Tải bản đầy đủ (.doc) (134 trang)

LUẬN án TIẾN sĩ QUÂN đội THAM GIA xóa đói GIẢM NGHÈO ở VIỆT NAM TRONG GIAI đoạn HIỆN NAY

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (611.18 KB, 134 trang )

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Xoá đói, giảm nghèo là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia quan
trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn hiện nay. Những
năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ người nghèo,
vùng nghèo vươn lên trong sản xuất, đời sống, nên tỷ lệ đói, nghèo liên tục giảm, được
thế giới công nhận là một trong những nước giảm nghèo tốt nhất trong khu vực và trên
thế giới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tỷ lệ đói, nghèo ở Việt Nam hiện nay vẫn
còn cao, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vùng căn cứ cách mạng cũ, sự
nghiệp XĐ, GN chưa thực sự vững chắc. Để thực hiện mục tiêu xoá hết hộ đói vào năm
2005 và giảm hết hộ nghèo vào năm 2010 (theo tiêu chí 2001 - 2005) như mục tiêu Đại
hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IX đã xác định, đòi hỏi chúng ta phải có những giải
pháp tích cực đồng bộ hơn nữa.
Quân đội nhân dân Việt Nam được Chủ Tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện,
dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn nửa thế kỷ qua Quân đội luôn làm tốt chức năng, nhiệm
vụ là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”, thực sự là
“Quân đội của dân, do dân và vì dân”. Trải qua các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ
nước trước đây cũng như trong thời bình hiện nay, Quân đội luôn tìm mọi cách giúp đỡ
nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Hiện nay, Quân đội chính thức được
Đảng, Nhà nước giao cho nhiệm vụ tham gia XĐ, GN, trực tiếp XĐ, GN cho 100 nghìn
hộ trong tổng số hộ đói, nghèo của cả nước với phương thức chủ yếu là xây dựng các
khu KT - QP dọc biên giới, ổn định sản xuất, đời sống cho nhân dân địa phương và đón
nhận một bộ phận dân nghèo từ nơi khác vào sinh cơ lập nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ mà
Đảng và Nhà nước giao cho, những năm qua Quân đội ngoài việc hoàn thành xuất sắc
nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa, còn tích cực tham gia XĐ, GN với nhiều nội dung, hình thức khác nhau, đã
đạt được thành tựu hết sức quan trọng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Tuy
nhiên, quá trình Quân đội tham gia XĐ, GN cũng đang nổi lên nhiều vấn đề cần phải
luận giải cả về mặt nhận thức, lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn.
Về nhận thức, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ cho rằng: Quân đội hiện nay có bốn
chức năng, nhiệm vụ là: đội quân chiến đấu; đội quân công tác; đội quân lao động sản


xuất và đội quân XĐ, GN. Thực hiện quá nhiều chức năng, nhiệm vụ như trên sẽ ảnh hưởng đến thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ yếu, chức năng là đội quân chiến đấu của
Quân đội. Bộ phận khác không tin tưởng vào hiệu quả Quân đội tham gia XĐ, GN...


Trong hoạt động thực tiễn, việc tham gia XĐ, GN, phát triển kinh tế, văn hoá, xã
hội trên địa bàn đóng quân của các đơn vị Quân đội cũng đang gặp nhiều khó khăn trở
ngại: hệ thống cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước còn thiếu, chưa đồng bộ; cơ chế
phối hợp hoạt động tham gia XĐ, GN của Quân đội với địa phương, các bộ, ban, ngành
có chỗ chưa rõ ràng; năng lực XĐ, GN của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều hạn chế... Những
vấn đề này đã làm giảm hiệu quả tham gia XĐ, GN của Quân đội. Vì vậy, “Quân đội
tham gia xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” được chọn làm đề
tài nghiên cứu của luận án.
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Hiện nay đã có nhiều tác giả; nhiều tổ chức nghiên cứu về đói, nghèo và XĐ, GN
trên thế giới, cũng như ở Việt Nam dưới các góc độ khác nhau.
Trong kinh tế học thị trường, Samuelson, Đavid Begg, Michel Albrt… chủ yếu đề
cập đến nghèo tương đối. Các ông đã chỉ ra đói, nghèo vẫn tồn tại và gia tăng ở các nước
tư bản phát triển, trong khi xã hội có thừa điều kiện vật chất để giải quyết việc đó. Để
giảm khoảng cách giàu, nghèo họ chủ trương kêu gọi nhà nước phân phối và phân phối
lại thu nhập quốc dân một cách công bằng hơn, dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Đặc
biệt, họ đề cao thực hiện hệ thống phúc lợi xã hội, trợ cấp cho người nghèo.
Ở Việt Nam, BLĐTB và XH đã có công trình nghiên cứu “Đói nghèo ở Việt
Nam”; nhóm tác giả Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Hoan, Chu Hữu Quý, Lê Văn Lượng,
Hoàng Chí Bảo, Ngô Huy Liên, Đỗ Trọng Hùng đã xuất bản sách “Xoá đói giảm nghèo
với tăng trưởng kinh tế”; Nguyễn Thị Hằng, Luận án tiến sĩ “Vấn đề giảm nghèo trong
nền kinh tế thị trường”… Các tác giả đã đề cập nhiều góc độ khác nhau của đói, nghèo
và XĐ, GN, luận giải nguyên nhân và đề xuất các giải pháp XĐ, GN ở Việt Nam.
Một số tác giả cũng đề cập đến Quân đội tham gia XĐ, GN như: Phạm Văn Trà với
bài viết “Tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh
trên địa bàn chiến lược một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quân đội ta hiện nay”, Tạp

chí Quốc phòng toàn dân số tháng 10/1998; Hồ Quốc Toản đã có một số bài viết về xây
dựng khu KT - QP, Tạp chí Quốc phòng toàn dân các số tháng 6-7- 8-9 năm 2001... Tuy
nhiên, chưa có công trình nào đề cập một cách có hệ thống cơ sở lý luận, thực tiễn cũng
như đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Quân đội tham gia XĐ, GN
ở Việt Nam hiện nay.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và giới hạn phạm vi nghiên cứu
- Mục đích


Luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia XĐ,
GN, đưa ra một số quan điểm và giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả tham gia
XĐ, GN của Quân đội trong thời gian tới.
- Nhiệm vụ
+ Luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn Quân đội tham gia XĐ, GN ở Việt Nam.
+ Phân tích thực trạng Quân đội tham gia XĐ, GN và những vấn đề đặt ra đối với
nhiệm vụ tham gia XĐ, GN của Quân đội trong thời gian tới.
+ Đề xuất một số quan điểm và giải pháp góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả
tham gia XĐ, GN của Quân đội trong thời gian tới.
- Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là Quân đội tham gia XĐ, GN. Chủ thể tham gia
XĐ, GN là các đơn vị Quân đội, khách thể được XĐ, GN là một bộ phận người nghèo,
hộ nghèo, xã nghèo, vùng nghèo.
- Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
Luận án chỉ nghiên cứu Quân đội với tư cách là một lực lượng tham gia một số nội
dung XĐ, GN phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội. Luận án tập trung nghiên
cứu Quân đội tham gia XĐ, GN ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ
cách mạng cũ. Thời gian nghiên cứu từ khi đổi mới, đặc biệt luận án tập trung nghiên
cứu từ khi ĐUQSTW có chỉ thị số 137/ĐUQSTW “Về tăng cường công tác dân vận
trong tình hình mới”, ngày 31 tháng 08 năm 1990 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp luận

- Cơ sở lý luận
Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, các
nghị quyết của ĐUQSTW, chỉ thị của Bộ Quốc Phòng.
- Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng các phương pháp: phương pháp luận duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử; phương pháp trừu tượng hoá khoa học; phân tích tổng hợp, thống kê so sánh,
lô gíc lịch sử; khảo sát thực tiễn và phương pháp chuyên gia.
5. Đóng góp mới của luận án
- Luận án làm rõ vai trò, nội dung Quân đội tham gia XĐ, GN.


