Tải bản đầy đủ (.doc) (89 trang)

Luận văn tốt nghiệp: Sử dụng Bản đồ tư duy (Mind Map) trong dạy học Địa lí lớp 11 (ban cơ bản) THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.95 MB, 89 trang )

PHẦN MỘT: MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong số muôn loài sinh sống trên Trái Đất thì con người được biết đến là một loài
động vật tiến hóa cấp cao nhất. Sở dĩ có điều đó là do con người đang sở hữu một tài sản
vô cùng quí giá mà không loài nào có được – đó chính là bộ não người, với những chức
năng vô hạn của nó.
Trong mấy thế kỉ qua, con người đã tiến hành nghiên cứu về bộ não của chính mình. Và
càng ngày chúng ta càng nhận ra rằng: bộ não của mình thật kì diệu và còn rất nhiều bí mật
về năng lực của bộ não mà chúng ta chưa thể nhận thức hết được. Và “ chưa ai có thể tận
dụng hết tiềm năng của bộ não. Vì thế, chúng ta không thể chấp nhận bất kì đánh giá bì
quan nào về giới hạn cuả bộ não người. Nó là vô hạn” – The Forming of Natural and
Artificial Intelligence của giáo sư Petr Kouzmich Anokhin. Vấn đề đặt ra đối với con
người là làm thế nào để sử dụng bộ não của mình hiệu quả trong mọi lĩnh vực, trong đó có
học tập?
Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một thực trang rất báo động ở giới học sinh các
cấp, đó là sự “quá tải” trong học tập. Gánh nặng học hành, thi cử ngày càng đè nặng lên
những mần non tương lai. Các em như chìm trong các môn học, ghi ghi chép chép với
những chữ là chữ, để rồi khi đọc lại các em không thể biết đâu là nội dung chủ yếu cần
phải ghi nhớ giữa một “rừng chữ” mà mình đã ghi trên lớp, đặc biệt là đối với những môn
phải ghi chép nhiều như Văn, Sử, Địa…Và một thực tế phổ biến là thời gian học nhiều
nhưng kết quả học tập lại không cao, đối với nhiều học sinh, sau mỗi giờ học, kì học, năm
học “chữ thầy lại trả thầy”. Và câu hỏi đặt ra là: “học chăm chỉ có phải là phương pháp tối
ưu?”
Đặc biệt hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thật, lượng tri thức mà
con người phát hiện ra được tăng lên không ngừng, thời gian tăng gấp đôi của tri thức được
rút ngắn liên tục. Cùng với đó, người học cũng có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các
tri thức của nhân loại, hội nhập và phát triển cùng với bạn bè khắp năm châu bốn biển
1


thông qua mạng Internet và máy tính. Tuy nhiên với lượng thông tin đa chiều đó, người


học cần phải biết cách để sắp xếp lại chúng và gia tăng kiến thức cho mình. Chính vì thế,
vai trò của người thầy trong xã hội hiện nay không chỉ dạy, truyền thụ những gì tinh tú
nhất của trí tuệ loài người cho học sinh mà điều quan trọng hơn là phải dạy cho họ cách
học, cung cấp cho họ công cụ để tự bản thân họ tìm ra những kiến thức mới hữu ích trong
thời gian bùng nổ thông tin như hiện nay.
Bản đồ tư duy – Mind map do Tony Buzan, một nhà văn, nhà diễn thuyết, nhà cố vấn
người Anh sáng lập ra chính là một trong những công cụ hữu ích để giải quyết các vấn đề
trên. Nó có cấu tạo như một cái cây với nhiều nhánh lớn nhỏ và xung quanh cái cây ở giữa
sơ đồ là một ý tưởng chính hay hình ảnh trung tâm. Nối với nó là các nhánh lớn thể hiện
các vấn đề liên quan tới ý chính. Các nhánh lớn sẽ được phân thành các nhánh nhỏ hơn và
nhỏ hơn nữa, nhằm thể hiện mức độ sâu hơn của vấn đề. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục và
kiến thức, hình ảnh được kết nối với nhau. Sự liên kết đó tạo ra một bức tranh tổng thể mô
tả ý tưởng trung tâm một cách rõ ràng và đầy đủ, thúc đẩy quá trình ghi nhớ và tư duy sáng
tạo ở mỗi người. Do đó, nó góp phần khai thác một cách tối đa tiềm năng của bộ não.
Vì những lí do trên, em đã lựa chọn đề tài: “Sử dụng Bản đồ tư duy (Mind Map)
trong dạy học Địa lí lớp 11 (ban cơ bản) - THPT”, nhằm giới thiệu cho học sinh tiếp cận
một trong những công cụ giúp học tập hiệu quả hơn trong quá trình tiếp thu và lĩnh hội tri
thức trong môn Địa lí, tạo nên sự hứng thú trong học tập của mỗi học sinh.
2. Lịch sử nghiên cứu đề tài
Dựa trên những nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cũng như những nghiên
cứu của bản thân về bộ não người, đồng thời với vai trò là một người giáo viên thấy được
những khó khăn của học sinh trong việc giải quyết vấn đề, ghi nhớ, suy nghĩ sáng tạo…
Tony Buzan đã tạo ra Mind Map vào năm đầu của thập niên 60. Mục đích ban đầu của
BĐTD chỉ là giúp học sinh ghi lại bài giảng mà chỉ dùng từ then chốt và các hình ảnh dựa
trên cách thức ghi nhớ tự nhiên của bộ não.

2


Lần đầu tiên những lí thuyết ban đầu của BĐTD như thuyết bán cầu não trái, phải, bản

chất của việc ghi nhớ của não dựa trên sự tưởng tượng và liên tưởng cũng như việc vận
dụng các lí thuyết đó để tạo ra các kĩ thuật ghi nhớ đã được Tony in thành sách: “Use both
sides of your brain”. Sau đó, một loạt sách do chính tác giả viết đã ra đời tạo nên một bách
khoa toàn thư về não bộ và cách sử dụng não bộ (An Encyclopedia of the Brain and Its
Use). Trong đó, tác phẩm “Use Your Head” được giới thiệu vào đầu mùa xuân năm 1974
đã đưa đến cho độc giả BĐTD chính thức đầu tiên.
Nếu như trong giai đoạn đầu BĐTD chỉ được Tony dùng cho việc ghi nhớ thì sau này
với những tính năng ưu việt của mình, BĐTD đã được dùng trong nhiều lĩnh vực khác
nhau. Do đó, Tony Buzan đã cùng với em trai mình là Barry Buzan đã viết tác phẩm: “The
Minh Map Book” - một tác phẩm khá hoàn chỉnh về BĐTD cũng như việc áp dụng nó vào
các lĩnh vực khác nhau. Cuốn sách này đã trình bày các lí thuyết về não bộ, quan hệ giữa
sáng tạo và trí nhớ, các qui luật, kĩ thuật lập BĐTD cũng như sự khái quát hóa các ứng
dụng của BĐTD trong từng lĩnh vực của cá nhân, gia đình, giáo dục, kinh doanh và các
lĩnh vực chuyên môn khác.
Dựa trên những lí thuyết BĐTD của Tony Buzan nhiều tác giả khác cũng đã nghiên cứu
để phát triển kĩ thuật này cho từng lĩnh vực cụ thể như:
- Cuốn sách “Writing the natural way” của tác giả Gaberiele Rico là tác phẩm tiên
phong trong việc ứng dụng BĐTD cho lĩnh vực ghi chép.
- Để dành riêng cho những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, cố
vấn Joyco Wycoff cuả Tony Buzan đã viết cuốn sách hoàn chỉnh để áp dụng BĐTD trong
kinh doanh “Mind Map: Your Personal Guide To Exploring Crecitivity And Proble
Sloving” do nhà xuất bản Berkey NewYork (1991). Trong cuốn sách này tác giả đã gợi ý
sử dụng công thức chung của BĐTD với chủ thể đặt ở giữa và vây quanh là các nhánh phát
sinh với chủ đề WWWWWH$ (Who?When?What?Where?Why?How?Money?) khi tạo ra
một BĐTD trong quản lí một dự án.
- …………
3


