Tải bản đầy đủ (.pdf) (237 trang)

Luận án tiến sĩ lễ hội phủ dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (6.34 MB, 237 trang )

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN DUY HÙNG

LỄ HỘI PHỦ DẦY TRONG
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC

HÀ NỘI - 2017


HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN DUY HÙNG

LỄ HỘI PHỦ DẦY TRONG
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG HIỆN NAY

LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC
Mã số: 62 31 06 40

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS. PHẠM DUY ĐỨC
2. PGS.TS. PHẠM TRỌNG TOÀN

HÀ NỘI - 2017



LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung
thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo
qui định.

Tác giả

Nguyễn Duy Hùng


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU

1

Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
CỦA ĐỀ TÀI

8

1.1. Tình hình nghiên cứu lễ hội Phủ Dầy và ảnh hưởng của nó đối với
đời sống văn hóa cộng đồng

8

1.2. Cơ sở lý thuyết


28

Chương 2: TỔNG QUAN CHUNG VỀ LỄ HỘI PHỦ DẦY

35

2.1. Tục thờ Mẫu và thờ Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam

35

2.2. Khái quát về sự hình thành và phát triển của lễ hội Phủ Dầy

38

2.3. Giá trị đặc thù của lễ hội Phủ Dầy

48

2.4. Vai trò của lễ hội Phủ Dầy

56

Chương 3: TÁC ĐỘNG - ẢNH HƯỞNG QUA LẠI GIỮA LỄ HỘI PHỦ DẦY
VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG

62

3.1. Tác động tới đời sống văn hóa cộng đồng

62


3.2. Tác động của cộng đồng cư dân tới lễ hội Phủ Dầy

97

3.3. Đánh giá chung về tình hình tác động của lễ hội Phủ Dầy đối với
đời sống văn hóa cộng đồng

109

Chương 4: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO LỄ HỘI PHỦ DẦY TRONG
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG

115

4.1. Các nhân tố tác động đến sự biến đổi giá trị lễ hội Phủ Dầy hiện nay

115

4.2. Những xu hướng phát triển và biến đổi của lễ hội Phủ Dầy

130

4.3. Một số vấn đề đặt ra đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội Phủ Dầy
trong đời sống văn hóa cộng đồng

135

4.4. Một số khuyến nghị về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội
Phủ Dầy


139

KẾT LUẬN

147

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

151

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

152

PHỤ LỤC

162


DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
Bảng 3.1: Số liệu phân loại thành phần cư dân cộng đồng địa phương ở
lễ hội Phủ Dầy

64

Bảng 3.2: Số liệu đánh giá tác động tích cực của lễ hội Phủ Dầy tới
đời sống văn hóa cộng đồng địa phương


67

Bảng 3.3: Số liệu đánh giá tác động tiêu cực của lễ hội tới đời sống văn
hóa cộng đồng địa phương

70

Bảng 3.4: Số liệu đánh giá mức độ tác động của các giá trị lễ hội Phủ
Dầy tới đời sống cộng đồng địa phương

75

Bảng 3.5: Số liệu đánh giá tầm quan trọng của vai trò lễ hội Phủ Dầy tới
đời sống cộng đồng địa phương

77

Bảng 3.6: Số liệu đánh giá mức độ tác động của lễ hội Phủ Dầy tới đời
sống của nhóm học sinh địa phương

81

Bảng 3.7: Số liệu phân loại thành phần nhóm cộng đồng cư dân thập
phương trong lễ hội Phủ Dầy

86

Bảng 3.8: Số liệu đánh giá mức độ tác động tích cực của lễ hội đến
đời sống văn hóa cộng đồng cư dân thập phương


88

Bảng 3.9: Số liệu đánh giá mức độ tác động tiêu cực của lễ hội tới
đời sống văn hóa cộng đồng cư dân thập phương

89

Bảng 3.10: Số liệu đánh giá mức độ tác động của giá trị lễ hội Phủ Dầy
đối với đời sống cộng đồng thập phương

91

Bảng 3.11: Số liệu đánh giá mức độ quan trọng của vai trò lễ hội Phủ Dầy
đối với đời sống cộng đồng thập phương

93


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lễ hội dân gian truyền thống và lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định) là
một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hoá dân tộc nói chung và văn hóa tín
ngưỡng - tâm linh người Việt nói riêng. Là một đền/phủ thờ của nữ thần/thần
Mẫu trong tâm thức văn hóa Việt cổ truyền, Phủ Dầy là hiện thân của sự tích
hợp, kế thừa và phát triển của tục thờ nữ thần mang yếu tố nội sinh mà phát triển
thành tín ngưỡng thờ thần Mẫu. Từ đây, tín ngưỡng thờ thần Mẫu tiếp tục hỗn
dung với các tôn giáo ngoại lai (mang yếu tố ngoại sinh như Đạo, Phật, Nho), để
nâng cấp trở thành hệ thống thờ Mẫu Tam - Tứ phủ trong đời sống tâm linh Việt

Nam. Vị thần chủ Liễu Hạnh được tổng hợp từ tâm thức Mẹ trong văn hóa Việt
Nam, rồi được lịch sử hóa mà trở thành nhân thần, ngồi ở ngôi vị “tứ bất tử”
trong hệ thống thần linh đất Việt. Phủ Dầy đã trở thành thần điện đặc biệt, quan
trọng gắn với hành trạng, công đức, sự linh thiêng của thần chủ Liễu Hạnh nói
riêng và tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ nói chung. Trong quá trình phát triển, tín
ngưỡng lễ hội Phủ Dầy đã dần hoàn thiện và tạo ra những giá trị riêng có của
mình trong đời sống tâm linh Việt Nam. Những giá trị đó, theo thời gian đã ảnh
hưởng/tác động đến đời sống văn hóa cộng đồng ở khu vực châu thổ Bắc
Bộ/sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, nghiên cứu sinh
(NCS) cho rằng việc nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng, tác động, vai trò và
sự tương tác qua lại của loại hình lễ hội này đối với đời sống văn hóa cộng đồng
là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Nhất là, hoàn cảnh thực
tế của đời sống tâm linh hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cho đời sống văn hóa
đương đại. Đặc biệt là, trong lĩnh vực quản lý văn hóa và những tác động của đời
sống tâm linh tới đời sống chính trị xã hội hiện nay.
Tín ngưỡng Tứ phủ và lễ hội Phủ Dầy có vai trò quan trọng trong đời
sống tâm linh của cộng đồng người Việt cổ truyền cũng như trong bối cảnh hiện
nay. Tuy nhiên, trong hành trình định hình, tồn tại, phát triển, tín ngưỡng thờ
Mẫu Tứ phủ và lễ hội Phủ Dầy cũng chịu trải qua những “cung bậc” thăng trầm
của thời cuộc - những giai đoạn lịch sử khác nhau. Có thời gian, tín ngưỡng Tứ
phủ và lễ hội Phủ Dầy bị ngăn cấm và coi là một sinh hoạt mang nhiều yếu tố mê


