Tải bản đầy đủ (.pdf) (101 trang)

Tình hình sử dụng ngôn ngữ của người dân xã nùng nàng, huyện tam đường, tỉnh lai châu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (877.47 KB, 101 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

Đỗ Thị Hiện

TÌNH HÌNH SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CỦA
NGƯỜI DÂN XÃ NÙNG NÀNG, HUYỆN TAM
ĐƯỜNG, TỈNH LAI CHÂU
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 60220102

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu

I


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được
ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả

Đỗ Thị Hiện

II


LỜI CẢM ƠN

Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi luôn nhận được sự động viên, giúp


đỡ tận tình của các Thầy, Cô giáo. Đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình, quan
tâm chỉ bảo của Thầy giáo – PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệu đã giúp đỡ tôi hoàn
thành Luận văn này. Qua đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự
quan tâm, giúp đỡ của các Thầy, Cô; sự ủng hộ của gia đình và sự cổ vũ của
các bạn.
Tôi xin chân thành cám ơn!
Học viên

Đỗ Thị Hiện

III


MỤC LỤC
Trang phụ bìa .....................................................................................................
Lời cam đoan ......................................................................................................
Lời cảm ơn ..........................................................................................................
Mục lục ...............................................................................................................
Quy ước viết tắt ................................................................................................. I
Danh mục các bảng ......................................................................................... II
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ VII
Chương 1: Cơ sở lí luận và một vài nét sơ lược về địa bàn khảo sát. ................10
1.1. Một số tiền đề lí luận có liên quan. .................................................................10
1.2.Vài nét sơ lược về người Mông và tiếng Mông ở Việt Nam. .........................12
1.2.1. Người Mông ở Việt Nam................................................................................12
1.2.2. Tiếng Mông. ...................................................................................................18
1.3. Một vài nét sơ lược về tỉnh Lai Châu .............................................................20
1.4. Khái quát về địa bàn khảo sát. ........................................................................24
Tiểu kết chương 1 ....................................................................................................29
Chương 2: Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ

giới ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ...................................30
2.1. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ giới xã
Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về độ
tuổi. ...........................................................................................................................30
2.1.1. Nhóm tuổi trên 50. .........................................................................................32
2.1.2. Nhóm tuổi từ 31 – 50......................................................................................34
2.1.3. Nhóm tuổi từ 16 – 30......................................................................................36
2.1.4. Nhóm tuổi từ 6 – 15........................................................................................39
2.2. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ giới ở
xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về
trình độ văn hóa. .....................................................................................................41
2.2.1. Mù chữ. ...........................................................................................................43
2.2.2. Nhóm người có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. .................................................44
2.2.3. Nhóm người có trình độ từ lớp 6 đến lớp 9. .................................................45
2.2.4. Nhóm người có trình độ từ lớp 10 đến lớp 12. .............................................46
2.2.5. Nhóm người có trình độ trên lớp 12. .............................................................47
2.3. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ giới ở
xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về
nghề nghiệp. .............................................................................................................49
2.3.1. Nông dân. .......................................................................................................50
2.3.2 Giáo viên, y tá. .................................................................................................51
2.3.3. Học sinh. .........................................................................................................52
2.3.4. Sinh viên. ........................................................................................................53

IV


2.4. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ giới ở
xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về môi
trường giao tiếp. ......................................................................................................54

Tiểu kết chương 2 ....................................................................................................55
Chương 3: Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là
nam giới ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. .........................58
3.1. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nam giới
xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về độ
tuổi. ...........................................................................................................................58
3.1.1. Nhóm tuổi trên 50. .........................................................................................60
3.1.2. Nhóm tuổi từ 31 – 50......................................................................................61
3.1.3. Nhóm tuổi từ 16 – 30......................................................................................62
3.1.4. Nhóm tuổi từ 6 – 15........................................................................................64
3.2. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nam giới ở xã
Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về trình độ
văn hóa. .....................................................................................................................67
3.2.1. Mù chữ. ...........................................................................................................68
3.2.2. Nhóm người có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5. .................................................69
3.2.3. Nhóm người có trình độ từ lớp 6 đến lớp 9. .................................................70
3.2.4. Nhóm người có trình độ từ lớp 10 đến lớp 12. .............................................72
3.2.5. Nhóm người có trình độ trên 12. ...................................................................73
3.3. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nam giới ở
xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về
nghề nghiệp. .............................................................................................................74
3.3.1. Nông dân. .......................................................................................................75
3.3.2. Giáo viên, y tá, cán bộ. ...................................................................................76
3.3.3. Học sinh. .........................................................................................................77
3.3.4. Sinh viên. ........................................................................................................78
3.4. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nam giới ở
xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu dựa trên sự khác biệt về môi
trường giao tiếp. ......................................................................................................79
Tiểu kết chương 3 ....................................................................................................80
KẾT LUẬN ..............................................................................................................82

TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................86

PHỤ LỤC

V


QUY ƯỚC VIẾT TẮT
Từ viết tắt

Nghĩa đầy đủ

GS

Giáo sư

PGS

Phó giáo sư

TS

Tiến sĩ

HS

Học sinh

THCS


Trung học cơ sở

THPT

Trung học phổ thông

TC

Trung cấp



Cao đẳng

ĐH

Đại học

PTTQ

Phong tục tập quán

VI


DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng

Tên bảng


Trang

2.1
2.2

Các nhóm tuổi của nữ giới là người Mông ở xã Nùng Nàng
Năng lực tiếng mẹ đẻ và tiêng Việt của người Mông là nữ
giới ở xã Nùng Nàng
Năng lực tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ
giới ở độ tuổi học đường theo cấp học
Trình độ văn hóa của nữ giới là người Mông ở xã Nùng Nàng
Năng lực tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nữ
giới theo nghề nghiệp ở xã Nùng Nàng
Các nhóm tuổi của nam giới là người Mông ở xã Nùng
Nàng
Năng lực tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nam
giới theo độ tuổi ở xã Nùng Nàng
Năng lực tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông là nam
giới ở độ tuổi học đường theo cấp học
Trình độ văn hóa của nam giới là người Mông ở xã Nùng
Nàng
Năng lực tiếng mẹ đẻ và tiêng Việt của người Mông là nam
giới theo nghề nghiệp

30
31

2.3
2.4
2.5

3.1
3.2
3.3
3.4
3.5

VII

39
42
49
58
59
65
67
74


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh
sống. Trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số 86.8%, sống tập trung chủ yếu ở
vùng châu thổ sông Hồng, các đồng bằng ven biển miền Trung, đồng bằng
sông Cửu Long và các thành phố lớn. 53 dân tộc thiểu số khác sống chủ yếu
trên các vùng núi, trải dài từ Bắc vào Nam, xen kẽ với nhau tạo nên một bức
tranh đa dạng và phức tạp về địa bàn cư trú. Các dân tộc nước ta đều có nền
văn hóa riêng đặc sắc. Tất cả góp phần tạo nên một nước Việt Nam đa ngôn
ngữ, đa văn hóa – một đất nước có nền văn hóa đa dạng nhưng thống nhất.
Cho đến nay vẫn chưa có một con số chính xác, đủ sức thuyết phục về
số lượng các ngôn ngữ ở Việt Nam, nhiều trường hợp chưa xác định rõ đó là

ngôn ngữ dân tộc hay chỉ là một biến thể địa phương ( phương ngữ) nhưng
trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta thấy sự có mặt đầy đủ của các họ ngôn ngữ
quan trọng nhất ngữ hệ Đông Nam Á là: Nam Á, Thái – Kađai, Nam Đảo,
Mông – Dao, Hán –Tạng. Sự hội tụ này đã tạo nên “một thiên đường ngôn
ngữ học” (V.B.Kasevich), thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên
cứu ngôn ngữ học trên thế giới.
Mông là một dân tộc lớn với dân số đông thứ năm trong các dân tộc
thiểu số ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên tiếng Mông lại đang dần bị mai một.
Lý do là hiện nay có một bộ phận người Mông sử dụng tiếng Việt thay vì
tiếng Mông.
Ngôn ngữ là công cụ để các dân tộc giữ gìn bản sắc, phát huy phong
tục tập quán và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Cùng với xu thế hội
nhập và phát triển, những luồng văn hoá khác nhau xâm nhập vào đời sống xã
hội ở vùng dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến văn hoá

1


truyền thống các dân tộc thiểu số mà trong đó có sự mai một về ngôn ngữ.
Muốn bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số thì việc gìn giữ ngôn
ngữ của dân tộc mình là điều thiết yếu. Vì vậy, nghiên cứu tiếng Mông là vô
cùng quan trọng.
Các ngôn ngữ dân tộc nói chung và tiếng Mông nói riêng đóng một vai
trò thiết yếu vào việc phổ biến kiến thức cho các cộng đồng người bản địa, kể
cả các kiến thức về khoa học tự nhiên và công nghệ. Khi đó ngôn ngữ là cánh
cửa để những sắc tộc khác nhau cùng được tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật
tiên tiến, hiện đại và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, sắc tộc, vùng
miền, bắt đầu từ ngôn ngữ mẹ đẻ.
Ngôn ngữ là di sản vô cùng quý báu của mỗi dân tộc. Bởi lẽ, ngôn ngữ
là sản phẩm kết tinh nhiều nhân tố (tư duy, phong tục, văn hoá) của một cộng

đồng cư dân qua bao nhiêu đời. Một ngôn ngữ mất đi có nghĩa là một nền văn
hoá đã bị tiêu vong. Có rất nhiều lý do nhưng điều đáng buồn lại chính là thái
độ ngôn ngữ của những dân tộc thiểu số đối với tiếng mẹ đẻ của họ.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong bối cảnh quốc gia
đa dân tộc, đa ngôn ngữ, Đảng và Nhà nước ta đề ra các chính sách phát triển
cho đồng bào các dân tộc thiểu số đã sớm chú trọng đến chính sách ngôn ngữ.
Ngay từ năm 1935, trong Nghị quyết về công tác trong các dân tộc thiểu số tại
Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã xác định: “ Mỗi dân tộc… dược dùng tiếng
mẹ đẻ của mình trong sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa của mình” [14,
tr.73]. Chủ trương đó được quán triệt xuyên suốt các giai đoạn cách mạng của
dân tộc, cụ thể: Nghi quyết Hội nghị trung ương lần thứ V, khóa VIII của
Đảng xác định: “ … Bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân
tộc; đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ
trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành

2


thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình” [13, tr. 65-66]; Nghị quyết Đại hội
Đảng toàn quốc lần thứ IX tiếp tục khẳng định: “ Ngoài tiếng phổ thông, các
dân tộc có chữ viết riêng được khuyến khích học chữ dân tộc…dùng tiếng nói
dân tộc và chữ viết của các dân tộc có chữ viết trên các phương tiện thông tin
đại chúng ở vùng dân tộc” [15, tr.115].
Chủ trương, đường lối của Đảng về bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ
viết các dân tộc thiểu số đã được cụ thể hóa trong Hiến pháp, các luật và
nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Điều 5 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 viết: “ Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói và
chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán
truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình” [20, tr.138]. Các bộ luật, các luật
như: Luật giáo dục, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Bộ luật tố tụng hình sự,

