Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Thị trường trái phiếu kênh huy động vốn hữu hiệu để phát triển đô thị

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (150.42 KB, 8 trang )

THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU - KÊNH HUY ĐỘNG VỐN
QUAN TRỌNG NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ
TS. Nguyễn Thị Bích Loan
Trường Đại học Tôn Đức Thắng
Mở đầu:
Hiện nay, ở Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cần đầu tư rất
nhiều cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển các khu dân cư, giải quyết vấn đề
nhà ở cho công nhân, xây dựng ký túc xá sinh viên… tất cả những vấn đề đó đều yêu cầu
một lượng vốn rất lớn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng các dự án lớn, cấp
bách, có tác động trực tiếp tới mục tiêu giảm tải và kéo giãn dân số nội đô, đa dạng hóa
phương thức vận tải cũng như xử lý tình trạng úng ngập tại các đô thị lớn, số vốn đầu tư
cũng đã lên tới con số hàng triệu tỷ đồng. Nhu cầu vốn rất lớn này một phần được giải
quyết bằng nguồn ODA, số vốn còn lại sẽ phải dựa vào những nguồn lực khác, trong đó
phát hành trái phiếu là một kênh huy động vốn được chú trọng đặc biệt. Hơn nữa, từ năm
2010 trở đi, các nguồn vốn ODA có điều kiện ưu đãi sẽ giảm đi và thay vào đó là các
điều kiện vay gần với các khoản vay thương mại thì Chính phủ và các địa phương cần
phải hướng tới các nguồn tài trợ mới với quy mô lớn trong đó có vay nợ thông qua con
đường phát hành trái phiếu. Một thị trường trái phiếu hoạt động tốt sẽ là kênh huy động
vốn rất hữu hiệu cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án y tế, giáo dục và giải
quyết những thách thức về đô thị hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động phát hành trái
phiếu ở Việt Nam, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Trung ương và địa phương chưa phát
huy được vai trò khơi thông luồng vốn nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển hạ tầng
đô thị.
Bài viết này phác họa một vài nét cơ bản về tình hình hoạt động của thị trường
trái phiếu Việt Nam trong năm 2009 và đề xuất một số giải pháp để thị trường trái phiếu
thật sự phát huy vai trò kênh thu hút vốn cho mục tiêu phát triển đô thị bền vững.
1. Thị trường trái phiếu Việt nam năm 2009:
Về hoạt động phát hành:
Trái phiếu chính phủ và trái phiếu đô thị: Tỷ lệ đấu thầu thành công thấp, đặc biệt
là trong năm 2009. Theo báo cáo của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, trong năm 2009 có
khoảng 70 đợt phát hành bao gồm trái phiếu Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển,


Ngân hàng Chính sách xã hội và trái phiếu TP.HCM. Tuy nhiên chỉ có khoảng 5.000 tỷ
đồng trái phiếu huy động được trên tổng số 71.400 tỷ đồng đưa ra gọi thầu. Loại trái
phiếu phát hành thành công nhất trong năm 2009 là trái phiếu Kho bạc nhưng tỷ lệ bán
được cũng chỉ ở mức 15%, còn đa số các loại trái phiếu chỉ bán được dưới 7% so với kế
hoạch. Đặc biệt trái phiếu chính quyền địa phương hoàn toàn không thu hút được sự quan
tâm của nhà đầu tư, còn trái phiếu của Ngân hàng Phát triển cũng chỉ bán được 2% so với
tổng khối lượng chào bán. Bước sang năm 2010, các đợt phát hành trái phiếu chính phủ
bước đầu đều được đấu thầu thành công, tuy nhiên nếu tính tổng lượng trái phiếu đến hạn
Chính phủ phải trả theo ước tính là khoảng gần 40.000 tỷ đồng. Và kế hoạch đầu tư mới
từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2010 là khoảng 56.000 tỷ. Lượng trái phiếu
cần phát hành trong năm 2010 sẽ vào khoảng trên 90.000 tỷ. Kế hoạch này sẽ khó lòng


