Tải bản đầy đủ (.pdf) (131 trang)

Đảng bộ tỉnh bắc ninh lãnh đạo xây dựng hậu phương tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống thực dân pháp (1945 1954)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (3.6 MB, 131 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
___________________________

TRẦN THỊ THU HẰNG

ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH
LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG HẬU PHƢƠNG TẠI CHỖ
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG
THỰC DÂN PHÁP (1945 - 1954)

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ

Hà Nội - 2016


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
___________________________

TRẦN THỊ THU HẰNG

ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH
LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG HẬU PHƢƠNG TẠI CHỖ
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG
THỰC DÂN PHÁP (1945 - 1954)
Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Mã số: 60 22 03 15

LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ


Người hướng dẫn khoa học: TS. TRẦN VĂN THỨC

Hà Nội - 2016


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan công trình nghiên cứu này do chính tôi
thực hiện. Những số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là
trung thực và chính xác.
Tác giả Luận Văn

Trần Thị Thu Hằng


LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành với sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan, gia
đình và bạn bè. Qua đây, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Bộ Chỉ
huy quân sự tỉnh Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo tỉnh Bắc Ninh, Ban Tuyên Giáo
tỉnh Bắc Giang, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang, thư viện tỉnh Bắc Ninh,
thư viện Quân đội, phòng tư liệu khoa lịch sử (trường ĐHKHXH và Nhân
Văn – ĐHQGHN) v.v… đã giúp đỡ, động viên và tạo mọi điều kiện để tôi
hoàn thành luận văn này.
Xin cảm ơn các thầy cô giáo trong khoa Lịch sử nói chung và bộ môn
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng đã truyền thụ những kiến thức
quý báu cho tôi trong quá trình học đại học và cao học, đồng thời có những
gợi ý bổ ích cho luận văn.
Đặc biệt, luận văn được hoàn thành là nhờ sự chỉ dẫn tận tình của thầy
hướng dẫn - TS Trần Văn Thức. Thầy đã có những định hướng, gợi mở, động
viên, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình chuẩn bị đề cương, tiến hành nghiên cứu
và bảo vệ luận văn

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2016
Học viên

Trần Thị Thu Hằng


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chƣơng 1. ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG ..................9
HẬU PHƢƠNG TẠI CHỖ .......................................................................................9
(TỪ THÁNG 9 NĂM 1945 ĐẾN THÁNG 7 NĂM 1949) .....................................9
1.1 Một số nét khái quát về tỉnh Bắc Ninh .............................................................9
1.2 Lãnh đạo xây dựng hậu phương tại chỗ (9.1945 – 7.1949) ...........................18
Tiểu kết chương 1 .................................................................................................37
Chƣơng 2. ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH LÃNH ĐẠO CỦNG CỐ, MỞ
RỘNG HẬU PHƢƠNG TẠI CHỖ GÓP PHẦN GIẢI PHÓNG QUÊ
HƢƠNG (TỪ THÁNG 7 NĂM 1949 ĐẾN THÁNG 7 NĂM 1954) ........................38
2.1. Lãnh đạo củng cố, mở rộng hậu phương tại chỗ trong lòng địch (7.1949
– 11.1951) .............................................................................................................38
2.2. Lãnh đạo đẩy mạnh xây dựng hậu phương tại chỗ, quyết tâm cùng nhân
dân cả nước đánh đuổi giăc Pháp (11.1951– 7.1954) ...........................................58
Tiểu kết chương 2 .................................................................................................81
Chƣơng 3. NHẬN XÉT CHUNG VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU .......82
3.1 Một số nhận xét...............................................................................................82
3.1.1 Thành tựu .................................................................................................82
3.1.2 Hạn chế ....................................................................................................89
3.1.3 Đặc điểm ..................................................................................................92
3.2 Bài học kinh nghiệm. .....................................................................................94
3.2.1 Xây dựng hậu phương tại chỗ là vấn đề chiến lược mang tính sống
còn của cách mạng. ...........................................................................................94

3.2.2. Luôn quán triệt và thực hiện triệt để, sáng tạo chủ trương, chính
sách của Trung ương Đảng ...............................................................................95
3.2.3. Luôn bám sát và dựa vào nhân dân để xây dựng hậu phương tại chỗ ..........96
3.2.4 Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, phát huy tính dân chủ trong nhân dân .....96
3.2.5 Xây dựng hậu phương tại chỗ là nhiệm vụ của nhân dân và lực
lượng vũ trang địa phương ...............................................................................97
KẾT LUẬN ..............................................................................................................98
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................101


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình đấu tranh chống giặc ngoại
xâm. Kể từ khi dựng nước, đất nước ta luôn phải đối đầu với những kẻ thù xâm
lược hùng mạnh vào bậc nhất thế giới. Chiến tranh đều tuân theo quy luật là mạnh
được - yếu thua. Sức mạnh của quân đội của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu
tố như lực lượng, vũ khí, tinh thần chiến đấu của binh sĩ, v.v, trong đó hậu phương
là vấn đề đặc biệt quan trọng. Ưu thế của kẻ thù là về quân số, trang bị vũ khí và
phương tiện chiến tranh lại được đào tạo bài bản về chiến lược và chiến thuật. Còn
sức mạnh quân đội của chúng ta là sức mạnh của ý chí chống ngoại xâm, của truyền
thống yêu nước, của mỗi người lính khi ra trận, sức mạnh của sự quyết tâm nơi hậu
phương nhân dân rộng lớn và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, v.v. Tuy nhiên
để chiến thắng kẻ thù nếu chỉ có lòng quyết tâm và tính chính nghĩa không thì chưa
đủ mà cần có một đường lối quân sự đúng đắn, gắn với phương pháp tổ chức thực
hiện phù hợp. Đường lối đó phải huy động được sức mạnh của toàn dân tộc mới có
thể khắc phục được những hạn chế, phát huy ưu thế của ta.
Xuất phát từ cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, kế thừa những kinh
nghiệm về nghệ thuật quân sự của dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp xâm lược (1945-19540, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân thực
hiện cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Trong

cuộc kháng chiến này, Đảng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc
trong đó có sức mạnh của hậu phương tại chỗ.
Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt
Nam là kết quả của quá trình đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của toàn thể dân tộc
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến, việc xây
dựng thành công hậu phương nói chung và hậu phương tại chỗ nói riêng là một
nhân tố ảnh hưởng to lớn đến thắng lợi của các cuộc chiến tranh trong đó có cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hậu phương tại chỗ, hậu phương trực
tiếp ở từng địa phương, từng chiến trường…đảm bảo kịp thời nhu cầu tác chiến và
phục vụ tác chiến tại địa phương hoặc chiến trường. Xây dựng hệ thống hậu

