Tải bản đầy đủ (.doc) (22 trang)

Rèn luyện kỹ năng làm bài văn thuyết minh cho học sinh THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (293.92 KB, 22 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA
TRƯỜNG THPT HÀ TRUNG
----------

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

ĐỀ TÀI:

RÈN LUYỆN KĨ NĂNG LÀM BÀI VĂN THUYẾT MINH
CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Người thực hiện: Phạm Thị Nam
Chức vụ:
Phó Hiệu trưởng
Đơn vị công tác: Trường THPT Hà Trung
SKKN thuộc môn: Ngữ văn

THANH HÓA NĂM 2016


A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình Công nghiệp hoáhiện đại hoá với mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020, nước ta sẽ trở thành một nước
Công nghiệp. Để theo kịp xu thế chung của thế giới, chúng ta đã và đang chú trọng
đầu tư cho giáo dục với mục tiêu là: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn
diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẫm mĩ và nghề nghiệp, trung thành với lí
tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hình thành và bồi dưỡng nhân cách,
phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc”(điều 2 chương I- Luật giáo dục).
Để thực hiện những mục tiêu đó, ngành giáo dục đã và đang tiến hành những
đổi mới cải cách về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục toàn diện cho
học sinh nói chung và cho học sinh THPT nói riêng. Và một trong những yêu cầu


đặt ra đối với giáo viên THPT trong thế kỉ mới là tổ chức các hoạt động dạy- học
theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, lấy học sinh làm trung
tâm... Bộ môn Ngữ văn cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Môn Ngữ văn
hiện nay được xây dựng trên quan điểm tích hợp: ba phân môn Văn học, Tiếng việt,
Làm văn được kết hợp thành một bộ môn có tên gọi là Ngữ văn.
Làm văn là một trong ba phân môn của Ngữ văn và nó đóng vai trò quan
trọng trong việc cung cấp các tri thức cơ bản về các kiểu văn bản. Bài làm văn là
sản phẩm tinh thần, kết tinh sự nhận thức, vốn sống, là bằng chứng thể hiện năng
lực vận dụng kiến thức, kĩ năng, tạo lập văn bản để bộc lộ xúc cảm, trí tuệ, tình
cảm nhân văn của học sinh. Nhiệm vụ chủ yếu của Làm văn trong nhà trường là rèn
luyện các kĩ năng: tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, dựng đoạn…Thành thục các kĩ
năng này học sinh sẽ viết được bài văn rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ ý, đúng yêu cầu.
Từ vị trí, nhiệm vụ của phân môn Làm văn có thể thấy đây là phân môn có
vai trò quan trọng giúp học sinh tạo lập văn bản nói hoặc viết phục vụ mục đích
giao tiếp. Tuy nhiên thực tế giảng dạy môn Làm văn hiện nay còn một số vấn đề
bất cập sau:
Trước hết, giáo viên còn tâm lí “ngại”khi giảng dạy Làm văn vì cho rằng
phân môn này khó. Còn học sinh cũng có tâm lí “sợ”trước mỗi bài kiểm tra Làm
văn, học sinh còn viết lan man, nghĩ gì viết nấy, không có định hướng. Từ thực tế
trên cho thấy, để giúp học sinh viết được một bài văn có chất lượng, người giáo
viên phải có phương pháp hướng dẫn học sinh các kĩ năng viết văn theo từng bước
có đề cương cụ thể mạch lạc.
Trong nhà trường, văn bản tự sự, miêu tả, hành chính công vụ được học rất
sớm ở tiểu học. Nhưng văn bản thuyết minh thì lại là một kiểu văn bản hoàn toàn
mới lạ đối với các em học sinh. Điều đó gây ra không ít khó khăn đối với cả người
dạy và người học . Đây là kiểu bài chưa có tính truyền thống như kiểu bài tự sự,


miêu tả, nghị luận. Vì chưa có tính truyền thống nên nói chung chúng ta chưa tích
luỹ được những kinh nghiệm cần thiết để dạy học có hiệu quả. Cũng cần nói thêm

là vốn sống, vốn tri thức của người học sinh còn hạn chế nên khi yêu cầu thuyết
minh, các em gặp khó khăn.
Mặt khác để làm một bài văn thuyết minh, ngoài việc tìm hiểu đề và tìm ý,
lập dàn bài thì phương pháp thuyết minh là một vấn đề hết sức quan trọng. Nắm
được phương pháp thuyết minh chính là nắm được chìa khoá để mở cánh cửa bài
văn thuyết minh. Không có phương pháp, bài viết của các em sẽ trở nên rời rạc,
thiếu căn cứ, lộn xộn dẫn đến sự thiếu thuyết phục đối với người đọc, người nghe.
Trong chương trình Ngữ văn 10 các em được học 1 tiết về phương pháp
thuyết minh (tiết 66). Như vậy là chưa đủ để các em nắm được các phương pháp
thuyết minh, khiến các em còn lúng túng khi làm bài.
Với đề tài “ Rèn luyện kỹ năng làm bài văn thuyết minh cho học sinh
THPT” tôi mong rằng sẽ góp phần nhỏ bé mà hữu ích cho đồng nghiệp cũng như
các em học sinh trong việc dạy và học văn thuyết minh.


B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VẤN ĐỀ
1. Phân biệt văn thuyết minh với các kiểu văn tự sự, miêu tả, biểu cảm,
nghị luận:
Thuyết minh

Kiểu văn bản cung cấp tri thức khách quan, xác thực, hữu ích.

Tự sự

Trình bày chuỗi sự việc theo một trình tự, có nhân vật và hành
động, ngôn ngữ của nhân vật để thể hiện diễn biến sự việc

Miêu tả


Tái hiện hình ảnh của người, vật, việc một cách sinh động để
người nghe, đọc như thấy nó đang ở ngay trước mắt.

Biểu cảm

Bộc lộ tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, đánh giá chủ quan
của người viết, truyền tải cảm xúc, tình cảm ấy tới người đọc,
người nghe.

