i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng bản thân,
được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và khảo sát thực tiễn, dưới sự
hướng dẫn khoa học của PGS.TS Nguyễn Đình Long. Các số liệu nêu trong
luận văn là trung thực và có nguồn gốc. Các kết quả nghiên cứu chưa từng
công bố trong bất kỳ công trình nào.
Hà Nội, Ngày 10 tháng 3 năm 2014
Tác giả luận văn
Hoàng Thị Tố Uyên
ii
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình học tập và rèn luyện tại trường Đại học Lâm nghiệp
Hà Nội. Trên cơ sở những kiến thức đã được học tập qua chương trình, đã
trang bị cho em những kiến thức cơ bản về chuyên môn cũng như cuộc sống,
tạo cho em hành trang vững chắc trong công tác sau này.
Nhân dịp này, em xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu, quý Thầy,
Cô Khoa Sau đại học cùng lãnh đạo các khoa, phòng của Trường Đại học
Lâm nghiệp, quý thầy cô của đã tận tình giảng dạy, bổ sung, làm mới những
kiến thức tổng hợp về chuyên ngành kinh tế … cho học viên chúng em. Đây
là những kiến thức rất quý báu, bổ ích trực tiếp làm cho chúng em vững vàng
hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, em kính gửi sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc tới Thầy
giáo – PGS.TS Nguyễn Đình Long đã chỉ bảo tận tình và trực tiếp hướng dẫn
em trong suốt trong quá trình thực hiện và hoàn thiện luận văn.
Em cũng xin chân thành cảm ơn UBND huyện Quốc Oai, Phòng Lao
động thương binh xã hội, Phòng Kinh tế, phòng Thống kê huyện Quốc Oai…
gia đình, đồng nghiệp, bạn bè đã động viên, tạo điều kiện để em có thể tham
gia học tập và nghiên cứu.
Do khả năng của bản thân còn hạn chế nên luận văn không thể tránh khỏi
những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy, cô và các
bạn đồng nghiệp để Luận văn được hoàn thiện hơn.
Em xin kính chúc quí Thầy giáo, Cô giáo và các Cô, Chú luôn mạnh
khỏe - hạnh phúc.
Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, Ngày 10 tháng 3 năm 2014
Tác giả luận văn
Hoàng Thị Tố Uyên
iii
MỤC LỤC
Trang
TRANG PHỤ BÌA
LỜI CAM ĐOAN .............................................................................................. i
LỜI CẢM ƠN ................................................................................................... ii
MỤC LỤC ........................................................................................................ iii
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT .................................................................. v
DANH MỤC CÁC BẢNG............................................................................... vi
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN.............................................. 6
1.1. Cơ sở lý luận .......................................................................................... 6
1.1.1. Khái niệm, vị trí và vai trò cấp xã ................................................... 6
1.1.2. Một số khái niệm và tiêu chuẩn, vai trò của cán bộ, công chức cấp
xã ............................................................................................................... 8
1.1.3. Khái niệm về năng lực và tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức cấp
xã ............................................................................................................. 13
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cán bộ, công chức cấp xã .. 20
1. 2. Cơ sở thực tiễn của vấn đề nghiên cứu .............................................. 27
1.2.1. Khái quát về một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
về xây dựng đội ngũ CBCC cấp xã ......................................................... 27
1.2.2. Kinh nghiệm của một số địa phương về xây dựng và nâng cao
năng lực đội ngũ CBCC cấp xã ............................................................... 31
1.2.3. Bài học rút ra từ thực tiễn của các địa phương đối với huyện Quốc
Oai về vấn đề nâng cao năng lực cán bộ, công chức cấp xã ................... 37
1.3. Khái quát về một số nghiên cứu có liên quan đến nội dung đề tài ..... 38
Chương 2. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ... 40
2.1. Đặc điểm và tình hình cơ bản của huyện Quốc Oai ............................ 40
2.1.1. Một số đặc diểm về điều kiện tự nhiên ......................................... 40
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội .............................................................. 44
iv
2.1.3. Tình hình kinh tế - xã hội .............................................................. 48
2.1.4. Đánh giá chung về thuận lợi, khó khăn đế n phát triể n kinh tế - xã
hô ̣i và xây dựng đọi ngũ CB CC cấp cơ sở ............................................. 51
2.2. Các phương pháp nghiên cứu............................................................... 53
2.2.1. Phương pháp tiếp cận .................................................................... 53
2.2.2. Chọn điểm nghiên cứu .................................................................. 54
2.2.3. Phương pháp thu thập số liệu ........................................................ 54
2.2.4. Phương pháp xử lý và phân tích số liệu ........................................ 55
2.3. Hệ thống các chỉ tiêu nghiên cứu ......................................................... 55
