Tải bản đầy đủ (.pdf) (103 trang)

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC VÀ ĐỒ THỜ CHÙA BỐI KHÊ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.99 MB, 103 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT VIỆT NAM

NGUYỄN TIẾN HIỆP

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC
VÀ ĐỒ THỜ CHÙA BỐI KHÊ

LUẬN VĂN THẠC SĨ MỸ THUẬT

HÀ NỘI, 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỸ THUẬT VIỆT NAM

NGUYỄN TIẾN HIỆP

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC
VÀ ĐỒ THỜ CHÙA BỐI KHÊ

LUẬN VĂN THẠC SĨ MỸ THUẬT
Chuyên ngành: Mỹ thuật tạo hình (Hội họa)
Mã số: 60210102
Khóa: 18 (2015-2017)



GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN: PGS.TS BÙI THỊ THANH MAI

HÀ NỘI, 2017


1

BẢNG CHỮ CÁI VIẾT TẮT

Gs

: Giáo sư

H

: Hình

NXB

: Nhà xuất bản

Pgs

: Phó Giáo sư

SCN

: Sau công nguyên


TCN

: Trước công nguyên

Tr

: Trang

Ts

: Tiến sĩ

Tskh

: Tiến sĩ Khoa học


2

MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 4
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 4
2. Tình hình nghiên cứu đề tài .......................................................................... 5
3. Mục đích nghiên cứu ..................................................................................... 7
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu .............................................. 7
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 7
6. Đóng góp của luận văn .................................................................................. 8
7. Kết cấu của luận văn ..................................................................................... 8
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG DỂ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI ............ 9
1.1. Khái niệm trang trí, các thể loại nghệ thuật tạo hình ................................. 9

1.2. Mối quan hệ giữa trang trí và kiến trúc, điêu khắc với kiến trúc trong
nghệ thuật tạo hình .......................................................................................... 11
1.2.1. Mối quan hệ giữa trang trí và kiến trúc................................................. 11
1.2.2. Mối quan hệ giữa điêu khắc và kiến trúc .............................................. 13
1.3. Khái quát về đồ thờ trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt 14
1.4. Khái quát về kiến trúc chùa Việt, giới thiệu chùa Bối Khê ..................... 16
Chương 2: NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC, ĐỒ THỜ
CHÙA BỐI KHÊ ............................................................................................ 22
2.1. Mặt bằng tổng thể kiến trúc chùa Bối Khê, phân loại hệ thống đồ thờ ... 22
2.1.1. Mặt bằng tổng thể kiến trúc chùa Bối Khê ........................................... 22
2.1.2. Phân loại hệ thống đồ thờ...................................................................... 24
2.2. Các mô típ trang trí mang tính biểu tượng trên kiến trúc, đồ thờ chùa Bối
Khê .................................................................................................................. 25
2.3. Các hình thức trang trí, đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trên kết cấu kiến
trúc, hệ thống đồ thờ chùa Bối Khê ................................................................ 31
2.3.1. Đặc trưng ngôn ngữ tạo hình ................................................................ 31


3

2.3.2. Hình thức trang trí dựa trên kết cấu kiến trúc thể hiện đặc trưng ngôn
ngữ tạo hình của nghệ thuật trang trí và chạm khắc ....................................... 33
2.4. Hình thức trang trí, đặc trưng ngôn ngữ tạo hình trên hệ thống đồ thờ
chùa Bối Khê ................................................................................................... 47
2.4.1. Đồ thờ nhân cách................................................................................... 47
2.4.2. Đồ thờ phi nhân cách ............................................................................ 52
Chương 3: GIÁ TRỊ VÀ VAI TRÒ CỦA NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ
KIẾN TRÚC CHÙA BỐI KHÊ ..................................................................... 58
3.1. Giá trị và vai trò của trang trí trên kiến trúc chùa Bối Khê ..................... 58
3.2. Giá trị và vai trò của trang trí trên hệ thống đồ thờ ................................. 63

3.3. Bài học rút ra sau khi nghiên cứu đề tài ................................................... 65
KẾT LUẬN ..................................................................................................... 69
TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................... 71
PHỤ LỤC ....................................................................................................... 75


4

MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời, trong quá trình hình thành,
định hình và phát triển đất nước, văn hóa nghệ thuật đóng vai trò quan trọng
trong việc phản ánh đặc điểm tính cách, dáng hình dân tộc. Mỹ thuật là loại
hình tiêu biểu, có khả năng phản ánh, chuyển tải nhiều đặc điểm về tinh thần,
vật chất của con người. Mỹ thuật Việt Nam mang nhiều đặc điểm của Mỹ
thuật phương Đông, có nhiều khác biệt với Mỹ thuật phương Tây. Là một
người hoạt động trong lĩnh vực Mỹ thuật, nghiên cứu tâm linh, tôn giáo, bản
thân tôi có mong muốn tìm hiểu những giá trị đẹp đẽ của nghệ thuật Việt, từ
con người cho tới văn hóa, xã hội; muốn tìm hiểu về giá trị nghệ thuật xưa cũ
còn lưu lại tới nay.
Đất nước Việt Nam là một trong số ít các quốc gia được sự ưu ái của tự
nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, đã có rất nhiều công trình nghệ thuật được
tạo ra để thể hiện sự phát triển đầy đủ, hoàn thiện của con người, xã hội. So
với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong số ít quốc
gia có nhiều công trình kiến trúc tâm linh, có tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu tam
phủ được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Những
di tích tôn giáo tại Việt Nam vẫn tồn tại, không chỉ là nơi phế tích mà còn tiếp
nối vai trò của nó khi được xây dựng nên. Là một quốc gia đa tôn giáo, song
Phật giáo có ảnh hưởng nhiều nhất đến con người Việt. Mái chùa, mái đình
Việt có thể coi như mái nhà của dân tộc. Đời sống tinh thần của người Việt rất

phong phú, nó thể hiện ra rõ ràng ở các công trình kiến trúc tâm linh. Những
công trình này có sự xuất hiện dày đặc của nghệ thuật trang trí. Tìm hiểu về
những dấu tích tâm linh-nghệ thuật này, có thể thấy được phần nào đời sống
văn hóa – nghệ thuật của người xưa.


