Tải bản đầy đủ (.pdf) (28 trang)

Màu sắc chùa việt ở châu thổ bắc bộ (tóm tắt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (446.96 KB, 28 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM

----------------------------------------

Đỗ Lê Cƣơng

MÀU SẮC CHÙA VIỆT Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ
Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật
Mã số

: 62 21 01 01

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHỆ THUẬT

Hà Nội - 2017


Công trình được hoàn thành tại:
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Người hướng dẫn khoa học: PGS. Đặng Quý Khoa
PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng
Phản biện 1: GS. TS. Trương Quốc Bình
Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia
Phản biện 2: PGS. TS. Bùi Văn Tiến
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Phản biện 3: PGS. TS. Ngô Văn Doanh


Viện Nghiên cứu Đông Nam Á

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp Viện
họp tại: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Số 32, Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội
Vào hồi:.......giờ......ngày.......tháng......năm 201
Có thể tìm luận án tại:
- Thƣ viện Quốc gia Việt Nam
- Thƣ viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Màu sắc không chỉ là một phương tiện biểu đạt của nghệ
thuật mà nó là một hiện tượng xã hội. Khởi đầu, việc sử dụng màu
sắc của con người chỉ là sự mô phỏng tự nhiên (cách phối màu
cũng như chất liệu màu sắc từ những mẫu hình của tự nhiên). Dần
dần, khi xã hội có sự phân hóa giai cấp, việc sử dụng sắc màu như
thế nào trong đời sống thường nhật của người dân hay đời sống
cung đình hay đời sống tâm linh đã được quy chuẩn hóa thành
những quan niệm, triết lý và mô hình về màu sắc.
Chính điều đó đã khiến cho màu sắc trở thành hiện tượng văn
hóa mang tính bản sắc. Mỗi tộc người, mỗi quốc gia có đặc trưng
thẩm mỹ màu sắc riêng, nó khiến cho một ngôi chùa Việt Nam
khác với ngôi chùa ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan hay Nhật
Bản,… Vậy, đâu là những nguyên nhân của những sự khác biệt
ấy? Phải chăng đó là do sự khác biệt về tông phái Phật giáo? Hay
do sự tiếp biến của văn hóa bản địa, cổ truyền? Hay do đặc điểm
địa lý khí hậu? Chính trị có đóng vài trò quyết định trong sự khác

biệt đó không? Những câu hỏi nghiên cứu thú vị đó đã trở thành lý
do đầu tiên để nghiên cứu sinh lựa chọn Màu sắc chùa Việt ở châu
thổ Bắc Bộ làm đề tài nghiên cứu của luận án.
Mặc dù đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về chùa và mỹ
thuật Phật giáo ở Việt Nam trên phương diện nghệ thuật học (kiến
trúc, mỹ thuật) hay dưới góc độ nghiên cứu lịch sử, dân tộc học,
khảo cổ học và văn hóa dân gian học,… nhưng nghiên cứu về màu
sắc chùa Việt vẫn còn là một mảng trống trong nghiên cứu mỹ
thuật chùa chiền hay mỹ thuật Phật giáo nói chung. Đặc biệt, cho
tới nay, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào xác định
(định lượng) mô hình màu sắc và đặc trưng thẩm mỹ màu sắc của
chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ từ cách tiếp cận liên ngành. Ở đó,
không chỉ đề cập đến cơ cấu màu sắc truyền thống đặc trưng của
chùa Việt dưới góc độ nghệ thuật học mà còn muốn khái quát hóa
việc sử dụng màu sắc của các ngôi chùa Việt thành mô hình thẩm mỹ
màu sắc mang tính bản sắc như thế nào. Ngoài ra, luận án còn bàn
đến những phương diện khác, những gì ẩn đằng sau lĩnh vực nghệ
thuật, đã ảnh hưởng hay quy định đến mô hình màu sắc chùa Việt
như thế nào. Đó chính là những phương diện lịch sử và xã hội học


2
của màu sắc. Sau cùng, thông qua so sánh màu sắc chùa Việt với
màu sắc chùa Trung Quốc và Nhật Bản, luận án muốn tìm ra những
đặc trưng thẩm mỹ của màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ.
2. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Cơ cấu màu sắc và mô hình thẩm mỹ màu sắc chùa Việt ở
châu thổ Bắc Bộ, thông qua việc khảo sát:
- 45 ngôi chùa ở châu thổ Bắc Bộ (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà

Nội, Hà Nam) được lấy làm mẫu nghiên cứu định lượng và 4 ngôi
chùa cổ là chùa Bút Tháp, chùa Dâu, chùa Mía và chùa Tây
Phương được chọn để khảo sát định tính;
- Các dữ liệu về chùa và mỹ thuật Phật giáo ở Việt Nam (qua tư
liệu và các công trình khoa học của các nhà nghiên cứu đi trước);
- Các dữ liệu về chùa và mỹ thuật Phật giáo ở một số nước
châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản).
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Màu sắc của chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ.
3. Mục đích nghiên cứu
- Xác định các thành tố và cơ cấu màu sắc chùa Việt ở châu thổ
Bắc Bộ.
- Khái quát hóa mô hình màu sắc chùa Việt và đặc trưng thẩm
mỹ màu sắc chùa Việt (trong so sánh với một số mô hình thẩm mỹ
màu sắc chùa ở một số nước khác ở châu Á).
- Diễn giải mô hình màu sắc cũng như đặc trưng thẩm mỹ màu
sắc chùa Việt dưới cách tiếp cận liên ngành (mỹ thuật học, lịch sử và
xã hội học).
4. Giả thuyết nghiên cứu
- Các chùa Việt ở châu thổ có niên đại khác nhau, nhưng giữa
chúng vẫn có một cơ cấu màu sắc chung.
- Màu sắc của chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ chịu tác động của
những biến thiên lịch sử (dưới tác động của những thay đổi về
chính trị, tôn giáo, mỹ thuật Phật giáo, lịch sử kỹ thuật chế tác
màu sắc).
- Đại đa số chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ là chùa làng, vì thế
đặc trưng thẩm mỹ màu sắc của nó phụ thuộc vào những điều kiện
chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của cộng đồng làng - một xã
hội thu nhỏ.



3
5. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu
Đây là luận án chuyên ngành lý luận và lịch sử mỹ thuật, vì
thế những quan điểm lý thuyết về mỹ thuật và lịch sử sẽ được tác
giả sử dụng như là cơ sở lý luận và phương pháp luận. Ngoài ra,
luận án còn sử dụng cả những quan điểm lý thuyết của xã hội học
và khoa học lịch sử để có thể diễn giải sâu hơn những khía cạnh
xã hội và tâm lý của màu sắc chùa Việt như: những thành tựu lý
thuyết/phương pháp luận mới của cấu trúc luận, của chủ nghĩa duy
vật lịch sử (coi nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội và luôn gắn
chặt với lịch sử đất nước và lịch sử văn hóa), của ngành xã hội học
(lý thuyết về hiện tượng xã hội tổng thể)…
Để thực hiện các phương pháp nghiên cứu này, nghiên
cứu sinh sử dụng kỹ thuật thống kê và kế thừa những thành
tựu của những nhà nghiên cứu đi trước, bao gồm các công
trình nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật học, dân tộc học, văn hóa
dân gian về chùa Việt ở châu thổ sông Hồng và các công trình
nghiên cứu khác có liên quan tới chùa Việt và màu sắc của
ngôi chùa (trong nước và quốc tế). Ngoài ra, luận án còn áp
dụng phương pháp so sánh/đối chiếu để làm rõ những tương
đồng và khác biệt giữa màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
và màu sắc chùa ở một số nước như Trung Quốc và Nhật Bản.
6. Đóng góp của luận án
- Khả năng áp dụng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
mới vào nghiên cứu màu sắc chùa Việt Nam: việc sử dụng lý
thuyết cấu trúc và phương pháp phân tích cấu trúc sẽ góp phần
định lượng và tìm ra mẫu số chung của màu sắc chùa Việt ở châu
thổ Bắc Bộ; Áp dụng lý thuyết về màu sắc của châu Âu kết hợp
với nguyên lý âm dương - ngũ hành trong màu sắc của phương

Đông để xác định và diễn giải mô hình màu sắc của chùa Việt ở
châu thổ Bắc Bộ.
- Nghiên cứu liên ngành là một đóng góp của luận án trong
lĩnh vực nghiên cứu màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ.
- Luận án tiến tới xác định đặc trưng thẩm mỹ màu sắc chùa
Việt ở châu thổ Bắc Bộ, góp phần tìm hiểu bản sắc văn hóa Việt
(trong so sánh với mô hình thẩm mỹ màu sắc chùa Trung Quốc và
Nhật Bản).


