MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ thuở lọt lòng chúng ta đã được đắm chìm trong những lời ru tiếng
hát, những câu hò mái nhì mái đẩy, những câu ca dao dân ca của bà, của mẹ.
Chính nền văn học dân gian ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, giúp chúng
ta hiểu rõ hơn về lịch sử, cách suy nghĩ của ông cha ta ngay từ thời hồng
hoang, thuở cha ông đi khai thiên lập quốc; giúp chúng ta thêm tự hào về
nền hóa dân gian phong phú của dân tộc. Trong dòng chảy 4000 năm lịch sử
của văn học dân gian Việt Nam, truyền thuyết là một nguồn mạch lớn. Trong
nguồn mạch lớn đó, truyền thuyết Hùng Vương(TTHV) đóng một vai trò
quan trọng không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân ta.
Có thể nói, TTHV đã tồn tại đồng hành cùng những bước thăng trầm
với lịch sử dân tộc Việt Nam, đã góp phần xây dựng truyền thống yêu nước,
thương dân, hình thành nên cốt cách tâm hồn con người Việt, hàm chứa
những khát vọng về cuộc sống của cư dân Văn Lang với nền văn minh sông
Hồng - văn minh trồng lúa nước. TTHV ra đời phản ánh trình độ phát triển
cao của cư dân nông nghiệp Văn Lang thể hiện qua xây dựng, kiến trúc tạo
dựng lâu đài, thành quách, cung điện, luyện binh sĩ chống kẻ thù xâm lăng,
biết chế biến lương thực thực phẩm (làm bánh), nghệ thuật diễn xướng (hát
Xoan) và đặc biệt đã hình thành lễ thức thờ cúng tổ tiên, hình thành chế độ
tộc quyền cha truyền con nối, đạo nghĩa cha con, vợ chồng… TTHV ghi nhớ
công ơn của các triều đại Hùng Vương, đặc biệt nó đã hóa thân vào cuộc
sống đời thường của những nhân vật lịch sử gắn bó với cuộc sống đời
thường của nhân dân thông qua những phong tục tập quán trong nghi lễ, tín
ngưỡng, hôn nhân…thể hiện phép ứng xử, lễ tết, ngày hội… của cộng đồng.
Do vậy TTHV là hạt nhân nhân văn trong đời sống tâm linh của người Việt
để chuyển tải thông điệp sống cao quý của người xưa với thế hệ hôm nay.
1
TTHV có vị trí trong đời sống văn hóa của người Việt bởi vì nó hiện thực
hóa cuộc sống rất sinh động bằng những việc làm, những nghĩa cử rất bình
dị gần gũi với đời sống thường nhật của nhân dân, phản ánh lịch sử dựng
nước và giữ nước của cha ông ta. Từ trong truyền thuyết hình ảnh các vị vua
Tổ thuần hậu, chất phác trong cộng đồng làng xã, cộng đồng quốc gia, phản
ánh những ước nguyện của người lao động vì cộng đồng. TTHV có nội dung
giáo dục sâu sắc đối với con người về phép ứng xử gia đình, xã hội, là sự
gắn kết cộng đồng làng nước, thể hiện mối quan hệ tổng hòa giữa con người
với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Do vậy,
TTHV có sức sống mạnh mẽ trong lòng nhân dân ta từ thế hệ này sang thế
hệ khác. Có thể nói TTHV có tác động sâu sắc đến tình yêu quê hương, đất
nước, gợi mở về sự hiểu biết về nguồn gốc tổ tiên do đó cần đưa TTHV vào
giáo dục trong nhà trường bằng mọi biện pháp. Kể chuyện là một trong
những biện pháp hữu hiệu nhất đối với trẻ mầm non. Bởi vì, trong cuộc sống
sinh hoạt của xã hội loài người, không những trẻ em mà thậm chí cả người
lớn cũng thích được nghe kể chuyện. Kể chuyện là một hình thức thông tin
nhanh gọn truyền cảm bằng ngôn ngữ. Mặc dù đã có những phương tiện
thông tin đại chúng hiện đại như ti vi, đài phát thanh, ra đi ô cát xét, người ta
vẫn thích nghe nói chuyện bằng miệng.
Trên thực tế, TTHV đã được đã được giới thiệu để giáo viên sử dụng
trong các hoạt động ở trường mầm non từ trong bộ chương trình mẫu giáo
cải cách. Cụ thể trong Tuyển tập trò chơi bài hát thơ truyện mẫu giáo cho trẻ
đã sưu tầm các truyện như Sơn Tinh, Thủy Tinh; Sự tích bọc trăm trứng,
Thánh Gióng.. Song, mục đích thực hiện nhiệm vụ kể TTHV còn mang tính
chung chung, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và vai trò của hoạt động
kể TTHV cho trẻ nghe đối với sự phát triển toàn diện cho trẻ. Trong tổ chức
hoạt động kể chuyện cho trẻ nghe, giáo viên chỉ chú ý đến nhiệm vụ nhận thức
2
những sự kiện, những hiện thực được thể hiện trong TTHV, chưa hướng trẻ đến
việc tri giác, cảm nhận tâm hồn người Việt qua những lời kể trong TTHV nên
sa vào tình trạng kể lại TTHV, trẻ chưa cảm nhận được cái hay, cái đẹp qua
những ngôn từ nghệ thuật của TTHV. Hầu hết giáo viên chưa có sự tìm tòi,
nghiên cứu áp dụng các biện pháp thích hợp giúp trẻ lĩnh hội truyền thống tính
nhân văn của cha ông ta qua TTHV và vận dụng vào hoạt động thường ngày
của trẻ.
Chính bởi những lí do đó, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những công
trình nghiên cứu của những người đi trước, chúng tôi chọn đề tài: “Một số
biện pháp kể cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyền thuyết Hùng Vương theo quan
điểm tích hợp”.
2. Sơ lược về lịch sử của vấn đề nghiên cứu
Trong giới hạn cụ thể của đề tài, luận văn của chúng tôi đụng chạm
đến hai vấn đề. Đó là những nghiên cứu về truyền thuyết Hùng Vương và
những nghiên cứu về phương pháp cho trẻ làm quen với văn học, trong đó
có riêng những nghiên cứu về phương pháp kể chuyện.
2.1. Vấn đề thứ nhất là những nghiên cứu về truyền thuyết Hùng Vương.
2.1.1. Khi nghiên cứu về những giá trị của truyền thuyết Hùng Vương, bắt
buộc các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu về thời kỳ ra đời truyền thuyết Hùng
Vương. Đó là thời kỳ Hùng Vương.
Thời kỳ Hùng Vương là một thời kỳ nằm trong tiến trình lịch sử của
nước ta hay không hay chỉ là thời kỳ của truyền thuyết? Đó là một vấn đề
mang tính lịch sử đã và đang được các nhà khoa học trong nước ta nghiên
cứu một cách tổng thể.
Tháng 8 năm 1969, trong một chuyên đề về thời kỳ Hùng Vương do
Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức, đã xuất bản tập sách “Tìm hiểu
một số vấn đề thời kỳ Hùng Vương”, Phạm Văn Kỉnh biên soạn. Tập sách
3
chỉ mang tính chất tham quan của một chuyên đề được chưng bày trong
Viện bảo tàng nhưng đã mang đến cho người đọc cái nhìn tổng quát về kết
quả nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương trước và trong thời điểm đó. Với
những nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã bước đầu khẳng định vai
trò quan trọng của thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử của nước ta.
