Tải bản đầy đủ (.doc) (179 trang)

Tâm lý học Đinh Phương Duy

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (648.93 KB, 179 trang )

TÂM LÝ HỌC
TÂM LÝ HỌC
Tác giả: TS. Đinh Phương Duy

LỜI NÓI ĐẦU
Khoa học Tâm lí đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong các hoạt
động đa dạng của xã hội. Đặc biệt trong hoạt động giáo dục và kinh doanh, việc
ứng dụng các thành quả nghiên cứu tâm lí đang được khai thác rất thành công
và hiệu quả. Nhiều trường chuyên nghiệp chọn lựa học phần Tâm lí học cho
sinh viên nghiên cứu, học tập, đã được đông đảo sinh viên thích thú và ủng hộ.
Trong xu thế đổi mới phương pháp nghiên cứu tâm lí và đổi mới cách
thức phổ biến kiến thức Tâm lí học cho đông đảo bạn đọc với nhiều đối tượng
đa dạng, tập sách Tâm lí học này được biên soạn lại trên cơ sở nội dung chính
của học phần Tâm lí học đại cương nhằm giúp các bạn sinh viên, những người
quan tâm đến khoa học Tâm lí có tài liệu tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng...
Tác giả tập sách này có ý thức chú trọng nhiều đến những vấn đề thực tiễn, do
đó có nhiều câu chuyện được trích lại để dẫn dắt và giải thích vấn đề.
Tác giả đã hết sức cố gắng để biên soạn tập sách này nhưng chắc chắn
vẫn còn nhiều thiếu sót, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành
của bạn đọc gần xa.
Xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản Giáo dục đã tạo điều kiện thuận lợi
để tập sách này được xuất bản.
Trân trọng kính chào!
Tác Giả

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. KHOA HỌC TÂM LÝ
1.1. Khái niệm "Tâm lí người"


Khi người ta cố gắng để tìm hiểu tâm lí của một ai đó nghĩa là họ đang


muốn biết điều gì của người ấy? Tâm lí có phải là một thuật ngữ chỉ những vấn
đề huyền bí của con người? Phải chăng chúng ta không thể nào hiểu được tâm
lí của một con người cụ thể?... Hãy lưu ý đến những từ có chữ "TÂM" sau đây
và có vài nhận xét:
Tâm hồn, tâm linh, tâm trí, tâm trạng, tâm địa, tâm can, tâm thần, tâm sự,
tâm tình, tâm tính, tâm tưởng, tâm thành, tâm bịnh, tâm giao, tâm đắc, tâm thức,
tâm tư,…
Nhân tâm, thiện tâm, ác tâm, bình tâm, an tâm, khổ tâm, lưu tâm, quyết
tâm, thành tâm, đan tâm, can tâm, đồng tâm, dã tâm, tà tâm, mĩ tâm, hảo tâm,
kiên tâm, từ tâm, tịnh tâm, thương tâm, lao tâm, vô tâm, nhẫn tâm, bận tâm...
Những từ trên đây có liên quan gì đến tâm lí không? Phải chăng đó là
những khái niệm của Tâm lí học?...
Người ta đã yêu như thế nào, tại sao mình nhớ người này mà không nhớ
người kia? Những giấc mơ hãi hùng hoặc đầy chất lãng mạn có liên quan gì với
nhau? Tại sao có lúc con người lại thấy mênh mông buồn mà chẳng rõ nguyên
nhân, có lúc căng thẳng hay nhiều khi hết sức hiền hoà và nhẫn nại?... Trong
thực tế đã có nhiều trường hợp con người rơi vào tình trạng mất cảm giác, mất
trí nhớ hoặc mất hết lí trí, tại sao như thế? Có lúc chúng ta đã không làm chủ
được mình, đã có những hành vi không nên làm nhưng lại biết mình sai ngay
sau đó, tại sao họ cố tình làm những điều biết chắc có thể mang lại sự phiền
phức cho mình?
Cũng có lúc người ta tự hỏi về thân phận của mình, tự hỏi về tương lai
của mình nhưng rồi họ hoàn toàn tuyệt vọng. Với bạn, bạn có bao giờ cho rằng,
trong cuộc sống, người Nữ và Nam sẽ có những phản ứng khác nhau trước
những hoàn cảnh hay trước những kích thích giống nhau? Bạn có cho rằng
những thông tin người ta có thể ghi nhớ được lại tuỳ thuộc vào tâm trạng của
con người hay phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của con người lúc ấy không?
Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, là người duy cảm hay duy lí...?



Thuật ngữ "tâm lí", "tâm hồn" đã có từ lâu trong tiếng Việt. Từ điển tiếng
Việt năm 1988 đã định nghĩa một cách tổng quát rằng "tâm lí" là ý nghĩ tình cảm,
tâm tư, nguyện vọng, ý chí, thái độ, sở thích... làm thành đời sống nội tâm, thế
giới bên trong của con người. Nói một cách chung nhất, tâm lí bao gồm tất cả
những hiện tượng tinh thần xảy ra trong đầu óc con người, gắn liền và điều
hành một hành động, hoạt động của con người. Tìm hiểu tâm lí của con người
nghĩa là tìm hiểu về suy nghĩ tình cảm, ước muốn, nguyện vọng... của họ. Các
hiện tượng tâm lí, các hiện tượng tinh thần đóng vai trò đặc biệt quan trọng
trong đời sống của con người, trong quan hệ giữa con người cũng như giữa con
người và xã hội loài người. Một số người cho rằng "tâm lí" là lí lẽ của trái tim, là
những vấn đề liên quan đến tình cảm... nhưng thật ra không chỉ là của trái tim
mà còn là của "khối óc" nữa...
1.2. Tâm lí học
Những vấn đề trên đây sẽ được khoa học tâm lí giải thích và giúp chúng
ta phần nào trong việc lí giải những hiện tượng, sự kiện như đã mô tả trong
cuộc sống thực tế. Khoa học tâm lí hay Tâm lí học là một ngành khoa học
nghiên cứu về tâm lí, trong đó đặc biệt là nghiên cứu tâm lí Người. Mục tiêu lớn
của Tâm lí học là đem lại một cái nhìn sâu sắc và khái quát về những vấn đề đã
được khám phá về hoạt động của não bộ, của trí tuệ, của hành vi. Sau đó, Tâm
lí học cố gắng tìm cách để phác thảo, đề nghị phương cách vận dụng tri thức
Tâm lí học trong cuộc sống...
Có thể nói rằng, Tâm lí học là một khoa học nghiên cứu về các hiện tượng
tâm lí, về hành vi và đời sống tinh thần của con người. Tâm lí học có liên quan
đến rất nhiều ngành khoa học khác. Là một môn khoa học xã hội nhưng không
hoàn toàn chỉ là những vấn đề "xã hội" đơn thuần mà Tâm lí học có liên quan
mật thiết với Sinh lí học, Thần kinh học, Kinh tế học, Chính trị học, Nhân học,
Vật lí học... Nhiều ngành khoa học hành vi, nhiều ngành khoa học xã hội đã dựa
vào tri thức tâm lí để đưa ra các nguyên tắc ứng dụng của họ... Ngày nay, Tâm
lí học là khoa học xuyên văn hoá, nó có liên quan đến các ứng xử giống nhau và
khác nhau từ các vùng trên thế giới, nó có những quy tắc thích ứng chung cho