5

Chùa Việt gần như là lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật truyền thống,
mà chủ yếu là điêu khắc và kiến trúc. Chùa Việt có giá trị như một kho tàng
vô giá mà nhiều thế hệ nghệ sỹ, nhà nghiên cứu, những người yêu văn hóanghệ thuật đón nhận. Trong quá trình sinh sống, học tập tại Hà Nội, bản thân
người viết có duyên đi, đến và cảm nhận nhiều không gian văn hóa khu vực
đồng bằng sông Hồng, tôi có quan tâm đến chùa Bối Khê (Đại bi tự) ở Tam
Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Bối Khê là một di tích tâm linh nổi tiếng trong số
những chùa cổ khu vực đồng bằng sông Hồng. Chùa có giá trị về nhiều mặt :
tôn giáo, kiến trúc cổ, mỹ thuật truyền thống. Bối Khê là một di tích còn lưu
giữ được tương đối di vật, có niên đại cổ, màu sắc tôn giáo hỗn hợp hấp dẫn
với sự tích Đức thánh Bối; nên thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
Bản thân người viết cũng không nằm ngoài hấp lực đó. Mong muốn tìm hiểu,
nghiên cứu nghệ thuật trang trí tại chùa theo phương diện Mỹ thuật là lý do
chính để tiến hành nghiên cứu đề tài “ Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc và đồ
thờ chùa Bối Khê”.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ lâu đã là nguồn đề tài lớn cho các nhà
nghiên cứu Văn hóa-Xã hội-Nghệ thuật, đã có nhiều công trình nghiên cứu về
chùa Việt. Với riêng chùa Bối Khê thì đã có không dưới mười nghiên cứu,
khảo sát về các mặt, các khía cạnh của chùa. Nhiều tài liệu và nghiên cứu về
chùa Bối Khê đang được lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Viện
Nghiên cứu Hán –Nôm, Viện Khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Mỹ thuật, Bảo
tàng Tổng hợp Hà Tây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm bảo tồn và tu

bổ di tích Trung ương, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, với
hàng trăm bản vẽ kiến trúc, bản ảnh, thác bản bi ký được thu thập từ trước
năm 1945 tới nay. Các nghiên cứu hầu hết chỉ tập trung làm rõ một vài khía
cạnh, một số di vật, lịch sử nghệ thuật, song có nhiều chỗ chưa thống nhất và


6

chính xác. Nhìn chung chưa thấy nghiên cứu cụ thể, tổng hợp về nghệ thuật
trang trí chùa Bối Khê dựa trên cơ sở Mỹ thuật tạo hình. Có thê điểm qua
những nghiên cứu có trước luận văn này:
- Viện Viễn đông Bác cổ (1932), Pagodes, temples et maisons de culte
de Hadong, Hà Nội. Đây là cuốn sách tra cứu về kiến trúc do người Pháp tiến
hành tổng hợp, phát hành. Từ khi thành lập Viện Viễn đông Bác cổ
(Imprimerie Tonkinoise) người Pháp đã tiến hành nghiên cứu các di sản lịch
sử văn hóa Việt, phần lớn là các công trình thờ tự ở châu thổ Bắc Bộ. Thông
tin về chùa Bối Khê có được dành số trang lớn, song thiếu tính chính xác ( có
thể là do sai lệch về cách hiểu chữ viết trên bi ký).
- Lâm Biền, Huy Bá (1962),Chùa Bối Khê(Đại Bi Tự), Hà Sơn Bình tư
liệu, bản đánh máy, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Nghiên cứu của
hai ông mang tới những ghi nhận khái quát về kiến trúc, tính chất di sản của
di tích chùa Bối Khê. Nghiên cứu có sự sai lệch về các phong cách nghệ thuật
của chùa Bối Khê ( sự nhận nhầm phong cách thời Mạc và Lê Sơ giống thời
Trần).
- Nguyễn Bá Lăng (1973), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam,I, NXB Vạn
Hạnh, Sài Gòn. Chùa Bối Khê được nhắc đến, song do tác giả không có điều
kiện khảo sát thực địa nên có nhiều khiếm khuyết đáng tiếc.
- Trần Lâm Biền, Chu Quang Trứ (1981), Chùa Bối Khê ( Đại Bi Tự một kiến trúc từ thời Trần), Phòng tư liệu, Viện Mỹ thuật.
- Trần Lâm Quân (1994), Chùa Bối Khê, Khóa luận tốt nghiệp đại học
chuyên ngành khảo cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội

và Nhân văn, Đại học Quốc Gia, Hà Nội.


7

- Nguyễn Quốc Tuấn (2001), Di tích chùa Bối Khê, Luận án tiến sĩ Khoa
học lịch sử, Bảo vệ luận án tại Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
3. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu các di tích tôn giáo Việt Nam để thấy được nét đẹp trong văn
hóa, nghệ thuật của dân tộc. Mục đích chính của luận văn là nghiên cứu nghệ
thuật trang trí trên kiến trúc, đồ thờ tại chùa Bối Khê. Nghiên cứu dựa trên cơ
sở của nghệ thuật tạo hình. Luận văn mong muốn mang lại hiểu biết có tính
hệ thống về nghệ thuật trang trí kiến trúc chùa, trang trí đồ thờ tự, những đặc
điểm thẩm mỹ định hình cụ thể ở chùa Bối Khê.
4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là “nghệ thuật trang trí” trên kiến
trúc, đồ thờ tự chùa Bối Khê. Phạm vi nghiên cứu của luận văn giới hạn kết
cấu kiến trúc chùa Bối Khê, hiện vật còn lưu lại được. Ngoài ra còn mở rộng
so sánh với các chùa khác cùng tính chất thờ cúng, cùng khu vực địa lý và
niên đại lịch sử.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng những phương pháp sau:
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Tiếp cận, tổng hợp hệ thống các tư
liệu ảnh, văn bản về chùa Bối Khê, lịch sử Phật giáo, kiến trúc đình chùa Việt.
Tra cứu tư liệu văn bản và hình ảnh có liên quan tới đối tượng nghiện cứu tại
thư viện quốc gia, viện mỹ thuật, viện kháo cổ học. Để có cái nhìn đa chiều
hơn về vấn đề nghiên cứu, tra tìm thêm tài liệu về Mĩ học, Nghệ thuật tạo
hình, Kiến trúc, lịch sử Phật giáo. Phân tích, nghiên cứu các tư liệu để tìm ra
giá trị nghệ thuật, đặc điểm nghệ thuật trang trí ở chùa Bối Khê.



