Tải bản đầy đủ (.pdf) (119 trang)

Một số vấn đề về phát triển thị trường điện cạnh tranh ở việt nam hiện nay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.92 MB, 119 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI
--------o0o--------

NGUYỄN ĐỨC CẢNH

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN
CẠNH TRANH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
NGÀNH: MẠNG VÀ HỆ THỐNG ĐIỆN
MÃ SỐ

Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. ĐẶNG QUỐC THỐNG

Hà Nội 10/2010


MỤC LỤC
Nội dung

1.1
1.2
1.3
1.4

2.1
2.2
2.2.1
2.2.2
2.3
2.3.1


2.3.2
2.3.3
2.3.4
2.3.5
2.3.6

3.1
3.1.1
3.1.2
3.2
3.2.1
3.2.2

Danh mục các từ viết tắt
Danh mục các bảng
Danh mục các bản vẽ
Mục lục
PHẦN MỞ ĐẦU
CHƯƠNG 1: Một số vấn đề về thị trường điện cạnh tranh ...................
Một số khái niệm cơ bản ...............................................................................
Đặc điểm của thị trường điện cạnh tranh.......................................................
Các điều kiện và nhân tố ảnh hưởng tới hình thành và phát triển thị trường
điện cạnh tranh...............................................................................................
Kinh nghiệm tổ chức, quản lý và phát triển thị trường điện cạnh tranh của
các nước trên thế giới.....................................................................................
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG ĐIỆN VIỆT NAM
Những cải tổ và phát triển theo hướng thị trường của ngành điện Việt Nam
từ khi bắt đầu cơ chế thị trường ....................................................................
Thực trạng của thị trường điện Việt Nam hiện nay.......................................
Chế độ chính sách của nhà nước với thị trường điện.....................................

Hoạt động điện lực và thị trường điện...........................................................
Đánh giá chung về thực trạng thị trường điện Việt Nam hiện nay ...............
Về hệ thống văn bản pháp lý hiện hành ........................................................
Về vấn đề quản lý nhà nước ngành điện .......................................................
Về mô hình và cơ chế sản xuất kinh doanh ..................................................
Về giá điện và quản lý kinh doanh điện nông thôn ......................................
Đánh giá hiện trạng hệ thống điều độ điện Quốc gia ....................................
Về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật ngành điện .........................................
CHƯƠNG 3: LỘ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ KỸ
THUẬT LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN
CẠNH TRANH Ở VIỆT NAM
Quan điểm, mô hình và lộ trình phát triển thị trưòng điện cạnh tranh ở
Việt Nam........................................................................................................
Quan điểm xây dựng và phát triển thị trưòng điện cạnh tranh ở Việt Nam
Các mô hình và lộ trình phát triển thị trưòng điện cạnh tranh ở Việt Nam
Lộ trình phát triển thị trưòng điện cạnh tranh ở Việt Nam............................
Giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh.....................................................
Giai đoạn thị trường bán buôn điện cạnh tranh.............................................

Trang

1
3
3
6
9
15
27
27
29

29
31
38
38
41
41
43
43
44
46

46
46
47
50
50
56


3.2.3
3.3
3.3.1
3.3.2
3.3.3
3.3.4

4.1
4.1.1
4.1.2
4.2

4.2.1
4.2.2
4.2.2
4.2.3
4.3
4.3.1
4.3.2
4.3.3

Giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ...................................................
Các vấn đề kỹ thuật trong thị trường điện cạnh tranh……………………....
Điều khiển hệ thống điện trong điều kiện thị trường……………………….
Hệ thống viễn thông điện lực trong điều kiện thị trường…………………
Vấn đề đấu nối vào lưới điện truyền tải Quốc gia………………………….
Đo đếm điện năng trong thị trường điện cạnh tranh……………………......
CHƯƠNG 4: GIÁ ĐIỆN VÀ MỘT SỐ PPHWOWNG PHÁP TÍNH
GIÁ ĐIỆN HIỆN NAY................................................................................
Các nguyên tắc xây dựng biểu giá điện.........................................................
Chính sách giá điện........................................................................................
Các nguyên tắc cơ bản khi xây dựng biểu giá điện.......................................
Hiện trạng cơ chế giá điện trong các hợp đồng mua bán điện hiện nay……
Giá phát điện………………………………………………………………..
Giá bán buôn điện…………………………………………………………..
Giá phân phối, bán lẻ điện...............................................................................
Đánh giá về hiện trạng giá điện.......................................................................
Các phương pháp định giá điện trong điều kiện thị trường………………..
Phương pháp định khung giá phát điện của các loại nguồn điện…………...
Phương pháp xác định phí truyền tải điện………………………………….
Một số ví dụ tính toán khung giá điện trong hệ thống điện Việt
Nam……...

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.....................................................................
TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................

60
63
63
69
72
77
82
82
82
82
84
84
85
86
99
92
92
99
102
109
113


DANH MỤC NHỮNG TỪ NGỮ VIẾT TẮT
ADB

Asian Development Bank (Ngân hàng phát triển Châu Á)


ASEAN Association of South – East Asian Nations (Hiệp hội các nước Đông Nam Á)
BOT

Build – Operation – Transfer (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao)

CTĐL

Công ty điện lực

EU

European Union (Cộng đồng Châu Âu)

EVN

Tập đoàn điện lực Việt Nam (Electricity of Vietnam)

FDI

Foreign Direct Investment (Đầu tư trực tiếp nước ngoài)

IMF

International Monetary Fund (Quỹ tiền tệ Quốc tế)

IPP

Independent Power Producer (Nhà máy điện độc lập)


JBIC

Japan Bank for International Cooperation (Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật
Bản)

NEM

National Electricity Market (Thị trường điện Quốc gia)

ODA

Official Development Assistance (Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức)

PPA

Power Purchase Aggrement (Hợp đồng mua bán điện)

TNHH

Trách nhiệm hữu hạn

WB

World Bank (Ngân hàng thế giới)


DANH MỤC BẢNG BIỂU
STT

Nội dung


Trang

1

Bảng 2.2: Cơ cấu tiêu thụ điện

38

2

Bảng 4.1: Biểu giá điện qua các lần điều chỉnh

88

3

Bảng 4.2: Các chỉ tiêu tài chính theo giả thiết và tính toán theo mô hình tài

103

chính
4

Bảng 4.3: Các điều kiện khác tính toán cho nhà máy nhiệt điện.

