Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Thu hút sự tham gia của nhân dân vào hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (323.04 KB, 14 trang )

KHOA LUẬT
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ THU TRÀ

THU HÚT SỰ THAM GIA CỦA NHÂN DÂN VÀO
HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP CỦA QUỐC HỘI VIỆT
NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH:
LÝ LUẬN VÀ LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ
PHÁP LUẬT
NGƯỜI HƯỚNG DẪN:

HÀ NỘI - NĂM 2006

1


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nước ta vốn là nước có truyền thống trọng dân. Trải qua mấy nghìn
năm lịch sử dựng nước và giữ nước, tư tưởng "trọng dân" - một biểu hiện dân
chủ mang đặc sắc Việt Nam, đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta.
Kể từ khi lập quốc, vai trò của nhân dân thể hiện rõ ở mọi mặt của đời sống
xã hội, từ những công việc đời thường đến những công việc lớn như đắp đê,
trị thuỷ, ngăn lũ, chống giặc ngoại xâm.
Ngược dòng lịch sử, vào năm 1010, khi Lý Công Uẩn lên ngôi và rời
đô về Thăng Long, trong Chiếu dời đô có đoạn viết: "Muốn mưu việc lớn,
tính kế muôn đời cho con cháu thì trên phải vâng mệnh trời, dưới theo ý dân".
Sử cũ chép: Nhà Lý đã cho đặt Lầu chuông trong thành Thăng Long để dân


chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Thời nhà Trần, góp
phần vào ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông là Hội nghị Diên
Hồng - biểu trưng cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong áng thiên cổ
hùng văn Bình Ngô đại cáo của đại thi hào Nguyễn Trãi có đoạn: "Việc nhân
nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo".
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất đề cao vai trò của nhân dân.
Người từng nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng
xong”; “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Người còn nói nước
ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao
nhiêu quyền hạn đều là của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân.
Kế thừa và phát huy truyền thống đó, trong công cuộc đổi mới toàn diện
đất nước hiện nay, Đảng và nhà nước ta luôn quán triệt tư tưởng “lấy dân làm
gốc” trong tổ chức và hoạt động của mình theo cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà
nước quản lý, dân làm chủ” nhằm mục tiêu xây dựng “dân giàu, nước mạnh,

2


công bằng, dân chủ, văn minh”.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo kể từ Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) cho đến nay đã qua một chặng đường 20
năm. Đại hội Đảng IX đã tổng kết một bài học truyền thống, đó là “đổi mới
phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn
luôn sáng tạo... Đổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân
dân. Để công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân
dân và các thành phần kinh tế tham gia" [1, tr. 81-82]. Hơn nữa, việc thực hiện
thành công đường lối của Đảng còn tuỳ thuộc vào vai trò giám sát, góp ý kiến
của nhân dân, thu hút trí tuệ của nhân dân trong quá trình thực hiện chiến lược,
nghị quyết của Đảng. Đảng cũng nhận định rằng trong cách thức thực hiện các
nhiệm vụ chiến lược và chức năng nhà nước thời gian qua còn có thiếu sót do

cách làm không sâu sát, chưa dân chủ lắng nghe ý kiến của nhân dân và tập thể
dân cư.
Các tư tưởng của Đảng cũng đề cập đến vai trò của chiến lược tổ chức
và thực hiện tư tưởng, nhà nước của dân, do dân, vì dân, thông qua sự kết hợp
hợp lý giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp - sự tham gia của nhân dân
vào quản lý nhà nước và xã hội; trong đó có sự tham gia của nhân dân vào
quy trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.
Thể chế hoá quan điểm của Đảng, Điều 53 Hiến pháp năm 1992 quy
định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo
luận các vấn đề chung của cá nước và địa phương, kiến nghị với các cơ quan
nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý”.
Xây dựng pháp luật là một trong những nội dung quan trọng nhất của
quản lý nhà nước, bởi vì nhà nước ta “quản lý xã hội bằng pháp luật”, pháp
luật là phương tiện hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội. Việc xây dựng cơ
chế để nhân dân tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật cũng có nghĩa là