8

- Phương pháp diễn dịch: Luận văn sử dụng phương pháp diễn dịch để
trình bày và làm rõ các vấn đề đặt ra.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Triết học, mĩ học, mỹ thuật
học, văn hóa học, xã hội học.
- Phương pháp điền dã, quan sát: Đi tới thực địa chùa Bối Khê để tiếp
xúc với nền chùa, các di vật, và tìm hiểu không gian văn hóa, tôn giáo. Kết
hợp đi thăm một số chùa trong khu vực Hà Nội để có cơ sở so sánh kiến trúc.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn mang đến cho những người yêu thích nghệ thuật cổ truyền;
hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật; thích chùa Việt và hướng về Phật giáo một
tài liệu về nghệ thuật trang trí kiến trúc, đồ thờ chùa Bối Khê.
7. Kết cấu của luận văn
Luận văn bao gồm phần mở đầu (5 trang), nội dung (60 trang), kết luận
( 2 trang). Phần nội dung của đề tài gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề chung để nghiên cứu đề tài (13trang)
Chương 2: Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc, đồ thờ chùa Bối khê (36 trang)
Chương 3: Giá trị, vai trò của nghệ thuật trang trí kiến trúc, đồ thờ chùa Bối
Khê (11 trang)
Ngoài ra luận văn còn có tài liệu tham khảo, phụ lục ảnh minh họa


9

Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG DỂ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
1.1. Khái niệm trang trí, các thể loại nghệ thuật tạo hình
Theo “Từ điển Tiếng Việt” thì “trang trí” là “ Sắp xếp, bố trí các vật có

hình khối, đường nét, màu sắc khác nhau sao cho tạo ra một sự hài hoà, làm
đẹp mắt một khoảng không gian nào đó”[15 ]. Có nhiều quan niệm khác nhau
về khái niệm trang trí, song tựu chung lại là ở mục đích làm đẹp cho vẻ ngoài,
tăng giá trị thẩm mỹ của đối tượng. Tính trang trí cũng có mặt ở các mảng
nghệ thuật điêu khắc và hội họa. “Mỹ thuật là từ chỉ loại hình nghệ thuật có
quan hệ đến sự thụ cảm bằng mắt và sự tạo thành các hình tượng lấy từ thế
giới vật chất bên ngoài để đưa lên mặt phẳng hai chiều hoặc một không gian
ba chiều” [ 14]. Hiện nay chưa có sự nhất quán về quan niệm chuẩn mực mỹ
thuật. Tuy vậy, mỹ thuật có hệ thống giá trị thẩm mỹ riêng, mang tính hàn
lâm, kinh viện để đánh giá mức độ, giá trị nghệ thuật của các tác phẩm. Theo
“Từ điển mỹ học” của Étienne Souriau (1990) thì tiêu chuẩn mỹ thuật mang
tính kinh viện gồm có: “nhạy cảm, mang tới nhiều cảm xúc cho người thưởng
thức, kĩ thuật thể hiện tốt, mức độ diễn tả đạt tới một trong các loại hình mỹ
học”. Trên thế giới, ở Việt Nam chúng ta thường chỉ thừa nhận khái niệm Mỹ
thuật theo nghĩa hàn lâm và có sự phân biệt rõ rệt giữa mỹ thuật với thủ công
mỹ nghệ, mỹ thuật ứng dụng. Mỹ thuật còn có tên gọi khác là nghệ thuật tạo
hình.
Theo “ Từ điển tiếng Việt ”[15] nghệ thuật tạo hình là “Tạo ra các hình
thể bằng đường nét, hình khối, màu sắc”. Theo “ Từ điển bách khoa toàn
thư” [11] thì nghệ thuật tạo hình là “Thủ pháp sáng tạo nghệ thuật bằng
ngôn ngữ hình khối, màu sắc, chất cảm, không gian, bố cục”. Như vậy, có thể
hiểu nghệ thuật tạo hình nói chung, là nghệ thuật sử dụng một số phương tiện


10

và chất liệu, tạo nên những hình thức trên mặt phẳng và trong không gian.
Những tác phẩm hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, đồ họa, được coi là những sản
phẩm của lĩnh vực nghệ thuật tạo hình. Bên cạnh đó, nghệ thuật tạo hình còn
được gọi là nghệ thuật không gian, nghệ thuật thị giác… Mỗi loại hình nghệ

thuật thị giác có cách biểu hiện khác nhau tuỳ thuộc vào đặc trưng ngôn ngữ
tạo hình. Có 4 thể loại nghệ thuật tạo hình được chia theo nội dùng và hình
thức thể hiện là Hội Họa, Kiến Trúc, Điêu Khắc và Đồ Họa. [8]
Hội Họa: Nghệ thuật tạo hình được thể hiện thông qua đường nét, hình,
màu sắc chủ yếu ở không gian phẳng (không gian 2 chiều). Các tác phẩm hội
họa được thể hiện trực tiếp và có tính độc bản. Hội họa có không gian ảo chỉ
có thể cảm nhận bằng thị giác. Một đặc trưng nữa của hội họa là tính tạo hình
trực tiếp bằng các yếu tố ngôn ngữ tạo hình: hình, khối, đường nét, màu sắc.
Hội họa là một mảng quan trọng của mỹ thuật.
Đồ Họa: Nghệ thuật tạo hình được thể hiện gián tiếp trên bề mặt 2
chiều thông qua các kĩ thuật in ấn, vì vậy có tính đa dạng về số lượng tác
phẩm, có thể có nhiều bản sao hoặc các tác phẩm độc bản. Ngôn ngữ đặc
trưng của đồ họa là đường, nét, chấm, vạch, hình và màu.
Điêu khắc: Nghệ thuật tạo hình được thể hiện trong không gian ba
chiều (tượng tròn) hoặc hai chiều (phù điêu, chạm khắc). Nghệ thuật điêu
khắc sử dụng các chất liệu như: gỗ, đá, đồng, đất, thạch cao... để tạo nên tác
phẩm nghệ thuật tồn tại và chiếm chỗ trong không gian thực bằng cách tạc,
đục, nặn gò. Điêu khắc có ngôn ngữ tạo hình giống với hội họa và đồ họa,
nhưng được khai thác trên những góc độ khác do tính đặc trung của mình:
khối, hình, đường nét, bề mặt, chất liệu, không gian, màu sắc.
Kiến trúc: Nghệ thuật tạo hình được thể hiện trong không gian ba chiều
và thiên về công năng sử dụng, thông qua các kỹ thuật xây dựng, trang trí. Ở