2
tín dị đoan, ảnh hưởng tiêu cực/xấu đến đời sống văn hóa cộng đồng. Tuy nhiên,
cho đến nay, tín ngưỡng Tứ phủ và lễ hội Phủ Dầy vẫn tồn tại trong dân gian,
phát triển một cách mạnh mẽ, tác động với nhiều mức độ khác nhau trong đời
sống tín ngưỡng của người Việt ở Bắc Bộ; và, bản thân nó cũng nhận sự tác
động trở lại của đời sống văn hóa cộng đồng. Chính vì vậy, nghiên cứu lễ hội
Phủ Dầy và những ảnh hưởng/tác động qua lại của giá trị tín ngưỡng này tới đời

sống văn hóa cộng đồng là không thể thiếu trong thế giới tâm linh Việt truyền
thống. Rồi chỉ ra được những vấn đề đặt ra cho lễ hội Phủ Dầy trong bối cảnh
đời sống xã hội hiện nay. Từ đó, cũng rút ra được những bài học trong công tác
bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Phủ Dầy hiện nay và trong tương lai.
Lễ hội Phủ Dầy với các thành tố của nó như: cúng tế, hát văn, hầu đồng…
đang có những biến đổi phức tạp về nội dung cũng như hình thức và đặc biệt là
nhận thức của con người. Điều đó, đã dẫn đến nguy cơ làm mất đi những giá trị
đặc thù của lễ hội truyền thống nói chung, làm phương hại tới bản sắc văn hóa
dân tộc. Hoạt động của lễ hội Phủ Dầy đã thu hút một khối lượng không nhỏ
người dân tham gia. Đồng thời, lễ hội này cũng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu
của các nhà nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam và trên thế giới. Hiện tượng lên
đồng lại một lần nữa được nghiên cứu và phân tích ở nhiều phương diện, trong
đó có nhiều ý kiến có giá trị cả về mặt học thuật cũng như tính thời đại. Nhiều tài
liệu về Đạo Mẫu đã được xuất bản, không ít các cuộc hội thảo ở trong nước và
quốc tế được tổ chức như: Hội thảo quốc tế về hầu đồng nói riêng và Shaman
giáo nói chung (tổ chức tại Nam Định, do Viện Nghiên cứu Văn hoá chủ trì năm
2004). Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước cũng như
quốc tế, những nghiên cứu đã một lần nữa làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề của tín
ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung và nghi lễ lên đồng nói riêng. Hiện nay,
tín ngưỡng hầu đồng đã xây dựng hồ sơ và được công nhận là di sản văn hoá phi
vật thể của nhân loại. Điều đó cho thấy tín ngưỡng thờ Mẫu là một hiện tượng
văn hoá độc đáo, nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Việt nói
riêng và người dân Việt Nam nói chung. Trong diễn trình phát triển, đạo Mẫu
(bao gồm cả lễ hội) đã và đang có xu hướng loại bỏ dần những phức tạp của
chính nó để trở thành một dạng của diễn xướng dân gian tổng hợp mang màu sắc


3
văn hoá, nghệ thuật nhiều hơn là ma thuật, nghi lễ. Tuy nhiên, một số nơi vẫn
còn những hiện tượng lạm dụng tín ngưỡng thờ Mẫu (trong đó có lễ hội Phủ

Dầy) phục vụ cho mục đích cá nhân gây nên nhiều hậu quả xấu, việc nhìn nhận
về loại hình di sản này vẫn còn nhiều chiều hướng khác nhau. Để đánh giá đúng
về giá trị, vai trò của lễ hội Phủ Dầy, cũng như loại bỏ những yếu tố lạc hậu,
phản văn hóa… đối với đời sống văn hóa cộng đồng, cần phải có những nghiên
cứu cụ thể cho vấn đề này.
Bên cạnh các yếu tố tâm linh liên quan đến các nghi thức của lễ hội Phủ
Dầy, thì chính những hoạt động có tính chất kinh tế xã hội mang danh “dịch vụ
tâm linh” đang chi phối và tác động mạnh mẽ tới các mặt của đời sống văn hóa
cộng đồng. Không những thế, nó còn ảnh hưởng không nhỏ tới các phương
thức hoạt động của lễ hội Phủ Dầy. Yếu tố kinh tế, đã dần trở thành chủ đạo
trong các hoạt động của lễ hội Phủ Dầy; hoặc, chính yếu tố kinh tế đã chi phối
yếu tố tâm linh/niềm tin tín ngưỡng của lễ hội Phủ Dầy và ảnh hưởng trực tiếp
tới đời sống văn hóa cộng đồng cư dân. Tuy nhiên, tương tác qua lại của yếu tố
kinh tế trong lễ hội Phủ Dầy tới đời sống văn hóa cộng đồng ở những mức độ
đậm nhạt khác nhau.
Với những lý do kể trên, NCS đã chọn đề tài nghiên cứu "Lễ hội Phủ Dầy
trong đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay" để hoàn thành luận án tiến sĩ của mình.
2. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung vào nghiên cứu đối tượng sau: đó là sự tác động của lễ
hội Phủ Dầy đối với đời sống văn hóa cộng đồng và ngược lại, những tác động
của cư dân cộng đồng đối với lễ hội Phủ Dầy. Hay diễn giải theo cách khác,
chính là sự tương tác qua lại giữa lễ hội Phủ Dầy đối với đời sống văn hóa cộng
đồng, trên các phương diện: ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh
hưởng đến công việc học tập, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng
đến mối quan hệ trong gia đình - xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe… Đặc biệt là,
luận án đề cập đến mức độ tác động của các giá trị lễ hội Phủ Dầy như: giá trị tín
ngưỡng tâm linh, giá trị giáo dục truyền thống lịch sử, giá trị thẩm mỹ nghệ
thuật, giá trị kinh tế xã hội… tới đới sống văn hóa cộng đồng.



4
Trong đó, để làm rõ các thành phần trong đối tượng nghiên cứu đó, NCS
tập trung khảo sát: phỏng vấn bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu…, bao gồm các
thành phần:
- Người tham gia vào hoạt động lễ hội (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) như:
người dân địa phương (người dân địa phương không làm nghề dịch vụ và người
dân địa phương làm nghề dịch vụ) và du khách hành hương tới lễ hội Phủ Dầy.
- Nghi lễ lên đồng với tất cả những thành tố liên quan (trang phục, đạo cụ,
âm nhạc, nghệ thuật trình diễn...) và những thành viên là chủ thể, khách thể của
lễ hội Phủ Dầy: Thanh đồng, cung văn, hầu dâng, con nhang đệ tử, thủ nhang các
đền phủ…
2.2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.2.1. Mục đích nghiên cứu
- Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận và vai trò của lễ hội Phủ Dầy đối
với đời sống văn hóa cộng đồng, luận án sẽ đi sâu vào đánh giá thực trạng tác
động của lễ hội Phủ Dầy đối với đời sống văn hóa cộng đồng. Từ đó nhằm chỉ ra
những vấn đề đang đặt ra cho lễ hội Phủ Dầy và phương hướng bảo tồn, phát huy
giá trị văn hóa của lễ hội này đối với đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay.
2.2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Phân tích đánh giá những thành tựu nghiên cứu về tác động của lễ hội
Phủ Dầy đối với đời sống văn hóa cộng đồng.
- Xác định một số vấn đề lý luận/lý thuyết về giá trị của lễ hội thờ Mẫu Tứ
phủ nói chung và lễ hội Phủ Dầy nói riêng đối với đời sống văn hóa cộng đồng.
- Khảo sát đánh giá sự tương tác giữa lễ hội Phủ Dầy với đời sống văn hóa
cộng đồng hiện nay.
- Chỉ ra những vấn đề đang đặt ra và đưa ra khuyến nghị nhằm bảo tồn,
phát huy những giá trị của lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện được luận án, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp sau:

- Luận án sử dụng phương pháp điền dã thực tế: quan sát, ghi chép mô tả,
phỏng vấn sâu các mẫu nghiên cứu để có thể định tính được tác động, ảnh hưởng
của lễ hội Phủ Dầy đối với đời sống văn hóa cộng đồng. Phương pháp này cho