104

5


Bảng 4.4 : Giá điện theo mô hình tài chính

105

6

Bảng 4.5: Bảng tính phí đấu nối cho một tài sản đấu nối

107

7

Bảng 4.6: Phí đấu nối năm đầu cho các loại tài sản

108


DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ
STT

Nội dung

Trang

1

Hình 1.1: Dây chuyền sản xuất kinh doanh của ngành điện

8


2

Hình 2.2: Cấu trúc tích hợp ngành dọc của ngành điện

32

3

Hình 2.3: Sơ đồ tổ chức điều độ hệ thống điện Việt Nam

36

4

Hình 3.1: Các giai đoạn phát triển thị trường điện Việt Nam

50

5

Hình 3.2: Cấu trúc thị trường phát điện nội bộ EVN

52

6

Hình 3.3: Cấu trúc thị trường phát điện cạnh tranh một người mua hoàn

54


chỉnh
7

Hình 3.4: Cấu trúc thị trường bán buôn điện thí điểm

57

8

Hình 3.5: Cấu trúc thị trường bán buôn điện cạnh tranh

59

9

Hình 3.6: Cấu trúc thị trường bán lẻ điện thí điểm

61

10

Hình 3.7: Cấu trúc thị trường bán lẻ cạnh tranh

63


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài:
Công cuộc đổi mới kinh tế ở nước ta trong 25 năm qua đã từng bước chuyển
từ nền kinh tế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo

định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó ngành điện cũng có những thay đổi quan
trọng, thị trường hóa một số khâu trong sản xuất kinh doanh điện, nâng cao quyền
tự chủ cho các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, ….
Tuy nhiên sau nhiều lần cải cách, mô hình tổ chức và kinh doanh của ngành
điện nước ta hiện nay vẫn chưa đạt được yêu cầu như: chi phí lớn, hiệu quả kinh
doanh chưa cao, chưa theo kịp với nhu cầu điện năng ngày càng tăng cao, đặc biệt
không thể đáp ứng vốn đầu tư nến không tăng giá điện. Trong xu thế hội nhập và
cạnh tranh toàn cầu, ngành điện sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, chúng sẽ
cản trở sự phát triển của ngành điện Việt Nam.
Để giúp ngành điện phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cho phép ngành
điện đa dạng hóa hình thức sở hữu, đưa các yếu tố cạnh tranh lành mạnh vào trong
quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đầy, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong
nền kinh tế thị trường. Vì vậy sự hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh
ở Việt Nam là vấn đề cấp bách.
Vì vậy, tôi đã lựa chọn đề tài nghiên cứu trong luận văn này là “Một số vấn đề
về phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay”
2. Mục đích nghiên cứu của đề tài:
Cung cấp một số luận cứ khoa học và thực tiễn về việc tổ chức sản xuất kinh
doanh điện cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng môi trường cạnh tranh lành
mạnh trong quá trình sản xuất kinh doanh điện nhằm phát triển ngành điện Việt
Nam hiệu quả bền vững, mang lại lợi ích cho đất nước. Đồng thời, kết quả nghiên
cứu của đề tài cũng có thể giúp các nhà quản lý ngành điện tham khảo và vận dụng
vào việc định hướng phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong môi
trường thị trường điện cạnh tranh.

1


3. Nội dung của đề tài, các vấn đề cần giải quyết:
Vấn đề thị trường điện cạnh tranh là vấn đề rộng lớn, vì vậy trong đề tài này

tập trung nghiên cứu một số mô hình thị trường điện cạnh tranh tiêu biểu tại một số
nước trên thế giới, thực trạng hoạt động của ngành điện Việt Nam về mặt tổ chức,
quản lý kinh doanh, những bất cập của mô hình hiện tại đối với yêu cầu phát triển
của đất nước, sự cần thiết phải hình thành và phát triển thị trường điện Việt Nam.
Phân tích một số vấn đề kỹ thuật vĩ mô liên quan đến sự phát triển thị trường điện
cạnh tranh; phân tích các thành phần giá điện và đề xuất một số phương pháp tính
giá điện cho phù hợp với sự phát triển của thị trường phát điện cạnh tranh.
4. Nội dung luận văn bao gồm các chương:
Chương 1: Một số vấn đề về thị trường điện cạnh tranh
Chương 2: Thực trạng thị trường điện Việt Nam.
Chương 3: Lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở Việt
Nam; Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến sự phát triển thị trường điện cạnh tranh.
Chương 4: Giá điện và một số phương pháp tính giá điện.
Kết luận và kiến nghị

2


CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH
1.1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN.
1.1.1. Một số khái niệm về kinh tế thị trường.
*Nền kinh tế thị trường là nền kinh tế hàng hoá phát triển đến trình độ cao,
trong đó các quan hệ trao đổi hàng hoá - tiền tệ trở thành phổ biến, sản xuất hoàn
toàn hướng đến thị trường và tiêu dùng đa phần được lấy từ thị trường. Trong nền
kinh tế thị trường các quan hệ kinh tế giữa các cá nhân, các doanh nghiệp đều được
biểu hiện và thực hiện bằng quan hệ mua bán hàng hoá, dịch vụ theo nguyên tắc
bình đẳng và thoả thuận, lấy tiền tệ làm vật trung gian cho mọi hoạt động tính toán
lợi ích, giá cả và giá trị hàng hoá, dịch vụ. Mọi chủ thể hoạt động trong thị trường
đều hướng vào mục tiêu lợi ích, mà trước hết là lợi ích của chính mình. Bởi vậy,

trong nền kinh tế thị trường, lợi nhuận được coi là mục đích, là động lực của hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp, lợi ích, hay độ thoả mãn được coi là động lực
của người tiêu dùng và cạnh tranh là môi trường, là điều kiện tốt nhất cho hai loại
lợi ích đó dung hoà với nhau. Trong môi trường thị trường, mỗi chủ thể hoạt động
kinh doanh trong nền kinh tế thị trường đều phải nắm vững nhu cầu, biến động của
quan hệ cung cầu, giá cả để định vị hành vi của mình.
*Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Lịch sử phát triển xã hội loài người cho thấy, kinh tế thị trường có thể nảy sinh
và hoà hợp với nhiều chế độ chính trị khác nhau. Trong thời đại kinh tế tư bản chủ
nghĩa còn thống trị trên phạm vi thế giới thì hình thái kinh tế thị trường tư bản chủ
nghĩa trở thành phổ biến. Tuy nhiên, từ khi xuất hiện các phong trào xã hội chủ
nghĩa đến nay, nhất là khi hiện diện các nhà nước xã hội chủ nghĩa thì xuất hiện một
hình thái kinh tế thị trường mới, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Đó cũng là mô hình kinh tế thị trường mà nước ta đang theo đuổi. Đại hội đại
biểu toàn lần thứ IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định. Theo quan điểm của

