Tải bản đầy đủ (.doc) (21 trang)

quan niệm của i kant về vật tự nó trong phê phán lý tính thuần túy tiểu luận cao học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (214.27 KB, 21 trang )

MỞ ĐẦU
Hêghen đã tổng kết “triết học là sự tổng kết lịch sử tư duy”. Mà lịch sử
phát triển của tư duy lại được tổng kết trong lịch sử triết học, vì thế việc
nghiên cứu lịch sử triết học là rất cần thiết. Nhưng ở nước ta hiện nay, việc
nghiên cứu lịch sử triết học còn ít. Hầu như chỉ tập trung ở một một số
trường đại học lớn mang tính chất đặc thù, chuyên ngành. Vì thế, nghiên cứu
lịch sử triết học là hết sức cần thiết nhằm đi tìm hiểu cội nguồn lịch sử tư
tưởng triết học thế giới.
Trong dòng chảy lịch sử triết học nhân loại, nổi lên những triết gia vĩ đại
đó là I.Kant, Hêghen, Phơbách của triết học cổ điển Đức …I.Kant được tôn
vinh là người sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức và đã có ảnh hưởng rất lớn
đối với các trào lưu triết học phương Tây. Trong tác phẩm “Phê phán lý tính
thuần túy” của I.Kant chứa đựng những luận điểm phức tạp, đầy mâu thuẫn
như những vấn đề về đạo đức, siêu hình học, triết học thực tiễn…hiện nay vẫn
còn gây nhiều bàn cãi chưa đi đến hồi kết. Tính tích cực của chủ thể nhận thức,
năng lực, giới hạn và cấu trúc của lý tính, mâu thuẫn trong quá trình nhận thức,
sự tồn tại và bất tử của Linh hồn, Thượng đế, Thế giới luôn là những nan đề có
rất nhiều kiến giải khác nhau xoay quanh và luôn tìm về triết học I.Kant như là
những luận điểm khai phá có tính lịch sử. I.Kant đã phân biệt hai lĩnh vực nhận
thức: lĩnh vực mà con người có thể nhận thức được đó là thế giới hiện tượng,
và lĩnh vực mà lý tính con người dù đã làm cuộc bạo động xâm nhập vào nó
nhưng vẫn bất lực, không thể nhận thức được – thế giới vật tự nó. Với những tư
tưởng đó, I.Kant đã phê phán mạnh mẽ sự bất lực của siêu hình học truyền
thống, khi nó sử dụng phương pháp tiếp cận của khoa học tự nhiên để nhận
thức “Vật tự nó”. Theo I.Kant, triết học có sứ mệnh cao cả là cứu nguy cho siêu
hình học truyền thống, cần phải tiến hành phê phán chính lý tính. Lý tính đã
mắc phải những mâu thuẫn không thể giải quyết, chính những mâu thuẫn đó là
động lực để I.Kant chuyển sang lĩnh vực thực hành.
1



Với những suy nghĩ đó, em chọn đề tài: “Quan niệm của I.Kant về "Vật
tự nó" trong Phê phán lý tính thuần túy” làm tiểu luận nghiên cứu.

2


NỘI DUNG
1. I. KANT VỚI TÁC PHẨM PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY
1.1. Điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội và những tiền đề cho sự
hình thành triết học I. Kant
1.1.1. Điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội
Lịch sử các nước châu Âu thế kỷ XVII – XVIII đã bước sang một
giai đoạn mới, một loạt nước Châu Âu như Anh, Pháp, Italia, Hà Lan…
chế độ phong kiến về cơ bản đã rời bỏ vũ đài chính trị - lịch sử của mình
để nhường chỗ cho chế độ tư bản. Đặc biệt là vào nửa cuối thế kỷ XVIII,
Tây Âu đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội mới, khẳng định
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phá tan dần các quan hệ phong
kiến, làm xuất hiện nhiều ngành sản xuất mới với các nhu cầu xã hội và
cá nhân mới.
Cách mạng công nghiệp Anh như một biến cố kinh tế quan trọng khẳng
định sức mạnh của con người trong nhận thức và cải tạo thế giới. Cùng với
Cách mạng tư sản Pháp làm rung chuyển cả Châu Âu, chúng đánh dấu sự mở
đầu của nền văn minh công nghiệp trong lịch sử nhân loại[5, 8].
Với ý nghĩa lịch sử lớn lao, hai cuộc cách mạng đó đã có những ảnh
hưởng lớn đến phong trào giải phóng ở các nước châu Âu, được đánh
dấu bằng một loạt các cuộc cách mạng liên tiếp nổ ra: cách mạng tư sản
ở Anh, Hà Lan, Pháp, Italia…chấm dứt sự thống trị của chế độ phong
kiến hàng nghìn năm gắn liền với hệ thống thần quyền và giáo luật khắt
khe, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của chế độ tư bản.
Trong thời kỳ đó, nếu nước Anh nhờ cách mạng tư sản và bước ngoặt

công nghiệp mà trở thành quốc gia tư bản lớn mạnh nhất, nước Pháp nhờ
Cách mạng Tư sản 1789, giai cấp tư bản đã tiêu diệt chế độ phong kiến,
đang tiến nhanh trên con đường tư bản chủ nghĩa, cả châu Âu đang
phát triển nhanh và mạnh mẽ, nhưng trái lại nước Đức vẫn triền miên
trong giấc ngủ Đông – vẫn còn là một nước phong kiến lạc hậu, với chế