- Phân tích những mâu thuẫn đặt ra, đồng thời đề xuất những quan điểm cơ bản và
giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tham gia XĐ, GN của Quân đội
trong thời gian tới.
6. Ý nghĩa của luận án
- Góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về vai trò của
Quân đội trong XĐ, GN ở nước ta hiện nay.
- Luận án có thể làm tài liệu tham khảo, giảng dạy môn kinh tế chính trị, môn kinh
tế quân sự trong các trường đại học Quân đội.
- Những quan điểm và giải pháp trong luận án có thể vận dụng vào trong hoạt động
tham gia XĐ, GN của các đơn vị Quân đội hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Luận án gồm: mở đầu, 3 chương, 6 tiết, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham
khảo.
Chương 1
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM THAM GIA XOÁ ĐÓI, GIẢM
NGHÈO - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Những vấn đề chung về đói, nghèo và xoá đói, giảm nghèo ở nước ta hiện
nay

1.1.1. Quan niệm về đói, nghèo và xoá đói, giảm nghèo
1.1.1.1. Quan niệm về đói, nghèo
Đói, nghèo một hiện tượng kinh tế - xã hội đã được nhiều nhà khoa học, nhiều
học giả, nhiều trường phái trong lịch sử cũng như hiện tại quan tâm nghiên cứu.
Tuy nhiên, mỗi thời đại khác nhau người ta có cách lý giải khác nhau về hiện
tượng, nguyên nhân và cách giải quyết đói, nghèo. Điều đó phụ thuộc vào thế giới
quan và nhân sinh quan của mỗi người, mỗi trường phái.
Các nhà triết học duy tâm dựa vào các lực lượng siêu nhiên như chúa trời,
thần linh, thượng đế... để giải thích hiện tượng đói, nghèo, từ đó họ khuyên mọi
người nên an phận, thủ thường, chấp nhận với cuộc sống hiện tại. Khổng Tử, nhà
triết học Trung Quốc cổ đại, người sáng lập ra học thuyết Nho giáo đã đề cập đến
đói, nghèo trong quan điểm “thiên mệnh” của mình. Theo Ông, mệnh trời là ý trời,


trời cho người ta sống được sống, bắt chết phải chết, cho giàu được giàu, bắt nghèo
phải nghèo. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm không có cơ sở khoa học và đã bị
Mặc Tử, nhà triết học duy vật sau này phê phán. Trong quan điểm “phi thiên
mệnh”, Mặc Tử cho rằng: giàu, nghèo, thọ, yểu không phải do định mệnh của trời
mà do con người, nếu người ta nỗ lực làm việc, tiết kiệm tiền của thì ắt giàu có,
tránh được nghèo đói.
Thomas Robert Malthus (1766-1884), học giả kinh tế học tư sản cho rằng:
đói, nghèo là do tình trạng dân số tăng theo cấp số nhân, của cải tăng theo cấp số
cộng nên lượng lương thực, thực phẩm và các tư liệu sinh hoạt cần thiết khác cho
cuộc sống con người sẽ tụt xuống dưới mức cần thiết. Vì vậy, một bộ phận dân cư
phải sống trong điều kiện đói, nghèo là một lẽ đương nhiên. Sai lầm của Thomas
Robert Malthus là đã so sánh sự gia tăng dân số cơ học ở Mỹ với tăng tư liệu tiêu dùng
ở Pháp để đưa ra mệnh đề trên. Mặt khác, Ông không tính đến sự phát triển của tiến bộ
khoa học và đặc điểm phát triển của nhân khẩu học.
C. Mác và Ph. Ăngghen đã từng đề cập đến đói, nghèo trong xã hội tư bản
(giai đoạn cạnh tranh tự do) trong nhiều tác phẩm của mình. Các ông đã mô tả cặn

kẽ, xác thực tình trạng nghèo khổ của những người vô sản phải bán sức lao động
trong các nhà máy, hầm mỏ của các chủ tư bản để kiếm sống, nông dân bị tước
đoạt hết ruộng đất phải chạy ra thành phố bổ sung vào đội quân thất nghiệp, phụ
nữ và trẻ em phải làm việc kiệt sức trong các xưởng thợ. Họ trở thành nạn nhân
của tình trạng bị bóc lột giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối của các chủ tư bản.
Các ông vạch ra hậu quả của tình trạng bóc lột này là tích lũy sự giàu có về phía
giai cấp tư sản và sự nghèo khổ về phía giai cấp vô sản, sự nghèo khổ của giai cấp
vô sản được thể hiện ở sự bần cùng hoá tương đối và bần cùng hoá tuyệt đối. Bần
cùng hoá tương đối giai cấp vô sản được biểu hiện ở tỷ lệ thu nhập của họ trong
thu nhập quốc dân ngày một giảm, còn tỷ lệ thu nhập của giai cấp tư sản ngày một
tăng. Bần cùng hoá tuyệt đối giai cấp vô sản được biểu hiện ở mức sống của họ bị
giảm sút so với nhu cầu sống của họ. Sự giảm sút về mức sống xảy ra không chỉ
trong trường hợp tiêu dùng cá nhân tụt xuống một cách tuyệt đối, mà cả khi tiêu
dùng cá nhân tăng lên nhưng mức tăng đó chậm hơn mức tăng của nhu cầu sống do
sự phát triển của kinh tế - xã hội đem lại. Theo C. Mác và Ph. Ăngghen, nguyên


nhân trực tiếp dẫn tới tình trạng đói, nghèo trong xã hội tư bản là do sự phân phối bất
công, bất bình đẳng của cải làm ra trong xã hội, nguồn gốc sâu xa của tình trạng này là
chế độ tư nhân tư bản chiếm hữu về tư liệu sản xuất. Do đó, chỉ có xoá bỏ chế độ tư
nhân chiếm hữu về tư liệu sản xuất, xoá bỏ chế độ áp bức bóc lột tư bản chủ nghĩa, xây
dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa mới có thể giải phóng giai cấp vô sản và quần chúng
lao động khỏi cảnh đói nghèo, lầm than.
Trên thế giới hiện nay các học giả thường đề cập nhiều đến nghèo, hoặc nghèo
khổ mà ít đề cập tới đói, họ phân thành nghèo tương đối và nghèo tuyệt đối.
Nghèo tương đối, là một phạm trù chỉ mức sống của một cộng đồng hay một
nhóm dân cư này là thấp so với mức sống của cộng đồng hay nhóm dân cư khác.
Quan niệm này có phần phiến diện, vì nếu đặt trong sự so sánh thu nhập giữa các
nhóm dân cư trong xã hội (chẳng hạn chia xã hội làm năm nhóm theo thu nhập) thì
ở bất cứ xã hội nào cũng có nhóm giàu nhất, nhóm nghèo nhất và nhóm trung bình.

Thực tế ở nhiều quốc gia cho thấy, ngay trong nhóm dân cư nghèo thì còn có một
bộ phận cực nghèo, nghèo tuyệt đối, nghĩa là họ phải sống trong điều kiện cùng
cực, đói ăn mà con số thống kê không phản ánh đầy đủ được.
Nghèo tuyệt đối, là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả
mãn những nhu cầu cơ bản của con người, mà những nhu cầu này đã được xã hội
thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế và phong tục tập quán của địa
phương [4, tr.70]. Khái niệm này do Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình
Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) đưa ra tại Hội nghị bàn về giảm nghèo, đói ở
khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức tháng 9 năm 1993 tại Băng Cốc - Thái
Lan và đã được nhiều nước chấp nhận. Tuy nhiên, đây mới là khái niệm chung nhất,
có tính chất định hướng về phương pháp nhận diện những nét chính yếu phổ biến của
nghèo, vì chuẩn mực của nghèo còn để ngỏ về mặt lượng hoá. Khái niệm trên chưa đề
cập tới đói và chưa tính tới sự khác nhau về mức sống giữa các vùng trong một nước
cũng như giữa các nước với nhau.
Mặc dù khái niệm về nghèo tương đối và nghèo tuyệt đối trên đây đều khẳng
định người nghèo là người có mức thu nhập thấp hơn một chuẩn mực nào đó, song cả
hai khái niệm còn chưa đầy đủ. Khái niệm nghèo tương đối không tính đến sự khác
nhau về mức sống giữa các nước, cũng như giữa các vùng trong một nước, khái niệm


nghèo tuyệt đối không tính đến sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội, do đó
không thấy được sự diễn biến của nhu cầu tối thiểu.
Mặt khác, những quan niệm về nghèo tương đối và nghèo tuyệt đối như trên
mới nhìn thấy nghèo như là hậu quả tất yếu của nhân tố kinh tế, tức là sự thấp kém
của lực lượng sản xuất, mà chưa nhìn thấy nghèo còn là hệ quả của chế độ kinh tế xã hội (cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất). Họ chỉ loay hoay tìm một
chuẩn nghèo chung để đánh giá mức độ nghèo của từng nhóm dân cư, mà không đi
sâu lý giải những căn nguyên sâu xa, bản chất bên trong của sự vật, nghĩa là bản
chất của chế độ kinh tế - xã hội đang hàng ngày, hàng giờ đẩy một bộ phận dân cư
đi vào tình trạng đói, nghèo. Do đó, các giải pháp tấn công nghèo, đói mà họ đưa
ra thường thiếu tính triệt để, thiên về trợ cấp, cứu tế, từ thiện, không giúp người