Ở Việt Nam, BĐTD mới xuất hiện ở nước ta khoảng 5,6 năm trở lại đây thông qua một

số tác phẩm được biên dịch lại như: Use your head, Mind Map at work, Mind Map Book…
Tuy nhiên, thời gian đầu BĐTD ít được mọi người chú ý đến, đặc biệt là giới học sinh,
sinh viên, các nhà sư phạm. Hiện nay, việc sử dụng công cụ trên đang dần phổ biến trong
giới trẻ. Điển hình đó là hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phổ biến BĐTD của nhóm Tư
duy mới (New Think Group – NTG). Nhóm này đã có công rất lớn trong việc biên dịch tác
phẩm “Mind Map at work”, ra tiếng Việt. Những dự án mà NTG thực hiện như: ứng dụng
BĐTD trong việc học nhóm, trong học ngoại ngữ và học các môn xã hội khác đã rất thành
công.
BĐTD cũng được nhiều nhà giáo áp dụng trong vệc giảng dạy trên lớp. Cụ thể như thầy
Hoàng Đức Huy, thầy đã hướng dẫn học sinh của mình sử dụng BĐTD trong học văn và
đạt hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu BĐTD để áp dụng cụ thể cho các môn học trên
giờ lên lớp rất ít, có chăng đó chỉ là những bài viết còn rất sơ sài, mang tính chung chung.
3. Mục đích, nhiệm vụ, giới hạn của đề tài
3.1.

Mục đích của đề tài

Việc nghiên cứu đề tài :” Sử dụng BĐTD (Mind Map) trong dạy học Địa lí lớp 11
(ban cơ bản) - THPT” nhằm:
- Trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất về BĐTD, hình thành kĩ năng lập
BĐTD để họ có thể sử dụng BĐTD trong học tập môn Địa lí một cách hiệu quả. Từ đó,
khơi dậy niềm đam mê, hứng thú, sáng tạo của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy
học địa lí ở trường THPT.
3.2.

Nhiệm vụ của đề tài

- Nghiên cứu các cơ sở lí luận của việc sử dụng BĐTD trong dạy học Địa lí 11.
- Sử dụng BĐTD trong quá trình dạy học Địa lí 11 (ban cơ bản).

- Thực nghiệm dạy học Địa lí 11 bằng BĐTD để kiểm chứng.
3.3. Giới hạn nghiên cứu của đề tài
4


Do thời gian nghiên cứu đề tài có hạn cũng như những hiểu biết sâu sắc về BĐTD còn
hạn chế nên đề tài mới nghiên cứu sử dụng BĐTD vào dạy học Địa lí 11 – chương trình cơ
bản.
4. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Trong quá trình thực hiện đề tài, em có sử dụng hai nhóm phương pháp sau:
4.1.

Nhóm phương pháp lí thuyết

- Phương pháp thu thập tài liệu: để thực hiện đề tài tác giả đã nghiên cứu nguồn tài liệu
từ sách, báo, mạng Internet về BĐTD nhằm định hướng nội dung đề tài.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh: phương pháp này áp dụng dùng để nghiên
cứu các BĐTD cho nội dung bài học.
4.2.

Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn:

- Phương pháp điều tra, quan sát: tiến hành dự giờ, quan sát quá trình dạy và học của
GV và học sinh trên lớp.
- Phương pháp thực nghiệm: dùng để kiểm tra các kết quả nghiên cứu lí thuyết
5. Cấu trúc luận văn
Luận văn gồm có ba phần và ba chương
- Phần một: Mở đầu
- Phần hai: Nội dung
+ Chương 1: Cơ sở lí luận của việc sử dụng BĐTD (Mind Map) trong dạy học Địa lí

lớp 11 (ban cơ bản) - THPT
+ Chương 2: Sử dụng BĐTD (Mind Map) trong dạy học Địa lí lớp 11 (ban cơ bản) –
THPT
+ Chương 3: Thực nghiệm sư phạm
- Phần ba: Kết luận

5


PHẦN HAI: NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA VIỆC SỬ DỤNG BĐTD (MIND MAP)
TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ LỚP11 (BAN CƠ BẢN) - THPT
1. Bản chất của quá trình dạy học
Quá trình dạy học là một quá trình dưới sự hướng dẫn tổ chức, điều khiển của GV, học
sinh tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo, biết tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận
thức, học tập của mình nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu dạy học.
Qúa tình này bao gồm hai hoạt động chính: hoạt động dạy của thầy và hoạt động của
trò:
-

Hoạt động dạy: là hoạt động của người GV nhằm tổ chức, điều khiển hoạt động của

học sinh, giúp các em lĩnh hội những tri thức khoa học, phát triển những năng lực của bản
thân, tạo ra sự phát triển tâm lí hình thành thế giới quan khoa học đúng đắn.
Để làm được điều đó trong hoạt động dạy, người GV phải tạo ra được tính tích cực
trong học tập của học sinh làm cho các em ý thức được đối tượng cần chiếm lĩnh và biết
cách chiếm lĩnh nó. Đây chính là nhân tố quyết định tới chất lượng học tập của học sinh.
-

Hoạt động học là quá trình hoạt động tự giác, tích cực của học sinh nhằm lĩnh hội tri


thức, kĩ năng, kĩ xảo, phát triển trí tuệ, thể chất và hình thành nhân cách của bản thân.
Hoạt động học không chỉ hướng vào việc tiếp thu những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo mới
mà còn là việc tiếp thu cả những tri thức của quá trình bản thân hoạt động. Hay nói cách
khác, muốn hoạt động học của học sinh đạt kết quả cao thì người học không chỉ tiếp thu
kiến thức mà còn phải biết cách học, con đường để chiếm lĩnh các kiến thức đó.
Do đó dạy và học tuy là hai hoạt động tuy có vẻ là độc lập, riêng rẽ nhưng lại có mối
quan hệ chặt chẽ với nhau. Bởi quá trình dạy học chỉ diễn ra tốt khi người thầy làm tròn
chức năng nhiệm vụ của mình: trong quá trình tổ chức cho học sinh, người dạy phải ý thức
được những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo cần được hình thành ở học sinh; đồng thời thông qua
đó người học sẽ lĩnh hội được cách học gì để phục vụ cho quá trình tự học, nhằm phát triển
6


bản thân học sinh cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Còn người học thì tích cực tiếp thu
và xử lí những thông tin đó theo cách mà mình được dạy và từ đó ứng dụng vào trong thực
tiễn để tự học, nâng cao kiến thức của bản thân.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay ở các nhà trường của nước ta GV mới chỉ chú trọng
việc cung cấp tri thức, kĩ năng, kĩ xảo cho học sinh mà chưa dạy cho họ cách học để chiếm
lĩnh tri thức đó. Do đó học sinh mới chỉ biết thụ động tiếp thu kiến thức mà GV cung cấp,
còn học như thế nào? làm sao để tự chiếm lĩnh kiến thức đó thì các em rất lúng túng.
BĐTD chính là một phương tiện để GV cung cấp kiến thức cho học sinh, đồng thời qua
việc hướng dẫn học sinh làm việc bằng BĐTD, GV đã dạy cho học sinh cách học để có thể
tự học.
2. Nhu cầu đổi mới phương pháp dạy học Địa lí
2.1. Những yêu cầu của đổi mới đối với dạy học Địa lí
Thế giới hiện đại đang biến đổi một cách mạnh mẽ:
- Sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã thúc đẩy nhiều
lĩnh vực có những bước tiến vượt bậc với nhiều triển vọng to lớn (điển hình như ngành
công nghệ thông tin).

