Tải bản đầy đủ (.pdf) (117 trang)

Nhân vật và đối tượng trữ tình trong ca dao Quảng Ninh (LV thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.93 MB, 117 trang )

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

NGUYỄN BÍCH NGỌC

NHÂN VẬT VÀ ĐỐI TƯỢNG TRỮ TÌNH
TRONG CA DAO QUẢNG NINH

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

THÁI NGUYÊN, 2017


ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

NGUYỄN BÍCH NGỌC

NHÂN VẬT VÀ ĐỐI TƯỢNG TRỮ TÌNH
TRONG CA DAO QUẢNG NINH
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã ngành: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HOÁ VIỆT NAM

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN HẰNG PHƯƠNG

THÁI NGUYÊN, 2017



LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến PGS.TS.
Nguyễn Hằng Phương - Người đã tận tình hướng dẫn, động viên, tạo điều kiện tốt
nhất cho tôi trong quá trình thực hiện luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo khoa Ngữ Văn, phòng Đào tạo
trường Đại học Khoa học Thái Nguyên đã dạy dỗ, tạo điều kiện cho tôi trong quá
trình học tập.
Xin cảm ơn sự quan tâm và ủng hộ của gia đình, bạn bè. Đó chính là nguồn
động viên tinh thần rất lớn để tôi theo đuổi và hoàn thành luận văn này.
Học viên

NGUYỄN BÍCH NGỌC

i


MỤC LỤC

LỜI CẢM ƠN ............................................................................................. i
MỤC LỤC .................................................................................................. ii
MỞ ĐẦU ................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài .................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ........................................................................................ 2
3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu ......................................................... 7
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu .................................................. 8
5. Phạm vi nghiên cứu ................................................................................ 9
6. Cấu trúc của luận văn ............................................................................. 9
7. Đóng góp của luận văn ........................................................................... 9
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TẾ LIÊN QUAN

ĐẾN ĐỀ TÀI ........................................................................................... 11
1.1. Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa ở
Quảng Ninh .............................................................................................. 11
1.1.1. Vài nét về điều kiện tự nhiên ......................................................... 11
1.1.2. Đặc điểm kinh tế, xã hội ................................................................ 12
1.1.3. Đời sống văn hóa............................................................................ 14
1.2. Một số vấn đề lí luận ......................................................................... 15
1.2.1. Nhân vật trữ tình ............................................................................ 15
1.2.2. Đối tượng trữ tình........................................................................... 18
1.3. Tổng quan về văn học dân gian Quảng Ninh .................................... 19
1.3.1. Khái quát về văn học dân gian Quảng Ninh .................................. 19
1.3.2. Diện mạo ca dao Quảng Ninh ........................................................ 25
Chương 2. NHÂN VẬT TRỮ TÌNH TRONG CA DAO QUẢNG
NINH ........................................................................................................ 33
2.1. Khảo sát nhân vật trữ tình ................................................................. 33
2.2. Diện mạo và tâm trạng của nhân vật trữ tình .................................... 34
2.2.1. Diện mạo nhân vật trữ tình............................................................. 34
ii


2.2.2. Tâm trạng nhân vật trữ tình ............................................................ 52
Chương 3. ĐỐI TƯỢNG TRỮ TÌNH TRONG CA DAO QUẢNG
NINH ....................................................................................................................................69
3.1. Khảo sát đối tượng trữ tình trong ca dao Quảng Ninh ...................... 69
3.2. Diện mạo và cung bậc cảm xúc của đối tượng trữ tình trong ca dao
Quảng Ninh .............................................................................................. 70
3.2.1. Diện mạo đối tượng trữ tình ........................................................... 70
3.2.2. Cung bậc cảm xúc của đối tượng trữ tình ...................................... 85
KẾT LUẬN ............................................................................................. 98
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................... 101

PHỤ LỤC

iii


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Có thể nói văn học dân gian giống như là cội nguồn, là bầu sữa mẹ trong trẻo,
mát lành nuôi dưỡng nền văn học dân tộc ngay từ buổi đầu. Bởi lẽ ngay từ khi thoát
khỏi thời kì hồng hoang nguyên thủy, con người đã biết mở rộng tâm hồn đến với thế
giới xung quanh. Họ đã biết yêu, biết ghét, có đầy đủ những cung bậc, trạng thái cảm
xúc khác nhau và đó cũng là lúc ca dao, dân ca xuất hiện như một phương tiện giúp
họ giãi bày những tâm tư trong tâm hồn. Với tư cách là hình thái văn học đầu tiên của
dân tộc, văn học dân gian nói chung, ca dao nói riêng đã phải trải qua mọi biến cố
thăng trầm của lịch sử, thời gian nhưng vẫn có một sức sống bất diệt giống như nhà
văn Serdin từng nhận xét: “Nghệ thuật nằm ngoài sự băng hoại của thời gian, chỉ
mình nó là không thừa nhận cái chết”.
Ca dao Việt Nam có một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử văn hóa dân tộc,
trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của người dân Việt từ bao đời nay “Ca dao tự vạch
cho mình một lối đi, dẫu không hào nhoáng, song hết sức hiên ngang, hết sức độc lập.
Phát sinh vì Dân Tộc, sống còn nhờ Dân Tộc, ca dao là kết tinh thuần tuy của tinh thần
Dân Tộc” [31]. Không những thế, ở mỗi địa phương lại có những mảng ca dao riêng
biệt, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng cho kho tàng ca dao dân tộc.
Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ninh, nơi được coi là địa đầu
vùng Đông Bắc Tổ quốc - một trong những cái nôi đầu tiên xuất hiện loài người - nơi
hội tụ, giao thoa nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa, Sán
Dìu… nên tôi có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc với một nền văn hóa đa dạng và đậm bản
sắc riêng. Và văn học với chức năng giống như một tấm gương phản ánh hiện thực
cuộc sống khách quan vào trong tác phẩm với những cảm xúc của con người một
cách chân thực nhất đã lưu giữ được những điều đó. Đặc biệt, ở thể loại ca dao - vốn

là tiếng nói của tình cảm, khúc tâm tình giàu nhạc điệu lại phản ánh sâu sắc đời sống
nội tâm của con người Quảng Ninh qua các thời kì. Đây chính là mảnh đất màu mỡ,
tạo nên nguồn thi liệu quý giá, phong phú để khám phá, tìm hiểu về cuộc sống sinh
hoạt, lao động, tâm tư tình cảm, khát vọng của con người lao động trên quê hương từ
xa xưa, nhất là những cư dân sống vùng ven biển và những người thợ mỏ. Trong khi
đó, chưa có một công trình nào nghiên cứu để làm rõ đời sống tinh thần, tâm trạng
của nhân vật và đối tượng trữ tình trong các bài ca dao.

