Tải bản đầy đủ (.docx) (23 trang)

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định của BLDS 2015 – Lý luận, thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.53 KB, 23 trang )

BÀI TẬP TIỂU LUẬN MÔN LUẬT DÂN SỰ HỌC PHẦN 2
CHỦ ĐỀ 22: Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra – Lý luận, thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Từ xưa đến nay, trên thế giới luôn tồn tại những sự vật tiềm ẩn trong nó
khả năng gây thiệt hại nhất định cho thế giới xung quanh mà con người rất khó
kiểm soát. Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật,
những thành tựu mới của công nghiệp hóa, cơ giới hóa đã làm thế giới ngày
càng văn minh, hiện đại hơn. Ở nước ta, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với
sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho số lượng máy móc,
phương tiện cơ giới, hệ thống điện, dây chuyền sản xuất trong nhà máy thiết bị
hiện đại mang tính tự động hóa cao được sử dụng ngày một nhiều...., bản thân
những máy móc này lại là một nguồn gây thiệt hại nữa. Như vậy, trong cuộc
sống của chúng ta có rất nhiều nguy cơ, rủi ro mang tính khách quan tác động
đến tính mạng, sức khỏe, tài sản... mà con người dù có ý thức phòng ngừa đến
mấy cũng không kiểm soát được
Từ thực tiễn đó, dưới góc độ khoa học pháp lý, những sự vật mà hoạt
động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại được gọi là nguồn nguy
hiểm cao độ. Trên cơ sở đánh giá sự tiềm ẩn nguy cơ này với sự nhận định mối
liên quan giữa hành vi của con người với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ
gây ra, pháp luật dân sự đã đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra. Trong xã hội, khi bị thiệt hại mọi người đều có xu
hướng đòi hỏi một sự bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho mình.
Trong các quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm phát sinh cho người sở hữu, chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ khi hoạt động của nguồn nguy hiểm cao
1



độ gây thiệt hại cho môi trường và những người xung quanh, ngay cả trong
trường hợp họ không có lỗi. Vậy nguồn nguy hiểm cao độ là gì? Điều kiện phát
sinh trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm bồi thuờng thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra? Luật pháp đã có những quy định như thế nào về vấn đề này
và thực tiễn cuộc sống? Đây là những nghi vấn khiến em lựa chọn đây là đề tài
nghiên cứu để có thể hiểu sâu hơn về vấn đề “Bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra - Lý luận, thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện pháp
luật”.

B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lý luận về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách
nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi có lỗi của con người
mà do hoạt động của những sự vật tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ
sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi gây ra thiệt
hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn
buộc họ có trách nhiệm bồi thường. Pháp luật dân sự thế giới cũng như Việt
Nam không có khái niệm đầy đủ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra nhưng có thể hiểu một cách khái quát, đó là loại trách
nhiệm phát sinh cho người sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm
cao độ khi hoạt động của nó gây thiệt hại cho môi trường và những người xung
quanh.
1. Khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ
Bộ luật dân sự năm 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại Điều 601. Ngoài ra còn có Nghị quyết số
03/2006/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
ngày 8/7/2006, hướng dẫn các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó có hướng dẫn về bồi
thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

2


Tại khoản 1, điều 601, BLDS 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ
bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy
công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng
xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
Có thể thấy ở đây, BLDS 2015 cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết số
03/2006/NQ - HĐTP không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ
liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Qua sự liệt kê đó, trên
cơ sở xem xét, đánh giá về các loại tài sản được coi là nguồn nguy hiểm cao độ
trong các văn bản hướng dẫn có thể đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ
như sau:
Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật chất nhất định do pháp luật quy
định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người, con người không thể
kiểm soát được một cách tuyệt đối.
Xuất phát từ đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là luôn tiềm ẩn trong
nó khả năng gây thiệt hại nên chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ
các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ
theo đúng các quy định của pháp luật. Vì vậy khi để xảy ra thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra sẽ phát sinh vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các chủ
thể là chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.
2. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ
Trên thực tế, các trường hợp thiệt hại xảy ra do nguồn nguy hiểm cao độ
là không ít. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là muốn xác định trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có
phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không. Theo quy định tại Điều 601 BLDS
2015 thì có các loại nguồn nguy hiểm cao độ sau đây:
2.1. Phương tiện giao thông vận tải cơ giới


