MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
1.1 . Cơ sở lý luận
Đảng và nhà nước ta đã khẳng định trong hệ thống giáo dục quốc dân thì giáo
dục mầm non có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp chăm lo đào tạo và bồi
dưỡng thế hệ trẻ thành những người công dân tương lai của đất nước. Giáo dục
mầm non là nơi đặt nền móng đầu tiên của sự hình thành và phát triển nhân cách
cho con người. Lứa tuổi mẫu giáo là một quãng đời có tầm quan trọng trong quá
trình phát triển chung của trẻ, như L.N.Tonxtoi đã nhận định rằng: Tất cả những cái
gì mà đứa trẻ sẽ có sau này khi trở thành người lớn đều thu nhận được trong thời ấu
thơ. Trong cuộc sống của con người có rất nhiều hoạt động. Ở mỗi lứa tuổi khác
nhau sẽ có một hoạt động chủ đạo, hoạt động này sẽ chi phối các hoạt động khác
của con người, nó có vai trò quyết định đến sự phát triển nhân cách. Ở lứa tuổi mẫu
giáo, hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi mà trung tâm là trò chơi đóng vai
theo chủ đề (ĐVTCĐ). Trong khi chơi, trẻ hình thành nhân cách cho mình. Về vấn
đề này A.X.Macarencô nhà giáo dục Nga đã viết: “Chơi có ý nghĩa rất quan trọng
trong cuộc sống của đứa trẻ chẳng khác gì công việc, sự phục vụ của người lớn.
Đứa trẻ thể hiện ra như thế nào trong trò chơi thì sau này trong phần lớn trường hợp
nó cũng thể hiện ra như thế trong công việc… vì vậy mà chúng ta có quyền gọi chơi
là trường học của cuộc sống”. [9, tr.10]
Hoạt động vui chơi của trẻ mẫu giáo mà trung tâm là trò chơi ĐVTCĐ đã chứng
minh những khẳng định về vai trò của hoạt động vui chơi đối với trẻ em. Thật vậy,
trò chơi ĐVTCĐ là hình thức tiếp xúc độc đáo của trẻ với cuộc sống xã hội được trẻ
ưa thích, đặt biệt là trẻ mẫu giáo. Khoảng 3 tuổi, khi tính độc lập của trẻ phát triển
mạnh, thích sống và làm việc như người lớn (Lái xe giống bố, nấu cơm giống mẹ,
…) thích gia nhập vào những mối quan hệ xã hội, nhưng khả năng của các cháu còn
quá non yếu, không thể làm nổi những việc đó. Để giải quyết mâu thuẫn này, trẻ em
phải tìm đến một loại hoạt động gần giống của người lớn trong xã hội – tham gia
vào trò chơi ĐVTCĐ. Ở đây trẻ thử ướm mình vào một người lớn nào đó mà trẻ
1
quan tâm để hành động giống họ. Khi tham gia vào trò chơi này trẻ được thỏa mãn
nguyện vọng là được sống và làm việc giống người lớn. Trong khi tham gia vào trò
chơi ĐVTCĐ, lần đầu tiên những mối quan hệ giữa người với người được hiện ra
một cách khách quan trước trẻ, qua đó trẻ có thể hiểu được mỗi người lớn trong xã
hội đều có quyền lợi và nghĩa vụ đối với bản thân cũng như đối với mọi người xung
quanh như thế nào. Bằng việc tham gia vào trò chơi ĐVTCĐ mà mỗi trẻ không còn
nhìn mình bằng con mắt chủ quan như trước đây. Lúc này, trẻ đã biết nhìn mình
như một người khác – một nhân vật của đời sống xã hội. Thế là trò chơi ĐVTCĐ đã
giúp trẻ biến mình thành một nhân cách của xã hội. So với các loại trò chơi khác thì
trò chơi ĐVTCĐ là loại trò chơi mang đầy đủ nhất, rõ nét nhất những đặc điểm của
trò chơi nói chung và so với trò chơi phản ảnh sinh hoạt thì trò chơi ĐVTCĐ được
phổ biến nhất ở trẻ mẫu giáo, mang bản chất xã hội sâu sắc.
1.2 . Cơ sở thực tiễn.
Thực tế, việc tổ chức và hướng dẫn cho trẻ mẫu giáo lớn tham gia vào trò chơi
ĐVTCĐ ở các trường Mầm Non thành phố Tuy Hoà – Tỉnh Phú Yên đã được các
cô quan tâm và chú trọng. Song các cô vẫn chưa phát huy hết vai trò của trò chơi
ĐVTCĐ đối với sự phát triển nhân cách cho trẻ mẫu giáo lớn, một số trẻ vẫn chưa
thực hiện tốt khi tham gia trò chơi, trẻ có biểu hiện nhàm chán khi tham gia vì chủ
đề chơi còn nghèo nàn, đơn giản. Vì vậy, chúng ta cần phải đề ra một số biện pháp
nhằm nâng cao chất lượng tổ chức trò chơi ĐVTCĐ để phát triển nhân cách cho trẻ
mẫu giáo lớn.
Ý thức được ý nghĩa của trò chơi ĐVTCĐ đến sự phát triển nhân cách của trẻ em
trong xã hội mới hiện nay và xuất phát từ thực trạng việc tổ chức trò chơi ĐVTCĐ
tại các trường Mầm Non trên địa bàn thành phố Tuy Hoà – Tỉnh Phú Yên. Vì vậy,
chúng tôi đã chọn nghiên cứu đề tài “Tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ mẫu giáo
lớn (5-6 tuổi) ở các trường mầm non thành phố Tuy Hoà, tỉnh Phú yên”
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài trên chúng tôi nhằm: Tìm hiểu ý nghĩa của trò chơi
đóng vai trò theo chủ đề với sự phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo lớn (5-
2
6 tuổi). Và tìm hiểu thực trạng của việc tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ mẫu
giáo lớn ở các trường mầm non trên địa bàn thành phố Tuy Hòa – Tỉnh Phú
Yên. Trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ
mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) ở các trường mầm non tại thành phố Tuy Hòa nhằm
góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường hiện nay.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu.
3.1 . Khách thể nghiên cứu.
Trò chơi đóng vai trò theo chủ đề với sự phát triển nhân cách của trẻ.
3.2 . Đối tượng nghiên cứu.
Biện pháp tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) ở các
trường mầm non thuộc thành phố Tuy Hòa – Tỉnh Phú Yên.
4. Giả thuyết khoa học.
Nếu xác định được biện pháp tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ 5-6 tuổi ở
các trường mầm non thành phố Tuy Hòa phù hợp với sự phát triển tâm sinh
lý ở lứa tuổi, phù hợp với thực tiễn như: Tạo môi trường cho trẻ chơi, tổ
chức trò chơi, lựa chọn nội dung chơi, động viên khuyến khích trẻ…thì sẽ
giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách có hiệu quả.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu.
5.1. Nghiên cứu hệ thống lý luận về sự phát triển nhân cách của trẻ thông qua
trò chơi đóng vai trò theo chủ đề cho trẻ 5-6 tuổi ở các trường mầm non.
5.2. Khảo sát thực trạng việc tổ chức trò chơi đóng vai trò theo chủ đề cho trẻ
5-6 tuổi ở các trường mầm non của thành phố Tuy Hòa – Phú Yên.
5.3. Xây dựng các biện pháp tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ 5-6 tuổi ở các
trường mầm non thuộc thành phố Tuy Hòa – Phú Yên và thực nghiệm sư
phạm.
6. Phạm vi nghiên cứu.
6.1. Nghiên cứu tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ 5-6 tuổi.
6.2. Triển khai nghiên cứu trên địa bàn 03 (ba) trường mầm non thực hành:
Hướng Dương, Hoa Hồng, Sơn Ca.
3
7. Phương pháp nghiên cứu.
7.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận.
Phân tích tư liệu đã có về lý luận liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
7.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn.
7.2.1. Phương pháp quan sát sư phạm.
Trực tiếp quan sát trẻ trong quá trình tham gia trò chơi để nắm được thực
trạng về sự hình thành nhân cách ở trẻ thông qua trò chơi.
