Tải bản đầy đủ (.pdf) (27 trang)

Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời sống tinh thần của người dân Việt Nam hiện nay (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (369.92 KB, 27 trang )

HC VIN CHNH TR QUC GIA H CH MINH

HONG THU TRANG

ảNH HƯởNG CủA ĐạO ĐứC NHO GIáO ĐốI VớI
ĐờI SốNG TINH THầN CủA NGƯờI VIệT NAM HIệN NAY

TểM TT LUN N TIN S
CHUYấN NGNH: CH NGHA DUY VT BIN CHNG
V CH NGHA DUY VT LCH S
Mó s: 62 22 03 02

H NI - 2017


Công trình được hoàn thành tại
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Nguyễn Thế Kiệt
2. TS. Phan Mạnh Toàn

Phản biện 1:.........................................................
.........................................................

Phản biện 2:.........................................................
.........................................................

Phản biện 3:.........................................................
.........................................................

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Học viện


họp tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Vào hồi...... giờ....... ngày...... tháng...... năm 2017

Có thể tìm hiểu luận án tại: Thư viện Quốc gia và
Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nho giáo là một trong những trào lưu triết học Trung Hoa cổ đại do Khổng Tử
(551 - 479TCN) sáng lập. Nhìn chung, Nho giáo là cả một hệ thống quan niệm về thế
giới, xã hội và con người. Tuy nhiên, nội dung chủ yếu của Nho giáo là nói về đạo
đức, nhấn mạnh vào đạo đức, cường điệu tác động của đạo đức trong xã hội và lịch
sử, đây có thể coi là một đặc tính cơ bản của Nho giáo.
Nho giáo được du nhập vào nước ta từ những năm cuối trước công nguyên chủ
yếu theo “gót giày” quân xâm lược phương Bắc. Là một học thuyết chính trị, đạo
đức, xã hội lấy con người làm trọng tâm, Nho giáo đã đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà
nước phong kiến Việt Nam qua nhiều thế kỷ (từ giữa thế kỷ XV về sau). Với vị trí,
vai trò là hệ tư tưởng, là công cụ cai trị của các triều đại phong kiến Việt Nam, Nho
giáo, đạo đức Nho giáo đã len lỏi, tác động trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị
cho đến đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã làm cho Nho giáo ở Việt Nam mất đi tư
cách là học thuyết thống trị xã hội, đạo đức Nho giáo không còn giữ vai trò nền tảng
chi phối toàn bộ đời sống tinh thần cùng với sự sụp đổ của chế độ phong kiến Việt
Nam. Từ đó, có những nơi, những lúc người ta đã phủ nhận sạch trơn vai trò của Nho
giáo, đạo đức Nho giáo đối với dân tộc ta và muốn nhanh chóng xóa bỏ nó hoàn toàn
bởi những hệ quả tiêu cực mà nó mang lại trong xã hội cũ như đầu óc gia trưởng, tư
tưởng trọng nam khinh nữ, bệnh gia đình chủ nghĩa… Tuy nhiên, trong xã hội Việt
Nam hiện đại, những dư âm của Nho giáo, đạo đức Nho giáo vẫn hiện hữu trong các

quan hệ xã hội, trong ứng xử giữa người với người, trong phong tục, tập quán, trong
nghi thức thờ cúng, trong những tín ngưỡng cổ truyền và vô vàn những lát cắt khác
nhau của đời sống. Đạo đức Nho giáo vẫn có những ảnh hưởng nhất định trong đời
sống tinh thần của người dân Việt Nam hiện nay theo cả hai hướng tích cực và tiêu
cực cho dù người ta có muốn hay không.
Vấn đề nảy sinh ở chỗ, đúng là những hạn chế, tiêu cực trong đạo đức Nho
giáo cần phải được loại bỏ để nó không cản trở sự phát triển của xã hội mới nhưng
những ảnh hưởng tích cực của nó thì cần được lưu giữ và phát huy. Vai trò của đạo
đức Nho giáo càng được khẳng định nhất là trong bối cảnh ngày nay khi chúng ta
đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực nảy sinh từ mặt trái của thể chế kinh tế
thị trường và quá trình hội nhập đã góp phần làm cho đạo đức xã hội xuống dốc một
cách nghiêm trọng. Không ít vấn đề được xem như đạo lý xưa nay bị đảo lộn khi mà
sự lên ngôi của đồng tiền đã khiến cho tình cảm giữa con người với con người trở
thành một thứ xa xỉ, khi mà cha mẹ bị con cái bạc đãi, đánh đập, khi mà người ta có
thể sống vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau của người khác… Trước thực trạng đó, nhiều
người tỏ ra nuối tiếc đạo đức Nho giáo.


2
Không những thế, gần đây, một số nước trong khu vực vốn chịu ảnh hưởng
của lễ giáo đạo Nho như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo… do biết khai thác tốt những
ảnh hưởng tích cực của đạo đức Nho giáo đã góp phần tạo nên những bước phát triển
kinh tế vượt bậc càng củng cố thêm sự nuối tiếc ấy. Thực tế, cách làm của một số
nước Châu Á trong việc khai thác những giá trị tích cực của Nho giáo, đạo đức Nho
giáo nhằm xây dựng và phát triển xã hội hiện đại đã trở thành bài học kinh nghiệm
sâu sắc đối với Việt Nam trong việc lựa chọn cách thức ứng xử hợp lý với Nho giáo
nói chung, đạo đức Nho giáo nói riêng.
Với vai trò là nền tảng của hệ tư tưởng phong kiến, Nho giáo đã hết thời từ lâu
ở Việt Nam cũng như ở quê hương của nó. Nhưng với tính cách là giá trị của di sản
văn hóa, nó vẫn không bị lãng quên. Do đó, việc tìm ra những ảnh hưởng tích cực và

tiêu cực của Nho giáo nói chung, đạo đức Nho giáo nói riêng đối với đời sống tinh
thần của người Việt hiện tại, từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy
mặt tích cực hạn chế mặt tiêu cực của nó trong quá trình xây dựng đời sống tinh thần
lành mạnh ở nước ta hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách.
Những suy nghĩ đó đã thôi thúc tác giả đi vào nghiên cứu đạo đức Nho giáo và ảnh
hưởng của nó đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục tiêu của luận án
Góp phần làm rõ nội dung chính của đạo đức Nho giáo và ảnh hưởng của nó
đến đời sống tinh thần của người Việt Nam, từ đó đưa ra phương hướng và một số
giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực
của đạo đức Nho giáo trong việc xây dựng đời sống tinh thần của người Việt Nam
hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ của luận án
Để thực hiện mục tiêu đã nêu trên, luận án sẽ giải quyết một số nhiệm vụ sau:
- Trình bày một cách có hệ thống một số nội dung chủ yếu của đạo đức Nho
giáo Trung Quốc và đạo đức Nho giáo ở Việt Nam.
- Phân tích và làm rõ thực trạng ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời
sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của nó.
- Đưa ra phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng
tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong việc xây dựng đời
sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu đạo đức Nho giáo và ảnh hưởng của nó trong đời
sống tinh thần người Việt Nam hiện nay.


3
3.2. Phạm vi nghiên cứu

Vì đời sống tinh thần nói chung rất rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau.
Do vậy, ở đây, luận án chỉ tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo
trên ba lĩnh vực cơ bản trong đời sống tinh thần người Việt Nam hiện nay, cụ thể là:
đời sống chính trị, đời sống pháp luật và đời sống đạo đức.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
- Luận án dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về
con người và văn hóa, đạo đức, về đời sống tinh thần…
- Tiếp thu, kế thừa có chọn lọc và phát triển những giá trị khoa học của một số
công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến nội dung của luận án.
- Luận án dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng
và chủ nghĩa duy vật lịch sử, sử dụng các phương pháp: phương pháp lịch sử và lôgíc,
phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp qui nạp và diễn dịch, phương pháp
đối chiếu, so sánh… để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ mà luận án đặt ra.
5. Đóng góp mới của luận án
- Bước đầu làm rõ nội dung cơ bản của đạo đức Nho giáo Trung Quốc và quá
trình du nhập, biến đổi của chúng trong Nho giáo ở Việt Nam trên cơ sở luận giải
những nhân tố tác động đến sự biến đổi ấy.
- Phân tích những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực của đạo đức Nho giáo
đến một số lĩnh vực cụ thể của đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay như:
đời sống chính trị, đời sống pháp luật, đời sống đạo đức và chỉ ra những nguyên nhân
của của sự ảnh hưởng.
- Đưa ra phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng
tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong việc xây dựng đời
sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Luận án góp phần vào việc tìm hiểu đạo đức Nho giáo và ảnh hưởng của nó
với đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp nhằm
phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong
việc xây dựng đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay.

- Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ nghiên cứu,
giảng dạy và học tập môn lịch sử triết học phương Đông ở các trường Đại học, các
Học viện hiện nay.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4
chương, 11 tiết.


4
Chương 1
TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ NHO GIÁO, ĐẠO ĐỨC
NHO GIÁO TRUNG QUỐC VÀ NHO GIÁO, ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO Ở VIỆT NAM

Cho đến nay đã có rất nhiều công trình tập trung nghiên cứu về Nho giáo, đạo
đức Nho giáo Trung quốc cũng như Nho giáo, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam. Những
công trình nghiên cứu về vấn đề này chủ yếu tập trung vào việc trình bày nguồn gốc
ra đời của Nho giáo, đạo đức Nho giáo, những yêu cầu cơ bản của đạo đức Nho giáo
Trung Quốc; quá trình du nhập và sự tiếp biến của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam,
tiêu biểu có thể kể đến các công trình sau:
Dưới dạng các cuốn sách chuyên khảo hay tham khảo về Nho giáo và đạo đức
Nho giáo (ở cả Trung Quốc và Việt Nam) của các học giả trong nước có thể kể đến
như: Nho giáo và phát triển ở Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1997) của Vũ
Khiêu, Nho giáo xưa và nay (Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 1997) của Quang Đạm,
Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1998) do Phan
Đại Doãn chủ biên, Bàn về đạo Nho (Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh 1998) của
Nguyễn Khắc Viện, …
Một số công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về Nho giáo, đạo
đức Nho giáo dưới dạng những cuốn sách chuyên khảo được dịch ra tiếng Việt trong

những năm trở lại đây cũng cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện về nội dung cơ
bản trong những quan niệm đạo đức Nho giáo. Đồng thời các công trình này cũng
đưa ra những đánh giá về mặt tích cực và tiêu cực của các quan niệm đạo đức Nho
giáo theo ý kiến riêng của từng tác giả căn cứ vào góc độ nghiên cứu khác nhau ở
cùng một vấn đề. Tiêu biểu có thể kể đến các công trình như: Bàn về Khổng Tử (Nxb
Sự thật, Hà Nội 1963) của Quan Phong, Lâm Duật Thời, Nho gia với Trung Quốc
ngày nay (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996) của Vi Chính Thông, Đạo hiếu
trong Nho gia (Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2014) của Cao Vọng Chi…
Ngoài ra còn rất nhiều những công trình nghiên cứu dưới dạng các bài tạp chí,
các luận văn, luận án có liên quan đến vấn đề này.
Có thể thấy rằng, những công trình trên đã cung cấp cho tác giả luận án một cái
nhìn hết sức đầy đủ, sâu sắc và khá toàn diện quá trình ra đời, phát triển của Nho
giáo, đạo đức Nho giáo, những nội dung cơ bản trong quan niệm của Nho giáo về
đạo đức cũng như toàn bộ quá trình du nhập, phát triển, biến đổi của đạo đức Nho
giáo ở Việt Nam trong từng thời kỳ lịch sử trải qua các triều đại phong kiến. Do đó, ở


5
chương 2 trong nội dung của luận án, khi nghiên cứu về đạo đức Nho giáo Trung
Quốc và đạo đức Nho giáo ở Việt Nam, tác giả luận án không kì vọng đem đến một
sự hiểu biết mới nào về vấn đề này. Kế thừa thành quả nghiên cứu của những người
đi trước, luận án chỉ tập hợp, khái quát lại một cách hệ thống nguồn gốc ra đời và một
số nội dung chủ yếu của đạo đức Nho giáo Trung Quốc; quá trình du nhập, những
nhân tố ảnh hưởng đến sự biến đổi của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam cũng như chỉ ra
những nét riêng của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam qua tư tưởng của một số nhà nho
Việt tiêu biểu.
1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐỜI SỐNG TINH THẦN VÀ
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN
CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY


1.2.1. Những công trình nghiên cứu về đời sống tinh thần và đời sống tinh
thần của người Việt Nam hiện nay
Xung quanh đề tài về đời sống tinh thần và đời sống tinh thần của người Việt
Nam có rất nhiều học giả quan tâm, nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhóm
công trình nghiên cứu này cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện về đời sống tinh
thần, các chiều cạnh trong khái niệm đời sống tinh thần cũng như những đặc trưng
trong đời sống tinh thần của người Việt hiện nay.
1.2.2. Những công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo
đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay
Bàn về những ảnh hưởng của Nho giáo nói chung, đạo đức Nho giáo nói riêng
đến các lĩnh vực trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay theo cả hai
hướng tích cực và tiêu cực cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu. Trong đó, đặc
biệt phải kể đến các công trình nghiên cứu của các học giả tiêu biểu như: Nho giáo
xưa và nay (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1990) do Vũ Khiêu chủ biên, Nho giáo tại
Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1994) do Lê Sỹ Thắng chủ biên, Sự kế thừa
và phát triển đạo đức Nho giáo của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng Việt
Nam (Nxb Đại học quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh 2015) của Hoàng Trung…
Trên một số tạp chí triết học chuyên ngành, cũng như trong nhiều luận án, vấn
đề ảnh hưởng của Nho giáo, đạo đức Nho giáo trong các lĩnh vực đời sống tinh thần
người Việt Nam hiện nay cũng được nghiên cứu dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận
khác nhau.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu thuộc nhóm này hết sức đa dạng, phong
phú, công phu và nghiêm túc. Các tác giả đã chỉ ra nhiều ảnh hưởng theo cả hai
hướng tích cực và tiêu cực của đạo đức Nho giáo đối với nhiều mặt, nhiều bộ phận
trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ trong quá khứ cho đến hiện tại.
Đây là những tài liệu tham khảo rất quý giá cho tác giả luận án khi tiến hành triển


6
khai chương 3 với nội dung chính là nghiên cứu về ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo

đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay - thực trạng và nguyên nhân.
Tuy nhiên, đôi khi, do giới hạn về mặt thời lượng nghiên cứu hay một yếu tố nào đó,
nhiều công trình chủ yếu chỉ dừng lại ở mức nêu ra tên những ảnh hưởng tích cực và
tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam là gì và khẳng định
những ảnh hưởng của nó còn kéo dài cho tới tận ngày nay chứ ảnh hưởng của nó đối
với các lĩnh vực cụ thể trong đời sống tinh thần người Việt hiện nay diễn ra như thế
nào, tác động ra sao, theo phương thức gì thì nhìn chung các tác giả đề cập chưa
nhiều. Nhiều công trình luận văn, luận án phân tích cụ thể hơn về ảnh hưởng của lễ
giáo đạo Nho đối với đời sống tinh thần người Việt hiện nay theo cả hai hướng tích
cực và tiêu cực nhưng chủ yếu nhóm công trình này mới tập trung nghiên cứu ảnh
hưởng của đạo đức Nho giáo đến đời sống đạo đức - chỉ là một trong những bộ phận
cụ thể của đời sống tinh thần… Do đó, ở chương này, luận án tiếp tục mở rộng và
làm sâu sắc thêm những ảnh hưởng cụ thể của đạo đức Nho giáo trong đời sống tinh
thần người Việt Nam hiện nay ở những lĩnh vực cơ bản nhất của nó bao gồm: đời
sống chính trị, đời sống pháp luật, đời sống đạo đức. Ở chương này, tác giả cũng làm
rõ thêm phương thức ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời sống tinh thần
người Việt hiện nay để trả lời cho câu hỏi tại sao khi những cơ sở kinh tế, chính trị,
xã hội cho sự tồn tại của Nho giáo, đạo đức Nho giáo gần như đã không còn, nhưng
những ảnh hưởng của nó thì vẫn tiếp diễn trong đời sống hiện tại, cho dù người ta có
muốn hay không.
1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ
NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ
ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG
TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT HIỆN NAY

Đề xuất phương hướng và các giải pháp nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực,
hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo đối với đời sống tinh thần của
người Việt hiện nay là đề tài thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các học giả
dưới dạng các cuốn sách tham khảo, chuyên khảo, trong đó phải kể đến như: Bàn về
văn hiến Việt Nam (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996) của Vũ Khiêu, Ảnh hưởng

của đạo đức phong kiến trong cán bộ lãnh đạo, quản lý của Việt Nam hiện nay (Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội 2001) do Nguyễn Thế Kiệt chủ biên, Kế thừa và đổi mới
những giá trị truyền thống trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường ở Việt Nam
(Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2013) của Nguyễn Văn Lý…
Bên cạnh đó, có nhiều luận án sau khi nghiên cứu những ảnh hưởng của đạo
đức Nho giáo đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống tinh thần của xã hội ta
hiện nay, các tác giả cũng đề xuất nhiều phương hướng, giải pháp nhằm phát huy


