Tải bản đầy đủ (.doc) (172 trang)

Phân Tích Tác Phẩm Văn Học Trong Nhà Trường Từ Góc Độ Ngôn Ngữ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (650.51 KB, 172 trang )

PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG
TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ
PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC
TRONG NHÀ TRƯỜNG TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ
Tác giả: TS. NGUYỄN TRỌNG KHÁNH

LỜI NÓI ĐẦU
Cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường là công việc
thường xuyên, đồng thời cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các thầy,
cô giáo dạy văn, tất cả các em học sinh. Làm thế nào để có thể cảm thụ, phát
hiện được những vẻ đẹp đích thực về tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm
văn chương là một vấn đề lâu nay các nhà nghiên cứu, các thầy, cô giáo dạy
văn vẫn hằng trăn trở.
Cuốn sách này giới thiệu những bài viết theo hướng cảm thụ, phân tích
các tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ. Hầu hết các bài
viết tập hợp trong sách đều là những bài nghiên cứu được rút ra từ thực tiễn
giảng dạy, ôn luyện thi môn Ngữ văn cho đối tượng học sinh các lớp cuối cấp
học phổ thông của chính tác giả và một số bài đã được đăng rải rác trên các
báo, tạp chí Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và đời sống, Văn học và tuổi trẻ v.v… Đây
là một công việc khó, bởi các tác phẩm văn học trong chương trình trung học
phổ thông đều là những tác phẩm đã quen thuộc với nhiều người, được
nghiên cứu khá kĩ, không ít tác phẩm từng là đối tượng của những cuộc tranh
luận học thuật sôi nổi trong đời sống văn học. Do vậy, cảm thụ, phân tích tác
phẩm từ góc độ ngôn ngữ đương nhiên không phải là một con đường tiếp
nhận văn học hoàn toàn mới mẻ; nó cũng không đối lập hay phủ nhận sự kế
thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước. Tuy nhiên, xuất phát từ góc
độ ngôn ngữ, không ít ý nghĩa chân chính của các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết
trong tác phẩm văn học đã được phát hiện, không ít những cách lí giải có tính
chất áp đặt chủ quan hoặc xa rời tác phẩm tồn tại bấy lâu trong nhiều tài liệu



giảng dạy, đã được xem xét, điều chỉnh lại một cách có cơ sở khoa học và
phù hợp hơn; góp phần khơi dậy niềm hứng thú, say mê văn học từ chính
quá trình nhận thức và làm chủ ngôn ngữ – phương tiện biểu hiện chủ yếu
của tác phẩm.
Đối tượng phục vụ của cuốn sách là các học sinh đang chuẩn bị cho
các kì thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng…, các thầy,
cô giáo dạy văn, sinh viên Ngữ văn, học sinh năng khiếu môn Ngữ văn. Do
đó, chúng tôi chỉ tập trung chủ yếu vào một số tác phẩm trong chương trình
trung học phổ thông hiện còn tồn tại những cách hiểu chưa thống nhất, hoặc
từ góc độ ngôn ngữ vẫn có thể khai thác được những ý nghĩa mới, làm phong
phú, sinh động thêm giá trị tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi
cũng hướng sự chú ý của mình vào những tác phẩm có mặt trong Bộ sách
giáo khoa biên soạn theo Chương trình thí điểm Trung học phổ thông, đã
được Bộ Giáo đục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số471/ 2002/
QĐ - BGD&ĐT ngày 19/ 11/ 2002 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Cấu
trúc của sách được sắp xếp theo trình tự các bài viết về các tác phẩm văn
học trong Chương trình sách giáo khoa Trung học phổ thông hiện hành. Bài
cuối cùng chúng tôi đưa vào tập sách này là bài viết về những sai sót về ngôn
ngữ trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Văn. Thiết nghĩ, đây
cũng là vấn đề thiết thực trong cảm thụ, phân tích tác phẩm và cả trong việc
ra đề thi – một công diệc không kém phần hệ trọng đối với quá trình giảng
dạy, học tập và thi cử môn Ngữ văn trong nhà trường.
Hi vọng cuốn sách sẽ góp một tiếng nói vào việc nâng cao hiệu quả của
công việc dạy văn, học văn trong nhà trường. Chúng tôi thành thực mong
nhận được ý kiến trao đổi và chỉ giáo của các bậc thức giả và đồng nghiệp
gần xa để cuốn sách hoàn thiện hơn ở lần in sau.
Hà Nội, tháng 6 năm 2005 TS.
NGUYỄN TRỌNG KHÁNH



1. TỪ CÁCH TIẾP CẬN NGÔN NGỮ TÁC PHẨM VĂN HỌC…
Việc giảng dạy, học tập môn Ngữ văn trong nhà trường, nhất là ở các
cấp học phổ thông, có một vấn đề tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết
triệt để và hiện vẫn còn đang làm nhiều thầy, cô giáo, nhiều nhà khoa học tâm
huyết phải băn khoăn, trăn trở. Đó là tình trạng ngày càng có nhiều em học
sinh tỏ ra chán ghét môn Văn học. Nhiều nguyên nhân đã được đề cập và
làm sáng tỏ, nhiều biện pháp đã được áp dụng, trong đó đáng kể nhất là công
tác cải tiến, đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương
pháp dạy văn, học văn theo xu hướng ngày càng tiến gần hơn và tiếp cận với
những thuộc tính đặc trưng của bộ môn v.v… Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải
thừa nhận một thực tế là cho đến nay, môn Văn học trong nhà trường vẫn
chưa thật sự tạo ra được sức hấp dẫn, lôi cuốn cần thiết, do vậy cũng vẫn
chưa có được chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn, tình cảm của các em học
sinh như vị trí xứng đáng vốn có của nó.
Về mặt bản chất, khoa học tìm hiểu, khám phá, cảm thụ văn chương
cũng giống với mọi khoa học nhận thức có tính sáng tạo khác về quy luật và
đặc trưng của tâm lí nhận thức. Hứng thú và niềm say mê khoa học ở phía
chủ thể nhận thức chỉ có thể được hình thành, xây đựng một cách bền vững
trên cơ sở những phát hiện mới lạ trong quá trình tìm hiểu, khám phá đối
tượng nghiên cứu. Một học sinh học kém môn Toán chắc chắn sẽ chán và sợ
học Toán, trong khi Toán học là một mềm say mê lớn với đại đa số các em
học sinh khác. Trong Văn học cũng vậy, đối tượng tìm hiểu, khám phá là tác
phẩm văn chương, do đó, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em
học sinh không hứng thú với những giờ dạy văn trong nhà trường, thì nguyên
nhân cơ bản nhất vẫn là do các em không hiểu được tác phẩm. Từ chỗ không
hiểu tác phẩm, không cảm thụ được những gì nhà văn thể hiện trong tác
phẩm nên các em không thể có những phát hiện mới lạ, không thể xuất hiện
những rung động thẩm mĩ trong tâm hồn, tình cảm – cội nguồn của niềm say
mê sáng tạo trong quá trình nhận thức, cảm thụ văn học nơi các em.



