Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

PHONG tục, tập QUÁN của NGƯỜI VIỆT TRONG THƠ nôm NGUYỄN KHUYẾN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (71.11 KB, 11 trang )

THỬ TÌM HIỂU MỘT VÀI NÉT PHONG TỤC, TẬP QUÁN CỦA
NGƯỜI VIỆT TRONG THƠ NÔM NGUYỄN KHUYẾN
(Trần Thị Bích Huệ Lớp Sư phạm Ngữ văn K36
Đại học Quy Nhơn)
1.
Trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay, vấn đề giữ gìn và phát huy văn hóa
dân tộc là rất cần thiết và cấp bách. Chúng ta cũng không ngần ngại hội nhập để
tiếp thu những thành tựu, những phát minh mới của nhân loại, để cùng phát
triển. Tuy nhiên, hội nhập nhưng không thể hòa tan, do đó để giữ vững nền độc
lập dân tộc điều cần thiết là phải giữ gìn và bảo tồn vững chắc bản sắc văn hóa
dân tộc. Chính văn hóa sẽ làm cho Việt Nam luôn luôn là chính mình, không
thể nhầm lẫn với bất kì một quốc gia nào khác trên trường quốc tế. Lịch sử văn
học đã chứng minh rằng, kho tàng văn chương (cả văn chương dân gian và văn
chương thành văn) là nơi lưu giữ chắc chắn và bền vững nhất những giá trị văn
hóa của nhân loại nói chung và của người Việt nói riêng. Sáng tác của các nhà
văn, đặc biệt là các tác giả ưu tú đều in đậm dấu ấn văn hóa tinh thần của dân
tộc. Sáng tác của Nguyễn Khuyến là một minh chứng tiêu biểu. Ông đã thổi
vào thơ Nôm hơi thở đặc trưng của những phong tục, tập quán mà ông cha ta đã
hun đúc từ bao đời.
2.


Trải qua hàng nghìn năm, với biết bao biến động của lịch sử và thử thách
khắc nghiệt của thời gian, trước sau người Việt vẫn giữ được những phong tục
tập quán quí báu, tốt đẹp. Phong tục tập quán là những hành vi ứng xử, thói
quen, nếp sinh hoạt tương đối ổn định của các thành viên trong nhóm xã hội
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví dụ như phong tục lễ hội, văn
hoá, sinh hoạt, cưới hỏi… Trong những bài thơ Nôm, Nguyễn Khuyến đã gợi
được cái “thần sắc” của văn hóa làng quê. Đọc thơ Nôm của ông, người ta như
sống lại những ngày hội xuân, hội làng, những buổi chợ Tết, những món ăn
truyền thống của dân tộc, …


Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong truyền thống văn hóa của Việt
Nam, là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận
hành của đất trời, của vạn vật cỏ cây. Đây cũng chính là dịp gia đình quây
quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Tết của người Việt
mang những nét đặc trưng loại biệt so với các quốc gia láng giềng. Chẳng hạn
như, các phong tục trong Tết Bunpimay, tức tết cổ truyền diễn ra từ ngày 14
đến ngày 16 tháng 4 hằng năm của người Lào. Tết ở quốc gia này có tục lệ té
nước, trước khi té nước người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành.
Ngoài ra, trong những ngày Tết, người Lào còn xây tháp cát, phóng sinh, hái
hoa tươi, ăn món lạp. Món Lạp được xem là món quốc thực của người Lào.
Lạp đọc gần giống như lộc trong tiếng Lào, nên được xem là món ăn may mắn
và là quà biếu trong ngày Tết. Trong khi đó, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 4
hàng năm, trên khắp đất nước Campuchia lại tưng bừng chào đón Tết Chol
Chnam Thmay. Họ tổ chức nhiều trò vui như đốt đèn trời, đốt ông lói, đánh
quay lửa... Các cụ già kể cổ tích, thần thoại, chuyện cũ cho con cháu nghe. Ở