1


phương tại chỗ (HPTC) khắp nơi là yêu cầu có tính chiến lược của chiến tranh
nhân dân Việt Nam nhằm khai thác, động viên, phát huy cao độ mọi tiềm lực của
từng địa phương, từng chiến trường, đảm bảo cho lực lượng tại chỗ thực hiện bám
trụ, đánh địch liên tục, rộng khắp và lâu dài; khắc phục khó khăn về giao thông vận
tải trong điều kiện địa thế đất nước dài và hẹp [116, tr.337].
Xây dựng hậu phương tại chỗ càng trở nên quan trọng trong hoàn cảnh thực
dân Pháp xâm lược nước ta, chúng chiếm đóng những vùng có vị trí chiến lược
quan trọng, hình thành nên thế “cài răng lược” giữa ta và địch. Đặc điểm này khiến
ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương chỉ là tương đối, có lúc hậu phương chiến
tranh được phân biệt rõ ràng với tiền tuyến, có lúc hậu phương được xây dựng ngay
trong vùng địch kiểm soát tạo thế tấn công địch từ trong phá ra, từ ngoài đánh vào,
khiến kẻ địch lâm vào tình trạng của cuộc chiến tranh không rõ chiến trường, đi đến
đâu cũng là tiền tuyến.
Nghiên cứu vấn đề “Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo xây dựng hậu phương
tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) ” làm sáng tỏ
những nhận thức về:

- Những chủ trương của Đảng về xây dựng hậu phương tại chỗ trong cuộc
kháng chiến chống thực dân Pháp.
- Quá trình chỉ đạo thực hiện việc xây dựng hậu phương tại chỗ của Đảng bộ
tỉnh Bắc Ninh bao gồm các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, hậu phương quân
sự (cung cấp lương thực, thực phẩm, mua sắm vũ khí, cung cấp nhân lực cho lực
lượng quân sự địa phương), sự ra đời và phát triển của các khu du kích và căn cứ du
kích; đồng thời lãnh đạo tác chiến bảo vệ hậu phương tại chỗ chống các cuộc càn
quét của địch.
- Chỉ ra những thành tựu và hạn chế của quá trình thực hiện lãnh đạo xây
dựng hậu phương tại chỗ, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm.
Trong nhiều năm qua, nghiên cứu về sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề xây
dựng hậu phương nói chung và hậu phương tại chỗ nói riêng đã được đề cập từng
phần hoặc theo từng góc độ khác nhau. Tuy nhiên chưa có một công trình chuyên
khảo nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống về vấn đề này.

2


Từ những lý do trên, chúng tôi chọn “Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo xây
dựng hậu phương tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
” làm đề tài luận văn thạc sĩ lịch sử, chuyên ngành lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến vấn đề này. Có
thể chia thành hai nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất: Những công trình nghiên cứu trực tiếp về xây dựng hậu
phương tại chỗ ở tỉnh Bắc Ninh như: “Dự thảo hồ sơ Tổng kết du kích chiến tranh
tỉnh Bắc Ninh từ 1945 – 1954” của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh (1960). Tác
phẩm tổng kết tương đối đầy đủ về quá trình phát triển của cuộc chiến tranh du kích
trên chiến trường Bắc Ninh trên từng lĩnh vực như xây dựng lực lượng quân sự địa
phương, tác chiến du kích, v.v… trong đó có đề cập ở góc độ nhất định đến quá

trình xây dựng hậu phương tại chỗ chi viện cho cuộc kháng chiến trên chiến trường
Bắc Ninh như xây dựng hậu phương về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, xây dựng
hậu phương về quân sự (chiến đấu bảo vệ mùa màng của nhân dân, xây dựng các
khu du kích và căn cứ du kích, công tác chi viện tiền tuyến v.v…), chỉ ra những
thành công, hạn chế, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm trong chiến tranh
du kích ở Bắc Ninh (trong đó có những bài học liên quan đến vấn đề xây dựng hậu
phương tại chỗ). Tuy nhiên hướng nghiên cứu chủ yếu của công trình này là tổng
kết những kinh nghiệm tiến hành chiến tranh du kích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nên
vấn đề xây dựng hậu phương tại chỗ chưa được nghiên cứu một cách toàn diện.
“Tổng kết chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong
cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) và chống chiến tranh phá hoại của
giặc Mỹ (1965 – 1972)” của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh, do Nhà xuất bản
Quân đội nhân dân, xuất bản 2004. Các công trình này ít nhiều đề cập đến vấn đề
xây dựng hậu phương tại chỗ cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục đích chính
của công trình này là tổng kết chiến tranh du kích trong hai cuộc kháng chiến chống
Pháp và chống Mỹ dưới góc nhìn quân sự như xây dựng làng xã chiến đấu, vấn đề
chống càn quét, xây dựng lực lượng vũ trang, những hình thức tác chiến của lực
lượng vũ trang, các chiến thuật trong tác chiến du kích.

3


“Lịch sử quân sự Hà Bắc (1945 – 1954)”, tập 1, do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh
Hà Bắc xuất bản năm 1990 và cuốn “Bắc Ninh – Lịch sử kháng chiến chống Pháp”,
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, xuất bản năm 2000, trình bày tiến trình phát triển
của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hệ
thống những sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bắc Ninh,
trong đó có đề cập đến một số khía cạnh trong công cuộc xây dựng hậu phương tại
chỗ của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh Bắc Ninh cũng đã xuất

bản những công trình nghiên cứu riêng về ngành, tổ chức mình như “Lịch sử tiểu
đoàn Thiên Đức”, nhà xuất bản Quân đội nhân dân (2000); “Lịch sử đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên tỉnh Bắc Ninh 1925 – 2001”,
nhà xuất bản Thanh Niên (2000); “Lịch sử phong trào phụ nữ tỉnh Bắc Ninh 1930 –
2000”, xuất bản năm 2000 … Những công trình này có đề cập ở khía cạnh nhất
định những cống hiến của nhân dân tỉnh Bắc Ninh nói chung và các ngành, các tổ
chức nói riêng trong việc xây dựng hậu phương tại chỗ góp phần vào thắng lợi của
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nhìn chung những công trình nêu trên đã trình bày một số chủ trương của
Đảng về xây dựng hậu phương tại chỗ, khái quát quá trình xây dựng hậu phương tại
chỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đồng thời đưa ra một số kết luận, nhận xét về quá
trình xây dựng hậu phương tại chỗ. Tuy nhiên, những công trình này chưa tập trung
nghiên cứu có tính chất toàn diện, có hệ thống những chủ trương của Đảng bộ Tỉnh
về xây dựng hậu phương tại chỗ, đồng thời mới bước đầu chỉ ra một số kinh nghiệm
về xây dựng hậu phương tại chỗ nói chung mà chưa rút ra những bài học kinh
nghiệm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, đối với việc xây
dựng hậu phương tại chỗ ở Bắc Ninh.
Nhóm thứ hai: Lịch sử đảng bộ địa phương như Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng
Sản Việt Nam tỉnh Hà Bắc, Tập 1 (Sơ thảo) do Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Hà
Bắc xuất bản năm 1987; Lịch sử đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, nhà xuất bản Thế giới, tập
1, xuất bản năm 1998. Các công trình này đã đề cập đến sự lãnh đạo của Đảng bộ
địa phương đối với cuộc kháng chiến toàn diện, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng

4


bộ tỉnh Bắc Ninh đối với việc xây dựng hậu phương tại chỗ. Tuy nhiên những công
trình này chỉ dừng lại ở một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng bộ Tỉnh trong
xây dựng hậu phương tại chỗ, chưa có điều kiện đi sâu một cách có hệ thống vào sự
lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đối với việc xây dựng hậu phương tại chỗ.