Điều đáng lo ngại hơn là, mặc dù không hiểu tác phẩm, hoặc chỉ hiểu
một cách khá mơ hồ nhưng các em vẫn phải phân tích, thể hiện sự cảm thụ
của mình về tác phẩm trong các bài làm văn, nên dần dần đã hình thành ở
các em một thói quen ít chú ý đến văn bản tác phẩm, cứ dựa theo sự phân
tích có sẵn trong lời giảng của thầy hoặc trong các tài liệu tham khảo rồi gán
cho tác phẩm những ý nghĩa lớn lao, những mĩ từ to tát…, nhiều khi rất xa lạ
với nội dung tư tưởng và ý nghĩa chân chính, đích thực của tác phẩm. Thói
quen ấy, một mặt rất dễ gây ra tâm lí “phản cảm”, khiến các em ngày càng
chán học văn, sợ học văn. Mặt khác, thói quen ấy cũng tạo ra một lối học văn
theo kiểu “mang máng”, thiếu căn cứ, không bám sát tác phẩm, hoặc “tầm
chương, trích cứ” một cách hời hợt, máy móc, hoặc “xã hội học dung tục”, tác
phẩm chỉ là một cái cớ để bàn luận về một vấn đề luân lí, đạo đức, xã hội nào
đấy. Nhiều em học sinh không hề đọc tác phẩm trước khi nghe giảng hoặc
phân tích tác phẩm. Có em đã học xong trung học phổ thông mà vẫn không
thuộc nổi dù chỉ một bài thơ, thậm chí một khổ thơ nào đấy trong chương
trình! Cho nên, cũng không phải chuyện lạ, trong các kì thi tuyển sinh đại học
hằng năm, mặc dù môn Văn là môn học đã được các em học sinh ở các khối
C, D… định hướng từ trước, nhưng việc chép không đúng hoặc nhầm lẫn các
câu thơ từ bài nọ sang bài kia, nhầm lẫn nhân vật nọ với nhân vật kia v.v… là
hiện tượng khá phổ biến. Ví dụ, nhầm bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình
Thi với chương “Đất nước” (trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”) của
Nguyễn Khoa Điềm, nhầm nhân vật Độ (trong truyện ngắn “Đôi mắt”) với
nhân vật Hộ (trong “Đời thừa”) của Nam Cao; thậm chí nhầm nhân vật Chí
Phèo với nhân vật Tràng, nên khi đề yêu cầu phân tích nhân vật Chí Phèo
trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao thì có thí sinh vẫn say sưa viết hàng
năm, bảy trang giấy phân tích tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Có học sinh
còn gọi Chí Phèo là “đồng chí”, Hộ là “người chiến sĩ cách mạng” v.v…
Phân tích tác phẩm văn học phải xuất phát từ việc khai thác trực
tiếp những yếu tố ngôn ngữ trong văn bản tác phẩm



Việc cảm thụ, phân tích văn học không xuất phát từ khâu tìm hiểu, khai
thác nội dung tư tưởng tác phẩm trực tiếp từ những yếu tố ngôn ngữ của văn
bản tác phẩm còn dẫn đến một thực trạng viết lan man, “tán” một cách sao
rỗng, áp đặt những cách hiểu suy diễn, chủ quan, vô căn cứ, không gắn với
tác phẩm, nhan nhản trong các bài làm văn của học sinh. Đề thi tuyển sinh đại
học – cao đẳng, khối D, năm 2002, yêu cầu bình giảng bốn câu thơ sau trong
bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
Rất nhiều thí sinh đã đành phải bó tay trước dạng đề này vì không hiểu
đoạn thơ. Ở những bài làm khá hơn, một số em có thể viết khá dài dòng về
sự lãng mạn của Xuân Diệu, về nỗi buồn mông lung vô cớ trong thơ ông,
thậm chí cả về những cách tân mới mẻ, sự “Tây hoá” cảm xúc và ngôn từ của
một nhà thơ hiện đại vào bậc nhất trong làng thơ Việt Nam hồi ấy, một nhà
thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, nhưng vẫn không thể nào chỉ rõ ra
được cụ thể bốn câu thơ đang miêu tả cái gì và qua sự miêu tả ấy đã thể hiện
vẻ đẹp trong cảm xúc của một tâm hồn thơ trước thiên nhiên tạo vật như thế
nào, trong khi, đây mới thật sự là cái đích nhận thức thẩm mĩ mà sự cảm thụ,
phân tích đoạn thơ cần phải đạt được.
Đề tuyển sinh khối D, năm 2003 (Câu 2) yêu cầu: “Phân tích những bức
tranh mùa thu trong đoạn thơ sau để làm rõ sự biến đổi tâm trạng của nhà
thơ:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy



Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Hầu hết các bài viết của thí sinh đều chỉ phân tích về “bức tranh mùa
thu” hoặc về mùa thu nói chung; đa số “tán” dông dài, có em còn viện rất
nhiều dẫn chứng về mùa thu trong thơ ca cổ, kim, đông, tây nhưng chẳng đả
động gì đến tác phẩm. Rất ít thí sinh đặt những bức tranh mùa thu và tâm
trạng tác giả trong dòng mạch cảm hứng chung về đất nước, vốn là dòng
mạch cảm hứng chủ đạo bao trùm, xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ Đất
nước của Nguyễn Đình Thi.
Tiếp nhận tác phẩm văn học từ các yếu tố ngôn ngữ
Một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên là phải xuất
phát từ những yếu tố ngôn ngữ để tìm hiểu, khám phá và phân tích tác phẩm
văn học. Đây cũng chính là con đường cảm thụ, phân tích văn học đi từ nghệ
thuật đến nội dung tư tưởng, lấy việc giảng nghệ thuật để phát hiện và làm
nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm – một vấn đề phương pháp đã từng
được giới nghiên cứu đề cập và bàn luận khá sôi nổi từ nhiều năm nay. Sở dĩ
nói xuất phát từ ngôn ngữ cũng đồng thời có nghĩa là xuất phát từ nghệ thuật
bởi vì, văn học là nghệ thuật ngôn từ”; tác phẩm văn chương là sản phẩm của
một loại hình nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu vừa để gửi gắm lại
vừa để phô diễn, giãi bày tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của chủ thể cảm xúc



