Tải bản đầy đủ (.pdf) (242 trang)

Quan hệ ngoại giao Trung Quốc Việt Nam thời nhà Minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.66 MB, 242 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
----------------

NGUYỄN THỊ KIỀU TRANG

QUAN HÖ S¸CH PHONG, TRIÒU CèNG MINH - §¹I VIÖT
(1368 - 1644)
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số: 62.22.03.11

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Người hướng dẫn khoa học:

TS Dương Duy Bằng
PGS.TS Đinh Ngọc Bảo


2

HÀ NỘI - 2013


i

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các tư
liệu sử dụng trong luận án là trung thực. Tôi xin chịu trách nhiệm về kết
quả nghiên cứu của mình.
Tác giả



Nguyễn Thị Kiều Trang


ii

MỤC LỤC
Trang phu ̣ bià
Lời cam đoan
Mu ̣c lu ̣c


1

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Quan hệ sách phong, triều cống là một hình thức đặc biệt của quan hệ bang
giao giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ở thời phong kiến. Trong đó, các
vương triều Trung Quốc với ưu thế về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, tự cho
mình là “thiên triều, thượng quốc”, có quyền phong tước cho vua các nước nhỏ.
Ngược lại, để được phong vương, để thiết lập và duy trì quan hệ với Trung Quốc, để
được yên ổn, vua các nước này phải cầu phong và phải thực thi các nghĩa vụ với
“thiên triều”, mà nghĩa vụ quan trọng nhất là phải triều cống định kì. Sách phong,
triều cống dần dần trở thành mô thức chủ yếu trong quan hệ giữa Trung Quốc với các
nước láng giềng ở thời trung đại. Mô thức này xuất hiện từ thời Tây Hán, không
ngừng được mở rộng thành hệ thống và tới thời Minh (1368 – 1644) thì đạt tới đỉnh
điểm của sự phát triển.
Sau giai đoạn mất ổn định kéo dài từ thời Nam Tống đến cuối Nguyên, Trung
Quốc dưới thời Minh đã bước vào thời kì phát triển hưng thịnh, trở thành một quốc
gia hùng cường ở châu Á và trên thế giới. Đây cũng là thời kì Trung Quốc mở rộng

ảnh hưởng ra toàn châu lục. Tuy nhiên, do vấp phải những trở ngại lớn ở cả ba phía
bắc, đông, tây nên Đông Nam Á và Nam Á đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của
chính quyền nhà Minh. Khu vực này trở thành tâm điểm trong chính sách đối ngoại
của nhà Minh và cũng là khu vực chính để nhà Minh khôi phục và mở rộng hệ thống
triều cống truyền thống.
Do vị thế địa – chính trị, do sự tương đồng về văn hóa, do những hệ lụy của
hơn một nghìn năm Bắc thuộc và nhiều lí do khác mà quan hệ sách phong, triều cống
giữa Trung Quốc và Đại Việt trong lịch sử nói chung, ở thời Minh nói riêng được
duy trì chặt chẽ, bền vững, trở thành một trong những mối quan hệ sách phong, triều
cống có tính chất điển hình và là cơ sở, nền tảng của quan hệ bang giao giữa hai nước
trong suốt thời phong kiến.
Nghiên cứu về quan hệ Trung - Việt, Việt - Trung trong lịch sử, từ lâu đã được
nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm và đã có những đóng góp khoa học quan
trọng. Tuy nhiên, quan hệ sách phong, triều cống Trung – Việt ở thời phong kiến hoặc
giữa các triều đại cụ thể, mới chỉ được trình bày một cách khái quát trong các bộ thông
sử Việt Nam, thông sử Trung Quốc, hoặc còn là một phần khiêm tốn trong một số công
trình nghiên cứu về quan hệ tổng thể giữa hai nước. Với đề tài “Quan hệ sách phong,
triều cống Minh – Đại Việt (1368 – 1644)”, luận án muốn nghiên cứu một cách hệ
thống, chuyên biệt về quan hệ sách phong, triều cống giữa Trung Quốc và Đại Việt
dưới chế độ phong kiến ở một thời kì lịch sử cụ thể có nhiều yếu tố tác động sâu sắc


2

đến mối quan hệ này. Đây cũng là thời kì quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước
có những giai đoạn ổn định lâu dài và có những lúc căng thẳng, thậm chí gián đoạn,
nhưng cuối cùng cũng đều đã được hai phía hóa giải.
Về những vấn đề khoa học cụ thể, luận án hướng tới việc làm sáng tỏ cơ sở tư
tưởng, cơ sở lợi ích, cơ sở lịch sử của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại
Việt; quá trình phát triển thăng trầm của mối quan hệ này và nguyên nhân của nó; vị

trí, đặc điểm của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt, thực chất thái độ
của các vương triều Đại Việt trong quan hệ với nhà Minh. Luận án cũng muốn góp
phần lý giải vì sao quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt lại tương đối ổn
định, bền vững và được duy trì chặt chẽ, khác với nhiều mối quan hệ triều cống giữa
các nước Đông Nam Á khác với nhà Minh…Trong một chừng mực nào đó, có thể
nói đó cũng là những vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu về quan hệ sách phong,
triều cống giữa Trung Quốc và Đại Việt từ khi hình thành (thế kỉ X) đến khi kết thúc
(thế kỉ XIX).
Luận án mong muốn tìm hiểu sâu hơn những yếu tố tác động tức thì đến quan
hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt trong từng giai đoạn cụ thể, mà nổi bật là
sự thay đổi tương quan lực lượng giữa hai nước và biến động chính trị ở mỗi nước.
Không những thế, quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt có lúc còn bị tác
động thậm chí chỉ bởi khí chất của một ông vua Minh hoặc vua Đại Việt, hay sự
tranh chấp đất đai lẫn nhau của thổ quan và dân chúng vùng biên giới… Tất cả những
điều này luôn là nguyên nhân trực tiếp làm cho quan hệ sách phong, triều cống Minh
– Đại Việt ở các giai đoạn Minh – Trần, Minh – Hồ, Minh – Lê sơ, Minh – Mạc,
Minh – Lê trung hưng có những điểm khác biệt nhau. Đây cũng là những vấn đề lý
thú của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt mà việc nghiên cứu nó sẽ
góp phần làm sáng rõ thêm một số khía cạnh của lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung
Quốc và những mối quan hệ khác giữa hai nước.
Thực tiễn lịch sử đã cho thấy, ứng xử với các vương triều phong kiến Trung
Quốc như thế nào để vừa có thể sống hòa mục với một nước láng giềng lớn, tránh
được những căng thẳng, xung đột, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn
lãnh thổ, vừa có thể đoàn kết được toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội,
không phải là một vấn đề đơn giản và luôn là một thách thức lớn đối với các vương
triều Đại Việt, nhất là trước một triều Minh cường thịnh và luôn có tham vọng bành
trướng, khống chế, kiềm tỏa Đại Việt. Những kinh nghiệm, bài học lịch sử mà cha
ông chúng ta để lại trong việc giải quyết vấn đề này, qua quan hệ sách phong, triều
cống, dưới bất cứ góc độ nào, chắc chắn mãi còn hữu ích.
Nghiên cứu quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt vì thế không chỉ

cần thiết cho việc nhận thức lịch sử một cách thuần túy mà còn có ý nghĩa thời sự sâu


3

sắc. Sự hấp dẫn của các vấn đề khoa học và thực tiễn nêu trên là lý do để tôi chọn đề
tài “Quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt (1368 – 1644)” làm luận án
tiến sĩ, dù tôi hiểu sâu sắc rằng việc giải quyết một cách thấu đáo những vấn đề này
không thể là công việc của một cá nhân trong khuôn khổ của một luận án.
2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Quan hệ sách phong, triều cống giữa Trung Quốc với các nước trong đó có
Đại Việt ở thời phong kiến là vấn đề đã được các học giả trên thế giới, các học giả
Trung Quốc và Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Dưới đây xin giới thiệu tổng quan
một số thành tựu và quan điểm nghiên cứu tiêu biểu.
2.1. Các học giả trên thế giới
* Những công trình nghiên cứu tổng quát về hệ thống triều cống và quan hệ
của nhà Minh với khu vực Đông Nam Á
Trước khi đề cập đến những công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
luận án, xin điểm qua một số công trình nghiên cứu tổng quát của các học giả trên thế
giới về hệ thống triều cống và quan hệ của nhà Minh với các quốc gia Đông Nam Á.
Những nghiên cứu này đã góp phần vào việc lí giải mô hình bang giao giữa Trung
Quốc với các nước láng giềng ở thời trung đại; quan niệm của các vương triều Trung
Quốc về trật tự thế giới; nguồn gốc, chức năng, vai trò của hệ thống triều cống; mối
quan hệ giữa triều cống và thương mại; mối quan tâm đặc biệt của nhà Minh với
Đông Nam Á và quan hệ giữa Trung Quốc với Đông Nam Á thời Minh…Đây là
những vấn đề cần thiết và hữu ích đối với việc nghiên cứu các mối quan hệ sách
phong, triều cống cụ thể.
Một trong những nghiên cứu đầu tiên về hệ thống triều cống là của hai nhà
nghiên cứu J.K.Fairbank và S.Y.Teng với công trình: “On the Ch’ing tributary
system” (Về hệ thống triều cống của nhà Thanh) (1941). Mặc dù nghiên cứu về

hệ thống triều cống của nhà Thanh (thế kỉ XVII – XIX) nhưng các tác giả của công
trình này đã phân tích khá chi tiết nguồn gốc, sự hình thành của hệ thống triều cống
và đã có đóng góp quan trọng trong việc định hình các quan niệm về hệ thống triều
cống. Đặc biệt, J.K.Fairbank và S.Y.Teng đã lí giải sự tồn tại bền vững của hệ thống
triều cống là do mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa chính trị và các động cơ kinh tế
trong hệ thống này. Luận điểm này xứng đáng được coi là một phát hiện. Vì vậy, khi
đánh giá về công trình của hai tác giả này, sử gia James Hevia đã viết: “Gần như tất
cả những ai đi sau Fairbank và Teng đều trung thành lặp lại sự khẳng định là hệ
thống triều cống về bản chất có tính nhị nguyên” [118, 14].
Năm 1942, J.K.Fairbank công bố tiếp bài báo có tựa đề: “Tributary trade
and China’s relations with the West” (Thương mại triều cống và quan hệ của
Trung Quốc với phương Tây), trong đó ông tiếp tục đưa ra những diễn giải về