7
ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với lĩnh vực mà mình
nghiên cứu.
Những công trình này cũng là những tài liệu tham khảo hết sức cần thiết đối
với chương 4 trong luận án của tác giả. Tuy nhiên, ở mỗi công trình nghiên cứu này,
các tác giả cũng chỉ chủ yếu đề xuất phương hướng và những giải pháp sát với nội
dung khi họ nghiên cứu ảnh hưởng của một hay nhiều phạm trù đạo đức Nho giáo
trong các lĩnh vực khác nhau. Do vậy, bên cạnh việc kế thừa những người đi trước,
tác giả cũng dựa trên cách tiếp cận của mình để đưa ra phương hướng và một số giải
pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo
đức Nho giáo trong việc xây dựng đời sống tinh thần của người Việt hiện nay.
1.4. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT

Từ tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án với những kết quả đã
được khái quát ở trên, tác giả đưa ra một số vấn đề mà luận án cần tập trung nghiên
cứu, giải quyết như sau:
- Trình bày một cách có hệ thống một số nội dung chủ yếu của đạo đức Nho
giáo Trung Quốc và đạo đức Nho giáo ở Việt Nam.
- Phân tích và làm rõ thực trạng ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời
sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của nó.
- Đưa ra phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng

tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong việc xây dựng đời
sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay.
Chương 2
ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO TRUNG QUỐC VÀ
ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO Ở VIỆT NAM
2.1. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO TRUNG QUỐC

2.1.1. Sơ lược những điều kiện dẫn đến sự hình thành Nho giáo và đạo đức
Nho giáo
Sự ra đời của Nho giáo nói chung và đạo đức Nho giáo nói riêng bắt nguồn từ
sự biến động lớn lao của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thời Xuân Thu - Chiến
Quốc cũng như từ việc kế thừa những tiền đề về văn hóa, tư tưởng, đạo đức của
người Trung Quốc từ trong lịch sử. Người có công sáng lập ra Nho giáo là Khổng Tử
(551 - 479 trước Công nguyên). Sống trong thời kỳ loạn lạc, hàng ngày, hàng giờ
được tận mắt chứng kiến cảnh cướp bóc, chém giết, do đó, lý tưởng mà ông hướng
tới là xây dựng một chế độ xã hội thái bình, thịnh trị, ổn định theo khuôn mẫu của


8
nhà Tây Chu. Theo ông, đó là một xã hội có đạo đức, con người tồn tại trong những
mối quan hệ xã hội nhất định và đi kèm với nó là những chuẩn mực đạo đức, những
khuôn phép nhất định. Nếu làm được như vậy sẽ đưa xã hội từ loạn về trị. Từ đó, ông
cho rằng, việc trị nước phải dựa trên đạo đức, phải dùng nhân trị, lễ trị thì xã hội mới
“hữu đạo”, mới thái bình thịnh trị. Tư tưởng đó của ông sau này đã được các thế hệ
học trò nối tiếp nhau kế thừa và phát triển làm nên sự lớn mạnh và tầm ảnh hưởng
sâu rộng của học thuyết Nho giáo nói chung và đạo đức Nho giáo nói riêng.
2.1.2. Những nội dung cơ bản của đạo đức Nho giáo
2.1.2.1. Học thuyết Nho giáo về tính người - cơ sở hình thành quan niệm
của Nho giáo về đạo đức
Khi đưa ra học thuyết về tính người, mỗi nhà nho đều dựa trên những ý kiến

chủ quan của mình, dựa trên việc đánh giá thực tế mà đưa ra những quan điểm và sự
luận giải hết sức khác nhau (tiêu biểu là quan niệm về tính người của Khổng Tử.
Mạnh Tử, Tuân Tử, Cáo Tử, Đổng Trọng Thư…). Tuy nhiên dù quan niệm về bản
tính con người là thiện hay ác hay cả thiện lẫn ác thì các nhà nho đều cho rằng bản
tính con người có thể thay đổi dưới sự tác động của giáo dục. Cũng theo các nhà nho,
giáo dục ở đây phải là giáo dục đạo đức, phải trang bị cho mọi người những phẩm
chất đạo đức, chuẩn mực đạo đức, những hành vi ứng xử phù hợp với những mối
quan hệ xã hội nhất định. Chỉ có như vậy mới giúp con người giữ gìn được tính thiện,
tránh xa cái ác, trở về với đạo. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để đưa xã hội từ loạn về
trị, là cơ sở để xây dựng một xã hội thật sự tốt đẹp, thái bình, thịnh trị… Với những
phân tích như vậy, có thể kết luận rằng, quan niệm của Nho giáo về tính người là một
trong những cơ sở quan trọng để các nhà nho đưa ra những quan niệm về đạo đức.
Điều này cũng là câu trả lời cho việc tại sao Nho giáo lại coi trọng đạo đức và cho
rằng đường lối đức trị dựa trên việc giáo dục, giáo hóa đạo đức cho tất cả mọi người
là biện pháp hữu hiệu nhất để ổn định trật tự xã hội.
2.1.2.2. Quan niệm của Nho giáo về đạo và đức
Trong học thuyết Nho giáo, có thể coi đạo đức là tư tưởng chủ đạo cũng chính
vì lẽ đó mà người ta gọi Nho giáo là học thuyết chính trị - đạo đức.
Theo quan niệm của Khổng Tử, Đạo chính là năm mối quan hệ xã hội cơ bản
của con người, được gọi là Nhân luân. Mạnh Tử gọi là Ngũ luân bao gồm: vua - tôi,
cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn bè. Trong đó ba mối quan hệ đầu tiên: vua - tôi,
cha - con, chồng - vợ được coi là cơ bản nhất mà sau này Đổng Trọng Thư (179 - 104
trước Công nguyên) gọi là Tam cương.
Đối với Đức, theo quan niệm của Nho giáo, đây chính là các phẩm chất đạo
đức quan trọng mà con người cần phải có, cần phải được trang bị, được giáo dục
nhằm thực hiện tốt năm mối quan hệ cơ bản của Đạo được nêu ra ở trên. Với Khổng


9
Tử, ông nhấn mạnh ba đức cơ bản của con người là: nhân, trí, dũng. Đến Mạnh Tử,

ông lại cho rằng, những đức con người cần phải có là tứ đức: nhân, lễ, nghĩa, trí. Đến
Đổng Trọng Thư, ông nêu lên Ngũ thường: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
2.1.2.3. Tam cương
Theo quan niệm của Nho giáo, Tam cương dùng để chỉ ba mối quan hệ cơ bản
nhất của con người từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, đó là các quan hệ: vua tôi, cha - con, chồng - vợ. Khái niệm Tam cương xuất hiện lần đầu tiên là trong Hán
Nho thể hiện tư tưởng của Đổng Trọng Thư vào thời Hán Vũ đế. Mục đích chính của
tư tưởng này là quy định thân phận của bề tôi, của người vợ và của người con phụ
thuộc vào vua, vào chồng, vào cha. Theo Đổng Trọng Thư, trong mối quan hệ vua tôi, bề tôi phải tuyệt đối trung thành với vua và vua giữ vai trò quyết định so với bề
tôi, đến mức vua bảo thần chết, thần không thể không chết; trong mối quan hệ cha con, yêu cầu người con phải có hiếu với cha mẹ và người cha giữ vai trò quyết định
đối với con; trong mối quan hệ vợ - chồng, yêu cầu vợ phải theo chồng, phải giữ tiết
hạnh với chồng và trong mối quan hệ này thì người chồng giữ vai trò quyết định đối
với người vợ. Đạo Tam cương chứa đựng cả ưu điểm và hạn chế.
2.1.2.4. Ngũ thường
Theo quan niệm của Nho giáo, Ngũ thường bao gồm các phạm trù đạo đức:
nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Nhân: là phạm trù đạo đức đầu tiên và cơ bản nhất trong Ngũ thường. Nhân
được coi là hạt nhân lý luận trong hệ thống tư tưởng của Nho giáo và tất cả các
phạm trù đạo đức còn lại đều xoay xung quanh phạm trù trung tâm này. Nhân bao
hàm trong nó mọi đức tính, mọi phạm trù đạo đức khác như: lễ, nghĩa, trí, tín,
trung, hiếu… các đức tính khác là bộ phận của nhân, là biểu hiện cụ thể của nhân
trong các quan hệ ứng xử giữa con người với con người. Người có nhân đồng
nghĩa với người hoàn thiện nhất nên có thể xem nhân là nghĩa rộng nhất của đạo
đức con người.
Lễ: theo Nho giáo, lễ là những quy định về mặt đạo đức có tính bắt buộc, ràng
buộc đối với mọi hành vi ứng xử của con người trong các mối quan hệ xã hội. Lễ còn
là trật tự, kỷ cương, phép nước mà mọi người phải tuân theo. Do đó, nếu xã hội giữ
được lễ thì “hữu đạo” và thịnh trị, còn nếu để mất lễ sẽ “vô đạo” và đại loạn.
Nghĩa: Theo Khổng Tử, nghĩa là điều nên nói, việc phải làm; là việc làm chí
thiện, hợp lý; là trách nhiệm đạo đức giữa những người khác nhau hoặc những
đẳng cấp khác nhau trong xã hội. Nghĩa là việc làm phù hợp với lẽ phải và đạo lý,

do đó, nó cũng sẽ phù hợp với điều nhân và lễ, phù hợp với một trật tự xã hội có
trên, có dưới.


