Tải bản đầy đủ (.doc) (163 trang)

SÁNG tác DÀNH CHO THIẾU NHI của XUÂN QUỲNH

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.38 MB, 163 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
----˜&™----

BÙI THỊ ÁNH TUYẾT

SÁNG TÁC DÀNH CHO THIẾU NHI
CỦA XUÂN QUỲNH
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam hiện đại
Mã số: 60.22.01.21



LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học: TS. Lê Hải Anh

HÀ NỘI – 2014


LỜI CẢM ƠN
Em xin trân trọng bày tỏ lòng biết ơn TS Lê Hải Anh là người hướng
dẫn khoa học đã tận tình giúp đỡ em trong quá trình nghiên cứu và hoàn
thiện luận văn.
Em xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn và các thầy
cô trong khoa Ngữ văn, các cán bộ quản lí đào tạo của trường Đại học sư
phạm Hà Nội đã nhiệt tình giảng dạy và tạo điều kiện giúp đỡ em trong quá
trình học tập, nghiên cứu.
Xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới những người thân trong gia đình,
bạn bè và đồng nghiệp, những người đã luôn khích lệ và động viên tôi
hoàn thành luận văn này.


Mặc dù đã rất cố gắng, song những thiếu sót trong luận văn là điều
không thể tránh khỏi, em rất mong được sự góp ý của các thầy cô giáo, các
bạn bè đồng nghiệp và những người cùng quan tâm tới vấn đề nghiên cứu
trong luận văn.
Xin trân trọng cảm ơn!
Tác giả

Bùi Thị Ánh Tuyết


MỤC LỤC
PHỤ LỤC


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Bất cứ một nền văn học nào trên thế giới cũng chứa đựng trong
lòng nó một bộ phận văn học không thể thiếu là văn học thiếu nhi. Đó là
những tác phẩm văn học hàm chứa tất cả những xúc cảm và tình cảm tinh tế,
ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ, được các em thích thú, say mê và có giá trị
giáo dục. Cùng với các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa...văn
học thiếu nhi là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên tâm hồn và
nhân cách mỗi người ngay từ tuổi ấu thơ. Và cũng chính bộ phận văn học
thiếu nhi đã góp phần quan trọng tạo nên sự hoàn chỉnh cho diện mạo của nền
văn học mỗi dân tộc trên thế giới. Khám phá được thơ văn trữ tình viết cho trẻ
thơ là đã chiếm lĩnh được tâm hồn và tài năng của nhà thơ, nhà văn – những
người thân quý của các em.
1.2. Ở nước ta văn thơ viết cho thiếu nhi ngày càng phát triển với đội
ngũ sáng tác khá đông đảo như: Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Định Hải,
Hoàng Tá, Dương Thuấn, Nguyễn Hoàng Sơn…bên cạnh đó các nhà thơ nữ

sáng tác cho thiếu nhi cũng xuất hiện càng nhiều như: Xuân Quỳnh, Phan Thị
Thanh Nhàn, Lâm Thị Vĩ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Nguyễn Thị Mai...Trong
số đó, Xuân Quỳnh là một cây bút nữ có vị trí khá quan trọng. Ngoài những
đóng góp với mảng thơ viết về đề tài tình yêu, chị cũng có nhiều đóng góp
cho mảng văn học thiếu nhi. Những tác phẩm viết cho các em là “món quà
của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn nhỏ bây giờ” [60].
1.3. Xuân Quỳnh (1942-1988) không chỉ là nhà thơ tình nổi tiếng của
thơ ca Việt Nam hiện đại, chị còn là cây bút có duyên trong những sáng tác
viết cho thiếu nhi. Trên cả hai lĩnh vực: sáng tác thơ và truyện cho thiếu nhi,
Xuân Quỳnh đều để lại những thành công đáng kể. Nhiều trang thơ của chị

1


làm đắm say tâm hồn trẻ thơ. Truyện viết cho thiếu nhi của chị vừa giản dị,
gần gũi cuộc sống, vừa sâu sắc, chan chứa tình người, khiến bạn đọc gập
trang sách còn bâng khuâng muốn giở ra đọc lại nhiều lần. Tìm hiểu thơ văn
viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về thế
giới thơ của chị, hiểu những tình cảm rất đời thường, dung dị của nữ thi sĩ
này. Những sáng tác ấy đã nhẹ nhàng gieo vào tâm hồn tuổi thơ các em sống
biết yêu thương, vị tha và cao thượng. Không chỉ dành riêng cho trẻ em,
những bà mẹ trẻ đọc thơ văn Xuân Quỳnh cũng tìm thấy bóng dáng mình
trong đó. Những tác phẩm dù là thơ hay truyện ngắn đều được Xuân Quỳnh
viết bởi một trái tim nhân hậu đằm thắm yêu thương và giàu nữ tính. Mặc dù
Xuân Quỳnh là người sinh sau đẻ muộn so với các tác giả Tô Hoài, Võ
Quảng, Phạm Hổ, Nguyễn Huy Thiệp nhưng các tác phẩm dành cho thiếu nhi
của chị lại mang một diện mạo riêng. Nó thấm đẫm tình yêu thương con trẻ
của một trái tim phụ nữ. Trẻ em thích tác phẩm của Xuân Quỳnh bởi chị luôn
tìm ra những điều mới lạ, ngộ nghĩnh, đáng yêu từ những cái quen thuộc của
cuộc sống hàng ngày.

1.4. Trong thời đại ngày nay, thiếu nhi sớm được tiếp xúc với các
phương tiện hiện đại, sớm được sống trong nhịp điệu của cuộc sống hiện đại.
Trí tưởng tượng của các em phát triển theo chiều hướng mới. Vì vậy việc tìm
ra giá trị đích thực của các tác phẩm văn học nói chung, của tác phẩm văn học
thiếu nhi nói riêng là điều cần thiết để có những lựa chọn đúng đắn trong việc
xây dựng chương trình sách giáo khoa tiểu học, mầm non, trung học cơ sở mới
hiện nay. Qua khảo sát, tôi thấy mặc dù số lượng tác phẩm không nhiều nhưng
các tác phẩm của Xuân Quỳnh chiếm vị trí khá quan trọng và đã thực sự lôi cuốn
với thiếu nhi. Một số tác phẩm của chị đã được chọn lọc đưa vào chương trình
giảng dạy ở bậc mầm non và tiểu học nhờ giàu giá trị nhân văn và nghệ thuật
ngôn từ hấp dẫn như truyện Hoa dâm bụt, Cô gió mất tên, Mùa xuân trên