Quan sát hoạt động tổ chức trò chơi của giáo viên đối với trẻ mẫu giáo
lớn (5-6 tuổi) nhằm tìm ra những biện pháp tổ chức trò chơi ĐVTCĐ.
7.2.2. Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi.
Điều tra thu thập các thông tin về nhận thức và cách thức tổ chức trò
chơi ĐVTCĐ cho trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) của các giáo viên, cán bộ quản lý
trường và nguyện vọng của các cô vào thời gian tới. Trên cơ sở đó đánh giá thực
trạng, thái độ, nhận thức, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên mầm non về biện pháp
tổ chức trò chơi ĐVTCĐ trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo lớn (56 tuổi) ở các trường mầm non.
7.2.3. Phương pháp lấy ý kiến.
Thu thập, lấy ý kiến từ giáo viên, cán bộ quản lý ngành mầm non có kinh
nghiệm về vấn đề giáo dục trẻ mẫu giáo để có được các thông tin khoa học và thực
tiễn của vấn đề nghiên cứu nhằm kiểm chứng một cách khách quan các giả thuyết
khoa học, các biện pháp đề xuất thực nghiệm. Việc lấy ý kiến còn cho phép nhìn
nhận vấn đề từ nhiều phía khác nhau đối với thực trạng các biện pháp tổ chức trò
chơi ĐVTCĐ cho trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi), từ đó sẽ làm tăng thêm độ tin cậy về
các kết quả điều tra thu được.
7.2.4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm.
Từ việc trao đổi, thảo luận với các nhà quản lý, giáo viên mầm non về
nghiên cứu trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, để tổng kết những kinh
nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức trò chơi ĐVTCĐ cho trẻ mầm non nói chung
và cho trẻ mẫu giáo lớn nói riêng.
4
7.2.5. Phương pháp thực nghiệm sư phạm.
Tiến hành thực nghiệm một số biện pháp tổ chức trò chơi ĐVTCĐ đã xây
dựng đối với nhóm trẻ thực nghiệm. Còn nhóm đối chứng giữ nguyên không tác
động. Các nhóm thực nghiệm và đối chứng tương đương nhau về mọi mặt.
7.3. Nhóm phương pháp xử lí số liệu.
Phương pháp xử lí số liệu bằng toán thống kê.
Dùng phương pháp toán học thống kê để xử lí số liệu điều tra có định lượng
chính xác cho nội dung, biện pháp nhằm nâng cao tính thuyết phục của vấn đề
nghiên cứu.
Trên cơ sở so sánh các giá trị thu được giữa nhóm thực nghiệm và đối chứng,
đánh giá hiệu quả của các biện pháp được đề xuất.
8. Cấu trúc đề tài nghiên cứu.
- Chương 1: Cơ sở lý luận về tổ chức trò chơi đóng vai trò theo chủ đề cho
trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) ở trường mầm non.
- Chương 2: Thực trạng tổ chức trò chơi đóng vai trò theo chủ đề cho trẻ mẫu
giáo lớn (5-6 tuổi) ở các trường mầm non thuộc thành phố Tuy Hòa.
- Chương 3: Biện pháp tổ chức trò chơi đóng vai trò theo chủ đề cho trẻ mẫu giáo
lớn (5-6 tuổi) ở các trường mầm non thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
5
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI THEO CHỦ ĐỀ
CHO TRẺ MẪU GIÁO LỚN (5-6 TUỔI) Ở TRƯỜNG MẦM NON
1.1.
Sơ lược tổng quan nghiên cứu vấn đề.
1.1.1.
Sơ lược tổng quan nghiên cứu vấn đề trên thế giới.
Từ lâu, giáo dục mầm non đã giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp
đào tạo và bồi dưỡng con người. Đây là nhiệm vụ khó khăn cho các nhà giáo dục, vì
lứa tuổi mầm non là độ tuổi khó giáo dục và cũng là lứa tuổi ban đầu hình thành
nhân cách của một con người. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ - đặc
biệt là trò chơi ĐVTCĐ giữ một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nhân
cách cho trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi). Cho nên hoạt động vui chơi – đặc biệt là trò
chơi ĐVTCĐ đã từ lâu thu hút, lôi cuốn sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa
học thuộc các lĩnh vực khác nhau như: sinh học, xã hội học, tâm lý học, giáo dục
hoc.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhiều học thuyết về trò chơi xuất hiện. Trên cơ
sở đó, các nhà khoa học phát triển trò chơi ĐVTCĐ ở trẻ. Các nhà tâm lý học, giáo
dục học như: A.N. Leonchiep; Đ.B. Enconhin; N.K. CrupxKaia; A.P. Uxova; A.V.
Daporozet; L.X. Vugotxky; A.X. Macarenco; A.I. XororoKiala…đã khẳng định
hoạt động chơi chính là một phương tiện vô cùng hữu hiệu trong giáo dục nhân cách
cho trẻ. Các nhà nghiên cứu Xô Viết đã đưa ra cách nhìn mới về bản chất xã hội
trong trò chơi trẻ em. Họ đều khẳng định: trò chơi – đặc biệt là trò chơi ĐVTCĐ có
vai trò quan trọng hình thành nhân cách cho trẻ mẫu giáo. Là một hình thức hoạt
động chủ yếu hình thành hành vi xã hội của bản thân trẻ, hình thành thái độ của trẻ
đối với cuộc sống. Là phương tiện kích thích trẻ thực hiện các hành động thực tiễn
và là phương tiện củng cố sự hợp tác cần thiết ở trẻ.
Điển hình, A.N. Leonchiep đã nghiên cứu: “hoạt động – ý thức – nhân cách”.
Ông đã đưa ra những nhận định về vai trò của hoạt động vui chơi đối với sự phát
triển ý thức và nhân cách. Hay nhà tâm lý học N.K. CrupxKaia nghiêm cứu rõ hơn
tác dụng của trò chơi đối với đời sống của trẻ mẫu giáo: “trò chơi của trẻ mẫu giáo”.
6
Và một trong những tên tuổi góp phần xây dựng về những quan điểm, học thuyết
quan trọng của vấn đề giáo dục nhân cách cho trẻ thông qua trò chơi đó là nhà giáo
dục học nổi tiếng A.X. Macarenco.
Bên cạnh đó một số nhà tâm lý học, giáo dục học Xô Viết khác cũng khẳng định
rằng: Trò chơi ĐVTCĐ là sản phẩm sáng tạo của trẻ dưới ảnh hưởng trực tiếp của
môi trường xung quanh. Họ nghiên cứu lịch sử phát triển của trò chơi trong mối liên
quan với sự phát triển của xã hội loài người và với sự thay đổi vị trí của đứa trẻ
trong hệ thống các mối quan hệ xã hội.
Nhà tâm lý học người Pháp Henry Wallon (1879-1962) trong khi nghiên cứu về
trò chơi ĐVTCĐ ông đã chỉ ra tính phức tạp và đầy mâu thuẫn trong hoạt động vui
chơi của trẻ. Trong trò chơi ĐVTCĐ, trẻ tác động lại thế giới bên ngoài nhằm lĩnh
hội cho được những năng lực của con người chứa trong thế giới đó. Trẻ luyện tập
được năng lực vận động, cảm giác và những năng lực trí tuệ, luyện tập những chức
năng và các mối quan hệ xã hội.
1.1.2.
Sơ lược tổng quan nghiên cứu vấn đề ở Việt Nam.
Đã có nhiều tác giả nghiên cứu về vấn đề hoạt động vui chơi đặc biệt là trò
chơi ĐVTCĐ đối với trẻ mẫu giáo.
Lê Minh Thuận nghiên cứu: “Trò chơi phân vai theo chủ đề và việc hình
thành nhân cách trẻ mẫu giáo”.
Nguyễn Ánh Tuyết nghiên cứu về: “Tổ chức hướng dẫn trẻ mẫu giáo chơi”
và “Trò chơi trẻ em”.
