Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa : cô độc và liên đới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.71 KB, 11 trang )

Môsê, vị lãnh đạo của Dân Chúa :
cô độc và liên đới
“Tôi không muốn một mình sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, nếu ở đó tôi không có
Dân của tôi!”
Có lẽ đó là lời tóm tắt đời sống và sứ vụ của Môsê; và có lẽ cũng qua lời đó, Môsê
phơi bày con người chân thật của mình trước mặt Thiên Chúa, khi ông dừng chân
bên ngưỡng của Hứa Địa và nằm xuống đó.
Thật vậy, dựa trên Kinh Thánh và truyền thống dân Chúa, khuôn mặt của Môsê nổi
bật như một người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa (Xh 14,31; Ds 12,7; Tl 34,5;
cf. Yôs 1,1-2; Tv 105,26; Ma 3,22; Đn 9,11; Ba 2,28; Kng 10,16; Hr 3,5; Kh 15,3)
đồng thời như một vị lãnh đạo quảng đại, đầy lòng xót thương, tuyệt đối liên đới
với dân Chúa. Hai tâm tình nầy đã chi phối hoàn toàn con người Môsê, đã giằng co
xâu xé con người ông đến độ ông muốn sống trọn vẹn cùng một lúc cả hai tâm tình
xem ra mâu thuẫn, không thể hoà hợp với nhau.
Xuất thân từ một gia tộc tư tế (Xh 2,1), và bản thân ông là tư tế (Tv 99,6), Môsê đã
quá rõ những trách nhiệm đòi buộc ở chức vụ mình. Đó là con người luôn luôn
hiện diện trước mặt Thiên Chúa để ‘hành lễ’ – shèrèt – (Xh 28,35.43; 29,30) đảm
nhiệm mọi điều liên quan đến Tế đàn và phần bên trong Bức Màn – abad – (Ds
18,7); ‘tiến lại gần trước Nhan Yavê’ – qarab, nagash – (Lv 16,1; 21,17); ‘vào cung
thánh trước Nhan Yavê’ – bô-el-haqôdesh – (Xh 28,35). Có thể nói, nhiệm vụ của
một tư tế là gắn liền với bàn thờ và Lời Chúa (A. GELIN, Le sacerdoce dans
l’Ancienne Alliance, trong La tradition sacerdotale, trang 48-52). Rồi, từ ngày
được Thiên Chúa mời gọi để lãnh đạo Dân Chúa (Xh 3,10), Môsê dần dần thấu
hiểu và thâm tín rằng: vị tư tế ở giữa dân Chúa không những phải sống hoàn toàn


liên đới với Thiên Chúa, mà còn phải hoàn toàn liên đới với dân Chúa! Mà vì
thường xuyên và hằng ngày phải đồng hành, chia sẻ cuộc sống và liên đới với một
đoàn dân ‘cứng cổ’, tội lỗi, bất trung, nên ông cảm thấy thấm thía sự cô độc của
mình ngay trong lúc ông muốn thật sự trung thành và tuyệt đối liên đới với Thiên
Chúa.