thực hiện được nếu không kịp thời triển khai các giải pháp phát triển thị trường Trái
phiếu. Khó khăn lớn nhất cho thị trường trái phiếu trong năm 2010 chính là xu hướng
tăng khá rõ của mặt bằng lãi suất. Khi mặt bằng lãi suất tăng thì lãi suất trái phiếu Chính
phủ cũng chịu tác động theo chiều hướng tương tự và ảnh hưởng lớn đến thị trường trái
phiếu trong nước. Các đợt phát hành đầu năm 2010 thành công là do đã có sự điều chỉnh
lãi suất. Đối với Trái phiếu Chính phủ phát hành bằng ngoại tệ ở nước ngoài, tuy bước
đầu thành công (Tháng 1/2010, Việt Nam đã tung ra 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế thời hạn
10 năm trong đợt phát hành trái phiếu Chính phủ thứ hai kể từ tháng 10/2005. Đợt phát
hành đã thu hút được sự quan tâm từ những luồng vốn chất lượng: 56% giao dịch thuộc
về các nhà đầu tư Mỹ, 16% là các nhà đầu tư châu Âu và 28% là châu Á).
Có thể tóm tắt những nét cơ bản sau về TTTP Chính phủ:
- Có quá nhiều loại chứng khoán với quy mô phát hành nhỏ, không thống nhất về
kỳ hạn, lãi suất, thông lệ giao dịch…dẫn đến không thể hình thành đường cong lãi suất
chuẩn.
- Mặc dù Chính phủ đã phân cấp và trao quyền chủ động cho chính quyền địa
phương trong phát hành trái phiếu, nhưng trên thực tế trái phiếu chính quyền chưa thu
hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.

- Thị trường trái phiếu chính phủ năm 2009 vắng bóng các tổ chức đầu tư nước
ngoài, bởi họ vẫn còn chưa hết nỗi ám ảnh về sự cố rút chạy khỏi TTTP Việt Nam trong
năm 2008 với tỷ lệ thua lỗ 20%.
- Do lãi suất trần quy định quá thấp nên trong năm 2009 chỉ có một số ít các
NHTM tham gia và trúng thầu, chủ yếu nhằm mục đích sử dụng trái phiếu để giao dịch
trên thị trường mở.
Trái phiếu doanh nghiệp: Tuy tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới chiếm
khoảng 20% trong cơ cấu thị trường trái phiếu, nhưng trong năm 2009 có nhiều đợt phát
hành thành công, trong đó chủ yếu là hình thức phát hành trái phiếu với lãi suất thả nổi.
Theo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, ước tính đã có khoảng 18.000 tỷ đồng giá trị trái
phiếu có lãi suất thả nổi được bán ra, chiếm 77% trong tổng giá trị trái phiếu huy động
được (hơn 26.000 tỷ đồng). Có thể kể ra một vài ví dụ điển hình về việc phát hành thành
công trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2009.
- Công ty Cổ phần Vincom phát hành thành công 100 triệu USD trái phiếu chuyển
đổi quốc tế và đã niêm yết trái phiếu này tại sàn giao dịch chứng khoán Singapore, trở
thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên phát hành và niêm yết trái phiếu ở thị trường vốn
quốc tế. Trái phiếu chuyển đổi Vincom có kỳ hạn năm năm được phát hành bằng đồng
USD, không có tài sản đảm bảo và có lãi suất hàng năm là 6%, thanh toán sáu tháng một
lần vào cuối kỳ. Trái phiếu này có thể được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của
Vincom. Quyền chọn mua cổ phiếu chính là giá trị gia tăng của loại trái phiếu này, khiến
nó trở thành mặt hàng rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Hơn nữa, một yếu tố quan trọng
trong thành công của đợt phát hành đó là đơn vị đứng ra bảo lãnh cho Vincom là Credit
Suisse.
- Tổng công ty Cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng có ba đợt phát
hành trái phiếu với tổng trị giá 1.200 tỷ đồng. Trái phiếu của KBC được Ngân hàng Công
thương (Vietinbank) bảo lãnh, nhà đầu tư có thể cầm cố, bán lại cho Vietinbank, thậm chí


trong trường hợp KBC mất khả năng thanh toán, thì nhà đầu tư vẫn được Vietinbank cam
kết thanh toán sòng phẳng, chính sự bảo đảm thanh khoản này là nguyên nhân dẫn đến