4

nguồn gốc, chức năng, vai trò và tầm quan trọng của hệ thống triều cống. Nhiều năm
sau, J.K.Fairbank một lần nữa trình bày ý tưởng của ông về hệ thống triều cống trong
tập sách “The Chinese world order: Traditional China’s foreign relations”
(Trật tự thế giới Trung Hoa: Mối quan hệ đối ngoại truyền thống của Trung
Hoa) (1968).
Những nghiên cứu mang tính hệ thống của J.K.Fairbank đặt cơ sở cho những
nghiên cứu tiếp theo của các học giả khác. Bên cạnh tiểu luận “The early treaty
system in the Chinese World Order” (Hệ thống triều cống sơ khai trong trật tự
thế giới Trung Hoa) của J.K.Fairbank, tập sách “The Chinese world order:
Traditional China’s foreign relations” còn giới thiệu các tiểu luận nghiên cứu của
các học giả khác như: “Historical notes on the Chinese World Order” (Những ghi
chép lịch sử về trật tự thế giới Trung Hoa) của Lien-sheng Yang, “Early Ming
relations with Southeast Asia: A background essay” (Tổng quan về mối quan hệ
giữa nhà Minh sơ với Đông Nam Á) của Wang Gungwu, “The Ch’ing tribute

system: An interpretive essay” (Hệ thống triều cống của nhà Thanh: Một cách
diễn giải) của Mark Mancall, “The Chinese perception of world order, past and
present” (Nhận thức của Trung Quốc về trật tự thế giới, quá khứ và hiện tại) của
Benjamin I.Schwartz…Các công trình nghiên cứu trên đề cập tới nhiều vấn đề nhưng
đều cố gắng hướng đến việc lí giải, khái quát đặc điểm, bản chất của “Trật tự thế giới
Trung Hoa” (Chinese World Order). Theo các học giả, trong nhận thức của người
Trung Quốc về trật tự thế giới, “nhà nước Trung Quốc không phải là một nhà nước,
theo nghĩa qui ước về thế giới này và hoàng đế không phải là vua của một nước trong
nhiều nước khác mà là người đứng giữa đất và trời…đỉnh chóp của văn minh, duy
nhất trong vũ trụ”, “sắp đặt thế giới vốn được coi là đặc quyền của hoàng đế Trung
Hoa” [Mark Mancall], và kết quả là từ rất sớm “tất cả các đoàn sứ nước ngoài được
ghi chép như là đoàn sứ triều cống, và cả qui ước hành chính và thói quen sử học đã
thần thánh hóa cho phong tục này sau đó. Người Trung Quốc bắt đầu tin rằng mối
quan hệ triều cống là thứ rất bình thường – thứ không xung đột với cái nhìn tổng thể
của họ về thế giới đã biết” [Wang Gungwu]…
Trong tác phẩm “China and the Chinese Overseas” (Trung Quốc và Hoa
kiều) (1991), Wang Gungwu (học giả gốc Hoa nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu về
Hoa kiều và lịch sử ngoại thương Trung Hoa) đã dành một chương (chương 3) để
viết về quan hệ ngoại giao của nhà Minh với Đông Nam Á. Tác giả đã phân tích khái
quát chính sách đối ngoại của các hoàng đế triều Minh đối với Đông Nam Á, trong
đó vấn đề Vân Nam và Đại Việt được nêu ra và trình bày xuyên suốt qua các triều
vua Minh như những ví dụ điển hình.
Martin Stuart – Fox trong cuốn “A short history of China and Southeast
Asia: Tribute, Trade and Influence” (Lược sử Trung Quốc và Đông Nam Á:


5

Triều cống, thương mại và ảnh hưởng) (2003) đã cố gắng phác họa một cách khái
quát mối liên hệ lịch sử giữa các dân tộc, chính quyền Trung Hoa với các dân tộc,

chính quyền Đông Nam Á. Đặc biệt tác giả đã dành một chương (chương 5) để nói
về đế chế biển, triều cống và thương mại, trong đó nghiên cứu về hệ thống triều cống,
chủ nghĩa bành trướng của triều Minh và quan hệ giữa Trung Hoa cuối thời Minh với
Đông Nam Á.
Cùng đề cập đến chính sách đối ngoại của nhà Minh đối với các quốc gia
Đông Nam Á, trong bài “Engaging the South: Ming China and Southeast Asia in
the fifteenth century” (Sức hấp dẫn từ phương Nam: nhà Minh Trung Hoa và
Đông Nam Á trong thế kỉ XV) (2008), G.Wade đã tập trung phân tích những
nguyên nhân (động lực) dẫn đến mối quan tâm đặc biệt của nhà Minh đối với Đông
Nam Á ở thế kỉ XV. Đại Việt được đề cập và minh họa cho những tham vọng bành
trướng, mở rộng ảnh hưởng của nhà Minh xuống phía nam đồng thời cũng là nơi chịu
tác động lớn từ những chính sách đối ngoại của vương triều này.
* Những công trình nghiên cứu về quan hệ Minh – Đại Việt
Bên cạnh những công trình nghiên cứu tổng quát về hệ thống triều cống và
quan hệ giữa nhà Minh với Đông Nam Á, đã có một số sách chuyên khảo và bài viết
đề cập đến mối quan hệ giữa nhà Minh và Đại Việt.
Cuốn “Vietnam, Ho Quy Ly and the Ming (1371 – 1421)” (Việt Nam, Hồ
Quý Ly và nhà Minh 1371 – 1421) (1985) của John Whitmore đã tái hiện bối cảnh
xã hội Đại Việt ở cuối thế kỉ XIV, quá trình thâu tóm quyền lực và thiết lập nhà Hồ
của Hồ Quý Ly. Chống lại cách đánh giá truyền thống của một số nhà sử học Việt
Nam xem Hồ Quý Ly là “nghịch thần”, J.Whitmore cho rằng họ Hồ đã làm được
nhiều việc để củng cố và tập trung hóa “nhà nước Việt Nam”. Tiếp đó, J.Whitmore
đã khái quát về chính sách và quá trình xâm lược, chiếm đóng Đại Việt của nhà
Minh. Theo tác giả, trong khoảng thời gian chiếm đóng Đại Việt, nhà Minh đã đưa
vào đây nhiều yếu tố mới, làm thay đổi xã hội Đại Việt theo nhiều cách khác nhau.
Những yếu tố mới nằm trong các chính sách khai thác, bóc lột kinh tế, kiểm soát
chính trị, đồng hóa văn hóa đã được tác giả mô tả khá chi tiết.
Trước đó, A.B.Woodside trong bài viết “Early Ming expansionism (14061427): China’s abortive conquest of Vietnam” (Chủ nghĩa bành trướng thời kì
đầu triều Minh (1406 – 1427): Thất bại của Trung Quốc trong quá trình xâm
chiếm Việt Nam) (1963) cho rằng quá trình chiếm đóng Đại Việt của nhà Minh là

một sai lầm. Nhà Minh không đủ chuẩn bị để cai trị một vùng đất xa xôi, những nỗ
lực cai trị nửa vời của triều đình lại còn bị cản trở bởi tham nhũng và sự tham lam
của các viên quan kém tài được cử đến cai trị Đại Việt. Cuối cùng, theo Woodside, sự