3


Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm “phương tiện
giao thông vận tải cơ giới” mà chỉ liệt kê các loại hình phương tiện giao thông
vận tải cơ giới. Khoản 18, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô
tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô
tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe
tương tự”. Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện những loại phương tiện giao thông
đường bộ khác chưa đề cập trong luật giao thông đường bộ, chẳng hạn như xe
đạp điện, xe babetta, java hay máy thi công, máy xúc, máy ủi... thì có thể coi đây
là những loại “xe tương tự”.
Tuy nhiên, phương tiện giao thông vận tải cơ giới không chỉ giới hạn ở
đường bộ còn có thể có phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường sắt,
phương tiện giao thông cơ giới đường thuỷ và phương tiện giao thông cơ giới
đường hàng không.
Đối với phượng tiện giao thông vận tải đường thuỷ nội địa thì tại Khoản
7, Điều 3, Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004 quy định: “Phương tiện
thuỷ nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi
khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội
địa”. Tàu biển cũng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Theo điều 11, Bộ luật
Hàng hải Việt Nam 2005 thì:“Tàu biển là tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác
chuyên dùng hoạt động trên biển”.
Đối với tàu bay là phương tiện trong hoạt động vận chuyển hàng không
thì: “Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ
với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị
bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với
không khí phản lại từ bề mặt trái đất” (Khoản 1, Điều 13, Luật Hàng không dân
dụng Việt Nam 2006).


4


Đối với phương tiện giao thông vận tải đường sắt. Khoản 20, Điều 3, Luật
Đường sắt 2005 quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa
xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt”. Tuy
nhiên, nếu các phương tiện chuyên dùng thô sơ di chuyển trên đường sắt thì
không coi là nguồn nguy hiểm cao độ”.
2.2. Hệ thống tải điện
Luật Điện lực 2004 không đưa ra khái niệm hệ thống tải điện mà chỉ đưa
ra khái niệm “lưới điện”, “thiết bị đo đếm điện”:
“...3. Lưới điện là hệ thống đường dây tải điện, máy biến áp và trang thiết bị
phụ trợ để truyền dẫn điện. Lưới điện, theo mục đích sử dụng và quản lý vận
hành, được phân biệt thành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối...
4. Thiết bị đo đếm điện là thiết bị đo công suất, điện năng, dòng điện, điện áp,
tần số, hệ số công suất, bao gồm các loại công tơ, các loại đồng hồ đo điện và
các thiết bị, phụ kiện kèm theo.”
Tuy nhiên, trong hệ thống truyền tải điện còn có thể có hệ thống trang
thiết bị phát điện. Do đó, hệ thống trang thiết bị phát điện cũng được coi là bộ
phận trong hệ thống truyền tải điện.
2.3. Nhà máy công nghiệp
Nhà máy ở đây được hiểu là “Xí nghiệp, cơ sở sản xuất của nền đại công
nghiệp, thường sử dụng máy móc tương đối hiện đại với quy mô lớn: nhà máy
cơ khí, nhà máy điện...”. Nhà máy công nghiệp lại bao gồm nhà máy công
nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ...
Phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công
nghiệp chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi “đang hoạt động”. Vậy như
thế nào được coi là đang hoạt động? Hoạt động được hiểu là “Vận động, vận
hành để thực hiện chức năng nào hoặc gây tác động nào đó”. Như vậy, phương

5


tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang
“hoạt động” có nghĩa là có sự vận hành của các loại tài sản này. Sự vận hành ở
đây là:
Đối với phương tiện giao thông vận tải cơ giới: Hoạt động của xe cơ giới
có thể là hoạt động di chuyển (cơ học hoặc điều khiển) hoặc không di chuyển
nhưng thiết bị đang được vận hành.
Đối với hệ thống tải điện: Phải có dòng điện chạy qua.
Đối với nhà máy công nghiệp: Phải đang trong quá trình vận hành, sản
xuất.
Tất cả các loại tài sản trên nếu đang trong trạng thái tĩnh thì không gây
nguy hiểm cho những người xung quanh.
2.4. Vũ khí
Vũ khí có thể hiểu là tất cả các vật dụng có thể dùng vào việc chiến đấu.
Vũ khí có thể đơn giản như một cây kim khi dùng vào mục đích gây sát thương,
hay rất phức tạp như súng AK-47 đều được gọi là vũ khí. Theo điều 3, Pháp lệnh
số 16/2011/UBTVQH12, ban hành ngày 30/6/2011 Về quản lý vũ khí, vật liệu
nổ và công cụ hỗ trợ quy định cụ thể về vũ khí như sau: “Vũ khí gồm vũ khí
quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có
tính năng, tác dụng tương tự”
Trong đó, thứ nhất, vũ khí quân dụng gồm:
Súng cầm tay hạng nhỏ là vũ khí được thiết kế cho cá nhân sử dụng gồm
súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên và các loại súng khác có
tính năng, tác dụng tương tự;
Vũ khí hạng nhẹ gồm súng đại liên, súng cối dưới 100 mi-li-mét, (mm),
súng ĐKZ, súng máy phòng không dưới 23 mi-li-mét (mm), súng phóng lựu, tên