thành công của trái phiếu KBC.
- Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal): Sacomreal là đơn vị
đầu tiên tại TP.HCM thể nghiệm hình thức huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu
dự án. Ban đầu, Sacomreal phát hành trái phiếu cho dự án Phú Lợi 1 (quận 8) và thu hút
được khá nhiều khách hàng. Sau đó, để triển khai dự án Belleza (phường Phú Mỹ, quận
7) Sacomreal phát hành một đợt trái phiếu với tổng giá trị 750 tỷ đồng. Mỗi trái phiếu có
mệnh giá 1,5 tỷ đồng, trái chủ được tặng một quyền mua căn hộ Belleza và được giảm
giá 8% khi mua căn hộ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp niêm yết như Hòa Phát, FPT, Hoàng Anh Gia Lai
cũng đã huy động một lượng vốn khá lớn thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Theo
thống kê của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, chỉ tính riêng ba đợt phát hành của Hòa
Phát, Hoàng Anh Gia Lai và FPT, thì lượng vốn huy động đã lên đến 4.370 tỷ đồng,
chiếm hơn 15% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2009.
Tuy nhiên, đó chỉ là một số rất nhỏ các doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp
đã niêm yết có thể huy động vốn theo phương thức này. Nếu hệ thống thông tin thị
trường đầy đủ, chính xác, các quy định bảo vệ nhà đầu tư được ban hành và thực hiện
nghiêm túc thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả có thể đáp ứng được nhu cầu
vốn hoạt động thông qua con đường phát hành trái phiếu.
Một trong những trở ngại chính trên thị trường trái phiếu là Việt Nam chưa có lãi
suất chuẩn làm lãi suất tham chiếu trong việc xác định lãi suất thả nổi. Vì vậy, các nhà
phát hành thường dùng mức lãi suất bình quân của bốn ngân hàng thương mại lớn là
BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank làm lãi suất tham chiếu. Ngoài ra, một số ít
khác thì dùng lãi suất cơ bản hoặc lãi suất trần của trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương
ứng.
Giao dịch trên thị trường thứ cấp:
Mặc dù TTTP chuyên biệt đã đi vào hoạt động, song tính thanh khoản của thị
trường hiện nay rất thấp: Tổng giá trị trái phiếu được chuyển nhượng qua sàn trong năm
2009 vào khoảng 77.500 tỷ đồng, chỉ bằng 40% so với mức 195.600 tỷ đồng của năm
2008. Giá trị trái phiếu được chuyển nhượng trong một phiên giao dịch trung bình là 300
tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 800 tỷ đồng của năm 2008. Những tháng đầu năm

2010 thị trường cũng chưa có dấu hiệu biến chuyển tích cực. Tổng khối lượng giao dịch
trung bình là 300 – 500 tỷ đồng mỗi ngày. Các ngân hàng tham gia mua bán những loại
kỳ phiếu ngắn hạn dưới 1 năm, trái phiếu có kỳ hạn dài tới 10 năm chủ yếu được giao
dịch bởi các công ty bảo hiểm.
Một nhược điểm của thị trường trái phiếu Việt Nam là có rất nhiều loại trái phiếu
(hơn 500 loại) được phát hành thành nhiều lô nhỏ, ngày phát hành khác nhau, ngày đến
hạn khác nhau gây khó khăn cho việc giao dịch trên thị trường thứ cấp. Trong khi đó, lãi
suất trái phiếu nước ngoài luôn thống nhất ở một mức giá nào đó và khi phát hành các đợt
mới, nhà đầu tư chỉ đấu giá trái phiếu tại thời điểm thực tế, do vậy mà lượng hàng hóa
trên thị trường rất tập trung và số loại trái phiếu rất ít nên giao dịch cũng thuận lợi.


