PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
Chúng ta đang có trên tay đề tài tìm hiểu tình huống truyện ngắn trong
chương trình văn học phổ thông - Ban cơ bản, giảng dạy truyện ngắn là
một nội dung quan trọng của chương trình, đòi hỏi giáo viên phải có nhiều
thời gian và tâm huyết. Để giảm bớt khó khăn, vất vả cho những người dạy
tác phẩm truyện ngắn và cũng để tạo mặt bằng kiến thức chung, với hi
vọng đây sẽ là tài liệu giảng dạy thiết thực, hữu ích xuất phát từ hai lí do cơ
bản sau : Thứ nhất : Do yêu cầu của thực tế giảng dạy. Tác phẩm truyện
ngắn được tuyển vào chương trình phổ thông rất nhiều, nhất là ở cấp ba
(chiếm 3/4 số lượng tác phẩm văn xuôi trong chương trình). Điều này phản
ánh đúng tương quan của thành tựu truyện ngắn so với những thể loại văn
xuôi khác trong đời sống văn học của chúng ta. Như thế, làm chủ mảng
truyện ngắn là làm chủ phần văn xuôi cốt yếu nhất của chương trình. Tuy
nhiên, việc phân tích, giảng dạy truyện ngắn còn chưa chú ý đúng mức và
chưa làm nổi bật đặc trưng của thể loại. Phần lớn mới chỉ chú ý đến đặc
điểm truyện mà chưa chú ý đến đặc trưng truyện ngắn. Nếu chỉ phân tích
nhân vật, cảnh vật, cốt truyện, ngôn ngữ không thôi thì chưa làm nổi bật
đặc trưng thể loại của truyện ngắn. Trong khi đó, tài liệu hướng dẫn cũng
chưa chú ý thật đúng mức và đều tay đến đặc trưng thể loại. Thứ hai: Về
mặt lí luận truyện ngắn, nhiều thành tựu mới chưa kịp thời ứng dụng vào
việc giảng dạy, nhiều kinh nghiệm của người sáng tác đúc kết về thể loại
này cũng chưa được cập nhật.
Đề tài này là một cố gắng phần nào đáp ứng và khắc phục tình trạng
ấy…và cũng là công sức phần nào thể hiện được tâm huyết của những
người thầy, người cô nguyện suốt đời gắn bó với bộ môn Ngữ văn dẫu biết
nhiều gian khổ, nhọc nhằn, vì thế tôi chọn đề tài: Tình huống truyện ngắn
trong chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông.
2. Giới hạn đề tài và phạm vi nghiên cứu:
1
Trong đề tài Tổng kết kinh nghiệm này tôi chỉ tập trung vào đặc trưng
chủ yếu của truyện ngắn đó là tình huống truyện qua các tác phẩm: Hai
đứa trẻ (Thạch Lam), Vợ Nhặt ( Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa
(Nguyễn Minh Châu).
Vì thế phần nghiên tổng kết gồm những nội dung sau:
Chương 1: Cơ sở lí luận.
Chương 2: Phân tích một số truyện ngắn trong chương trình.
3. Phương pháp nghiên cứu:
Trong đề tài này tôi sử dụng những phương pháp sau:
- Phương pháp thống kê, phân loại.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp.
2
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Khái niệm truyện ngắn:
Truyện ngắn là một khái niệm phức tạp, khó định nghĩa. Vì thế, nhận
diện thể loại truyện ngắn luôn là một nỗ lực liên tục của cả người sáng tác
và giới nghiên cứu lý luận hàng thế kỉ từ trước đến nay. Người ta đã đưa ra
những cách định nghĩa khu biệt. Mỗi người một cách, tiếng nói chung còn
mờ nhạt. Nếu thống kê đầy đủ, dễ có đến hàng trăm định nghĩa. Có người
cho rằng: “Truyện ngắn chính là cách cắt lấy một khúc đời sống” (Tô
Hoài). Có người lại đề xuất: “Truyện ngắn là một tác phẩm nghệ thuật có
bề sâu nhưng lại không được dài”(T.Capôtê). Người này hiểu: “Truyện
ngắn là một truyện viết ngắn, trong đó cái không bình thường hiện ra như
một cái gì bình thường và cái gì bình thường hiện ra như một cái gì không
bình thường”(Pautôpxki). Người khác lại xem: “Truyện ngắn là một bộ
phận của tiểu thuyết” (Nguyên Ngọc)... Quả thật, nếu đi tìm một định nghĩa
truyện ngắn chuẩn xác, được tất cả mọi người công nhận và ứng cho mọi
trường hợp trong thực tế sáng tác văn học là điều rất khó, nếu không muốn
nói là không thể làm được. Tuy nhiên, vẫn có thể nói về những điểm cơ bản
nào đấy của thể loại truyện ngắn. Theo chúng tôi, việc nhận diện có thể dựa
vào hai tiêu chí chính là dung lượng và thi pháp :
- Về dung lượng, truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ (nhân
vật không nhiều lắm, tình tiết không nhiều lắm, số trang không dài lắm...),
chủ yếu được viết bằng văn xuôi. Nghĩa là phải ngắn, thậm chí cực ngắn
(truyện mini).