Vì thế, khuôn mặt và đời sống của Môsê không những là lời mời gọi mà còn là
tiếng nói chất vấn lương tâm mọi thành phần dân Chúa, cách riêng hàng tư tế của
Thiên Chúa trong sứ mạng phục vụ ơn cứu độ, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người.
I. Môsê, con người cô độc với Thiên Chúa
Trên cương vị tư tế, Môsê đã ‘thay cho dân đối với Thiên Chúa’ và trình việc của
dân ‘lên Thiên Chúa’ (Xh 18,19). Ông đàm đạo và nhận chỉ thị của Thiên Chúa
trong Trướng tao phùng (Xh 33,9); ông thể hiện vai trò trung gian của vị tư tế, môi
giới giữa Thiên Chúa và dân, nối kết hai bên bằng máu giao ước (Xh 24,6-8); ông
còn chọn Aharôn và con cái Aharôn để sung vào chức tư tế (Xh 28,1), cũng như
thay mặt Thiên Chúa để tác thánh họ (Xh 29,1-46). Chính việc tiếp xúc thường
xuyên với ‘lãnh vực thánh’ đã dần dần khiến ông đi sâu về phía Thiên Chúa, đến
độ Kinh Thánh đã không ngần ngại gọi ông là ‘người của Thiên Chúa’ (Tl 33,1;
Yôs 14,6).
Là ‘người của Thiên Chúa’, Môsê đã sống trọn vẹn hai chiều kích của tình yêu:
thân mật và kính trọng. Trong mọi tiếp xúc của ông với Thiên Chúa, tâm tình kính
trọng luôn xen lẫn với thân mật. Ông quả xứng đáng tước hiệu cao quý và sáng
chói mà sách Kinh Kôran đã giới thiệu ông như ‘người tâm phúc của Thiên Chúa’
(Najiy, Le confident de Dieu).
Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên với Thiên Chúa, Môsê đã sống hai tâm tình trên (Xh
3,1-12). Còn gì êm ái, thân mật hơn, khi một mình đơn độc ở giữa hoang địa
Madian, Môsê được Thiên Chúa âu yếm gọi tên mình: ‘Môsê! Môsê!’ (Xh 3,4), để
rồi kể ông như người bạn tri kỷ, giải bày tâm sự ra với ông: ‘Ta thấy rõ nỗi khổ của


dân Ta bên Ai cập và Ta đã nghe tiếng than chúng kêu lên trước mặt đốc công, quả
Ta đã biết các nỗi khổ đau của chúng. Nên Ta xuống giựt chúng thoát tay Ai cập và
dẫn chúng ra khỏi xứ ấy, lên xứ vừa đẹp vừa rộng, lên xứ chan hoà sữa mật… Bây
giờ, này tiếng oán thán của con cái Israel đã lên thấu Ta và Ta đã thấy việc người
Ai cập hành hạ chúng. Vậy bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô;
ngươi hãy đem dân Ta, con cái Israel ra khỏi Ai cập’ (Xh 3,7-10). Được nghe tiếng

Thiên Chúa mời gọi, được chia sẻ tâm tình, quyết định của Thiên Chúa… nhưng
Môsê, trong tư thế lắng nghe, trong lúc tiến lại gần, vẫn phải cởi dép khỏi chân,
che mặt lại và cúi đầu phủ phục (Xh 3,5-6)! Rồi có những lúc tiếp xúc tiếp xúc
thân mật với Thiên Chúa, được chan hoà sự hiện diện của Người, mặt ông đã rạng
sáng lên, dọi chiếu lại vinh quang của Thiên Chúa, vinh quang mà không một
người phàm nào có thể nhìn thẳng được: ‘Aharon và toàn thể con cái Israel trông
thấy Môsê và này da mặt ông chói lọi và họ sợ không dám tiến lại với ông’ (Xh
34,30). Khi ông vào Trướng tao phùng đàm đạo với Thiên Chúa, toàn dân phủ
phục (Xh 33,7-11). Ở đó, Thiên Chúa nói chuyện với ông như nói chuyện với một
người bạn thân ‘diện đối diện’ (Xh 33,11). Ông thật sự trở nên con người mà Thiên
Chúa ‘biết’ đích danh và không ngần ngại đồng hành với ông (Xh 33,12-17). Câu
chuyện Môsê thỉnh cầu được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa (Xh 33,18-23) được
nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh xem như cao điểm trong tương quan giữa ông và
Thiên Chúa: có lẽ một lúc nào đó trong thời gian cuối đời, Môsê bộc lộ với Thiên
Chúa nguyện vọng sâu xa và thầm kín trong tâm hồn mình, là ước mong được
‘thấy’ dung nhan của Người. Ông muốn thật sự giữa ông và Người không còn một
quãng nào ngăn cách nữa. Ông khát vọng phá vỡ những bức tường mầu nhiệm bao
quanh Người. Chính lúc ấy, bằng những lời nói thật tế nhị nhưng đồng thời cương
quyết, Thiên Chúa đã đặt Môsê vào đúng vị trí của ông trong tương quan với
Người. Người đòi buộc ông luôn có tâm tình kính trọng, suy phục: ‘Ngươi không
thể nhìn thấy Nhan Ta mà lại vẫn sống’ (Xh 33,20); Người đồng thời bày tỏ lòng