4

7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu (9 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham
khảo (11 trang) và Phụ lục (30 trang), nội dung của luận án được kết
cấu thành 3 chương:
Chương 1: Kiến giải tổng quan về màu sắc chùa Việt ở châu
thổ Bắc Bộ (32 trang).
Chương 2: Những phương diện lịch sử của màu sắc chùa Việt
ở châu thổ Bắc Bộ (36 trang).
Chương 3: Đặc trưng thẩm mỹ màu sắc chùa Việt ở châu thổ
Bắc Bộ (Qua nghiên cứu đối chứng với đặc trưng thẩm mỹ màu
sắc của chùa Trung Quốc và Nhật Bản) (40 trang).
Chƣơng 1
KIẾN GIẢI TỔNG QUAN VỀ MÀU SẮC CHÙA VIỆT Ở
CHÂU THỔ BẮC BỘ
1.1. Các thành tố màu sắc của chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
1.1.1. Vận dụng quan điểm và phương pháp phân tích cấu trúc
để xác định màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
Trên thực tế, chùa chiền và các thiết chế tâm linh ở châu thổ

Bắc Bộ đều đã trải qua lịch sử nhiều trăm năm với rất nhiều biến
đổi, không ai dám khẳng định rằng, một ngôi chùa cụ thể ở một
thời kỳ nào đó còn bảo tồn nguyên bản màu sắc đúng như nó đã
có trong lịch sử. Vậy có cách tiếp cận nào đó để có thể tìm được
mối liên hệ hay mẫu số chung nào của màu sắc chùa Việt giữa
những thay đổi này hay không?
Trong lịch sử khoa học xã hội và nhân văn, nhân học văn hóa
đã có những thành tựu phương pháp và phương pháp luận để tiếp
cận với những vấn đề tương tự như vấn đề trên: họ tập trung vào
lát cắt văn hóa ở thời điểm nghiên cứu, để tìm ra cấu trúc chung
của hiện tượng văn hóa và loại trừ được những sai lệch của những
“dị bản” khác nhau của hiện tượng ấy theo chiều thời gian. Tiêu
biểu cho quan điểm này là lý thuyết nhân học cấu trúc của Claude
Lévi-Strauss. Cụ thể, luận án sẽ vận dụng quan điểm và phương
pháp phân tích cấu trúc, một phương pháp nghiên cứu được phát
triển bởi nhà nhân học Claude Lévi-Strauss khi ông nghiên cứu
cấu trúc huyền thoại.
Cấu trúc màu sắc chùa là một tổng thể bao gồm các thành tố sau:


5
* Bên ngoài (cảnh quan): Màu bối cảnh (cây cối, đồng ruộng,
núi non); Màu tam quan; Màu mái ngói; Màu vật liệu xây tường
hoặc màu sơn bên ngoài chùa; Màu sân chùa; Màu tượng ngoài chùa.
* Bên trong (nội thất): Màu trần mái chùa; Màu tường chùa;
Màu tượng; Màu các nghi vật, nghi trượng.
Về mặt phương pháp, luận án sẽ vận dụng phương pháp phân
tích cấu trúc, một phương pháp nghiên cứu được phát triển bởi
nhà nhân học Claude Lévi-Strauss vào nghiên cứu màu sắc chùa
Việt theo cách như sau: Chọn ngẫu nhiên 45 chùa Việt ở châu thổ

sông Hồng để làm mẫu phân tích, bất kể đó là chùa to hay nhỏ, cổ
hay mới. Bên cạnh mẫu nghiên cứu định lượng này, tác giả luận
án còn khảo sát định tính 4 ngôi chùa cổ, đó là chùa Tây Phương,
chùa Mía, chùa Dâu và chùa Bút Tháp. Có thể coi màu sắc của
những ngôi chùa này là một chuẩn mực truyền thống để từ đó có
thể đối chiếu với những sự tương đồng hoặc biến đổi về màu sắc
của những chùa trong mẫu khảo sát định lượng của luận án.
Tổng hợp những bộ phiếu đó (theo cách chồng lớp lên nhau,
theo cả hai chiều kích: không gian và thời gian) để rút ra cấu trúc
chung nhất, căn bản nhất của màu sắc chùa Việt và loại bỏ những
yếu tố đơn lẻ, ngẫu nhiên của màu sắc chùa Việt.
1.1.2. Màu sắc bên ngoài của kiến trúc chùa Việt
1.1.2.1. Vị trí (địa thế/phong thủy) của ngôi chùa
Số liệu khảo sát cho thấy, đại đa số những chùa được khảo
sát nằm trên khu đất bằng phẳng. Điều này là hiển nhiên, bởi đây
là những ngôi chùa ở châu thổ Bắc Bộ.
Tuy nhiên, số chùa không có ao hồ tự nhiên hay nhân tạo
không cao, điều này tương đối trái với nguyên tắc xây dựng các
công trình tâm linh ở Việt Nam (đó là “soi bóng bên hồ” thể hiện
triết lý “âm dương hài hòa”).
1.1.2.2. Cây xanh
Số liệu khảo sát cho thấy, cây đại, cây si và cây đa là 3 loại cây
xanh gắn với Phật giáo được trồng ở chùa. Những chùa này đa phần
là những chùa cổ. Nhìn tổng thể, màu xanh của cây quanh chùa,
trong chùa không còn là màu chủ đạo như xưa. Sở dĩ như vậy là
không gian của ngôi chùa ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình đô thị
hóa, nhiều diện tích trước đây của chùa đã bị chuyển đổi mục đích sử


6

dụng. Xu thế chung là các chùa nhỏ chỉ trồng được những cây cảnh
(trồng trong chậu to), cây cổ thụ ngày càng ít đi.
1.1.2.3. Màu sân chùa
Trong tổng số 45 chùa được khảo sát, có 1 chùa không có
sân (tức là không có thông tin về màu), còn lại 35 chùa có sân
bằng gạch, màu đỏ (chiếm 77,8%), 9 chùa có sân tráng bằng xi
măng, màu ghi (chiếm 20%). Như vậy, màu đỏ là màu chủ đạo
của sân chùa hiện nay.
1.1.2.4. Màu tháp (gác) chuông
Số liệu thống kê cho thấy màu đỏ cũng là màu chủ đạo của
mái gác chuông. Tường của gác chuông được tô màu rất khác
nhau: 3 màu đỏ, 3 màu nâu, 4 màu ghi, 5 màu trắng, 1 để gỗ mộc
(nâu nhạt) và 4 màu khác. Như vậy, màu đỏ ở đây không phải là
chủ đạo mà phổ biến hơn là gam màu ghi và trắng.
1.1.2.5. Màu mái chùa
Số chùa có mái ngói, màu đỏ là 44 chùa (chiếm 97,8%), chỉ có 1
chùa (chiếm 2,2%) là được làm bằng nguyên liệu khác, màu khác.
1.1.2.6. Màu tường bên ngoài của chùa
Theo truyền thống, chỉ một số ít tường chùa (thường là những
chùa to và cổ được bảo trợ của người quyền thế như chùa Tây Phương,
hoặc được trùng tu theo lối cổ, sang trọng) là được xây bằng gạch trần,
loại tốt, màu đỏ, còn lại đa số là màu trắng, hoặc ghi (quét vôi). Tuy
nhiên, theo số liệu thống kê, tỷ lệ tường được sơn màu vàng là khá lớn,
nó phản ánh một xu thế mới trong trang trí tường chùa ở Bắc Bộ - xu
thế chịu ảnh hưởng nhiều của phong cách trang trí chùa ở miền Nam
(do ở đó có sư trụ trì xuất thân từ các chùa miền Nam, ví dụ như chùa
Am, Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội).
1.1.2.7. Màu cửa chùa
Kết quả khảo sát cho thấy màu nâu là màu chủ đạo của cửa
chùa ở châu thổ Bắc Bộ (cả sơn nâu và nâu mộc chiếm 91,1%).

1.1.2.8. Màu tượng bên ngoài chùa
Có 22/45 chùa có tượng Phật bên ngoài chùa, trong đó có 21
tượng màu trắng và 1 tượng màu vàng (Chất liệu bằng đá hoặc xi
măng + sơn trắng hoặc vàng). Trước đây, các chùa Bắc Bộ rất
hiếm có tượng Phật ở bên ngoài chùa, chỉ từ sau năm 1975, theo
mẫu hình của các chùa miền Trung và miền Nam, người Bắc mới
bắt đầu cho dựng tượng Phật ở bên ngoài chùa.