-

Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa đang được đẩy mạnh và trở thành xu thế tất yếu

của thời đại. Nó giống như một dòng chảy xuyên quốc gia len lỏi khắp mọi nơi, thúc đẩy
sự hợp tác kinh tế đa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế tích cực; thị trường và sản
phẩm đều mang tính toàn cầu. Thế giới mà con người đang sống được ví von bằng hình
ảnh rất sáng tạo và độc đáo “thế giới phẳng”. Tuy nhiên, xu thế trên cũng mang lại một số
hệ quả nghiêm trọng: làm tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nước giàu và nước
nghèo, nguy cơ mai một nền văn hóa…
- Hiện nay thế giới hiện đại cũng đang phải đối mặt với những vấn đề toàn cầu như:
bùng nổ dân số - già hóa dân số; bất ổn chính trị (xung đột sắc tộc, chiến tranh, khủng
bố…), biến đổi khí hậu, ô nhiếm môi trường, suy giảm tài nguyên thiên nhiên…

7


Tất cả những vấn đề trên đã đặt ra những yêu cầu mà xã hội cần có ở mỗi công dân của
mình là:
+ Con người phải có đầu óc khoa học và trình độ học vấn cao, biết sử dụng qui luật tự
nhiên và xã hội để xây dựng cuộc sống.
+ Con người có tính cách nhân bản cao, có ý thức chấp hành pháp luật, có tinh thần dân
tộc, biết giữ gìn và phát huy truyền thống và tinh hoa của dân tộc.
+ Con người có cá tính và bản sắc riêng, có ý chí hoài bão tự chủ, tự giác
Điều này có nghĩa là: giáo dục nói chung và nhà trường và cụ thể là các bộ môn trong
đó có Địa lí phải đổi mới thực sự, tạo ra những cơ hội, dạy học sinh cách học, công cụ hữu
ích để họ phát triển khả năng sáng tạo trong việc chiếm lĩnh kiến thức, tạo nên những
người công dân đủ đức đủ tài, đáp ứng đủ các yêu cầu của xã hội.
2.2. Định hướng đổi mới phương pháp dạy học Địa lí
Định hướng về đổi mới phương pháp dạy học đã được thể hiện rất rõ trong các văn bản

của nhà nước. Cụ thể là các nghị quyết TƯ 4 khóa VII, nghị quyết TƯ 2 khóa VIII, và điều
này đã được pháp chế hóa trong luật giáo dục – điều 24.2: “Phương pháp giáo dục phổ
thông phải phát huy tính tích cực, tự giác chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với
đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kĩ năng
vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học
tập cho học sinh”
Như vậy, thực chất của việc đổi mới phương pháp day học trước hết là nhằm mục tiêu
đổi mới phong cách dạy của thầy cũng như phong cách học của trò để nâng cao chất lượng
hiệu quả trong dạy học nói chung và dạy môn Địa lí nói riêng. Và dạy học lấy học sinh làm
trung tâm (thầy là người tổ chức chỉ đạo quá trình nhận thức; học sinh đóng vai tò chủ thể
của nhận thức, tự khai phá, tự chiếm lĩnh và kiến tạo kiến thức) đang được coi là xu thế tất
yếu của lịch sử phát triển phương pháp giáo dục và dạy học trong nhà trường.
Tuy nhiên, sự đổi mới trên chỉ có thể thành công khi đó là quá trình đổi mới toàn diện,
đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, từng bước vững chắc; đồng bộ các khâu, các thành tố
8


của quá trình dạy học địa lí từ đổi mới thiết kế bài giảng đến đổi mới tổ chức bài học, đổi
mới kiểm tra, đánh giá, có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên – học sinh – cán bộ quản lí
nhà trường.
Môn Địa lí từ trước đến nay ở nhiều nơi vẫn dạy học theo kiểu truyền thống: thầy
thuyết trình, liệt kê, đọc và trò là người có nhiệm vụ chép và thụ động lĩnh hội kiến thức do
thầy nói ra. Vì vậy trong suy nghĩ của nhiều học sinh, Địa lí là một môn học phụ, môn học
của trí nhớ, môn học thuộc lòng chứ không phải là môn của tư duy. Do đó việc dạy và học
môn Địa lí trở nên nặng nề. Nhiệm vụ của người giáo viên Địa lí hiện nay cần đổi mới
phương pháp dạy học theo kiểu thông báo, cung cấp kiến thức sang kiểu dạy đòi hỏi học
sinh phải làm việc nhiều hơn, tư duy nhiều hơn, khơi dậy sự hứng thú đối với môn Địa lí ở
mỗi học sinh. Và việc giáo viên sử dụng BĐTD trong dạy học Địa lí sẽ góp phần giải quyết
vấn đề trên.
3. Lí thuyết BĐTD và việc đổi mới dạy học Địa lí

3.1 . Định nghĩa bản đồ tư duy
Theo Tony Buzan, BĐTD là cách đơn giản gửi và nhận thông tin của bộ não; đó là một
kĩ thuật họa hình, đóng vai trò chiếc khóa vạn năng để khai thác tiềm năng của não bộ. Nó
có bốn đặc điểm chính sau:
- Đối tượng cần quan tâm được tóm lược trong một hình ảnh trung tâm.
- Từ hình ảnh trung tâm những chủ đề chính của đối tượng tỏa rộng thành các nhánh.
- Các nhánh được cấu thành từ một hình ảnh chủ đạo hay từ khóa trên một dòng liên
kết. Những vấn đề phụ cũng được biểu thị bởi các nhánh gắn kết với các nhánh có thứ bậc
cao hơn.
- Các nhánh tạo thành một cấu trúc nút liên kết nhau
Như vậy về thực chất BĐTD cũng là một dạng của sơ đồ hóa trong dạy học nhưng cái
khác của nó là sử dụng triệt để hình ảnh và từ khóa để từ đó nhóm khái niệm được phân
cấp liên tiếp trong quá trình tư duy của con người về một vấn đề nào đó.

9


BĐTD là cách học mới rất hiệu quả, ứng dụng trong học tập, nghiên cứu và công tác.
BĐTD là phương thức ghi nhớ hữu hiệu đầy thú vị. BĐTD là cách tốt nhất để phát triển
các ý tưởng mới, cũng như triển khai công việc và học tập thường ngày.
3.2. Cơ sở khoa học của việc hình thành BĐTD
Cơ sở khoa học để Tony Buzan xây dựng nên kĩ thuật BĐTD chính là những công trình
nghiên cứu về não bộ hiện đại; quá trình học và nhớ xét dưới góc độ tâm lí học của các nhà
khoa học trên thế giới cũng như chính bản thân tác giả.
3.2.1.

Những kết quả nghiên cứu về não bộ hiện đại

Não bộ của con người được coi như là một tiểu vũ trụ với nhiều điều bí mật chưa được
khám phá. Đó là một khối chất nguyên sinh phức tạp nhất trong thế giới vạn vật.