3


tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia vào việc quản lý nhà nước. Tham
gia trực tiếp vào hoạt động xây dựng pháp luật là một trong những hình thức
thực hiện quyền làm chủ trực tiếp một cách quan trọng nhất của nhân dân, bên
cạnh hình thức làm chủ một cách gián tiếp thông qua các đại biểu Quốc hội,
đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra.
Trong hoạt động lập pháp, Đảng và Nhà nước ta nhận thức ngày càng
rõ ràng và sâu sắc hơn vai trò của nhân dân đối với việc làm ra các đạo luật
tốt, phù hợp với cuộc sống. Từ Nghị quyết lần thứ 8 Ban chấp hành Trung
ương Đảng khoá VIII đã khẳng định cần phát huy vai trò của nhân dân tham
gia quản lý nhà nước; cải tiến việc lấy ý kiến nhân dân về các văn bản pháp
luật theo hướng thiết thực, tránh lãng phí đến Nghị quyết Đại hội đại biểu

toàn quốc của Đảng lần thứ IX đã chỉ rõ hơn: “Đổi mới phương thức và quy
trình xây dựng thể chế, cải tiến sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có liên
quan, coi trọng sử dụng các chuyên gia liên ngành và dành vai trò rất quan
trọng cho tiếng nói của nhân dân, của doanh nghiệp” [1, tr. 216].
Trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 ban hành theo Nghị quyết số
48/NQ/TW ngày 24/5/2005, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xây
dựng pháp luật tiếp tục được khẳng định là một trong các giải pháp chiến lược
quan trọng để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm
pháp luật của nước ta.
Trong bộ máy nhà nước ta, Quốc hội chiếm một vị trí đặc biệt quan
trọng. Theo Hiến pháp năm 1992, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất và là
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Vị trí, tính chất đó thể hiện ở chỗ Quốc hội là cơ quan duy nhất có
quyền lập hiến và lập pháp; quyết định những vấn đề cơ bản của đất nước;
giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước (Điều 83). Vì thế,

4


không ở đâu tính chất quyền lực nhân dân lại thể hiện rõ nét như trong tổ
chức và hoạt động của Quốc hội nói chung, trong hoạt động lập pháp của
Quốc hội nói riêng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, có thể xem đây là một
tiêu chí nhận diện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân mà Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu xây dựng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và những tư tưởng mang ý nghĩa chỉ đạo
của Đảng và Nhà nước về vấn đề này, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Thu
hút sự tham gia của nhân dân vào hoạt động lập pháp của Quốc hội Việt
Nam” làm đề tài luận văn tốt nghiệp Thạc sỹ chuyên ngành Luật học.
2. Tình hình nghiên cứu

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và nhà
nước về việc thu hút nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, đã
có một số hội thảo, cuộc toạ đàm và các công trình nghiên cứu khoa học về quy
trình lập pháp đề cập đến vấn đề này. Chẳng hạn: Ban công tác lập pháp của Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Dự án cải cách pháp luật (SIDA) đã tổ
chức Hội thảo đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh (2004); Hội thảo sáng
kiến pháp luật và việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (2004);
Văn Phòng Quốc hội đã chủ trì một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Hoàn
thiện cơ chế tổ chức để nhân dân tham gia vào quy trình xây dựng, ban hành và
thực thi pháp luật” (2004) trong đó nội dung này là một hợp phần nghiên cứu
của đề tài; Bộ Tư pháp chủ trì đề án “Đổi mới cơ chế huy động sự tham gia của
nhân dân vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của trung ương
và địa phương” (2006). Ngoài ra, còn có một số bài báo đăng trên tạp chí
Nghiên cứu lập pháp của các tác giả: Võ Trí Hảo, Việc lấy ý kiến nhân dân trong
quá trình xây dựng pháp luật hiện nay (số 9/2002); Nguyễn Chí Dũng, Những
nội dung cần làm khi lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo văn bản quy phạm pháp
luật (số 12/2005); Dương Thanh Mai, Sự tham gia của các chuyên gia, các nhà