7
1.1.2.9. Màu tam quan
Có 39/45 chùa có tam quan (86,7%), trong đó có 36 cái được
xây bằng gạch, trát vữa, 2 bằng gỗ và 1 được làm bằng sắt. Về
màu sắc, chủ yếu là được quét vôi màu ghi (15 cái), tiếp đến là
màu vàng (14 cái), tiếp đến là màu trắng (10 cái), còn lại là các
màu khác. Như vậy, màu truyền thống là màu ghi và trắng vẫn là
màu chủ đạo.
1.1.3. Màu sắc bên trong chùa Việt
Trên thực tế, cách bài trí tượng Phật và các tượng khác trong
chùa Việt ở Bắc Bộ chưa đạt được đến sự thống nhất và tính
chuẩn mực cao, vì thế việc lập mẫu phiếu để khảo sát màu sắc bên
trong ngôi chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ là không hề đơn giản. Từ
sự tham khảo ý kiến của GS. Hà Văn Tấn trong lời giới thiệu cuốn
“Chùa Việt Nam” và bài báo “Bài trí tượng thờ trong chùa Việt”
để soạn ra bộ câu hỏi tương đối đầy đủ về các loại tượng thường
được bày trong một ngôi chùa Việt, sao cho bộ câu hỏi ấy có thể
bao chứa được các trường hợp khác nhau, luận án đã đi vào khảo
sát màu sắc của 25 hạng mục từ màu của trần chùa, dui mè, tường,
nền chùa, các gian thờ cho đến màu của các loại tượng thờ và các
di vật trong chùa Việt…

1.2. Kiến giải mô hình màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
1.2.1. Mô hình màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ nhìn từ
triết lý Âm Dương - Ngũ hành
Chùa là công trình kiến trúc tâm linh, vì thế trong
thiết kế, xây dựng nói chung và trong sử dụng
màu sắc nói riêng, chắc chắn người ta phải tuân
thủ nguyên lý Âm Dương - Ngũ hành - triết lý
căn bản được người Việt thấm nhuần và sử dụng
trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống.
Ngôi chùa làng, về mặt kiến trúc không được bề thế mà nó
chỉ ẩn dật, hình dáng kiến trúc cũng chỉ là một ngôi nhà ở thôn
quê. Hơn nữa, đạo Phật được truyền bá và thực hành ở những ngôi
chùa làng này dần dần chuyển hóa từ Tiểu thừa sang Đại thừa, vì
vậy ảnh hưởng của Phật giáo nguyên thủy, trong đó có màu sắc
của Phật giáo là không đáng kể, mà ngược lại nó được xây dựng
và vận hành theo tầng văn hóa dân gian của cộng đồng sở tại,
trong đó có triết lý âm dương - ngũ hành.


8
Chúng ta biết rằng, thuật phong thủy chính là sự vận dụng
nguyên lý âm dương - ngũ hành trong kiến trúc (từ nhà ở đến các
công trình công cộng). Ở đó, màu sắc cần phải được thiết kế hài hoà
với cảnh quan thiên nhiên, với con người, thuận theo những nguyên
lý của Âm Dương - Ngũ hành.
Xét tổng thể, mô hình của màu sắc bên ngoài chùa Việt ở châu
thổ Bắc Bộ vẫn bảo lưu được tinh thần của màu sắc truyền thống - là
mô hình ngũ sắc (trắng/ghi - xanh - đen - đỏ - nâu/vàng). Trong nội
thất chùa Việt, 3 màu nâu/đỏ/vàng là mô hình màu sắc chủ đạo.
1.2.2. Mô hình màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ nhìn từ lý

thuyết màu sắc trong hội họa
Kết hợp với phương pháp phân tích cấu trúc chùa Việt, luận
án vận dụng khung lý thuyết về màu sắc trong hội họa để xác định
mô hình chủ đạo trong màu sắc chùa Việt. Luận án cố gắng đi tìm
câu trả lời cho những câu hỏi nghiên cứu như: Mô hình màu sắc
của chùa Việt sẽ dựa trên những màu tự nhiên và màu tự sáng tạo
nào? Mối quan hệ giữa mô hình màu sắc và kỹ thuật chế tác thủ
công ra sao? Và màu sắc chùa Việt được phối theo bảng hòa sắc
nào? Sự vận dụng lý thuyết ở luận điểm này của luận án có thể sẽ
là một đóng góp đối với nghiên cứu màu sắc chùa Việt nói riêng
và nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam cổ truyền nói chung. Theo đó,
nghiên cứu sinh đi vào khảo cứu các vấn đề:
- Chất liệu màu sắc
Màu sắc trong kiến trúc cổ ở Việt Nam đều được dùng từ
những chất liệu tự nhiên: màu đỏ của ngói nung, màu trắng của
nước vôi, màu trắng/ghi của đá, màu xanh của cây lá, màu nâu của
đất hoặc của gỗ mộc....
- Độ tương phản
Trong trang trí chùa chiền, người Việt từ lâu đã biết dùng sự tương
phản để tạo ấn tượng thị giác. Đó là các cặp màu thường được sử
dụng trong trang trí hoành phi và câu đối như nền đen - chữ vàng,
nền đỏ - chữ vàng.
- Sơ đồ hòa sắc
- Đối với màu sắc bên trong chùa
Việt (là sự hòa sắc của 3 màu đỏ, nâu,
vàng) thì chỉ có sơ đồ Analogous (phối
màu tương tự) là phù hợp nhất.


9

- Chuyển dịch màu sắc
Vận dụng quy luật bù màu vào việc
nhìn màu sắc bên trong ngôi chùa (vàng - đỏ
- nâu), chúng ta thấy: do có màu nâu (là một
màu trung gian) đã làm dịu 2 màu vàng - đỏ,
đồng thời 3 màu ấy lại được đặt trong một
không gian mà ánh sáng mặt trời yếu (tối),
không trực tiếp nên ở không gian này diễn ra hiệu quả chuyển dịch
màu - ở đây là màu vàng ngả sang cam và màu đỏ ngả sang tím.
Tiểu kết
Bằng phương pháp phân tích cấu trúc, luận án đã khảo sát màu
sắc của 45 chùa ở châu thổ Bắc Bộ, xác định được cơ cấu màu sắc
của loại hình kiến trúc truyền thống này và bước đầu tìm thấy “mẫu
số chung” của cơ cấu ấy. Màu sắc bên ngoài của ngôi chùa Việt bao
gồm màu trắng - xanh - đen (của nước) - đỏ - nâu. Màu sắc bên trong
gồm những màu chủ đạo sau: đỏ, nâu, vàng.
Mô hình màu sắc hiện thể hiện triết lý “Âm Dương - Ngũ
hành”, một triết lý phương Đông đã thấm sâu vào đời sống của
người Việt.
Vận dụng những lý thuyết về sự tương phản của sắc màu, các
sơ đồ hòa sắc và quy luật di chuyển màu, luận án đã góp phần diễn
giải một số mô típ nghệ thuật phối màu trong trang trí ở chùa Việt
ở châu thổ Bắc Bộ, đó là hiệu quả tương phản mạnh ở các hoành
phi câu đối, đó là mô hình phối màu tương tự (Analogous), đó là
sự dịch chuyển của màu vàng và màu đỏ sang màu cam và màu
nâu đỏ trong nội thất thiếu sáng ở chùa Việt châu thổ Bắc Bộ. Với
những kết quả này, ta cũng đã có thể thấy được phần nào đó sự
khác biệt/hay bản sắc của màu sắc chùa Việt so với màu sắc của
những ngôi chùa Phật ở những nền văn hóa khác.
Chƣơng 2

NHỮNG PHƢƠNG DIỆN LỊCH SỬ CỦA MÀU SẮC
CHÙA VIỆT Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ
2.1. Những biến đổi chính trị tác động đến vị thế của Phật giáo
ở châu thổ Bắc Bộ
Những cứ liệu lịch sử đã cho thấy, chính trị đóng một vai trò
rất quan trọng trong hưng suy của Phật giáo và khi Phật giáo
không còn có uy quyền trong vương triều nữa thì việc xây dựng