Đó là thời kỳ mở đầu cho những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, mà
những thời kỳ lịch sử sau này đã kế thừa và phát huy dưới nhiều hình thức.
Vào các năm 1968 đến 1971, nhân các cuộc hội thảo khoa học về thời
kỳ Hùng Vương, có hàng loạt báo cáo khoa học đã bàn về truyền thuyết
Hùng Vương, được tập hợp trong bốn tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước
(NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, in vào các năm 1970, 1972,1973,1974).
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những bài viết nặng về giá trị lịch sử; còn phần
giá trị văn học dân gian của truyền thuyết dường như chưa được các tác giả
quan tâm đúng mức.
Năm 2000, tác giả Lê Văn Hảo đã cho ra đời cuốn “Hành trình về
thời đại Hùng Vương dựng nước”. Viết cuốn sách với mục đích: Chúng ta
nghiên cứu thời đại Hùng Vương là nhắc cũ để biết mới, hiểu ông cha xưa
đã xây đắp văn minh ra sao để ở thời đại Hồ Chí Minh xây đắp mới cao đẹp
hơn xưa, song trước sau vẫn trong cùng một kiểu cách thân thuộc, vẫn thấm
cùng một tình thần thân thương gần gũi. Đúng như câu nói của Tổng bí thư
Lê Duẩn vào mùa xuân 1977, khi đồng chí đến thăm lại Đền Hùng: “Trên
nền của thời Hùng Vương dựng nước chúng ta sẽ xây lên một cuộc đời hoàn
toàn mới, một xã hội phồn vinh, văn minh, hiện đại, trong đó những di sản
quý báu nhất từ nghìn xưa sẽ được giữ gìn phát huy”. Mọi mặt về đời sống
văn hóa – xã hội, thiên nhiên thời kỳ Hùng Vương được tác giả viết trong 17
chương. Riêng chương 13 tác giả giành hẩn viết về: “Thần thoại và truyền
thuyết anh hùng Việt cổ”. Cuối chương tác giả đã khẳng định: Qua hệ thống
4
thần thoại, truyền thuyết từ Mẹ Âu, Bố Rồng đến Ông Tản, Ông Gióng,
chúng ta thấy sáng tác dân gian đã phản ánh và đúc kết lịch sử cụ thể thành
những hình tượng, biểu tượng rực rỡ, kỳ vĩ. Đó là một thứ “lịch sử thẩm mỹ:
của thời dựng nước, một thứ lịch sử anh hùng ca bổ sung cho những trang sử
sống động được khắc ghi lại trên trống đồng, thạp đồng.
Năm 2005, tác giả Lưu Hùng Chương đã cho ra đời cuốn “Thời đại
Hùng Vương”. Cuốn sách mang đến cho người đọc thêm một cách nhìn về
thời đại Hùng Vương qua dấu vết còn lưu giữ đến ngày nay đó là qua truyền
thuyết, qua các lễ hội, qua sử sách Trung Hoa, qua trống đồng Đông Sơn,
tìm dấu vết tiếng Việt thời Hùng Vương. Trong đó qua việc lần theo dấu vết
truyền thuyết tác giả cảm nhận được cội nguồn dân tộc. Đó là: ý thức về
cộng đồng, về quốc gia tinh thần độc lập tự cường, tình nghĩa đồng bào sớm
được hình thành, ý thức tôn vinh phụ nữ, yêu cuộc sống hòa bình.
2.1.2. Truyền thuyết Hùng Vương còn được nghiên cứu trong tổng thể các
bài viết cũng như những nghiên cứu về truyền thuyết Việt Nam nói chung.
Có thể kể đến:
- Phan Trần: Tinh thần dân tộc qua các truyền thuyết lịch sử, Tạp chí Văn
học, 1967,số 3; Tầm Vu: Tư tưởng chủ yếu của người Việt thời cổ qua
những truyện đứng đầu trong thần thoại và truyền thuyết, Tạp chí Văn học,
1967, số 3. Qua hai bài viết này, có thể khẳng định trải qua 4000 năm lịch
sử, dân tộc ta vẫn đứng vững trước bao nhiêu công cuộc xâm lăng của ngoại
quốc đó là nhờ vào tinh thần dân tộc truyền từ này sang đời khác qua các
TTHV. Đó còn là tinh thần kiên cường tự chủ, là niềm tự hào, niềm tin vào
khả năng và sức mạnh bản thân của nhân dân, nó giống như một dòng chảy
âm thầm nhưng mỗi ngày một mạnh mẽ mà nhân dân đã khéo léo thể hiện
và nuôi dưỡng nó qua việc chủ động đánh giá lịch sử, qua việc khẳng định
5
người anh hùng chỉ có thể làm lên nghiệp lớn nếu được sự ủng hộ và giúp đỡ
của nhân dân…Truyền thuyết thể hiện tất cả những điều đó nhờ yếu tố
tưởng tượng, hư cấu. Yếu tố tưởng tượng, hư cấu trong truyền thuyết làm
cho hành trạng của mỗi nhân vật anh hùng trở nên kỳ vĩ, nhân vật được sánh
ngang tầm thần thánh, tạo nên một cốt truyện truyền cảm, sinh động, vừa
chân thực vừa hấp dẫn, giúp cho TT trở thành một tác phẩm nghệ thuật thực
thụ chứ không phải là một tài liệu sử học.
- Phạm Văn Đồng: Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương, Báo Nhân Dân, ngày 294-1969. Trong bài báo này, ông đã có một nhận xét về TT: “Những truyền
thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thực lịch sử mà nhân dân qua
nhiều thế hệ đã lí tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình
cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân
gian, làm nên tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích…”. Ý kiến
trên đã nhấn mạnh một đặc điểm rất quan trọng của truyền thuyết, đó là
nòng cốt của mọi truyền thuyết trên thế giới và Việt Nam chính là những
yếu tố liên quan đến lịch sử đích thực. Yếu tố lịch sử đó có khi đậm, khi nhạt
nhưng không thể thiếu trong thể loại này. Đặc biệt, yếu tố lịch sử đó chính là
chỗ dựa, là cơ sở quan trọng nhất để móc nối những mảnh khác nhau của
truyền thuyết, làm nên một chỉnh thể tác phẩm.
- Cao Huy Đỉnh, Người Anh Hùng làng Dóng, NXB Khoa học xã hội, 1969.
Đây là một cách nhìn mới của tác giả về TT Thánh Gióng, một công trình
gần như đầy đủ về nguồn gốc, những di tích ra đời TT Thánh Gióng mang
đậm tính địa phương.
- Nguyễn Tấn Đắc, Đọc lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, Tạp chí Văn hóa
dân gian, 1989, số 3+4. Trong bài viết này tác giả đã có cách nhìn mới về
cấu trúc môtip của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Đó là:
6
A: 1. Công chúa kén chồng:
Điều kiện 1: Thi tài – hai người tài ngang nhau.
Điều kiện 2: Đến trước – Sơn Tinh đến trước lấy được công chúa.
2. Đánh nhau giành công chúa. Thủy Tinh đánh để giành lại nhưng không
được.
B: Lời giải thích về trận lụt hàng năm.