1


Ngay trong nội dung chương trình dạy học Ngữ văn địa phương Quảng Ninh
lớp 6, 7 có những bài nội dung dạy về ca dao như: Ngữ văn địa phương lớp 6: có bài
đọc thêm về “Ca dao vùng mỏ”; Ngữ văn địa phương lớp 7 ở bài 18 - Tiết 74 theo
phân phối chương trình mới dừng lại ở việc hướng dẫn học sinh sưu tầm các bài ca
dao, dân ca, tục ngữ lưu hành ở địa phương; Bài 33 - tiết 134, 135 theo phân phối
chương trình giáo viên tổ chức, đánh giá, nhận xét các bài cảm nhận của cá nhân học
sinh về ca dao đã sưu tầm ở tiết 74 chứ chưa có bài dạy nào cụ thể định hướng cách
thức phân tích, đi sâu khai thác để giúp các em cảm nhận được tiếng nói của tâm hồn
nhân vật và đối tượng trữ tình gửi gắm qua các bài ca dao.
Từ những lí do trên, chúng tôi chọn: “Nhân vật và đối tượng trữ tình trong ca
dao Quảng Ninh”, đặc biệt ở mảng ca dao vùng mỏ, vùng biển làm đề tài cho luận
văn tốt nghiệp của mình. Mong rằng công trình nghiên cứu này sẽ góp một phần công
sức nhỏ bé vào việc khám phá, giữ gìn, bảo tồn cho nền văn học dân gian nói chung
và ca dao Quảng Ninh nói riêng; khơi dậy tình yêu đối với văn học dân gian của dân
tộc đồng thời tạo thêm một nguồn tư liệu về văn học dân gian để giúp giáo viên Ngữ
văn ở Quảng Ninh có thể thực hiện tốt các tiết dạy Ngữ văn địa phương một cách
thuận lợi hơn.
2. Lịch sử vấn đề
Ca dao nảy sinh và xuất hiện ở Quảng Ninh từ rất sớm, nhất là ca dao vùng

biển. Còn mảng ca dao vùng mỏ ra đời muộn hơn một chút vì nó gắn liền với quá
trình đấu tranh của công nhân mỏ.
Trước Cách mạng tháng tám, do nhân dân ta vẫn phải chịu ách áp bức một cổ
hai tròng, chưa được giải phóng, điều kiện kinh tế xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu cho
nên các nhà nghiên cứu khoa học chưa có điều kiện thâm nhập thực tế ghi chép, sưu
tầm, xuất bản phát hành thành sách để lưu truyền cho thế hệ con cháu về sau. Chính
vì thế, ca dao dân ca chủ yếu là tiếng hát cất lên từ trong lao động, lưu truyền trong
đời sống để giãi bày tâm tư, tình cảm trong tâm hồn, làm xua đi những vất vả, lo âu,
mệt mỏi trong cuộc sống thường ngày. Những bài ca dao ấy nếu có giá trị thì cũng
chỉ được lưu truyền bằng miệng, dựa vào trí nhớ của nhân dân mà thôi.

2


Sau khi cách mạng tháng tám năm 1945 thành công, đặc biệt là sau khi miền Bắc
được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc
lần thứ II (tháng 2 năm 1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những đóng góp to
lớn của các văn nghệ sĩ đối với cách mạng, kháng chiến. Người nhấn mạnh vai trò quan
trọng của người nghệ sĩ trong thời bình và đưa ra lời khuyên: Các văn nghệ sĩ muốn hoàn
thành tốt nhiệm vụ thì phải học tập, phải “trau dồi tư tưởng, trau dồi nghệ thuật, đi sâu
vào quần chúng. Phải đi sát sự thực. Và trong lúc tiến tới thì chúng ta phải trau dồi đạo
đức cách mạng, trước hết là đức khiêm tốn” [24, tr. 325, 326]. Làm theo lời căn dặn của
Bác, các nhà văn, nhà thơ hăng hái lên đường, hòa nhập vào cuộc sống của nhân dân
để hiểu, cảm nhận và khơi nguồn sáng tạo. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để các nhà
nghiên cứu văn học dân gian có điều kiện đi sâu vào quần chúng, sưu tầm, nghiên cứu,
tập hợp lại các bài ca dao, dân ca đã bị thất lạc, còn lưu truyền trong dân gian thành các
bản thảo, tập tài liệu.
Trước năm 1955, Sở Văn hóa - Thông tin khu Hồng Quảng đã cho xuất bản
một tập tài liệu tuyên truyền có tựa đề là “Đời sống thợ mỏ thời Tây qua một số bài
ca dao… ”. Cuốn khảo cứu này dày khoảng 20 trang, mang tính chất tài liệu tuyên

truyền là chủ yếu. Tuy nhiên, từ đó đến trước những năm 1968 việc thu thập, tìm
kiếm và biên soạn một cách thống nhất các bài ca dao của vùng mỏ và vùng biển còn
bị bỏ ngỏ và thực hiện chưa đồng bộ.
Từ đó đến năm 1969, ba nhà biên soạn Lý Biên Cương, Trần Nhuận Minh và
Sỹ Hồng đã kết hợp với Ty Văn hóa Quảng Ninh xuất bản tập “Ca dao vùng mỏ”
(chống Mỹ cứu nước) gồm 160 bài đã sưu tầm.
Đến năm 1980, Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh xuất bản cuốn “Ca dao
vùng mỏ (trước Cách mạng)” do nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài chủ biên, tập hợp lại
các bài ca dao vùng mỏ được sáng tác, lưu truyền trước cách mạng tháng 8 năm 1945.
Cuốn sách này là tập tư liệu sinh động, chia làm ba phần. Phần đầu tiên, tác giả giới
thiệu vài nét về sự hình thành, giá trị và đóng góp của ca dao vùng mỏ, phần thứ hai là
một số các bài ca dao chọn lọc và phần thứ ba là các sáng tác vận động Cách mạng
cùng vè dân gian ở nơi đây. Cuốn sách bước đầu đã thể hiện được về giá trị nội dung
(lời tố cáo đanh thép, tình yêu thương và tiếng cười cay đắng, tiếng thét rực lửa cách

3


mạng của công nhân mỏ) và chỉ ra giá trị nghệ thuật của ca dao vùng mỏ là nghệ thuật
hiện thực, chủ nghĩa hiện thực trong hình thức thơ ca dân gian. Những luận điểm mà
nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài nêu ra đã đề cập tương đối đầy đủ giá trị của ca dao
vùng mỏ trước Cách mạng. Và trong bài viết còn đưa ra luận điểm ca dao vùng mỏ
phản ánh tình yêu thiên nhiên. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thiên nhiên ở đây là phương
tiện nghệ thuật để con người bày tỏ tình cảm với quê hương, đất nước và thể hiện tình
yêu lứa đôi chứ không phải đối tượng hướng tới.
Trong giai đoạn hợp tác và hội nhập với quốc tế như hiện nay thì yếu tố văn
hóa bản địa, văn học dân gian càng ngày được coi trọng hơn, là mảnh đất màu mỡ
thu hút các nhà nghiên cứu tìm tòi, sưu tầm một cách đầy đủ, hoàn chỉnh hơn. Năm
2007, nhà biên soạn Vũ Thị Gái kết hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ninh đã
xuất bản cuốn “Ca dao - dân ca vùng biển Quảng Ninh”. Trong cuốn sách, PGS.TS