5


khoa học vào quá trình xây dựng pháp luật (số 8/2006);.v.v…
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách
toàn diện, có hệ thống về cơ sở lý luận và thực tiễn của việc thu hút nhân dân
tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội. Điều này càng thúc đẩy chúng
tôi thực hiện đề tài nghiên cứu này với mong muốn góp một phần nhỏ bé vào
việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài.
3. Mục đích nghiên cứu
Xuất phát từ tính cấp thiết của đề tài, Luận văn đi sâu nghiên cứu cơ sở
lý luận cũng như thực tiễn của việc thu hút nhân dân tham gia vào hoạt động

lập pháp của Quốc hội; tổng kết thực tiễn thu hút nhân dân tham gia vào hoạt
động lập pháp của Quốc hội nước ta; từ đó đề xuất một số giải pháp cơ bản
nhằm thu hút nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, góp
phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong việc thực hiện chức
năng lập pháp của mình, để sản phẩm của hoạt động đó (luật, đạo luật) thực
sự phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân, để luật thực sự đi vào cuộc
sống.
4. Đối tượng nghiên cứu
Về nghị viện (Quốc hội) - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và
chức năng lập pháp - một trong ba chức năng cơ bản của nghị viện (Quốc
hội); nghiên cứu lý thuyết về sự tham gia của nhân dân trong hoạt động lập
pháp và kinh nghiệm của các nước; về thực trạng thu hút nhân dân tham gia
vào hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua và phương hướng
hoàn thiện cơ chế để thu hút nhân dân tham gia vào hoạt động của Quốc hội
đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
5. Phạm vi nghiên cứu
Những vấn đề lý luận cơ bản về quyền lực nhà nước; nghị viện (Quốc
hội), chức năng lập pháp của nghị viện (Quốc hội); lý thuyết chung về sự tham

6


gia của nhân dân vào hoạt động lập pháp; kinh nghiệm của một số quốc gia trên
thế giới; thực trạng thu hút nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp của
Quốc hội ở nước ta; một số giải pháp cơ bản nhằm tăng cường sự tham gia của
nhân dân vào hoạt động lập pháp của Quốc hội nước ta trong giai đoạn hiện
nay.
6. Những đóng góp của Luận văn
Luận văn trình bày các cách tiếp cận mới về vấn đề thu hút nhân dân
tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, đó là dưới góc độ quyền lực

nhà nước và dưới góc độ hiệu quả thực thi pháp luật.
Trên cơ sở lý thuyết về sự tham gia của nhân dân vào hoạt động lập
pháp, nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, xuất phát từ
thực trạng thu hút nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội ở
nước ta trong thời gian qua, Luận văn đề xuất một số giải pháp cơ bản để thu
hút nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội nhằm góp phần
nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội nước ta.
Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể dùng làm tư liệu tham khảo
cho cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách trong lĩnh vực lập pháp;
hoặc là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, tổ chức, cá nhân quan tâm
đến vấn đề này.
7. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp luận là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử; đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt
Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân và vì nhân dân thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, trong Hiến
pháp và pháp luật của Nhà nước.

7


- Các phương pháp cụ thể bao gồm: Phương pháp tổng kết, đánh giá
thực tiễn các quy định của pháp luật; phương pháp so sánh, phân tích, tổng
hợp; kết hợp lý luận và thực tiễn để đưa ra các kết luận, đánh giá.
8. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
Luận văn gồm 2 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc thu hút nhân dân tham
gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội
Chương 2: Phương hướng hoàn thiện cơ chế thu hút nhân dân tham

gia vào hoạt động lập pháp của Quốc hội ở nước ta hiện nay

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Văn kiện của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến pháp năm
1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001).
3. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức
Quốc hội năm 2001.
4. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2002).