2


cánh đồng, Người nặn đồ chơi... và Tiếng gà trưa, Truyện cổ tích loài người.
Với tấm lòng yêu thích ngưỡng mộ đối với một tài năng thơ văn, cùng với niềm
yêu thích thơ văn thiếu nhi tôi đã mạnh dạn lựa chọn đề tài:
“Sáng tác dành cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh ”.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nếu như nhắc đến nhà thơ nữ Việt Nam, chắc rằng không ai là không
nhắc đến Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh có một cuộc đời ngắn ngủi bốn mươi sáu
năm, một sự nghiệp thơ chỉ trên hai mươi lăm năm, số lượng tác phẩm tuy
không nhiều nhưng cũng đủ khắc nên một dấu ấn đậm nét trong nền thơ ca
Việt Nam. Là một hiện tượng của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, nên đã có rất
nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà phê bình đã bàn về con người và
tác phẩm của Xuân Quỳnh nói chung, các tác phẩm viết cho thiếu nhi của
Xuân Quỳnh nói riêng.
Về những đóng góp của Xuân Quỳnh trong nền văn học Việt Nam hiện
đại, Phạm Tiến Duật đã nhận xét: “Kể từ 1945 trở lại đây, Xuân Quỳnh là

nhà thơ nữ được coi là một trong những tài năng nổi bật, mới mẻ và phong
phú nhất trong những cây bút nữ làm thơ”.
Nguyễn Duy thì cho rằng: “Xuân Quỳnh - một trong tài sắc hiếm hoi
của làng văn Việt Nam hiện đại đã để lại cho đời ngót nghét 10 tập thơ với
giọng điệu rất riêng, bóng dáng rất riêng trong rừng văn rậm rạp. Nếu lập
bảng danh sách những nhà thơ tiêu biểu nhất của thời nay theo tôi Xuân
Quỳnh là vài ba cái tên được xếp vào ở hàng đầu”
Đồng tình với Phạm Tiến Duật, Anh Ngọc nhận xét: “Thơ Xuân Quỳnh
đã khẳng định một tài năng phong phú, sắc sảo với những đóng góp có vị trí
đặc biệt trong nền thơ Việt Nam hiện đại nói chung và theo tôi xuất sắc nhất
trong giới thơ nữ nói riêng”.

3


Nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong Con người và nhà thơ nhận xét
"Xuân Quỳnh là hiện tượng rất quan trọng của nền thơ ca chúng ta. Có lẽ từ
Hồ Xuân Hương, qua các chặng phát triển, phải đến Xuân Quỳnh, nền thơ ấy
mới lại thấy một nữ sĩ mà tài năng và sự đa dạng của tâm hồn được thể hiện
ở một tầm cỡ đáng như vậy, dồi dào phong phú như vậy” [3, 259]. Các sáng
tác của chị được các nhà nghiên cứu, phê bình, độc giả yêu thơ quan tâm với
rất nhiều bài viết chuyên biệt hoặc được tổng hợp trong các tuyển tập nghiên
cứu khá dày dặn.
2.1. Tác giả Vân Thanh, một trong những nhà nghiên cứu tiêu biểu, tâm
huyết với văn học thiếu nhi, coi việc nghiên cứu văn học thiếu nhi là sự
nghiệp của cả đời mình, trong bài viết Xuân Quỳnh với thơ thiếu nhi đã
khẳng định “thơ viết cho thiếu nhi (...) là một bộ phận quan trọng làm nên sự
nghiệp của nhà thơ nữ đặc sắc Xuân Quỳnh”. Bài viết đã chỉ ra những đặc
trưng tạo nên nét đặc sắc và phong cách trong sáng tác thơ cho thiếu nhi của
Xuân Quỳnh. Điều đó được thể hiện ở tình mẫu tử thiêng liêng “là thiên thần,

là đối tượng che chở và cũng là điểm tựa tinh thần” trong tư cách làm mẹ của
Xuân Quỳnh: ở ý nghĩa giáo dục sâu sắc “không có sự cao đạo, lên giọng,
truyền giảng”, “không phải là lối nhại mượn bắt chước, cưa sừng làm nghé”,
mà là cách“nói chính lời trẻ thơ, nghĩ cách nghĩ trẻ thơ. Rồi lại có thể tách ra
khỏi trẻ thơ, để ngụ vào đấy một triết lý hồn nhiên của sự sống, thứ triết lý
mà ở mỗi lứa tuổi đời có thể hấp thụ một cách riêng”, ở những vần thơ giản
dị: “dồi dào và trong trẻo, ngộ nghĩnh và dễ thương”, “đi sâu vào những trải
nghiệm của bản thân (...) nhưng đã biểu đạt hộ cho chúng ta những chân lí
thật thông thường mà không dễ ai cũng nói được tỏ tường” [65,
1095,1097,1014]. Có thể nói đây là bài viết đã có những nhận xét đánh giá
khá sâu sắc, toàn diện về những đặc sắc trong thơ viết cho thiếu nhi của Xuân

4


Quỳnh qua một số bài thơ tiêu biểu của chị.
Trong cuốn Xuân Quỳnh, cuộc đời và tác phẩm do Lưu Khánh Thơ
và Đông Mai tuyển chọn (nhà xuất bản văn học - 2003) cũng có một số bài
viết về thơ tình Xuân Quỳnh. Những bài viết này ít nhiều đề cập đến thơ văn
viết cho thiếu nhi của chị. Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ khi viết về Xuân
Quỳnh trong Nhà thơ Việt Nam hiện đại đã nói về sự phát triển cả bề rộng
lẫn chiều sâu trong sáng tác viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh. Bàn về thế
giới giọng điệu thơ Xuân Quỳnh, trong bài Cảm nhận về thơ Xuân Quỳnh,
Lưu Khánh Thơ viết: “Điểm đặc sắc hơn trong nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh
có lẽ là giọng điệu thơ. Thơ chị có một giọng điệu riêng là rất dễ nhận ra.
Giọng điệu ở đây không phải là cách nói mà là cảm xúc, là giọng điệu của
tâm hồn. Một giọng điệu không kiểu cách, khiên cưỡng mà luôn tự nhiên,
phóng khoáng. Chị thường hay chọn lời ru hoặc lấy cảm hứng từ lời ru làm
giọng điệu cho bài thơ của mình. Với những lời ru, Xuân Quỳnh đã chọn
được một giọng điệu thích hợp cho tiếng hát của tâm hồn chị: tâm hồn một

người mẹ nhân hậu, một người yêu đằm thắm và giàu đức hi sinh. Sử dụng
biện pháp nghệ thuật này có lẽ chị muốn thơ mình là những lời ru ngọt ngào,
sâu lắng, chân thành” [16, 253].
Cũng có chung suy nghĩ về giọng điệu thơ Xuân Quỳnh, trong bài: Nhớ
Xuân Quỳnh – nhớ một giọng thơ, tác giả Mã Giang Lân có viết: “Lúc thủ
thỉ, lúc tâm tình, khi dạt dào mạnh mẽ nhưng cái chính là chân thành, dịu nhẹ
và điệu hát ru thường trở về”. Như vậy cả Lưu Khánh Thơ và Mã Giang Lân
đều có những cảm nhận chung về giọng điệu thơ Xuân Quỳnh. Vì vậy tiếng
ru là một hình thức, một phương tiện thơ ca thích hợp để biểu hiện phần sâu
lắng và đằm thắm của hồn thơ Xuân Quỳnh.
Trong bài Thế giới thiên nhiên trong thơ Xuân Quỳnh, Lê Thị Ngọc