6

thất bại của nỗ lực cai trị trực tiếp Đại Việt đã càng làm cho người Trung Quốc tin
vào sự khôn ngoan của hệ thống cống nạp.
Học giả Nhật Bản Momoki Shiro trong tiểu luận “Dai Viet and South China
Sea trade from the Xth to the XVth century” (Đại Việt và thương mại ở biển
Nam Trung Hoa từ thế kỉ X đến thế kỉ XV) (2004), mặc dù tập trung hướng vào
việc khảo cứu vị trí của Đại Việt trong mạng lưới buôn bán ở khu vực biển Đông từ
thế kỉ X đến thế kỉ XV nhưng cũng không quên đề cập đến mối quan hệ triều cống
giữa nhà Minh và Đại Việt vì mối quan hệ đó, theo tác giả, có tác động không nhỏ
đến hoạt động thương mại triều cống của hai quốc gia ở thời kì này.
Năm 2005, Nhà xuất bản Đại học Hawaii phát hành cuốn sách có tựa đề:
“Beyond the Bronze Pillars: Envoy Poetry and the Sino – Vietnamese
Relationship” (Đi qua những cột đồng: thơ đi sứ và quan hệ Trung Quốc – Việt
Nam) của Liam C.Kelley – Giáo sư trường Đại học Hawaii Liam C.Kelley đã tập
trung vào một khía cạnh trong quan hệ Việt – Trung mà lâu nay ít được để ý với ý
tưởng thông qua việc phân tích các bài thơ đi sứ của các sứ thần Việt Nam trong các
thế kỉ XVI – XIX để đưa ra những cách nhìn mới về quan hệ giữa hai quốc gia này.
Không tán thành quan điểm rằng về mặt lịch sử, người Việt luôn tìm cách duy trì một
bản sắc văn hóa riêng tách khỏi Trung Quốc, Kelley đã đưa ra một quan điểm gây
nhiều tranh cãi khi nhấn mạnh không có sự khác biệt lớn giữa văn hóa Trung Hoa và
văn hóa Việt Nam, người Việt mà cụ thể là tầng lớp trí thức Việt luôn coi mình là
một bộ phận của “thế giới Trung Hoa”. Theo tác giả: “Các tài liệu ở đây (bài thơ đi
sứ) nói trực tiếp về quan hệ Trung – Việt, và chúng không nói gì về xung đột hay đối
nghịch. Chúng không bộc lộ bất kì cảm giác nào về sự kháng cự chống Trung Quốc,

mà lại mô tả một sự khẳng định toàn diện về một trật tự thế giới mà quan hệ triều
cống dựa vào và về vị trí phụ của Việt Nam trong thế giới ấy”. Theo nhận xét của
giáo sư Keith Taylor, cuốn sách của Liam C.Kelley là một sự đóng góp quí, giúp tăng
hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nhưng việc Kelley nhấn mạnh đến ưu thế
vượt trội của văn hóa Trung Hoa trong tâm thức người Việt lại làm hạn chế, chứ
không mở rộng cách hiểu về Việt Nam.
Một trong những công trình lý thú nhất gần đây liên quan đến ảnh hưởng của
Trung Hoa đến Đại Việt ở thế kỉ XV là của Sun Laichen (ĐH California) với tựa đề
“Chinese gunpowder technology and Dai Viet: c.1390 – 1497” (Kĩ nghệ thuốc
súng của Trung Hoa và Đại Việt, khoảng 1390 - 1497) (2006). Những nghiên cứu
được trình bày trong bài viết này đã cho thấy một sự chuyển dịch ấn tượng về kĩ nghệ
quân sự Trung Hoa (đặc biệt là súng và thuốc súng) tới người Việt Nam thông qua sự
chiếm đóng của nhà Minh tại đây và có tác động rất lớn, làm thay đổi sức mạnh quân
sự cũng như vị thế của Đại Việt ở Đông Nam Á lục địa trong các thế kỉ sau đó.


7

Bài báo “Asymmetry and China’s tributary system” (Tính không đối
xứng và hệ thống triều cống của Trung Hoa) (2012) của Brantly Womack đã phân
tách diễn trình lịch sử của hệ thống triều cống Trung Quốc bằng các vấn đề khái quát
để gợi ý về một mô hình. Tác giả lập luận rằng vị thế của Trung Quốc như một quốc
gia trung tâm ở châu Á là cơ sở của các mối quan hệ với bên ngoài. Brantly cũng đưa
ra trường hợp quan hệ Trung Quốc – Việt Nam ở thời Minh làm ví dụ tiêu biểu để kết
luận rằng khả năng phản kháng của các nước láng giềng nhỏ hơn là chìa khóa để duy
trì tình trạng cân bằng mà không dựa trên sự thống trị áp đảo (từ phía Trung Quốc).
Có thể thấy, các học giả nước ngoài (mà ở đây chủ yếu là các học giả phương
Tây) chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về quan hệ sách phong, triều
cống giữa Trung Quốc và Việt Nam trong lịch sử. Tuy vậy, các công trình nghiên cứu
kể trên của họ là những đóng góp có giá trị đối với việc nghiên cứu về hệ thống triều

cống, về đặc điểm, bản chất của “trật tự thế giới Trung Hoa” và về những mối quan
hệ đa dạng của nhà Minh với Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt. Đây là những tri
thức tổng quát, cần thiết đối với việc nghiên cứu quan hệ sách phong, triều cống
Minh – Đại Việt.
2.2. Các học giả Trung Quốc
Cũng giống như các học giả phương Tây, các học giả Trung Quốc khi nghiên
cứu lịch sử quan hệ đối ngoại của Trung Quốc luôn muốn tìm hiểu cơ sở lý luận,
nguồn gốc dẫn đến sự hình thành quan niệm về “Trật tự thế giới Trung Hoa”
(Chinese World Order). Tuy nhiên, xuất phát điểm cũng như quan niệm của họ về lý
luận này không giống các học giả phương Tây.
Hoàng Chi Liên trong cuốn “Nghiên cứu hệ thống lễ trị thiên triều, Trật tự
Hoa Hạ ở châu Á: Luận về hình thái mối quan hệ giữa Trung Quốc với các
nước châu Á”(1992) đã đưa ra khái niệm “Hệ thống lễ trị thiên triều”. Trong hệ
thống đó, tác giả lấy “Hoa” của đế quốc Trung Hoa với thế nước cường thịnh và nền
văn hóa ưu việt so với các nước trong khu vực làm nền tảng, coi việc “Di” ở các
nước xung quanh triều cống và tiếp thu sách phong từ các triều đại Trung Quốc là sợi
dây gắn kết trật tự chính trị, thương mại triều cống, là sự bảo đảm cho trật tự kinh tế.
Đặc trưng của “hệ thống lễ trị thiên triều” là sự “đức hóa”, “mộ hóa” chứ không phải
là chinh phục, ép buộc…Trong quá trình nghiên cứu, Hoàng Chi Liên cũng phát hiện
ra rằng Triều Tiên và An Nam đều thuộc hàng phiên quốc thân cận nhất của Trung
Quốc, tuy nhiên hai quốc gia này lại tiếp nhận “hệ thống lễ trị” này ở mức độ khác
nhau, chỉ có Triều Tiên là hoàn toàn tiếp thu chế độ đó mà thôi.
Khi bàn về “Trật tự Hoa Di”, Hà Phương Xuyên trong bài “Luận về trật tự
Hoa Di” (1998) cho rằng quan hệ triều cống và trật tự Hoa Di là hệ thống lý luận hoàn
bị nhất trong quan hệ quốc tế thời cổ đại. Tác giả nhận định rằng “nhất” và “hòa” (là


8

hai yếu tố bản chất nhất trong hệ thống quan điểm và nguyên tắc có liên quan đến “trật

tự Hoa Di”). “Nhất” ở đây chính là “trời sinh thánh nhân” – hoàng đế của đế quốc
Trung Hoa. Bên dưới hoàng đế, muôn nước đến triều cống, kính mừng hoàng đế thánh
minh, thống trị Hoa Di. Chỉ khi thừa nhận cái “nhất” thì việc gì dưới cái “nhất” đó
cũng thực hiện được. “Nhất” ở đây tức là chỉ đế quốc Trung Hoa và hoàng đế là “đại
nhất thống”, “nhất thống Hoa Di”, còn cái mà hoàng đế theo đuổi tìm kiếm chính là
việc đem lại “hòa” cho các nước lân bang. Vì thế, trong “trật tự Hoa Di”, mối quan hệ
giữa Trung Quốc với các nước xung quanh là mối quan hệ giữa “trị” và “phụng”, là
mối quan hệ giữa “phủ ngự” (cúi xuống vỗ về) và “sự đại” (ngẩng lên thờ nước lớn)
trong đó đế quốc Trung Hoa và người thống trị đất nước này luôn đóng vai trò ở trên
cao vươn xuống thấp, bao trùm tất cả trong cái “trật tự Hoa Di” đó.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đưa ra nhiều ý kiến bác bỏ quan điểm
của J.K.Fairbank và S.Y.Teng. Zang Feng trong bài báo “Rethinking the
“Tributary system”: Broadening the conceptual horizon of historical East
Asian politics” (Suy ngẫm lại về “Hệ thống triều cống”: Mở rộng biên độ khái
niệm về lịch sử chính trị khu vực Đông Á) (2009) cho rằng mặc dù có chữ “triều”
( 朝 ) và chữ “cống” ( 貢 ) trong chữ Hán, nhưng cái gọi là “Hệ thống triều cống”
(Tributary system) là do học giả phương Tây tạo ra và đó chỉ là hình thức ngoại giao
bình thường thời cổ ở Trung Quốc.
Cuốn “Đông Nam Á và người Hoa” do Công ty xuất bản Hữu Nghị Trung
Quốc ấn hành năm 1986 là một tuyển tập các bài viết của học giả Vương Canh Vũ về
mảng đề tài quan hệ giữa người Hoa và Đông Nam Á trong lịch sử. Trong đó, đáng
chú ý là hai bài viết “Luận thuật về bối cảnh mối quan hệ giữa Đông Nam Á và
nhà Minh (giai đoạn đầu)” (trang 1 - 41) và “Trung Quốc và Đông Nam Á từ
1404 đến 1424” (trang 42 - 71). Trong hai bài viết này, bằng những tư liệu lịch sử
chân thực và lập luận sâu sắc, tác giả đã đưa ra một cách tiếp cận thú vị về bản chất
quan hệ triều cống giữa nhà Minh và các nước Đông Nam Á (trong đó có Đại Việt).
Ví dụ, trong bài “Luận thuật về bối cảnh mối quan hệ giữa Đông Nam Á và nhà
Minh (giai đoạn đầu)”, Vương Canh Vũ đã viết: “Trong chế độ triều cống, rất
nhiều thứ vốn là truyền thống như ngôn ngữ, lễ nghĩa, các sự kiện lớn đã được ghi
lại dưới quan điểm và thế giới quan của Nho gia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thứ khác