8


5. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam năm 1999.
6. Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quy
chế xây dựng luật, pháp lệnh năm 1988.
7. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quy chế hoạt
động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
8. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quy chế hoạt
động của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội
Tác phẩm, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học
9. Ban công tác lập pháp (2004), Quy trình lập pháp của một số quốc
gia trên thế giới, Hà Nội.
10. Ban công tác lập pháp (2004), Kỷ yếu Hội thảo đổi mới quy trình xây
dựng luật, pháp lệnh, Hà Nội.

11. Ban công tác lập pháp (2004), Kỷ yếu Hội thảo sáng kiến pháp luật và
việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Hà Nội.
12. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực nhà nước,
Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
13. Montesquieu (2004), Tinh thần pháp luật, Nxb Lý luận chính trị, Hà
Nội.
14. Rouseau (2004), Bàn về khế ước xã hội, Nxb Lý luận chính trị, Hà
Nội.
15. Trường Đại học Luật Hà Nội (1997), Giáo trình lý luận chung về nhà
nước và pháp luật, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
16. Văn phòng Quốc hội (2002), Báo cáo khoa học “Các mô hình tổ chức
và hoạt động Quốc hội một số nước trên thế giới”, Hà Nội.
17. Văn phòng Quốc hội (2004), Đổi mới và hoàn thiện quy trình lập
pháp của Quốc hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9


18. Văn phòng Quốc hội (2004), Đề tài nghiên cứu khoa học “Hoàn thiện
cơ chế tổ chức để nhân dân tham gia vào quy trình xây dựng, ban
hành và thực thi pháp luật”, Hà Nội.
Bài viết trong tạp chí
19. TS. Vũ Hồng Anh (2003), “Ai phân công thực hiện quyền lực nhà
nước”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (3), tr. 15-20.
20. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2001), “Các mô hình Quốc hội”, Tạp
chí Nghiên cứu lập pháp, (1), tr. 25-34.
21. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2001), “Nhà nước pháp quyền- một
hình thức tổ chức nhà nước”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (6).
22. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2001), “Pháp luật không chỉ là công cụ
của nhà nước”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (11), tr. 53-58.

23. PGS.TS. Nguyễn Đăng Dung (2001), “Nhu cầu lập pháp của hành
pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp - số chủ đề Hiến kế lập pháp,
(12), tr. 49-50.
24. TS. Nguyễn Sỹ Dũng (2000), “Phân tích chính sách- công đoạn quan
trọng của quy trình lập pháp” , Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (4), tr.
3-8.
25. TS. Nguyễn Sỹ Dũng (2003), “Bàn về triết lý của lập pháp”, Tạp chí
Nghiên cứu lập pháp, (6), tr. 6-8.
26. TS. Nguyễn Sỹ Dũng (2003), “Đôi điều về lý thuyết lập pháp”, Tạp
chí Nghiên cứu lập pháp, (9), tr. 2-3.
27. TS. Nguyễn Sỹ Dũng (2005), “Đổi mới hoạt động lập pháp”, Tạp chí
Tia sáng (9), tr. 8-9.
28. Gorshunôv D.N (2006), “Những yếu tố tâm lý - xã hội trong thực thi
pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (7), tr.14-17.