Nghị luận

Người viết, người nói xác lập tư tưởng, quan điểm và thuyết
phục người đọc, người nghe đồng tình với mình

Văn thuyết minh là loại văn bản khác hẳn với tự sự (vì không có sự việc,
diễn biến), khác với miêu tả ( vì không đòi hỏi tái hiện hình ảnh một cách cụ thể
cho người đọc cảm thấy, mà cốt làm cho người ta hiểu), khác với văn bản nghị luận
( vì ở đây cái chính là trình bày nguyên lí, quy luật, cách thức…chứ không phải là
luận điểm, suy luận, lí lẽ), nghĩa là văn bản thuyết minh là một kiểu văn bản riêng,
mà các loại văn bản tự sự, miêu tả, nghị luận không thay thế được.
2. Các dạng văn thuyết minh:
Trong văn thuyết minh thường gặp các dạng sau:
- Thuyết minh về một thứ đồ dùng
-Thuyết minh về một loài vật
- Thuyết minh về một phương pháp (cách làm món ăn)
- Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh
- Thuyết minh về một thể loại văn học (hoặc một tác giả văn học)
- Thuyết minh về một phong tục, một đồ chơi dân gian
3. Các yêu cầu của văn thuyết minh
a. Phải nắm bắt được đặc trưng sự vật



Việc nắm bắt được đặc trưng sự vật là vô cùng quan trọng. Đặc trưng của sự
vật chính là nét phân biệt giữa sự vật này với sự vật khác. Nắm được đặc trưng của
sự vật thì trung tâm bài văn mới được biểu đạt một cách rõ ràng, mới giúp người
đọc nắm bắt được chính xác, cụ thể đối tượng cần thuyết minh.
Để nắm bắt được đặc trưng sự vật phải nghiên cứu một cách tỉ mỉ đối tượng
được thuyết minh. Nếu như chỉ hiểu qua loa về đối tượng cần thuyết minh thì chắc
chắn yêu cầu này sẽ không thể đạt được
b. Phải làm rõ mạch thuyết minh
Mạch lạc là yếu tố cần thiết cho mọi thể văn.Với văn bản thuyết minh thì yêu
cầu này càng cao. Bởi lẽ: mục đích chính của thuyết minh là đem đến cho người
đọc một vốn hiểu biết tương đối hoàn chỉnh về đối tượng (dù chỉ là hoàn chỉnh về
một mặt, một phương diện nào đó). Vậy nên, các tầng thứ trình bày càng rành
mạch, rõ ràng, tuân theo tính quy luật của đối tượng thì chắc chắn sự lĩnh hội ở
người đọc sẽ dễ dàng và mang tính khoa học cao.
Sự mạch lạc trong văn thuyết minh cũng sẽ hiển thị ở trình tự trình bày. Sự
vật khách quan muôn hình muôn vẻ, bởi vậy trình tự thuyết minh cũng phải hết sức
linh hoạt. Có thể thuyết minh theo trình tự: thời gian, không gian, phương diện, cấu
trúc…miễn sao hợp lí, lôgic, rõ ràng, dễ hiểu.
4. Các phương pháp thuyết minh
a. Phương pháp nêu định nghĩa
Đây là phương pháp chỉ ra bản chất của đối tượng thuyết minh, vạch ra
phương pháp lôgic của thuộc tính sự vật bằng lời lẽ rõ ràng, chính xác, ngắn gọn.
Muốn thuyết minh chuẩn xác đối tượng theo cách định nghĩa, cần nắm được hai
vấn đề: Một là tính chất của đối tượng, nó thuộc loại nào. Hai là đặc điểm riêng của
đối tượng, tức là chỗ khác với đối tượng cùng loại. Chẳng hạn:
- Giun là động vật có đốt, gồm khoảng 2500 loài, chuyên sống ở vùng đất
ẩm.
- Hát quan họ là một lối hát đối đáp giữa hai bên trai và gái.

b. Phương pháp liệt kê.
Đây là phương pháp lần lượt chỉ ra các đặc điểm, tính chất của đối tượng
theo một trật tự nào đó.
c. Phương pháp nêu ví dụ cụ thể
Đây là phương pháp thuyết minh sự thật bằng cách nêu dẫn chứng thực tế.
Dùng cách này ta có thể thuyết minh, giải thích rõ ràng hơn, tạo ấn tượng cụ thể
cho người đọc.


d. Phương pháp so sánh.
Đây là cách đối chiếu hai hoặc hơn hai đối tượng để làm nổi bật bản chất của
đối tượng cần được thuyết minh. Có thể dùng so sánh cùng loại hoặc so sánh khác
loại nhưng đến cuối cùng là nhằm để người đọc hình dung rõ hơn về đối tượng
được thuyết minh. Sau đây là đoạn văn tiêu biểu cho phương pháp này
“ Loài cá sống dưới nước, trong đó có nhiều giống biết phát ra âm thanh.
Tiếng kêu của cá bò như tiếng ong bay qua, âm thanh vù vù… Cá mè bơi thành đàn
y như đàn chim nhỏ vậy, tiếng kêu “chíp chíp”. Cá nhám thì tiếng kêu như tiếng lá
xào xạc”sa, sa…” Cá trích thì ồn ĩ như tiếng sóng vỗ biển trong đêm. Cá nóc và cá
nhím thì lại kêu “ cù rù, cù rù..”như tiếng trống vậy. Còn các bạc má thì tiếng kêu
phát ra như cách ta lấy móng tay cạo thật nhanh trên hàng răng lược…”
( Âm thanh của cá)
e. Phương pháp dùng số liệu
Đây là phương pháp dẫn con số cụ thể để thuyết minh về đối tượng. Bài văn
thuyết minh càng có thêm tính khoa học chính là nhờ vào phương pháp này. Đoạn
văn thuyết minh về hoa quân tử lan là dùng phương pháp này.
“ Ta chỉ cần chăm sóc đúng cách, từ khi trồng đến khi đơm hoa chỉ khoảng 3
năm. Năm nào cây giống đâm chồi lá thì năm sau sẽ được 5 đến 6 lá, hai năm sau
là 8 đến 10 lá, ba năm sau là 15 đến 20 lá. Lúc này sẽ đơm hoa. Nếu ta chăm sóc
không đúng cách thì giống quý sẽ bị kém đi, không đơm hoa được”
g. Phương pháp phân loại phân tích

Đối với những loại sự vật đa dạng, sự vật có nhiều bộ phận cấu tạo, có nhiều
mặt người ta dùng phương pháp này. Đây là cách chia đối tượng ra từng loại, từng
mặt để thuyết minh
Chẳng hạn, muốn thuyết minh về một thành phố, có thể đi từng mặt: vị trí
địa lí, khí hậu, dân số, lịch sử, con người, sản vật…
h. Dùng hình thức tự thuật.
Một trong những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong văn thuyết minh
là cho sự vật tự thuật về mình .
Như vậy, khi làm một bài văn thuyết minh phải vận dụng nhiều phương pháp
khác nhau. Bởi vì văn bản thuyết minh do yêu cầu nội tại, đòi hỏi sự đa dạng của
các phương pháp trình bày. Đây là một đặc trưng quan trọng trong phương pháp
viết bài văn thuyết minh.
5. Quy trình làm bài văn thuyết minh.