Luật tòa án, Luật báo chí, Luật xuất bản,… đều ghi nhận rõ ràng, cụ thể về
quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số.
Hiện Lai Châu có 07 huyện và 1 thành phố, người Mông cư trú ở tất cả
các địa bàn. Câu chuyện quên tiếng mẹ đẻ diễn ra ở nhiều nơi dẫn đến nguy
cơ mai một tiếng Mông. Do vậy, muốn giữ gìn, chúng ta phải chú trọng nâng
cao vị thế của ngôn ngữ này thông qua việc học nó song song với học chữ
quốc ngữ và có những chính sách hợp lý trong việc bảo tồn và phát triển tiếng
Mông nói riêng và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số nói chung.
Vấn đề bảo tồn, phát triển văn hóa của mỗi dân tộc không chỉ là điều
tra tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ của dân tộc đó mà cần phải nghiên cứu môi
trường hoạt động của nó. Môi trường này hiển nhiên có sự đan xen nhiều
thành phần ngôn ngữ khác nhau, ảnh hưởng đến sự hoạt động của ngôn ngữ ở
từng mức độ khác nhau.
Có thể khẳng định rằng chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với

3


ngôn ngữ các dân tộc thiểu số là đúng đắn và căn bản. Tuy nhiên trong quá
trình thực hiện vẫn cònnhiều điều bất cập: “ Các chủ trương của Đảng và Nhà
nước về ngôn ngữ dân tộc thường chỉ dừng lại ở những tư tưởng, những luận
điểm chung nhất, thiếu hẳn các kế hoạch, các chương trình mục tiêu và hệ
thống các biện pháp cụ thể cùng các hình thức tổ chức thực hiện thích hợp với
từng khu vực, từng dân tộc, đặc biệt là thiếu hẳn một đội ngũ cán bộ được
chuẩn bị về kiến thức và phương pháp, sau cùng là một chế độ kiểm tra, đánh
giá ở cấp Nhà nước, để triển khai” [37, tr.30]
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài “Tình hình sử dụng
ngôn ngữ của người dân xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu”
với mong muốn khái quát rõ tình hình sử dụng ngôn ngữ ( cụ thể là tiếng mẹ
đẻ và tiếng Việt) của người Mông nơi đây.

- Ý nghĩa lý luận của đề tài: Hệ thống hóa các quan điểm và làm rõ tình
hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến việc
sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông ở xã Nùng Nàng, huyện
Tam Đường, tỉnh Lai Châu
- Ý nghĩa thực tiễn của đề tài:
 Kết quả khảo sát là một tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu về
việc sử dụng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, xây dựng chính sách ngôn
ngữ phù hợp giúp các ngôn ngữ vừa được sử dụng, vừa được phát triển để
nâng cao vị thế và phát huy vai trò của nó.
 Nhận thức được giá trị của ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong phát triển
vùng. Góp phần vào sự cố gắng chung của cộng đồng trong việc bảo vệ tiếng
Mông nói riêng và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số nói chung.
2. Lịch sử vấn đề

4


Về đề tài liên quan đến ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, hàng năm có rất
nhiều các chính sách, các hoạt động thực tiễn, các công trình nghiên cứu của
Đảng và Nhà nước, của các nhà ngôn ngữ học và các nhà giáo dục. Ngay từ
khi giành được độc lập (1945) đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra rất
nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến vấn đề ngôn ngữ các dân tộc thiểu
số và luôn kiên trì thực hiện các tư tưởng, chính sách đã đề ra. Các chủ
trương, chính sách ấy được thể hiện tập trung nhất trong quyết định số 53/CP
của Hội đồng Chính phủ (1980). Quyết định này cũng khẳng định rằng:
“Tiếng nói và chữ viết hiện có của các dân tộc thiểu số được Nhà nước tôn
trọng, duy trì và giúp đỡ phát triển ...”
Đi đôi với những chủ trương, chính sách ấy, Đảng và Nhà nước ta cũng
đã thực hiện rất nhiều các hoạt động cụ thể để gìn giữ và phát triển ngôn ngữ,
văn hóa của các dân tộc thiểu số nước ta. Những hoạt động đó là đầu tư ngân

sách vào việc xây dựng cơ sở vật chất, điện, đường, trường, trạm,… để tạo
điều kiện cho các dân tộc thiểu số sinh sống và học tập. Bên cạnh đó, là
những đầu tư về mặt trí tuệ như tăng số lượng và chất lượng giáo viên giảng
dạy cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Về mặt nghiên cứu, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về vấn đề
ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi
không có điều kiện để liệt kê tất cả công trình nghiên cứu ấy. Chúng tôi chỉ
xin nêu ra một số công trình tiêu biểu nhất. Trước hết là phải kể đến Hội thảo
khoa học “Ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ dân tộc và phát triển” do Trung tâm
khoa học xã hội và nhân văn quốc gia tổ chức vào tháng 5 năm 1993 tại Hà
Nội. Trong hội nghị này, đã có hơn 50 báo cáo và tham luận được trình bày.
Các báo cáo tiêu biểu nhất đã được tuyển chọn trong cuốn sách “Những vấn
đề chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam”. Các công trình nghiên cứu này đã cho
chúng ta thấy rõ hơn thực trạng ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số của nước ta