10
Trí: theo Nho giáo, trí là sự hiểu biết, là trí tuệ của con người về mình, và các
mối quan hệ xã hội của mình. Con người phải có trí thì mới phân biệt được thiện - ác,
trái - phải, mới thực hành đạo đức được tốt. Con người phải có trí mới vươn tới được
đức nhân, mới biết cách giúp người mà không làm hại mình, hại người. Đồng thời,
phải có trí mới biết yêu người đáng yêu, ghét người đáng ghét, đề bạt, giúp đỡ người
chính trực, gạt bỏ người không ngay thẳng.
Tín: đây cũng là một phẩm chất đạo đức quan trọng cần có của con người vì
người không có tín sẽ mất hết nhân, nghĩa, lễ, trí, là người bỏ đi. Tín được hiểu là sự
tin tưởng, là lòng tin của con người. Tín là lời nói và việc làm phải thống nhất với
nhau, trước sau như một.
2.1.2.5. Chính danh
Để thực hiện nhân và lễ, Khổng Tử đã nêu ra tư tưởng Chính danh. Mục đích
cao cả của Chính danh theo các nhà nho chính là nhằm ổn định danh phận và địa vị
của mỗi người trong các mối quan hệ xã hội, từ đó dẫn đến ổn định trật tự xã hội.
Chính danh thực chất chính là cơ sở để hình thành những nội dung cơ bản, những
chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức mà mỗi cá nhân phải tuân theo. Do đó, Chính danh
không chỉ là nội dung tư tưởng chính trị trong đạo trị nước của Nho giáo mà còn là
yêu cầu về mặt đạo đức của con người. Thuyết Chính danh của Nho giáo cũng chứa
đựng trong nó những mặt tích cực và hạn chế nhất định.
Tóm lại, khi nghiên cứu Nho giáo nói chung, đạo đức Nho giáo nói riêng, có
thể rút ra một số kết luận sau:
Một là, đạo đức Nho giáo ra đời, tồn tại và phát triển là do nhu cầu thực tiễn
của xã hội Trung Quốc đương thời, nhằm phục vụ cho đường lối đức trị, dưỡng dân,
giáo dân.
Hai là, những yêu cầu đạo đức của con người được các nhà nho xây dựng trên

cơ sở các mối quan hệ hiện thực từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội trong đó đức
nhân được xem là gốc trong hệ thống phạm trù đạo đức Nho giáo. Ở mỗi mối quan
hệ xã hội cụ thể, các nhà nho đều đề ra những chuẩn mực đạo đức cụ thể, rõ ràng để
mọi người có thể tu dưỡng, rèn luyện.
Ba là, Nho giáo đặc biệt chú tâm vào việc xây dựng mẫu người lý tưởng
(người quân tử) - người cầm quyền với những yêu cầu hết sức cao về chuẩn mực và
sự tu dưỡng đạo đức của cá nhân và xem đó là yêu cầu bắt buộc đối với lớp người
này khi muốn dùng đạo đức để cai trị nhân dân, thực hiện đường lối đức trị.
Bốn là, Nho giáo quan tâm đến vấn đề giáo dục, đào tạo con người nhưng mới
chỉ dừng lại ở việc chú trọng đến giáo dục đạo đức với hạt nhân cốt lõi là phương
pháp tu thân, tự sửa mình.


11
2.2. ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO Ở VIỆT NAM

2.2.1. Quá trình du nhập và tiếp biến của Nho giáo và đạo đức Nho giáo ở
Việt Nam
Nho giáo, đạo đức Nho giáo được du nhập vào nước ta thời kỳ Bắc thuộc. Quá
trình du nhập, tiếp biến, suy tàn của Nho giáo, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam gắn liền
với những bước thăng trầm, với sự thịnh suy của chế độ phong kiến Việt Nam trải
qua các triều đại. Trong toàn bộ quá trình này, điều cần nhấn mạnh là, như bất kỳ một
học thuyết nào khác, Nho giáo và đạo đức Nho giáo khi du nhập vào Việt Nam
không còn giữ được nét nguyên thủy như nó vốn có mà đã được tiếp biến, được “Việt
hóa” nhằm phục vụ cho những yêu cầu của dân tộc Việt Nam. Người Việt vừa tiếp
nhận Nho giáo lại vừa có sự cải biến, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn lịch sử của
dân tộc mình. Do đó, Nho giáo Trung Quốc khi vào Việt Nam đã trở thành Nho giáo
Việt Nam, thậm chí có người còn gọi đó là Nho Việt. Người dân Việt Nam tiếp thu
Nho giáo, đạo đức Nho giáo trên nền tảng đạo đức truyền thống dân tộc. Đây cũng là
quy luật chung trong sự giao lưu của các hệ tư tưởng.

2.2.2. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự biến đổi của đạo đức Nho giáo tại
Việt Nam
Những tác động tạo nên sự biến đổi của Nho giáo và đạo đức Nho giáo tại Việt
Nam là một hệ thống các nhân tố mà trong đó, mỗi nhân tố có vai trò, ảnh hưởng
khác nhau, chúng tồn tại đan xen, hòa quyện vào nhau và việc tách bạch từng nhân tố
là một việc làm không hề dễ dàng. Mặc dù vậy, khi nói đến những nhân tố ảnh hưởng
đến sự biến đổi của Nho giáo và đạo đức Nho giáo ở Việt Nam, ta vẫn có thể khái
quát thành những vấn đề cơ bản sau:
Một là, chính thực tiễn hào hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước cùng
những tư tưởng bản địa với tư cách là những tư tưởng truyền thống là một trong
những nhân tố ảnh hưởng đến sự biến đổi của Nho giáo nói chung, đạo đức Nho giáo
nói riêng.
Hai là, vào thời Bắc thuộc, bên cạnh đạo Nho còn có rất nhiều học thuyết khác
được truyền bá vào Việt Nam như Phật giáo và Đạo giáo, nó có những ảnh hưởng
nhất định đến sự biến đổi của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam.
Ba là, đội ngũ trí thức nho Việt cũng là một trong những nhân tố cơ bản có ảnh
hưởng to lớn đến sự biến đổi của Nho giáo và đạo đức Nho giáo ở Việt Nam.
2.2.3. Những nét riêng của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam qua tư tưởng của
một số nhà nho Việt tiêu biểu
Trong suốt lịch sử tồn tại lâu dài ở Việt Nam, Nho giáo nói chung, đạo đức
Nho giáo nói riêng luôn được người Việt khai thác, sử dụng dựa trên việc kết hợp với


12
những truyền thống văn hóa vốn có của dân tộc, những cái đã tồn tại lâu dài trước khi
Nho giáo được du nhập. Đồng thời, người Việt truyền thống cũng chỉ chọn lọc một
số khía cạnh, quan điểm hay xu hướng mà Nho giáo, đạo đức Nho giáo phù hợp với
yêu cầu thực tiễn của người Việt. Đây có thể coi là những nguyên nhân chủ yếu làm
nên những nét riêng biệt của Nho giáo, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam so với Nho
giáo, đạo đức Nho giáo Trung Quốc. Những nét riêng của đạo đức Nho giáo ở Việt