nhiều vấn đề đối với con người. "Tâm lí học nắm giữ chiếc chìa khoá để hiểu


một cách tổng quát sự vận hành con người (function) như thế nào. Khi khám
phá ra những điều nhà Tâm lí học biết về con người nói chung thì ta có thể ứng
dụng sự hiểu biết đó để thay đối ứng xử của bản thân và ứng xử của người
khác theo chiều hướng tốt hơn".
1.2.1. Đối tượng của Tâm lí học:
Bàn về đối tượng của Tâm lí học nghĩa là trả lời các câu hỏi: Con người
nghiên cứu tâm lí người khác thông qua cái gì; Điều gì là phương tiện để nghiên
cứu tâm lí người; Tâm lí người được bộc lộ thông qua các hình thức nào?
Trước hết, tâm lí (tâm tư, tình cảm, thái độ...) của con người luôn bộc lộ ra
ngoài bằng hành vi. Có thể quan sát hành vi cụ thể của một người trong một tình
huống cụ thể nào đó để nhận dạng về diễn biến tâm lí của họ lúc đó. Đời sống
tâm lí của con người luôn luôn được bộc lộ ra ngoài bằng hành vi và các dấu
hiệu nhất định. Hành vi là gì! Theo nghĩa hẹp, hành vi là cử chỉ, ngôn ngữ, động
tác... Theo nghĩa rộng, hành vi là tất cả các hoạt động trí tuệ, tình cảm có ý thức
và không ý thức. Khi xem xét hành vi của một cá nhân, cần chú ý đến ba khía
cạnh của nó, đó là cơ thể, tinh thần và xã hội. Hành vi là tất cả các dấu hiệu có
thể quan sát được của con người, được xem xét trong một tổng thể các phản
ứng của con người trước tác động của môi trường..
Như vậy, trước hết Tâm lí học xem hành vi của con người là đối tượng
nghiên cứu của mình, thông qua hành vi, các chủ thể sẽ có thể phát hiện được
những dấu hiệu, những diễn biến, những đặc điểm tâm lí của một khách thể nào
đó.
Mặt khác, Tâm lí học là một trong các khoa học trung gian tức là nghiên
cứu các dạng vận động chuyển tiếp từ dạng vận động này sang dạng vận động
khác. Tâm lí học nghiên cứu dạng vận động chuyển tiếp từ vận động sinh vật
sang vận động xã hội, từ thế giới khách quan vào não người sinh ra hiện tượng
tâm lí, với tư cách là một hiện tượng tinh thần. Ở khía cạnh này, đối tượng của

Tâm lí học là các hiện tượng tâm lí với tư cách là một hiện tượng tinh thần do
thế giới khách quan tác động vào não người sinh ra, gọi chung là các hoạt động
tâm lí. Tâm lí học nghiên cứu sự hình thành, vận hành và phát triển của hoạt


động tâm lí thông qua những hiện tượng tâm lí. Hiện tượng tâm lí là những hiện
tượng phản ánh đời sống tinh thần của con người, phản ánh tâm hồn con
người. Những hiện tượng tâm lí nói lên suy nghĩ, tình cảm của một cá nhân hay
của một nhóm xã hội nào đó. Các hiện tượng tâm lí người có thể chứa đựng,
chuyển tải ý nguyện của một cá nhân hay cộng đồng, bộc lộ ý tưởng, nhận thức
của một chủ thể nào đó. Có thể nói đối tượng của Tâm lí học rất đa dạng, từ
những điều quan sát được trong thực tiễn đến những ý tưởng còn ẩn chứa
trong tâm thức của họ, còn bị che khuất bởi các thói quen của họ nhưng đều có
khuynh hướng bộc lộ ra ngoài và hình thành nên những hiện tượng tâm lí chung
hay đặc biệt.
1.2.2. Nhiệm vụ của Tâm lí học
Nhiệm vụ của Tâm lí học có thể xem như các mục tiêu mà khoa học này
muốn đạt được thông qua hệ thống tri thức và các phương pháp của chính khoa
học này. Giải quyết được các nhiệm vụ, các nhà tâm lí sẽ có điều kiện tiếp cận
với các vấn đề thực tiễn một cách bài bản hơn, ý nghĩa hơn. Tâm lí học có một
số nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Phát hiện các hiện tượng và sự kiện tâm lí xảy ra trong cuộc sống thực
tế. Những hiện tượng tâm lí xảy ra đan xen với những hiện tượng khác (hiện
tượng Sinh học, Hoá học, Vật lí học, Xã hội học, Kinh tế học, Văn hoá học...) và
có những quy luật hình thành nhất định, các nhà Tâm lí học phải sử dụng các
phương pháp thích hợp để xác định vấn đề, phát hiện diễn biến tâm lí nảy sinh
ở các chủ thể. Sau khi phát hiện, các nhà tâm lí còn có nhiệm vụ mô tả điều đã
xảy ra một cách rất khách quan, tìm kiếm những mối liên quan ý nghĩa giữa các
kích thích và các đáp ứng của chủ thể và những thay đổi nếu có của liên quan
ấy. Việc mô tả khách quan phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, trong đó

đặc biệt nhấn mạnh đến điều nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy được.
- Tìm hiểu các quy luật nảy sinh, hình thành, phát triển và biểu hiện của
những hiện tượng và sự kiện ấy để có thể giải thích chúng một cách khoa học
và rõ ràng. Những điều được giải thích sẽ là nền tảng của quá trình suy luận
logic để đưa ra được những phán đoán khoa học, những nhận định thực tiễn.


Dù với những cách giải thích nào, các nhà tâm lí phải tìm cách kiểm chứng với
các dữ kiện đã được thu thập một cách hệ thống. Trên cơ sở giải thích một cách
khoa học các hiện tượng, sự kiện tâm lí, khoa học tâm lí sẽ chứng minh được
nguồn gốc của các hiện tượng này và quan trọng hơn là hình thành được một
số cơ sở lí luận và thực tiễn để xây dựng hệ thống lí thuyết cho ngành khoa học
này.
- Sau khi đã giải thích được các cơ chế, các quy luật của hành vi hoặc các
hiện tượng tâm lí nào đó, các nhà tâm lí có cơ sở để dự báo điều gì sẽ xảy ra,
những ứng xử nào có thể xuất hiện trên cơ sở những mối liên hệ đã phân tích.
Dự báo chính xác điều xảy ra sau một hành vi hay một ứng xử nào đó sẽ rất có
ích cho tiến trình nghiên cứu thực tiễn, nó là cơ sở của những ứng dụng Tâm lí
học trong hoạt động thực tiễn cũng như trong cuộc sống thực tế. Một trong
những kì vọng mà các nhà tâm lí phải tìm mọi cách đáp ứng là Tâm lí học phải
có hàng loạt các phương pháp, các biện pháp thực tế để dự đoán, dự báo các
diễn biến tâm lí dây chuyền hoặc độc lập sau một hiện tượng hay một đặc điểm
tâm lí nào đó được thể hiện ở chủ thể.
- Đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để con người nghiên cứu, xem
xét và có thể phát triển nhân tố con người một cách hiệu quả nhất. Chính điều
này làm tăng khả năng của Tâm lí học trong quá trình cải thiện chất lượng cuộc
sống, cải thiện tính chất của các mối quan hệ người - người trong xã hội. Tâm lí
học sẽ làm phong phú thêm cuộc sống từ những phương cách hợp lí mà nó đề
xuất để môi trường sống trở nên dễ chịu hơn, do đó kết quả hoạt động có thể sẽ
cao hơn nữa... Nhiệm vụ này thể hiện một cách rõ ràng nhất tính chất ứng dụng

của tâm lí trong thực tiễn, Tâm lí học không phải chỉ là một khoa học với hàng
loạt khái niệm lí thuyết mà còn là việc ứng đụng, vận dụng lí thuyết đó vào thực
tế cuộc sống như thế nào nữa.
Tâm lí học là một khoa học thực hiện rất nhiều nhiệm vụ trong đó có
nhiệm vụ lí giải những hiện tượng rất gần gũi và gắn bó với cuộc sống thực tế,
nếu được nghiên cứu với phương pháp phù hợp, Tâm lí học có thể giúp con
người nhận rõ mình và người khác... để cải thiện chất lượng cuộc sống. Chính
Tâm lí học đã phát triển thành rất nhiều chuyên ngành đa dạng mang tính ứng


