Tải bản đầy đủ (.docx) (32 trang)

Văn hóa truyền thống Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (153.87 KB, 32 trang )

CHƯƠNG 2
SỰ TÁC ĐỘNG CỦA VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
ĐẾN VĂN HÓA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN NAY

Mang trong mình những giá trị nhân loại, nhưng khái niệm văn hóa không tồn tại
nếu không gắn với một chủ thể (cá nhân/cộng đồng) xác định, bởi văn hóa là sản
phẩm của sự ứng xử của con người với một môi trường tự nhiên và xã hội cụ thể.
Trong quá trình tương tác với tự nhiên và xã hội, do nhu cầu tự nhiên để sinh tồn, con
người luôn vừa biết tận dụng những điều kiện thuận lợi, lại vừa biết ứng phó để thích
nghi trong những điều kiện bất lợi. Có thể nói, hành trình sống của con người là một
cuộc đấu tranh quyết liệt giữa một bên là khát vọng vươn tới sự hoàn thiện các giá trị
nhân văn, nhân bản (được tiêu chí hóa dựa trên các giá trị Chân – Thiện – Mỹ) với
một bên những nhu cầu bản năng, thực dụng cũng luôn luôn thường trực. Do vậy, để
thích nghi và ứng phó với những điều kiện tự nhiên và xã hội cụ thể để sinh tồn,văn
hóa của một dân tộc luôn bao gồm trong nó tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Đặc
biệt, khi những điều kiện xã hội đã thay đổi mà những thói quen, lối sống, cách tư
duy, ứng xử chưa thay đổi kịp để thích nghi thì nó sẽ trở thành lực cản đối với sự phát
triển, đó là khi nó bộc lộ mặt tiêu cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thừa nhận rằng: Việt Nam có những truyền thống tốt
và cả những truyền thống xấu. Truyền thống tốt là những nét đẹp trong văn hóa dân
tộc, mặc dù nảy sinh trong quá khứ, nhưng hiện nay vẫn còn phù hợp với chuẩn mực
của đời sống xã hội và có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Còn
truyền thống xấu là những gì trong di sản văn hoá dân tộc đã trở nên lạc hậu lỗi thời,
không còn phù hợp, đã trở thành lực cản cho sự phát triển của dân tộc. Truyền thống
tốt và truyền thống xấu - hai mặt đối lập này tồn tại đan xen, chồng chéo, gây những
tác động đa chiều, đa diện đến đời sống xã hội. Bởi vậy, đối với di sản văn hóa truyền
thống cần phải có sự đánh giá theo quan điểm lịch sử, cụ thể và biện chứng để tránh
một cái nhìn lý tưởng hóa, ca ngợi một chiều, hay ngược lại, là thái độ phủ nhận
truyền thống một cách cực đoan. Một cách nhìn biện chứng về văn hóa truyền thống
sẽ cho thấy, cùng một đặc trưng văn hóa nhưng có thể được xem là tích cực hay tiêu



cực tùy thuộc vào từng thời điểm lịch sử, cụ thể, tùy thuộc vào từng góc nhìn khác
nhau.
Chúng ta tự hào với những giá trị truyền thống của dân tộc đã được kết tinh qua
hàng ngàn năm lịch sử như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, ý
chí tự lực tự cường, đức tính cần cù, sáng tạo, đức tính lạc quan, lòng nhân ái, vị
tha... Đó là niềm tự hào chính đáng và cần thiết. Song cũng từ đây, ở nhiều người
hình thành thói quen chỉ biết ca tụng một chiều về “truyền thống tinh hoa”, “đạo lý
tốt đẹp” để tự huyễn hoặc mình. Trước thách thức của công cuộc hội nhập để phát
triển, đã đến lúc chúng ta cần nhận thức về các di sản của truyền thống một cách
khách quan, toàn diện và thấu đáo hơn. Bản lĩnh và sức sống của một dân tộc cũng
được chứng tỏ ngay khi chúng ta dám nhìn thẳng vào sự thật, biết dũng cảm để thừa
nhận những nhược điểm, khiếm khuyết của mình. Bởi “một dân tộc càng mạnh, càng
vươn cao về mặt đạo đức, thì nó càng dũng cảm nhìn vào những mặt non yếu và
những thiếu sót của mình bấy nhiêu. Một dân tộc yếu hèn hoặc già cỗi, tàn tạ đến
mức không thể tiến lên được nữa thì chỉ thích ca tụng mình và chúa sợ nhìn vào
những vết thương của mình, vì nó biết rằng đó là những vết tử thương, rằng thực tại
của nó không phải là một cái gì phấn khởi, rằng nó chỉ có thể tìm thấy những niềm an
ủi giả dối trong sự đánh lừa mình thôi. Một dân tộc vĩ đại, đầy sức sống không như
vậy được” (Bielinski). Trên tinh thần ấy, GS Trần Quốc Vượng đề nghị “cho phép
chính thức vạch ra những mặt bất cập của căn tính và tâm thức tiểu nông Việt Nam
trước thách thức của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hoá”.
Hiện nay chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền trên nền tảng của văn hóa
truyền thống với sự chi phối của ba yếu tố hạt nhân, đó là: văn hóa nông nghiệp lúa
nước, Nho giáo và Phật giáo. Bầu khí quyển văn hóa đậm đặc chất phương Đông này
đã tồn tại hàng ngàn năm, thẩm thấu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ kinh tế,
chính trị, tư tưởng, đến đạo đức, lối sống, thói quen, tâm lý, tình cảm, cách tư duy,
ứng xử của nhiều thế hệ cha ông cho đến tận ngày nay, trong đó không chỉ bao gồm
những phẩm chất tinh hoa mà còn cả những cặn bã cần phải tẩy chay, loại trừ khi nó
không còn phù hợp trong điều kiện mới. Do đó, bên cạnh những giá trị tốt đẹp của



truyền thống hiện đang phát huy sức mạnh trong công cuộc hiện đại hóa đất nước thì
lại cũng còn đó không ít những căn tính tiểu nông, những nhược điểm của truyền
thống đang di căn sâu sắc trong tâm lý cộng đồng dưới dạng những thói quen, tập
quán, những nếp suy nghĩ, những lề thói làm ăn, những cách ứng xử… Đó chính là
những trở lực tạo nên sự trì níu nặng nề cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp
quyền ở nước ta hiện nay nói riêng và công cuộc đổi mới để phát triển nói chung. Bởi
vậy, trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, không chỉ dừng lại ở việc nhận diện thực
trạng tiêu cực của văn hóa pháp luật Việt Nam hiện nay, mà chúng tôi sẽ truy tìm về
đầu mối cuối cùng để chỉ ra căn nguyên sâu xa từ nền tảng văn hóa truyền thống đã
chi phối đến sự ứng xử tiêu cực đối với pháp luật của người Việt hiện nay. Đó cũng là
cơ sở cho việc đề xuất những giải pháp có tính nền tảng để có thể từng bước chữa trị
từ gốc cho những căn bệnh xã hội của cả cộng đồng mà xem ra đã đến hồi báo động.
2.1. Sự tác động của văn hóa nông nghiệp lúa nước
Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền trên nền tảng của một xã hội nông
nghiệp cổ truyền với sự chi phối của nhân tố gốc là phương thức sản xuất nông
nghiệp lúa nước, theo đó, thành phần cư dân tuyệt đại bộ phận là nông dân, sinh sống
trong không gian làng xã. Điều kiện đặc thù này đã tồn tại hàng ngàn năm, đã tạo nên
nền tảng văn hóa của dân tộc Việt với thói quen, lối sống của cư dânnông nghiệp lúa
nước, được bảo lưu, làm thành mạch ngầm xuyên suốt chiều dài không gian và thời
gian của dân tộc Việt. Diện mạo của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước biểu hiện qua
những đặc trưng có tính trội như: tính cộng đồng và ứng xử trọng tình; lối sống tự trị
khép kín và thói quen ứng xử “phép vua thua lệ làng”; tư duy tiểu nông chủ quan,
cảm tính và lối ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, tùy tiện, …Tất cả đã để lại những dấu ấn
sâu sắc trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, đạo đức, tạo nên lối sống, thói
quen, tâm lý, tình cảm, cách tư duy, ứng xử của nhiều thế hệ người Việt Nam. Những
đặc trưng này của văn hóa truyền thống hàm chứa cả mặt tích cực và tiêu cực trong
tác động đối với sự phát triển hiện nay của đất nước, trong đó có văn hóa ứng xử với
pháp luật.