- Về thi pháp, ngoài những yếu tố luôn có biến đổi như cốt truyện, nhân
vật, lối trần thuật, nhịp độ phát triển, giọng điệu, ngôn ngữ.v.v...thì tình
huống truyện được xem là hạt nhân trong cấu trúc nội tại của thể loại
truyện ngắn.
3
Trong hai tiêu chí, dung lượng là điều kiện cần nhưng phụ và thứ
yếu, vì trên thực tế có không ít truyện ngắn nhưng không ngắn. Còn thi
pháp mới là điều kiện đủ và chủ yếu, đây mới là điều căn bản để phân biệt
một truyện ngắn với những tác phẩm tự sự thuộc thể truyện nói chung.
Bởi thế, ở phần cốt yếu (tôi nhấn mạnh chữ cốt yếu), có thể chấp nhận
định nghĩa: Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ
xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.
1.2. Đặc trưng thể loại truyện ngắn
Đặc trưng bao trùm nhất, riêng biệt, nổi bật nhất của thể loại truyện
ngắn đã hàm chứa đầy đủ trong chính tên gọi của thể loại: “Truyện ngắn
phải ngắn gọn, cô đúc, kiệm lời, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa lớn lõi
phải dầy, vỏ phải mỏng” (Nguyễn Khải). “Đây là thể loại có nội khí một lời
mà thiên cổ, một gợi mà trăm suy” (Nguyễn Thanh Hùng). Mặc dù số
lượng câu chữ ít nhưng xét về chất lượng, hiệu quả thì truyện ngắn có
quyền bình đẳng với tiểu thuyết, vì nói như Lỗ Tấn: “qua một mảng lông
mà biết toàn con báo, qua một con mắt mà truyền được cả tinh thần”. Bởi
trong văn học giá trị của một tác phẩm bao giờ cũng là ở chất lượng và có
lẽ chỉ ở đó mà thôi. Đặc trưng bao trùm này đã bao quát và chi phối các đặc
điểm cụ thể của thể loại truyện ngắn: nhân vật, cốt truyện, tình huống, ngôn
ngữ…
Sau đây chúng ta chỉ tìm hiểu tình huống của truyện ngắn, tình huống
truyện ngắn được xem là: Hạt nhân trong cấu trúc nội tại của thể loại
truyện ngắn.
1.2.1. Tình huống truyện ngắn
1.2.1. Khái niệm
Vấn đề tình huống trong nghệ thuật từ lâu nay đã được giới nghiên
cứu và sáng tác đặc biệt quan tâm. Rất nhiều người đã nỗ lực kiếm tìm một
4
cách hiểu về tình huống truyện. Hêghen trong tác phẩm nổi tiếng Mỹ học
đã định nghĩa: “Tình huống là một trạng thái có tính chất riêng biệt”.
Phát huy sở trường tư duy bằng hình ảnh hình tượng, có người sáng
tác đã coi “tình huống là cái tình thế nảy ra truyện, là lát cắt của đời sống
mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc, là một khoảnh
khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc, khoảnh khắc chứa đựng cả
một đời người, thậm chí cả một đời nhân loại”(Nguyễn Minh Châu). Còn
người nghiên cứu, với sở trường trừu tượng hoá, đã khái quát tình huống
như là một hoàn cảnh đặc biệt của đời sống.
Theo tôi, để tiếp cận tình huống truyện, không thể không nhìn nhận trên
những khía cạnh căn bản sau đây :
Về bản thể
Tình huống truyện, xét đến cùng, là một sự kiện đặc biệt của đời
sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm theo lối lạ hoá. Nói lạ hoá có
nghĩa là:
- Nhà văn đã làm sống dậy trong sự kiện ấy một tình thế bất thường của
quan hệ đời sống (quan hệ giữa các nhân vật tham gia vào sự kiện, hoặc
giữa các nhân vật với ngoại giới)
- Tại sự kiện ấy bản chất của nhân vật hiện hình sắc nét.
- Tại sự kiện ấy ý tưởng của tác giả cũng bộc lộ trọn vẹn.
Từ đó có thể đúc kết: Tình huống truyện là một sự kiện đặc biệt trong đó
chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống.
Về vai trò
Trong tác phẩm tự sự nói chung và nói riêng trong truyện ngắn, tình
huống truyện có một vai trò hết sức quan trọng. Tình huống thể hiện rõ
nhất đặc trưng phong cách của thể loại truyện ngắn. Nó là yếu tố quyết
định sự sống còn của truyện ngắn, là hạt nhân của cấu trúc thể loại này.