Trần Quốc Minh Hiệu trưởng trường Cao đẳng sư phạm mẫu giáo Thành phố
Hồ Chí Minh cũng đã có bài viết về vấn đề sử dụng trò chơi như thế nào cho phù
hợp để phát triển nhân cách cho trẻ.
Ngoài ra, vấn đề này không chỉ được nghiên cứu trong khoa học mà ngay
trong các tạp chí, sách báo cũng đề cập đến vấn đề trên. Điển hình với bài viết:
“Quyền được vui chơi, thông tin của trẻ em trong con mắt người nghiên cứu tâm lý
học” (Tạp chí tâm lý học số 7 tháng 10 năm 2001 của tác giả Lê Thị Hồng Nga).
7
Tác giả đã khẳng định hoạt động vui chơi và tìm kiếm thông tin của trẻ mẫu giáo là
con đường cơ bản để hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.
Như vậy, qua tìm hiểu lịch sử nghiên cứu việc tổ chức các hoạt động vui
chơi cho trẻ mẫu giáo trong và ngoài nước hầu hết các tác giả đều nghiên cứu tâm lý
trẻ và nhân cách trẻ mẫu giáo chủ yếu thông qua các loại trò chơi. Tuy nhiên, cho
đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của trò chơi
ĐVTCĐ đến sự phát triển nhân cách cho trẻ mẫu giáo lớn (5 – 6 tuổi).
1.2.
Một số khái niệm liên quan đến đề tài nghiên cứu.
1.2.1 Nhân cách.
1.2.1.1 Khái niệm về nhân cách.
Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Mỗi một môn
khoa học nghiên cứu một mặt nào đó của con người. Trong các khoa học nghiên
cứu về con người thì tâm lí học chiếm một vị trí đặc biệt, nó nằm ở vị trí trung tâm
của hình tam giác có ba đỉnh là: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và triết học.
Trong khoa học tâm lí nhân cách của con người là một vấn đề trọng tâm cốt lõi. Các
nhà tâm lí học cho rằng khái niệm nhân cách là một phạm trù xã hội, có bản chất xã
hội – lịch sử, nghĩa là nội dung của nhân cách là nội dung của những điều kiện lịch
sử cụ thể của xã hội chuyển vào thành đặc điểm nhân cách của từng người. Có rất
nhiều khái niệm khác nhau về khái niệm nhân cách của các nhà tâm lí học và có thể
nêu lên một số khái niệm như sau:
A.N.Leonchiev cho rằng nhân cách là ý thức bản ngã, ý thức về cái “tôi” của
mình, là kết quả, là sản phẩm sinh thành của một con người với tư cách là một nhân
cách.
A.G.Côvaliôv định nghĩa nhân cách là một cá nhân có ý thức, chiếm một vị trí
nhất định trong xã hội và đang thực hiện một vai trò xã hội nhất định.
GailF.Huon lại định nghĩa nhân cách là một cấu trúc phức tạp gồm các mặt: tình
cảm, nhận thức và hành vi, các mặt này cung cấp sự định hướng mạch lạc, chặt chẽ
đối với cuộc sống của mỗi cá nhân.
8
E.V.Sôrôkhôva cho rằng nhân cách là con người với tư cách là kẻ mang toàn bộ
thuộc tính và phẩm chất tâm lí, quy định các hình thức hoạt động và hành vi có ý
nghĩa xã hội.
Ở Việt Nam theo tác giả Nguyễn Ngọc Bích trong cuốn Tâm lý học nhân cách
thì chưa có một định nghĩa nhân cách nào một cách chính thống. Song cách hiểu
của người Việt Nam về nhân cách có thể theo các mặt sau đây:
- Nhân cách được hiểu là con người có đức và tài hay là tính cách và năng lực
hoặc là con người có các phẩm chất: Đức, trí, thể, mỹ, lao (lao động).
- Nhân cách được hiểu như các phẩm chất và năng lực của con người.
- Nhân cách được hiểu như phẩm chất của con người mới: Làm chủ, yêu nước,
có tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần lao động.
Từ những định nghĩa khác nhau về nhân cách của các nhà tâm lí học trên thế
giới, ta có thể nêu lên một định nghĩa chung nhất về nhân cách: Nhân cách là tổ hợp
những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã
hội của con người. [13, tr.110]
Nhân cách là sự tổng hoà không phải các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ
là những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ
mặt tâm lý - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. Đây là định
nghĩa về nhân cách được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam.
Như vậy, nhân cách là sự tổ hợp không phải là những đặc điểm cá nhân của con
người, mà chỉ là những đặc điểm quy định con người như một thành viên của xã
hội, nói lên bộ mặt tâm lí – xã hội, giá trị và cốt cách làm người của một cá nhân.
Nhân cách không phải là một nét, một phẩm chất tâm lí riêng lẻ mà là một cấu trúc
tâm lí mới. Nói cách khác, nhân cách là tổng thể những đặc điểm tâm lí đặc trưng
của một cơ cấu xác định. Do đó, không phải con người sinh ra đã có nhân cách,
nhân cách được hình thành dần trong quá trình tham gia các mối quan hệ xã hội của
con người. Những thuộc tính tâm lí tạo thành nhân cách thường biểu hiện ở 3 cấp
độ: Cấp độ bên trong cá nhân, cấp độ liên cá nhân, cấp độ biểu hiện ra bằng hoạt
động và sản phẩm của nó.
9
1.2.1.2 Khái niệm về sự phát triển nhân cách.
Sự phát triển nhân cách không phải chỉ là sự tăng trưởng về lượng các thuộc tính
sinh học của cơ thể con người mà là sự biến đổi về chất của các thuộc tính tâm lí,
sinh lí, xã hội trong quá trình sống của cá nhân.
Sự phát triển về mặt thể chất biểu hiện ở sự tăng trưởng của cơ thể về chiều cao,
cân nặng, cơ bắp, hoàn thiện các giác quan, phối hợp các vận động cơ bản của cơ
thể.
Sự phát triển về mặt tâm lí biểu hiện ở những biến đổi cơ bản trong quá trình
nhận thức, xúc cảm, tình cảm, ý chí, sự hình thành các thuộc tính tâm lí mới của
nhân cách.
Sự phát triển về mặt xã hội của cá nhân biểu hiện ở những biến đổi trong ứng xử
của cá nhân đó với những người xung quanh, ở sự tích cực tham gia của cá nhân đó
vào đời sống xã hội.
1.2.1.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách.
Nhân cách không có sẵn bằng cách bộc lộ dần các bản năng nguyên thủy, mà
nhân cách là các cấu tạo tâm lí mới được hình thành và phát triển trong quá trình
sống – giao tiếp, vui chơi, học tập, lao động... Nhà tâm lí học Xô viết nổi tiếng
A.N.Lêônchiev chỉ ra rằng: nhân cách cụ thể là nhân cách của con người sinh thành
và phát triển theo con đường từ bên ngoài chuyển vào nội tâm, từ các quan hệ với
thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, nền văn hóa xã hội do các thế hệ trước tạo ra, các
quan hệ xã hội mà nó gắn bó.
Trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách thì giáo dục, hoạt động, giao
tiếp và tập thể có vai trò ảnh hưởng rất lớn.
- Giáo dục và nhân cách
Giáo dục là một hiện tượng xã hội, là quá trình tác động có mục đích, có kế
hoạch, ảnh hưởng tự giác, chủ động đến con người, đưa đến sự hình thành và phát
triển tâm lí, ý thức, nhân cách.
Theo nghĩa rộng, giáo dục là toàn bộ tác động của gia đình, nhà trường, xã hội,
bao gồm cả dạy học và các tác động giáo dục khác đến con người. Theo nghĩa hẹp,
10
giáo dục có thể xem như là quá trình tác động đến tư tưởng, đạo đức, hành vi của
con người.
Trong sự hình thành và phát triển nhân cách thì giáo dục giữ vai trò chủ đạo,
điều đó được thể hiện như sau:
+ Giáo dục vạch ra phương hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách, vì
giáo dục là quá trình tác động có mục tiêu xác định, hình thành một mẫu người cụ
thể cho xã hội – một mô hình nhân cách phát triển, đáp ứng những yêu cầu của cuộc
sống.