2.1.1. Tính cộng đồng


Nói đến văn hóa Việt Nam là nói đến văn hóa làng xã, đó là đơn vị cộng đồng
đóng vai trò nền tảng trong tổ chức xã hội Việt Nam truyền thống. Do vậy, làng trở
thành một không gian văn hóa có vị trí đặc biệt quan trọng, là cái nôi hình thành nên
những đặc trưng bản sắc của văn hóa truyền thống Việt Nam. GS. Trần Quốc Vượng
khẳng định: văn hóa Việt Nam cổ truyền, về bản chất là một nền văn hóa xóm làng
[59, 71].
Đặc trưng nổi trội của văn hóa làng xã Việt Nam là tính gắn kết cộng đồng vô
cùng bền chặt, được hình thành trên nền tảng của hai mối quan hệ: huyết thống (Một
giọt máu đào hơn ao nước lã) và láng giềng (Bán anh em xa mua láng giềng gần).
Nếu phương thức sản xuất gốc của người phương Tây là nghề chăn nuôi du mục, để
rồi từ đó hình thành nên lối sống du cư, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển ý
thức cá nhân từ rất sớm, thì trái lại, văn hóa Việt Nam (và phương Đông nói chung)
được hình thành trên nền tảng của nghề nông trồng trọt. Phương thức sản xuất này
đòi hỏi cư dân phải ở định cư ổn định, không thích sự di chuyển, đổi thay, là cơ sở
hình thành lối sống đề cao tính cộng đồng. Thêm nữa, nghề trồng lúa nước phụ thuộc
vào điều kiện tự nhiên (hạn hán, lũ lụt), mà để chống chọi với tự nhiên thì một vài cá
nhân hay một gia đình không gánh vác nổi (Lụt thì lút cả làng, đắp đê chống lụt thiếp
chàng cùng lo). Do sự chi phối của cuộc sống định cư và phương thức sản xuất khiến
cho người Việt, như một đòi hỏi tự nhiên và tất yếu để sinh tồn, đã hình thành mối
gắn kết cộng đồng cao. Thêm vào đó, do nằm ở vị trí địa lý có tính chiến lược cho
nên từ khi lập quốc, dân tộc Việt đã phải đoàn kết tạo nên sức mạnh để đương đầu với
nạn ngoại xâm. Đây cũng là một đặc điểm làm gia tăng thêm tính cộng đồng của
người Việt. Tính cộng đồng, do vậy, đã in đậm dấu ấn trong tâm lý, tính cách, trong
bản sắc văn hóa Việt Nam, chi phối đến đời sống và các quan hệ ứng xử của người
Việt xưa và nay với cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của tính cộng đồng khi nó tạo nên truyền thống
ứng xử tốt đẹp của dân tộc ta, đó là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, là sự gắn

bó, sẻ chia lúc khó khăn hoạn nạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh quá độ để chuyển sang
một xã hội đô thị và công nghiệp, từ góc nhìn của văn hóa ứng xử với pháp luật, tính
cộng đồng lại là tác nhân gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực nhiều hơn là tích cực.


Vậy tính cộng đồng như là một đặc trưng nổi trội của văn hóa truyền thống đã có
ảnh hưởng như thế nào đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người Việt hiện nay?
Trước hết, có thể thấy, mặt trái của tính cộng đồng đó là sự phủ nhận, ức chế sự
phát triển cá tính, kìm hãm vai trò cá nhân. Ý thức về quyền cá nhân vì vậy không
được phát triển, thay vào đó là sự phụ thuộc, sự phục tùng của cá nhân vào cộng
đồng. Có thể nói, trong cuộc đời một người Việt từ nhỏ đến lớn, trước hết và trên hết
là thành viên của cộng đồng (từ cộng đồng nhỏ như gia đình, dòng họ, phe, giáp,
phường, hội đến cộng đồng lớn như làng, nước). Chỉ với tư cách thành viên của cộng
đồng thì con người mới có giá trị. Nói cách khác, thang bậc giá trị, tư cách của một
con người chỉ được xác định trong các quan hệ cộng đồng. Khi giao lưu với văn hóa
Trung Hoa, Nho giáo được tích hợp vào văn hóa Việt Nam lại càng góp phần làm mờ
nhạt tính cá nhân, củng cố thêm tính cộng đồng và làm sâu sắc thêm ý thức về bổn
phận, khiến cho conngười cá nhân chưa bao giờ được coi là thực thể độc lập với
quyền được khẳng định và phát triển nhân cách, tài năng và chính kiến của mình.
Từ góc độ tâm lý, nhiều nhà nghiên cứu nhận xét: người Việt Nam từ khi biết nói
cho đến khi trưởng thành rất ít xưng “tôi”. Cái tôi của người Việt trong quá khứ chủ
yếu được gửi gắm, phó thác vào “cái ta” và cái “mọi người”, hòa lẫn trong cộng
đồng, tan biến vào các quan hệ xã hội. Ý thức về trách nhiệm, bổn phận bị kiểm soát
bởi dư luận, kết tinh thành đạo lý, thể hiện thành truyền thống. Đó cũng là lý do để
nhà nghiên cứu Phan Ngọc khẳng định: con người Việt Nam là con người “nhân cách
luận”, thực chất cũng là con người của cộng đồng, chứ không phải là con người “cá
nhân luận” như phương Tây.
Chính sự lệ thuộc của cá nhân vào cộng đồng làm cho con người trở nên thụ động
trong các quan hệ, không dám khẳng định bản lĩnh và nhân cách cá nhân, không dám
nhân danh cá nhân để đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho mình.

Sự hạn chế phát triển ý thức cá nhân của một lối sống đề cao tính cộng đồng vẫn
còn để lại dư vị nặng nề trong xã hội hiện đại và gây khó khăn đáng kể cho việc xây
dựng nhà nước pháp quyền, khi mục đích của nhà nước pháp quyền sinh ra để trước
hết và trên hết nhằm đảm bảo các quyền và tự do của cá nhân. Xây dựng nhà nước
pháp quyền ở Việt Nam vì vậy đã gặp phải lực cản từ những đặc điểm của một nền
tảng văn hóa mà ở đó con người bị ràng buộc vào vô vàn các nghĩa vụ, không có chỗ


cho sự khẳng định các quyền cá nhân. Đó là nguyên do giải thích vì sao người Việt
Nam hiện nay vẫn chưa thực sự tự giác và chủ động trong việc sử dụng các quyền cá
nhân của mình trong ứng xử với các quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật, mặc dù đã
được hiến pháp và pháp luật qui định.
Từ phía nhà nước cũng có thể thấy, các nhà lập pháp của chúng ta hiện nay khi
hoạch định các chính sách pháp luật ở tầm vĩ mô cũng chưa quan tâm thích đáng đến
các quyền và tự do của cá nhân, mà thường chỉ quan tâm đến lợi ích cộng đồng, sự
phụ thuộc của cá nhân vào cộng đồng. Điều này được phản ánh qua việc các luật
phục vụ quản lý nhà nước thường được ưu tiên hơn so với các luật liên quan đến lợi
ích tư nhân. Các văn bản pháp luật ghi nhận các quyền của công dân nhưng nhiều khi
lại thiếu cơ chế thực hiện, khiến cho các quyền lợi hợp pháp của công dân nhiều khi
bị hạn chế bởi chính công quyền. Đó là chưa nói đến một thực tế là, các cơ quan công
quyền vẫn chưa từ bỏ được thói quen hách dịch, sách nhiễu công dân, hành xử theo
kiểu “ban ơn”, khiến cho công dân khi thực hiện các quyền chính đáng của mình
nhưng lại phải quỵ lụy, khúm núm trước công quyền. Bởi vậy, để tạo dựng được thói
quen, ý thức về việc pháp luật phục vụ người dân trong nhà nước pháp quyền thì
trước hết phải tạo những điều kiện để phát triển ý thức cá nhân. Một khi ý thức cá
nhân đã được phát triển thì nhà lập pháp phải hướng các quy định pháp luật về các
quyền tự do của con người, của cá nhân, công dân và đến lượt mình công dân cũng
phải chủ động thực hiện các quyền của mình, với tư cách là của mình mà nhà nước
thừa nhận chứ không phải nhà nước ban cho.
Cũng chính từ lối sống đề cao tính cộng đồng và hạ thấp vai trò cá nhân là nguyên

nhân làm cho con người trở nên thụ động trong các quan hệ, ít dám làm và cũng từ đó
cũng không dám chịu trách nhiệm trước cộng đồng và người khác, từ đó hình thành
tâm lý và thói quen dựa dẫm, ỉ lại. Tâm lý và thói quen ứng xử này được đúc kết và
lưu truyền trong dân gian qua các câu thành ngữ quen thuộc như: Nó lú có chú nó
khôn; Sẩy cha có chú, sẩy mẹ bú dì;Con dại cái mang…
Tâm lý dựa dẫm, ỉ lại được nâng lên một bước cao hơn là lợi dụng các mối quan
hệ thân quen, họ hàng để tìm kiếm sự che chở, nâng đỡ, mưu cầu lợi ích cá nhân.Tư
tưởng “Một người làm quan, cả họ được nhờ”, “Nhất thân nhì quen tam thần tứ thế”
trở thành một thói quen ứng xử rất phổ biến ở thời kỳ phong kiến, trong xã hội truyền


thống Việt Nam. Hiện nay, mặc dù quan niệm trên đã bị hạn chế bởi một số điều luật
(Luật công chức) nhưng trên thực tế, tư tưởng này vẫn còn tồn tại rất phổ biến trong
suy nghĩ và hành vi của xã hội như một căn bệnh trầm kha. Thực trạng “con ông cháu
cha”, nạn “ô dù”, “chủ nghĩa thân quen”, sự kéo bè kết cánh dựa trên mối quan hệ
huyết thống, bà con, đồng hương… tuy không tồn tại một cách chính thống và công
khai nhưng ai cũng có thể thấy căn bệnh này đã và đang là một vấn nạn xã hội, hàng
ngày đang âm thầm, âm ỉ tác động tiêu cực, làm suy giảm sức mạnh của hệ thống cơ
quan công quyền, gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.
Chính các mối quan hệ “con ông cháu cha”, “gia đình trị”, “thân quen”, “thần thế”
này đã góp phần làm vô hiệu hóa pháp luật khi người ta kết bè cánh để thực hiện
những hành vi tham nhũng, tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật ở ngay chính những
người nhân danh bảo vệ và thực thi pháp luật. Khi tiêu cực bị phát hiện thì người ta
lại tìm cách che chắn cho nhau vì sợ “rút dây động rừng”, bởi vậy các hành vi sai
phạm, tiêu cực không bị tố giác, khôngbị truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn,
không được xử lý nghiêm theo luật pháp, để rồi kết quả cuối cùng cũng chỉ là “hòa cả
làng”.
Tính cộng đồng cũng là căn nguyên sâu xa để lý giải về một thực tế hiện đang
diễn ra rất phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ta hiện nay. Đó là tình
trạng ứng xử kiểu “cha chung không ai khóc”, “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”,