ưu ái, thân mật một cách diệu kỳ đối với ông ‘Này, có chỗ bên Ta, Người đứng trên
tảng đá…, Ta sẽ đặt Ngươi trong khe đá và lấy bàn tay úp lại trên Ngươi cho đến
khi Ta đã ngang qua’ (Xh 33,21-22). Và rồi, để đáp trả lời thỉnh cầu táo bạo của
Môsê, Thiên Chúa đã nhượng bộ cho ông nhìn thấy Người… Nhưng từ phía sau
lưng: ‘… Ta sẽ cất bàn tay Ta đi và Ngươi sẽ nhìn thấy phía sau Ta, nhưng Nhan
Ta, người ta sẽ không nhìn thấy được’ (Xh 33,23).
Thật là dị thường! Tương quan giữa Môsê và Thiên Chúa như tương quan của một

đôi tình nhân! Môsê muốn xáp lại gần, muốn ôm trọn trong vòng tay, muốn chiếm
hữu Thiên Chúa – lưu ý động từ ‘thấy’ Môsê dùng trong Xh 33,18 -, và cũng chính
lúc đó Môsê đụng chạm đến lằn mức, đến ranh giới của đức tin mà bất cứ phàm
nhân nào trong quá trình tiến đến gần Thiên Chúa đều cảm nghiệm một cách sâu
xa, thấm thía trong cuộc đời mình.
Trên chiều hướng đó, như để minh họa ra một Môsê tuyệt đối đứng về phía Thiên
Chúa, trọn vẹn thuộc về Người, trong khi vẫn muốn hoàn toàn và triệt để liên đới
với dân Chúa, truyền thống Do Thái giáo đã không ngần ngại hiểu lệch câu Kinh
Thánh nói về cái chết của Môsê: ‘và Môsê, tôi tớ Yavê, đã chết ở đó, trong xứ
Moab, trên miệng Yavê’ (Tl 34,5).
Từ ngữ ‘trên miệng Yavê’ được bản Targum Yêrusalem quảng diễn rõ hơn, khi nói:
‘và Môsê, tôi tớ Yavê, đã chết ở đó, trong xứ Moab, trong cái hôn của Yavê’
(nguyên bản hipri: ‘al pi Yhwh’. Nghĩa đen từng chữ: trên miệng Yavê; nhưng
nghĩa chính xác là: ‘theo lời Yavê’ hoặc ‘theo lệnh Yavê’).
Như vậy, không phải truyền thống Do thái giáo không hiểu ý nghĩa lời Kinh Thánh
trong Tl 34,5; nhưng khi cố tình hiểu lệch đi, niềm tin Do thái giáo như muốn lịch
sử dân Chúa đừng nghĩ rằng sự kiện Môsê nằm chết bên ngưỡng cửa Hứa Địa là do
lỗi phạm của cá nhân ông. Ngược lại, Môsê là người tôi tớ trung thành của Thiên
Chúa, luôn gắn bó và thuộc về Người cho đến độ trở nên ‘cô độc’ ở giữa một dân
mà Kinh Thánh khoác cho danh hiệu ‘cứng cổ’ ( xh 32,9; 33,3; 34,9; Tl 9,13 ); và


sự kiện ông không được vào Hứa Địa –xem như hình phạt– chính vì ông muốn
hoàn toàn liên đới với đoàn dân mà ông đã theo lệnh Thiên Chúa giải thoát khỏi
ách nô lệ Ai cập, tiến qua Biển Đỏ, lãnh nhận Giao Ước Sinai, hành trình trong sa
mạc và đã được Thiên Chúa thanh luyện vì tội bất trung của mình!
II. Môsê, con người liên đới với dân Chúa
Thật vậy, nhìn kỹ vào con người của Môsê, chúng ta sẽ nhận ra: ngay trong lúc ông
được sống bên cạnh, thân mật với Thiên Chúa, thì tâm trí ông lại hướng về dân
Chúa.

