Tải bản đầy đủ (.doc) (109 trang)

Những Bài Viết Văn Học Dành Cho Trẻ Thơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (444.88 KB, 109 trang )

NHỮNG BÀI VIẾT VĂN HỌC DÀNH CHO TRẺ THƠ
NHỮNG BÀI VIẾT VĂN HỌC DÀNH CHO TRẺ THƠ
Sưu tầm và giới thiệu: Ngô Thị Thái Sơn

LỜI GIỚI THIỆU
Văn học vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ thơ. Tuy nhiên
cần viết và tuyển chọn những câu chuyện và bài thơ như thế nào để món ăn
tinh thần ấy thực sự vừa bổ ích, vừa lí thú với trẻ? Đó luôn là câu hỏi đặt ra
cho đội ngũ những người cầm bút sáng tác và cũng đặt ra cho đội ngũ những
người làm công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Khoa sư phạm mầm non tại các
trường cao đẳng, nơi đào tạo các giáo viên mầm non tương lai cũng hết sức
chú trọng đến việc giáo sinh viên đi tìm và trả lời câu hỏi này. Đây cũng là một
trong những yêu cầu mà sinh viên cần nắm vững để có cơ sở sưu tầm, lựa
chọn TPVH cho trẻ làm quan theo hướng các chủ đề hiện nay.
Nhằm giúp cho sinh viên khoa SPMN có thêm tài liệu tham khảo và học
tập môn Văn học mẫu giáo thiếu nhi, môn Phương pháp tổ chức hoạt động
cho trẻ làm quen với TPVH, chúng tôi xin giới thiệu cuốn tài liệu NHỮNG BÀI
VIẾT BÀN VỀ VĂN HỌC DÀNH CHO TRẺ THƠ. Như tựa đề của nó, tài liệu
này là sự tập hợp những bài viết của các nhà văn, nhà thơ chuyên viết cho trẻ
em và các nhà nghiên cứu, phê bình văn học xung quanh việc đi tìm đặc
trưng của văn học cho thiếu nhi nói chung và văn học cho trẻ thơ nói riêng.
Chắt lọc từ ý kiến của họ, sinh viên khoa SPMN cũng tìm được những cơ sở
để trả lời cho câu hỏi "Thế nào là văn học dành cho trẻ em?" và cơ sở để lựa
chọn các TPVH phù hợp với trẻ thơ.
Tài liệu được sắp xếp giới thiệu theo thứ tự những bài viết bàn chung
về ý nghĩa của văn học đối với trẻ thơ trước, tiếp theo là những bài tiết bàn về
đặc trưng của thơ và bàn về đặc trưng của truyện. Không sắp xếp theo thứ tự
ABC của tựa đề bài viết hay tên tác giả.


Do sơ xuất trong quá trình sưu tầm, có hai bài viết không ghi lại được


nguồn gốc xuất xứ. Mong bạn đọc thông cảm.
Hy vọng cuốn sách này ít nhiều góp phần tháo gỡ những khó khăn về
tài liệu nghiên cứu và học tập của giáo viên và sinh viên khoa SPMN.

1. VĂN HỌC VÀ TÂM HỒN TRẺ THƠ
QUỲNH NHI (ghi)
L.T.S: Nhà thơ Định Hải sinh năng 1937 tại Thanh Hóa, với 15 tập thơ,
chủ yếu viết cho thiếu nhi, ông đã để lại trong tâm hồn trẻ thơ những bài ca
không thể quên như: BÀI CA TRÁI ĐẤT, BÀN TAY CÔ GIÁO... Hiện nay ông
là Chủ tịch hội động văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam.
Cuộc trò chuyện dưới đây với nhà thơ Định Hải được thực hiện trong
lúc không một ai trong chúng ta lại không cảm thấy đau lòng trước những tội
ác đối với trẻ em, và những tội ác gây nên bởi tội phạm ở tuổi vị thành niên.
Lúc này, câu hỏi về vai trò của văn học trong việc kiến tạo tâm hồn trẻ
thơ, vang lên. Đó là câu hỏi lớn. Câu trả lời thuộc về các nhà văn, đặc biệt là
các nhà văn viết cho thiếu nhi.
QUỲNH NHI (QN): Thưa anh, hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái
ngược nhau về văn học thiếu nhi. Thế nào là văn học thiếu nhi? Những ai làm
nên dòng văn học này? Phải chăng chỉ có các nhà văn chuyên viết về đề tài
thiếu nhi?
NHÀ THƠ ĐỊNH HẢI (ĐH): Trong dòng văn học thiếu nhi có hai mảng
quan trọng, mảng người lớn viết cho thiếu nhi và mảng thứ hai là chính các
em viết về đời sống của mình. Nhà thơ Chế Lan Viên từng cho rằng, khi các
nhà văn viết cho thiếu nhi thì các tác phẩm có được tính nghệ thuật cao và có
ý thức hướng dẫn tâm hồn cho trẻ. Người viết có cái mạnh là sâu lắng và
nhiều tầng ý nghĩa. Nhưng theo tôi, các tác giá tí hon tự viết về mình, về bạn
bè là hết sức quan trọng. Bởi các em nói lên được sự trong sáng. Cho dù


chính nhà thơ Chế Lan Viên không thích con gái làm thơ nhưng chính Vàng

Anh đã mang về giải nhất của cuộc thi quốc tế Trẻ em nói với trẻ em với bài
thơ Mèo con đi học bài thơ này trước khi nhận giải đã bị không ít người phản
đối là non nớt.
QN: Có lẽ cuộc sống từng trải mà mọi người đánh giá bài thơ của Vàng
Anh như thế? Nhưng phải chăng văn học thiếu nhi chỉ dành riêng cho độc giả
thiếu nhi. Những độc giả lớn tuổi tìm thấy gì ở dòng văn học này?
ĐH: Đã là văn học thì dành cho mọi lứa tuổi. Không hề có sự phân biệt.
Những bài thơ viết cho thiếu nhi hay, thì tất cả các lứa tuổi đều thấy hay bởi
nó có nhiều tầng ý nghĩa và đem lại những khám phá khác nhau. Vả lại người
lớn còn thích đọc văn học thiếu nhi bởi đó là nhu cầu tự thân. Khi mệt mỏi, lo
âu trong đời sống thì mỗi người lại có khao khát tìm về tuổi thơ trong trẻo hồn
nhiên...
QN: Nhưng dường như sự trong trẻo, hồn nhiên mà mọi người muốn là
tìm thấy trong văn học thiếu nhi lại rất hiếm gặp. Bởi có những tác giả thường
gán ghép tùy tiện cho những con vật, những đồ vật một đức tính tốt, hoặc xấu
của con người và từ đó phát triển lên, bất kể đời sống riêng của con vật hay
sự vật đó. Ví dụ như con chim thì lười biếng chỉ ca hát cả ngày, con bướm thì
rong chơi...
ĐH: Đó là điều còn nhức nhối trong văn học thiếu nhi. Bệnh ấu trĩ từ
xưa và rất khó thay đổi của văn học thiếu nhi là sự cố ý giáo huấn, răn dạy trẻ
ngay trong tác phẩm, ép trẻ phải có những ý nghĩ, những tình cảm đã được
khuôn mẫu sẵn. Người làm thơ không xuất phát từ cảm hứng thơ ca, từ tình
cảm thắm thiết mà xuất phát từ một ý đồ giáo huấn, răn dạy. Người ta đã đi
tìm và mượn vỏ các sự vật để gán ý đồ chủ quan của mình vào. Trẻ em rất
nhạy cảm với kiểu "văn vẻ" này. Các em bị dị ứng ngay và tác phẩm không gì
hơn là lời quát nạt trẻ có vần.
QN: Có thể vì điều này mà văn học thiếu nhi không hấp dẫn được các
em. Điều này còn làm bùng nổ các cơn sốt truyện tranh. Các em vùi đầu suốt