5


hiện nay. Ngoài ra hàng năm, có rất nhiều các luận văn tốt nghiệp ngành ngôn
ngữ học của các sinh viên, học viên khoa ngôn ngữ học trường Đại học Khoa
học Xã hội & Nhân văn. Nhiều công trình có giá trị của các Giáo sư, Phó
Giáo sư đầu ngành về ngôn ngữ của Việt Nam: Giới thiệu bức tranh chung về
ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam ( Phạm Đức Dương, 1978; Hoàng
Tuệ, 1981; Như Ý, 1992; Trần Trí Dõi, 1997;…); Khảo sát vấn đề giáo dục
song ngữ vùng dân tộc thiểu số Việt Nam ( Trần Trí Dõi, 2003; Đinh Lê Thư,
2005); Nghiên cứu vấn đề sử dụng ngôn ngữ và giao tiếp trong xã hội đa ngữ
ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam ( Nguyễn Văn Khang, 2003; Nguyễn Thị
Thanh Bình, 2004). Đây thực sự là những công trình nghiên cứu đóng góp rất
nhiều cho việc nghiên cứu để tiến hành hoạch định ngôn ngữ.
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là khái quát được tình hình sử dụng ngôn
ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt) của người Mông ở xã Nùng Nàng, huyện Tam
Đường, tỉnh Lai Châu. Chúng tôi hy vọng, với đề tài này sẽ đóng góp một phần
nhỏ vào việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số nước ta. Thông qua đó
sẽ góp phần cho việc triển khai các chính sách ngôn ngữ cho đồng bào các dân
tộc thiểu số phù hợp và có hiệu quả hơn.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
- Khảo sát tình hình sử dụng ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt) của
người Mông ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu theo độ tuổi,
giới tính, trình độ văn hóa, nghề nghiệp.
- Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp,
trình độ văn hóa đến việc sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông
ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
- Phân tích ảnh hưởng của yếu tố thái độ ngôn ngữ đến việc sử dụng

6


tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông ở đây.
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Về đối tượng nghiên cứu, chúng tôi không có điều kiện để khảo sát tình
hình sử dụng ngôn ngữ của tất cả người dân ở xã Nùng Nàng, huyện Tam
Đường, tỉnh Lai Châu. Chúng tôi chỉ chọn khảo sát ngẫu nhiên 500 người dân
tộc Mông ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Như đã nói ở trên, trong luận văn này, chúng tôi chọn địa bàn khảo sát
là xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Tại một địa bàn khảo sát
thì có rất nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề để nghiên cứu. Tuy nhiên trong khuôn
khổ luận văn, chúng tôi chỉ chọn phạm vi nghiên cứu là khảo sát tình hình sử
dụng ngôn ngữ ( tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt) của người Mông ở đây. Từ đó,
chúng tôi đưa ra những nhận xét về khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng

Việt của các đối tượng thông qua các yếu tố độ tuổi, giới tính, trình độ văn
hóa, nghề nghiệp.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu chính là:
- Phương pháp điều tra điền dã ngôn ngữ học xã hội.
- Phương pháp thống kê, xử lí tư liệu.
5.1. Phương pháp điều tra điền dã ngôn ngữ học xã hội
Để thực hiện được đề tài này, đòi hỏi phải có sự khảo sát trực tiếp tại
địa bàn thực tế, vì vậy mà chúng tôi cần chuẩn bị các phiếu khảo sát để phục
vụ cho việc điều tra. Điều mà chúng tôi quan tâm trong đề tài này là tình hình
sử dụng và khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Mông tại
địa bàn khảo sát cho nên chúng tôi đã thiết kế bảng tự đánh giá năng lực ngôn
ngữ cho những đối tượng được khảo sát. Ngoài ra, còn có các mục như: giới

7


tính, độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp… đây là những nhân tố ảnh
hưởng đến khả năng giao tiếp của các đối tượng.
Tiếp đó, phiếu khảo sát còn đề cập đến các trường hợp giao tiếp khác
nhau với những đối tượng khác nhau như: gia đình, trường học, bệnh viện,
nơi công cộng, ở chợ… đây là những yếu tố chi phối cách lựa chọn và sử
dụng ngôn ngữ của các đối tượng được khảo sát. Ngoài ra, chúng tôi có đề
cập câu hỏi đến ý muốn duy trì và bảo tồn tiếng mẹ đẻ của họ để đánh giá ý
thức của các đối tượng với chính ngôn ngữ của dân tộc mình. Phiếu khảo sát
được thông qua ý kiến của giáo viên hướng dẫn, sau đó chúng tôi mới tiến
hành đưa vào khảo sát.
5.2. Phương pháp thống kê, xử lí tư liệu
Sau khi hoàn thành việc thu thập tư liệu, chúng tôi tiến hành thống kê
theo các tiêu chí: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, trình độ văn hóa. Với tiêu

chí độ tuổi, chúng tôi chia làm 3 nhóm: nhóm tuổi (từ 6 – 15 tuổi), nhóm tuổi
(từ 16 – 50 tuổi) và nhóm tuổi (trên 50 tuổi). Với tiêu chí trình độ văn hóa,
chúng tôi chia thành các nhóm tương đương với các lớp trong chương trình
phổ thông hiện nay: Mù chữ, nhóm có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5, nhóm có
trình độ từ lớp 6 đến lớp 9, nhóm có trình độ từ lớp 10 đến lớp 12 và nhóm có
trình độ trên 12. Với tiêu chí nghề nghiệp, chúng tôi chia thành các ngành
nghề khác nhau. Qua sự phân loại các tiêu chí mà chúng tôi nhận thấy sự khác
biệt khá lớn về tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của các đối tượng
tại địa bàn khảo sát.
Cuối cùng, chúng tôi tiến hành xem xét các tiêu chí rồi lập bảng cho
phù hợp, sau đó tính phần trăm của các con số thu được.
Sau khi đã xử lí số liệu, chúng tôi tiến hành so sánh, phân tích theo
từng tiêu chí. Qua đó để có thể miêu tả, nhận xét và lý giải về tình hình sử