Đối với trái phiếu chuyển đổi, việc xác định giá trái phiếu trong giao dịch mua
bán trên thị trường thứ cấp cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tính thanh khoản kém không chỉ xuất phát từ việc có quá nhiều loại trái phiếu với
tính đồng nhất kém, mà còn bởi thị trường rất thiếu thông tin. Trong khi thị trường cổ
phiếu đang bị nhiễu thông tin, loạn thông tin thì thị trường trái phiếu lại ở trong tình trạng
cực kỳ thiếu thông tin. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đầu mối nào làm nhiệm vụ
tổng hợp và cung cấp cơ sở dữ liệu về toàn thị trường trái phiếu. Thiếu thông tin thị
trường khiến nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài không có cơ sở để ra quyết
định đầu tư. Tính thanh khoản kém làm cho các tổ chức đầu tư không hào hứng lựa chọn
trái phiếu vào danh mục đầu tư của mình.
Với những nhược điểm căn bản nói trên, thị trường trái phiếu thứ cấp hiện chưa
thể hiện được vai trò hỗ trợ cho thị trường sơ cấp thực hiện chức năng huy động vốn cho
nền kinh tế.


Triển vọng phát triển trong thới gian tới:
Quy mô của thị trường trái phiếu Việt nam nhìn chung còn khá nhỏ so với các
nước trong khu vực:

QUỐC GIA

QUY MÔ THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU/GDP

HÀN QUỐC

109%

SINGAPORE

74%

MALAYSIA

82%

THÁI LAN

58%

TRUNG QUỐC

53%

VIỆT NAM

17%
Nguồn: Bộ Tài chính

Như vậy, tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu ở Việt nam còn rất lớn, nhất

là trong giai đọan tới, khi nền kinh tế trong nước cùng với kinh tế toàn cầu vượt qua giai
đoạn suy thoái, Việt Nam lại là một trong những quốc gia duy trì tốt sự ổn định chính trị
xã hội, các dòng vốn đầu tư đã và đang quay trở lại để tìm kiếm những địa chỉ đầu tư hiệu
quả thì việc tăng cường các giải pháp phát triển thị trường trong giai đoạn này là cần thiết
và kịp thời để đón đầu những cơ hội mới. Tận dụng được tối đa các nguồn lực nhằm xây
dựng cơ sở hạ tầng, tạo đà phát triển mới cho toàn bộ nền kinh tế.
Hơn nữa, trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các
sáng kiến phát triển TTTP khu vực với mục tiêu phấn đấu có được TTTP trong nước
năng động, tiếp cận tới chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước
tham gia trên thị trường. Hoạt động hội nhập ASEAN trong lĩnh vực TTCK được triển
khai trên hai lĩnh vực: Tham gia Diễn đàn Thị trường Vốn ASEAN (ACMF) và tham gia
các chương trình trong khuôn khổ các hiệp định thương mại ASEAN, ASEAN+3... Hội
nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 13 (AFMM 13) tại Thái Lan vào tháng 4/2009
đã thông qua bản Kế hoạch hội nhập thị trường vốn ASEAN 2015 do ACMF đệ trình. Kế
hoạch này là một chương trình hội nhập khu vực tổng thể sẽ được các nước trong khu
vực ASEAN triển khai trong thời gian tới. Các sáng kiến chủ đạo của Kế hoạch bao gồm:
Hài hòa hóa và công nhận lẫn nhau; Liên kết các sở giao dịch chứng khoán khu vực
ASEAN và tăng cường quản trị; Củng cố các sản phẩm mới và xây dựng khu vực
ASEAN trở thành một loại tài sản đầu tư; Củng cố thị trường trái phiếu; Xây dựng kế
hoạch phát triển thị trường vốn trong nước nhằm hỗ trợ hội nhập khu vực; Đẩy mạnh các
tiến trình công tác ASEAN. Việt Nam ủng hộ sáng kiến thành lập: “Cơ chế bảo lãnh tín
dụng và đầu tư trong khu vực” nhằm thúc đẩy hoạt động bảo lãnh tín dụng trái phiếu
trong khu vực, tạo thuận lợi cho sự phát triển của TTTP các nước. Sáng kiến này được
triển khai dưới hình thức thiết lập một quỹ tín thác với mục đích bảo lãnh trái phiếu
doanh nghiệp bằng nội tệ trong khu vực, góp phần phát triển các TTTP khu vực. Quỹ này
dự kiến được các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đóng góp theo lộ
trình với quy mô ban đầu vào khoảng 500 triệu Đôla. Sáng kiến phát triển TTTP Châu Á
(ABMI) cũng đã được khởi xướng từ năm 2003 với mục tiêu phát triển TTTP của các
nước Châu Á và hướng tới một TTTP khu vực dễ tiếp cận hơn cho cả nhà phát hành và
nhà đầu tư. Kể từ khi Bộ trưởng Tài chính các nước ASEAN+3 phê chuẩn sáng kiến