trước các hiện tượng đời sống. Xét từ góc độ giao tiếp thì thông qua tác phẩm
của mình, nhà văn, nhà thơ thực hiện một sự giao tiếp xã hội và tác phẩm là
một dạng ngôn bản. sản phẩm của quá trình giao lưu đồng cảm và đồng sáng
tạo giữa tác giả với các thế hệ độc giả. Dẫu rằng cách diễn đạt, trình bày của
ngôn ngữ văn chương có những thuộc tính đặc trưng riêng biệt thế nào thì nó
vẫn không thể vượt ra ngoài phạm vi những khuôn phép, quy luật biểu đạt
của ngôn ngữ giao tiếp nói chung: Tuy nhiên, trong hoạt động giao tiếp đó,
quy trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học là hai con đường ngược
chiều nhau. Đó là quá trình “mã hoá” và quá trình “giải mã” lượng thông tin
tâm hồn. Nhà văn, nhà thơ xuất phát từ những cảm xúc, những trăn trở, suy
tư (tư tưởng – cảm xúc của tác giả) mà sáng tạo ra những hình tượng nghệ
thuật rồi dùng ngôn ngữ để diễn đạt, thể hiện hình tượng nghệ thuật và tư
tưởng ấy. Tác phẩm văn học đến với độc giả và đến lượt mình, người tiếp
nhận tác phẩm lại đi từ việc tiếp xúc với văn bản tác phẩm, thông qua các yếu
tố ngôn ngữ và thế giới hình tượng trong tác phẩm để phát hiện ra tư tưởng
nghệ thuật – những cảm xúc, những suy tư trăn trở của nhà văn, nhà thơ gửi
gắm trong đó (xem sơ đồ dưới đây). Nói theo cách nói của một nhà phê bình:
nhà thơ “gói” tâm tình của mình lại, còn nhà phê bình (độc giả) thì lại tìm cách
“mở” tâm tình ấy ra. Cả hai việc “gói” và “mở” ấy đều phải được thực hiện
bằng phương tiện ngôn ngữ – yếu tố trung tâm của tác phẩm văn học. Vì vậy,
tiếp nhận tác phẩm văn học từ các yếu tố ngôn ngữ có thể coi như chiếc chìa
khoá duy nhất để mở cánh cửa đi vào khám phá thế giới nghệ thuật của tác
phẩm, tìm hiểu tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhà văn, nhà thơ gửi gắm và
biểu hiện trong đó.

Quy trình sáng tạo văn học
TÁC GIẢ  TƯ TƯỞNG CẢM XÚC 
HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT  NGÔN NGỮ

Quy trình tiếp nhận văn học


TƯ TƯỞNG TÁC PHẨM  HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT 
NGÔN NGỮ  ĐỘC GIẢ

Dĩ nhiên, tiếp cận ngôn ngữ tác phẩm văn học không phủ nhận hay loại
trừ các phương pháp và con đường khác trong cảm thụ, phân tích văn học
như: tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, tìm hiểu lịch sử, những chi tiết đời tư của
tác giả, vận dụng các kiến thức xã hội, tri thức khoa học và lí luận văn học
hiện đại, tham khảo ý kiến của chính tác giả v.v… mà vẫn vận đụng, tích hợp
tất cả các phương pháp ấy trong nghiên cứu. Phương pháp phân tích, cảm
thụ tác phẩm văn học đi từ các yếu tố ngôn ngữ thực chất chỉ nhằm mục đích
hướng người đọc chú ý trực tiếp vào đối tượng nghiên cứu, lấy việc khai thác
văn bản làm căn cứ xác thực để phát hiện và suy luận trong nghiên cứu. Từ
kinh nghiệm thực tế của bản thân đã nhiều năm dạy và luyện thi môn Văn cho
đối tượng học sinh các lớp cuối cấp học phổ thông, dưới đây chúng tôi xin đề
cập đến một vài phương diện, thao tác cụ thể của phương pháp tiếp cận ngôn
ngữ tác phẩm văn học mà theo chúng tôi là có hiệu quả thiết thực, có thể giúp
người đọc hiểu được tác phẩm một cách có căn cứ, gây được hứng thú cho
học sinh trong các giờ dạy văn, học văn.
Phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa của từ ngữ
Trước hết, trong cảm thụ, phân tích văn học cần phải biết phát hiện và
hiểu đúng ý nghĩa của các từ ngữ trong tác phẩm. Đây chính là thao tác phát
hiện ở người tiếp nhận: phát hiện ra các từ ngữ cần thiết và phát hiện được ý
nghĩa tư tưởng chứa đựng (biểu hiện) trong các đơn vị từ ngữ ấy. Có thể đó
là những từ ngữ chứa đựng những ý nghĩa trừu tượng, khó hiểu nhưng cũng
có khi chúng chỉ là những từ ngữ hết sức thông thường. Đã thành một thói
quen trong giới nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm văn học, cứ nói đến việc khai
thác từ ngữ là người ta nghĩ ngay đến “nhãn tự”, tức là những chữ có “thần”,

những từ ngữ chứa đựng nhiều thủ pháp nghệ thuật (ẩn dụ, hoán dụ, chơi
chữ, khoa trương v.v…), thể hiện dụng công của tác giả. Điều ấy quả không
sai, nhưng như thế sẽ bỏ sót rất nhiều từ ngữ mà thiếu nó, tư tưởng nghệ


thuật của tác phẩm không thể nào nổi bật lên được. Bởi vì, cùng với các hình
tượng nghệ thuật, nhiều khi cảm xúc và tư tưởng của nhà văn, nhà thơ còn
được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ bình thường. Lại cũng có trường
hợp, do sự mẫn cảm ngôn ngữ đặc biệt và năng lực ngôn ngữ tiềm tàng, nhà
văn, nhà thơ - những nghệ sĩ ngôn từ – đã “vô tình” đem đến cho các từ ngữ
bình thường những phẩm chất nghệ thuật mới, những khả năng biểu đạt đặc
biệt, tạo nên những chữ “xuất thần” mà có khi, chính người sử dụng nó cũng
không ngờ tới. Nhưng vì có vẻ “bình thường” nên người đọc rất dễ bỏ qua khi
nghiên cứu tác phẩm. Người cảm thụ, phân tích văn học, với tư cách là người
đồng sáng tạo với chủ thể cảm xúc, vừa phải biết phát hiện những từ ngữ
chứa đựng các biện pháp tu từ, đồng thời cũng vừa phải biết phát hiện cho
thật trúng và không để lọt những từ ngữ bình thường nhưng lại có giá trị biểu
đạt “xuất thần” ấy. Trở lại bốn câu thơ trên trong bài Đây mùa thu tới thì, riêng
ở nhan đề bài thơ, người đọc cần phải đặc biệt chú ý đến chữ tới – một chữ
quả là rất bình thường, nhưng nếu bị bỏ qua thì tư tưởng cơ bản của tác
phẩm cũng không thể nói rõ được. Bởi vì, bài thơ không chỉ nói về mùa thu
chung chung, mà chủ yếu nhằm thể hiện những xúc cảm tinh tế của chủ thể
trữ tình trước cái khoảnh khắc chuyển mùa của thiên nhiên tạo vật lúc thu
sang: Đây (là một) mùa thu (đang) tới. Bám sát vào một số từ ngữ trong khổ
thơ đó như: vườn, hoa đã rụng cành, sắc đỏ rũa màu xanh, nhánh (cây) khô
gầy… chúng ta sẽ nhận ra ngay đây là bốn câu thơ tập trung miêu tả khung
cảnh một vườn thu. Để ý kĩ chút nữa, chúng ta sẽ phát hiện ra sự quan sát rất
tinh tế của một tâm hồn thơ, thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo, mới lạ của
rất nhiều từ ngữ bình thường ở đoạn thơ này. Nét đặc trưng của mùa thu là
cảnh lá rụng hoa tàn. Nhưng vì thu mới ở vào độ thu tới, thu sang, lúc thời tiết