3


Đảng ta, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta bao gồm hai
nhóm yếu tố sau:
- Nền kinh tế vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường. Đây là nhóm
yếu tố cơ bản, nền tảng bao gồm các chủ thể kinh tế có quyền tự chủ trong hoạt
động sản xuất và trao đổi hàng hoá theo nguyên tắc bình đẳng, thoả thuận và ngang
giá; môi trường cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật, là các thiết chế
tự định trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp được pháp luật thừa nhận...
- Sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhóm yếu tố này xác lập và nuôi
dưỡng các yếu tố của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa vào nền kinh tế thị trường.
Sự hình thành và phát triển của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa gắn với sự hoạt
động tự giác của con người, của nhà nước Việt Nam nhằm tìm mọi cách giảm thiểu

các bất công, phi lý của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tất nhiên, tiền đề của
nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa là nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nếu Nhà nước
ta, trong thực tế không tạo ra được thiết chế và các công chức nhà nước mang bản
chất xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế khó lòng là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Khi đã có nhà nước xã hội chủ nghĩa thì toàn bộ sự tác động của nhà nước lên nền
kinh tế làm cho nó vận động, phát triển theo những mục tiêu mang tính xã hội chủ
nghĩa.
* Cơ chế thị trường
Cơ chế thị trường là phương thức vận động tự phát, khách quan của nền kinh
tế thị trường thông qua các mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại của tổng thể những
người mua, những người bán, hàng hoá và tiền tệ với nhau. Nói cách khác, nếu coi
nền kinh tế thị trường là một hệ thống thì cơ chế thị trường chính là linh hồn của hệ
thống đó, nó hình thành dựa trên cơ sở các yếu tố cấu thành thị trường như chủng
loại hàng hoá, đơn vị đo lường, tương quan giá trị, các mối quan hệ lợi ích đứng
đằng sau hàng hoá, môi trường kết dính các chủ thể, động lực tìm kiếm lợi ích của
các chủ thể...Cơ chế thị trường là các xu hướng vận hành nền kinh tế khách quan, tự
phát, thể hiện thông qua các quy luật vận động khách quan của thị trường như quy
luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật lưu thông tiền tệ ..

4


1.1.2. Một số khái niệm về thị trường điện.
*Thị trường điện là một thị trường mà trong đó hàng hoá là điện năng và các
dịch vụ liên quan đến đảm bảo chất lượng điện như các dịch vụ phụ trợ trong điều
chỉnh điện áp, tần số v.v. Các đối tượng tham gia giao dịch trên thị trường bao gồm
các tổ chức và cá nhân liên quan trực tiếp tới quá trình sản xuất điện, truyền tải
điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và các nhà cung cấp dịch vụ phụ
trợ.
*Thị trường điện độc quyền: là thị trường điện mà trong đó các khâu của dây

chuyền sản xuất, kinh doanh điện, gồm: sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối
điện đều thuộc độc quyền của một ngành (một người bán duy nhất) và bán điện trên
cơ sở hợp đồng giữa doanh nghiệp điện độc quyền với các đối tượng mua khác
nhau. Nói cách khác, thị trường điện độc quyền là thị trường độc quyền bán.
*Thị trường điện cạnh tranh: là thị trường điện mà trong đó sự cạnh tranh
được chấp nhận và khuyến khích trong các khâu của dây chuyền sản xuất kinh
doanh điện, gồm: sản xuất điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và cung cấp các dịch vụ
phụ trợ liên quan đến sản xuất và tiêu thụ điện.
*Điều tiết điện lực: là tác động của Nhà nước vào các hoạt động điện lực và
thị trường điện lực nhằm cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng, sử dụng điện
tiết kiệm, có hiệu quả và bảo đảm tính công bằng, minh bạch, đúng quy định của
pháp luật trong sản xuất, cung ứng và tiêu thụ điện.
*Hoạt động điện lực: là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực quy
hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ
hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện,
tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.
* Đơn vị điện lực: là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động phát điện, truyền tải
điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực,
bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác
có liên quan.

5


*Lưới điện: là hệ thống đường dây tải điện, máy biến áp và trang thiết bị phụ
trợ để truyền dẫn điện. Lưới điện, theo mục đích sử dụng và quản lý vận hành, được
phân biệt thành lưới điện truyền tải và lưới điện phân phối.
*Bán buôn điện: là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị
điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
*Bán lẻ điện: là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử

dụng điện.
*Khách hàng sử dụng điện: là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng, không
bán lại cho tổ chức, cá nhân khác.
*Khách hàng sử dụng điện lớn: là khách hàng sử dụng điện có công suất và
sản lượng tiêu thụ lớn theo quy định phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ
thống điện.
*Biểu giá điện: là bảng kê các mức giá và khung giá điện cụ thể áp dụng cho
các đối tượng mua bán điện theo các điều kiện khác nhau.
*Khung giá điện: là phạm vi biên độ dao động cho phép của giá điện giữa giá
thấp nhất (giá sàn) và giá cao nhất (giá trần).
*Hệ thống điện quốc gia: là hệ thống các trang thiết bị phát điện, lưới điện và
các trang thiết bị phụ trợ được liên kết với nhau và được chỉ huy thống nhất trong
phạm vi cả nước.
*Điều độ hệ thống điện: là hoạt động chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện,
truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy
phạm kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định.
*Điều hành giao dịch thị trường điện lực: là hoạt động quản lý và điều phối
các giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực.
1.2. ĐẶC ĐIỂM THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH.
1.2.1. Số lượng người sản xuất, người tiêu dùng.
- Đặc điểm đầu tiên của thị trường điện cạnh tranh đó là số lượng nhà sản xuất
điện phải đủ lớn, đa dạng trong đầu tư với mọi hình thức, có các yếu tố đảm bảo đủ
điện (có dự trữ) và đặc biệt là yếu tố độc lập của các nhà sản xuất. Người bán trong