8


dụng tiếng mẹ đẻ và tiềng Việt của người Mông ở địa bàn khảo sát.
6. Bố cục luận văn
Luận văn của chúng tôi gồm những phần chính sau:
PHẦN MỞ ĐẦU
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: Cơ sở lí luận và một vài nét sơ lược về địa bàn khảo sát
Chương 2: Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người
Mông là nữ giới ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
Chương 3: Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người
Mông là nam giới ở xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu
KẾT LUẬN

9



Chương 1: Cơ sở lí luận và một vài nét sơ lược về địa bàn khảo
sát
1.1. Một số tiền đề lí luận có liên quan
Trong các nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, chúng ta đều
thấy rằng các dân tộc thiểu số Việt Nam đều là những cộng đồng song ngữ.
Ngoài tiếng mẹ đẻ của mình được sử dụng trong môi trường nhất định như gia
đình, làng xóm, các cá nhân với nhau thì họ còn sử dụng tiếng Việt như là
ngôn ngữ thứ hai của mình. Tiếng Việt được họ sử dụng trong giao tiếp ngoài
xã hội, trong các công việc buộc họ phải sử dụng tiếng Việt để hòa nhập. Điều
này chứng tỏ tình trạng song ngữ và đa ngữ ở cộng đồng các dân tộc thiểu số
là rất phổ biến. Vì thế mà bức tranh ngôn ngữ ở Việt Nam mang đầy vẻ hấp
dẫn và kì thú nhưng cũng không kém phần phức tạp.
Để góp phần làm rõ hơn những khái niệm liên quan đến đề tài luận văn,
chúng tôi xin giới thiệu một số khái niệm sau đây:
Khái niệm tiếng mẹ đẻ được nhiều nhà ngôn ngữ học, văn hóa học, dân
tộc học … nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng trong khuôn khổ luận
văn này, chúng tôi xin nêu định nghĩa về tiếng mẹ đẻ của Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp Quốc (UNESCO):“Tiếng mẹ đẻ là ngôn
ngữ mà con người học được trong những năm đầu đời của đời mình và
thường trở thành công cụ tư duy và truyền thống tự nhiên”. Tiếng mẹ đẻ
“không cần phải là thứ tiếng mà cha mẹ đứa trẻ dùng, cũng không cần phải
là ngôn ngữ đầu tiên mà đứa trẻ học nói, bởi vì có những hoàn cảnh đặc biệt
làm cho nó vào một tuổi rất sớm đã bỏ một phần hay hoàn toàn ngôn ngữ đó”
(UNESCO, 1969)
GS. Nguyễn Văn Khang cho rằng: “ tiếng mẹ đẻ là tiếng của dân tộc
mình… là ngôn ngữ thứ nhất của mình” [22, tr. 43].

10



Cũng có cách hiểu khác “ ngôn ngữ được con người sử dụng từ thủa
nhỏ bằng cách bắt chước người lớn chung quanh mình; đối lập với tiếng
nước ngoài”, là “ ngôn ngữ của bản thân dân tộc được nói đến, phân biệt với
những ngôn ngữ khác; còn gọi là bản ngữ”[44, tr. 290]
Đơn ngữ: là hiện tượng biểu thị khả năng biết và sử dụng một ngôn
ngữ trong giao tiếp [ Dẫn theo 22]
Hiện tượng song ngữ: là biểu hiện trực tiếp của quá trình tiếp xúc
ngôn ngữ, nó xuất hiện từ lâu, phát triển không ngừng và là một trong những
đặc trưng phổ biến có tính chất quy luật đối với các dân tộc và thế giới hiện
đại. Cụ thể hơn, song ngữ là một hiện tượng tồn tại hai hay nhiều ngôn ngữ ở
một người hay một tập thể người sinh sống trên một địa bàn có đặc điểm
riêng về mặt xã hội – văn hóa [ Dẫn theo 31]. Hay song ngữ là hiện tượng sử
dụng hai hay trên hai ngôn ngữ của người song ngữ trong xã hội đa ngữ [ Dẫn
theo 22]
Trạng thái song ngữ có thể được hiểu là “hiện tượng biểu thị khả năng
biết và có thể sử dụng hai ngôn ngữ có vị thế xã hội ngang nhau trong giao
tiếp” [ Dẫn theo 31]. Đây là hiện tượng phổ biến ở nước ta tại các địa bàn dân
tộc thiểu số, họ sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên theo nhu
cầu cuộc sống. Như vậy là năng lực ngôn ngữ gắn liền với tiếng Việt và tiếng
mẹ đẻ.
Cá thể song ngữ là năng lực sử dụng hai hay trên hai ngôn ngữ của các
cá nhân. Mức độ nắm vững song ngữ của người song ngữ là rất khó xác định.
Vì thế mà người ta chia khả năng song ngữ của người song ngữ ra thành hai
loại là: song ngữ bộ phận và song ngữ hoàn toàn.
Song ngữ bộ phận (song ngữ không hoàn toàn) là trong phạm vi cơ
bản, người sử dụng có thể trình bày được ý nghĩ của mình mà người khác