dụng thiết thực trên cơ sở nền tảng phương pháp luận vững chắc là chủ nghĩa
Mac - Lênin và Tâm lí học hoạt động. Thành quả của Tâm lí học đã được khẳng
định trong thực tiễn, đóng góp rất nhiều vào kho tàng tri thức lí luận của xã hội
nhưng vẫn còn rất hạn chế so với tính chất và khả năng của nó vốn có.
Có một vấn đề hẳn ai cũng có thể thừa nhận là Tâm lí học có thể được
vận dụng trong bất kì lĩnh vực hoạt động nào môi trường sống nào từ khoa học,
kĩ thuật nói chung đến các chuyên ngành cụ thể, chi tiết bởi vì ở bất kì lĩnh vực
nào, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi
trường... cũng là hiện tượng then chốt và yếu tố tinh thần, yếu tố tâm lí luôn hiện
hữu trong các quan hệ đó. Nghiên cứu và bổ sung lí luận là điều hết sức cần
thiết nhưng cần có định hướng và liều lượng thích hợp vì có thể nói, hệ lí luận
của Tâm lí học đã tương đối ổn định như đã thể hiện trong Tâm lí học đại
cương, Tâm lí học phát triển, Tâm lí học nhân cách... Vấn đề cần quan tâm hiện
nay là làm thế nào để các ngành tâm lí cụ thể phát huy được thế mạnh vốn có
của mình để góp phần lành mạnh hoá và tích cực hoá cuộc sống. Không ai phủ
nhận tầm quan trọng của Tâm lí học, của việc tìm kiếm những lĩnh vực tâm lí
mới nhưng điều cốt lõi thể hiện tính thiết thực của khoa học này là những kĩ
năng tâm lí nào có thể vận dụng và phát huy tác dụng? Kĩ năng tâm lí là sự kết
hợp các thao tác chứa đựng "hàm lượng tâm lí nhất định" nhằm thay đổi hành vi
theo hướng thuận lợi cho hoạt động của con người, làm cho con người có thể

gặt hái được nhiều thành công hơn, kết quả lao động đạt được nhiều hơn. Kĩ
năng tâm lí là sự chuyển tải lí thuyết tâm lí thành một hệ thống hành vi có chủ
đích, có kế hoạch để hiện thực hoá lí tưởng sống của con người.
Thành quả của Tâm lí học có nhiều cơ hội để phát huy trong điều kiện
thực tế khi chất lượng các mối quan hệ, khi đời sống tinh thần của con người
ngày càng được nhấn mạnh và đóng góp rất lớn vào phúc lợi xã hội, vào nền
kinh tế đang phát triển vững chắc. Nền kinh tế tri thức phát triển và mang tính
định hướng cho kinh tế tương lai là một nền tảng vững chắc để các tri thức tâm
lí phát huy sức mạnh cũng như hỗ trợ tích cực cho các chủ nhân của nền kinh tế
ấy. Các nhóm chủ thể sẽ không thể phát triển mạnh mẽ nếu đời sống tinh thần


không thuận lợi, không thoải mái để có một môi trường hoàn hảo cho tích lũy tri
thức, cho việc biến tri thức thành sức mạnh vật chất.
- Trước hết, hướng nghiên cứu ứng đụng tâm lí trong việc tạo dựng hạnh
phúc trong gia đình là một thực tế khi xu thế nảy sinh cơ cấu gia đình mới ngày
càng rõ nét trong khi sự chuẩn bị về tinh thần, tâm lí là hết sức hời hợt. Do đó,
nhiều vấn đề tưởng chừng vô hại nhưng lại rất nguy hiểm đang xuất hiện trong
gia đình, trong quan hệ thân thuộc trên nền tảng một hệ giá trị đang dần thay đổi
và khẳng định lại. Nơi nuôi dưỡng đội ngũ trí thức, một đội ngũ đầu tàu của nền
kinh tê tri thức có vẻ như đang mất dần phương hướng và phát triển một cách
ngẫu hứng, tự phát. Những nguyên nhân nào dẫn đến việc gia đình không đủ
thời gian dành cho "không khí trẻ thơ"? Không khí trẻ thơ ở đây không chỉ là của
trẻ em mà còn là sự thanh thản, sự vui tươi và chút lãng mạn riêng tư của mỗi
gia đình. Nguyên nhân nào dẫn đến việc các cặp vợ chồng khi chưa hết tuần
trăng mật đã phải vội vã chia tay...?
- Hướng nghiên cứu ứng dụng Tâm lí học để cải thiện tình trạng học sinh
bỏ học, chán học hay bỏ nhà "đi bụi mỗi khi có sự cố nào đó. Áp lực học tập đè
nặng lên các em học sinh bắt đầu từ đâu, các áp lực tâm lí ấy có ảnh hưởng
như thế nào đến trí lực cũng như thể lực của các em? Công tác tư vấn học

đường đang được nhiều người quan tâm có giá trị như thế nào trong thực tiễn,
việc lựa chọn nghề nghiệp của học sinh được người lớn, thầy cô giáo định
hướng, hướng dẫn như thế nào cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi...
- Các nhà quản lí thể hiện quyền lực của mình như thế nào mà ít bị phản
ứng hay bằng cách nào để có thể khơi dậy được tiềm năng sáng tạo của người
thừa hành...
Tâm lí học còn nhiều điều, rất nhiều điều phải làm để nâng cao vị thế của
khoa học này, để khẳng định sự hữu ích của khoa học trong hoạt động thực
tiễn, để Tâm lí học không chỉ là "kiến thức phổ thông, nhỏ to tâm sự". Phát huy
nhân tố con người trên cơ sở vận dụng thành công và có kết quả các thành tựu
của khoa học tâm lí chỉ có thể thực hiện khi kết hợp được lí thuyết tâm lí và


những kĩ năng cụ thể trong cuộc sống vốn đã hết sức đa dạng và nhiều biến hoá
bất ngờ.

Câu chuyện thứ nhất
"Năm 20 tuổi, tôi là một nữ điều dưỡng đang thực tập tại một Bệnh viện
Nhi.
So với Viện Tim hoặc Bệnh viện Đa khoa, công việc ở Bệnh viện Nhi có
vẻ dễ như trở bàn tay. Tôi vốn có khiếu kết bạn với trẻ con nên chắc chắn tôi sẽ
vượt qua dễ dàng và chỉ còn chờ ngày tốt nghiệp.
Chris là một cậu bé 8 tuổi vô cùng hiếu động. Cậu lén bố mẹ vào thám
thính công trường đang xây dựng cạnh nhà và bị té gãy tay trái, tay bị nhiễm
trùng và phải cưa bỏ nó đi. Tôi được chỉ định làm y tá hậu phẫu cho Chris.
Khi sức khoẻ của cậu bé dần dần khá lên cũng là lúc cậu đau khổ nhận ra
sự mất mát của mình. Cậu nằm một chỗ, chờ giúp đỡ, không chịu làm vệ sinh
cá nhân. Tôi nhẹ nhàng khích lệ: "Cháu đâu có ở mãi trong bệnh viện, cháu phải
học cách tự chăm sóc...". Cậu bé giận dữ la lên: "Cháu có thể làm gì với một
tay.... Tôi vắt óc tìm một câu trả lời thích hợp, cuối cùng tôi bảo: "Dù sao cháu

vẫn còn tay phải". " Nhưng cháu thuận tay trái...", cậu bé kêu lên đầy thất vọng.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình vô dụng và vô tâm đến thế. Sao tôi lại
tưởng rằng mọi người đều thuận tay phải cơ chứ! Sáng hôm sau, tôi trở lại với
cuộn băng dính. Vòng cuộn băng quanh cổ tay, tôi bảo cậu bé: "Cháu thuận tay
trái còn cô thuận tay phải. Cô sẽ dán tay phải của cô vào hàng nút áo sau lưng
cháu. Bây giờ mỗi khi cô làm việc gì bằng tay trái cháu phải làm theo bằng tay
phải. Nào, cháu muốn bắt dầu bằng việc gì?. Nhìn tôi với vẻ nghi ngờ, cậu bé
càu nhàu: Cháu mới ngủ dậy, cháu cần đánh răng.... Tôi xoay xở mở nắp ống
kem, đặt bàn chải lên mặt bàn, tìm cách nặn kem lên chiếc bàn chải đang ngả
nghiêng... Sau gần 10 phút nỗ lực với kem vương vãi đầy trên bàn, tôi mới hoàn
tất được công việc. "Cháu có thể làm nhanh hơn...", cậu bé tuyên bố, và khi làm
nhanh hơn thật, cậu bé mỉm cười chiến thắng.