10
chùa chiền sẽ không còn được sử dụng ngân khố quốc gia và khi
không có kinh phí lớn thì không thể xây được những chùa to, cao,
lộng lẫy. Vì vậy càng về sau này (từ thời Lê), những ngôi chùa ở
đồng bằng Bắc Bộ càng có quy mô nhỏ hơn (không to, rộng và cao
như xưa nữa, trừ một vài ngôi chùa được bảo trợ hoặc tài trợ của
giới quý tộc), vật liệu thông thường hơn (thay vì chất liệu đá cứng,
người ta xây chùa chiền bằng gạch ngói, gỗ, trang trí bằng những
màu sắc thông thường như màu nâu mộc, quét vôi, gạch đỏ,…),
nhất là khi Phật giáo trú ngụ chủ yếu trong làng quê cùng với những
người nông dân, khi ngôi chùa làng chỉ còn là một thiết chế tâm
linh không quan trọng bằng những thiết chế văn hóa truyền thống
khác như đình đền, miếu,… thì việc huy động kinh phí để xây dựng
hay tu bổ, làm đẹp một ngôi chùa lại càng khó khăn hơn.
Màu sắc của chùa Việt ở đồng bằng Bắc Bộ cũng không phải
là ngoại lệ, nó cũng chịu những tác động của lịch sử và có những
biến đổi tương thích: từ màu ghi đá (lạnh) chủ đạo của những công
trình uy nghi, cách biệt với đời thường, màu sắc chủ đạo của ngôi
chùa làng đã trở nên gần gũi hơn với đời sống bình dị ở làng quê
(với gam màu trầm của màu nâu và màu rêu phong).
2.2. Lịch sử mỹ thuật Phật giáo và màu sắc ngôi chùa Việt ở

châu thổ Bắc Bộ
Những thay đổi trong mỹ thuật và mỹ thuật chùa Việt trong lịch
sử đã giúp cho chúng ta thấy rõ một số mốc quan trọng về màu sắc
chùa Việt ở Bắc Bộ.
Thời kỳ Phật giáo Luy Lâu (và thời kỳ Bắc thuộc nói chung)
không có tài liệu để đối chứng, vì thế chúng ta chỉ có thể phỏng
đoán về nó.
Thời Lý là thời kỳ thịnh vượng của đạo Phật ở nước ta và
cũng là thời kỳ nghệ thuật Phật giáo phát triển mạnh. Màu sắc của
chùa thời kỳ này là tổ hợp của ba màu chủ đạo: Ghi (của đá) + Đỏ
(của đất nung) + Vàng (tượng đồng hoặc mạ vàng).
Từ thời Trần, vai trò quan trọng của Phật giáo đã bị Nho giáo
lấn át, mỹ thuật Phật giáo nói chung và chùa nói riêng đã thay đổi
theo chiều hướng bình dân hóa và đã bắt đầu xuất hiện chùa dân
với màu sắc bình dị: nâu trầm, phong rêu, ngói đỏ.
Phật điện từ thế kỷ XVI trở đi ngày càng có nhiều tượng hơn
và chất liệu tạo tác cũng phong phú hơn nhiều, từ thế kỷ XVII đã


11
bắt đầu có các pho tượng trong chùa được sơn son thếp vàng,
nhưng phải đến thế kỷ XIX thì kỹ thuật này mới được phổ biến ở
chùa làng. Các tượng Kim Cương, hay Hộ Pháp thường được đắp
bằng đất với nhiều màu sắc tươi (trắng, đen, lam, vàng, đỏ). Càng
ngày, ngôi chùa càng gắn bó chặt hơn với không gian làng xã.
Màu sắc bên ngoài của ngôi chùa sau một thời gian mưa
nắng thường là một gam nâu đen thâm trầm ẩn dật, giữa màu xanh
của cây cối, ao chuôm, ruộng vườn, cái màu ấy đã tạo được cảm
giác bình dị, gần gũi với đời sống của người nông dân. Còn bên
trong, mặc dầu hệ thống trang trí màu sắc đã phong phú hơn (với

kỹ thuật sơn son thếp vàng) nhưng do chùa thấp, ít sáng nên
những ánh của màu vàng chỉ là những điểm nhấn, màu sắc chủ
đạo vẫn là màu đỏ (trong ánh sáng yếu thì có cảm giác là màu
nâu) và màu nâu của gỗ đã cũ. Chỉ có tượng đất thường được đặt ở
những chỗ có nhiều ánh sáng hơn. Những pho tượng đất này (màu
nâu là chủ đạo) do nhiều chi tiết trang trí trên tượng và được nhiều
ánh sáng chiếu vào nên cảm giác cũng tươi vui hơn tượng Phật ở
trên tam bảo.
2.3. Lịch sử vật liệu xây dựng liên quan tới màu sắc chùa Việt
Về mặt kỹ thuật, màu sắc của chùa Việt chắc chắn có mối
liên hệ với sự ra đời và phát triển của các kỹ thuật chế tác màu sắc
và các làng nghề truyền thống ở Việt Nam.
* Sơn ta
Sơn ta với những đặc tính ưu việt là một trong những chất
liệu màu sắc căn bản nhất trong thiết kế mỹ thuật cho các thiết chế
tâm linh ở Việt Nam. Đó là một loại nguyên liệu và công nghệ rất
thích hợp với những ngôi chùa ở Việt Nam. Với môi trường ánh sáng
yếu và tối trong nội thất, những đồ thờ và tượng sơn son thếp vàng
tạo ra ánh sáng phản quang nên tạo ra một thứ ánh sáng vàng son rất
huyền ảo. Mặt khác, môi trường ánh sáng yếu, tối và độ ẩm của
không khí thì đồ gỗ phủ sơn truyền thống lại được bảo quản tốt, bền.
Các làng nghề truyền thống ở Việt Nam ngày nay (làm
tượng, làm đồ thờ như bàn thờ, câu đối, hoành phi, kiệu) đã kế
thừa những kỹ thuật chế tác sơn ta một cách thành thạo đều nắm
bắt rất sâu tính năng của sơn ta và sử dụng nó rất hiệu quả trong
việc tạo hình nghệ thuật cho các sản phẩm của mình mặc dù lịch
sử những làng nghề ấy chưa phải là quá dài như: làng nghề Hạ


12

Thái (Thường Tín, Hà Nội) có lịch sử nghề hơn 200 năm; hay Sơn
Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) có lịch sử nghề hơn 100 năm. Đến nay
những làng nghề ấy vẫn làm ăn phát đạt.
* Quỳ
Kỹ thuật sơn son thếp vàng, thếp bạc để trang trí cho tượng
Phật, ngai thờ, bệ thờ, hoành phi, câu đối, kiệu, ngai,… chỉ có thể
được thực hiện khi có nghề làm quỳ. Ở Việt Nam chỉ có duy nhất
làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) là biết làm nghề này.
* Gốm sứ
Ngày nay, ở châu thổ Bắc Bộ còn nhiều làng nghề vẫn đang sản
xuất những mặt hàng gốm sứ cao cấp như Bát Tràng, Chu Đậu, Phù
Lãng... Một điểm đáng chú ý là, nếu như ở đình của người Việt, người
ta hay dùng các mảnh sứ để trang trí các họa tiết rồng, lân, đầu đao thì
sứ lại không được sử dụng như thế ở kiến trúc chùa Việt ở Bắc Bộ.
Mức độ sử dụng đồ sứ trong chùa chỉ dừng lại ở việc đặt các bình sứ
(đựng nước, cắm hoa) trong nội thất ngôi chùa.
* Đồ đồng
Hai làng đúc đồng nổi tiếng Tống Xá và Vạn Điểm (thị trấn
Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) được xem là một trong những
cái nôi của nghề đúc đồng ở nước ta. Nghề đúc đồng ở Tống Xá,
Vạn Điểm gắn với một truyền thuyết xác định làng nghề này đã
hơn 900 năm tuổi. Điều này cũng phù hợp với những tài liệu cổ sử
ghi chép việc đúc tượng đồng lớn ở một số ngôi chùa thờ Lý.
* Gạch, ngói
Gạch, ngói mang màu đỏ (màu của đất nung), một sắc màu
chủ đạo trong các công trình kiến trúc truyền thống nói chung, của
chùa Việt nói riêng. Những di chỉ khảo cổ học về mộ Hán đã cho
thấy, người Việt đã biết nung gạch để làm vật liệu xây dựng từ
trước công nguyên.
Thế kỉ X xuất hiện một số loại gạch thời Đinh - Tiền Lê có

chữ Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên (gạch xây quân thành của
nước Đại Việt).
Sang thời Lý (từ thế kỷ XI - XIII) xuất hiện nhiều chủng loại
gạch, từ gạch bìa, gạch xây chữ nhật cỡ to (26,5cm x 23,5cm),
trên mặt gạch in nổi hàng chữ Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái
Bình niên tạo. Một số gạch vuông lát nền trang trí hoa văn hoa
sen, hoa cúc hình nổi hết sức tinh tế, mỹ thuật.