Hãy nhìn vào hai dạng biến động cơ bản về qui mô của truyện ngắn :
Dạng mở rộng
5
Khi một truyện ngắn có đến hai sự kiện tranh nhau đóng vai trò hạt nhân,
vai trò quán xuyến, thì truyện ngắn đang vươn vai thành truyện dài.
Dạng giản lược
Khi một truyện ngắn co mình lại trong một số chữ hạn định để thành
truyện cực ngắn, thì có thể thấy các thành tố khác của truyện như nhân vật,
cảnh vật, lời trần thuật có thể giảm thiểu đến kiệt cùng, còn cái mà nó quyết
giữ chính là tình huống. Mất tình huống nó có thể thành tản văn, thành tuỳ
bút, thành thơ văn xuôi, thành ký, nghĩa là thành gì gì khác... chứ quyết
không thể còn là truyện ngắn. Mất tình huống tức là mất tính cách truyện
ngắn. Rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đã xác nhận vai trò to lớn của tình
huống truyện trong tác phẩm. Theo nhà văn Nguyễn Kiên: “Điều quan
trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn cho được cái tình thế tự nó bộc
lộ ra những nét chủ yếu của tính cách và số phận, tự nó đặc trưng cho một
hiện tượng xã hội”. Nhà văn Nguyễn Thành Long bộc bạch: “Truyện ngắn
có cái này quan trọng: đó là cái gọi là "mô măng"” (Tình thế)... Nhà văn
phải vận dụng những suy nghĩ của mình, sự lịch lãm của mình, vốn sống
của mình, tự mình tạo ra cái "mô măng, trong "mô măng đó cho châu tuần
lại những con người vốn cách xa nhau, cho họ tham gia vào chủ đề anh
hằng suy nghĩ; từ sự tham gia đó và những quan hệ giữa họ với nhau sẽ nảy
ra tính cách của họ". GS Nguyễn Đăng Mạnh cũng khẳng định: “Quan
trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đó”. Giáo sư còn
ví: “Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh, nó sẽ làm nổi hình
nổi sắc các nhân vật, bộc lộ các số phận, các tính cách, các tâm trạng đồng
thời làm nổi bật các vấn đề nhà văn muốn đặt ra và tư tưởng ông ta muốn
phát biểu”.
Rõ ràng, có thể thấy vai trò của tình huống trong hai tương quan sau :
- Với văn bản truyện ngắn: Tình huống là nhân tố tổ chức của thiên truyện.
Tức là nó bao trùm và chi phối các thành tố khác như nhân vật, cảnh vật,
bố cục, kết cấu, lời trần thuật... Nhìn ở chiều ngược lại, những thành tố kia
6
châu tuần xung quanh để làm sống dậy cái tình huống này. Diện mạo của
một truyện ngắn, xét đến cùng, là do tình huống quyết định.
-Với người viết truyện ngắn: Tạo được một tình huống đặc sắc, xem như
đã có một tiền đề khá chắc chắn cho thành công của tác phẩm. Nghĩa là, để
làm nên một truyện ngắn đầy đặn, người viết còn phải lo nhiền khâu khác
như dựng người, dựng cảnh, lo tâm lý, lo đối thoại... Nhưng lo được tình
huống xem như đã có một hứa hẹn tin cậy. Sáng tạo tình huống truyện là
phần việc cốt yếu của lao động truyện ngắn vậy.
Nhà văn Nguyên Ngọc so sánh việc sáng tạo tình huống giống như thủ
thuật điểm huyệt: “Truyện ngắn điểm huyệt thực hiện bằng cách nắm bắt
trúng những tình huống cho phép phơi bày những cái chủ yếu nhưng lại bị
che giấu trong muôn mặt cuộc sống hàng ngày”. Những nhà văn tài năng là
những người có tài tạo ra những tình huống có vấn đề. Đó là những người
có cái biệt tài có thể chọn ra trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc
thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất,
một khoảnh khắc cuộc sống bắt buộc con người ở vào một cái tình thế phải
bộc lộ ra cái phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có
khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại. Vì thế,
tình huống tiêu biểu phải cùng một lúc thực hiện các nhiệm vụ nghệ thuật:
gắn kết các nhân vật (vốn xa lạ) cùng tham gia vào một sự kiện, biến cố có
ý nghĩa nào đó; bộc lộ quan hệ và tính cách các nhân vật; thể hiện chủ đề tư
tưởng của tác phẩm.
1.2. Phân loại tình huống:
Cuộc sống vốn đa dạng, phức tạp nên sinh ra muôn vàn kiểu tình thế.
Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều cách phân loại tình huống dựa vào các
tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi, về cơ bản, việc phân loại tình
huống thường căn cứ vào hai tiêu chí :
1.2.1. Căn cứ vào số lượng:
Có thể chia tình huống thành hai loại, ứng với nó là hai kiểu truyện ngắn:
7
Thứ nhất, phổ biến và điển hình hơn cả là loại truyện ngắn chỉ xoay
quanh một tình huống duy nhất. Phần lớn các nhà văn đều tán đồng với
quan điểm cho rằng: Mỗi truyện ngắn chỉ có một tình huống. Nhà văn
Nguyên Ngọc phát biểu: “Nhìn chung, mỗi truyện ngắn bao giờ cũng được
xây dựng trên một tình huống, khai thác tình huống ấy”. Cùng quan điểm
với Nguyên Ngọc là ý kiến của nhà văn Nguyễn Kiên: “Theo quan niệm
của tôi, mỗi truyện ngắn chỉ tập trung vào một tình thế nảy sinh trong cuộc
sống. Nếu truyện ngắn có đến hơn một tình thế thì truyện ngắn đó lập tức
bị phá vỡ”.
Thứ hai, truyện ngắn nhiều tình huống: Cả thiên truyện được dệt từ
nhiều tình huống. Tuy nhiên, trong đó, chúng cũng phân vai thành chính phụ (nghĩa là có cái nào đó là chủ chốt). Đây là dạng truyện ngắn không
thật điển hình. Chúng thường có dáng dấp của một truyện dài thu nhỏ, hơn
là một truyện ngắn thực thụ. Có thể ví dụ: Chí Phèo của Nam Cao, Vợ
chồng A Phủ của Tô Hoài…
1.2.2. Căn cứ vào tính chất:
Có thể chia thành ba loại tình huống cơ bản sau:
1.2.2.1. Tình huống nghiêng về hành động:
Là một sự kiện đặc biệt nào đó của đời sống mà tại đó nhân vật bị đẩy
vào tình thế chỉ có hành động mới thoát ra khỏi tình thế ấy. Tình huống này
tạo nên kiểu nhân vật hành động (nhân vật mà nhà văn quan tâm nhiều nhất
đến hệ thống hành động) và tạo nên những truyện ngắn giàu kịch tính, mỗi
truyện giống như một màn kịch được viết bằng văn xuôi. Chẳng hạn, mỗi
truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan là một màn hài kịch xây dựng xung
quanh một tình huống trào phúng mà có thể gọi chung đó là tình huống lật
tẩy mặt trái đời.
1.2.2.2. Tình huống nghiêng về tâm trạng:
Là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật có một biến động
trong thế giới tình cảm. Loại tình huống này tạo nên kiểu nhân vật tình cảm
8
(nhân vật được quan tâm chủ yếu ở phương diện đời sống tình cảm, diễn
biến tâm trạng là chất liệu chính để nhà văn khắc hoạ nhân vật) và tạo nên
kiểu truyện ngắn trữ tình; mỗi truyện như một bài thơ được viết bằng văn
xuôi. Chẳng hạn, nhiều truyện ngắn của Hồ Dếnh, Thanh Tịnh, Thạch Lam,
Đỗ Chu... là những minh chứng tiêu biểu. Truyện ngắn Thạch Lam hầu hết
chỉ có một tình huống và đó chủ yếu là tình huống trữ tình. Những tình
huống này không đẩy nhân vật tới hành động và những xung đột bên ngoài
mà khêu gợi những tâm trạng, những nỗi lòng (ví như: Hai đứa trẻ, Dưới
bóng hoàng lan, Đứa con đầu lòng...)
1.2.2.3. Tình huống nghiêng về nhận thức:
Là một sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật phải đối mặt với
một vấn đề nhận thức, phải khám phá, vỡ lẽ về một vấn đề nhân sinh nào
đó. Loại tình huống này tạo nên kiểu nhân vật tư tưởng và tạo nên kiểu
truyện ngắn giàu chất triết luận. Truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao là một
ví dụ tiêu biểu.
Cần hiểu rằng: Việc phân chia thành ba loại tình huống chỉ có ý nghĩa
tương đối. Nhiều khi trong một tác phẩm, khó có thể phân định quá rạch
ròi. Mặt nữa, ở một số truyện ngắn không chỉ tồn tại một loại tình huống
mà có thể có hai hoặc ba loại tình huống. Bởi thế, muốn xác định loại tình
huống trong một tác phẩm nào đó, nên chăng, chúng ta cần căn cứ vào tính
chất bao trùm, nổi trội nhất của tình huống trong đó.
.
9
CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH MỘT SỐ TÌNH HUỐNG TRUYỆN
NGẮN TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG
Như trên đã nói, trong thể loại truyện ngắn, tình huống có một vai trò hết
sức quan trọng. Nó thể hiện rõ nhất đặc trưng phong cách của thể loại
truyện ngắn, là hạt nhân của cấu trúc thể loại này. Vì vậy, tôi tiếp cận và
phân tích một số tác phẩm trong chương trình từ góc độ tình huống truyện.