11



hiểu được, cảm thụ được, đồng thời có thể hiểu được ý của người khác trình
bày bằng hai ngôn ngữ đó [ Dẫn theo 22]
Song ngữ hoàn toàn là khả năng nắm bắt một cách chủ động, tự do
như nhau hai ngôn ngữ đến mức có thể tư duy trực tiếp bằng từng ngôn ngữ
mà không cần dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác [ Dẫn theo 22]
Cộng đồng song ngữ là cộng đồng người sinh sống trên một địa bàn,
có đặc điểm riêng biệt về mặt xã hội, văn hóa, sử dụng đồng thời hai hay
nhiều ngôn ngữ do nhu cầu giao tiếp về kinh tế, văn hóa, chính trị [ Dẫn theo
22].
Như vậy , từ những khái niệm trên, kết hợp với việc nghiên cứu thực
trạng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số, Đảng và Nhà nước ta cần hoạch định
chính sách về ngôn ngữ và văn hóa nói chung nhằm củng cố an ninh quốc
phòng cũng như khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Từ đó làm cho tiếng
Việt khẳng định được vai trò, vị thế của mình là ngôn ngữ chung của đồng
bào cũng như phổ cập kiến thức và nâng cao dân trí trong xã hội. Đồng thời
giữ gìn và củng cố được vai trò của tiếng mẹ đẻ trong cộng đồng các dân tộc
thiểu số Việt Nam.
1.2.Vài nét sơ lược về người Mông và tiếng Mông ở Việt Nam
1.2.1. Người Mông ở Việt Nam
Hiện nay dân tộc Mông sống ở nước ta có khoảng 60 vạn người, chiếm
tỷ lệ gần 1% dân số cả nước. Nơi cư trú của đồng bào chủ yếu tập trung ở các
tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái v.v... và một số các tỉnh
như Nghệ An, Thanh Hoá, Hoà Bình v.v... gần đây có một số vào các tỉnh
Tây Nguyên sinh sống.
Người Mông Việt Nam là một trong những cư dân sinh sống sớm nhất,

12



lâu nhất ở vùng núi cao của miền Bắc Việt Nam. Dân tộc Mông thuộc nhóm
ngữ hệ Mông - Dao. Người Dao vào nước ta khoảng thế kỷ XIII còn người
Mông muộn hơn, cách đây khoảng 2-3 thế kỷ. Khi sang ta thì vùng thấp và
vùng giữa đã có người cư trú, nên họ phải sống trên rẻo cao, cách mặt biển
hơn 1000m, làm rẫy du canh, du cư.
Địa bàn cư trú hiện nay của các dân tộc cũng đồng thời phản ánh quá
trình và thời gian phân bố tộc người. Những dân tộc sinh sống lâu đời thì chủ
yếu sống ở vùng thấp, thung lũng như Tày, Nùng, Việt. Những dân tộc đến
muộn hơn thì ở rẻo giữa như người Dao, người Thái, còn dân tộc chuyển cư
muộn hơn cả thì ở rẻo cao như dân tộc Mông. Người Mông tự gọi tên dân tộc
mình là dân tộc Mông, là người Mông. Người Mông ở Trung Quốc, Thái Lan,
Lào, Việt Nam... đều thống nhất một tên như vậy. Không bao giờ họ tự gọi
mình là Mèo, Miêu hay Hơ Mông. Tên của dân tộc được gọi theo tên mà dân
tộc đó thường tự gọi và thừa nhận là đúng nhất. Tại Hội nghị cốt cán dân tộc
Mông có đại diện của tất cả các địa phương và các nhóm Mông ở trong nước
đến dự, năm 1987 do Uỷ ban dân tộc của Chính phủ chủ trì, đã thống nhất kiến
nghị và được chấp nhận tên gọi là dân tộc Mông mà không gọi là Mèo nữa.
Dân tộc Mông miền núi phía Bắc, với đa số là cư dân sống trên rẻo cao,
chủ yếu sống bằng nghề nông là chính, bằng phương thức canh tác nương rẫy
(phát - đốt), thu nhập gia đình chủ yếu bằng các nghề trồng trọt, chăn nuôi,
săn bắn và hái lượm, nền kinh tế cơ bản là tự cấp, tự túc. Do phương thức
canh tác nương rẫy, nên sự tác động với cây trồng đều bằng sức lực của con
người, việc sử dụng phân bón, sức kéo trâu bò, các phương tiện đều khó khăn
nên năng suất cây trồng thường không ổn định, bấp bênh. Bởi vậy đời sống
người Mông còn gặp nhiều khó khăn.
Trong cơ cấu của nền kinh tế tiểu nông truyền thống, trồng trọt cây