Từ đó, tác giả xếp truyện “ Sơn Tinh Thủy Tinh” vào type truyện
công chúa kén chồng bằng thi tài hoặc type truyện cuộc thi tài của các chàng
trai để lấy công chúa. Và hạt nhân trung tâm của cả câu chuyện sẽ là cuộc
đấu tranh để cướp đoạt đàn bà. Khi tiến hành phân tích theo con đường này,
ông đã lý giải và chứng minh rằng: “ Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh chủ yếu
nói về một hiện tượng xã hội hơn là thiên nhiên, và những trận lụt hằng năm
chỉ là hiện tượng tự nhiên hóa của một hiện tượng xã hội có thật trong thời
cổ: những cuộc đánh nhau để cướp đoạt tranh giành và sau đó cùng với đàn
bà đã xuất hiện yếu tố quyền lực”
- Hồ Quốc Hùng, Truyền thuyết Việt Nam và vấn đề thể loại, NXB Trẻ,
2002. Cuốn sách đã ra đưa ra quan niệm của tác giả về những đặc trưng của
thể loại TT Việt Nam. Tác giả xem như TT là “ký ức cộng đồng về quá
khứ”. Đây là một cách nói khẳng định vị trí, vai trò của sự kiện lịch sử trong
truyền thuyết.
Có thể nói, những bài viết, nghiên cứu trên là những quan niệm, những
luận điểm, luận cứ về mọi khía cạnh của thể loại truyền thuyết nói chung
trong đó có truyền thuyết Hùng Vương. Là những tài liệu quý giá cho những
đề tài của chúng tôi.
2.2. Vấn đề thứ hai là những nghiên cứu về phương pháp cho trẻ làm
quen với văn học trong đó có riêng những nghiên cứu về phương pháp kể
chuyện.
7
Cho trẻ làm quen với văn học là một trong những hoạt động quan trọng ở
trường mầm non. Thông qua hoạt động này, trẻ có thể phát triển một cách
hài hòa, cân đối. Phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học từ lâu
đã được nói đến trong giáo dục mầm non. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng
nội dung cụ thể của nó không đơn giản chỉ là việc kể chuyện, đọc thơ cho trẻ
nghe theo kiểu dân gian mà người lớn (ông bà, bố mẹ…) vẫn làm đối với
trẻ. Để việc kể chuyện đạt hiệu quả tốt, thì người giáo viên
cần có những hiểu biết về thể loại văn học, phương pháp kể chuyện. Xuất
phát từ những yêu cầu trên, đã có một số nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu
vấn đề này.
2.2.1. Ở Việt Nam, vấn đề phương pháp đọc và kể chuyện văn học nói
chung cũng xuất hiện rất sớm. Năm 1957, nhà xuất bản Kim Đức đã xuất
bản cuốn “Kinh nghiệm và cách kể chuyện” của tác giả Giang Tấn. Cuốn
sách chỉ vẻn vẹn hai bẩy trang, nhưng tác giả cũng đã thâu tóm được cách
chuẩn bị và kể một câu chuyện như thế nào. Từ việc phải đọc kỹ nội dung
tác phẩm đến cách trình bày câu chuyện và sau khi kể chuyện cần làm những
việc gì. Tác giả cũng đã đề cập đến một điều quan trọng khi kể câu chuyện
là “phải tôn trọng tác phẩm tuy nhiên không phải vì thế mà không có phần
sáng tạo của người kể trái lại phải vận dụng trí sáng tạo để làm nổi bật lên
những sáng kiến trong chuyện và động tác mà trong sách, tài liệu hoặc
những điều mắt thấy, tai nghe chưa được tỷ mỷ”. Phần kết cuả cuốn sách tác
giả cũng nói: “Người kể chuyện làm nhiệm vụ giáo dục, động viên, có trách
nhiệm với lời nói như nhà văn có trách nhiệm với cây bút.”
Một trong những cẩm nang về nghệ thuật đọc và kể chuyện giành cho
giáo viên mầm non phải kể đến quyển: “Đọc và kể chuyện văn học ở
vườn trẻ của M.K. Bogliuxkaia. V.V. Septsenkô” do Lê Đức Mẫn dịch năm
1976, Nxb Giáo dục. Trong quyển sách này, tác giả đã đề cập đến ba vấn đề
8
lớn đó là: nghệ thuật đọc văn học; những thủ thuật cơ bản khi đọc, kể
chuyện văn học và phương pháp đọc, kể chuyện văn học cho trẻ. Bàn về
nghệ thuật đọc văn học, tác giả chủ yếu nói đến tầm quan trọng của nghệ
thuật đọc văn học: “Nhiệm vụ của người đọc là giúp cho người nghe nh́ìn
thấy cái đã nghe được, làm cho những bức tranh và những h́ình ảnh tương
ứng nổi lên chân thực và đập vào mắt, gợi lên những t́ình cảm và cảm xúc
nhất định ”. Bàn về thủ thuật đọc, ông đă phân tích một số thủ thuật cơ
bản sau: thanh điệu cơ bản, ngữ điệu, tính lô gích trong đọc truyện, cách
ngắt giọng, nhịp điệu, cường độ của giọng và tư thế, nét mặt, cử chỉ. Trong
phần những vấn đề về phương pháp tổ chức giờ đọc và kể chuyện cho trẻ
em, tác giả đă viết rất cụ thể và có nhiều bài soạn mẫu để dẫn chứng minh
hoạ rất rõ ràng.
Cuốn sách Phương pháp kể sáng tạo truyện cổ tích thần kì cho trẻ mẫu
giáo của tác giả Hà Nguyễn Kim Giang, Nxb Đại học Quốc Gia xuất bản
năm 2002 đã đưa ra một hướng nghiên cứu mới. Đó là kể chuyện dựa vào
những đặc điểm riêng có của từng thể loại. Dựa trên những thi pháp truyện
cổ tích, tác giả đã đưa ra những phương pháp kể chuyện cổ tích thần kì một
cách sáng tạo. Cuốn sách là một chỗ dựa, giúp chúng tôi có được hướng đi
và cách giải quyết cho đề tài kể chuyện truyền thuyết Hùng Vương.
Dạy kể chuyện ở trường Tiểu học của tác giả Chu Huy biên soạn tái bản
lần thứ 5, 2002. Tác giả đã khẳng định sự cần thiết của phân môn kể chuyện
trong trường tiểu học và tác dụng của phân môn này đối với việc giáo dục
toàn diện cho học sinh tiểu học. Đây là một cuốn sách bổ ích, thú vị không
những giành cho giáo viên tiểu học mà giành cho những ai quan tâm đến
việc làm thế nào để kể chuyện cho trẻ một cách sinh động, hấp dẫn. Cuốn
sách với phương ngôn: dạy kể chuyện cũng là một nghệ thuật.
9
Xuất phát từ quan điểm: Tiếng Việt là công cụ, là phương tiện lĩnh hội
tiếp thu nền văn hóa của dân tộc, nền văn minh của nhân loại. Nên việc dạy
và học Tiếng Việt phải được coi trọng từ thời thơ ấu, cần được tổ chức
hướng dẫn dạy dỗ thật khoa học, Nguyễn Xuân Khoa đã cho ra mắt bạn đọc
quyển Phương pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo, năm 2003. Tác
giả coi dạy học kể chuyện là một trong những phương pháp phát triển ngôn
ngữ mà tác giả đề cập tới. Trong đó, tác giả đã chỉ ra phương pháp này cũng
như nghệ thuật đọc và kể chuyện thật cụ thể.