2.1. Loại truyện ngắn tiêu biểu cho kiểu tình huống hành động:
Truyện ngắn Vợ nhặt - Kim Lân
Trong số các truyện ngắn nghiêng về tình huống hành động, Vợ
nhặt là tác phẩm xuất sắc, một truyện ngắn giản dị nhưng là cái giản dị của
một bậc thầy, chữ nào cũng hay, chân xác, hàm súc. Thành công của tác
phẩm một phần quyết định bởi nghệ thuật sáng tạo tình huống truyện độc
đáo, hấp dẫn của nhà văn. Toàn bộ truyện ngắn Vợ nhặt xoay quanh sự
kiện nào ? hay sự kiện nào đã bao trùm chi phối toàn bộ thiên truyện này?
Sau khi đọc qua các tình tiết chính của thiên truyện này ta dễ dàng nhận
thấy hạt nhân của truyện ngắn Vợ nhặt là một cuộc hôn nhân oái oăm, kỳ
lạ. Và đó chính là cái tình thế nảy ra truyện, cái tình huống của câu chuyện.
Nói hôn nhân trong Vợ nhặt kì lạ, ít nhất vì ba lẽ:
Thứ nhất là sự đảo lộn về giá trị :
Tràng - một gã trai nghèo khổ, thô kệch, lại là dân ngụ cư, lâu nay ế vợ,
bỗng dưng nhặt được vợ, mà lại là vợ theo không.
Thứ hai là sự ngược đời:
Tràng lấy vợ vào lúc không ai lại đi lấy vợ - giữa những ngày nạn đói
đang lăm le cướp đi mạng sống của mỗi người.
Thứ ba là nghịch lý:
Một đám cưới thiếu tất cả mà lại như đủ cả. Những điều này quyết định
đến việc tổ chức mạch truyện và cả cấu tứ của thiên truyện nữa.
10
Thông qua tình huống truyện, Kim Lân đã phát biểu những ý nghĩa sâu
sắc của tác phẩm :
Một là, không cần đến những kết tội to tát, tác phẩm đã tố cáo tội ác của
bọn thực dân, phát xít và tay sai của chúng đã gây ra nạn đói khủng khiếp
năm 1945, để con người vào vòng đói khổ, biến con người thành bèo bọt,
rơm rác.
Hai là, người lao động dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên
cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin ở sự
sống, vẫn hy vọng ở tương lai. Cho dù hoàn cảnh muốn biến con người
thành bèo bọt nhưng con người quyết không làm bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn
làm người.
Ba là, Kim Lân còn nêu lên một quan niệm có ý nghĩa nhân sinh và triết
học sâu sắc: sự sống chẳng bao giờ chán nản, sự sống mạnh hơn cái chết.
Có thể coi Vợ nhặt là một bài ca sự sống.
2.2. Loại truyện ngắn tiêu biểu cho tình huống tâm trạng :
Truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam
Hai đứa trẻ là một trường hợp rất điển hình cho loại truyện ngắn trữ
tình. Cái tình thế nảy ra truyện là hai đứa trẻ sống ở một phố huyện nghèo.
Hai cái mầm cây nhú lên trên một mảnh đất cằn cỗi bạc màu. Hai cái mầm
sống non tơ trên một nơi không có sinh khí. Sự trái ngược, trái khoáy này
chứa đựng một mâu thuẫn nhân sinh làm day dứt lòng người, gợi nên
những âu lo, trăn trở về số phận con người.
Trong tác phẩm, sự kiện chủ chốt qui tụ toàn bộ thiên truyện này lại
là cuộc đợi tàu của Liên và An. Nói cách khác, tình huống bao trùm toàn bộ
tác phẩm lại là cuộc đợi tàu của hai đứa trẻ trên phố huyện nghèo. Đây là
cuộc đợi tàu lạ lùng. Lạ vì chúng đợi tàu chẳng phải vì một mục đích thiết
thực (không phải đợi người thân, không phải để bán hàng). Lạ vì không
thiết thực mà ngày nào chúng cũng cố đợi. Chừng nào chưa được nhìn đoàn
tàu thì chúng chưa được sống trọn vẹn một ngày. Lý do quan trọng nhất
11
khiến chị em Liên tha thiết đợi tàu là bởi: đó là chuyến tàu từ Hà Nội về.
Vậy, tại sao đoàn tàu chạy từ Hà Nội về lại có ý nghĩa quan trọng đến thế ?