Trước hết xét về mặt cấu trúc, bộ não của chúng ta gồm ba phần cơ bản:
- Phần não bò sát (truncuscerebri): phát triển đầu tiên, là bộ phận trí tuệ thấp nhất của
con người. Nó hoạt động như một dây thần kinh vận động cảm giác nhận biết hiện thực
khách quan thông qua 5 giác quan. Hành vi được điều khiển bởi não bò sát mang bản năng
sinh tồn, quan tâm đến thức ăn, chỗ ở, sinh sản và bảo vệ lãnh thổ.
- Phần não của động vật có vú (diencephalons): nằm ở trung tâm của bộ não người, có
chức năng thực hiện tình cảm và nhận thức như: cảm giác, khoái cảm, trí nhớ và khả năng
học tập. Đồng thời nó cũng kiểm soát nhịp sinh học của con người như: buồn ngủ, đói
khát, nhịp tim…Nó có khả năng chọn lọc những thông báo nhận từ các giác quan: thị giác,
thính giác, vị giác và khứu giác để phát tán thông tin đến bộ phận tư duy của não là vỏ não.
- Vỏ não (cerebrum): là bộ phận trẻ nhất và tiến hóa nhất của não con người bao trùm
xung quanh đỉnh và cạnh của phần não động vật có vú. Đây chính là trung tâm trí tuệ của
con người, đảm nhận chức năng chọn lọc thông báo, nhận tín hiệu phát ngôn và xử lí ý
nghĩ, tạo nên sự khác biệt giữa con người và các loài động vật khác.
Theo những phát hiện của khoa học nghiên cứu não bộ hiện đại, vỏ não dày chỉ vài mm
nhưng chứa tới khoảng 75% các tế bào não (10-100 tỉ tế bào). Mỗi tế bào là một hệ thống
hóa điện rất phức tạp, một hệ thống vi xử lí và dẫn truyền dữ liệu cực mạnh. Mỗi tế bào
10


giống như một con siêu bạch tuộc với hàng chục, trăm, nghìn xúc tu. Mỗi xúc tu giống như
một nhánh cây tủa ra từ thần kinh tế bào não. Các nhánh này được gọi là nhánh dendrite,
có cấu trúc rễ nhánh cây; trong đó, nhánh dài và to nhất được gọi là trục axon – kênh
truyền phát tin chính của tế bào não. Mỗi nhánh dendrite và trục axon dài 1mm – 1.5m,
nằm quanh suốt chiều dài của chúng là những cấu trúc lồi giống hình nấm, được gọi là gai
nhánh (dendritic spine) và nút dẫn truyền (synaptic button). Ở mỗi gai nhánh và nút truyền
đều chứa các hóa chất đóng vai trò truyền tin chủ yếu trong quá trình tư duy. Mỗi nhánh
gai và nút truyền từ một tế bào não kết nối với nút dẫn truyền của tế bào não kế cận. Khi có
xung điện truyền qua tế bào não, các hóa chất sẽ được truyền qua một khe hẹp chứa đầy
chất lỏng nằm giữa hai tế bào não, rồi “lọt vào” bề mặt tiếp nhận của tế bào não kế tiếp, lại

tạo ra xung điện chạy qua tế bào não tiếp nhận thông tin và từ đó xung điện này lại được
dẫn đến một tế bào não kế cận khác
Trong mỗi giây, một tế bào não có thể tiếp nhận xung thông tin đến từ hàng trăm nghìn
điểm kết nối và giống như một tổng đài điện thoại khổng lồ, nó lập tức xử lí toàn bộ dữ
liệu của các thông tin đến rồi xác định đường truyền thích hợp trong từng một triệu giây.
Cùng một thời điểm, một trong số hàng nghìn tỉ tế bào não có thể liên lạc và tiếp nhận
khoảng 10.000 tế bào não kế cận hoặc hơn. Như vậy, bộ não của chúng ta có tiềm năng
thật to lớn. Nó như một cỗ máy liên kết khổng lồ có các chức năng: tiếp nhận, lưu trữ, phân
tích, tác xuất (mọi hình thức giao tiếp hay hoạt động sáng tạo bao gồm cả tư duy) và kiểm
soát. Tiềm năng của nó thực sự là vô hạn.
Ngoài ra theo nghiên cứu về não của giáo sư Roger Sperry thuộc đại học Caliphonia
(người đã được nhận giải thưởng Nobel về công trình này), đã phát hiện ra rằng: bộ não ba
phần của chúng ta còn được chia thành hai phần sinh lí học là bán cầu não phải và bán cầu
não trái (gọi tắt là não phải và não trái). Hai bán cầu não được nối với nhau bằng tập hợp
các sợi dây thần kinh, mỗi phần thực hiện một chức năng khác nhau:
-

Bán cầu não phải dường như trội hơn trong các hoạt động tư duy như: nhịp điệu,

nhận thức về không gian, tính toàn thể, tưởng tượng, mơ mộng, màu sắc, kích thước.
11


-

Bán cầu não trái lại thiên về các kĩ năng tư duy khác nhau, bao gồm: ngôn ngữ, suy

luận, số, xâu chuỗi, quan hệ tuần tự, phân tích, liệt kê.
Mặc dù mỗi bán cầu não có sự trội hơn ở những tư duy nhất định, nhưng giữa chúng
luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau tạo ra các kĩ năng tư duy mà tất cả mọi người đều

đang sở hữu trong mình. Bởi theo nghiên cứu của Ornstein và nhiều nhà khoa học khác đã
chỉ ra rằng: quá trình tư duy của con người là sự kết hợp phức tạp giữa ngôn ngữ (từ và
biểu tượng); số; suy luận (xâu chuỗi, liệt kê, quan hệ tuần tự, phân tích, thời gian, liên kết);
nhịp điệu; màu sắc; hình tượng (mơ mộng, hình dung); nhận thức về không gian (kích
thước và tính toàn thể) – những kĩ năng vốn được xem là thuộc về bán cầu não trái hay não
phải.
Tuy nhiên hiện nay có khoảng 90% các môn học trong các nhà trường là những môn
học thiên về não trái. Địa lí hay các môn học khác như: Toán học, Hóa học, Sinh học…đều
đòi hỏi các chức năng hoạt động của não trái như: tìm hiểu sự kiện, phân tích thông tin, lập
luận, tính toán. Điều đó cũng có nghĩa là trong khi não trái liên tục làm việc ở hầu hết thời
gian trên lớp thì não phải lại chưa được tận dụng đúng công suất. Do đó tình trạng học sinh
hay mơ màng trong lớp học hay viết nghuệch ngoạc trên giấy khi thầy cô giảng bài thường
xuyên xảy ra. Và từ đó nhiều học sinh đã tự cho rằng mình thiên về não trái hoặc não phải
(những người thiên về não trái thường có đặc điểm chung là: gọn gàng, ngăn nắp, có kết
quả tốt ở những môn Toán học, Hóa học, Anh văn, Vật lí…nhưng lại có khuynh hướng
khó thông cảm với người khác và có thể thiếu một chút kĩ năng giao tiếp. Ngược lại những
người thiên về não phải lại hay mơ màng trong lớp học, nói chuyện nhiều và rất dễ mất tập
trung, thiếu sự gòn gàng, ngăn nắp; họ thường kém ở các môn tính toán nhưng lại xuất sắc
ở các môn thể thao, nghệ thuật, âm nhạc…). Chính sự tự ám kỉ này đã làm cho học sinh
của chúng ta tự giới hạn khả năng của mình. Bởi liên kết giữa các tế bào não thay đổi liên
tục và vì không dùng đến chúng chúng có thể tự ẩn đi. Điều này có nghĩa là dạy học phải
làm thế nào để bộ não của người học luôn được kích thích, để phát huy được hết tiềm năng
của hai bán cầu não.
12


3.2.2.