ABMI vào năm 2003, TTTP các nước trong khu vực đã có được sự phát triển đáng kể về
quy mô lẫn sự đa dạng của các tổ chức phát hành. Các đợt phát hành lớn trái phiếu bằng
nội tệ được thực hiện thông qua nhiều tổ chức, trong đó có các tổ chức tài chính quốc tế
và các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, các nước ASEAN+3 cũng đạt được tiến bộ, từ
việc thống nhất tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ tới việc đơn giản hóa thủ tục phát
hành trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện.
Với những triển vọng nói trên, Việt Nam cần khẩn trương triển khai các biện pháp
nhằm xây dựng một TTTP hiện đại, theo kịp các chuẩn mực của các nước trong khu vực,
chỉ có như vậy thì TTTP mới thực sự trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ cho sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đóng góp cho sự phát triển bền vững các đô thị
và sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
2. Các giải pháp cần triển khai để phát triển Thị trường Trái phiếu trong
thời gian tới:
- Xây dựng chiến lược phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam phù hợp với
chiến lược phát triển thị trường vốn đến năm 2020, phân định rõ vai trò của các thành
viên tham gia thị trường trong việc thực hiện chiến lược, chú trọng nâng cao tính chủ
động của chính quyền địa phương trong việc phát hành trái phiếu phục vụ cho mục tiêu
phát triển đô thị bền vững.
- Chính phủ tiếp tục duy trì các biện pháp ổn định thị trường tài chính – tiền tệ.
Trong điều hành TTTP, lãi suất trái phiếu chính phủ phải giữ vai trò định hướng và tham
chiếu cho các loại lãi suất khác trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Tổ chức phát
hành trái phiếu chính phủ theo định kỳ để có định hướng, tín hiệu lãi suất cho cả hệ thống
ngân hàng và nền kinh tế. Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư,
định mức tín nhiệm quốc gia nhằm thu hút sự quan tâm của các tổ chức đầu tư nước
ngoài.
- Tập trung xây dựng hệ thống khuôn khổ pháp lý cho thị trường trái phiếu: Hiện
tại, Bộ Tài chính đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cho thị
trường trái phiếu như sửa đổi Nghị định 52/2006 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp,

Nghị định 53 về phát hành trái phiếu quốc tế, Nghị định 141/2003 về phát hành trái phiếu
Chính phủ.…Các hệ thống văn bản mới nên được xây dựng phù hợp với điều kiện cụ thể
của Việt Nam, tuy nhiên khi chúng ta đã tham gia chương trình hội nhập tổng thể toàn
khu vực, thiết nghĩ sau khi nghiên cứu, so sánh, tìm hiểu các sáng kiến về TTTP của
khối SEAN, UBCK cần soạn thảo và trình Bộ Tài chính ban hành các quy định cần thiết
cho việc áp dụng các nguyên tắc tốt nhất trong quản lý TTTP do IOSCO (Tổ chức Quốc
tế các Ủy ban chứng khoán) khuyến nghị. Những quy định trong chuẩn mực trái phiếu
châu Á và các chuẩn mực về kiểm toán, kế toán trong ASEAN cũng cần được nghiên cứu
kỹ trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản pháp luật nhằm đảm bảo hài hòa các quy
định pháp lý, áp dụng các thông lệ quốc tế và xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc hình thành
một TTTP khu vực thống nhất và dễ tiếp cận.
- Hoàn tất việc soạn thảo và ban hành bộ quy ước thị trường, bộ thông lệ và quy
tắc đạo đức cho thị trường trái phiếu Việt Nam (IFC và VBMA đang xây dựng với sự tư
vấn và trợ giúp của ThaiBMA). Sau khi ban hành, các thành viên tham gia giao dịch phải
được đào tạo đầy đủ về các quy tắc thị trường mà họ giao dịch, môi giới. Đồng thời họ
phải nhận thức được trách nhiệm của bản thân và của công ty hay tổ chức đang làm việc.