6


thị trường điện, chủ yếu gồm các Công ty sản xuất điện, các Công ty phân phối
điện. Trong thị trường điện cạnh tranh hoàn hảo, mỗi một Công ty sản xuất điện chỉ
sản xuất một phần nhỏ lượng điện cung cấp trên thị trường, nghĩa là mỗi Công ty

phát điện không được giữ vai trò chi phối về sản lượng so với Công ty phát điện
khác.
- Người tiêu dùng (khách hành mua điện) cần phải đa dạng, có đủ các tiềm
năng thanh toán, có hiểu biết về sản phẩm điện năng, đồng thời yếu tố sức mua cao.
Ví dụ có những cụm khách hàng lớn (như các Công ty xi măng, Công ty luyện thép,
các Công ty cơ khí, tổ hợp khu công nghiệp ... với sản lượng tiêu thụ điện cao có thể
mua điện trực tiếp từ Công ty phát điện hoặc qua các Công ty phân phối điện); có
những cụm khách hàng vừa (như các tổ hợp khách sạn, các Công ty sản xuất công
nghiệp nhẹ, thực phẩm... mua điện qua các Công ty phân phối điện) và loại khách
hàng nhỏ (chủ yếu là các tổ hợp sản xuất nhỏ, khu thương mại, các hộ dân,... mua
điện qua các Công ty phân phối điện)...
1.2.2. Chất lượng sản phẩm điện, các biện pháp cạnh tranh.
Khác với các loại hàng hoá thông thường, điện có nhiều đặc trưng riêng biệt.
Trước hết, điện là một loại hàng hoá đặc biệt, không thể dự trữ được sau khi đã sản
xuất ra, cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ tại mọi thời điểm là quy luật cơ bản của
chu trình sản xuất và kinh doanh điện. Quá trình sản xuất ra điện và vận chuyển tới
khách hàng mua điện gồm 3 khâu chính là: sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
Gần đây, cùng với tiến trình cải cách ngành điện và hình thành thị trường cạnh tranh
bán lẻ, khâu phân phối điện được tách thành hai khâu phân phối và cung ứng điện.
Mỗi khâu trong quá trình cung ứng điện được đặc trưng bởi chức năng, công nghệ
và chi phí. Cụ thể như sau:

7


Hình 1.1. Dây chuyền sản xuất kinh doanh của ngành điện
- Khâu sản xuất điện (phát điện): Các nhà máy điện sử dụng nhiều loại công
nghệ khác nhau, nhằm chuyển hoá các dạng năng lượng sơ cấp như: than, dầu, khí
đốt, hạt nhân, sức gió, nước...thành điện năng.
- Truyền tải điện: Là quá trình truyền tải điện ở cấp điện áp cao từ các nhà máy

điện tới nơi tập trung của các hộ tiêu thụ điện như: các khu dân cư, khu công
nghiệp, trung tâm thương mại. Hệ thống truyền tải điện bao gồm đường dây cao áp,
các trạm biến áp truyền tải và các thiết bị phụ trợ khác. Trên một khu vực địa lý
nhất định, người ta chỉ xây dựng một hệ thống điện duy nhất. Vì vậy, hệ thống
truyền tải có tính chất độc quyền tự nhiên.
- Phân phối điện: Là quá trình chuyên trở và bán điện từ các trạm biến áp
truyền tải đến các hộ tiêu thụ điện như: các hộ dân, các nhà máy, công sở cửa
hàng...Tương tự như hệ thống truyền tải điện, lưới điện phân phối cũng có tính chất
độc quyền tự nhiên.
- Cung ứng điện: Là quá trình bán điện tới các hộ tiêu thụ điện cuối cùng. Các
đơn vị hoạt động trong khâu này đều mua điện từ các nhà máy điện, công ty truyền
tải hoặc công ty bán buôn điện và bán lại cho các hộ tiêu thụ điện cuối cùng. Cung
ứng điện bao gồm việc đo đếm điện, thu ngân và một số dịch vụ phụ kèm theo như tư vấn sử dụng điện tiết kiệm, kinh doanh thiết bị điện tiết kiệm điện...Cung ứng

8


điện không có tính chất độc quyền tự nhiên. Trên cùng một địa bàn có thể tồn tại
nhiều đơn vị cạnh tranh nhau để bán điện cho các hộ tiêu thụ cuối cùng.
Như vậy, chất lượng sản phẩm điện là như nhau (đồng nhất cùng một loại sản
phẩm) với cùng tiêu chuẩn thống nhất trong sản xuất, hệ thống đo lường và đánh giá
chất lượng.
1.2.3. Hàng rào vào ra thị trường và vai trò của điện.
Quy mô đầu tư cho nhà máy phát điện và hệ thống truyền tải điện là khá cao
và thời gian thu hồi vốn đầu tư khá dài nên việc thâm nhập hoặc rút khỏi thị trường
này là tương đối khó khăn. Vì thế, tính cạnh tranh trong thị trường phát điện không
gay gắt như thị trường vật phẩm tiêu dùng. Thậm chí thị trường truyền tải còn có
tính độc quyền tự nhiên do có hiệu quả theo quy mô. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ
cung ứng điện cho các hộ dùng điện lại có thể cho phép nhiều người tham gia cũng
như có thể rút khỏi thị trường dễ dàng do vốn đầu tư thấp, các dạng cung ứng đa

dạng và khối lượng người mua đông đảo. Nói cách khác, thị trường điện mang tính
cạnh tranh khác nhau theo từng công đoạn cụ thể.
Ngày nay, điện năng là loại sản phẩm không thể thiếu được của nền kinh tế và
đời sống xã hội. Điện là nguồn năng lượng đầu vào của tất cả các doanh nghiệp
trong nền kinh tế quốc dân. Sự phát triển của ngành điện có ảnh hưởng không chỉ
đến sự phát triển của nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc
sống của dân cư. Nhờ có năng lượng điện con người có thể nhìn thấy nhiều hơn, đi
xa hơn, cánh tay kéo dài hơn và thông tin nhiều hơn. Chính vì vậy mà tất cả các
quốc gia trên thế giới đều coi trọng vấn đề đảm bảo xây dựng và phát triển các công
trình điện nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đối với các
nước đang phát triển như nước ta, để thực hiện công nghiệp hoá thành công cần có
kế hoạch phát triển điện lực bền vững và đi trước một bước so với các ngành kinh tế
khác.
1.3. CÁC ĐIỀU KIỆN VÀ NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐÊN SỰ HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH Ở NƯỚC TA.
1.3.1. Điều kiện hình thành và phát triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta.