Qúa trình học và nhớ xét dưới góc độ tâm lí học


Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong quá trình học, bộ não của con người chủ yếu
ghi nhớ các thông tin sau:
- Các chi tiết trong phần đầu buổi học (hiệu ứng ưu tiên theo trình tự xuất hiện)
- Các chi tiết trong phần cuối buổi học (hiệu ứng ưu tiên theo mức độ cập nhật).
-

Mọi chi tiết có sự liên hệ với sự việc, qui luật, cấu trúc đã ghi nhớ hoặc liên quan

tới những khía cạnh của vấn đề đang học.
- Mọi chi tiết đặc sắc hoặc nổi bật được nhấn mạnh.
- Những chi tiết được cá nhân đặc biệt quan tâm.
- Mọi chi tiết đặc biệt thu hút các giác quan.
Thông qua các nghiên cứu này, Tony Buzan đã nhận ra hai nhân tố chính của trí nhớ là
sự liên tưởng và nhấn mạnh. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới có khoảng 95% học sinh,
sinh viên đang ghi chép theo cùng một kiểu: ghí chú thành từng câu (thường là từ trái sang
phải), với hai dạng cơ bản:
+ Dạng ghi chú được tạo ra từ các đoạn văn: đó là các nội dung được viết theo dạng
tường thuật. Với cách ghi chú này, các từ khóa quan trọng cần được nắm bị chìm khuất và
rải đều trên các trang giấy, gây ra sự lãng phí thời gian không cần thiết khi phải đọc và tìm
kiếm thông tin đáng nhớ. Đồng thời nó cũng gây ra cho não sự mệt mỏi, nhàm chán khi
phải đọc một dãy các thông tin dường như vô tận và không có sự khác biệt. Do đó não sẽ
rất khó nhớ nội dung bài học.
+ Dạng viết theo kiểu liệt kê, lập dàn ý: các đoạn văn hoặc các câu văn ngắn được đánh
số, sắp xếp theo một trình tự xuất hiện và được phân cấp thành các nhóm chính, phụ.
Những bản ghi chú kiểu này thường gây cho não cảm giác đã đến phần kết hay hoàn tất;
không kích thích não sáng tạo, cản trở việc tạo ra các môi liên kết tư duy.
Và kết quả của những bản ghi chú trên là “căn bệnh ngủ” khi học: “chỉ cần đến các thư
viện trường học, trường đại học ở các thành phố, thị trấn trên khắp thế giới, chúng ta sẽ

13



thấy phân nửa số người đến thư viện là để ngủ. Nơi học tập của chúng ta lại biến thành
phòng ngủ công công” – Tony Buzan.
Nguyên nhân của việc này chính là do đại đa số chúng ta chỉ sử dụng khả năng của não
trái. Sự tương tác giữa não trái và phải không diễn ra được, qui luật ghi nhớ của bộ não
không được áp dụng trong quá tình học cũng như ghi chú.
Như vậy, cơ chế hoạt động tư duy của vỏ não cũng như những phát hiện về chức năng
não trái, phải và hai nhân tố chính của trí nhớ là liên tưởng và nhấn mạng là cơ sở khoa học
của lí thuyết BĐTD do Tony Buzan lập ra. Do đó nó thực sự là công cụ khai thác có hiệu
quả tiềm năng của bộ não.
3.2. Cách lập BĐTD trong dạy học
Theo Tony Buzan, có 3 bước để lập được một BĐTD, như sau:
- Vẽ chủ đề (từ ngữ hoặc hình ảnh) ở trung tâm trên một tờ giấy trắng không dòng kẻ
(được đặt nằm ngang) bằng bút màu.
- Từ chủ đề trung tâm vẽ thêm các đường đậm, uốn lượn, mỗi nhánh đó sẽ là một liên
tưởng chính về chủ đề (đó có thể là hình ảnh hoặc các từ khóa).
- Từ mỗi liên tưởng ban đầu, có thể kẻ thêm các nhánh nhỏ giống như một cái cây.
Thêm các ý tưởng phụ cho ý tưởng chính ban đầu.
Tuy nhiên, để lập được các BĐTD một cách dễ dàng và khoa học, GV cần phải hướng
dẫn học sinh làm theo các bước trên và chú ý đến các vấn đề sau:
- Tận dụng từ khóa và hình ảnh
+ Từ khóa (key word) là những khái niệm trọng tâm mà từ đó hàng loạt các khái niệm
khác được triển khai. Ví dụ như: khí hậu là từ khóa thì từ “khí hậu” sẽ có vô số các khái
niệm khác như:”khí hậu cực”, “khí hậu ôn đới”,”khí hậu xích đạo”…, và từ “khí hậu ôn
đới” lại phân thành:”khí hậu ôn đới hải dương”, “khí hậu ôn đới lục địa”, “khí hậu ôn đới
cận nhiệt”…, cứ như thế các phân nhánh khác sẽ lại được tiếp tục. Như vậy từ khóa bao
hàm nội dung súc tích nhất, ngắn gọn nhưng lại có tác dụng khi nhìn vào đó những ý tưởng
liên kết tỏa ra liên tục, tạo nền tảng cho tiềm năng tư duy sáng tạo vô hạn ở mỗi người.
14



Trong bất kì quyển sách giáo khoa nào thì số lượng từ khóa cũng chỉ chiếm khoảng
20% số từ, do đó xác định các từ khóa sẽ giúp học sinh nắm được kiến thức cần thiết và
giảm bớt thời gian vô ích để học các từ không quan trọng khác, qua đó nâng cao khả năng
nhớ và ôn bài sau này của học sinh.
+ Hình ảnh
Hình ảnh bao gồm tất cả các hình vẽ, biểu tượng, kí hiệu, tranh ảnh…Theo nghiên cứu
của nhiều nhà khoa học trên thế giới “con người gần như có khả năng vô hạn trong việc
nhận dạng ảnh bằng kí ức” và một hình ảnh có giá trị ngàn lời. Bởi hình ảnh có tác dụng
rất lớn trong việc huy động các kĩ năng tư duy trên vỏ não như: màu sắc, hình thể, đường
nét kích thước, kết cấu, nhịp điệu, thị giác đặc biệt là sự tưởng tượng. Do đó, nó góp phần
quan trọng trong việc hình thành các biểu tượng và các khái niệm địa lí.
So với từ thì hình ảnh kích thích não làm việc hiệu quả hơn và có khả năng gợi liên kết
phong phú, mãnh mẽ, cảm xúc hơn; kết quả là tăng cường hoạt động kí ức cùng với tư duy
sáng tạo.
Việc giáo viên hướng dẫn học sinh dùng hình ảnh trong BĐTD sẽ giúp các em biết cách
quan sát thế giới thực tại tường tận hơn, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm lí của các em,
tạo ra cơ hội thực sự để các em khám phá thế giới xung quanh mình.
Đối với môn Địa lí, hình ảnh rất đa dạng và phong phú. Đó có thể là các kí hiệu, biểu
tượng địa lí như: kí hiệu sông, nhà máy, khoáng sản…; hay các hình vẽ do chính học sinh
hay GV vẽ ra như các hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, lũ lụt…,hoặc các biểu thị như mặt
buồn

, mặt cười ☺ thể hiện cho khó khăn hay thuận lợi…Và điều này có tác dụng trong

việc tạo hứng thú cho học sinh trong việc học tập môn Địa lí nói riêng.
Chính vì vậy GV nên khuyến khích học sinh (cũng như chính bản thân mình) khi lập
BĐTD nên sử dụng hình ảnh ở mọi lúc, mọi nơi có thể, đặc biệt là đối với chủ đề ở trung
tâm thì việc dùng hình ảnh sẽ có tác dụng làm nổi bật chủ đề, lôi cuốn sự quan tâm và nếu

như trong trường hợp không dùng được hình ảnh ở trung tâm thì nên biến chữ đó thành
hình ảnh bằng cách tạo kích thước, màu sắc khác nhau.
15