2.3.1. Nhóm chỉ tiêu phản ánh số lượng và cơ cấu ................................. 55
2.3.2. Nhóm chỉ tiêu phản ánh chất lượng ............................................. 55
2.3.3. Nhóm chỉ tiêu phản ánh về năng lực............................................. 55
2.4. Khung phân tích đề tài ......................................................................... 56
Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN ............................ 57
3.1. Thực trạng năng lực đội ngũ CBCC cấp xã của huyện Quốc Oai ....... 57
3.1.1. Khái quát về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã huyện Quốc Oai 57
3.1.2. Khái quát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ............... 58
3.1.3. Đánh giá năng lực cán bộ, công chức cấp xã qua điều tra ............ 64
3.1.4. Đánh giá chung về năng lực cán bộ, công chức cấp xã của huyện
Quốc Oai ................................................................................................. 72
3.2. Giải pháp nhằm nang cao năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã huyện
Quốc Oai trong giai đoạn tới ....................................................................... 78
3.2.1. Quan điểm, mục tiêu về xây dựng và nâng cao năng lực của đội
ngũ CBCC cấp xã trong giai đoạn tới ..................................................... 78
3.2.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công
chức cấp xã của huyện Quốc Oai ............................................................ 79
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ......................................................................... 89
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
v
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
Viết tắt
Viết đầy đủ
CNH
Công nghiệp hóa
HĐH
Hiện đại hóa
CCKT
Cơ cấu kinh tế
SXHH
Sản xuất hàng hóa
TLSX
Tư liệu sản xuất
ĐTSX
Đối tượng sản xuất
UBND
Ủy ban nhân dân
GTSX
Giá trị sản xuất
GTGT
Giá trị gia tăng
WTO
Tổ chức thương mại quốc tế
BQ
Bình quân
DT
Diện tích
CSHT
Cơ sở hạ tầng
KHCN
Khoa học công nghệ
KHKT
Khoa học kỹ thuật
SL
Sản lượng
SX
Sản xuất
vi
DANH MỤC CÁC BẢNG
TT
Tên bảng
Trang
2.1
Cơ cấu đất đai của huyện Quốc Oai năm 2011
45
2.2
Hiện trạng hạ tầng giao thông huyện Quốc Oai
46
2.3
Thực trạng diện tích được tưới tiêu trên địa bàn huyện
48
2.4
Dân số Quốc Oai năm 2009 – 2012
49
2.5
Dân số 15 tuổi trở lên có việc làm
57
3.3
Số lương CBCC cấp xã huyện Quốc Oai năm 2012
58
3.4
Số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức cấp xã
59
3.3
Thâm niên công tác của CBCC cấp xã tính đến 12/2012
60
3.4
Cơ cấu độ tuổi của CBCC cấp xã tính đến 12/2012
61
3.5
Trình độ chuyên môn của CBCC xã (12/2012)
64
3.6
Các thông tin về CBCC cấp xã qua điều tra
72
3.7
Tổng hợp về đánh giá kỹ năng xử lý công việc
45
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Cán bộ là cái gốc của mọi
công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”
(19, tr 269). Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện
đại hoá và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng xây dựng một
đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, đủ tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng, đặc biệt sau Đại hội đổi mới (Đại hội
VI năm 1986) đến nay; công tác cán bộ, công chức luôn được Đảng và Nhà
nước ta chú trọng và quan tâm. Hội nghị Trung ương 3 - khoá VIII, Đảng đã
khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng,
gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt
trong công tác xây dựng Đảng”.
Văn kiện Đại hội IX của Đảng đã nhấn mạnh việc nâng cao phẩm chất,
năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó xác định: “Đẩy mạnh đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với chương trình nội dung sát hợp; chú
trọng đội ngũ cán bộ xã, phường”, Nghị quyết Trung ương 5 - khoá IX khẳng
định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động
nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm
thạo việc, tận tụy với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không
ức hiếp; trẻ hoá đội ngũ, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và
đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở”. Do đó, xây dựng xã, phường thị
trấn vững mạnh là một trong những vấn đề cơ bản có ý nghĩa quan trọng,
trong đó xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường thị trấn có đủ phẩm
chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ là hết sức cần thiết bởi cán bộ,
công chức xã, phường, thị trấn là người gần dân nhất, trực tiếp tiếp xúc với
2
dân, hàng ngày triển khai, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trực tiếp
lắng nghe, giải quyết và phản ánh những kiến nghị, nguyện vọng của nhân
dân với Đảng và Nhà nước.
Xuất phát từ vị trí, vai trò của xã, phường, thị trấn, Hội nghị lần thứ
năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày
18/3/2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã,
phường, thị trấn, nêu rõ vấn đề về xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở trong giai
đoạn hiện nay. Đây là lần đầu tiên Đảng ta có nghị quyết riêng về xây dựng
hệ thống chính trị ở cơ sở, cho thấy rõ tầm quan trọng, yêu cầu cần thiết của
nhiệm vụ củng cố vững mạnh đất nước ngay từ cơ sở.