Trước hết, riêng với chị em Liên, chuyến tàu đêm mang đầy hương
vị và kỷ niệm. Nó gợi lên một quá vãng đẹp đẽ của hai chị em, giúp Liên
nhớ lại những ngày sung sướng ở Hà Nội. Chuyến tàu ấy là chiếc cầu nối
linh nghiệm giữa hiện thực và quá khứ, để chắp cánh cho khát vọng của
Liên. Chạy đến từ Hà Nội, chạy đến từ một tuổi thơ đã mất, đoàn tàu là tia
hồi quang cho chúng được nhìn lại tuổi thơ trong chốc lát. Nhưng quá khứ
đẹp đẽ đã lùi xa, chỉ có hiện tại vây phủ trước mắt. Tạo ra sự tương phản
giữa phố huyện trong hiện tại và hình ảnh Hà Nội trong quá khứ là gợi ra
sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, hư vô và sự sống, bất hạnh và
hạnh phúc. Hai chị em Liên cố thức để đợi chuyến tàu còn vì muốn được
nhìn chuyến tàu, đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Đoàn tàu đi
qua phố huyện là niềm vui duy nhất trong ngày mà chị em Liên có được.
Đoàn tàu là hình ảnh của một thế giới hoàn toàn tương phản với phố huyện.
Vì thế, những con người nơi đây cố thức để được nhìn thấy chuyến tàu vì
họ tha thiết muốn được sống, dù chỉ trong khoảnh khắc và bằng tưởng
tượng với một thế giới khác, một thế giới sáng rực, huyên náo, vui vẻ và
sang trọng, thế giới mà họ hằng mơ ước. Đoàn tàu đã trở thành biểu tượng
của niềm khao khát về một cuộc sống tốt đẹp hơn, vui tươi hơn, đáng sống
hơn.
Thông qua tình huống đợi tàu, Thạch Lam muốn gửi đến người đọc
thông điệp nhân đạo: Không gì có thể vùi dập ước mơ, hy vọng của con
người; hãy cứu lấy những đứa trẻ, cứu lấy tương lai của thế giới này; cần
phải thay đổi cái thế giới tối tăm này đi, cần phải đem đến một thế giới
khác xứng đáng với con người hơn.
2.3. Loại truyện ngắn tiêu biểu cho tình huống nhận thức:
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu:
12
Truyện được xây dựng từ một tình huống xung đột đầy nghịch lý: hai
phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Phát hiện thứ nhất đầy mơ mộng,
nên thơ, huyền ảo khi anh bất chợt gặp và chụp được một bức ảnh tuyệt
đẹp. Phát hiện thứ hai bất ngờ và trớ trêu như một trò đùa quái ác của cuộc
sống: hoá ra bên trong cái đẹp toàn bích mà người nghệ sĩ vừa bắt gặp trên
mặt biển xa lại chẳng phải là đạo đức, là chân lý của sự toàn thiện mà là
cảnh một người đàn ông làng chài đánh đập vũ phu và độc ác người vợ
nhẫn nhục, cam chịu của mình. Mở đầu tác phẩm là cái đẹp tuyệt đỉnh của
ngoại cảnh như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Kết thúc
truyện là ấn tượng, ám ảnh của Phùng về tấm ảnh được chọn trong bộ lịch
năm ấy. Trong cái nhìn của người nghệ sĩ có sự đối lập giữa màu hồng của
ánh sương mai và hình ảnh người đàn bà làng chài lam lũ. Cái màu hồng
hồng của ánh sương mai là chất thơ của cuộc sống, là vẻ đẹp lãng mạn của
cuộc đời, là biểu tượng của nghệ thuật. Còn hình ảnh người đàn bà là hiện
thân của những lam lũ, khốn khó của đời thường, nó là sự thật cuộc đời, là
hiện thực trần trụi, khắc nghiệt đằng sau vẻ đẹp lãng mạn của bức tranh.
Tình huống đó làm nổi bật nhận thức của từng nhân vật trong tác phẩm.