9


1.3.1.1. Quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho phép phát
triển thị trường điện cạnh tranh ở nước ta.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến sự phát triển
của ngành điện. Điều đó được thể hiện qua các quan điểm chủ trương và chính sách
về cải tổ ngành điện và phát triển thị trường điện ở các văn bản sau:
- Kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam tại
Văn bản số 26-KL/TW ngày 24/10/2003; Quyết định 176/2004/QĐ-TTg ngày
05/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện
Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020, nêu rõ “từng bước hình
thành thị trường điện cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và

kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc
quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu
truyền tải điện, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện
nguyên tử”.

- Luật Điện Lực được Quốc hội thông qua tháng 12/2004 và có hiệu lực
từ tháng 7/2005: Điều 4 chương 1 về chính sách phát triển điện lực nêu rõ:
“Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình
đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu
quả trong hoạt động điện lực; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các
đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế
tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và
tư vấn chuyên ngành điện lực. Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền
tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện
lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.
- Quyết định số 26/2006 QĐ-TTG ngày 26 tháng 1 năm 2006 của Thủ tướng
chính phủ về việc phê duyệt lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp
độ thị trường điện lực tại Việt Nam nêu rõ: “Từng bước phát triển thị trường điện
lực cạnh tranh một cách ổn định, xóa bỏ bao cấp trong ngành điện, tăng quyền lựa

10


chọn nhà cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện. Thu hút vốn đầu tư từ mọi
thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện lực, giảm dần đầu
tư của Nhà nước cho ngành điện. Tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh
doanh của ngành điện, giảm áp lực tăng giá điện. Đảm bảo cung cấp điện ổn định,
tin cậy và chất lượng ngày càng cao. Đảm bảo phát triển ngành điện bền vững”.
1.3.1.2. Nhu cầu, năng lực sản xuất và sự phát triển của các tổ chức dịch vụ điện.
Trong những năm gần đây tốc độ tăng nhu cầu điện ở Việt Nam đạt mức khá

cao, giai đoạn 1995 - 2000 trong 5 năm điện thương phẩm tăng bình quân
15%/năm, giai đoạn 2001 - 2005 tốc độ tăng trung bình đạt 15,2%. Dự báo tốc độ
tăng nhu cầu điện sẽ vẫn ở mức cao trong nhiều năm tới. Theo dự báo của Viện
Năng lượng, trong giai đoạn 2006 - 2015 nhu cầu điện ở mức 17 đến 20%.
Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao sẽ đòi hỏi một lượng vốn đầu tư rất lớn vào
nguồn và lưới điện, trung bình là khoảng 3 tỉ USD/năm. Đây sẽ là một áp lực rất lớn
cho ngành điện và Chính phủ đối với mục tiêu phát triển kinh tế Quốc gia. Với tổng
công suất nguồn điện phải đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 33.200MW
khả năng cân đối vốn đầu tư của EVN là không thể tự đáp ứng, bên cạnh đó yêu cầu
cấp bách về tiến độ thì năng lực quản lý là một thách thức không nhỏ đối với EVN.
Vì vậy xu hướng tỷ trọng công suất của các nhà đầu tư sản xuất điện ngoài EVN
(của tư nhân, nước ngoài, các doanh nghiệp ngoài EVN) ngày càng tăng là một điều
kiện quan trọng cho việc thúc đẩy hình thành thị trường điện.
Kinh nghiệm thực tế trên thế giới cho thấy, chỉ có thúc đẩy cạnh tranh trong
các hoạt động điện lực mới có thể giải quyết được vấn đề tăng hiệu quả sản xuất và
kinh doanh điện, thu hút các nguồn vốn đầu tư cũng như sử dụng vốn đầu tư một
cách hiệu quả. Theo kế hoạch đầu tư xây dựng từ năm 2010 - 2011 trở đi, do có
hàng lọat các nhà máy điện lớn được đưa vào vận hành, hệ thống điện Việt Nam có
đủ dự phòng công suất nguồn, đây sẽ là một thuận lợi cho ra đời thị trường điện
cạnh tranh.
1.3.2. Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển thị trường điện cạnh
tranh.

11


1.3.2.1. Điều kiện tự nhiên.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên khác biệt giữa các miền, chiều dài đất nước
lớn, các điều kiện về nguồn nhiên liệu cho sản xuất điện của các miền cũng khác
nhau. Ở miền Bắc chủ yếu là các nguồn nhiệt điện than và thủy điện; ở miền trung

chủ yếu là nguồn thủy điện; còn ở miền Nam lại có điều kiện phát triển nguồn nhiệt
điện khí. Các điều kiện này bắt buộc phải hòa điện thống nhất giữa các miền để đảm
bảo huy động nguồn điện tối ưu và tạo điều kiện cho lưới điện truyền tải phát triển.
Đây cũng là một nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành thị trường điện
khi các nhu cầu sử dụng điện của các vùng và miền trong cả nước có độ chênh lệch
rất cao.
1.3.2.2. Trình độ phát triển kinh tế, kỹ thuật của ngành điện, của nền kinh tế.
Hiện nay nhu cầu dùng điện để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày
càng gia tăng. Các yêu cầu về chất lượng điện ngày càng nghiêm ngặt, trình độ dân
trí cũng đã được nâng lên ở mức cao. Điều đó ảnh hưởng đến thị trường sản xuất và
cung ứng điện năng về phương diện mức độ đa dạng và dung lượng thị trường.
Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi quan niệm truyền thống
về mối liên quan giữa quy mô nhà máy và hiệu suất của các nhà máy điện. Quy mô
tối ưu của một nhà máy nhiệt điện than là khoảng 600 - 800 MW, cùng với việc áp
dụng công nghệ mới, các nhà máy điện có công suất từ 100 MW đến 1000 MW đều
có hiệu suất cao, chi phí xây dựng và vận hành thấp, độ tin cậy cao, thời gian xây
dựng được rút ngắn, giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng... dẫn đến giảm giá bán
điện cho khách hàng.
Những tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã cho phép truyền tải một lượng lớn năng
lượng đi xa thông qua các đường dây tải điện siêu cao áp với chi phí xây dựng và
vận hành thấp, độ tin cậy cao.
Ứng dụng công nghệ tin học cũng góp phần làm thay đổi quan điểm trước đây
về ngành điện. Công nghệ mạng, internet cho phép điều chỉnh nhanh công suất phát
của các nhà máy điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải hoặc những sự cố bất thường trong
hệ thống điện. Công nghệ tin học cũng hỗ trợ cho các công ty trong việc quản lý kỹ