được biểu hiện rất phổ biến trong các hành vi ứng xử hàng ngày, mà biểu hiện cụ thể
là sự thờ ơ, chối bỏ, đùn đẩy trách nhiệm, lãng phí của công.
Có thể nói, trách nhiệm cá nhân có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện
quyền và nghĩa vụ pháp lý trong các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, trong đời sống
pháp luật ở Việt Nam hiện nay, tính chịu trách nhiệm cá nhân xét cả từ hai phía người
dân và các cơ quan công quyền còn rất thấp, mà nguyên nhân trực tiếp là do chủ
nghĩa bình quân tập thể của cơ chế cũ để lại, nhưng nguyên nhân sâu xa là do sự cản
trở từ lối sống cộng đồng và các hệ lụy của nó trong văn hóa nông nghiệp truyền
thống.
2.1.2. Lối ứng xử nặng tình nhẹ lý
Cuộc sống cộng đồng ở làng xã đã tạo ra sự đoàn kết gắn bó, yêu thương đùm bọc
lẫn nhau, đó là ngọn nguồn của nếp sống “trọng tình” trong truyền thống ứng xử của


người Việt, đó cũng là một nét nổi trội trong đặc trưng văn hóa truyền thống Việt
Nam. Cả cuộc đời và qua nhiều đời, người dân quê Việt Nam chỉ làm ăn, sinh sống ở
làng, mọi người hiểu nhau rành rẽ, thân quen, gắn bó với nhau từ tấm bé với hai mối
quan hệ giằng chéo bền chặt là huyết thống (Một giọt máu đào hơn ao nước lã) và
láng giềng “Bán anh em xa mua láng giềng gần”, “Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt
đèn có nhau”. Yếu tố duy tình - lối sống giàu tình cảm trọng tình nghĩa là một nét đẹp
trong truyền thống của dân tộc. "Vượt lên cả về không gian, thời gian là đặc điểm
duy tình, duy nghĩa, duy cảm của con người Việt Nam trong mối quan hệ giữa người
với người" (Trần Quốc Vượng). Truyền thống đó tạo ra cuộc sống hoà thuận, lấy tình
nghĩa làm đầu; tình cảm trở thành thước đo giá trị trong mọi hành vi ứng xử của con
người.
Vì quan hệ trong làng như một đại gia đình, ở đó lợi ích của một người gắn với lợi
ích của cộng đồng, “phúc cùng hưởng, họa cùng chịu” nên khi có điều gì không hay
xảy ra người ta không muốn “vạch áo cho người xem lưng” để khỏi “xấu chàng hổ
ai”, từ đó đã hình thành nguyên tắc ứng xử tất yếu là phải che chắn, bảo vệ, “đóng
cửa bảo nhau”, “tốt khoe, xấu che”, kể cả việc dung túng cho lỗi lầm. Cũng vì sự nể

nang, sợ mất lòng nhau nên trong ứng xử người ta coi trọng nguyên tắc “dĩ hoà vi
quý”, “chín bỏ làm mười”,“một điều nhịn, chín điều lành”. Sống trong môi trường
mà tình cảm được coi là tiêu chí, là chuẩn mực ứng xử nên lâu dần hình thành lối
sống dễ dàng thỏa hiệp, ứng xử nửa vời, cả nể, ngại va chạm, thiếu tính quyết đoán
kiểu “sư nói cũng phải, vãi nói cũng hay”; “tháng ba cũng ừ, tháng tư cũng gật”. Khi
xẩy ra mâu thuẫn thì dễ dàng tha thứ vì “đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại”.
Lối ứng xử trọng tình nhẹ lý trở thành nguyên tắc cơ bản chi phối, điều tiết các mối
quan hệ, khiến cho việc xử sự của con người thường chủ quan, tùy tiện, nặng về cảm
tính nên thiếu tính nguyên tắc, được đúc kết và lưu truyền trong dân gian qua các câu
thành ngữ quen thuộc như: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”; “Yêu nhau
cau sáu bổ ba, ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười”; “Yêu nhau mọi việc chẳng nề,
dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”; “Yêu nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ
hòn cũng méo”…


Việc xử lý các quan hệ theo tình cảm sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng tính nguyên tắc,
tùy tiện là một điều tất yếu. Truyền thống duy tình đã làm cho người ta có thể có
nhiều cách ứng xử khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, trong khi đó pháp luật lại là
chuẩn mực chung để điều tiết các mối quan hệ một cách nghiêm khắc dựa trên tiêu
chí khách quan và thống nhất. Bởi vậy, người ta dễ dị ứng với pháp luật, chỉ coi pháp
luật là một giải pháp “cực chẳng đã”. Đó là một lý do khiến cho pháp luật bị vô hiệu
hóa ngay từ trong suy nghĩ của mỗi cá nhân cho đến hành vi ứng xử phổ biến của
cộng đồng trong xã hội Việt Nam truyền thống.
Cũng do lối sống nông nghiệp quần cư, khép kín sau lũy tre làng dựa trên các mối
quan hệ thân tộc, láng giềng cùng với nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp khiến cho các
quan hệ xã hội thuần nhất, có tính ổn định cao. Các quan hệ ứng xử cũng như các
giao dịch dân sự chủ yếu dựa trên cơ sở của các chuẩn mực đạo đức, tình cảm và lòng
tin mà không cần đến các bằng chứng có tính pháp lý. Nếu có mâu thuẫn, tranh chấp
với nhau thì được giải quyết bằng con đường hòa giải hơn là kiện tụng, trên tinh thần
nhường nhịn, cảm thông, “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quí”. Xét về mặt tích cực,

nguyên tắc ứng xử này giúp bảo vệ các mối quan hệ xã hội thân thuộc, củng cố tính
cộng đồng và tinh thần đoàn kết, ít xảy ra các tranh chấp dân sự, duy trì sự ổn định
của xã hội. Tuy nhiên, hệ quả tiêu cực là pháp luật không còn uy lực khi cái lý bị đẩy
xuống hàng thứ yếu so với cái tình.
Không thể phủ nhận rằng, công lý trước hết và trên hết phải xuất phát từ nền tảng
là lòng yêu thương, cho nên hiển nhiên là cái lý không thể đặt trong thế đối lập với
cái tình. Tuy nhiên, trong một xã hội mà nếu cái tình ở vị trí được ưu tiên hơn, thậm
chí lấn át cái lý thì pháp luật tất yếu sẽ không được coi là một công cụ quan trọng để
điều tiết các quan hệ xã hội. Lối ứng xử ấy đối lập hoàn toàn với tinh thần "thượng
tôn pháp luật", một đòi hỏi tất yếu của xã hội văn minh, hiện đại. Nhưng như đã phân
tích ở trên, trong xã hội Việt Nam cổ truyền, cái truyền thống trọng tình hơn lý đã
khiến cho pháp luật không phải là một cách giải quyết tranh chấp được ưa chuộng.
Câu thành ngữ “vô phúc đáo tụng đình” thể hiện thái độ của người dân coi chuyện ra
toà là một cái gì đó ghê gớm, làm tổn hại thanh danh và sứt mẻ tình cảm vì “một đời
kiện, chín đời thù”. Do vậy, các hành vi tố giác tội phạm gần như không diễn ra khi


người ta sợ dư luận hơn cả hình phạt. Một khi cái tình được đặt cao hơn cái lý thì nhu
cầu sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình không trở thành một thói quen
ứng xử phổ biến của người dân từ trong nhận thức cho đến hành vi. Đây cũng là một
nguyên nhân dẫn đến tâm lý thờ ơ, né tránh pháp luật, không xem pháp luật là cách
giải quyết được ưu tiên, là công cụ bảo vệ quyền lợi cho mình. Cho đến ngày nay,
người Việt vẫn chưa có thói quen tìm đến pháp luật khi xảy ra các tranh chấp dân sự
như một hành vi ứng xử phổ biến ở các nước có nền văn hóa pháp luật tích cực.
Trong giai đoạn hiện nay, văn hoá ứng xử "lấy cảm tình làm bản vị" của người
Việt đang là một thách đố gay gắt khi đất nước đang bước vào tiến trình hội nhập
quốc tế mà tinh thần "thượng tôn pháp luật" là điểm tựa của việc thực hiện những
cam kết quốc tế. Ý thức tôn trọng pháp luật và tính chủ động sử dụng pháp luật với
tính cách là yếu tố của văn hoá pháp luật có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cơ chế
hành vi của các chủ thể, nhưng đây lại là một trong những điểm yếu lớn nhất được