Ngoài ra còn có các cuốn lịch sử Đảng bộ của các huyện trong tỉnh như lịch sử
đảng bộ huyện Gia Bình, Lương tài, Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du, Quế Võ, Yên
Phong, v.v, và lịch sử đảng bộ của các xã trong Tỉnh cũng phần nào đề cập đến việc
chỉ đạo xây dựng hậu phương tại chỗ ở các địa phương. Các công trình nghiên cứu
trên có vai trò định hướng và cung cấp nguồn tư liệu tham khảo có giá trị.
Cùng với hai nhóm trên, còn có một số công trình, đề tài khác đề cập đến vấn
đề xây dựng hậu phương tại chỗ ở Bắc Ninh, tiêu biểu là Đảng lãnh đạo xây dựng
căn cứ du kích ở đồng bằng bắc bộ (1946 – 1954) của PGS – TS Vũ Quang Hiển
(Nxb Chính trị quốc gia, xuất bản năm 2001). Công trình này nghiên cứu quá trình
hình thành và phát triển của một số căn cứ du kích ở đồng bằng bắc bộ trong đó có
căn cứ du kích Gia – Thuận và căn cứ du kích Tiên – Quế - Võ ở Bắc Ninh. Luận
văn Chiến tranh du kích chống thực dân Pháp ở tỉnh Bắc Ninh của Nguyễn Văn
Thăng (luận văn thạc sĩ lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – trường Đại học Khoa
học xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN, 2011). Luận văn này đã khái quát những chủ
trương của Đảng bộ các cấp về chiến tranh du kích tỉnh Bắc Ninh, nêu ra các chủ
trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh trong việc xây dựng lực lượng, lãnh đạo chiến
tranh du kích, đồng thời có đề cập đến vấn đề xây dựng hậu phương chiến tranh du
kích – hậu phương tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Bắc Ninh, chỉ ra
một số bài học về xây dựng hậu phương tại chỗ để chiến tranh du kích phát triển.
Bên cạnh đó còn có luận văn Những hoạt động quân sự của nhân dân Bắc Ninh góp
phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) của Nguyễn Thúy Quỳnh
(luận văn thạc sĩ lịch sử Việt Nam – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005) cũng
trình bày một số chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh trong việc xây dựng hậu
phương tại chỗ, huy động sức người và sức của chi viện cho cuộc kháng chiến
chống Pháp của dân tộc. Tuy nhiên do hướng nghiên cứu riêng của đề tài nên những
công trình nghiên cứu nêu trên chưa có điều kiện tìm hiểu một cách hệ thống những

5



chủ trương, quá trình lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh về xây dựng hậu phương tại chỗ ở
tỉnh Bắc Ninh, cũng như chưa hệ thống những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo
xây dựng hậu phương tai chỗ của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh.
Nhìn chung lại, chúng tôi thấy, cho tới nay chưa có một công trình nào tiến
hành nghiên cứu một cách có hệ thống, chi tiết về quá trình vận dụng và thực hiện
chủ trương của Đảng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, chính quyền tỉnh
Bắc Ninh; quá trình triển khai thực hiện xây dựng hậu phương tại chỗ trên địa bàn
tỉnh Bắc Ninh trong kháng chiến chống Pháp.
Tuy nhiên, thành quả nghiên cứu của các công trình kể trên rất bổ ích, đó vừa
là nguồn tư liệu quý báu, vừa gợi mở cho chúng tôi trong quá trình thực hiện luận
văn này.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
- Nghiên cứu vấn đề “Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo xây dựng hậu
phương tại chỗ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) ” nhằm
làm sáng tỏ những chủ trương mà Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đề ra nhằm xây dựng hậu
phương tại chỗ .
- Trình bày có hệ thống quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương tại
chỗ ở tỉnh Bắc Ninh trên các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, hậu cần
quân sự, v.v, phục vụ cho cuộc chiến tranh tại chỗ trên chiến trường Bắc Ninh.
- Phục dựng quá trình xây dựng và trưởng thành của những khu du kích và
căn cứ du kích ở tỉnh Bắc Ninh.
- Nhận xét những ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo xây dựng hậu phương tại
chỗ ở tỉnh Bắc Ninh, chỉ rõ những nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm đó.
- Rút ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh
lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương tại chỗ.
4. Phạm vi, giới hạn nghiên cứu
- Luận văn tập trung nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về
xây dựng hậu phương tại chỗ.
- Không gian nghiên cứu: Trên phạm vi tỉnh Bắc Ninh (theo địa giới lúc bấy giờ).
- Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1954


6


Luận văn tập trung trình bày các chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng
bộ tỉnh Bắc Ninh về xây dựng hậu phương tại chỗ trên các khía cạnh như lãnh đạo
xây dựng hậu phương tại chỗ về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, lãnh đạo nhân
dân huy động sức người và sức của chi viện bộ đội địa phương và dân quân du kích,
xây dựng lực lượng hậu bị, lãnh đạo xây dựng khu du kích và căn cứ du kích, lãnh
đạo tác chiến bảo vệ hậu phương tại chỗ
5. Cơ sở lí luận, phƣơng pháp nghiên cứu, nguồn tƣ liệu
Cơ sở lí luận:
Luận văn được thực hiện dựa trên cơ sở lí luận của chủ nghĩa Mác – Lênin;
quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây hậu phương cách mạng
nói chung và xây dựng hậu phương tại chỗ nói riêng.
Phƣơng pháp nghiên cứu:
Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp lôgíc, đồng
thời sử dụng các phương pháp khác như phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê.
Trong đó phương pháp lịch sử và phương pháp logíc là hai phương pháp chủ đạo.
Nguồn tƣ liệu :
- Các chủ trương của Đảng về chiến tranh du kích trong Văn kiện Đảng toàn
tập (Tập 8 đến tập 15), Nxb Chính trị Quốc Gia.
- Các báo cáo, nghị quyết trong thời kỳ 1945 - 1954 lưu trữ tại Ban Tuyên
giáo tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang….
- Các tác phẩm nghiên cứu về chiến tranh nhân dân, những công trình nghiên
cứu về hậu phương và chiến tranh du kích liên quan đến vấn đề xây dựng hậu
phương tại chỗ ở địa phương.
- Lịch sử đảng bộ tỉnh, các huyện, thị xã, xã, phường của tỉnh Bắc Ninh
- Nguồn tư liệu nhân chứng, hồi ký của những nhà cách mạng bấy giờ.
6. Đóng góp của luận văn

- Trình bày có hệ thống sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đảng, chính
quyền tỉnh Bắc Ninh về xây dựng hậu phương tại chỗ; làm sáng tỏ, đầy đủ hơn về vị
trí, vai trò, tầm quan trọng của các cấp Đảng bộ địa phương trong Tỉnh đối với việc

7


lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xây dựng các nhân tố tại địa phương phục vụ chiến tranh
chống thực dân Pháp xâm lược.
- Phục dựng quá trình hình thành và phát triển của những khu du kích và căn
cứ du kích trên địa bàn tỉnh. Góp phần làm sáng tỏ đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
- Rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu
phương tại chỗ của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, bài học về quá trình xây dựng hậu
phương tại chỗ; đồng thời rút ra những kinh nghiệm gợi mở sự vận dụng vào công
tác xây dựng quốc phòng, an ninh hiện nay.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, Luận văn gồm
có 3 chương:
Chương 1: Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo xây dựng hậu phương tại chỗ (từ
tháng 9 năm 1945 đến tháng 7 năm 1949).
Chương 2: Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo củng cố, mở rộng hậu phương tại
chỗ góp phần giải phóng quê hương (từ tháng 7 năm 1949 đến tháng 7 năm 1954)
Chương 3: Nhận xét chung và một số kinh nghiệm chủ yếu.