nghèo tự vươn lên XĐ, GN. Họ không nhìn thấy XĐ, GN chính là cuộc đấu tranh
gian khổ, phức tạp giữa con người với tự nhiên để phát triển lực lượng sản xuất,
tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống cho con người và cuộc đấu tranh giai
cấp quyết liệt giữa con người với con người để giải quyết công bằng xã hội.
Đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, với cách tiếp cận duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử, chúng ta phải xem xét và giải quyết đói, nghèo trên
cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối
quan điểm của Đảng. Đó là xem xét và giải quyết đói, nghèo phải từ bản chất của
chế độ kinh tế - xã hội, đồng thời phải có quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát
triển. Nghĩa là khi xem xét đói, nghèo phải có cái nhìn tổng thể trong tính thống nhất
cả vấn đề kinh tế và xã hội, không rơi vào quan điểm kinh tế thuần tuý, cũng như rơi
vào quan điểm xã hội học duy tâm, phi lịch sử, phải tính đến toàn diện các yếu tố tác
động nhiều chiều đến đói, nghèo. Xem xét đói, nghèo phải gắn với từng đối tượng
cụ thể, một nước, một khu vực, một vùng, một miền, một tầng lớp, một nhóm dân
cư tại một thời điểm cụ thể, với một chuẩn mực cụ thể, nghiên cứu trong trạng thái
vận động, biến đổi. Thực tế cho thấy trong một nước, một vùng, một miền cụ thể thì
chỉ số giàu, nghèo cũng luôn biến động, tại thời điểm này với chỉ số đo được có thể
là giàu, nhưng sang giai đoạn khác, so sánh với vùng khác thì lại là nghèo.
Với cách đặt vấn đề như trên, từ sự tham khảo các khái niệm về nghèo trên
thế giới và căn cứ vào thực tiễn Việt Nam, nếu chỉ dùng khái niệm nghèo thì chưa


phản ánh đầy đủ thực trạng nghèo khổ của một bộ phận dân cư thuộc tầng đáy của
xã hội. Vì vậy, cần phân biệt rõ ai là người đói, ai là người nghèo, từ đó mà có
chính sách XĐ, GN cụ thể đối với từng đối tượng.
Nghèo ở Việt nam cũng bao gồm nghèo tương đối và nghèo tuyệt đối.
Nghèo tương đối, là một bộ phận dân cư có mức sống dưới mức trung bình
của cộng đồng tại thời điểm xét.
Nghèo tuyệt đối, là tình trạng một bộ phận dân cư có thu nhập không đủ thoả
mãn các nhu cầu tối thiểu (ăn, mặc, ở, các nhu cầu văn hoá, y tế, giáo dục) để duy

trì cuộc sống.
Cần phân biệt mức sống tối thiểu và thu nhập tối thiểu. Thu nhập tối thiểu
hoàn toàn không có nghĩa là có khả năng nhận được những thứ cần thiết tối thiểu
cho cơ thể sống của con người. Trong khi đó mức sống tối thiểu lại bao hàm tất cả
những chi phí để tái sản xuất sức lao động như năng lượng cần thiết cho cơ thể,
giáo dục, vui chơi, giải trí và các hoạt động văn hoá khác. Chính vì thế mà mức
sống tối thiểu không phải là một đại lượng cố định, mà luôn thay đổi phụ thuộc vào
sự thay đổi về đời sống vật chất, tinh thần do sự tăng trưởng kinh tế đem lại.
Nghèo tương đối gắn liền với ý niệm bất bình đẳng trong xã hội, tiêu chí của
nó được so sánh với mức sống trung bình của cộng đồng tại thời điểm xét. Còn
nghèo tuyệt đối được so sánh với nhu cầu tối thiểu, nhu cầu này có thể được tăng
lên cùng với sự phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội. Cách chọn khái niệm tuỳ
thuộc vào mục đích mà người ta theo đuổi, nếu để so sánh sự bất bình đẳng trong
xã hội và sự nghèo khổ giữa các quốc gia thì dùng khái niệm nghèo tương đối, còn
để đấu tranh chống lại nghèo cùng cực thì dùng khái niệm nghèo tuyệt đối.
Đói, là tình trạng một bộ phận dân cư nghèo, có mức sống dưới mức tối
thiểu, thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu về vật chất để duy trì cuộc sống, hàng
năm thiếu ăn đứt bữa từ một đến nhiều tháng. Nói cách khác, đói là một nấc thấp
nhất của nghèo.
Đói ở đây được hiểu theo nghĩa kinh tế, tức là những người không đủ lương
thực, thực phẩm để duy trì sự tồn tại của mình, chứ không phải hiểu theo nghĩa đến


bữa chưa ăn thì đói (người giàu cũng đói), là một dạng thấp nhất của nghèo tuyệt
đối.
Đói và nghèo là hai khái niệm khác nhau, phản ánh cấp độ và mức độ khác
nhau về tình trạng nghèo khổ của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, giữa đói và
nghèo lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, vì đã đói thì đương nhiên là nghèo,
ngược lại nghèo là một dạng tiềm tàng của đói. Nếu nghèo không được giải quyết
cứ để kéo dài thì chỉ cần gặp phải những rủi ro trong cuộc sống như ốm đau, bệnh

tật, thiên tai, hoả hoạn... sẽ lập tức rơi xuống đói. Điều này cho thấy việc phân biệt
giữa đói và nghèo chỉ là tương đối.
Đói, nghèo được tính theo thời gian. Có thể đói, nghèo được truyền từ đời này
sang đời khác được gọi là đói, nghèo dai dẳng kéo dài (đói, nghèo kinh niên), hoặc
có thể là đói, nghèo mới, đó là những người bị phá sản trong nền kinh tế thị trường,
gặp rủi ro trong cuộc sống. Đói, nghèo không chỉ phản ánh sự thiếu ăn, thiếu mặc,
thiếu phương tiện sản xuất và sinh hoạt đời sống mà còn phản ánh sự thiếu điều
kiện lựa chọn tham gia vào các công việc của cộng đồng, thiệt thòi trên bình diện
chăm sóc sức khoẻ, học hành, giải trí. Những người thuộc diện đói, nghèo nhìn
chung ở trạng thái “không có”, “không biết”, “không thể” hoặc ở trong điều kiện
mong manh có nguy cơ rơi vào tình trạng cùng quẫn, thiệt thòi đủ thứ.
Chuẩn đói, nghèo: để xác định ai là người đói, ai là người nghèo người ta
đưa ra chuẩn đói, chuẩn nghèo. Chuẩn đói, nghèo là một phạm trù lịch sử, phụ
thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng nước, từng địa phương trong
từng giai đoạn. Nhiều nước trên thế giới hiện nay quan niệm, người nghèo là người
có mức thu nhập dưới 1/3 mức trung bình của cộng đồng. Với quan niệm này, thế
giới hiện có hơn 1,5 tỷ người nghèo. Gần đây, Ngân hàng thế giới quy định chuẩn
nghèo cho các nước phát triển là dưới 2USD/người/ngày và dưới
1USD/người/ngày cho các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam đã có cách tiếp cận tương đối thống nhất về xác định ai là người
đói, ai là người nghèo, đó là định ra ngưỡng đói, ngưỡng nghèo. Những ai có mức
thu nhập hay chi tiêu dưới ngưỡng ấy sẽ không thể có một cuộc sống tối thiểu,
nghĩa là sống trong điều kiện đói, nghèo.