3


độ quân chủ chuyên chế phân quyền, bị phân hóa cả về kinh tế lẫn chính
trị. Triết học I.Kant đã ra đời trong hoàn cảnh đó, nước Đức hết sức phức
tạp và đầy những mâu thuẫn không thể dung hòa. Bức tranh toàn cảnh của
xã hội Đức đương thời phủ một màu xám, đúng như lời khắc họa của
Ăngghen:“Không ai cảm thấy mình dễ chịu…Mọi cái đều tồi tệ và tâm
trạng bất mãn bao trùm cả nước. Không có giáo dục…không có tự do báo
chí, không có dư luận xã hội - không có gì cả ngoài sự đê tiện và tự tư tự lợi,
lề thói con buôn hèn mạt, xum xoe nịnh hót thảm hại, đã xâm nhập toàn dân.
Mọi thứ đều nát bét, lung lay, xem chừng sắp sụp đổ, thậm chí chẳng còn lấy
một tia hy vọng chuyển biến tốt lên, vì dân tộc thậm chí không còn đủ sức vứt
bỏ cái thây ma rữa nát của chế độ đã chết rồi”[1, 754].Trong tầng lớp trí
thức Đức thời bấy giờ xuất hiện tình trạng bi quan, bất mãn và bất lực.
Đây là nguyên nhân chính d ẫn tới tư tưởng cải lương, thỏa hiệp, phủ
nhận sự cải tạo xã hội cũ bằng bạo lực cách mạng, biện hộ cho sự tồn tại
của nhà nước Phổ và xã hội đương thời. Họ sử dụng triết học vũ khí phê
phán và chuyển tải tư tưởng cách mạng, là nơi gửi gắm, thể hiện khát
vọng cải tạo hiện thực của con người. Tính chất cải lương thỏa hiệp về tư
tưởng chính trị của tầng lớp trí thức Đức đương thời đã có ảnh hưởng lớn
đến I.Kant. Dưới sự tác động của cả hai sức ép: một bên là sự cổ vũ
mạnh mẽ của các nhà khai sáng, cách mạng tư sản Pháp- những tư tưởng
tiến bộ; một bên là sức ép chính trị của chính quyền chuyên chế Phổ

đương nhiệm với chính sách trừng trị hà khắc đối với những học giả có
tư tưởng chống đối nhà nước, I.Kant cũng đã chọn con đường cải
lương, thỏa hiệp với luận điểm: “Tôi phải dẹp bỏ nhận thức đi để dành
chỗ cho lòng tin và thuyết giáo điều trong siêu hình học” [6, 55]
Tóm lại, triết học I.Kant là sản phẩm tất yếu của hoàn cảnh kinh tế - xã
hội Đức đầu thế kỷ XVIII; nó phản ánh một cách đúng đắn thực trạng xã hội
Đức với những mâu thuẫn phát sinh trong lòng xã hội đó. Đồng thời triết học

4


I.Kant cũng là sự khai phá tiến bộ trên lĩnh vực tư tưởng, được coi là “lý luận
Đức của cuộc cách mạng tư sản Pháp”
1.1.2. Tiền đề khoa học tự nhiên
Là một nhà khoa học tự nhiên, nhà triết học lỗi lạc, I.Kant không
thể không chịu ảnh hưởng của những phát minh trong khoa học tự nhiên,
như chính ông khẳng định: “Con đường triết học phải đi là con đường của
sự minh triết, đồng thời cũng là con đường của khoa học mà một khi đã
khai phá sẽ không bao giờ để cho bị vùi lấp lại và làm ta lạc hướng”[6,
1185]. “Sự tiến bộ của khoa học tự nhiên, kỹ thuật và y học cũng như sự
vén mây ảo thuật của thiên nhiên qua những thành tựu khoa học”. Khoa
học tự nhiên có lịch sử phát triển lâu dài mà điểm khởi đầu là các tri
thức toán học, lẫn phương pháp nghiên cứu. I.Kant cho rằng phương pháp
của Newton trong khoa học tự nhiên đã biến sự tùy tiện của các giả thuyết vật
lý thành một phương pháp nghiên cứu đáng tin cậy, là phương pháp dựa vào
kinh nghiệm và hình học. Tư duy sáng tạo mạnh mẽ của Niutơn là động lực
mạnh mẽ tiếp sức cho I.Kant trong việc nghiên cứu triết học lý luận, mà tiêu
biểu là tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”. I.Kant nhận thấy rằng triết
học cũng giống như khoa học tự nhiên phải dựa vào những kinh nghiệm
cảm tính, quan sát thực nghiệm và cả lý tính trong đó lý tính đóng vai trò

quan trọng bậc nhất.
Như vậy, những thành tựu của khoa học tự nhiên đạt được đã đem đến
cho I.Kant quan niệm mới về sức mạnh và khả năng trí tuệ của con người
trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Đó là tiền đề tạo nên diện mạo triết
học cổ điển Đức nói chung và triết học I.Kant nói riêng, đặc biệt là quan
niệm về Vật tự nó độc đáo và riêng biệt trong tác phẩm Phê phán lý tính
thuần túy.
1.1.3. Tiền đề lý luận

5


Một trong những bậc tiền bối ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của
I.Kant, nhất là quan niệm về “Vật tự nó” mà I.Kant đã nêu lên trong tác
phẩm “Phê phán lý tính thuần túy” chúng ta phải kể đến Đavit Hium.
Đavit Hium (D.Hium ) (1711 – 1776) là một nhà triết học nổi tiếng
người Anh, đại biểu điển hình của thuyết không thể biết “bất khả tri
luận” và chủ nghĩa hoài nghi, một đại biểu của chủ nghĩa chủ quan
điển hình – chủ nghĩa duy ngã. D.Hium tách rời giữa cảm giác của con
người với thế giới bên ngoài, ông cho rằng nhận thức có nguồn gốc từ cảm
giác của con người và không cần đến sự tác động của thế giới bên ngoài - sự
vật là sự phức hợp của cảm giác. Từ đó, D.Hium cho rằng chúng ta không thể
biết được gì về thế giới này cả, không thể biết được thế giới này thức hay ngủ
nữa? Ông nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới bên ngoài “Ông cho rằng: Giới
tự nhiên đã đặt chúng ta ở một khoảng cách khá xa với các điều bí ẩn của nó,
và nó chỉ thể hiện ra cho chúng ta những tri thức về một số đặc tính, vẻ bề
ngoài” [11, 346]. Và “Giới tự nhiên tựa như một người phụ nữ cực kỳ đỏng
đảnh nó biểu hiện ra bên ngoài như thế nào thì chúng ta biết về nó chừng ấy,
còn bản chất vô cùng vô tận của giới tự nhiên thì mãi mãi cách biệt với chúng
ta”. D.Hium không thừa nhận sự tồn tại khách quan của các sự vật, hiện