8


Chƣơng 1
ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG

HẬU PHƢƠNG TẠI CHỖ
(TỪ THÁNG 9 NĂM 1945 ĐẾN THÁNG 7 NĂM 1949)
1.1 Một số nét khái quát về tỉnh Bắc Ninh
Địa danh Bắc Ninh có nhiều sự biến đổi theo lịch sử. Thời Hùng Vương, Bắc
Ninh là vùng đất thuộc bộ Vũ Ninh, đến thời Lý nơi đây có tên là Lộ Bắc Giang, rồi
Thiên Dức Giang. Thời Trần có tên là Lộ Kinh Bắc. Thời Lê đổi tên thành Thừa
Tuyên Bắc Giang, rồi trấn Kinh Bắc. Năm 1831 đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh (bao
gồm các địa phương thuộc đại bộ phận hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hiện nay).
Tháng 10 năm 1895, thực dân Pháp tách tỉnh Bắc Ninh thành hai tỉnh là Bắc Ninh
và Bắc Giang, lấy Sông Cầu làm giới tuyến.
Cách mạng Tháng Tám thành công, tỉnh Bắc Ninh được đặt dưới sự lãnh đạo
của Ủy ban hành chính Bắc Bộ, rồi Ủy ban hành chính Liên khu I, Liên khu Việt
Bắc. Địa giới tỉnh Bắc Ninh lúc này bao gồm một thị xã, hai phủ (phủ Từ Sơn và
phủ Thuận Thành) và tám huyện (Tiên Du, Yên Phong, Quế Dương, Võ Giàng, Gia
bình, Lương Tài, Văn Giang, Gia Lâm). Tháng 2 năm 1947, huyện Văn Giang sáp
nhập vào tỉnh Hưng Yên, huyện Văn Lâm của tỉnh Hưng Yên nhập về tỉnh Bắc
Ninh. Huyện Gia Lâm cắt về tỉnh Hưng Yên vào tháng 2 năm 1949, nhưng đến
tháng 11 năm ấy lại nhập trở lại tỉnh Bắc Ninh. Hai huyện Gia Bình và Lương Tài
hợp nhất thành huyện Gia Lương vào tháng 8.1950. Năm 1961, huyện Gia Lâm và
một số xã của các huyện Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn, tách ra khỏi Bắc Ninh
nhập vào Hà Nội. Năm 1962, hai huyện Quế Dương và Võ Giàng sáp nhập thành
huyện Quế Võ, huyện Từ Sơn và Tiên Du hợp nhất thành huyện Tiên Sơn. Năm
1962, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được hợp nhất lại thành tỉnh Hà Bắc. Ngày
6.11.1996, Quốc hội khóa IX kỳ hợp thứ 10 thông qua nghị quyết tách Hà Bắc
thành hai tỉnh Bắc Ninh và bắc Giang. Ngày 1.1.1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức
hoạt động theo đơn vị hành chính mới với diện tích 796,25 Km2 với 1 thị xã và 7
huyện là Gia Bình, Lương tài, Thuận Thành, Quế Võ, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong
với tổng số 123 xã, phường, thị trấn, dân số 925.997 người [29, tr.9].

9



Về vị trí địa lý, Bắc Ninh là tỉnh thuộc đồng bằng trung du Bắc Bộ, phía bắc
và đông bắc giáp tỉnh Bắc Giang, phía nam và đông nam giáp tỉnh Hải Dương và
Hưng Yên, phía tây và tây bắc giáp thủ đô Hà Nội. Đây là cửa ngõ quan trọng bảo
vệ Hà Nội từ phía đông và đông nam, là cầu nối quan trọng nối liền Hà Nội với các
tỉnh phía bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn – trạm trung chuyển giữa các tỉnh đồng
bằng Bắc Bộ với khu căn cứ địa Việt Bắc [29, tr.7].
Địa hình tỉnh Bắc Ninh tương đối bằng phẳng, rải rác ở các địa phương có
những dãy núi, đồi thấp. Những cánh đồng nhỏ hẹp xen lẫn giữa các làng mạc đông
đúc. Bắc Ninh có một số đồi núi thấp nhưng lại có giá trị cao về quân sự. Tại những
điểm cao này, địch đóng đồn bốt để quan sát, bố trí hỏa lực nhằm kiểm soát các
vùng xung quanh. Những đồi núi tự nhiên hình thành từng khu riêng biệt. Có thể
phân thành các khu như sau: Khu Đáp Cầu, Thị Cầu (Núi Pháo Đài, đồi Búp Lê);
khu Tiên Du (núi Chè, núi Vân Chinh, Long Khám, Lim…); khu Quế Võ (có các
ngọn núi như Hữu Bằng, Đạm, Đông Du, Sơn Đông); khu Gia Bình (Núi Thiên
thai). Chính vì có giá trị về quân sự nên ngay từ khi xâm lược, thực dân Pháp đã
quyết tâm chiếm đóng những vị trí quan trọng này.
Tỉnh Bắc Ninh được bao bọc bởi hệ thống sông ngòi dày đặc. Sông Đuống
(con sông có ý nghĩa chiến lược về quân sự) chia Bắc Ninh thành hai phần là Bắc
phần và Nam phần (Bắc phần gồm Từ Sơn, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng, Yên
Phong. Nam phần gồm huyện Gia Lâm, Văn Lâm, Thuận Thành, Gia Bình, Lương
Tài). Sông Hồng bao bọc ở phía tây – tây nam, Sông Cầu bao bọc phía Bắc – Đông
Bắc, Sông Thái Bình bao bọc phía đông tỉnh Bắc Ninh. Thực dân Pháp đã xây dựng
hệ thống đồn bốt trên các con đê dọc Sông Đuống (Bên hữu ngạn – phía bờ Nam).
Những con sông lớn này suốt bốn mùa luôn luôn có nước, đảm bảo cho ca nô, tàu,
xuồng đi lại được dễ dàng. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh còn có hệ thống ao, đầm, ngòi
chằng chịt ở tất cả các địa phương. Đặc điểm này ảnh hưởng lớn đến chiến thuật
chiến tranh du kích ở tỉnh Bắc Ninh, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề xây
dựng hậu phương, công tác hậu cần tại chỗ chi viện cho các lực lượng chiến đấu

trên chiến trường Bắc Ninh (khi thực dân Pháp chiếm tỉnh Bắc Ninh thì nơi đây trở
thành một vùng tương đối biệt lập với những tỉnh lân cận. Điều này khiến việc xây