nhận thấy trong thực tiễn pháp lý ở nước ta hiện nay. Bằng chứng là, đối với người
dân và doanh nghiệp, việc giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế không cần đến
pháp luật vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ, bởi số đông người dân vẫn e dè
khi nói đến việc kiện tụng, giải quyết tranh chấp bằng luật pháp... Rất ít doanh nghiệp
có luật sư, chuyên viên pháp chế chuyên trách làm công tác pháp lý, dự báo các vấn
đề pháp lý nảy sinh (ngoại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Luật sư Trần
Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì dân nhận xét: “… giới doanh nhân Việt
Nam ít có thói quen sử dụng luật sư. Các doanh nghiệp có thói quen vướng đâu thì
“chạy” bằng phong bì, mạnh hơn nhau bằng cái đó, chứ không phải đưa nhau lên trên
bàn để giải quyết đúng - sai bằng luật pháp, nên các doanh nghiệp không cần thiết
phải có bộ phận pháp chế để làm cố vấn cho họ. Điều này trái ngược hẳn với giới
doanh nhân quốc tế”.
2.1.3. Lối sống trọng lệ hơn luật và thói quen ứng xử “phép vua thua lệ làng”
Để lý giải về thói quen ứng xử “phép vua thua lệ làng” mà hiện nay vẫn còn diễn
ra rất phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc trong xã hội, chúng ta phải trở về với căn nguyên
sâu xa từ nền tảng văn hóa làng, nguồn gốc nảy sinh lối sống trọng lệ hơn luật.
Để phù hợp với phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, người Việt sống
quần tụ trong không gian làng quê, bao quanh làng là lũy tre và cổng làng, khiến cho


làng nào biết làng ấy. Về kinh tế, mỗi làng tồn tại như một đơn vị kinh tế độc lập,
khép kín, có khả năng tự túc tự cấp nên không có nhu cầu quan hệ giao thương với
bên ngoài. Về tình cảm, các thành viên trong làng đều có quan hệ họ hàng, nên quan
hệ giao lưu tình cảm cũng tự đầy đủ, khép kín trong phạm vi làng. Về phong tục, mỗi
làng có luật tục (lệ làng, hương ước) riêng. Về mặt hành chính, mỗi làng có bộ máy
hành chính tự quản, có vai trò và chức năng giải quyết mọi việc trong làng. Sự độc
lập về không gian địa lý, về kinh tế, về bộ máy hành chính, về tình cảm, phong tục đã
khiến cho mỗi làng tồn tại như một “tiểu vương quốc”, độc lập trong quan hệ với
làng khác và tự quản trong quan hệ với quốc gia. Chính từ đây đã hình thành lối sống
tự trị, khép kín, hướng nội như là một đặc trưng tiêu biểu của văn hóa làng Việt. Nếu

như tính cộng đồng có chức năng liên kết các thành viên trong cùng một làng (hướng
ngoại), thì tính tự trị lại xác định sự tồn tại độc lập, khép kín giữa làng này với làng
khác và tính tự quản của làng so với chính quyền trung ương (hướng nội). Tính tự túc
tự cấp của nền kinh tế tiểu nông cùng với bộ máy hành chính tự quản đã khiến cho
làng luôn có xu hướng “ly tâm” với chính quyền trung ương.
Tính độc lập, tự quản của làng thể hiện ở bộ máy hành chính của mỗi làng có chức
năng giải quyết mọi việc trong nội bộ làng, trong đó Hội đồng Kỳ mục có chức năng
như bộ phận lập pháp; Lý dịch có chức năng như bộ phận hành pháp; hương ước luật tục - lệ làng có vai trò như luật pháp. Phong tục, luật lệ làng nào được người dân
làng đó tuân theo, triều đình thường không can thiệp đến.
Trong suốt cả ngàn năm xây dựng quốc gia tự chủ, mặc dù các triều đại phong
kiến đã xây dựng và thực thi nhiều bộ luật, song bên cạnh đó vẫn duy trì và tôn trọng
các hương ước, lệ làng. Hương ước đa số các làng đều khẳng định: “… nước có luật
nước, làng có hương ước riêng…”, hoặc “nhà nước có pháp luật quy định, còn dân có
điều ước riêng…”.. Bởi vậy, trong xã hội truyền thống Việt Nam, từ hàng ngàn năm,
luật tục, lệ làng (còn gọi là hương ước hay khoán ước) đã tồn tại song song với luật
pháp của nhà nước (Lệ làng / phép nước), là công cụ để duy trì bộ máy tự quản trong
tổ chức cộng đồng làng xã, hương ước được xây dựng trên cơ sở phong tục, tập quán
của làng xã được “qui phạm hoá” dưới hình thức văn bản, được nhà nước thừa nhận
để trở thành qui tắc xử sự chung của mỗi làng,phản ánh tâm lý, phong tục, tập quán,


nếp sống đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cư dân trong làng, tạo nên một áp lực tinh
thần bất khả kháng, thành “lệ làng”. Vì thế, luật tục – hương ước – lệ làng đã ràng
buộc mỗi thành viên trong làng vào một nề nếp, qui củ, tạo thành nếp sống chung ổn
định trong không gian khép kín của mỗi làng. Do đó, hương ước thực chất là một
dạng tồn tại của pháp luật rất đặc thù trong chế độ làng xã tự trị của xã hội Việt Nam
truyền thống. Tất cả các làng ở Bắc bộ và phần lớn các làng ở Trung bộ đều có hương
ước. Hiện nay ở Viện Văn hóa dân gian còn lưu giữ khoảng 5.000 bản hương ước.
Mỗi bản có khoảng trên dưới 100 điều qui định về các mối quan hệ cơ bản của người
dân trong cộng đồng làng xã: quan hệ với nhà nước (nghĩa vụ đóng thuế, đi lính);

quan hệ cộng đồng (xóm giềng; hôn nhân; gia đình; tang ma;…).
Lệ làng tồn tại song song với “phép nước” và được nhà nước thừa nhận như
những văn bản pháp lý. Tuy nhiên, trong khi người dân trong làng ít hiểu về luật pháp
của nhà nướcthì lại rất am hiểu lệ làng và tuân thủ lệ làng một cách nghiêm ngặt,
thậm chí còn coi “Phép vua thua lệ làng”.
Vậy vì sao lệ làng lại có hiệu lực hơn luật pháp của nhà nước?
Có thể chỉ ra các lý do sau đây:
1) Trong trường hợp “phép vua” và “lệ làng” thống nhất với nhau thì trong tổ chức
làng xã đặc thù của Việt Nam, với lối sống và tập tục khác nhau, việc quản lý xã hội
bằng hương ước, lệ làng có nhiều ưu thế hơn luật pháp, cụ thể là:
a) Hương ước, lệ làng là những điều qui ước trên cơ sở sự thống nhất của cư dân
trong làng, gắn với hoàn cảnh, phong tục, tập quán lâu đời và đặc điểm của từng làng
nên rất cụ thể, gần gũi, thiết thực, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với lối sống đặc thù
của mỗi làng. Vì vậy lệ làng ăn sâu vào tâm thức của cư dân trong làng, được trao
truyền một cách tự nhiên từ gia đình đến dòng họ, từ thế hệ này sang thế hệ khác,
được tuân thủ như một quán tính tự nhiên. Trong khi đó, pháp luật là sản phẩm chủ
quan của giai cấp cầm quyền, vừa mang tính áp đặt hành chính từ trên xuống, lại chỉ
dừng lại ở khuôn khổ pháp lý chung cho cả quốc gia nên không thể áp dụng phù hợp
cho mọi nơi, với mọi đối tượng trong hoàn cảnh làng xã Việt Nam tự trị và khép kín
với lối sống và tập tục khác nhau. Bởi vậy mặc dù luật pháp về cơ bản là thống nhất


với luật tục, nhưng người dân tìm thấy lợi ích của mình ở các qui tắc cụ thể của làng
chứ không phải ở các qui phạm chung của luật pháp nhà nước.
b) Nếu trong văn bản pháp luật thời phong kiến, tất cả các điều khoản đều gắn với
qui định về mức hình phạt cụ thể, phần nhiều là những hình phạt nặng nề, tàn khốc,
xâm phạm thô bạo, thậm chí là dã man đến thân thể người phạm luật (như đánh roi,
đánh gậy, chém, thắt cổ, thích chữ vào mặt, chặt chân tay…) thì ở hương ước, lệ làng
lại thể hiện tinh thần khoan dung, độ lượng. Bằng chứng là, trong nhiều trường hợp
không ghi mức hình phạt cụ thể đối với người vi phạm, mà thay vào đó là những lời

khuyên răn chung chung, nặng về răn đe, khuyến cáo, khuyên răn, khuyến thiện. Các
hình phạt được qui định phổ biến là phạt tiền, đánh roi, truất ngôi thứ, tẩy chay các
sinh hoạt cộng đồng, hạ uy tín nhằm đánh vào danh dự, sĩ diện của cá nhân và dòng
họ, hoặc hình phạt cao nhất là đuổi khỏi làng. Đó là sự hoá giải một cách uyển
chuyển tính chất khô cứng, lạnh lùng, hà khắc, đôi khi là tàn bạo của luật pháp nhà
nước.
Vì người dân nhìn thấy ở lệ làng khả năng bảo vệ mình, còn luật nước thì đối lập
với mình cho nên, trong con mắt của người dân, lệ làng được trọng hơn luật nước.
Trong khi lệ làng được người dân tự giác tuân thủ thì “phép vua” muốn vào được
làng phải chịu sự “khúc xạ”, do vậy chỉ còn là những hình bóng mờ nhạt, hiệu lực
của nó cũng từ đó mà bị giảm đi rất nhiều.
c) Ngoài ra, một lý do nữa khiến cho người dân trong khi hiểu rất rõ về lệ làng thì
lại ít có điều kiện để tiếp cận với luật pháp, do điều kiện ngày xưa giao thông đi lại
khó khăn, chủ yếu là đi ngựa hay chạy bộ nên các chiếu chỉ do nhà vua ban ra để đến
với người dân cũng phải mất một thời gian khá dài. Trong khi đó phương tiện thông
tin lại rất hạn chế, khó có điều kiện để phổ biến, tuyên truyền rộng rãi cho dân chúng.
Thêm nữa, do mặt bằng dân trí rất thấp, phần lớn là mù chữ, vì vậy người dân không
có điều kiện tiếp cận trực tiếp các văn bản pháp luật của nhà nước mà phải qua các
khâu trung gian nên khó tránh khỏi “tam sao thất bản”. Tình trạng dân thiếu hiểu biết
về pháp luật, “mù luật”, do đó, là hiện tượng phổ biến trong xã hội phong kiến Việt
Nam.
2) Về nguyên tắc, “phép vua” và “lệ làng” không chỉ thống nhất mà còn mâu
thuẫn nhau, bởi lẽ, luật nước luôn có thiên hướng khẳng định sự quản lý (cai trị) có