ngày vào các loại truyện tranh được dịch từ tiếng nước ngoài và bị tiêm
nhiễm không ít chất độc từ những cảnh rùng rợn trong tranh.
ĐH: Theo tôi nghĩ truyện tranh chưa phải là có hại tất cả. Thực trạng
trong những năm gần đây, thị trường sách của chúng ta có lạm phát tranh
truyện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến báo động về mặt bạo lực,
mê tính dị đoan những tình tiết quái dị. Trong khi đó các thể loại truyện khác
thì không có nhiều. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là trẻ em rất
thích truyện tranh. Phải biết gạt bỏ phần độc hại để có được những luồng
cảm xúc mới, những ý nghĩa mới, cảnh viết mới vào văn học. Thực ra điều
này đã manh nha từ vài năm nay, ví dụ như các cây bút trẻ đầy năng lực và
hiểu biết như Châu Giang, Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hường Lý…
QN: Nhưng dù sao văn học thiếu nhi hiện thời đã đóng góp rất nhiều
tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường. Các em bắt đầu được đọc, được
học ngay từ khi bập bẹ chữ "a", và cứ thế theo suốt mấy năm văn học cơ sở.
Anh thấy tình hình văn thiếu nhi trong trường học như thế nào?
ĐH: Thực ra trước kia là rất yếu, từ khâu tuyển chọn vào sách giấc
khoa đến các lời hướng dẫn học bài. Và đặc biệt là cách tiếp cận, quá nặng
nề vô tình giáo huấn. Trẻ em ngồi học thờ ơ và sợ môn văn. Thầy giáo ít khi
đồng cảm với giá trị đích thực của văn học. Mấy năm gần đây, sách giáo khoa
có cải tiến rất nhiều và các em bất đầu thích học môn văn hơn. Và cũng chính
vì thế mà nhà trường ngoài việc giáo dục ra còn góp phần bồi đắp các mầm
non năng khiếu văn học.
QN: Anh đã từng xuất bản 15 tập thư cho thiếu nhi. Nhiều bài thơ của
anh được các nhạc sĩ phổ nhạc như Bài ca Trái Đất, Bàn tay cô giáo... khiến
các em rất thích. Thì truyện tranh gợi cho các em một tư tưởng tượng vô
cùng phong phú. Vả lại, lời đi kefm với tranh là lợi thế đặc biệt gần gũi với đời
sống của các em. Phải chăng các nhà văn viết cho thiếu nhi không ý thức
được điều đó. Và đều ý thức được điều đó thì có lẽ họ đã bất lực vì điều kiện
đầu tiên của văn học là trí tưởng tượng họ không có?



ĐH: Không phải trí tưởng tượng của các nhà văn hoàn toàn khô kiệt,
mà là trí tưởng tượng của họ chưa cao, hơi thiếu chất bay bổng, thần tiên,
mơ mộng... những điều rất gần gũi với trẻ. Cũng bởi vì nhiệm vụ giáo huấn
một thời khiến họ khó thoát khỏi thói quen cố hữu. Họ hướng đến một mục
đích hơn là hướng tới nghệ thuật thơ. Do đó hạ thấp giá trị tư tưởng thầm mỹ,
đánh đồng giá trị văn học với những giá trị khác.
QN: Để thay đổi một cách nhìn nhận, một cách viết là rất khó, hầu như
các lớp tác giả không thể từ thay đổi được mà phải chờ đến lớp tác giả kế
cận. vậy điều này có đúng với văn học thiếu nhi hiện nay của ta?
ĐH: Tôi lạc quan hơn nhiều. Các nhà thơ trưởng thành đã ý thức được
điều này và đang cố gắng tìm tòi, thay đổi những nếp nghĩ của mình. Hiển
nhiên phải chờ một lớp nhà thơ, nhà văn mới.
QN: Nếu tuyển chọn sách giáo khoa, anh sẽ tuyển chọn như thế nào về
phần văn học thiếu nhi?
ĐH: Trong sách giáo khoa có khoảng hơn 30 bài là các tác phẩm của
tôi, dưới bút danh Định Hải hoặc Nguyễn Biểu, thậm chí vì nhiều quá nên các
nhà làm sách bỏ cả tên tác giả đi ví dụ như các bài: Tiếng chim buổi sáng,
Đánh trận giả, Nếu chúng mình có phép lạ... Các gợi ý tiếp cận tác phẩm của
các nhà làm sách cũng khá chính xác, nhưng đồng cảm thật sự với tác giả thì
chưa.
Tiêu chí để chọn giảng trong nhà trường bao giờ cũng phụ thuộc yếu tố
đầu tiên và duy nhất đó là giá trị nghệ thuật thực sự, phù hợp với lứa tuổi,
khiến cho các em có thể cảm thụ được với vẻ đẹp của tác phẩm. Trong cách
tuyển chọn ngày nay còn quá ít các tác phẩm của họ, mang rất nhiều nét đặc
sắc, hấp dẫn, mới lạ, cuốn hút được các em.
QN: Dường như hiện nay, số lượng tác giả trẻ viết cho thiếu nhi tăng
lên rất nhiều so với trước kia. Họ tươi non, mạo hiểm và thu được khá nhiều
giải thưởng văn học nhưng tiếng nói của họ trên văn đàn thì quá ít ỏi, phải
chăng họ còn thiếu một điều gì?



ĐH: Có nhiều tác giả chỉ coi văn học thiếu nhi như một chặng đường rồi
thay đổi viết kiểu khác. Như thế họ chưa đủ tình yêu với các em. Trong 240
tác giả của tuyển tập văn học thiếu nhi của nửa thế kỷ, lực lượng tác giả trẻ
quá ít. Mỗi người có một bài, chỉ có một vài trường hợp đặc biệt như Hường
Lý là có hai bài. Nói chung các tác giả trẻ nên bền bỉ, tiếp tục học hỏi nhiều
hơn nữa và không chỉ đến với văn học thiếu nhi như người khách qua đường,
mà phải theo nó trọn đời mới mong yêu được nó.
QN: Đốtxtoiépxki: "Trẻ em như một dấu chỉ về hạnh phúc, về sự trong
sáng tinh khiết của chúng ta. Sự tồn tại của các em mang lại niềm vui lớn lao
nhất cho con người và..."
ĐH: Đúng vậy, trẻ em là những thiên đường yêu mến mặt đất này và ở
lại với chúng ta. Đời sống của các em, ánh mắt trong veo của các em nuôi
dưỡng tâm hồn mỗi người chúng ta, khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn và
mỗi người cố gắng yêu lấy đời sống của mình.
QN: Xin cảm ơn anh.
(Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công An số 8/1998)

2. ĐI TÌM ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HỌC CHO THIỂU NHI
PHONG LÊ
Văn học thiếu nhi vốn cũng phải thực hiện các chức năng của văn học
nói chung. Nhưng tôi muốn lưu ý một chức năng mà thiếu nó, hẳn văn học
thiếu nhi sẽ không tồn tại trong một sự phân biệt rành rõ với văn học người
lớn như người ta thường muốn, và vẫn thường bàn. Đó là yêu cầu kích thích,
khơi gợi, phát huy năng lực tưởng tượng, sáng tạo ở các em. Điều này rất
cần. Cần cho tuổi thơ, và cần ngay từ tuổi thơ. Một kết quả nghiên cứu khoa
học cho biết tiềm năng phát triển của con người còn rất dồi dào. Ở não bộ
con người có từ 14 - 16 tỷ tế bào, nhưng số tế bào được huy động vào các
lĩnh vực sáng tạo ở con người hôm nay, mới chi đạt khoảng 5 đến 7 phần