- Từ chủ đề trung tâm, các nhánh chính tỏa ra (gắn liền với chủ đề), nên vẽ theo hướng
chéo góc (không nằm ngang) để nhiều nhánh phụ khác có thể tỏa ra dễ dàng. Trong từng
nhánh chính các nhánh phụ và các chi tiết bổ trợ được vẽ thêm và phải đảm bảo: các nhánh
chính được tô nét đậm và các nhánh phụ thì được tô đậm giảm dần – điều này có vai trò rất
quan trọng khiến cho não nhận thức được tầm quan trọng của các ý trung tâm khi chúng
được nhấn mạnh bằng các vạch liên kết đậm.
- Trên mỗi nhánh chính hoặc phụ chỉ dùng một hình ảnh hay một từ khóa. Độ dài các
nhánh và các từ, hình ảnh luôn có cùng độ dài. Bởi các từ dễ dàng đặt gần nhau hơn, liên
kết thuận lợi hơn, đồng thời sẽ tạo được nhiều khoảng trống để bổ sung ý cho BĐTD. Đối
với các từ viết trên các nhánh chính hay phụ nên viết bằng chữ in hoa vì chữ in có hình thù
rõ ràng, sẽ giúp não dễ “chụp ảnh” hơn.
- Nên thay đổi kích cỡ, màu sắc của hình ảnh, chữ in và nhánh liên kết sẽ có tác dụng
chỉ cho não nhận thức được tầm quan trọng của các thành phần. Đặc biệt việc dùng màu
sắc cho hình ảnh, chữ, các ý riêng biệt sẽ rất hiệu quả trong việc tăng cường trí nhớ và sáng
tạo.
- Không giống như cách viết truyền thống, BĐTD không xuất phát từ trái sang phải, từ
trên xuống dưới. Nó được vẽ, viết và đọc theo hướng bắt nguồn từ trung tâm di chuyển ra
phía ngoài và sau đó là theo chiều kim đồng hồ. Do đó, BĐTD luôn có bố cục nằm theo
chiều ngang để tạo không gian rộng rãi, thoải mái khi lập BĐTD. Và khi vẽ BĐTD giấy sẽ
không bị chuyển vị trí mà thay vào đó là tư thế của người vẽ và vị trí của bút.
Với các nguyên tắc trên BĐTD được lập ra sẽ đảm bảo được sự nhấn mạnh, liên tưởng
và mạch lạc trong đó.
3.3. Vai trò của BĐTD trong quá trình dạy học
Kể từ khi ra đời, BĐTD đã được dùng trong rất nhiều lĩnh vực và ở mọi lứa tuổi khác
nhau. Trong đó việc áp dụng BĐTD vào dạy học trở nên rất phổ biến ở các quốc gia trên

thế giới bởi những tính năng ưu việt của nó:

16


- BĐTD giúp cho GV xây dựng cấu trúc bài giảng của mình hợp lí và hiệu quả hơn.
Thông qua việc tìm hiểu mục tiêu, kiến thức trọng tâm của bài, BĐTD sẽ giúp người GV
sắp xếp lại các ý chính theo một trình tự phù hợp, khoa học. Đồng thời nó cũng giúp cho
việc làm mới, bổ sung các thông tin cần thiết vào bài giảng trở nên dễ dàng hơn thay vì
được soạn lại từ năm này sang năm khác một cách cứng nhắc. Điều này rất quan trọng đối
với mỗi GV bởi trong thời đại bùng nổ thông tin, mọi thứ luôn có sự biến đổi không ngừng
sau từng phút giây thì yêu cầu về tính cập nhật, hiện đại, khoa học đối với mỗi bài giảng ,
đặc biệt là các bài học Địa lí lại càng được đề cao hơn.
- BĐTD nội dung bài học trên lớp sẽ là một công cụ ghi nhớ tối ưu, giúp trình bày bài
giảng một cách trực quan, hệ thống khiến cho học sinh có thể ghi nhớ một cách dễ dàng,
đảm bảo mục tiêu học ít thời gian nhưng hiệu quả cao. Bởi khi nhìn vào BĐTD, học sinh
có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể một vấn đề hay một lĩnh vực rộng lớn. Nó giống
như một tấm bản đồ thành phố, mà trung tâm của BĐTD chính là trung tâm thành phố
tượng trưng cho chủ để chính. Và từ trung tâm ấy những con đường chính được tỏa ra
tượng trưng cho những nhánh chính hay nhưng ý lớn của bài học. Ở mỗi con đường chính
lại tỏa ra những con đường nhỏ hơn hay các nhánh tượng trưng cho các ý của từng ý lớn
của bài học. Do đó không giống như các bản ghi chú thông thường, BĐTD sẽ có một số
ưu điểm sau:
+ Tính trực quan: Nhìn vào BĐTD, học sinh có thể thấy được những mối liên hệ ẩn
tàng giữa các kiến thức với nhau, thấy được toàn bộ logic phát triển – cái nhìn tổng quan
về nội dung bài học.
+ Tính hệ thống, khái quát: BĐTD là sự sắp xếp hợp lí thứ tự các ý tưởng với các nhánh
chính, phụ. Nó không chỉ phản ánh các kiến thức mới cần được học sinh lĩnh hội mà còn
nêu lên các kiến thức cần củng cố.
Mặt khác, do BĐTD chỉ tận dụng các từ khóa nên người học sẽ chỉ phải ghi chú, đọc,

nhớ các từ khoa quan trọng, tăng cường tập trung vào trọng tâm. Do đó, BĐTD sẽ giúp
người học tốt hơn, hiệu quả hơn.
17


- Tăng cường khả năng hoạt động tích cực của mỗi học sinh. Thông qua sự hướng dẫn
của GV, học sinh hình thành được kĩ năng lập BĐTD. Điều đó cũng có nghĩa là bản thân
học sinh đã biết sử dụng cả hai bán cầu não trái và phải cùng một lúc, khai thác tối đa tiềm
năng sức mạnh của vỏ não. Qúa trình lập BĐTD sẽ giúp họ sắp xếp tổ chức, phân loại các
kiến thức theo ý tưởng của bản thân. Ngoài ra họ có thể thỏa sức sáng tạo với những hình
ảnh do chính bản thân mình nghĩ ra và vẽ thêm những con đường mới, những mối liên hệ
mới mà họ phát hiện ra được. Tác phẩm của họ không có sự giới hạn về không gian, mang
tính sáng tạo và phong cách riêng. Như vậy, trong quá trình lập BĐTD, người học luôn có
cơ hội khám phá, tìm hiểu, tạo điều kiện cho tư duy hoạt động liên tục và không có điểm
dừng. Điều này sẽ góp phần không nhỏ vào việc bồi đắp niền ham mê học tập ở mỗi học
sinh, tăng cường khả năng tự học của họ.
- BĐTD giúp sử dụng sách giáo khoa (SGK) có hiệu quả trong giảng dạy. SGK là
nguồn cung cấp kiến thức cơ bản và cần thiết giúp cho học sinh rèn luyện các kĩ năng và
phương pháp học tập bộ môn. Vấn đề đặt ra là phải sử dụng SGK một cách tối ưu trong
quá trình dạy học. SGK không thể thay thế được bài giảng của người giáo viên. Ngược lại
trong quá trình giảng dạy, GV không những phải hướng dẫn cho học sinh suy nghĩ để nắm
vững nội dung bài học mà còn phải biết trình bày như thế nào để học sinh ghi được những
nội dung quan trọng trong bài học. Bài ghi đó phải có tác dụng giúp học sinh sử dụng SGK
và các tài liệu tham khảo khác trong học tập. Bài ghi và SGK phải hỗ trợ cho nhau, tạo
điều kiện cho học sinh học tập một cách thông minh, sáng tạo. Sử dụng BĐTD, bài giảng
của GV sẽ có sự tập trung vào trọng tâm, không sa vào các chi tiết thứ yếu, không lặp lại
toàn văn SGK. Bài giảng như vậy có tác dụng dẫn dắt học sinh theo quá trình phát triển
của kiến thức, gợi cho học sinh cách giải quyết vấn đề, đề cập tới những khía cạnh mà vì lí
do nào đó SGK không thể giới thiệu hết được. Trong một chừng mực nào đó, bài giảng lại
đặt ra cho học sinh những vấn đề cần đi sâu, cần mở rộng thêm so với SGK. Ngược lại,

những chi tiết nào mà BĐTD chưa thâu tóm được, học sinh có thể dùng SGK để bổ sung
hoàn chỉnh. BĐTD là một biện pháp để giúp học sinh ghi chép ngắn gọn, đầy đủ ý chính
18


làm cơ sở để đối chiếu với SGK khi học tập, song nó không phải là bản tóm tắt SGK. Nó
không nêu đầy đủ, toàn bộ chi tiết cảu tài liệu giáo khoa, không nêu toàn văn thành khái
niệm, định nghĩa nên nó không thể thay thế SGK được.
Tóm lại, BĐTD thực sự là một công cụ hữu ích trong quá trình dạy và học. Nó phát huy
sự sáng tạo, phát triển sự đam mê hứng thú đối với dạy và học của GV và học sinh; nâng
cao chất lượng dạy và học trên lớp, đặc biệt là sự tự học ở mỗi học sinh.