6



lửa chống tăng cá nhân, tên lửa phòng không vác vai, các loại vũ khí hạng nhẹ
khác có tính năng, tác dụng tương tự;
Các loại bom, mìn, lựu đạn, đạn, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ;
Vũ khí không thuộc danh mục vũ khí do Chính phủ ban hành nhưng có
tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng.
Thứ hai, súng săn là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, các
loại súng khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Thứ ba, vũ khí thô sơ gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao,
mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ.
Thứ tư, vũ khí thể thao là súng và các loại vũ khí thô sơ dùng để luyện
tập, thi đấu thể thao.
Thứ năm, các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự là loại vũ
khí khi sử dụng có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ đối với con
người, thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến môi trường tương tự như vũ khí quân
dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao quy định tại các Khoản 2, 3, 4 và 5
Điều 3 Pháp lệnh. (Khoản 1, điều 3, Nghị định 25/2012/NĐ-CP Quy định chi
tiết thi hành một số điều của pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và
công cụ hỗ trợ).
2.5. Chất cháy, chất nổ.
Chất cháy, chất nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn... dễ gây ra cháy nổ
(Điều 3 Luật phòng cháy chữa cháy). Chất cháy có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp
xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc dưới tác động của các yếu tố khác ở
nhiệt độ cao hoặc không cao (diêm, phốt pho, xăng dầu...). Chất nổ với khả năng
gây nổ mạnh, nhanh toả nhiệt và ánh sáng (thuốc nổ, thuốc pháo, thuốc súng...).
2.6. Chất độc

7



Chất độc là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khoẻ, tính
mạng của con người, động vật, cũng như đối với môi trường xung quanh (Ví dụ:
Các chất độc bảng A như Acônitin và các loại muối của nó, kẽm phốt pho,
nicôtin...).
2.7. Chất phóng xạ
“Chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân,
chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt độ phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ
lớn hơn mức miễn trừ”.- Khoản 8, Điều 3, Luật Năng lượng nguyên tử 2008.
Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân gồm những đồng vị
không bền của các nguyên tố hoá học (urani, radi...), có khả năng phát ra những
chùm tia phóng xạ không nhìn thấy gây bệnh hoặc gây nhiễm xạ đối với người,
động vật và môi trường sống.
2.8. Thú dữ
Thú dữ là động vật bậc cao, có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa,
lớn, rất dữ, có thể làm hại người. Ví dụ: hổ, báo, sư tử, gấu... Trường hợp này
cần lưu ý phân biệt giữa vật nuôi gây thiệt hại với thiệt hại do thú dữ được coi là
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu vật nuôi trong gia đình gây thiệt hại thì
thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, còn thiệt hại do thú dữ
gây ra sẽ thuộc trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Ngoài ra, thú dữ gây thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải đang chịu sự quản lý của một chủ
thể nhất định, nếu không có sự quản lý (ở môi trường tự nhiên, thiên nhiên
hoang dã) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng không phát sinh, mặc dù tài
sản này thuộc sở hữu của Nhà nước. Ví dụ: thú dữ trong rừng phá hoại hoa màu,
tài sản, gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người dân...
Ngoài ra, điều 601 BLDS 2015 còn đề cập “nguồn nguy hiểm cao độ
khác” do pháp luật quy định. Như vậy, đây là quy định mang tính “mở” của
8