Ngưỡng đói, nghèo được xây dựng dựa trên những tiêu chí nhất định, thông
thường người ta xác định một số loại hàng hoá, dịch vụ nào đó như: lương thực,
thực phẩm, quần áo, nhà ở, chi phí đi lại, học hành, chữa bệnh… Trong đó, lương
thực, thực phẩm là nhu cầu thiết yếu nhất của các nhu cầu thiết yếu đối với người
đói, nghèo nên nó luôn được coi là cơ sở xác định ngưỡng đói, nghèo. Lượng

lương thực, thực phẩm đủ để thoả mãn nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống của con
người được xác định ở mức đủ cung cấp một lượng 2100 kcal/người ngày. Theo
đó, những người có mức thoả mãn dưới 2100 kcal/ngày là nghèo và dưới 1500
kcal/ngày là đói [4, tr.103]. Trên cơ sở xác định lượng tiền đủ mua số lượng hàng
hoá, dịch vụ đó mà người ta đưa ra ngưỡng đói, ngưỡng nghèo. Khi ngưỡng đói,
nghèo được Nhà nước thừa nhận thì nó trở thành chuẩn đói, nghèo.
Mặc dù có sự thống nhất như trên, nhưng khi tính toán thực tế, do xác định số
lượng hàng hoá, dịch vụ khác nhau, thứ tự ưu tiên của chúng khác nhau, nên
ngưỡng đói, nghèo của các tổ chức khác nhau đưa ra cũng không giống nhau.
Chẳng hạn, ngưỡng nghèo do Ngân hàng thế giới đưa ra cho Việt Nam năm 1993
là 1.160.871 đồng/người/năm, với ngưỡng này tỷ lệ đói, nghèo ở nước ta lúc đó là
58,1%; cũng thời điểm đó, Tổng cục Thống kê lại đưa ra ngưỡng nghèo cho vùng
thành thị là 64.450 đồng/người/tháng (tương đương 873.400 đồng/năm), ở nông thôn
là 47.000 đồng/người/tháng (tương đương 564.000 đồng/năm); còn ngưỡng đói,
nghèo do BLĐTB và XH đưa ra và được Nhà nước công nhận làm chuẩn nghèo ở
Việt Nam năm 1993 là: Hộ đói là hộ có mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ
dưới 8 kg gạo (gạo thường)/tháng ở nông thôn và 13 kg/tháng ở thành thị; hộ nghèo là
hộ có mức thu nhập bình quân đầu người trong hộ dưới 15 kg gạo/tháng ở nông thôn
và 20 kg/tháng ở thành thị [54, tr.209].
Những năm qua, kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng nên đời sống của đại bộ
phận dân cư được tăng lên, do dó chuẩn đói, nghèo cũng được điều chỉnh tăng dần.
Đến nay BLĐTB và XH đã 3 lần điều chỉnh chuẩn đói, nghèo qua các năm như
sau:


Lần 1, năm 1995 chuẩn đói, nghèo được điều chỉnh: Hộ đói, là hộ có mức thu
nhập bình quân một người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13 kg, tính cho mọi
vùng. Hộ nghèo, là hộ có mức thu nhập tuỳ theo từng vùng: vùng nông thôn miền
núi, hải đảo dưới 15 kg/người/tháng; vùng nông thôn đồng bằng, trung du dưới 20
kg/người/tháng; vùng thành thị dưới 25 kg/người/tháng.

Lần 2, năm 1997, chuẩn đói, nghèo được bổ sung: Hộ đói, là hộ có mức thu
nhập bình quân đầu người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13 kg, tương đương
45 nghìn đồng (giá năm 1997, tính cho mọi vùng). Hộ nghèo, là hộ có mức thu nhập
tuỳ theo từng vùng: vùng nông thôn miền núi, hải đảo dưới 15 kg/người/tháng
(tương đương 55 nghìn đồng); vùng nông thôn đồng bằng, trung du dưới 20
kg/người/tháng (tương đương 70 nghìn đồng); vùng thành thị dưới 25
kg/người/tháng (tương đương 90 nghìn đồng) [55, tr.209-210].
Lần 3, năm 2000, chuẩn nghèo lại được điều chỉnh tăng lên, tại thông báo số
1143/2000/BLĐTB và XH ngày 01 tháng 11 năm 2000 đã quy định chuẩn nghèo
cho giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2005. Theo đó, hộ nghèo là hộ có mức thu
nhập bình quân đầu người trong hộ dưới các mức sau: vùng thành thị 150 nghìn
đồng/người/tháng (1,8 triệu đồng/năm); vùng nông thôn đồng bằng 100 nghìn
đồng/người/tháng (1,2 triệu đồng/năm); vùng nông thôn miền núi, hải đảo 80 nghìn
đồng/người/tháng (960 nghìn đồng/năm).
Chuẩn mới không quy định hộ đói, vì theo BLĐTB và XH thì hiện nay nước
ta đã cơ bản xoá xong hộ đói. Theo tác giả, hộ đói kinh niên ở nước ta có thể về cơ
bản đã được xoá xong, nhưng hiện tượng tái đói vẫn xảy ra không chỉ ở đồng bào
dân tộc, miền núi mà còn cả ở đồng bằng, đô thị. Mặt khác, do những năm gần đây
thiên tai diễn ra liên tiếp, phá hoại nghiêm trọng tài sản của nhân dân trên diện
rộng, nên nhiều hộ trước khi thiên tai xảy ra không phải diện đói nhưng sau thiên
tai lại bị đói. Do đó, cùng với giảm nghèo chúng ta vẫn phải xoá đói.
Trong quy định mới cũng chỉ rõ, các địa phương có thể vận dụng để xác định
chuẩn nghèo riêng cho địa phương mình cao hơn chuẩn đã được công bố, nhưng
phải thoả mãn ba điều kiện là thu nhập bình quân đầu người của địa phương đó


phải cao hơn thu nhập bình quân của cả nước, có tỷ lệ nghèo thấp hơn tỷ lệ nghèo
chung của cả nước và có đủ nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, xã nghèo.
Chuẩn nghèo trên cho thấy, chuẩn nghèo ở nước ta thấp hơn rất nhiều chuẩn
nghèo do thế giới quy định. Điều đó thấy rằng, nước ta hiện nay vẫn là một nước

rất nghèo. Việc BLĐTB và XH nâng chuẩn nghèo lên là phù hợp với sự phát triển
của kinh tế - xã hội nước ta, song chuẩn nghèo còn có sự chênh lệch quá lớn giữa
vùng nông thôn, miền núi, hải đảo với vùng thành thị, nên nguồn lực tập trung cho
XĐ, GN sẽ bị phân tán. Mặt khác, BLĐTB và XH cần phối hợp với các bộ, ban,
ngành khác để đưa ra một chuẩn nghèo phù hợp với điều kiện Việt Nam hơn.
Trong chuẩn nghèo mới cần đưa thêm chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số
chất lượng vật chất cuộc sống (PQLI), kết hợp với chỉ số thu nhập bình quân đầu
người cho phù hợp với xu thế phát triển trong nước, cũng như các tính toán của thế
giới hiện nay.
Ngoài khái niệm, chuẩn mực người nghèo, hộ nghèo, người ta còn đưa ra khái
niệm, chuẩn mực vùng nghèo (vệt nghèo) và nước nghèo.
Vùng nghèo (vệt nghèo), là một miền liên tục gồm nhiều làng, xã, huyện,
hoặc một làng, một xã, một huyện mà tại đó chứa đựng nhiều khó khăn, bất lợi
cho sự phát triển của cộng đồng (như đất đai khô cằn, thời tiết khí hậu khắc
nghiệt, địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp... ) và có mức sống dân cư trong
vùng rất thấp so với mức sống chung của cả nước xét trong cùng một thời điểm.
Năm 1993 BLĐTB và XH đã đưa ra tiêu chí xác định xã nghèo, đó là những
xã có hơn 40% số hộ đói, nghèo; rất thiếu hoặc chưa có các công trình cơ sở hạ
tầng như đường giao thông, nước sạch sinh hoạt, trường học, trạm xá, điện, chợ.
Một quốc gia được coi là nghèo khi thu nhập thực tế bình quân đầu người
còn rất thấp, nguồn lực về tài chính, lao động, tài nguyên, khoa học - công nghệ
cực kỳ hạn hẹp, cơ sở hạ tầng và môi trường yếu kém, có vị trí không thuận lợi
trong giao lưu với cộng đồng quốc tế [45, tr.33].
Để đánh giá nước giàu, nước nghèo người ta dựa vào thu nhập quốc dân bình
quân đầu người là chính. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào chỉ số này thì chưa phản ánh
được hết các mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Chẳng hạn, một số quốc gia tuy có


thu nhập quốc dân bình quân đầu người khá cao nhưng các mặt khác của đời sống
kinh tế - xã hội như y tế, văn hoá, giáo dục... lại không được đảm bảo. Ngược lại,