Làm một bài văn thuyết minh cũng phải tiến hành qua 5 bước: Tìm hiểu đề ,
tìm ý, lập dàn ý, viết văn bản, kiểm tra.
II.THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ
Thực tiễn trong quá trình dạy và học văn thuyết minh ở trường THPT, giáo
viên và học sinh gặp một số thuận lợi và khó khăn. Trước hết, văn thuyết minh là
kiểu loại văn bản mới mẻ nhưng cũng rất thông dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống
xã hội nhất là đã học ở THCS. Vì vậy, người giáo viên có điều kiện tìm được nhiều
ví dụ quen thuộc trong đời sống hàng ngày để học sinh có thể tìm hiểu và thấy được
kiểu văn bản này mang tính ứng dụng lớn. Từ đó có thể khích lệ các em sử dụng
kiểu văn bản thuyết minh vào những trường hợp cụ thể, thích hợp.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm bài văn thuyết minh, học sinh được chủ
động tìm hiểu và tiếp cận với nhiều tri thức đôi khi là rất mới mẻ về các vật dụng
có thể nói là quen thuộc trong đời sống (Ví dụ: chiếc bút bi, cái nón…). Điều này
đem đến sự hứng thú cho học sinh trong học tập và tạo cho các em thói quen tìm
hiểu sự vật một cách cặn kẽ để tạo lập được những văn bản mang tính khoa học.

Qua đó, năng lực tư duy và biểu đạt của học sinh được nâng cao.
Tuy nhiên việc dạy và học văn thuyết minh còn gặp một số khó khăn. Trước
hết, ta thấy tài liệu viết chuyên về văn thuyết minh không nhiều bằng các kiểu loại
văn bản khác như tự sự, miêu tả, nghị luận. Vì thế người giáo viên ít có tài liệu
tham khảo để bồi dưỡng thêm những hiểu biết về đặc trưng của kiểu loại văn bản
này . Để hướng dẫn các em viết được một bài văn thuyết minh tốt, xuất phát từ đặc
trưng của bộ môn, người giáo viên phải tìm tài liệu về đối tượng thuyết minh. Ví dụ
tìm hiểu về nguồn gốc của chiếc nón, lịch sử ra đời của chiếc bút bi… Có nhiều
nguồn để tìm những tư liệu này . Nhưng để tìm được tư liệu đủ và phong phú về
một đối tượng thuyết minh cũng là một công việc mất thời gian. Nhiều sự vật, hiện
tượng trong đời sống dù quen thuộc nhưng cũng rất khó tìm tư liệu cho thật chính
xác. Với điều kiện như vậy, việc tìm tư liệu về các đối tượng thuyết minh cũng đặt
ra nhiều khó khăn cho người giáo viên.
Về phía chương trình: một số tiết lí thuyết tương đối nặng. Mặc dù cách làm
bài văn thuyết minh cũng có nét tương tự như các kiểu văn bản khác qua các bước:
tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết bài. Tuy nhiên văn thuyết minh cũng có những
đặc điểm riêng nên cần có thêm thời gian để hướng dẫn học sinh một cách cụ thể
các thao tác. Ví dụ thao tác tìm ý rất quan trọng nhưng cũng không có bài riêng.
Đây là một khó khăn đặt ra cho người giáo viên. Bên cạnh đó, vì thời gian tiết học
ít nên người giáo viên cũng không thể hướng dẫn cụ thể từng bước cách làm bài
văn thuyết minh dẫn đến học sinh chưa làm tốt một số bước khi làm bài văn thuyết
minh.


Đối với học sinh, thực tế việc viết văn thuyết minh cũng có những hạn chế.
Để viết tốt một bài văn thuyết minh, bên cạnh các kĩ năng làm bài văn, học sinh
còn cần có các tri thức về đặc điểm, tính chất, lai lịch, nguồn gốc của đối tượng cần
thuyết minh. Tuy nhiên, với một số sự vật, hiện tượng, học sinh rất khó tìm thấy tư
liệu, đặc biệt là tư liệu về nguồn gốc, lịch sử. Có nhiều nguồn để học sinh tìm tư
liệu như qua sách báo, internet…Nhưng không phải em nào cũng có điều kiện để

tìm được tư liệu đủ và chính xác. Điều này dẫn đến khâu tìm ý của học sinh gặp
khó khăn. Bài làm của các em còn chưa có nhiều ý phong phú, các ý tản mạn hay
sự sắp xếp ý của các em cũng còn chưa thực sự hợp lí, khoa học nên bài viết còn
lan man. Trong quá trình viết bài, học sinh cũng chưa thực sự đảm bảo về ngôn
ngữ. Văn thuyết minh đòi hỏi cách trình bày tri thức khoa học. Vì vậy học sinh
cũng cần viết câu văn mang phong cách khoa học, chính xác, ngược lại với cách
viết văn biểu cảm…
Có thể nói, trên thực tế, việc hướng dẫn để học sinh viết tốt bài văn thuyết
minh là một công việc đòi hỏi nhiều sự nỗ lực của giáo viên. Và chính người học
sinh cũng cần có nhiều cố gắng trong quá trình học văn thuyết minh. Bởi lẽ, hiện
nay, nhiều học sinh xuất hiện tâm lí ngại khi phải làm bài văn thuyết minh. Điều đó
dẫn đến việc một số học sinh còn có thói quen ỷ lại vào văn mẫu để trả bài trên lớp.
Nguyên nhân trên dẫn đến chất lượng bài văn thuyết minh do học sinh tạo lập có
chất lượng chưa cao…
Xuất phát từ thực tiễn dạy và học văn thuyết minh trong chương trình Ngữ
Văn 10 (những thuận lợi, khó khăn, những việc đã làm được, những hạn chế gặp
phải), việc hướng dẫn các kĩ năng làm văn gắn với kiểu văn bản thuyết minh cho
học sinh là điều cần thiết. Đặc biệt, văn thuyết minh là kiểu bài cung cấp tri thức
khoa học nên vấn đề phương pháp càng cần được quan tâm để giúp học sinh có
chất liệu phong phú để viết bài giúp các em tự tin hơn, cố gắng tạo ra được một bài
văn thuyết minh tốt- một sản phẩm mang tính cá nhân người viết.
III. GIẢI PHÁP VÀ CÁCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN VẤN ĐỀ
1.Phương pháp dạy lý thuyết “Phương pháp thuyết minh”:
Trong dạy học tập làm văn nói chung và trong dạy học văn thuyết minh nói
riêng thì phương pháp phân tích và dạy học theo mẫu, có thể nói là phương pháp tối
ưu hơn cả. Nhưng muốn sử dụng thành thạo và hiệu qủa phương pháp này thì
người giáo viên phải nắm được bản chất, quy trình thực hiện, ưu điểm, hạn chế và
một số lưu ý của phương pháp này
1.1. Nhận thức chung.