10


dựng hậu phương tại chỗ trở lên cực kỳ quan trọng để có thể chi viện cho lực lượng
vũ trang chiến đấu tại đây).
Tỉnh Bắc Ninh án ngữ nhiều đường giao thông quan trọng. Đường số 5 (nối
liền thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng) – đối với thực
dân Pháp, nơi đây là đường tiếp tế quan trọng của chúng cho các cơ quan đầu não ở
Hà Nội, cùng với đường số 1 và tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn là ba tuyến
đường huyết mạch chạy qua Tỉnh. Ngoài ra còn có các tuyến đường quan trọng
khác như đường 16, đường 18, 20, 38, 182, 284… [46, tr. 14]. Đó là những tuyến
đường có ý nghĩa chiến lược về mặt quân sự nên nó là nơi tranh chấp quyết liệt giữa
ta và địch. Ngoài đường bộ, tỉnh Bắc Ninh còn có sân bay Gia Lâm – một căn cứ
quân sự quan trọng của địch thời kỳ này.
Bắc Ninh là tỉnh có nền kinh tế phát triển từ khá sớm. Được thiên nhiên ưu
đãi nên ngoài nông nghiệp, các ngành nghề truyền thống ở Bắc Ninh đã hình thành
và phát triển từ lâu đời, đa dạng về loại hình như nghề đúc đồng ở Đại Bái (Gia
Bình), Quảng Bố (Lương Tài), Trang Liệt (Từ Sơn). Nghề gốm ở Bát Tràng (Gia
Lâm), Phù Lãng (Quế Dương). Nghề dệt vải ở Nội Duệ, Tiêu, Hồi Quan (Tiên Du),
Tam Sơn (Từ Sơn), Tuyên Bá, Lĩnh Mai, Ngọc Trì (Lương Tài). Nghề chạm khắc
gỗ, ở Phù khê, Hương Mạc, Đồng Kỵ (Từ Sơn). Nghề sản xuất vật liệu xây dựng ở
Xuân Ổ, Vĩnh kiều. Ngoài ra còn nhiều làng nghề khác với các mặt hàng đa dạng
như nghề làm giấy (Phong Khê, Xuân Ổ), làm cày bừa (Đông Xuất), tranh (Đông
Hồ), thợ nề (Vĩnh Kiều, Nội Duệ, Tiêu Sơn) … Với một nền kinh tế đa dạng, sôi
nổi nên ở Bắc Ninh đã hình thành nên một số làng buôn như làng Phù Lưu, Đình
Bảng (Từ Sơn), Đa Ngưu, Xuân Cầu (Văn Giang) với khoảng 70% đến 80% nhân
dân trong làng sống bằng nghề buôn [29, tr.13] . Trong cuộc kháng chiến chống

thực dân Pháp, nhân dân Bắc Ninh chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh
có dân số đông, kinh tế phát triển vững mạnh - Đây là điểm thuận lợi để tỉnh Bắc
Ninh có điều kiện xây dựng hậu phương tại chỗ vững mạnh, đáp ứng nhu cầu lớn về
vũ khí, lương thực cũng như nhân lực cung cấp cho chiến trường.
Tôn giáo được du nhập vào tỉnh Bắc Ninh từ khá sớm. Luy Lâu (Thuận
Thành) được coi là cái nôi của Phật giáo của Việt Nam (Từ đầu Công Nguyên Phật

11


giáo đã du nhập vào nơi này) [123, tr.107]. Phật giáo đặc biệt phát triển mạnh kể từ
thế kỷ thừ X trở đi, nhiều công trình kiến trúc Phật giáo như đình, chùa, tháp,
tượng… được xây dựng. Những công trình tiêu biểu phải kể đến là tượng phật chùa
Phật tích, chùa Dâu, chùa Bút Tháp…
Bắc Ninh được coi là cái nôi của nền Nho học ở Việt Nam. Ngay từ đầu
Công Nguyên, Sĩ Nhiếp đã tiến hành truyền bá hệ tư tưởng Nho giáo ở Bắc Ninh
(Ông là người đầu tiên có công truyền bá Nho học tại Thuận Thành – cũng là nơi
Nho học bám rễ đầu tiên ở nước ta (nay còn lăng tại Luy Lâu – Thuận Thành). Bắc
Ninh cũng sản sinh ra các nhà khoa bảng nổi tiếng như thái sư Lê Văn Thịnh (người
xã Đông Cứu – Huyện Gia Bình), lưỡng quốc trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo,
Nguyễn Đăng Hạo (Tiên Du), Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh (Hương Mạc – Từ
Sơn)… làm rạng danh quê hương và được coi là có truyền thống khoa bảng.
Đạo Thiên Chúa du nhập vào Bắc Ninh từ đầu thế kỷ XVIII. Những địa
phương xuất hiện đạo Công giáo sớm như thôn Tử Nê (Lương Tài), Phong Cốc,
Phượng Mao (Quế Dương), Cẩm Giang (Từ Sơn). Thực dân Pháp sử dụng tôn giáo
này phục vụ công cuộc xâm lược nước ta như ra sức lôi kéo, dụ dỗ nhân dân vào
Công giáo, chia rẽ tôn giáo, dùng các linh mục để dò xét tình hình.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, tỉnh Bắc Ninh còn lưu giữ nhiều giá trị
văn hóa truyền thống. Ngoài các yếu tố văn hóa vật thể như các di tích lịch sử,
những công trình kiến trúc độc đáo, nơi đây còn bảo tồn được nhiều yếu tố văn hóa

phi vật thể như các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng phồn thực, phong tục tập quán,
dân ca Quan họ… Hầu như địa phương nào cũng có ngày hội làng truyền thống và
được duy trì hàng năm (thường tổ chức vào mùa xuân) như Hội Lim, hội Đền
Gióng, hội chùa Dâu… Lễ và hội thể hiện được đời sống vật chất, tinh thần, tư duy
của con người Bắc Ninh.
Trên mỗi chặng đường đấu tranh để bảo vệ bờ cõi dân tộc, vùng đất và con
người Bắc Ninh luôn có những đóng góp to lớn. Từ thời Hùng Vương thứ 6, cậu bé
người Phù Đổng (Gia Lâm) đã đánh đuổi được kẻ thù xâm lược. Đến thời An
Dương Vương xây thành Cổ Loa chống giặc, được sự giúp đỡ của tướng quân Cao
Lỗ (quê Tiểu Than – huyện Gia Bình) đã chế tạo thành công nỏ thần với khả năng

12


sát thương cao, có thể bắn nhiều mũi tên một lúc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
chống lại quân xâm lược phương Bắc được sự ủng hộ của nhân dân các vùng lân
cận trong đó có nhân dân tỉnh Bắc Ninh, rồi sau đó là cuộc khởi nghĩa của Lý Bí
(năm 544), hai chiến thắng của Lê Hoàn (năm 980) và Lý Thường Kiệt (năm 1076)
chống quân xâm lược Tống đều diễn ra trên tuyến sông Như Nguyệt (đoạn chảy qua
huyện Yên Phong – Bắc Ninh) thể hiện sự quyết tâm bảo vệ biên cương lãnh thổ
của nhân dân ta nói chung và nhân dân Bắc Ninh nói riêng. Ngoài ra công cuộc
chiến đấu chống giặc Nguyên – Mông của nhà Trần, chống giặc Minh của nhà Lê
cũng có sự đóng góp to lớn của nhân dân Bắc Ninh.
Cuối thế kỷ XIX, khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, các phong trào đấu
tranh yêu nước diễn ra sôi nổi rộng khắp. Ở Bắc Ninh có phong trào Tam tỉnh nghĩa
đoàn do Nguyễn Cao lãnh đạo. Tiếp theo là sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân
Bắc Ninh với phong trào nông dân Yên Thế (Bắc Giang) đầu thế kỷ XX, hình thành
nên phong trào Trung châu ứng nghĩa đạo ở các huyện Thuận Thành, Từ Sơn, Văn
Lâm, tạo ra lực lượng đông đảo gồm 300 khẩu súng sẵn sàng cùng nghĩa quân Yên
Thế chống thực dân Pháp.