đây, cà ri và rượu thốt nốt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Bol Chol
Chnam. Trong khi đó, Tết của người Việt theo lệ cũ kéo dài đến hết tháng giêng
(tính theo lịch âm – ca dao có câu: “tháng giêng là tháng ăn chơi”). Tuy nhiên,
theo nhịp sống hiện đại, Tết của người Việt chủ yếu diễn ra trong ba ngày đầu
năm mới, với nhiều phong tục độc đáo như thăm mộ tổ tiên, hái lộc, xông đất,
khai bút… Về ẩm thực, trong những ngày Tết, bánh chưng là món ăn truyền
thống của người Việt. Do vậy, Tết đến trong nhà của các gia đình thường có đôi
câu đối:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Mặc dù cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương nhưng Tết ở mỗi dân

tộc đều có sự khác nhau về thời gian, các phong tục và món ăn truyền thống.
Trước sáng tác của Nguyễn Khuyến, “Cảnh Tết” là một trong những bài
thơ tái hiện một cách cụ thể, sinh động và rất thành công không khí Tết của
người Việt. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ, với những xúc cảm ân tình vui vẻ sẻ chia
với cảnh vật, với người dân quê khi tết đến xuân về. Ông đã phác họa chân thực
khung cảnh ngày Tết ở chốn quê nhà:
“Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng,
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt.”
(Cảnh tết)
Nhà thơ đã nhắc đến bánh chưng, một món ăn truyền thống của người Việt
trong những ngày Tết. Theo truyền thuyết, món ăn này vốn có từ thời vua Hùng
và được lưu giữ cho đến ngày nay. Tết của người Việt không thể thiếu bánh
chưng. Các gia đình thường gói bánh chưng từ những ngày 27, 28 ,29 Tết.


Bánh chưng là một sáng tạo độc đáo mang tính loại biệt in đậm bản sắc dân tộc
từ vật liệu, cách gói cho đến cách nấu.

Nguyễn Khuyến còn nhắc đến phiên chợ giáp Tết trong bài thơ “Chợ
Đồng”. Người Việt Nam có tục đi chợ Tết. Mỗi làng quê trên khắp mọi miền
đất nước ta đều có những đặc sản và tập quán riêng nên chợ Tết cũng khác
nhau. Nhưng cái không khí Tết thì đâu cũng vậy, vẫn có cái rộn ràng, náo nức.
Ngày xưa, chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập
ngay nơi chợ thường ngày. Nhưng chợ Tết bao giờ cũng đông hơn, vui hơn, có
không khí hơn những phiên chợ bình thường trong năm. Người ta đi chợ Tết
không chỉ để mua sắm mà đó là thói quen để gặp gỡ, làm dậy lên và tận hưởng
cái không khí háo hức khi Tết đến xuân về. Cái không khí rộn ràng của những
ngày giáp Tết đã in sâu trong tâm trí của Nguyễn Khuyến. Tuy nhiên, với sự
suy vi của nền Hán học, sự tàn phá của chế độ thực dân, phiên chợ Đồng làng
Yên Đổ, với mĩ tục thi thơ hằng năm ngày càng mai một. Nguyễn Khuyến đau

xót trước khung cảnh giáp Tết của quê nhà:
“Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng
Năm nay chợ họp có đông không ?
Dở trời mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu, tường đền được mấy ông?”
(Chợ Đồng)