12


thuật, kinh doanh, giao dịch khách hàng, phản ứng nhanh trước những thay đổi trên

thị trường trong và ngoài nước... Các nhà kinh tế đã chứng minh với việc áp dụng
công nghệ tin học, người ta hoàn toàn có thể quản lý điều hành từng khâu trong dây
chuyền sản xuất điện với hiệu suất cao hơn so với mô hình quản lý tập trung trước
đây. Đây là một luận cứ quan trọng để các nhà khoa học đưa ra kết luận rằng việc
cơ cấu lại các CTĐL và hình thành thị trường điện sẽ làm giảm chi phí giao dịch so
với mô hình độc quyền liên kết dọc trước đây.
1.3.2.3. Quyền lựa chọn của các khách hàng mua điện.
Quyền lựa chọn của các khách hàng mua điện là một nhân tố quan trọng tác
động lên quá trình cải cách mô hình tổ chức của các CTĐL. Hiệu quả của việc tự do
hoá thị trường viễn thông đã có ảnh hưởng lớn tới ngành điện. Ở Mỹ, các hộ tiêu
thụ điện đã đòi hỏi phải cải tổ các CTĐL do sự chênh lệch giữa chi phí sản xuất và
giá bán điện cho khách hàng. Trong khối EU, việc hình thành một thị trường chung
của khối đã dẫn tới việc các hộ tiêu thụ điện gây áp lực đòi hình thành thị trường
điện chung của EU, đưa điện năng trở thành một loại hàng hoá giao dịch chung giữa
các nước thành viên trong EU. Áp lực của người tiêu dùng còn khuyến khích các
CTĐL mở ra các loại dịch vụ, hàng hoá mới cung cấp cho khách hàng ví dụ như:
dịch vụ tư vấn giúp khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, kinh doanh thiết bị tiết kiệm
điện...
1.3.2.4. Ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa.
Trong một nền kinh tế mở, khi các hàng rào thuế quan và các cản trở hành
chính khác được dỡ bỏ, các nhà đầu tư thường lựa chọn những nơi có điều kiện đầu
tư hấp dẫn nhất. Trong đó, đảm bảo an toàn cung cấp điện và giá điện là một trong
những yếu tố được các nhà đầu tư chú ý. Các nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ hợp sản
xuất công nghiệp lớn, có nhu cầu tiêu thụ điện năng cao thường yêu cầu Chính phủ
sở tại cho phép họ được phép lựa chọn đơn vị cung ứng điện có giá cạnh tranh nhất
và có khả năng đảm bảo an toàn cung cấp điện. Mặt khác, một số CTĐL lớn trên thế
giới đã phát triển trở thành các tập đoàn kinh tế lớn, kinh doanh điện trên phạm vi
quốc tế. Vì vậy, đây cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy cải tổ mô hình độc

13



quyền của các CTĐL và xây dựng thị trường điện cạnh tranh.
1.3.2.5 Xu hướng hình thành các đường dây truyền tải liên quốc gia, liên khu vực.
Xu hướng hình thành các đường dây truyền tải liên quốc gia, liên khu vực đã
tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành thị trường cạnh tranh bán buôn điện, làm
thay đổi cơ bản giới hạn về địa bàn kinh doanh của các CTĐL. Việc xây dựng
đường dây truyền tải điện liên quốc gia, liên khu vực đã trở thành phổ biến trên thế
giới như ở khu vực Bắc Âu, Tây Âu, Trung Mỹ, Nam Mỹ... Tại khu vực Đông Nam
Á, các nước trong khu vực đã thoả thuận để tiến tới xây dựng đường dây truyền tải
điện liên kết các nước trong ASEAN, hình thành thị trường điện tiểu vùng sông Mê
Kông (GMS), sau đó sẽ xây dựng thị trường điện khu vực theo hình mẫu của EU.
1.3.2.6 Nhu cầu huy động vốn từ khu vực tư nhân và nước ngoài để xây dựng các
công trình điện.
Trong những năm qua, ngành điện đã thu hút một lượng lớn số vốn đầu tư của
nước ngoài, với các hình thức cho vay ưu đãi ODA, cho vay song phương từ các tổ
chức ngân hàng hoặc tài chính nước ngoài. Theo thống kê số vốn huy động do vay
từ nước ngoài chiếm khoảng 20% tổng số vốn đầu tư của ngành điện. Số vốn do
nước ngoài đầu tư các nhà máy điện với các hình thức BOT cũng phát triển nhanh
chóng, vốn FDI của các nhà máy điện thuộc các khu công nghiệp ...
Nhiều tổ chức tài chính thế giới như WB, IMF cũng đã đưa ra các khuyến nghị
nêu rõ việc cải tổ mô hình tổ chức các CTĐL và xây dựng thị trường điện là điều
kiện cần thiết để các nước thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cũng như các
nguồn vốn tài trợ của các tổ chức tài chính này.
1.3.2.7 Ảnh hưởng của quá trình cải tổ thành công ngành điện.
Ảnh hưởng của quá trình cải tổ thành công ngành điện của một số nước cũng
tác động tới chính sách cải cách ngành điện của nước ta. Các nước đi sau có thể rút
ra các bài học về kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trong quá trình cải tổ
các CTĐL của các nước đi trước. Tác động tích cực của quá trình cải tổ ngành điện
đối với nền kinh tế một số nước như: nâng cao hiệu quả hoạt động của các CTĐL,