Khi tổ chức Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời tại Quảng Châu (1925),
tổ chức này hoạt động tuyên truyền con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản
thông qua việc xuất bản báo chí, đồng thời tổ chức những khóa huấn luyện ngắn
ngày cho những thanh niên yêu nước, giác ngộ những thanh niên này trở thành
những người Cộng sản rồi đưa họ về nước làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách
mạng. Ngay từ cuối năm 1926, lớp thanh niên yêu nước đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh
đã sang Quảng Châu học tập. Những thanh niên đó là Nguyễn Tuân (quê Thị Cầu –
thị xã Bắc Ninh), Nguyễn Sơn (Gia Lâm), Trần Tư Chính (Từ Sơn), Nguyễn Hữu
Căn (Văn Giang) [29, tr.37]. Ngô Gia Tự sau đó cũng được sang Trung Quốc dự
lớp huấn luyện tại Bản Đáy (Quảng Tây).
Chính vì Bắc Ninh có thế hệ thanh niên tiên tiến, sớm gặp lý tưởng cách
mạng vô sản nên đã vận động được nhân dân đấu tranh tạo ra phong trào cách mạng
diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ. Đến giữa năm 1927, tỉnh Bắc Ninh có 4 chi hội của tổ
chức Việt Nam Cách mạng thanh niên:

13


Chi hội thứ nhất là chi hội Tam Sơn (Từ Sơn) do đồng chí Ngô Gia Tự thành
lập sớm nhất. Thành viên của hội, ban đầu chỉ bao gồm những trí thức trẻ và những
nhân viên trong hàng ngũ chính quyền địch, sau đó tổ chức được mở rộng, kết nạp
thêm cả nông dân, công nhân và trí thức. Địa bàn hoạt động của Chi hội này cũng vì
thế mà được mở rộng ra cả thị xã Bắc Ninh.
Chi hội thứ hai do đồng chí Nguyễn Tuân xây dựng ở vùng Đáp Cầu – Thị
Cầu (thị xã Bắc Ninh). Do trong quá trình xây dựng chậm nên kỳ bộ Việt Nam cách
mạng thanh niên cử thêm đồng chí Nguyễn Hữu Căn và đồng chí nguyễn Trọng
Ngọc đến hỗ trợ gây dựng phong trào. Tháng 7 năm 1927, Chi hội Thị Cầu-Đáp Cầu
ra đời với thành phần chủ yếu là học sinh, tiểu thương, thợ thủ công và công nhân.
Tháng 7.1927, Ngô Gia Tự lại tiếp tục bắt tay vào việc xây dựng chi hội Việt
Nam Cách mạng thanh niên tại Tiền An - Vệ An - Niêm Xá (Thị xã Bắc Ninh). Số

hội viên của Chi hội chủ yếu là thợ thủ công như Phạm Văn Chất, Hồ Ngọc Lân,
Trần Văn Quảng … và một số học sinh như Trương văn Nhã, Thái Bá San.
Cùng thời gian này, Nguyễn Tuân lập ra chi hội Vạn – Yên – Hà (gồm Vạn
Phúc, Yên Ninh, Thổ Hà – Huyện Võ Giàng). Những làng này nằm trong vành đai
phía bắc Tỉnh giáp tỉnh Bắc Giang (tháng 7.1927). Chỉ trong vòng 6 tháng cuối năm
1927, tỉnh Bắc Ninh có 6 chi hội của Việt Nam Cách mạng Thanh niên với khoảng
40 hội viên ở các huyện Tiên Du, Võ Giàng, phủ Từ Sơn và thị xã Bắc Ninh [29,
tr.41]. Các chi hội của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời không chỉ
thể hiện tinh thần quyết tâm chống thực dân pháp xâm lược của nhân dân Bắc Ninh
mà còn cho thấy sự hiệu quả trong hoạt động của những người lãnh đạo cách mạng
ở Bắc Ninh lúc bấy giờ. Sau đó, tỉnh hội của Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc
Ninh - Bắc Giang ra đời (1928) do Nguyễn Tuân làm bí thư, Ngô Gia Tự làm phó bí
thư, Nguyễn Trọng Ngọc làm ủy viên Tỉnh hội. Tỉnh hội có nhiệm vụ phải xây
dựng phong trào cách mạng ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Số lượng hội viên
của Tỉnh hội lúc mới thành lập là 100 đồng chí, sinh hoạt trong 14 chi hội trong
Tỉnh [29, tr.44].
Cuối năm 1928, một số học sinh trường tiểu học Việt – Pháp tại Đáp Cầu
như Vương Văn Trà, Nguyễn Ngọc Hoành, sau khi dự lớp huấn luyện chính trị do

14


tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập ra đã được tổ chức này kết nạp.
Những đồng chí này về quê Lạc Thổ (Thuận Thành) kết nạp thêm những cá nhân
giác ngộ như Nguyễn Ngọc Quý, Nguyễn Hữu Chấp, lập ra chi hội Việt Nam Cách
mạng Thanh niên ở Lạc thổ do Nguyễn Ngọc Hoành làm Bí thư [29, tr.43].
Thực hiện chủ trương Vô sản hóa của Hội nghị Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng
Thanh niên, Tỉnh hội Bắc Ninh - Bắc Giang đã cử nhiều hội viên của mình đi vào
các nhà máy, xí nghiệp trực tiếp làm công nhân để tuyên truyền, giáo dục công
nhân, giác ngộ họ hiểu sức mạnh và sứ mệnh của giai cấp mình, đồng thời giúp

những hội viên đa phần xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản thấu hiểu nỗi khổ của giai
cấp công nhân, từ đó đấu tranh trên lập trường giai cấp công nhân. Các đồng chí
như Nguyễn Văn Mẫn đi vào mỏ than Mạo Khê, Trịnh Thị Nhu, Trịnh Thị Uyển đi
vào nhà máy dệt Nam Định…
Do những hoạt động tích cực của tỉnh hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
Bắc Ninh – Bắc Giang mà phong trào cách mạng Bắc Ninh phát triển vượt bậc.
Nắm bắt được xu hướng của sự phát triển này, những người lãnh đạo Việt Nam
Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh – Bắc Giang như Ngô Gia Tự, Nguyễn Tuân,
Trần Tư Chính thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở nước ta (tháng 3.1929) [29,
tr.46]. Điều này thể hiện tư duy sang tạo độc lập của những người lãnh đạo cách
mạng Bắc Ninh lúc ấy.
Tháng 5.1929, tại Đại hội tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hồng
Kông, phái đoàn Đại biểu Bắc kỳ do Ngô Gia Tự đứng đầu đưa ra đề nghị phải
thành lập ngay một đảng Cộng sản ở Việt Nam mới kịp thời lãnh đạo cách mạng. Ý
kiến không được chấp thuận, đoàn đại biểu bỏ ra về.
Tháng 6.1929, những người Cộng sản Bắc Kỳ thành lập Đông Dương Cộng
sản đảng. Đến đầu tháng 7.1929, đồng chí Ngô Gia Tự - Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản đảng đã chọn Phạm Văn Chất, Hồ
Ngọc Lân, Nguyễn Hữu Căn để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc
Ninh và Bắc Giang, giao nhiệm vụ cho họ tuyên truyền Chính cương, điều lệ và
tuyên ngôn của Đông Dương Cộng sản Đảng cho các chi hội của Việt Nam Cách
mạng Thanh niên.