13



lương thực đóng vai trò chính, thì các nghề thủ công như: nghề dệt, nghề rèn,
nghề mộc, nghề đan lát, v.v... cũng góp phần cải thiện đời sống của một bộ
phận dân cư miền núi phía Bắc. Đồng thời nó cũng thể hiện tính đa dạng,
phong phú trong quá trình hình thành đặc trưng truyền thống văn hoá cũng như
PTTQ của các dân tộc.
PTTQ của người Mông thể hiện khá rõ qua cách thức tổ chức cộng
đồng. Điều này thể hiện qua các khía cạnh cụ thể sau:
Tổ chức làng, bản :
Hay còn gọi là "giao" (Người Mông ở những vùng thuộc Việt Bắc, Tây
Bắc gọi là "giao", còn người Mông ở Bắc Trung Bộ lại gọi là “Lu Dò") để chỉ
một địa điểm, có một nhóm gia đình cùng làm ăn, sinh sống, cùng một dân
tộc có quan hệ họ hàng và láng giềng với nhau. Đây là nơi cư trú mang đầy
đủ các quan hệ cơ cấu tổ chức kinh tế - xã hội, là đơn vị xã hội nhỏ nhất
nhưng lại thể hiện tập trung rõ nhất bản sắc văn hoá dân tộc Mông.
Cho tới nay, do dân số tăng, qui mô "giao" của người Mông trong mấy
chục năm qua có sự thay đổi nhanh chóng, các "giao" đều phát triển với số hộ
đông hơn trước rất nhiều.
Về mặt tổ chức, mỗi "giao" có một hoặc hai người đứng đầu là trưởng
bản, tiếng Mông gọi là "Lùng Thầu" hay "Sống Thầu". Họ là người điều hành
công việc chung của bản, đồng thời quy định những quy ước và các luật tục
của "giao". Trưởng bản thường là người nói được, làm được, biết phân biệt
đúng sai, công bằng, ứng xử và giao tiếp rộng; có anh em họ hàng đông, có
nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Họ được đại diện các gia đình trong "giao"
cử ra theo chế độ luân phiên; họ có nhiệm vụ thực hiện qui ước chung, xử lý,
giải quyết những công việc chung của "giao". Cộng đồng giao có sự cố kết
nhất định về mặt kinh tế - xã hội và tinh thần. Tuy không có đất canh tác

14



riêng vì ruộng đất thuộc quyền sở hữu của từng gia đình), nhưng mỗi "giao"
đều có địa vực cư trú riêng, có khu rừng công, có bãi chăn thả, có sông suối,
đồi cỏ... mọi gia đình trong "giao" đều có quyền sử dụng và có trách nhiệm
bảo vệ và coi là tài sản chung của "giao".
Các thành viên trong "giao" đều có ý thức cộng đồng tương trợ giúp đỡ
lẫn nhau, khi có công việc lớn như: ma chay, cưới xin, làm nhà mới hoặc các
gia đình gặp hoạn nạn khó khăn...
Tổ chức dòng họ:
Dòng họ và những sự cố kết trong dòng họ là đặc điểm nổi bật của
người Mông. Dòng họ là một cộng đồng người có quan hệ huyết thống tính
theo hệ cha. Các thành viên trong họ gắn bó với nhau bởi cùng một phả hệ
dòng nam, và do một tông tổ. Cụ thể còn có người nhớ được thông thường 3
thế hệ thành viên các dòng họ là những người nam giới cùng vợ con họ. Các
thành viên gắn bó với nhau về tư tưởng, tình cảm, tín ngưỡng, và có mối quan
hệ nhất định về kinh tế, đã là người cùng dòng họ thì bất kể cư trú ở đâu,
quốc tịch nào cùng họ tức là cùng chung một ồng tổ sinh ra, cùng một cách
làm ma nghi lễ cúng bái và những điều kiêng kỵ của một dòng họ. Đây cũng
là dấu hiệu cơ bản để nhận ra anh em họ hàng với nhau.
Dòng họ bao gồm nhiều gia đình nhưng không nhất thiết phải cư trú
gần nhau. Mỗi dòng họ ở Bắc Hà, Lào Cai nhưng có thành viên cư trú ở Lai
Châu hoặc vùng Thượng Lào. Tuy ở xa nhưng mỗi khi các thành viên đến
nhà thăm nhau đều được coi như người nhà, có thể ốm hoặc chết trong nhà
người cùng tổ tiên. Thành viên trong dòng họ dẫu ở xa đến mấy cũng tuyệt
đối không có quan hệ hôn nhân với nhau. Riêng các thành viên nữ cùng thế
hệ với thành viên nam tuy đã đi lấy chồng, thuộc về họ nhà chồng, nhưng vẫn
liên hệ chặt chẽ với dòng họ xuất thân và dòng họ luôn có trách nhiệm quan

15



tâm đến thân phận làm dâu của họ. Đứng đầu dòng họ là trưởng tộc gọi là Hổ
Pấu, ông là người có uy tín, luôn quan tâm tới đời sống các thành viên, có
nhiều kinh nghiệm sản xuất, ... am hiểu các nghi lễ kiêng kỵ riêng của dòng
họ, hiểu biết các PTTQ và "cái lý" của người Mông.
Gia đình:
Gia đình là thiết chế xã hội, hạt nhân chi phối diện mạo của làng, bản.
Gia đình cũng chính là cái nôi lưu giữ hình thành và phát triển văn hoá truyền
thống của dân tộc Mông.
Người Mông hiện nay tồn tại 3 hình thức gia đình: Loại gia đinh phổ
biến là gia đình nhỏ bao gồm hai thế hệ (bố, mẹ và con cái chưa đến tuổi
trưởng thành). Một loại gia đình khác là gia đình nhỏ mở rộng có thêm ông,
bà cùng với con cháu. Đặc biệt ở một số xã thuộc huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai;
Trạm Tấu ở tỉnh Yên Bái; Phong Thổ, Tam Đường tỉnh Lai Châu còn một số
gia đình lớn có quy mồ từ 15-20 người, gồm bố mẹ già, các cặp vợ chồng của
các con đã trưởng thành, cùng những người chưa lập gia đình. Tuy nhiên, loại
gia đình này ngày càng có xu hướng mất dần. Trong bản làng dân tộc Mông,
mỗi gia đình nhỏ được tách ra thường cư trú quây quần bên nhau.
Các mối quan hệ qua lại giữa các thành viên trong gia đình lớn cũng
như gia đình nhỏ đều do truyền thống phụ hệ quy định. Vai trò người đàn ông
rất quan trọng, họ có quyền quyết định điều hành mọi công việc trong gia
đình: tổ chức làm ăn, phân chia tài sản, đến việc hôn nhân, tôn giáo, tín
ngưỡng. Trong gia đình và cả ngoài cộng đồng người Mông, người đàn ông
là chủ gia đình có vị trí cao. Người phụ nữ Mông truyền thống hầu như không
có quyền hành gì ngoài xã hội, họ phụ thuộc chủ yếu vào người đàn ông.
Điều này bắt nguồn từ tục thách cưới cao, người Mông cho rằng, người con
gái có giá trị nhất là lúc đi lấy chồng, được bồi trả tiền bạc, chính vì vậy mà