Do đó, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở đủ về số lượng, đảm bảo
về chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị ở cơ
sở trở thành một yêu cầu quan trọng, một nhiệm vụ cấp bách phải được nhận
thức đầy đủ và triển khai một cách có hiệu quả. Để xây dựng đội ngũ cán bộ
cơ sở vững mạnh, cần phải tập trung làm rõ những vấn đề có tính lý luận, đáp
ứng đòi hỏi của thực tiễn, vừa giải quyết yêu cầu trước mắt, vừa phải có tính
chiến lược lâu dài.
Quốc Oai là một trong hai chín quận, huyện, thị xã, của thành phố Hà
Nội, là huyện nằm phía Tây của thành phố Hà Nội, trên địa bàn huyện có 20
xã và 01 thị trấn (trong đó có 02 xã miền núi Đông Xuân và Phú Mãn, dân số
chủ yếu là dân tộc Mường). Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức
cấp xã huyện Quốc Oai đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển
kinh tế, xã hội của huyện, tuy nhiên để đáp ứng cao hơn những yêu cầu trong
giai đoạn phát triển mới, thì cần thiết phải có đội ngũ cán bộ, công chức cấp
xã có khả năng tổ chức và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tụy với nhân dân.
3
Xuất phát từ những lý do trên, cùng với kinh nghiệm công tác của bản
thân, kết hợp với kiến thức học được trong thời gian 03 năm ở trường Đại học
Lâm nghiệp, tác giả chọn đề tài: “Một số giải pháp nâng cao năng lực đội
ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội”
nhằm góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách từ thực tiễn hiện nay đối với
đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã nói chung và ở huyện Quốc Oai nói riêng.
2. Mục tiêu nghiên cứu
2.1. Mục tiêu chung
Đánh giá thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở huyện
Quốc Oai, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cán bộ,
công chức cấp xã của huyện Quốc Oai, góp phần phục vụ quá trình phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Hệ thống hoá lý luận và thực tiễn về cán bộ, công chức cấp xã.
- Đánh giá thực trạng năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
của huyện Quốc Oai, thành phố H3à Nội.
- Đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực công tác cho đội ngũ cán
bộ, công chức cấp xã của huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện Quốc Oai và
các vấn đề liên quan đến năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của Huyện.
- Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
theo Luật cán bộ, công chức 2009-2012.
- Qua khảo sát ở các xã ở nông thôn, thị trấn ở huyện Quốc Oai để đánh
giá việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở huyện Quốc Oai.
4
- Đề xuất các giải pháp chủ yếu xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ
cán bộ, công chức cấp xã ở huyện Quốc Oai đến năm 2020.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Đề tài nghiên cứu trên địa bàn huyện Quốc Oai,
thành phố Hà Nội.
- Phạm vi thời gian: Nghiên cứu tình hình và số liệu từ năm 2009 đến
năm 2012 và định hướng đến năm 2020.
- Phạm vi nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu đội ngũ cán bộ, công
chức cấp xã và các vấn đề liên quan đến năng lực đội ngũ cán bộ, công chức
cấp xã của huyện Quốc Oai.
4. Ý nghĩa khoa học của đề tài
- Đề tài làm rõ thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
của huyện Quốc Oai; rút ra những kết quả, hạn chế, bất cập và nguyên nhân
làm cơ sở đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn công tác cán bộ,
công chức cấp xã trong giai đoạn tới;
- Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể làm tài liệu tham khảo, cung cấp
thêm các luận cứ khoa học giúp cho các cơ quan, lãnh đạo huyện, các xã, thị
trấn trên địa bàn huyện Quốc Oai tham khảo trong chỉ đạo thực tiễn và lập
quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ,
công chức cấp xã nhằm đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn
cách mạng mới.
5. Những đóng góp của đề tài
- Đánh giá đúng năng lực đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện
Quốc Oai góp phần làm rõ về thực trạng hiện nay;
- Góp phần hệ thống hoá các quan điểm của Đảng và Nhà nước về cán
bộ, công chức cấp xã và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã;
5
- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công
chức cấp xã của huyện Quốc Oai nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển
kinh tế - xã hội của huyện.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
Luận văn gồm có 3 chương:
- Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn
- Chương 2: Đặc điểm địa bàn và Phương pháp nghiên cứu
- Chương 3: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
6
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.1. Khái niệm, vị trí và vai trò cấp xã
“Cấp xã” bao gồm ba loại hình cơ sở là: xã, phường, thị trấn. Ba loại
hình cơ sở này có những điểm chung, song cũng có nhiều nét đặc trưng riêng
biệt của mình.
Cấp xã và chính quyền cấp xã có vị trí, vai trò rất quan trọng trong hệ
thống hành chính ở nước ta.