Hai tuần sau đó trôi qua nhanh chóng. Chúng tôi biến mọi công việc hằng
ngày thành những cuộc đua tài hào hứng. Chúng tôi cài nút áo, phết bơ lên
bánh mì, cột dây giày... Không còn phân biệt tuổi tác, chúng tôi là hai vận động
viên đang ra sức đua tài. Lúc tôi hết thời gian thực tập cũng là lúc cậu bé rời
bệnh viện, tự tin đối mặt với cuộc sống... Khi hôn tạm biệt cậu bé, tôi không cầm
được nước mắt.
Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày ấy, cuộc đời tôi đã bao phen "chìm nổi".
Mỗi lần phải đương đầu với thử thách, tôi lại nhớ đến cậu bé. Và mỗi khi cảm
thấy mệt mỏi, nản lòng, tôi lại lẳng lặng vào phòng tắm. Giấu tay phải ra sau, lấy
kem và đánh răng bằng tay trái... (Trái tim có điều kì diệu - Báo Tuổi Trẻ, NXB
Trẻ)
Hãy thử bình luận xem điều cốt lõi nào đã làm cô điều dưỡng dễ thương
và cậu bể đang khủng hoảng niềm tin có được những ngây hồn nhiên, tươi dẹp
để vượt qua thử thách của cả hai người?
1.2.3. Các ngành Tâm lí học
Câu chuyện thứ hai

Trận động đất kinh hoàng làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng ở Đông Á
năm 2004 đã để lại một dư âm tiêu cực đối với các hiểm hoạ của thiên nhiên.
Đằng sau trận động đất này có biết bao vấn đề cần quan tâm, cần thực hiện để
khôi phục sự thanh thản vốn có của cư dân trong vùng trước đó, làm sao để
khách du lịch an tâm và vẫn nuôi ý định trở lại vùng đất "nghiệt ngã" ấy? Các
nhà quản lí và khoa học nghĩ gì về điều này? Các nhà Tâm lí học vào cuộc ra
sao?...
Có rất nhiều ngành khoa học quan tâm để cố gắng khắc phục hậu quả
của vấn đề, trong đó có Tâm lí học với nhiều ngành tâm lí có tính chuyên biệt,
có thể kể đến một số ngành tâm lí học ứng dụng để khẳng định sự đa dạng và
phong phú của các ngành tâm lí học sau đây:
- Tâm lí học xã hội nghiên cứu những vấn đề tâm lí nảy sinh trong sự
tương tác giữa các cá nhân, nghiên cứu diễn biến tâm lí của cộng đồng dân
cư.... đề xuất các phương hướng ổn định tinh thần, phát triển khuynh hướng


dựa vào nhau để tồn tại giúp đỡ nhau và chia sẻ với nhau những trăn trở cũng
như những nỗi niềm của sự mất mát... Tâm lí học xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu
những hiện tượng tâm lí khác phản ánh trí tuệ, tình cảm, tâm trạng, nguyện
vọng... của các cộng đồng, nghiên cứu các trạng thái tâm lí bất thường vào
những thời điểm không bình thường hoặc bình thường nào đó của xã hội...
- Tâm lí học phát triển nghiên cứu những khuynh hướng tâm lí mới xuất
hiện đối với từng lứa tuổi khác nhau nhằm khái quát sự ảnh hưởng của sự cố
khủng khiếp này đến con người ở các lứa tuổi khác nhau như thế nào. Kết quả
nghiên cứu này giúp các nhà Tâm lí học phát triển, bổ sung các giá trị để khẳng
định quá trình phát triển tâm lí của cả đời người.
- Tâm lí học y tế tìm cách xem xét, khám phá mối liên hệ giữa sự đau đớn
của cơ thể hay bệnh tật, nhận dạng các hành vi có liên quan đến sức khoẻ từ
hậu quả của sự cố nhằm giúp các nhà quản lí có điều kiện tham khảo khi đưa ra
các quyết định quản lí nào đó.

- Tâm lí học lâm sàng chuyên nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị hành vi
bất thường từ những cuộc khủng hoảng, từ những điều bất hạnh đã xảy ra, từ
sự thương tiếc những người gặp nạn. Tâm lí học lâm sàng tìm cách nhận dạng
các rối loạn tâm lí ban đầu để giải thích tính chất của các mối quan hệ giữa các
thành viên trong cộng đồng trong quá trình "bị" rối nhiễu tâm lí như thế nào...
Ngoài ra một số ngành tâm lí khác sẽ đóng góp thành quả của mình trong
việc lí giải các vấn đề nảy sinh trong quá trình khôi phục, hồi phục và hình thành
các hiện tượng phản ánh đời sống tinh thần của cộng đồng.

2. CÁC QUAN ĐIỂM CƠ BẢN TRONG TÂM LÝ HỌC HIỆN ĐẠI
Có Chể xem xét một số quan điểm cơ bản như là những trường phái tâm
lí có giá trị khoa học nhất định và có đóng góp cho một nền Tâm lí học thực
nghiệm ngày nay. Những trường phái này tiếp cận theo nhiều cách khác nhau
với những phương pháp khác nhau nhưng đều có mục tiêu góp phần lí giải các
hiện tượng tâm lí của con người và đề xuất các hình thức thích ứng phù hợp.


2.1. Tâm lí học hành vi
Tâm lí học hành vi xuất phát từ Mĩ và được nhà Tâm lí học người Mĩ J.
Watson (1878 - 1958) khởi xướng. Trong những năm 1920, J. Watson khẳng
định rằng có thể thấu hiểu hành vi của con người bằng việc nghiên cứu và thay
đổi môi trường mà trong đó con người tiến hành các thao tác, các hoạt động.
Ông cho rằng, bằng cách kiểm soát chặt chẽ môi trường của con người thì có
thể hiểu được bất kì hành vi nào, ông còn cho rằng: "Hãy giao cho tôi chục trẻ
em khoẻ mạnh, có thể hình tốt, thế giới đặc biệt của riêng tôi sẽ nuôi dưỡng
chúng và bảo đảm chọn bất kì trẻ nào để đào tạo trở thành bất cứ chuyên gia
nào mà tối muốn: Bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, thương gia, và ngay cả là một gã
hành khất hay trộm cắp, không cần biết đến tài năng, khuynh hướng, thiên
hướng, khả năng, năng khiếu và chủng tộc của tổ tiên" (Watson 1924). Các nhà
Tâm lí học hành vi cho rằng Tâm lí học chỉ nghiên cứu hành vi của cơ thể con

người cũng như ở động vật. Hành vi, theo các nhà Tâm lí học hành vi lúc ấy,
được hiểu là tổng số các cử động bên ngoài nảy sinh ở cơ thể nhằm đáp lại một
kích thích nào đó. J. Watson đã lưu ý đến tính khách quan của tâm lí người, tâm
lí có nguồn gốc bên ngoài và là những biểu hiện có thể quan sát được. Các nhà
tâm lí học hành vi cũng cho rằng nghiên cứu tâm lí tức là nghiên cứu hành vi và
cũng có nghĩa là nghiên cứu những điều quan sát được mà thôi.
2.2. Tâm lí học Gestalt
Tâm lí học Gestalt được ra đời ở Đức và còn được gọi là Tâm lí học cấu
trúc vì các nhà tâm lí thuộc trường phái này đi sâu nghiên cứu các quy luật về
tính ổn định và tính trọn vẹn của tri giác, quy luật bừng sáng của tư duy. Bằng
hàng loạt các thực nghiệm, các nhà Tâm lí học Gestalt khẳng định rằng các quy
luật của tri giác, tư duy và tâm lí của con người do các cấu trúc đã có trước của
não quyết định. Thành quả nghiên cứu của các nhà Tâm lí học Gestalt đã đóng
góp rất nhiều cho lĩnh vực trị liệu và nghệ thuật.
2.3. Tâm phân học
Thuyết Tâm phân học do S. Freud (1859 - 1939), một bác sĩ người áo xây
dựng nên. Freud tách con người thành ba khối bao gồm cái ấy (vô thức), cái tôi