5


Quỳnh viết: “Xuân Quỳnh được nhớ nhiều nhất có lẽ ở một phong cách, một
giọng điệu giàu nữ tính, nhạy cảm và rất tha thiết trước cuộc đời… Đọc thơ
chị tôi cứ lạ! Chị làm thơ mà cứ như người ta nói, kể như chuyện trò mà chị
kể lại rất duyên về thứ tưởng như không có gì đáng nói”…[37, 22, 23].
Bàn về ngôn ngữ trong thơ Xuân Quỳnh qua bài viết nhớ chị, Lê Minh
Khuê đã viết: “Vẫn tiếp tục khám phá những cái đẹp của thế giới xung quanh
và nói bằng ngôn ngữ thơ lạ lùng chỉ riêng chị có được, thứ ngôn ngữ cuốn
hút, thấm đượm chất dân gian mới mẻ…” [16, 180, 181].
Còn trong Xuân Quỳnh - một chồi thơ sắc biếc, Chu Nga đã lý giải
nguyên nhân và khiến chị yêu thơ Xuân Quỳnh: “Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh
trước tiên vì cái nét trẻ trung, tươi tắn cái vẻ hồn nhiên, cởi mở của người
làm thơ, yêu cách viết nghịch ngợm, dí dỏm không cần làm duyên mà vẫn có
duyên cầm bút. Chính nó cũng là điểm phân biệt giữa Xuân Quỳnh với một
vài nhà thơ nữ khác… Xuân Quỳnh đến với thơ một cách hồn nhiên, không
chút cố tình, gượng ép, trong chị thực sự có hồn thơ - đó là điều đáng quý đối

với những ai gọi là thi sĩ” [29].
Vương Trí Nhàn trong bài Cuộc đời để lại cho rằng: “Người ta
thường nói trong những người viết viên như mãi mãi có một đứa trẻ con, bỡ
ngỡ trước cuộc đời. Trong Xuân Quỳnh cũng có một đứa trẻ ấy, đôn hậu, cởi
mở, nhưng cũng ngỗ nghịch, ham hố, liều lĩnh và đặc biệt là rất cảm tính
trong nhận xét và đối xử” [16, 209].
Vân Thanh trong bài Xuân Quỳnh với thiếu nhi đã đánh giá: Ngộ
nghĩnh, hồn nhiên thơ Xuân Quỳnh nói chính lời trẻ thơ, nghĩ cách nghĩ của
trẻ thơ rồi lại có thể tách ra khỏi trẻ thơ, để ngụ vào đấy một triết lí hồn
nhiên của sự sống, thứ triết lí mà ở mỗi lứa tuổi có thể hấp thụ một cách
riêng. Ở đây, không có sự cao đạo, lên giọng, mà cũng không phải là lối nhại
mượn bắt chước, cưa sừng làm nghé, khoác áo hoặc đeo băng trẻ em. Đọc

6


Xuân Quỳnh, thấy chị làm thơ thật dễ dàng cứ như mạch nước ngọt tuôn ra từ
một mạch nguồn trong trẻo”.
Trong tác phẩm Xuân Quỳnh, cuộc đời và tác phẩm do Lưu Khánh
Thơ và Đông Mai tuyển chọn có đoạn: “Xuân Quỳnh đã giành cho các em
một giai tài thơ như là sự kết tinh trải nghiệm của đời mình. Có một điều lạ là
những câu thơ được viết ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút sớm xa cha, mất
mẹ, lại mang đậm chất trữ tình trong sáng và hết sức ngọt ngào. Chị đã tạo
được sự thích thú cho các em và cho cả người lớn bằng những xét đoán thông
minh và trí tưởng tượng phong phú” [71].
Lưu Khánh Thơ Cũng đã từng nhận xét: “Hình như Xuân Quỳnh ít phải
bận tâm về việc đi tìm hình thức biểu hiện. Chị cũng không mất công nhiều
lắm trong việc lựa chọn hình ảnh, chải chuốt ngôn ngữ”. Hay khi nói về cấu
tứ trong thơ Xuân Quỳnh, Lưu Khánh Thơ đã có nhận định:“Cấu tứ trong
thơ Xuân Quỳnh thường rất tự nhiên nhưng lại chắc chắn, gọn nghẽ, sắc sảo

…Cả bài thơ với những hình ảnh và cảm xúc tự nhiên đến dễ dàng, người đọc
không hề nhận thấy một sự gò bó nào trong cấu tứ. Cho đến đoạn cuối với
cái kết thúc bất ngờ, nhiều khi táo bạo, chủ đề của bài thơ mới vụt sáng lên,
đạt hiệu quả mạnh. Chúng ta không dễ dàng nhận thấy bài thơ đã được dẫn
dắt đi như thế nào bởi những mạch trong cấu tứ thơ uyển chuyển và tinh tế”.
Lý giải những nét đặc sắc trong thơ thiếu nhi Xuân Quỳnh, Đông Maichị gái Xuân Quỳnh cũng viết trong Xuân Quỳnh- một nửa cuộc đời tôi:
“Cuộc đời mồ côi khiến cho Xuân Quỳnh hiểu tình mẫu tử thiêng liêng, cần
thiết và quý giá như thế nào đối với trẻ thơ, nên khi làm mẹ, Xuân Quỳnh dồn
tất cả tâm hồn và sức lực cho con. Trong thơ Xuân Quỳnh, tình mẹ con thật
thiết tha, sâu đậm. Những đứa con là nguồn tri thức không bao giờ cạn của
Quỳnh. Những bài thơ nói về con, viết cho con chiếm số lượng lớn trong thơ
Xuân Quỳnh và vì vậy, ta cũng hiểu tại sao văn Quỳnh viết cho thiếu nhi lại