Qua câu chuyện Môsê được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa từ phía sau lưng –câu
chuyện mà nhiều nhà Kinh Thánh đã dám sánh với một câu chuyện khác được tác
giả Tin Mừng thứ tư thuật lại: ‘Người Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha’ (Yn
1,18) khi so sánh mối tương quan giữa Môsê với Thiên Chúa cũng như mối tương
quan giữa Đức Yêsu Kitô với Thiên Chúa Cha–, chúng ta lại bắt gặp một Môsê
hoàn toàn đứng về phía dân của ông: ‘Nếu quả tôi được nghĩa với Người, xin Chúa
tôi khấng đi làm một với chúng tôi, vì đó là một dân cứng cổ và Người sẽ tha thứ
tội lỗi chúng tôi và cho chúng tôi làm cơ nghiệp của Người’ (Xh 34,9).
Từ ngữ ‘chúng tôi’ ở đây thật cảm động! Môsê đã không đặt mình trên dân, cũng
không ở ngoài dân; nhưng hoàn toàn liên đới đến đồng hoá với dân, ngay cả nhận
lãnh trách nhiệm về tội lỗi của dân.
“Yavê phán với Môsê và Aharôn:
– Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để làm Ta được hiển thánh nơi mắt con cái
Israel, cho nên các ngươi sẽ không đem đoàn hội này vào đất Ta định ban cho
chúng” (Ds 20,12).
Tìm hiểu về hình phạt này, nếu chúng ta dựa trên Tl 32,51; 1,37; 3,26; 4,21, thì rõ
ràng không phải do hành động Môsê đã đập vào tảng đá hai lần (Ds. 20,12), nhưng
Môsê bị phạt vì chính tội của dân, vì ông muốn liên đới với tội của dân ông:


“Yavê đã phẫn nộ với cả ta nữa vì cớ các ngươi, mà rằng: – cả ngươi nữa, ngươi
cũng sẽ không vào!’ (Tl 1,37).
Hình phạt này đối với Môsê thật nặng nề và đau khổ. Đã có lần ông biện bạch và
khẩn nài Thiên Chúa:
“Thuở ấy ta đã van nài Yavê rằng: lạy Chúa Yavê, chính Người đã khởi sự tỏ cho
tôi tớ Người thấy sự lớn lao và tay mạnh mẽ của Người, vì có thần nào trên trời
dưới đất làm được như những việc của Người và những chiến công của Người. Xin
cho phép tôi qua mà nhìn thấy đất lành bên kia sông Yordan, núi non tốt lành kia
và dãy Liban’ (Tl 3,23-25).
Nhưng rốt cuộc, ông đã phải nằm xuống trên núi Nêbô, tại vùng đất Môab. Với cái

chết bi thảm này, cái chết của con người chưa được toại nguyện, Môsê không
những chia sẻ hoàn toàn số phận của dân ông mà dường như ông còn muốn ôm vào
lòng cả thế hệ xuất Ai cập, thế hệ mà ông đã lãnh đạo, đã cầm tay đưa đến gặp gỡ
Thiên Chúa tại Sinai, đã yêu thương cũng như đã chịu đựng… Thế hệ đó đã nằm
xuống trong sa mạc. Môsê vì thế cũng ‘không muốn’ vào Hứa Địa một mình khi
vắng bóng họ!
Về cái chết của Môsê, một chi tiết nhỏ mà Kinh Thánh ghi lại đã gợi lên suy nghĩ
cho các nhà chuyên môn; đó là tương quan giữa nơi Môsê yên nghỉ và địa danh
Bet-Pơor.
“Và người ta đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-Pơor”
(Tl 34,6).
Đối với Kinh Thánh, địa danh Bet-Pơor trong xứ Môab nhắc lại hành động điên
cuồng của dân Chúa khi họ từ bỏ Giao ước, quay lại cuộc sống như dân ngoại,
chạy theo các tà thần để thờ kính. Bet-Pơor được ghi lại trong lịch sử dân Chúa để
phơi bày thái độ bất trung, cuộc sống phản bội của họ (Ds 25,1-18; 26,16). Hành
động điên cuồng ấy sau nay sẽ được ngôn sứ Yêrêmya đánh giá bằng những lời lẽ
thẳng thắn, dứt khoát:


“Nơi Ta, cha ông các ngươi đã gặp gì trái để chúng rời xa Ta, và đi theo đồ khí gió,
mà như ra đồ khí gió?” (Yr 2,5).
Và như để làm nổi bật tính chất nghiêm trọng của vụ Bet-Pơor, Yêrêmya đã cảnh
cáo dân Chúa:
“Dân Ta đã làm hai điều bất hảo: – chúng đã bỏ Ta, Mạch nước hằng sống, để đào
cho mình bể nước, nhưng các bể rò không chứa được nước” (Yr 2,13).
Vì thế Bet-Pơor đối với truyền thống Kinh Thánh được đồng hoá với tội lỗi.
Vậy, khi ghi lại nấm mồ của Môsê đối diện với Bet-Pơor, đối diện với tội lỗi, tác
giả Kinh Thánh muốn chúng ta phải hiểu thế nào?
Truyền thống Do thái giáo khi nhận định sự kiện này đã cho chúng ta những dòng
suy niệm thật lạ kỳ và quý báu. Bản Targum Yêrusalem giải thích đoạn sách Tl

34,6 đã viết:
“Và người đã chôn cất ông trong thung lũng, ở xứ Môab, trước mặt Bet-Pơor, để
toàn dân Israel, mỗi khi hướng nhìn về Bet-Pơor, có thể nhớ lại tội lỗi của mình”
Rabbi Haam, con của Rabbi Hanina còn nói thêm:
“Tại sao lại chôn cất Môsê trước mặt Bet-Pơor? – Ấy là để Môsê xóa sạch vụ bê
bối Bet-Pơor” (Sotah 14°).
Từ suy nghĩ đó, truyền thống Cựu ước đã kết luận: cái chết của Môsê – vì muốn
liên đới với dân ông – đã khơi nguồn cứu rỗi cho cả thế hệ đó:
“Tại sao Môsê phải chết trong sa mạc? – là để nhờ công trạng của ông, thế hệ hành
trình sa mạc được trở về (với Thiên Chúa) (Pesiqta K. Trang 159b; Pesiqta R. Trg
199°)
Dựa vào các suy niệm trên, nhìn lại toàn bộ cuộc đời của Môsê, chúng ta có thể
quả quyết: Môsê đã đau khổ cùng dân Chúa và cho dân Chúa! Môsê đã chết với
dân Chúa và cho dân Chúa! Khuôn mặt và đời sống của Môsê đã in đậm nét trong
lịch sử dân Chúa, đến nỗi 7 thế kỷ sau, một tác giả Thánh Kinh đã vẽ lại cho dân
Chúa thời bấy giờ dưới dung mạo ‘NGƯỜI TÔI TỚ CỦA YAVÊ’:


“Chính các bệnh tật của chúng tôi, ngài đã mang, chính các đau khổ của chúng tôi,
ngài đã vác. Còn chúng tôi, chúng tôi lại kể ngài như kẻ bị trời đánh, bị Thiên
Chúa trừng phạt và đày đọa. Nhưng ngài đã bị đâm vì những sự ngỗ nghịch của
chúng tôi, và vì tội vạ của chúng tôi, ngài đã bị nghiền nát. Đã giáng xuống ngài
hình phạt đổi lấy an bình cho chúng tôi. Và nhờ những vết hằn ngài chịu, chúng tôi
có phương được lành…
Huyệt ngài, người ta đặt giữa bọn ác ôn, và nấm mồ ngài nơi quân trọc phú, dẫu
rằng ngài không làm điều gian ác và gian dối không có ở nơi miệng ngài…
Chính vì ngài đã thí mạng mình không màng cái chết và đã bị liệt hàng những kẻ
ngỗ nghịch, là đã mang lấy tội lỗi nhiều người và đứng ra bầu chữa cho những kẻ
ngỗ nghịch” (Yr 53,4-5.9.12).
Ngoài ra, một nét khác biểu hiện sự liên đới của Môsê đối với dân Chúa – và đây