13
Thời Trần có loại gạch Vĩnh Ninh Trường, gạch lát nổi hoa mẫu
đơn và loại ngói phổ biến là ngói mũi sen, có đầu hớt cao lên hoặc mũi
vát cạnh tam giác.
Đến đời Nguyễn, kiến trúc cung đình phát triển, những chuẩn
mực về màu sắc cung đình từ Trung Quốc đã được đưa vào hoàng
cung và để làm được ngói lưu ly, nhà Nguyễn đã cho mở xưởng riêng.
* Vôi
Song song với chế tác gạch xây dựng và trang trí là kỹ thuật
chế tác vôi, bởi vôi là chất dùng để kết dính gạch trong xây dựng
đồng thời khi pha với nước tạo thành chất màu trắng dùng để bôi
lên tường các công trình kiến trúc truyền thống.
Căn cứ vào những câu chuyện cổ tích Việt như “Ông bình
vôi”, “Sự tích Trầu Cau” hay tục ăn trầu, nhuộm răng đen của
người Việt cổ... có thể biết rằng dân ta đã biết chế tác và sử dụng
vôi từ thời thượng cổ.
* Đá xây dựng và trang trí
Nước ta có một trữ lượng tài nguyên đá rất lớn, vì thế nghề chế
tác đá chắc chắn đã phát triển từ thủa rất xa xưa. Những công trình
bằng đá được xây từ thời công nguyên rất tiếc đã bị mất đi mà không
để lại dấu tích nào, song chỉ cần kể những dấu tích của thời kỳ tự chủ

khởi đầu là nhà Đinh, ta cũng thấy được kỹ nghệ chế tác đá của
người Việt Nam đã tinh xảo như thế nào.
Đến thời Lý, chế tác đá đã đạt trình độ nghệ thuật rất cao,
bằng chứng là những bệ tượng, tượng Phật hiếm hoi còn sót lại ở
chùa Phật Tích và một số chùa khác ở châu thổ sông Hồng.
Các đời sau, việc sử dụng đá vào xây dựng chùa chiền hạn
chế hơn, đá thường chỉ được sử dụng vào những công trình của
triều đình hoặc những quý tộc mang tính trọng đại, đòi hỏi sự vĩnh
cửu như lăng tẩm (mà cũng chỉ thường thấy ở những bệ đá ở bên
ngoài các công trình).
Tuy nhiên, không vì thế mà nghề chế tác đá ở Việt Nam bị mai
một, ngày nay những trung tâm chế tác đá ở Việt Nam như Ninh
Bình, Non nước (Quảng Nam) vẫn có nhiều nhóm thợ giỏi tay nghề.
Tiểu kết
Luận án đã vận dụng lý thuyết duy vật biện chứng về mối
quan hệ giữa nghệ thuật và lịch sử để diễn giải hiện tượng màu
sắc chùa Việt sâu sắc hơn. Với tư cách là một hiện tượng xã


14
hội, chùa Việt (và màu sắc chùa Việt) không tách rời được
những bối cảnh và biến thiên lịch sử. Nó phụ thuộc vào sự
thăng trầm của các triều đại mà ở đó đạo Phật chiếm vị trí ưu
thắng trong hệ thống chính trị hay không. Đến lượt lịch sử mỹ
thuật của chùa Việt cũng phụ thuộc vào những biến thiên lịch
sử đó và đương nhiên là màu sắc cũng phụ thuộc theo. Từ chùa
cung đình hoặc liên quan đến cung đình thể hiện tư tưởng tôn vinh
Phật tuyệt đối, thể hiện mô hình thẩm mỹ hướng đến cái vô hạn,
hoành tráng (diện tích lớn, cao, chất liệu đá chiếm ưu thế và tương
ứng là các màu ghi trắng, đỏ, vàng), chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ đã

trở thành ngôi chùa làng, ngôi chùa của dân, ngôi chùa của nữ giới,
nó gần gũi, thân thiết và bình dị với cuộc sống của người nông dân ở
làng xã Việt Nam. Vì thế, kiến trúc và màu sắc của ngôi chùa làng
cũng thể hiện tinh thần ấy: nhỏ, thấp với gam màu trầm (nâu, đỏ) có
xen những điểm nhấn màu vàng, trong ánh sáng mờ tạo thành hòa
sắc trầm nhưng lung linh.
Về mặt kỹ thuật, người Việt Nam có đủ khả năng để làm
những ngôi chùa hoành tráng với các cột đá, bệ đá, tượng đá và
xây các ngôi bảo tháp cao. Nhưng càng về sau, ngôi chùa càng
ít được xây bằng đá, không rộng, cao, to và không có tháp nữa
(chí ít là như những đại danh lam ở thời Lý). Tại sao lại như
vậy? Rõ ràng, điều này không phụ thuộc vào tay nghề hay tài
nguyên đá mà nó hoàn toàn bị quy định bởi những lý do chính
trị và gắn liền với đó là những lý do kinh tế: khi đạo Phật
không còn chiếm vị trí cao trong thượng tầng kiến trúc thì
chính quyền phong kiến không đầu tư về tinh thần và vật chất
để xây cất chùa nữa. Dần dần, đạo Phật chỉ còn là tôn giáo của
người dân, không phải của tầng lớp quý tộc và vì thế nó phải ẩn thân
ở những cộng đồng làng, hòa vào cuộc sống của làng xã. Ngay cả khi
Phật giáo vận động ở các tầng lớp nông dân với ngôi chùa làng
khiêm tốn thì nó vẫn chịu sự áp đảo của Nho giáo (sự lép vế của chùa
so với đình, đền) và vì thế khó có thể đòi hỏi một sự huy động tài
chính để xây dựng hay trùng tu một ngôi chùa to, lộng lẫy (kể cả
phương diện màu sắc) ở một làng quê.
Lịch sử mỹ thuật Phật giáo ở Việt Nam cũng cho thấy: sự
thay đổi từ Phật giáo Tiểu Thừa sang Đại Thừa khiến cho số
lượng tượng được bày ở trong ngôi chùa đã thay đổi và chính


15

điều đó kéo theo sự thay đổi của màu sắc bên trong ngôi chùa.
Từ một tượng (Thích Ca Mâu Ni) thời Lý đến nhiều tượng dần
lên (Tam Thế, đến các tượng Bồ Tát và nhiều tượng khác) từ
cuối thời Trần khiến chất liệu cũng thay đổi (từ đá là chính
sang gỗ, đất) và màu sắc cũng thay đổi (từ trắng của đá, vàng
của đồng hay mạ vàng chuyển sang sơn son thếp vàng các
tượng gỗ v.v…).
Lịch sử kỹ thuật chế tác màu sắc ở Việt Nam có từ rất lâu
đời, nó cho thấy 4 màu cơ bản của chùa Việt qua nhiều thời kỳ
(tuy tỷ lệ giữa các màu có thay đổi) là trắng, đỏ, vàng, đen.
Lịch sử ấy cũng chỉ ra rằng, mỗi một thời kỳ, những nguyên
liệu màu sắc ấy được sử dụng trong trang trí ngôi chùa theo
nhiều mức độ khác nhau.
Chƣơng 3
ĐẶC TRƢNG THẨM MỸ MÀU SẮC CHÙA VIỆT Ở
CHÂU THỔ BẮC BỘ (QUA NGHIÊN CỨU ĐỐI CHỨNG
VỚI ĐẶC TRƢNG THẨM MỸ MÀU SẮC CỦA CHÙA
TRUNG QUỐC VÀ NHẬT BẢN)
3.1. Đặc trƣng thẩm mỹ màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
3.1.1. Màu sắc mộc mạc, bình dị của ngôi chùa làng
Trước hết, chùa Việt (trong đó có màu sắc) ở Bắc Bộ chịu
ảnh hưởng trực tiếp từ năng lực kinh tế của làng người Việt ở Bắc
Bộ. Mặc dầu làng người Việt được coi là một đơn vị căn bản của xã
hội, như một thực thể chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa độc lập, tuy
nhiên, về thực chất, làng lại không có vốn kinh tế riêng. Trong bối
cảnh kinh tế như vậy, việc huy động vốn để xây dựng hay tu bổ chùa
chiền quả là một thách thức lớn đối với năng lực kinh tế của làng
cũng như các hộ nông dân ở châu thổ Bắc Bộ. Ngoài ra, chùa và
màu sắc chùa Việt ở Bắc Bộ còn chịu ảnh hưởng mạnh của cơ cấu
làng xã cổ truyền. Đó là một cơ cấu xã hội khá phức tạp (gồm

nhiều nhóm xã hội, nhiều mối quan hệ chằng chịt) và tương đối
độc lập, mang tính tự quản. Tính tự quản này bền vững đến nỗi, đã
không ít lần, các triều đại phong kiến cũng như thực dân Pháp
muốn thay đổi nhưng đã không làm được.
Với tư cách là một xã hội thu nhỏ, làng cũng có những tác
động có tính cách chính trị - xã hội lên ngôi chùa và màu sắc bình
dị của chùa. Trong tương quan giữa các thiết chế cổ truyền ở một