7


dí dỏm nồng ấm tình người như vậy” [16, 118, 119].
Tác giả Chu Nga sau khi khẳng định phong cách thơ Xuân Quỳnh là
“tươi tắn”,“hồn nhiên”,“nghịch ngợm và dí dỏm, không cần làm duyên mà
vẫn có duyên” cũng nhắc qua đến thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh, trong đó
chủ yếu đề cập đến đề tài viết về tình mẫu tử. Tác giả nhận xét “tất cả những
bài thơ về con của Xuân Quỳnh đều cảm động” [70, 495].
Thiếu Mai khi đọc thơ Xuân Quỳnh cũng có cảm nhận giống như nhà
nghiên cứu Vân Thanh. Thiếu Mai đã chỉ ra hai đặc điểm trong thơ viết cho
thiếu nhi của Xuân Quỳnh đó là “nhìn mọi vật bằng con mắt trẻ thơ” và “mỗi
bài thơ đều mang một ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng” [70, 517].
Vẻ đẹp thơ Xuân Quỳnh (trong đó có thơ thiếu nhi) được tác giả
Nguyễn Xuân Nam cảm nhận từ các tập Chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió
lào cát trắng và Lời ru trên mặt đất. Ngợi ca vẻ đẹp của những bài thơ viết
trong chiến tranh, nhà thơ không quên ngợi ca vẻ đẹp của những bài thơ viết

cho thiếu nhi là “người mẹ điều giàu có nhất của Xuân Quỳnh là tình
thương’’, “có tình thương, có nghệ thuật, người phụ nữ mới thấy hết hạnh
phúc của mình” [70, 593, 596]. Để chứng minh điều đó tác giả Xuân Nam đã
trích dẫn ra một số bài tiêu biểu viết cho thiếu nhi trong các tập thơ trên như:
Mùa xuân mừng con thêm một tuổi, Cắt nghĩa, Con chả biết được đâu,
Con yêu mẹ, Mùa đông nắng ở đâu, Truyện cổ tích về loài người, Cái
ngoan của Mí...
Tác giả Chu Nga trong Tạp chí văn học số 1/1973 đã gọi Xuân Quỳnh
là một chồi thơ sắc biếc và dự đoán tài năng thơ này sẽ đi xa hơn. Tác giả
cũng khẳng định đây là một tài năng đang độ chín trên phương diện thơ ca.
Trong bài viết trên TCVH 1/1983, nhà phê bình Vương Trí Nhàn mượn lời
đối thoại với bạn thơ Phạm Tiến Duật để phát hiện một hồn thơ Xuân Quỳnh
“ý thức về thời gian, cảm giác về hạnh phúc” mà hạnh phúc ấy xuất phát từ

8


trong những cảm xúc rất đời thường trong đó có thơ văn viết cho thiếu nhi.
Tạp chí văn học số 4/1994, tác giả Chu Văn Sơn trong bài viết Chất thơ từ tổ
ấm nhấn mạnh mảng thơ viết về tuổi thơ và khẳng định đây là một nét độc
đáo trong thơ Xuân Quỳnh.
2.2. Ngoài ra còn một số ý kiến đề cập đến mảng sáng tác truyện viết
cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh. Bàn đến mảng sáng tác văn xuôi cho thiếu nhi
của Xuân Quỳnh, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Bình có bài viết: đọc Vẫn có ông
trăng khác và một kỉ niệm với Xuân Quỳnh. Trong khi bày tỏ cảm xúc và
những đánh giá đối với tập truyện Vẫn có ông trăng khác, tác giả khẳng định
cả thơ và truyện thiếu nhi của Xuân Quỳnh đều “mang bản sắc sáng tạo”,
“ta luôn bắt gặp vẻ đôn hậu của người mẹ từng trải và cái nhìn non tơ, run
rẩy của tuổi thơ mà người mẹ ấy trọn đời yêu mến” [70, 540].
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tú nhận xét: “nhiều truyện của Xuân Quỳnh

đọc mà dưng dưng nước mắt”. Nhà nghiên cứu Vân Thanh cũng cho rằng:
những truyện của chị “đẹp như cổ tích, ẩn chứa nhiều điều kì thú”. Trong
cuốn vẻ đẹp thơ Xuân Quỳnh tác giả Nguyễn Xuân Nam khẳng định sự tươi
trẻ, hồn hậu của Xuân Quỳnh qua mảng thơ viết cho trẻ em trong tập Lời ru
trên mặt đất, qua đó còn thấy được “một thế giới nội tâm phong phú của
người mẹ Xuân Quỳnh”.
Các sáng tác viết cho thiếu nhi của chị được các em yêu thích và đón
nhận. Tập thơ Bầu trời trong quả trứng được tặng giải thưởng chính thức
giải văn học thiếu nhi từ năm 1981-1993. Sau này những tập thơ như Bầu
trời trong quả trứng, Cây trong phố - Chờ trăng (in chung với Ý Nhi ),
truyện Bến tàu trong thành phố, Vẫn có ông trăng khác, Chú gấu trong
vòng đu quay (tập truyện) được nhà xuất bản Kim Đồng tái bản nhiều lần.
Điều đó khẳng định thơ văn thiếu nhi Xuân Quỳnh ngày càng trở thành một
đối tượng tìm hiểu và nghiên cứu của nhiều độc giả quan tâm. Đặc biệt tác

9


giả Vân Thanh là người có nhiều công trình nghiên cứu về văn thơ thiếu
nhi đã dành hẳn nhiều bài viết về thơ văn thiếu nhi Xuân Quỳnh trên một
số tạp chí văn học.
Qua khảo sát chúng tôi thấy các công trình nghiên cứu Xuân Quỳnh rất
phong phú nhưng nghiên cứu về thơ văn viết cho thiếu nhi thì còn rất hạn chế
hoặc nếu có thì chỉ dừng lại ở bề rộng mà chưa đi sâu vào nghiên cứu các tầng
ý nghĩa thơ văn thiếu nhi Xuân Quỳnh. Rất tiếc đến nay vẫn chưa có nhiều bài
nghiên cứu về mảng sáng tác này. Thực tế đó là một gợi mở, một định hướng,
cũng là lí do để chúng tôi triển khai luận văn với đề tài: “Sáng tác dành cho
thiếu nhi của Xuân Quỳnh ”.
3. Mục đích, phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu về trẻ thơ trong sáng tác của Xuân Quỳnh trước tiên để
khẳng định vị trí, vai trò của hình tượng trẻ thơ trong thế giới nghệ thuật của
Xuân Quỳnh. Thứ hai làm nổi bật được những nét đặc sắc về nội dung và
nghệ thuật trong sáng tác cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh trong cái nhìn chỉnh
thể. Qua mảng sáng tác này một mặt khẳng định bản sắc riêng độc đáo của
ngòi bút Xuân Quỳnh, đồng thời thấy được đóng góp trong mảng sáng tác cho
thiếu nhi của chị đối với văn học thiếu nhi Việt Nam. Thấy được nét độc đáo
đa dạng của thế giới hình tượng nghệ thuật trong thơ văn Xuân Quỳnh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Với đề tài: "Sáng tác viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh", chúng tôi chỉ
tiến hành tìm hiểu trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật những bài
thơ và truyện ngắn tiêu biểu viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh. Tìm hiểu thơ
văn viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh kết hợp với những vần thơ trữ tình
trong hệ thống sáng tác của chị sẽ làm nổi bật rõ một hồn thơ Xuân Quỳnh
đằm thắm rất gần với cuộc sống, tựa như hơi thở.