tượng trong thế giới.
Dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học D.Hium, I.Kant đã xây dựng
nên hệ thống triết học của mình, ông cho rằng nhiệm vụ hàng đầu là phải xác
định bản chất của con người, toàn bộ các vấn đề triết học phải được hướng vào
giải quyết những vấn đề của cuộc sống và hoạt động thực tiễn của con người.
1.2. Khái quát về cuộc đời và sự nghiệp của I.Kant
I.Kant sinh ngày 22 tháng 4 năm 1724 t ại Konixbec. Năm 1740, I.Kant
học triết học tại trường Đại học tổng hợp Konixbec. Năm 1746, I.Kant tốt
nghiệp loại xuất sắc với luận văn: “Những suy nghĩ về sự đánh giá đúng đắn
của lực sống”. Trong đó ông đã trình bày nguyên tắc sống của mình: “Đối với
chúng ta điều đáng quý nhất không phải là đi theo những lối mòn đã có, mà
6


phải biết đi theo con đường mà loài người cần đi” [9, 24]. Suốt đời I.Kant đã
sống theo nguyên tắc đó và ông đã khá thành công trong sự nghiệp. Năm
1755 I.Kant bắt đầu giảng dạy siêu hình học và các môn khoa học tự nhiên ở
Konixbec. Năm 1770, I.Kant chủ yếu quan tâm đến vấn đề triết học và đã để
lại cho nhân loại một hệ thống triết học độc đáo và sâu sắc. Tác phẩm đầu tiên
đánh dấu sự chuyển biến đó là “Phê phán lý tính thuần túy”.
Ngày 12 tháng 2 năm 1804 I.Kant trút hơi thở cuối cùng với nụ cười trên
môi và câu nói “Thế là tốt rồi”. Triết học I.Kant được chia làm hai thời kỳ:
Thời kỳ tiền phê phán và thời kỳ phê phán:
Thời kỳ tiền phê phán (1745 - 1769) I.Kant chủ yếu nghiên cứu các vấn
đề toán học, cơ học, thiên văn học. Bên cạnh những quan niệm duy vật thời
kỳ này tư tưởng của ông còn xuất hiện sự bế tắc trong việc tìm kiếm và giải
quyết các vấn đề triết học.
Thời kỳ phê phán (1770 - 1804), nếu trước đây I.Kant thừa nhận con
người có khả năng nhận thức thế giới, thì giờ đây ông lại cho rằng con người
không nhận thức được thế giới – bất khả tri, trước đây ông đề cao trí tuệ thì

nay ông lại đề cao tín ngưỡng. I.Kant phủ nhận khả năng nhận thức bản chất
của sự sống, ông cho rằng thực thể và tinh thần, hiện thực và tư tưởng là hai
lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, không có liên quan gì với nhau. Từ đó, I.Kant
hoài nghi khả năng nhận thức thế giới nói chung của con người. Với phương
châm “thời đại chúng ta là thời đại phê phán đích thực mà mọi thứ đều phải
phục tùng”[4, 26], Về tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”
“Phê phán lý tính thuần túy” của I.Kant được mọi người thừa nhận là tác
phẩm nền tảng của triết học cổ điển Đức. Nó là chỗ kết tinh những nhận định
có tính phê phán đối với nhiều trào lưu triết học trước đó (từ Platôn cho tới
Wolff), đồng thời là điểm xuất phát và điểm quy chiếu của triết học cổ điển
Đức và có ảnh hưởng sâu đậm đến sự phát triển của triết học phương Tây cho
tới ngày nay.

7


Trong ba quyển “Phê phán” nổi tiếng của I.Kant (Phê phán lý tính thuần
túy; Phê phán lý tính thực hành và Phê phán năng lực phán đoán), tác phẩm
này có vị trí đặc biệt, nó là kết tinh những kết quả nghiên cứu trong cả một
quá trình lâu dài và đầy trăn trở của I.Kant.Ngoài Lời tựa và Lời dẫn nhập,
“Phê phán lý tính thuần thúy” gồm có hai phần chính:
Phần I: Cảm năng học siêu nghiệm gồm hai chương: về không gian và
thời gia; về hai vật liệu chính bên trong của cảm năng, tức hai mô thức
thuần túy của trực quan cảm tính, trụ cột thứ nhất của nhận thức.
Phần II: Lôgic học siêu nghiệm nghiên cứu về hai nhóm vật liệu khác:
a. Phân tích pháp siêu nghiệm
b. Biện chứng pháp siêu nghiệm
2.NỘI DUNG TRONG QUAN NIỆM CỦA I.KANT VỀ "VẬT TỰ NÓ"
Dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của khoa học tự nhiên lý thuyết cuối thế kỷ
XVII – XVIII, cũng như nhiều nhà triết học cận đại, I.Kant đòi hỏi tri thức

khoa học và triết học một sự hoàn hảo tuyệt đối và coi đó chính là lý tưởng
của tri thức con người. Do chưa thoát khỏi quan niệm siêu hình, nên I.Kant
cho rằng mọi sự vật trong thế giới bên ngoài chúng ta chỉ tồn tại dưới dạng
đơn nhất, cá biệt – thế giới hiện tượng. Điều đó buộc I.Kant phải lựa chọn
một trong hai quan niệm sau:
Thứ nhất: Nếu như khẳng định mọi tri thức chúng ta đều là sự phản ánh
các sự vật của thế giới khách quan bên ngoài, thì phải thừa nhận mọi khoa học
và triết học đều chỉ dựa trên những tri thức đơn lẻ, ngẫu nhiên.
Thứ hai: Nếu đòi hỏi tính phổ quát và tất yếu của tri thức triết học và
khoa học thì phải thừa nhận nguồn gốc của chúng không phải là sự phản ánh
hiện thực khách quan, mà là kết quả sáng tạo của trí tuệ con người.
Đứng trước sự lựa chọn trên, I.Kant đã lập luận: Để đạt được mục đích
xây dựng nền tảng tri thức tiên nghiệm của khoa học và tri thức, I.Kant buộc
phải thừa nhận “Vật tự nó” (ding an sich) không nhận thức được, mọi tri

