Mô hình dạy hoc tương lai.
Dạy học cho tương lai” là một trong những chương trình giáo dục của Intel
nhằm đưa công nghệ tiên tiến vào trường học. Chương trình này là cuộc cải
cách mang tính toàn cầu nhằm nâng cao tính khả thi của khoa học - công
nghệ trong giáo dục. Chương trình đã được triển khai khá thành công và rộng
rãi cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh, thành phố
khác như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hà Nội...Một trong những sáng kiến lớn và
xuyên suốt trong mô hình dạy học này là đào tạo cho giáo viên phương pháp
phát huy việc học tập, dựa trên dự án và kết hợp có hiệu quả việc sử dụng
máy tính với các chương trình dạy học để giúp học sinh đạt được kết quả tốt
hơn. Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến một nội dung cụ thể, đó là việc xây
dựng một hồ sơ bài dạy tốt nhằm khắc phục những điểm yếu của nội dung
chương trình phân ban lớp 10 trong khuôn khổ môn Anh văn. “Hồ sơ bài dạy”
thay cho giáo án Với cấu trúc chương trình tương đối nặng, trong khi thời
lượng dành cho môn Anh văn ở chương trình phân ban lớp 10 chỉ có 3
tiết/tuần, xây dựng một hồ sơ bài dạy mang tính khoa học là một việc hết
sức cần thiết, bởi một hồ sơ bài dạy tốt sẽ tạo cho giáo viên một sự chuẩn bị
đầy đủ về nội dung kiến thức khi đứng lớp, đồng thời nó cũng sẽ là cơ sở, dàn
ý hướng dẫn cho học sinh trong việc chuẩn bị kiến thức đối với mỗi bài học
mới. Ngoài ra, việc đưa ra một hồ sơ bài dạy tốt cũng chỉ rõ được cách đánh
giá cụ thể, chính xác đối với các thành quả học tập của học sinh, từ đó tạo
cho các em tâm lý được khuyến khích, cổ vũ xứng đáng với mỗi nỗ lực trong
học tập. “Hồ sơ bài dạy” thực ra là một tên gọi dùng để chỉ toàn bộ sự chuẩn
bị về tài liệu kiến thức, nội dung, cách đánh giá của giáo viên đối với mỗi bài
học, môn học mà mình phụ trách. Thực chất, từ trước tới nay giáo viên chỉ
quen với khái niệm “giáo án” và việc soạn giáo án được xem như một việc
làm khá quen thuộc đối với mỗi giáo viên trước khi lên lớp. Giáo án đơn thuần
chỉ là một cuốn sổ, trong đó giáo viên soạn ra trước nội dung chính của bài
học mà mình sẽ giảng. Hiện nay cho dù việc sử dụng giáo án điện tử đang
được khuyến khích và phát triển khá mạnh mẽ, song thực chất nó vẫn là một
“hình thức” trình bày khác trên máy tính thay vì trên giấy của “giáo án”. Vì
vậy, nội dung và tính chất của nó hoàn toàn khác với “hồ sơ bài dạy”. Có gì
trong “hồ sơ bài dạy”? “Hồ sơ bài dạy” bao gồm một bản kế hoạch, các tiêu
chí đánh giá, các mẫu dự án cho học sinh, các tư liệu trợ giúp giáo viên và
công cụ đánh giá học tập của học sinh. Một hồ sơ bài dạy mẫu gồm những
nội dung cụ thể: kế hoạch bài giảng với các mục tiêu học tập cho học sinh
phù hợp các tiêu chuẩn của quốc gia; bài trình bày đa phương tiện giới thiệu
các ý tưởng của giáo viên; tài liệu trích dẫn; ví dụ về bài trình bày của học
sinh; công cụ đánh giá bài trình bày đa phương tiện nhằm xác định mức độ
hiểu bài của học sinh; ví dụ về ấn phẩm học sinh (bản tin, tờ giới thiệu hoặc
tờ quảng cáo); công cụ đánh giá ấn phẩm nhằm xác định mức độ hiểu bài
của học sinh; tài liệu hướng dẫn, tài liệu mẫu, hoặc bài kiểm tra nhằm trợ
giúp học sinh trong suốt bài học; ví dụ website của học sinh; công cụ đánh
giá website nhằm xác định mức độ hiểu bài của học sinh; bài trình bày, bản
tin, tờ giới thiệu, hoặc website giáo viên nhằm hỗ trợ cho bài dạy; kế hoạch
thực hiện bài dạy; các tài liệu quản lý lớp học. Lợi ích từ sự thay đổi Như vậy,
mỗi một bài học khác nhau đòi hỏi người giáo viên phải xây dựng một bộ hồ
sơ bài dạy phù hợp với nội dung của từng bài học. Trong đó, giáo viên sẽ đưa
ra những kế hoạch và yêu cầu cụ thể buộc học sinh cùng thực hiện. Do đó,
người giáo viên không chỉ đóng vai trò trung tâm là người truyền đạt kiến
thức, mà ngược lại chính các học sinh cũng phải tự tìm hiểu trên sách, báo
hoặc trên mạng Intermet những thông tin liên quan đến nội dung bài học, để
thực hiện tốt những ấn phẩm của mình. Ấn phẩm của học sinh chính là những
bài trình bày đa phương tiện có thể thiết kế dưới dạng bản tin, bài trình bày
Powerpoint, tờ giới thiệu… về những chủ đề của bài học. Như vậy sẽ kích
thích sự tìm tòi, đào sâu kiến thức của các em học sinh về các chủ đề. Thiết
nghĩ mô hình học tập này không những sẽ góp phần tích cực đến việc nâng
cao và trau dồi vốn từ vựng, khả năng về phát âm, đọc, viết và nghe mà còn
cải thiện được cả khả năng nói của các em khi đứng lên trình bày các ấn
phẩm của mình. Bởi thay vì bắt buộc phải học và nhớ từ mới một cách máy
móc, với phương pháp học này, các em sẽ tự nguyện học từ vựng một cách
tự giác để có thể chuẩn bị tốt cho việc trình bày ấn phẩm của mình. Với các
kỹ năng khác cũng vậy. Việc xây dựng công cụ đánh giá cho những ấn phẩm
của học sinh cũng được hết sức chú trọng trong hồ sơ bài dạy của giáo viên
ngay từ đầu. Đưa ra những tiêu chí đánh giá càng cụ thể, chính xác bao nhiêu
thì chất lượng ấn phẩm càng cao bấy nhiêu. Đối với môn Anh văn, dựa vào
chính những mục tiêu đặt ra đối với mỗi bài học mà người giáo viên sẽ xây
dựng được những tiêu chí đánh giá phù hợp. O ThS. LÊ THỊ THU LIỄU (Viện
nghiên cứu giáo dục)