tính tập trung, thống nhất, hạn chế quyền tự chủ của làng xã. Ngược lại, hương ước
có xu hướng xác lập và củng cố quyền tự chủ, tự quản cộng đồng. Do vậy, về phương
diện hình thức, hương ước luôn được quan niệm là sự biểu hiện quyền “tự trị” của
các làng xã cổ truyền Việt Nam. Luật nước có xu hướng xác lập sự thống nhất của
không gian pháp lý trong phạm vi toàn quốc gia. Hương ước, lệ làng lại làm gia tăng

tính khép kín đối của cuộc sống các làng xã, tạo ra sự chia cắt không gian pháp lý
giữa nước với làng, giữa các làng với nhau. Bởi vậy, nếu quy định nào của luật nước
mà xâm hại đến lợi ích cục bộ của làng xã, đặc biệt xâm hại đến các lợi ích của các
thế lực chức sắc địa phương thì thường bị vô hiệu hoá và không được tuân thủ. [Xem:
62]
Như vậy, có thể thấy rằng luật pháp và hương ước, lệ làng “là hai mặt của một thể
chế chính trị pháp lý lưỡng tính phản ánh mối tương quan của sự thống nhất quốc gia
và quyền tự quản của các cộng đồng, làm quân bình sự phát triển của mọi mặt của
đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi một đơn vị làng xã và của cả quốc
gia”, trong đó, “hương ước, lệ làng là môi trường văn hoá pháp lý đặc thù vừa để phát
huy hiệu lực của luật nước và vừa hạn chế luật nước trong mối quan hệ bảo lưu các
nét đặc trưng của lối sống cộng đồng ở một quốc gia nông nghiệp” [62].
Tóm lại, trong cả hai trường hợp, dù mâu thuẫn hay thống nhất đều có những căn
cứ cho thấy, hương ước, lệ làng là một công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ cộng
đồng và quản lý làng xã có hiệu lực hơn luật nước.Với tất cả những thế mạnh ấy, sự
hiện diện của hương ước đã làm mờ nhạt vai trò, thậm chí làm cản trở khả năng điều
chỉnh của luật nước. Trong tổ chức làng xã Việt Nam truyền thống, hương ước, lệ
làng về cơ bản là một hiện tượng văn hoá độc đáo với rất nhiều các giá trị tích cực đã
góp phần giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội, thuần phong, mỹ tục với các quy định
mang tính cách đặc thù của mỗi địa phương. Với luật lệ riêng, làng xã Việt Nam đã
tồn tại như một vương quốc thu nhỏ với sự cố kết rất bền vững. Hương ước chính là
hệ thống giá trị chuẩn mực của làng xã, nó quy định cung cách ứng xử, lối sống của
cá nhân trong làng, tạo nên sự đồng nhất, mà trước hết là từ trong mỗi dòng họ.
Tuy nhiên, việc quản lý xã hội bằng hương ước, lệ làng đã dẫn đến hệ quả là, cư
dân nông thôn đã từ bao đời quen sống với luật tục mà không quen sống theo luật
pháp. Trong tâm thức người dân, phép nước là những gì còn xa lạ trong khi hằng


ngày, hằng giờ họ chỉ đối mặt với lệ làng, với những bổn phận mà lệ làng đặt ra cho
họ. Dần dần điều này tạo ra tâm lý trọng lệ hơn luật. Trong cái không gian khép kín

của làng quê với đầy rẫy các quy tắc về hệ thống đẳng cấp, ngôi thứ trong làng, về
các hủ tục cưới xin, ma chay, khao vọng, hội hè… đã được giới chức dịch trong làng
lợi dụng để trói buộc người nông dân vào vô số các nghĩa vụ, trách nhiệm, cấm đoán
và hạn chế, tạo nên một lối sống chỉ theo lệ làng, coi thường luật nước theo đúng ý
nghĩa “phép vua thua lệ làng”.
Bên cạnh đó, lệ làng chứa đựng không ít các quy tắc mang tính tiêu cực thể hiện
tư tưởng cục bộ địa phương như “Nhập gia tùy tục”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “Ta về
ta tắm ao ta…”,… sức mạnh của lệ làng cùng với tính chất tư hữu cá nhân của nền
sản xuất nhỏ đã dẫn đến tư duy, lối sống nặng về vun vén cá nhân thực dụng, thiển
cận, kiểu “Đèn nhà ai nấy rạng”, “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Ở đình nào chúc đình
ấy”, “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, ít quan tâm đến lợi
ích của người khác, làng khác, và lại càng không quan tâm đến lợi ích đại cục ở tầm
quốc gia. Các thói quen cổ hủ này thẩm thấu vào chiều sâu của tư duy và ứng xử,
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một chuẩn mực đã trở thành
“thâm căn cố đế”. Tính cục bộ của văn hóa tiểu nông khiến cho con người thiếu ý
thức xã hội, chỉ quan tâm tới những gì liên quan trực tiếp đến lợi ích thiển cận của
mình “ăn cây nào, rào cây ấy’; “đèn nhà ai nấy rạng”; “của mình thì giữ bo bo, của
người thì để cho bò nó ăn”. Vì vậy, nó là thủ phạm của sự thờ ơ với lợi ích cộng
đồng, cũng là nguyên nhân của tính đố kỵ, tham lam, bè nhóm, cục bộ, của kiểu tư
duy tiểu nông manh mún, nhỏ lẻ, không có tầm nhìn xa mang tính chiến lược...
Trên đây chúng tôi đã lý giải những nguyên nhân tạo nên lối sống trọng lệ hơn
luật và thói quen không tuân thủ luật pháp của người Việt truyền thống mà những di
hại của nó để lại cho hôm nay còn vô cùng nặng nề. Biểu hiện rõ nhất của tư duy
“Phép vua thua lệ làng”, của lối sống trọng lệ hơn luật hiện nay đó là tư tưởng cục bộ
địa phương, là hiện tượng bè phái, cấu kết, bao che để bênh vực, bảo vệ quyền lợi
cho nhau; đó là tư tưởng chỉ vì lợi ích cục bộ của cái cộng đồng nhỏ mà không quan
tâm đến lợi ích của số đông, của quốc gia. Những tư tưởng và hành vi ứng xử này
đang tồn tại rất phổ biến trong xã hội ta, mà biểu hiện cụ thể là:



a) Nếu ngày xưa coi trọng lệ làng hơn phép nước thì ngày nay hiện tượng “trên
bảo dưới không nghe”, những hành vi ứng xử coi thường pháp luật, bất chấp pháp
luật vẫn đang diễn ra vô cùng phổ biến trong xã hội ta với rất nhiều những hình thức
biểu hiện khác nhau, không chỉ từ phía người dân mà cả các cơ quan công quyền.
Trong thực tế, nhiều cơ quan nhà nước tự đặt ra các qui tắc riêng, trên danh nghĩa là
cụ thể hóa pháp luật nhưng về thực chất là ngược lại với tinh thần của pháp luật, hoặc
vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho công dân trong việc thực hiện các quyền và lợi
ích hợp pháp của mình. PGS. TS Nguyễn Đăng Dung gọi đó là “lệ làng thời hiện đại”
[xem: 12].
b) Việc tuyển chọn và bố trí nhân sự trong bộ máy công quyền còn theo “chủ
nghĩa thân quen”, còn nặng tư tưởng “con ông cháu cha”, “Một người làm quan cả họ
được nhờ” [xem: 13]. Ảnh hưởng của tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, bè phái, của “chủ
nghĩa thân quen” thể hiện rõ nhất trong các quan hệ quyền lực. Sự kéo bè, kéo cánh,
đưa anh em dòng họ và những người thân quen vào cơ quan nhà nước; lập bè phái,
phe nhóm ở địa phương... là những biểu hiện của tư duy cục bộ, hẹp hòi, vì lợi ích
phe nhóm mà làm suy giảm sức mạnh của bộ máy công quyền, làm hạn chế vai trò
của pháp luật, làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích chung vì sự phát triển của xã
hội, của đất nước.
Nếu trong nền sản xuất nhỏ tự cung tự cấp, tư tưởng này hình thành như là một sự
thích nghi tối ưu và tất yếu thì ngày nay, khi đất nước bước vào quá trình hội nhập,
chuyển sang một xã hội đô thị và công nghiệp thì những lối sống, thói quen tư duy ấy
của truyền thống đã không còn thích hợp. Không những không còn thích hợp, nó còn
như những tảng đá lớn đang cản đường đi lên của dân tộc và là nguyên nhân của
những hành vi ứng xử tiêu cực. Bởi vậy, để hội nhập và phát triển cần phải thoát ra
khỏi những hạn chế của văn hoá làng xã trên tinh thần “gạn đục khơi trong”.
2.1.4. Tư duy tiểu nông tùy tiện, chủ quan, cảm tính
Trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, cho đến nay, về cơ bản, Việt Nam
vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, trình độ lực lượng sản xuất còn thấp, đó cũng
chính là cơ sở hình thành tư duy sản xuất nhỏ của người Việt Nam. Cuộc sống nông
nghiệp ở định cư đã đặt con người trong nhiều mối quan hệ phải ứng xử, từ tự nhiên