Phương pháp dạy học theo mẫu là phương pháp thông qua mẫu cụ thể về lời
nói để giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu dặc điểm của mẫu, cơ chế tạo mẫu,
biết cách tạo ra những lời nói theo định hướng của mẫu .
Quy trình thực hiện phương pháp này gồm 4 bước:
- Bước 1: Giáo viên chọn lọc giới thiệu mẫu chứa hiện tượng ngôn ngữ cần
tìm hiểu.
- Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích mẫu để nhận biết các bộ
phận tạo thành mẫu và đặc điểm của mẫu.
- Bước 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh mô phỏng mẫu để tạo ra lời nói của
mình (khuyến khích sự sáng tạo của học sinh).
- Bước 4:Giáo viên hướng dẫn học sinh kiểm tra đánh giá, rút kinh nghiệm
về sản phẩm tiếp nhận hoặc sản sinh ra lời nói qua rèn luyện theo mẫu.
Một số lưu ý:
* Tiêu chuẩn mẫu văn:
- Mẫu được giới thiệu cần đảm bảo tính chính xác, đảm bảo tính tư tưởng
- Mẫu có sự hấp dẫn giúp học sinh hứng thú và sáng tạo khi tạo lập theo
mẫu.
- Mẫu ngắn gọn, chứa đựng nhiều nội dung lý thuyết cần giảng, dễ quan sát.
- Mẫu cần đảm bảo tính thẫm mỹ, đảm bảo việc giáo dục cho học sinh biết
nhìn nhận, thưởng thức và đánh giá cái đẹp một cách đúng đắn.
- Mẫu phải phù hợp với tâm lý học sinh.
- Mẫu phải phù hợp với đối tượng nhận thức trong từng trường hợp cụ thể
* Nguồn mẫu văn:
- SGK, SGV, sách bài tập.
- Sách báo và các tài liệu bên ngoài
- Giáo viên tự viết
- Giáo viên lựa chọn, sửa chữa, nâng cao những bài, những đoạn viết phù
hợp từ những bài tập làm văn của học sinh.
* Phân tích mẫu:

- Vấn đề hệ thống câu hỏi phân tích - tổng hợp được tính toán kỹ lưỡng để
tới mục đích hình thành khái niệm lý thuyết.


- Vấn đề học sinh đọc mẫu, trả lời các câu hỏi và tự hình thành khái niệm lý
thuyết
1.2. Minh hoạ: Minh hoạ cụ thể phương pháp dạy học theo mẫu trong dạy
học phương pháp thuyết minh trong văn thuyết minh:
a. Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích:
* Bước 1: Cung cấp mẫu: Giáo viên cho học sinh đọc kĩ mẫu
BÁNH CỐM
Thuở ban đầu người làm bánh cốm chỉ suy nghĩ đơn giảnlà muốn làm loại
bánh gần giống như bánh chưng, nhưng khác với bánh chưnglà có ngọt. Bởi vậy
nguyên liệu làm bánh cốm cũng là gạo nếp và đậu xanh. Loại gạo nếp làm bánh
cốm là gạo nếp non được chế biến ra dạng cốm, dùng làm vỏ bánh. Nhân bánh
được làm từ đậu xanh và dừa. Cả nhân và vỏ bánh đều được xào lẫn với đường tạo
cho bánh vị ngọt, thơm ngon.
Bánh cốm có ngon hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu chọn nguyên
liệu. Cốm làm bánh phải là cốm già, nếu non quá khi xào với đường sẽ bị nhão
không dùng làm vỏ bánh được. Nếu bánh được làm đúng vào mùa cốm, người ta
thường pha thêm cốm tươi để bánh dẻo và thơm mùi cốm mới. Trước khi xào
đường, cốm được ủkhoảng một giờ đồng hồ. Tiếp đến là làm nhân bánh. Đậu xanh
thường dùng là loại đậu của vùng Thái Bình, Sơn La, Bắc Ninh vì loại đậu này khi
ngâm nước có độ nở vừa phải. Còn đậu xanh của các vùng khác, đặc biệt là đậu
trồng ở khu vực phía Nam, khi ngâm nước nở nhiều, dễ bị thiu, không thể dùng làm
nhân bánh được.
Những người chuyên làm bánh cho rằng chẳng có một công thức cụ thể nào
để làm bánh cốm. Bí quyết để có bánh ngon hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm và thói
quen của mỗi người làm bánh. Ví dụ ở khâu ủ cốm, nhiều người cho rằng khi đặt
tay lên bề mặt cốm cảm giác hết độ dính thì mới đem xào đường. Do vậy tuỳ thuộc

vào điều kiện thời tiết, khí hậu, tuỳ loại cốm, thời gian ủ có xê dịch đôi chút. Khi
xào cốm phải xác định thời gian vừa phải, không kĩ quá làm vỏ bánh bị cứng, hoặc
không quá nhanh, cốm chưa kịp ngấm đường, không để được lâu. Khi xào nhân
cũng vậy, phải xào cho đến khi nước bốc hơi hết, chỉ còn lại đường và đậu dính
quyện vào nhau mới ngon. Bánh cốm làm xong được ướp hương hoa bưởi và một
số vị thuốc bắc hoặc bằng vani, vừa nhanh, vừa tiện.
Hàng Than là một phố chuyên làm bánh cốm của Hà Nội. Ở phố này có tới
hơn 20 cửa hàng bánh cốm với những cái tên gần giống nhau như Ạn Ninh, Ninh
Hương, Anh Ninh, Nguyên Ninh…Có những gia đình nổi tiếng với năm đời làm
bánh cốm. Bánh cốm ở đây đặc biệt bán chạy vào mùa cưới, khi mà các gia đình
của họ nhà trai mua bánh cốm, chè sen, hạt sen…làm đồ ăn hỏi. Bình thường số


lượng bánh cốm làm ra mỗi ngày không nhiều, chỉ vài trăm chiếc, chủ yếu là làm
theo đơn đặt hàng. Và có lẽ người ta theo đuổi nghề này bởi đó là nghề cha truyền
con nối và những người làm bánh cốm không muốn để mất đi một nghề mà tổ tiên
để lại cho họ.
(Theo Tạp chí Việt Nam hương sắc)
*Bước 2: Phân tích đặc điểm của mẫu.
Giáo viên đưa các câu hỏi gợi ý để giúp học sinh tìm hiểu đặc điểm của mẫu.
Có thể chia học sinh thành nhóm nhỏ để các em trao đổi tìm câu trả lời.
(1)

Đối tượng thuyết minh của văn bản là gì ?