Bên cạnh đó, người tham gia giao dịch trực tiếp phải nhận thức và tuân thủ mọi yêu cầu
hướng dẫn có liên quan hoặc có thể áp dụng tới các hoạt động trên thị trường trái phiếu
do các cơ quan quản lý ban hành.
- Ban hành các quy định, cơ chế cụ thể cho phép hình thành tổ chức định mức tín
nhiệm, đảm bảo tính độc lập, chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động. Cần học hỏi
kinh nghiệm và tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức định mức tín nhiệm chuyên
nghiệp trên thế giới.
- Trung tâm tích hợp dữ liệu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với
Trung tâm lưu ký, các NHTM và SGDKC Hà Nội – đơn vị trực tiếp vận hành TTTP
chuyên biệt tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và cung cấp thông tin về thị
trường trái phiếu cho nhà đầu tư. Đặc biệt, thông tin về kế hoạch huy động vốn thông qua
phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương cần được xây dựng và

thông báo cho các thành viên thị trường định kỳ hàng tháng, hàng quý, theo tổng mức và
loại trái phiếu dự kiến phát hành.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát TTCK trên cơ sở nghiên cứu
kinh nghiệm của các nước trong việc quản lý trên cơ sở đánh giá rủi ro (risk-based), đồng
thời sử dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại như một công cụ giám sát thị trường
hữu hiệu. Song song với hệ thống quản lý giám sát phải có chế tài xử phạt nghiêm minh
đối với những thành viên không tuân thủ quy tắc thị trường.
- Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin, cần thực hiện hàng loạt các biện
pháp nhằm tăng thanh khoản cho thị trường như: Cơ cấu lại danh mục trái phiếu bằng
cách mua lại các lô trái phiếu đã phát hành lẻ tẻ để phát hành trái phiếu mới với quy mô
lớn, đạt chuẩn về mã trái phiếu, lãi suất, kỳ hạn…. tạo cơ sở hình thành đường cong lãi
suất chuẩn, sử dụng linh hoạt các công cụ như: Chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ thị
trường mở, cầm cố trái phiếu Chính phủ; từng bước phát triển các sản phẩm chứng khoán
phái sinh nhằm tăng thanh khoản cho thị trường thứ cấp.
- Xây dựng cơ chế hoạt động của thị trường trái phiếu theo hướng nâng cao vai
trò tạo lập thị trường của các NHTM: Được biết hiện nay Bộ Tài chính đang khẩn trương
xây dựng Quy chế hoạt động của hệ thống nhà giao dịch sơ cấp (hệ thống nhà tạo lập thị
trường) để vừa phát triển thị trường phát hành, vừa nâng cao tính thanh khoản của trái
phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp. Việc sớm ban hành quy chế sẽ giúp các NHTM
xác định rõ và phát huy vai trò chủ đạo trên thị trường.
- UBND các tỉnh, thành phố cần chủ động hơn trong hoạt động phát hành trái
phiếu nhằm huy động nguồn lực cho xây dựng và cải tạo hạ tầng đô thị. Ngoài việc trực
tiếp phát hành, có thể tìm kiếm các giải pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương
như: Giao đất đổi cơ sở hạ tầng cho các công ty niêm yết có uy tín trong lĩnh vực đầu tư
cơ sở hạ tầng và đã có kinh nghiệm trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp
nhằm huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tiến hành đồng bộ các biện pháp kể trên sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng, giúp thị
trường trái phiếu thực sự trở thành kênh huy động vốn đắc lực cho mục tiêu phát triển
bền vững các đô thị Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:

- Thời báo Kinh tế Sài Gòn.


- Đầu tư Chứng khoán.
- website của Bộ Tài chính, UBCKNN, NHNN, UBND TP.HCM các NHTM,
SGDCK TP.HCM, SGDCK Hà Nội.
- Các báo điện tử vneconomy, tintuconline, infoTV….



×