LÝ LUẬN CHUNG VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH
KINH TẾ CỦA ĐỊA PHƯƠNG
I. CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGÀNH KINH TẾ CỦA
ĐỊA PHƯƠNG:
1. Khái niệm:
Cơ cấu ngành kinh tế của địa phương là số ngành kinh tế được hình
thành và mối quan hệ tổng hợp giữa các ngành đó với nhau. Biểu thị bằng vị
trí, tỷ trọng của mỗi ngành trong hệ thống nền kinh tế của địa phương.
Xem xét cơ cấu ngành của nền kinh tế địa phương thường đứng trên hai
góc độ. Thứ nhất, xem xét dưới góc độ định lượng. Cơ cấu ngành kinh tế tỉnh
bao gồm số ngành kinh tế và tỷ trọng mỗi ngành đó trong tổng thể nền kinh tế
địa phương. Thứ hai là xem xét dưới giác độ định tính. Cơ cấu ngành thể hiện
mối quan hệ giữa các ngành kinh tế và vị trí của mỗi ngành trong nền kinh tế
địa phương.
Ngành kinh tế của một địa phương là tổng thể các đơn vị kinh tế cùng
thực hiện một chức năng trong hệ thống phân công lao động xã hội của địa
phương. Cơ cấu ngành kinh tế của địa phương phản ánh trình độ phân công
lao động xã hội chung của nền kinh tế địa phương và qua đó phản ánh trình độ
phát triển của lực lượng sản xuất của địa phương. Trong mối quan hệ giữa các
ngành kinh tế thường biểu hiện hai mối quan hệ chủ yếu như : Ngành có quan
hệ trực tiếp (Trong đó bao gồm các ngành có mối quan hệ ngược chiều và các
ngành có mối quan hệ xuôi chiều) và ngành có mối quan hệ gián tiếp.
2. Phân loại các ngành kinh tế của địa phương :
Cơ cấu ngành kinh tế địa phương bao gồm các ngành kinh tế sau :
+ Công nghiệp : Gồm các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp khai
thác, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, công nghiệp lọc dầu,
ngành xây dựng…
+ Nông nghiệp : Gồm các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và ngư
nghiệp.
+ Dịch vụ : Gồm thương mại, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn
thông, tài chính ngân hàng và các ngành dịch vụ khác…
* Mối quan hệ giữa ba ngành Công nghiệp – Nông nghiệp – Dịch vụ :
Ba ngành Công nghiệp – Nông nghiệp – Dịch vụ tuy được tách biệt nhau
nhưng mối quan hệ hữu cơ giữa ba ngành vẫn mang tính sâu sắc, hỗ trợ lẫn
nhau. Nông nghiệp được xem là ngành cung cấp những thứ yếu phẩm cần thiết
cho cuộc sống. Nhưng cũng là khu vực cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho
ngành công nghiệp và đồng thời là nơi tiêu thụ những sản phẩm đầu ra của
ngành công nghiệp. Công nghiệp được xem là bộ phận làm biến đổi sâu sắc
nhất đến cơ cấu ngành nông nghiệp. Công nghiệp cung cấp máy móc thiết bị,
phân bón cho nông nghiệp. Công nghiệp là nơi biến đổi, chế biến sản phẩm
nông nghiệp thành những sản phẩm công nghiệp phục vụ cho cuộc sống của
con người và sự hoạt động của các ngành kinh tế khác. Để đảm bảo mối quan
hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp ngày càng có hiệu quả thì không thể
không kể đến vai trò của ngành dịch vụ. Dịch vụ bao gồm thương mại, giao
thông vận tải, tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông…Do mối quan hệ
giữa công nghiệp và nông nghiệp có thể biểu hiện một cách trực tiếp hoặc gián
tiếp thông qua quá trình sản xuất hay là trong quá trình lưu thông hàng hoá
và dịch vụ. Điều đó có nghĩa là tính chất xã hội của lao động công nghiệp và lao
động nông nghiệp có thể biểu hiện một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Như vậy,
nếu không có sự tồn tại và phát triển không ngừng của ngành dịch vụ thì công
nghiệp và nông nghiệp không thể tồn tại trong cuộc sống của con người hiện
nay. Thương mại, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng…là chiếc cầu nối
quan trọng giữa quá trính sản xuất với quá trình lưu thông hàng hoá, dịch vụ
trên thị trường. Sản xuất hàng hoá luôn luôn phải gắn liền với thị trường.