Nguyễn Thị Huế trong bài giới thiệu “Đọc ca dao, dân ca vùng biển Quảng Ninh đôi
điều cảm nhận” đã nhận định ca dao vùng biển là bộ phận ca dao mang đậm chất
biển vùng Quảng Ninh bởi nó thể hiện được tâm hồn người dân biển, tình yêu, niềm
tự hào về quê hương; đồng thời bước đầu tác giả đã phác thảo được đặc điểm thi pháp
ca dao của người Việt ở Quảng Ninh.
Đến năm 2010, trong cuốn “Di sản văn hóa làng chài Vịnh Hạ Long” do Thạc
sỹ Cao Đức Bình và Thạc sỹ Hoàng Quốc Thái đồng nghiên cứu và biên soạn đã đi
vào hướng “Phục dựng, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hóa dân gian của
ngư dân làng chài Cửa Vạn (Vịnh Hạ Long)”. Cuốn sách đã thể hiện được quan điểm
của tác giả về sự phong phú, giàu giá trị nhân văn, đậm tính trữ tình của các bài ca
dao - dân ca vùng biển. Công trình nghiên cứu đã bước đầu khái quát về nội dung và
nghệ thuật cũng như hình thức lưu truyền gắn với môi trường diễn xướng của ca dao
- dân ca vùng biển Quảng Ninh.
Cũng trong năm 2010, Hội văn nghệ dân gian Quảng Ninh kết hợp với Tập
đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xuất bản cuốn “Ca dao vùng mỏ”
do Tống Khắc Hoài chủ biên gồm hai phần: Ca dao Vùng mỏ trước Cách mạng tháng
8/ 1945 và Ca dao Vùng mỏ sau ngày giải phóng 25/ 4/ 1955. Cuốn sách đã sưu tầm
thêm được hơn vạn câu ca dao làm sống lại không khí sinh hoạt văn hóa xã hội sâu
rộng tại Vùng mỏ Quảng Ninh: lịch sử hình thành, truyền thống đấu tranh của giai

4


cấp công nhân mỏ - đây là một sản phẩm văn hóa phi vật thể vô giá không phải ở
vùng đất nào, ngành nghề nào có được. Cuốn sách ghi lại nội dung nổi bật, phong
phú, sinh động cuộc sống tinh thần, lao động và chiến đấu của ca dao vùng mỏ cũng
như một số hình thức nghệ thuật đặc trưng.
Năm 2011, trong cuốn “Địa chí Quảng Ninh” tập 3, ca dao vùng mỏ được
giới thiệu tại mục “Ca dao vùng mỏ trước Cách mạng tháng 8 - những sáng tác văn
học đầu tiên của giai cấp công nhân”. Hai phương diện nội dung và nghệ thuật trong

những sáng tác trước Cách mạng đã được đề cập đến một cách khái quát, đem đến
cái nhìn tổng quan cho người đọc.
Năm 2012, luận văn thạc sỹ của Lê Thị Nga với đề tài “Khảo sát ca dao - dân
ca người Việt lưu truyền ở Quảng Ninh” đã khảo sát diện mạo ca dao - dân ca người
Việt trên phương diện ngôn từ (nội dung, nghệ thuật biểu hiện) và trên phương diện
diễn xướng, nghiên cứu sự gắn bó mật thiết với chức năng thực hành - sinh hoạt của
một số hình thức dân ca tiêu biểu.
Bên cạnh đó, còn rất nhiều các bài báo viết về ca dao vùng mỏ và ca dao vùng biển
ở Quảng Ninh. Trên tạp chí Than - Khoáng sản vào ngày 11/11/2014, nhân kỉ niệm 78
năm ngày truyền thống Công nhân Vùng mỏ - truyền thống ngành than (12/11/1936 12/11/2014) đăng bài “Từ ca dao vùng mỏ nghĩ về thợ mỏ ngày xưa” nhằm ôn lại cuộc
sống của công nhân và giới thiệu về ca dao vùng mỏ trước Cách mạng.
“Ca dao vùng mỏ là “mỏ đá quý” mà hiện vẫn chưa được khai thác nhiều…” là
tiêu đề bài báo của tác giả Huỳnh Đăng đăng trên báo điện tử Báo Quảng Ninh ngày
13/12/2015. Bài báo là cuộc trò chuyện xung quanh công trình nghiên cứu của ông
Lê Văn Lạo - một lương y nhưng lại say mê khảo cứu văn hóa dân gian Quảng Ninh,
đặc biệt là về công nhân vùng mỏ qua ca dao nơi đây.
Tiếp theo, bài “Ca dao vùng mỏ trước Cách mạng: Giá trị văn hóa phi vật thể
quý báu của Quảng Ninh” của nhà văn Vũ Thảo Ngọc in trên báo điện tử Báo Quảng
Ninh ngày 20/12/2015 đã giới thiệu lịch sử sưu tầm các bài ca dao vùng mỏ từ những
tư liệu đầu tiên cho đến cuốn “Ca dao vùng mỏ” xuất bản năm 2010 là cuốn sách
hoàn thiện nhất. Đồng thời, tác giả còn khẳng định giá trị của ca dao vùng mỏ trước
Cách mạng đối với lịch sử và với văn hóa dân gian Quảng Ninh.

5


Cũng trên báo điện tử Quảng Ninh, trang “Văn hóa Đất và Người Quảng Ninh”
tác giả Hoàng Long có bài viết “Người đi gom những câu ca trên vịnh Hạ Long” ngày
12/ 2/ 2016. Bài báo ghi lại cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài khi
biết tin công trình nghiên cứu, sưu tầm “Ca dao - dân ca của dân chài trên Vịnh Hạ

Long” mà ông là chủ biên đã được trao giải nhì Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt
Nam năm 2015. Bản thảo của cuốn sách gồm hai phần: phần đầu giới thiệu những nét
đặc sắc về nội dung, nghệ thuật, nguồn gốc xuất xứ v.v.. trong ca dao, dân ca của dân
chài Hạ Long như một nét đặc trưng chỉ riêng có ở đây. Phần thứ hai là tập hợp những
câu ca dao, dân ca, hát chèo đường và hát đám cưới… của dân chài trên Vịnh Hạ Long
do ông cùng những cộng sự sưu tầm từ năm 1965 đến nay. Ông Hài nói: “Kho tàng ca
dao, dân ca làng chài trên Vịnh Hạ Long rất lớn, rất đồ sộ. Những gì đã in thành sách
còn quá ít, quá nhỏ nhoi. Vậy mà trong xu thế đô thị hoá hiện nay, nếu không tổ chức
sưu tầm, gom nhặt nhanh thì chẳng còn cơ hội nào nữa! Những câu ca dao, dân ca của
người dân ở các làng chài tích luỹ từ bao đời nay sẽ “theo” người già về với cội nguồn
mất thôi!” “Ca dao, dân ca thợ mỏ nặng về phản ánh hiện thực thống khổ của người
thợ dưới ách áp bức bóc lột của chủ mỏ; còn ca dao, dân ca của dân chài trên Vịnh
Hạ Long thì thiên về phản ánh khát vọng chinh phục thiên nhiên, tình yêu lứa đôi v.v..
một cách hồn hậu. Chính đây là cái vốn quý đã góp phần làm cho “hòn ngọc” Hạ Long
càng trở nên lung linh hơn!”. Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh đang trong quá trình
thực hiện việc in ấn và phát hành cuốn sách “Ca dao dân ca của dân chài trên Vịnh
Hạ Long”.
Năm 2016, Nhà xuất bản Lao Động cho phát hành cuốn “Một số loại hình
ca dao, dân ca ở Quảng Ninh” do nhà báo Phạm Văn Học sưu tầm, nghiên cứu.
Cuốn sách tập hợp, tuyển chọn những bài viết của tác giả đã đăng trên Báo Quảng
Ninh về một số loại hình ca dao, dân ca thuộc lĩnh vực Văn học dân gian Quảng
Ninh như: Ca dao Vùng mỏ, hát Soóng cọ của người dân tộc Sán Chỉ, hát giao duyên
trên Vịnh Hạ Long của dân chài, hát Đúm ở Hà Nam (Quảng Yên), hát Nhà tơ - Hát
múa cửa đình ở các huyện miền Đông, hát Then của người Tày, hát Sán cô của
người Dao... Ở mỗi bài viết, tác giả đã có những nhận xét, đánh giá tương đối xác
đáng về đặc điểm nội dung, nghệ thuật nổi trội của mỗi loại hình ca dao, dân ca ở