5
phép NCS tạo dựng một cái nhìn tổng thể về lễ hội Phủ Dầy và định tính được sự
tương tác qua lại với đời sống văn hóa cộng đồng. Phương pháp này sẽ được tiến
hành trên cơ sở tham dự trực tiếp tại địa bàn nghiên cứu trong thời gian diễn ra lễ
hội cũng như ngoài thời gian lễ hội. Việc tiến hành phỏng vấn sâu sẽ được thực
hiện trên cơ sở chọn mẫu ngẫu nhiên và chọn mẫu có chủ đích. Các bước tiến
hành và câu hỏi phỏng vấn được xây dựng trên cơ sở xác định đối tượng, mục
đích, nội dung của luận án. Đối với việc chọn mẫu ngẫu nhiên: là do vào mùa lễ
hội, nên rất ít người/cư dân cộng đồng bỏ thời gian đi hội của mình giúp đỡ cho
người phỏng vấn; đối với chọn mẫu có chủ đích là do NCS cũng cần xác định cụ
thể các mẫu tiêu biểu trong quá trình phỏng vấn, phục vụ cho đối tượng và mục
đích nghiên cứu của đề tài.
- Tiếp theo, do tính chất của đối tượng nghiên cứu tương đối phức tạp, nên
trong quá trình triển khai luận án, tác giả cũng lưu ý sử dụng phương pháp đa
ngành/liên ngành như: Văn hoá học, Nhân học, Xã hội học, Sử học,... Trong việc
sử dụng phương pháp đa ngành này trong quá trình thực hiện luận án, NCS đã sử
dụng phương pháp của Văn hóa học - Nhân học để nghiên cứu, diễn giải và trình
bày kết quá của luận án. Phương pháp Sử học để định vị khung niên đại, sắp xếp
theo trình tự thời gian, luật nhân - quả để bổ trợ cho việc diễn giải và trình bày
kết quả trong quá trình thực hiện luận án, trên cơ sở diễn giải, rút ra những kết
luận khoa học dựa trên số liệu thống kê và sản phẩm định tính tại thực địa.
- Đặc biệt, NCS sử dụng phương pháp Xã hội học: sử dụng bảng hỏi để
điều tra thu thập số liệu, trên cơ sở đó để định lượng được những tương tác của
lễ hội Phủ Dầy đối với đời sống văn hóa cộng đồng. Phương pháp này được
NCS sử dụng để xây dựng bảng hỏi liên quan đến đối tượng và mục đích nghiên

cứu để tiến hành khảo sát, thu thập số liệu dưới dạng định tính. Trên cơ sở đó,
đánh giá mức độ tác động của lễ hội Phủ Dầy đổi với đời sống văn hóa cộng
đồng. Phương pháp điều tra xã hội học được tiến hành từng bước cơ bản từ: xây
dựng bảng hỏi trên cơ sở đề cương nghiên cứu chi tiết của luận án, đến việc
thành lập nhóm điều tra, tập huấn và tiến hành xác định mẫu để phỏng vấn. Các
thành viên trong nhóm điều tra trực tiếp phỏng vấn và điền vào bảng hỏi đối với
cộng đồng cư dân tại địa bàn nghiên cứu là khu vực Phủ Dầy, Vụ Bản, Nam


6
Định. Riêng đối với các mẫu phỏng vấn sâu, NCS trực tiếp phỏng vấn trên cơ sở
đặt câu hỏi liên quan đến nội dung cần nghiên cứu. Quá trình phỏng vấn sâu
được tiến hành tại các phủ và không gian của Phủ Dầy. Số phiếu thu thập sau
phỏng vấn được xử lý trên hệ thống SPSS để rút ra số liệu và tính phần trăm tác
động và mức độ ảnh hưởng, tương tác qua lại giữa lễ hội với cộng đồng cư dân.
- Ngoài ra, NCS còn sử dụng phương pháp chuyên gia để đưa ra những
đánh giá khách quan nhất về tác động, ảnh hưởng của lễ hội Phủ Dầy đối với đời
sống văn hóa cộng đồng. Phương pháp này, NCS đã tận dụng ý kiến của các nhà
nghiên cứu/chuyên gia về lĩnh vực văn hóa tâm linh (cụ thể là các nhà nghiên
cứu thờ Mẫu Tứ phủ như: Ngô Đức Thịnh, Trần Lâm Biền, Bùi Hoài Sơn…) để
làm sáng tỏ hoặc định hướng trong quá trình lý giải và hoàn thiện luận án.
4. Câu hỏi nghiên cứu
Để thực hiện luận án, chúng tôi đặt ra những câu hỏi nghiên cứu sau:
Sự tương tác qua lại giữa lễ hội Phủ Dầy đời sống văn hóa cộng đồng hiện
nay đã diễn ra như thế nào?
Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi đặt ra những câu hỏi cụ thể sau:
Các giá trị của lễ hội Phủ Dầy đã tác động đến đời sống văn hóa cộng
đồng cư dân địa phương như thế nào? Và ngược lại, cộng đồng cư dân địa
phương đã có tác động gì tới lễ hội Phủ Dầy?
Các giá trị của lễ hội Phủ Dầy đã tác động đến đời sống văn hóa cộng

đồng cư dân khách thập phương như thế nào? Và ngược lại, cộng đồng cư dân
khách thập phương đã có tác động gì tới lễ hội Phủ Dầy.
Những tác động của lễ lội Phủ Dầy đã ảnh hưởng đến những lĩnh vực nào
của đời sống văn hóa cộng đồng?
5. Phạm vi nghiên cứu của luận án
5.1. Về thời gian
Luận án tập trung nghiên cứu bối cảnh xã hội của lễ hội Phủ Dầy trong
thời điểm hiện nay (đương đại). Chính vì vậy, tư liệu được sử dụng trong quá
trình thực hiện luận án dựa trên hai nguồn cơ bản: 1. Nguồn tài liệu của các nhà
nghiên cứu đi trước, trong các lĩnh vực: văn hoá học, tôn giáo học, xã hội học,
tâm lý học tôn giáo…; 2. Nguồn tư liệu điều tra thực địa của NCS, được khai


7
thác từ phương pháp phỏng vấn sâu với những nghiên cứu trường hợp, điều tra
qua bảng hỏi, qua tư liệu quan sát tham dự trong nhiều năm gần đây để làm căn
cứ phân tích, đánh giá, trình bày kết quả của luận án.
5.2. Về không gian
Luận án tập trung vào nghiên cứu sự tác động - ảnh hưởng qua lại giữa lễ
hội Phủ Dầy với đời sống văn hóa cộng đồng ở hai dạng không gian: không gian
hẹp và không gian rộng. Không gian hẹp là NCS tập trung khảo sát lễ hội ở quần
thể di tích Phủ Dầy thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Không gian rộng là
thành phần cư dân địa phương và du khách hành hương từ khắp nơi về dự lễ hội.
Những thông tin mà tác giả đưa ra trong luận án cũng như những kết luận của
luận án chỉ có tính chất nhận diện lễ hội Phủ Dầy và tác động - ảnh hưởng qua
lại giữa lễ hội Phủ Dầy với đời sống văn hóa cộng đồng
6. Những đóng góp của luận án
6.1. Đóng góp về mặt lý luận
Luận án sẽ hệ thống hóa, khái quát hóa và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận
về lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa cộng đồng, nhìn từ góc độ văn hóa học.

6.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
- Thông qua phân tích, đánh giá những biến đổi trong lễ hội Phủ Dầy, luận
án nhận diện mối quan hệ tương tác giữa lễ hội này với đời sống văn hoá của cư
dân vùng đồng bằng/châu thổ Bắc bộ hiện nay.
- Trên cơ sở chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế của lễ hội Phủ Dầy,
luận án đề xuất, kiến nghị nhằm phát huy giá trị của lễ hội này trong đời sống
văn hoá của vùng đồng bằng Bắc bộ hiện nay.
- Luận án sẽ trở thành một tài liệu tham khảo cho các học giả trong và
ngoài nước về một hoạt động văn hóa tâm linh đặc thù của người Việt ở đồng
bằng/châu thổ Bắc Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Đặc biệt, là các học giả
nghiên cứu về lễ hội nói chung và lễ hội Phủ Dầy nói riêng.
7. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình khoa học của tác giả đã
công bố liên quan đến luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án
gồm 4 chương, 13 tiết.