trăm. Quan sát các hoạt động thể thao thì cũng thấy con người vẫn tiếp tục


bứt ra khỏi các giới hạn tự nhiên để vươn tới các kỷ lục mới, và dường như
cuộc chạy đua này còn là vô cùng. Bên cạnh những cuộc đấu tranh cãi tạo xã
hội ngày càng rộng lớn, nhằm vào mục tiêu nhân đạo hóa đời sống, nhằm
vào sự vươn cao hơn chất lượng sống, con người đã nghĩ đến một cuộc cách
mạng nhân chủng (révolution anthropologique) sẽ diễn ra cho thế kỷ sau, với
sự phát triển hàng đầu có thể là khoa sinh học. Câu chuyện này mở ra còn
dào tôi sẽ không sa đà, đi lạc đề, mà chỉ muốn nhân đó mà nói cái ý cho rằng
con người còn dồi dào tiềm năng phát triển; và văn học có thể góp phần vào
đó để đánh thức để nuôi dưỡng các tiềm năng. Sự đánh thức ấy lại cần được
tiến hành từ sớm, từ lứa tuổi nhỏ, và văn học thiếu nhi có thể đóng vai trò
người lính tiên phong. Ở ta từ xưa có câu: "Con hơn cha là nhà có phúc". Tôi
nghe câu này vừa vui vừa băn khoăn. Vui vì thấy nhân dân ta không "phong
kiến", nhân dân ta mong muốn và ủng hộ sự tiến bộ, không ngừng mong các
thế hệ đến sau phải hơn lớp trước. Nhưng băn khoăn vì một lẽ khác: còn
chưa thấy trong câu đó cái nhận thức "con hơn cha" là một tất yếu lịch sử,
một qui luật của sự phát triển, mà lại xem như một chuyện cầu may. Có nghĩa
là trong đời sống thực phải chăng, phổ biến và quen thuộc mới chỉ có chuyện
"con bằng cha", hoặc "con thua cha" nên mới có câu "con hơn cha" là phúc
đức.
Đó là chuyện xưa. Nhưng đâu phải hôm nay không còn là hiện tượng
để cho ta suy nghĩ.
Nói chung về nhu cầu khởi động và phát triển các tiềm năng, tôi muốn
bắt đầu bằng vai trò của cổ tích và nhấn mạnh vị trí của cổ tích, là thể loại có
lẽ ít ai trong đời lại không từng có lúc đam mê vì nó, không cần chờ đến khi
biến chữ, cho đến lúc "vỡ lòng"
Truyện cổ trong diện mạo hết sức đa dạng ở mỗi dân tộc, và khắp thế
giới có thể xem là món quà quí sẵn dành cho các em ở lứa tuổi thơ. Sức hút

của truyện cổ theo tôi là ở chất ảo, chất tưởng tượng của nó. Không kể nó
còn đậm chất vui, chất hài, chất ngộ nghĩnh, ly kỳ. Bằng thứ ấy chất liệu, nó
có khả năng đưa các em vào một thế giới khác với hiện thực chung quanh,


hiện thực thường ngày. Nhưng dẫu vậy, nó vẫn không tạo một cảm giác xa lạ,
mà vẫn gợi được nơi các em cái cảm tưởng tất cả những gì được kể đều là
có thực, là có thể xảy ra. Nói cách khác, nó kích thích ở các em khả năng
đồng hóa thế giới của tưởng tượng, của mơ ước vào thế giới thực. Phải nói
khả năng đồng hóa, khả năng kết hợp đó là rất kỳ diệu; nó chỉ có thể là sản
phẩm riêng của tuổi thơ. Con người đến lúc lớn khôn cái đó sẽ mất đi. Cùng
với sự hiểu biết và vốn kiến thức được bồi đắp thêm, ta lại dễ đánh rơi hoặc
làm mòn mỏi đi năng lực của ước mơ, của tưởng tượng. Bên cái được có cái
mất, âu đó là luật bù trừ. Và chỉ những ai cố khả năng cưỡng lại sự mất mát
này, giữ được sự bồi đắp của tưởng tượng, mới là người kéo dài được cuộc
đối thoại với tuổi thơ.
Từ đặc trưng và đòi hỏi trên của lứa tuổi nhỏ mà đối chiếu với những gì
được viết lâu nay, ta sẽ thấy chỗ dễ trở thành non yếu. hạn chế trên số không
ít sáng tác của ta là đôi khi quá nệ vào cái thật, là thật quá. Ta chú trọng sử
dụng một vài phương pháp miêu tả và thường là mô phỏng theo cách viết cho
người lớn, và nhìn chung là hơi nghiêng về cái trông thấy được trong hiện
thực, cái phải giải thích được bằng lý lẽ. Trong khi, sự cảm nhận của các em
không phải lúc nào cũng đòi hỏi có lý có lẽ.
Tôi không sành về khoa tâm lý, nhưng nghĩ rằng sự nghiên cứu tâm lý
này hắn sẽ mở ra cho sáng tác thiếu nhi nhiều hướng hay. Cần tìm hiểu xem
ít sao truyện cổ dân gian hoặc của các tác giả cổ điển lại được các em yêu
mê đến như vậy. Ở Liên Xô, truyện dân gian Nga xuất bản hơn 400 lần với
tổng số 59 triệu bản. Andecxen 407 lần với 65 triệu bản, Grim 300 lần với 43
triệu bản. Ở ta, mong có một sự thống kê hoặc điều tra xem kết quả ra sao.
Phải nói rõ thêm: Sự yêu thích cổ tích, đồng thoại là nét chung ở các

em thuộc mọi thế hệ, mọi thời đại. Ở mỗi cuộc cách mạng, hoặc chiến tranh,
từng lúc từng nơi, có thể có nhu cầu này hoặc nhu cầu kia nổi lên; nhưng
nhìn rộng ra, nhân loại trên con đường tiến hóa của mình, cũng như đời một
con người, từ thuở ấu đến tuổi trưởng thành đều có một hướng đi và một đích
chung: vươn về cái đẹp cái chân, cái thiện… Cần từ cái chung có tính nhân


loại này mà thấy các giá trị tinh thần phổ quát, thường được hàm chứa trong
cổ tích, là bền vững và trường cửu.
Tôi xin chuyển sang thơ, vẫn với chức năng khơi gợi sức tưởng ở các
em, đồng thời vô vàn câu hỏi được nhân lên theo năm tháng, suốt từ lúc ấu
thơ cho đến tuổi trưởng thành. Đem lại cho các em một nhận thức đúng, và
ngày càng sâu về thế giới chung quanh, từ gần đến xa, từ thiên nhiên về con
người, từ gia đình ra xã hội... đó là mục tiêu mà mọi người viết, mọi trang viết
cần đạt được. Nhưng đạt được bằng con đường nào lại là chỗ phân biệt sách
cho người ăn nói chung và sách cho thiếu nhi.
Nguồn gốc sự sống, sự tiến triển của lịch sử loài người là cả một giáo
trình sinh học. Đó là trí thức của nhà trường. Nhưng Chuyện cổ tích về loài
người của Xuân Quỳnh lại tỏ ra "bất chấp" tri thức sách giáo khoa. Tất cả thế
giới này đều vì trẻ con mà sinh ra. Con trẻ được sinh ra trước tiên. Rồi mới
đến mặt trời, màu sắc, chim muông, âm thanh, sông ngòi, biển, mây, đường
sá… rồi mới đến mẹ và bà, vì trẻ còn cần tình yêu, tiếp đến là lời ru và chuyện
kể… Rồi mới đến bố, vì trẻ cần sự hiểu biết. Sau đó chữ, bàn ghế, thầy giáo,
phấn, bảng…Từ bảng mà có lớp học, và buổi học đầu tiên, thầy viết lên bảng:
…Chữ thật to:
Chuyện loài người trước nhất.
Người đọc là chúng ta không ai bất bình trước sự vô lý đó. Trẻ em càng
không biết cãi. Chỉ biết thích thú vì sự có lý của một chuỗi những điều phi lý
Sự chấp nhận đó đi ra ngoài những lôgic thông thường. Vì có một lôgic khác,
làm nền - đó là: sự tồn tại của cuộc sống cần bắt đầu từ sự chăm sóc trẻ thơ.

Sự tồn tại chung quanh loài người là vậy. Và tính ưu việt mà chủ nghĩa xã hội
muốn có cũng là vậy. Bài thơ có sự nghịch lý, nhưng không phi lý. Và như vậy
cần được giải thích, cần hiểu theo lôgic khác. Hẳn không ai phản đối Xuân
Quỳnh đã "bất chấp" tri thức sinh học mà đưa ra một lý thuyết "duy tâm" như
vậy. Vì ở đây bài thơ không nhận trách nhiệm cung cấp trí thức là chính, hay
nói đúng hơn, cung cấp một tri thức khác với sự cung cấp của sách giáo
khoa.