6



Quảng Ninh, những kiến nghị nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của chúng trong thực
tiễn hiện nay. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình
nghiên cứu.
Tất cả các công trình nghiên cứu trên là những chỉ dẫn quý báu, định hướng
cho chúng tôi có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn, sâu sắc hơn về kho tàng ca dao Quảng
Ninh. Tuy nhiên, những bài viết trên mới chỉ nghiên cứu một vài phương diện về nội
dung, nghệ thuật hay môi trường diễn xướng trên từng mảng ca dao riêng lẻ. Từ
những lí do đó, chúng tôi chọn đề tài: “Nhân vật và đối tượng trữ tình trong ca dao
Quảng Ninh” nhằm tiếp bước quá trình tìm hiểu về ca dao Quảng Ninh, đặc biệt là
ca dao vùng biển và vùng mỏ, đi sâu vào khám phá, phân tích tâm trạng của nhân vật
và đối tượng mà các bài ca dao hướng tới để hiểu thêm về cuộc sống vật chất và tinh
thần của người lao động xưa.
3. Đối tượng và mục tiêu nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu trong luận văn này là ca dao Quảng Ninh. Trong đó,
chúng tôi tập trung vào nghiên cứu:
- Nhân vật trữ tình trong ca dao Quảng Ninh
- Đối tượng trữ tình trong ca dao Quảng Ninh
3.2. Mục tiêu nghiên cứu
Luận văn nhằm mục đích nghiên cứu, tìm hiểu hai hình tượng nghệ thuật đặc
trưng của ca dao Quảng Ninh, khám phá những giá trị thẩm mĩ tinh túy trong tâm hồn,
tình cảm, những cung bậc cảm xúc, diễn biến tâm trạng… của người dân lao động.
Thông qua việc sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu về các văn bản ca dao ở Quảng
Ninh, luận văn sẽ làm sống lại hiện thực khách quan về cuộc sống và tâm tư, tình cảm
của ông cha ta ngày trước gửi gắm trong các bài ca dao. Từ đó góp phần kết nối giữa
quá khứ và hiện tại, giúp cho con người thời nay không quên lịch sử, nguồn cội của
quê hương mình, có ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung
và văn học dân gian nói riêng thông qua các bài ca dao do nhân dân lao động xưa
sáng tác, làm phong phú hơn vốn hiểu biết và bồi dưỡng tâm hồn thông qua các bài
ca dao trữ tình mượt mà, đằm thắm.


7


Một trong những mục tiêu nữa mà luận văn muốn hướng tới là dùng kết quả
sưu tầm, nghiên cứu để ứng dụng vào việc giảng dạy trong chương trình Ngữ văn địa
phương ở các đơn vị trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
4. Nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện nhiệm vụ của đề tài, trước tiên cần tìm hiểu và nắm vững những
vấn đề lí luận và thực tiễn có liên quan đến đề tài làm nền tảng khoa học cho việc
nghiên cứu. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh
tế - xã hội và đời sống văn hóa của nhân dân sống ở vùng mỏ và vùng ven biển Quảng
Ninh bởi đó là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của văn học dân gian,
trong đó có ca dao từ khi ra đời cho đến ngày nay ở mảnh đất vùng ven biển Đông
Bắc của Tổ quốc.
Tập hợp các bài ca dao trong những cuốn sách sưu tầm về ca dao Quảng Ninh
làm có sở triển khai đề tài luận văn.
Ngoài ra, trong điều kiện có thể, chúng tôi còn đi điền dã để sưu tầm thêm
những bài ca dao đang được lưu truyền trong đời sống dân gian ở tỉnh Quảng Ninh.
Trên cơ sở hệ thống những văn bản, tác phẩm đã được tập hợp, sưu tầm, chúng
tôi khảo sát, phân loại, phân tích để từ đó rút ra những giá trị cơ bản về nội dung,
nghệ thuật được phản ánh thông qua tâm trạng của nhân vật và đối tượng trữ tình
trong ca dao Quảng Ninh.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp điền dã văn học dân gian: Chúng tôi đi thực tế về các phường,
xã, thu thập thêm những bài ca dao còn lưu truyền trong nhân dân, tìm hiểu về đời
sống văn hóa của người dân Quảng Ninh từ cổ truyền đến hiện đại để hiểu sâu sắc
hơn về văn hóa, sức sống của văn học dân gian, trong đó có ca dao đối với con người
nơi đây.

- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Dựa trên cơ sở đi thực tế thu thập tài
liệu và nghiên cứu các văn bản hiện có, chúng tôi phối hợp với một số phương pháp
sử học, địa lí học, dân tộc học... để nghiên cứu.
- Phương pháp thống kê: Phương pháp này giúp người nghiên cứu sau khi đọc,
sưu tầm tác phẩm sẽ thống kê, xác định số lượng, tần số xuất hiện của nhân vật và
đối tượng trữ tình trong các bài ca dao để có được sự phân loại hợp lí nhất.

8


- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Từ kết quả thống kê, phân loại ở trên, phương
pháp phân tích, tổng hợp sẽ giúp chúng tôi đưa ra những lời nhận xét, đánh giá, làm nổi
bật sự phong phú, đa dạng trong đời sống tâm hồn của các nhân vật thông qua diễn biến
tâm trạng của của nhân vật và đối tượng trữ tình trong các bài ca dao.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: Trong quá trình phân tích, tổng hợp chúng
tôi cố gắng so sánh, đối chiếu với các thể loại văn học dân gian khác ở Quảng Ninh
và ca dao ở các vùng miền khác nhằm làm rõ những nét tương đồng hay dị biệt trong
những trường hợp cần thiết.
5. Phạm vi nghiên cứu
5.1. Phạm vi tư liệu nghiên cứu
Tư liệu nghiên cứu chủ yếu ở các bài ca dao trong các cuốn sách:
1. Tống Khắc Hài (chủ biên) (2010), Ca dao vùng mỏ Quảng Ninh, Hội văn
nghệ dân gian Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.
2. Vũ Thị Gái (2007), Ca dao - Dân ca vùng biển Quảng Ninh, Sở Văn hóa
thông tin Quảng Ninh.
3. Thu thập thêm những bài ca dao về vùng biển và vùng mỏ còn lưu truyền
trong dân gian mà các tác giả chưa đưa vào tác phẩm hiện có.
5.2. Phạm vi vấn đề nghiên cứu
Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi tập trung đi sâu vào việc tìm hiểu, hệ
thống hóa nhân vật và đối tượng trữ tình trong ca dao Quảng Ninh. Phạm vi khảo cứu

chính là ca dao vùng biển và vùng mỏ Quảng Ninh.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, Nội dung của
luận văn gồm 3 chương:
Chương 1. Một số vấn đề lí luận và thực tế liên quan đến đề tài
Chương 2. Nhân vật trữ tình trong ca dao Quảng Ninh
Chương 3. Đối tượng trữ tình trong ca dao Quảng Ninh
7. Đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình nghiên cứu tương đối hệ thống, toàn diện về hai hình
tượng nghệ thuật quan trọng trong thể loại ca dao ở Quảng Ninh - một vùng miền có
truyền thống văn hóa, văn học dân gian.