8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LỄ HỘI PHỦ DẦY VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA
NÓ ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG

1.1.1. Những công trình đề cập đến vấn đề lý luận chung về lễ hội
Đó là những bài báo khoa học, những cuốn sách chuyên khảo có tính chất
lý luận/lý thuyết tạo nền tảng nhận thức, quan điểm cho những nghiên cứu lễ hội
cụ thể của các học giả tiền bối là vô cùng quan trọng đối với người làm nghiên
cứu nói chung. Các nghiên cứu có tính chất lý luận này, là tiền đề cho tác giả
tiếp nhận và vận dụng để thực hiện luận án của mình. Trong đó, bài viết Mấy

nhận thức về lễ hội cổ truyền của Ngô Đức Thịnh [110] đã đưa ra một quan điểm
mới về khái niệm lễ hội cổ truyền. Theo ông, lễ hội là một hoạt động tín ngưỡng
dân gian tổng thể: trong lễ có hội, trong hội có lễ. Điều này đã khác với tư duy
trước đó thường phân biệt/tách biệt lễ hội thành hai yếu tố: lễ và hội. Tuy nhiên,
trong thực tế, rất nhiều nghi thức lễ đã được biểu hiện dưới dạng hội (trò chơi/trò
diễn) và ngược lại, rất nhiều trò chơi/trò diễn gắn liền với ý nghĩa lễ nghi, thiêng
liêng. Quan điểm này của Ngô Đức Thịnh, theo tác giả của luận án là đúng đắn
phù hợp trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và diễn giải các vấn đề của luận án.
Đây là một cái nhìn có tính chất tổng thể, không chỉ đặt đối tượng nghiên cứu
trong chính nó, mà còn đặt nó trong mối quan hệ, tương tác qua lại với các mặt
của đời sống xã hội. Điều này cũng phù hợp với quan niệm/khái niệm tổng thể
của M. Mauss (sau này được khái quát, phát triển thành lý thuyết tổng thể trong
quá trình nghiên cứu của Ngô Đức Thịnh).
Marcel Mauss (1872 - 1950) là một nhà xã hội người Pháp, ông là người
kế tục, cộng sự của Émile Durkheim. Trong quá trình nghiên cứu một hiện
tượng phổ biến trong các xã hội nguyên thủy đó là “sự tặng quà”, đúng hơn là
sự trao đổi quà tặng. Nguyên lý của việc trao đổi này tuy không còn là nguyên
lý của những xã hội theo chế độ cống nạp thuần túy, nhưng chưa đạt đến
nguyên lý của thị trường. Trong đó, ngoài sự biếu tặng lẫn nhau, người ta còn


9
tặng biếu thần linh (hiến tế) bằng cách đập phá, đốt cháy, đánh chìm quà tặng.
Sự phá hủy quà tặng trong hiến tế sẽ được thần linh bảo trợ và kích thích sản
xuất. Sự trao đổi quà tặng, như vậy là tuân theo một hệ thống tượng trưng,
không thể đơn giản quy về một hiện tượng kinh tế hay bất kỳ một chiều kích
riêng biệt nào như pháp lý, tôn giáo, đạo đức, thẩm mỹ… Quà tặng đã là một
hiện tượng xã hội tổng thể, hay chính quà tặng, tính xã hội tổng thể được thể
hiện. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện luận án, NCS sử dụng lý thuyết
tổng thể của M. Mauss để tìm hiểu, đặt lễ hội Phủ Dầy trong đời sống văn hóa

cộng đồng hiện nay trong mối quan hệ đa chiều của xã hội. Từ đó, thông qua
nghiên cứu trường hợp Lễ hội Phủ Dầy ở Nam Định để đánh giá những ảnh
hưởng, tác động của hoạt động tín ngưỡng - lễ hội này tới đời sống cá nhân,
cộng đồng và ngược lại [76]. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, những
dư tồn của các hình thái kinh tế, quan niệm về “quà tặng” không mất đi, đặc
biệt là việc “tặng quà cho thần linh” vẫn còn tồn tại và còn trở nên phát triển.
Chính vì vậy, NCS mong muốn vận dụng được quan niệm/lý thuyết này của
Mauss để làm sáng tỏ mối tương tác - ảnh hưởng qua lại giữa lễ hội Phủ Dầy
với đời sống văn hóa cộng đồng.
Ngoài ra, không thể bỏ qua cuốn Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo
ở Việt Nam của Đặng Nghiêm Vạn [133], mặc dù nội dung cuốn sách đề cập chủ
yếu đến vấn đề tôn giáo nói chung và tôn giáo ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên,
phần cơ sở lý luận (chương 1, 2, 3) của cuốn sách đã cung cấp nền tảng lý thuyết
quan trọng để tác giả luận án có thể kế thừa, triển khai và thực hiện diễn giải các
vấn đề một cách hiệu quả nhất. Trong đó, lễ hội cổ truyền nói chung và lễ hội
thờ Mẫu Tứ phủ nói riêng luôn được coi là một phần quan trọng của đời sống
văn hóa tâm linh (gồm cả tôn giáo và tín ngưỡng). Mục đích của cuốn sách là
nghiên cứu một số vấn đề lý luận liên quan đến vấn đề tôn giáo ở Việt Nam,
nghiên cứu vai trò và đặc điểm của tôn giáo ở Việt Nam trong đời sống hiện nay.
Đặc biệt là đời sống văn hóa khi đất nước đang bước vào thời kỳ công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa. Tuy nhiên, mục
đích của cuốn sách tập trung vào nghiên cứu các vấn đề lý luận của tôn giáo và


10
tôn giáo ở Việt Nam, nên hầu như không đề cập đến các loại hình tín ngưỡng,
trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạnh đó, cuốn Các hình thức tôn giáo sơ khai của A. Tôcarep [124]
được coi là một trong những tài liệu quan trọng về mặt lý luận đối với tác giả
trong quá trình thực hiện luận án. Cuốn sách không chỉ đề cập đến những hình

thức tôn giáo sơ khai (bao gồm cả tín ngưỡng nguyên thủy) một cách chung
chung, mà còn cung cấp một hệ thống lý thuyết đầy đủ, với cách lập luận, phân
tích sắc sảo, logic… về các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng này. Cuốn sách đã tái
hiện được cơ bản diện mạo các hình thức tôn giáo sơ khai (có tính chất nền tảng
cho các tôn giáo sau này) trên thế giới. Từ đó, với tư duy và luận thuyết chung
như vậy, NCS có thể kế thừa, vận dụng những quan điểm về tôn giáo, tín
ngưỡng trong quá trình thực hiện luận án.
Cuốn Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt của Bùi Hoài Sơn [98],
công trình đề cập đến các hoạt động của quản lý lễ hội của người Việt ở châu thổ
Bắc Bộ từ năm 1945 đến nay. Đó là một hệ thống các văn bản pháp quy, quy
định của các cơ quan quản lý nhà nước đối với lễ hội. Đặc biệt là việc triển khai
những văn bản đó tới các hoạt động thực tiễn của lễ hội trong bối cảnh hiện nay.
Công trình nghiên cứu này của Bùi Hoài Sơn đã đề cập đến việc quản lý lễ hội ở
Việt Nam một cách đầy đủ, toàn diện và bài bản nhất đứng từ góc nhìn của khoa
học quản lý/người làm quản lý. Trong đó, các lễ hội cổ truyền trong quá trình
hoạt động của mình, đều chịu sự chi phối của cơ quan quản lý nhà nước thông
qua các văn bản pháp quy (bộ luật, nghị định, quy chế…). Cuốn sách của Bùi
Hoài Sơn đã giúp cho NCS thực hiện nghiên cứu đề tài của mình luôn đặt lễ hội
Phủ Dầy trong sự quản lý của nhà nước và nhận diện một nghiên cứu lễ hội
truyền thống từ góc nhìn quản lý, nhất là đối với lễ hội Phủ Dầy. Cuốn Lễ hội cổ
truyền của người Việt cấu trúc và thành tố của Nguyễn Chí Bền [6]. Cuốn sách
là một công trình nghiên cứu tổng thể về các loại hình lễ hội truyền thống trên
lãnh thổ Việt Nam được tác giả tiếp cận dưới góc nhìn cấu trúc và thành tố.
Công trình nghiên cứu này đã đặt lễ hội cổ truyền Việt Nam nói chung và lễ hội
ở châu thổ Bắc Bộ nói riêng trong mối quan hệ, tương tác với nhau trên nền tảng
lý thuyết cấu trúc luận và các thành tố vốn có của nó. Với góc nhìn riêng có của