và cái siêu tôi. Cái ấy bao gồm các bản năng vô thức như ăn uống, tình dục, tự
vệ, trong đó bản năng tình dục giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ đời sống
tâm lí và hành vi của con người. Cái ấy tồn tại theo nguyên tắc đòi hỏi và thoả
mãn. Cái tôi được xem là con người thường ngày, con người có ý thức và tồn
tại theo nguyên tắc hiện thực. "Cái tôi" bị giằng co bởi những thúc đẩy nguyên
khởi và những mệnh lệnh cấm đoán của cái siêu tôi.
Theo S. Freud thì hành vi của con người được quyết định trong tầng sâu
thẳm của nhân cách - bằng con đường vô thức, và đời sống tình cảm của con
người được đặt trên nền tảng xung khắc giữa yêu thương - thù hận, thu hút - xô
đẩy, khoái lạc - đau khổ, sống - chết...
Có thể nói rằng đóng góp lớn nhất của S. Freud cho ngành tâm lí là đề

cao tầm quan trọng của vô thức.
Sau S. Freud, A. Adler tiếp tục dòng tâm phân với những khía cạnh mới,
hướng đến tâm thần kinh trị liệu và xây dựng Tâm lí học cá nhân, nhấn mạnh
đến những bản năng thống trị của ý thức. Theo A. Adler, tất cả những giá trị đều
bắt nguồn từ những nhu cầu của đời sống xã hội, cần phải tìm cách hoà hợp
những nhu cầu cá nhân và đòi hỏi của xã hội, mỗi cá nhân phải có phương cách
điều khiển đời sống.
C.G. Jung đề xuất một khái niệm mới: Tâm lí học phân tích, ông coi nhân
cách là một cái mặt nạ của cá nhân đã được xã hội hoá, như một nhân vật đang
đóng vai trên sân khấu và chính C.G. Jung đã đưa ra khái niệm vô thức tập thể.
2.4. Tâm lí học nhân bản
Trường phái Tâm lí học nhân bản được khởi xướng bởi hai nhà tâm lí
C.Rogers (1902 - 1987) và A. Maslow. Tâm lí học nhân bản đặt trọng tâm nơi
phẩm giá con người, trong thế giới riêng tư của con người, trong sự liên hệ với
tha nhân và trong sự chủ động tìm tòi ý nghĩa cho cuộc sống.
Theo C. Rogers thì bản chất của con người là tốt đẹp, con người cần có
điều kiện tâm lí để tăng trưởng và để trở thành chính mình trong cuộc sống tràn
đầy nghĩa.


A. Maslow đã nêu ra nhiều mức độ nhu cầu cơ bản của con người xếp
thứ tự từ thấp đến cao. Đó là nhu cầu sinh lí cơ bản, nhu cầu an toàn, nhu cầu
về quan hệ xã hội, nhu cầu được tôn trọng, và nhu cầu phát huy bản ngã, thành
đạt. Theo A. Maslow, Tâm lí học nhân bản không mang tính chất mô tả hay
nghiên cứu thuần tuý, mà nó đề nghi con người hành động và hành động có
hiệu quả, nó làm nảy sinh một lối sống cho một người không những trong nội
tâm của chính mình mà còn cho chính người đó xét như là một thực thể xã hội,
một thành phần của tập thể. Cũng theo ông, Tâm lí học nhân bản chỉ là một
bước quá độ, một sự chuẩn bị cho Tâm lí học "siêu bản vị" vượt hẳn con người,
tập trung vào vũ trụ hơn là vào những nhu cầu hay tiện ích của con người.

2.5. Tâm lí học nhận thức
Tâm lí học nhận thức xem hoạt động nhận thức là đối tượng nghiên cứu
của mình. Đặc điểm nổi bật của trường phái này là nghiên cứu tâm lí con người,
nhận thức của con người trong mối quan hệ với môi trường, với cơ thể và não
bộ. Theo thuyết nhận thức thì con người hành động vì con người suy nghĩ, con
người suy nghĩ vì lí do thiết kế tự nhiên của não bộ trang bị cho con người làm
như vậy. Mô hình nhận thức cho thấy, một số ứng xử có ý nghĩa nhất xuất hiện
từ cách suy nghĩ hoàn toàn mới mẻ chứ không phải từ các cách có thể dự đoán,
đã được vận dụng trong quá khứ. Trong cách tiếp cận này, con người thường
khởi sự công việc không tốt và cũng không xấu, tuy nhiên với khả năng tiềm ẩn,
với các chương trình của tâm trí, có thể hình thành cái thiện, cái ác... Trường
phái nhận thức thể hiện ý tưởng, để hiểu được con người, trước hết cần hiểu
được nhận thức của người đó.
2.6. Tâm lí hoạt động
Trường phái Tâm lí học hoạt động do các nhà Tâm lí học Liên Xô (cũ)
khởi xướng mà đứng đầu là L.X. Vugoski (1896 - 1934). Trường phái này lấy
triết học Mac - Lênin làm cơ sở lí luận và phương pháp luận, xây dựng nên Tâm
lí học lịch sử người. Các nhà Tâm lí học hoạt động xem tâm lí người là sự phản
ánh thế giới khách quan vào não người thông qua hoạt động. Tâm lí người
mang tính chủ thể, có bản chất xã hội, nó được hình thành, phát triển và thể


hiện trong hoạt động và trong các mối quan hệ giao lưu của con người trong xã
hội.

3. NHỮNG HIỆN TƯỢNG TÂM LÍ NGƯỜI
3.1. Cơ sở của tâm lí người
3.1.1. Cơ sở tự nhiên của tâm lí
- Di truyền và tâm lí
Di truyền là mối liên hệ kế thừa của cơ thể sống, bảo đảm sự tái tạo ở thế

hệ mới những nét giống về mặt sinh vật đối với thế hệ trước, bảo đảm năng lực
đáp ứng những đòi hỏi của hoàn cảnh theo một cơ chế đã định sẵn.
Tư chât là một tổ hợp bao gồm cả những đặc điểm giải phẫu vừa là
những đặc điểm chức năng tâm sinh lí mà cá thể đã đạt trong một giai đoạn
phát triển nhất định dưới ảnh hưởng của môi trường sống và hoạt động.
Di truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển
tâm lí con người, di truyền tham gia vào việc tạo thành những đặc điểm giải
phẫu sinh lí của cơ thể, trong đó có những đặc điểm giải phẫu và sinh lí của hệ
thần kinh - cơ sở vật chất của các hiện tượng tâm lí. Di truyền đóng vai trò tiền
đề trong sự phát triển của cá nhân. Trước đây nhiều người nghi ngờ vai trò của
di truyền, cho rằng di truyền không có ảnh hưởng nhiều đến quá trình hình
thành những nét tâm lí đặc biệt của con người nhưng gần đây, các công trình
nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh tầm quan trọng của di truyền trong việc
định hình các đặc điểm tâm lí các đặc điểm nhân cách của con người.
- Não và tâm lí
Trong lịch sử tiến hoá, sự nảy sinh và phát triển tâm lí, ý thức, trí tuệ...
gắn liền với sự nảy sinh và phát triển của hệ thần kinh với đỉnh cao cuối cùng là
vỏ não của con người. Vỏ não người cùng các bộ phận dưới vỏ não là cơ sở vật
chất, là nơi tồn tại của cảm giác, tri giác, tưởng tượng, trí nhớ, chú ý, tư duy, ý
thức, vô thức... Không có não và vỏ não hay não hoặc vỏ não không bình
thường thì không có tâm lí hoặc tâm lí không bình thường. Tuy nhiên cần phải


chú ý rằng, chỉ khi não hoạt động thì mới có tâm lí. Người ta đã chế tạo một loại
máy có thể đọc được suy nghĩ của người qua theo dõi hoạt động của não. Loại
máy cộng hưởng từ (MRI) tại Đại học Illinois (Mĩ) có thể đọc suy nghĩ của con
người bằng cách theo dõi các tế bào thần kinh trong não. Các nhà khoa học cho
biết đây là một trong những máy MRI hiện đại nhất thế giới. Với khả năng đọc
suy nghĩ của con người, máy có thể mở ra đường hướng mới trong việc chẩn
đoán các chứng bệnh như đột quỵ, tự kỉ, Alzheimer và các bệnh rối loạn tinh

thần khác. Chức năng chính của máy là phát hiện xem con người đang suy nghĩ
gì và có nhiều ứng dụng tích cực khác nhưng nhiều người vẫn lo ngại về cách
con người sử dụng máy. "Con người ta có thể bị ném vào tù vì bị nghi là khủng
bố dựa trên những gì mà máy đọc được từ não của họ", một nhà khoa học nhận
xét.