9


Nghiên cứu về nhân vật và đối tượng trữ tình trong ca dao Quảng Ninh giúp
người ta hiểu rõ hơn về đời sống, những tâm tư, tình cảm, khát vọng, ước muốn của
nhân dân lao động xưa, đặc biệt là những người dân sống ở vùng mỏ và ven biển.
Khơi dậy truyền thống yêu quê hương đất nước, trân trọng quá khứ của quê hương
và có ý thức giữ gìn, trân trọng hiện tại.
Cung cấp thêm một tài liệu thiết thực cho nhà trường THCS tại địa phương
Quảng Ninh giảng dạy.
Góp phần giữ gìn, phát huy vốn văn hóa, văn học dân gian truyền thống của
quê hương.

10


Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TẾ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

Để hiểu được nguồn cội sản sinh ra ca dao Quảng Ninh, trước hết phải nắm
được một cách khái quát về vùng đất mỏ này cũng như hiểu được một số khái niệm
cơ bản có liên quan đến nội dung nghiên cứu trong luận văn.
1.1. Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa ở Quảng
Ninh
1.1.1. Vài nét về điều kiện tự nhiên
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển, nằm ở địa đầu phía Đông Bắc. Nơi đây phần
lớn là đồi núi nhưng do kinh tế đặc biệt phát triển và là một cực của tam giác kinh tế
nên Quảng Ninh được xếp vào nhóm các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng văn
hóa châu thổ Bắc Bộ. Với toạ độ địa lý khoảng 106 độ 26' đến 108 độ 31' kinh độ Đông
và từ 20 độ 40' đến 21 độ 40' vĩ độ Bắc, tỉnh Quảng Ninh có dáng một con cá sấu nằm
chếch theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Phía Đông hướng ra phía Vịnh Bắc Bộ; phía
Tây Bắc giáp tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang; phía Tây Nam giáp tỉnh Hải Dương và thành
phố Hải Phòng; phía Bắc giáp huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng (tỉnh Quảng
Tây, Trung Quốc) với cửa khẩu Móng Cái và Trinh Tường.
Diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh là 8.239,243 km2. Trong đó diện tích đất liền
là 5.938 km2 (chiếm 87%) còn vùng đảo, vịnh, biển (nội thuỷ) là 2.448,853 km2
(chiếm 13%). Riêng các đảo có tổng diện tích là 619,913 km2 với hơn 2000 hòn đảo
(chiếm 2/3 số đảo cả nước) đã liên kết lại thành tuyến dài 200km theo hướng vòng
cung, tạo thành bức tường vững chãi chống xâm lược. Trong sách “Đại Nam Nhất
Thống Chí” đã miêu tả vùng đất này “Lấy núi làm thành, chiếm chỗ cao, giữ chỗ
hiểm, núi che sau lưng, biển bọc quanh mình, thế đất hẻo lánh mà ổn định, trong
vững, ngoài kín. Quả thật là nơi hình thẳng của nước Nam”. [21]
Với vị trí địa lý đắc địa như trên cùng kiến tạo địa hình tự nhiên, có cả núi cao
(chiếm 80% diện tích đất đai) và sông suối (có khoảng 30 sông suối) đã chia Quảng
Ninh thành 3 vùng: vùng núi gồm những dãy núi có độ cao từ 900 - 1100m với hướng
chủ đạo là Đông Bắc - Tây Nam; vùng trung du và đồng bằng ven biển - nơi được bồi
đắp phù sau màu mỡ quanh năm từ các con sông; vùng biển và hải đảo. Ba tiểu vùng

11



này đã góp phần tạo điều kiện cho Quảng Ninh thêm phong phú, đa dạng và phát triển
về mọi mặt như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Vì thế, từ xa xưa, đây đã là nơi giao
thương, buôn bán sầm uất trong cả nước. Còn ngày nay, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều
thành phố nhất Việt Nam, có 4 thành phố trực thuộc (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả,
Uông Bí), 1 thị xã (Quảng Yên) và 9 huyện (Đông Triều, Tiên Yên, Hải Hà, Bình Liêu,
Ba Chẽ, Cô Tô, Đầm Hà, Hoành Bồ, Vân Đồn).
Như vậy, với điều kiện tự nhiên cùng sự đa dạng về dân tộc, khí hậu, đất đai,
thổ nhưỡng... là một trong những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển kinh
tế, chính trị và giao lưu văn hóa với các vùng trong nước và quốc tế, là mảnh đất màu
mỡ cho văn học dân gian phát triển ở Quảng Ninh.
1.1.2. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Trong thời kì hội nhập quốc tế, đất nước ta đang tích cực thực hiện công nghiệp
hóa, hiện đại hóa nhằm đưa Việt Nam sánh ngang với các nước năm châu như lời Bác
căn dặn. Vì thế, việc xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm là điều rất quan trọng.
Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi (về vị trí
địa lý, địa hình, tự nhiên, nhân lực) để phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh nằm
trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế
Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 về phát
triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng
đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã xác định: “Hình thành các trung tâm
kinh tế lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và xây dựng khu kinh tế tổng hợp Vân
Đồn (Quảng Ninh)”.
Năm 2010, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng
thứ 7 ở Việt Nam. Nền kinh tế ở Quảng Ninh phát triển rất đa dạng, trong đó có các
ngành chủ lực như than, điện, cảng và du lịch đều ở mức cao.
Về giao thông: Đường bộ có đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; Có đường
biên giới đất liền với Trung Quốc, Quảng Ninh có hệ thống cửa khẩu phân bố trên
dọc tuyến biên giới (cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh), đặc biệt cửa

khẩu quốc tế Móng Cái là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ và thu
hút các nhà đầu tư, là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các
nước trong khu vực. Đường biển có hệ thống cảng biển, cảng nước sâu như cảng