10


4. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn, chúng tôi đã kếp hợp sử dụng các phương
pháp cơ bản sau :
- Phương pháp khảo sát tổng hợp tư liệu: Chúng tôi tiến hành sưu tầm,
tập hợp tư liệu gắn với các tiêu chí lý luận, sắp xếp theo hệ thống giúp cho
việc nghiên cứu, khảo sát tác phẩm một cách thuận lợi.
- Phương pháp so sánh đối chiếu: Nhằm nhận diện những đặc trưng,
những nét độc đáo, khác biệt trong sáng tác cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh.
- Phương pháp phân tích, chứng minh, bình giá: Là phương pháp cơ
bản để hiểu rõ những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật trong thơ văn viết cho
thiếu nhi của Xuân Quỳnh.

5. Đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình nghiên cứu, tìm hiểu về sáng tác viết cho thiếu
nhi của Xuân Quỳnh. Đây là vấn đề chưa được các nhà phê bình nghiên cứu
tìm hiểu, đánh giá một cách toàn diện, hệ thống. Chúng tôi hy vọng kết quả
nghiên cứu của luận văn sẽ đem đến một cái nhìn tổng thể về những đặc sắc
nổi bật trong văn học viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh. Đồng thời khẳng
định được vị trí và những đóng góp của Xuân Quỳnh trong mảng sáng tác viết
cho thiếu nhi.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ
lục các tác phẩm được khảo sát, phần nội dung chính của luận văn được triển
khai trong 3 chương:
Chương 1: Xuân Quỳnh và con đường đến với sáng tác dành cho
thiếu nhi
Chương 2: Sáng tác dành cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh nhìn từ
phương diện nội dung

11


Chương 3: Sáng tác viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh nhìn từ
phương diện nghệ thuật

12


Chương 1
XUÂN QUỲNH VÀ CON ĐƯỜNG ĐẾN VỚI SÁNG TÁC
DÀNH CHO THIẾU NHI
1.1. Xuân Quỳnh và hành trình sáng tác

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ngày 04/10/1942
tại La Khê - Hoài Đức - Hà Tây, nay thuộc thị xã Hà Đông Hà Nội. Xuân
Quỳnh sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, cha từng là
thầy giáo, là người ham thích văn chương. Xuân Quỳnh mồ côi mẹ từ nhỏ, kí
ức về mẹ được truyền lại từ người chị gái là Đông Mai. Mặc dù chỉ được học
đến lớp sáu nhưng ngay từ nhỏ Xuân Quỳnh đã sớm bộc lộ tài năng văn
chương. Xuân Quỳnh chịu ảnh hưởng sâu sắc từ người cha, một nhà giáo yêu
văn học. Cô gái bé bỏng ấy thường được bà và chị cho nghe nhiều ca dao, thơ
và truyện cổ dân gian. Phong tục và cảnh sắc, nếp sống làng La Khê nổi tiếng
về tơ lụa đã để lại dấu ấn đậm nét trong cá tính và phong cách thơ Xuân
Quỳnh sau này.
Tháng 2/1955, Xuân Quỳnh gia nhập đoàn ca múa nhạc TW và trở
thành một diễn viên múa. 1959 chị được tham gia Festival Thanh niên sinh
viên thế giới và Ấn Độ. Từ liên hoan này Xuân Quỳnh được nổi lên trên nền
sân khấu Việt Nam như một bông hoa Quỳnh của nghệ thuật múa.
1962, tập thơ đầu tay của Xuân Quỳnh được in chung cùng Cẩm Lai có
tên Chồi biếc. Sau tập thơ này Xuân Quỳnh đã trở thành một tác giả quen
thuộc của bạn đọc. Xuân Quỳnh trở thành biên tập viên của Nhà Xuất Bản
Văn học và từ đó chị là một tác giả trong làng văn.
Khi nhắc tới Xuân Quỳnh không thể không nhắc tới nhà biên kịch tài
năng Lưu Quang Vũ người bạn đời đã cùng chị đi suốt mười lăm năm cuối
đời. Xuân Quỳnh mất ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông tại chân
cầu Phú Lương tỉnh Hải Dương cùng chồng và con trai Lưu Quỳnh Thơ.
13


Xuân Quỳnh bước vào làng thơ như một sự thách thức với số phận, chị
đã chối bỏ phông màn, ánh sáng rực rỡ của sân khấu để buộc số phận mình
vào cây bút và trang giấy. Chị không hề lùi bước trước những khó khăn khi
mới bắt đầu đặt những bước đầu tiên trên con đường chinh phục nghệ thuật