Câu chuyện thứ ba
Các nhà khoa học thần kinh Mĩ đã tìm thấy "điểm nhân ái" trong não con
người.
"Mặc dù việc hiểu biết chức năng của vùng não này không nhất thiết xác
định điều gì, nhưng nó cũng có thể cho chúng ta những mấu chốt về nguồn gốc
của các thái độ xã hội quan trọng như lòng vị tha chẳng hạn", theo tác giả cuộc
nghiên cứu Scott Huettel, giáo sư trợ giảng về tâm lí tại Trung tâm Y khoa Đại
học Duke.
Các chuyên gia thường ghi nhận lòng vị tha dường như làm cho người ta
"hết mình". Thế thì nó phát triển như thế nào và tại sao? Để giúp giải quyết bài
toán này, nhóm của giáo sư Huettel đã cho những người tham gia cuộc nghiên
cứu chơi nhiều trò chơi khác nhau, và bảo họ rằng nếu thắng, họ sẽ được
thưởng tiền cho riêng mình hoặc tiền đó được tặng cho một tổ chức từ thiện.
Những nhà nghiên cứu sử dụng máy chụp ảnh chức năng kĩ thuật cao (fMRl) để
quan sát "những điểm nóng" của hoạt động trong não những người tham gia.
Những người tham gia cũng được yêu cầu điền một bản câu hỏi nhằm
đánh giá mức độ ích kỉ hoặc vị tha của họ. Họ phản ứng khác nhau tuỳ theo họ


được tiền cho riêng mình hoặc món tiền đó dành cho tổ chức từ thiện. Trong
cuộc nghiên cứu, những người có lòng nhân ái nhất có hoạt động mạnh nhất tại
rãnh não thái dương phía trên - phía sau, nơi thường có liên quan đến việc xử lí
thông tin đến, đưa ra các mối quan hệ xã hội và kiểm soát cử động.
Giáo sư Huettel nói ông rất ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu: "Chúng tôi

thực hiện thí nghiệm này với ý nghĩ rằng lòng vị tha thật sự là một chức năng
của hệ thống tưởng thưởng của não - những người vị tha sẽ đơn giản cảm thấy
lòng vị tha được tưởng thưởng nhiều hơn". (theo Sinhua)
- Định khu chức năng tâm lí trong não
Trên vỏ não có các miền nhất định, mỗi miền là cơ sở vật chất của các
hiện tượng tâm lí tương ứng. Một miền có thể tham gia vào nhiều hiện tượng
tâm lí. Các miền phục vụ cho một hiện tượng tâm lí hợp thành một hệ thống
chức năng. Hệ thống chức năng này hoạt động một cách cơ động, tuỳ thuộc vào
yêu cầu của chủ thể, vào đặc điểm không gian, thời gian và không bất biến.
Vỏ não có một số vùng chức năng quan trọng và riêng biệt: Đó là vùng thị
giác, vùng thính giác, vùng vị giác, vùng cảm giác cơ thể, vùng vận động, vùng
viết ngôn ngữ, vùng nói ngôn ngữ, vùng nghe hiểu tiếng nói, vùng nhìn hiểu chữ
viết.
Não được phân thành hai phần tương đối giống nhau và đối xứng nhau
gọi là bán cầu não trái và bán cầu não phải. Nhiều nghiên cứu cho thấy hai bán
cầu não này đảm trách các chức năng khác nhau mặc dù có những điểm không
tương đồng tuỳ thuộc các đặc điểm cá nhân hoặc giới tính. Kết quả nghiên cứu
cho biết bán cầu não trái chuyên về các công việc đòi hỏi năng lực ngôn ngữ
như các kĩ năng nói, đọc, tư duy... Bán cầu não phải điều khiển các loại năng
lực chuyên biệt trong các lĩnh vực phi ngôn ngữ như nhận biết các hình dạng vật
chất, hiểu biết về không gian, diễn tả cảm xúc, cảm thụ âm nhạc...

Câu chuyện thứ tư
Não có thể làm hai việc cùng lúc không?


Những nhà nghiên cứu đã khám phá lí do tại sao con người cảm thấy khó
khăn khi làm hai việc cùng một lúc.
Một "thắt nút chai" xuất hiện trong não khi những người tham gia thử
nghiệm thực hiện hai nhiệm vụ đồng thời. Nghiên cứu tìm thấy não làm việc

chậm lại khi cố gắng thực hiện một nhiệm vụ thứ hai khoảng 300 mili giây sau
khi "cổ chai" xuất hiện trong não. Những phát hiện này dẫn đến việc cấm hoàn
toàn nghe điện thoại trong khi lái xe.
Những người tham gia được đề nghị nhấn vào một phím máy tính thích
hợp phát ra những âm thanh khác nhau để trả lời các nhiệm vụ đề nghị khác
nhau. Những nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Vanderbilt (Mĩ) đã dùng máy
siêu âm MRI quét qua não những người tham gia để nhận diện những sự thay
đổi thành phần ôxi hoá trong máu. Họ tìm thấy vùng não thuỳ trán giữa và hai
bên có sự thay đổi không cân xứng. Điều này cho thấy não không có khả năng
xử lí hai nhiệm vụ song song, dẫn tới hiện tượng "thắt nút chai". Tiến sĩ S. Paul,
trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng những nghiên cứu trên cho thấy con người
bị giới hạn trong khả năng làm hai việc cùng một lúc. Hiện tượng này được gọi
là "giao thoa nhiệm vụ kép". Nghiên cứu nơi xảy ra hiện tượng "thắt cổ chai"
trong não, các nhà khoa học thấy rằng trong khi tế bào thần kinh não trả lời
mệnh lệnh thứ nhất thì tế bào khác tiếp nhận một mệnh lệnh mới phải "xếp
hàng" chờ. Các tế bào thần kinh não không thể hoạt động cùng lúc dẫn đến hiện
tượng "thắt cổ chai" nói trên.
Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện đối với người lái máy bay. Họ thấy khi
nghe điện thoại trong lúc lái máy bay, nguy cơ tai nạn cao hơn 4 lần. Từ đó,
ngành hàng không có quy định tắt điện thoại khi lên máy bay. (theo VietNam
Net)
Những nghiên cứu mới đã tìm hiểu quá trình xử lí của bộ não ở các cấp
độ cao và thấp. Một quyết định tức thì sẽ tốt hơn là nghiền ngẫm vấn đề, khi bạn
phải trả lời nhanh các câu hỏi.
Những người tham gia được yêu cầu tìm ra một biểu tượng bị đảo lộn
trên một màn hình gồm hơn 650 biểu tượng giống nhau. Những ai đưa ra quyết


định một cách bản năng, tức thì, đạt kết quả chính xác hơn những ai phải suy
nghĩ lâu hơn cho câu trả lời.

"Kết quả này có vẻ như đi ngược lại logic. Mọi người nghĩ rằng sẽ đưa ra
quyết định chính xác hơn nếu có thêm nhiều thời gian xem xét. Nhưng thực tế,
họ lại làm tốt hơn khi hầu như không có thời gian để suy nghĩ", tác giả nghiên
cứu Li Zhaoping tại Đại học London nói.
Các nhà nghiên cứu nhận biết được khi nào thì người tham gia tìm thấy
được biểu tượng mục tiêu, bằng cách theo dõi cử động mắt. Một khi mắt của
người tham gia định vị được mục tiêu, các nhà nghiên cứu tắt màn hình, giới
hạn khoảng thời gian mắt người nán lại trên biểu tượng trong 0 - 1,5 giây. Người
tham gia sẽ phải trả lời vật thể khác biệt đó ở bên phải hay bên trái màn hình.
Những ai chỉ có chưa tới một giây để nhìn biểu tượng trả lời chính xác hơn
những ai được nhìn hơn 1 giây..
Zhaoping lí giải kết quả bắt nguồn từ sự khác biệt trong khả năng mà bộ
não tiềm thức và ý thức nhận biết biểu tượng. Trong khi tiềm thức có thể nhận
ra sự khác biệt giữa một quả táo bị lộn ngược với quả táo đứng thẳng, thì ý thức
chỉ thấy rằng đó là 2 quả táo.
Khi được cho thêm thời gian để tham gia vào quá trình xử lí cao cấp của
nhận thức, người tham gia đoán sai bởi sự nhận thức đã lấn át quyết định của
tiềm thức ở cấp độ thấp hơn.
Zhaoping cho rằng:"Nếu như quá trình nhận thức ở cấp cao và thấp đều
đưa đến chung một kết luận, thì không có vấn đề gì"; "Nhưng thường thì bản
năng và ý thức cấp cao của chúng ta lại mâu thuẫn, và trong trường hợp này,
bản năng thường bị che khuất bởi bộ óc lí trí.
- Phản xạ và tâm lí
Hoạt động tâm lí vừa có bản chất phản ánh vừa có bản chất phản xạ.
Toàn bộ hoạt động của não là hoạt động phản xạ.