16
ngôi làng Bắc Bộ thì chùa thường bị xếp dưới đình và đền, thậm
chí sau cả văn chỉ. Sở dĩ như vậy là do đình là trung tâm chính trị
của làng, nơi các bô lão tụ họp, bàn chuyện quan trọng của làng
(trong mô hình tự quản ở cộng đồng làng thì các bô lão có tiếng
nói quan trọng để trưởng làng quyết định mọi việc) và là nơi dành
cho đàn ông trong làng (đến tận ngày nay, vẫn còn nhiều làng cấm
phụ nữ bước vào, lễ cúng ở trong đình). Đền là nơi thờ cúng vị
thánh của làng, vị thánh này thường được vua các triều chính thức
sắc phong (một hình thức công nhận có tính cách chính trị của
triều đình đối với cộng đồng làng) mang lại vinh dự và niềm tự
hào cho làng. Vì thế, những đóng góp xây dựng, tu bổ đình, đền là
việc được ưu tiên nhất của làng, đặc biệt là đối với đàn ông những người chủ gia đình, có tiếng nói quyết định trong gia đình.
Còn chùa làng lại là thiết chế tôn giáo mà phụ nữ trong làng sử
dụng là chính (trước đây, đàn ông nông thôn thường không đi
chùa), điều đó cũng có nghĩa là: phụ nữ với địa vị xã hội thấp hơn
nam giới, không có tiếng nói quyết định trong chi tiêu ở gia đình
trong xã hội phong kiến, không có nhiều điều kiện vật chất để
đóng góp xây dựng hay tu bổ chùa (thông thường, các cụ bà ở
làng quê chỉ có thể góp sức cho nhà chùa trong các việc như trông
nom, quét dọn, cơm nước...). Về phương diện tâm lý: đối với

những người phụ nữ ở làng quê, thân phận thấp, quanh năm tằn
tiện nuôi chồng, nuôi con, quanh năm mặc những bộ nâu sồng,
chân đất thì màu sắc mộc mạc, giản dị của ngôi chùa quả là màu
sắc yêu thích của họ và phù hợp với địa vị của họ.
Có thể coi đây là những biểu hiện cụ thể của luận lý Nho
giáo (trọng chính danh, trọng nam,…) ở đời sống làng xã và có thể
thấy những tư tưởng chính trị cốt lõi mà các nhà nước phong kiến
theo đuổi đã được vận hành ở đời sống làng xã như thế nào. Điều
này ảnh hưởng đến quy mô và màu sắc rất khiêm tốn, mộc mạc
của chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ.
3.1.2. Tính đẳng thứ của màu sắc chùa làng của người Việt
Trong các chế độ phong kiến ở Việt Nam, sự cách biệt có
tính cách đẳng thứ giữa cung đình và dân gian trong các công
trình kiến trúc đã luôn được thể chế hóa: dù có tiền của thì người
dân thường cũng không được xây nhà to, cao và theo kiểu cách
của quan lại, lại càng không được “bắt chước” hay xây to, cao hơn


17
các công trình kiến trúc hoàng gia. Các công trình công cộng hay
tôn giáo ở làng như đình, đền, miếu mạo, chùa cũng vậy, không
được to, cao và đẹp hơn các công trình của vua chúa. Ở các triều
đại phong kiến, việc sử dụng màu sắc cũng luôn được thể chế hóa
theo trật tự mang tính đẳng thứ rất rõ ràng.
Chính những thể chế nghiêm ngặt ấy trong việc sử dụng màu
sắc ở xã hội phong kiến đã khiến cho màu sắc của ngôi chùa và
các thiết chế tâm linh khác của cộng động làng (như đình, đền,
miếu) mang tính đẳng thứ, tức luôn phải mộc mạc, dân dã, không
được giống với với màu sắc của cung đình, đặc biệt là màu sắc
bên ngoài ngôi chùa. Mặc dù chưa tìm được những quy định cụ

thể của các triều đình phong kiến cho màu sắc của ngôi chùa làng
và màu sắc của tượng Phật, nhưng từ những bằng cứ trên, ta cũng
có thể suy đoán rằng ở một ngôi chùa thì việc sơn màu đỏ (tường,
cột) là không được phép. Đối với Phật, trong tâm thức của người
dân cũng như cả ở giới quý tộc thì Phật luôn được coi là vị thần
tối cao đứng trên cả các thượng đẳng thần, nên họ có thể sử dụng
màu vàng và đỏ để trang trí các tượng Phật. Việc sơn son thếp
vàng các tượng Phật tùy thuộc vào năng lực kinh tế của mỗi làng.
Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa thì trong nội thất, nhất là các
ban thờ Phật, ở ngôi chùa làng, màu vàng, đỏ lung linh vẫn thể
hiện được lý tưởng thẩm mỹ của người dân: hướng tới những
chuẩn mực cung đình. Dĩ nhiên, không phải làng nào cũng có điều
kiện để thực hiện lý tưởng thẩm mỹ theo chuẩn mực cung đình
này, hoặc không phải làng nào ngay từ lúc đầu cũng đã “sơn son
thếp vàng” được tượng Phật và các đồ thờ, mà chỉ đến khi nào có
điều kiện họ mới thực hiện được. Đây là điều khá đặc biệt nếu so
với vẻ ngoài của ngôi chùa vốn rất khiêm tốn, giản dị và gần gũi
với đời sống của người nông dân.
3.1.3. Âm dương hài hòa, ngũ hành tương sinh
Việt Nam là một nước phương Đông và chịu ảnh hưởng mạnh
từ nền văn hóa Trung Hoa, nơi xuất sinh một nền triết học cổ đại
hoành tráng, trong đó những quy luật biện chứng âm dương, ngũ
hành chiếm vị trí ưu thắng và tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử cho
đến ngày nay. Học thuyết Âm dương, Ngũ hành này không chỉ ảnh
hưởng trong đời sống thường nhật của con người mà ở cả những lĩnh
vực tinh thần như trong văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, kiến


18
trúc,… Chính vì vậy, để tạo ra sự hài hòa hòa âm - dương giữa ngôi

chùa (hay những công trình tâm linh khác) với tự nhiên, người ta
thường chọn vị trí sao cho công trình ấy có thể “soi bóng” ở mặt
nước (chùa cao, mái ngói đỏ, tượng trưng cho dương, mặt nước thấp,
uyển chuyển tượng trưng cho âm). Có thể nói “soi bóng ao hồ” đã trở
thành một khuôn mẫu văn hóa (âm - dương hài hòa) của người Việt.
Do đó, vì bất đắc dĩ nếu không thể xây chùa bên cạnh mặt nước thì
người ta sẽ buộc phải tạo thêm yếu tố nước ấy.
Trong xây dựng dân gian, triết lý âm dương - ngũ hành được
thực hành ở luật phong thuỷ: dân gian quan niệm rằng, màu sắc
hình thành nên các trường năng lượng. Các trường năng lượng này
tác động đến môi trường công trình kiến trúc và ảnh hưởng đến
mỗi cá nhân hay cộng đồng. Do đó, màu sắc cần phải được thiết
kế hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, với con người, thuận theo
những nguyên lý của âm dương, ngũ hành. Những quy luật ngũ
hành tương sinh đó đã được thấm nhuần vào triết lý của những
người thiết kế và xây dựng những ngôi chùa Việt, từ ngoại thất
đến nội thất phải có màu sắc như thế nào để vừa phù hợp với môi
trường thiên nhiên, vừa “vượng khí” cho ngôi chùa.
3.1.4. Rêu phong cổ kính và mang tính tâm linh
Yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến màu sắc của ngôi chùa
Việt là thời tiết khí hậu ở miền Bắc Việt Nam. Ở môi trường khí
hậu này thì không có loại màu sắc nào lại có thể trường tồn được
theo thời gian. Những màu sắc như đỏ của ngói, màu trắng vôi của
tường, của đá đều bị rêu phong của năm tháng phủ lên. Việc tu bổ
màu sắc ngôi chùa làng thường xuyên là một “nhiệm vụ bất khả
thi” bởi khả năng kinh tế của làng rất hữu hạn. Nhưng điều quan
trọng ở đây lại không phải là vấn đề kinh phí mà là do quan niệm
thẩm mỹ của người Việt: người Việt không muốn cạo đi lớp rêu
phong ấy, nếu có kinh phí, họ luôn ưu tiên làm cho nội thất đẹp
lên, ấm cúng lên chứ không phải vẻ mới mẻ bên ngoài chùa. Sở dĩ