Đi vào thế giới chung quanh, việc xác lập một quan hệ giữa các sự vật,
đối với các em, được mở đầu bằng một quan hệ đơn giản nhất: tôi và khách
thể. Chưa vội đào sâu, lật đi lật lại vấn đề. Chưa vội một lúc bao quát hết các
quá trình. Một quan hệ đơn giản, trong đó chủ thể là em bé đóng vai trò trung
tâm. Tất cả nhìn từ mình, tất cả là vì mình. Thơ thiếu nhi cần sự ngộ nghĩnh là
do thế. Và như vậy yêu cầu nhận thức trong văn học cho thiếu nhi có một
phẩm chất riêng, không giống thơ người lớn. Cần một con đường riêng, một
phương thức riêng để đi tới đó. Để từ hiện thực được nhận thức mà gợi mở,
gắn nối các em với một khát vọng sâu xa về cái đẹp, cái tốt, cái thiện.
Như vậy là văn học cho thiếu nhi cần thực hiện nhiều chức năng, và
chức năng nhận thức cũng có vị trí quan trọng. Một nhận thức từ những gì
đơn giản, cụ thể mà có sức gợi mở ra một chuyện. Trước thế giới bao la,
ngày càng mở rộng kỳ thú, các em hăm hở và băn khoăn trước vô vàn câu
hỏi, nhưng câu hỏi từ tuổi thiếu nhi theo tôi là câu hỏi bức xúc nhất, và ẩn rất
nhiều thi vị.
Ở người lớn, các câu hỏi đặt ra không phải tất cả đều cần trả lời ngay.
Có câu hỏi cần chờ đợi. Cần để "nghiên cứu". Để tôn trọng tính thời gian, và
có lúc quá đà thành "ngâm cứu". Nhưng với các em, có câu hỏi, là cần có câu
trả lời.
Khỏi phải nói tuổi thiếu nhi là tuổi nhà trường với sự huy động tất cả bộ
nhớ vào việc học. Khỏi phải nói có một hệ thống sách giáo khoa là sự trả lời

các câu hỏi ấy, theo một trật tự phân loại từ thấp lên cao, hẹp đến rộng, đơn
giản đến phức tạp.
Văn học cũng nhằm góp vào việc trả lời các câu hỏi ấy. Nhưng như
trên ta đã nói, có mặt nó hỗ trợ cho sách giáo khoa. Có mặt nó vạch lối đi
riêng. Lại có một khu vực nhận thức chỉ văn học mới làm được. Đó là khu vực
nhận thức chỉ văn học mới làm được. Đó là khu vực không chỉ dừng lại ở sự
thỏa mãn một nhu cầu trí tuệ mà còn tiếp tục nuôi cấy cảm xúc, bồi đắp tâm
hồn. Đó chính là khía cạnh làm nên ưu thế của văn học so với mọi khoa học,
so với sách giáo khoa.


(Tạp chí Văn học số 5/1993)

3. NGÔN NGỮ VÀ THƠ MỘT ĐỀ TÀI MÊNH MÔNG
PIERRE GAMARA

Đây là một vấn đề rất to lớn và các bạn hãy thứ lỗi cho tôi vì ở đây tôi
cũng chỉ lướt qua vấn đề thôi. Chúng ta là những người tiên phong trong vấn
đề này chủ yếu tôi nói về các bạn Pháp và tôi cảm thấy có phần ngợp khi nghĩ
đến bao nhiêu vấn đề hấp dẫn đang đặt ra cho chúng ta. Bên cạnh vấn đề về
văn thể, vấn đề nhạc trong thơ người ta còn thấy rất rõ vấn đề về sư phạm và
nhất là vấn đề mà tôi có thể gọi là: những vấn đề về thu nhận thực tế bên
ngoài và biến đổi những thực tế đó vào trong sáng tác.
Nếu như nhà văn cũng như bất cứ nhà sáng tác văn học nghệ thuật
nào phải đồng thời là một nhà phê bình thì những người muốn viết cho thiếu
nhi càng phải mang theo trong người họ một nhà phê bình vào loại cao nhất,
tế nhị nhất, một người có thể cân đo được sức nặng của một cánh bướm như
một vị thẩm phán luôn luôn tế nhị và nghiêm túc.
Chúng tôi luôn luôn chống lại quan niệm khá phổ biến hiện nay cho
rằng văn học thiếu nhi là một thứ văn học vào loại thứ yếu. Các nhà sư phạm

hiểu rõ hơn ai hết rằng dạy các lớp càng bé thì càng khó.
Nhà văn viết cho người lớn có thể cho phép mình sử dụng lối chơi chữ,
sử dụng những từ, những câu có ẩn ý. Họ có thể "đời hỏi" bạn đọc (phải chịu
khó suy nghĩ) có thể đánh lạc hướng hay gây cho độc giả ít nhiều hoang
mang v. v…
Nhưng đối với độc giả trẻ, công việc sáng tác cần phải khắt khe hơn;
không thể đưa lại cho họ những món ăn đã hoàn toàn nhai sẵn, mà sự khắt
khe đó phải được cân nhắc, tính toán, cộng thêm vào đó một tinh thần đầy đủ
về trách nhiệm.


Khi người ta đi từ địa hạt của người lớn qua địa hạt thiếu nhi, những
vấn đề đặt ra không phải giản đơn hơn, sơ lược hơn, mà trái lại những vấn đề
đó càng khó khăn hơn và phức tạp hơn.
CHÚNG TA MUỐN GÌ?
Theo ý kiến riêng của tôi, có 3 việc:
1) Mở con đường cho các em đi vào kho di sản văn học chung của thế
giới. Giúp các bạn đọc còn đang bập bẹ làm quen với vườn thơ văn bao la
của nhân loại.
2) Muốn làm được việc đó, chúng ta cần giúp cho các em thu nhận và
trao đổi dụng cụ của mình, tức là ngôn ngữ của mình.
3) Việc sử dụng ngôn ngữ sẽ đi đôi với sự phát triển của óc phán đoán.
Biết đọc có nghĩa là đọc ở phía bề sâu, có nghĩa là khám phá ra mọi vẻ đẹp,
mọi ẩn ý. Biết nói, biết viết, có nghĩa là diễn đạt được tư tưởng tình cảm của
mình, có nghĩa là thông cảm bắt gặp chung quanh. Người ta không bao giờ
có thể ngừng học để đọc hay để viết. Người ta cũng không có thể bắt đầu
sớm quá.
Trẻ con là một sinh vật rất mới, rất mong manh. Trẻ con luôn luôn phát
hiện và tìm hiểu. Chưa bao giờ cụm từ "cân nhắc mỗi chữ" lại có nhiều giá trị
như thế đối với một nhà văn viết cho thiếu nhi. Phải dừng lại ở mỗi chữ, phải

soát kỹ lại để hiểu mỗi chữ chứa đựng ý nghĩa gì và sẽ tác động ra sao.
Do đó, những cái mà người ta gọi là mòn sáo sẽ tìm được tất cả hiệu
lực và tính độc đáo ban đầu của nó, mỗi khi các độc giả tí hon đọc đến. Ví dụ:
những ngón tay hồng của hừng đông giống như những bông hoa tươi đẹp.
Những hoa cúc hoang rải rác trên đồng cỏ có một màu sắc rực rỡ.
Nhưng các độc giả trẻ cũng phải hiểu là những "ngón tay hồng" đó,
những "màu sắc rực rỡ" đó trước đây đã được tìm ra, đã được "phát minh"
ra, dùng mãi đã mòn, và có thể kém tác dụng. Cũng phải chỉ cho các độc giả
trẻ biết những cái đã nói rồi đồng thời cũng phải chỉ cho các em thấy cái ích


lợi, cái cần thiết của sự tìm tòi và sự phát minh. Vì thế mà công việc của nhà
văn viết cho thiếu nhi càng gặp nhiều khó khăn trở ngại.
Đối với tôi hình như có hai trở ngại chính: thứ nhất là sự nhạt nhẽo vô
vị, sự luôn luôn tầm thường, một phong cách quá đơn giản, bi bô, nhé nhé.
Thứ hai là một cách viết lòe loẹt, "chải chuốt" giả vờ.
Người ta không bao giờ có thể sáng tạo, phát minh từ một cái không có
gì cả. Những bài thơ hay nhất, độc đáo nhất lại bất nguồn từ những cái tìm
thấy xưa nhất trong những lá khô của sáo ngữ (tức là những hình tượng cũ
đã được lan ra từ trước và đã được dùng nhiều lần)
Tôi không tin có những trẻ em thi sĩ, do đó tôi không muốn thúc đẩy các
em, buộc chúng nhất thiết phải làm thơ. Cũng có thể các bạn đọc trẻ, các bạn
viết trẻ (trẻ con), vì sự tươi mát và ngây thơ có thể tìm ra được những cái
mới. Nhưng chúng ta không nên tìm cách đào tạo, những Elua mười hai hoặc
mười lăm tuổi. Chúng ta chỉ nên tìm cách đào tạo những độc giả của Elua,
những độc giả có nhiều kiến thức càng nhiều càng tốt. Thơ ca là tinh hoa cao
nhất của trí óc loài người và của ngôn ngữ.
Điều chúng ta mong mỏi là làm sao cho những em bé ngây thơ, vụng
về trước mắt chúng ta, một ngày kia sẽ hiểu nổi, sẽ thưởng thức nổi Puskin
hay Raxin, sẽ đi vào được cái thế giới bí mật nhất và phong phú nhất của