+ Thông qua giáo dục, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau lĩnh hội, tiếp thu
nền văn hóa xã hội – lịch sử để tạo nên nhân cách của mình.
+ Giáo dục đưa con người, đưa thế hệ trẻ vào “vùng phát triển gần nhất”, vươn
tới những cái mà thế hệ trẻ sẽ có, tạo cho thế hệ trẻ một sự phát triển nhanh, mạnh,
hướng về tương lai.
+ Giáo dục có thể phát huy tối đa các mặt mạnh của các yếu tố khác chi phối sự
hình thành nhân cách như các yếu tố thể chất, yếu tố hoàn cảnh sống, yếu tố xã hội,
đồng thời bù đắp cho những thiếu hụt, hạn chế do các yếu tố trên sinh ra (như người
bị khuyết tật, hoàn cảnh không thuận lợi...).
+ Giáo dục có thể uốn nắn những sai lệch về một mặt nào đó so với các chuẩn
mực do tác động tự phát của môi trường gây nên và làm cho nó phát triển theo
hướng mong muốn của xã hội.
Giáo dục giữ vai trò chủ đạo quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách,
song không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, giáo dục không phải là vạn năng,
cần phải tiến hành giáo dục trong mối quan hệ hữu cơ với việc tổ chức hoạt động, tổ
chức quan hệ giao tiếp, hoạt động cùng nhau trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ
nhóm và tập thể. Giáo dục không tách rời với tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn
thiện nhân cách ở mỗi cá nhân.
- Hoạt động và nhân cách
Hoạt động là phương thức tồn tại của con người, là nhân tố quyết định trực tiếp
sự hình thành và phát triển nhân cách. Hoạt động của con người là hoạt động có
11
mục đích, mang tính xã hội, mang tính cộng đồng, được thực hiện bằng những thao
tác nhất định với những công cụ nhất định.
Thông qua hai quá trình đối tượng hóa và chủ thể hóa trong hoạt động mà nhân
cách được bộc lộ và hình thành. Con người lĩnh hội kinh nghiệm xã hội lịch sử bằng
hoạt động của bản thân để hình thành nhân cách. Mặt khác, cũng thông qua hoạt
động con người xuất tâm “lực lượng bản chất” (sức mạnh của thần kinh, cơ bắp, trí
tuệ, năng lực...) vào xã hội, “tạo nên sự đại diện nhân cách của mình” ở người khác,
trong xã hội.
Sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi người phụ thuộc vào hoạt động chủ
đạo ở mỗi thời kì nhất định. Muốn hình thành nhân cách, con người phải tham gia
vào các dạng hoạt động khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý tới vai trò của hoạt động
chủ đạo. Vì thế phải lựa chọn, tổ chức và hướng dẫn các hoạt động đảm bảo tính
giáo dục và tính hiệu quả đối với việc hình thành và phát triển nhân cách. Việc đánh
giá hoạt động là rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Việc đánh giá sẽ
chuyển dần thành tự đánh giá, giúp con người thấm nhuần những chuẩn mực, những
biểu giá trị xã hội, trở thành lương tâm của con người.
Tóm lại, hoạt động có vai trò quyết định trực tiếp sự hình thành và phát triển
nhân cách nên trong công tác giáo dục cần chú ý thay đổi làm phong phú nội dung,
hình thức, cách thức tổ chức hoạt động, sao cho lôi cuốn thực sự cá nhân tham gia
tích cực, tự giác vào các hoạt động đó. Hoạt động của con người luôn mang tính xã
hội, tính cộng đồng, nghĩa là hoạt động luôn đi với giao tiếp. Do đó, đương nhiên
giao tiếp là một nhân tố cơ bản trong hình thành, phát triển nhân cách.
- Giao tiếp và nhân cách
Nhà tâm lí học Xô viết nổi tiếng B.Ph.Lômôv cho rằng: “Khi chúng ta nghiên
cứu lối sống của một cá nhân cụ thể, chúng ta không thể chỉ giới hạn ở sự phân tích
xem nó làm cái gì và như thế nào, mà còn phải nghiên cứu xem nó giao tiếp với ai
và như thế nào” [13, tr.118]. Vì thế cùng với hoạt động có đối tượng, giao tiếp có
một vai trò cơ bản trong việc hình thành và phát triển nhân cách.
12
Giao tiếp là điều kiện tồn tại của các cá nhân và xã hội loài người. Nhu cầu giao
tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản, xuất hiện sớm nhất ở con người.
C.Mác đã chỉ ra rằng: “Sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát
triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao tiếp một cách trực tiếp và gián tiếp với
họ”. [13, tr.118]
Nhờ giao tiếp, con người gia nhập vào các quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hóa
xã hội, chuẩn mực xã hội, “tổng hòa các quan hệ xã hội” làm thành bản chất con
người, đồng thời thông qua giao tiếp con người đóng góp tài lực của mình vào kho
tàng chung của nhân loại, của xã hội.
Trong giao tiếp con người không chỉ nhận thức người khác, nhận thức các quan
hệ xã hội, mà còn nhận thức được chính bản thân mình, tự đối chiếu, so sánh mình
với người khác, với chuẩn mực xã hội, tự đánh giá bản thân mình như là một nhân
cách để hình thành một thái độ giá trị - cảm xúc nhất định đối với bản thân. Hay nói
khác đi, qua giao tiếp con người hình thành năng lực tự ý thức.
Tóm lại, giao tiếp là hình thức đặc trưng cho mối quan hệ người – người, là một
nhân tố cơ bản của việc hình thành, phát triển tâm lí, ý thức, nhân cách. Song hoạt
động và giao tiếp của con người chỉ có thể diễn ra trong cộng đồng, trong nhóm và
tập thể.
- Tập thể và nhân cách
Nhân cách con người được hình thành và phát triển trong môi trường xã hội.
Song con người lớn lên và trở thành nhân cách không phải là trong môi trường xã
hội trừu tượng chung chung, mà trong môi trường xã hội cụ thể: gia đình, làng xóm,
quê hương, khu phố, là các nhóm, cộng đồng và tập thể mà nó là thành viên. Gia
đình là nhóm cơ sở, là cái nôi đầu tiên mà nhân cách con người được hình thành từ
ấu thơ. Con người là thành viên của các nhóm nhỏ: nhóm chính thức, nhóm không
chính thức, nhóm thực và nhóm quy ước. Các nhóm nhỏ như gia đình, nhóm bạn
thân, lớp học, tổ công tác... có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển
nhân cách. Các nhóm có thể đạt tới trình độ phát triển cao được gọi là tập thể. Tập
13
thể là một nhóm người, một bộ phận xã hội được thống nhất lại theo những mục
đích chung, phục tùng các mục đích của xã hội.
Nhóm và tập thể có vai trò to lớn trong sự hình thành và phát triển nhân cách.
Trong nhóm và tập thể diễn ra các hình thức hoạt động đa dạng, phong phú (vui
chơi, học tập, lao động, hoạt động xã hội) và các mối quan hệ giao tiếp giữa các cá
nhân và cá nhân, cá nhân với nhóm, nhóm với nhóm. Ảnh hưởng của xã hội, các
mối quan hệ xã hội thông qua các nhóm và tác động đến từng người. Ngược lại, mỗi
cá nhân tác động đến cộng đồng, tới xã hội, tới cá nhân khác cũng thông qua các tổ
chức nhóm và tập thể mà nó là thành viên. Tác động của tập thể đến nhân cách
thông qua hoạt động cùng nhau, qua dư luận tập thể, truyền thống tập thể, bầu
không khí tâm lí tập thể. Vì thế trong giáo dục thường vận dụng nguyên tắc giáo
dục bằng tập thể và trong tập thể.
Tóm lại, bốn nhân tố giáo dục, hoạt động, giao tiếp và tập thể tác động đan
xen vào nhau, bổ sung hỗ trợ cho nhau trong việc hình thành phát triển nhân
cách.