như vậy là do họ quan niệm rằng: một di tích càng rêu phong càng
được coi là cổ kính, có giá trị lịch sử và có cả giá trị thẩm mỹ.
Màu sắc ở đây cần được hiểu như là một sự hòa sắc trong
một bối cảnh đặc biệt. Nói cách khác, màu trong nội thất ngôi
chùa không chỉ là màu của tượng, bệ tượng Phật, của bàn thờ, của
cột, kèo, trần, tường mà là sự hòa sắc của chúng trong ánh sáng


19
yếu của không gian bên trong chùa với ánh nến lung linh, với
hương khói mờ ảo. Đó là đặc điểm nổi bật của màu sắc tâm linh,
nó khác hẳn với màu sắc thường nhật luôn gắn liền với ánh sáng
trực tiếp của mặt trời, ở đó người ta có thể nhận biết rõ đâu là màu
nóng, đâu là màu lạnh, đâu là màu trung tính và đâu là màu
nguyên bản hay màu bổ túc.
3.2. Nghiên cứu đối chứng qua trƣờng hợp thẩm mỹ màu sắc
chùa ở Trung Quốc và Nhật Bản
3.2.1. Đặc trưng thẩm mỹ màu sắc chùa Trung Quốc
Khác với những ngôi chùa làng ở Việt Nam, những ngôi chùa
cổ ở Trung Quốc thường được chính triều đình hoặc tầng lớp quý tộc
bảo trợ (cả về kinh phí lẫn chất lượng nghệ thuật). Các chùa này
thường được đặt ở thủ đô hoặc ở thủ phủ của các vùng trong nước và
là biểu tượng cho vùng ấy. Vì thế, quy mô cũng như kinh phí xây
dựng chùa là rất lớn, và những hiệp thợ được mời đến đều là những
người thợ lành nghề nhất nước, ở đó người đứng đầu các hiệp thợ
đều là những nghệ sỹ lừng danh đương thời.
Tuy là chất liệu đắt tiền, sơn ta thường chỉ được dùng trong
trang trí đồ vật xa xỉ hoặc trang trí trong cung điện, nhưng do lòng
tôn kính đức Phật của tầng lớp quý tộc nên nó cũng đã được dùng
để trang trí trong nội thất, tượng Phật trong các chùa chiền. Ngay

trên các kết cấu bằng gỗ ở chùa người ta cũng trang trí với nhiều nét
vẽ tinh xảo và màu sắc ở đó cũng thể hiện tính giai cấp rất rõ rệt.
Người Trung Quốc luôn coi trọng những tượng Phật bằng đá,
nhất là những loại đá quý (ngọc Phật được tạo bằng ngọc xanh). Ở
Trung Nguyên, càng về sau càng ít tượng đá nhưng ở những địa
phương có tài nguyên đá thì tượng đá vẫn chiếm đa số.
Trong nội thất chùa chiền cổ ở Trung Quốc thường có một
đặc điểm nổi trội, đó là nghệ thuật bích họa. Có thể coi đây là
những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo kiệt xuất. Có thể nói, về mặt
màu sắc, bích họa được coi là một đặc trưng của chùa chiền Trung
Quốc. Các tác phẩm hội họa này đều được các danh gia đương
thời thực hiện nên trình độ hòa sắc rất chuyên nghiệp: các bức
tranh đều là sự phối màu đa sắc giữa các màu đỏ, nâu, đen, các sắc
độ xanh, lam, vàng, trắng… Những bức bích họa đã mang lại cảm
quan tươi sáng, hoan lạc cho những người đến vãng cảnh chùa.


20
Tóm lại, màu sắc của chùa Trung Quốc có những đặc trưng
thẩm mỹ sau:
- Tráng lệ, mang tính cung đình (ở màu đỏ, màu vàng, màu lam).
- Đa sắc, rực rỡ (ngũ sắc ở các trang trí bích họa).
3.2.2. Đặc trưng thẩm mỹ màu sắc chùa Nhật Bản
Màu sắc bên ngoài chùa
Mặc dầu Nhật Bản đã có một thời kỳ dài chịu ảnh hưởng rất
mạnh bởi văn hóa Trung Quốc nói chung, Phật giáo Trung Quốc nói
riêng, nhưng trải qua hàng ngàn năm những ngôi chùa của họ, trong đó
có màu sắc đã có một cấu trúc khác biệt, tạo thành bản sắc Nhật Bản.
Ví dụ, màu đỏ là màu chủ đạo của chùa Trung Quốc thì ở Nhật Bản rất
hiếm gặp hoặc tỷ lệ màu đỏ chiếm rất ít (chỉ ở những vật dụng hoặc

những đồ án trang trí). Màu trắng luôn được đặt bên cạnh màu nâu trở
nên càng nổi bật hơn, trở thành một màu chủ đạo của chùa Nhật Bản.
Ở trong mối quan hệ giữa ngôi chùa và môi trường thiên nhiên,
triết lý thẩm mỹ màu sắc của chùa Nhật Bản đã được thể hiện một
cách cụ thể và sống động. Một mặt, màu sắc của ngôi chùa Nhật mô
phỏng màu sắc tự nhiên như màu trắng tinh của tuyết; màu nâu tươi
(ngả sang cam), màu vàng của cây phong mùa thu; màu xanh của cây
cối đang lên lộc non ở mùa xuân; màu đỏ, màu nâu của mùa hạ. Nó
thể hiện một phương diện của mô hình thẩm mỹ, đó là sự hòa đồng
với thiên nhiên. Điều này hoàn toàn phù hợp với mỹ học Nhật Bản,
khi người Nhật quan niệm rằng con người không đối lập hay ưu
thắng thiên nhiên mà “sinh mệnh con người được bao bọc trong tự
nhiên, được tự nhiên che chở”. Mặt khác, với triết lý về sự hoàn hảo
của “Đức Phật vũ trụ”, ngôi chùa luôn thể hiện sự hội tụ của tự
nhiên, ở phương diện màu sắc nó thể hiện sự hội tụ của 4 mùa: Xuân,
Hạ, Thu, Đông. Vì thế, dù ở mùa nào, ngôi chùa vừa vẫn hòa mình
vào thiên nhiên của mùa ấy nhưng đồng thời vẫn thể hiện được
những sắc màu của mùa khác ở sắc diện của ngôi chùa, khiến nó vẫn
là điểm nhấn, là trung tâm trong tổng phổ màu sắc thiên nhiên rộng
lớn. Với ý nghĩa này, màu sắc ngôi chùa không chỉ hòa đồng mà còn
đối thoại với tự nhiên. Vì thế, mặc dù những ngôi chùa Nhật Bản
không quá cao, cũng không quá rộng nhưng nó vẫn nổi bật như là
trung tâm vũ trụ giữa bối cảnh thiên nhiên mà nó hòa đồng.
Màu sắc bên trong chùa