Cuốn Giáo trình phương pháp đọc, kể diễn cảm, thơ, truyện cho trẻ
em lứa tuổi mầm non của Lê Thị Ánh Tuyết, Lã Thị Bắc Lý, Nxb Giáo dục
xuất bản năm 2006, với những phương pháp chung nhất về đọc, kể thơ
truyện cho trẻ, bạn đọc có thể tìm và chọn cho mình phương pháp phù hợp
để lôi cuốn trẻ vào tác phẩm mình đọc, kể cho trẻ.
2.2.2. Riêng phương pháp cho trẻ làm quen với văn học cũng có một số tác
giả nghiên cứu và viết sách như trong cuốn Văn học và phương pháp cho trẻ
tiếp xúc với văn học, xuất bản năm 1997, của tập thể tác giả Phạm Thị Việt,
Lê Anh Tuyết, Cao Đức Tiến giúp cho người đọc tìm hiểu những thể loại
văn học nào có thể cho trẻ tiếp xúc, cách thức cho trẻ tiếp xúc với tác phẩm
văn học và hiểu vấn đề đó một cách khái quát nhất qua ba chương : Văn học
dân gian và việc giáo dục trẻ thơ, Văn học trẻ em, Những vấn đề và phương
pháp cho trẻ tiếp xúc với Tác phẩm văn học. Hay như cuốn Phương pháp
cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học của Nguyễn Thị Tuyết Nhung, xuất
bản năm 2006, là một quyển giáo trình hướng dẫn và giới thiệu một số
phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học như: phương pháp cho
trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng phương pháp dùng lời, phương
pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng phương pháp sử dụng đồ
10
dùng dạy học, phương pháp cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học bằng
phương pháp thực hành. Trong các phương pháp này lại có nhiều phương
pháp cụ thể hơn trong từng phương pháp. Đây là một tài liệu tham khảo để
giáo viên mầm non có thể áp dụng vào trong việc cho trẻ làm quen với tác
phẩm văn học của mình. Khi nói đến phương pháp tổ chức cho trẻ làm quen
với văn học, phải nói đến cuốn Phương pháp tổ chức hoạt động làm quen
với tác phẩm văn học, Nxb Đại học quốc gia xuất bản năm 2007 của Hà
Nguyễn Kim Giang. Đây là một cuốn giáo trình chuẩn mực cho sinh viên
học chuyên ngành giáo dục học MN. Cuốn sách mang tầm lí luận sâu sắc và
tác giả cũng chỉ ra những phương pháp, biện pháp cụ thể để tiến hành tổ
chức các hoạt động làm quen với văn học. Với việc coi: Tổ chức hướng dẫn
trẻ làm quen với tác phẩm văn học là một nhiệm vụ quan trọng ở trường
mầm non. Đó là sự dẫn dắt mở cửa cho con người ngay từ những bước chập
chững đầu tiên đi vào thế giới của các giá trị phong phú chứa đựng trong
tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Với quan điểm đó, một lần nữa khẳng định tầm
quan trọng của việc tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học
đối với nhiệm vụ giáo dục và phát triển nhân cách toàn diện cho trẻ MN.
Đây là những tài liệu quan trọng để chúng tôi dựa vào đó xây dựng cơ
sở lí luận cho đề tài và tiến hành điều tra thực trạng, đề xuất một số biện
pháp kể chuyện Hùng Vương
3. Mục đích nghiên cứu
Dựa vào cơ sở lý luận và thực tiễn, đặc biệt dựa vào những vẻ đẹp
riêng có của truyền thuyết Hùng Vương, đề tài đưa ra một số biện pháp kể
cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyền thuyết Hùng Vương theo quan điểm tích hợp.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài.
11
- Điều tra thực trạng việc kể cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyền thuyết Hùng
Vương theo quan điểm tích hợp ở một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh
Phú Thọ.
- Đề xuất một số biện pháp kể cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyền thuyết Hùng
Vương theo quan điểm tích hợp và thực nghiệm.
5. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
5.1. Khách thể nghiên cứu
Phương pháp kể cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyện theo quan điểm tích họp
5.2. Đối tượng nghiên cứu
Một số biện pháp kể cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyền thuyết Hùng Vương
theo quan điểm tích hợp.
6. Giả thuyết khoa học của đề tài
Nếu nhà sư phạm nắm vững cơ sở lý luận, có những biện pháp và kĩ
năng tổ chức hoạt động kể TTHV cho trẻ nghe tốt thì sẽ nâng cao hiệu quả của
việc thực hiện nhiệm vụ phát triển ngôn ngữ, và niềm yêu thích giành cho
TTHV của trẻ. Qua đó, giáo viên giúp trẻ có một vốn ngôn ngữ dân tộc đa
dạng, phong phú hơn khi sử dụng trong hoạt động giao tiếp và trong hoạt động
nhận thức.
7. Phạm vi nghiên cứu
Xây dựng một số biện pháp kể cho trẻ 5-6 tuổi nghe truyền thuyết
Hùng Vương theo quan điểm tích hợp tại một số trường mầm non trên địa
bàn tỉnh Phú Thọ.
8. Phương pháp nghiên cứu
8.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận
Tìm hiểu, phân tích, tổng hợp những tài liệu có liên quan đến đề tài.
8.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Phương pháp điều tra bằng phiếu anket
Điều tra bằng phiếu (anket) với GVMN nhằm tìm hiểu về nhận thức của GV
12
về thực trạng hoạt động kể TTHV cho trẻ 5-6 tuổi theo quan điểm tích hợp ở
trường MN.
Phương pháp quan sát
Dự các hoạt động kể TTHV trên các hoạt động có chủ đích quan sát và đánh
giá thực trạng việc thực hiện hoạt động kể TTHV, các biện pháp dạy trẻ và mức
độ tiếp nhận của trẻ với ở trường MN.
Phương pháp đàm thoại
Trao đổi với trẻ, giáo viên mầm non để tìm hiểu, làm sáng tỏ các thông
tin liên quan đến đề tài nghiên cứu.
Phương pháp thực nghiệm sư phạm
Phương pháp này được sử dụng để đánh giá tính khả thi và hiệu quả của
các biện pháp mà đề tài đưa ra.
8.3. Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học
Sử dụng một số công thức thống kê toán học và phần mềm SPSS (16.0)
để xử lý và đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài.
9. Đóng góp của đề tài
Bước đầu xây dựng cơ sở lý luận cho đề tài, hệ thống hóa và đưa ra
một số biện pháp kể cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi nghe truyền thuyết Hùng
Vương.
B. PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I:CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Cơ sở tâm sinh lý học với việc kể TTHV của trẻ 5-6 tuổi
13
1.1.1. Đặc điểm sinh lý học
Nghiên cứu của các nhà sinh lý học và giải phẫu học đã chứng minh cơ
sở vật chất của mọi hoạt động của con người phụ thuộc vào não bộ và hoạt
động của hệ thần kinh cấp cao.
Ở trẻ mẫu giáo lớn đã có sự phát triển mạnh mẽ về hình thái và chức
năng của não. Bộ não của trẻ 5 - 6 tuổi với khoảng 1,5 tỷ tế bào thần kinh và
hàng vạn tế bào phù trợ khác trong bán cầu đại não, trẻ đã biết biểu hiện năng
lực trí tuệ qua hoạt động tổng hợp của lời nói, biết suy nghĩ, quan sát, tập trung
chú ý, ghi nhớ, liên tưởng, tưởng tượng để giải quyết nhiệm vụ chơi, học, sinh
hoạt của mình một cách sáng tạo.