hoàn toàn không tương ứng như: tính xâm lược, sở thích chủ quan của hoàng đế, sự
đặc biệt giữa việc dung hợp giữa tính vô tư công bình [trong quan hệ ngoại giao] và
thực lực quân sự. Đó là điều mà bài viết ngắn dù biết không dễ gì nhưng sẽ cố gắng
chứng minh cho sự thật ấy, điều mà người viết cho rằng, nó sẽ chỉ ra nhiều mặt của
sự thật”. Với cách tiếp cận khá mới mẻ, những bài viết của học giả Vương Canh Vũ
là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc nghiên cứu về mối quan hệ triều cống giữa


9

Trung Quốc và Đông Nam Á ở thế kỉ XV.
Một trong những công trình nghiên cứu tiêu biểu về mối quan hệ giữa nhà
Minh và Đại Việt là cuốn sách “Chinh chiến và từ bỏ - Nghiên cứu mối quan hệ
Trung Việt thời Minh” của Trịnh Vĩnh Thường (1998). Vế đầu tiên trong tựa đề
của cuốn sách: “Chinh chiến dữ khí thủ” (Chinh chiến và từ bỏ) đã phần nào phản
ánh diễn biến của cuộc viễn chinh tấn công Đại Việt ở thời hoàng đế Chu Đệ. Mặc dù
tác giả đã đưa ra một số quan điểm mới, khá độc đáo về cuộc viễn chinh này nhưng
cũng không tránh khỏi việc bị chi phối bởi tư tưởng nước lớn như nhiều học giả
Trung Hoa khác.
Luận án tiến sĩ của Ngưu Quân Khải với tiêu đề “Triều cống và bang giao –
Nghiên cứu mối quan hệ Trung - Việt giai đoạn cuối Minh đầu Thanh (15931702)” (2003) lại hướng vào nghiên cứu thái độ, sự tác động qua lại và diễn biến mối
quan hệ Trung – Việt khi cả hai nước đang ở vào tình cảnh triều chính suy vi. Tác giả
luận án cho rằng vào thời kì cuối Minh đầu Thanh, Trung Quốc đã lựa chọn chính
sách “thừa nhận cả hai”, thừa nhận cả chính quyền nhà Mạc và chính quyền nhà Lê ở
Đại Việt cũng như nhấn mạnh rằng thực lực là vấn đề then chốt ảnh hưởng đến quan
hệ giữa hai nước.
Cuốn “Sử luận về lịch sử chế độ triều cống – Nghiên cứu về thể chế quan
hệ đối ngoại của Trung Quốc thời cổ đại” (2004) của Lý Vân Tuyền đã góp thêm
một cách tiếp cận mới khi nghiên cứu về mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc.
Tác phẩm được kết cấu làm 6 chương, ở chương 2 với tiêu đề “Nghiên cứu

chế độ triều cống thời Minh”, tác giả đã đi sâu phân tích về chế độ triều cống thời
Minh ở các mặt: phân loại các hình thức triều cống, quy định và trình tự triều cống,
cống vật, hồi tứ và sách phong, cách tổ chức quản lí sự vụ triều cống và cơ cấu ngoại
giao thời Minh. Quan hệ triều cống giữa Đại Việt (An Nam) với nhà Minh tuy chỉ
được dẫn chứng đặt trong tổng thể mối quan hệ triều cống giữa các nước Lưu Cầu,
Triều Tiên, Chămpa…với nhà Minh song đã cung cấp một số bảng biểu, số liệu về
chế độ cống sứ của Đại Việt đối với triều Minh qua các giai đoạn. Tác phẩm là tài
liệu tham khảo có giá trị đối với việc nghiên cứu lịch sử triều cống của Trung Quốc
với các nước, trong đó có Việt Nam.
Trần Văn Nguyên đã đặt vấn đề cho luận án “Nghiên cứu quan hệ TrungViệt đời Minh” (2005) của mình rằng: trong mối quan hệ giữa Trung Quốc thời cổ
đại và các nước xung quanh, Triều Tiên và An Nam được coi là hai nước thân cận
nhất, song cảm quan của Trung Quốc đối với hai nước lại khác nhau khá nhiều. Triều
Tiên được khen là nước tòng thuận, còn An Nam bị chỉ trích là nước “hay sinh sự”.
Hay ví như Xiêm La, một nước cũng nằm khá gần Trung Quốc, nền chính trị cũng
gần tương tự như An Nam, nhưng ấn tượng về nước này trong con mắt của chính


10

quyền Trung Quốc khá tốt đẹp. Điều đó cho thấy An Nam là một đất nước “có cá
tính”. Từ đó tác giả mong muốn có thể phác họa lại diễn biến, đặc trưng của mối
quan hệ giữa nhà Minh và An Nam thông qua việc nghiên cứu nhiều vấn đề trong
mối quan hệ giữa hai quốc gia từ nửa cuối thế kỉ XIV đến nửa đầu thế kỉ XVII như:
chính sách đối ngoại của nhà Minh đối với Đại Việt, xung đột biên giới, vấn đề
Chămpa, trao đổi kinh tế, xung đột văn hóa…Luận án này cũng dành một chương,
chương 4 với tiêu đề “Mấy vấn đề về quan hệ tông phiên giữa nhà Minh và An Nam”
(có dung lượng 24 trang) để trình bày khái quát một số nét về “quan hệ tông phiên”
giữa hai quốc gia (nghi thức cầu phong và sách phong, nghi lễ của sứ thần Trung
Quốc sang An Nam cũng như nghi lễ của sứ thần An Nam sang Trung Quốc, cống
vật và ban thưởng, đường sang triều cống, vấn đề người thế thân bằng vàng, quan hệ

kinh tế).
2.3. Các học giả Việt Nam
Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ lâu đã được các học giả Việt Nam
quan tâm nghiên cứu. Nhiều lĩnh vực của mối quan hệ này như quan hệ chính trị,
quân sự, quan hệ kinh tế, văn hóa qua các triều đại đã được đề cập đến trong các sách
chuyên khảo như “Việt Nam sử lược” (1921) của Trần Trọng Kim, “Lý Thường
Kiệt” (1949) của Hoàng Xuân Hãn, “Đất nước Việt Nam qua các đời” (1964) của
Đào Duy Anh, “Lịch sử Việt Nam” (tập 1) (1971) do Ủy ban KHXH Việt Nam tổ
chức biên soạn…Quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước tuy chưa được đề cập
thành một vấn đề riêng, nhưng những mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa Việt Nam
và Trung Quốc trong lịch sử, được nghiên cứu trong các công trình này, là cơ sở cho
việc nghiên cứu bối cảnh quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước trong các giai
đoạn lịch sử cụ thể.
Trong số những công trình nghiên cứu gần đây về quan hệ giữa Việt Nam và
Trung Quốc có tác phẩm “Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỉ XV –
đầu thế kỉ XVI” (1995) của Tạ Ngọc Liễn. Đây là một trong những công trình đầu
tiên nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc ở thời Lê sơ.
Trong công trình này, quá trình thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nhà Lê với nhà
Minh sau năm 1427, quan hệ sách phong, triều cống cũng như quan hệ buôn bán giữa
Việt Nam và Trung Quốc ở thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI đã được tác giả khôi phục lại
một cách chân thực dựa trên những nguồn sử liệu phong phú, tin cậy. Tác giả cũng đã
phân tích cơ sở tư tưởng của chế độ triều cống (đó là “chủ nghĩa lấy Trung Quốc làm
trung tâm”), vị trí và ý nghĩa của quan hệ sách phong, triều cống trong quan hệ giữa
hai nước cũng như địa vị của Việt Nam trong mối quan hệ này…
Cuốn sách “Ngoại giao Đại Việt” (2000) của Lưu Văn Lợi gồm hai phần
chính: Quan hệ của Đại Việt với Trung Quốc và quan hệ của Đại Việt với các nước