10


29. PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa (2004), “Sáu lời bàn góp phần làm cho
pháp luật gần với lòng dân”, Tạp chí Tia Sáng, (3), tr. 11-12.
30. Lê Quốc Hùng (2003), “Quyền lực nhà nước thống nhất và phân
công”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (2), tr. 14-21.
31. PGS.TS. Hoàng Thị Kim Quế (2004), “Nhận diện nhà nước pháp
quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (5), tr. 16-23.
32. Th.S. Bùi Ngọc Sơn (2005), “Lập pháp hướng tới pháp quyền”, Tạp
chí Nghiên cứu lập pháp, (1), tr. 69-71.
33. Th.S. Bùi Ngọc Sơn (2006), “Thực chất quyền lực và quyền lực thực
chất”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – số chủ đề Hiến kế lập pháp, (6),
tr. 28-32.
34. TS. Nguyễn Cửu Việt (2002), “Dân chủ trực tiếp và nhà nước pháp

quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (2), tr. 13-21.
35. TS. Dương Thanh Mai (2006), “Sự tham gia của các chuyên gia, các
nhà khoa học vào quá trình xây dựng pháp luật”, Tạp chí Nghiên cứu
lập pháp, (8), tr. 10-15.

PHỤ LỤC
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VIỆC
LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN VÀO CÁC DỰ ÁN LUẬT, DỰ ÁN PHÁP LỆNH
HIẾN PHÁP NĂM 1992

Điều 53
Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, thảo luận các
vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước,
biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý
LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI NĂM 2001

Điều 8

11


Trong việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp của Quốc hội, Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ, quyền hạn
sau đây:

5. Chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của
nhân dân dể chỉnh lý dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và cac dự án khác trình
Quốc hội.

LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT NĂM 1996 (ĐÃ

ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2002)

Điều 3. Tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
1. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã
hội khác, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, nhân dân và cá
nhân có quyền tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào
tính chất và nội dung dự án, dự thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện
để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của
các đối tượng chịu sự tác động ttực tiếp của văn bản trong phạm vi và hình
thức thích hợp.
3. Ý kiến tham gia về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải
được nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản.

12


Mục 6
Lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật, dự án Pháp lệnh
Điều 39. Quyết định việc lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, dự án
pháp lệnh
1. Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án luật, dự án pháp lệnh,
Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc lấy ý kiến nhân dân
về dự án luật, dự án pháp lệnh.
2. Nội dung, phạm vi, thể thức và thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự
án luật, dự án pháp lệnh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân
và việc tiếp thụ ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự án.
Điều 40. Tham gia góp ý kiến vào dự án luật, dự án pháp lệnh
1. Công dân góp ý kiến về dự án luật, dự án pháp lệnh thông qua cơ

quan, tổ chức của mình, trực tiếp hoặc gửi thư góp ý tới Văn phòng Quốc
hội, cơ quan, tổ chức soạn thảo dự án hoặc thông qua các phương tiện thông
tin đại chúng.
2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cơ quan nhà
nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân có trách nhiệm
tổ chức, tạo điều kiện để công dân thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị mình tham
gia ý kiến vào dự án luật, dự án pháp lệnh.
Điều 41. Tập hợp, tiếp thụ ý kiến nhân dân để chỉnh lý dự án luật,
dự án pháp lệnh
Ý kiến của nhân dân về dự án luật, dự án pháp lệnh phải được tập hợp,
nghiên cứu, tiếp thụ để chỉnh lý dự án.
Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân.

13


Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án phối hợp với cơ quan
thẩm tra nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến nhân dân, chỉnh lý dự án và báo cáo Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội.
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 26/2004/QH11 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 5)

Điều 13
Trong việc trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

3. Đối với dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua tại hai kỳ họp
thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện những công việc sau đây:

đ) Quyết định tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự

thảo luật căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án hoặc theo quyết định của
Quốc hội
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định và công bố nội dung, phạm vi,
thể thức, thời gian lấy ý kiến nhân dân, các ngành các cấp về dự thảo luật.
e) Cho ý kiến về việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, của nhân
dân, các ngành, các cấp đối với dự thảo luật;
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC
VÀ CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2004/QH11 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 5)

Điều 37
Hội đồng Dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội,
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp,
đại biểu Quốc hội về dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết hoặc về
vấn đề quan trọng khác…

14



×