19


CHƯƠNG II: SỬ DỤNG BẢN ĐỒ TƯ DUY (MIND MAP) TRONG DẠY HỌC
ĐỊA LÍ LỚP 11 (BAN CƠ BẢN) - THPT

1. Tiền đề cơ bản của việc sử dụng BĐTD trong dạy học Địa lí 11
1.1.

Mục tiêu của chương trình Địa lí 11

Bản chất của phương pháp dạy học là phản ánh mối liên hệ mang tính qui luật của: mục
tiêu – nội dung – phương pháp. Mục tiêu nào thì có nội dung và phương pháp đó. Cùng với
chương trình Địa lí 10 và 12, chương trình Địa lí lớp 11, góp phần cung cấp kiến thức về
hoạt động của con người trong các quốc gia, khu vực khác nhau trên toàn cầu làm cơ sở
cho việc tiếp tục phát triển tư tưởng, tình cảm, đúng đắn, đồng thời hướng học sinh tới
cách hành động ứng xử phù hợp với yêu cầu của đất nước và thời đại. Ngoài ra môn Địa lí
còn góp phần, rèn luyện cho học sinh năng lực tư duy và có một số kĩ năng có ích trong đời

sống và sản xuất; bồi dưỡng cho học sinh ý thức trách nhiệm, tình yêu với thiên nhiên và
con người trên các lãnh thổ khác nhau của thế giới, tăng cường thêm ý chí phấn đầu vươn
lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, sánh vai với các nước có nền kinh tế phát triển
hơn trong khu vực và trên thế giới như niềm mong mỏi của Bác để lại cho thế hệ thanh
niên Việt Nam.
Từ quan niệm trên, mục tiêu của chương tình Địa lí 11 được cụ thể hóa:
1.1.1. Về kiến thức
Biết và giải thích được:
- Một số đặc đặc điểm của nền kinh tế - xã hội thế giới đương đại, một số vấn đề đang
được nhân loại quan tâm.
-

Đặc điểm tiêu biểu về tự nhiên, dân cư, kinh tế của một số quốc gia, khu vực trên

thế giới.

20


Để thực hiện được điều trên, dạy học địa lí cần phải làm cho học sinh nắm vững hệ
thống các kiến thức cơ bản phổ thông về địa lí kinh tế - xã hội trên thế giới. Hệ thống đó
bao gồm: một loạt các khái niệm khác nhau như: khái niệm chung về thế giới hiện đại, toàn
cầu hóa, khu vực hóa, nền kinh tế tri thức…Các khái niệm tập hợp về các nước đang phát
triển ở một số khu vực trên thế giới, như các nước Đông Nam Á, các nước châu Mĩ La
Tinh, các nước Tây Nam Á. Các mối liên hệ nhân quả như mối liên hệ nhân quả giữa cách
mạng khoa học và công nghệ hiện đại với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội thế giới.
Việc nhận thức những khái niệm và các mối liên hệ nhân quả đó phải nhằm vào việc làm
cho học sinh hình dung và hiểu rõ các con đường, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội
của các nước hoặc nhóm nước khác nhau trên thế giới trong thời đại toàn cầu hóa.
1.1.2. Về kĩ năng

Củng cố và phát triển:
- Kĩ năng phân tích, tổng hợp, so sánh, đánh giá sự vật, hiện tượng, Địa lí, đặc biệt là
hiện tượng địa lí kinh tế - xã hội.
- Sử dụng tương đối thành thạo bản đồ, đồ thị, số liệu thống kê, tư liệu để thu thập xử lí
thông tin và trình bày lại kết quả làm việc.
- Kĩ năng vận dụng kiến thức để giải thích các hiện tượng sự vật địa lí kinh tế - xã hội
đang diễn ra trên qui mô toàn cầu và khu vực, phù hợp với khả năng của học sinh.
1.1.3. Về thái độ, hành vi
Tiếp tục phát triển:
- Thái độ quan tâm tới những vấn đề liên quan đến địa lí như dân số, môi trường…
- Thái độ đúng đắn trước các hiện tượng kinh tế - xã hội của một số quốc gia và khu
vực.
- Ý chí vươn lên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ các mục tiêu trên, dạy học sử dụng BĐTD cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- BĐTD cho các bài Địa lí 11 phải phản ánh và bao quát được các nội dung về:

21


+ Đặc điểm chung của nền kinh tế thế giới hiện đại như: xu hướng toàn cầu hóa, xu
hướng khu vực hóa, nền kinh tế tri thức, những vấn đề toàn cầu…, các nước phát triển,
đang phát triển.
+ Hình thành các khái niệm riêng về một số các quốc gia tiêu biểu trên thế giới như:
Hoa Kì, Liên Bang Nga, Trung Quốc… và một số khu vực hoặc liên minh khu vực trên thế
giới như: Liên minh châu Âu (EU), Đông Nam Á, Mĩ La Tinh…, với các đặc điểm tiêu
biểu về tự nhiên, dân cư, kinh tế của các quốc gia đó.
+ Phản ánh mối liên hệ nhân quả trong phần khái quát chung và trong các bài học về
Địa lí kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới (như hệ quả toàn cầu hóa, khu vực
hóa…).
- Không chỉ dừng lại ở mức độ phản ánh các khái niệm, các mối quan hệ, BĐTD cho

các bài học Địa lí 11 còn phải là một bài toán nhận thức, trong đó chứa đựng những mâu
thuẫn giữa cái “chưa biết” và cái “phải tìm”. Do đó thông qua quá trình lập BĐTD phải
phát triển hoạt động tư duy của học sinh: hướng học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng của
bản thân cũng như trong SGK để phân tích, đánh giá tổng hợp cũng như là giải thích các
vấn đề kinh tế - xã hội đang diễn ra trên qui mô toàn cầu, khu vực và ở các quốc gia riêng
biệt. Thông qua đó cũng củng cố và phát triển các kĩ năng cơ bản: kĩ năng làm việc với bản
đồ, biểu đồ, kĩ năng làm việc theo nhóm…; phát huy khả năng vốn có của mỗi học sinh.
- Các BĐTD cần phải bồi dưỡng sự hứng thú, đam mê trong học tập và nghiên cứu địa
lí, làm cho học sinh luôn có nhu cầu tự học, tự giáo dục và ở mức độ cao hơn là hình thành
động cơ học tập đúng đắn và niềm tin nhận thức (tin tưởng vào khả năng của bản thân là có
thể làm được và sẽ làm được) – điều này rất cần thiết đối với thế hệ trẻ hiện nay.
1.2. Nội dung chương trình và SGK
Chương trình và SGK Địa lí 11 sau thời gian thử nghiệm ở một số tỉnh thành trên cả
nước đã được áp dụng đại trà, thống nhất trên toàn quốc từ năm học 2007-2008. Đây thực
sự là một công trình khoa học mang tính hiện đại và thực tiễn cao; đồng thời vẫn đảm bảo
được tính kế thừa.
22