(2)Tác giả đã đề cập đến nhiều mặt của chiếc bánh cốm, đó là những mặt
nào? (Học sinh thảo luận theo nhóm trả lời).
*Bước 3: Giáo viên hướng dẫn học sinh dựa vào mẫu vừa phân tích để luyện
viết câu nêu định nghĩa, giải thích về đối tượng thuyết minh.
Học sinh chọn một đối tượng thuyết minh bất kỳ để viết câu định nghĩa theo

mô hình: A là B. Ví dụ:
(1) Ca dao-dân ca là loại tác phẩm trữ tình dân gian…(bài làm của học
sinh)
(2) Văn Miếu Quốc Tử Giám là biểu tượng về truyền thống hiếu học của dân
tộc Việt.
(3) Hà Nội- thủ đô của nước Việt Nam, là một thủ đô văn hiến với bề dày văn
hóa-lịch sử 1000 năm…(bài làm của học sinh)
* Bước 4: Giáo viên hướng dẫn học sinh tự kiểm tra, đánh giá lẫn nhau, rút
kinh nghiệm về câu vừa được tạo lập của học sinh (đối chiếu mẫu):
Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát 3 bài làm của 3 học sinh để nhận xét.
Gợi ý trả lời:
- Mẫu 1: Định nghĩa quá rộng, chưa nêu rõ được đặc điểm riêng của ca daodân ca
- Mẫu 2: Giới thiệu được đối tượng thuyết minh là Văn Miếu Quốc Tử Giám
nhưng vẫn còn chung chung, trừu tượng.
- Mẫu 3: Đã nêu được đối tượng cụ thể để thuyết minh là Hà Nội và nêu khái
quát về vai trò, vị trí và giá trị của Hà Nội: thủ đô nước Việt Nam, thủ đô văn hiến,
bề dày văn hoá- lịch sử 1000 năm.
Kết luận về phương pháp nêu định nghĩa, giải thích cho bài văn thuyết minh:
-

Không nên nêu định nghĩa quá rộng, quá hẹp hay trùng lặp.


-

Không định nghĩa một cách quá trừu tượng, chung chung.
b. Phương pháp liệt kê:
* Bước 1: Giáo viên cung cấp mẫu văn:

“Ta đến Viện Nghiên cứu các bệnh tim mạch, bác sĩ viện trưởng cho biết:

Chất ni-cô-tin của thuốc lá làm các động mạch co thắt lại, gây những bệnh nghiêm
trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim. Có thấy một bệnh nhân
bị tác động mạch chân lên những cơn đau như thế nào, rồi phải cắt dần từng ngón
chân đến cả bàn chân; có thấy những người 40-50 tuổi đã chết đột ngột vì nhồi
máu cơ tim; có thấy những khối ung thư ghê tởm mới nhận ra tác hại ghê ghớm
của thuốc lá…”.
(Ôn dịch thuốc lá- Nguyễn Khắc Viện)
*Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích đặc điểm của
mẫu:
Đọc đoạn văn trên và trả lời câu hỏi:
(1) Đoạn văn trên sử dụng biện pháp gì? Biện pháp đó có tác dụng như thế
nào trong việc diễn đạt nội dung thuyết minh?
(2) Để sử dụng tốt phương pháp liệt kê trong văn thuyết minh, cần phải chú ý
điều gì?
* Bước 3: Thực hành theo mẫu:
Giáo viên yêu cầu học sinh viết đoạn văn (khoảng 3 câu) về đối tượng bất
kỳ, trong đó sử dụng phương pháp liệt kê. Ví dụ về 2 bài làm của học sinh:
(1) Mai rất đa dạng và phong phú, nếu dựa vào màu sắc thì mai sẽ có 4 loại
chính: hoàng mai, bạch mai, thanh mai và hồng mai. Nhưng mai vàng lại là loại
hoa mà tôi thích nhất…
(2) Đời sống của trâu rất đa dạng và phong phú. Trâu có rất nhiều loại: có
con màu đen, có con lại màu trắng, và lại có con màu vàng nữa…
* Bước 4: Nhận xét, đánh giá:
Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát và nhận xét 2 mẫu của 2 bạn:
Gợi ý trả lời:
- Mẫu 1: Chọn đối tượng thuyết minh là 1 loại hoa- hoa mai. Việc liệt kê các
loại khác nhau của hoa mai giúp cho bài viết giàu kiến thức phong phú, thể hiện sự
am hiểu của người viết về hoa mai.
- Mẫu 2: Đối tượng thuyết minh là con trâu, một con vật quen thuộc của nhà
nông. Người viết đã liệt kê các loại trâu khác nhau dựa theo màu sắc da chứng tỏ

trâu cũng có nhiều chủng loại đa dạng.


c. Phương pháp nêu ví dụ:
* Bước 1: Giáo viên cung cấp mẫu:
Ngày nay đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống
thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc lá ở tất cả các nơi công cộng, phạt nặng những
người vi phạm (ở Bỉ từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đôla, tái phạm
phạt 500 đôla).
(Ôn dịch thuốc lá- Nguyễn Khắc Viện).
* Bước 2: Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát, phân tích đặc điểm mẫu:
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc mẫu và trả lời các câu hỏi:
(1) Chỉ ra các ví dụ được sử dụng trong đoạn văn trên và nêu tác dụng của nó
trong việc trình bày cách xử phạt những người hút thuốc lá nơi công cộng?
(2) Khi sử dụng phương pháp nêu ví dụ, cần chú ý những điều gì?
* Bước 3: Thực hành theo mẫu:
Giáo viên yêu cầu học sinh viết đoạn văn ngắn thuyết minh về đối tượng bất
kỳ, có sử dụng phương pháp nêu ví dụ:
Cây lúa đòi hỏi một lượng nước lớn hơn nhiều so với các cây trồng khác.
Việc gieo trồng lúa là một công việc chứa đựng các yếu tố mâu thuẫn tại một vài
khu vực, chẳng hạn tại Hoa Kỳ và Australia, là các khu vực mà việc gieo trồng lúa
chiếm tới 7% tài nguyên nước của các quốc gia này nhưng chỉ tạo ra 0,02% GDP.
* Bước 4: Nhận xét đánh giá:
Giáo viên yêu cầu học sinh quan sát và đánh giá bài làm của bạn:
Gợi ý trả lời: Đối tượng thuyết minh là một loại cây- cây lúa. Đoạn văn sử
dụng phương pháp nêu ví dụ về việc gieo trồng lúa ở Hoa Kỳ và Ausstralia chiếm
tới 7% lượng nước của quốc gia nhưng chỉ tạo ra 0,02% GDP. Qua đó người viết
cho thấy cây lúa sử dụng rất nhiều nước.
d. Phương pháp dùng số liệu:
* Bước 1: Giáo viên cung cấp mẫu:

Sản xuất gạo toàn cầu đã tăng lên đều đặn từ khoảng 200 triệu tấn vào năm
1960 tới 600 triệu tấn vào năm 2004. Gạo đã xay xát chiếm khoảng 68% trọng
lượng thóc ban đầu. Năm 2004, ba quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu là Trung
Quốc( 31% sản lượng thế giới), Ấn Độ( 20%) và Inđônêxia(9%).
* Bước 2: Hướng dẫn học sinh phân tích đặc điểm của mẫu:
Yêu cầu học sinh đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:


(1) Đoạn văn trên cung cấp những số liệu nào? Nếu không có số liệu thì có
thể làm sáng tỏ được vấn đề thuyết minh không?
(2) Khi sử dụng số liệu trong phương pháp thuyết minh, phải chú ý điều gì?
* Bước 3: Thực hành theo mẫu:
Học sinh dựa vào mẫu để viết một đoạn văn thuyết minh có sử dụng phương
pháp trên:
Gạo là nguồn thu nhập và cuộc sống của hàng triệu nông dân trên toàn thế
giới. Họ dùng khoảng 150 triệu hecta hàng năm để trồng lúa, với sản lượng
khoảng 600 triệu tấn. Châu Á là nơi sản xuất và cũng là nơi tiêu thụ khoảng
90%lượng gạo toàn thế giới. Châu Phi gần như toàn bộ 38 nước đều trồng lúa,
song diện tích lúa ở Madagasca và Nigieria chiếm 60% tổng diện tích lúa là 8,5
triệu hecta của châu lục này.
*. Bước 4: Nhận xét, đánh giá:
Yêu cầu học sinh quan sát bài làm của bạn và nêu nhận xét, đánh giá.
Gợi ý trả lời:
- Đoạn văn trên thuyết minh về vai trò của gạo đối với thế giới, nhất là người
nông dân.
- Đoạn văn đã sử dụng số liệu minh hoạ: 150 triệu hecta, 600 triệu tấn, 90%
lượng gạo thế giới được tiêu thụ ở châu Á,38 nước châu Phi trồng lúa, tổng diện
tích là 8,5 triệu hecta, Madagasca và Nigieria chiếm 60% tổng diện tích
- Tác dụng: cung cấp số liệu chính xác, thuyết phục người đọc về sự hiện
diện của cây lúa, vai trò của nó trong đời sống nông dân, nhất là khu vực châu Á,

châu Phi
e. Phương pháp so sánh:
* Bước 1: Giáo viên cung cấp mẫu:
“ Ôn dịch thuốc lá đe doạ sức khoẻ và tính mạng loài người còn nặng hơn
cả AIDS… Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm
nhấm như tằm ăn dâu”.
( Ôn dịch thuốc lá- Nguyễn
Khắc Viện)
* Bước 2: Hướng dẫn học sinh quan sát và phân tích đặc điểm của mẫu.
Học sinh đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:
(1)

Đoạn văn trên sử dụng phương pháp gì? Tác dụng của phương pháp

(2)

Muốn sử dụng phương pháp này có hiệu quả phải lưu ý điều gì?

đó?


* Bước 3: Thực hành theo mẫu:
Yêu cầu học sinh viết đoạn thuyết minh về một đối tượng bất kỳ, có sử dụng
phương pháp so sánh:
Hàng ngàn hòn đảo ở Hạ Long với muôn dáng vẻ khác nhau như những viên
ngọc bích long lanh đính trên chiếc khăn voan xanh biếc. Từ trên cao nhìn xuống,
Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ, sống động với những tác phẩm tạo
hình tuyệt mĩ của tạo hoá ( Bài làm của học sinh)
* Bước 4: Nhận xét đánh giá:
Yêu cầu học sinh đọc đoạn bài làm của bạn và nhận xét

Gợi ý trả lời:
- Đoạn văn thuyết minh về vịnh Hạ Long
- Đoạn văn đã sử dụng phương pháp so sánh: so sánh hàng ngàn hòn đảo với
những viên ngọc bích đính trên chiếc khăn voan xanh biếc; so sánh Hạ Long với
bức tranh thuỷ mặc khổng lồ, sống động.
- Tác dụng: làm cho đối tượng thuyết minh trở nên thơ mộng, gần gũi với
con người, làm nổi bật vẻ đẹp của kỳ quan thiên nhiên thế giới- Hạ Long.
2. Phương pháp dạy thực hành về “ Phương pháp thuyết minh”
Giờ dạy thực hành về phương pháp thuyết minh là việc soi sáng, củng cố lý
thuyết về phương pháp thuyết minh mà học sinh đã được học trước đó, đồng thời
cũng là lúc các em được hình thành và rèn luyện những kĩ năng tạo lập văn bản
thuyết minh theo những phương pháp đã học .
Giờ thực hành về phương pháp thuyết minh được tiến hành theo 3 bước:
2.1. Bước 1: Xác định nội dung lý thuyết.
- Học sinh nắm được các phương pháp thuyết minh cơ bản .
- Nắm được đặc điểm, cách làm, tác dụng của mỗi phương pháp thuyết
minh.
- Vận dụng kiến thức về các phương pháp trong các bài cụ thể.
2.2. Bước 2: Luyện tập dựa trên cơ sở lý thuyết.
Giáo viên xây dựng hệ thống bài tập theo ba mức độ: nhận biết, thông
hiểu, vận dụng (dựa trên nội dụng lý thuyết)
a.

Kiểu bài nhận biết:

Đọc đoạn văn thuyết minh sau và cho biết người viết đã sử dụng các
phương pháp thuyết minh nào?


Khu di tích đền Hùng gồm đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, lăng vua

Hùng thứ 6, đền Giếng ở phía Đông Nam dưới chân núi Nghĩa Lĩnh( vì trong đền
có Giếng Ngọc, nơi công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là hai con gái của vua
Hùng thứ 18 thường soi giếng để chải tóc, vấn khăn , nên gọi là đền Giếng).
Gợi ý trả lời: Đoạn văn sử dụng phương pháp liệt kê, giải thích.
b.