8


thức con người không phải là sự phản ánh hiện thực khách quan tức là “Vật
tự nó”.
Vậy “Vật tự nó” trong quan niệm của I.Kant được hiểu như thế nào?
Sau đây chúng ta cùng đi sâu vào tìm hiểu
2.1. “Vật tự nó” và “Thế giới vật tự nó” trong quan niệm của I.Kant
Trong từ điển triết học có định nghĩa : “Vật tự nó là những vật tự nó tồn
tại, độc lập với chúng ta và với nhận thức của chúng ta”[10,665].
Về phương diện nhận thức luận, khái niệm “Vật tự nó” bao hàm những
sự vật tồn tại khách quan, tự nó, không phụ thuộc vào mọi hình thức cảm
tính và nhận thức lôgic của con người. Về nguyên tắc, con người không
thể nhận thức được “Vật tự nó”. I.Kant gọi “Vật tự nó” là khái niệm đáng
nghi ngờ… nhưng tồn tại khách quan và không thể nhận thức được bằng mọi

cách. Khái niệm “Vật tự nó” nghĩa là vật cần phải được nhận thức không phải
như đối tượng cảm tính mà như vật tồn tại tự nó, và để nhận thức được “Vật
tự nó” thì con người cần phải có trực quan trí tuệ phi cảm tính, nhưng trên
thực tế con người lại không có khả năng đó vì thế con người không thể nhận
thức được nó. Còn lý tính thuần túy của con người không thể đạt được “Vật
tự nó”. Suy cho cùng, nhận thức của con người chỉ là hữu hạn và chỉ dừng lại
ở hiện tượng chứ không thể đạt đến bản chất. Đây chính là giới hạn không thể
vượt qua được của nhận thức con người. “Con người không thể đạt đến thế
giới đó bằng trực quan cảm tính, bởi trực quan chỉ là biểu tượng về hiện
tượng, còn những sự vật mà chúng ta trực quan, tự chúng như thế nào, chúng
ta không thể biết được. Điều này có nghĩa là, các sự vật nó nằm ngoài giới
hạn của trực quan cảm tính, chúng không phải là đối tượng của triết học lý
luận (nhận thức luận) mà là đối tượng của “tự nhiên thần luận” [9, 102].
Trong cuốn Phê phán lý tính thuần túy, I.Kant đã đưa ra giải pháp để
khắc phục sự hạn chế của lý tính bằng cách, ông cho nhận thức của con
người quay trở về với cái Tôi, và dùng tiên nghiệm để tiến vào vùng mà lý
tính không thể tới được, nhờ đó mà thấu hiểu sâu hơn bản chất của sự vật.
9


Để hiểu đúng được bản chất của “Vật tự nó” điều đó không hề dễ. “Vật
tự nó” của I.Kant thực chất nó thuộc “điểm mù của lý tính” và con người chỉ
có thể hiểu nó bằng apriori (tiên nghiệm).
Tiên nghiệm: trong triết học kinh viện, khái niệm tiên nghiệm là những
khái niệm chung rộng nhất, vượt ra ngoài giới hạn của tất cả các khái niệm
chung khác, nói lên những tính phổ biến mà người ta nhận thức được bằng
trực giác trước khi có mọi kinh nghiệm. Kant viết: “Tôi gọi bất kỳ nhận
thức nào, không phải là về đối tượng mà là về những hình thức của nhận
thức về đối tượng là tiên nghiệm, bởi vì nhận thức đó chỉ có một cách tiên
thiên” (12). Và cái mà con người “không biết được” đó chính là lĩnh vực

mà I.Kant gọi là “Vật tự nó”. I.Kant đã rất vĩ đại khi chỉ ra được sự hạn chế
của lý tính, và sự sai lầm trong quan điểm khi cho rằng con người có thể dùng
lý tính để biết được tất cả.
Thông qua các cảm giác của mình, con người chỉ biết được về sự vật
với cái vỏ bề ngoài của nó, chỉ biết được những gì mà nó biểu hiện ra bên
ngoài, tức là hiện tượng, vì thế con người không bao giờ biết được bản chất
đích thực của sự vật – Vật tự nó. Vì vậy, nhận thức luận của I.Kant không
phải là nghiên cứu quá trình con người đi sâu khám phá ra bản chất đích thực
của sự vật mà là hoạt động nhận thức trong khuôn khổ thế giới hiện tượng.
Hiện tượng luận là giới hạn của nhận thức lý tính thuần túy của con người.
Như vậy, các sự vật thuộc thế giới “Vật tự nó” mặc dù tồn tại khách quan
nhưng lại thuộc thế giới bất khả giác – siêu nghiệm. Con người chỉ có thể quan
niệm được (trong ý thức, tư duy) về thế giới đó bằng tri thức tiên nghiệm mang
tính chất phổ quát khả nghiệm, và điều đó tất yếu phải dựa vào năng lực phán
đoán tiên nghiệm (phân tích, tổng hợp) có trong toán học, khoa học tự nhiên lý
thuyết và siêu hình học chứ không thể nhận thức được bằng tri giác cảm tính và
kinh nghiệm. I.Kant viết: “Trong luận giải, đối với vật tự nó, phải dùng tri thức
tiên nghiệm…” I.Kant thừa nhận sự khác biệt giữa “Hiện tượng” và “Vật tự
nó”, sự khác biệt này đã trở thành luận điểm trung tâm trong hệ thống triết học
10


của ông. “Hiện tượng” và “Vật tự nó” là hai thế giới tách biệt nhau, khác nhau
về chất. Hiện tượng thuộc thế giới này, “Vật tự nó” thuộc thế giới kia tự nó tồn
tại. I.Kant cho rằng, cảm giác là nguồn gốc duy nhất của sự hiểu biết. “Vì
thông qua các cảm giác của mình, con người chỉ biết được sự vật những gì mà
nó biểu hiện ra bên ngoài, tức là hiện tượng, cho nên con người không bao giờ
biết được bản chất đích thực của sự vật – Vật tự nó” [5, 67]. Trong luận đề về
sự tồn tại của “Vật tự nó” thì I.Kant là nhà duy vật, ở đây tính thứ nhất không
phải là ý thức mà là “Vật tự nó”. Song “Vật tự nó” là bản tính tinh thần, cho