đầy chông gai: nghệ thuật thơ ca. Và trên bước đường chông gai đó chị tìm
cho mình người bạn tri âm và đã thành công. Không có vị giám khảo nào
công bằng như bạn đọc, chắc chắn rằng phần thưởng lớn nhất của người nghệ
sĩ chính là sự ưu ái của bạn đọc. Và Xuân Quỳnh đã có được phần thưởng ấy!
Đến với nghệ thuật bằng tập thơ đầu tay Chồi biếc. Xuân Quỳnh đã
khẳng định năng khiếu bẩm sinh, tài năng ấy ngày càng đạt tới độ chín khi chị
đã trải qua nhiều sự trải nghiệm trong cuộc đời. Những năm tháng tuổi thơ
không mấy yên bình đã phả vào thơ chị những dấu ấn riêng của một tuổi thơ
nhọc nhằn. Cuộc đời riêng không toại ý đem đến cho thơ chị một nét buồn
phảng phất với những khát khao về một tình yêu không có tuổi. Thơ Xuân
Quỳnh là tiếng hát say mê, sôi nổi thiết tha với đời, thơ tình yêu của chị trở
thành tiếng lòng của nhiều thế hệ bạn đọc. Chị được ví như một con ong xanh
miệt mài bay đi hút nhụy để làm nên trại mật ngọt cho đời, cho người. Con
ong bay cả chặng đường dài mệt mỏi, luôn lo âu trước mỗi bước đường sắp
tới, nhưng con ong ấy không chịu lùi bước. Nó hăng hái bay tới một vườn thơ
đầy hương sắc để làm nên một chất men say cho đời.
Sáng tác của chị không chỉ tập trung ở thơ mà chị còn thành công trên
cả địa hạt văn xuôi. Ở lĩnh vực nào chị cũng đạt được những thành công nhất
định. Bạn đọc biết đến Xuân Quỳnh như một nhà thơ tiêu biểu của thế kỉ XX
nhưng bên cạnh đó chị còn chinh phục một khối lượng độc giả lớn là các em
thiếu nhi. Thơ văn viết cho thiếu nhi của chị bao giờ cũng hồn hậu tinh tế, thế
giới được khám phá bằng đôi mắt ngây thơ con trẻ nhưng cũng nhiều suy
tưởng của một người dày dặn kinh nghiệm.

14


Là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Xuân Quỳnh với
trách nhiệm của một thi sĩ công nhân, chị đã đặt chân mình lên nhiều vùng đất
chiến sự ác liệt và cả những nơi xa xôi của tổ quốc như mũi Cà Mau, các tỉnh

miền Tây Nam Bộ. Dù ở đâu chị cũng hăm hở đi, viết và gặt hái được những
thành công nhất định.
Các tập thơ của chị được độc giả đón nhận nồng nhiệt như: Chồi biếc –
1963, Hoa dọc chiến hào – 1968, Gió lào cát trắng – 1974, Lời ru trên mặt
đất - 1978, Chờ trăng – 1981, Bầu trời trong quả trứng – 1982, Truyện
Lưu Nguyễn (truyện thơ) – 1983, Tự hát – 1984, Sân ga chiều em đi –
1984, Hoa cỏ may – 1989.
Văn xuôi: Bao giờ con lớn – 1974, Chú gấu trong vòng đu quay –
1978, Mùa xuân trên cánh đồng – 1981, Bến tàu trong thành phố - 1984,
Vẫn còn ông trăng khác – 1982. Riêng tập thơ Bầu trời trong quả trứng
được giải thưởng văn học thiếu nhi 1981- 1993.
Qua việc khảo sát và tìm hiểu về sự nghiệp thơ văn Xuân Quỳnh ta
thấy: Con đường thơ của Xuân Quỳnh có đôi nét khác biệt so với các bạn thơ
của chị. Sau khoảng mười lăm năm làm thơ, ta nhận thấy thơ chị có một bước
chuyển khá rõ rệt. Ở chị, có hai dòng thơ: Dòng thơ cho người lớn (tạm gọi
như thế để phân biệt), và dòng thơ cho thiếu nhi mà tiền thân của nó là những
bài thơ về tuổi thơ của chính tác giả. Hai dòng thơ này vẫn đi sóng đôi, nhưng
nhịp điệu phát triển thì có khác. Thơ cho người lớn của chị phát triển đều cho
đến Gió Lào cát trắng thì dường như có phần chững lại, (cũng là tất yếu sau
một giai đoạn phát triển) trong khi đó thơ viết về thiếu nhi và cho thiếu nhi lại
phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ở một số (khá nhiều) nhà thơ, viết cho các
em là phụ có tính chất điểm khuyết cho vui vui vậy thôi chứ không có ý nghĩa
gì nhiều trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của họ. Với Xuân Quỳnh thì khác
thơ thiếu nhi của chị không chỉ là những nét phác họa nhẹ nhõm có cũng được

15


mà không có cũng thôi. Trái lại, là bằng chứng của một tình yêu thương mạnh
mẽ và một nỗi thôi thúc nóng bỏng muốn nói với các em muốn truyền cho các

em những ước vọng sâu xa của mình. Chính vì vậy, mà phần thơ viết cho
thiếu nhi của chị những năm cuối đời đã đạt được những thành tựu đáng lưu
ý. Với những bài thơ viết cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh đã định được cho mình
một hướng chuyển rất đúng.
Có thể nói Xuân Quỳnh đến với các em bằng một tình yêu thực sự, một
tâm nguyện được trở thành nhà thơ của các em. Chiếc cầu nối chị với các em
không gì khác hơn chính là các con của chị: Tuấn Anh, Minh Vũ, Quỳnh Thơ.
Những đứa con chính là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của Quỳnh.
Đặc biệt với tuổi thơ nhọc nhằn, thiếu thốn tình cảm: mẹ mất sớm bố công tác
xa nhà, dù được bà hết lòng thương yêu nhưng với một trái tim đầy nhạy cảm,
Xuân Quỳnh ý thức được sự thiếu vắng của những giai âm hạnh phúc mà lẽ ra
chị được hưởng. Sự thiếu thốn tình cảm đã làm nảy sinh những khát khao, về
sau trở thành nguồn cảm hứng mở ra những sáng tạo vô bờ bến.
Thơ cũng như văn Xuân Quỳnh viết cho các em rất giản dị, giản dị đến
độ đọc nó, ta không nghĩ là tác giả làm thơ viết văn mà ta cứ bị thu hút vào
trong thế giới trẻ thơ một cách tự nhiên. Cứ nhìn qua dường như những bài
thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, lục bát tám chữ của chị không có nét gì mới
mẻ. Song, điều đáng chú ý là chị thường vận dụng các thể thơ truyền thống ấy
một cách thoải mái, vần điệu cứ tự nhiên mà đến. Được như vậy không phải
dễ. Phải có sự nhuần nhuyễn trong suy nghĩ, cảm xúc, và phải chọn đúng thể
thơ phù hợp với nội dung vấn đề mình định miêu tả. Cái mới ở đây chính là
cách nhìn, cách cảm nghĩ đầy tính chất khám phá, phát hiện và ở cách nói,
cách dẫn dắt câu chuyện, cách vận dụng ngôn ngữ phù hợp với trình độ tiếp
thu và hứng thú của lứa tuổi. Như vậy sáng tác viết cho thiếu nhi của Xuân
Quỳnh không chỉ làm phong phú thêm tâm hồn con trẻ, nuôi dưỡng những