đến xã hội. Công việc sản xuất nông nghiệp lúa nước phụ thuộc cùng lúc vào nhiều


yếu tố tự nhiên như đất đai, nguồn nước, thời tiết, khí hậu..., khiến cho người nông
dân phải:
Trông trời trông đất trông mây
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng
(Ca dao)
Trong khi tự nhiên thì lại thay đổi thất thường, “sớm nắng chiều mưa” buộc con
người phải biết ứng phó linh hoạt với từng tình huống cụ thể. Cùng với đó, cuộc sống
cộng đồng lại ràng buộc con người trong nhiều mối quan hệ “dây mơ rễ má” đan bện
chằng chịt, từ láng giềng đến anh em, họ hàng, thông gia… đòi hỏi con người phải
biết ứng xử khéo léo trong từng mối quan hệ. Thực tế ấy đòi hỏi con người phải có
cái nhìn biện chứng trong mối quan hệ tổng hòa giữa các yếu tố “thiên thời - địa lợi nhân hòa”, phải biết ứng phó linh hoạt cho phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ
thể. Từ đó hình thành kiểu tư duy tổng hợp – biện chứng và ứng xử mềm dẻo, linh
hoạt như là một đặc điểm tiêu biểu của tư duy và lối sống nông nghiệp. “Về nhận
thức, cuộc sống nông nghiệp luôn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau đã khiến con
người phải chú trọng tới các mối quan hệ giữa chúng, dẫn tới lối tư duy biện chứng”
[30,17].
Thêm nữa, do tính chất thời vụ của công việc nhà nông nên thời gian và nhịp sống
nông nghiệp không ổn định và nề nếp, qui củ như lối sống của cư dân công nghiệp.
Lúc mùa vụ thì căng thẳng, khẩn trương, không giờ giấc; ngược lại, lúc nông nhàn thì
lại rỗi rãi, dư thừa thời gian, từ đó tạo nên lối sống tùy tiện, không theo một nguyên
tắc, nề nếp, qui trình có sẵn. Đó là những lý do đó khiến cho “văn hóa Việt Nam chứa
đựng sự kết hợp kỳ diệu của cái ổn định và cái linh hoạt” [58]. Trong cuốn Việt Nam
văn hóa sử cương, nhà nghiên cứu Ðào Duy Anh cũng từng nhận xét rằng, người Việt
“bắt chước, thích ứng và dung hòa (...) rất tài”[1, 24]. Còn nhà nghiên cứu Cao Xuân
Huy thì cho rằng người Việt “có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu

động, như nước. (...) Đó là cái khả năng thích ứng vô hạn của nó (...). Chính cái khả
năng thích ứng (...) là cái tính ưu việt, cái bí quyết sinh tồn của dân tộc ta" [30, 363 –
364].


Như vậy, các học giả, với những cách nói khác nhau, nhưng đều từ quá trình phát
triển của thực tiễn xã hội và nề nếp sinh hoạt mà rút ra kết luận khái quát về một đặc
điểm quan trọng trong bản tính của dân tộc ta. Gần đây, các nhà nghiên cứu Phan
Ngọc, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Huệ Chi, Trần Ðình Hượu, v.v…, trong các công
trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam đều nhấn mạnh tính linh hoạt, mềm dẻo trong
ứng xử như là một đặc điểm nổi bật của người Việt từ xưa đến nay. Cách tư duy, ứng
xử này ăn sâu vào trong tiềm thức cộng đồng, được đúc kết và lưu truyền trong dân
gian qua những câu thành ngữ, tục ngữ như: “Tùy cơ ứng biến”; “Nhập gia tùy tục”;
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”;
“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”…
Tư duy biện chứng và ứng xử mềm dẻo, linh hoạt, tùy cơ ứng biến hiển nhiên là
có nhiều lợi thế cho sự thích nghi với mọi tình huống xã hội và ứng phó với tự nhiên
trong điều kiện của cuộc sống nông nghiệp khiến con người luôn phải ở trong tình thế
bị động. Tuy nhiên, cũng chính từ đây đã sản sinh ra nhiều hệ lụy tiêu cực trong thói
quen, lối sống và các hành vi ứng xử của người Việt truyền thống, trước hết, và cũng
dễ nhận thấy nhất, đó là lối sống tùy tiện, thiếu tính kỉ luật, vô nguyên tắc, từ đó dẫn
tới tính tư biện trong nhận thức và tuỳ tiện trong hành động. Đặc điểm này hiển
nhiên là không thích hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và nhu cầu
hội nhập kinh tế hiện nay. Thói quen ứng xử tùy tiện, thiếu tính kỷ luật, vô nguyên
tắc lại càng không thể chấp nhận trong một xã hội có tổ chức, nề nếp, kỷ cương với
nguyên tắc thượng tôn pháp luật, trong khi những căn tính tiểu nông này hiện đang di
căn rất nặng nề trong một bộ phận không nhỏ người Việt Nam hiện nay và đang tác
động tiêu cực đến thái độ và hành vi ứng xử với pháp luật. Do việc người ta đã quen
với nhiều cách ứng xử khác nhau trong cùng một hoàn cảnh, nên dẫn đến thói quen
“lách luật” mà hiện nay đang tồn tại phổ biến với nhiều dạng biến tướng khác nhau

như: làm ăn gian dối, tệ nạn hối lộ, đi cửa sau để giải quyết công việc, chạy chức
chạy quyền, chạy án… Đây thực chất là biểu hiện của lối sống coi thường pháp luật,
thậm chí vô hiệu hóa pháp luật ngay từ trong suy nghĩ và hành vi của mỗi người, để
rồi lâu dần trở thành như một thói quen hiện đã được định danh bằng cụm từ “văn
hóa chạy” [xem: 71].


Cũng từ lối sống nông nghiệp với tư duy nặng về kinh nghiệm chủ quan, cảm tính,
thói quen tùy tiện, lối sống thiển cận “nước đến chân mới nhảy” nên đã hình thành ở
người Việt kiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tư duy lý luận, không có tính chiến
lược và tầm nhìn xa. Đặc điểm này của văn hóa tiểu nông đã và đang hiện diện rõ nét
trong cách thức điều hành và hoạch định chính sách của các nhà quản lý của chúng ta
hiện nay. Biểu hiện rõ nhất là sự tùy tiện, manh mún, thiếu định hướng trong việc qui
hoạch đô thị, giao thông, khu công nghiệp… kéo theo những hệ luỵ nặng nề về kinh
tế, xã hội và môi trường cho hiện tại và cả mai sau. Trong lĩnh vực hoạch định chính
sách pháp luật và thực thi pháp luật, sự tùy tiện, chủ quan, cảm tính, sự thiếu đồng bộ
và nhất quán trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật cũng như việc tổ
chức và thực thi pháp luật đang là những hạn chế rất lớn, gây nên nhiều tác động tiêu
cực đối với đời sống xã hội, làm gia tăng thói quen hành xử không thượng tôn pháp
luật, suy giảm niềm tin vào tính hiệu lực của pháp luật. Đó là nguyên nhân trực tiếp
khiến cho lời tuyên truyền, kêu gọi “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”
hiện chỉ đang là khẩu hiệu chứ chưa trở thành một thói quen, một văn hoá ứng xử.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện phát triển nền
kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trước hết đòi hỏi hệ thống pháp luật
phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện mới có thể hòa nhập bình đẳng
trong sân chơi quốc tế. Vì vậy, khi cái chất tiểu nông với thói quen, lối sống tùy tiện,
vô kỷ luật, với kiểu tư duy manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tầm nhìn chiến lược đang có sức
sống tiềm tàng trong tâm thức mỗi người Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ
nông dân đến trí thức, từ thường dân đến quan chức thì đó không chỉ là những thủ
phạm đang níu kéo, cản trở công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền mà còn là một

rào cản rất lớn đối với đất nước trong quá trình hội nhập để phát triển.
Bên cạnh những yếu tố văn hóa truyền thống là hệ quả của phương thức sản xuất
nông nghiệp thì Nho giáo và Phật giáo, vốn là những yếu tố văn hóa ngoại sinh
nhưng đã hòa nhập, thẩm thấu vào tầng sâu của bản sắc văn hóa Việt Nam để cùng
làm nên một dòng chảy mang tên “văn hóa Việt”. Bởi vậy, xem xét sự tác động của
văn hóa truyền thống đến văn hóa ứng xử với pháp luật của người Việt hiện nay
không thể bỏ qua sự chi phối của Nho giáo và Phật giáo.
2.2. Sự tác động của tư tưởng Nho giáo