Nam được thể hiện đậm nét thông qua quan niệm của một số nhà nho Việt tiêu biểu
thời phong kiến, cụ thể trong luận án là tư tưởng của Nguyễn Trãi (1380-1442); Lê
Thánh Tông (1442-1497); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585); Lê Quý Đôn (17261784); Ngô Thì Nhậm (1746-1803); Minh Mệnh (1791-1840); Nguyễn Đức Đạt
(1823-1887).
Thông qua việc tìm hiểu quá trình du nhập và tiếp biến của Nho giáo, đạo đức
Nho giáo ở Việt Nam cũng như quan niệm về đạo đức của một số nhà nho tiêu biểu
trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thời phong kiến, chúng ta có thể thấy rằng, tuy chịu
ảnh hưởng sâu sắc của đạo đức Nho giáo Trung Quốc, nhưng, bên cạnh những nét
tương đồng, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam đã có nhiều điểm khác biệt khá căn bản.
Sự khác biệt này thể hiện chủ yếu ở chỗ, những phạm trù đạo đức Nho giáo trong
quan niệm của các nhà nho Việt Nam có phần tiến bộ, nhân văn và bớt hà khắc hơn
so với đạo đức Nho giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, xét đến cùng, tính nhân văn và tiến
bộ này không được phát huy triệt để vì nó bị chi phối bởi lập trường của giai cấp
thống trị. Từ trong tiềm thức, các nhà nho Việt Nam hay Trung Quốc đều xây dựng,
phát triển những chuẩn mực đạo đức trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của
con người với chế độ phong kiến vì mục tiêu ổn định trật tự xã hôi phong kiến, bảo
vệ vững chắc ngai vàng của nhà vua. Và do đó, những quan niệm đạo đức của các
nhà nho Việt Nam dù mang đậm tính nhân văn, nhân bản hơn đạo đức Nho giáo
Trung Quốc (đặc biệt là Hán Nho và Tống Nho) nhưng cũng không thoát khỏi những
hạn chế của lịch sử. Mặc dù vậy, chính sự khác biệt này đã góp phần tạo nên những
đặc điểm riêng có của đạo đức Nho giáo ở Việt Nam. Đó là:
Một là, các phạm trù đạo đức Nho giáo Trung Quốc được các nhà nho Việt
Nam kế thừa, cải biến một cách biện chứng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn ở
Việt Nam.
Hai là, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam là đạo đức thực hành, chú trọng đến thực
tiễn, đến tính hiệu quả nhiều hơn là học thuật.
Ba là, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam mang nhiều yếu tố nhân văn và bớt khắt
khe hơn đạo đức Nho giáo trên chính quê hương của nó - Trung Quốc.
Bốn là, Nho giáo, đạo đức Nho giáo ở Việt Nam không phải là thuần Nho mà
nó đã có sự pha trộn, dung hợp với các tư tưởng, học thuyết khác.



13
Chương 3
ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG
TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN
3.1. ĐỜI SỐNG TINH THẦN VÀ PHƯƠNG THỨC ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO
ĐỨC NHO GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG TINH THẦN Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

3.1.1. Khái niệm đời sống tinh thần
Xung quanh khái niệm đời sống tinh thần, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều
quan niệm riêng. Có thể khái quát thành các nhóm quan niệm sau: thứ nhất, quan
niệm cho rằng cần định nghĩa đời sống tinh thần dựa trên các khái niệm đời sống, đời
sống vật chất, đời sống tinh thần; thứ hai, quan niệm đồng nhất đời sống tinh thần với
ý thức xã hội; thứ ba, quan niệm về việc định nghĩa đời sống tinh thần trong mối
quan hệ với văn hóa tinh thần… Tổng hợp tất cả những quan điểm đó, luận án đưa ra
cách hiểu như sau về đời sống tinh thần: Đời sống tinh thần là toàn bộ những hiện
tượng, những quá trình, những hoạt động và quan hệ tinh thần của xã hội, nó vừa
phản ảnh đời sống vật chất, bị quy định bởi đời sống vật chất vừa có tính độc lập
tương đối và tác động trở lại đời sống vật chất ấy trong từng giai đoạn phát triển lịch
sử nhất định.
Người ta có nhiều cách phân chia đời sống tinh thần thành những bộ phận theo
những cách khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn như: xét với
tính cách là một quá trình vận động và phát triển, đời sống tinh thần được biểu hiện
qua các yếu tố cơ bản: nhu cầu tinh thần, sản xuất tinh thần, giao tiếp, trao đổi và tiêu
dùng các sản phẩm tinh thần. Các yếu tố này luôn tác động lẫn nhau làm cho đời sống
tinh thần tồn tại, vận động, phát triển sinh động, phong phú và phức tạp; xét với tính
cách là một hệ thống đang vận động và biến đổi, thì đời sống tinh thần xã hội được
phân chia thành các lĩnh vực như đời sống chính trị, đời sống đạo đức, đời sống pháp
luật, đời sống tôn giáo, đời sống nghệ thuật... Các lĩnh vực ấy liên quan chặt chẽ với

nhau, luôn tác động và đan xen vào nhau, nằm trong một chỉnh thể thống nhất.
Theo hướng nghiên cứu của mình, luận án muốn tiếp cận với cách phân chia
đời sống tinh thần thành những lĩnh vực khác nhau như: đời sống chính trị, đời sống
pháp luật, đời sống đạo đức, đời sống thẩm mỹ, đời sống tôn giáo, đời sống nghệ
thuật… Từ đó, khi nghiên cứu sự ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời sống
tinh thần của người Việt Nam hiện nay nói chung, luận án cũng nghiên cứu những
ảnh hưởng này trong từng lĩnh vực của đời sống tinh thần mà cụ thể ở đây là đời sống
chính trị, đời sống pháp luật và đời sống đạo đức.


14
3.1.2. Đặc trưng của đời sống tinh thần ở Việt Nam hiện nay
Có thể khái quát một số đặc trưng chủ yếu trong đời sống tinh thần của người
Việt Nam hiện nay là:
Một là, nền tảng tư tưởng của đời sống tinh thần xã hội chủ nghĩa Việt Nam
hiện nay là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam hiện nay phát triển dựa trên nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba là, đời sống tinh thần ở Việt Nam hiện nay có sự kế thừa và phát huy những
tinh hoa của dân tộc và thời đại, thống nhất giữa giá trị văn hóa nhân loại và bản sắc
dân tộc.
Bốn là, đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay hướng tới chủ nghĩa
nhân đạo, nhân văn cao cả, tất cả từ con người, do con người và vì con người.
Năm là, đời sống tinh thần lành mạnh của xã hội Việt Nam hiện nay không thể
hình thành một cách tự phát mà phải là kết quả của hoạt động tự giác, của công tác
giáo dục của xã hội và sự rèn luyện tự giác của các cá nhân.
3.1.3. Phương thức ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời sống tinh
thần ở Việt Nam hiện nay
Ngày nay, xung quanh việc bàn về Nho giáo, đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng
đến đời sống tinh thần ở nước ta hay không, phương thức ảnh hưởng là gì và ảnh

hưởng thế nào… đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng, nhìn chung, các nhà nghiên
cứu đều cho rằng, Nho giáo nói chung, đạo đức Nho giáo nói riêng vẫn còn có những
ảnh hưởng quan trọng đến đời sống tinh thần của người Việt hiện nay. Điều này được
khẳng định dựa trên những cơ sở sau:
Một là, sự ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo ở đây không phải là sự ảnh hưởng
trực tiếp của các phạm trù đạo đức như Tam cương, Ngũ thường hay Chính danh mà
là sự ảnh hưởng của những phạm trù này được biểu hiện thông qua các phong tục, tập
quán, tín ngưỡng, nghi thức thờ cúng, qua tâm lý truyền thống…
Hai là, không chỉ thông qua phong tục, tập quán, nghi thức thờ cúng, Nho
giáo, đạo đức Nho giáo còn tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong xã hội hiện tại thông qua
hệ thống giáo dục gia đình theo kiểu cha truyền, con nối.
Ba là, cơ chế ảnh hưởng của Nho giáo, đạo đức Nho giáo đối với đời sống tinh
thần của người Việt hiện nay còn thể hiện thông qua dư luận xã hội.
Bốn là, ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo thông qua hệ thống hương ước trong
nhiều làng xã ở Việt Nam hiện nay.


15
Với phương thức ảnh hưởng như vậy, những quan niệm đạo đức của Nho giáo
ở một khía cạnh nào đó vẫn tiếp tục tồn tại và tiếp tục có những ảnh hưởng đến đời
sống tinh thần của người Việt hiện nay theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.
3.2. ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO ĐẾN MỘT SỐ LĨNH VỰC
TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

3.2.1. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến đời sống chính trị
Đời sống chính trị là một lĩnh vực của đời sống tinh thần bao gồm ý thức chính
trị, hành vi chính trị, quan hệ chính trị (quan hệ giữa các giai cấp, các đảng phái,
các dân tộc về mặt nhà nước) của con người, phản ánh các quan hệ xã hội mà trước
hết là quan hệ kinh tế và thái độ của giai cấp đối với quyền lực nhà nước trong từng
giai đoạn lịch sử nhất định.