Chợ Đồng là tên một phiên chợ ở làng quê nơi Nguyễn Khuyến sinh
thành. Chợ Đồng chính là Chợ Và, chợ gần sát ở khu vực Đình Và thuộc tỉnh
Hà Nam ngày nay. Theo lời truyền thì Chợ Đồng là phiên chợ họp để tưởng
nhớ ngày cụ Thượng Tổ Quang Lượng Hầu hành quân chinh phạt thảo khấu
qua đây, nhân dân đã đem quà cáp, lương thực ra úy lạo tướng sĩ. Mỗi tháng
Chợ Đồng họp chín phiên vào các ngày chẵn: 4, 6, 10, 14, 16, 20, 24, 26 và 30.
Nhưng từ khi giặc Pháp về đóng ở làng Vị Hà thì chợ Đồng cũng không họp
nữa và tục họp chợ Đồng vào cuối năm cũng mất. Thế nhưng, Nguyễn Khuyến
không thể quên được hình ảnh chợ Đồng rộn rã, đông vui. Ông nhớ lại những
tục lệ đẹp đẽ của một vùng quê mà ông đã từng gắn bó, đó là tục nếm rượu ở
tường đền. Chợ Đồng họp ngay bên cạnh một ngôi đền ba gian, mái ngói. Xung
quanh đền lại đắp tường đất dày bao bọc, gọi là tường đền. Hàng năm cứ vào
phiên chợ Tết, sau lễ tế Thánh, các vị bô lão trong làng cũng tổ chức cuộc thi
sáng tác thơ và bình thơ tại ngôi đình cạnh chợ. Các nhà văn đến tường đền dự
thi, các vị khoa mục trong làng làm giám khảo. Những bài thơ được mọi người
tán thưởng thì được giải. Những người được trao phần thưởng còn được mời đi
cùng các bô lão và các bậc khoa mục ra Chợ Đồng nếm rượu, chọn lựa rượu
ngon nhất dùng để thờ thánh trong ba ngày Tết. Hoạt động mua rượu thưởng
xuân, chọn rượu tế thần vào đầu năm cứ thế được lặp đi lặp lại hằng niên hình
thành nên một nét phong tục vừa đẹp vừa tao nhã của người dân một vùng quê
đất Việt. Thế nhưng, từ khi hãng Phông ten của Pháp chiếm độc quyền về rượu
ở Đông Dương, tục nếm rượu này cũng mất. Mặc dù vì lí do khách quan phiên

chợ Đồng không còn tồn tại trên thực tế nhưng với Nguyễn Khuyến và những
người dân quê ông, phiên chợ ấy vẫn mãi hằn sâu trong tâm khảm. Vốn dĩ


trong lòng nhà thơ vừa có một phiên chợ Đồng đông vui, nhộn nhịp, với những
phong tục đẹp đẽ trong quá khứ, vừa có một phiên chợ Đồng vắng vẻ, thiếu
thốn trong hiện tại. Nhà thơ Nguyễn Khuyến nhìn về quá khứ mà thương tiếc
những sinh hoạt truyền thống đang dần bị mai một dưới ách thực dân. Nhà thơ
không những tôn trọng những phong tục, những giá trị truyền thống của dân tộc
mà ông còn muốn giữ gìn và phát huy những giá trị ấy. Chính vì vậy, ông cảm
thấy xót xa, day dứt khi thấy chúng dần dần rơi vào quên lãng.

Đối với nhiều người Việt, giáp Tết là dịp trả nợ cũ, không ai muốn mắc nợ
dây dưa sang năm mới. Chợ Đồng vì vậy còn là nơi mọi người hò hẹn trả nợ
cho nhau, để tống tiễn năm cũ và thanh thản chào đón một năm mới, với nhiều
kỳ vọng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, chợ Đồng đã không
còn cái đông vui, náo nức của người đi mua sắm, của mĩ tục thi thơ mà chỉ còn
lại những âm thanh rời rạc, rệu rã của cuộc sống người dân quê khi Tết đến mà
vẫn chật vật với nợ nần:
“Hàng quán người về nghe xao xác
Nợ nần năm hết hỏi lung tung”
(Chợ Đồng)
Người dân làm lụng vất vả cả năm trời nhưng cuối năm vẫn chưa trả hết
nợ. Đó là hiện thực chung của phiên chợ quê ngày giáp Tết mà cụ Nguyễn
Khuyến đã cảm nhận được một cách chính xác bằng cả tấm lòng yêu thương.
Ngày xưa, đốt pháo là một phong tục không thể thiếu trong dịp tết Nguyên
đán. Người Việt thường đốt pháo để tạo nên không khí rộn rịp, để hòa cùng


những khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời. Tiếng pháo ấy cũng đã dội vào thơ

Nguyễn Khuyến:
“Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”.
(Chợ Đồng)
Mùa xuân thời đó đến với tiếng “pháo trúc” quen thuộc như xóa bỏ hết
những khó khăn vất vả, thiếu thốn của năm cũ…, để đón nhận niềm vui, niềm
hy vọng mới ở cuộc đời. Hy vọng năm sau sẽ làm ăn được mùa hơn không còn
nợ nần khốn khó nữa.