Không thể tồn tại sản xuất hàng hoá mà không có thị trường. Như vậy công
nghiệp, nông nghiêp không thể tách rời khỏi dịch vụ. Xu hướng phát triển của
xã hội hiện nay cho thấy, dịch vụ có xu hướng tăng nhanh hơn công nghiệp và
công nghiệp có xu hướng tăng nhanh hơn nông nghiệp. Mặc dù quy mô của
ngành nông nghiệp có xu hướng tăng lên nhưng tỷ trọng của ngành nông
nghiệp trong nền kinh tế ngày càng giảm.
3. Cơ cấu ngành kinh tế hợp lý của một địa phương :
Khái niệm về cơ cấu ngành kinh tế của địa phương không chỉ giới hạn ở
mối quan hệ giữa các ngành và mang tính cố định mà nó luôn ở trang thái
động và nhất là không có một khuôn mẫu nhất định, nó tuỳ thuộc vào những
điều kiện tất yếu cụ thể theo không gian và thời gian. Cho đến nay sự tranh
luận trong các giới khoa học, giới quản lý không phải có khái niệm cơ cấu
ngành kinh tế mà chủ yếu là ở việc xác định cơ cấu đó có phù hợp với điều kiện
cụ thể của địa phương trong thời gian xác định. Trên thực tế có nhiều mô hình
cơ cấu ngành kinh tế, giữa các mô hình đó có những điểm giống nhau, song
cũng có những điểm khác nhau. Vấn đề là lựa chọn cơ cấu ngành kinh tế nào là
được coi là hợp lý nhất, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội
của địa phương. Để có thể thồng nhất trong sự lựa chọn có cấu kinh tế hợp lý,
cần có sự nhất trí về quan điểm và tiêu chuẩn của cơ cấu ngành kinh tế như
thế nào là hợp lý.
Muốn xác định cơ cấu ngành kinh tế hợp lý phải căn cứ vào các điều kiện
tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội-chính trị ở trong địa phương và chính sách
đối ngoại của địa phương. Một cơ cấu kinh tế hợp lý là một cơ cấu kinh tế thích
ứng nhất với các điều kiện cụ thể của địa phương và đem lại hiệu quả nhất
định.
Nhìn chung một cơ cấu ngành kinh tế đạt được hiệu quả phải tạo ra sự
ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế. Điều đó được biểu hiện qua các mặt
sau đây :
+ Một là, khai thác tối đa những ưu thế và thuận lợi về tài nguyên thiên
nhiên nói chung của địa phương như : Đất đai, địa hình, khí hậu, vị trí địa lý,
ưu thế truyền thống, tiềm năng vốn có về xã hội, chính trị, về quan hệ đối
ngoại…
Tuy nhiên, việc khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên không có nghĩa là
sử dụng và khai thác bừa bãi, có tính bóc lột, chạy theo lợi ích trước mắt, gây
huỷ hoại lâu dài, mà phải khai thác một cách khoa học, hợp lý đem lại hiệu quả
cao.
+ Hai là, cơ cấu kinh tế hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành
phát triển với số lượng, chủng loại sản phẩm đa dạng và phong phú bảo đảm
nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
+ Ba là, bảo đảm và tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của mỗi ngành,
mỗi vùng và mỗi thành phần kinh tế. Cơ cấu ngành kinh tế hợp lý phải làm sao
tạo khả năng phát triển thuận lợi cho cả tổng thể và từng bộ phận trong tổng
thể.
+ Bốn là, tạo tích luỹ nhiếu nhất cho nền kinh tế của địa phương. Tiêu
chuẩn này có tính chất tổng hợp. Nó chứng tỏ nền kinh tế phát triển và tăng
trưởng cao.