1.2.1. Chương trình Địa lí 11
Dựa trên những kiến thức về Địa lí thế giới phần nào đã được cung cấp ở chương trình
Địa lí lớp 7,8 của cấp trung học cơ sở (thành phần nhân văn của môi trường, các môi
trường địa lí thiên nhiên, con người ở các châu lục). Chương trình Địa lí 11 với mục tiêu
cung cấp cho học sinh phương pháp tìm hiểu về thế giới, giúp học sinh có khả năng tự tìm
kiếm, xử lí thông tin để tăng thêm vốn hiển biết của bản thân, đã tập trung cho học sinh tìm
hiểu kĩ về một số đối tượng địa lí. Cụ thể: chương trình SGK Địa lí 11 được xây dựng theo
con đường diễn dịch, gồm có hai phần cơ bản là phần A (khái quát nền kinh tế - xã hội thế
giới) và phần B (địa lí khu vực và quốc gia).
- Trong phần A: Khái quát nền kinh tế thế giới có 7 tiết (6 tiết lí thuyết và 1 tiết thực
hành) trình bày các vấn đề chung nhất, phản ánh trình độ và xu thế phát triển kinh tế - xã

hội toàn cầu cũng như một số vấn đề nảy sinh đang được nhân loại quan tâm. Đây là các
vấn đề đã được đặt ra trong chương trình cải cách giáo dục trước đây, song ở chương trình
mới này được nhìn nhận trong bối cảnh của xu thế toàn cầu hóa diễn ra quyết liệt hơn, hiện
thực hơn và đang tác động mạnh mẽ tới kinh tế - xã hội Việt Nam. Và để có cái nhìn đầy
đủ hơn về thế giới, trong phần này còn đề cập tới một số vấn đề kinh tế - xã hội của châu
Phi, Mĩ La Tinh và khu vực Tây Nam Á, khu vực Trung Á.
- Phần B: Địa lí khu vực và quốc gia, gồm 22 tiết (15 tiết lí thuyết và 7 tiết thực hành)
trình bày đặc điểm Địa lí kinh tế - xã hội của một số quốc gia và khu vực tiêu biểu trên thế
giới theo quan điểm đổi mới. Cụ thể SGK đã trình bày 2 tổ chức liên kết khu vực tiêu biểu
là liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và 6 quốc gia
tiêu biểu cho các nước phát triển và đang phát triển (Hoa Kì, Nhật Bản, Liên Bang Nga,
Công hòa Liên Bang Đức, Trung Quốc, Ôxtrâylia). Trong bài học về các nước (đặc biệt là
những nước được học trong nhiều tiết) các yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển
kinh tế - xã hội như môi trường, tài nguyên thiên nhiên, dân cư – xã hội, được xem xét một
cách đúng mức và cả quá trình của mỗi quốc gia cũng như tiến bộ hay hạn chế cũng được
đề cập một cách thích đáng.
23


Như vậy, chương trình và SGK Địa lí 11 thực sự là một hệ thống thống nhất, trong đó
các bộ phận có mối quan hệ chặt chẽ với nhan từ phần A đến phần B. Đây chính là một
thuận lợi để xây dựng BĐTD
1.2.2. SGK Địa lí 11
Với mong muốn làm cho cuốn SGK Địa lí 11 trở thành công cụ hữu hiệu để GV tổ chức
các hoạt động nhận thức, tích cực độc lập cho học sinh trong quá trình dạy học địa lí 11.
Cấu trúc và trình bày SGK đã có sự đổi mới. Đối với những bài lí thuyết thì đều có ba phần
chính:
- Phần chữ in nghiêng màu xanh phần mở bài ngắn gọn, súc tích với mục đích hướng
học sinh vào mục tiêu chính của bài học.
- Phần nội dung chính được phân thành các đề mục rõ ràng, mỗi đề mục là một vấn đề

đặt ra cần phải nghiên cứu. Tỉ trọng của kênh hình đã được tăng lên, cân bằng với kênh
chữ; những bảng số liệu, bảng thống kê, biểu đồ, lược đồ, không hoàn toàn chỉ mang tính
chất minh họa cho bài giảng mà nó chứa đựng phần nội dung đòi hỏi học sinh phải nghiên
cứu để tìm ra, đồng thời một số câu hỏi gợi ý ở mỗi phần đều có tác dụng phát huy khả
năng tự học, tự tìm hiểu nội dung bài của học sinh.
- Phần củng cố bài bao gồm những câu hỏi hoặc bài tập có tác dụng củng cố những kiến
thức mà học sinh vừa tiếp thu được trong bài mới.
Đối với những bài thực hành cũng đa dạng và phong phú, không chỉ nhằm rèn luyện
cho học sinh kĩ năng khai thác biểu đồ, bảng số liệu, vẽ biểu đồ…mà còn rèn luyện khả
năng viết báo cáo, trình bày vấn đề trước lớp.
Với những đặc điểm trên của chương trình và SGK Địa lí 11 THPT đòi hỏi trong quá
trình dạy học, việc vận dung BĐTD không chỉ là phương tiện để trực quan hóa nội dung
bài học mà nó còn là phương tiện để học sinh biết cách tự lực khai thác tri thức cần thiết
với các nguồn tri thức khác nhau chuyển từ tình trạng học tập thụ động sang hình thức tổ
chức tích cực hóa.
1.3. Đặc điểm tâm lí và nhận thức của học sinh THPT
24


1.3.1. Đặc điểm tâm lí
Ở lứa tuổi 16-18 (lứa tuổi học sinh THPT lớp 10-12) về thể chất và cấu tạo não của các
em đã gần đạt tới sự hoàn thiện như người lớn. Về tâm lí, có một số chú ý:
- Ý thức về bản thân đã phát triển mạnh: cho rằng mình đã lớn và đòi hỏi mọi người
phải đối xử với mình như người lớn. Trong các hoạt động, nhất là hoat động chủ đạo, các
em đã hình thành thái độ tự khẳng định mình, đi liền với nó là sự phát triển mạnh mẽ của
tinh thần tự lực và tự lập, tự trọng.
- Sự phát triển đặc biệt về nhận thức vì việc học tập dựa trên cơ sở các môn khoa học
tương ứng đã đòi hỏi phải trực tiếp nắm vững đi sâu vào bản chất hệ thống khái niệm của
các ngành khoa học, một cách tương đối có hệ thống.
- Hứng thú của học sinh THPT đã phát triển mạnh: không chỉ thích hoạt động thực hành

mà còn hứng thú trong hoạt động nhận thức. Bên cạnh việc nhận thức sự việc một cách
trực tiếp cảm tính là hứng thú lí luận về sự việc ấy. Do ngôn ngữ ngày càng chiếm ưu thế
trong tâm lí các em dẫn đến hứng thú đọc sách với ham muốn nhận thức tất cả mọi loại
hiện tượng mà khoa học và kĩ thuật đã phát hiện được về tự nhiên, xã hội, con người. Cùng
với hoạt động học tập đã hình thành hứng thú sâu sắc với học tập nói chung cũng như là
hứng thú đi sâu vào khoa học, kinh tế, xã hội nói riêng. Từ chỗ hứng thú với bài giảng sẽ
dẫn tới hứng thú trong nhận thức chung. Vì vậy nếu trong bài giảng, người giáo viên biết
cách gợi mở khả năng tự lực trong từng học sinh thì năng lực tiếp thu nội dung, kiến thức
và nhu cầu tự học của các em sẽ phát triển. Đây chính là cơ sở để vận dụng BĐTD trong
dạy học Địa lí 11.
1.3.2. Đặc điểm nhận thức
- Khả năng cảm giác và tri giác đã đạt tới trình độ phát triển như người lớn. Tri giác có
chủ định phát triển mạnh, năng lực quan sát của các em đã mang tính mục đích và có hệ
thống rõ rệt. Biết phân tích, tổng hợp đối tượng tri giác có chủ định.
- Khả năng ghi nhớ và tái hiện có chủ động đã phát triển cao. Đối với các sự vật, hiện
tượng quá trình địa lí, các em có ý thức lựa chọn những nội dung chủ yếu để ghi nhớ. Ghi
25


×