1.2.2 Trò chơi đóng vai theo chủ đề.
1.2.2.1 Khái niệm về trò chơi.
Nhà Văn Nga MaximGorki viết: “Trò chơi là con đường dẫn trẻ em đến chỗ
nhận thức cái thế giới mà các em có sứ mệnh cải tạo sau này”. Như vậy, trò chơi
chính là cuộc sống của trẻ. Vì trò chơi là một hình thức hoạt động được bày ra để
thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của con người. Và đối với trẻ em, trò chơi là một
trong những loại hình hoạt động chủ yếu, đó là hoạt động phản ánh hiện thực xung
quanh một cách sáng tạo, độc đáo. Thông qua trò chơi người lớn giúp cho trẻ làm
quen với những phương thức hành vi của con người. Đồng thời trò chơi còn là một
phương pháp giáo dục thực hành hiệu nghiệm nhất đối với việc hình thành và phát
triển nhân cách, phát triển trí lực của trẻ mẫu giáo.
1.2.2.2 Các loại trò chơi.
Theo các nhà tâm lí học, chơi của trẻ em là một hiện tượng mang đậm bản chất
xã hội, tất nhiên bên cạnh còn có những yếu tố sinh vật. Trong lịch sử các dân tộc,
14
dân tộc nào cũng có một kho tàng trò chơi trẻ em được truyền từ thế hệ này sang thế
hệ khác và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội.
Ngày nay, trò chơi của trẻ mẫu giáo rất đa dạng, phong phú về nội dung, tính
chất cũng như cách thức tổ chức. Có rất nhiều cách phân loại khác nhau về trò chơi
của trẻ được dựa trên các căn cứ khác nhau:
- Trong những năm 60, ở nước ta, trò chơi của trẻ mẫu giáo phân thành 2 nhóm:
+ Nhóm 1: Trò chơi phản ánh sinh hoạt.
+ Nhóm 2: Trò chơi vận động.
- Trong những năm 80 đến nay, trò chơi của trẻ mẫu giáo phân thành 2 nhóm
chính:
+ Nhóm 1: Trò chơi sáng tạo.
Gồm những trò chơi mà nội dung cụ thể và cách chơi không có quy định trước,
trẻ căn cứ vào “vốn sống” của mình mà “sáng tạo” ra rồi thỏa thuận với nhau cùng
chơi. Nhóm này gồm các trò chơi: trò chơi ĐVTCĐ, trò chơi xây dựng – lắp ghép,
trò chơi đóng kịch.
+ Nhóm 2: Trò chơi có luật.
Gồm những trò chơi mà nội dung và đặc biệt là cách chơi đã được quy định cụ
thể, nếu vi phạm luật chơi, trò chơi sẽ bị phá vỡ. Nhóm này gồm các trò chơi: trò
chơi học tập, trò chơi vận động, trò chơi dân gian.
1.2.2.3 Khái niệm trò chơi ĐVTCĐ.
Ở tuổi mẫu giáo, thế giới người lớn với quyền lợi và nghĩa vụ xã hội của họ là
hình thức lí tưởng của trẻ em. Trò chơi ĐVTCĐ là hình thức mô hình hóa thế giới
người lớn được trẻ dựng nên và hoạt động bên trong mô hình đó. Chính vì vậy ta có
thể hiểu:
Trò chơi ĐVTCĐ là loại trò chơi mà khi chơi trẻ mô phỏng một mảng nào đó
của cuộc sống người lớn trong xã hội thông qua việc nhập vào (hay còn gọi là đóng
vai) một nhân vật nào đó để thực hiện chức năng xã hội của họ bằng những hành
động mang tính tượng trưng.
1.2.2.4 Đặc điểm của trò chơi ĐVTCĐ.
15
So với các loại trò chơi khác (trò chơi xây dựng, trò chơi vận động, trò chơi trí
tuệ...) thì trò chơi ĐVTCĐ là loại trò chơi mang đầy đủ nhất, rõ nét nhất những đặc
điểm của trò chơi nói chung và so với trò chơi phản ánh sinh hoạt (được hình thành
ở tuổi ấu nhi) thì trò chơi ĐVTCĐ được phổ biến nhất ở trẻ mẫu giáo, mang bản
chất xã hội sâu sắc hơn, có cấu trúc phức tạp nhiều hơn (gồm có: chủ đề chơi, hoàn
cảnh chơi, vai chơi và các mối quan hệ). Với cấu trúc trò chơi phức tạp như vậy nên
trò chơi ĐVTCĐ mang những đặc điểm nổi bật sau:
- Được gọi là trò chơi ĐVTCĐ trước hết là vì hành động chơi của người tham
gia trò chơi này bao giờ cũng xoay quanh một chủ đề nhất định, đó là một mảng
cuộc sống được phản ánh vào trò chơi dựa trên biểu tượng sinh động của chính trẻ
em về cuộc sống đang diễn ra hàng ngày, như sinh hoạt gia đình, trường học, giao
thông vận tải, mua bán... Phạm vi hiện thực mà trẻ tiếp xúc càng rộng bao nhiêu thì
chủ đề chơi càng phong phú bấy nhiêu và trẻ càng lớn thì chủ đề chơi càng trở nên
sâu rộng hơn. Lúc đầu trẻ chỉ phản ánh vào trò chơi những mảng cuộc sống gần gũi
xung quanh trẻ như sinh hoạt ở gia đình, ở bệnh viện, ở cửa hàng, dần dần đến
những chủ đề lớn hơn, xa hơn, như bưu điện, xây dựng nhà cửa, giao thông vận tải,
...
- Trò chơi ĐVTCĐ bao giờ cũng có vai và hành động chơi chủ yếu nhất được
thể hiện trong trò chơi này là đóng vai, tức là ướm mình vào vị trí của một người
lớn nào đó rồi bắt chước hành động của họ để thực hiện các chức năng xã hội. Vai
chơi là yếu tố chủ yếu để tạo nên trò chơi này và đóng vai là con đường dễ nhất
giúp trẻ thâm nhập vào cuộc sống của người lớn. Trò chơi ĐVTCĐ có thành hay
không điều đó phụ thuộc vào việc trẻ có đóng được vai hay không.
Vai chơi là linh hồn của trò chơi này, chính nhờ đóng vai mà trẻ mới có thể trải
nghiệm được những xúc cảm vui buồn, sung sướng, đau khổ..., mới hiểu được như
thế nào là mẹ, là cô bán hàng, là bác lái xe... Tất nhiên là bằng con mắt và tâm hồn
của trẻ thơ, nhưng đó lại là điều hết sức cần thiết để qua đó mà trẻ học làm người.
- Trò chơi ĐVTCĐ không phải là trò chơi cho từng người riêng lẻ theo kiểu chơi
một mình mà đây là trò chơi theo nhóm, các thành viên trong nhóm cùng hoạt động
16
với nhau, cùng chơi với nhau. Vì đây là trò chơi mô phỏng cuộc sống của người lớn
mà hoạt động của họ trong xã hội lại không thể mang tính chất đơn độc, riêng lẻ.
Trong xã hội, hoạt động của mỗi người bao giờ cũng liên quan với hoạt động của
nhiều người khác, nghĩa là hoạt động của con người bao giờ cũng có tính hợp tác.
Sự hợp tác giữa nhiều người trong một cộng đồng, giữa nhóm người này với nhóm
người khác là đặc trưng của xã hội loài người. Bởi vậy, để trò chơi ĐVTCĐ được
tiến hành cần phải có nhiều trẻ em cùng tham gia, tức là cần có bạn để cùng chơi
với nhau. Từ đó một “xã hội trẻ em” được hình thành với nhiều mối quan hệ, nhiều
khi cũng khá phức tạp, nhưng nổi bật lên là tính hợp tác giữa các trẻ cùng chơi với
nhau. Tính hợp tác là một nét phát triển mới, một nét tiêu biểu trong hoạt động vui
chơi của trẻ em và nó được hình thành bắt đầu từ lứa tuổi mẫu giáo, khi chúng biết
chơi với bạn bè.