Phản xạ có điều kiện là hoạt động tự tạo của con người dưới tác dụng
của giáo dục trên cơ sở tạo mối liên hệ giữa trung khu của phản xạ có điều kiện
và trung khu của phản xạ không điều kiện tương ứng.

Hoạt động thần kinh cấp cao, hệ thống các phản xạ có điều kiện là cơ sở
sinh lí của các hiện tượng tâm lí. Tất cả các thói quen, tập tục, hành vi, hành
động, hoạt động đều có cơ sở sinh lí thần kinh là các phản xạ có điều kiện.
3.1.2. Cơ sở xã hội của tâm lí
- Quan hệ xã hội, nền văn hoá xã hội và tâm lí
Con người luôn chịu sự tác động của các mối quan hệ xã hội nhất định.
Chủ nghĩa Marx đã khẳng định rằng các quan hệ xã hội tạo nên bản chất con
người. Theo Marx thì "...bản chất của con người không phải là cái gì trừu tượng,
vốn có của từng cá nhân riêng lẻ, trong tính hiện thực của nó, bản chất con
người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội" (Luận cương về Pheubach). Quan hệ
xã hội trước hết là quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế, chế độ xã hội - chính trị,
quan hệ con người - con người, quan hệ đạo đức, pháp quyền, tôn giáo... Quy
luật cơ bản chi phối sự phát triển xã hội loài người là quy luật quan hệ sản xuất
phải phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất chứ không phải là quy
luật chọn lọc tự nhiên.
Các quy luật xã hội tác động đến con người làm biến đổi những hoạt động
tâm lí trong đó tác động của giáo dục là cực kì quan trọng.
Tâm lí của con người phát triển thông qua sự lĩnh hội nền vãn hoá xã hội
để tái tạo những thuộc tính, năng lực của cá thể mỗi người, tiếp thu năng lực
bản chất người.
- Hoạt động và tâm lí
Tâm lí con người hình thành và phát triển chủ yếu theo các quy luật lịch
sử - xã hội. Cuộc sống của con người là một chuỗi những hoạt động giao tiếp.
Tâm lí người với đỉnh cao là ý thức được hình thành và phát triển bằng hoạt
động và giao tiếp.


Hoạt động là phương thức tồn tại của con người. Bằng hoạt động và trong
các hoạt động này, mỗi cá thể hình thành và phát triển năng lực, tính tình, đạo
đức của mình. Nói một cách khác, bằng hoạt động và trong hoạt động, mỗi cá

thể người tự tạo ra mình, tự tạo ra nhân cách của mình.
Hoạt động là quá trình con người thực hiện các quan hệ giữa mình và thế
giới chung quanh, thế giới tự nhiên và thế giới xã hội. Trong sự tác động này ở
con người sẽ diễn ra hai quá trình, đó là quá trình khách thể hoá và quá trình
chủ thể hoá. Có thể giải thích rằng trong hoạt động, nghĩa là trong quan hệ giữa
con người và thế giới bên ngoài, con người vừa thay đổi thế giới bên ngoài vừa
thay đổi bản thân mình, con người vừa tạo ra sản phẩm lao động, vừa tạo ra
nhân cách bản thân.
Giao tiếp và tâm lí.
Giao tiếp là sự tiếp xúc tâm lí giữa người và người nhằm trao đổi thông
tin, tình cảm, ý chí, nguyện vọng, nhận thức... để hiểu biết lẫn nhau. Giao tiếp
làm hiện thực hoá các quan hệ xã hội giữa chủ thể này và chủ thể khác.
Giao tiếp có một số chức năng và có thể chia các chức năng này thành
hai nhóm. Nhóm thứ nhất có chức năng thuần tuý xã hội và nhóm thứ hai có
chức năng tâm lí xã hội. Nhóm chức năng thứ nhất gồm các chức năng giao tiếp
phục vụ các nhu cầu chung của con người. Trong trường hợp này giao tiếp thực
hiện chức năng thông tin, tổ chức, điều khiển, động viên, phối hợp hành động.
Nhóm chức năng thứ hai gồm các chức năng giao tiếp phục vụ các nhu cầu của
từng thành viên của xã hội, thực hiện nhu cầu có quan hệ giữa bản thân và
người khác.
Nhờ giao tiếp giữa các thế hệ, giữa nhóm này và nhóm kia, cũng như nhờ
hoạt động vui chơi, lao động, học tập, nghỉ ngơi... mà tâm lí người được nảy
sinh và phát triển. Cùng với hoạt động, giao tiếp là điều kiện tất yếu của sự hình
thành và phát triển tâm lí người.
Có thể nói rằng tâm lí người là sản phẩm của hoạt động giao tiếp, tâm lí
người là kinh nghiệm của xã hội chuyển thành kinh nghiệm của bản thân thông
qua hoạt động và giao tiếp, trong đó giáo dục giữ vai trò quan trọng. Hoạt động


và giao tiếp, mối quan hệ giữa chúng là quy luật tổng quát hình thành và biểu lộ

tâm lí người.
3.2. Bản chất của tâm lí người
Tìm hiểu bản chất của tâm lí người nghĩa là tìm cách hiểu rõ thực chất
tình cảm, nhận thức, ý chí, nguyện vọng, tâm tư... của con người là gì? Tại sao
người ta lại thích điều này mà không thích điều kia, yêu người này khinh bỉ
người khác...! Việc nghiên cứu bản chất của tâm lí người có ý nghĩa quan trọng
đối với việc lí giải các hiện tượng bất thường trong đời sống tinh thần và mang
lại giá trị thực tiễn rất lớn trong công tác giáo dục của xã hội. Bản chất của tâm lí
người thể hiện ở các vấn đề sau đây:
3.2.1. Tâm lí người là sự phản ánh hiện thực khách quan vào não người
thông qua chủ thể. Một trong những cơ sở tự nhiên của tâm lí người là não và
hoạt động của não. Trên cơ sở tiếp nhận các kích thích từ môi trường xung
quanh, hoạt động của não sẽ là cơ sở hình thành những đặc điểm tâm lí của
chủ thể.
Các hiện tượng khách quan được phản ánh thông qua lăng kính chủ quan
của con người. Phản ánh diễn ra từ đơn giản đến phức tạp và có sự chuyển hoá
lẫn nhau, từ phản ánh cơ, vật lí hoá đến phản ánh sinh vật và phản ánh xã hội,
trong đó có phản ánh tâm lí. Phản ánh được hiểu là sự tác động từ hệ thống này
lên hệ thống kia và để lại những dấu vết nhất định ở cả hai hệ thống đó. Phản
ánh tâm lí chính là sự tác động từ hệ thống thứ nhất là hiện thực khách quan
đến hệ thống thứ hai là con ngươi với tư cách là một chủ thể. Như vậy, những
dấu vết của sự phản ánh là kết quả của sự tương tác giữa hai hệ thống, trong
đó con người với tư cách là hệ thống thứ nhất tiếp nhận các kích thích từ môi
trường, tạo ra hình ảnh tâm lí và rồi chính hình ảnh ấy trở thành một tác nhân
mới tác động đến môi trường thông qua các hình thức tồn tại của chính họ.
Những hiện tượng tâm lí của con người là kết quả của quá trình kích thích, tiếp
nhận và phản ứng của chủ thể, tâm lí của con người không phải đã được định
sắn, không phải đã được "lập trình" từ lúc thiếu thời và chỉ có biểu lộ trung thành
với chương trình đó. Con người phải tham gia tích cực vào thế giới xung quanh