16



người phụ nữ phải chăm chỉ làm việc, phải phục tùng tuyệt đối chồng và gia
đình chồng.
Gia đình Mông là một đơn vị kinh tế, sự phân công lao động (nhất là
vào thời vụ) rất chặt chẽ theo giới tính, lứa tuối, gia đình. Đồng thời cũng là
một đơn vị văn hoá, một môi trường trao truvền và phát triển văn hoá, lưu giữ
những PTTQ truyền thống. Ngay từ khi còn nhỏ, em bé đã được tiếp xúc với
tiếng hát ru, lớn lên em chơi hát đồng dao. Các mẹ, các chị dạy cho em gái
biết thêu thùa, in sáp, hát dân ca. Các anh dạy em trai biết thổi sáo, khèn. Và
thông qua gia đình, mỗi thành viên đều tự học các nếp ứng xử, thói quen của
dòng họ mình.
Đặc điểm địa hình, địa lý, đặc điểm của môi trường tự nhiên, xã hội
cũng như hình thức tổ chức xã hội nông thôn đã tạo nên sắc thái văn hoá khác
biệt trong nếp sống, nếp nghĩ, nét tâm lý đặc thù của người Mông vùng núi
phía Bắc, những sắc thái đó được lặp đi lặp lại trở thành thói quen, truyền
thống của mỗi bản, làng. Do những nét đặc thù riêng biệt mà mỗi bản làng có
một hệ thống PTTQ riêng tồn tại dưới dạng tập quán truyền miệng rất có hiệu
lực mà nhân dân gọi là lệ làng. Lệ làng có vai trò quan trọng trong việc tuân
thủ phép nước và ổn định đời sống xã hội nông thôn. Để dung hoà những mối
quan hệ đó, mặt khác cũng do nhu cầu ứng xử ngày càng phức tạp của đời
sống xã hội, mà tập quán truyền miệng được nâng lên thành hương ước, qui
ước, điều ước...
PTTQ có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống dân tộc Mông miền
núi phía Bắc, nó đã góp phần điều chỉnh, ổn định hành vi tâm lý, đạo đức
thông qua các quy ước, nếp sống được mọi người tự giác, bền bỉ thực hiện,
biến thành thói quen bền vững. Thể hiện qua bên ngoài bằng các hoạt động,
tư duy đã trở thành nếp được thực hiện nhẹ nhàng, không cần phải đôn đốc và

17



nhắc nhở. PTTQ chứa đựng những giá trị chuẩn mực về đạo đức, lẽ sống, là
căn cứ của hành vi, làm tiêu chuẩn để dư luận khen chê, tác động vào lương
tâm và danh dự của mọi người.
PTTQ truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung, dân tộc
Mông nói riêng được coi là một giá trị nền tảng, một tài sản của quá khứ dành
cho hiện tại và tương lai. Muốn đất nước phát triển giàu mạnh và phồn vinh,
mang đậm bản sắc dân tộc thì việc yêu cầu bảo lưu và phát triển những giá trị
truyền thống của dân tộc trở thành cấp bách và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
PTTQ tốt đẹp ở từng địa phương đã và sẽ là bộ phận cấu thành rất quan trọng
nội dung văn hoá cơ sở, được biểu hiện rõ nét ở các khía cạnh văn hoá tinh
thần và văn hóa.
1.2.2. Tiếng Mông
Ngôn ngữ Mông nằm trong ngữ hệ Nam Á, thuộc nhóm Mông - Dao,
bao gồm phương ngữ ứng với 5 ngành Mông ( Mông Lềnh, Mông Đưở, mông
Đu, Mông Si, Mông Suô). Trong đó Mông Lềnh và Mông Đưở là phổ biến
hơn cả. Riêng phương ngữ Mông Suô ( Mông xanh) so với 4 phương ngữ trên
thì có sự khác biệt khá lớn về ngữ âm ( khoảng 21,3%). Còn góc độ từ và cấu
tạo câu thì cơ bản giống nhau.
Chữ viết: Chữ Mông Việt Nam là chữ La tinh hóa ( Sử dụng chữ cái La
tinh ). Bộ chữ Mông Việt Nam được xây dựng trên cơ sở ngữ âm của tiếng
Mông Lềnh ( Mông hoa ) Lào Cai làm âm tiêu chuẩn.
Năm 1957 chữ Mông Việt Nam được các nhà ngôn ngữ Mông hoàn tất
và dạy thí điểm ở các tỉnh Lào Cai cho đến năm 1959 và tiếp tục dạy ở Lào
Cai và Sơn La.
Tháng 10 năm 1960, được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
thông qua, cuối năm 1961 Thủ tướng chính phủ quyết định ban hành phương

18



×