Sự ảnh hưởng, tác động của đạo đức đến chính trị là rất lớn, tuy nhiên, trong
phạm vi nghiên cứu của mình, luận án chỉ tập trung làm rõ ảnh hưởng của đạo đức
Nho giáo với tư cách là một nhân tố đạo đức truyền thống đến đời sống chính trị ở
Việt Nam hiện nay theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.
Ảnh hưởng tích cực:
Một là, nếu gạt bỏ yếu tố duy tâm, bảo thủ thì tư tưởng đức trị trong Nho giáo
có ảnh hưởng tích cực đối với việc ổn định trật tự xã hội ở nước ta hiện nay dựa trên
việc điều chỉnh hành vi của con người bằng đạo đức bên cạnh hệ thống pháp luật.
Hai là, đường lối đức trị của Nho giáo với quan niệm lấy con người làm cơ sở
xuất phát cho các chủ trương chính trị đang có những ảnh hưởng tích cực trong việc
xây dựng nền chính trị vì nhân dân ở nước ta hiện nay.
Ba là, luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đạo đức và sự tu dưỡng đạo
đức của người cầm quyền, đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng tích cực đối với công tác
đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay.
Ảnh hưởng tiêu cực:
Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng chuyên quyền, độc đoán, đầu óc gia
trưởng, địa vị, ngôi thứ… trong đạo đức Nho giáo đối với đời sống chính trị ở nước
ta hiện nay.
Thứ hai, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng coi thường lớp trẻ, trọng xưa hơn
nay theo quan niệm của đạo đức Nho giáo đối với việc quy hoạch, bổ nhiệm và sử
dụng cán bộ trong hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
Thứ ba, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng coi trọng giáo dục đạo đức và ít chú ý
đến tri thức thuộc các lĩnh vực khác khi đào tạo lớp người cầm quyền theo quan niệm
của đạo đức Nho giáo.


16
3.2.2. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến đời sống pháp luật
Đời sống pháp luật là một lĩnh vực của đời sống tinh thần bao gồm ý thức
pháp luật, hành vi pháp luật, quan hệ pháp luật về những quyền hạn và nghĩa vụ của

các thành viên trong xã hội, về tính hợp pháp hay không hợp pháp của hành vi con
người được nảy sinh từ quan hệ kinh tế, phản ánh quan hệ kinh tế do nhà nước ban
hành hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị trong từng giai đoạn lịch
sử nhất định.
Giữa đạo đức và pháp luật có mối quan hệ gắn bó hết sức chặt chẽ với nhau.
Mặc dù có nhiều điểm khác nhau về con đường hình thành, cách thức, cơ chế hay
phạm vi hoạt động… song đạo đức và pháp luật đều tồn tại với tư cách là công cụ để
nhà nước điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội theo những
quy chuẩn nhất định nhằm ổn định trật tự xã hội. Với tư cách là một nhân tố quan
trọng trong đạo đức truyền thống Việt Nam, những quan niệm của Nho giáo Việt
Nam về đạo đức đã và đang có những ảnh hưởng hết sức to lớn trong đời sống pháp
luật ở nước ta hiện nay.
Ảnh hưởng tích cực:
Thứ nhất, những quan niệm đạo đức của Nho giáo có ảnh hưởng tích cực đối
với việc góp phần đưa con người đạt tới cảnh giới cao nhất của việc thực thi pháp
luật, giúp họ thi hành pháp luật một cách triệt để.
Thứ hai, những chuẩn mực đạo đức Nho giáo (đặc biệt là tư tưởng nhân,
nghĩa) có ảnh hưởng tích cực khi góp phần làm tăng tính nhân văn trong việc ban
hành và cơ chế thực thi các bộ luật, phù hợp với truyền thống trọng tình, trọng nghĩa
của người Việt.
Thứ ba, đạo đức Nho giáo với những chuẩn mực cụ thể ràng buộc con người
trong các mối quan hệ từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội góp phần giúp pháp luật
điều chỉnh hành vi của con người trong nhiều lĩnh vực mà pháp luật chưa vươn tới.
Ảnh hưởng tiêu cực:
Thứ nhất, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trọng đức xem thường pháp theo
quan niệm của đạo đức Nho giáo trong đời sống pháp luật của người Việt hiện nay.
Thứ hai, quá coi trọng vai trò của gia đình, đề cao đạo lý tình thân một cách
tuyệt đối theo quan niệm của đạo đức Nho giáo đôi khi trở thành cái cớ khiến con
người vi phạm pháp luật một cách cố ý, biết sai mà vẫn làm.
3.2.3. Ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đến đời sống đạo đức

Đời sống đạo đức là một lĩnh vực của đời sống tinh thần bao gồm ý thức đạo
đức, hành vi đạo đức và các quan hệ đạo đức của con người được nảy sinh từ đời


17
sống vật chất, phản ánh đời sống vật chất và bị quy định bởi đời sống vật chất trong
từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Những ảnh hưởng của đạo đức Nho giáo đối với đời sống đạo đức của người
Việt Nam hiện nay thể hiện khá rõ nét trên tất cả các bộ phận cấu thành của nó theo
cả hai hướng tích cực và tiêu cực. Những ảnh hưởng này, xét đến chiều tích cực thì
cũng không hề ít mà đề cập đến khía cạnh tiêu cực lại cũng không hề nhỏ, có thể khái
quát cụ thể như sau:
Ảnh hưởng tích cực:
Thứ nhất, đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng tích cực việc giáo dục mỗi cá nhân
ý thức tự tu dưỡng đạo đức của bản thân.
Thứ hai, đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng tích cực trong việc giáo dục con
người ý thức tôn trọng trật tự, kỷ cương, có tinh thần, trách nhiệm đối với các mối
quan hệ của mình từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội.
Thứ ba, tính nhân văn trong đạo đức Nho giáo có ảnh hưởng tích cực trong
việc xây dựng đời sống đạo đức của người Việt Nam hiện nay hướng tới chủ nghĩa
nhân văn, nhân đạo cao cả.
Ảnh hưởng tiêu cực:
Một là, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng gia trưởng, đầu óc địa vị, ngôi thứ,
chuyên quyền độc đoán, thiếu dân chủ - mặt trái của đạo đức Nho giáo trong đời sống
đạo đức của người Việt hiện nay.
Hai là, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng đề cao đến mức tuyệt đối hóa vai trò
của gia đình, đặt lợi ích của gia đình lên trên, lên trước lợi ích của cộng đồng, của xã
hội theo quan niệm của đạo đức Nho giáo.
Ba là, ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi thường vị trí
và vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

3.3. NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO
ĐỐI VỚI MỘT SỐ LĨNH VỰC TRONG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI
VIỆT NAM HIỆN NAY

Đạo đức Nho giáo vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng đến đời sống tinh thần
người Việt Nam hiện nay là do một loạt các nguyên nhân khác nhau. Trong rất nhiều
nguyên nhân bao gồm cả hai phía chủ quan và khách quan, có thể chỉ ra những
nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu lại chịu sự tàn phá nặng nề của
chiến tranh là mảnh đất “màu mỡ” cho hệ tư tưởng phong kiến Việt Nam với nền
tảng là tư tưởng Nho giáo tồn tại.