nên ông lại là nhà duy tâm. Khi nghiên cứu các hình thức và giới hạn của nhận
thức, ông cho rằng vật tự nó là siêu nghiệm, không nhận thức được, cảm giác là
cơ sở của tri thức, nhưng không một loại tri thức nào tiếp cận tới vật tự nó, ông
là nhà bất khả tri.
Mặt khác, “Vật tự nó” được I.Kant hiểu như là những tồn tại tinh thần,
nhưng lại là cái bản chất của thế giới, là căn nguyên của mọi sự tồn tại
khách quan bên ngoài con người, tinh thần của thế giới tinh thần, nó thuộc
thế giới siêu nghiệm. Chính vì lẽ đó, chúng ta cần xem xét “Vật tự nó” trên
phương diện thứ hai là phương diện đạo đức.
Về phương diện đạo đức học, Nếu như giai đoạn nhận thức cảm tính
và giác tính liên quan trực tiếp tới thế giới hiện tượng, thì đối với thế giới
“Vật tự nó” chúng lại bị cấm cửa, còn nhận thức lý tính thì hoàn toàn khác.
Lý tính dám làm cuộc bạo động đó, kết quả là nó vươn tới ba ý niệm cơ
bản bao trùm và chi phối toàn bộ đời sống tự nhiên cũng như đời sống
tâm linh của con người, đó là: Linh hồn bất tử, Thế giới và Thượng đế chúng thuộc về thế giới “Vật tự nó”. Đây là ba loại ý tưởng siêu nghiệm
và cũng chính là đối tượng của siêu hình học dẫn I.Kant đến quan niệm
cho rằng triết học có thể giải quyết được nhiệm vụ của mình nếu nó đạt mục
đích thuyết phục con người tin vào sự tồn tại của Thượng đế, Thế giới và
Linh hồn bất tử. Nhưng khi đề cập đến việc triết học thực hiện nhiệm vụ đó
như thế nào thì I.Kant lại tỏ ra lúng túng. Một mặt, I.Kant cho rằng nếu
11


thiếu niềm tin vào sự tồn tại của Thượng đế, Thế giới, Linh hồn bất tử thì
nhiệm vụ triết học không giải quyết được. Mặt khác, giống như các nhà triết
học thế kỷ XVII – XVIII, ông khẳng định khoa học không thể chứng minh
được sự tồn tại của các đối tượng trên. Vì vậy, mà I.Kant có ý định xây dựng
niềm tin trên một số cơ sở mới nhằm cứu vãn tôn giáo cũng như tránh cho
khoa học và triết học khỏi sự dao động.
Bác bỏ việc nghiên cứu lý tính để chứng minh cho lý tính, về khả năng

tuyệt đối trong nhận thức các ý niệm, I.Kant khẳng định: Chỉ có thể có khoa
học về các hiện tượng tâm lý được chế định và có hạn, chứ không thể có một
khoa học triết học (siêu hình học) về linh hồn với tư cách là sự thống nhất
tuyệt đối của các hiện tượng, tức như một ý niệm toàn vẹn. Linh hồn là bất
tử và không thể biết được bản chất cũng như những thuộc tính của nó. Cũng
như vậy, chỉ có khoa học tự nhiên về những hiện tượng khác nhau diễn ra
trong thế giới và luôn bị chế định, chứ không thể có một “siêu hình học” về
một thế giới như một chỉnh thể tuyệt đối.
Cuối cùng, về nguyên tắc cũng không thể có một khoa học triết học
về Thượng Đế với tư cách là nguyên nhân tuyệt đối của mọi hiện tượng và
mọi sự tồn tại. Vậy là ở I.Kant: “Có Thượng Đế, nhưng không thể chứng
minh được sự tồn tại của Thượng Đế. Có Linh hồn, có Thế giới nhưng
không thể chứng minh được sự tồn tại của Linh hồn, của Thế giới” [5, 90].
Con người chỉ có thể nhận biết được những gì nằm trong khuôn khổ của thế
giới hiện tượng. Khi vượt ra bên ngoài giới hạn đó là vương quốc của “Vật
tự nó”. Đến đây, tri thức con người lại bất lực và đành nhường chỗ cho niềm
tin – đây chính là lời giải đáp cuối cùng cho câu hỏi: Tôi có thể biết cái gì?
Từ phân tích trên, ta có thể kết luận rằng triết học I.Kant cũng như học
thuyết “Vật tự nó” của ông mang tính nước đôi chứa đầy mâu thuẫn, như
nhận xét của V.I.Lênin “Đặc điểm chủ yếu của triết học I.Kant là ở chỗ
dung hòa chủ nghĩa duy vật với chủ nghĩa duy tâm, thiết lập sự thỏa hiệp
giữa hai chủ nghĩa đó, kết hợp hai khuynh hướng triết học khác nhau và
12


đối lập nhau trong một hệ thống duy nhất. Khi I.Kant thừa nhận rằng có một
cái gì đó bên ngoài chúng ta, một “Vật tự nó” nào đó phù hợp với những
biểu tượng của chúng ta thì I.Kant là người duy vật. Khi ông tuyên bố rằng
cái vật tự nó ấy không thể nhận thức được, là siêu nghiệm, là ở thế giới bên
kia thì ông là người duy tâm” [7, 239].