thì mới có thể có những phản ánh tâm lí mới có đời sống tâm lí sinh động và tích
cực.
Phản ánh tâm lí tạo ra hình ảnh tâm lí về thế giới. Hình ảnh tâm lí mang
tính sinh động, sáng tạo chứ không phải là sự sao chụp như hình ảnh vật lí.
Hình ảnh tâm lí mang tính chủ thể, mang đậm màu sắc cá nhân mang hình ảnh
tâm lí đó bởi vì khi phản ánh, con người đã bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan
rất lớn. Những yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến kết quả phản ánh (hay hình ảnh
phán ánh) có thể là: hoàn cảnh khác nhau, trình độ, giới tính, kinh nghiệm, mục
tiêu, phương pháp, văn hoá, điều kiện, môi trường... Trên cơ sở những phân
tích trên đây, cần lưu ý một số vấn đề có tính phương pháp luận khi nghiên cứu
và vận dụng tâm lí học trong thực tiễn cuộc sống.
Tâm lí có nguồn gốc là thế giới khách quan, vì thế khi nghiên cứu cũng
như khi giáo dục, thay đổi tâm lí người phải nghiên cứu hoàn cảnh trong đó con
người sống và phát triển. Tâm lí của con người không bao giờ tách rời điều kiện
sống, sinh hoạt và sự thích ứng của từng người. Cần chú ý đến quan điểm lịch
sử - cụ thể trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tâm lí người để tránh sự áp đặt
vô tình hoặc thiếu khách quan.
Tâm lí người mang tính chủ thể và có tính chủ quan, vì thế cần chú ý đến
cái riêng trong tâm lí mỗi người. Mỗi người là một thế giới độc đáo, không ai
giống ai về đời sống tinh thần, do đó không thể và sẽ không bao giờ có thể làm
người khác hoàn toàn giống một ai đó mà chỉ có thể tìm cách làm cho suy nghĩ,
tình cảm, thái độ của họ phù hợp với chuẩn mực nào đó thôi. Sẽ không thể có
một con người nào là bản sao của người khác (mặc dù đã có sản phẩm của
sinh sản vô tính). Trong thực tiễn cần chú ý đến việc chấp nhận sự khác biệt
giữa các chủ thể để hoà hợp, hợp tác và chung sống để cả hai bên đều có lợi.
Trong hoạt động và sinh hoạt, việc chấp nhận giới hạn của mình và chấp nhận
người khác, tôn trọng những điều không giống với nhận thức hoặc tình cảm của
mình là một trong các phẩm chất cần thiết để chứng minh giá trị của cá nhân, để
có thể vượt qua sự thấp kém của mỗi người.



Tâm lí người là sản phẩm của hoạt động và giao tiếp, vì vậy phải tổ chức
hoạt động và các quan hệ giao tiếp để nghiên cứu hình thành và phát triển tâm lí
người. Tuy nhiên, tổ chức hoạt động và giao tiếp phải tôn trọng các nguyên tắc
ứng xử mang tính chất văn hoá và phù hợp với yêu cầu nền văn minh.
3.2.2. Tâm lí người có bản chất xã hội, bị ảnh hưởng và quy định bởi các
mối quan hệ xã hội, đặc biệt là các quan hệ giữa người với người. Bản chất xã
hội của tâm lí người được thể hiện ở những vấn đề sau đây:
- Tâm lí người là kinh nghiệm xã hội - lịch sử của loài người đã biến thành
của riêng từng người. Nhờ có giao lưu giữa những người trong gia đình, bè ban,
tập thể, làng xã và rộng hơn nữa, mỗi hiện tượng tâm lí nảy sinh ra trong “đầu
óc” mỗi cá nhân sẽ không "nằm yên" ở đó mà thông qua trao đổi, tiếp xúc, chia
vui sẻ buồn, bắt chước... sẽ lây lan, ảnh hưởng đến nhiều người khác, chuyển
thành hiện tượng tâm lí chung của nhiều người. Chính những hiện tượng tâm lí
như vậy một khi đã hình thành có thể trở thành một sức mạnh vật chất to lớn,
làm biến đổi cả tự nhiên và xã hội. Sau khi được sinh ra, con người sống trong
môi trường xã hội và dưới ảnh hưởng của các yếu tố văn hoá vật chất và văn
hoá tinh thần ở thời điểm đó sẽ hình thành bản chất xã hội của con người. Điều
làm cho con người vượt trội các loài vật là họ có thể tự rèn luyện mình, có thể
tiếp nhận sự giáo dục và tự giáo đục.
- Tâm lí người chịu ảnh hưởng bởi trình độ phát triển của xã hội, bị ảnh
hưởng bởi sự thay đổi của các thiết chế xã hội, chế độ xã hội. Sự ảnh hưởng
này được nhận thấy qua biểu hiện của hành vi ứng xử của con người với thế
giới chung quanh. Nhận thức, tình cảm của con người không bị giới hạn khi con
người tiếp cận với các nền văn minh khác nhau, tiếp cận các giá trị văn hoá
khác nhau...
- Tâm lí người chịu ảnh hưởng bởi các biến cố của xã hội và của cá nhân,
những biến cố này có thể làm thay đổi cấu trúc và cả chức năng tâm - sinh lí của
con người, có thể làm con người biến thành một người hoàn toàn khác, một

người tự "lột xác" mình.
3.3. Tinh chất của các hiện tượng tâm lí người


Có thể căn cứ vào nhiều yếu tố để nhận dạng các hiện tượng tâm lí
người, trong đó có các tính chất của nó. Những tính chất này sẽ làm sáng rõ
hơn về bản chất của tâm lí, làm nổi bật hơn sắc màu của đời sống tinh thần của
con người trong các hoàn cảnh và môi trường khác nhau.
Những hiện tượng tâm lí người có một số tính chất sau đây:
- Những hiện tượng tâm lí người là những hiện tượng thuộc lĩnh vực tinh
thần, thuộc về tâm hồn và luôn bộc lộ ra ngoài bằng hành vi, hành động... Mọi
diễn biến tâm lí của con người đều có thể biểu hiện thông qua hoạt động và
những phản ứng khác của các chủ thể. Thông thường, nhìn nét mặt, quan sát
hành động của ai đó, người ta có thể dự đoán, phát hiện được tâm trạng, cảm
xúc hoặc các diễn biến tâm lí khác của con người trong một thời điểm nhất định
nào đó. Một số trường phái, đặc biệt là các nhà hành vi học đã có nhiều nghiên
cứu cho thấy có thể dự đoán tâm hồn, tinh thần của con người thông qua cách
thức họ hành xử, thông qua những phản ứng tự nhiên, vô thức. Quan sát là một
trong những phương pháp nghiên cứu tâm lí người có hiệu quả từ chính đặc
điểm này.
- Những hiện tượng tâm lí người bị chi phối bởi một số quy luật nhất định,
những quy luật này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người. Sự hình
thành các đặc điểm tâm lí của con người không phải hoàn toàn ngẫu nhiên hoặc
tự nhiên mà theo những thói quen, những hình thức mang tính quy luật. Những
quy luật tâm lí này có nguồn gốc từ quá trình thích ứng của chủ thể dưới tác
động của môi trường văn hoá, của phong tục tập quán hoặc của một kho tàng
kinh nghiệm nào đó.
- Những hiện tượng tâm lí người vừa có tính cá biệt vừa có tính khái quát,
điển hình. Tính cá biệt thể hiện ở chỗ, các cá nhân hoặc những chủ thể cố định
có khuynh hướng hình thành và bộc lộ các đặc điểm tâm lí phản ánh sự độc đáo

của chính mình, sự riêng biệt của mình. Tính khái quát, điển hình được thể hiện
ở các dấu hiệu đặc trưng của cộng đồng được bộc lộ thông qua các hành vi cá
nhân mà người đó là thành viên của cộng đồng. Tính khái quát có thể nói lên
những phong cách sống đặc trưng, những phương cách thích ứng đặc trưng


×