Mỗi năm, cứ vào dịp tết đến xuân về, trong nhiều gia đình Việt Nam, mọi
người lại cùng nhau tiến hành nghi thức khai bút, với hy vọng về một mùa xuân
may mắn, học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt và sự nghiệp tốt như diều gặp gió.
Khai bút đầu xuân trở thành một tục lệ phổ biến ở nhiều vùng quê đất Việt.
Làng quê của Nguyễn Khuyến cũng không phải là ngoại lệ. Sau giao thừa, mỗi
người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất
để làm lễ khai bút. Khai bút không những thể hiện sự trân trọng đối với các giá
trị văn hóa truyền thống mà còn có tác dụng răn dạy con cháu về đức tính hiếu
học và tôn sư trọng đạo của dân tộc. Đây không phải là một nghi lễ bắt buộc
nhưng từ lâu, nó đã được duy trì như một nét đẹp văn hóa truyền thống của
người Việt Nam. Bản thân Nguyễn Khuyến vốn xuất thân trong một gia đình
nhà Nho nên phong tục này cũng được ông rất trọng :“Bút mới xô tay thử một
hàng…” (Khai bút).


Qua thơ Nôm của Nguyễn Khuyến chúng ta có thể cảm nhận được những
đặc trưng văn hóa trong Tết cổ truyền của Việt Nam. Không chỉ vậy, thơ Nôm
của Nguyễn Khuyến còn nhắc đến nhiều tục lệ khác. Chẳng hạn như tục lên lão
trong bài thơ Nôm cùng tên. Ngày xưa, dân làng làm lụng vất vả quanh năm,
đàn ông cả ngày quần quật với ruộng vườn nên ai cũng già trước tuổi. Cho nên
bước vào tuổi 40, họ đã được người dân trong làng, trong họ kính trọng như lão

ông. Tục lên lão vì vậy được hình thành và lâu dần trở thành phong tục. Lên lão
là tục lệ thể hiện việc coi trọng tuổi tác trong xã hội nông thôn truyền thống
nước ta. Nguyễn Khuyến từ quan về lại quê cũ khi tuổi cũng đã cao, do đó nhà
thơ được đứng vào hàng ngũ ban lão làng, trông coi việc tế lễ:
“Ông chẳng hay ông tuổi đã già
Năm lăm ông cũng lão đây mà!”
(Lên lão)
Trong phe giáp, lên lão không phân biệt học vị, quan hay dân, chính vì
vậy, cụ Tam nguyên cũng như chú Láo, ông Từ đều được cùng ngồi vào ban lão
và nhận những quyền lợi như nhau của người lên lão:
“Anh em, làng xóm xin mời cả,
Giò bánh, trâu heo, cũng gọi là!
Chú Láo bên làng lên với tớ,
Ông Từ xóm chợ lại cùng ta”.
(Lên lão)
Bài thơ cho thấy, ở tục này, người lên lão cũng phải khao mọi người, khi
họ đến chúc thọ cho mình và ngược lại người đến chúc thọ cũng phải đem theo
quà mừng thọ kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Theo tục lệ xưa ở thôn quê, các


phe giáp làm lễ mừng thọ cho các cụ già và gọi đó là yến lão. Căn cứ vào độ
tuổi, các bô lão sẽ được định ngôi thứ để hưởng cỗ yến. Khi bước vào tuổi 60,
Nguyễn Khuyến từng nhắc đến tục lệ này trong bài thơ “Mừng con dựng được
nhà”:
“Năm mới lệ thường thêm tuổi một,
Cỗ phe ngôi chốc đã bàn ba.”
Ngoài việc được xem xét miễn trừ đóng góp trong phe giáp, các cụ già khi
vào hàng lão cũng sẽ được hưởng quyền lợi về ăn uống, biếu xén. Nguyễn
Khuyến gọi đó là “ăn dưng”:
“Bao giờ đến bậc ăn dưng nhỉ!