Như vậy, I.Kant đã chỉ ra "Vật tự nó" nghĩa là một phương diện của sự
vật và có nghĩa là một thực tại độc lập như trong trường hợp các tinh thần. Do
đó, "tự nó" còn có hai nghĩa: một nghĩa tiêu cực và một nghĩa tích cực. Theo
nghĩa tiêu cực thì "Vật tự nó" chỉ là một quan niệm giới hạn, không cho phép
trí năng ta vượt qua và vươn tới nó. Chẳng hạn "con người" là một quan niệm
giới hạn, vì từ cổ chí kim chúng ta vẫn tìm hiểu con người mà đến nay
chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết được con người một cách tận cùng. Còn theo
nghĩa tích cực, thì "Vật tự nó" là những thực tại siêu việt: Thượng đế - Thế
giới - Linh hồn bất tử, chỉ có những chủ thể có trực giác trí tuệ mới nhận
thức được.
2.2. Giá trị và hạn chế trong quan niệm của I.Kant về “Vật tự nó”
Theo Hêghen, “Vật tự nó – cái trừu tượng rất đơn giản…Vật tự nó là sự
trừu tượng khỏi mọi sự quy định (tồn tại cho cái khác), khỏi mọi quan hệ với
cái khác, nghĩa là hư vô. Vậy “Vật tự nó” chỉ là một trừu tượng trống rỗng
không có chân lý” [8, 115 – 116]. V.I.Lênin đã đánh giá sự phê phán đó của
Hêghen là rất sâu sắc, và ông chỉ rõ: “Vật tự nó nói chung là một sự trừu
tượng trống rỗng và chết. Trong sự sống và sự vận động, tất cả mọi vật thể
là “tự do” và cũng là “vì những cái khác”, trong mối quan hệ với cái khác,
vì nó chuyển hóa từ một trạng thái này sang một trạng thái khác” [7, 116].
Và, theo V.I.Lênnin “Phoiơbắc chê trách I.Kant không phải vì I.Kant thừa
nhận vật tự nó mà vì I.Kant không thừa nhận tính hiện thực của vật tự nó,
nghĩa là tính hiện thực khách quan. Vì I.Kant chỉ coi vật tự nó là tư tưởng
đơn thuần, là “bản chất tưởng tượng” chứ không phải là “bản chất có thực

13


tồn”, nghĩa là những bản chất thực tại, tồn tại thực sự, Phoiơbắc chỉ trích
I.Kant vì I.Kant đã xa rời chủ nghĩa duy vật” [7, 243].
Trong tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”, I.Kant đã chỉ ra phạm vi

hạn hẹp của lý tính mà trước đó loài người cứ tưởng là vô tận. Luận điểm cơ
bản trong đó là: “Có một vật tự nó” ở bên ngoài tầm nhìn lý tính của chúng
ta, chúng ta phải có cách nhận thức khác (ngoài lý tính) mới có thể hiểu được
bản chất sâu xa của sự vật. Đồng thời , I.Kant đã giới hạn khả năng nhận thức
của con người, khi không lý giải được nguồn gốc của “Vật tự nó” ông phải
dựa vào thần học, và rơi vào thuyết bất khả tri luận. Nhận thức của con người
trong quan niệm của I.Kant bị giới hạn trong phạm vi các sự vật hiện tượng –
cái biểu hiện bề ngoài của “Vật tự nó” chứ không thể nhận thức được bản
chất của sự vật. Đây là một hạn chế trong quan niệm của I.Kant trong việc
xác định giới hạn nhận thức của con người, trái hẳn với quan niệm của triết
học Mác – Lênin. Triết học Mác – Lênin cho rằng nhận thức của con người
vừa vô hạn vừa không vô hạn. Lịch sử quá trình nhận thức cho thấy không có
gì con người không thể nhận thức được, chỉ có cái con người chưa nhận
thức được mà thôi. Tức là nhận thức của con người không có giới hạn nào
là cuối cùng mà con người không thể đạt tới.
Do không hiểu mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất, giữa cái đã được
nhận thức và cái chưa được nhận thức, I.Kant đã đào một hố sâu ngăn cách, đã
dựng lên một ranh giới đặc biệt giữa “thế giới hiện tượng” và “thế giới vật tự
nó”. Xét cho cùng, tính hai mặt trong triết học của I.Kant nói chung và quan
niệm về “Vật tự nó” nói riêng bị quy định bởi hoàn cảnh lịch sử.
Một là, thời I.Kant trong lịch sử triết học và trong tôn giáo, việc chứng
minh sự tồn tại hợp lý của Chúa trời trong đời sống thế tục vẫn là một vấn đề
phức tạp, có nhiều ý kiến bất đồng. Đây chính là trận địa bỏ trống cho chủ
nghĩa vô thần thế kỷ XVII – XVIII công kích. Để dung hòa tôn giáo với chủ
nghĩa vô thần theo tinh thần duy tâm, I.Kant coi Thượng đế, Thế giới và Linh

14


hồn bất tử là “Vật tự nó” không thể nhận thức được bằng tri thức, khoa học

mà chỉ tin được bằng niềm tin tuyệt đối vô điều kiện mà thôi.
Hai là, cho đến thế kỷ XVIII, bản thân vấn đề mối quan hệ giữa hiện
thực và tinh thần, hiện tượng và bản chất, cái riêng và cái chung, chủ thể và
khách thể, nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, vẫn là một vấn đề khá nan
giải. Vào thời I.Kant, Ph.Ăngghen viết: “Sự hiểu biết của chúng ta về những
sự vật tự nhiên hãy còn khá vụn vặt, đến nỗi ở đằng sau một sự vật ấy người
ta còn có thể cho rằng có một sự vật tự do bí ẩn đặc biệt nữa” [2, 539]. Chính
I.Kant đã coi bí ẩn đó là bản chất, căn nguyên của sự vật, là nguyên nhân tối
thượng tồn tại thực sự.
Ba là, Cũng như các nhà tư tưởng của nước Đức bấy giờ triết học I.Kant
không thoát khỏi áp lực từ phía chính thể Nhà nước và quyền lợi, địa vị cá
nhân. Axmux, một nhà nghiên cứu về I.Kant nhận xét I.Kant là một nhà duy
tâm trong đạo đức học và triết học lịch sử không phải vì lý luận nhận thức
của ông là duy tâm. Ngược lại, lý luận nhận thức của là ông là duy tâm bởi
vì quan điểm đạo đức và triết học lịch sử của ông mang tính duy tâm. Hiện
thực lịch sử nước Đức thế kỷ XVIII – XIX đã dẫn các nhà tư tưởng đương
thời, trong đó có I.Kant đến chỗ tìm cách hòa giải giữa chế độ cũ và chế độ
mới, mong muốn thay đổi trật tự cũ bằng con đường cải lương chứ không
phải bằng con đường cách mạng.
Tuy còn một số hạn chế nhất định, song triết học I.Kant nói chung và học
thuyết về “Vật tự nó” nói riêng đã có những giá trị to lớn, đóng góp đáng kể cho
kho tàng văn hóa nhân loại. Quan niệm về “Vật tự nó” đã đặt ra giới hạn nhất
định đối với khả năng nhận thức của con người, song nó vẫn chứa đựng nhiều
ý nghĩa tích cực. Nó khẳng định sự tồn tại của các sự vật khách quan, bên
ngoài chúng ta, khẳng định sự phức tạp, đầy nghịch lý trong quá trình nhận thức
thế giới của con người cũng như mối quan hệ “con người – thế giới” nói chung.
Thế giớ này là vô cùng vô tận, đó là ngọn nguồn để con người khám phá và tìm
hiểu.
15