16


tình cảm đẹp cho các em. Mà đối với người lớn chúng ta, chị đã thực sự làm

sống dậy trong ta cái nhìn và cảm xúc tươi non, trong trẻo đôi khi ta đã tự vùi
lấp đi trong cuộc sống bận rộn, bộn bề công việc.
1.2. Con đường đến với những sáng tác dành cho thiếu nhi
Xuân Quỳnh đến với thiếu nhi, trong cuộc hành trình dài một đời thơ,
một đời văn không phải như một phút dừng chân của một khách lãng du, chị
đến với các em bằng một tình yêu đích thực, một tâm nguyện trở thành nhà
thơ của các em.
1.2.1. Từ nồng ấm tình mẫu tử
Đối với mỗi người phụ nữ khi sinh ra và lớn lên trong đời, thì một
trong những niềm hạnh phúc nhất của họ là được làm con rồi lại làm mẹ.
Cùng với tình yêu, có thể nói tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất, đẹp đẽ
nhất trong cuộc đời mỗi người phụ nữ. Tình mẫu tử là tình cảm cổ xưa nhất,
cao cả nhất, vĩnh hằng nhất và phổ biến nhất của loài người. Đó là “cuội
nguồn của sự sống này, là nguyên tố đầu tiên cũng là vẻ đẹp cuối cùng của
thế giới chúng ta” [61]. Mẫu tính, làm mẹ là bản năng, là thiên chức trời phú
dành riêng cho một nửa thế giới. Nó chính là “bản năng chăm lo, bảo vệ lấy
sự sống của con người” do người phụ nữ “mang nặng đẻ đau ra”, là “tình
thương bẩm sinh của nữ tính - sợi dây thần kinh đặc biệt nhạy cảm của nữ
giới”, là “tất cả cái phần sâu thẳm như một thiên phú riêng của tâm hồn nữ
giới” [7]. Chẳng thế mà trong văn học, ta thấy rất nhiều nhà văn đi tìm những
vẻ đẹp mẫu tính: Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy
Thiệp...như tìm đến những vẻ đẹp mang tính bản năng, nguyên sơ của loài
người. Nhà văn, nhà thơ nào viết về tình cảm mẹ con cũng với một tình cảm
kính yêu, trân trọng nhất.
Thơ văn của các nhà thơ, nhà văn nữ viết về tình mẫu tử, về hạnh phúc
làm mẹ lại càng phổ biến. Bởi không có gì sâu sắc và chân thật hơn khi chính

17



người phụ nữ viết lên cảm xúc của mình về bản năng được làm mẹ, đặc biệt là
những vần thơ văn ấy trước hết lại dành cho chính những đứa con thân yêu
của họ. Con chính là thứ tài sản vô giá của người mẹ. Vì vậy nhà thơ Đoàn
Thị Lam Luyến đã khẳng định:
“Gia tài của mẹ
Là con đấy thôi”.
Đặc biệt đối với Xuân Quỳnh, Chị mất mẹ khi còn quá nhỏ, cha thường
xuyên đi làm xa và sau này lấy vợ khác rồi vào Nam sinh sống. Nên suốt đời Chị
sống thiếu thốn tình cảm của cha mẹ. Khi làm mẹ Xuân Quỳnh hiểu tình mẫu tử
thiêng liêng cần thiết và quí giá nồng ấm như thế nào đối với trẻ thơ nên khi được
làm mẹ chị dồn tất cả tâm hồn sức lực cho con. Đây đều là những ẩn ức để Xuân
Quỳnh làm thơ. Những câu thơ được viết ra từ ẩn ức lại mang đậm chất trữ tình và
ngọt ngào, nồng ấm tình mẫu tử. Vì thế niềm hạnh phúc được làm mẹ luôn ấp ủ
trong tâm hồn người phụ nữ và được thể hiện ngay cả khi đứa con chưa chào đời.
Mang trong mình một sinh linh nhỏ bé, người mẹ đi đâu, làm gì dường như cũng
nghĩ đến con – nghĩ đến niềm vui, niềm hạnh phúc sắp được làm mẹ:
“Mẹ đi trên hè phố
Nghe tiếng con đạp thầm
Mẹ nghĩ đến bàn chân
Và con đường tít tắp
Bỗng như lên tiếng hát
Từ màu mạ dưới đồng
Từ hạt cây trong rừng
Từ cánh buồm trong biển”
(Con chả biết được đâu)
Thật tinh tế vô cùng và phải yêu con biết chừng nào thì Xuân Quỳnh mới
cảm nhận được cả nhịp đập của trái tim con trẻ khi còn đang buổi bình minh.

18



Khi tuổi thơ con không được bình yên trong những năm tháng chiến
tranh, người mẹ thương con nhưng cũng luôn hy vọng và có niềm tin ở
phía trước:
“Ba tháng lẫy, bảy tháng ngồi
Con chơi với đất, con chơi với hầm
Mong ngày, mong tháng, mong năm
Một năm con vịn vách hầm con đi
....
Mẹ nuôi ngọn lửa trong hầm
Để khi khôn lớn con cầm trên tay
Những điều mẹ nghĩ hôm nay
Ghi cho con nhớ những ngày còn thơ”
(Tuổi thơ của con).
Có thể nói ấn tượng chung của bạn đọc về Xuân Quỳnh về những vần
thơ văn viết cho thiếu nhi là cảm hứng lấy từ tình mẫu tử. Tình mẫu tử được
chị thể hiện ở những bài thơ viết cho con, viết về con (Con yêu mẹ, Tuổi
ngựa, Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ...). Bài thơ Tuổi ngựa nói về tình
mẫu tử, thể hiện cảm xúc với mẹ, của những đứa con đối với người mẹ kính
yêu của mình. Đứa con sau khi trò chuyện biết mình là tuổi ngựa – tuổi đi,
tuổi cựa quậy – đã có dự định đi đây đi đó để khám phá cuộc sống muôn màu,
muôn vẻ xung quanh mình:
“Mẹ ơi con sẽ phi
Qua bao nhiêu ngọn gió...
Ngựa con sẽ đi khắp
Trên những cánh đồng hoa”
Đứa trẻ cảm thấy rất vui, rất thích thú với những dự định của mình.
Nhưng cho dù cảnh vật xung quanh em có vui tươi, nhộn nhịp, mới, hấp dẫn