11
mình, tác giả cuốn sách đã cho thấy các mặt của lễ hội truyền thống Việt Nam

trong mối quan hệ, tương tác với mọi phương diện của đời sống xã hội. Công
trình nghiên cứu này của Nguyễn Chí Bền đã giúp cho NCS có được cái nhìn
bao quát hơn về lễ hội cổ truyền ở Việt Nam trên cả phương diện lý thuyết lẫn
thực tiễn. NCS coi đây là công trình vừa mang tính lý thuyết vừa mang tính tổng
kết cao được rút ra từ thực tế của lễ hội trên khắp các vùng miền ở Việt Nam.
Đặc biệt là, trên cơ sở lý thuyết, tác giả đã chỉ ra được kết cấu/cấu trúc và thành
tố cơ bản của một lễ hội cổ truyền ở Việt Nam nói chung và ở châu thổ Bắc Bộ
nói riêng.
Những công trình có tính chất lý luận chung về tôn giáo tín ngưỡng đã
được xuất bản khá nhiều. Tuy nhiên, những công trình/tác phẩm đề cập đến
những vấn đề lý luận chung về tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam chưa có nhiều.
Những công trình nghiên cứu kể trên là những cuốn sách, bài báo khoa học tiêu
biểu liên quan trực tiếp đến công việc thực hiện luận án, trong đó, bài viết của
Ngô Đức Thịnh về nhận thức mới về lễ hội như một hiện tượng tổng thể đã giúp
tác giả luận án có cách tiếp cận đa chiều, nhiều góc độ. Cùng với quan điểm của
M. Mauss, tác giả có thể xây dựng khung lý thuyết trong quá trình thực hiện
nghiên cứu, đánh giá tác động qua lại giữa lễ hội thờ Mẫu đối với mọi mặt của
đời sống cộng đồng. Đối với công trình của Đặng Nghiêm Vạn, phần lý luận
thiên nặng về lý thuyết tôn giáo học và từ đó soi chiếu đến đời sống tôn giáo ở
Việt Nam, mà chưa đề cập đến các vấn đề tín ngưỡng nói chung (trong đó có tín
ngưỡng thờ Mẫu). Mặc dù vậy, công trình của Đặng Nghiêm Vạn cũng cung cấp
cho tác giả luận án hệ thống lý luận cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam nói riêng,
làm tiền đề lý luận cho việc thực hiện luận án. Công trình của A. Tôcarep là hệ
thống lý luận/lý thuyết về tôn giáo tín ngưỡng nói chung. Đây chính là tiền đề
quan trọng cho các nhà nghiên cứu về tôn giáo tín ngưỡng nói chung và cá nhân
tác giả luận án nghiên cứu về lễ hội thờ Mẫu nói riêng. Những công trình của các
tác giả tiêu biểu kể trên cũng đã đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp, nhiều hoặc ít liên
quan tới đề tài của luận án. Tác giả luận án đã tiếp thu, vận dụng trong quá trình
thực hiện nghiên cứu của mình.



12
1.1.2. Những nghiên cứu về lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ và lễ hội Phủ Dầy
Để có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ
nói chung và lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) nói riêng, chúng tôi chia thành những
nhóm công trình nghiên cứu sau:
Các công trình nghiên cứu đề cập trực tiếp tới lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ nói
chung và lễ hội Phủ Dầy nói riêng không nhiều. Tuy nhiên, trong các công trình
nghiên cứu về tín ngưỡng Việt Nam, đạo Mẫu nói chung, thì các hoạt động có
tính chất nghi lễ liên quan đến lễ hội được đề cập đến một cách gián tiếp. Chính
vì vậy, để nhận diện rõ hơn các công trình nghiên cứu của học giả đi trước, tác
giả luận án phân loại thành những nhóm vấn đề sau:
+ Các công trình nghiên cứu lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ
Công trình viết về lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ nói chung có một khối lượng
không nhỏ ở dưới dạng các sách chuyên khảo và bài báo khoa học. Tuy nhiên,
không có những công trình chuyên khảo (dưới dạng sách) riêng cho lễ hội thờ
Mẫu Tứ phủ, mà nó được lồng ghép vào các công trình chuyên khảo về Đạo
Mẫu nói chung.
Trước hết, có thể kể đến Le Culte des immortels en Annam (Việc thờ cúng
các vị Thần bất tử ở Việt Nam, Imprimerie D’Extrême - Orient của Nguyễn Văn
Huyên [45]. Đây là một tập chuyên luận đề cập đến các vị thần linh Việt nói
chung và các nữ thần nói riêng. Trong đó, thần nữ Liễu Hạnh được đề cập đến từ
nguồn gốc hình thành phát triển trong đời sống tâm thức dân gian Việt Nam.
Thân phận của vị thần nữ (được coi là tứ bất tử này) cũng chìm nổi long đong
trong mối quan hệ, tương tác với các thần linh đất Việt khác. Đây là một công
trình nghiên cứu tương đối toàn diện, đầy đủ và cách phân tích sắc sảo về những
loại hình tín ngưỡng bản địa với các vị thần linh của loại hình đó. Trong quá
trình định hình, tồn tại, phát triển, các loại tín ngưỡng đã có những xung đột, va
chạm, thậm chí loại bỏ nhau, thần Mẫu Liễu Hạnh cũng không phải là trường
hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, học giả Nguyễn Văn Huyên cũng

chưa đề cập đến lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ, đặc biệt là trường hợp lễ hội Phủ Dầy.
Thứ hai, nhóm tác giả Trần Quốc Vượng, Lê Văn Hảo và Dương Tất Từ
đã cho xuất bản cuốn Mùa xuân và phong tục Việt Nam [138]. Cuốn sách đề cập