21
Có lẽ hiếm quốc gia nào trên thế giới mà nội thất chùa lại
được trang trí xa hoa và lộng lẫy như ở chùa ở Nhật Bản. Với kiến
trúc các gian điện Phật cao, thoáng, nhiều ánh sáng tự nhiên, với

tượng Phật to (thường chỉ một tượng) màu vàng tôn quý của tượng
Phật đã nổi bật, tạo cảm giác hoành tráng, uy nghi, thiêng liêng và
tối thượng cho những người mộ đạo. Cũng như ở Trung Quốc hay
bất kỳ quốc gia phong kiến nào, màu vàng, nhất là màu được làm
từ các chất liệu quý như vàng, đồng, là màu trung tâm trong ngũ
sắc, là màu tượng trưng cho quyền lực tối cao của vua chúa, vì thế
việc sử dụng những chất liệu quý vào việc làm tượng Phật ở các
chùa Nhật Bản cho thấy sự đồng nhất hóa giữa quyền lực vương
quyền và quyền năng của đức Phật ở Nhật Bản trong nhiều thời kỳ
lịch sử. Từ đó có thể suy ra rằng, nếu không có sự đầu tư về tài
chính và nhân lực khổng lồ của giai cấp quý tộc, những người
nắm địa vị thống trị trong xã hội, thì không thể có những ngôi
chùa dát vàng và những pho tượng bằng vàng, dát vàng hay đúc
bằng khối lượng đồng lớn như thế. Cộng thêm với những yếu tố
trang trí khác như điêu khắc, tranh vẽ, có thể khẳng định rằng nội
thất chùa Nhật Bản nói chung, màu sắc chùa nói riêng biểu lộ thị
hiểu thẩm mỹ cung đình (cao cấp, sang trọng, lộng lẫy và tinh tế)
của vua và giai cấp quý tộc Nhật Bản qua nhiều triều đại.
Tất cả những triết lý, thị hiếu thẩm mỹ đó đã được định hình
và tiếp diễn trong hàng ngàn năm, dù nước Nhật Bản đã trải qua
nhiều biến thiên lịch sử, đã tạo nên bản sắc. Nó tạo ra sự khác biệt
giữa chùa Nhật Bản với chùa Trung Quốc (luôn vươn đến cái vô
biên, cái trung tâm vũ trụ theo chiều cao và chiều rộng của công
trình kiến trúc, của màu sắc và chất liệu mang tính đẳng thứ (màu
đỏ và vàng, thể hiện uy quyền đứng trên tất cả của Phật pháp), đó
cũng là sự khác biệt với những ngôi chùa ở Việt Nam (chùa làng,
với mối quan hệ giản dị, thân thiết giữa con người với đức Phật,
với triết lý “Phật ở trong tâm”),…
Có thể nói, Heian là thời kỳ văn hóa Nhật Bản phát triển rực
rỡ nhất, chính văn hóa thời kỳ này đã hình thành bản sắc Nhật

Bản, từ Phật giáo, nghệ thuật đến chính trị. Nằm trong tổng thể
nền văn hóa Heian, chùa Nhật và màu sắc của nó thể hiện khá rõ
phạm trù xuyên suốt của mỹ học Nhật Bản còn được bảo lưu và
phát triển cho đến ngày nay, đó là “cái ưu nhã”. Ngày nay, văn


22
hóa Heian vẫn được người Nhật coi là tinh hoa Nhật Bản và nhà
nước hiện đại vẫn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Nhật Bản
theo tinh thần của Heian, kiến trúc chùa Nhật và màu sắc của nó
mà hiện nay chúng ta vẫn còn được chiêm ngưỡng chính là một
minh chứng cho tinh thần ấy.
Tiểu kết
Kể từ cuối thời Lý đến nay, đã hàng ngàn năm đạo Phật về
nương náu ở các làng quê Bắc Bộ, có thể nói chùa Phật ở châu thổ
Bắc Bộ cơ bản là chùa làng. Vì thế, đặc trưng thẩm mỹ màu sắc
chùa Việt ở Bắc Bộ chịu ảnh hưởng mạnh của xã hội làng ấy, cụ
thể ở 4 đặc trưng sau:
Xã hội làng với nền kinh tế tiểu nông tư hữu, năng suất lao
động thấp, phân hóa xã hội chậm, với tính tự quản cộng đồng
cao… đã tạo ra đặc trưng đầu tiên, đó là tính mộc mạc, bình dị của
màu sắc ngôi chùa làng. Dù chủ thể văn hóa của những ngôi chùa
làng ấy chỉ là những người nông dân, nhưng họ vẫn thấm nhuần
sâu sắc triết lý “âm dương - ngũ hành” của phương Đông. Vì thế
trong kiến trúc cũng như trong biểu thị màu sắc, họ vẫn thể hiện
được đặc trưng “âm dương hài hòa, ngũ hành tương sinh”. Gần
ngàn năm sống trong xã hội phong kiến, người dân quê ở châu thổ
Bắc Bộ chịu sự áp chế của những quy định ngặt nghèo của triều
đình trong việc xây dựng nhà cửa, các công trình tôn giáo và sử
dụng màu sắc. Vì thế, tính đẳng thứ là một đặc trưng nữa của đặc

trưng thẩm mỹ màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ. Do môi
trường khí hậu khắc nghiệt (nắng nóng, mưa nhiều, ẩm thấp) nên
vẻ ngoài của các ngôi chùa luôn bị rêu phong, tuy nhiên trong tâm
trí của người Việt thì chính sự rêu phong ấy lại là một đặc trưng
thẩm mỹ. Điều đặc biệt trái ngược với vẻ bên ngoài của ngôi chùa
là tính quy phạm tâm linh của màu sắc bên trong ngôi chùa: màu
đỏ (màu sinh khí) và màu vàng (màu thoát tục của Phật giáo)
trong ánh sáng yếu của ngôi chùa, trong ánh nến, trong khói
hương đã tạo nên màu sắc tâm linh cho ngôi chùa Việt.
Khi so sánh với màu sắc chùa ở Trung Quốc và Nhật Bản,
chúng ta sẽ thấy những đặc trưng trên của màu sắc chùa Việt là khác
biệt. Sự khác biệt đó không hẳn là do sự khác biệt về giáo lý Phật
giáo (bởi quá trình phát triển Phật giáo ở Bắc Bộ Việt Nam, Trung
Quốc và Nhật Bản là tương đồng: ban đầu là Tiểu Thừa, sau là Đại


23
Thừa), mà là do những yếu tố chính trị, kinh tế, truyền thống văn hóa
của những xã hội khác biệt tạo nên.
KẾT LUẬN
Mục tiêu trọng tâm của luận án Màu sắc chùa Việt ở châu
thổ Bắc Bộ là xác định và diễn giải mô hình thẩm mỹ màu sắc
chùa Việt ở góc nhìn liên ngành (mỹ thuật học, lịch sử và xã hội
học). Với cách tiếp cận liên ngành, luận án đã đạt được một số kết
quả nghiên cứu mới.
1. Xác định được mô hình màu sắc của chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
Luận án đã vận dụng phương pháp phân tích cấu trúc để xác định
được màu sắc của các thành tố trong cơ cấu màu sắc chùa Việt châu
thổ Bắc Bộ, qua đó tìm thấy “mẫu số chung” của cơ cấu màu sắc ấy.
Trên cơ sở “mẫu số chung” đó, luận án đã vận dụng các lý thuyết màu

sắc theo “âm dương - ngũ hành” của phương Đông và lý thuyết màu
sắc của hội họa thế giới để bước đầu diễn giải sự khác biệt của mô hình
màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ.
2. Diễn giải hiện tượng màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ
trên phương diện lịch sử
Luận án đã vận dụng những quan điểm lý thuyết lịch sử để
thấy rằng màu sắc chùa Việt ở châu thổ Bắc Bộ chỉ có thể được
hiểu và diễn giải khi gắn nó với những biến thiên về chính trị, tôn
giáo và nghệ thuật Phật giáo ở những thời kỳ khác nhau trong lịch
sử Việt Nam. Với cách tiếp cận này, luận án đã đạt được một số
kết quả nghiên cứu mới khi chỉ ra rằng:
- Chính trị là một tác nhân quan trọng đối với sự biến đổi màu sắc
ngôi chùa.
- Những biến đổi về mặt nghệ thuật kiến trúc (không phải
bằng chất liệu đá nữa mà dùng kết cấu vì kèo) cũng ảnh hưởng
đến phong cách ngôi chùa và màu sắc của ngôi chùa Việt ở châu
thổ Bắc Bộ.
- Sự chuyển đổi từ phật giáo Tiểu Thừa sang Đại Thừa cũng
ảnh hưởng đến kiến trúc và màu sắc ngôi chùa Việt.
- Những màu cơ bản của chùa Việt đều dựa vào công nghệ
chế tác màu sắc ở Việt Nam như màu đỏ (từ sơn son, màu gạch,
ngói), màu vàng (từ kỹ thuật thếp vàng hay đúc đồng), màu nâu
(từ sơn cánh gián).
3. Khái quát hóa đặc trưng thẩm mỹ màu sắc chùa Việt


×