còn đang chuyển giao từ mùa hạ nóng nực sang mùa thu se lạnh nên sự tàn
rụng ấy cũng chưa nhiều. Trong vườn mới chỉ có hơn một loài hoa đã rụng
cành. “Hơn một” có nghĩa là chưa nhiều lắm, chỉ mới vài ba loài hoa chớm lụi
tàn, còn “đã rụng” nghĩa là sự rụng tàn chỉ mới xảy ra mà thôi. Những sắc lá
úa vàng của mùa thu đang lấn dần màu xanh, làm cho màu xanh bị rũa dần
đã từng tí một. Rũa ở đây là một động từ tiếng Việt, chỉ hoạt động bào mòn,


chứ không phải là sự rữa nát, cũng không phải từ rủa (sắc đỏ rủa màu xanh),
với nghĩa là càu nhàu, chửi rủa hay đối ngược, học theo cách diễn đạt của
tiếng Pháp như có người vẫn nghĩ. Và đôi nhánh cây (chỉ “đôi nhánh” thôi chứ
chưa nhiều) đã bị rụng lá, trơ trọi như những chiếc xương khô gầy mỏng
mảnh trong làn gió se lạnh lúc đầu thu… Rõ ràng những chữ “hơn một”, “đã
rụng cành”, “đôi nhánh”, “rũa” đâu phải là những biện pháp tu từ từ vựng hay
những thủ pháp nghệ thuật tân kì? Những chính nhờ những chữ ấy mà thiên
nhiên, cảnh vật bỗng trở nên hết sức sinh động, gợi cảm. Ta bỗng nhận thấy
một mùa thu mới xôn xao hiện về và một cặp mắt xanh non, ngơ ngác, một
tâm hồn thơ tinh tế, nhạy cảm cũng đang khẽ rung lên trước mỗi biến thái tinh
vi, mong manh, huyền diệu của thiên nhiên tạo vật lúc chuyển mùa…
Một ví dụ khác, trong bài thơ Đất Nước (trích Chương V, trường ca Mặt
đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm, nếu không chú ý đến các chữ bình
thường và một cấu trúc ngữ pháp phổ biến của kiểu câu định nghĩa được lặp
đi lặp lại rất nhiều lần trong toàn bộ Phần I của bài thơ như: “đất nước đã có
rồi”, “đất nước có trong”, “đất nước bắt đầu”, “đất nước lớn lên”, “đất nước có
từ”, “đất là”, “nước là”, “đất nước là”..: thì sẽ không thể phát hiện ra ý tưởng
và sự cảm nhận độc đáo của tác giả về đất nước. Bằng việc đưa ra những sự
vật, hiện tượng rất bình dị mà gắn bó sâu sắc với đời sống và tinh thần, tình
cảm của mỗi con ngời tự thuở ấu thơ để định nghĩa về đất nước, Nguyễn
Khoa Điềm đã đưa ra một quan niệm hết sức giản dị nhưng không kém phần
mới mẻ: đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng mà là những gì

gần gũi, thân thuộc, là sự sống, máu thịt và tinh thần của mỗi con người nên
mỗi người đều phải có trách nhiệm với đất nước, bởi vì trách nhiệm với đất
nước cũng là trách nhiệm với chính sự sống của bản thân mình. Khi phân tích
đoạn thơ tiếp theo ở Phần II:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng
Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại


Chín mươi chín con voi góp mình dựng thành đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà
Điểm…
thì người phân tích cần phải biết phát hiện và bám vào khai thác động
từ “góp” lặp đi lặp lại ở mỗi dòng thơ: góp, góp cho, góp nên, góp mình… Đây
là một từ tuy được sử dụng hết sức thông thường, không chứa đựng bất kì
một thủ pháp nghệ thuật nào nhưng lại có khả năng biểu đạt rất tập trung cô
đọng, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của tác giả về vai trò, sứ mệnh, những hi
sinh đóng góp to lớn của nhân dân đối với đất nước.
Phát hiện đúng các từ ngữ, hình ảnh cần thiết trong tác phẩm gắn liền
với yêu cầu phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa cửa các từ ngữ, hình ảnh ấy.
Không phát hiện được ý nghĩa hoặc hiểu không đúng ý nghĩa của các đơn vị
ngôn ngữ đều dẫn đến những cách hiểu sai lầm trong cảm thụ, phân tích tác
phẩm văn học. Không hiểu đúng ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ còn khiến
cho tác phẩm trở nên khó hiểu, làm giảm sút niềm hứng thú của đối tượng
tiếp nhận trong khi theo dõi tác phẩm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, giờ dạy
văn sẽ sôi động hẳn lên khi tác phẩm trở nên dễ hiểu dưới sự dẫn dắt, gợi

mở và phân tích của thầy giáo. Các em học sinh đều tỏ ra hứng khởi và chăm
chú theo dõi hơn khi phát hiện trúng ý nghĩa của một từ ngữ, hình ảnh trong
tác phẩm mà vốn trước đây các em chưa hiểu được hoặc chưa ngờ tới.
Chẳng hạn, khi phân tích hai câu thơ.
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
thì, câu thơ trên sẽ hoàn toàn dễ hiểu và sẽ gây được sự chú ý theo dõi
của học sinh nếu biết gợi ý cho các em hiểu “cành hoang” nghĩa là những


cành cây rụng lá vào mùa thu. Ngược lại, nếu không làm sáng tỏ được ý
nghĩa của hai từ đó thì dẫu thầy cô giáo có phân tích bao nhiêu đi nữa, sự
phân tích ấy cũng không đủ sức thuyết phục, không làm đọng lại nơi tâm hồn
các em những ấn tượng sâu sắc. Bởi vì, khi không hiểu ý nghĩa của từ ngữ,
trí tưởng tượng của các em không thể hình dung được các hình ảnh miêu tả
trong tác phẩm – một trong những đặc trưng quan trọng nhất của hoạt động
nhận thức, cảm thụ văn học:
Nhưng các từ ngữ, hình ảnh trong tác phẩm văn học thường chứa
đựng nhiều loại ý nghĩa: nghĩa gốc, nghĩa chuyển, nghĩa đen, nghĩa bóng,
nghĩa sự vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu cảm… Khai thác loại ý nghĩa nào là
tuỳ ở sự nhạy cảm của người nghiên cứu, song nguyên tắc chung là phải khai
thác những ý nghĩa phù hợp với chủ đề tư tưởng tác phẩm và cảm xúc của
tác giả. Chẳng hạn, trong đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ.
(Quang Dũng, Tây Tiến)
Đối với cụm từ “hội đuốc hoa”, hướng khai thác chỉ nên tập trung vào ý
nghĩa biểu thị nét lãng mạn trong cảm xúc của Quang Dũng. Đây là đoạn thơ