11

một mức độ nào đó nó có thể coi là tổng hòa ứng dụng của các loại hình nghệ
thuật khác (chủ yếu ở mục đích trang trí các công trình kiến trúc).
1.2. Mối quan hệ giữa trang trí và kiến trúc, điêu khắc với kiến trúc
trong nghệ thuật tạo hình

1.2.1. Mối quan hệ giữa trang trí và kiến trúc
Kiến trúc và trang trí là các loại hình nghệ thuật xuất hiện rất sớm trong
lịch sử xã hội loài người luôn có mối quan hệ gắn bó với nhau bởi tính đặc
thù của nó. Kiến trúc và trang trí đều có ý nghĩa thực dụng rất rõ nét; một mặt
nó là lĩnh vực tinh thần – sáng tạo nghệ thuật và lĩnh vực vật chất – sáng tạo
trong sản xuất vật chất. Các công trình kiến trúc đều có sự xuất hiện của nghệ
thuật trang trí. Sự luân chuyển nhịp nhàng, uyển chuyển và sự kết hợp các
đường nét hình học cách điệu và các yếu tố tạo hình hợp thành hoa văn – họa
tiết trang trí trên kiến trúc. Cũng chính vì vậy, trang trí như một bộ phận hợp
thành toàn bộ công trình kiến trúc, song mặt khắc bản thân nó cũng có thể
được coi là một tác phẩm nghệ thuật hội họa riêng biệt, độc đáo.
Kiến trúc là một loại hình nghệ thuật mà cho đến ngày nay trong nghệ
thuật vẫn còn diễn ra những cuộc tranh cãi rằng, nó có thuộc nghệ thuật hay
không. Xét về chức năng của nó, thì kiến trúc là thực dụng, nhằm thỏa mãn
những nhu cầu vật chất của xã hội, và trước hết là nhu cầu về nhà ở, công
trình để lao động, nghỉ ngơi và điều hành các chức năng xã hội. Nhưng đồng
thời kiến trúc là một nghệ thuật riêng biệt, trong đó cũng như nghệ thuật ứng
dụng, điều có ý nghĩa quan trọng không chỉ là chức năng thực dụng, công
dụng thực tế của các công trình, mà còn là bản chất thẩm mỹ của chúng, sự
tác động giữa tư tưởng với tình cảm, sự thỏa mãn nhu cầu cái đẹp của con
người. Đặc trưng của ngôn ngữ của nghệ thuật kiến trúc là ở chỗ, trong hai
tính năng phục vụ lợi ích và thẩm mỹ, thì tính năng phục vụ lợi ích có ý nghĩa


12

nội dung, mang tích mục đích, tính năng thẩm mỹ mang ý nghĩ hình
thức. Cho nên, các hình tượng của nó mang tính chất ích dụng; mặt khác cái
đẹp về hình thức kết hợp cái ích dụng vật chất và tinh thần lại phản ánh những
tư tưởng chung, về sự khẳng định cuộc sống, về tầm vĩ đại, về sự hùng mạnh

của những tư tưởng thẩm mỹ về cái đẹp.
Là nghệ thuật chiếm lĩnh không gian, bằng phương pháp tạo hình, nên
cái đẹp trong kiến trúc được tạo dựng thông qua hình khối, đường nét, các tỉ
lệ, nhịp điệu và kiểu dáng cao - thấp, rộng - hẹp, cong - thẳng, mau - thưa. Do
những điều kiện lịch sử, tôn giáo khác nhau mà các phong cách kiến trúc cũng
khác nhau. Kiến trúc châu Âu khác với kiến trúc châu Á, kiến trúc Thiên chúa
giáo, Hồi giáo, Phật giáo cũng khác nhau. Trong đặc trưng ngôn ngữ của nghệ
thuật kiến trúc tác động, gợi ý nghĩa bằng đặc tính chất liệu của nó từ đất, đá,
gỗ, mây, tre, nứa, lá, kim loại... Kiến trúc bao gồm nhiều thể loại được phân
theo chức năng của công trình.
Trang trí cũng là loại hình có từ lâu đời gắn bó mật thiết với nghệ thuật
kiến trúc, mà đặc điểm nổi bật của nó cũng bao hàm tính năng phục vụ lợi ích
và thẩm mỹ. Đặc trưng của nghệ thuật trang trí là hình trang trí (hoa văn). Các
yếu tố hợp thành hoa văn là họa tiết và nhịp điệu. Trong đó các họa tiết kết
hợp các đường nét hình học theo một kiểu nào đó thì nhịp điệu lại nối các họa
tiết với nhau thành một khối thống nhất, lặp đi, lặp lại nhiều lần tạo sự hài
hòa, nhịp nhàng và thống nhất giữa các yếu tố trong một tác phẩm trang trí.
Có thể thấy sự gắn kết giữa nghệ thuật trang trí và kiến trúc xuất hiện
từ sớm, ngay từ thuở bình minh sơ khai của loài người. Nhu cầu về nơi ở,
không gian sống, nơi sinh hoạt tâm linh,... đã thúc giục con người lao động và
sáng tạo. Những công trình kiến trúc cổ cũng chính là những công trình đậm
tính nghệ thuật. Trong lịch sử mỹ thuật thế giới nói chung, những công trình
kiến trúc phục vụ cộng đồng người đều là nơi thể hiện giá trị văn hóa, nghệ


13

thuật rõ nét, đặc biệt là những công trình kiến trúc tôn giáo. Có thể điểm qua
một vài công trình kiến trúc – nghệ thuật-tôn giáo : Đền Taj Mahal ở Ấn Độ,
khu đồi Acropolis ở Hy Lạp, những Kim tự tháp ở Ai Cập, những Kim tự