tiếng ca nhân loại. Và biết đâu người học trò non trẻ đó cũng có thể trở thành
một Puskin hay Raxin nhờ sự giúp đỡ của chúng ta, nhờ có tài năng và công
phu lao động. Nhưng nhất thiết không bao giờ có sự thành công do yếu tố
thần kỳ.
NGÔN NGỮ DỤNG CỤ QUAN TRỌNG ĐẦU TIÊN
Người ta ít để ý đến vấn đề ngôn ngữ. Tôi biết là tôi đang mơ khi nói
đến vấn đề này. Vì ở đây người ta không bao giờ để ý đến văn học thiếu nhi.
Trừ một vài tạp chí chuyên môn, những vấn đề căn bản không bao giờ được
đả động đến. Nhưng thực ra những vấn đề đó là những vấn đề có liên quan
mật thiết đến một đối tượng hết sức rộng rãi, đó là các thầy giáo, và các bậc


phụ huynh. Tôi tin rằng, người ta có thể làm cho các bậc phụ huynh học sinh
quan tâm đến vấn đề này khi ta trình bày với họ những phương pháp khả dĩ
có thể làm giàu thêm vốn từ ngữ, những phương pháp để sử dụng ngôn ngữ
một cách chính xác và sinh động, những phương pháp để tăng thêm sức tiếp
thu, khả năng truyền cảm và trí óc phán đoán, những phương pháp để tăng
thêm cái vui trong thưởng thức nghệ thuật
Đối với tôi nếu có một vấn đề chủ yếu, quan trọng, để lại nhiều hậu
quả, thì đó là vấn đề ngôn ngữ.
1) Vấn đề học tập, sử dụng ngôn ngữ, chế ngự ngôn ngữ để biểu hiện
tư tưởng và tình cảm của mình.
2) Sự khác nhau giữa ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ nói thông thường
hàng ngày. Đây là vấn đề rất cũ, nhưng đối với trẻ em, chúng ta có thể thấy
đó là vấn đề mới. Trẻ con được đào tạo ở học đường nhưng đồng thời cũng
được đào tạo bởi cuộc sống, bởi hoàn cảnh gia đình, ở ngoài đường, ở các
sân giải trí (hơn nữa thỉnh thoảng ở vài vùng trẻ con còn học cả tiếng địa
phương, tiếng thổ âm).
Phải tính đến những thu hoạch đầu tiên đó, những thổ âm đó là những
ngôn ngữ sinh động và đặc biệt đó là những ngôn ngữ đã sống trên môi của

nhân dân. Trong khi đó thì một nhà văn ít sáng tạo lại chỉ biết sử dụng một
thứ ngôn ngữ cứng đờ đầy bụi bặm. Ngôn ngữ là một hiện tượng sống và trẻ
em là một vật sống. Đây là một vấn đề cần được thảo luận.
3) Còn một vấn đề khác cũng quan trọng: đó là vấn đề khốn cùng và
thoái hóa của một loại ngôn ngữ tân thời, những cái mà người ta thường thấy
trên những đầu đề của một bài báo, trên những tranh vẽ, một loại ngôn ngữ
thô sơ, mờ nhạt, quá tóm tắt, lờ mờ. Dưới những bề ngoài "khỏe" đó là một
thứ ngôn ngữ thấp kém đấy những từ lai căng nước ngoài.
Chúng ta cũng cần chỉ ra và vạch trần sự nghèo nàn đó, chỉ cho mọi
người thấy và giúp mọi người hiểu được tính chất phong phú của ngôn ngữ,
một sự phong phú vô tận.


Chúng ta sẽ can thiệp vào lúc nào? Ngay ở mỗi bản chú thích của một
minh họa, ngay ở một vài ba từ được ghép lại, ngay ở mỗi tập ảnh mỏng nhất
ít cần sự chú ý nhất, ngay ở những bước đầu, cần phải gọt dũa cẩn thận
ngay trong một vài câu đơn sơ kèm theo một bức tranh ảnh đẹp.
CẦN CÓ SỨC HỢP TÁC
Ở đây rõ ràng cần thiết phải có một sự hợp tác. Luôn luôn tôi kêu gọi
sự hợp tác. Đó là sự hợp tác giữa nhà văn, nhà sư phạm và phụ huynh học
sinh. Tôi cũng mong không phải chỉ một mình tôi lên tiếng trong vấn đề này.
Thật thế tôi không đòi hỏi những nhà sư phạm phải viết văn, những bậc
phụ huynh phải sáng tác những tiểu thuyết. Thường thường họ cũng có làm
những việc ấy và sáng tác của họ đôi lúc cũng hay nhưng nói cho cùng, mỗi
người mỗi nghề, mỗi người đều có kinh nghiệm riêng và tài năng riêng nó.
Nhưng ý kiến của các bậc phụ huynh và các nhà giáo là rất cần thiết và
rất bổ ích cho những người sáng tác văn học, trước lúc sáng tác và sau lúc
sáng tác.
Trước lúc sáng tác là để soi sáng cho nhà văn về thế giới phức tạp của
trẻ em, về những diễn biến của cảm giác, về phạm vi của thế giới trẻ con, về

sự quan trọng của tri giác, sự giàu có của vốn hiểu biết, của vốn từ v. v…
Sau sáng tác là để giúp cho nhà văn hiểu biết về kết quả đã đạt được,
về thành công và thất bại và nói chung về những cảm hứng của độc giả trẻ,
nói tóm lại là để làm một cuộc phê bình xây dựng cho tác phẩm xem nó đã
được quần chúng thiếu nhi đón tiếp như thế nào. Tôi nói thêm đến thế giới
phê bình, chính giới phê bình chuyên nghiệp văn học thiếu nhi và giới phê
bình văn học chung (nếu như họ muốn đoái hoài đến) cũng đóng một vai trò
rất quan trọng.
TINH HOA CAO NHẤT CỦA THI CA
Trong bao nhiêu những thể loại văn học, trong đó ngôn ngữ được
khẳng định được mài sắc và được làm giàu thêm, người ta không thể chọn
nên một thể loại nào. Tôi không tin là có những thể loại văn học vào loại cao


hay vào loại thấp và tôi không muốn có những "nhóm Do thái" (nhóm người
đặc biệt) trong xã hội cũng như trong ngôn ngữ.
Các em, những độc giả trẻ của chúng ta có thể thưởng thức và làm cho
chính mình giàu có thêm nhờ một câu chuyện, nhờ những lời vấn đáp, nhờ
những diễn xuất sinh động của đối thoại trong kịch, mà cũng nhờ cách diễn tả
vô cùng tế nhị của thể loại thi ca. Tôi đã nói đến vấn đề đó, bây giờ tôi xin trở
lại. Thơ là một loại quí báu và dành cho nó một sự chú ý đặc biệt. Thơ ca
cũng tạo cho chúng ta những dễ dàng đồng thời cũng đưa lại cho chúng ta
những khó khăn.
Nó tạo cho chúng ta những dễ dàng nhờ những khía cạnh sắc bén, sâu
xa mãnh liệt, nhờ những tính chất cô đọng và lấp lánh của kim cương, nhờ
sức "chứa đựng" của nó. Thi ca giúp cho chúng ta hay là phải giúp cho chúng
ta tích lũy trong kí ức (trong trí óc và trong tim của độc giả trẻ) cả một tủ sách
di động, một kho tàng quí báu không thể nào quên được.
Ở đây lại phải đặt ra một vấn đề bức thiết là cần phải có những sáng
tác có giá trị. Chúng ta có thể, chúng ta cần phải đem lại cho các em những