13
đến những phong tục truyền thống của người Việt, trong đó có tục thờ nữ Thần
và tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá và những tác động
tới đời sống của cộng đồng lại chưa được nhóm tác giả đề cập đến. Nhưng,
những quan điểm, thông tin, kiến thức về các tục thờ nói chung và tục thờ Mẫu ở
Việt Nam sẽ được tác giả kế thừa trong quá trình thực hiện luận án.
Thứ ba, cuốn Các nữ thần ở Việt Nam của Mai Thị Ngọc Chúc, Đỗ Thị
Hảo [17]. Đây là một công trình nghiên cứu tổng hợp về các nữ thần ở Việt
Nam, về nguồn gốc, quá trình hình thành, sự thiêng hóa cũng như vai trò và tầm
ảnh hưởng của những thần nữ này đối với đời sống tâm linh của cộng đồng
người Việt nói riêng và người Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong cuốn sách
này, tác giả Đỗ Thị Hảo cũng chưa đề cập đến lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ, trong đó
có Phủ Dầy ở Nam Định.
Thứ tư, cuốn Thần Người và đất Việt của Tạ Chí Đại Trường [129]. Nội
dung cuốn sách đã dựng lên diện mạo của các thần linh đất Việt, trong đó các nữ
thần, Mẫu… được thể hiện sinh động dưới góc nhìn độc đáo, sắc sảo. Tạ Chí Đại
Trường đã cho thấy sự hình thành, phát triển và những va đập, chìm nổi của các
thần linh Việt trong diễn trình lịch sử dân tộc. Ông cũng chỉ ra mối quan hệ
chằng chéo, tiếp nhận, ảnh hưởng lẫn nhau của các vị thần trong bối cảnh giao
thoa giữa các vùng miền, các tôn giáo và tôn giáo với tín ngưỡng… Đây là một
trong những cuốn sách đặc biệt xuất sắc của học giả Tạ Chí Đại Trường khi
nghiên cứu sang vấn đề văn hóa tâm linh với tư cách là một nhà sử học. Ông
cũng chỉ ra những ảnh hưởng, tiếp nhận, hòa trộn tâm linh giữa các vùng miền
trên lãnh thổ Việt Nam của hệ thống nữ thần linh đất Việt, trong đó có Mẫu Liễu
Hạnh - Vị thánh Mẫu được coi là một trong “Tứ bất tử” của người Việt.

Cuốn Hát Văn của Ngô Đức Thịnh [106], nội dung đề cập chủ yếu đến
một số vấn đề cơ bản của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và nghi thức lên
đồng/hầu đồng nói riêng. Trong đó, ông tập trung vào khảo sát các nghi thức hát
văn và lên đồng. Từ đây, Ngô Đức Thịnh cũng chỉ ra những giá trị nghệ thuật,
tín ngưỡng tâm linh của hát văn. Cùng với những đánh giá, phân tích khoa học
về hát văn, ông đã sưu tầm bài bản, nội dung ca từ của loại hình diễn xướng tâm
linh này. Việc sưu tầm nội dung, câu chữ, lời bài hát trong hát văn gắn với đạo


14
Mẫu là hết sức quan trọng và cần thiết. Nó không chỉ cung cấp cho chúng ta lời
ca trong những điệu hát văn, mà trong đó còn là nội dung tư tưởng, nguồn gốc
lịch sử các thần linh trong hệ thống và giá trị nghệ thuật nhân văn. Việc nghiên
cứu về lễ hội Tứ phủ nói chung và ở Phủ Dầy nói riêng mà không khai thác, đề
cập đến nội dung của hát văn quả là thiếu sót, chưa đầy đủ.
Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, cuốn sách gần như liên tục được
tái bản, sửa chữa, có bổ sung vào các năm 2001, 2007, và 2010 [107]. Sau mỗi
lần tái bản như vậy, việc sửa chữa bổ sung không chỉ thuần túy là thêm thắt tư
liệu, mà còn có những thay đổi về nhận thức, quan điểm nghiên cứu. Chính vì
vậy, phiên bản năm 2010 của cuốn sách về cơ bản có nhiều điểm ưu việt so với
các phiên bản trước đó. Theo tác giả Ngô Đức Thịnh: Thứ nhất, tên cuốn sách đã
bỏ chữ “ở”, để khẳng định ở Việt Nam đã hình thành một tín ngưỡng thờ Mẫu
(nữ thần) khác biệt so với giá trị phổ biến trên thế giới. Thứ hai, các phiên bản
trước (1996, 2001, 2007), sau phần trình bày hệ thống thờ Mẫu, mà chủ yếu là
Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, còn các chương sau đi vào các hiện tượng thờ Mẫu ở địa
phương (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ), thì phiên bản 2010 xây dựng hệ thống thờ
Mẫu với ba cấp độ:
+ Thờ Nữ thần, Mẫu thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, sự tác động và
chuyển hóa giữa chúng
+ Khái quát ba dạng thức thờ Mẫu đầu tiêu biểu cho Bắc, Trung, Nam với

các đặc trưng địa phương
+ Quan trọng hơn, với mỗi vùng như vậy, cuốn sách tập trung nghiên cứu
các vị Thánh Mẫu tiêu biểu, như Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở Bắc Bộ, Thiên Ya Na
- Pô Inư Nagar ở Trung Bộ và Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thiên Hậu ở Nam Bộ. Hệ
thống trình bày này giúp chúng tôi vừa thể hiện được tính thống nhất lại vừa thể
hiện được tính đa dạng của Đạo Mẫu Việt Nam.
Thứ ba, nếu như các phiên bản trước chủ yếu mới đi vào xây dựng và
trình bày tính hệ thống của Đạo Mẫu, cho người đọc có ý niệm chung, giống như
cái khung của ngôi nhà, thì phiên bản này, một mặt tiếp tục xây dựng cái khung
chung ấy, nhưng quan trọng hơn là nghiên cứu Đạo Mẫu từ khía cạnh xã hội và
con người, từ cộng đồng tới cá nhân, tức là muốn phả vào cái bộ khung có phần


15
khô cứng ấy hơi thở, sức sống, làm cho nó có phần sinh động hơn. Nghiên cứu
các chiều kích khác nhau của môi trường xã hội, lịch sử và văn hóa với hiện
tượng Đạo Mẫu theo lý thuyết xã hội tổng thể của M. Mauss.
Thứ tư, cuốn sách này đi sâu vào nghiên cứu Đạo Mẫu chứ không nghiên
cứu tục Lên đồng, tuy nhiên, đây là hiện tượng vừa đồng nhất và vừa khác biệt.
Do vậy, tác giả cuốn sách luôn đặt chúng trong mối quan hệ chung riêng, tổng
thể và bộ phận.
Thứ năm, lần xuất bản năm 2010 này, ngoài 100 bài Hát văn đã công bố
trong lần xuất bản trước (năm 1996, tập 2), cuốn sách đã được tác giả bổ sung
đáng kể những những tư liệu thành văn liên quan tới các vị Thánh Mẫu, nhất là
Mẫu Liễu Hạnh. Đây là phần tài liệu vô cùng quý giá đối với những người
nghiên cứu nói chung và tác giả luận án nói riêng.
Cuốn Đạo Mẫu và các hình thức Shaman trong các tộc người ở Việt
Nam và châu Á của Ngô Đức Thịnh [114]. Đây là một cuốn sách tập hợp nhiều
bài viết của các tác giả khác nhau liên quan đến vấn đề của Đạo Mẫu và các
sinh hoạt tâm linh liên quan. Mặc dù, là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả

khác nhau, nhưng nhìn chung nội dung cuốn sách tập trung vào ba vấn đề cơ
bản: một là, đạo Mẫu ở Việt Nam; hai là, các hoạt động lên đồng của người
Việt; ba là các shaman của các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Trong đó, có
nhiều bài viết đề cập trực tiếp đến lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ nói chung và ở Phủ
Dầy nói riêng. Không những thế, vị thần chủ Liễu Hạnh với nơi thờ Phủ Dầy,
Nam Định đã trở thành tâm điểm nghiên cứu của các học giả. Đặc biệt, các
nghi thức lên đồng (một nghi thức quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ,
nhất là trong lễ hội Tứ phủ) đã trở thành đối tượng quan trọng để nghiên cứu
xem xét. Những đánh giá, so sánh với các hoạt động lên đồng (có tính chất
shaman) của các tộc người thiểu số khác ở Việt Nam như: Tày, Thái, Mường,
Chăm,... Đây là một cuốn sách quan trọng để tác giả luận án có thể khai thác
trong quá trình thực hiện luận án.
Cuốn Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận của Ngô Đức Thịnh
[116]. Đây là một chuyên khảo về nghi thức lên đồng gắn liền với tín ngưỡng
thờ Mẫu Tứ phủ ở Việt Nam trong bối cảnh cảnh đối sánh với các nghi thức lên