Kiểu bài thông hiểu:
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi nêu bên dưới:
CẢNH BÁO TỪ NƯỚC NGỌT CÓ GAS

Một nghiên cứu mới đây trên báo Cancer Epidemiology đã kết luận, uống
nhiều nước ngọt có gas sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tuỵ. Nghiên cứu được
thực hiện trên 648.387 người Trung Hoa cư trú ở Singapore, được theo dõi trong
14 năm, tất cả đều tiêu thụ 2 lon nước ngọt có gas hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Và
hầu hết đã bị tăng 87% nguy cơ ung thư tuyến tuỵ. Nước ngọt có gas có mật độ
đường cao làm tăng mức insulin trong cơ thể, điều này góp phần vào sự phát triển
tế bào ung thư tuyến tuỵ.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy sự liên quan giữa việc
uống nước trái cây và các triệu chứng ung thư tuyến tuỵ. Bởi vì nước trái cây có ít
chất đường, nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chúng ta lại ít dùng loại này so với
nước ngọt có gas.
Ung thư tuyến tuỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 đối với cả nam lẫn
nữ, chiếm 6% các bệnh ung thư liên quan đến tử vong …
Để bảo vệ sức khoẻ, tránh uống nước ngọt có gas hoặc uống ít hơn 2 lon
mỗi tuần để ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tuỵ. Nên ăn nhiều
trái cây và cà chua. Uống vitamin C và E không có tác dụng giảm nguy cơ ung thư
và có thể phản tác dụng. Bác sĩ chỉ khuyên bệnh nhân dùng nước ngọt có gas sau
khi phẫu thuật, do sự tác động của khí carbonic trong nó lên lưỡi và thực quản
giúp kích thích dạ dày, gây ra động tác “ợ”.
( Báo Thanh Niên)

-

Văn bản trên có phải là văn bản thuyết minh không? Vì sao?

-

Văn bản trên đã sử dụng những phương pháp thuyết minh nào?

-

Em rút ra được kinh nghiệm gì khi sử dụng các phương pháp thuyết minh?

Gợi ý trả lời:
- Văn bản trên là văn bản thuyết minh vì nó cung cấp cho người đọc nhiều
tri thức khoa học khách quan về những tác hại của nước ngọt có gas, từ đó giúp
người đọc có sự hiểu biết để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và cho những người
xung quanh.


-Văn bản trên đã sử dụng nhiều phương pháp thuyết minh khác nhau: so
sánh, nêu số liệu, giải thích…
-Có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh trong một văn
bản thuyết minh. Các phương pháp sẽ làm cho đối tượng thuyết minh được trở nên
rõ ràng, có sức thuyết phục đối với người đọc( nghe)
c.

Kiểu bài vận dụng:

Giáo viên đưa ra đề bài cho học sinh tiến hành luyện tập:
Đề bài: Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông

Dựa vào kiến thức lý thuyết chung về dạng bài thuyết minh về loài vật,
học sinh trao đổi với nhau để lập dàn ý chi tiết cho bài thuyết minh về con trâu.
Mở bài: Giới thiệu chung về con trâu: một con vật rất quen thuộc trong đời
sống, công việc của người nông dân Việt Nam từ xưa tới nay.
Thân bài:
-

Đặc điểm chung của loài trâu

-

Những bộ phận cơ thể đặc trưng nhất .

-

Tập tính sinh trưởng của loài, quá trình tiến hoá.

-

Cách nuôi dưỡng, chăm sóc

-

Lợi ích, giá trị, ý nghĩa của loài vật đó trong đời sống con người.
Kết bài: Nhấn mạnh ý nghĩa của loài vật đó đối với con người

Sau khi tạo lập dàn ý chi tiết,học sinh viết các đoạn văn để tạo văn bản hoàn
chỉnh sao cho đúng yêu cầu đã nêu ra. Chú ý các em khi viết phải kết hợp nhiều
phương pháp thuyết minh.
Bài viết của học sinh:

Con trâu là con vật rất quen thuộc, thân thiết, gắn bó với nhân dân ta. Nó
giúp người nông dân Việt Nam trong lao động và sản xuất. Chính vì thế mà
cha ông xưa vẫn đánh giá nó là “đầu cơ nghiệp” đối với nhà nông.
Trâu thuộc lớp động vật nhai lạivà rất dễ nuôi. Nó mang lại cho nhân dân
nhiều lợi ích. Con trâu có bộ lông màu đen hoặc xam xám. Đôi khi cũng có con
màu trắng nhưng rất ít. Nó đi bằng bốn chân, nó thích nghi với cả môi trường
nước và cạn. Đầu nó đặc biệt với chiếc mồm nhô ra, hàm răng khoẻ như một chiếc
máy nghiền. Đôi mắt to. Đặc trưng nhất là đôi song dài cong cong, cứng cỏi, vừa
hiên ngang vừa nặng nề, vướng víu. Tuy nó sống trên cạn nhưng khi trời nắng, nó
thường tới những nơi có nước để ngâm mình.


Hai chân trước của nó ngắn hơn hai chân sau, mỗi chân gồm hai móng. Ở
giữa là khối thịt đệm nhỏ để bảo vệ cặp móng. Khi trâu ăn, lưỡi trâu đảo thức ăn
qua lại. Hai hàm nghiến rào rạo, trông vừa ngon lành vừa khoẻ khoắn. Đây là loài
nhai lại nên gần như lúc nào ta cũng thấy chúng ăn. Lúc vội vã thì ăn qua quýt, lúc
thư thả thì nhai lại chậm rãi, nghiền ngẫm. Bộ da trâu rất cứng và dày, vừa để
tránh rét khi lạnh, tránh nắng khi nóng, vừa để bảo vệ nó nữa. Mỗi năm trâu cái
sinh một con. Thú vị nhất là ở chỗ, mẹ được gọi là trâu nhưng con lại gọi là nghé.
Trâu có rất nhiều lợi ích trong sản xuất và lao động đối với nông dân. Nó là
sức kéo chủ yếu giúp nhà nông cày, bừa, thu hoạch. Ngày nông nhàn cũng chả
thiếu việc , nó chở gỗ, gạch, ngói…để xây nhà. Rồi trăm nghìn công việc khác. Nó
giúp con người giảm bớt công sức lao động. Nó cho con người nguồn thực phẩm
thịt, sừng và da làm hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Nó luôn gần gũi, thân thiết với
người lao động. Trâu không giống bò, nó không cho sữa nhưng nó mạnh hơn, khoẻ
hơn. Trâu giúp người dân nhiều lợi ích nên người ta rất yêu quý nó. Tình cảm của
người nông dân đối với nó thật là tha thiết bởi lòng biết ơn và yêu quý như người
thân.Từ xưa cha ông ta đã biết nói với con trâu:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

Và họ đã thể hiện tấm lòng yêu quý và chung thuỷ với con trâu:
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Hiện nay tuy nước ta có nền nông nghiệp đã được kết hợp với máy móc hiện
đại nhưng trâu vẫn là con vật thân thuộc đối với mọi người. Nó là hình ảnh đã đi
sâu vào tình cảm của người dân Việt Nam. Hình ảnh của nó có trong ca dao, dân
ca và cả trong các loại hình nghệ thuật khác.
*Nhận xét, đánh giá:
Người viết đã cho người đọc những hiểu biết về loài trâu với nhiều thông
tin, chính xác, khách quan và cũng rất thú vị.
Bài làm đã sử dụng một số phương pháp thuyết minh: định nghĩa, so sánh,
liệt kê…
2.3. Bước 3: Nhận xét, đánh giá:
a. Ưu điểm:
- Các vấn đề đưa ra tuân thủ theo mức độ từ dễ đến khó và phù hợp với nội
dung lý thuyết.