tác giả hồi tưởng về một đêm liên hoan văn nghệ của đơn vị Tây Tiến tại một
bản làng nơi đóng quân. Nhưng trong nỗi nhớ về đơn vị cũ, nhà thơ đã gọi kỉ
niệm đó bằng cái tên “hội đuốc hoa” – với ý nghĩa chỉ hội cưới và cái đêm
“động phòng hoa chúc” của một đời người. Đó quả là một liên tưởng hết sức
lãng mạn mà có lẽ chỉ những người lính Tây Tiến tài hoa như Quang Dũng
mới có được những xúc cảm như vậy.
Trong nhiều trường hợp, chủ đề tư tưởng của tác phẩm thường được
biểu hiện qua những ý nghĩa biểu trưng của một vài từ ngữ, hình ảnh nào đó
trong tác phẩm. Chẳng hạn, Đôi mắt là một tên truyện bộc lộ trọn vẹn chủ đề


tác phẩm. “Đôi mắt” là biểu tượng cho cách nhìn và lập trường tư tưởng, thái
độ của người cầm bút đối với con người và cuộc kháng chiến cứu nước của
dân tộc. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, “Tây Bắc” là tên
một vùng đất xa xôi của Tổ quốc nhưng cũng là biểu tượng cho cuộc sống
cần lao rộng lớn, còn nhiều gian khó của nhân dân. “Con tàu” là hình ảnh của
một tâm hồn thơ đang trong hành trình từ bỏ cái tôi cô đơn, đóng khép để trở
về hoà nhập, gắn bó với cuộc đời của nhân dân, đất nước. Hình ảnh ấy chỉ
xuất hiện ở phần đầu và phần cuối của bài thơ. Ở phần đầu bài thơ, con tàu
là một nỗi lòng khao khát, hăm hở, một lời mời gọi lên đường; còn ở phần
cuối bài thơ (nghĩa là khi con tàu đã đến được nơi cần đến), thì đó là một
khúc hát mê say, lôi cuốn và lãng mạn. Do đó, Tiếng hát con tàu cũng là cách
nói hình ảnh thể hiện chủ đề tư tưởng của bài thơ: tiếng hát thiết tha, sôi nổi
và sâu lắng của những tâm hồn thơ trong hành trình tìm về với cuộc sống lớn
của nhân dân đất nước, tìm về với cội nguồn của những cảm hứng thơ ca
chân chính, đích thực. Trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, ý nghĩa biểu
trưng của hình ảnh con sóng cũng đồng thời chính là chủ đề tư tưởng của bài
thơ, thể hiện khát vọng hạnh phúc và những biểu hiện tâm hồn đẹp đẽ của
người phụ nữ Việt Nam mới trong tình yêu. Trong Mảnh trăng cuối rừng của
Nguyễn Minh Châu, hình ảnh “mảnh trăng” là một hình ảnh có ý nghĩa biểu

trưng cho Vẻ đẹp lấp lánh như những viên ngọc nhưng còn tiềm tàng, ẩn giấu
trong bề sâu tâm hồn con người Việt Nam thời đánh Mĩ. Cái vẻ đẹp ấy cũng là
cội nguồn cảm hứng và ý tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu
mà qua nhân vật chính của thiên truyện - Nguyệt, cô thanh niên xung phong
đẹp người đẹp nết trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt – nhà văn đã tìm
thấy được cái ánh sáng lung linh, huyền diệu, đậm màu sắc lí tưởng của nó…
Phải nắm được các đặc trưng của ngôn ngũ thơ.
Riêng đối với tác phẩm thơ, người cảm thụ, phân tích cần phải nắm
được những đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Khác với ngôn ngữ trong giao tiếp
thông thường, do đặc trưng thể loại, ngôn ngữ thơ thường có một con đường
riêng trong cách biểu hiện và diễn đạt. Đã có nhiều công trình nghiên cứu vấn


đề này. Ở đây chúng tôi xin chỉ đề cập đến một vài điểm chủ yếu. Do nguyên
tắc kiệm lời, ngôn ngữ thơ có tính chất dồn nén, hàm súc và đa nghĩa. Về mặt
cấu trúc, nhiều khi các yếu tố ngôn ngữ không được hiện diện đầy đủ trên bề
mặt văn bản của tác phẩm thơ, hoặc là trong một câu thơ, trật tự các yếu tố
ngôn ngữ không tuân theo những cách diễn đạt thông thường. Nói theo cách
của nhà thơ Ngô Minh thì nhiều khi, “khoảng cách giữa câu thơ đòng trên và
câu thơ tiếp theo không phải theo thứ tự 1, 2, 3… nữa, mà nhảy cóc từ 1 đến
10, 20… Tức là khoảng “lặng” giữa các câu thơ mà nhà thơ dành cho người
đọc tự do nghĩ ngợi, càng rộng thì độ nén của thơ càng cao”. Như những
khoảng lặng giữa các khổ thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và
giữa các câu thơ của hai khổ cuối trong bài thơ ấy là một ví dụ. Kinh nghiệm
của một số nhà nghiên cứu khi gặp những trường hợp như vậy thường tìm
cách đưa những câu thơ trở về với cách diễn đạt thông thường, tức là chuyển
những câu thơ có cấu trúc đặc biệt thành cách diễn đạt của văn xuôi, như
thêm vào một số từ ngữ hoặc làm hiện diện những yếu tố bị tỉnh lược, khiếm
diện trong câu thơ (đoạn thơ), hoặc đảo trật tự các từ ngữ trong câu thơ theo
trật tự của câu văn xuôi v.v… Ngôn ngữ học gọi thủ pháp này là “phép thử”.

Trong thực tế giảng dạy, phân tích thơ, phép thử ấy nhiều khi tỏ ra rất hữu
hiệu, nhất là đối với các em học sinh. Nó gợi mở trí tưởng tượng, lấp đầy các
“khoảng trống” ngữ nghĩa giữa các câu thơ để người đọc có thể hiểu và cảm
thụ chúng. Chẳng hạn, có những câu thơ mới đọc tưởng chừng rất khó hiểu,
song chỉ cần diễn đạt lại câu thơ dưới dạng văn xuôi, lập tức có thể phát hiện
ngay được ý nghĩa lấp lánh của nó. Trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu, học
sinh thường bị “vấp” ngay từ những câu thơ đầu tiên:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Song nếu làm một phép thử ngôn ngữ học là đảo trật tự hai câu thơ và
diễn đạt chúng bằng văn xuôi: “Trên cành cây me có đôi chim chuyền cành ríu
rít, khiến cho cành cây me trở thành nhánh duyên, còn không gian của buổi
chiều thu bỗng biến thành một không gian thơ mộng (của những lứa đôi)”, thì