19



đến đâu cũng không thể kéo tâm hồn em rời xa người mẹ yêu quý của mình.
Trong khi say sưa chìm đắm với cảnh đẹp của thiên nhiên em vẫn nhớ tới mẹ,
muốn chia sẻ niềm vui với mẹ:
“Con mang về cho mẹ
Ngọn gió của trăm miền”
Và cuối cùng vẫn về với mẹ:
“Dẫu cách núi cách rừng
Dẫu cách sông cách biển
Con tìm về với mẹ
Ngựa con vẫn nhớ đường”.
Từ những rung động đời thường sâu sắc, Xuân Quỳnh đã viết nên
những vần thõ giàu tình mẫu tử. Trong thơ ca viết cho thiếu nhi, chủ đề này
được khai thác khá nhiều và thật sự có nhiều thành tựu. Thơ Xuân Quỳnh là
sự tiếp nối trên tinh thần mong muốn tạo một dấu ấn riêng của tác giả. Đọc
chị ta thấy thế giới được ngắm nhìn qua lăng kính tình mẹ con. Như chuyện
chú gà con ra đời, chị cũng tìm thấy ở đó cái lí do tình mẹ con: gà mẹ thì
thương con, cứ ấp iu suốt ngày khiến cho thân thể xác xơ, gà con vì thương
mẹ mà đạp vỏ trứng ra tự nhiên đi kiếm ăn (Vì sao gà con ra). Hay cái tròn
khuyết của vầng trăng cũng được chị cắt nghĩa bằng tình mẹ con: Trăng
khuyết là trăng mẹ hao gầy vì con chưa ngoan (Mặt trăng luôn luôn tròn).
Tiêu biểu nhất phải kể đến bài thơ: Con yêu mẹ:
“Con yêu mẹ bằng ông trời
Rộng lắm không bao giờ hết
Thế thì làm sao con biết
Là trời ở những đâu đâu
Trời rộng lại rất cao
Mẹ mong, bao giờ con tới ?”


20


Bài thơ được xây dựng theo lối cấu trúc đối đáp với giọng điệu thủ thỉ
tâm tình. Đứa con bày tỏ tình cảm của mình với mẹ bằng những ví von: con
yêu mẹ bằng ông trời, rồi con yêu mẹ bằng Hà Nội, rồi con yêu mẹ bằng trường
học và cuối cùng là con yêu mẹ bằng con dế. Kích thước các đối tượng được so
sánh nhỏ dần, nhưng người đọc không hề thấy tình yêu của em dành cho mẹ bị
suy giảm hồn nhiên, ngộ nghĩnh làm nên sự chân thành và sức hấp dẫn cho bài
thơ. Lời thơ như nói được nghĩ suy của con trẻ và là tiếng nói của tình mẫu tử. Ở
đây chị đã nắm bắt và thể hiện được kiểu tư duy của trẻ em, khiến cho giọng điệu
bài thơ thêm ngọt ngào thương mến, khiến cho tình mẫu tử trở nên thật gần gũi.
Đó cũng là điểm chung trong các tác phẩm của cố nữ thi sĩ.
Không phải trong thơ viết cho thiếu nhi của các tác giả nam không nói
về tình cảm mẹ con, nhưng rõ ràng ta thấy sắc thái và cách thể hiện tình cảm đó
có sự khác biệt so với người phụ nữ. Ngay cả khi họ viết về tình cảm cha con,
về niềm hạnh phúc được làm cha cũng có nhiều nét khác biệt người phụ nữ.
Bởi tâm thế, chỗ đứng của nam giới khi nhìn đứa con yêu khác người phụ nữ.
Viết về tình cảm mẹ con, các nhà thơ nam chủ yếu mượn chuyện thế giới loài
vật để khẳng định tình cảm, vai trò của người mẹ đối với con. Chẳng hạn Phạm
Hổ, Võ Quảng, Nguyễn Hoàng Sơn qua chuyện của mấy chú gà nói rối mẹ
Ngủ rồi, qua câu chuyện Mười quả trứng tròn, qua tính cách nũng nịu của
Con bê lông vàng, qua lỗi lầm của một chú Rùa con quên lời mẹ dặn, qua câu
chuyện của những đám Mây…gián tiếp nhắc đến tình cảm mẹ con, sự cần thiết
phải có mẹ trong thế giới tự nhiên, loài vật cũng như thế giới con người. Còn
Xuân Quỳnh đứng trong tâm thế là người mẹ nói với con và nói với chính mình
nên những vần thơ viết về hạnh phúc được làm mẹ - niềm hạnh phúc bình
thường, giản dị nhưng lại thiêng liêng, sâu sắc – thấm thía, xúc động hơn nhiều.
Trong thơ Xuân Quỳnh lời ru – là một biểu hiện sâu sắc của tình mẫu
tử thiêng liêng cao cả. Nếu trước kia một mảng thơ tình yêu trong tập Chồi


21


biếc cho thấy tâm hồn bạo và mới của cô thiếu nữ Xuân Quỳnh thì những bài
thơ viết cho thiếu nhi trong tập Lời ru trên mặt đất đã cho chúng ta thấy tình
mẫu tử như một bản năng. Xuân Quỳnh đi tới tận cùng yêu thương trong lòng
người mẹ và cố gắng đi đến hòa đồng tâm hồn trẻ thơ. Bắt đầu từ Hoa dọc
chiến hào Xuân Quỳnh đã có thơ viết cho con. Lời ru, Khi con ra đời là
những bài thơ mở đầu cho mảng thơ này để về sau nó phát triển trở thành một
đặc sắc trong thơ chị. Là người mẹ chị nói được cái mênh mang của tình mẫu
tử một cách thấm thía mà giản dị:
“Dẫu con đi đến suốt đời
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.
(Lời ru)
Chùm thơ viết cho con trong tập Lời ru trên mặt đất không chỉ nói cái
tình cụ thể là tình mẫu tử mà còn là sự đồng cảm thực sự giữa chị với cách
nghĩ cách cảm đầy ngây thơ trong trẻo trong tâm hồn con trẻ. Sự đồng điệu đó
thể hiện rất rõ trong những bài hát ru mà Xuân Quỳnh gửi gắm cả niềm tin
vào đó. Tiếng ru của Xuân Quỳnh là tiếng hát của một tâm hồn say mê sôi
nổi, lời ru của chị thật khỏe khoắn và trẻ trung. Xuân Quỳnh dùng hình thức
câu thơ tám chữ với âm hưởng lời ru để nói về tình mẫu tử thiêng liêng cao
cả. Qua bản năng yêu thương và che trở cho con thơ luôn thường trực khiến
lời ru của Xuân Quỳnh cũng phấp phỏng những âu lo:
“Con thức ban ngày mẹ chở che cho con
Đêm con mơ làm sao mẹ che trở
Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ
Chỉ mình con chơ trọi với quân thù
...Nếu giấc mơ là ngôi nhà cửa mở
Mẹ sẽ vào che chở giấc mơ con”

(Lời ru)

22


×