Mỗi thời đại đều có một hệ tư tưởng chính trị, theo đó là những chuẩn mực đạo
đức làm nền tảng cho sự tổ chức xã hội. Dưới chế độ phong kiến tập quyền ở Trung
Hoa cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa, trong đó
có Việt Nam, Nho giáo là hệ tư tưởng thống trị xã hội. Hơn 1.000 năm du nhập vào
Việt Nam là khoảng thời gian quá đủ để Nho giáo Trung Hoa để lại dấu ấn sâu đậm
trong lòng văn hóa Việt để từ đó tác động sâu sắc và toàn diện đến tư tưởng lối sống,
cách tư duy và hành vi ứng xử của người Việt.
2.2.1. Nho giáo với tư tưởng trong đạo lý hơn pháp lý
Nho giáo là hệ tư tưởng đề cao vai trò của đạo đức và lễ giáo trong quản lý xã hội,
trái ngược với tư tưởng pháp trị của Pháp gia chủ trương dùng pháp luật để cai trị xã
hội. Nho giáo xem đạo đức là nền tảng cho chính trị, trong đó, “Tam cương” (quân thần, phụ - tử, phu- phụ), “Ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) và thuyết “Chính
danh” được coi là những nguyên lý thường hằng, bất biến, là các chuẩn mực đạo đức
làm cơ sở để đánh giá hành vi xử sự của con người theo đúng vị thế xã hội của mình,
và đó cũng là nền tảng để xây dựng xã hội thái bình, trật tự và ổn định. Từ đó Nho
giáo chủ trương đề cao đức trị hơn pháp trị trong đường lối trị nước. Theo Khổng Tử:
“Cai trị dân mà dùng mệnh lệnh, đưa dân vào khuôn phép mà dùng hình phạt thì dân
có thể tránh được tội lỗi nhưng không biết liêm sỉ. Cai trị dân mà dùng đạo đức, đưa
dân vào khuôn phép mà dùng lễ thì dân sẽ biết liêm sỉ và thuận lòng quy phục” [dẫn
từ: 54, 109]..Khổng Tử quan niệm rằng, pháp luật chỉ khiến người ta vì sợ mà không
dám làm điều ác. Khi có thể giấu, có thể tránh được sự trừng phạt thì những kẻ xấu

vẫn cứ làm điều ác. Đức trị thì khác. Khi chuẩn mực đạo đức thành hành vi tự nguyện
của dân thì họ không phạm tội nữa. Không phải vì sợ pháp luật mà sợ xấu hổ trước
người khác, sợ bị cắn rứt lương tâm. Bởi vậy, trong kho tàng lý luận của mình, Nho
giáo ít bàn đến luật pháp và cũng không coi trọng vai trò của luật pháp trong việc trị
nước.
Cũng theo Khổng Tử, đạo đức chỉ được củng cố bằng những nghi thức và những
qui tắc trong đời sống, bởi vậy, đức trị còn được bổ sung bằng lễtrị. Trong Tứ thư và
Ngũ kinh của Khổng giáo đầy những lời răn dạy và những qui tắc trong ứng xử hàng
ngày, từ cách thức ăn mặc, nói năng, chào hỏi cho đến thái độ của bề tôi đối với vua,
con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng. Lễ trị là biện pháp để thực hiện đức trị.


Dùng lễ để tạo thành nề nếp, qui củ trong thói quen, lối sống một cách tự nhiên, tức
là để tạo thành cái bầu không khí đạo đức. Khổng tử dạy rằng: “Đạo đức nhân nghĩa
không có lễ không thành, dạy bảo sửa đổi phong tục không có lễ không đủ, xử việc
phân tranh kiện tụng không có lễ không định, học làm quan, nhờ thầy, không có lễ
không thân, xếp đặt thứ vị trong triều, cai trị quân lính, đi làm quan, thi hành pháp
lệnh không có lễ không thành kính…” [dẫn từ:31,115]. Như vậy, mục đích của lễ là
định ra tôn ti trật tự trong gia đình, xã hội và quốc gia. Ngoài ra, lễ cũng còn có vai
trò tiết chế hành vi của con người: “Người giàu sang biết lễ thì không dâm tà, không
kiêu căng, người bần tiện biết lễ thì không nản chí, không làm bậy. Người làm vua
chúa biết lễ thì mới trị nước, yên dân. Lễ đối với việc trị nước cũng như cái cân đối
với việc nặng, nhẹ, cái dây đối với việc thẳng, cong, cái qui, cái củ đối với vật tròn,
vật vuông vậy” [31,119].
Ưu thế của việc trị nước bằng đức trị - lễ trị so với pháp trị, theo Khổng giáo là ở
chỗ: “Dùng lễ có lợi hơn pháp luật, có thể ngăn cấm được việc chưa xẩy ra, còn dùng
pháp luật thì chỉ để trị cái việc đã rồi, bởi vậy thánh nhân chỉ trọng lễ chứ không
trọng hình” [31, 119].
Tóm lại, Nho giáo tuy không phủ nhận vai trò của pháp luật trong việc giữ gìn trật
tự xã hội, song lại hướng tới nguồn gốc của sự bình an hơn là dùng hình luật để đe

dọa hoặc trừng phạt điều ác khi nó đã xảy ra. Khi xã hội được tổ chức theo triết lý
đức trị, lấy sự tự giáo dục theo “nhân, nghĩa, lễ trí, tín” để làm nguyên tắc “tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ” thì pháp luật bị đẩy xuống hàng thứ yếu là lẽ hiển nhiên.
Cả ngàn năm tồn tại của thể chế nhà nước phong kiến trên nền tảng của tư tưởng Nho
giáo cũng đủ để ăn sâu vào tâm thức cộng đồng về tư tưởng “trọng đức” hơn “trọng
pháp”.
2.2.2. Nho giáo với truyền thống “vô tụng”
Hệ quả của quan điểm đề cao đạo lý hơn pháp lý tất yếu đã hình thành tư tưởng
“vô tụng” trong việc thực hành đường lối trị nước của Nho giáo. Có thể nói, chủ
trương “vô tụng” của Nho giáo được thực thi từ gốc, đó là sự triệt tiêu quyền cá nhân
– cơ sở nảy sinh ý thức phản kháng của con người, và cũng là nguyên nhân nảy sinh
việc kiện tụng.


Suốt hàng ngàn năm lịch sử, với “Tam cương”, “Ngũ thường” và “Thuyết chính
danh”, Nho giáo đã thiết lập và duy trì trong xã hội phương Đông (nói chung) và Việt
Nam (nói riêng) một trạng thái ổn định đến mức trì trệ. Cùng với truyền thống đề cao
tính cộng đồng, con người cá nhân trong xã hội truyền thống Việt Nam vốn đã bị
khuất lấp sau gia đình, họ hàng, làng, nước; thêm vào đó, Nho giáo đã định hình một
chuẩn mực đạo đức xã hội mà ở đó, sự tồn tại của cá nhân con người đồng nghĩa với
các nghĩa vụ trong những quan hệ quyền lực được sắp xếp theo tôn ti trật tự, bắt đầu
từ gia đình, mở rộng ra làng xã cho đến quốc gia. Nền văn hoá gia trưởng ấy đã cắm
rễ rất sâu vào trong máu thịt của mỗi người, khiến cho khái niệm về cá nhân cũng
như quyền cá nhân bị lu mờ, thậm chí bị triệt tiêu. Bởi vậy, cố học giả Trần Đình
Hượu cho rằng, con người Việt Nam là “con người chức năng trong xã hội luân
thường… Trong xã hội luân thường, con người không phải là những cá nhân có thân
thể, có dục vọng, có quyền lợi, có cá tính…” [7, 28-29]. Tuy cũng có ý thức về nghĩa
vụ tương hỗ giữa người cai trị và kẻ bị cai trị, song trong tư tưởng trị nước của Nho
giáo lại không có một sự ràng buộc nào (cả về đạo lý lẫn pháp lý) đối với nhu cầu tôn
trọng và bảo vệ tự do cá nhân [xem: 22, 192-193]. Vì vậy, Nho giáo thực chất là công

cụ tư tưởng của bộ máy cai trị phong kiến chuyên quyền nhằm bảo vệ và duy trì
quyền lực với sự phân chia thứ bậc, tôn ti, phân biệt kẻ sang, người hèn, bắt “kẻ
dưới” phải làm tròn bổn phận, phải biết phục tùng người trên; áp đặt ý chí của quan
quyền buộc thần dân phải tuân phục, không được phản biện, càng tuyệt đối không
được chống đối.
Trong thể chế quân chủ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, tư tưởng,
giáo lí của Nho giáo đã chi phối đến tổ chức bộ máy hành chính và các nguyên tắc
điều hành nó, trong đó vua là người “thay trời hành đạo” cho nên có quyền lực tối
thượng. Vua là người đặt ra pháp luật, là người có quyền cho dân sống hay bắt dân
chết. Khi vua ra sắc lệnh, chiếu, dụ, triều đình và quan lại các cấp nhất nhất phải thi
hành, dù sắc dụ đó đúng hay sai, hợp hay không hợp với thực tế. Từ đội ngũ quan lại
cho đến thần dân phải tuyệt đối tuân lệnh vua; quan bề dưới phải phục tùng quan bề
trên theo tôn ti trật tự. Trong thể chế nhà nước ấy, không có sự phân quyền rõ rệt giữa
các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; không có các cơ quan dân cử độc lập với
chính quyền để kiểm tra, giám sát. Dân hầu như không được biết, không được tham


gia vào các hoạt động của nhà nước mà chỉ có nhiệm vụ tuân thủ các quyết định của
những người đứng đầu các cấp chính quyền. Đó là cơ sở tồn tại và duy trì kiểu nhà
nước quân chủ nặng tính quan liêu, chuyên chế, trong đó quan lại đặc quyền đặc lợi,
áp bức dân, xa dân và đối lập với quyền lợi của dân, mà biểu hiện rõ nhất là ở những
thời kì xã hội đi vào suy vong, quan lại tha hóa, biến chất.
Vì không có cơ sở pháp lý nào ràng buộc trách nhiệm của chính quyền đối với
quyền lợi của chúng dân, cũng như nhu cầu tôn trọng và bảo vệ lợi ích cá nhân nên
trong xã hội phong kiến Việt Nam, quan hệ giữa nhà nước và công dân là quan hệ bất
bình đẳng: nhà nước thì có độc quyền áp đặt, còn công dân thì phải có nghĩa vụ đối
với nhà nước. Đó là một xã hội thần dân, trong đó cho ý thức công dân không có cơ
hội phát triển. Không những thế, do quyền lực không bị kiểm soát bởi pháp luật cho
nên đã tạo điều kiện cho sự lộng quyền; ở đó, công lý thuộc về kẻ mạnh, thuộc về “bề
trên”; ở đó, kẻ có quyền có thể tùy tiện bắt người hay tha người, bỏ tù hay chém giết.