một số nước như Việt Nam, Cu Ba mặc dù thu nhập quốc dân bình quân đầu người
thấp nhưng các vấn đề xã hội lại tốt hơn nhiều. Mặt khác, giá cả của cùng một loại
hàng hoá, dịch vụ ở các nước khác nhau là rất khác nhau, nên dù các nước có cùng
thu nhập quốc dân bình quân đầu người như nhau nhưng mức độ thoả mãn nhu cầu
thực tế của dân cư lại rất khác nhau. Chính vì vậy, để đánh giá nước giàu, nước
nghèo, nước phát triển, nước chậm phát triển, hiện nay bên cạnh chỉ số thu nhập
quốc dân bình quân trên đầu người là chính, người ta còn kết hợp với các chỉ số
khác cho khách quan hơn như: Chỉ số phát triển con người; Chỉ số chất lượng vật
chất cuộc sống; Chỉ số giàu nghèo; Chỉ số phát triển liên quan đến giới (GDI); Hệ số
GiNi...
Năm 2003 theo xếp loại của thế giới, nếu tính theo thu nhập quốc dân bình
quân đầu người thì Việt Nam xếp thứ 120/162 nước được xếp loại, còn tính theo
chỉ số phát triển con người thì xếp thứ 109/175 nước. Nếu tính theo chỉ số người
dân thiếu hụt nhu cầu cơ bản (tức chỉ số nghèo, đói) thì Việt Nam xếp thứ 39/94
nước đang phát triển. Qua xếp loại như trên một lần nữa cho thấy hiện nay nước ta
vẫn là một nước rất nghèo trên thế giới, do đó XĐ, GN ở Việt Nam không chỉ
dừng lại ở mục tiêu xoá hộ đói, giảm hộ nghèo mà còn phấn đấu đưa nước ta vượt
qua nhóm nước nghèo chậm phát triển. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi
có sự phấn đấu nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân mới có thể đạt được trong vài thập
kỷ tới.
1.1.1.2. Quan niệm về xoá đói, giảm nghèo
Như đã phân tích, do có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc dẫn đến
đói, nghèo nên cũng có nhiều quan niệm khác nhau về XĐ, GN.
Nếu hiểu đói, nghèo do sự bùng nổ của gia tăng dân số vượt quá tốc độ phát
triển kinh tế thì XĐ, GN chính là quá trình làm giảm gia tăng dân số. Tuy nhiên,
giảm gia tăng dân số không phải thông qua chiến tranh, bỏ đói, bệnh tật như giải
pháp phản động mà Thomas Robert Malthus đã đưa ra.


Nếu hiểu đói, nghèo là do sự phân phối bất công, bất bình đẳng của cải làm ra

trong xã hội, do chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và sự áp bức
bóc lột sinh ra (nghèo, đói ở các nước tư bản phát triển), thì XĐ, GN chính là quá trình
xoá bỏ chế độ sở hữu và chế độ phân phối này, xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp
hơn, như quan niệm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin.
Còn nếu hiểu đói, nghèo là do tình trạng nền kinh tế kém phát triển, thất
nghiệp gia tăng thì XĐ, GN chính là quá trình phát triển kinh tế, tạo nhiều việc
làm...
Hiện nay, XĐ, GN không chỉ riêng có ở Việt Nam mà còn là vấn đề
mang tính toàn cầu, kể cả ở các nước tư bản phát triển. Nhận thức được tác động
tiêu cực của đói, nghèo đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, các học giả
tư sản cũng đặt ra vấn đề XĐ, GN. Samuelson, Đavid Begg, Joseph E.Stigltz...
đều cho rằng, nhà nước phải thông qua chương trình phúc lợi như trợ cấp thất
nghiệp, tem phiếu thực phẩm, trợ cấp y tế và một số chương trình nhỏ khác cho
người nghèo[45, tr.37]. Mặc dù các chương trình phúc lợi xã hội mà các nước tư
bản đã thực hiện có vai trò nhất định trong hỗ trợ người nghèo, nhưng nhìn chung
giải pháp này chỉ mang tính tình thế, có chăng chỉ giúp người nghèo khỏi chết đói
mà thôi, hoàn toàn không tạo điều kiện cho họ trở nên giàu có được. Mặt khác,
chương trình phúc lợi xã hội thường thiếu tính bền vững, thường xuyên bị cắt
giảm, nhất là trong các giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn. Thực tế đói, nghèo
hiện nay ở nhiều nước tư bản phát triển như Mỹ, Nhật Bản, các nước Tây Âu đã
chứng minh điều đó.
Đói, nghèo ở nước ta hiện nay không phải do sự áp bức bóc lột của giai cấp tư
sản, địa chủ như trước đây, mà chủ yếu do nền kinh tế còn kém phát triển, hậu quả
của chiến tranh, của chế độ bao cấp để lại và sự phân hoá giàu nghèo trong nền
kinh tế thị trường... Để XĐ, GN phải căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo
của từng đối tượng mà có các giải pháp XĐ, GN phù hợp. Cũng như thầy thuốc,
muốn trị bệnh cứu người phải xác định rõ nguyên nhân, từ đó tìm cách loại bỏ
hoặc làm giảm thiểu tác hại của nguyên nhân đó.



Đói và nghèo có quan hệ mật thiết với nhau, do đó xoá đói, giảm nghèo cũng
có quan hệ với nhau, nói đến giảm nghèo đã bao hàm xoá đói.
Ở góc độ chung nhất, XĐ, GN chính là quá trình Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ,
tạo điều kiện thuận tiện cho đối tượng đói, nghèo vươn lên trong sản xuất, cuộc sống
từ đó mà thoát khỏi đói, nghèo. Nói một cách khác, XĐ, GN chính là quá trình
chuyển một bộ phận dân cư đói, nghèo lên một mức sống cao hơn.
Tuy nhiên, nếu tách riêng ra từng phạm trù ta thấy xoá đói và giảm nghèo có
nội hàm khác nhau.
Xoá đói, là làm cho bộ phận dân cư đói nâng cao thu nhập, nâng cao mức
sống từ đó mà vượt qua tiêu chí đói. Biểu hiện ở tỷ lệ phần trăm và số lượng người
đói giảm xuốmg bằng không trong một khoảng thời gian xác định.
Với nước ta hiện nay, đói kinh niên, đói dai dẳng kéo dài cơ bản không còn,
mà chủ yếu là đói tình thế, mặt khác chuẩn của đói thấp hơn so với chuẩn của
nghèo, số lượng người đói, hộ đói chiếm tỷ lệ thấp so với người nghèo, hộ nghèo,
do đó mục tiêu xoá hết hộ đói vào năm 2005 như văn kiện Đại hội IX của Đảng đã
xác định là hoàn toàn có thể làm được.
Còn giảm nghèo, là làm cho bộ phận dân cư nghèo nâng cao thu nhập, nâng
cao mức sống, từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo. Biểu hiện ở tỷ lệ phần trăm
và số lượng người nghèo giảm xuống theo thời gian.
Đối với nghèo, trong điều kiện hiện nay chúng ta không thể xoá hết được mà
chỉ có thể từng bước giảm nghèo. Bởi vì, nghèo ở đây bao gồm cả nghèo tương đối
và nghèo tuyệt đối; đối tượng giảm nghèo không chỉ là cá nhân, hộ mà còn bao
gồm cả vùng nghèo, xã nghèo.
Với nghèo tuyệt đối, thì mục tiêu của giảm nghèo là từng bước giảm hết số
lượng người nghèo, hộ nghèo vào năm 2010, còn đối với nghèo tương đối thì chỉ
đến chủ nghĩa cộng sản trên cơ sở năng suất lao động rất cao, làm theo năng lực,
hưởng theo nhu cầu mới giải quyết được triệt để. Trong thời kỳ quá độ, nhất là
trong nền kinh tế thị trường thì bao giờ cũng có bộ phận giàu có ở tốp trên, bộ phận
trung bình và bộ phận nghèo ở lớp dưới. Do đó, giảm nghèo ở đây được hiểu là



từng bước nâng cao mức sống của bộ phận dân cư dưới mức trung bình của xã hội
và rút ngắn khoảng các chênh lệch giữa họ với bộ phận giàu thuộc nhóm trên.
Đối tượng của giảm nghèo còn bao gồm xã nghèo, vùng nghèo. Với đối
tượng này, giảm nghèo được hiểu là quá trình Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ các
vùng nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện thuận lợi ban đầu để các địa phương này
phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình, phát triển nhanh vượt qua chuẩn nghèo
và rút ngắn khoảng cách chênh lệch so với vùng giàu, xã giàu.
Với nước ta, để xoá đói, giảm nghèo nhanh, hiệu quả, bền vững phải kết hợp
các giải pháp kinh tế và các giải pháp xã hội, tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với
thực hiện công bằng xã hội. Phát huy tính tích cực tự vươn lên của chính đối tượng
đói, nghèo, đồng thời phải xã hội hoá sâu rộng phong trào XĐ, GN, huy động sự
đóng góp sức người, sức của của mọi cấp, mọi ngành, mọi người, cũng như tận
dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Đảng ta đã xác định: Tăng
trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước phát
triển. Công bằng xã hội thể hiện cả ở khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở
khâu phân phối kết qủa sản xuất cũng như ở điều kiện phát triển năng lực của mọi
thành viên trong cộng đồng. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với XĐ, GN.
Coi việc một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho phát triển. Đồng thời có
chính sách ưu đãi hợp lý về tín dụng, về thuế, đào tạo nghề nghiệp để tạo điều kiện
cho người nghèo có thể tự mình vươn lên làm đủ sống và phấn đấu trở thành khá
giả. Các vùng giàu, vùng phát triển trước phải cùng Nhà nước giúp đỡ, lôi cuốn
các vùng nghèo, vùng phát triển sau để cùng vươn lên, nhất là những vùng đang có
rất nhiều khó khăn, nghèo hơn các vùng khác như vùng cao, vùng sâu, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng trước đây[36, tr.47].
1.1.2 Đặc điểm và nguyên nhân đói, nghèo ở Việt Nam
1.1.2.1. Đặc điểm đói, nghèo
Đói, nghèo ở nước ta không phải là hiện tượng chỉ đến khi thực hiện nền kinh
tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế mới xuất hiện,
mà đã từng xảy ra trong nhiều giai đoạn lịch sử.