+ Là cấp hành chính gần dân nhất, chính quyền cấp xã chịu trách nhiệm
trước nhân dân về mọi hoạt động ở địa phương.
Là một cấp hành chính trong hệ thống chính quyền, chính quyền cấp xã
được sử dụng con dấu có hình quốc huy, biểu trưng cho quyền lực của Nhà
nước, là một cơ quan có thẩm quyền rộng trong việc quản lý mọi mặt của đời
sống xã hội trên địa bàn. Chính quyền cấp xã có ngân sách riêng, thay mặt
Nhà nước giao dịch với nhân dân địa phương, thực hiện và bảo đảm thực hiện
các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước ở địa phương, chăm lo mọi
mặt đời sống của nhân dân, duy trì an ninh trật tự tại địa phương.
+ Chính quyền cấp xã chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên về
việc chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân ở địa phương.
Điều 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định
Ủy ban nhân dân không chỉ là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân
cùng cấp mà Ủy ban nhân dân cấp dưới còn phải chịu sự chỉ đạo của Ủy ban
nhân dân cấp trên. Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chịu trách nhiệm
trước Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Chính quyền địa phương cơ sở, hay chính quyền cấp xã là chính quyền
được tổ chức ra nhằm bảo đảm, bảo vệ và phục vụ quyền, lợi ích của nhân
7
dân, nhân dân là đối tượng cơ bản để chính quyền phục vụ. Do đó chính
quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên về việc chăm lo
mọi mặt đời sống của nhân dân địa phương.
Trong mối quan hệ với nhà nước, nhân dân chính là chủ thể của quyền
lực nhà nước. Theo đó, chính quyền địa phương cơ sở phải là chính quyền do
nhân dân tổ chức ra, của nhân dân và hoạt động vì nhân dân. Do đó ngoài việc
chịu trách nhiệm trước chính quyền cấp trên, chính quyền cơ sở còn phải chịu
trách nhiệm trước nhân dân. Các hoạt động do cán bộ, công chức tiến hành
phải xuất phát trên nền tảng lợi ích của nhân dân và vì nhân dân để phục vụ.
+ Cấp xã và chính quyền cấp xã là cầu nối giữa nhân dân với chính
quyền cấp huyện, tỉnh và trung ương.
Chính quyền cấp xã là đại diện của nhân dân địa phương tự quyết định
những vấn đề nội bộ địa phương, đồng thời là cầu nối giữa nhân dân với
chính quyền cấp trên. Chính quyền cấp xã thay mặt nhân dân đề xuất, kiến
nghị với cơ quan Nhà nước cấp trên về những vấn đề liên quan đến địa
phương thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan Nhà nước cấp trên; nắm bắt
và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương với chính quyền
cấp trên.
+ Cấp xã là nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động thực tiễn phong phú và
sinh động, trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước, của chính quyền cấp trên.
Chính quyền cơ sở và cán bộ công chức cơ sở cùng chung sống hàng
ngày với dân, hiểu dân, sâu sát với dân, am hiểu những phong tục, tập quán,
truyền thống của địa phương nên những người đại diện Nhà nước ở cấp xã
phải giải quyết các công việc đa dạng, phức tạp của dân, sao cho không trái
pháp luật, nhưng có hiệu quả cao nhất.
8
Chính quyền cấp xã là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện các quy định,
quyết định của Nhà nước, giải quyết những yêu cầu, thắc mắc, bức xúc của
dân. Đồng thời cũng là những người trực tiếp thu nhận, lắng nghe, tiếp thu
các ý kiến, những đề xuất, kiến nghị của nhân dân. Do vậy, họ cũng là cấp
phải phản ánh một cách trung thực những nguyện vọng, mong muốn, nhu cầu
của người dân lên các cơ quan cấp trên và đề xuất những giải pháp trong việc
giải quyết những vướng mắc, thoả mãn những nhu cầu, mong muốn của nhân
dân nói chung và của mỗi người dân nói riêng. Nếu chính quyền cấp xã làm
việc có hiệu quả thì đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ dễ dàng
đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thực tế của nhân dân, tạo ra sự phấn
khởi, sự tin tưởng của nhân dân vào Đảng và Nhà nước; đồng thời tạo ra sự
hiểu biết, thông cảm lẫn nhau giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ngược lại,
nếu chính quyền cấp xã không giải quyết một cách thấu đáo những thắc mắc,
vướng mắc của nhân dân, các cán bộ, công chức xã làm việc không tốt có thể
sẽ gây nên nhiều phản ứng tiêu cực của nhân dân đối với chính quyền nhà
nước, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí có thể gây
mất đoàn kết giữa các dòng họ, thôn, xóm... trong xã.