pháp luật nhằm tránh tình trạng lách luật cũng như tránh gây thiếu hụt những
trường hợp mà pháp luật dân sự chưa lường hết. Nếu có văn bản pháp luật khác
quy định bổ sung về nguồn nguy hiểm cao độ thì nguồn nguy hiểm cao độ còn
được xác định theo các văn bản này.
3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra là một loại trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Theo đó, chủ sở hữu, người
chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho nguời
khác, phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi. Tuy nhiên
BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mang một số đặc điểm đặc biệt:
Thứ nhất, BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trường hợp
BTTH do tài sản gây ra. Tức là thiệt hại xảy ra có nguyên nhân chính được xuất
phát từ tài sản mà không phải là hành vi của con nguời.
Thứ hai, với BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu
hoặc người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại
cho nguời khác, phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp chủ sở hữu
hoặc người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi.
4. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra
4.1. Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao
độ.
Thiệt hại liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm rất đa dạng và do nhiều
nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có thể áp dụng trách nhiệm BTTH do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn các dấu hiệu sau:
Thứ nhất, phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà
máy công nghiệp là những đối tượng chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ
khi “đang hoạt động” - có sự vận hành. Cụ thể: Đối với phương tiện giao thông
9



vận tải cơ giới phải đang di chuyển hoặc không di chuyển nhưng đang được vận
hành; đối với hệ thống tải điện phải có dòng điện chạy qua; đối với nhà máy
công nghiệp phải đang trong quá trình vận hành, sản xuất... Tất cả những loại tài
sản trên nếu đang ở trong trạng thái tĩnh thì không gây thiệt hại cho những nguời
xung quanh do đó nếu có thiệt hại xảy ra thì không thể xác định là thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thứ hai, thiệt hại phải do chính bản thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra,
hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự kiểm soát của con người ví dụ: xe ô tô đang
vận hành bị mất phanh, nổ lốp... thú gây thiệt hại cho khán giả khi đang biểu
diễn xiếc.... Những trường hợp thiệt hại liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ
nhưng không phải do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà do hành vi của
con nguời gây ra thì trách nhiệm BTTH phát sinh thông thuờng ví dụ: lái xe
phóng nhanh vượt ẩu gây tai nạn, sử dụng vũ khí gây thương tích...
Thứ ba, những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải có tính
trái pháp luật. Hoặc có những trường hợp do đặc tính của nguồn nguy hiểm cao
độ mà việc gây thiệt hại của những phương tiện này không bị coi là trái pháp
luật. Ví dụ, để bảo đảm an toàn giao thông đuờng sắt, những thiệt hại trên đuờng
sắt do tàu hỏa gây ra cho các chủ thể khác không bị coi là trái pháp luật và
ngành đuờng sắt không có trách nhiệm bồi thường
Bên cạnh đó, trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng
loại trừ các truờng hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của nguời bị thiệt hại hoặc do
sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết (Theo khoản 3 Điều 601 BLDS 2015).
`

4.2. Có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Nguồn nguy hiểm cao độ do tính chất nguy hiểm của nó có thể gây thiệt

hại cho bất kỳ ai nên BLDS 2015 quy định: “ Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao

độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm
cao độ theo đúng các quy định của pháp luật”. Đối với chủ sở hữu, họ phải tự
chịu mọi rủi ro đối với thiệt hại do tài sản của mình gây ra. Đối với người bị
10


thiệt hại trong khi sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động, họ
sẽ được hưởng bồi thường theo chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ được đặt ra khi nguồn nguy
hiểm cao độ gây thiệt hại cho những người xung quanh- là những người khi xảy
ra thiệt hại không có quan hệ lao động hoặc sở hữu liên quan đến nguồn nguy
hiểm cao độ nhằm để bảo vệ quyền lợi cho những người này.
Do đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ là những loại tài sản có khả
năng gây ra thiệt hại trong quá trình vận hành, sử dụng chúng, thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra chỉ có thể là những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức
khỏe. Thiệt hại về danh dự, uy tín, nhân phẩm - là những thiệt hại chỉ có thể phát
sinh do hành vi của con người nên không thuộc phạm vi tác động của nguồn
nguy hiểm cao độ, vì vậy không được bồi thường.
4.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động gây thiệt hại trải pháp luật
của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra
Đối với trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ thì hoạt động gây
thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ được coi là nguyên nhân và
thiệt hại được coi là hậu quả. Điều kiện này đòi hỏi hoạt động của nguồn nguy
hiểm cao độ là nguyên nhân tất yếu, nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn đến
thiệt hại và thiệt hại xảy ra là kết quả của hoạt động “tự thân” của nguồn nguy
hiểm cao độ. Khi xác định trách nhiệm BTTH, điểm mấu chốt quan trọng là xác
định thiệt hại đó do nguyên nhân nào gây ra và nguyên nhân đó có dẫn đến hậu
quả không?
4.4. Điều kiện lỗi đổi với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra

Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm BTTH ngoài
hợp đồng. Chỉ khi nào một người do lỗi của mình mà gây thiệt hại, xâm phạm
đến quyền lợi hợp pháp của người khác thì mới phải bồi thường. Tuy nhiên
trong BLDS cũng quy định những trường hợp đặc biệt mà trách nhiệm BTTH
11


ngoài hợp đồng phát sinh ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi. Trách
nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những trường hợp
đặc biệt đó.
Khoản 3, điều 601, BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người được chủ
sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt
hại cả khỉ không có lỗi”. Như vậy có thể thấy rằng trách nhiệm BTTH do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra dựa trên sự suy đoán trách nhiệm đối với nguời có
nghĩa vụ quản lý nguồn nguy hiểm cao độ. Dấu hiệu quan trọng nhất để xác định
trách nhiệm này là hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ chính là nguyên nhân
trưc tiếp, là yếu tố quyết định dẫn đến thiệt hại. Hoạt động gây thiệt hại của
nguồn nguy hiểm cao độ có thể hoàn toàn không có lỗi của con người (như xe
đang chạy trên đuờng bất ngờ nổ lốp dẫn đến đổi hướng đột ngột gây thiệt hại)
hoặc cũng có thể có một phần lỗi của nguời quản lý, điều khiển (như trước khi
xuống dốc, lái xe không kiểm tra lại phanh; lốp mòn nhưng chưa thay do chủ
quan nghĩ rằng xe vẫn vận hành tốt...). Tuy nhiên lỗi ở đây chỉ đóng vai trò thứ
yếu đối với thiệt hại. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của con người trong
việc trông giữ, bảo quản, vận hành nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng
trách nhiệm BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà sẽ áp dụng trách
nhiệm BTTH thông thường.
5. Xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Như đã trình bày ở trên, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ
có thể là những thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe. Thiệt hại về danh dự,
uy tín, nhân phẩm không thuộc phạm vi tác động của nguồn nguy hiểm cao độ.

Việc xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng áp dụng xác
định thiệt hại trong trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng nói chung được quy định
tại Điều 589, Điều 590, Điều 591 BLDS 2015.
Thứ nhất, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được bồi thường trong trường
hợp: tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng,
12


khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và
khắc phục thiệt hại và thiệt hại khác do luật quy định.
Thứ hai, bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức
năng bị mất, giảm sút của người bị thiệt hại.
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu
nhật thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì
áp dụng mức thi nhập trung bình của người lao động cùng loại.
Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người
bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động
và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý
cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Thiệt hại khác do pháp luật quy định
Ngoài ra, còn phải bồi thường một số tiền bù đắp về tinh thần cho người
bị thiệt hại. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận,
nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương
cơ sở do nhà nước quy định.
Thứ ba, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: thiệt hại do sức
khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai tang; tiền cấp dưỡng cho những
người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác theo quy định
của pháp luật.
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp về tinh thần cho

những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu
không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi
dưỡng, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
Mức bồi thường bù đắp về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa
13


thuận được thì mức tối đa không quá một trăm lần mức lương cơ sở do nhà nước
quy định.
6. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra
Căn cứ điều 601 BLDS 2015 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, chủ
thể có trách nhiệm bồi thuờng thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gồm:
Thứ nhất, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải BTTH do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định
đoạt tài sản theo ý chí của mình. Tuy nhiên việc thực hiện quyền sở hữu đó
không đuợc gây tổn hại tới lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của
người khác. Vì vậy, trong truờng hợp nguồn nguy hiểm cao độ đang do chủ sở
hữu trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mà gây thiệt hại cho nguời khác thì
chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thuờng.
Thứ hai, trường hợp chủ sở hữu đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho
người khác chiếm hữu, sử dụng thì những nguời này phải bồi thuờng, trừ truờng
hợp có thỏa thuận khác. Những thỏa thuận khác ở đây không được vi phạm điều
cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Người được chủ sở hữu nguồn
nguy hiểm cao độ giao quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đuợc
hiểu là nguời đang thực tế kiểm soát nguồn nguy hiểm cao độ hoặc đang thực tế
sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Việc chuyển giao đó có thể thông qua hai hình
thức:
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ chuyển giao nguồn nguy hiểm cao
độ theo nghĩa vụ lao động. Trong trường hợp này, người đuợc chuyển giao