Để thích nghi với môi trường xã hội, trẻ đã hình thành được những phản
xạ. Nếu như phản xạ không điều kiện có được do di truyền, mang tính ổn định,
bền vững thì phản xạ có điều kiện lại được hình thành trong quá trình sống và
luôn thay đổi. Phản xạ có điều kiện là hoạt động tín hiệu nhờ hai loại kích
thích: kích thích cụ thể như màu sắc, âm thanh, hình ảnh gọi là tín hiệu thứ
nhất…và kích thích ngôn ngữ như lời nói, chữ viết, môi trường xã hội và con
người, gọi là tín hiệu thứ hai. Đó là điều kiện để hình thành và củng cố hệ
thống tín hiệu thứ hai cho trẻ mẫu giáo.
Học thuyết về các hệ thống khẳng định: ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu
thứ hai, là sự hoạt động đặc biệt của bán cầu đại não và hệ thần kinh nói chung.
Các nhà giải phẫu cũng đã đưa ra kết luận: ba năm đầu là kết thúc sự trưởng
thành về mặt giải phẫu những vùng não chỉ huy ngôn ngữ. Vì vậy cần phát triển
ngôn ngữ đúng lúc mới đạt kết quả, do đó cần phải có những tác động để phát
triển ngôn ngữ đúng lúc, kịp thời và khoa học.
Đây là giai đoạn phát cảm ngôn ngữ của trẻ. Đối với cho trẻ làm quen với
văn học, thì sự tiếp nhận truyền thuyết Hùng Vương là không thể thiếu. Như
PGS.TS Hà Nguyễn Kim Giang đã viết: “Không khí hào hùng, giàu chất sử thi
trong những cuộc đấu tranh giữ nước anh dũng của dân tộc, với những người anh
14
hùng được thần thánh hóa, mĩ lệ hoá, gắn với những chiến công hiển hách, trẻ sẽ
cảm nhận được với một niềm tự hào qua những truyện truyền thuyết như truyền
thuyết Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm” [142,5]. Chính vì vậy, với đặc điểm phát
triển về thính giác, bộ máy phát âm là một điều kiện thuận lợi cho trẻ trong việc
tiếp cận các tác phẩm văn học nói chung, các truyện về truyền thuyết Hùng Vương
nói riêng. Các giác quan phát triển, trẻ nghe kể và cảm thụ các tác phẩm văn học
tốt hơn. Đa số trẻ đều nắm được tính chất và tình cảm đặc trưng của từng thể loại
văn học và hầu hết khi nghe trẻ đều có những biểu cảm nhất định thích điều thiện,
ghét điều ác. Điều này chứng tỏ tính tích cực và mong muốn được tham gia hoạt
động nghệ thuật của trẻ.
Như vậy, trẻ 5 – 6 tuổi đang trong giai đoạn hoàn thiện về các chức năng
của não bộ, cấu tạo và hoạt động hệ thần kinh, thể lực của trẻ cũng đang hoàn
thiện dần. Sự phát triển thể chất đó tạo nên những điều kiện cần thiết để trẻ
có thể hoạt động độc lập nhiều hơn và giúp trẻ lĩnh hội những hình thức mới
của kinh nghiệm xã hội trong quá trình giáo dục. Dựa vào những đặc điểm
ấy, nhà giáo dục có thể đưa các truyện về truyền thuyết Hùng Vương vào
giáo dục trẻ nhằm cho trẻ phát triển một cách toàn diện.
1.1.2. Đặc điểm tâm lý học
Độ tuổi mẫu giáo lớn là giai đoạn tiền học đường. Ở giai đoạn này,
những cấu tạo tâm lý đặc trưng của con người đã được hình thành trước đấy
vẫn tiếp tục được phát triển mạnh. Với sự giáo dục của người lớn, các chức
năng tâm lí đó sẽ được hoàn thiện về mọi phương diện như: nhận thức, tình
cảm, ý chí…để hoàn thành việc xây dựng những cơ sở ban đầu về nhân cách
của con người.
* Cảm giác, tri giác
Cảm giác – tri giác là 2 bậc thang đầu tiên của nhận thức. Ở trẻ 5-6
tuổi, tri giác nhìn và tri giác nghe phát triển đáng kể. Trẻ dần tập trung nhìn,
15
tập trung nghe những điều cô giáo yêu cầu. Về sau, theo từng hoàn cảnh trẻ
biết tự mình tri giác theo nhiệm vụ của cô giáo đề ra.
1 lĩnh vực đặc biệt phát triển tri giác của trẻ 5-6 tuổi là sự hình thành
tri giác thẩm mĩ các TPVH. L.X Vưgôtxki nhà tâm lý học Nga coi sự tri giác
của trẻ là sự xuất h iện các hình tượng nghệ thuật. Việc tri giác thẩm mỹ các
tác phẩm nghệ thuật trẻ có những đặc điểm riêng, nó có mối liên quan chặt
chẽ với tình cảm và xúc cảm thẩm mỹ. Ở trẻ mẫu giáo, có thể phát triển sự
tri giác thẩm mỹ các tác phẩm văn học thông qua đọc và kể, tức là bước đầu
biết nghe và cảm thụ được không chỉ nội dung mà cả hình thức nghệ thuật
của TP. Do vậy, đây là thời kì vàng để trẻ hiểu và tiếp nhận các câu chuyện
về truyền thuyết Hùng Vương một cách tự nhiên nhất.
* Tư duy
Tư duy là hoạt động chủ yếu bên trong của con người. Hoạt động này
không chỉ khiến con người nâng cao trí lực mà còn thúc đẩy cơ thể và tâm lí
phát triển lành mạnh. kỹ năng này bắt đầu phát triển từ ấu thơ. Khi trẻ trong
độ tuổi 5-6 tuổi khả năng tư duy đã phát triển hơn các lứa tuổi trước. Bắt đầu
có khả năng phân tích tổng hợp. Trẻ bắt đầu biết tư duy và suy diễn trừu
tượng, thích bắt chước và mô phỏng hành vi, lời nói của các nhân vật mà trẻ
được xem trên truyền hình hoặc do người khác kể cho trẻ nghe.
Trẻ đã biết phân tích tổng hợp không chỉ dừng ở đồ vật trước mắt trẻ
mà còn biết phân tích tổng hợp những hình ảnh (biểu tượng), lời nói. Ví dụ
khi cô hỏi trẻ Tại sao trẻ yêu thích nhân vật Thánh Gióng. Trẻ có thể trả lời
được: vì Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân.
Đặc điểm tư duy của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi chủ yếu là tư duy trực quan
hình tượng, đứa trẻ phải dựa vào hình ảnh, biểu tượng đã có, những kinh
nghiệm đã trải qua để suy luận những vấn đề mới. Đây là điều kiện thuận lợi
nhất để giúp trẻ cảm thụ tốt những hình tượng nghệ thuật được xây dựng
16
trong các tác phẩm văn học. Những truyện với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn,
những nhân vật anh hùng được nhân dân lí tưởng hóa trong TTHV đã có sức
hấp dẫn, lôi cuốn trẻ.