12


Cái Lân - cửa khẩu quốc tế đường biển có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn...
tạo ra nhiều thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta với các nước trên
thế giới.
Về các khu công nghiệp: có khu công nghiệp đóng tàu, khu công nghiệp Cái
Lân, Việt Hưng (Hạ Long), Hải Yên (Móng Cái); Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà
(huyện Hải Hà); Khu công nghiệp phụ trợ ngành than; Khu kinh tế Vân Đồn, Khu
kinh tế Cửa khẩu Móng Cái... Đặc biệt, việc hình thành vùng công nghiệp khai thác
than từ rất sớm bởi 90% trữ lượng than của cả nước thuộc về tỉnh Quảng Ninh. Vùng
khai thác than, chế biến, tiêu thụ than có phạm vi rất lớn, trải dài từ Đông Triều, Uông
Bí, Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả... Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành
công nghiệp, sản xuất trong và ngoài nước, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước.
Với sự phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ ở khắp các lĩnh vực: công nghiệp,
nông nghiệp, thủy hải sản… Quảng Ninh là tỉnh đầu tàu của phía Bắc và cũng là nơi
tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều tác gia, cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng
gắn với những loại hình văn học nghệ thuật mang nét đặc sắc rất riêng mà chỉ địa
phương này mới có. Tiêu biểu có thể kể đến ca dao vùng mỏ hay ca dao vùng biển,
hình thức hát giao duyên trên biển, hát đối, hát nhà tơ cửa đình…
Không những thế, là một trong những cái nôi xuất hiện loài người từ rất sớm
trên trái đất với nền văn hóa Soi Nhụ, Hạ Long; là nơi ghi lại dấu ấn các đời vua
Hùng; mảnh đất có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; hội tụ đầy đủ
các yếu tố tự nhiên: rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ... Quảng Ninh là mảnh
đất lưu giữ lại rất nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đến nay, toàn

tỉnh có 626 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa các loại, trong đó có 125 di
tích được xếp hạng, với 64 di tích được xếp hạng quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh. Vì thế,
Quảng Ninh là một trong bốn trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Các hệ thống danh
lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa có tầm vóc quốc gia và quốc tế như: di sản
thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận về giá trị
thẩm mĩ và địa chất, địa mạo và là một trong bảy Kì quan Thiên nhiên Mới của thế
giới. Với di tích văn hóa Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng, Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn,

13


Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ, chùa Long Tiên, đình Quan Lạn, chùa Cái Bầu, chùa Ba
Vàng, chùa Lôi Âm... thuận lợi cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch
thể thao, du lịch văn hóa tâm linh. Và chính những địa danh, những thắng cảnh tươi
đẹp này đã khơi gợi cảm hứng sáng tác, cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp, sự giàu có của
thiên nhiên, đất nước, con người của người dân nơi đây và du khách thập phương khi
đến với Quảng Ninh.
1.1.3. Đời sống văn hóa
Nền văn hóa Việt Nam được xem là một nền văn hóa có bản sắc, có đặc tính
là thống nhất trong sự đa dạng. Sự thống nhất ấy được minh chứng bằng một nền văn
hóa chung đậm đà bản sắc dân tộc. Còn sự đa dạng được biểu hiện qua các đặc điểm
nổi trội của các vùng văn hóa và các khía cạnh văn hóa trong đời sống con người. Tác
giả Ngô Đức Thịnh trong cuốn “Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam”
(Nxb Khoa học xã hội, H, 1993) đã chia nước ta thành bảy vùng văn hóa là: Đồng
bằng Bắc Bộ, Việt Bắc, Tây Bắc và vùng núi Bắc Bộ, Duyên hải Bắc Trung Bộ,
duyên hải Trung và Nam Trung Bộ, Trường Sơn - Tây Nguyên, Nam Bộ. Sự phân
chia đó dựa vào đặc trưng của từng vùng lãnh thổ có những tương đồng về hoàn cảnh
tự nhiên, dân cư sinh sống, các mối quan hệ về nguồn gốc và lịch sử, trình độ phát
triển kinh tế - xã hội...
Còn trong cuốn “Các vùng văn hóa Việt Nam” của Đinh Gia Khánh và Cù

Huy Cận (Nxb Văn học, 1995) lại dựa trên tiêu chí về địa lý, kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội mà chia Việt Nam thành chín vùng văn hóa, tiêu biểu là văn hóa Thăng
Long Đông Đô - Hà Nội; Vùng văn hóa đồng bằng miền Bắc Việt Nam; Vùng văn
hóa Việt Bắc...
Trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Trần Quốc Vượng chủ biên (NXB
Giáo dục, 1997) đã đưa ra cách hiểu của mình về vùng văn hóa “Điều kiện tự nhiên
và lịch sử, xã hội của mỗi vùng không giống nhau. Những nét khác nhau của các vùng
đất về các phương diện ấy sẽ tạo ra phát triển của văn hóa có những điểm khác
nhau”. Dựa vào đặc điểm tự nhiên và xã hội, về kinh tế, chính trị, văn hóa chia Việt
Nam thành sáu vùng văn hóa như: Vùng văn hóa Tây Bắc; Vùng văn hóa Việt Bắc;
Vùng văn hóa Bắc Bộ; Vùng văn hóa Trung Bộ; Vùng văn hóa Tây Nguyên; Vùng
văn hóa Nam Bộ.

14


Từ những quan điểm trên thì Quảng Ninh nằm trong vùng văn hóa Bắc Bộ vùng văn hóa được coi là cái nôi của quốc gia Đại Việt, có nền văn hóa dân gian lâu
đời và phong phú. Quảng Ninh là ngôi nhà chung của rất nhiều dân tộc anh em, trong
đó người Kinh chiếm phần lớn với hơn 1 triệu người, xếp thứ hai là dân tộc Dao, tiếp
đó là người Tày, Sán Dìu, Sán Chay, người gốc Hoa… Cũng vì là đất nhập cư nên
người nơi khác mang vốn văn hoá truyền thống của mình đến với Quảng Ninh rất
nhiều. Họ sống ở các đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp và vùng đồng bằng ven
sông, ven biển với nghề khai mỏ, đánh bắt cá, làm rừng... Với mật độ và sự phân bố
dân cư như trên đã tạo nên sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa tín ngưỡng
bởi họ còn giữ được bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ, y phục, lễ hội và phong tục.
Theo GS. TS. Nguyễn Xuân Kính, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá,
Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thì Quảng Ninh là vùng đất hội tụ văn
hoá của cả nước nên rất phong phú về các giá trị Văn nghệ dân gian, và “hàng độc”
của văn hoá, Văn nghệ dân gian Quảng Ninh phải nói đến dân ca, ca dao sông nước
và ca dao Vùng mỏ. Có thể nói tỉnh Quảng Ninh là nơi giao thoa, thống nhất của

nhiều nền văn hóa và cũng là cái nôi nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển văn học dân
gian trong đời sống của nhân dân từ xưa đến nay.
1.2. Một số vấn đề lí luận
1.2.1. Nhân vật trữ tình
Ca dao thuộc loại trữ tình, một trong ba loại (bên cạnh tự sự và kịch) của tác
phẩm nghệ thuật ngôn từ. Đây là thể loại của thơ ca trữ tình dân gian. Là tác phẩm
trữ tình, ca dao phản ánh cảm xúc, tâm trạng, tức thế giới nội tâm, ý thức của con
người đối với thực tại. Nó là âm vang của trái tim, tâm hồn, là sự chất chứa, dồn nén,
“bùng nổ” của suy nghĩ, cảm xúc trong những khoảnh khắc nhất định. Nếu tác phẩm
tự sự “tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó..., phản ánh hiện thực
qua các sự kiện, biến cố, hành vi của con người” [16, 373], thì tác phẩm trữ tình “phản
ánh đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp ý thức của con người, nghĩa là con người tự
cảm thấy mình qua những ấn tượng, ý nghĩa, cảm xúc chủ quan của mình đối với thế
giới nhân sinh” [16, 373]. Trong tác phẩm trữ tình, toàn bộ chất liệu đời sống, thực
tại đều biểu hiện qua lăng kính cảm xúc, tâm trạng của chủ thể trữ tình. Nói cách
khác, tác phẩm trữ tình, trong đó có ca dao, là tiếng nói của bản thân chủ thể trữ tình