- Rèn được cho HS kỹ năng nhận diện, phát hiện và luyện viết văn thuyết
minh.
- Các em học sinh không bị nhầm lẫn giữa các phương pháp và vận dụng khá
thành thạo trong bài viết của mình.
- Ở kiểu bài nhận diện, phát hiện, đa số các em tìm và gọi tên đúng các
phương pháp thuyết minh và nêu được tác dụng của chúng.
- Ở kiểu bài vận dụng, các em biết vận dụng tổng hợp các kiến thức về văn
thuyết minh để làm bài như: tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý, viết đoạn…
- Cũng có nhiều bài làm của học sinh tương đối công phu trong việc tìm tòi
tài liệu, không bị nhầm sang các phương thức biểu đạt khác.
b. Hạn chế:
- Một số bài của học sinh còn chưa biết sắp xếp theo trình tự hợp lý nên bài

thuyết minh còn lan man, trùng lặp.
- Học sinh giỏi và học sinh xuất sắc chưa thực sự được phân loại.
IV. KIỂM NGHIỆM
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát chất lượng bài làm của một số lớp khối 10- trường
THPT Hà Trung - Thanh Hoá sau khi tổ chức thực hiện giải pháp vấn đề trên như
sau:

Lớp
10 G
42 HS
10 Đ
45 HS
10 I
40 HS

0-5điểm

5-6,5điểm

6,5- <8điểm

8-10điểm

SL

%

SL

%


SL

%

SL

%

2

4,8

16

38,1

20

47,6

4

9,5

5

11

17


37,8

20

44,5

3

6,7

3

7,5

17

42,5

15

37,5

5

12,5


KẾT LUẬN
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động học tập

của học sinh là một quá trình lâu dài. Không thể ngày một, ngày hai mà đông đảo
giáo viên từ bỏ được kiểu dạy học truyền thụ kiến thức theo kiểu tiếp thu thụ động
đã quen thuộc từ trước. Việc phát triển các phương pháp dạy học tích cực đòi hỏi cả
thầy và trò phải tìm hiểu, nghiên cứu, phải mất nhiều thời gian, công sức hơn, nghĩa
là phải làm việc nhiều hơn. Ví dụ như để hướng dẫn học sinh cách nắm bắt phương
pháp nói chung và phương pháp thuyết minh nói riêng, người giáo viên phải tìm
hiểu, nghiên cứu về phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả tốt nhất.
Trước hết giáo viên phải cung cấp cho học sinh những mẫu cụ thể để qua
mẫu các em hình dung đến những yêu cầu về phương pháp thuyết minh phù hợp
với đối tượng. Giáo viên cũng cần có phương pháp phân tích mẫu để hình thành
cho học sinh khái niệm lý thuyết. Từ lý thuyết được tiếp nhận, người giáo viên
cũng cần được quan tâm đến quá trình thực hành luyện tập của các em để qua đó có
những sự tự đánh giá về hiệu quả giảng dạycách vận dụng phương phápthuyết minh
phù hợp với đối tượng. Chính sản phẩm, bài viết của các em là căn cứ đẻ người
giáo viên đánh giá phương pháp giảng dạy của mình. Từ đó có thể rút được kinh
nghiệm quý báu trong quá trình giảng dạy văn thuyết minh nói riêng và giảng dạy
Tập làm văn nói chung.
Bên cạnh đó, trong thực tiễn, việc áp dụng phương pháp dạy học sinh cách
nắm bắt và vận dụng phương pháp thuyết minh trong văn thuyết minh là yêu cầu
cần thiết được đặt ra. Nếu người giáo viên hình thành được cho học sinh kĩ năng
vận dụng phương pháp thuyết minh hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho các em viết tốt
bài tập làm văn thuyết minh. Từ đó khắc phục được một trong những điểm còn hạn
chế trong việc viết bài của học sinh là viết lan man, thiếu ý hoặcn đối tượng thuyết
minh chung chung, thiếu độ tin cậy, khách quan…
Như vậy, để nâng cao chất lượng học tập làm vănnói chung và văn thuyết
minh noí riêng cho học sinh, người giáo viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy,
tìm ra những cách dạy đổi mới, hiệu quả. Đặc biệt, đối với kiểu văn bản mới đưa
vào chương trình là văn thuyết minh thì người giáo viên càng cần học tập và nghiên
cứu để rút ra những điều cần thiết, bổ ích cho hoạt động dạy học của mình. Người
giáo viên cần ý thức được rằng, để học sinh có thể tạo được một bài văn thuyết

minh thì người giáo viên cần phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải làm
thay cho học sịnh. Chính vì vậy, cần hình thành cho học sinh các kĩ năng cần thiết
khi viết bài tập làm văn thuyết minh để đảm bảo cho các em có thể vận dụng linh
hoạt vào các dạng bài văn thuyết minh khác nhau.
Trong quá trình thực hiện đề tài này, do điều kiện thời gian có hạn, mà vấn
đề khá phức tạp, bản thân chỉ giải quyết được một phần nào đó của vấn đề, đề tài


đưa ra. Tôi rất mong nhận được những lời đóng góp của bạn bè, đồng nghiệp để
cùng tiếp tục suy nghĩ hoàn thiện với mục đích góp phần vào việc đưa chất lượng
dạy học Làm văn ở trường THPT đạt kết quả tốt hơn.
Trên đây là một vài ý kiến kết luận và đề xuất. Chúng tôi rất mong sự đóng
góp quý báu của các đồng nghiệp để đề tài của chúng tôi hoàn thiện tốt hơn.
Xin chân thành cảm ơn !
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 20 tháng 5 năm 2016

Tôi xin cam đoan đây là sáng kiến
kinh nghiệm của mình viết, không
sao chép nội dung của người khác.

Phạm Thị Nam


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.

SGK và SGV Ngữ Văn 10, NXB Giáo dục, năm 2006.


2.

Thiết kế Ngữ Văn 10, NXB Giáo dục, năm 2008

3.

Phương pháp dạy học Ngữ văn tập 1,2- Phan Trọng Luận, NXB ĐHSP 2007

4.

Phương pháp dạy học Ngữ văn- Nguyễn Viết Chữ- NXB ĐHSP

5.

Thực hành Làm văn lớp 10- Lê A- NXB Giáo dục, năm 2009

6.
Kinh nghiệm viết một bài văn- Nguyễn Đăng Mạnh - NXB Giáo dục, năm
2007
7.
Hoá

Một số bài làm văn của học sinh lớp 10 Trường THPT Hà Trung- Thanh



×