tháp đôi của nền văn minh Aztec – Mexico, Angkor Wat ở Campuchia.... Việt
Nam cũng có những công trình kiến trúc-nghệ thuật đẹp, đó là những đền đài,
miếu mạo, chùa chiền trải khắp chiều dài đất nước.
1.2.2. Mối quan hệ giữa điêu khắc và kiến trúc
Điêu khắc là một ngành của nghệ thuật tạo hình, quá trình sáng tạo dựa
trên nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều và
chịu sự chi phối của những quy luật tạo hình. Tác phẩm của điêu khắc
thường được tạo ra bằng cách tạo hình hoặc kết hợp vật liệu như kim loại, đá,
thủy tinh, gỗ, đất sét, dệt may, nhựa, polyme, các kim loại nhẹ... Các thể loại
chính của điêu khắc gồm có “tượng tròn” và “phù điêu”. “Tượng tròn” là
danh từ chỉ các tác phẩm điêu khắc tồn tại ba chiều trong không gian . Căn cứ
vào hình thức biểu đạt, có thể chia “tượng tròn” ra thành các thể loại: chân
dung, nhóm tượng, tượng trang trí nội ngoại thất. “Phù điêu” là một từ Hán
Việt, có thể hiểu như sau : “phù” là nổi, “điêu” là đắp, chạm, khắc. Vậy, “phù
điêu” là hình thức đắp, chạm, khắc làm cho hình nổi, chìm, cao, thấp trên một
mặt phẳng nào đó. Điêu khắc rất hay được sử dụng trong trang trí kiến trúc.
Loại hình tượng tròn có mặt trong bài trí không gian, loại hình phù điêu có
mặt trong trang trí các kết cấu kiến trúc.
Đặt trong mối quan hệ chung giữa các thể loại của nghệ thuật tạo hình,
Kiến trúc và Điêu khắc có mối liên hệ hữu cơ khá bền chặt Tùy theo công
năng, mục đích sử dụng công trình kiến trúc mà có thể loại trang trí tương
xứng. Có thể thấy mối quan hệ này thể hiện ở các mảng tường trang trí phù
điêu đắp nổi, những mảng chạm khắc trang trí kết cấu kiến trúc. Tính trang trí


14

ứng dụng của điêu khắc được khai thác hiệu quả khi kết hợp với kiến trúc.
Điêu khắc gắn bó mật thiết với kiến trúc, vì đều là hình khối, rất dễ hòa quyện
và tô điểm cho nhau. Mối liên hệ hữu cơ giữa điêu khắc và kiến trúc có truyền

thống lâu đời. Hai hình thức nghệ thuật này có đối tượng nghiên cứu chung là
hình khối. Khối trong kiến trúc gắn với công năng sử dụng rõ ràng là phục vụ
con người, khối trong điêu khắc là ngôn ngữ tạo hình đặc trưng.
Điêu khắc trong trang trí kiến trúc có hai loại: một loại thuần túy có
tính chất trang trí, làm đẹp cho kiến trúc, như hình rồng phượng trên nóc nhà,
đầu đao. Loại thứ hai được sáng tác nhằm phục vụ tính chất, nội dung, tư
tưởng tôn giáo tín ngưỡng của công trình, như các tượng thờ. Có thể thấy điêu
khắc góp mặt trong trang trí kiến trúc với cả hai loại hình của mình là tượng
tròn và phù điêu (chạm khắc, đắp nổi). Điêu khắc có vai trò quan trọng đối
với trang trí kiến trúc, làm tăng giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật, công năng sử
dụng cho các công trình kiến trúc. Trong nền mỹ thuật truyền thống Việt
Nam, nghệ thuật điêu khắc kết hợp với trang trí kiến trúc tôn giáo là đặc điểm
điển hình.
1.3. Khái quát về đồ thờ trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người
Việt
Kiến trúc tôn giáo và đồ thờ là mối liên kết không thể tách rời. Gs. Trần
Lâm Biền đã viết “Không có một di tích tôn giáo nào không có đồ thờ. Đồ thờ
xác định tư cách cho kiến trúc cùng với hệ thống tượng liên quan để trở thành
di tích tôn giáo tín ngưỡng. Ngược lại, nếu không có đồ thờ thì cùng lắm di
tích đó chỉ mang hình thức một nhà trưng bày” [2, tr.5] Có thể thấy đồ thờ có
vai trò quan trọng trong kiến trúc tôn giáo, cụ thể hơn là kiến trúc chùa Việt.
Đồ thờ không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn là vật mốc đánh dấu chặng
đường phát triển của lịch sử, con người và nghệ thuật. Khi nghiên cứu những


15

kiến trúc cổ, đồ thờ cũng đóng góp tích cực vào việc xác định giá trị xác thực
của kiến trúc. Thêm vào đó, bản thân đồ thờ cũng là một mảnh đất đặc biệt
của nghệ thuật trang trí. Đồ thờ gần như là một gương mặt đại diện văn hóa

nghệ thuật tạo hình dân tộc. Do vậy, nghiên cứu về đồ thờ cũng là một cách
hiệu quả để tìm hiểu lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Đồ thờ được cho
là có sức linh nhất định, thông qua nó con người thể hiện mình và lòng thành
kính với những đấng thiêng liêng. Theo Gs. Trần Lâm Biền, có thể chia đồ
thờ theo hai dạng chính : Đồ thờ mang tính nhân cách và đồ thờ phi nhân
cách. [2, tr.46]
- Đồ thờ mang tính nhân cách: Từ thời cổ đại con người đã từng tin
rằng có một linh hồn siêu hình chi phối muôn loài. Theo đà phát triển của tư
duy và lịch sử, con người luôn chuẩn hóa hình tượng thiêng liêng ấy theo
chính hình tượng của con người. Thần linh nhân cách nảy sinh. Tư duy con
người đa diện và thần linh cũng đa diện theo. Đồ thờ mang tính nhân cách
hữu hình hóa thành tượng thờ. Tượng thờ cũng mang những đặc điểm hình
tượng của con người. Đặc điểm này có thể thấy ở hầu như tất cả những cái nôi
của loài người. Đối chiếu tính nhân bản đó, đồ thờ mang tính nhân cách với
người Việt cũng mang đặc điểm chung ấy. Tượng thờ của người Việt thể hiện
tư duy văn hóa tín ngưỡng, cũng là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Tượng thờ
xuất hiện trước, rồi những thứ có liên quan đến tượng xuất hiện theo.
- Đồ thờ phi nhân cách: Là những đồ thờ không được gán cho những
đặc điểm mang tính người, mang ý nghĩa biểu tượng, được con người dùng để
“giao tiếp” với những đấng thiêng liêng. Đồ thờ phi nhân cách cũng là một đề
tài nhiều đất diễn cho mỹ thuật ứng dụng, cụ thể hơn là nghệ thuật trang trí.
Lịch sử phát triển của những nền văn hóa lớn trên thế giới đã chứng
mình rằng, tín ngưỡng tôn giáo là thứ dẫn động, tác động đến con người rất