16
đồng của các tộc người thiểu số khác. Qua đây, tác giả Ngô Đức Thịnh đã tái
hiện một bức tranh sinh động về thân phận những ông đồng, bà đồng, thanh
đồng... trong nghi thức sinh hoạt thờ Mẫu Tứ phủ. Nghi thức lên đồng đã trở
thành đối trung tâm với những yếu tố cấu thành lên nó. Gương mặt của các thần
linh trong điện Mẫu Tứ phủ cũng qua sự thăng giáng vào các thầy đồng đã trở
nên rõ ràng, đa dạng và sinh động hơn đối với đời sống tâm linh. Các yếu tố như:
thần linh, thầy đồng, trang phục, âm nhạc (cung văn, nhạc cụ), điện thờ,... đã hòa
quyện, tạo nên một nghi thức lên đồng hoàn hảo. Qua những trường hợp cụ thể,
Ngô Đức Thịnh đã đưa ra những đánh giá, nhận định, lý giải thuyết phục người
đọc về hiện tượng lên đồng vốn đang gây nhiều tranh cãi trong đời sống hiện
nay. Đây là một chuyên khảo quan trọng cho tác giả của luận án khi tiến hành
nghiên cứu lễ hội thờ Mẫu Tứ phủ.

Cuốn Văn hóa thờ nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á, bản sắc và giá trị
của Ngô Đức Thịnh [119]. Cuốn sách là tập hợp các bài viết của các học giả
trong và ngoài nước được trình bày trong Hội thảo cùng tên do Trung tâm
nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch Nam Định, Hội Folklore châu Á tổ chức. Từ cuốn sách này, tục thờ các
nữ thần, thần Mẫu Việt Nam được đặt trong mối liên hệ, so sánh đối chiếu với
tín ngưỡng này với các nước trong khu vực châu Á. Trong đó, hệ thống thờ nữ
thần, thờ Mẫu ở Việt Nam được dựng lên khá sinh động, từ những trường hợp
được thờ cúng phổ biến như Mẫu Tam/Tứ phủ, Mẫu Liễu Hạnh... đến các trường
hợp đơn lẻ có tính chất địa phương. Bên cạnh đó, hiện tượng lên/hầu đồng cũng
được các tác giả quan tâm đề cập khá chi tiết. Đây là một tập hợp những bài viết
của nhiều tác giả về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và lễ hội Phủ Dầy ở Nam
Định nói riêng.
Ngoài các công trình của Ngô Đức Thịnh, có bài viết Tục thờ Mẫu và
những truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam của Đinh Gia Khánh [51]. Công
trình đã khái lược lại được và chỉ ra nguồn gốc, những điều kiện hình thành tâm
thức coi trọng người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam, để từ đó định hình và phát
triển các tục thờ Nữ thần. Bên cạnh việc bài báo chỉ ra được hệ thống thần Mẫu
cơ bản ở Việt Nam, Đinh Gia Khánh cũng nhấn mạnh đến tục thờ Mẫu Liễu


17
Hạnh trong tương quan với hệ tục thờ Mẫu nói chung của người Việt. Ông cho
rằng, Mẫu Liễu Hạnh đã xuất hiện trong đạo Tam phủ như là một sự bổ sung tất
yếu cho đạo Tam phủ để đáp ứng tình cảm của nhân dân. Vì khác với các Mẫu
khác (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Mẫu Thoải), Mẫu Liễu Hạnh có nguồn gốc
xuất thân trong đời sống thực, gần gụi với con người. Đinh Gia Khánh cũng chỉ
ra, Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào thế kỷ XVI, thay vì ban phúc, bà đi trừng phạt
những kẻ ác, chống lại sự độc đoán của triều đình. Với sự xuất hiện của Mẫu
Liễu Hạnh, thì đạo Tam phủ đã phát triển, trở thành đạo Tứ phủ.

Công trình Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam của
Nguyễn Đức Lữ [67]. Đây là một tập hợp những bài viết của nhiều tác giả đề cập
đến 2 vấn đề cơ bản: Thứ nhất, những bài viết có tính chất lý luận về tôn giáo tín
ngưỡng và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam. Phần này, tác giả Nguyễn Đức Lữ
đặc biệt tập trung nghiên cứu vai trò của tín ngưỡng dân gian trong đời sống xã
hội Việt Nam. Thứ hai, những bài viết đề cập tới các loại hình tín ngưỡng dân
gian cụ thể, trong đó có công trình viết trực tiếp đến tín ngưỡng thờ Mẫu và lễ
hội điển hình trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Có thể nói, đây là một
trong những công trình vừa đề cập đến vấn đề lý luận, nhận thức, vừa đề cập đến
các vấn đề cụ thể của mỗi loại hình tín ngưỡng dân gian cơ bản ở Việt Nam.
Chính điều này đã làm công trình này đảm bảo tính khoa học trên hai khía cạnh lý
luận và thực tiễn. Từ đây, các tín ngưỡng dân gian, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu
được nhìn nhận đánh giá dựa trên nền tảng lý thuyết và nhận thức mới. Chính vì
vậy, tín ngưỡng dân gian và đạo Mẫu ở Việt Nam được đánh giá đúng với vai trò,
chức năng của nó trong đời sống xã hội và cộng đồng. Công trình do Nguyễn Đức
Lữ chủ biên không chỉ cho tác giả luận án kế thừa những nội dung nghiên cứu, mà
còn cả phương pháp, kỹ năng khi nghiên cứu một vấn đề khoa học.
Công trình Văn hóa và phong tục của Hoàng Quốc Hải [33] là một tập
hợp các bài viết về phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa Việt Nam
nói chung. Trong đó, bài viết về “Tín ngưỡng thờ Mẫu và tục hầu bóng” đã đưa
ra một cách kiến giải về nguồn gốc tục thờ Mẫu nói chung và Mẫu Liễu Hạnh
nói riêng. Ông cũng chỉ ra việc thờ cúng Mẫu Liễu xuất hiện muộn so với tín
ngưỡng thờ Mẫu nguyên thủy của người Việt và nghi thức hầu bóng/lên đồng là


18
một sản phẩm đặc thù của loại hình tín ngưỡng này. Tuy nhiên, bài viết của
Hoàng Quốc Hải chỉ mang tính chất tổng hợp giới thiệu chung chung, cho nên
nó chưa thành một nghiên cứu chuyên khảo có giá trị cao về khoa học.
Ngoài những công trình nghiên cứu về Mẫu Tứ phủ và lễ hội Tứ phủ như