Dưới chế độ phong kiến thực dân, đại bộ phận nhân dân ta là những người
đói, nghèo. Đói, nghèo là hậu quả trực tiếp của chế độ áp bức bóc lột hà khắc của
thực dân, phong kiến. Đỉnh cao của đói, nghèo giai đoạn này là hơn hai triệu đồng
bào ta bị chết đói và hàng chục triệu người sắp chết đói vào năm 1945.
Trong thời kỳ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hiện tượng đói, nghèo cũng tồn
tại với hai đặc trưng nổi bật là đói, nghèo dai dẳng và đói, nghèo ở cấp độ lớn. Theo
đánh giá của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), trước đổi mới
(1986) trên 70% dân số Việt Nam ở vào tình trạng đói, nghèo. Trong điều kiện có
chiến tranh, chúng ta thực hiện nền kinh tế tập trung, bao cấp là phù hợp, vì nó cho
phép huy động tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến phục vụ đánh thắng kẻ thù,
thống nhất nước nhà. Tuy nhiên, việc kéo dài quá lâu mô hình này khi đất nước đã
được hoà bình, thống nhất là không phù hợp. Trong điều kiện kinh tế hiện vật, bao
cấp, do không có cạnh tranh kinh tế, không làm nảy nở nhu cầu phải năng động sáng
tạo trong kinh doanh, việc tính toán lỗ, lãi của các doanh nghiệp Nhà nước chỉ là hình
thức, tình trạng lãi giả, lỗ thật là một hiện tượng phổ biến. Nhà nước bao cấp tiền
lương, nhưng do nguồn lực tài chính có hạn nên đồng lương của công nhân không đủ
sống. Các hợp tác xã nông nghiệp cũng nằm trong tình trạng không khá hơn, hoạt
động lao động sản xuất theo kiểu đánh trống ghi công, phân phối bình quân đã không
khuyến khích được nông dân hăng say sản xuất, năng suất lao động rất thấp, tình
trạng thiếu lương thực, không đủ gạo ăn phải độn sắn, độn ngô... là phổ biến ở nông
thôn. Đói, nghèo không chỉ diễn ra ở nông thôn với nông dân, mà diễn ra cả ở
thành thị với những người hưởng lương, người tiểu thương. Trong giai đoạn này,
đói, nghèo không phải do lười biếng, ăn tiêu lãng phí, bị thua lỗ phá sản trong cạnh
tranh... mà chủ yếu do bị kìm hãm, không có điều kiện và môi trường để làm giàu.
Vì vậy, nhận rõ đặc điểm và những biểu hiện của đói, nghèo là cần thiết để thấy rõ
sự khác biệt của nó với giai đoạn hiện nay, nhờ đó có những giải pháp XĐ, GN
hiệu quả sao cho vẫn nhất quán với đường lối đổi mới chứ không quay lại, mắc
phải sai lầm như giai đoạn bao cấp.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, kinh tế nước ta phát triển khởi
sắc, đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, tỷ lệ đói, nghèo liên tục


giảm. Tuy nhiên, do yếu tố lịch sử để lại cùng với những nảy sinh mới trong nền
kinh tế thị trường mà đói, nghèo ở nước ta vẫn còn tồn tại. So với thời kỳ bao cấp,
đói, nghèo hiện nay có một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, tỷ lệ hộ đói, nghèo, xã nghèo liên tục giảm và giảm với tốc độ nhanh
Cùng với những thành tựu to lớn đạt được về phát triển kinh tế do thực hiện
đường lối đổi mới đem lại, những năm qua Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy
mạnh XĐ, GN, xem nó là một trong những chương trình, mục tiêu quốc gia trọng
điểm. Nhà nước đã phê duyệt chương trình quốc gia XĐ, GN và nhiều chương
trình khác có mục tiêu XĐ, GN, mỗi năm đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công
cuộc XĐ, GN. Do đó, nhiều vùng nghèo, xã nghèo, hộ nghèo có cơ hội vươn lên
thoát nghèo, tỷ lệ hộ đói, nghèo ở nước ta liên tục giảm và giảm với tốc độ cao.
Nếu căn cứ theo chuẩn đói, nghèo của BLĐTB và XH công bố năm 1997 thì
tỷ lệ đói, nghèo của Việt Nam qua các năm như sau: năm 1992 là 30,1%; năm
1993 là 28%; năm 1994 là 24,14%; năm 1995 là 20,3%; năm 1996 là 19,3%; năm
1997 là 17,5%; năm 1998 là 15,7%; năm 1999 là 13,8%; năm 2000 là 11%. [45,
tr.74].
Nếu xét theo chuẩn đói, nghèo mới thì tỷ lệ đói, nghèo của nước ta giảm từ
16,6% năm 2001 xuống còn 14,3% năm 2002 và 11% năm 2003 (1,86 triệu hộ).
Tốc độ XĐ, GN trung bình hàng năm đạt 2% (tương đương 30 vạn hộ), so với 0,5%
của các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam được quốc tế đánh
giá là quốc gia đi đầu trong các nước phát triển về tốc độ XĐ, GN, nhất là khu vực
nông thôn. Nếu như trước đây tình trạng thiếu đói giáp hạt xảy ra với các hộ
nghèo ở nông thôn là từ 5-7%, thì những năm gần đây giảm xuống còn dưới 1%.
Nông thôn đã cơ bản xoá bỏ tình trạng đói quanh năm, thiếu ăn trên 6 tháng.
Thứ hai, đói, nghèo ở nước ta hiện nay tập trung chủ yếu ở nông thôn,
miền núi và ở đồng bào dân tộc ít người

Đói, nghèo chủ yếu ở nông thôn, số liệu điều tra của Tổng cục thống kê cho
thấy, hệ số chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn khoảng từ 5-7 lần và
có xu hướng ngày càng tăng. Ở vùng đô thị, nơi có 20% dân cư sinh sống nhưng lại
chiếm tới hơn 60% GDP, được phát triển với nhịp độ nhanh (10-12% năm), trong


khi đó 80% dân số sống ở nông thôn chỉ chiếm chưa đầy 40% GDP lại đang phát
triển chậm chạp (dưới 10% năm). Nên đói, nghèo ở nông thôn chiếm tỷ lệ rất cao
90%, còn ở thành thị 10% trong tổng số hộ đói, nghèo của cả nước.
Ở nông thôn, đói, nghèo lại chủ yếu tập trung ở miền núi, cụ thể: vùng núi
phía Bắc tỷ lệ đói, nghèo chiếm tới 16,93% trong tổng số dân trong vùng; Bắc
Trung Bộ 20,3%; Tây Nguyên 14,57%; duyên hải Nam Trung Bộ 14,57%, vùng
đồng bằng có tỷ lệ đói, nghèo thấp hơn, thấp nhất là đồng bằng sông Hồng 7,2%;
Đông Nam Bộ 8,95%; đồng bằng sông Cửu Long 13%. Một số tỉnh khó khăn có tỷ
lệ đói, nghèo cao hơn hai lần so với tỷ lệ chung toàn quốc, như Bắc Cạn 26,46%;
Lai Châu 28,94%; Sơn La 21,84%; Quảng Bình 37,97%; Quảng Trị 27,63%; Thừa
Thiên Huế 27,41%; Kon Tum 23,86%; Gia Lai 22,41%; Sóc Trăng 21,02% [31,
tr.184].
Đặc biệt, ở các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa những nơi thiếu thốn về cơ sở
hạ tầng, giao thông cách trở, đi lại khó khăn, phong tục tập quán sản xuất và đời
sống xã hội còn lạc hậu thì tỷ lệ đói, nghèo rất cao so với mức trung bình của cả
nước. Nếu đặt trong sự so sánh thì các địa phương miền núi có mức độ đói, nghèo
thường cao hơn 1,53 lần so với miền xuôi. Một cuộc điều tra của Uỷ ban Dân tộc
miền núi cho thấy, nếu như năm 1997 tỷ lệ đói, nghèo chung của cả nước là 1718% thì ở tỉnh Bắc Cạn là 24% trong đó huyện Ba Bể có tỷ lệ đói, nghèo cao nhất
28%; tỉnh Cao Bằng tỷ lệ đói, nghèo là 27%; Lào Cai và Sơn La có tỷ lệ đói, nghèo rất
cao, tới 50%; Thanh Hoá là 36,46%, huyện Quan Hoá cũ (nay chia thành 3 huyện là
Quan Hoá, Quan Sơn, Mường Lát), tỷ lệ đói, nghèo là 59,91%; huyện Như Xuân là
46,43%, huyện Thường Xuân là 44,1% và huyện Lang Chánh là 43,1% [55, tr.48- 49].
Đói, nghèo chiếm tỷ lệ cao ở đồng bào các dân tộc ít người. Nước ta có 53 dân
tộc ít người với hơn 10 triệu người, chiếm khoảng 13% dân số cả nước. Trong số đó,