cũng là một trong những nét nổi bật nhất của Môsê – đó là ông luôn luôn đứng lên
bênh đỡ, cầu bàu cho dân ông trước mặt Thiên Chúa:
“Môsê thưa với Yavê:
– Sao Người lại làm khổ tôi tớ Người? Sao tôi lại không được nghĩa trước mắt
Người khi Người đặt trên tôi gánh nặng là tất cả dân này? Phải chăng tôi đã cưu
mang tất cả dân này? Phải chăng tôi đã sinh ra chúng?… Tôi không thể gánh nổi
một mình tất cả dân này, vì nó quá nặng cho tôi! Quả nếu Người xử với tôi như
vậy, thì thà giết quách tôi đi, nếu tôi đã được nghĩa trước mắt Người, xin đừng để
tôi phải thấy tôi khổ như thế này nữa” (Ds 11,10-15).
“Phải! Dân này đã phạm một tội rất lớn… Nhưng bây giờ, ước gì Người miễn chấp
tội chúng; bằng không, xin Người hãy xoá tôi đi khỏi sách Người đã viết…” (Xh
32,30-32).
Lòng yêu thương, tình liên đới, thái độ bầu chữa, bênh vực dân của Môsê xuyên
suốt trong quá trình ông lãnh đạo dân. Lòng thương xót quảng đại đó khiến cho
chúng ta khi đọc lại những trang trong bộ Ngũ Kinh có khi lại hình dung ra một


Môsê phải vì dân mà ‘đương đầu’ với Thiên Chúa. Ông xem ra như kiên nhẫn, chịu
đựng đoàn dân cứng cổ, lòng chai dạ đá, thường xuyên ngụp lặn trong tội lỗi hơn
cả Thiên Chúa.
“Yavê phán với Môsê: – Cho đến bao giờ nữa dân sẽ còn khi thị Ta? Cho đến bao
giờ nữa chúng sẽ không tin vào Ta, trước bấy nhiêu dấu lạ Ta đã làm giữa chúng?
Ta sẽ đánh phạt chúng bằng ôn dịch, Ta sẽ hủy diệt chúng đi, rồi Ta sẽ làm cho
ngươi thành một nước lớn mạnh hơn chúng!” (Ds 14,10-12).
Đứng trước phán quyết nghiêm khắc và quyết liệt của Thiên Chúa, Môsê đã ‘nhắc
khéo’ Người, nại đến danh dự của Người (Ds 14,13-16) và nhỏ nhẹ thưa với
Người:
“Vậy bây giờ xin để cho sức mạnh của Chúa tôi ra uy, chiếu theo điều Người đã
phán, rằng: Yavê bao dung và đầy nhân nghĩa,chịu đựng lỗi lầm quá phạm, nhưng
không coi tội dường thể vô can, Đấng trị tội cha ông trên con cháu ba bốn đời. Xin

