuy nhiên không đầu tư cho nông, lâm nghiệp - thủy sản sẽ
không thể khai thác được tiềm năng, lợi thế của đất đai và lao động, ổn định cuộc
sống của gần 2/3 dân số đất nước, tạo tích lũy cho kinh tế hộ, từ đó chuyển dịch lao
động từ nông nghiệp sang các ngành khác. Chỉ hướng vào công nghiệp và dịch vụ
mới thực sự có thể tăng trưởng nhanh, trong đó dịch vụ sẽ góp phần làm giàu nhanh
hơn cả, đồng thời cũng có thể thu hút lực lượng đông đảo lao động nông thôn đang
chưa được đào tạo một cách bài bản.
Cuối cùng, ngoài các vấn đề về vốn đầu tư, lao động... cần có chính sách đúng
đắn đối với một số nhóm sản phẩm như sau:
Đối với nhóm sản phẩm đã có thị phần trên thế giới, song nhu cầu đã ở mức ổn
định (như cà phê, gạo...), không nên mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện giảm đầu
tư chiều rộng, tăng đầu tư chiều sâu. Hỗ trợ nghiên cứu để giảm chi phí, nâng cao
chất lượng và củng cố quan hệ với khách hàng, xây dựng thương hiệu nhằm duy trì
thị phần trên thị trường thế giới. Khuyến khích lập các hiệp hội xuất khẩu, hoặc hiệp
hội ngành nghề và các quỹ bình ổn (hoặc bảo hiểm rủi ro) trên nguyên tắc tự nguyện
và tự quản, nhằm giải quyết khó khăn của người sản xuất khi gặp thiên tai, hoặc khi
giá cả trên thị trường thế giới có biến động mạnh. Trường hợp phải thu hẹp quy mô
sản xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sản xuất
thông qua ưu đãi tín dụng trung hạn, ưu đãi thuế... Trong trường hợp việc thu hẹp
sản xuất gây khó khăn nặng nề cho người dân ở khu vực, Nhà nước cần áp dụng trợ
cấp xã hội trực tiếp cho người dân thay thế cho biện pháp trợ giá, hoặc áp đặt giá tối
thiểu.
Đối với nhóm mặt hàng mang tính gia công, lắp ráp, như: dệt may, giày dép,
lắp ráp điện tử, xe máy, ti vi..., nên từng bước "nội địa hóa" các sản phẩm đầu vào.
Nhà nước tạo điều kiện khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm liên quan đến
lĩnh vực "nội địa hóa". Đối với các sản phẩm gia công xuất khẩu, Nhà nước tiếp tục
cải thiện quan hệ với các khối kinh tế và các quốc gia để mở rộng hạn ngạch hoặc
giúp các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng bạn hàng. Đổi mới cơ chế phân bổ hạn
ngạch theo hướng bình đẳng, minh bạch, công khai. Khuyến khích hình thành, củng
cố các hiệp hội ngành nghề trong xuất khẩu nhằm giảm nhẹ sức ép khi thương
lượng, ký kết hợp đồng với các bạn hàng quốc tế.
Đối với các sản phẩm gia công tiêu thụ chủ yếu trong nước nên chỉ sử dụng các
biện pháp bảo hộ có thời hạn và có điều kiện theo mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp,
nâng cao sức cạnh tranh. Từng bước dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan
nhằm tạo sức ép cạnh tranh đối với doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ lợi ích của
người tiêu dùng toàn xã hội.
Đối với sản phẩm có xu hướng tăng trưởng trong tương lai, như: xây dựng và
vật liệu xây dựng, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, thủy sản... cần nâng cao kỹ thuật,
chất lượng sản phẩm, uy tín... nhằm từng bước mở rộng thị trường. Trước mắt, tập
trung vào sản phẩm có vị trí tương đối quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu như
thủy sản (tăng cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường, cung cấp giống,
thức ăn chế biến để mở rộng nuôi trồng thủy sản,...) nhằm tăng thêm kim ngạch xuất
khẩu của đất nước.
* Tổng cục Thống kê
Tạp chí Cộng sản, số 89, tháng 8/2005.