1.1.2. Một số khái niệm và tiêu chuẩn, vai trò của cán bộ, công chức cấp xã
1.1.2.1. Khái niệm về cán bộ, công chức cấp xã ở Việt Nam
- Cán bộ công chức nói chung: Cán bộ là công dân Việt Nam được bầu
cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan
của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung
ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh),
ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện),
trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào
ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà
9
nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ
quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân
chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an
nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy
lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt
Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự
nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối
với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập
thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy
định của pháp luật.
- Cán bộ công chức cấp xã: Cán bộ, công chức cấp xã được quy định
tại Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày
22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ chính sách
đối với cán bộ, công chức ở xã, phường thị trấn và những người hoạt động
không chuyên trách ở cấp xã, như sau:
* Cán bộ xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung
là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ
trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư
Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội.
Cán bộ cấp xã gồm có:
- Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;
- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị
10
trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân
Việt Nam);
- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
* Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một
chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên
chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức cấp xã gồm có:
- Trưởng Công an;
- Chỉ huy trưởng Quân sự;
- Văn phòng - thống kê;
- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn)
hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
- Tài chính - kế toán;
- Tư pháp - hộ tịch;
- Văn hóa - xã hội.
1.1.2.2. Tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã
* Tiêu chuẩn chung:
- Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội; có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả
đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ở địa phương;
- Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm thạo việc, tận tụy với
dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý
thức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với
nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên
11
môn, đủ năng lực và sức khoẻ để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm
vụ được giao.
* Tiêu chuẩn cụ thể:
Cán bộ, công chức cấp xã phải đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể do cơ quan, tổ
chức có thẩm quyền quy định:
- Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ cấp xã làm việc trong các tổ chức
chính trị, tổ chức chính trị - xã hội do các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội Trung ương quy định;
- Tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ cấp xã làm việc trong Hội đồng
nhân dân, Ủy ban nhân dân và tiêu chuẩn của công chức cấp xã do Bộ trưởng
Bộ Nội vụ quy định.
* Số lượng cán bộ, công chức cấp xã:
Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí phân theo loại đơn vị
hành chính xã, phường, thị trấn như sau:
- Đối với xã, phường, thị trấn loại 1: không quá 25 người
- Đối với xã, phường, thị trấn loại 2: không quá 23 người
- Đối với xã, phường, thị trấn loại 3: không quá 21 người
1.1.2.3. Vị trí, vai trò của cán bộ, công chức cấp xã
Vốn quý nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là đội ngũ cán bộ,
công chức. Cán bộ, công chức là một trong những nhân tố quan trọng quyết
định sự thành công hay thất bại của sự nghiệp cách mạng.
Để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập có chủ quyền với mục tiêu
"dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc và công việc
thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém" . Đảng ta luôn coi cán bộ
có vai trò quyết định đối với sự nghiệp cách mạng. Nghị quyết Hội nghị
Trung ương ba (khóa VII) khẳng định trong công cuộc đổi mới đất nước thì:
12
Cán bộ hoặc thúc đẩy hoặc kìm hãm tiến trình đổi mới. Cán bộ nói
chung có vai trò rất quan trọng, cán bộ cơ sở nói riêng có vị trí nền tảng cơ sở.
Cấp cơ sở là cấp trực tiếp tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối của
Đảng và pháp luật của Nhà nước. Chất lượng và hiệu quả thực thi pháp luật
một phần được quyết định bởi sự triển khai ở cơ sở. Cấp cơ sở là cấp trực tiếp
gắn với quần chúng; tạo dựng phong trào cách mạng quần chúng. Cơ sở xã,
phường, thị trấn mạnh hay yếu một phần quan trọng phụ thuộc vào chất lượng
đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có một ví trí vô cùng quan trọng
trong hoạt động quản lý điều hành ở cấp cơ sở:
- Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những người đại diện Đảng, Nhà
nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở cơ sở:
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là những người trực tiếp quản lý,
điều hành mọi hoạt động ở địa phương, cơ sở; tuyên truyền vận động nhân
dân thực hiện thắng lợi mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực
của đời sống xã hội, bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, chăm lo đời
sống vật chất, tinh thần cho người dân.
- Cán bộ, công chức cấp xã là những người hàng ngày trực tiếp tiếp xúc
với dân, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà
nước vào cuộc sống và biến thành hành động cách mạng của quần chúng:
Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước có thực hiện được hay không nhất thiết phải thông qua phong trào cách
mạng quần chúng. Cán bộ, công chức cấp xã là người quản lý, điều hành, chỉ
đạo, tổ chức và phát động phong trào; đồng thời, là người theo dõi, kiểm tra
và nhân rộng phong trào của quần chúng, khai thác tối đa mọi nguồn lực cả về
vật chất, tinh thần, cả nội lực, ngoại lực ở cơ sở vì mục tiêu phát triển địa
13
phương vững mạnh. Qua đó phát hiện, nhân rộng những nhân tố mới, những
cách làm hay. Với ý nghĩa đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có vai trò
quyết định thúc đẩy các cuộc vận động cách mạng ở địa phương, cơ sở.