- Trò chơi ĐVTCĐ là nơi trẻ có thể nhập vào các mối quan hệ xã hội.
Thực chất của trò chơi ĐVTCĐ là mô hình hóa những mối quan hệ xã hội mà trẻ
chịu sự chi phối. Đó là những mối quan hệ giữa người lớn với nhau được trẻ quan
tâm và trở thành đối tượng hành động của chúng. Trong trò chơi ĐVTCĐ các mối
quan hệ xã hội được bộc lộ rất rõ rệt và sức sống của trò chơi này là ở chỗ nó tạo ra
mối quan hệ giữa các vai. Hãy quan sát trò chơi “bác sĩ”, một trò chơi ĐVTCĐ
quen thuộc. Em bé đóng vai bác sĩ, mặc áo choàng trắng, đeo khẩu trang, cầm cái
ống nghe đặt lên ngực “bệnh nhân”, rồi ngồi vào bàn ghi đơn... Chuỗi thao tác này
chỉ thuần về kĩ thuật, tuy rất cần nhưng đây chưa phải là mặt chủ yếu của trò chơi
ĐVTCĐ. Khâu quan trọng nhất của trò chơi này là khi “bác sĩ” vỗ nhẹ vào vai của
“người bệnh” và nói với một giọng thương cảm: “Tôi đã khám cho bác rồi, bác đau
ở bụng đấy, bác cầm đơn ra quầy mua thuốc”, rồi động viên “người bệnh”: “Uống
xong là khỏi thôi mà, bác đừng lo!”, và đồng thời “người bệnh” nhìn “bác sĩ” nói:
“Cảm ơn bác sĩ ạ!”. Đây mới chính là cái bản chất của trò chơi ĐVTCĐ được thể
hiện ở thái độ tình cảm, động cơ của mỗi người trong mối quan hệ mà trẻ thiết lập
được giữa các vai chơi với nhau. Lúc này trẻ em đã nhìn mình như một người khác
– một nhân vật trong xã hội. Thế là bằng trò chơi ĐVTCĐ, đứa trẻ đảm nhiệm được
17
các “chức năng xã hội” và tự biến mình thành một nhân vật, một người lớn bất kì
nào trong xã hội, vì em bé có thể đóng bất cứ vai nào.
Trò chơi ĐVTCĐ còn giúp trẻ hiểu và thực hiện những quy tắc của cuộc sống xã
hội như mua hàng thì phải trả tiền, có khách vào nhà thì phải chào hỏi, làm phiền ai
thì phải xin lỗi... Khi trẻ tự nguyện thực hiện các chuẩn mực của đời sống xã hội
bằng việc nhập vai, trẻ chuyển dần những chuẩn mực đó vào bên trong đời sống tâm
lí của mình thì sẽ dần dần tạo ra một nhân cách của xã hội có phẩm chất nhất định.
- Trò chơi ĐVTCĐ mang tính biểu trưng cao. Trong khi chơi đứa trẻ tự nhận
cho mình một vai nào đó rồi hành động theo vai với những “vật thay thế” và tất cả
những gì xảy ra trong trò chơi đều chỉ là tưởng tượng. Trong khi chơi trẻ thường
gặp mâu thuẫn: đó là hành động của vai phải y như thật, nhưng lại với những vật
không thật. Đây là hoàn cảnh do trẻ tự tưởng tượng hay còn gọi là hoàn cảnh chơi,
trong đó từ vai chơi, hành động chơi đến đồ chơi đều là giả vờ cả nhưng lại rất thực
với trẻ em, vì nó phản ánh một điều rất thực đã xảy ra như vậy trong cuộc sống. Sự
kiện đó đã cho ra đời một chức năng mới của ý thức – chức năng kí hiệu – tượng
trưng, chức năng này có ở hầu hết trong các trò chơi trẻ em, nhưng nhiều hơn hết và
nổi bật hơn hết là ở trò chơi ĐVTCĐ.
1.2.2.5 Hình thức tổ chức trò chơi ĐVTCĐ.
Tổ chức chơi trong giờ đón trẻ, trong lớp học.
Cô cần chọn nội dung nhẹ nhàng mà trẻ đã biết chơi. Các trò chơi không
phải chuẩn bị đồ chơi nhiều. Tổ chức trò chơi ĐVTCĐ lúc đón trẻ nhằm giúp trẻ có
tâm trạng vui vẻ bước vào một ngày mới, tạo cho trẻ có tình yêu đối với trường lớp.
Cô vừa đón trẻ, vừa gợi ý chọn nội dung chơi, trò chơi mà trẻ thích để chơi,
cô bao quát trẻ chơi, động viên khen ngợi trẻ kịp thời khi có biểu hiện tôt như biết
chơi với đồ chơi, biết chơi với bạn. Đồng thời rèn cho trẻ thói quen chơi cất đồ chơi
đúng nơi quy định.
Chơi trong giờ hoạt động ngoài trời.
18
Cô tổ chức vào giờ hoạt động ngoài trời nhằm thay đổi không gian chơi và
tạo cho trẻ hứng thú. Với không gian rộng rãi, sạch sẽ, an toàn và gắn với môi
trường ở sân trường sẽ giúp trẻ tham gia chơi có hiệu quả.
Cô sử dụng nhiều trò chơi, nội dung chơi để tổ chức cho trẻ ở hoạt động
chơi tự do, hay hoạt động trải nghiệm.
Cô bao quát trẻ, tùy vào sở thích trẻ để hướng dẫn trẻ chơi. Cô có thể luân
đổi nội dung chơi để tránh trẻ nhàm chán.
Có thể cho trẻ tiếp xúc với các nguyên vật liệu chơi từ thiên nhiên như: lá
cây, cát, các loại hạt…giúp trẻ có khả năng sáng tạo hơn.
Tổ chức chơi trong hoạt động góc.
Đây là thời gian chính tổ chức trò chơi ĐVTCĐ, thời gian tương đối dài từ
(30-40 phút). Trẻ được trải nghiệm các vai chơi ở các góc chơi trong lớp học.
Ở các góc với vai chơi khác nhau, trẻ được chơi nhiều vai chơi với chủ đề
chung do cô giáo hướng dẫn.
Cô ổn định tổ chức và thăm dò ý tưởng của trẻ, sở thích của trẻ, cô cho trẻ
về các góc chơi. Cô quan sát và hướng dẫn, giúp đỡ trẻ kịp thời. Kết thúc buổi chơi
cô nhận xét.
Khi tổ chức chơi hình thức này cần căn cứ vào lứa tuổi để đưa ra nội dung,
phương pháp hướng dẫn cụ thể.
Chơi trong hoạt động chiều.
Hoạt động chơi được tổ chức vào buổi chiều, trong lớp học, hoặc ngoài trời
(nếu có bóng mát).
Ở thời điểm này cô hướng dẫn tổ chức chơi nội dung mới hoặc chơi những
nội dung cũ nhằm củng cố ôn luyện kỹ năng chơi cho trẻ.
Tùy thuộc vào đặc điểm chơi và yêu cầu đối với trẻ các giai đoạn lứa tuổi
mà cô lựa chọn nội dung và phương pháp hướng dẫn trẻ chơi cho phù hợp, thoải
mái nhu cầu của trẻ, đồng thời phát huy vai trò của trò chơi đối với sự phát triển và
giáo dục trẻ mẫu giáo.
19
Thời điểm này, cô giáo có thể lên kế hoạch dành thời gian luyện tập bổ sung
cho trẻ kỹ năng chơi yếu, trẻ nhút nhát.
Đồng thời, cô nên luôn đổi trò chơi cho trẻ ở các buổi sinh hoạt chiều để trẻ
khỏi bị nhàm chán.
Chơi trong thời gian trả trẻ.
Cũng giống như giờ đón trẻ. Cô chọn nhưng nội dung, trò chơi nhẹ nhàng,
không mất nhiều thời gian chuẩn bị, là những trò chơi trẻ đã biết và được tổ chức
trong lớp.
Cô vừa bao quát trẻ và vừa trả trẻ, trẻ có thể chơi theo ý thức của mình. Cô
giúp trẻ nhớ lại cách chơi và chơi vui vẻ, hòa đồng với nhau.