nguồn nguy hiểm cao độ là những nguời làm công, ăn lương, được giao chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để thực hiện nhiệm vụ mà nguời chủ lao
động giao cho. Giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn
nguy hiểm cao độ có mối quan hệ lao động, được xác lập qua tuyển dụng hoặc
ký kết hợp đồng lao động. Mặc dù người lao động là người đang thực tế chiếm
hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng hoàn toàn dưới sự quản lý, điều
14


hành của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ và vì lợi ích của chủ sở hữu nên
phải coi đây giống như trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang
trực tiếp chiếm hữu, sử dụng, theo đó, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm khi tài
sản của mình gây thiệt hại.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác
chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Chủ sở hữu có thể chuyển giao
quyền chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cho chủ thể khác thông qua
hợp đồng: mượn, thuê, cầm cố, gửi giữ... tài sản hoặc ủy quyền cho người khác
quản lý tài sản của mình. Trong trường hợp này, trách nhiệm BTTH do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu
các bên không có thỏa thuận thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên
mượn, thuê, nhận cầm cố, nhận gửi giữ, được ủy quyền quản lý tài sản là những
người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có các quyền và
nghĩa vụ pháp lý nhất định. Do đó nếu nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi
đang thuộc quyền chiếm hữu, sử dụng của họ thì những chủ thể này phải bồi
thường.
Thứ ba, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái
pháp luật thì theo khoản 4, điều 601, BLDS 2015:
Nếu chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ
hoàn toàn không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử
dụng trái pháp luật thì họ không phải BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Tuy vậy, họ phải chứng minh được đã tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ trong việc
bảo quản, trông giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp
luật.
Nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm
cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng
trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường cùng người chiếm hữu, sử dụng trái
pháp luật.
15


Ngoài ra, có một số trường hợp mà trách nhiệm bồi thường của chủ sở
hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được loại
trừ. Đó là trường hợp: thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt
hại và thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ
trường hợp pháp luật có quy định khác.

II. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Trong quá trình áp dụng các quy định pháp luật giải quyết tranh chấp về
bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trên thực tế gặp phải
những khó khăn, bất cập nhất định. Để hiểu rõ hơn về thực tiễn giải quyết bồi
thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trên cơ sở đó đưa ra các giải
pháp, phương hướng hoàn thiện hơn khi áp dụng pháp luật, em xin trình bày một
tình huống cụ thể như sau:
Khoảng 20h30’ tối 31/3/2017, D cùng hai bạn đi xe đạp về đến ngã tư
Trần Hưng Đạo-Nguyễn Biểu, Quận 5, TP.HCM thì trời mưa lớn. Đường ngập,
lại bị cành cây to chắn giữa đường nên các em đi lên vỉa hè. Vừa đưa xe lên, bất
ngờ một luồng điện từ trụ đèn đường phóng thẳng vào người làm D ngã xuống.
Thấy vậy, hai bạn học nhảy đến kéo em ra cũng bị điện giật, phải kêu cứu.
Người dân ở gần đó lập tức chạy đến, kịp đẩy hai bạn học của D ra rồi gọi

điện thoại báo cơ quan chức năng. Công an phường 2 (quận 5) và lực lượng cấp
cứu nhanh chóng có mặt nhưng không ai dám đến gần em Duy. Mãi 30 phút sau,
nhân viên của Công ty Điện lực Chợ Lớn, Công ty Chiếu sáng công cộng
TP.HCM mới xuống hiện trường cắt điện. Em D đã chết tại chỗ, còn hai bạn học
của em bị chấn thương, sau khi cấp cứu đã tỉnh lại.
Ngay trong đêm, các cơ quan chức năng gồm Công an quận 5, Công ty
Chiếu sáng công cộng TP.HCM và Công ty Điện lực TP.HCM đã khảo sát hiện
trường. Tại ngã tư nơi xảy ra sự cố có trụ điện chiếu sáng công cộng số 86 thuộc
Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM, một cột đèn tín hiệu giao thông và một
16