trừ người Hoa là dân tộc giỏi làm ăn, thạo buôn bán, còn lại 52 dân tộc ít người khác
có diện đói, nghèo thường cao hơn so với người Kinh từ 50-250%. Tức là, nếu lấy
một chỉ tiêu nào đó làm mốc (những chỉ tiêu cơ bản cho một gia đình) thì cứ 39%
người Kinh được xếp vào diện nghèo thì sẽ có 58% ở người Tày, 89% ở người Dao
và gần 100% ở người H’.Mông [55, tr.45-61].


Thứ ba, hộ đói, nghèo thường là những hộ đông con, trình độ học vấn
thấp, đời sống vật chất và điều kiện sinh hoạt là rất khó khăn
Về nhân khẩu, người nghèo phổ biến thuộc những hộ có quy mô gia đình lớn,
nhưng chỉ 1- 2 thế hệ trong một gia đình. Số liệu các cuộc điều tra mức sống dân
cư của Tổng cục Thống kê cho thấy, hộ nghèo thường có số nhân khẩu cao hơn hộ
giàu từ 1,5 người trở lên, ở vùng nông thôn thường cao hơn vùng đô thị, cụ thể:
vùng đồng bằng sông Cửu Long, hộ nghèo có nhân khẩu cao hơn hộ giàu 2,4
người; vùng núi phía Bắc 2,1 người; Tây Nguyên là 1,9 người, Bắc Trung bộ là 1,8
người. Tỷ lệ trẻ em trên mỗi người lao động ở nhóm hộ nghèo cũng cao hơn hộ
giàu, nếu tính chung trên cả nước thì tỷ lệ này ở hộ nghèo là 2,8 thì ở hộ giàu là 1,1
[4, tr.119]. Như vậy, trong điều kiện kinh tế chưa phát triển thì nhiều con, sinh con
quá dày là bạn đồng hành của nghèo, đói.
Về học vấn, các chủ hộ thuộc diện đói, nghèo thường có trình độ học vấn
thấp, có tới 24,3% chủ hộ chưa biết chữ, trên 53% chỉ có trình độ học vấn cấp I,
trong khi đó nhóm hộ giàu phần lớn chủ hộ đạt trình độ học vấn cấp II, cấp III [4,
tr.122]. Hộ nghèo, đói thường không được đào tạo nghề, con cái không có điều
kiện học tập. Đây là điều đáng lo ngại nhất đối với người nghèo nói riêng, của toàn
xã hội nói chung.
Về tài sản, đại bộ phận hộ nghèo không có nhà ở hoặc phải ở trong nhà tạm
làm bằng tranh, tre, lá nứa. Cho đến tháng 5/2002 nước ta vẫn còn khoảng 1 triệu 40
nghìn hộ đói, nghèo còn phải ở trong nhà cửa rách nát, trong đó có khoảng 900
nghìn hộ thuộc đồng bào các dân tộc ít người và khoảng 100 nghìn hộ thuộc diện
chính sách. Phần lớn các hộ đói, nghèo đều thiếu thốn các tư liệu tiêu dùng và tư liệu

phục vụ cho sản xuất. Trong lúc các hộ giàu đã tích luỹ mua sắm được nhiều loại
phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt đắt tiền, đã có 47% số hộ giàu có ti vi, trong
đó 16,8% số hộ có ti vi màu, 79% số hộ có rađiô các loại, 87,8% có xe đạp, 6,1% số
hộ giàu có nhà mái bằng hoặc từ 2 tầng trở lên, 77% số hộ có nhà ngói, chỉ có 6,95 ở
nhà tranh; trong khi đó, các hộ nghèo, đói còn quá thiếu thốn đồ dùng trong gia đình
phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, bình quân 10 hộ nghèo mới có một con trâu hoặc
bò dùng để cày kéo, ngay cả cày bừa bằng gỗ cũng còn thiếu thốn; mỗi hộ nghèo chỉ


có một giường gỗ hoặc tre, 3 hộ mới có 1 xe đạp; các hộ nghèo chưa có ti vi, xe
máy, mới chỉ có 15,7% số hộ có nhà ngói, 72% còn ở nhà tranh vách đất, 11,75 số
hộ ở lều tạm [4, tr.123].
Tóm lại, hiện nay tỷ lệ đói, nghèo ở nước ta vẫn còn cao. Đói, nghèo tập trung
chủ yếu ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng cũ,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những vùng này là các địa bàn có ý nghĩa đặc biệt
quan trọng về quốc phòng - an ninh, kẻ thù đã và đang lợi dụng triệt để vào tình
tạng đói, nghèo ở đây để tiến hành “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ đối với
cách mạng nước ta. Vì vậy, đẩy mạnh công tác XĐ, GN vừa là vấn đề cơ bản, vừa
là vấn đề cấp bách của nước ta hiện nay.
1.1.2.2. Nguyên nhân đói, nghèo
Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân đói, nghèo ở Việt Nam, nhưng
các ý kiến đều thống nhất ở chỗ xác định đói, nghèo là sự tác động tổng hợp của nhiều
nguyên nhân. Tựu trung lại có các nhóm nguyên nhân sau:
* Nhóm nguyên nhân chung
Đây là nhóm nguyên nhân gây nên đói, nghèo trên diện rộng, bao gồm các
nguyên nhân thuộc về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và môi trường tự nhiên,
kinh tế, xã hội.
- Đói, nghèo ở nước ta trước hết là do trình độ phát triển thấp kém của lực
lượng sản xuất
Báo cáo chính trị Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ: nước ta vẫn còn là nước kinh

tế kém phát triển, mức sống nhân dân còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá
thành cao; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn ở mức
cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm của xã hội [38, tr.67]. Biểu hiện rõ
nhất là thu nhập bình quân GDP trên đầu người mới đạt 436 USD năm 2002, được
xếp vào nhóm nước nghèo nhất trên thế giới. Trình độ phát triển thấp của lực
lượng sản xuất còn được thể hiện ở chỗ nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao
(25,6%) trong GDP, công nghiệp và dịch vụ chiếm 74,4%. Sự chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn diễn ra chậm chạp. Trong nông thôn, hộ phi


nông nghiệp chỉ chiếm 11%, hộ kiêm nghề phụ chiếm 26% còn lại là hộ thuần
nông 63%. Nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nặng về trồng trọt (78%), trong đó
chủ yếu là cây lương thực [45, tr.97]. Trong nền kinh tế còn tồn tại một bộ phận
không nhỏ sản xuất tự nhiên, tự cấp, tự túc, du canh, du cư ở đồng bào dân tộc ít
người, nhất là dân tộc H’.Mông, năng suất lao động rất thấp nên đói về lương thực,
thực phẩm là một điều khó tránh.
Trình độ thấp kém của lực lượng sản xuất còn biểu hiện ở chất lượng nguồn
nhân lực. Theo thống kê, năm 2000 nước ta chỉ có khoảng hơn 7 triệu lao động
được đào tạo, chiếm 18% trong tổng số lao động của toàn xã hội. Trong khi đó cơ
cấu lại không hợp lý, lao động có trình độ đại học, cao đẳng/trung học chuyên
nghiệp/công nhân kỹ thuật của chúng ta là 1/1,3/4,7. Trong khi đó ở các nước phát
triển tỷ lệ đó là 1/4/20, nước ta vẫn trong tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Đặc biệt,
lao động trong nông nghiệp, nông thôn, nhất là ở khu vực đồng bào dân tộc ít
người có trình độ rất thấp, không có kiến thức, kinh nghiệm làm ăn nên năng suất
lao động thấp dẫn tới đói, nghèo.
- Nguyên nhân thuộc về quan hệ sản xuất
Thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta chủ trương phát triển nền kinh tế hàng
hoá nhiều thành phần, thừa nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản
xuất trong thời kỳ quá độ. Trong đó, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng
kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã dần trở thành nền tảng của nền kinh tế.

Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội
nước ta và xu hướng phát triển của thế giới hiện nay. Chủ trương này cho phép
chúng ta khai thác tiềm năng, thế mạnh của các thành phần kinh tế phát triển sản
xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thực hiện nhiều thành phần kinh tế
cũng có nghĩa là chúng ta thừa nhận ở một chừng mực nào đó còn tồn tại trong xã
hội sự bất bình đẳng về tài sản, về điều kiện sản xuất của các thành viên trong xã hội
do lịch sử để lại. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, đối tượng sở hữu là rất đa dạng,
phong phú: sở hữu tư liệu sản xuất, sở hữu vốn, sở hữu lao động, sở hữu trí tuệ... vì
vậy, quan hệ phân phối cũng đa dạng nên thu nhập của các thành viên trong xã hội
cũng khác nhau. Sự chênh lệch về thu nhập, dẫn đến sự phân hoá giàu, nghèo còn tồn
tại giữa các tầng lớp dân cư là một điều khó tránh trong nền kinh tế thị trường.


Nghèo, đói hiện nay tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa, biên giới còn là hệ
quả của chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập quốc dân bất hợp lý của
Nhà nước trong một thời gian dài. Tỷ lệ đầu tư từ ngân sách Nhà nước hàng năm
cho vùng miền núi, biên giới phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn quá thấp
so với đầu tư cho thành phố, đô thị. Do đó, vùng miền núi, biên giới không có điều
kiện để khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình phát triển kinh tế, dẫn đến ngày
càng tụt hậu so với vùng thành phố, đô thị, vùng đồng bằng.
Để phân hoá giàu, nghèo ở nước ta không dẫn đến phân hoá xã hội thành giai
cấp không phải thực hiện chủ nghĩa bình quân, cào bằng, san bằng cái nghèo, mà
phải khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với XĐ, GN, tạo điều kiện thuận lợi
cho vùng nghèo, người nghèo phát triển nhanh rút ngắn khoảng cách với vùng
giàu, người giàu.
- Đói, nghèo ở nước ta còn do môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế - xã
hội không thuận lợi
+ Môi trường tự nhiên không thuận lợi bao gồm:
Đất đai ít màu mỡ, cằn cỗi, độ dốc lớn, bị ảnh hưởng của bom mìn, của chất đi ô
xin. Đây là những nguyên nhân làm cho năng suất cây trồng, vật nuôi thấp, thu nhập của

người lao động không đủ ăn, không có điều kiện tái sản xuất mở rộng.
Vị trí địa lý không thuận lợi, xa các trung tâm kinh tế, văn hoá, giao thông
cách trở, đi lại khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói, nghèo.
Bởi vì, dân cư sống ở những vùng này dễ rơi vào thế bị cô lập với bên ngoài, khó
tiếp cận với thị trường, khoa học kỹ thuật, tín dụng... Do đó, phát triển giao thông,
đặc biệt là ở miền núi có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc XĐ, GN
hiện nay.
Khí hậu thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, bão lũ, lốc xoáy, lỡ đất, mưa đá... cũng là
một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đói, nghèo tình thế trên diện rộng.
Nhiều vùng, nhiều người mặc dù không phải diện đói, nghèo nhưng chỉ sau một đợt thiên
tai như bão, lũ là rơi vào cảnh thiếu đói. Chẳng hạn, trận lũ lụt xảy ra vào tháng 11 và
tháng 12 năm 1999 ở các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại to lớn về người và tài sản cho
hơn 7 triệu người, phá huỷ nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng này, thiệt hại trị
giá trên 3000 tỷ đồng.
+ Môi trường kinh tế không thuận lợi bao gồm:


Thiếu thốn về giao thông, điện, nước… nên nhân dân không có điều kiện phát
triển kinh tế.
Kinh tế hàng hoá kém phát triển, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào
dân tộc ít người. Điều này có nghĩa là đồng bào phải ở vào tình trạng sản xuất tự
cấp tự túc, không có giao lưu kinh tế với bên ngoài. Nhiều nơi còn tồn tại các
phong tục tập quán sản xuất lạc hậu, du canh, du cư, chọc lỗ tỉa hạt, sử dụng con
giống năng suất thấp.
+ Môi trường xã hội không thuận lợi bao gồm:
Tồn tại nhiều hủ tục: ma chay, cưới xin, cúng bái tốn kém; các vấn đề y tế,
văn hoá, giáo dục phát triển yếu kém... làm cho người dân không tiếp cận được các
dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, học hành nâng cao kiến thức.
Nguyên nhân này thường bắt gặp ở đồng bào dân tộc ít người, ở miền núi,
vùng sâu, vùng xa, biên giới. Để khắc phục nhóm nguyên nhân này rõ ràng không

thể giải quyết trong ngày một, ngày hai, cũng không chỉ một mình đồng bào làm
được mà phải có sự đầu tư lớn của Nhà nước, giúp đỡ của cộng đồng và của thế
giới.
- Đói, nghèo ở nước ta hiện nay còn do sự tác động của mặt trái kinh tế thị
trường; hậu quả nặng nề của chiến tranh, của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp
trước đây để lại
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước do Đảng khởi xướng
và lãnh đạo, trong đó có phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đến
nay, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khởi sắc, đời sống vật chất của đại bộ phận
nhân dân được cải thiện theo hướng tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực,
kinh tế thị trường cũng bộc lộ mặt tiêu cực, hạn chế, tự thân kinh tế thị trường
không giải quyết được vấn đề công bằng xã hội. Dưới sự tác động của các quy luật
thị trường, mà trước hết là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh... đã làm phân hoá
giàu, nghèo giữa những người sản xuất làm cho khoảng cách giàu, nghèo ở nước ta
ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, hệ số chênh lệch giữa 20% số hộ thuộc
nhóm dân cư giàu nhất với 20% số hộ thuộc nhóm dân cư nghèo nhất ở nước ta đã


tăng lên từ 6,5% năm 1994 lên 8,9% năm 1999 [8, tr.91] và có xu hướng ngày càng
cách xa.
Các cuộc chiến tranh cứu nước và giữ nước trước đây đã để lại hậu quả nặng
nề cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội, gây nên đói, nghèo trên diện rộng.
Khắc phục hậu quả của nguyên nhân này rất khó khăn và phải mất thời gian dài.
Việc duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, cộng với một số chính
sách sai lầm về kinh tế trước đây như chính sách giá - lương - tiền năm 1985 đã
dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước,
làm cho tỷ lệ đói, nghèo cao còn để lại đến ngày nay.
* Nhóm nguyên nhân trực tiếp
Đây là nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đói, nghèo của cá nhân, hộ và
cộng đồng, nhóm này gồm các nguyên nhân do chính người nghèo, hoặc chính

quyền các cấp gây nên, có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân sau:
- Nhóm nguyên nhân của chính người nghèo. Đây là những nguyên nhân
thuộc bản thân người lao động, phổ biến là:
+ Không có kinh nghiệm làm ăn, không biết cách sản xuất kinh doanh, gặp
chăng hay chớ, do đó hiệu quả lao động sản xuất thấp, luôn trong tình trạng bấp
bênh. Tìm cách khắc phục nguyên nhân này là điều kiện quyết định để người
nghèo tự thoát nghèo bằng chính sức lực của mình, có như vậy XĐ, GN mới vững
chắc, chống tái đói, nghèo.
+ Thiếu hoặc không có vốn, đây là nguyên nhân quan trọng đứng thứ hai. Vì
thiếu vốn người lao động không có điều kiện tham gia vào kinh tế thị trường. Ông
cha ta đã từng có câu “giỏi buôn không bằng trường vốn”. Do đó, để các hộ này
thoát khỏi đói, nghèo, Nhà nước và cộng đồng phải tạo điều kiện cho họ vay vốn
dưới hình thức tiền mặt hoặc tư liệu sản xuất để phát triển kinh tế, từ đó mà vượt
qua đói, nghèo.
+ Thiếu lao động, đây là nguyên nhân thường rơi vào những gia đình đông
con, nhưng con còn nhỏ, do đó “người làm thì ít, người ăn thì nhiều”. Lao động ít
nên thu nhập không đủ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cho số đông người trong
gia đình, vì vậy họ rơi vào cảnh đói, nghèo. Thiếu lao động còn rơi vào những gia


×