Trong thời đại khoa học tự nhiên bùng nổ như vũ bão hiện nay, có nhiều
vấn đề khoa học tự nhiên con người vẫn chưa thể lý giải được. Về bản chất, thì
tự bản thân nó không thay đổi, nhưng do nhận thức của con người chưa thể đạt
tới. Các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tâm linh hiện nay còn nhiều vấn đề con
người còn chờ đợi các thế hệ tương lai tìm lời giải đáp. Chẳng hạn như trong
lĩnh vực tâm linh, hiện tượng lên đồng hay hiện tượng nhập hồn, và các khả
năng nhìn thấu thế giới tâm linh của một số nhà ngoại cảm đến nay khoa học
chưa thể lý giải. Trong trường hợp này, "Vật tự nó" của I.Kant đã đúng.
Trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định thì nhận thức của con người là có
hạn. I.Kant đã xem xét nhận thức chỉ trong một giai đoạn nhất định, chưa có
quan điểm phát triển đúng đắn, do vậy những hạn chế của ông là không thể
tránh khỏi. Mặc dù vậy, quan niệm của I.Kant về bản chất và giới hạn của nhận
thức cũng có những mặt hợp lý, có ý nghĩa tích cực đối với việc phát triển lý
luận nhận thức đối với đương thời, cả đối với những giai đoạn lịch sử sau này.
Thứ nhất, I.Kant đã phân biệt một cách rõ ràng nhận thức lý luận và
nhận thức kinh nghiệm. Quá trình vận động biến đổi của nhận thức lý luận tuân
theo những quy luật đặc thù của nó, không thể đồng nhất với nhận thức lý luận
với nhận thức kinh nghiệm.
Thứ hai, I.Kant đã nhấn mạnh đến vai trò của tư duy trừu tượng, hay của
nhận thức lý tính đối với nhận thức cảm tính. Nhận thức lý tính hướng dẫn nhận
thức cảm tính, làm cho tri giác của con người mang tính tự giác, có phương
hướng xác định. Vì thế, ông nói: Trực quan thiếu khái niệm thì mù quáng.

Thứ ba, I.Kant nhấn mạnh đến vai trò của chủ thể con người trong quá
trình nhận thức. Con người là chủ thể sáng tạo ra tri thức của mình chứ không
phải chỉ tiếp nhận sự tác động của thế giới bên ngoài, không phải thụ động
phụ thuộc vào thế giới bên ngoài.
Thứ tư, khi đưa ra quan niệm về “Vật tự nó”, bên cạnh việc thừa nhận
giới hạn nhận thức của con người, I.Kant còn khẳng định tính phức tạp, đầy

mâu thuẫn của quá trình nhận thức thế giới của con người, cũng như mối
quan hệ con người với thế giới nói chung. Vấn đề này hiện nay vẫn là vấn đề
16


gây nhiều tranh luận. Quan niệm của I.Kant cũng là cơ sở cho nhiều quan
niệm mới có giá trị nảy sinh.
Với hệ thống triết học của mình, I.Kant thực sự là người đặt nền móng
cho sự ra đời nền triết học cổ điển Đức. Khi đưa ra quan niệm về “Vật tự nó”
thì I.Kant đã tách rời thế giới hiện thực và nhận thức của loài người, loài
người không thể nhận thức được thế giới vốn có, còn các kiến thức có
được chỉ là những hình thức tiên nghiệm. Chính kết quả này là một chấm phá
của ông trong lý luận nhận thức, nó vừa phản ánh khả năng hạn chế trong lý
giải khoa học sự thống nhất biện chứng giữa sự tồn tại khách quan của thế
giới tự nhiên và khả năng nhận thức của con người. Khai thác những giá trị
trong hệ thống triết học I.Kant để nhận thức và phát triển hơn nữa triết học
Mác – Lênin là nhiệm vụ cần thiết trong giảng dạy và nghiên cứu triết học ở
nước ta hiện nay.
Như vậy, quan niệm của I.Kant về "Vật tự nó" không phải không có
những điểm hợp lý. Bởi thế giới này vô cùng tận, con người chưa thể khám
phá hết được. Có những hiện tượng mà hiện nay con người vẫn chưa thể lý
giải được như hiện tượng lên đồng, hay những gì thuộc về thế giới tâm linh,
những gì thuộc về vũ trụ bí ẩn, thực chất con người hiện nay vẫn chưa thể
hiểu hết, và càng đi sâu tìm hiểu, con người càng khám phá ra rằng mình
càng bất lực trước những hiện tượng tự nhiên đó. I.Kant đã có lý khi đặt ra
vấn đề "Vật tự nó", một nan đề mà cho đến tận ngày nay khoa học hiện đại
vẫn phải công nhận, ông chỉ sai lầm trong cách giải quyết vấn đề của "Vật tự
nó" mà thôi. Một phần hạn chế của I.Kant là do ảnh hưởng của khoa học tự
nhiên được thời, của hoàn cảnh hiện thực nước Đức lúc bầy giờ và lối tư duy
thời bấy giờ. Nhưng ngày nay chúng ta càng đi sâu phân tích lý thuyết “Vật tự

nó” chúng ta càng nhận ra nhiều điều cần học tập từ I. Kant.