Để tư duy hình tượng phát triển mạnh mẽ hơn, suy luận được nhiều
vấn đề mới hơn, phụ thuộc vào quá trình tổ chức cho trẻ tự hoạt động vì chỉ
có trong hoạt động các phẩm chất tâm lý của trẻ mới được hình thành và
phát triển.
* Tưởng tượng
Tưởng tưởng là hoạt động phản ánh của trẻ nhằm tạo ra những hình
ảnh mới chưa có trong kinh nghiệm của trẻ, bằng cách làm sống dậy và biến
đổi đi những biểu tượng về hiện thực đã có trong kinh nghiệm của chúng.
Một nhà giáo dục người Nga nói: “Trí tưởng tượng linh hoạt, phong
phú chính là đặc tính quan trọng của trí tuệ”. Nếu không có trí tưởng tượng
tốt, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hiểu các khái niệm, các hình minh họa
trong mỗi bài giảng, khi làm văn cũng sẽ không biết miêu tả một cách sinh
động. Hơn nữa, trí tưởng tượng còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển
về sức sáng tạo của trẻ, trong khi những phát minh nổi tiếng trên thế giới
đều bắt đầu từ trí tưởng tượng mà thành.
Đặc điểm tưởng tượng của trẻ 5-6 tuổi là tưởng tượng tái hiện và
tưởng tượng sáng tạo.
Tưởng tượng tái hiện: đó là khả năng tái hiện lại những hình ảnh đến
trực tiếp từ giác quan hay được giữ lại trong trí nhớ. Tưởng tượng của trẻ
chủ yếu là tưởng tượng tái hiện, trẻ tưởng tượng dựa trên những ấn tượng đã
có từ trước. Với đặc điểm này, cô giáo có thể vận dụng vào việc kể chuyện
cho trẻ giúp trẻ có những ấn tượng về các hình tượng nghệ thuật có trong tác
phẩm, làm giàu thêm trí tưởng tưởng của trẻ. Với trí tưởng tượng đã đưa trẻ
bay cao, bay xa đưa trẻ tới những ước mơ, sự khát vọng.
17
Tưởng tượng sáng tạo: là quá trình xây dựng nên những hình ảnh mới
chưa có trong kinh nghiệm cá nhân, cũng như chưa có trong xã hội và nó là
thành phần không thể thiếu được trong hoạt động sáng tạo nói chung và sáng
tạo văn học nghệ thuật của con người.
Từ tưởng tượng tái tạo đến tưởng tượng sáng tạo là một bước phát triển
quan trọng của trẻ 5 - 6 tuổi. Chúng đã phát hiện được và có hướng xử lí một
cách sáng tạo các yếu tố hiện thực mà chúng cảm nhận được qua các hình
tượng nghệ thuật. Đây chính là một mắt xích nhằm góp phần tích cực vào hoạt
động nhận thức của trẻ và nối liền các hình tượng gần như riêng lẻ thành một
khối thống nhất nhưng để làm được điều đó thì nhất thiết trí óc trẻ phải được
cung cấp những chất liệu tốt cho tưởng tượng.
Như vậy, vẻ đẹp lấp lánh của ngôn từ nghệ thuật và sự tưởng tượng
phong phú trong những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích gặp trí
tưởng tượng ngây thơ sẽ là cơ sở để các em có thể rung động và cảm nhận được
vẻ đẹp trong các tác phẩm này. Điều đó cho phép cô giáo ngày càng mở rộng,
phức tạp hoá nội dung, phạm vi hoạt động kể chuyện cho trẻ nghe, dần dần
hình thành sở thích với ngôn từ nghệ thuật cho trẻ.
* Chú ý và ghi nhớ có chủ định
Chú ý là sự tập trung của ý thức và hoạt động tâm lí vào một đối
tượng nào đó. Chú ý là cánh cửa mở ra cho hoạt động nhận thức thực hiện.
“Thiên tài trước hết là chú ý”.
Sự chú ý của trẻ mẫu giáo phần lớn vẫn là không chủ định. Trẻ
thường chú ý đến một đối tượng gây cho trẻ một sự ngạc nhiên, nhất là tạo
cho trẻ một sự hứng thú. Chú ý đã không chủ định, lại thường không ổn định
nên trẻ dễ di chuyển chú ý từ một đối tượng này sang đối tượng khác rất
nhanh khi có đối tượng chú ý mới, hấp dẫn hơn xuất hiện. Đối tượng mới
càng gây hứng thú nhiều thì càng lôi cuốn chú ý của trẻ nhiều hơn. Phương
18
pháp gây hứng thú mới thường được các cô mẫu giáo áp dụng trong giáo dục
khi cô muốn lôi cuốn chú ý của trẻ.
Cuối tuổi mẫu giáo, trẻ hình thành khả năng chú ý có chủ định. Sự
phát triển của hệ thần kinh (điều kiện mới trong cuộc sống của trẻ), việc
tham gia vào trò chơi tập thể và việc thực hiện những nhiệm vụ hay chỉ dẫn
của người lớn đề ra buộc trẻ phải chú ý đến những gì cần thiết.
* Xúc cảm – tình cảm
Xúc cảm – tình cảm là những thái độ cảm xúc của con người đối với
những sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, phản ánh ý nghĩa của
chúng trong mối quan hệ với nhu cầu và động cơ của con người. Xúc cảm
đóng một vai trò to lớn trong sự phát triển toàn bộ nhân cách và chi phối
mạnh mẽ đời sống của trẻ.
Ở trẻ 5 – 6 tuổi, tất cả các sắc thái xúc cảm, tình cảm (vui, buồn, hờn,
giận, yêu, ghét...) đã phát triển mạnh và chi phối mọi hành động của chúng.
Trẻ yêu thích đối tượng nào thì trẻ muốn tìm hiểu đối tượng đó và tìm hiểu
đối tượng đó. Trẻ bộc lộ tình cảm rất chân thật, hồn nhiên nhưng chưa biết
kiềm chế được tình cảm của mình vì hệ thần kinh luôn ở trong trạng thái
hưng phấn mạnh. Chính vì thế, trẻ luôn có nhu cầu được tham gia các hoạt
động cùng nhóm bạn bè để chúng có cơ hội được trò chuyện, bày tỏ, diễn
đạt những điều quan sát được từ thế giới xung quanh và thể hiện tình cảm
trong khi chơi và giao tiếp.
Tâm hồn trẻ thơ nhạy cảm và dễ rung động rất đỗi đời thường. L. X.
Vưgôtxky đã từng nói: “Văn học chủ yếu không phải là để giải thích, cải
tạo cuộc sống mà là tạo dựng và lưu truyền cảm xúc cho người đọc”. Với
cái nhìn hồn nhiên, ngây thơ khi nghe cô đọc, kể tác phẩm, trẻ luôn có những
phản ứng biểu lộ xúc cảm, tình cảm mãnh liệt. Xúc cảm chẳng những có mối
19
liên hệ với nguồn kinh nghiệm cụ thể của trẻ mà còn gắn bó cảm giác với tư
duy và hành động của trẻ.
Nhờ tâm hồn nhạy cảm và cái nhìn hồn nhiên, thơ ngây, trẻ dễ dàng rung
động trước những sự vật hiện tượng. Chúng bước vào thế giới ấy và tìm ra
những mối liên hệ rất táo bạo, bất ngờ - Điều mà người lớn khó nghĩ tới. Chính
những hình tượng nghệ thuật gây xúc động đã đọng lại ấn tượng sâu sắc, hình
thành tình cảm một cách bền vững, giúp trẻ biết yêu ghét rõ ràng và bước đầu
biết đưa ra đánh giá của mình.