11


Đông Dương (Phần thứ ba là một số nhận xét về nền ngoại giao Đại Việt). Ở phần
thứ nhất, theo quan điểm của tác giả, do những lí do địa - chính trị và tư tưởng, việc
nghiên cứu ngoại giao Đại Việt cần được gắn chặt với việc nghiên cứu tư tưởng và
ngoại giao Trung Quốc. Vì vậy, trước khi đề cập cụ thể đến mối quan hệ ngoại giao
giữa Đại Việt và Trung Quốc, tác giả đã khái quát về nền ngoại giao cổ truyền của đế
chế Trung Hoa, trong đó nhấn mạnh quan niệm của Trung Quốc về quan hệ của
Trung Quốc với các nước và chính sách của “thiên triều” đối với Đại Việt. Tiếp đó,
tác giả trình bày diễn tiến của mối quan hệ ngoại giao giữa Đại Việt và Trung Quốc
từ thời Bắc thuộc cho đến hết thời Thanh ở Trung Quốc. Những vấn đề có liên quan
đến mối quan hệ giữa Đại Việt và nhà Minh như cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đối sách
ngoại giao của Lê Lợi và Nguyễn Trãi cũng như vấn đề cầu phong, triều cống cũng
được đề cập đến ở phần này.
Hai tập sách “Bang giao Đại Việt triều Trần – Hồ” và “Bang giao Đại Việt
triều Lê, Mạc, Lê Trung Hưng” trong bộ sách “Bang giao Đại Việt” (2005) của
tác giả Nguyễn Thế Long đã giúp người đọc hiểu rõ hơn những nội dung bang giao,
phương thức, nghệ thuật, văn hóa trong mối bang giao của các triều đại ở Đại Việt
với các vương triều Trung Quốc. Đặc biệt, những mẩu chuyện đi sứ và tiếp sứ đã góp
phần tái hiện chân thực và sống động lịch sử cũng như diễn tiến mối bang giao của
Việt Nam với Trung Quốc trong các thế kỉ XIV – XVIII.
Về quan hệ Việt – Trung trong lịch sử nói chung, quan hệ giữa Đại Việt với
nhà Minh nói riêng, gần đây còn có một loạt các bài viết mang tính chuyên đề như:
“Cuộc đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh đầu thế kỉ XV và những
chứng tích còn lại” (2002) của Nguyễn Văn Nguyên, “Đặc điểm quan hệ ngoại
giao giữa Việt Nam với Trung Quốc thời trung đại nhìn từ quan hệ văn hóa –
chính trị mang tính vùng” (2008) của Đinh Thị Dung, “Đại Việt trong bối cảnh
lịch sử, chính trị Đông Á thế kỉ XV” (2009) của Nguyễn Văn Kim, “Chính sách
ngoại giao thời Mạc: Bài học lịch sử giá trị” (2010) của Ngô Đăng Lợi, “Quan
niệm “vô tốn Trung Hoa” ở Việt Nam thời trung đại” (2011) của Nguyễn Văn
Hiệu, “Văn hóa ứng xử của Việt Nam trong quan hệ với Trung Hoa thời kì
trung đại nhìn từ vấn đề “sách phong, triều cống” (2011) của Trần Nam Tiến …

Thông qua việc nghiên cứu các văn kiện ngoại giao (Tấu 奏 và Biểu 表) của
các lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều Lê sơ, tác giả Nguyễn Văn Nguyên
trong bài viết “Cuộc đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh đầu thế kỉ
XV và những chứng tích còn lại” (2002) đã phác họa lại quá trình đấu tranh ngoại
giao nhằm mục đích khôi phục quan hệ giữa nhà Lê sơ và nhà Minh từ năm 1428 đến
năm 1437, chủ yếu xoay quanh vấn đề sách phong và triều cống. Kết quả của cuộc
đấu tranh này là nhà Minh đã phải sách phong cho vua Lê làm An Nam quốc vương,


12

cũng tức là phải thừa nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập.
Bài viết “Đại Việt trong bối cảnh lịch sử, chính trị Đông Á thế kỉ XV”
(2009) của tác giả Nguyễn Văn Kim đã đặt việc nghiên cứu Đại Việt ở thế kỉ XV
trong các mối quan hệ và tương tác khu vực. Theo tác giả, từ thời Lê sơ (1428 –
1527), trên nhiều phương diện như: thiết chế chính trị, luật pháp, giáo dục…Đại Việt
đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc nhưng đó không phải là một sự rập
khuôn máy móc, tiếp nhận thụ động và xa rời chủ nghĩa yêu nước cũng như truyền
thống văn hóa dân tộc. Đại Việt lựa chọn, tiếp nhận những yếu tố Trung Hoa với tính
độc lập cao và tâm thế của một xã hội đang hướng mạnh đến những nhu cầu phát
triển nội tại và vì sự nghiệp chấn hưng dân tộc. Điều này được thể hiện rất rõ trong
chính sách ngoại giao của triều Lê sơ đối với nhà Minh. Trước áp lực của Trung
Quốc, trong khi các triều đại quân chủ Triều Tiên thường hướng đến và lựa chọn
cách thức giải quyết ôn hòa, tránh đương đầu trực tiếp với đế chế lớn thì dân tộc Việt
lại thường lựa chọn cách ứng xử mạnh, tức là sẵn sàng đứng lên bảo vệ nền độc lập
và chủ quyền dân tộc.
Trong bài viết “Thân oan cho Mạc Đăng Dung” (2000), tác giả Lê Văn Hòe
đã đưa ra nhiều dẫn chứng và luận điểm để “minh oan” cho những quyết định, việc
làm của Mạc Đăng Dung trong quan hệ với nhà Minh. Theo tác giả: “Kể ra làm vua
một nước mà phải cắt đất xin hàng giặc thì cũng đáng chê. Nhưng xét kĩ tình thế

trong nước hồi bấy giờ…nay dù họ Mạc đã dẹp yên bờ cõi, dựng nên nghiệp lớn,
nhưng vết thương loạn lạc chưa hàn gắn xong, lòng người còn hoang mang, thì ta
thấy họ Mạc không thể hành động khác được”.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, tác giả Ngô Đăng Lợi trong bài viết “Chính sách
ngoại giao nhà Mạc: Bài học lịch sử giá trị” (2010) cũng cho rằng cần phải nhìn nhận
lại quan điểm của nhiều sử gia phê phán việc Mạc Đăng Dung đầu hàng nhà Minh, nhận
nội thuộc, nhận chức Đô thống sứ…Theo tác giả, việc đầu hàng là một biện pháp tình
thế giống như việc Lê Lợi đại thắng quân Minh nhưng vẫn phải cấp tàu xe, lương thảo
cho Vương Thông rút quân, phải trả lừa, ngựa, binh khí, tù binh cho nhà Minh, lại phải
thực hiện danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” của nhà Minh mà dựng Trần Cảo làm vua, phải
cống người vàng…Tác giả cũng dẫn lại quan điểm của giáo sư Trần Quốc Vượng rằng:
“Triều Mạc thần phục giả vờ để giữ độc lập thật sự”.
Có thể tổng kết lại một số thành tựu mà các học giả Việt Nam và nước ngoài
đạt được từ quá trình nghiên cứu lịch sử mối quan hệ giữa Trung Quốc thời Minh với
các nước Đông Nam Á nói chung, với Đại Việt nói riêng như sau:
- Những vấn đề lý luận về sự hình thành chính sách đối ngoại của Trung Hoa
thời trung đại.
- Các khái niệm gắn liền với chính sách đối ngoại của Trung Hoa thời trung


13

đại: Hệ thống triều cống (Tributary system), trật tự thế giới Trung Hoa (Chinese
world order), hệ thống lễ trị thiên triều, trật tự Hoa Di, sách phong, triều cống…
- Một số vấn đề về quan hệ giữa Trung Quốc thời Minh với khu vực Đông
Nam Á, trong đó có Đại Việt, trên các lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, quân sự, thương
mại, văn hóa.
- Quan hệ sách phong, triều cống giữa Trung Quốc với Đại Việt ở thời Minh
cũng đã được đề cập tới, tuy còn ở mức khái quát trong công trình nghiên cứu của Tạ
Ngọc Liễn (trong phạm vi thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI), và trong công trình nghiên

cứu của Trần Văn Nguyên như đã giới thiệu ở trên.
Tuy nhiên, có thể nói, đến nay chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên
cứu một cách toàn diện, hệ thống về quan hệ sách phong, triều cống giữa Trung Quốc
và Đại Việt ở thời Minh (1368 – 1644). Những vấn đề còn chưa được nghiên cứu hệ
thống và chuyên sâu là:
- Những cơ sở của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt.
- Bối cảnh lịch sử của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt trong
các giai đoạn lịch sử cụ thể.
- Diễn tiến toàn diện của mối quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt
với những thăng, trầm và nguyên nhân của nó.
- Vị trí của quan hệ sách phong, triều cống trong quan hệ giữa hai nước ở thời
Minh và đặc điểm của mối quan hệ này.
Trên cơ sở khai thác các nguồn sử liệu Trung Quốc, sử liệu Việt Nam, kế thừa
kết quả nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, luận án sẽ đi sâu nghiên cứu
và giải quyết những vấn đề còn tồn tại trên.
3. Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung, luận án nghiên cứu quan hệ sách phong, triều cống giữa Trung
Quốc và Đại Việt trong thời kì nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368 đến năm
1644. Tuy nhiên, luận án cũng đề cập tới những quan hệ chính trị, quân sự và các
quan hệ khác có liên quan trực tiếp tới quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước
trong thời kì này.
Về thời gian, phạm vi thời gian luận án bao quát là từ năm 1368 khi nhà Minh
được thành lập, đến năm 1644 khi nhà Minh bị lật đổ. Sau năm 1644 mặc dù tàn dư
của triều Minh vẫn tồn tại lay lắt ở miền nam Trung Quốc một thời gian ngắn nữa và
vẫn có quan hệ với nhà Lê, nhưng lúc này lịch sử Trung Quốc và quan hệ Trung
Quốc – Đại Việt đã bước sang một thời kì mới.
Trong thời gian nhà Minh cai trị Trung Quốc, ở Đại Việt đã có 4 triều đại kế
tiếp nhau (riêng triều Lê lại bị chia cắt thành hai thời kì). Chính sách của nhà Minh
đối với các vương triều Đại Việt cũng có nhiều thay đổi, vì vậy, luận án phân chia
các giai đoạn nhỏ trong quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt theo thời