bài thơ hay của tất cả các nước. Trước tiên phải giới thiệu cái vốn quí, cái gia
tài của tổ quốc. Những bản dịch thơ nước ngoài sẽ đem lại cho những tâm
hồn mới rồi đó những tinh hoa chủ yếu và lâu đời trong vốn quí nhân loại.
Tất nhiên sẽ có những khó khăn. Chúng ta đều thấy cả, rõ ràng không
thể giới thiệu cho các em tất cả các loại bài thơ. Mà cần phải chọn lọc. Nhưng
thực ra, nhờ cái vốn quí sẵn có của nhân loại mà số thơ chọn cho các em sẽ
được nhiều hơn, có thể tìm được nhiều bài thơ cho các loại sở thích, cho nhu
cầu từng lúc và cho sự cần thiết của khoa sư phạm. Chúng ta không thể thu
hẹp thơ ca cho thiếu nhi vào phạm vi những bài hát tập đếm, những bài chơi,
những bài ca dao loại dở. Những bài hát chơi cũng cố vẻ đẹp của nó nhưng
chúng ta phải có nhiều tham vọng hơn. Chúng ta giúp cho các em và các giáo
viên quan tâm đến và yêu thích kho tàng văn học phong phú của nhân loại.
Ở đây cũng lại nảy sinh một vấn đề cấp thiết: cần có một sự cộng tác
tập thể để tổ chức các cuộc sáng tác, để dự định những công việc dịch thuật,


những bản phóng tác, để xúc tiến việc xuất bán các tuyển tập v.v… Trước
đây tôi có phản đối lối lai căng Anh, Mĩ (việc nhập các từ ngữ Anh, Mĩ). Nếu
tôi có phản dối là phán đối lối sử dụng lai căng, sống sượng, thấp kém chứ
không phải phân đối những thiên tài của Anh, Mĩ cùng phần tinh hoa của
những quốc gia khác. Tôi mong mọi người hiểu cho tôi. Chúng ta mong sao
cho những tinh hoa xa lạ ấy không phải xa lạ với con người, đã được trình
bày gần sát nguyên bản, đặc biệt qua những bản dịch được chọn kỹ và dịch
tốt.
Hiện nay có lúc người ta tìm cách đối lập hình ảnh và nét vẽ với chữ
viết. Sự thật thì hai yếu tố này có một giá trị truyền cảm trực tiếp và dễ dàng
hơn. người ta bảo rằng hiện nay chúng ta không sống trong thế giới hình ảnh,
ý kiến này còn cần phải bàn cãi thêm.
Thực ra tôi không thể chối cãi giá trị của hình ảnh, của màu sắc, của
nhịp điệu Những ai có tham dự ít nhiều hoạt động sư phạm đều không thể

nào từ chối các phương tiện bổ sung này. Tôi tin rằng nếu có một thế giới
hình ảnh thì cũng phải có một thế giới văn từ, một thế giới được phác họa lại,
được cấu tạo bởi những tinh hoa lấp lánh của từ ngữ, bằng ngang ngôi sao
băng vụt thoáng vụt hiện và điều rất quan trọng là làm sao cho các em được
tập vận dụng một cách vững vàng những tinh hoa đó, những ngôi sao băng
đó, hiểu được sức sống của các từ có thể đọc hiểu được những ý nghĩa khác
nhau còn đọng lại trên những từ ấy nhận thức được sức gợi cảm mãnh liệt
mà những từ đó có thể gieo vào lòng người.
Tôi nói vấn đề này không phải vì thời thượng, vì cái "mốt" hiện nay là
phải đề cập đến vấn đề ngôn ngữ học, mà vì lòng tin tưởng sâu sắc của một
nhà văn và của một người có quan tâm chút ít đến vấn đề giáo dục.
Chính quá trình chuyển biến lâu dài của từ ngữ và của các hình thức
văn phạm sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá trình chuyển biến lâu dài của lịch sự
con người trên con đường giải phóng của họ.
Sự chinh phục các từ ngữ, sự chinh phục ngôn ngữ, từ những bệnh
bập bẹ đầu tiên của loài người cổ sơ, và của mỗi con người từ thuở còn bé,


cho đến viên kim cương tinh khiết, gọt giũa rất công phu - tức là thơ ca. Đó
cũng là một công cuộc giải phóng. Sự tập dượt để sử dụng nó cũng là một sự
tập dượt để giải phóng.
Nói rõ, nói đúng, việc đó sẽ dẫn đến suy nghĩ rõ và suy nghĩ đúng
Việc đó sẽ dẫn đến ý thức công dân và tôi muốn chấm dứt những suy
nghĩ còn rất nhiều những thiếu sót của tôi về vấn đề ngôn ngữ bằng danh từ
cuối cùng này, danh từ ý thức công dân.
NGUYỄN THỊ Ả dịch từ Tạp chí Châu Âu
(Tạp chí Văn học số 5/1993)
*Nhà văn Pháp nổi tiếng - Tổng biên tập Tạp chí Châu Âu

4. NHỮNG BÍ QUYẾT LÀM THƠ HAY CHO TRẺ EM

COÓCNÂY TRUCỐPXKI:
Khi bắt đầu làm thơ cho thiếu nhi, trong một thời dài, tôi vẫn không sao
tìm được cho chúng một hình thức sinh động, chặt chẽ. Dần dần qua biết bao
sự đắn đo lần thất bại tôi mới đi tới một niềm tin vững chắc rằng, chiếc la bàn
duy nhất trên con đường này đối với tất cả các nhà văn chính là thơ ca dân
gian.
Tất nhiên điều đó không có nghĩa nhiệm vụ của chúng ta là sao chép lại
những tác phẩm dân gian xưa. Không ai cần đến sự bắt chước nô lệ fonclo
ấy. Song người ta cũng không thể không biết rằng trải qua bao thế kỷ, trong
các bài ca, các chuyện kể, chính các vần thơ dân gian đã tạo ra những
phương pháp lý tưởng, mang tính nghệ thuật và giáo huấn độc đáo, có ảnh
hưởng sâu đậm đến lứa tuổi thiếu nhi, và chúng ta không thể không tính đến
cái kinh nghiệm hàng thiên niên kỷ này.
Người thầy thứ hai của chúng ta chính là các em thiếu nhi. Song không
nên suy diễn rằng nói như vậy là tôi muốn cổ vũ cho việc chỉ biết chiếu theo
các em. Tôi xin nhắc lại là chúng ta không có quyền từ chối việc giáo dục các


em, gây ảnh hưởng đến các em, giúp các em hình thành nhân cách, nhưng
chúng ta chỉ đạt được điều ấy nếu chúng ta biết nghiên cứu sâu sắc tâm lý
các em, cách suy nghĩ của các em, và nếu chúng ta tìm ra được một cách
chính xác nhất cho mình một hình thức văn học nào có hiệu quả nhất.
Bản thân tôi đã tự đặt ra cho mình những quy tắc bắt buộc hoặc có thể
gọi là những bí quyết cũng được, khi tôi làm thơ cho các em đặc biệt là các
em ở tuổi nhi đồng.
Ở trên tôi đã nói về bí quyết thứ nhất. Còn ở đây tôi muốn nói rằng thơ
ca của chúng ta phải có tính hội họa, tức là trong mỗi khổ thơ, nếu không phải
là hai câu thơ liền nhau, phải là một đề tài cho họa sĩ, bởi lẽ các em nhỏ chỉ
tư duy bằng hình ảnh. Các bài thơ nào mà họa sĩ không tìm ra được đề tài để
vẽ thì sẽ không thích hợp với các em. Ai viết cho các em đều phải - nếu có

thể nói được như vậy tư duy bằng hình vẽ. Các bài thơ được in ra mà không
có minh họa, ít ra cũng mất đi một nửa hiệu quả. Đôi mắt trẻ thơ trong những
năm đầu tiên của cuộc đời. Chủ yếu nhận ra các sự vật qua những chuyển
động, vận động của nó hơn là phẩm chất của nó, vì vậy chủ đề thơ cho các
em nhỏ phải đa dạng, linh động, biến hóa, và chỉ độ dăm sáu dòng đã lại nảy
sinh một hình ảnh mới. Sự thay đổi mau chóng hình ảnh, đó là bí quyết thứ
hai mà nhà thơ cần tuân thủ.
Bí quyết thứ ba: bức tranh bằng lời ấy lại đồng thời phải mang tính
chất. trữ tình Nhà thơ - họa sĩ lại cũng phải là nhà thơ - ca sĩ. Đối với các em,
thơ chẳng những phải vẽ lên được hình ảnh mà còn có thể hát lên được, múa
lên được; nếu không, những vần thơ đó sẽ không làm rung động được trái tim
các em. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ở tất cả các nước, những bài thơ dân
gian dành cho các em được gìn giữ qua bao thế kỷ đều có thể hát lên, múa
lên được.
Bí quyết thứ tư: đó là nhạc tính của ngôn ngữ thơ. Cần nhận thấy rằng
các câu thơ do các em nhỏ đặt ra bao giờ cũng có nhạc điệu. Nhạc tính của
câu thơ đó trước hết là ở sự hòa âm đặc biệt của chúng. Trong thơ của mình,
các con nhỏ không khi nào dồn đống các phụ âm, vốn thường vẫn làm "xấu"