Vì vậy, cô giáo cần phải đem đến cho trẻ những xúc cảm, tình cảm
thẩm mĩ trong sáng, vun đắp cho tâm hồn thơ ngây của chúng thêm phong
phú và mềm mại bằng việc đọc, kể các tác phẩm hay và diễn cảm cho trẻ
nghe, đồng thời cô giáo cần tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc những ấn
tượng, tình cảm của trẻ về tác phẩm, làm cơ sở cho sự hình thành những tình
cảm đạo đức, thẩm mĩ ở trẻ.
* Ngôn ngữ
Cơ quan phát âm của trẻ đã hoàn thiện vì vậy trẻ nắm vững ngữ âm, ngữ điệu
khi sử dụng tiếng mẹ đẻ và phát âm tương đối chuẩn kể cả những âm khó. Sự phát
triển ngôn ngữ ở trẻ em 5-6 tuổi cho phép trẻ có thể tiếp thu ngôn ngữ nghệ thuật
một cách dễ dáng và để lại những dấu ấn sâu sắc trong trẻ. Cuối cùng là sự phát
triển ngôn ngữ mạch lạc. Ngôn ngữ mạch lạc thể hiện trình độ phát triển tương đối
cao về phương diện ngôn ngữ và phương diện tư duy. Khi ngôn ngữ mạch lạc của
trẻ đến một mức nhất định thì trẻ đã có khả năng nói cho người khác hiểu và hiểu
trọn vẹn ý của người khác nói với trẻ. Như vậy trẻ hoàn toàn có những điều kiện
thuận lợi để tiếp nhận các câu chuyện về truyền thuyết Hùng Vương thông qua
ngôn ngữ và hành động của GV.
Tóm lại các đặc điểm phát triển sinh lý, tâm lý của trẻ mẫu giáo 5-6
tuổi là những chỉ số rất cụ thể là những yêu cầu cần đạt đòi hỏi việc tác động
của các nội dung, biện pháp, phương pháp giáo dục phải hướng tới mục tiêu
20
phát triển toàn diện cả 4 lĩnh vực: tình cảm và quan hệ xã hội, nhận thức,
ngôn ngữ, thể chất. Cho nên khi tiến hành tổ chức hoạt động kể chuyện
truyền thuyết Hùng Vương cần nắm chắc được các đặc điểm phát triển của
trẻ 5-6 tuổi để làm cơ sở xây dựng các nội dung, biện pháp kể chuyện truyền
thuyết Hùng Vương cho trẻ 5-6 tuổi phù hợp khả thi và thực sự có hiệu quả
thúc đẩy sự phát triển toàn diện nhân cách trẻ.
1.2. Cơ sở giáo dục học mầm non
1.2.1. Mục tiêu giáo dục
Một trong những mục tiêu chiến lược GDMN đến năm 2020 là: " Thực hiện
chăm sóc, giáo dục trẻ có chất lượng để trẻ phát triển toàn diện về thể lực, tình
cảm, trí tuệ, xã hội. Để hình thành những nét nhân cách đầu tiên của con người cần
phải tạo điều kiện cho trẻ được phát triển hài hoà không chỉ về các mặt thể chất, trí
tuệ mà còn đời sống tâm hồn, tình cảm, có thị hiếu thẩm mĩ, đặc biệt là cần phải
hình thành ở trẻ những tình cảm đạo đức tốt đẹp, nền tảng của nhân cách con
người Việt Nam sau này "
Mục tiêu GDMN là phát triển trẻ một cách toàn diện. Vì vậy cần có
những tác động sư phạm cần thiết, phải gắn liền hoạt động nhằm đạt tới
“vùng phát triển gần”. Trong lí thuyết “vùng phát triển gần”, L.X.Vưgôtxki
khẳng định: với sự giúp đỡ của người lớn tổ chức cho trẻ hoạt động phù hợp,
trẻ có thể hiện năng lực cao hơn điểm phát triển dừng trước đó.
Muốn hình thành nền tảng nhận thức vững chức cho trẻ MN, nhà giáo
dục phải lựa chọn tổ chức, hướng dẫn các hoạt động giáo dục dựa vào trẻ và
xuất phát từ các hoạt động của trẻ, giúp trẻ xây dựng nền tảng kiến thức, kĩ
năng theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”.
1.2.2. Quan điểm giáo dục tích hợp trong giáo dục mầm non
Không phải khi nào trẻ cũng có khả năng tự học, tự thỏa mãn, khát
vọng khám phá qua các phương tiện riêng lẻ khi tiếp xúc với môi trường
21
xung quanh. Trẻ cần sự chỉ bảo ân cần nghiêm túc của người lớn, cần cách
khái quát, hệ thống của cô giáo để lĩnh hội thông tin về sự vật hiện tượng.
Theo A.L.Xorkina: “Những tri thức trẻ lĩnh hội được bằng kinh nghiệm,
không có sự hướng dẫn thường là những tri thức rời rạc, do đó dễ có những
biểu tượng sai”.
Quan điểm tích hợp là một tư tưởng tiến bộ đang được áp dụng rộng
rãi trong giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non. Trước hết vì trẻ MN là một đối
tượng nghiên cứu mang tính phức hợp, đòi hỏi phải có nhiều khoa học tham
gia. Nói cách khác, trẻ em là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học như
sinh vật học, tâm lí học, giáo dục học, xã hội học và nhiều khoa học khác.
Dựa trên quan điểm sư phạm tích hợp, nhìn nhận thế giới tự nhiên, xã
hội và con người như một thể thống nhất, đối lập với cách nhìn nhận chia cắt
rạch ròi các sự vật và hiện tượng. Quan điểm tích hợp cho rằng: tích hợp
không chỉ là đặt cạnh nhau, liên kết với nhau, mà là xâm nhập, đan xem các
đối tượng hay các bộ phận của một đối tượng vào nhau, tạo thành một chỉnh
thể. Trong đó, không những các giá trị của từng bộ phận được bảo tồn và
phát triển, mà đặc biệt là ý nghĩa thực tiễn của toàn bộ cái chỉnh thể đó được
nhân lên.
Theo “Từ điển Tiếng Việt” của Hoàng Phê, “ Tích hợp có nghĩa là lắp
ráp, kết nối các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ
thống toàn bộ”.
Theo tác giả Nguyễn Ánh Tuyết: “Quan điểm tích hợp trong GDMN
được hiểu như là một phương cách liên kết, xâm nhập, đan xen những quá
trình sư phạm tạo thành một thể thống nhất, tác động đồng bộ đến đứa trẻ như
một chỉnh thể toàn vẹn. Nhờ đó hiệu quả sư phạm được nhân lên”.
Quan điểm tích hợp trong giáo dục mầm non hiện nay chú ý lớn đền sự
tích hợp giữa văn và tiếng trong giáo dục trẻ. Quan điểm này đã xác lập mối
22
liên hệ gắn bó chặt chẽ giữa hoạt động “Làm quen với văn học” với các hoạt
động giáo dục khác tạo nên sức mạnh tổng hợp tác động đến sự phát triển nhân
cách của trẻ.