15


và tất cả những gì biểu hiện qua chủ thể đó. Do đặc điểm đó, ca dao không lấy việc
miêu tả thiên nhiên, cảnh vật sinh hoạt, phong tục làm mục đích chính, dù không ít
bài ca dao có những bức tranh này, dù ca dao có nhắc đến:
Ai sinh ra tỉnh Tiên Yên
Đình Lập, Ba Chẽ kề bên Cái Bầu
Bên non bên nước một màu
Núi non xanh lá một màu thiên nhiên
... Cảnh tiên vui thú tang bồng
Bồ Nâu, Đầu Gỗ, Hòn Chồng, Hòn Hai
Đầu Gỗ đánh giặc mấy tài

Nước nông cắm gỗ cọc cài lòng sông
... Khen giời mới vẽ làm sao
Vẽ nên non nước làm nao lòng người
Ca dao cũng không tường thuật những biến cố, sự kiện lịch sử, không kể lại
cuộc đời những nhân vật lịch sử dù đôi khi, có những câu ca nhắc đến nhân vật, sự
kiện lịch sử như những chiến thắng trên sông Bạch Đằng được tổng kết lại:
Yên Hưng truyền thống Bạch Đằng
Quân Nam Hán thua trận, Tống Nguyên đầu hàng
Hay là những kinh nghiệm:
Đánh giặc thì đánh giữa sông
Chớ đánh vào bãi phải chông thì chìm
Mục đích chính của những bài ca dao này không phải là miêu tả, chép lại "những
điều trông thấy", mà là để biểu hiện tình cảm của con người đối với hoặc gắn với cảnh
vật, phong tục, sự kiện, nhân vật ấy và mượn cảnh vật, phong tục, lịch sử mà biểu hiện
tình cảm của con người. Vì thế, ca dao ra đời để đáp ứng những nhu cầu, nội dung và
hình thức bộc lộ đời sống tâm tình của nhân dân qua nhiều thế hệ.
Đã có nhiều tác giả đưa ra khái niệm về nhân vật trữ tình như Phương Lựu
trong cuốn Lí luận văn học đã viết: “Thông thường nội dung tác phẩm trữ tình được
thể hiện gắn liền với hình tượng nhân vật trữ tình. Đó là hình tượng người trực tiếp
thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình không có diện
mạo, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật tự sự và kịch. Nhưng nhân vật

16


trữ tình cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm cách nghĩ. Qua những
trang thơ ta như gặp tâm hồn người, tấm lòng người. Đó chính là nhân vật trữ tình
(…) [12;359]
Trong Từ điển thuật ngữ văn học, các tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi đã nêu cách hiểu về nhân vật trữ tình là “hình tượng nhà thơ trong

thơ trữ tình, phương thức bộc lộ ý thức của tác giả - Nhà thơ hiện ra từ văn bản của
kết cấu trữ tình... như một con người có đường nét hay một vai sống động có số phận
cá nhân xác định hay có thế giới nội tâm cụ thể, đôi khi có cả nét chân dung... Đó là
cái tôi được sáng tạo ra” [16, 162]
Cũng theo Từ điển thuật ngữ văn học, “không được đồng nhất giản đơn nhân
vật trữ tình với tác giả, phần lớn trong thơ trữ tình nhà thơ xuất hiện như “người đại
diện cho xã hội, thời đại và nhân loại” (Biêlinxki), nhà thơ đã tự nâng mình lên một
tầm khác với cái tôi đời thường cá biệt. Mặt khác lại phải thây nhân vật trữ tình là sản
phẩm tinh thần của nhà thơ”. [16, 162]
Dựa theo cách hiểu trên có thể thấy, trong thơ trữ tình, không phải lúc nào chủ
thể trữ tình và nhân vật trữ tình cũng đồng nhất mặc dù hầu hết các bài ca dao chủ thể
trữ tình và nhân vật trữ tình thống nhất với nhau làm một và luồn biểu hiện cho tiếng
nói chung của tập thể. Đỗ Bình Trị viết: “Trong dân ca - ca dao (của mọi dân tộc) không
có cái dấu ấn của cá nhân (“con người này”), ở đây, chủ thể trữ tình (tức là tác giả) luôn
luôn đồng nhất với nhân vật trữ tình (tức là nhân vật mà cảm nghĩ của nó được diễn tả
trong “bài ca” và đó không phải là một cá nhân riêng rẽ mà là một quần thể). Có thể
nói, đó là hiện thân trữ tình của quần chúng nhân dân” [33, tr.122].
Như vậy chủ thể trữ tình và nhân vật trữ trong ca dao là đồng nhất và thường là
phi cá thể hóa. Sự cá thể hóa không phát triển trong văn học dân gian nói chung và
trong ca dao nói riêng. Diện mạo của các nhân vật trữ tình trong ca dao là cái chung.
Do đặc điểm này, đồng thời do những đặc điểm Folklore về nguyên tắc điển hình hóa,
tất cả các nhân vật được thể hiện trong văn học dân gian nói chung, ca dao nói riêng
đều có tính tổng quát, khái quát rộng rãi. Nhân vật của ca dao trữ tình là "chàng trai"
"cô gái", "người mẹ", "người vợ ", "người vợ lính", "người lính thú", "người nông dân",
...tất cả các nhân vật này đều mang tính khái quát. Chân dung, hoàn cảnh sống, những
nỗi niềm của từng kiểu loại nhân vật đều mang tính chất chung.