câu thơ đầu tiên sẽ trở nên hoàn toàn dễ hiểu và hình ảnh về bức tranh buổi
chiều thu đậm đà màu sắc duyên tình tươi vui như thể đã hiển hiện khá sinh
động ngay trước mắt người đọc.
Hay như khi phân tích những câu thơ “hai giọng” (trong bài Tống biệt
hành của Thâm Tâm) thể hiện cái khẩu khí cứng cỏi, khí phách ngang tàng
của người li khách giã nhà theo “chí nhớn”:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình, một dửng dưng…
– Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Giáo sư Trần Đình Sử viết: “Từ ngữ trong câu dồn nén, có nhiều tỉnh
lược, giữa các dòng thơ có nhiều khoảng trống, tạo thành một vẻ ám ảnh bí
ẩn, không dễ gì thuyết minh cho thông (…). Có nhiều chỗ tối nghĩa, phải thêm

chữ vào mới hiểu được. Chẳng hạn, Chí nhớn: chưa về (nếu) bàn tay không.
(Chưa thành công) thì không bao giờ nói trở lại… (Dẫu có là) Ba năm, (thì)
mẹ già cũng đừng mong”.
Thủ pháp này cũng có thể dùng để nhận diện cấu trúc những đoạn thơ,
câu thơ có cách diễn đạt lạ, độc đáo, qua đó phát hiện mạch cảm xúc, suy
tưởng của chủ thể trữ tình. Chẳng hạn, với đoạn thơ sau trong bài Vội vàng
của Xuân Diệu:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.


Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Trước hết, phải thấy rằng, “này đây” là một cụm từ mà về mặt ý nghĩa
và chức năng cú pháp, nó chỉ tương đương với một đại từ chỉ vị trí ở gần,
ngay phía trước mặt người nói: “này” hoặc “đây”. Về cấu trúc, hầu hết các câu
thơ trong đoạn thơ trên đều không tuân theo trật tự ngữ pháp thông thường;
toàn bộ đoạn thơ là một phép so sánh trùng điệp, trong đó vế 2 – cái dùng để
so sánh – là liên tiếp những hình ảnh được miêu tả ở mỗi câu thơ, còn vế 1 –
cái. được so sánh – bị ẩn đi, không hiện diện. Để hiểu ý nghĩa tư tưởng, cảm
xúc được biểu đạt ở đoạn thơ này, chúng ta hãy thiết lập lại trật tự văn xuôi
của các câu thơ, chỉ sử dụng một từ “này” hoặc “đây” theo cách diễn đạt
thông thường và hiện thực hoá vế 1 là “cuộc đời”, ta sẽ có những câu văn
xuôi được diễn đạt như sau:
VẾ 1:

VẾ 2:


CÁI ĐƯỢC SO SÁNH

CÁI DÙNG ĐỂ SO SÁNH

Cuộc đời này

như là

– tuần tháng mật của bướm ong
– hoa của đồng nội xanh rì
– lá của cành tơ phơ phất
– khúc tình si của yến anh
– ánh chớp của hàng mi
– tháng giêng của mùa xuân…

Dễ dàng nhận ra đây là đoạn thơ thể hiện sự cảm nhận của nhà thơ về
cuộc đời và sự sống trần thế. Dưới cặp mắt xanh non háo hức và đầy vui
sướng của Xuân Diệu, sự sống trần thế luôn là một thế giới hết sức tươi đẹp,
đẫm nhạc, đẫm hương thơm, đầy màu sắc và tình ái, đầy ánh sáng và âm
nhạc… Tất cả như đang bày ra trước mặt, ngay trong tầm tay của mỗi người
và dâng đón, chào mời…


Ở khổ thơ cuối bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, lấy chất liệu từ một
thực tế ở chiến trường Điện Biên Phủ trong trận đánh chiếm đồi A1, giữa cái
nắng hè gay gắt, dưới ánh chớp lửa đạn rực trời, trưa ngày 7/5/1954, các
chiến sĩ ta từ các chiến hào, mình đầy bùn đất, sau “Năm mươi sáu ngày đêm
khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng,
chí không mòn…” (Tố hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên) đã ào ạt xông lên

chiếm cao điểm cuối cùng của giặc, giải phóng hoàn toàn Điện Biên, kết thúc
thắng lợi cuộc kháng chiến, nhà thơ đã tạo nên một hình ảnh biểu trưng khái
quát về Đất Nước kháng chiến:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy, sáng loà
Tuy nhiên, không phải người đọc thơ nào cũng nhận ra ngay cách diễn
đạt biểu trưng ấy, nhất là đối với các em học sinh phổ thông. Vì vậy, khi phân
tích, giảng giải, có thể dùng phép thử của ngôn ngữ học, thêm quan hệ từ
biểu thị ý so sánh “như” vào cuối hai câu thơ đầu để hiện rõ cách diễn đạt
biểu trưng của khổ thơ: bốn câu thơ đã dựng nên bức tượng đài sừng sững
về một Đất Nước kháng chiến từ trong đau thương uất hận, từ trong máu lửa
bùn lầy đã anh dũng đứng dậy chói loà trong niềm tin và chiến thắng.
Một điểm khá quan trọng khi cảm thụ, phân tích thơ mà chúng tôi muốn
đề cập ở đây là vấn đề tìm hiểu mạch lạc của tư tưởng – cảm xúc và cấu trúc
bài thơ. Để hiểu một tác phẩm thơ, ngươi đọc phải cảm thụ, theo dõi được cái
mạch vận động, phát triển của tư tưởng, cảm xúc trong toàn bộ bài thơ mà
ngôn ngữ học gọi là mạch lạc của một tác phẩm thơ. Mạch lạc là một khái
niệm ngôn ngữ học thuộc lĩnh vực phân tích diễn ngôn và có liên quan trực
tiếp tới cấu trúc văn bản của tác phẩm: “Dễ nhận thấy là văn bản văn học
mang tính mạch lạc một cách rõ ràng hơn là hội thoại thường ngày, cũng có
nghĩa là người cầm bút chú ý nhiều hơn tới sự cấu trúc bài viết của mình.