15


Việc ra đời Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có ý
nghĩa to lớn. Đây là bước ngoặt mới đối với phong trào cách mạng tỉnh Bắc Ninh.
Đây là tiền đề để ngày 4.8.1929, tại núi Lim (Tiên Du), hơn 20 hội viên của tổ chức
Việt Nam cách mạng Thanh niên hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được triệu tập và

lập ra Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Bắc Ninh – Bắc Giang. Sau Hội nghị
hợp nhất các tổ chức Cộng sản tại Hương Cảng (2.1930), Đảng bộ được đổi tên
thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam Bắc Ninh – Bắc Giang [29, tr.49]. Sự kiện
Đảng bộ Bắc Ninh – Bắc Giang ra đời chứng tỏ bước nhảy vọt trong phong trào
cách mạng địa phương, từ đây những cuộc đấu tranh của nhân dân tỉnh Bắc Ninh
nằm trong sự lãnh đạo thống nhất của Đảng.
Cuối năm 1929, Thực dân Pháp thực hiện đàn áp phong trào cách mạng dữ
dội. Chưa đầy 3 tháng (từ 6.11.1929 đến 27.1.1930), hầu hết cơ sở cách mạng ở Bắc
Ninh đã bị phá vỡ [29, tr.56], hơn 40 người bị bắt, trong đó đa số là Ban chấp hành
Đảng bộ Tỉnh như Phạm Văn Chất – Bí thư Tỉnh ủy (bị bắt ngày 6.11.1929). Các
đồng chí: Trần văn Quảng (bị bắt ở thị xã Bắc Ninh), Lê Hữu Đông ( bắt ở Tiên
Du), Trương Văn Nhã bị bắt ở Hà Nội…[29, tr.52]. Nhiều đồng chí lãnh đạo khác
cũng lần lượt sa vào tay giặc như Hồ Ngọc Lâm, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Ngọc
Vũ, Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Văn Cừ v.v..Vì thế phong trào cách mạng ở Bắc
Ninh lắng xuống trong những năm từ 1931 đến 1935.
Trong những năm từ 1936 đến 1939, Phong trào đấu tranh Dân chủ do Đảng
lãnh đạo thu được nhiều kết quả. Nhiều nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam nói
chung và Bắc Ninh nói riêng được thả tự do như Nguyễn Văn Cừ, Trần Xuân
Doanh, Hoàng Quốc Việt, Vương Văn Trà, Nguyễn Thị Lưu …[29, tr.74], vì vậy
phong trào dần dần được phục hồi. Các hình thức đấu tranh thời kỳ này cũng rất
phong phú như vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ (1937),
hơn 20 đại biểu là công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm và nông dân làng Liễu Ngạn
(Thuận Thành) tham gia đón rước phái đoàn Gô đa sang điều tra tình hình Đông
Dương tại ga Hàng Cỏ, dân làng Lạc Thổ (Thuận Thành), Ngọc Nội, lĩnh Mai, Kim
Thao (Lương Tài) đưa yêu sách đòi giảm thuế… … Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh còn
lãnh đạo nhân dân lập các hội như hội hiếu, hội hỉ, hội thợ cấy, hội đọc sách báo

16



(phát triển mạnh ở Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Lâm và thị xã Bắc Ninh)… Các hội
này đã đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất. [29, tr.77-78].
Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, khả năng đấu tranh của
phong trào Dân chủ không còn nữa, bọn phản động ở thuộc địa ngóc đầu dậy.
Nhiệm vụ nổi lên hàng đầu trong thời kỳ mới là đấu tranh giải phóng dân tộc. Hội
nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI họp (11.1939) tại Bà Điểm (Hóc
Môn – Gia Định) do tổng bí thư Nguyễn văn Cừ chủ trì. Hội nghị chủ trương đưa
vấn đề giải phóng dân tộc thành nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, vì vậy tạm gác
lại khẩu hiệu “Cách mạng ruộng đất”, thay bằng khẩu hiệu chống địa tô cao,
chống cho vay nặng lãi. Thực hiện tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian
chia cho dân cày nghèo.
Hội nghị Trung ương 7, và đặc biệt là Hội nghị lần thứ VIII (5.1941) Đảng
hoàn thiện chủ trương chuyển hướng, coi giải phóng dân tộc là nhiệm vụ trước mắt
hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Quán triệt chủ trương trên, ngày 3.7.1941 Ban
Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh mở hội nghị tại Liễu Khê (Thuận Thành) đề ra chủ
trương phát triển cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng; tổ chức và lãnh đạo quần chúng
chuẩn bị lực lượng, khi có thời cơ đến thì vùng dậy giành chính quyền. Tháng
3.1945, Tỉnh Bắc Ninh có 5 chi bộ với hơn 40 đảng viên, xây dựng được đội tự vệ
các địa phương là cơ sở cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chính Pháp, Tổng bí thư Trường Chinh chủ trì Hội
nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Đình Bảng (huyện Từ Sơn).
Hội nghị ra bản chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cuối
tháng 4.1945, Xứ ủy mở Hội nghị tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Căn (Thôn Dọc, xã
Liên Bão, huyện Tiên Du) để triển khai thực hiện chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và
hành động của chúng ta”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, nhân dân
các huyện trong Tỉnh đã nổi dậy đấu tranh mạnh mẽ, tạo nên cao trào sôi nổi làm
tiền đề cho Tổng khởi nghĩa.
Tháng 8.1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện, Lệnh
tổng khởi nghĩa được phát ra trong cả nước. Ngày 18.8.1945, lệnh khởi nghĩa giành
chính quyền Tỉnh Bắc Ninh được phát ra [29, tr.124]. Nhiều nơi tuy chưa nhận


17


được lệnh Tổng khởi nghĩa, nhưng do nắm chắc tinh thần chỉ đạo của bản chỉ thị
“Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nên đã chủ động sáng tạo nổi
dậy như nhân dân huyện Tiên Du kéo về trụ sở huyện (17.8), bộ máy chính quyền
địch ở đây kéo nhau ra hàng. Sau đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được
thành lập. Các huyện khác, nhân dân cũng nổi dậy giành chính quyền như Từ Sơn
(18.8), Lương Tài, Yên Phong (19.8), Gia Bình, Thuận Thành (20.8), Văn Giang
(21.8), Quế Dương (22.8). Như vậy, từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 8 năm 1945, tất
cả các huyện trong tỉnh Bắc Ninh đã lần lượt nổi dậy giành chính quyền thành công
một cách nhanh chóng, ít đổ máu (chủ yếu diễn ra bằng phương pháp gây áp lực
buộc địch buông vũ khí đầu hàng).
Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công ở tỉnh Bắc Ninh có ý nghĩa to
lớn. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đập tan ách áp bức bóc
lột của thực dân phong kiến, thực hiện giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mở
ra thời kỳ mới – thời kỳ độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
1.2 Lãnh đạo xây dựng hậu phƣơng tại chỗ (9.1945 – 7.1949)
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như nhiều địa phương trong cả
nước, chính quyền non trẻ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh gặp phải đối phó với những
khó khăn chồng chất trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội,
an ninh quốc phòng.
Kinh tế Bắc Ninh bị tàn phá nặng nề do hậu quả của những chính sách áp
bức bóc lột mà thực dân Pháp và phát xít Nhật để lại. Nạn đói đe dọa, đê sông Cà
Lồ bị vỡ cùng ngày với việc giành chính quyền ở thị xã Bắc Ninh (18.8.1945), hai
huyện Từ Sơn và Yên Phong bị ngập lụt. Ngày 20.8, nước tràn sang huyện Tiên Du,
Võ Giàng, Quế Dương. Cả năm huyện Bắc phần chìm trong biển nước [43, tr.6]
Về chính trị - Quân sự, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có khoảng
4000 quân Trung Hoa dân quốc. Chúng đóng quân ở những nơi như Đáp Cầu, chùa