giảm gánh nặng ngân sách đầu tư vào ngành điện, giảm giá bán điện... là động lực

14


mạnh mẽ thúc đẩy các nước đi sau, đặc biệt là các nước đang phát triển, đẩy nhanh
quá trình cải cách mô hình tổ chức các CTĐL, ảnh hưởng đến hình thành thị trường
điện cạnh tranh.
1.4 KINH NGHIỆM TỔ CHỨC, QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
ĐIỆN CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI.
1.4.1. Kinh nghiệm của các nước công nghiệp phát triển.
Phần lớn các nước công nghiệp phát triển đã thực hiện cải tổ ngành điện và
phát triển thị trường điện lực ở các mức độ khác nhau và nhiều nước đã đạt được
những thành công nhất định. Ảnh hưởng của phát triển thị trường điện cạnh tranh
chỉ thể hiện rõ trong giai đoạn dài hạn do kết quả tốt hơn của các quyết định đầu tư.
Trong một thời gian ngắn hạn, việc mở ra thị trường cạnh tranh đã tăng hiệu quả sản
xuất kinh doanh được ghi nhận ở nhiều nước công nghiệp phát triển trên cơ sở tư
nhân hóa, công ty hóa. Giá điện cho khách hàng được giảm đáng kể ở một số nước
và giữ ổn định ở một số nước khác. Giá bán buôn được giữ ở mức thấp so với chi
phí xây dựng nguồn mới.
Trong các nước phát triển, khối liên hiệp Anh, Australia, Norway, New
Zealand và Sweden là những nước đã thực hiện cải tổ ngành điện, phát triển thị
trường điện sớm nhất và đã đạt được nhiều lợi ích đáng kể. Việc cải tổ ngành điện
tại các nước này đều bắt đầu từ việc chia tách dọc hoạt động truyền tải ra khỏi phát
điện và phân phối điện. Đồng thời việc chia tách ngang (thiết lập một số lượng nhất
định các công ty phát hoặc phân phối) cũng được thực hiện để hạn chế lũng đoạn thị
trường. Việc giám sát quá trình cải tổ và hoạt động của thị trường được thực hiện
bởi cơ quan điều tiết. Cơ quan này là một cơ quan độc lập, ở một số nước có thể
trực thuộc Bộ. Mô hình ban đầu của thị trường các nước này thường là mô hình thị
trường bán buôn điện cạnh tranh.

Các nước công nghiệp phát triển khác trong khối OECD (Organisation for
Economic Co-operation and Development) đều đã hoặc đang thực hiện phát triển
thị trường điện bao gồm toàn bộ các nước trong cộng đồng Châu Âu, Canada, Japan

15


và các bang của Mỹ. Ủy ban Châu Âu đã thông qua một Định hướng phát triển thị
trường điện Châu Âu (EC 96/92) vào ngày 19/12/1996. Theo đó các nước trong
cộng đồng Châu Âu sẽ đưa định hướng này vào Luật điện của từng quốc gia và thực
hiện phát triển thị trường theo một định hướng chung. Theo đó thời hạn và mức độ
phát triển thị trường được xác định chung cho các nước thành viên. Nhiều nước đã
thực hiện phát triển thị trường sớm hơn dự kiến. Đến năm 1999, thị trường cạnh
tranh bán lẻ đã phát triển tại Finland, Sweden, UK và Germany. Tại Denmark vào
năm 2003, tại Spain và Netherland năm 2007.
Vai trò vận hành lưới truyền tải trong giai đoạn đầu hình thành thị trường chủ
yếu dưới mô hình có sự tham gia của bên thứ ba có điều tiết hoặc theo thỏa thuận.
Phần lớn các nước áp dụng hình thức có điều tiết. Một số ít nước sử dụng mô hình
một người mua.
1.4.1.1. Kinh nghiệm của nước Anh.
- Năm 1983, Anh thông qua luật điện, trong đó khuyến khích xây dựng các
IPP bán điện cho Công ty điện lực trung ương (CEGB - Central Electricity
Generating Board).
- Năm 1989, ra đời Luật điện mới tạo cơ sở cho cải cách. CEGB được tách
thành 2 công ty phát điện (National Power chiếm 46% và PowerGen chiếm 28%
tổng công suất đặt của hệ thống điện England và Wales), 1 công ty truyền tải quốc
gia (NGC - National Grid Company) có cổ đông là 12 công ty điện lực vùng được
hình thành. Thị trường điện hình thành tại Anh và sứ Uên theo mô hình cạnh tranh
bán buôn. Các giao dịch là bắt buộc thông qua thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một số
lượng nhỏ giao dịch theo hình thức hợp đồng song phương. Các khách hàng công

nghiệp lớn và các công ty phân phối được quyền lựa chọn nhà cung cấp. Tham gia
lưới điện theo hình thức có điều tiết. NGC đóng vai trò điều độ hệ thống và vận
hành thị trường. Cơ quan điều tiết điện lực (OFFER - Office of Electricity
Regulatory) giữ vai trò điều tiết.

16


- Từ năm 1998, các khách hàng mua điện, kể các hộ gia đình đều có quyền
lựa chọn người bán điện, như vậy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã phát triển
hoàn toàn.
- Năm 1999, Cơ quan điều tiết điện lực và cơ quan điều tiết khí được sát nhập
thành cơ quan điều tiết điện - khí (OFGEM - Office of Gas and Electricity
Regulatory).
- Năm 2002, tại liên hiệp Anh bắt đầu tiến hành cải cách tổ chức của thị
trường điện, chuyển từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện, hạn chế các rủi ro đối
với người mua điện trên thị trường.
Quá trình cải tổ ngành điện cho thấy, Khối liên hiệp Anh là một ví dụ điển
hình về quá trình tái cơ cấu và phát triển thị trường điện cạnh tranh, tư nhân hoá và
cải cách thể chế trong công nghiệp điện. Nhìn chung, việc cải cách ngành điện ở
liên hiệp Anh được đánh giá là thành công. Các kinh nghiệm về phát triển thị
trường điện tại Liên hiệp Anh đã trở thành khuôn mẫu về chính sách cải tổ và phát
triển thị trường điện cạnh tranh trong ngành điện cho một số quốc gia khác. Theo tài
liệu của Ủy ban năng lượng Thế giới, từ năm 1990, năng suất lao động của ngành
công nghiệp điện của Anh tăng đáng kể (tăng 8% từ 1988 đến 1995). Giá bán điện
cho người tiêu dùng giảm (giảm 7,5% từ 1990 đến 1995). Các công ty phát điện
kinh doanh có lãi với tỷ lệ thu hồi vốn 25% đối với hai công ty lớn nhất trong giai
đoạn 1993 đến 1999. Việc giảm giá điện đối với người sử dụng tại Liên hiệp Anh
được đánh giá là do cơ chế điều tiết và áp lực cạnh tranh tạo ra.
1.4.1.2. Kinh nghiệm của Australia.