17


KẾT LUẬN
I.Kant thực sự là một triết gia xuất sắc của thời đại, tư tưởng triết học
của ông đã làm giàu tri thức triết học thế giới, là một trong những triết gia
tiêu biểu của nhân loại. Những vấn đề mà I.Kant đặt ra cho đến hiện nay con
người vẫn phải suy nghĩ và không ngừng tìm hiểu. Thế giới này đúng như
I.Kant khẳng định, đó là thế giới "Vật tự nó", lý tính con người đang ngày
càng tiến gần đến hiểu chúng hơn, nhưng dường như điều mà I.Kant khẳng
định rằng chúng ta càng tìm hiểu và càng hiểu biết nhiều thì cũng chính là lúc
con người chúng ta càng hiểu rằng chúng ta có quá nhiều điều chưa hiểu.
I.Kant đã rất hợp lý khi đặt ra vấn đề đó. Nhưng ông đã mắc sai lầm khi cho
rằng những gì thuộc về thế giới "Vật tự nó" thì con người không thể nhận
thức được. Đó là điều hoàn toàn sai lầm của I.Kant, khi ông phủ nhận hoàn
toàn khả năng nhận thức của con người và cho rằng lý tính con người không
thể nhận thức được những gì thuộc về thế giới "Vật tự nó". "Vật tự nó" của
I.Kant là bất khả tri và đã được ông luận chứng, mặc dù ông có lý trong
cách đặt vấn đề nhưng lại vô lý trong cách giải quyết vấn đề. Ông đúng khi
cho rằng quá trình nhận thức của con người là vô hạn và trên thực tế con
người không thể nhận thức được thế giới một cách trọn vẹn, bởi nhận thức
là hữu hạn. Nhưng khi giải quyết vấn đề do mình đặt ra ông đã mắc phải sai
lầm, vì xét về mặt lý thuyết thì có "Vật tự nó", nhưng trên thực tế thì không
có "Vật tự nó" tồn tại.
Những hạn chế trong nhận thức của I.Kant, một phần là do chủ thể,
nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, những hạn chế đó là một phần do hoàn
cảnh lịch sử lúc bấy giờ chi phối. Do đó, khi xem xét và đánh giá triết học
I.Kant nó chung và “Vật tự nó” của ông nó riêng, chúng ta cần có cái nhìn

khách quan và toàn diện để thấy được những giá trị trong triết học I.Kant.
Chính những giá trị trong triết học I.Kant, mà những tư tưởng triết học của
ông vẫn còn sống mãi với thời gian và còn giá trị cho tới hiện nay.

18


Thời đại của I.Kant đã lùi vào dĩ vãng, hiện nay chúng ta đang sống
trong thời kỳ bùng nổ như vũ bão của khoa học tự nhiên, có nhiều phát
minh vĩ đại tác động không nhỏ tới mọi mặt đời sống của con người chúng
ta. Điều đó đã chứng minh rằng lý tính của con người có sức mạnh kỳ diệu,
tri thức của loài người giống như những mê cung, vô cùng bí ẩn và phức tạp,
chứa nhiều uẩn khúc và nghịch lý. Nhiều vấn đề của cuộc sống hiện đại đặt ra
mà cho đến nay khoa học vẫn chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng, chưa
cắt nghĩa một cách rõ ràng. Vì thế việc nghiên cứu khả năng và giới hạn nhận
thức của con người trong triết học I.Kant có ý nghĩa to lớn, nó góp phần giải
đáp một số vấn đề nan giải mà khoa học hiện nay vẫn chưa giải đáp được.
Việc nghiên cứu triết học I.Kant nhất là quan niệm "Vật tự nó" trong
"Phê phán lý tính thuần túy" của ông hiện nay ở Việt Nam chưa thực sự
nhiều, có chăng là những nghiên cứu tản mạn cùng với những nghiên cứu
nhận thức luận trong quan niệm của I.Kant. Vì thế, việc nghiên cứu vấn đề
"Vật tự nó" trong quan niệm của I.Kant là một điều có ý nghĩa rất lớn, giúp
chúng ta không những hiểu được những tinh hoa tri thức vượt thời đại của
loài người, mà còn giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về thế giới, về
sự vật hiện tượng xung quanh chúng ta. Chúng không chỉ là những gì hiện
hữu cho chúng ta nhìn thấy, mà ẩn sau bên trong đó còn rất nhiều điều bí ẩn
cần con người khám phá, tìm hiểu - thế giới này là vô cùng vô tận – Vì thế
trước mọi khó khăn trong quá trình nhận thức con người cũng không nên vội
vàng nản chí, bỏ cuộc.


19


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C.Mác - Ph.Ănghen (1995), Toàn tập,tập 1, Nxb.Chính trị Quốc
gia, Hà Nội.
2. C.Mác, Ph.Ăngghen (1982), Tuyển tập gồm 6 tập, tập 5. Nxb.Sự
thật, Hà Nội.
3. />4. Nguyễn Vũ Hảo (2004), Tư tưởng của Kant về sự thống nhất của lý
luận nhận thức, đạo đức học trong nhân học. Trong: Kỷ yếu Hội thảo khoa
học: Triết học cổ điển Đức - nhận thức luận và đạo đức học, Trường Đại học
Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr
67-76.
5. Nguyễn Văn Huyên (1996), Triết học Imanuel Kant, Nxb.Khoa
học Xã hội.
6. Bùi Thị Thanh Hương, Nguyễn Văn Đại (2013), Khái lược lịch sử
triết học, Nxb. Nhà xuất bản Chính trị Hành chính, Hà Nội.
7. Immanuel Kant (2004), Phê phán lý tính thuần túy (Bùi Văn Nam
Sơn dịch và chú giải), Nxb Văn học.
8. V.I.Lênin (1981), Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Mátxcơva, tập 29.
9. Mai Sơn (2007), 101 Triết gia, Nxb.Tri thức.
10. Lê Công Sự (2007), Học thuyết phạm trù trong triết học I.Kant,
Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11.

Từ điển triết học (1975), Nxb.Tiến bộ và Nxb.Sự thật.

12. Nguyễn Hữu Vui (chủ biên) (1998), Lịch sử triết học, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
13.


/>
20


MỤC LỤC

21



×