18
Thứ hai, Nho giáo từ Trung Quốc vào Việt Nam đã được “Việt hóa” trở thành
Nho giáo Việt Nam, tư tưởng Việt Nam vì thế nó có ảnh hưởng nhất định đối với đời
sống tinh thần của người Việt Nam.
Thứ ba, đạo đức Nho giáo với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, nó có tính
độc lập tương đối so với tồn tại xã hội.
Thứ tư, do những tác động mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, tầm quan trọng của việc kết hợp giữa giáo dục ý thức đạo đức và
giáo dục ý thức pháp luật chưa được đánh giá đúng mức.
Thứ sáu, quá trình dân chủ hóa còn nhiều hạn chế.
Thứ bảy, bản thân những quan niệm của đạo đức Nho giáo vẫn còn chứa đựng
nhiều nhân tố hợp lý, có tác động tích cực đối với việc xây dựng đời sống tinh thần
lành mạnh cho người Việt Nam hiện nay.
Những nguyên nhân trên đây đã lý giải cho chúng ta tại sao Nho giáo, đạo đức
Nho giáo vẫn còn tồn tại và tiếp tục gây ra những ảnh hưởng theo cả hai hướng tích
cực và tiêu cực đối với xã hội hiện tại nói chung và đối với đời sống tinh thần của
người Việt Nam hiện nay nói riêng. Điều đó cũng khẳng định một sự thực không thể

chối cãi là, chừng nào những nguyên nhân này chưa biến mất thì chừng ấy đạo đức
Nho giáo vẫn tiếp tục tồn tại và có những tác động nhất định.
Chương 4
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT HUY
ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA
ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG
TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY
4.1. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ
ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO TRONG VIỆC XÂY
DỰNG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY

4.1.1. Quán triệt, vận dụng phương pháp biện chứng duy vật của Hồ Chí
Minh về việc khai thác đạo đức Nho giáo trong xây dựng đời sống tinh thần ở
Việt Nam hiện nay
Với tinh thần độc lập, sáng tạo, với phương pháp biện chứng duy vật, Hồ Chí
Minh đã xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam để khai thác,
sử dụng đạo đức Nho giáo một cách hợp lý, có hiệu quả trong việc xây dựng đời sống
tinh thần mới cho người Việt Nam hiện nay. Với phương pháp tiếp cận này, Người


19
kiên quyết đấu tranh, phủ định những mặt tiêu cực, những mặt trái, những quan điểm
bảo thủ, lạc hậu, phản động của đạo đức Nho giáo đang có những ảnh hưởng xấu đối
với sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, sự phủ định của Người không phải là phủ định
sạch trơn mà là phủ định biện chứng, nghĩa là trong quá trình phủ định, Người luôn
tìm ra những hạt nhân hợp lý, những yếu tố tiến bộ trong đạo đức Nho giáo, kế thừa
nó, bổ sung nó, phát triển nó cho phù hợp với những chuẩn giá trị mới trong đời sống
tinh thần của người Việt mới.
Cách Người khai thác, sử dụng đạo đức Nho giáo với phương pháp biện chứng
duy vật là một trong những nguyên tắc mà chúng ta cần quán triệt. Bởi lẽ, đạo đức

Nho giáo với tư cách là hệ tư tưởng thống trị đã chi phối đời sống tinh thần của người
Việt suốt hàng nghìn năm phong kiến, đã ăn sâu, bám rễ vào đầu óc, lối sống, cách
ứng xử của người Việt truyền từ đời này sang đời khác và kéo dài ảnh hưởng cho tới
tận ngày nay. Do vậy, bên cạnh việc gạt bỏ những yếu tố tiêu cực nếu ta biết sử dụng
những quan niệm đạo đức Nho giáo như một trong những giá trị truyền thống đã trở
nên quen thuộc với nhân dân Việt Nam và khéo léo đưa vào đó những nội dung mới,
tiến bộ, thấm đẫm hơi thở thời đại như Hồ Chí Minh đã làm sẽ khiến nó dễ dàng đi
sâu vào đời sống xã hội, định hướng những giá trị mới cho con người trên cơ sở kết
hợp giữa truyền thống và hiện đại.
4.1.2. Phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo
đức Nho giáo gắn với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và chiến lược
phát triển con người trong xây dựng đời sống tinh thần của người Việt hiện nay
Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực, phát huy ảnh hưởng tích cực của đạo đức Nho
giáo đối với đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay cần phải gắn liền với
chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi lẽ, Nho giáo nói chung, đạo đức
Nho giáo nói riêng được nảy sinh và phát triển trên nền tảng của một cơ sở kinh tế, xã
hội, văn hóa nhất định. Những ảnh hưởng tiêu cực của nó chỉ được khắc phục một
cách triệt để khi cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội cho sự ra đời và tồn tại của nó hoàn
toàn biến mất cũng như những ảnh hưởng tích cực của nó chỉ có cơ hội được khẳng
định, phát triển thông qua việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời đại mới.
Bên cạnh việc gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát
huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo muốn đạt
được hiệu quả còn phải gắn liền với chiến lược phát triển con người ở nước ta hiện
nay. Bởi lẽ, chỉ có những con người mới đại diện cho một hình thái kinh tế xã hội
mới - xã hội xã hội chủ nghĩa được phát triển một cách toàn diện mới có đủ năng lực
và trí tuệ để nhận thức đúng đắn những giá trị đích thực mà đạo đức Nho giáo mang
lại cho cuộc sống của mình cũng như những “căn bệnh” mà nó gây ra đã và đang trở
thành lực cản to lớn đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.



20
4.2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG
TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA ĐẠO ĐỨC NHO GIÁO
TRONG VIỆC XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
HIỆN NAY

4.2.1. Phát triển kinh tế, văn hóa đồng thời đẩy mạnh cải tạo phong tục,
tập quán lạc hậu, giữ gìn, phát huy thuần phong, mỹ tục tạo cơ sở cho việc phát
huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo
trong xây dựng đời sống tinh thần của người Việt hiện nay
Đạo đức Nho giáo ở Việt Nam được nảy sinh, tồn tại và củng cố trên cơ sở nền
kinh tế của xã hội phong kiến với đặc trưng là nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ
và quan hệ kinh tế cơ bản là sự chiếm hữu phong kiến về tư liệu sản xuất. Do đó,
muốn xóa bỏ cơ sở tồn tại của nó cũng như chấm dứt những ảnh hưởng tiêu cực mà
nó gây ra trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay thì không có cách
nào khác ngoài cách tạo ra những điều kiện vật chất kinh tế nhất định của một xã hội
mới, làm nền tảng cho việc xây dựng đời sống tinh thần mới. Cụ thể, về đường lối
phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước ta xác định trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay là: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát
triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là
tiền đề đảm bảo cải thiện đời sống vật chất của người dân, từ đó tạo điều kiện làm
nảy sinh những hệ giá trị mới, tiến bộ trong đời sống tinh thần của họ.
Tuy nhiên, đạo đức Nho giáo với những tàn dư của nó không chỉ tồn tại dựa
vào cơ sở kinh tế xã hội mà còn có cơ sở ngay trong truyền thống văn hóa, trong
phong tục, tập quán, trong những thói quen, trong cách ứng xử giữa người với
người... Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế xã hội thì phát triển văn
hóa, cải tạo những phong tục, tập quán lạc hậu, duy trì, phát huy những thuần phong
mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông cũng là một trong những giải
pháp quan trọng cho việc phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực
của đạo đức Nho giáo.

4.2.2. Tăng cường vai trò của pháp luật nhằm phát huy ảnh hưởng tích
cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong xây dựng đời sống
tinh thần của người Việt hiện nay
Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ tác động nhau, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Mọi lòng tốt đều phải tuân thủ công lý. Nghĩa là, đạo đức tuy phổ quát nhưng phải
dựa trên cơ sở hệ chuẩn mực đúng - sai của pháp luật. Pháp luật phải được xây dựng
phù hợp với các giá trị đạo đức truyền thống, đạo đức cách mạng, đạo đức tiến bộ xã
hội. Đạo đức làm tăng tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật, giúp việc thực thi pháp
luật đầy đủ hơn, hiệu quả hơn. Mặt khác, pháp luật có vai trò quan trọng với đạo đức,


21
có thể khái quát sự tác động đó như sau: pháp luật bảo vệ, củng cố và nâng cao hiệu
quả của việc thực hiện những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong xã hội; pháp luật
có vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành và phát triển các giá trị đạo đức
mới… Thực tiễn chứng minh nước nào không biết kết hợp hài hòa giữa đạo đức và
pháp luật, tuyệt đối hóa vai trò của một trong hai đối với việc quản lý xã hội thì dù
sớm hay muộn xã hội ấy cũng sẽ rơi vào khủng hoảng.
Vì thế, ngày nay, để xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, chúng ta càng
phải chú ý kết hợp hài hòa giữa đạo đức và pháp luật. Trong việc khắc phục những
ảnh hưởng tiêu cực và phát huy ảnh hưởng tích cực của của đạo đức Nho giáo, nâng
cao vai trò pháp luật là yêu cầu cần thiết và cấp bách. Để tăng cường vai trò của
pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ trên cần giải quyết đồng bộ các vấn đề sau: một
là, nâng cao nhận thức về vai trò của pháp luật; hai là, không ngừng hoàn thiện hệ
thống pháp luật, thực thi nghiêm minh pháp luật, tăng cường vai trò của pháp luật
trong cuộc sống.
4.2.3. Dân chủ hóa đời sống xã hội nhằm phát huy tính năng động, sáng
tạo của cá nhân, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong xây
dựng đời sống tinh thần của người Việt hiện nay
Giữa những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo và tình trạng mất dân