đi những văn thơ của người lớn chúng ta viết cho các em. Trong thơ do các
em sáng tác, chưa bao giờ tôi bắt gặp những âm thanh thô cứng, như trong
một số bài thơ ca sách vở hiện nay.
Bí quyết thứ năm: mỗi câu thơ phải có cuộc sống riêng nó như một
chỉnh thể độc lập. Nói cách khác, mỗi câu thơ phải mang ngữ nghĩa học trọn
vẹn:, mỗi câu thơ là một câu độc lập, và một số đông cũng ngang bằng với số
mệnh lệnh đó (tính đặc thù này của thơ cho thiếu nhi làm cho thơ đó gần gũi
với thơ ca dân gian). Đối với trẻ em lớn tuổi hơn, thì mỗi mệnh đề không chỉ
là một dòng thơ mà có thể là hai dòng. Tuy vậy nó cũng không được vượt quá
giới hạn này.

Ở phần trên chúng tôi đã nói rằng các em nhỏ tuổi nhận biết hành động
của khách thể dễ dàng hơn là phẩm chất của nó. Từ đó có thể dẫn tới bí
quyết thứ sáu: Không nên chồng chất quá nhiều các tính từ vào những câu
thơ. trong thơ do các em nhỏ làm, gần như không bao giờ có hình dung từ.
Điều đó cũng dễ hiểu, bởi lẽ hình dung từ là kết quả của sự nhận thức hoặc
lâu hoặc mau về khách thể. Đó là kết quả của kinh nghiệm, của sự quan sát,
tìm tòi, nên hoàn toàn là khó đối với các em nhỏ. Chỉ có các hành động, sự
thay đổi nhanh chóng của các sự kiện mới thật sự làm các em say mê. Chính
vì vậy cần dùng động từ nhiều hơn, còn tính từ thì càng ít dùng càng tốt. Tôi
cho rằng ở tất cả các bài thơ viết cho nhi đồng thì chính tỉ lệ số lượng những
động từ và tính từ sẽ là chuẩn mực khách quan nhất và tốt nhất để bình xem
bài thơ đó có phù hợp với tâm lý các em nhỏ hay không,
Dĩ nhiên tất cả những điều tôi vừa trình bày trên chỉ liên quan tới các
em còn rất nhỏ tuổi. Khi các em lớn lên thì cái biểu lộ tốt hơn cả sự chín mùi
trí tuệ của các em chính là số lượng các tính từ, mà nhờ chúng ngôn ngữ của
các em được phong phú thêm.
Bí quyết thứ bảy: Thơ cho các em nhỏ cần làm sao để có thể biến
thành trò chơi bởi lẽ tính hiếu động của trẻ nhỏ, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi,
được biểu thị dưới hình thức các trò chơi.


Mặc dù các bài thơ hay cho trẻ em chẳng có liên quan gì đến trò chơi,
thế nhưng không nên quên rằng thơ ca dân gian làm cho thiếu nhi lại được
nảy sinh ra từ các trò chơi. Nói chung, nhà thơ nào viết cho lứa tuổi nhi đồng
đều phải thấy rằng: mỗi đề tài của mình cũng giống như một trò chơi. Ai
không có khả năng chơi với trẻ nhỏ, người ấy khó có thể làm thơ cho các em.
Song trẻ em không cho biết chơi với các đồ vật, các em còn biết chơi
với các âm thanh. Những trò chơi âm thanh và từ ngữ đó xác thực, hiển
nhiên, cực kỳ có lợi bởi vì trong văn học dân gian cho thiếu nhi của thế giới,
chúng chiếm một vị trí đáng kể. Ngay cả khi lớn lên rồi, các em vẫn thường

bộc lộ niềm vui thích với từ ngữ, bởi vì chúng không thể quen ngay lập tức với
các việc từ chỉ chứa đầy chức năng thực tiễn, chức năng truyền cảm.
Tôi không nghĩ rằng tất cả các nhà văn viết cho thiếu nhi chỉ cần quan
tâm đến trò chơi của từ ngữ mà quên đi những nhiệm vụ giáo dục khác của
văn học (điều đó thật đáng sợ và nó sẽ dẫn tới chổ hủy hoại nền thơ ca cho
thiếu nhi), tôi chỉ muốn nói rằng rút cục người ta cần phải thừa nhận tính hiệu
quả trong việc giáo dục của thể loại văn học này, và không phải vô cớ mà
trong thơ ca dân gian truyền miệng nó lại được biểu hiện phong phú đến thế.
Như vậy là chúng ta đã xem xét vấn đề phải làm thơ cho thiếu nhi bằng
cách thức đặc biệt, khác với làm thơ cho người lớn. Và phải bình giá thơ đó
xuất phát từ một chuẩn mực khác. Một nhà thơ tài năng không phải bao giờ
cũng có thể viết được thơ cho trẻ em.
Nhưng không phải vì vậy mà nhà thơ khi viết cho các em lại có quyền
không biết đến cái mà người lớn đòi hỏi ở thơ ca.
Không. Chúng ta phải xuất phát từ một chuẩn mực duy nhất để đánh
giá chất lượng văn học, dù đó là thơ ca cho thiếu nhi thuần túy hay là thơ ca
cho người lớn. Về tài nghệ, sự điêu luyện, kỹ thuật hoàn thiện, thơ cho thiếu
nhi cũng phải ở ngang tầm với thơ sáng tác cho người lớn. Những vần thơ
chưa hoàn hảo không thể coi là thơ hay cho thiếu nhi.


Đấy chính là bí quyết thứ tám: Không nên quên rằng thơ ca cho các em
nhỏ cũng phải bình đẳng về chất lượng thơ ca cho người lớn!
Và bí quyết cuối cùng: Trong thơ của mình, chúng ta phải làm sao để
không phải chúng ta thích ứng với thiếu nhi, mà để các em thích ứng với
chúng ta, thích ứng với cách cảm, cách nghĩ của "người lớn". Dĩ nhiên làm
việc đó phải hết sức thận trọng, không được trái bản tính của các em, nhưng
nếu chúng ta không làm điều đó thì chúng ta phải từ chối vai trò nhà giáo dục
của chúng ta. Bởi vậy chúng ta phải biết vi phạm từng ít một những "nguyên
tắc" nêu trên, để có thể khi làm phức tạp hóa dần dần hình thức thơ ca dẫn

dắt các em nhỏ hiểu biết dần những nhà thơ lớn. Việc giáo dục thơ ca thật sự
ấy chúng ta còn quan tâm quá ít, tôi cũng hiểu tại sao. Việc giáo dục trẻ em
bằng thơ ca đã trở nên cần thiết, bao gồm cả việc khởi thảo ra những phương
sách hợp lý nhà cốt sao để vi phạm từng tí mới những bí quyết nêu trên,
ngoại trừ bí quyết thứ tám, tức là đòi hỏi chất lượng cao của các bài thơ làm
các em. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên vi phạm nguyên tắc
này.
Tiếc thay, vẫn còn không ít các nhà sư phạm, các nhà phê bình lại bình
giá thơ ca cho thiếu nhi có dựa duy nhất vào nội dung của nó, bởi họ không
hiểu rằng nội dung, cho dù quý giá đến đâu chăng nữa trong thơ thiếu nhi
cũng sẽ vô tác dụng, nếu hình thức của nó khiếm khuyết và cẩu thả. Vậy thì,
trước tiên cần phải nghiên cứu kỹ những đặc thù về một hình thức của thơ
viết cho thiếu nhi, cũng như các phương pháp có hiệu quả nhất của sáng tạo
thơ ca./.
BÙI HÒA dịch.
(Tạp chí Văn học số 5/1993)