Tổ chức hoạt động cho trẻ làm quen với tác phẩm văn học chính là con
đường dẫn dắt trẻ đi vào thế giới của các giá trị phong phú chứa đựng trong tác
phẩm nghệ thuật ngôn từ. Sự tiếp xúc thường xuyên với tác phẩm văn học được
chọn lọc sẽ phát triển ở trẻ sự nhạy cảm thẩm mỹ, năng lực cảm thụ văn học,
những tố chất ban đầu của năng khiếu nghệ thuật, phát triển nhận thức và đặc
biệt phát triển ngôn ngữ.
Tiếp xúc với văn học, trẻ học tiếng mẹ đẻ: học cách phát âm đúng, tích
lũy vốn từ nghệ thuật, học những mẫu câu hoàn hảo, sinh động, giàu sức biểu
cảm. Thông qua đó, các em yêu mến, trân trọng tiếng nói dân tộc. Những ấn
tượng nghệ thuật trong tác phẩm sẽ thúc đẩy ham muốn sáng tạo nghệ thuật của
trẻ.
1.3. Tổ chức hoạt động làm quen với TPVH với giáo dục trẻ em
1.3.1. Khái niệm làm quen với TPVH
“ Làm quen với TPVH chỉ ra mức độ, giới hạn, yêu cầu của việc cho
trẻ tiếp xúc với TPVH qua nghệ thuật đọc và kể chuyện của cô giáo. Hoạt
động này nhằm dẫn dắt, hướng dẫn trẻ cảm nhạn những giá trị nội dung,
nghệ thuật phong phú trong tác phẩm, khơi gợi ở trẻ sự rung động, hứng thú
đối với văn học, có ấn tượng về những hình tượng nghệ thuật, cái hay cái
đẹp của TP và thể hiện sự cảm nhận đó qua các hoạt động mang tính chất
văn học nghệ thuật như đọc thơ, kể chuyện, chơi trò chơi đóng kịch; cao hơn
là tiến tới sáng tạo ra những vần thơ, câu chuyện theo tưởng tượng của mình,
góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách trẻ”. [23,
Trẻ nhỏ tiếp nhận TPVH chỉ bằng con đường gián tiếp ( vì trẻ chưa tự
đọc được mà chỉ nghe người lớn đọc, kể) nên qua nghe kể chuyện, trẻ làm
23
quen với văn học nghệ thuật, cảm nhận được nét đẹp về nội dung và hình
thức nghệ thuật của TPVH. Truyện dân gian nói chung trong đó có truyền
thuyết Hùng Vương là một trong những loại tác phẩm nghệ thuật ngôn từ
đầu tiên mà trẻ em nghe và yêu thích ngay từ tuổi ấu thơ. Truyền thuyết
Hùng Vương đưa các em về với quá khứ của dân tộc, giúp các em nhận thức
thế giới mang tính đặc trưng của con người thời cổ với những khát vọng
sống, những ước mơ cao đẹp. Do vậy, kể chuyện là một hình thức hoạt động
ngôn ngữ của trẻ. Kể chuyện là hình thức thông tin nhanh gọn, truyền cảm
bằng ngôn ngữ. Kể chuyện là hình thức khởi đầu của sự tích lũy tri thức
khoa học, kinh nghiệm sống, nó có chức năng thông tin. Ngôn ngữ ngày
càng phát triển, số từ cơ bản tăng thêm, đời sống vật chất và tinh thần trở
nên phong phú thì kể chuyện không chỉ dừng ở mức độ thông tin mà còn
mang trong mình chức năng giải trí, hay cao hơn là chức năng nghệ thuật.
1.3.2. Hoạt động kể cho trẻ nghe truyện với giáo dục trẻ em
Hầu hết các bé ở lứa tuổi mầm non rất thích nghe người lớn đọc
truyện, kể truyện và trao đổi với người lớn về nội dung các câu chuyện. Kể
truyện cho con nghe là cách tốt nhất để các nhà giáo dục dạy dỗ, uốn nắn
tâm hồn của bé và đồng thời tạo mối quan hệ gắn kết giữa các nhà giáo dục
và các em. Những câu chuyện chứa chan những tình cảm yêu thương và
được thể hiện qua giọng đọc trìu mến của các nhà giáo dục có tác dụng giáo
dục rất lớn với trẻ.
* Hoạt động kể cho trẻ nghe truyện đã góp phần giúp trẻ nhận
thức thế giới xung quanh mình một cách đầy đủ hơn
PGS.TS Hà Nguyễn Kim Giang đã nhận định: “Trẻ em luôn khao
khát nhận thức, khám phá thế giới hiện thực xung quanh. Các em muốn biết
tất cả, muốn thâu tóm tất cả lí do tồn tại của cuộc sống vào khối óc bé nhỏ
của mình. Thế giới xuất hiện trước mắt trẻ với toàn bộ sự phong phú, phức
24
tạp của nó. Trong điều kiện đó, những câu ca dao, bài thơ, truyện kể là
những bài học đầu tiên giúp các em nhận thức thế giới, định hướng cơ bản
trong môi trường xung quanh, giúp các em chính xác hóa những biểu tượng
đã có về thực tế xã hội, dần dần từng bước cung cấp cho các em những khái
niệm mới và mở rộng kinh nghiệm sống”. [29,5]
TTHV là bài ca hào hùng về quá khứ lịch sử của dân tộc. Tiếp xúc với
TTHV, trẻ không chỉ được thỏa mãn nhu cầu nhận thức mà còn được mở
rộng tầm nhìn, làm giàu có lượng thông tin tri thức, làm sâu sắc hơn quá
trình quan sát xã hội, môi trường xung quanh. Từ sự quan sát, thúc đẩy quá
trình phân tích, so sánh, tìm hiểu nguyên nhân kết quả, rút ra những kết luận,
những tri thức, khái niệm cơ bản, góp phần rèn luyện trí nhớ, phát triển khả
năng tư duy và các năng lực tâm lí khác như: tưởng tượng, ngôn ngữ….
* Hoạt động kể cho trẻ nghe truyện đã góp phần phát triển tình
cảm, cảm xúc thẩm mĩ, mở rộng phạm vi giao tiếp.
Trẻ thơ rất nhạy cảm. Chúng sống bằng tình cảm, dễ rung động, dễ hòa
mình vào người khác để thông cảm và bộc lộ thái độ của mình một cách rõ
ràng, dứt khoát giữa hai mặt tốt – xấu, yêu – ghét, vui - buồn... Tổ chức hoạt
động kể cho trẻ nghe truyện được coi là một cách thức, một biện pháp rèn
luyện có mục đích phẩm chất đạo đức, tạo nền móng nhân cách của trẻ trẻ như
quan niệm truyền thống: “Uốn cây từ thuở lên non, dạy con từ thuở con còn
ngây thơ”.
Tiếp xúc với các tác phẩm về đề tài thế giới tự nhiên, xã hội, trẻ dần hình
thành những tình cảm đạo đức; những thói quen ứng xử phù hợp: lễ độ,
nhường nhịn, biết cám ơn, xin lỗi đúng lúc, biết đoàn kết, nhân ái, biết cảm
thông, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những sự vật hiện tượng xảy ra xung
quanh mình; từ đó, hình thành ở trẻ những ý niệm đạo đức: tốt – xấu, sự trung
thực, khiêm tốn, tính cần cù, tình bạn, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm,
25