chủ trong xã hội có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhau. Nếu những ảnh hưởng
tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong đời sống tinh thần của người Việt hiện nay là
một trong những nguyên nhân gây nên sự mất dân chủ trong đời sống xã hội thì
ngược lại, chính tình trạng mất dân chủ sẽ trở thành nơi để tàn dư của lễ giáo đạo
Nho trú ngụ. Do đó, dân chủ hóa đời sống xã hội là một trong những giải pháp căn
bản để khắc phục một số ảnh hưởng tiêu cực mà đạo đức Nho giáo gây ra trong đời
sống tinh thần của người Việt hiện nay. Cụ thể:
Thứ nhất, với việc thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, tạo mọi điều kiện
cho nhân dân khẳng định quyền làm chủ của mình đối với đất nước trên mọi lĩnh vực
đã khắc phục căn bản tình trạng “mất dân chủ” nghiêm trọng trong xã hội phong kiến
theo hệ tư tưởng Nho giáo.
Thứ hai, thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội để nhân dân thực thi quyền làm
chủ của mình cũng là cơ sở để ta triệt tiêu tận gốc những biểu hiện tiêu cực ở đội ngũ
cán bộ nhất là tư tưởng gia trưởng, địa vị, ngôi thứ, quan liêu, đầu óc cục bộ, địa
phương, bệnh gia đình chủ nghĩa… vốn là những căn bệnh có căn nguyên từ ảnh
hưởng mặt trái của đạo đức Nho giáo trong đời sống tinh thần của người Việt hiện nay.
Thứ ba, dân chủ hóa đời sống xã hội còn tạo điều kiện cho người dân phát huy
tính năng động, sáng tạo của mỗi cá nhân giúp họ có điều kiện để tham gia tích cực
vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.


22
4.2.4. Coi trọng việc kế thừa các giá trị và đẩy mạnh khắc phục những
ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong giáo dục gia đình, thực hiện
bình đẳng giới
4.2.4.1. Coi trọng việc kế thừa các giá trị, đẩy mạnh khắc phục những ảnh
hưởng tiêu cực của đạo đức Nho giáo trong giáo dục gia đình
Gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục
đạo đức cho mỗi con người. Giáo dục gia đình giúp lưu giữ, phát huy những truyền
thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc mà đa phần trong số chúng có cội nguồn từ đạo

đức Nho giáo. Chẳng hạn như, thông qua giáo dục gia đình ông bà, cha mẹ có thể
giáo dục cho con cái tinh thần nhân ái, tình yêu thương, sự gắn kết, bổn phận, trách
nhiệm của mỗi con người đối với người thân trong gia đình, dạy con người biết sống
có trên, có dưới, có nhân, có lễ, có nghĩa theo tinh thần của đạo đức Nho giáo…
Không chỉ dừng lại ở đó, giáo dục gia đình còn có vai trò to lớn trong việc khắc phục
những hạn chế của đạo đức Nho giáo. Qua giáo dục gia đình, ông bà, cha mẹ có
quyền lựa chọn những giá trị tích cực của đạo đức Nho giáo để giáo dục cho con em
mình trên cơ sở loại bỏ những yếu tố hạn chế. Ví dụ, dạy con em mình phải biết sống
có trách nhiệm với gia đình, dòng họ nhưng đồng thời cũng phải dạy chúng không
được đề cao và tuyệt đối hóa nó một cách quá mức như Nho giáo dẫn đến việc hình
thành thói gia đình vị kỷ, bệnh gia đình chủ nghĩa, coi gia đình là trên hết. Dạy con
em mình phải thể hiện lòng biết ơn ông bà, cha mẹ bằng cách chăm sóc lúc còn sống,
tưởng nhớ khi qua đời, thờ cúng ngày giỗ tết nhưng phải kiên quyết gạt bỏ những hủ
tục, mê tín dị đoan, tiêu sài phung phí trong việc ma chay, cúng bái…
Cứ như vậy, trải qua các thế hệ, qua giáo dục gia đình những hạn chế, tiêu cực
của truyền thống đạo đức cũ - đạo đức Nho giáo ngày càng bị tiêu trừ, lọc bỏ, những
giá trị tích cực của nó thì luôn được bảo tồn và ngày càng phát huy kết hợp với những
quan niệm đạo đức mới để giáo dục cho con người những chuẩn mực đạo đức mới
phù hợp với những tiêu chí của xã hội hiện đại mà ở đó có sự kết hợp chặt chẽ giữa
quá khứ và hiện tại.
4.2.4.2. Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trọng nam khinh nữ
trong đạo đức Nho giáo thông qua việc thực hiện bình đẳng giới
Có thể nói, một trong những ảnh hưởng tiêu cực năng nề nhất mà lễ giáo đạo
Nho khắc dấu trong đời sống tinh thần người Việt cho tới tận ngày hôm nay chính là tư
tưởng trọng nam khinh nữ, coi thường người phụ nữ. Ngày nay, những chuẩn mực,
những khuôn phép của đạo đức Nho giáo vẫn còn đè nặng lên ý thức, quan niệm sống
của rất nhiều người, nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi thường phụ nữ vẫn tồn
tại dai dẳng, ăn sâu, bám rễ vào những phong tục, tập quán lạc hậu và đang có những
ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người phụ nữ trên nhiều phương diện. Để khắc
phục ảnh hưởng tiêu cực này thì một trong những giải pháp quan trọng cần phải được

tính tới chính là đẩy mạnh việc thực hiện công tác bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay.


23
KẾT LUẬN
Nho giáo là hệ thống tư tưởng đề cập đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt hiện thực
của đời sống xã hội và con người. Trong hệ thống Nho giáo bao gồm nhiều tư tưởng,
nhiều nội dung: triết học, chính trị - xã hội, đạo đức, giáo dục… Trong đó, có thể coi
đạo đức là nội dung cơ bản của Nho giáo. Việc nhấn mạnh đạo đức, đề cao vai trò và
sức mạnh của đạo đức với con người và xã hội đã trở thành nét đặc trưng của Nho
giáo. Rõ ràng, trong bất cứ xã hội nào, ở thời đại nào thì đạo đức luôn giữ vị trí quan
trọng, nó là cái để điều chỉnh hành vi của con người trong các mối quan hệ xã hội và
nhiều khi nó còn có sức mạnh hơn cả những quy phạm pháp luật. Đạo đức là cơ sở
vững chắc để ổn định trật tự, giữ gìn kỷ cương của xã hội. Tuy nhiên, việc quá đề cao
đạo đức và cho rằng đạo đức là nhân tố duy nhất quyết định sự hưng vong, thịnh suy
của đất nước, của triều đại cũng là hạn chế chính của học thuyết Nho giáo. Xét cho
đến cùng, đạo đức cũng chỉ là một trong những hình thái ý thức xã hội và giống như
các hình thái ý thức xã hội khác, nó cũng chịu sự quy định của tồn tại xã hội. Do đó,
lấy đạo đức làm cơ sở quyết định cho tồn tại xã hội là tư tưởng duy tâm, không tưởng
của Nho giáo.
Những nội dung chính trong quan niệm của Nho giáo về đạo đức phải kể đến
là những tư tưởng Tam cương, Ngũ thường, Chính danh… Những tư tưởng này
chứa đựng trong nó cả những giá trị và hạn chế thể hiện ở chỗ: ưu điểm của đạo đức
Nho giáo là đã xem xét, đánh giá con người thông qua các mối quan hệ xã hội, từ đó
đặt ra những yêu cầu đạo đức tương đối cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm đạo đức cá nhân
đối với gia đình, với mọi người và với bản thân. Đặc biệt, Nho giáo còn đề cao đạo
tu thân và coi đây là một yêu cầu quan trọng bậc nhất trong việc tu dưỡng đạo đức
của mọi người từ bậc thiên tử xuống đến thứ dân… Những tư tưởng này đã khiến
đạo đức Nho giáo có nội dung tiến bộ hơn hẳn so với những học thuyết chính trị đạo
đức đương thời. Mặc dù chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý, nhưng bản thân đạo đức

Nho giáo vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định như: những chuẩn mực
đạo đức mà Nho giáo đề ra khá cứng nhắc và khô khan trói buộc con người trong
những mối quan hệ xã hội đã được định sẵn, làm hạn chế tính năng động, sáng tạo
của mỗi cá nhân. Đặc biệt, Nho giáo quá chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cho
con người mà quên đi những tri thức về khoa học tự nhiên, về lao động sản xuất…
Những điều này đã trở thành nhân tố kìm hãm sự phát triển của xã hội, của con
người, làm cho xã hội vận động trì trệ, chậm chạp và dẫn đến sự sụp đổ tất yếu của
chế độ phong kiến.


×