Khái niệm mạch lạc đối với cấu trúc của văn bản là một trong những khái
niệm quan trọng của người cầm bút”. “Người cầm bút” ở đây trước hết là tác
giả, chủ thể sáng tạo văn bản tác phẩm thơ và sau đó là “phận sự của người
đọc”. Theo dõi được mạch lạc của tư tưởng, cảm xúc thơ, chỉ ra được cấu
trúc văn bản của tác phẩm thơ chính là “một phần trong quá trình đọc”, hơn

nữa còn là một phần hết sức quan trọng, bởi từ đó người đọc nắm được
những gì cốt lõi và cảm thụ được tinh thần cơ bản của bài thơ. Thực ra, việc
tìm hiểu mạch lạc và cấu trúc bài thơ cũng đã được tiến hành thông qua việc
phân tích bố cục, cách chia đoạn bài thơ, một công việc khá quen thuộc trong
phân tích, giảng dạy các tác phẩm thơ (và tác phẩm văn học nói chung) trong
nhà trường phổ thông. Bởi vì, bố cục và mạch lạc trong cấu trúc tác phẩm có
quan hệ với nhau một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, bố cục chỉ là cái biểu hiện
bên ngoài của cảm xúc, tư tưởng; nó thuộc về hình thức của cấu trúc tác
phẩm. Còn mạch lạc mới chính là trình tự bên trong của dòng mạch cảm xúc;
đó là cái dòng chảy tư tưởng, tình cảm chạy suốt bài thơ; nó thuộc về cái lô
gích bên trong cấu trúc của tác phẩm thơ. Nhìn chung, có hai cách cấu trúc
bài thơ: cấu trúc theo kiểu khai triển đề tài và cấu trúc theo mạch phát triển
tâm trạng cảm xúc của chủ thể trữ tình. Cấu trúc của các bài thơ Đây mùa thu
tới, Đất nước, Bên kia sông Đuống… có thể coi như thuộc kiểu thứ nhất. Còn
cấu trúc của các bài thơ Tống biệt hành, Đây thôn Vĩ Dạ, Sóng, Tiếng hát con
tàu… là thuộc kiểu thứ hai. Có thể cụ thể hoá cấu trúc bài thơ Đây mùa thu
tới của Xuân Diệu thông qua mối quan hệ giữa bố cục và mạch lạc như sau:
BỐ CỤC

MẠCH LẠC

Đoạn 1: Tín hiệu báo

Sự hồ hởi, vui sướng của nhà thơ khi nhận ra

thu và tâm trạng con

dấu hiệu của mùa thu qua dáng vẻ thướt tha,

ngươi lúc thu sang.


yểu điệu của những hàng liễu rủ dưới sắc nắng

(Khổ thơ đầu)

chiều thu vàng nhạt.

Đoạn 2: Toàn cảnh

Cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những

thiên nhiên, đất trời

biến thái hết sức tinh vi, mong manh, nhỏ nhặt

lúc vào thu.

của thiên nhiên, tạo vật lúc vào thu qua những
hình ảnh: vườn thu, trăng thu, núi thu – sương


(Ba khổ thơ cuối)

thu, rét thu, sông thu – đò thu, bầu trời thu
(mây, chim, khí trời), thiếu nữ thu.

Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi có bố cục gồm ba phần:
Đoạn 1: Khung cảnh mùa thu Hà Nội những năm dài nô lệ trước Cách
mạng tháng Tám.
Đoạn 2: Khung cảnh mùa thu đất nước có độc lập, tự do từ sau Cách

mạng tháng Tám.
Đoạn 3: Hình ảnh đất nước đau thương đã đứng dậy và ngời sáng
trong suốt cuộc kháng chiến trường kì. Bố cục đó được xây dựng dựa trên cơ
sở của dòng mạch tư tưởng - cảm xúc chung về đất nước xuyên suốt trong
toàn bộ bài thơ: Khơi nguồn cho niềm xúc cảm và những suy tư về đất nước
là không gian trong trẻo và mùi hương cốm mới rất đặc trưng của một buổi
sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến gợi nhớ về những mùa
thu đất nước trong quá khứ:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
“Những ngày thu đã xa” ấy là những ngày đất nước còn chìm đắm
trong vòng nô lệ trước Cách mạng tháng Tám, mà hình ảnh biểu trưng là
khung cảnh mùa thu Hà Nội. Hà Nội vào thu: đất nước qua cái nhìn lãng mạn
của Nguyễn Đình Thi vẫn rất đẹp, gợi cảm và đầy khí phách nhưng không
tránh khỏi buồn vắng, hiu hắt:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.


Từ niềm hoài niệm đó, nhà thơ trở về với niềm vui phơi phới và niềm tự
hào sâu lắng trước khung cảnh một đất nước có truyền thống bất khuất, đã
có độc lập tự do sau Cách mạng:
… Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất…
Cuối cùng là những suy tư về hình ảnh đất nước trong cuộc kháng
chiến trường kì, một đất nước đau thương, uất hận vì chiến tranh tàn phá
nhưng vẫn hết sức anh dũng, bất khuất và ngời sáng trong niềm tin chiến
thắng:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

(…) Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh nhìn hình thức và thi tứ thì có vẻ phóng
túng, tự do nhưng từ chiều sâu của tư tưởng và cảm hứng, người đọc vẫn có
thể nhận thấy rất rõ sự mạch lạc của dòng cảm xúc được triển khai một cách


khá giản dị theo cái lô gích diễn tiến rất tự nhiên của tình cảm: bắt đầu từ
những khát vọng mãnh liệt về một tình yêu chân chính, không chấp nhận
những tình cảm nhỏ hẹp, vị kỉ (Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể/
Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ), dẫn đến những suy tư đầy xúc
động về các trạng thái tâm hồn trong tình yêu ấy như: sự băn khoăn, trăn trở
về nguồn cội của tình yêu (Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng
không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau); nỗi nhớ nhung tha thiết, mãnh liệt của
một tình yêu chân chính (Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được…/
Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương); niềm hi vọng tin tưởng
(Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ…) và cuối cùng là khát vọng

được hi sinh, dâng hiến, được sống hết mình cho tình yêu đó (Làm sao được
tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn
vỗ).
Cấu trúc bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm theo sát mạch vận
động, phát triển tâm trạng của chủ thể trữ tình – người đưa tiễn: bắt đầu là
những băn khoăn trước thái độ và tình cảm của li khách trong giờ phút chia
tay: Sao có tiếng sóng (…)/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong/ Đưa người ta
chỉ đưa người ấy…, tiếp đến là những hồi tưởng về cảnh ngộ của người ra đi:
Ta biết người buồn (...) và cuối cùng là lòng ngưỡng vọng, cảm phục đối với
tinh thần trượng nghĩa cùng những tình cảm đầy nhân tính của li khách trong
thời đại ý thức về cái tôi đã được thức tỉnh: Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
v.v…
Như vậy, nếu chỉ dừng lại ở bố cục thì sự cảm thụ và phân tích vẫn còn
đang ở giai đoạn chia cắt bài thơ thành những bộ phận biểu thị nội dung,
chưa thấy được cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, đặc biệt là chưa theo dõi được
mạch vận động, phát triển tư tưởng – cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài
thơ. Phân tích được cấu trúc tác phẩm, theo dõi được mạch lạc tư tưởng,
cảm xúc và thi tứ của bài thơ cũng tức là người đọc đã có thể rung cảm, đồng
điệu được với những xúc động, những trăn trở, suy tư của nhà thơ từ trong
chiều sâu chỉnh thể tác phẩm..