Khả năng tích luỹ của mỗi ngành, mỗi vùng kinh tế là khác nhau. Có
ngành, có vùng không thể đòi hỏi phải có tích luỹ và ngược lại nhiều khi cón
phải hỗ trợ thêm để đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của nó. Chẳng
hạn như ngành xây dựng kết cấu hạ tầng từng phục vụ nhu cầu công cộng…
Cơ cấu kinh tế hợp lý và có hiệu quả phải tạo khả năng tích luỹ cao ở
những ngành, những vùng không có điều kiện tích luỹ, mà còn góp phần làm
tăng tích luỹ cho nền kinh tế của địa phương.
4. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế địa phương :
Quá trình phân công lao động xã hội và sự phát triển của lực lượng sản
xuất đã thúc đẩy sự biến đổi không ngừng của cơ cấu ngành kinh tế địa
phương. Nhưng quá trình hoạt động kinh tế của các ngành, các vùng và các
thành phần không phải bao giờ cũng đồng đều, nhịp nhàng với nhau. Vì trong
quá trình ấy có nhiều yếu tố tác động đến xu hướng phát triển của mỗi ngành.
Vì thế cơ cấu kinh tế cũng có sự biến đổi, song nếu cơ cấu vẫn còn thích ứng,
chưa gây ra những trở ngại cho sự phát triển của từng bộ phận và cả tổng thể
thì chưa đòi hỏi phải xác định lại cơ cấu kinh tế.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chỉ diễn ra khi :
+ Có những thay đổi lớn về điều kiện phát triển.
+ Có những khả năng và những giải pháp mới làm thay đổi phương thức
khai thác các điều kiện hiện tại.
Theo E.Engel, Nhà kinh tế học người Đức, khi thu nhập của các gia đình
tăng lên thì tỷ lệ chi tiêu của họ cho lương thực, thực phẩm giảm đi. Do chức
năng chính của khu vực nông nghiệp là sản xuất lương thực, thực phẩm nên có
thể suy ra là tỷ trọng nông nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế sẽ giảm đi khi thu
nhập tăng lên.
Quy luật tiêu thụ sản phẩm của E.Engel được phát hiện cho sự tiêu dùng
lương thực, thực phẩm nhưng nó có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng
cho việc nghiên cứu tiêu dùng các loại sản phẩm khác. Các nhà kinh tế học gọi
lương thực, thực phẩm là các sản phẩm thiết yếu, hàng công nghiệp là sản
phẩm tiêu dùng lâu bền, và việc cung cấp dịch vụ là sự tiêu dùng cao cấp. Qua quá
trình nghiên cứu họ phát hiện ra xu hướng chung là khi thu nhập tăng lên thì tỷ lệ
chi tiêu cho hàng tiêu dùng lâu bền tăng phù hợp với tăng thu nhập, còn chi tiêu
cho hàng tiêu dùng cao cấp tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập.
Như vậy, quy luật tiêu thụ sản phẩm của E.Engel đã làm rõ tính xu
hướng của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình phát triển. Khi thu
nhập theo đầu người tăng lên thì tỷ trọng của sản phẩm nông nghiệp trong
tổng sản phẩm quốc dân sẽ giảm xuống, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ sẽ
tăng lên nhưng tỷ trọng của dịch vụ tăng nhanh hơn công nghiệp.
Các nhà kinh tế cho rằng, một nước (hay một dịa phương) nông nghiệp
muốn chuyển sang một nước (hay một dịa phương) công nghiệp phát triển cần
phải trải qua các bước sau : Chuyển nền kinh tế nông nghiệp (Tỷ trọng Nông
nghiệp chiếm 40%-60%, Công nghiệp chiếm 10%-20%, Dịch vụ chiếm 20%-
30%) sang kinh tế nông công nghiệp (Tỷ trọng Nông nghiệp chiếm 15%-25%,
Công nghiệp từ 25%-35%, Dịch vụ từ 40%-50%), để từ đó chuyển sang nền
kinh tế công nghiệp phát triển (Tỷ trọng Nông nghiệp chiếm dưới 10%, Công
nghiệp chiếm từ 35%-40%, Dịch vụ từ 50%-60%).
II. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ CỦA
ĐỊA PHƯƠNG :
1. Nhóm các yếu tố tự nhiên :
Bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, đất đai và tài nguyên. Nhóm yếu tố này
quyết định lợi thế nguồn lực tự nhiên của từng địa phương, chúng có mối quan