1.3 Trò chơi ĐVTCĐ đối với sự phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo lớn (5-6
tuổi).
1.3.1. Đặc điểm sự phát triển nhân cách của trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi).
1.3.1.1. Những phẩm chất của nhân cách
- Khả năng tự ý thức về bản thân
Ở giai đoạn phát triển tuổi mầm non đặc biệt là mẫu giáo lớn đã có sự xuất hiện
những nét nhân cách cơ bản của một nhân cách hoàn thiện. Nếu như ở tuổi hài nhi
khả năng ý thức của trẻ còn kém thì ở tuổi mẫu giáo khả năng này đã được hình
thành và phát triển mạnh.
Từ 3 – 6 tuổi trẻ mới chính thức nhận ra được chính mình, bắt đầu hình thành ý
thức về bản thân, tuy nhiên trong ý thức của trẻ ở lứa tuổi này vẫn chưa chủ định.
Cụ thể trẻ chưa nhận thức đâu là ý muốn, nhu cầu chủ quan của mình với những
quy định, quy tắc đã được đề ra cho nó và trẻ có những đòi hỏi mà người lớn không
thể đáp ứng được. Đến cuối tuổi mẫu giáo, trẻ bắt đầu biết nhận thức đúng mình,
biết đánh giá về bản thân mình có khả năng lĩnh hội về những chuẩn mực, quy tắc
để đánh giá người khác và bản thân.
Thông qua khả năng tự ý thức của mình phần nào giúp trẻ điều khiển và điều
chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với chuẩn mực, quy tắc, quy định của xã hội
và trẻ biết kiểm định mình. Thể hiện là trẻ đã biết điều chỉnh hành vi của mình,
20
chuyển từ hành vi bột phát sang hành vi mang tính xã hội, trẻ tự khẳng định mình
trong nhóm bạn bè, trong gia đình. Trẻ biết mình cần phải làm gì và cần phải hành
động như thế nào trong khi chơi và giao tiếp với mọi người xung quanh. Mặt khác,
do trẻ có ý thức và tự khẳng định mình nên trẻ thực hiện một cách có ý thức những
công việc mà người lớn giao cho. Xuất phát từ động cơ khẳng định mình bằng việc
hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao thông qua việc tự đánh giá kết quả hoạt
động của mình, trẻ luôn có mong muốn làm cho người khác hài lòng, có ý thức hợp
tác với bạn bè thông qua việc tham gia tích cực vào trò chơi.
- Sự phát triển ý chí
Bước vào tuổi mẫu giáo ý chí bắt đầu xuất hiện như là sự điều chỉnh có ý thức
với hành vi của bản thân. Thể hiện ở chỗ: trẻ biết tự kiểm tra tư thế của mình như
ngồi im lặng để nghe kể chuyện, biết kiềm chế những đòi hỏi không đúng lúc,
không phù hợp như giành đồ chơi của bạn, đánh bạn để lấy đồ chơi mà mình thích.
Đến tuổi mẫu giáo lớn thì hành động ý chí của trẻ ngày càng rõ rệt hơn, trẻ biết xác
định động cơ cho hành động của mình, có ý thức cố gắng hoàn thành tốt công việc
của mình mà người lớn giao cho, có trách nhiệm với bản thân mình và những người
xung quanh.
Như vậy ý chí của trẻ mẫu giáo được hình thành thông qua hoạt động giáo dục
mà trước hết đó là sự giáo dục của giáo viên và những người thân xung quanh trẻ.
Họ là người cổ vũ, động viên, khuyến khích giúp trẻ vượt qua những khó khăn ban
đầu, biết cách hướng dẫn trẻ đặt ra mục đích và động cơ cho hành động của mình.
- Sự phát triển đời sống tình cảm
Ở tuổi mẫu giáo, tình cảm chi phối tất cả các mặt trong hoạt động tâm lí của trẻ,
đặc biệt là ở tuổi mẫu giáo lớn, đời sống tình cảm có sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu
sắc và phong phú, đa dạng hơn. Sự phát triển về tình cảm của trẻ gắn liền với việc
mở rộng quan hệ giao tiếp của trẻ với mọi người xung quanh. Trẻ ở tuổi mẫu giáo
rất khao khát tình cảm yêu thương, trìu mến. Chúng thể hiện sự vui mừng khi người
21
lớn, bố mẹ, cô giáo khen ngợi, động viên, khuyến khích khi trẻ làm được một việc
gì đó. Tuy nhiên, trẻ cũng biết buồn rầu, sợ hãi trước sự thờ ơ, lạnh nhạt của những
người xung quanh, khi bị cô giáo hay bố mẹ la mắng.
Ở lứa tuổi này sự bộc lộ tình cảm của trẻ cũng rất lớn, trẻ muốn bộc lộ tình cảm
của mình và thiết lập mối quan hệ với những người thân xung quanh nó. Đồng thời,
ở lứa tuổi này tình cảm thẩm mỹ và tình cảm trí tuệ của trẻ cũng phát triển mạnh mẽ
hơn lứa tuổi trước.
Như vậy, ở lứa tuổi mẫu giáo tình cảm của trẻ phát triển khá mạnh mẽ, đặc biệt
là ở lứa tuổi mẫu giáo lớn, đó là sự đồng cảm, chia sẽ những niềm vui, nỗi buồn với
những người xung quanh. Với sự biến đổi quan trọng đó người lớn và nhà giáo dục
cần phải có sự tác động thích hợp, biết điều chỉnh uốn nắn kịp thời những tình cảm
tốt đẹp của trẻ cho phù hợp với chuẩn mực của xã hội.
1.3.1.2. Sự phát triển về mặt trí tuệ của nhân cách
- Sự phát triển của trí nhớ
Ở lứa tuổi mẫu giáo, năng lực ghi nhớ và nhớ lại phát triển mạnh. Trẻ có thể ghi
nhớ được nhiều sự kiện và có thể kể lại một cách chi tiết sự kiện đó cho người khác
nghe. Trí nhớ của trẻ ở lứa tuổi này có bước phát triển phong phú và bền vững là do
sự tham gia tích cực của trẻ vào các hoạt động vui chơi. Trong khi trẻ tham gia vào
các hoạt động của trò chơi trẻ lần lượt thực hiện các nhiệm vụ và các thao tác của
trò chơi. Trong quá trình đó, trẻ ghi lại trong đầu mình những nhiệm vụ cần phải
làm và trình tự các thao tác. Do đó, năng lực ghi nhớ của trẻ được luyện tập và phát
triển nhanh chóng.
Trẻ mẫu giáo ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng chủ yếu là bằng hình tượng trực
quan cụ thể và ghi nhớ không chủ định. Tuy nhiên, vào tuổi mẫu giáo lớn thì ghi
nhớ có chủ định của trẻ bắt đầu được hình thành, trẻ ghi nhớ các sự vật xung quanh
một cách logic và có hệ thống, đồng thời trẻ cũng có thể khái quát nội dung của một
sự kiện nào đó theo một trình tự nhất định. Đây là một bước phát triển mới và có ý
nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ tạo điều kiện cho trẻ chuẩn bị
vào lớp một.
22
- Sự phát triển tư duy của trẻ
Một bước ngoặt mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự phát triển tư duy của
trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo đó là quá trình chuyển từ tư duy trực quan hành động sang
tư duy trực quan hình tượng, sự chuyển dần từ bên ngoài vào bên trong những thao
tác tư duy. Trẻ giải quyết các nhiệm vụ được giao ngầm ở trong đầu của mình dựa
vào những biểu tượng, hình ảnh về đồ vật mà trước đây trẻ đã làm hoặc trông thấy
người khác làm. Đến đầu tuổi mẫu giáo lớn trẻ bắt đầu xuất hiện tư duy trực quan
hình tượng mới và những thao tác cơ bản của năng lực tư duy logic. Đó là kiểu tư
duy trực quan sơ đồ, loại tư duy này giúp trẻ lĩnh hội tri thức ở trình độ khái quát để
từ đó giúp trẻ nắm được bản chất của các sự vật hiện tượng trong thế giới xung
quanh và có hướng giải quyết nhanh chóng.