Thêm vào đó, do mặt bằng dân trí thấp, pháp luật lại không có điều kiện để phổ biến
rộng rãi nên người dân không am hiểu pháp luật, bởi vậy khi xử án dân không biết là
đúng luật hay không đúng luật, tất cả đều phụ thuộc vào quan tòa. Như vậy, có thể
thấy, cùng với tính cộng đồng trong văn hóa làng xã, Nho giáo đã góp phần làm mờ
nhạt thêm, thậm chí triệt tiêu quyền cá nhân, ý thức công dân cùng với tinh thần phản
kháng của con người, thay vào đó là tâm lí “thượng tôn quan quyền”.
Hệ quả là, thể chế nhà nước phong kiến cùng với cung cách làm việc của bộ máy
hành chính và đội ngũ quan lại các cấp là một hệ thống quan liêu, cồng kềnh, xa rời
và thậm chí đối lập với quyền lợi của nhân dân. Trong đế chế quyền lực không được
kiểm soát chặt chẽ bởi các qui tắc pháp lý ấy, quan lại được coi như cha mẹ dân, còn
phận dân đen chỉ là “con sâu cái kiến”, chỉ có bổn phận cam chịu, phục tùng, để rồi
sự kiện tụng (họa hoằn lắm nếu có xảy ra) thì cũng chỉ là “con kiến mà kiện củ
khoai”!
Cùng với việc phủ nhận quyền cá nhân và triệt tiêu ý thức phản kháng của con
người, sự tồn tại của hệ thống pháp luật phong kiến với vai trò là công cụ thực thi
quyền lực của giai cấp thống trị cũng là nguyên nhân tạo nên ở người dân tâm lí “dị
ứng” với pháp luật khi họ ý thức được rằng pháp luật không phải để bảo vệ lợi ích
cho mình, và cùng với đó là thái độ thờ ơ, né tránh pháp luật.


Mặc dù trên lý thuyết thì Nho giáo phê phán tư tưởng pháp trị, nhưng trong thực
tế, các triều đại phong kiến Việt Nam lại kết hợp giữa đức trị với pháp trị. Tuy nhiên,
pháp luật thời phong kiến cũng do nhà Nho xây dựng nên, vì vậy luật pháp của các
triều đại phong kiến Việt Nam có chức năng chủ yếu là bảo vệ quyền lợi của giai cấp
thống trị và quyền lợi của dòng họ thống trị. Điều này được thể hiện rõ trong nội
dung và tính chất của các điều luật. Luật pháp qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều
được xây dựng trên nguyên tắc phải bảo đảm quyền uy và sự bền vững của ngôi vua,
bởi vua là thiên tử, là con trời, ngôi vua là tôn nghiêm nhất, không ai có thể xâm
phạm được. Trong các tội được xem xét để miễn giảm hình phạt thì những người có
quan hệ thân thích với nhà vua được quan tâm trước tiên. Thêm nữa, theo quan niệm

của Nho giáo, quan tòa và các đạo luật là những công cụ cần thiết để trừng phạt các
loại tội phạm chứ không cần thiết để điều chỉnh quan hệ giữa những người trung
thực. Vì vậy, về cơ bản các bộ luật của các nhà nước phong kiến Việt Nam là những
bộ luật hình sự. Minh chứng rõ ràng nhất là tên các bộ luật thường có kèm theo chữ
“hình”: Luật Hình thư, Quốc triều Hình luật, Lê triều Hình luật. Trong các bộ luật
hình luật, dù có điều chỉnh về những quan hệ dân sự nhưng vẫn kèm theo chế tài hình
sự. Khi luật pháp đồng nghĩa với hình phạt, mà lại là những hình phạt hà khắc nên
trong con mắt người dân, pháp luật chỉ là công cụ trừng trị. Về tính chất khắc nghiệt
của pháp luật thời Trần, sách Cổ sự sao nói: “Hình pháp nhà Trần rất tàn khắc, kẻ ăn
trộm và kẻ trốn tránh thì bị chặt ngón chân, giao cho người sự chủ được thỏa ý sự trị,
hoặc cho voi giầy chết” [7, 290]. Các mức án thường dùng nhục hình như thích chữ
vào mặt, chặt bàn tay, xẻo thịt… làm cho người phạm tội phải chịu nhiều khổ nhục.
Không những thế, pháp luật còn qui định trách nhiệm liên đới, một người gây án
khiến cả họ phải chịu vạ lây một cách oan uổng. Với những hình phạt dã man, tàn
bạo và bất công như vậy nên từ đó người dân đã hình thành tâm lý né tránh đối với
pháp luật, chống đối pháp luật, sợ hãi chốn pháp đình, coi đó chỉ là nơi trừng phạt,
coi việc phải ra tòa là một việc ghê gớm, là tai họa, là vạn bất đắc dĩ, là “vô phúc đáo
tụng đình” [23, 14]. “Cửa quan” vì vậy trở thành chốn xa lạ và đáng sợ đối với dân
chúng. Đó là lý do khiến người Việt Nam (cũng như các quốc gia chịu ảnh hưởng của
Nho giáo) không muốn dính dáng đến chuyện kiện tụng. Nếu có xung đột, tranh chấp


xảy ra giữa các cá nhân thì thường được giải quyết bằng con đường hòa giải và thỏa
thuận dựa trên các nguyên tắc đạo đức là chính.
Hơn nữa, vì chủ trương đức trị nên việc sử dụng pháp đình cũng không được Nho
giáo coi trọng. Khổng Tử nói: “Xét xử việc kiện tụng, ta cũng như người. Tất phải
làm cho dân không có việc kiện tụng” [4, 23]. Từ đó Nho giáo khuyến khích “vô
tụng”. Việc kết hợp, lồng ghép giữa đức trị với pháp trị, khiến cho sự phân cách giữa
đạo lý và pháp lý là một ranh giới mờ, nhập nhằng, nhiều khi khó phân định. Bằng
chứng là, trong các bộ luật thời phong kiến Việt Nam, “Tam cương”, “Ngũ thường” là

đạo lý nhưng cũng đồng thời là pháp lý.
Cũng do pháp trị không phải là tư tưởng chủ đạo để quản lý xã hội cho nên trong
xã hội phong kiến Việt Nam, pháp luật vừa thiếu đồng bộ, lại bị áp dụng một cách tùy
tiện, chủ quan, cảm tính, thậm chí còn bị một bộ phận quan lại thao túng, lũng
đoạn.Thêm vào đó, việc khó phân định ranh giới, phạm vi giữa đạo lý và pháp lý
cũng là một nguyên nhân dẫn đến hệ quả là việc xét xử các vụ án thường không công
bằng, khó tránh khỏi hiện tượng “tội đồng luận dị” (tội giống nhau nhưng phán xử lại
khác nhau) do tính chất chủ quan, cảm tính, tùy tiện.
Như vậy, suốt cả một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, trên nền tảng Nho giáo,
các triều đại phong kiến Việt Nam đã mặc nhiên coi pháp luật như là công cụ của
công quyền, là hình phạt để cai trị dân chúng khiến cho người dân không nhìn thấy ở
pháp luật sự bảo vệ mình mà lại là sự đối lập với mình. Tất cả những lý do trên đây
đã khiến cho người dân có thái độ nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào tính công bằng và
nghiêm minh của pháp luật. Khi pháp luật trong con mắt người dân không còn đại
diện cho công lý, không bảo vệ quyền lợi công bằng và chính đáng cho dân, thì cùng
với đó là tâm lí “dị ứng” với pháp luật, thờ ơ hoặc sợ hãi, né tránh chốn pháp đình,
coi việc sử dụng pháp luật trong các quan hệ xã hội chỉ làmột giải pháp “cực chẳng
đã” khi không thể khác được. Từ đó, thái độ và kinh nghiệm ứng xử tiêu cực đối với
pháp luật được dân gian đúc kết và truyền tụng qua các câu thành ngữ, tục ngữ đã trở
thành quen thuộc như:
- Muốn nói oan làm quan mà nói
- Muốn nói gian làm quan mà nói
- Miệng quan trôn trẻ


×