Có rượu thời ông chống gậy ra.”
(Lên lão)
Tục lệ kính trọng đối với người có tuổi tác cao vẫn còn được lưu giữ đến
ngày nay. Trong xã hội hiện tại, người cao tuổi được Hội người cao tuổi ở làng
xã, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và con cháu tổ chức lễ
chúc thọ, mời anh em, hàng xóm, thân hữu, bạn bè đến chia vui. Tục lên lão dù
thay đổi thể thức theo thời gian nhưng về cơ bản, tinh thần cộng đồng, nét đẹp
văn hóa của nó vẫn được duy trì, gìn giữ.

Với “Anh giả điếc”, Nguyễn Khuyến lại đề cập tới tục nhai trầu, hút thuốc
lào của người Việt:“ Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng
trầu.” Ăn trầu vốn là phong tục cổ truyền của người Việt Nam. Tương truyền,
tục lệ này đã có từ thời Hùng Vương và gắn liền với một câu chuyện cổ tích nổi


tiếng: Chuyện Trầu Cau. Từ đó, nó trở thành tập quán không thể thiếu trong
cuộc sống của người Việt Nam xưa và nay. Miếng trầu, nhân lên niềm vui mỗi
khi khách đến chơi nhà, bởi ông cha ta có câu “Miếng trầu là đầu câu
chuyện”.Và với người quen thì miếng trầu là tri kỷ. Chính vì vậy, Nguyễn
Khuyến đã tạ lỗi khi phải rơi vào cảnh: “Đầu trò tiếp khách, trầu không
có”(Bạn đến chơi nhà). Hút thuốc lào cũng là một trong những nét phong tục
của người Việt Nam xưa. “Thuốc lào là một thứ lá cây, tên chữ gọi là tương tư
thảo. Kỳ thủy cho ta thuốc ấy trừ được sơn lam chướng khí, mới có người hút,
lâu rồi ai cũng quen đi mà ai cũng đua nhau, bởi thế thành tục” (Việt Nam
phong tục). Thế nhưng đến nay, tục này không còn phổ biến như trước nữa.

3.
Nhìn chung, bằng tâm huyết và sự trân trọng bản sắc văn hóa dân tộc, ở
một mức độ nhất định, những vần thơ Nôm của Nguyễn Khuyến đã tái hiện
thành công nhiều nét phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Chính vì vậy,

có những phong tục dù đã bị vùi lấp theo thời gian nhưng độc giả vẫn có dịp
sống lại với những nét đẹp văn hóa ấy, khi đọc thơ Nôm Nguyễn Khuyến. Nói
cách khác, những giá trị văn hóa đẹp đẽ ấy mãi mãi trường tồn cùng với những
sáng tác thơ văn nói chung, thơ Nôm Nguyễn Khuyến nói riêng. Những vần thơ
Nôm của Nguyễn Khuyến sẽ góp phần làm cho các thế hệ mai sau hiểu biết và
trân trọng những phong tục, tập quán của cha ông, những sinh hoạt đời sống
một thời đã qua của dân tộc. Từ đó, các thế hệ người Việt sẽ có thêm động lực
để gìn giữ và phát huy chúng để góp phần xây dựng nước Việt Nam vững bền.


Quy Nhơn, tháng 05 năm 2017
Thông tin tác giả:
- Họ và tên: Trần Thị Bích Huệ
- Địa chỉ: Lớp Sư phạm Ngữ văn K36, trường Đại học Quy Nhơn
(170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, Bình Định)
-



×