16

mạnh. Từ cổ đại, từ lúc tồn tại “tư duy vạn vật hữu linh” đã những vị thần
cây, thần đá, tô tem thờ linh vật. Cho tới khi tôn giáo xuất hiện, những “vị
giáo chủ, thần chủ” được gán cho những quy chuẩn mang tính tuyệt đối về

đạo đức, trí tuệ, sinh mệnh. Không nằm ngoài đặc điểm chung đó, ngay từ
thời cổ đại, người Việt đã có tín ngưỡng thờ vật, rồi thờ Thần. Việt Nam là
một quốc gia có nền văn minh lúa nước cổ, sớm có những giao cảm với thế
giới tự nhiên. Nhu cầu dự đoán, mong muốn mùa màng tươi tốt đã dẫn tới
những đúc kết kinh nghiệm phục vụ lao động sản xuất. Khi Phật giáo vào đất
Việt vào khoảng thế kỉ thứ 2 SCN, tín ngưỡng thờ Thần của người Việt nhanh
chóng thu nhận, hòa tan và biến đổi Phật giáo thành tôn giáo tín ngưỡng bản
địa. Đồ thờ của người Việt có thêm nhiều hình thức mới. ( nói một cách hình
tượng thì điện Thần của người Việt có thêm nhiều nhân vật mới). Hệ thống đồ
thờ nhân cách, ban thờ và những thứ liên quan xuất hiện trong kiến trúc tôn
giáo như một lẽ tự nhiên.
1.4. Khái quát về kiến trúc chùa Việt, giới thiệu chùa Bối Khê
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam châu Á, vừa dựa vào lục địa vừa
hướng ra biển, là điểm dừng chân của các con đường giao thông giữa Ấn Độ
Dương và Thái Bình Dương. Do đặc điểm vị trí địa lý, Việt Nam dù không
sinh ra một tôn giáo lớn nào, nhưng từ rất sớm đã là nơi gặp gỡ của nhiều tôn
giáo khác nhau: Phật, Nho, Lão...Trong quá trình phát triển lịch sử, các tôn
giáo không những không triệt tiêu lẫn nhau mà còn giao thoa với nhau, hòa
trộn thành một hỗn hợp tôn giáo có màu sắc phong phú. Phật giáo vào Việt
Nam trong giai đoạn Bắc thuộc ( khoảng thế kỉ 2 trước công nguyên ),nhanh
chóng bắt rễ và phát triển trong lòng dân tộc. Muốn phát triển phải có nơi
truyền đạo, có giáo đường, và những kiến trúc tôn giáo đầu tiên ra đời.


17

Sự ra đời của kiến trúc chùa Việt chưa có ghi nhận cụ thể, vẫn còn có
quan niệm mang tính huyền sử; có thể từ thời Cao Biền, có thể từ bốn ngôi
chùa quanh khu vực Luy Lâu, thời kì Sĩ Nhiếp cai trị nước ta. Bốn ngôi chùa
có từ thời Bắc thuộc là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Có thể

thấy màu sắc của văn minh nông nghiệp lúa nước ở tên các chùa này; qua đó
có thể thấy sự “Phật hóa” thần linh tại các am, miếu thờ. Qua thời gian, những
ngôi chùa thời Bắc thuộc đến nay không còn lại dấu vết gì ngoài ghi chép
trong thư tịch cổ. Có thể tìm hiểu về đặc điểm của kiến trúc chùa Việt qua
từng thời kì với những cuốn sách của Pgs, Ts Chu Quang Trứ. [23]
Thời Lý: Xét theo dấu tích, thư tịch rõ ràng thì thời Lý, chùa đã định
hình về dạng kiến trúc. Bốn ngôi chùa có từ thời Bắc thuộc là Pháp Vân, Pháp
Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Có thể thấy màu sắc của văn minh nông nghiệp
lúa nước ở tên các chùa này; qua đó có thể thấy sự “Phật hóa” thần linh tại
các am, miếu thờ. Qua thời gian, những ngôi chùa thời Bắc thuộc đến nay
không còn lại dấu vết gì ngoài ghi chép trong thư tịch cổ. Phật giáo vào nước
ta từ thế kỉ thứ 2, ngay từ thời Đinh- Tiền Lê đã có hình thức tu Phật giáo Mật
Tông, song cho tới nay chỉ còn dấu tích ở các di vật khảo cổ. Có thể lấy triều
Lý làm cơ sở để xác định. Thời Lý chùa tháp được xây dựng nhiều, có thể
chia làm 4 loại với kết cấu, bố cục khác nhau. Chùa dựng trên một cây cột, có
dáng hình của một bông hoa sen cách điệu. Loại thứ hai là chùa vừa thờ Phật
vừa là nơi Vua nghỉ khi đi du ngoạn, dạng này chùa rất lớn, thường có bút
tích của Vua. Loại thứ ba không có tháp, không phải hành cung. Loại thứ tư là
chùa nhỏ ẩn trong thôn xóm, thường phát triển lên từ am thờ, miếu thờ.
Thời Trần: Còn khá nhiều kiến trúc Phật giáo còn nguyên vẹn cho tới
nay, có thể chia ra hai loại chùa chính: Chùa do triều đình xây và chùa làng do
quý tộc, bình dân xây dựng. Sở dĩ có sự chia ra như vậy, vì thời Trần, Việt
Nam đã có một hệ thống tư tưởng Thiền riêng, do vua Trần Nhân Tông lập ra,