Trước hết Phùng là một nghệ sĩ giàu tâm huyết, tâm hồn tinh tế, thiết
tha với cái đẹp. Thực hiện yêu cầu của anh trưởng phòng khó tính muốn có
tấm ảnh cho tờ lịch cuối năm sau, Phùng đã tìm đến một vùng ven biển
miền Trung. Sau nhiều ngày phục kích, người nghệ sĩ đã bắt gặp cái
khoảnh khắc xuất thần của cái đẹp nghệ thuật và chụp được một cảnh đắt
trời cho: cảnh thuyền đánh cá thu lưới lúc bình minh. Trong màn sương
sớm trắng xoá, phớt chút hồng của ban mai tinh khiết, con thuyền ngoài xa
đẹp như mơ lặng lẽ lướt tới. Trên mui thuyền, những dáng người ngồi im
phăng phắc đầy chất tạo hình, cận cảnh là mắt lưới vó, hậu cảnh là chiếc
thuyền ngư phủ nhoè trong sương. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến
ánh sáng đều hài hoà đến độ toàn bích. Đó là một bức họa diệu kỳ, một sản
phẩm nghệ thuật tuyệt tác của hoá công mà trong đời người nghệ sĩ không
13
phải lúc nào cũng chộp được. Trước cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh, tâm
hồn người nghệ sĩ rung động thực sự và phát hiện ra bản thân cái đẹp chính
là đạo đức. Anh cảm nhận được cái chân, cái thiện của cuộc đời và cảm
thấy tâm hồn mình như được gột rửa trở nên thật trong trẻo, tinh khôi, có
nghĩa là cái đẹp đã có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Thế nhưng,
ngay khi tâm hồn đang bay bổng trong những xúc cảm thẩm mỹ thì Phùng
đã kinh ngạc khi phải chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp: người đàn
bà làng chài bị chồng đánh đập tàn nhẫn mà vẫn nhẫn nhục chịu đòn không
hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy. Anh
bàng hoàng nhận ra đằng sau cảnh đẹp như mơ là bao nghịch lý éo le, bao
ngang trái đời thường xót xa. Phải sau khi gặp và nghe người đàn bà kể về
cuộc sống của mình, Phùng mới vỡ ra nhiều điều về cuộc sống và con
người. Anh đã phát hiện ra những vẻ đẹp khác đằng sau những bức ảnh mà
anh dày công săn tìm. Nó không toàn diện toàn mỹ như chiếc thuyền ngoài
xa mà là cái đẹp của cuộc sống đời thường đa đoan, đa sự. Anh vỡ lẽ đừng
bao giờ giữ cái nhìn một chiều để phát hiện cuộc sống vốn đa diện, phức
tạp và luôn bí ẩn, bất ngờ. Phùng ngộ ra mối quan hệ giữa hiện thực và
nghệ thuật. Anh hiểu rằng người nghệ sĩ không thể vì khao khát cái đẹp
nghệ thuật mà quên đi cuộc đời, bởi nghệ thuật chân chính luôn được khơi
nguồn từ cuộc đời và vì cuộc đời.
Trùng với hành trình nhận thức của Phùng là quá trình bừng ngộ của
chánh án Đẩu. Vốn là người lính xuất ngũ về làm chánh án toà án huyện
vùng biển, Đẩu vẫn giữ nguyên chất lính hồn hậu, nhiệt tình tấn công cái
ác, cái xấu. Phẫn nộ trước sự ngược đãi của người chồng, xót thương người
vợ bị bạo hành “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”, anh đã đi
ngược với phương châm lấy hoà giải làm đầu trong khi giải quyết các vụ án
ly hôn mà bảo thẳng với người đàn bà: “Chị không sống nổi với lão đàn
ông đó đâu”. Anh thực hiện pháp luật bằng sự thông hiểu sách vở và những
nguyên tắc đạo đức phổ biến trong cuộc đời. Chính vì vậy, anh đã ứng xử
14
có phần đơn giản trước cảnh ngộ riêng biệt của người đàn bà làng chài. Thế
nhưng, chính người đàn bà quê mùa, thất học mà sâu sắc nước đời ấy đã
giúp anh ngộ ra những nghịch lý của cuộc sống, những nghịch lý mà con
người buộc phải chấp nhận “Một cái gì mới vỡ ra trong đầu vị Bao Công
của cái phố huyện vùng biển”. Anh bắt đầu hiểu ra rằng: muốn thoát khỏi
tăm tối, đói khổ cần phải có pháp luật thực chứ không phải chỉ là những
thiện chí hoặc các lý thuyết đẹp đẽ mà xa rời thực tiễn.
Như vậy, hành trình nhận thức của Phùng và Đẩu là một quá trình đi
từ lầm lẫn, ngộ nhận đến hiểu biết, giác ngộ. Họ đã bừng ngộ những chân lí
của cuộc sống và nghệ thuật, làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc.
Thông qua hai hình tượng nhân vật này, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm
những suy tư sâu lắng của mình về những vấn đề của đời sống nhân sinh,
của nghệ thuật: hiện thực đời sống vốn phức tạp, đầy bí ẩn, chứa đựng vô
vàn những nghịch lý nên không thể nhìn cuộc đời bằng cái nhìn giản đơn,
dễ dãi, xuôi chiều, mà cần phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều về cuộc
sống và con người. Nhà văn còn khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật
và cuộc đời: nghệ thuật chân chính không bao giờ rời xa cuộc đời; nghệ
thuật phải dành ưu tiên trước hết cho con người, phải góp phần giải phóng
con người khỏi sự cầm tù của đói nghèo, tăm tối và bạo lực. Do đó, yêu cầu
người nghệ sĩ không thể nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi; phải
có cách nhìn đa chiều và đặc biệt phải mang nặng trong mình tình yêu cuộc
sống và nhất là tình yêu thương con người. Trước khi là một nghệ sĩ biết
rung động trước cái đẹp, hãy là một con người biết yêu ghét, vui buồn
trước mọi lẽ đời thường tình, biết hành động để có cuộc sống xứng đáng
với danh hiệu con người. Nghệ thuật và cuộc đời phải hoà hợp trong giá trị
chân - thiện - mỹ.