- Cán bộ, công chức cấp xã là cầu nối giữa Đảng - Nhà nước với nhân
dân, truyền dẫn đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới dân, phản ánh
tâm tư nguyện vọng của dân đối với Đảng, góp phần đưa đường lối, chủ
trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Thông qua đội ngũ
này, Đảng, Nhà nước ta đánh giá được tính đúng đắn của đường lối, chính sách,
kịp thời phát hiện được những thiếu sót của bản thân chính sách và những nhu
cầu mới phát sinh từ thực tế khách quan để bổ sung và hoàn thiện chính sách.
Như vậy, sự vững mạnh hay yếu kém của hệ thống chính trị, của phong
trào cách mạng của quần chúng ở cơ sở gắn liền với phẩm chất, năng lực của
đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Họ có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến
năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực và hiệu quả
quản lý, điều hành của chính quyền, khả năng tham mưu và tổ chức thực hiện
mọi nhiệm vụ của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân địa
phương. Bộ máy chính quyền đó ở cơ sở hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hay
không phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Đội
ngũ này có phẩm chất, năng lực tốt mới có thể phát huy được sức mạnh của
hệ thống chính trị, huy động được mọi nguồn lực để thúc đẩy thực hiện thắng
lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên
địa bàn địa phương.
1.1.3. Khái niệm về năng lực và tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức cấp xã
1.1.3.1. Khái niệm về năng lực cán bộ, công chức
* Khái niệm về năng lực:
- Theo Từ điển tiếng Việt “năng lực” là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc
tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó;
14
- Theo GS.VS.TS khoa học Phạm Minh Hạc thì cho rằng: “năng lực
chính là một tổ hợp đặc điểm tâm lý của một con người (còn gọi là tổ hợp
thuộc tính tâm lý của một nhân cách), tổ hợp đặc điểm này vận hành theo một
mục đích nhất định tạo ra kết quả một hoạt động nào đấy”;
- Theo các nghiên cứu về lao động xã hội hiện nay thì năng lực của một
cá nhân phải hội đủ hai phẩm chất cơ bản sau: Thứ nhất, có năng lực tư duy; có
tri thức khoa học và kiến thức chuyên môn. Thứ hai, có năng lực tổ chức thực
hiện; kỹ năng thực hành để ứng dụng được tri thức, kiến thức chuyên môn.
Ngoài ra còn phải biết sử dụng hai công cụ bổ trợ mà nhiều ngành nghề đều cần
là tin học và ngoại ngữ thông dụng ngoài tiếng mẹ đẻ. Hướng cần tới là ngoài đạo
đức chính trị, đội ngũ cán bộ phải đạt được cả hai phẩm chất kể trên với mức độ
tối thiểu là trung bình khá theo thang bậc chung của nguồn nhân lực trong xã
hội, không chấp nhận cán bộ, công chức chỉ có thâm niên và kinh nghiệm
thuần túy.
- Năng lực của cán bộ, công chức là “tổng hợp những kiến thức, kỹ
năng, thái độ cho phép một cá nhân thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ
của mình ở một cấp độ hiệu suất nhất định”.
Năng lực có điểm khác biệt với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trình
độ chuyên môn nghiệp vụ đề cập những kiến thức chuyên môn và kỹ thuật cơ
bản cần có để đảm nhiệm một vị trí hoặc một tập hợp các vị trí việc làm
không liên quan trực tiếp đến hoàn cảnh lao động thực tế. Năng lực không
phải là tổng của kiến thức, kỹ năng và thái độ mà là sự tập hợp đồng thời các
nguồn lực, hoạt động và kết quả cần đạt. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
thường được đánh giá thông qua bằng cấp, trình độ đào tạo, còn năng lực phải
được thể hiện trong thực tiễn hành động. Năng lực của cán bộ, công chức luôn
gắn liền với thực tiễn thực thi công vụ của cán bộ, công chức và quyết định
hiệu quả công việc của họ.
15
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không chỉ đề cao đạo đức cách mạng mà
yêu cầu mọi cán bộ đảng viên phải luôn học tập, rèn luyện nâng cao trình độ
năng lực. Người phê phán bệnh lười biếng, lười học là: "khuyết điểm rất to,
khác nào người thầy thuốc đi chữa bệnh cho người khác mà bệnh nặng trong
mình thì quên chữa, do đó "phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và
lý luận suông"
Nhưng đồng thời lý luận phải đi đôi với thực tiễn, học phải đi đôi với
hành, nếu không thì đó cũng chỉ là lý luận suông mà thôi. Theo Chủ tịch Hồ
Chí Minh: "Năng lực của con người không phải hoàn toàn tự nhiên mà có, mà
phần lớn do công tác, do luyện tập mà có".