18

tên là “thiền phái Trúc Lâm”. Cuối thời Trần do sự phân hóa xã hội phát triển
mạnh nên màu sắc văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cũng biến đổi theo.
Thời Hậu Lê: Phật giáo bị nhà nước hạn chế, không xây chùa mới, chùa

cũ hỏng bỏ hoặc bị dồn lẫn, vậy nên số lượng dấu tích vật chất của kiến trúc
rất ít ỏi. Triều Mạc, Phật giáo được phục hồi. Thời Mạc, quan niệm về Phật
giáo khác những thời trước, hướng về “hiện thực” và đại chúng hơn, nên có
sự thay đổi lớn về kiến trúc Phật điện, tượng thờ. Không gian chùa làng trở
thành trung tâm văn hóa làng xã.
Từ thế kỉ XVII cho tới thế kỉ XX: Do đặc điểm nội chiến ( Trịnh Nguyễn); triều Nguyễn đề cao Nho giáo, Phật giáo xuống hàng thứ yếu, nên
không có sự thay đổi lớn về phong cách kiến trúc, chỉ có thay đổi về quy mô,
kích thước và hình thức, đề tài trang trí. Mặt bằng kiến trúc kiểu “ nội Công
ngoại Quốc” ra đời. Do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, tính chất Phật
giáo Việt chuyển dần sang Đại thừa, nên hệ thống đồ thờ tự có thay đổi, thêm
nhiều đề tài mới cho nghệ thuật điêu khắc, trang trí. Có thể nhận định rằng,
mỹ thuật truyền thống Việt Nam được thể hiện rõ nét ở các kiến trúc tôn giáo,
chủ yếu là chùa và đình.
Chùa Bối Khê có tên chữ Hán là Đại Bi Tự, là một chùa cổ, có từ lâu
đời, nằm trên đất làng Bối Khê, nằm hướng ra con sông cổ Đỗ Động huyền
thoại ( nay đã biến mất) ở đất Oai Lộ xưa ( nay là Thanh Oai, Hà Nội). Đây là
vùng đất xưa kia thuộc lãnh địa của sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, một trong 12 sứ
quân mà vua Đinh mất nhiều thời gian dẹp loạn. Chùa có thờ Phật và Thánh
trong cùng một khuôn viên. Chùa thờ Đức Thánh Bối, một nhân vật lịch sử có
thật. Đức Thánh Bối có tên thật là Nguyễn Nữ (hay còn gọi là Nguyễn Nhũ),
tự Bình An, hiệu Đức Minh Chân Nhân. Thân phụ ngài là Nguyễn Hương,
thân mẫu là Trần Thị Hoa. Ngài sinh ra vào đầu thời Trần, hóa năm 95 tuổi.


19

Đức Thánh Bối xuất hiện vào đầu thời Trần, những câu chuyện về việc Ngài
thường xuyên thị hiện pháp thuật để giúp đời cũng được ghi lại trong văn tự
cổ. ( Trong sách Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái)
Theo nhiều nhà nghiên cứu (Gs Trần Lâm Biền, Pgs, Ts Chu Quang

Trứ, Gs Hà Văn Tấn) phân tích, so sánh phong cách nghệ thuật trang trí, kiến
trúc chùa thì Bối Khê được xây dựng vào khoảng năm 1338, thời Trần. Có
nhiều nghiên cứu mới của giới khảo cổ học, bằng các phương pháp xác định
niên đại kỹ thuật cao kết hơp với tìm hiểu các bi kí, di vật mới được phát hiện
ở Thượng Điện, đã cho một cách hiểu khác. Căn cứ theo nội dung văn bia
mới phát hiện ghi lại những lần trùng tu, thì đã có một ngôi chùa Phật lập
trước năm 1226, đến khoảng năm 1320 thì xuất hiện am thờ Thánh Bối. Chùa
Bối Khê là một kiến trúc tôn giáo có niên đại sớm, còn giữ được tương đối giá
trị nghệ thuật trang trí và kiến trúc.
Tiểu Kết:
Mỹ thuật là một loại hình nghệ thuật ra đời sớm. Từ thời cổ đại con
người đã dùng những nét vẽ để ghi lại cuộc sống, truyền đạt thông tin, kinh
nghiệm lao động sản xuất. Ngay từ sớm, nghệ thuật tạo hình đã gắn bó với
con người, là phương tiện chuyển tải đời sống tinh thần. Khi thế giới quan của
con người ngày càng mở rộng và đa diện, nghệ thuật tạo hình cũng đa sắc, đa
chiều hơn. Nghệ thuật tạo hình được ứng dụng vào cuộc sống. Nhu cầu làm
đẹp cả về thể xác lẫn tinh thần của con người là có thật, luông tăng tiến theo
từng thời kì. Qua thời gian, nghệ thuật tạo hình có nhiều biến đổi, nhưng tính
ứng dụng vào cuộc sống thì không hề mất đi. Trong nghệ thuật tạo hình, tính
trang trí có mặt ở điêu khắc và hội họa. Trang trí trên kiến trúc là một dạng
ứng dụng của nghệ thuật tạo hình.


20

Thế giới đa chiều, hiểu biết về tự nhiên còn hạn chế, con người từ thời
cổ đại bị ảnh hưởng bởi mẹ thiên nhiên rất lớn. Lý giải về sự ra đời của những
hiện tượng siêu nhiên, thiên tai, con người hướng về một lực lượng thiêng
liêng siêu hình nào đó chi phối vạn vật sống. Tín ngưỡng ra đời. Tín ngưỡng
thờ cúng là đặc điểm chung của mọi nền văn hóa. Đồ thờ cúng ra đời phục vụ

văn hóa tín ngưỡng. Tín ngưỡng phát triển, đồ thờ cũng đa dạng theo. Có thể
phân loại đồ thờ thành hai dạng chính : Đồ thờ có nhân cách và phi nhân cách.
Đồ thờ có nhân cách là tượng thờ, đồ thờ phi nhân cách là những thứ liên
quan đến tượng thờ, linh thú, linh vật. Nghệ thuật tạo hình cũng góp mặt trong
mảng đời sống tinh thần này,với gần như toàn bộ các loại hình của mình :
Điêu Khắc, Hội Họa, Đồ Họa và Kiến Trúc. Chính những giá trị, quy chuẩn
thẩm mỹ của nghệ thuật là những thước đo, cơ sở xác định giá trị và chức
năng của đồ thờ. Những nhu cầu về tín ngưỡng thờ cúng đã dẫn tới sự phát
triển tín ngưỡng thành tôn giáo. Những công trình kiến trúc-mỹ thuật-tôn giáo
luôn có giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa.
Văn hóa tín ngưỡng của người Việt phát triển từ khá sớm. Kể từ khi
đạo Phật vàoViệt Nam, kiến trúc Phật giáo được xây dựng rất nhiều. Có thể
thấy rất nhiều tác phẩm nghệ thuật chạm khắc trang trí kiến trúc, nghệ thuật
điêu khắc tượng thờ ở những kiến trúc tôn giáo như Đình, Chùa. Nghệ thuật
tạo hình cổ Việt Nam tồn tại ở các kiến trúc Tôn giáo. Kiến trúc chùa Việt là
một sự tổng hòa của nghệ thuật trang trí, kĩ thuật xây dựng, cảnh quan môi
trường và không gian văn hóa – nghệ thuật. Kiến trúc chùa Việt luôn có sự
góp mặt của nghệ thuật trang trí. Mối quan hệ hữu cơ giữa kiến trúc và điêu
khắc thể hiện trên những mảng chạm trang trí kết cấu kiến trúc. Kiến trúc
chùa Việt là nơi lưu giữ những đặc điểm của mỹ thuật truyền thống.
Từ thế kỉ 17 ở Bắc Bộ, chùa tiền Phật hậu Thánh khá phổ biến. Trong
loại hình chùa này, sự bài trí tượng thờ và kiến trúc không đi theo một mô