5. LÀM THƠ CHO THIẾU NHI
XUÂN QUANG


Ngày xưa, khi còn bé tôi thường nghĩ. "Nếu như tôi là người lớn tôi sẽ
tốt hơn nhiều". Tôi chắc rằng những người lớn chúng ta ngày xưa ai cũng đã
từng nghĩ như vậy. Nhưng khi lớn chúng ta đã quên đi nên lại "chưa tốt lắm"
(như trẻ em nghĩ). "Tại sao người lớn lại không hiểu được trẻ em?". Đấy là
câu hỏi trong tôi suốt cả một thời thơ ấu mà không sao tự giải đáp nổi. Khi ấy
tôi cứ nghĩ: "Nếu như để tôi sống với toàn người lớn thôi chắc là tôi sẽ cô độc
lắm". Có lần tôi cãi nhau với một đứa bạn, hai đứa bỏ nhau, không chơi với
nhau nữa. Tên rất buồn, về nói lại chuyện đó với bà tôi, muốn tìm ở bà tôi một
lời cảm thông hoặc một cách giải quyết. Thế mà bà tôi lại bảo "Nó không chơi

với cháu thì thôi cần gì, cháu ở nhà chơi với bà". Thế là tôi hoàn toàn cô độc.
Bà tôi đâu hiểu là tôi cần chơi với bạn ấy bao nhiêu!
Khi lớn lên tôi hiểu rằng sự không cảm thông được của người lớn đối
với trẻ em là do người lớn nhìn con trẻ bằng cái nhìn của người lớn, từ đó mà
mọi quan niệm đúng, tốt, xấu thường nhầm lẫn cả.
Đây là bài thơ mà theo con mắt nhìn của người lớn đã viết cho con trẻ
trong sách học vần cũ:
Mèo con bé tỉ
Đã có râu ria
Mèo cử ngồi kia
Meo meo kêu mẹ
Ăn thì ăn khỏe
Mà lại ham chơi
Bạn nhỏ ta ơi
Chớ theo mèo nhé.
Hai câu đầu có chút nhận xét ngồ ngộ kiểu trẻ con, nhưng từ câu thứ
ba trở đi hoàn toàn theo quan niệm của người lớn, cách đánh giá tốt xấu của
người lớn. Thực ra việc: "Kêu mẹ, ăn khỏe, ham chơi... " của trẻ con hoàn
toàn không có lỗi. Tại sao lại bắt con trẻ không được làm nũng mẹ, không


được ăn khỏe, không được ham chơi. Nếu như ta chưa có hoàn cảnh đáp
ứng cho các em được gần mẹ nhiều được ăn và chơi đây đó thì đó là lỗi ở
chúng ta. Còn các nhu cầu kia của các em là cần thiết và chính đáng.
Đọc những câu thơ trên tôi thấy thương các em nhỏ.
Là một người làm thơ cho các em, qua những đau khổ và khao khát
thuở nhỏ qua những lầm lỗi của tôi khi đối xử với các con tôi, tôi luôn luôn tự
nhủ: "Muốn viết cho các em điều đầu tiên là sự cảm thông với các em, đó
không phải là sự áp đặt. Đừng bắt các em sống và nghĩ theo cách của mình.
Nếu muốn giáo dục các em thì phải nhìn bằng con mắt của các em mà nhận

xét đánh giá mọi việc. Cách giải quyết bắt đầu từ đây."

6. THÊM MẤY SUY NGHĨ VỀ VIỆC LÀM THƠ CHO NHI ĐỒNG
PHẠM HỔ
Một nhân vật không thể thiếu trong thơ cho các em.
Tôi rất ít khi gặp thấy một cái cây xấu, một bông hoa xấu, một cái quả
xấu. Tôi từng chú ý đến cái vẻ đẹp của một bông hoa và của cả một cành
hoa, một vườn hoa. Có những bông hoa đứng riêng một mình đâu có đẹp.
Nhưng kết thành chùm, nở thành một giàn thì lại rất đẹp. Phải chăng đó là cái
đẹp của tập thể, của đám đông? Tôi cũng thường chú ý đến những dáng cây
bị chặt, bị gãy. Chỉ sau một thời gian, hầu hết những cái cây gặp phải cảnh
ngộ không may ấy đều đã tự tạo cho mình một vẻ đẹp khác, với những cành
mới, đường nét và hình khối mới. Nhiều khi tôi đứng lại ngắm chúng mà xúc
động đến lạ lùng… Cái đẹp của thiên nhiên là một điều đã được con người
khẳng định, nhưng tìm ra, nói lên cho được hết các vẻ đẹp ấy ở trong mọi
khía cạnh không phải là chuyện cũ. Còn sự phong phú của thiên nhiên thì có
lẽ không có gì sánh được. Triệu triệu họ cây, từ cây rêu bé như cái lông tơ
của chú vịt con đến cái cây chò cao vút lưng chừng trời. Vô vàn loài chim, loài
cá…Trong một loài cam; có bao nhiêu thứ cam, trong một họ bứa có bao
nhiêu thứ bứa (măng cụt cũng là họ hàng nhà bứa đấy). Có bao nhiêu dáng


hoa, mẫu hoa, có bao nhiêu mùi thơm, có bao nhiêu cách chín: chín trắng,
chín vàng, chín xanh, chín nâu, chín tím, chín đen… Dù giàu tưởng tượng
đến mấy, trước sự phong phú của thiên nhiên, con người chúng ta đều phải
lạ lùng, kinh ngạc… Và kèm theo đấy là bao nhiêu cá tính: hoa này nở sáng,
hoa kia nở tối, hoa này thích sương, hoa kia thích gió…
Rồi, sự biến hóa đến kỳ diệu của thiên nhiên từ lá sang hoa, từ hoa
sang quả từ hạt đến cây. Tôi tin rằng những điều ấy thật bổ ích cho các em,
cả về hiểu biết, cả về sự phát triển trí tưởng tượng, sự bồi đắp về tâm hồn.

Thiên nhiên còn gợi cho chúng ta bao nhiêu, điều suy nghĩ về cuộc
sống của con người. Thiên nhiên là rộng rãi, là sự im lặng cho không đòi lại,
là sự bao dung. Đang có nỗi buồn, gặp một cánh đồng xanh, một khu rừng
đẹp, một mặt biển trăng lên, một trời sao lấp lánh, ta như được an ủi, được
nghe những lời khuyên bảo chí tình và bổ ích. Thiên nhiên ở đây là sự chống
trả dũng cảm bền bỉ của núi, của sông đối với nắng mưa, nóng rét, và ở kia là
sự tự lực tự cường của những loài cây mọc trên đồi trọc, mọc trên cát bóng,
là sự kiên nhẫn để cho đến đích, của sông ra biển (cuộc hành trình có khi dài
hàng vạn dặm), của hạt đi đến quả (thời gian có khi đến bảy năm, mười lăm
năm như trường hợp cây dừa, cây ô-liu…).
Thiên nhiên, một nhân vật đẹp đến như vậy đấy, có nhiều tinh đến như
vậy làm sao có thể thiếu mặt trong thơ cho các em.
Thiên nhiên còn là một nhà sư phạm đại tài. Thiên nhiên không bao giờ
nói lên cái điều thiên nhiên muốn khuyên bảo chúng ta. Bằng chính cái đẹp,
thiên nhiên dạy ta yêu cái đẹp. Bằng chính sự phong phú, thiên nhiên gợi cho
ta nên có cuộc sống phong phú về vật chất, về tinh thẫn.
Sự biến hóa hay trò chơi ú tim trong thơ cho các em.
Viết thơ cho các em bé, theo tôi, rất cần chú ý đến nhạc điệu. Nhiều khi
các em chủ yếu nhớ được là nhờ nhạc điệu. Nhờ nó mà các em nhớ được cả
những câu các em chưa hiểu được nghĩa.


×