trụ điện thuộc Công ty Điện lực Chợ Lớn. Thực nghiệm hiện trường cho thấy
luồng điện 240 V phát ra từ cột đèn chiếu sáng công cộng số 86 do hở mạch điện
là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
Trước cái chết thương tâm của em D, gia đình cho biết sẽ gửi đơn đến cơ
quan công an đề nghị khởi tố vụ án.
Trong vụ việc trên, đầu tiên xác định cột đèn chiếu sáng công cộng là hệ
thống tải điện đang hoạt động và là nguồn nguy hiểm cao độ theo khoản 1 Điều
601, BLDS 2015: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông
vận tải cơ giới, hệ thống tải điện ...các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp
luật quy định.”. Hệ thống tải điện - đèn chiếu sáng đang hoạt động tiềm ẩn mối
nguy hiểm có thể gây thiệt hại, mà trong vụ việc trên đã xảy ra thiệt hại về tính
mạng của em Duy và tổn hại về sức khỏe, tinh thần của hai bạn học. Do đó, phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Theo khoản 2, Điều 601 BLDS 2015: ‘‘Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao
độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu
đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ
trường hợp có thoả thuận khác”. Như vậy, công ty Chiếu sáng công cộng
TP.HCM là bên được được nhà nước giao trực tiếp quản lý nguồn nguy hiểm

cao độ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Theo giải thích của công ty, do các mối nối dây điện được quấn bằng băng
keo cách điện nhưng vì trụ đèn bị ngâm nước quá lâu nên băng keo không còn
tác dụng cách điện nên cho rằng đây là yếu tố khách quan không lường trước
được. Cách giải thích này là không hợp lý, vì theo khoản 1, Điều 601: ‘‘Chủ sở
hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành,sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận
chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.”. Công
ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM đã không đảm bảo các biện pháp an toàn như
có thiết bị ngăn, chống nước thấm nước, tiếp đất,.. .không đại tu, kiểm tra, bảo
trì thiết bị. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, điều 601 và Nghị quyết số
17


03/2006/NQ- HĐTP:‘‘Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử
dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khỉ không có lỗi...”.
Do vậy, Công ty Chiếu sáng công cộng TP.HCM phải bồi thường thiệt hại
do tính mạng bị xâm phạm theo điều 591, BLDS 2015 cho gia đình em Duy và
bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo điều 590, BLDS 2015 cho
hai người bạn em bị điện giật. Ngoài ra, nếu có thiệt hại về tài sản thì Công ty
Chiếu sáng công cộng TP.HCM cũng phải bồi thường.

III. Những khó khăn vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
1. Những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn
Thứ nhất, về vấn đề phân biệt khái niệm “thú dữ” và “súc vật”
Thực tế, vẫn còn tồn tại sự nhầm lẫn, không phân biệt được rõ ràng và cụ
thể khái niệm “thú dữ” trong nguồn nguy hiểm cao độ và khái niệm “súc vật”.
Điều đó dẫn đến việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra trở nên hết sức khó khăn và phức tạp, bởi việc hiểu và vận
dụng không được thống nhất. Xét thấy, sự nhầm lẫn giữa bồi thường thiệt hại do
nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra khá phổ

biến. Ví dụ: ong bò vẽ, rắn độc, chó dại, trâu điên... cần phải lưu ý và có sự phân
biệt giữa vật nuôi gây thiệt hại trong trường hợp nó hung dữ với thiệt hại do thú
giữ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thứ hai, về khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ
Về nguồn nguy hiểm cao độ trong các vãn bản quy phạm pháp luật hiện
hành, chưa có khái niệm chung về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ xác định
những đối tượng nào được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, cụ thể được liệt kê
trong khoản 1 Điều 601 BLDS 2015 nhưng cũng không rõ ràng. Ngoài những
loại nguồn nguy hiểm cao độ đã được liệt kê, còn có những loại nguồn nguy
hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tế có những sự vật
chưa từng được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng nếu có
đầy đủ tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ thì có được coi là nguồn nguy
18


hiểm cao độ không? Ví dụ như xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm
nghiệp... không được liệt kê trong phương tiện giao thông vận tải cơ giới thì khi
gây thiệt hại có thể áp dụng BTTH do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra được
không?
Thứ ba, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thú dữ hoang dã gây ra
Theo quy định của pháp luật thì thú dữ gây thiệt hại để phát sinh trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải đang chịu sự
quản lý của một chủ thể nhất định, nếu không có sự quản lí (ở môi trường tự
nhiên, thiên nhiên hoang dã) thì trách nhiệm bồi thường không phát sinh, mặc dù
tài sản này thuộc sở hữu của Nhà nước. Như vậy, trường hợp nguồn nguy hiểm
cao độ trong tự nhiên gây thiệt hại như thú dữ trong rừng tấn công gây thiệt hại
cho người đi rừng thì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng
được xem là một bất cập trong các qui định của pháp luật, qua đó đặt ra vấn đề
đối với nhà nước là cần phải có những biện pháp hợp lý hơn trong việc quản lý
tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Thứ tư, về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra.
Trong các quy định của pháp luật chưa có sự phân định rõ ràng trường
hợp BTTH “do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” với BTTH “do hành vi trái
pháp luật của con người gây ra có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ”.
Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là thiệt hại do “tự thân” nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra thiệt hại, không có tác động của con người. Còn thiệt hại có
liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là thiệt hại do hành vi trái pháp luật của
con người, có tác động của con người và việc gây thiệt hại này có liên quan đến
nguồn nguy hiểm cao độ.
Tuy nhiên, trong thực tiễn đã có sự nhầm lẫn khi người áp dụng không
phân biệt được “thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” và “thiệt hại do
hành vi trái pháp luật của con người gây ra liên quan đến nguồn nguy hiểm cao
19