21

thức quy phạm mà tùy vào sự chuyển hóa chức năng thờ cúng dẫn đến cách
bố trí phù hợp. Ở đồng bằng Bắc Bộ có ba dạng chùa Tiền Phật hậu Thánh
nếu phân loại dựa theo đặc điểm của Thánh, số lượng Thánh được thờ. Đó là
Thánh lịch sử, Thánh huyền thoại, Thánh là hậu thân của Phật; chùa thờ một,

hai và ba Thánh. Chùa Bối Khê thờ thánh lịch sử , huyền thoại kết hợp, kiến
trúc và trang trí thay đổi theo chức năng thờ cúng. Chùa Bối Khê là một kiến
trúc tôn giáo điển hình. Chùa có niên đại vào loại cổ, nằm trên một khu vực
địa lý khá đặc biệtChùa Bối Khê có kiến trúc kiểu tiền Phật hậu Thánh. Hệ
thống đồ thờ ở chùa Bối Khê được bố trí, sắp đặt trong không gian kiến trúc
nhằm xác định chức năng tôn giáo của kiến trúc. . Quần thể kiến trúc chùa
Bối Khê là một phức hợp độc đáo về nghệ thuật trang trí trên kiến trúc và đồ
thờ.


22

Chương 2
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRÊN KIẾN TRÚC, ĐỒ THỜ CHÙA
BỐI KHÊ
2.1. Mặt bằng tổng thể kiến trúc chùa Bối Khê, phân loại hệ thống đồ
thờ
2.1.1. Mặt bằng tổng thể kiến trúc chùa Bối Khê
Chùa Bối Khê gồm nhiều thành phần kiến trúc khác nhau , hiện được
bố cục trên một khoảnh đất có chiều dài 158,20m, rộng 92m, tổng diện tích
14.554,40m2. Trên mặt bằng này,các thành phần kiến trúc được sắp xếp theo
trục từ Tây sang Đông theo thứ tự như sau:
- Năm ngôi tháp cạnh đường chính của làng, xây theo thứ tự từ trái
sang phải. Toàn bộ các tháp được bao quanh bằng tường gạch xây trát vữa
đơn giản dài 13,80m, rộng 6,48m, cao 1,15m.
- Đền thờ Đức Ông có quy mô nhỏ, mặt bằng chữ Đinh, dài 5,10m.
Chiều rộng là 5,30m (tính cả chuôi vồ). Đền nằm ở góc khoảng sân trước Ngũ
Không Môn, gần cùng một hàng ngang với các tháp trên.
- Đường vào chùa lát gạch chỉ cắm đứng, dài 70m, rộng 3.5m. Hai bên
đường là khoảng sân đất trống trồng cây đa, cây đề. Góc sân bên phải phía

ngoài là Đền Đức Ông, thẳng vào trong là Ngũ Không Môn.
- Ngũ Không Môn. Kiến trúc này được gọi tên theo các câu đối chính
tại chỗ. Kiến trúc gần giống nghi môn, đồ sộ, mở thành 5 cổng, kết hợp với
tường xây chắn hết chiều ngang của cả khoảng sân đất trước Ngũ Không
Môn.


23

- Cầu gạch. Cầu bắc qua con lạch trước Tam Quan mà khi xưa chính là
con sông Đỗ Động. Cầu xây bằng gạch chỉ dài 9,30m, rộng 4m.
- Tam Quan, giếng và ao chùa. Trước Tam Quan có hai phiến đá lớn
đặt sát nhau, vốn được coi là vết chân của Đức Thánh Bối. Đối xứng với Tam
Quan, gần hai cổng ngách là giếng chùa, bên phải là ao chùa. Ao chùa đã bị
lấp và biến dạng, không quy chuẩn như giếng.
- Sân chùa Phật. Sân chùa được lát bằng gạch vuông Bát Tràng. Trên
sân có một sập đá lớn đặt ở giữa sân, cách mép Tiền Đường 6,35m. Sập có
dạng khối hộp chữ nhật, mặt phẳng, chân dạng quỳ dạ cá, xung quanh thành
sập chạm khắc hình rồng chầu đuôi xoắn, rồng mặt hổ phù, hoa sen... Sập là
nơi đặt kiệu Đức Thánh Bối khi tiến hành các nghi lễ. Phía trước sập có 2 gốc
cây đại, tượng 2 voi lớn đặt trên bệ liền khối.
- Chùa Phật và cung Thánh. Đây là hai cụm kiến trúc chính và quan
trọng nhất của chùa Bối Khê. Về phối cảnh kiến trúc thì có sự liên kết với
nhau thành một khối, song về chức năng tôn giáo và sắp xếp kiến trúc trọng
yếu thì là hai cụm khác nhau. Chùa Phật bao gồm các tòa nhà Tiền Đường,
Thiêu Hương, Thượng Điện. Hai dãy hành lang và một phần của tòa Đại Bái(
hai gian chái, hai gian hồi) thuộc cơ bản vào cung Thánh phía sau. Tòa Thiêu
Hương nối liền với gian giữa của Tiền Đường với Thượng Điện. Cấu trúc này
tạo cho mặt bằng của riêng chùa Phật có hình chữ Công (I). Đây là loại hình
phân loại mặt bằng của chùa ở Việt Nam nói chung. Cung Thánh gồm tòa Đại

Bái, phần nối gian giữa Đại Bái và Hậu cung (Cung Tổ). Sự kết nối của ba tòa
nhà làm cho cung Thánh cũng có mặt bằng hình chữ Công (I). Hai chữ Công
này nằm trọn vẹn trong một chữ Quốc (chữ Hán). Chức năng tôn giáo thờ cả
Phật và Thánh trong một khuân viên định hình kiến trúc chùa Bối Khê là loại
“ tiền Phật hậu Thánh.”


×