17



Việc xác định nhân vật trữ tình trong bài ca là ai, đang nói với ai, là rất quan
trọng bởi xác định như thế nào, hiểu nội dung, giá trị trữ tình của bài ca dao như thế
ấy. Nhiều trường hợp, xác định bài ca là lời của ai nói với ai không khó. Tín hiệu giúp
ta xác định hiện ra ngay trong lời ca, qua nội dụng trò chuyện, tâm sự, qua tiếng gọi,
lời nhắn. Lại có những trường hợp một bài ca gồm nhiều dị bản. Trong các dị bản,
nhân vật trữ tình không phải lúc nào cũng là một mà có thể là người khác. Chính vì
vậy phải căn cứ vào từng bài ca (từng dị bản) thì mới có thể xác định được nhân vật
trữ tình trong đó là ai và lời nói ấy là lời nói của ai nói với ai. Nhưng cũng có những
trường hợp rất khó xác định nhân vật trữ tình là ai, mặc dù chủ đề của bài ca thì có
thể hiểu được. Vì thế, trong luận văn này, chúng tôi cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu để
nắm bắt được nhân vật trữ tình là ai, có tâm trạng như thế nào trong ca dao vùng biển
và vùng mỏ Quảng Ninh.
1.2.2. Đối tượng trữ tình
Song hành với việc xác định nhân vật trữ tình trong bài ca là ai, thì việc xác
định nhân vật ấy đang nói với ai cũng rất quan trọng. Bởi lẽ đó chính là đối tượng để
tác giả dân gian (cũng tức là nhân vật trữ tình, như đã xác định ở phần trên) gửi gắm
tình cảm, là nguyên nhân trực tiếp khơi dậy tình cảm, tâm sự của tác giả.
Có trường hợp, nhân vật trữ tình và nhân vật trong bài ca là một. Ví như
câu ca dao:
Thân em như trái bần trôi,
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu
Nhưng nhân vật trong ca dao trữ tình không phải lúc nào cũng đồng nhất với
nhân vật trữ tình
Con cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh


18


Trong bài ca này có hai nhân vật là “cô yếm đào” và “chú tôi”. “Cô yếm đào”
tượng trưng cho người con gái đẹp, xứng đáng có người chồng tốt, chân chất, chăm
chi, hiền lành. Còn “chú tôi” thì đủ tật xấu: nghiện ngập đủ thứ và lười biếng. Đây là
hai nhân vật trong bài ca. Còn một nhân vật nữa, nhân vật xưng “tôi”, đây mới chính
là nhân vật trữ tình của bài ca. Nhân vật này “giới thiệu” kể về “chú tôi” để phê phán,
chế giễu “chú tôi” và những hạng người như thế, còn nhân vật trữ tình là hiện thân
của tác giả (ở đây tất nhiên là tác giả dân gian).
1.3. Tổng quan về văn học dân gian Quảng Ninh
1.3.1. Khái quát về văn học dân gian Quảng Ninh
Với tất cả những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên - xã hội,
kinh tế, văn hóa, lịch sử... Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nền văn học phong
phú, đặc sắc ở các thể loại, đặc biệt môi trường sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian
đa sắc thái của người dân nơi đây là điều kiện để phát triển văn học dân gian. Kho
tàng đó đa dạng, có giá trị ở các thể loại, là kết tinh những sáng tác văn học dân gian
của tất cả các dân tộc anh em sinh sống ở các vùng, miền trên mảnh đất địa đầu vùng
Đông Bắc của tổ quốc qua mỗi thời kì.
1.3.1.1. Các loại hình văn học dân gian
Theo nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài, loại hình văn học dân gian ở Quảng
Ninh bao gồm truyện cổ, tục ngữ, phương ngôn; vè; ca dao.
Loại hình truyện cổ
Loại hình truyện cổ trong văn học dân gian Quảng Ninh gồm có thể loại thần
thoại, truyền thuyết và truyện cười.
Đầu tiên phải kể đến thể loại ra đời sớm nhất là Thần thoại. Nội dung đề cập
chính trong các tác phẩm là giải thích các hiện tượng thiên nhiên diễn ra trong thế
giới vũ trụ bao la bằng cách tư duy thần bí, mang đậm yếu tố duy tâm. Như truyện
“Ông khổng lồ định gánh đá lấp bể” (truyện kể ở vùng bang Trới - Hoành Bồ) để lí
giải sự hình thành các ngọn núi: núi Đá Trắng, núi Truyền Đăng hay “Truyện núi

Phượng Hoàng” (Núi Hang Son - Uông Bí)… Tất cả các tác phẩm đều nhằm lí giải
và làm sáng rõ nguồn gốc, sự xuất hiện của các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế
giới. Vì vậy, hầu hết mỗi ngọn núi, dòng sông đều có gốc nguồn từ thánh thần, từ ông
trời, nhân vật khổng lồ có sức mạnh vô địch...

19


Thể loại truyền thuyết cũng phát triển rất mạnh. Yếu tố lịch sử trong các câu
chuyện được sáng tạo theo tư duy thần thoại và các nhân vật lịch sử được kì ảo hóa,
thần linh hóa. Trong đó có các truyền thuyết về rồng hoặc các địa danh gắn với rồng
rất phong phú (Truyền thuyết về vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, truyền thuyết về đảo
Cái Bầu, đảo Trà Cổ, giếng Mắt Rồng…). Tiêu biểu là truyền thuyết về vịnh Hạ Long
được dân gian sáng tạo với trí tưởng tượng phong phú cùng ý niệm về nguồn gốc
“Con Rồng, cháu Tiên” mà những truyền thuyết khá ly kỳ về nơi đây đã ra đời để giải
thích cho tên gọi đó. Một truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, phổ biến nhất đó là:
Ngày xưa, khi nước Việt ta mới được thành lập, nhân dân đang sống yên bình bỗng
bị giặc ngoại xâm đánh chiếm. Ngọc Hoàng động lòng thương tình nên cử Rồng Mẹ
cùng đàn Rồng Con của mình xuống hạ giới để giúp đỡ người Việt đánh giặc. Đàn
Rồng phun lửa thiêu cháy thuyền giặc và một phần nhả Châu Ngọc đã tạo thành một
vức tường đá vững chắc khiến thuyền giặc đâm vào vỡ tan tành và ngăn bước tiến
quân giặc. Sau khi đánh tan giặc, đàn Rồng thấy cảnh vật thanh bình, con người thì
hiền lành, chăm chỉ nên Rồng Mẹ đã quyết định cùng Rồng Con ở lại. Nơi Rồng Mẹ
đáp xuống chính là Vịnh Hạ Long còn nơi đàn Rồng Con hạ giới là vịnh Bái Tử Long.
Bên cạnh các sự tích về rồng còn có các truyền thuyết về tiên, bụt, Phật (Truyền
thuyết đèo Bụt giữa Hòn Gai và Cẩm Phả, sự tích hang Trinh Nữ...)… cũng rất phong
phú. Hang Trinh Nữ nằm trong quần thể vịnh Hạ Long, gắn với một câu chuyện tình
bi thương. Xưa có một người con gái vạn chài xinh đẹp, nhà nghèo, gia đình cô phải
đi làm thuê cho tên chủ cai quản vùng đánh cá. Thấy cô xinh đẹp, hắn ép cô làm vợ
bé, cô không chịu vì cô đã có người yêu, chàng trai đó đang ra khơi đánh cá để chuẩn

bị cho ngày cưới của họ. Không làm gì nổi cô, tên địa chủ đã đày cô ra một đảo hoang
nhằm khuất phục ý chí của cô gái. Vừa đói vừa kiệt sức, trong một đêm mưa gió hãi
hùng, cô gái đã hoá đá nơi đây. Vì thế, ngay giữa lòng hang Trinh Nữ là bức tượng
người con gái bằng đá, nằm xoã mái tóc dài, mắt hướng ra khơi xa đang mỏi mòn chờ
mong và tuyệt vọng. Với người dân đánh cá, họ coi hang Trinh Nữ là ngôi nhà thân
yêu của họ, còn những đôi trai gái yêu nhau lại coi đây là biểu tượng, nơi thề nguyện
của tình yêu.

20


×