Hàm Long (thị xã Bắc Ninh), Từ Sơn, Lương Tài…. Chúng ngang nhiên quấy rối
trật tự, đưa yêu sách ngang ngược, kéo theo là các nhóm thành viên của tổ chức Việt
Quốc, Việt Cách hoạt động chống phá cách mạng ở nhiều nơi [36, tr. 124]. Ngày
1.6.1946, quân Pháp kéo từ Hà Nội lên Bắc Ninh khiêu khích và tuyên truyền lừa

18


bịp nhân dân. Bọn tay sai phản động của thực dân Pháp còn ra sức tuyên truyền, phá
hoại thành quả của cách mạng. Chính quyến cách mạng còn non trẻ, đội ngũ thiếu,
chưa có kinh nghiệm nên khó khăn trong việc lãnh đạo thực tiễn.
Nền văn hóa, xã hội còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu là tàn dư của chế độ cũ
in sâu trong nếp sống nhân dân như cưới xin, ma chay linh đình. Trình độ văn hóa
của nhân dân còn thấp, tỷ lệ người không biết chữ hơn 90% [29, tr.151] v.v.. các tệ
nạn như rượu chè, cờ bạc còn phổ biến. Bọn phản động tìm mọi cách phá hoại thành
quả của cách mạng núp dưới danh nghĩa các tổ chức, các đảng phái.
Đảng, Chính phủ và nhân dân ta luôn yêu chuộng hòa bình, thể hiện qua việc
chính phủ mới đã ký Hiệp định sơ bộ (6.3.1946) và Tạm ước (14.9.1946). Nhưng
với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa ngày 18.12.1946, thực dân Pháp gửi tối
hậu thư đòi chúng ta hạ vũ khí đầu hàng. Mọi sự nhân nhượng đã đến giới hạn cuối
cùng. Ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Chính phủ ra “Lời
kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi trên, đêm ngày 19.12.1946,
pháo của ta từ khu Cự Khối (Gia Lâm) bắn vào các vị trí quân Pháp trong nội thành.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Bắc Ninh cùng nhân dân cả nước chính thức bắt
đầu. Chiến sự tại chiến trường Bắc Ninh từ năm 1946 đến năm 1949 có thể chia
thành hai thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất (từ tháng 12.1946 đến tháng 4 năm 1947): Đây là thời kỳ
tranh chấp giữa ta và địch. Địch ra sức thiết lập, mở rộng và củng cố vùng chiếm
đóng, ta tiến hành phục kích, tập kích đánh trả những cuộc càn quét và đánh vào
những vị trí Pháp đóng quân. Từ nơi chiếm đóng, thực dân Pháp tổ chức những

cuộc càn quét ra những vùng xung quanh hòng cướp của cải, thóc gạo của nhân dân,
phá tiềm lực kinh tế để nhân dân không thể chi viện cho kháng chiến, thực hiện
những cuộc càn quét sang Bắc phần, đồng thời xây dựng những làng Tề có vũ trang
như Mão Điền, Đê Cầu, Ấp Ấu (Thuận Thành), Tư Đình, Nội Xá (Gia Lâm), Cao
Thọ, Tiểu Than, Chi Nhị (Gia Bình), Cường Tráng, Cáp Điền (Lương Tài),…
Thời kỳ thứ hai: Từ cuối tháng 4.1947 đến tháng 7 năm 1949. Lúc này tỉnh
Bắc Ninh bị chia thành hai phần (lấy Sông Đuống làm giới tuyến): Nam phần gồm
Văn Lâm, Gia Lâm, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành. Bắc phần là vùng tự do

19


gồm Từ Sơn, Tiên Du, Quế Dương, Võ Giàng, Yên Phong, Thị xã Bắc Ninh. Thực
dân Pháp lập thành tuyến chiếm đóng với những đồn bốt dọc bờ nam sông Đuống
để ngăn chặn sự tấn công từ phía bờ Bắc như Á Lữ, Lạc Thổ (Thuận Thành), Thiên
Thai, Tiểu Than, Cao Thọ (Gia Bình), Kênh Vàng, Ngọc Quan, Văn Thai (Lương
Tài)… Khi đã chiến được Nam phần, địch ra sức bình định nơi đây và tìm cách tấn
công sang Bắc Phần.
Tình hình trên đòi hỏi Trung ương Đảng phải đề ra đường lối kháng chiến
chống thực dân Pháp đúng đắn. Để đối phó với kẻ thù hùng mạnh, ưu thế hơn chúng
ta về quân số với vũ khí tối tân, điều quan trọng hơn cả là đường lối ấy phải huy
động được sức mạnh của cả dân tộc, trong đó vấn đề xây dựng hậu phương tại chỗ ở
các địa phương là một trong những vấn đề then chốt để xây dựng thế trận chiến
tranh nhân dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí
Minh biết chắc chắn rằng thực dân Pháp sẽ trở lại xâm lược nước ta. Vì thế đã lãnh
đạo nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho cuộc chiến sắp tới. Chỉ thị Kháng chiến, kiến
quốc (25.11.1945) đã vạch ra những công việc mà nhân dân ta phải làm để bảo vệ
và xây dựng nền độc lập của đất nước. Ngoài đường lối về đấu tranh quân sự, ngoại
giao, Chỉ thị còn vạch ra con đường để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa (đẩy

mạnh sản xuất, đoàn kết toàn dân, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mở thêm trường học…).
Đây chính là đường lối đấu tranh toàn dân, toàn diện, đồng thời cũng bao hàm chủ
trương xây dựng hậu phương nói chung cho cuộc kháng chiến. Thực hiện đường lối
của Đảng, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã lãnh đạo xây dựng hậu phương tại chỗ về mọi
mặt, chuẩn bị những tiền đề cho cuộc kháng chiến sắp tới.
Về kinh tế, Sau khi Cánh mạng Tháng Tám thành công, tỉnh ủy Bắc Ninh
chủ trương lấy đồn điền ấp trại của bọn Việt gian và ruộng đất vắng chủ chia cho
nhân dân. Thi hành chính sách giảm tô 25% cho nông dân, bãi bỏ nhiều thứ thuế vô
lý. Đồng thời Tỉnh ủy còn phát động xây dựng “ Quỹ độc lập”, phong trào “Tuần lễ
vàng”, “Tuần lễ căm thù giặc pháp, ủng hộ Nam bộ kháng chiến” (10.1945) nhằm
đẩy mạnh tinh thần yêu nước, khơi sâu lòng căm thù giặc. Cuộc mít tinh được tổ
chức tại sân vận động Đáp Cầu lôi kéo được hàng vạn người tham gia [43, tr.1].

20


×