Kết thúc truyện là ấn tượng, ám ảnh của Phùng về tấm ảnh được chọn
trong bộ lịch năm ấy. Trong cái nhìn của người nghệ sĩ có sự đối lập giữa
màu hồng hồng của ánh sương mai và hình ảnh người đàn bà làng chài lam
15
lũ. Cái màu hồng hồng của ánh sương mai là chất thơ của cuộc sống, là vẻ
đẹp lãng mạn của cuộc đời, là biểu tượng của nghệ thuật; còn hình ảnh
người đàn bà là hiện thân của những lam lũ, khốn khó của đời thường, nó
là sự thật cuộc đời, là hiện thực trần trụi, khắc nghiệt đằng sau vẻ đẹp lãng
mạn của bức tranh. Qua sự đối lập giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh
với hiện thực nhọc nhằn, cùng cực của người dân chài, Nguyễn Minh Châu
muốn khẳng định mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, và bổn phận
của người nghệ sĩ là phải phát hiện sự thật ở cuộc đời, cái ĐẸP, cái THIỆN
trước hết phải là cái CHÂN THỰC.
16
PhÇn kÕt luËn
Trên đây, tôi đã trình bày những kinh nghiệm của mình về tình huống
truyện ngắn, bản thân rút ra những bài học để giảng dạy truyện ngắn thành
công :
Trước hết nắm bắt tư tưởng, quan điểm, phong cách sáng tác của nhà
văn, của truyện ngắn đó.
Đọc kĩ tác phẩm, nhận diện tình huống truyện ngắn, phân loại tình
huống, phân tích tình huống truyện đã chi phối tới nhân vật, ngôn ngữ trần
thuật, diễn biến cốt truyện, giọng điệu tác phẩm…( những yếu tố đặc trưng
của truyện ngắn) như thế nào. Cuối cùng tổng hợp, đánh giá tình huống
truyện để thấy tình huống với vai trò là hạt nhân trong truyện ngắn làm
bật nổi tư tưởng, chủ đề, quan điểm, phong cách của nhà văn, của truyện
ngắn được giảng dạy.
Với đề tài Tìm hiểu tình huống truyện ngắn trong chương trình
Ngữ văn Trung học phổ thông,Tôi rất mong được cùng tao đổi với đồng
nghiệp, nhằm giảng dạy tốt hơn tác phẩm truyện ngắn trong chương trình.
Để truyện ngắn xứng đáng với vị trí vai trò và đóng góp to lớn của nó trong
nền văn học dân tộc. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp quí báu của
Thầy cô đồng nghiệp!
17
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arixtôtơ - Nghệ thuật thơ ca - NXB Văn hoá nghệ thuật, Hà Nội, 1964.
2. Lê Huy Bắc - Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại - Tạp chí văn
học số 9 - 1998.
3. Nam Cao - Tuyển tập Nam Cao, tập 1 – NXB Văn học, Hà Nội, 1997.
4. Phan Cự Đệ - Văn học Việt Nam 1930 - 1945 - NXB Đại học và Trung
học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1998.
5. SGK Ngữ văn 12, tập 2 - NXB GD, Hà Nội, 2008.
6. SGV Ngữ văn 12, tập 2 – NXB GD, Hà Nội, 2008.
7. SGK Ngữ văn 11, tập 2 – NXB GD, Hà Nội, 2008.
8. SGV Ngữ văn 11, tập 2 – NXB GD, Hà Nội, 2008.
18
MỤC LỤC
Phần mở đầu…………………………..………………………….trang 1.
1. Lí do chọn đề tài…………………………………………… ………….1.
2. Phạm vi nghiên cứu………………………………………………….....2.
3. Phương pháp nghiên cứu……………………………………. ………...2.
Phần nội dung ……………………………………………………........3.
Chương 1: Cơ sở lí luận………………………………………………...3.
1.1. Khái niệm truyện ngắn………………………………………………..3.
1.2. Phân loại tình huống truyện ngắn………………………………….....7.
1.2.1. Căn cứ vào số lượng………………………………………………..7.
1.2.2. Căn cứ vào tính chất………………………………………………..8.
Chương 2. Phân tích một số truyện ngắn trong chương trình…………10.
2.1. Loại truyện ngắn tiêu biểu cho tình huống hành động………………10.
2.2. Loại truyện ngắn tiêu biểu cho tình huống tâm trạng………………..11.
2.3. Loại truyện ngắn tiêu biểu cho tình huống nhận thức……………….12.
Phần kết luận………………………………………………………….17.
Tài liệu tham khảo……………………………………………………..18.
19