14

gian tồn tại của các vương triều ở Đại Việt.
Về việc sử dụng danh xưng “Minh”: Minh là tên gọi một triều đại phong kiến
Trung Quốc, đồng thời cũng là quốc hiệu của nước này từ năm 1368 đến năm 1644.
Trong luận án, danh xưng này tùy theo bối cảnh, có lúc được sử dụng với nghĩa quốc
hiệu, có lúc với nghĩa vương triều.
4. Mục đích, nhiệm vụ của luận án
4.1. Mục đích
Mục đích của luận án là khôi phục lại một cách hệ thống, toàn diện quan hệ
sách phong, triều cống giữa Trung Quốc và Đại Việt ở thời Minh với những thăng
trầm của nó qua các giai đoạn lịch sử cụ thể, lí giải nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại
bền vững của hình thức quan hệ này và làm sáng tỏ những đặc trưng cơ bản của quan
hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt. Qua đó, tác giả luận án hi vọng có thể bổ
sung tư liệu, nhận định, góp phần vào việc thúc đẩy nghiên cứu toàn diện lịch sử
quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước cũng như làm rõ một mô hình bang
giao độc đáo của các vương triều phong kiến Trung Quốc với các nước láng giềng.
4.2. Nhiệm vụ
Để thực hiện mục đích trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu
dưới đây:
- Phân tích các cơ sở của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt (cơ
sở tư tưởng, lợi ích và truyền thống).
- Phân tích toàn diện bối cảnh lịch sử Trung Quốc, Đại Việt và chính sách của
các vương triều tác động đến quan hệ sách phong, triều cống giữa hai nước qua các
giai đoạn cụ thể.
- Khôi phục lại tiến trình quan hệ sách phong, triều cống Minh - Đại Việt từ
năm 1368 đến năm 1644.
- Đánh giá vị trí và phân tích các đặc điểm của mối quan hệ sách phong, triều

cống Minh – Đại Việt.
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
* Tư liệu gốc
Nguồn sử liệu Trung Quốc quan trọng nhất được luận án tập trung khai thác là
Minh thực lục (明實錄). Đây là bộ biên niên sử đồ sộ của 13 hoàng đế nhà Minh (có
hai vua là Kiến Văn và Đại Tông không có thực lục riêng, còn thực lục của vua Tư
Tông không được xem là chính thức), gồm 3.053 quyển với tổng cộng hơn 40.000
trang ghi chép về những sự kiện lớn nhỏ của triều Minh. Ở góc độ quan hệ đối ngoại,
Minh thực lục cung cấp cho các nhà nghiên cứu những tư liệu về tiến trình phát triển
của các mối bang giao giữa Trung Quốc với các nước, trong đó có Đại Việt.


15

Do Đại Việt là một nước láng giềng liền kề, có nhiều điểm tương đồng về văn
hóa, có mối quan hệ mật thiết với nhà Minh nên phần viết về Đại Việt chiếm một số
lượng lớn trong Minh thực lục. Trong Minh thực lục có tới 1329 văn bản, đoạn văn
bản liên quan đến Đại Việt và Chămpa. Toàn bộ các văn bản và đoạn văn bản này lần
đầu tiên đã được nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo dịch ra tiếng Việt, Phạm Hoàng
Quân hiệu đính, và được NXB Hà Nội xuất bản năm 2010 (có kèm bản gốc chữ Hán)
với tiêu đề: “Minh thực lục: Quan hệ Trung Quốc – Việt Nam thế kỉ XIV –
XVII” (3 tập). Tuyển tập tư liệu này đã cung cấp nhiều sử liệu quan trọng và chi tiết
về việc cầu phong, sách phong, triều cống, thông hiếu…trong quan hệ bang giao giữa
hai nước ở thời Minh. Từ những ghi chép của Minh thực lục, các nhà nghiên cứu
Việt Nam có thể khai thác được nhiều tư liệu quí để bổ sung cho nguồn sử liệu Việt,
khảo sát, đối chứng với các ghi chép trong thư tịch cổ Việt Nam về quan hệ sách
phong, triều cống giữa Đại Việt với nhà Minh. Tuy nhiên, cũng cần dựa vào các
nguồn sử liệu Việt để khảo sát, đối chứng những ghi chép của Minh thực lục, để cải
chính những lầm lẫn của Minh thực lục về tên người, địa danh Việt và cả những

quan điểm, nhận định không phù hợp của các sử gia Minh khi viết về mối quan hệ
này.
Nguồn sử liệu Việt Nam quan trọng nhất đối với luận án là Đại Việt sử kí
toàn thư (viết tắt là Toàn thư), bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Luận án sử
dụng bản dịch và chú thích của Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long (hiệu
đính: Hà Văn Tấn) do NXB KHXH xuất bản (bản in năm 2009).
Với cách viết sử theo lối biên niên, Toàn thư đã ghi lại theo trình tự thời gian
những sự kiện có liên quan đến quan hệ sách phong, triều cống giữa Đại Việt với
triều Minh từ năm 1368 đến năm 1644 như việc cầu phong, sách phong, triều cống,
thông hiếu…Toàn thư là một nguồn sử liệu phong phú, có giá trị cao để nghiên cứu
về quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt và để đối chiếu, so sánh, kiểm
chứng các nguồn sử liệu Trung Quốc về vấn đề này. Tuy nhiên, đôi khi các sự kiện
cầu phong; sách phong được ghi chép trong Toàn thư còn bị nhầm lẫn về thời gian;
chủng loại và số lượng cống phẩm, quà tặng lại của nhà Minh cũng ít được ghi chép
cụ thể. Để khắc phục điều này, luận án dựa vào sử liệu Trung Quốc và các nguồn sử
liệu Việt khác.
Ngoài Minh thực lục và Toàn thư, luận án còn tập trung khai thác nhiều
nguồn sử liệu có giá trị khác như: Minh sử (明史), Lịch triều hiến chương loại chí,
Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Lê triều hình luật, Đại Việt thông
sử (còn gọi là Lê triều thông sử), An Nam chí lược, Vân đài loại ngữ, Tưởng Lê
an Mạc tập, Mai Lĩnh sứ hoa thi tập…
* Tài liệu tham khảo: Các công trình nghiên cứu đã được công bố của các học


16

giả trong và ngoài nước xung quanh những vấn đề có liên quan đến luận án, gồm các
sách chuyên khảo, các tuyển tập báo cáo khoa học, các bài viết trên tạp chí chuyên
ngành, các luận án, luận văn, các báo cáo trong các hội thảo khoa học…
5.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp chủ yếu được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài là phương
pháp nghiên cứu lịch sử và phương pháp logic. Trong đó, tiếp cận tư liệu; phân loại tư
liệu; xử lý, phê phán tư liệu; khai thác triệt để các tư liệu gốc theo hướng tiếp cận lịch
đại, đồng đại, hệ thống là sự lựa chọn ưu tiên của luận án.
Luận án cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp cụ thể (Case
study), phương pháp nghiên cứu liên ngành và các phương pháp phân tích, tổng hợp,
thống kê, so sánh để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu mà đề tài đặt ra.
6. Đóng góp của luận án
Giải quyết được các nhiệm vụ đặt ra, luận án có thể có những đóng góp như sau:
- Tái hiện một cách khách quan, sinh động quá trình xác lập, duy trì, củng cố
quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt qua các cặp quan hệ: Minh - Trần,
Minh - Hồ, Minh – Lê sơ, Minh – Mạc, Minh – Lê trung hưng, với những nét đặc thù
dưới tác động của bối cảnh lịch sử cụ thể.
- Làm sáng tỏ các cơ sở của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt;
đánh giá vị trí, xác định đặc điểm của mối quan hệ này và phân tích thực chất thái độ
của các vương triều Đại Việt trong quan hệ với nhà Minh. Trên cơ sở đó, luận án hy
vọng cung cấp một ví dụ cụ thể, điển hình để kiểm chứng và đánh giá các lý thuyết
triều cống mà một số học giả đã nêu ra.
- Bổ sung tư liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy về quan hệ bang giao giữa
hai nước Trung Quốc, Đại Việt ở thời phong kiến.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án
gồm 4 chương:
Chương 1: Cơ sở của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt
Chương 2: Quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt giai đoạn 1368 – 1527
Chương 3: Quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt giai đoạn 1527 – 1644
Chương 4: Một số nhận xét về quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt

Chương 1
CƠ SỞ CỦA QUAN HỆ SÁCH PHONG,

TRIỀU CỐNG MINH - ĐẠI VIỆT


17

1.1. Sự phát triển cao độ của tư tưởng “thiên triều – chư hầu” dưới triều Minh
1.1.1. Khái niệm “sách phong”, “sắc phong”, “cống”, “triều cống” và nguồn gốc
của các hiện tượng này
Tư tưởng “thiên triều – chư hầu” có nguồn gốc từ thời Tiên Tần ở Trung Quốc,
được củng cố, phát triển trong suốt thời kì phong kiến và trở thành cơ sở tư tưởng chi
phối mọi mối quan hệ của các vương triều phong kiến Trung Quốc với các nước xung
quanh. Ở thời Minh, cùng với sự cường thịnh của Trung Quốc, tư tưởng “thiên triều –
chư hầu” cũng được phát triển cao độ và là cơ sở tư tưởng của quan hệ sách phong,
triều cống Minh – Đại Việt, cũng như giữa Minh với các chính thể khác ở châu Á. Để
làm rõ vấn đề này, trước hết cần phân tích các khái niệm “sách phong”, “sắc phong”,
“cống”, “triều cống” và nguồn gốc của các hiện tượng đó.
* Sách phong:
Theo Từ điển Hán Việt từ nguyên của Bửu Kế thì “sách phong” (冊封) là một
từ ghép, trong đó “sách” (冊) là “mệnh lệnh của vua”, còn “phong” (封) là “ban cho
tước hiệu”. Vậy “sách phong” là việc nhà vua ban tước hiệu, đất đai cho một người
để xác định địa vị của người đó [25; 1567].
* Sắc phong:
“Sắc” (敕 ) là văn bản của vua ban hành [25; 1582], còn “phong” (封) là “ban
cho tước hiệu”. Vậy sắc phong là văn bản ghi chỉ dụ, mệnh lệnh của vua ban tước
hiệu hay đất đai cho một người để xác định địa vị của người đó. Văn bản này ghi họ,
tên, tước hiệu được phong và lí do phong.
Chế độ phân phong ở Trung Quốc có mầm mống từ thời Thương (khoảng thế
kỷ XVI TCN – khoảng năm 1066 TCN) và được xác lập, phát triển ở thời Tây Chu
(khoảng 1066 – 771 TCN). Ngay từ đầu thời Tây Chu, trên cơ sở chế độ tông pháp,
Chu Vũ Vương (vua đầu tiên của nhà Chu), Chu Công Đán (Nhiếp chính), Chu

Thành Vương (vua thứ hai của nhà Chu) đã thi hành chế độ phong tước, cắt đất chia
cho con cháu, công thần, lập nên một hệ thống các nước chư hầu trong lãnh thổ
Trung Quốc. Đại thể, tùy theo tôn ti, thứ bậc, địa vị chính trị, vua Chu phong cho con
em, công thần một trong năm tước: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Diện tích đất được chia
tùy theo tước vị. Tương truyền, Chu Vũ Vương, Chu Công Đán, Chu Thành Vương
đã phân phong 71 nước. Theo thời gian, số các nước chư hầu ngày càng tăng, có lúc
lên đến hàng trăm nước. Tuân Tử từng nói: “Con cháu nhà Chu, nếu không điên hay
ngốc, thì đều làm chư hầu nổi tiếng trong thiên hạ” [75; 273].
Tước vị và đất phong được thừa kế theo chế độ “cha truyền con nối”. Các
nước chư hầu có chính quyền, quân đội, chế độ thuế khóa, luật pháp riêng…, về cơ


18

bản vua Chu không can thiệp. Các chư hầu có nhiệm vụ cai quản đất đai được phân
phong, phục tùng mệnh lệnh của vua Chu và thực hiện các nghĩa vụ với nhà vua,
trong đó nghĩa vụ quan trọng nhất là hàng năm phải đến chầu và nộp cống. Ngoài ra
khi có chiến tranh, loạn lạc, chư hầu phải đem quân đội đến giúp vua. Tước vị truyền
lại cho con cháu phải được vua Chu phê duyệt. Nếu chư hầu nào không thực hiện
đúng những quy định đó có thể bị giáng tước vị, bị thu hồi đất phong, thậm chí bị
tiêu diệt. Ngược lại, bổn phận của vua Chu là che chở, giúp đỡ chư hầu. Nếu bị ngoại
tộc xâm lược thì vua Chu sẽ cử quân đội đến giúp đỡ, nếu mất mùa thì cứu trợ. Vài
năm một lần vua Chu phải đi thăm hết các nước chư hầu (thực ra chỉ có thể thăm một
số nước lớn – TG).
Nhận xét về chế độ phân phong thời Chu, một số học giả Trung Quốc cho
rằng chế độ phân phong đó “vừa là chế độ tổ chức nhà nước lại vừa là tổ chức xã
hội” [17; 341]. Chế độ này phù hợp với tình hình kinh tế và trình độ tổ chức xã hội
của giai cấp thống trị lúc đó. Tuy nhiên, chế độ phân phong này đã trở thành nguồn
gốc của các cuộc xung đột, chính biến, đẩy xã hội Trung Quốc vào một thời kỳ chiến
tranh, loạn lạc kéo dài hàng thế kỉ. Vì vậy sau khi tiêu diệt được các nước chư hầu

khác thống nhất Trung Quốc vào năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng đã xóa bỏ chế độ
phân phong thời Chu, chia cả nước thành 36 quận, dưới quận là huyện. Chế độ hành
chính quận, huyện hoàn toàn đối lập với chế độ phân phong giúp cho Tần Thủy
Hoàng xây dựng được chế độ trung ương tập quyền vững mạnh. Sau này, nhà Hán và
một số triều đại khác cũng thực hiện chế độ phong vương cho con cháu, công thần,
nhưng diện tích đất phong thường nhỏ và thời gian tồn tại không dài.
* Cống:
Trong tiếng Hán từ “cống” ( 貢) có nghĩa là “dâng lên”, “dâng biếu”. Khái
niệm này được hiểu là hành động của kẻ dưới, cấp dưới dâng quà, tài sản, tiền bạc,
phương vật… lên cho bề trên, cấp trên.
Thiên “Vũ cống” trong sách “Thượng thư” có lẽ là tài liệu sớm nhất viết về
“cống” chép: vào thời Hạ, vua Vũ chia đất làm 9 châu, rồi căn cứ vào các loại đất tốt
xấu khác nhau để đánh thuế và quy định các đồ cống nạp. “Cống” ở thời Hạ Vũ có lẽ
chỉ là một hình thức “phụ thu” mà chính quyền trung ương đặt ra cho các địa phương
bên cạnh việc thu thuế ruộng đất.
* Triều cống:
Khái niệm “triều cống” trong tiếng Hán gồm hai từ: “triều” (朝) chỉ triều đình
và “cống” (貢) là “dâng lên”, “dâng biếu”. Khái niệm này được dùng để chỉ việc một
nước nhỏ đem dâng phẩm vật cho nước lớn, hoặc một chư hầu đem dâng phẩm vật
lên vua. Chế độ triều cống gắn với chế độ phân phong thời Tây Chu. Theo đó, vua


19

các nước chư hầu của nhà Chu có nghĩa vụ hàng năm đến chầu và nộp cống cho triều
đình. Đây chính là nguồn gốc của chế độ triều cống mà sau này các vương triều
phong kiến Trung Quốc áp dụng với các nước xung quanh.
Như vậy, chế độ phân phong, triều cống có từ thời cổ đại và là một hình thức
tổ chức cai trị nội bộ, dựa chủ yếu trên quan hệ huyết thống của giai cấp thống trị
Trung Quốc. Chế độ này được xác lập thành hệ thống và được thực hiện triệt để ở