đã đề cập, thì không thể không nhắc đến cuốn kỷ yếu hội thảo Quốc Mẫu Tây
Thiên Vĩnh Phúc trong Đạo Mẫu ở Việt Nam [84]. Đây là một tập hợp những
tham luận của các nhà khoa học trong nước về hiện tượng thờ Mẫu nói chung ở
Vĩnh Phúc, quá trình hình thành, phát triển và sự phụng thờ Quốc Mẫu Tây
Thiên. Khẳng định vai trò của Mẫu Tây Thiên ở Vĩnh Phúc trong hệ thống tín
ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam. Trong đó, quá trình hình thành, phát triển của Mẫu
Tây thiên được nhìn nhận trong sự tương tác với các loại hình tín ngưỡng, tôn
giáo khác ở Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt bài viết Di tích
và lễ hội Tây Thiên - tiềm năng và triển vọng của tác giả Lê Hồng Lý [73], bài
viết đề cập đến trong mối tương quan với tiềm năng kinh tế và phát triển du lịch.
Tham luận của Lê Hồng Lý ngoài việc đề cập đến hệ thống cảnh quan di tích của
không gian lễ hội Tây Thiên, ông còn đề cập đến quá trình phục hưng của tín
ngưỡng - lễ hội Tây Thiên gắn với thập phương khách hành hương. Những con
số về số lượng khách đến Tây Thiên trong các năm của thập niên 90 (thế kỷ XX)
đã chỉ ra tiềm năng phát triển của loại hình tín ngưỡng - lễ hội này. Qua đó, ông
khẳng định, lễ hội Tây Thiên là một Yên Tử, một chùa Hương của Vĩnh Phúc; lễ
hội Tây Thiên là một hoạt động du lịch sinh thái tâm linh đầy hấp dẫn; đi hội
Tây Thiên là sự khám phá về văn hóa tộc người ở Vĩnh Phúc; lễ hội Tây Thiên là
một tiềm năng kinh tế lớn của Vĩnh Phúc. Trên cơ sở đó, Lê Hồng Lý cũng đưa
ra các giải pháp cho việc quản lý cũng như góp phần quy hoạch, phát triển khu di
tích tín ngưỡng - lễ hội thờ Mẫu Tây Thiên ở Vĩnh Phúc.
+ Các công trình nghiên cứu về lễ hội Phủ Dầy
Các công trình nghiên cứu về lễ hội Phủ Dầy cũng có một khối lượng
khiêm tốn, phần lớn là những bài viết trên các tạp chí khoa học, hoặc nằm trong
những cuốn sách tổng hợp của nhiều tác giả. Đôi khi, lễ hội Phủ Dầy chỉ được
cấu trúc thành một chương hoặc một phần trong các cuốn sách chuyên khảo liên


19
quan đến đạo Mẫu hoặc tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Mặc dù vậy, cũng có

một số tác giả - tác phẩm tiêu biểu đề cập đến lễ hội Phủ Dầy như:
Trong bộ Nếp cũ - Hội hè đình đám (quyển thượng) của học giả Toan Ánh
[3] có đề cập đến các lễ hội của Việt Nam nói chung. Trong đó ông đề cập đến rất
nhiều lễ hội thờ Mẫu ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Lễ hội Phủ Dầy được tác
giả Toan Ánh đề cập từ lịch sử, thần tích, hành trạng tới công tích của thần. Lễ hội
Phủ Dầy được nhắc đến với những nghi thức cơ bản như rước kiệu, kéo chữ (của
nhân dân trong vùng), hầu đồng (con nhang, đệ tử) và khách thập phương nô nức
kéo về dự hội. Có thể nói, công trình của Toan Ánh cho người đọc những thông
tin cơ bản nhất có tính chất tư liệu về thánh Mẫu Liễu Hạnh sự tích liên quan đến
bà. Trên nền tảng đó, lễ hội Phủ Dầy được thể hiện ra ngắn gọn, có phần sơ sài,
chỉ cung cấp những thông tin chung nhất của lễ hội mà thôi. Tuy nhiên, đây có thể
được coi là những tìm hiểu đầu tiên của các học giả nghiên cứu về đạo Mẫu nói
chung và Lễ hội Tứ phủ liên quan đến Mẫu Liễu Hạnh nói riêng.
Bài viết Quanh tín ngưỡng dân dã Mẫu Liễu và điện thờ của Trần Lâm
Biền [7]. Có thể nói, đây là bài viết khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất
của hiện tượng thờ Mẫu nói chung và Mẫu Liễu Hạnh nói riêng. Trong bài viết,
tác giả Trần Lâm Biền có đưa ra những nhận thức mới/khác về cái gọi là “mê tín
dị đoan” của giai đoạn trước. Theo ông, mê tín hay tín ngưỡng thực chất có cùng
nội hàm, những được gọi bằng tên gọi khác nhau mà thôi. Từ đây, ông cũng
dựng được sơ lược về hệ thống điện thờ của Mẫu Tứ phủ, trong đó có nơi thờ
Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người làm về kiến trúc mĩ thuật
truyền thống, nên nghiên cứu này của ông chưa đề cập đến lễ hội thờ Mẫu Tứ
phủ, trong đó có Phủ Dầy. Tuy nhiên, việc đề cập đến không gian thờ cúng của
đạo Mẫu nói chung và Mẫu Liễu Hạnh nói riêng, Trần Lâm Biền cũng đã chỉ ra
được không gian tổ chức lễ hội gắn liền với di tích - các công trình kiến trúc tâm
linh. Cùng với những yếu tố kiến trúc, nghệ thuật tạo hình gắn liền với tín
ngưỡng là một hệ thống các giá trị biểu tượng của Đạo Mẫu nói chung, tín
ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh nói riêng được Trần Lâm Biền bóc tách, giải mã và
chỉ ra tính hội nhập với các tôn giáo khác như Nho, Đạo, Phật…



20
Cùng thời gian với bài viết của Trần Lâm Biền, còn có cuốn sách chuyên
khảo của Vũ Ngọc Khánh, Phạm Văn Ty về Vân Cát thần nữ [53]. Cuốn sách là
một tập hợp những sưu tầm và nghiên cứu về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Mặc dù
dung lượng/số trang của cuốn sách không nhiều, nhưng đã nêu được những sự
tích tiêu biểu, giá trị đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và Mẫu Liễu
Hạnh ở Phủ Dầy nói riêng. Đặc biệt, cuốn sách còn tích hợp những sưu tầm về sự
tích của Mẫu Liễu Hạnh được diễn nôm qua các thời kỳ/giai đoạn lịch sử. Thông
qua những văn bản khác nhau về thần tích Mẫu Liễu Hạnh, cho thấy sự đa dạng
này quá trình sáng tạo, tích hợp những giá trị bản địa với các giá trị ngoại lai.
Được nhào nặn qua thời gian mà thành một hệ thống như vậy. Mặc dù tác phẩm
này của Vũ Ngọc Khánh và Phạm Văn Ty chỉ dừng lại ở việc sưu tầm, đánh giá sơ
bộ những tích truyện về Mẫu Liễu Hạnh, nhưng đây là một công trình khảo cứu có
nhiều giá trị về tư liệu đối với tác giả thực hiện đề tài của luận án.
Sau bài viết của Trần Lâm Biền và cuốn sách chuyên khảo Vũ Ngọc
Khánh, năm 1991, nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung đã ra cuốn Tam tòa Thánh
Mẫu [68]. Nội dung cuốn sách đề cập đến hệ thống thờ Mẫu nói chung và hiện
tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh nói riêng. Trong đó, hiện tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh
được Đặng Văn Lung nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở đối chiếu, so sánh với
những nữ thần khác của các tộc người trên lãnh thổ Việt Nam. Ông cũng đưa ra
những lý giải/giải mã những giá trị biểu tượng vốn có, nay đã bị khuất lấp trong
đời sống xã hội. Có thể nói, cuốn sách đã trình bày một số quan điểm khá độc
đáo về hiện tượng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, cuốn sách đi sâu vào trình bày
quan điểm của tác giả là chủ yếu, mà không đề cập đến lễ hội Phủ Dầy. Mặc dù
vậy, đây là một cuốn sách chuyên khảo quan trọng đối với tác giả thực hiện đề
tài luận án này. Năm 2004, nhà nghiên cứu Đặng Văn Lung đã cho xuất bản bộ
sách Văn hóa thánh Mẫu gồm 3 quyển [70]. Trong đó, quyển 3 của bộ sách này
đề chính là tái bản lại cuốn in năm 1991, có sửa chữa và bổ sung.
Thanh Hà trong cuốn Âm nhạc hát Văn [31] đã giới thiệu một số đặc điểm

của hát văn và các làn điệu, điệu thức, thang âm... do tác giả sưu tầm và ký âm.
Đây là một công trình khảo cứu hát văn dưới góc độ âm nhạc học. Đối với
những cá nhân thực hành hát văn/nghệ sĩ biểu diễn, thì đây là cuốn sách tham


×