Sự xuất hiện của kiểu tư duy này đã tạo nên một bước phát triển mới trong tư
duy của trẻ mẫu giáo lớn đó là sự chuyển hóa từ tư duy trực quan hình tượng sang
tư duy logic mà kiểu tư duy này sẽ được phát triển mạnh mẽ ở lứa tuổi học sinh.
Tóm lại, đặc điểm phát triển tư duy này đã tạo nên một bước chuyển biến đáng
kể. Do đó, nhà giáo dục và người lớn cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển
và bồi dưỡng cho trẻ năng lực tư duy trực quan hình tượng và nó có ý nghĩa rất lớn
đối với sự phát triển trí tuệ của trẻ. Tuy nhiên, đối với tư duy logic thì chỉ cần sử
dụng ở một mức độ nào đó để tránh cho trẻ “khôn trước tuổi” dễ làm mất đi tính
hồn nhiên ngây thơ và tính mềm dẻo của trí tuệ trẻ ở lứa tuổi này.
- Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ
Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp đặc trưng và điển hình của trẻ ở tuổi mẫu
giáo. Từ 4 tuổi trở đi, trẻ em đã phát triển và thành thục với ngôn ngữ hơn, các lỗi
phát âm đã được giảm nhiều và trẻ bắt đầu tham gia sử dụng ngôn ngữ như là một
phương tiện để tham gia vào cuộc sống xã hội và giao tiếp với những người khác,
thể hiện nhu cầu của trẻ và thuật lại những trải nghiệm của chúng. Đến 5 tuổi, trẻ sử
dụng nhiều kiểu ngôn ngữ để đáp ứng theo đòi hỏi cuộc sống, đó là các kiểu ngôn
ngữ: ngôn ngữ tình huống, ngôn ngữ ngữ cảnh, ngôn ngữ giải thích. Trẻ mẫu giáo
lớn đã có khả năng nắm được ý nghĩa của từ vựng thông dụng, phát âm gần đúng sự
23
phát âm của người lớn, biết dùng ngữ điệu phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp và đặc
biệt là nắm được hệ thống ngữ pháp phức tạp, bao gồm những quy luật ngôn ngữ
tinh vi về phương diện cú pháp và về phương diện tu từ, nói năng mạch lạc và thoải
mái. Tóm lại, trẻ đã thật sự nắm tiếng mẹ đẻ một cách tự nhiên.
- Sự phát triển hoạt động nhận cảm
Tuổi mẫu giáo là thời kì phát triển mạnh mẽ hoạt động nhận cảm, sự định hướng
của trẻ vào các thuộc tính và quan hệ bên ngoài của sự vật và hiện tượng, vào thời
gian và không gian ngày càng tốt hơn. Những thuộc tính về màu sắc, hình dạng, âm
thanh, độ lớn, sức nặng, nhiệt độ… được trẻ tiếp nhận ngày càng chính xác hơn,
giúp cho việc định hướng vào thế giới xung quanh thuận lợi hơn.
- Sự phát triển trí tưởng tượng
Cuối tuổi mẫu giáo, trí tưởng tượng của trẻ có thể dựa vào cả những vật không
giống nhau, thậm chí khác hẳn để làm vật thay thế. Về sau trẻ không cần đến những
chỗ dựa bên ngoài nữa mà chuyển vào trí tưởng ngầm trong óc. Có thể nhận định
rằng con đường phát triển trí tưởng tượng ở trẻ em là từ bình diện bên ngoài chuyển
vào bình diện bên trong theo cơ chế “nhập tâm” như mọi chức năng tâm lí khác. Sự
biến đổi hiện thực trong trí tưởng tượng không chỉ diễn ra bằng cách kết hợp những
biểu tượng mà còn diễn ra bằng cách gán cho đối tượng mà chúng không có hoặc
phóng đại hoặc thu nhỏ lại hoặc làm méo mó một chi tiết các sự vật, có nghĩa là trẻ
đã bắt đầu sử dụng các phương thức hoạt động của trí tưởng tượng.
Đồng thời, đến tuổi mẫu giáo lớn, tưởng tượng có chủ định mới hình thành rõ
nét, được thể hiện nhiều nhất trong các dạng hoạt động mang tính sáng tạo, lúc này
trẻ bắt đầu có khả năng hành động theo ý đồ định trước. Sự sáng tạo của trẻ được
phát triển khá mạnh với sự hỗ trợ đắc lực của quá trình tri giác. Nếu đứa trẻ có khả
năng quan sát tốt sự vật và hiện tượng của thế giới xung quanh thì trí tưởng tượng,
nhất là tưởng tượng sáng tạo sẽ phát triển được thuận lợi, bởi tri giác là nguồn cung
cấp “chất liệu” cho hoạt động của trí tưởng tượng sáng tạo.
24
- Sự phát triển chú ý
Một trong những đặc trưng của đời sống tinh thần của con người là biết tách ra
trong vô vàn hiện tượng và sự vật xung quanh để hướng chú ý của mình vào đó tạo
ra hiệu quả cao trong hoạt động tinh thần cũng như hoạt động vật chất.
Vào tuổi mẫu giáo, trẻ tiếp nhận lời nói thường xuyên và dễ dàng hơn trước. Trẻ
ngày càng hướng vào lời nói để gọi tên sự vật, để đánh giá hành vi của bạn, và của
bản thân; đối với trẻ lời nói còn là mệnh lệnh, là sự yêu cầu hay thôi thúc hành
động… Trong hoạt động, trẻ ngày càng cần sự giúp đỡ của người lớn, sự chỉ dẫn,
giảng giải, khen ngợi của người lớn làm cho ngôn ngữ trở thành đối tượng chú ý
của trẻ em. Sự tăng khối lượng chú ý biểu hiện ở chỗ trẻ mẫu giáo có thể tri giác
không chỉ một đối tượng mà trong một lúc trẻ có thể quan sát rõ ràng vài đối tượng.
Hoạt động của trẻ mẫu giáo ngày càng phức tạp và trí tuệ của trẻ cũng phức tạp dần
lên, vì thế chú ý ngày càng tập trung và bền vững hơn, trẻ có thể chú ý tập trung
một giờ rưỡi. Đặc biệt hơn, ở lứa tuổi này, chú ý có chủ định của trẻ tiến bộ hơn
hẳn, việc tổ chức các hoạt động theo những yêu cầu nhất định, ngay cả khi công
việc không thú vị lắm trẻ cũng phải cố gắng hướng chú ý của mình vào đối tượng.
1.3.2. Ý nghĩa của trò chơi ĐVTCĐ đối với sự phát triển nhân cách của trẻ
mẫu giáo lớn (5-6 tuổi).
Chính nhờ bản chất xã hội với những mối quan hệ thực và chơi mà trò chơi
ĐVTCĐ chiếm một vị trí đặc biệt – vị trí trung tâm trong hoạt động vui chơi của trẻ
mẫu giáo lớn. Hoạt động vui chơi mà trung tâm là trò chơi ĐVTCĐ là hoạt động
chủ đạo đối với sự phát triển của trẻ mẫu giáo lớn, bởi lẽ nhờ đó nhân cách – một
cấu tạo tâm lí mới của trẻ đang dần phát triển và là một giai đoạn quan trọng trong
quá trình phát triển nhân cách cho trẻ mẫu giáo lớn. Những phẩm chất tâm lí và đặc
điểm nhân cách của trẻ mẫu giáo đều được phát triển mạnh mẽ trong hoạt động vui
chơi đặc biệt là trong trò chơi ĐVTCĐ:
- Hoạt động vui chơi ảnh hưởng mạnh tới sự hình thành tính chủ định của quá
trình tâm lí. Trong trò chơi, ở trẻ bắt đầu hình thành chú ý có chủ định và ghi nhớ
được nhiều hơn. Bởi vì bản thân trò chơi đòi hỏi trẻ phải tập trung vào những đối
25