Việc cải tổ và tư nhân hóa tại Australia được tiến hành cả ở cấp bang và liên
bang.
- Năm 1994, Công ty điện lực bang Victoria được chia thành 5 công ty phát
điện. 29 công ty phân phối cũ được sát nhập lại thành 5 công ty phân phối. Lưới
điện truyền tải được chia ra làm 2 vùng do 2 công ty quản lý. Cơ quan vận hành thị
trường bang (Victorian Power Exchange) được thành lập để vận hành thị trường bán
buôn điện và công ty lưới điện Victoria (PowerNet Victoria) quản lý lưới truyền tải

17


điện. Mô hình ban đầu là cạnh tranh bán buôn. Năm 1996, bắt đầu hình thành thị
trường cạnh tranh bán lẻ ở bang Victoria, các khách hàng lớn được quyền lựa chọn
mua điện từ 5 công ty phân phối. Đến năm 2000, tất cả các khách hàng đều được tự
do lựa chọn nhà cung cấp.
- Năm 1994 bắt đầu tái cơ cấu ngành điện bang New South Wales. Phần
truyền tải của Pacific Power (TCTy Điện lực bang NSW) được tách ra và hình
thành lên một doanh nghiệp riêng thuộc sở hữu Nhà nước là Trans Grid. 25 công ty
phân phối được sát nhập và tập đoàn hóa thành 6 công ty phân phối vào năm 1996.
Năm 1996, thị trường bán buôn New South Wales bắt đầu đi vào hoạt động.
- Thị trường điện quốc gia của Australia (National Electricity Market-NEM)
được thành lập theo từng giai đoạn trên cơ sở thị trường điện các bang. Giai đoạn 1
của thị trường (NEM1) hoạt động vào năm 1997 với sự liên kết của các bang
Victoria, NSW và khu hành chính thủ đô. Đến cuối năm 1998 NEM bắt đầu đi vào
hoạt động chính thức với sự tham gia thêm của 2 bang là South Australia,
Queensland. Tasmania dự kiến sẽ tham gia thị trường vào năm 2005. Giai đoạn đầu
thực hiện mô hình cạnh tranh bán buôn. Từ năm 2002 bắt đầu thực hiện mô hình thị
trường bán lẻ điện toàn phần, các hộ gia đình cũng có quyền lựa chọn nhà cung cấp.
Công ty quản lý thị trường điện quốc gia (National Electricity Market Management
Company - NEMCO) chịu trách nhiệm điều độ hệ thống và vận hành thị trường.

NEM là thị trường bắt buộc, các nguồn phát từ 30MW trở lên đều phải bán điện lên
thị trường. Các hợp đồng song phương là các hợp đồng tài chính nhằm hạn chế các
rủi ro do biến động về giá cả trên thị trường.
- Năm 1995 cơ quan điều tiết điện lực quốc gia độc lập (Australian
Competition and Consumer Commission - ACCC) được thành lập. Từng bang lại có
các cơ quan điều tiết riêng cho điều tiết thị trường điện từng bang. Từ đầu năm 2005
các cơ quan điều tiết liên bang và tiều bang được thống nhất lại thành 1 cơ quan
điều tiết duy nhất.
Việc mở ra thị trường cạnh tranh tại Australia được đánh giá là thành công.
Giá điện giảm đáng kể. Đặc biệt là ở giá bán buôn. Trong 2 năm từ 1995 đến 1997

18


giá bán buôn trên thị trường Victoria giảm hơn một nửa từ 28,1 A$ xuống còn 12,5
A$/1 MWh. Các khách hàng được tự do lựa chọn nhà cung cấp điện. Mức độ sẵn
sàng của nguồn điện tăng lên, từ 84% năm 1992 tăng đến 93% năm 1999. Tuy
nhiên, quá trình cải tổ này cũng còn một số vấn đề cần xem xét:
- Tiến trình tái tổ chức lại ngành điện ở các bang là khác nhau và chịu ảnh
hưởng của các yếu tố chính trị. Điều này ảnh hưởng đến việc buôn bán giữa các
bang trong thị trường điện quốc gia;
- Nguyên tắc xác định giá khác nhau giữa các bang ảnh hưởng đến sự không
công bằng về cơ hội;
- Cơ quan điều tiết ở cấp liên bang và tiểu bang cùng tồn tại nên có nhiều
trùng lặp về chức năng và đã phải tiến hành hợp nhất thành một cơ quan duy nhất.
1.4.2. Kinh nghiệm của các nước đang phát triển.
Xu thế phát triển thị trường điện tại các nước đang phát triển chậm hơn so với
các nước công nghiệp phát triển. Thị trường điện đã được mở ra ở một số nước khu
vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh. Chile là nước đầu tiên trên thế giới thực
hiện cải tổ ngành điện. Trong các nước đang phát triển Argentina và Chile được coi

là có những thành công nhất định. Thị trường điện tức thời của Argentina tương tự
như thị trường điện quốc gia Australia.
1.4.2.1. Kinh nghiệm của Chile.
Năm 1982 Luật điện lực của Chile ra đời. Ý tưởng đầu tiên được đưa ra là
thực hiện xây dựng thị trường để chia tách các công ty nguồn và phân phối ra khỏi
truyền tải. Sau khi đã chia tách các công ty điện liên kết dọc, một loạt các thị trường
điện khu vực đã được thành lập hoạt động theo điều khiển của các cơ quan vận hành
hệ thống độc lập (ISO). Tiếp theo là thành lập cơ quan điều tiết và tiến hành cải
cách cơ bản về giá. Song song với việc cải tổ, quá trình tư nhân hóa cũng được tiến
hành. Đến cuối những năm 90, phần lớn các công ty điện của Chile đã được sở hữu
bởi các công ty tư nhân. Mô hình thị trường của Chi lê hiện nay là mô hình bán lẻ
với các khách hàng lớn được quyền lựa chọn nhà cung cấp.

19


×