độ”. Nhiều truờng hợp khi áp dụng pháp luật cứ thấy thiệt hại có liên quan đến
nguồn nguy hiểm cao độ thì đuợc xác định là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao
độ gây ra. Tuy cùng là trách nhiệm BTTH nhưng đây là hai trường hợp hoàn
toàn khác nhau, việc nhầm lẫn có thể dẫn đến những sai lầm trong việc xác định
chủ thể có trách nhiệm BTTH.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Mặc dù BLDS 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đều dành ra
những quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm
cao độ gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những khó khăn
trên thực tế áp dụng. Vì vậy, căn cứ vào những khó khăn bất cập đó em xin đưa
ra những phương hướng, giải pháp sau đây để hoàn thiện hơn các qui định của
pháp luật, tạo tối đa sự công bằng.
Thứ nhất, khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ? Chưa có một
khái niệm cụ thể về thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê những

nguồn nguy hiểm cao độ vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với
các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy cần xác định tiêu chí
chung để thế nào thì được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Ngoài ra theo thời
gian cũng có thể bổ sung thêm các loại nguồn nguy hiểm cao độ để phù hợp với
tình hình thực tế.
Thứ hai, điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra. Như đã phân tích ở trên, một trong những điều kiện để
nguôn nguy hiểm cao độ phát sinh là khi tự thân nó gây thiệt hại. Đây là một
điều kiện rất quan trọng, tuy nhiên luật lại không nói chi tiết vấn đề này. Thực
tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến
nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn
nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay
do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Vì vậy, các nhà làm luật cần có quy
định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao
20


độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy
hiểm cao độ gây ra.
Thứ ba pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của
Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây
ra cho các chủ thể khác. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp
cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu
của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm
giữ…

C. KẾT LUẬN
Ngoài ý nghĩa đáp ứng được nhu cầu, lợi ích cho con người thì tài sản còn
luôn luôn tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro nhất định mà bất cứ lúc nào con người
cũng có thể bị thiệt hại do chính tài sản mang lại, con người dù có ý thức phòng

ngừa đến mấy cũng không kiểm soát được. Thực tế cho thấy mặc dù với sự
thông minh và nhờ vào thành tựu của khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhưng
bản thân con người rất khó kiểm soát các nguy cơ mang lại rủi ro từ tài sản.
Vì vậy những văn bản pháp luật quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt
hai do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng, là căn
cứ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ thể bị thiệt hại. Tuy nhiên, trong thực
tế những quy định về trách nhiệm bồi thường vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều hạn
chế. Thông qua bài làm này, em mong rằng sẽ góp phần nho nhỏ giúp hoàn thiện
hơn nền pháp luật nước nhà, nhằm phục vụ ngày một tốt hơn cho nhân dân.

Mục lục
21


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học kiểm sát Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam tập 2, Nxb
Chính trị quốc gia, 2014.
2. Bộ luật Dân sự của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015,
Nxb Lao Động.
3. Luật Giao thông đường bộ 2008.
4. Luật Giao thông đường thuỷ nội địa 2004.
5. Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005.
6. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
7. Luật Đường sắt 2005.
8. Luật Điện lực 2004.
9. Luật Năng lượng nguyên tử 2008
10. Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao ban hành ngày 8/7/2006 hướng dẫn các quy định về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2005.


22


11. Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12, ban hành ngày 30/6/2011 về quản lý vũ
khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
12. Nghị định 25/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp
lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
13. />14. />
THUẬT NGỮ VIẾT TẮT
BLDS: Bộ luật dân sự
BTTH: Bồi thường thiệt hại

23



×