thời Chu. Phong tước gắn liền với cấp đất; nhận tước, nhận đất gắn với nghĩa vụ triều
cống và thực hiện mọi mệnh lệnh của phong quân.
Sang thời phong kiến, với sự hình thành các đế chế lớn mạnh (Tần, Hán, Tấn,
Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh), giai cấp phong kiến Trung Quốc đã áp
dụng phương thức sách phong và triều cống này để xử lý mối quan hệ giữa Trung
Quốc với các quốc gia xung quanh có quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, muốn thiết
lập và duy trì quan hệ với Trung Quốc, muốn được hoàng đế Trung Quốc sách
phong, các vương quốc và các bộ tộc phải thừa nhận và phục tùng “thiên triều”,
“thiên tử”, phải tuân theo các nguyên tắc trong quan hệ do triều đình Trung Quốc đặt
ra, phải xưng thần, cầu phong và triều cống định kỳ. Ngoại quốc, ngoại tộc dâng lễ
vật đến triều đình Trung Quốc gọi là “triều cống”, triều đình Trung Quốc ban thưởng
lại lễ vật cho ngoại quốc, ngoại tộc gọi là “hồi tứ” (hồi: trở lại; tứ: ban thưởng, ban
tặng).
Sách phong, triều cống dần dần trở thành mô thức chủ yếu của mối quan hệ
giữa Trung Quốc với các quốc gia, bộ tộc bên ngoài. Mối quan hệ đó tạo nên cái mà
sau này được nhiều học giả phương Tây gọi là “hệ thống triều cống” (Tributary
system) hay “trật tự thế giới Trung Hoa” (Chinese world order).
Vậy chế độ sách phong, triều cống này được giai cấp thống trị Trung Quốc áp
dụng trong quan hệ với các nước xung quanh từ khi nào? Có nhiều quan điểm khác
nhau về vấn đề này. Sử ký của Tư Mã Thiên (các thiên “Lịch Sinh, Lục Giả liệt
truyện” và “Nam Việt Úy Đà liệt truyện”) cho biết: sau khi nhà Tần sụp đổ (năm 206
TCN), Triệu Đà – quan úy (chức quan phụ trách quân sự một quận) quận Nam Hải,
đã chiếm 3 quận ở cực Nam của đế chế Tần là Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận để
lập ra nước Nam Việt, tự xưng là Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung
(Quảng Châu). Sau khi bình định được thiên hạ, nhà Hán cũng chưa thể “trị tội” được
Triệu Đà. Năm 196 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang (206 – 195 TCN)- hoàng đế đầu
tiên của nhà Hán, đã cử Lục Giả làm sứ giả sang phong Triệu Đà làm Nam Việt
Vương, cho phép phái sứ giả đi lại với Trung Quốc [81; 525-526]. Đến thời Cao Hậu
(187 – 180 TCN), do mâu thuẫn với nhà Hán, Triệu Đà bèn tự tôn là “Nam Việt Vũ
Đế”, dùng xe mui lụa màu vàng, mệnh lệnh ban ra gọi là “chế”, tự xem mình ngang

với hoàng đế Hán chứ không chịu thần phục nhà Hán nữa. Sau khi Cao Hậu chết,


20

Hán Văn Đế (180 – 157 TCN) đã tìm cách dụ dỗ, mua chuộc Triệu Đà và lại cử Lục
Giả đi sứ lần thứ hai sang vỗ về. Triệu Đà lại quy phục nhà Hán và “xin mãi mãi làm
phiên thần dâng lễ cống” [81; 526-527]. Đến thời Hán Cảnh Đế (157 – 141 TCN) và
đầu thời Hán Vũ Đế (141 – 87 TCN), nước Nam Việt vẫn xưng thần, nộp cống và
cho người vào chầu nhà Hán. Thậm chí Triệu Hồ (cháu nội Triệu Đà, lên ngôi năm
137 TCN) còn cho con là Anh Tề sang làm con tin ở triều đình nhà Hán [81; 527].
Tuy nhiên, đến năm 111 TCN, Hán Vũ Đế đã phát đại binh sang chinh phục Nam
Việt.
Có thể nói, theo Sử ký thì ngay từ đầu thời Tây Hán, giai cấp phong kiến cầm
quyền ở Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chế độ sách phong, triều cống trong quan hệ
với các nước xung quanh. So với chế độ phân phong trong nội bộ thì chế độ sách
phong, triều cống này khác căn bản ở chỗ: việc phong tước không gắn với cấp đất và
người dân sống trên đất ấy. Như vậy việc phong tước này chỉ có tính chất tượng
trưng. Không những thế, việc vua Trung Quốc phong tước vương cho vua một nước
khác thực chất là công nhận sự tồn tại độc lập của nước đó. Tuy nhiên, với ưu thế về
kinh tế, quân sự, các vương triều phong kiến Trung Quốc luôn buộc các nước này
phải thần phục và triều cống.
Vị trí và tầm quan trọng của quan hệ sách phong, triều cống trong nền chính
trị Trung Quốc thể hiện ở chỗ trong các triều đình phong kiến Trung Quốc luôn có
một viên quan cao cấp hoặc một cơ quan chuyên phụ trách về vấn đề này. Ở thời Hán
là Điển khách (có lúc gọi là Đại hồng lô) – một trong “cửu khanh” của triều đình, ở
thời Tấn là Khách tào – một trong lục tào (tương đương với bộ sau này), còn ở các
thời sau là bộ Lễ. Các cơ quan này đề ra những nguyên tắc rất chặt chẽ về thể lệ, nghi
thức cầu phong, sách phong, triều cống. Trong đó có những quy định rất chi tiết về
thành phần, số lượng người của các sứ đoàn triều cống, lộ trình và số lượng phương

tiện của các sứ đoàn, loại cống phẩm và lịch triều cống cho từng nước… Các chế độ
đãi ngộ mà phía Trung Quốc dành cho các sứ đoàn, cách thức, thể lệ, địa điểm đón
tiếp các sứ đoàn, lễ vật phía Trung Quốc tặng lại cho các nước và cho các thành viên
sứ đoàn cũng được quy định cụ thể.
1.1.2. Sự phát triển cao độ của tư tưởng “thiên triều - chư hầu” dưới triều Minh cơ sở tư tưởng của quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt
Quan hệ sách phong, triều cống giữa các vương triều phong kiến Trung Quốc
và các nước xung quanh nói chung, giữa Minh và Đại Việt nói riêng được xây dựng
trên cơ sở tư tưởng nào? Các nhà nghiên cứu Trung Quốc và Việt Nam đã có những
quan điểm và cách diễn giải khác nhau về vấn đề này.
Trong tác phẩm “Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV – đầu thế
kỷ XVI”, Tạ Ngọc Liễn cho rằng: “Việc coi các nước ở xung quanh là chư hầu và


21

thực hiện chế độ phong vương cho các nước đó, có lẽ bắt nguồn từ tư tưởng “Trung
Hoa là cả thiên hạ”. Về sau, tư tưởng ấy trở thành chủ nghĩa lấy Trung Quốc làm
trung tâm thế giới” [40; 51,53].
Trong bài “Luận về trật tự Hoa Di”, học giả Trung Quốc là Hà Phương Xuyên
cho rằng quan niệm về “Trật tự Hoa – Di” là cơ sở của mối quan hệ giữa các vương
triều phong kiến Trung Quốc với các nước xung quanh. Theo Hà Phương Xuyên, với
quan niệm trật tự Hoa – Di, “đế quốc Trung Hoa và người thống trị đất nước này
luôn đóng vai trò ở trên cao vươn xuống thấp, bao trùm tất cả trong cái trật tự “Hoa
– Di” đó. Chính vì thế khi xử lý mối quan hệ đối ngoại của mình, với ý thức theo chủ
nghĩa nước lớn đầy ngạo mạn, đế quốc Trung Hoa luôn để lại dấu ấn đậm nét trong
mọi hoạt động mỗi khi có cơ hội” [191; 30-45].
Việc giải mã lí luận chi phối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc thời cổ đã thu
hút nhiều học giả ở trong và ngoài nước. Cách tiếp cận và diễn đạt của mỗi người có
thể khác nhau, nhưng nói chung đều đã phản ánh được nội dung cơ bản của vấn đề đặt
ra. Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc cho phép khẳng định, cơ sở tư tưởng của

quan hệ sách phong, triều cống Minh – Đại Việt nói riêng, giữa các vương triều phong
kiến Trung Quốc với các nước xung quanh nói chung, là tư tưởng “thiên triều - chư
hầu”. Tư tưởng này chi phối cách hành xử của các vương triều phong kiến Trung Quốc
trong quan hệ với các nước nhỏ yếu xung quanh và cả cách ứng xử của các nước xung
quanh với Trung Quốc.
Tư tưởng “thiên triều – chư hầu” manh nha từ thời Hạ, Thương và được định
hình ở thời Chu. Từ thời Chu, các vua Trung Quốc đều tự coi mình là “thiên tử”, tức là
“con trời”, làm vua theo “thiên mệnh” (mệnh trời) và gọi triều đình của mình là “thiên
triều”. Với quan niệm đó, toàn bộ đất đai, con người dưới gầm trời (thiên hạ) đều thuộc
quyền sở hữu tối cao của nhà vua. Trên cơ sở đó nhà Chu đã phong tước, cấp đất cho
con, cháu, công thần của mình, lập thành hệ thống các nước chư hầu như đã nói ở trên.
Như vậy, khởi đầu thì các chư hầu đều là con, cháu, công thần của “thiên tử”. Nhà Chu
sử dụng hệ thống chư hầu này để cai trị đất nước và bành trướng.
Đến thời phong kiến, với sự hình thành các đế chế lớn theo thể chế tập quyền
chuyên chế cao độ, tư tưởng “thiên triều - chư hầu” đã được các vương triều phong
kiến Trung Quốc áp đặt trong quan hệ với các quốc gia, bộ tộc xung quanh. Theo đó,
triều đình Trung Quốc là “thiên triều”, còn các quốc gia xung quanh của “Man, Di,
Nhung, Địch” (thường gọi chung là “Tứ Di”) là chư hầu. Tư tưởng này phản ánh
nhận thức của các vương triều phong kiến Trung Quốc về địa vị của nó trong thiên hạ
và địa vị của các quốc gia, bộ tộc nhỏ bé xung quanh. Trên cơ sở tư tưởng “thiên
triều - chư hầu” mà các vương triều phong kiến Trung Quốc tự cho mình cái quyền


×