Năng lực theo Người nó là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện,
hoạt động thực tiễn của con người, không phải tự nhiên mà có; năng lực được
phát triển trong quá trình hoạt động thực tiễn. Người lười biếng, trốn tránh lao
động thì năng lực không thể phát triển được.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, ngoài những yêu cầu như cán bộ,
công chức nói chung như phẩm chất đạo đức lối sống, bản lĩnh chính trị, trình
độ chuyên môn nghiệp vụ còn có những yêu cầu khác:
+ Có trách nhiệm lớn với nhân dân địa phương; phải liên hệ chặt chẽ
với nhân dân, vận động nhân dân tham gia hoạt động quản lý nhà nước, thực
hiện tốt đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
+ Là đại diện cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương có trách
nhiệm quản lý tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn. Mỗi lĩnh vực
cụ thể của đời sống xã hội diễn ra trên địa bàn với nhiều tình huống nảy sinh
đòi hỏi người cán bộ, công chức xã phải có trình độ chuyên môn, hiểu biết
nhất định để giải quyết cho thỏa đáng.
Vì vậy, năng lực của cán bộ, công chức cấp xã còn được đánh giá qua
các mặt: Năng lực quản lý, điều hành các hoạt động trên địa bàn; khả năng
16
tiếp nhận và lựa chọn thông tin để ra các quyết định quản lý bảo đảm tính hợp
pháp và hợp lý; năng lực vận dụng pháp luật để giải quyết các vụ việc cụ thể
và khả năng có những phản ứng, những phương án linh hoạt nhằm đáp ứng
kịp thời yêu cầu quản lý; khả năng vận động quần chúng nhân dân trong quá
trình tổ chức triển khai các văn bản pháp luật của Nhà nước. Năng lực của cán
bộ, công chức còn được đánh giá qua tác phong làm việc, phương pháp quản
lý điều hành nhằm đạt hiệu quả cao nhất, kỹ năng giao tiếp với nhân dân để
có những ứng xử phù hợp với nhiều đối tượng; kỹ năng tuyên truyền để giải
thích thuyết phục nhân dân thực hiện chính sách của Nhà nước, kỹ năng hòa
giải,... Năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức được đánh giá qua nhiều tiêu
chí như vậy là do hoạt động của họ liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời
sống và đương nhiên cũng phải hội đủ các tiêu chí như vậy chúng ta cũng mới
có thể đánh giá chính xác năng lực của một cán bộ, công chức cấp xã. Trên
thực tế, có những cán bộ, công chức mặc dù có trình độ cơ bản về lý luận, về
chuyên môn nghiệp vụ nhưng không có phương pháp hoặc sử dụng phương
pháp không tốt cũng sẽ dẫn đến hiệu quả công việc không cao.
1.1.3.2. Các tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, công chức cấp xã
* Về phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức:
- Phẩm chất chính trị là tiêu chuẩn đầu tiên, là điều kiện đối với mỗi
người cán bộ, công chức. Phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức
được biểu hiện trước hết là sự tin tưởng tuyệt đối đối với lý tưởng cách mạng,
kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đó là con đường mà Bác Hồ
và Đảng ta đã lựa chọn, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quan điểm của Đảng, chính
sách và pháp luật của Nhà nước, không dao động trước những khó khăn thử
thách. Đồng thời phải có biện pháp để đường lối đó đi vào thực tiễn cuộc sống
của nhân dân địa phương.
17
- Phẩm chất đạo đức là phẩm chất rất quan trọng đối với đội ngũ cán
bộ. công chức, nó là cái "gốc" của người cán bộ. Người cán bộ phải có đầy đủ
đạo đức cách mạng thì mới có đủ điều kiện để phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ
quốc, phục vụ Đảng. Nếu thiếu hoặc yếu kém đạo đức cách mạng sẽ không
thể làm tốt công việc được giao và nó là nguyên nhân của tệ quan liêu, tham
nhũng tạo nên nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, sự sống còn của chế
độ. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức cách mạng. Người viết:
"Cũng như sông thì có nguồn, mới có nước, không có nguồn thì cạn, cây phải
có gốc, không có gốc thì cây héo; người cách mạng phải có đạo đức, không có
đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"
Người cán bộ, công chức có tinh thần đạo đức cách mạng phải là người
cán bộ hội tụ đủ 5 đức tính, đó là Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Những đức
tính tốt đẹp đó phải thể hiện ra bên ngoài trong công việc hàng ngày của
người cán bộ. Luôn luôn gương mẫu, có lối sống lành mạnh, thực hiện cần
kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi cá nhân, sinh hoạt
bê tha, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, quan hệ mật thiết với quần
chúng nhân dân, sâu sát với công việc, không quan liêu cửa quyền, gây phiền
hà cho dân, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, không chạy theo vụ lợi,
nói đi đôi với làm, làm nhiều hơn nói - Đó là những tiêu chí đánh giá đạo đức
của người cán bộ. Người cán bộ phải luôn có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh
thần tập thể, khiêm tốn, giản dị, trung thực, không cơ hội, có nếp sống văn
minh, nêu gương cho quần chúng. Như vậy mới tạo được lòng tin từ phía
nhân dân, thuyết phục được nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trung
thành với sự nghiệp cách mạng.
Phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức
cấp xã còn biểu hiện thông qua thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần gương
mẫu trong công tác, tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của đồng bào,
18
nhân dân tại địa phương. Người cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt
phải là người luôn trăn trở trước những khó khăn ở địa phương, phải có quyết
tâm đưa địa phương cơ sở nơi mình công tác ngày càng phát triển về mọi mặt,
thực hiện công bằng, dân chủ, văn minh.
* Về trình độ văn hóa, chuyên môn và lý luận chính trị,..:
- Trình độ văn hóa không phải là yếu tố duy nhất quyết định hiệu quả
hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức nhưng đây là yếu tố quan trọng ảnh
hưởng đến hoạt động quản lý của đội ngũ này. Nó là nền tảng cho nhận thức,
tiếp thu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và
tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng chủ trương, chính sách trong thực tiễn.
Hạn chế về trình độ văn hóa sẽ hạn chế về khả năng nhận thức và năng
lực tổ chức thực hiện các văn bản của Nhà nước, cản trở việc thực hiện nhiệm
vụ quyền hạn và trách nhiệm của người cán bộ, công chức. Do vậy cần phải
nâng cao trình độ văn hóa cho đội ngũ cán bộ, công chức đặc biệt là trong
thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: được hiểu là trình độ được đào tạo ở
các lĩnh vực khác nhau theo cấp độ: sơ cấp, trung cấp, đại học. Đó là những
kiến thức mà nhà trường trang bị cho người học theo các chuyên ngành nhất
định được thể hiện qua hệ thống bằng cấp. Cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện
mọi hoạt động quản lý, giải quyết mọi tình huống phát sinh trên thực tế, nếu
đội ngũ cán bộ, công chức không có chuyên môn nghiệp vụ, chỉ làm theo kinh
nghiệm hoặc giải quyết mang tính chắp vá, tùy tiện chắc chắn hiệu quả sẽ
không cao thậm chí còn mắc sai phạm nghiêm trọng;
- Trình độ lý luận chính trị: lý luận chính trị là cơ sở xác định lập
trường quan điểm của cán bộ, công chức nhà nước nói chung và đội ngũ cán
bộ, công chức cấp xã nói riêng. Có trình độ lý luận chính trị giúp xây dựng
được lập trường, quan điểm đúng đắn trong quá trình giải quyết công việc đối
19
với tổ chức và nhân dân theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế thị trường đang hình thành ở nước ta với
sự tác động không nhỏ của nó (cả tích cực và không tích cực) tới cuộc sống
của mỗi người trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức thì việc giữ vững tác
phong, lối sống của người cán bộ là vấn đề rất quan trọng. Thực tế đã có
không ít cán bộ bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất, lối sống thực dụng, vị
kỷ làm giảm uy tín của người cán bộ "là công bộc của dân", làm mất lòng tin
của nhân dân. Vì vậy, trình độ lý luận chính trị là một yếu tố phản ánh năng
lực của đội ngũ cán bộ, công chức;
- Trình độ quản lý hành chính nhà nước: Quản lý hành chính nhà nước
là sự tác động mang tính tổ chức lên các quan hệ xã hội. Đó là những thủ
pháp mà nhà quản lý sử dụng trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình
để giải quyết các vụ việc cụ thể đặt ra. Hoạt động quản lý vừa được coi là một
khoa học, vừa là nghệ thuật. Để thực hiện được hoạt động này, đòi hỏi đội
ngũ cán bộ, công chức cần phải được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức cơ
bản về quản lý nhà nước thì mới có được kỹ năng, phương pháp quản lý.
Thực tế cho thấy, có những cán bộ có nhiệt tình, có sức khỏe, có hiểu biết
nhưng thiếu kiến thức quản lý thì năng lực hoạt động của họ cũng sẽ bị hạn
chế. Vì thế những kiến thức quản lý hành chính nhà nước cũng là yếu tố quan
trọng trong năng lực của cán bộ.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức cấp xã còn
phải có trình độ về tin học, biết sử dụng thành thạo các thiết bị tin học phục
vụ công tác chuyên môn, biết ngoại ngữ và phải có kiến thức trong nhiều lĩnh
vực khác về quản lý kinh tế, quản lý xã hội...
* Về sức khoẻ, kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết công việc:
- Sức khoẻ của mỗi con người được đánh giá qua nhiều tiêu chí, song
tiêu chí cơ bản nhất là thể lực và trí lực. Trí lực được đánh giá thông qua sự