2. THỜI GIAN VỚI Ý NGHĨA HAI CHỮ “VỘI VÀNG” CỦA XUÂN
DIỆU
Trong tập Gửi hương cho gió (1945) Xuân Diệu đã viết những câu thơ
thật giàu hình ảnh về thời gian:
Thời gian rót từng giọt buồn tê héo
Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều…
Thời gian vốn là một tồn tại khách quan của tự nhiên. Đó là một đại
lượng vật chất không ngừng biến đổi, diễn ra một chiều, một đi không trở lại,

giống như một dòng chảy vô tình… Nhưng chính nhờ sự cảm nhận của con
người mà thời gian trở nên có ý nghĩa. Trong tác phẩm văn học, mỗi nhà văn,
nhà thơ xuất phát từ một “điểm nhìn” nhất định sẽ có những cách chiếm lĩnh
và thể hiện thời gian khác nhau. Thi pháp học hiện đại gọi đó là thời gian
nghệ thuật. “Thời gian được cảm nhận bằng tâm lí và mang ý nghĩa thẩm mĩ
(…), là hình thức cảm nhận thế giới của con người gắn liền với một quan
niệm nhất định về thế giới”. Độ dài ngắn của thời gian nghệ thuật thường
được đo bằng tâm lí và trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình: Trăm năm thì
ngắn, một ngày dài ghê (Tản Đà), Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại
một ngày dài ghê (Nguyễn Du) v.v… Sự cảm nhận thời gian trong thơ Xuân
Diệu bắt nguồn từ nét đặc sắc trong quan niệm và tư tưởng nghệ thuật độc
đáo của thi nhân. Trong các nhà thơ mới trước Cách mạng, Xuân Diệu là một
hồn thơ yêu đời và sống mãnh liệt nhất. Hồn thơ ấy luôn thể hiện khát vọng
được sống, được yêu trong một niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc
đời và thiên nhiên tạo vật. Tác giả Thi nhân Việt Nam nhận xét: “Thơ Xuân
Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ
này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống
cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như
khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết (…). Sự bồng bột của Xuân Diệu có
lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”. Thi
sĩ có thể cảm nhận được một cách rất tinh tế những sự chuyển vận của thiên


nhiên cùng bước đi của thời gian. Tiếng gõ nhịp thời gian thường tạo ra trong
thơ Xuân Diệu sự rung động và những cảm xúc riêng:
Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu,
Êm đềm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn….
(Chiều)

Nhưng nét độc đáo nhất trong sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu
là ông luôn có những xúc cảm thật mạnh mẽ về sự đối lập giữa thời gian của
vũ trụ vô biên với thời gian hữu hạn của cuộc đời mỗi con người. Hơn hai hết,
vị “Tao đàn nguyên suý” của phong trào Thơ mới này ý thức được một cách
thật sâu xa về giới hạn ngắn ngủi của đời người trước thời gian một đi không
trở lại. Trước sự chảy trôi của thời gian, Xuân Diệu có những cảm nhận thật
xót xa, thấm thía:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nêu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi…
(Vội vàng)
Ý thức về thời gian như thế nên trong thơ Xuân Diệu, thời gian thường
gắn liền với những dự cảm về sự tàn phai, mất mát và xa cách:
Thong thả, chiều vàng thong thả lại…
Rồi đi… Đêm xám tới dần dần…
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng, những mùa xuân.


(Giờ tàn)
Nỗi sợ thời gian chảy trôi ấy khiến cho thi sĩ có thể cảm nhận được một
cách tinh tế những sắc màu tàn phai, những hương vị chia li sầu tủi ẩn náu
trong bước đi của thời gian: Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi/ Khắp sông
núi bỗng than thầm tiễn biệt (Vội vàng). Xuân Diệu có những dự cảm thật mới
lạ, độc đáo: Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt (Giục giã), nên ông tỏ ra rất thấu
hiểu những “lí lẽ ngang ngạnh” của thời gian:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua;
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già;

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
(Vội vàng)
Với Xuân Diệu, thời gian trở thành một nguy cơ, luôn chứa đựng sự bất
trắc. Thời gian làm cho mọi thứ trở nên không vững bền:
Hết ngày, hết tháng, hết! Em ơi!
Kinh hãi không gian quặn tiếng còi
Anh đến tìm em, em thấy đó
Sắp xa, thôi cũng tựa xa rồi!
(Hết ngày, hết tháng…)
Ý thức về thời gian đời người ngắn ngủi, hữu hạn luôn tạo ra trong thơ
Xuân Diệu những linh cảm bất an và một nỗi lo sợ luôn thường trực trong thơ
ông: sợ tương lai, sợ ngày mai:
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.
(Giục giã)
Trong thơ Xuân Diệu, tương lai, ngày mai đã trở thành “lực lượng thù
địch với hạnh phúc, tuổi xuân của con người” (Trần Đình Sử). Nhưng là một
nhà thơ tha thiết với sự sống trần thế, Xuân Diệu vẫn có những xúc cảm hết


sức sôi nổi trước cuộc đời. Khi đối diện với thời gian, nếu hầu hết các nhà thơ
mới đều muốn thoát li thực tại, thì bằng cảm quan thẩm mĩ tích cực và độc
đáo, Xuân Diệu luôn tìm thấy cái đẹp ngay giữa cuộc đời trần thế. Nhà thơ
Chế Lan Viên nhận xét: “Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ
giới”. Cảm xúc về cuộc đời trong Vội vàng là nỗi sung sướng, vồ vập trước
một thế giới tươi non, đầy mật ngọt, hoa thơm, đầy tình ái, ánh sáng và âm
nhạc… tất cả đều cuốn hút, say mê. “Nhà thơ như thể đã phát hiện ra một
thiên đường có thật ngay trên mặt đất này, trong tầm tay của mỗi người” (Trần
Đình Sử). Qua cách diễn đạt độc đáo của Xuân Diệu, thiên đường ấy như thể
đang bày sẵn trước mắt mọi người:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
“Này”, “đây” là những đại từ chỉ định không gian gần, ở ngay trước mặt,
trong tầm tay, được dùng kết hợp theo lối song trùng tạo thành một cụm từ
đồng chức năng “này đây”, khiến cho cấp độ ý nghĩa của các thành tố được
nhấn mạnh thêm. Những chữ “này đây” ấy lại được dùng theo phương thức
đảo ngữ và lặp đi lặp lại trong mỗi dòng thơ, tạo thành một điệp khúc, có tác
dụng diễn tả rất đạt những xôn xao, náo nức của tâm hồn nhà thơ. Bởi vì,
đằng sau mỗi chữ “này đây” ấy đều là những hình ảnh đầy sinh khí của tình
yêu và sự sống: này đây là tuần tháng mật, này đây là hoa của đồng nội xanh
rì, này đây là lá của cành tơ phơ phất và này đây là khúc tình si… Người đọc
như thấy được cả cái háo hức của chính tâm hồn nhà thơ, một nhà thơ ham
sự sống nên luôn nhìn nó trong trạng thái sinh sôi, nảy nở và giàu sức sống
nhất. Và với Xuân Diệu, cái đẹp nhất của thế giới này vẫn là những vẻ đẹp
của con người:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;


×