tha thứ tội của dân này, chiếu theo lượng nhân nghĩa lớn lao, cũng một thể như
Người đã từng chịu đựng dân này từ Ai cập cho đến đây” (Ds 14,17-19).
Thật lạ kỳ! Thật mầu nhiệm! Tấm lòng quảng đại, đầy tình thương xót của một
Môsê tư tế, một Môsê trung gian Giao ước, một Môsê lãnh đạo đối với đoàn dân
thường xuyên quên lãng Giao ước, thất kính và bội phản. Tuy nhiên, trong tư thế
đầy lòng thương xót đối với dân, Môsê vẫn hoàn toàn và trọn vẹn trung tín, đứng
về phía Thiên Chúa!
III. Chứng từ Môsê như một thách đố
Cuộc đời và sứ mạng của Môsê cô độc với Thiên Chúa và liên đới với dân Chúa
vẫn luôn luôn sống động để trở nên một sức mạnh lớn lao và kỳ diệu trong lịch sử
dân Chúa. Đúng như cha Albert Gelin đã nhận định: ‘Toàn bộ Kinh Thánh đều nói
về Môsê, bởi vì Kinh Thánh sống nhờ Môsê, nhờ công trình và tính chất nền tảng
của Môsê’ (A.Gelin, Moise dans l’Ancien Testament, trích trong tuyển tập ‘Moise,
l’homme de l’Alliance’, trang 47).


Vì thế, trong lịch sử dân Chúa, khuôn mặt này đã in sâu vào lòng dân Chúa, để trở
nên không những là một lời mời gọi, mà còn là một thách đố cho bất cứ ai đã nhận
lãnh nơi Thiên Chúa sứ mạng lãnh đạo phục vụ dân Người.
Được tuyển chọn, mời gọi, gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và theo lệnh Người mà
lãnh đạo dân, thế nhưng sứ mạng của Môsê hình như thất bại; vì dân ông, dân của
Giao ước Sinai, dân mà ông đã dùng máu mà nối kết với Thiên Chúa (Xh 24,8) đều
ngã gục trong sa mạc; ngay cả bản thân ông cũng phải chia sẻ hoàn toàn số phận
của họ khi ông nằm xuống bên kia ngưỡng cửa Hứa Địa! Máu ông dường thể máu
Abel luôn luôn đối diện với trời để tìm một lời đáp trả của Thiên Chúa: ông đã
trung thành với Thiên Chúa cũng như liên đới với dân Chúa. Tại sao ông không thể
đưa tất cả họ vào Hứa Địa, vào phần đất mà cả ông và dân ông có thể tìm gặp sự
nghỉ ngơi, hạnh phúc bên cạnh Thiên Chúa?
Nguyện vọng và lời thách đố của Môsê bắt gặp lời đáp trả xuất phát từ một con
người trong số đoàn dân của ông. Đó là Yêsu, người Nazarét, người mà lịch sử dân

Chúa sẽ xưng tụng là Đấng Kitô, người mà tác giả Thư gửi tín hữu Hipri quả
quyết: “Trong mọi sự, Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng
tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương, vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân”
(Hr 2,17). Chính Người đã đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên Vị
Thượng Tế cô độc với Thiên Chúa, đứng về phía Thiên Chúa (Hr 5,5-6), đồng thời
người cũng đã thể hiện một cách trọn vẹn sự liên đới với mọi người (Hr 5,9) qua
hành động tự nguyện dâng hiến con người của mình làm lễ tế để kéo tình thương
tha thứ cho dân Chúa (Hr 5,8).
Phải chăng, để đền tội cho dân và đem ơn cứu độ đến cho mọi người mà Đức
Yêsu-Kitô đã dùng chính máu mình để thiết lập Giao Ước Mới, một lần nữa nối
kết Thiên Chúa với con người (Mc 14,24; Mt 26,28; Lc 22,20; I C 11,25; cf Xh
24,8) và dùng cái chết tự nguyện tủi nhục trên thập giá, bị liệt vào hàng tội nhân
(Mc 15,22-37; Mt 27,39-50; Lc 23,33-46; Yn 19,17-30; Rm 8,3; cf Tl 34,5-6) để


đáp trả lời thách đố của Môsê? Từ đó, qua Đức Yêsu- Kitô Cứu Thế, chắc hẳn
Môsê sẽ được chứng kiến và nghe lại lời này:
“Tôi muốn sống hạnh phúc bên cạnh Chúa, và ở đó có cả dân của tôi nữa!”



×