Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

NGHĨ VỀ VIỆC DẠY, HỌC VÀ THI VĂN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (98.96 KB, 5 trang )

NGHĨ VỀ VIỆC DẠY, HỌC VÀ THI VĂN

· HOÀNG PHƯƠNG (thực hiện)
Phóng viên (PV): - Thưa thầy Túc, có thể nói chuyện thi Văn bấy nay
đã nghiêm túc đặt ra vấn đề cho cả xã hội, cho ngành giáo dục về việc
thi, việc ra đề, việc xây dựng chương trình dạy và học, về quan niệm bộ
môn Văn trong hệ thống giáo dục quốc dân. Là một thầy giáo dạy Văn
lâu năm, từng phụ trách Tổ Văn của trường chuyên Hà Nội -
Amsterdam, xin được hỏi chuyện thầy về những vấn đề này.

Thầy giáo VŨ XUÂN TÚC (VXT): - Càng ngày càng thấy chuyện môn
Văn không dừng lại ở một bộ môn nữa rồi. Môn Văn đã trở thành nỗi bức
xúc của xã hội, có liên quan đến cái tổng thể, quan hệ trực tiếp đến chất
lượng dạy người như thế nào.

Tôi có theo dõi loạt bài viết về chuyện thi Văn trên Văn nghệ Trẻ. Chắc
không phải vô tình, Văn nghệ Trẻ cũng đã giới thiệu những đề thi Văn của
nước ngoài.
Thực ra trước đây người ta cũng có xới lên những vấn đề chung quanh môn
học này. Nhưng việc xới lên đó chưa được triệt để, chưa có cái nhìn toàn
diện, chưa huy động được toàn bộ xã hội vào cuộc. Đặc biệt là những người
có trách nhiệm, những người lãnh đạo giáo dục, lãnh đạo Bộ, các sở, các
trường, các thầy giáo, kể cả học sinh là đối tượng mà giáo dục hướng tới.
Cần phải cho họ tham gia một cách tích cực và dân chủ vào việc đóng góp ý
kiến, để từ đó tạo nên bước ngoặt thật sự cho môn Văn trong chương trình
giáo dục phổ thông nước mình ...

PV: - Vấn đề được đặt ra trong một bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo
cũng đang triển khai công việc xây dựng Chiến lược giáo dục 2008-
2020 ...


VXT: - Một sự việc xảy ra một cách bất ngờ. Nhưng từ đó làm loé lên
những vấn đề của cả một quá trình từ nhiều năm rồi. Tất nhiên không phải
sau đây, năm sau chẳng hạn người ta sẽ làm tốt hơn nhiều, căn bản tốt hơn.
Nhưng ít ra chúng ta cũng mong đợi rằng sẽ có sự chuyển động mà sự
chuyển động trong ý thức mới là quan trọng. Việc làm cụ thể thì đôi khi phải
cân nhắc lộ trình như thế nào cho phù hợp. Nó liên quan đến cả bồi dưỡng
đội ngũ nữa.

PV: - Thưa, cần phải bắt đầu từ câu chuyện nhận thức…

VXT: - Nhận thức để cùng nhau làm. Trong việc đi tới nhận thức, cần phải
gạt bỏ những yếu tố cá nhân, cần coi đây là trách nhiệm cộng đồng. Có như
vậy mới không vướng víu, không né tránh. Nếu vì học sinh mà có xảy ra
hiểu nhầm này khác, thì cũng phải chấp nhận. Vấn đề cốt lõi là phải thực sự
vì học sinh.

PV: - Nếu so sánh cách ra đề thi môn Văn của ta với cách ra đề thi của
nước ngoài, thầy có ý kiến gì?

VXT: - Kiểu ra đề Văn của mình từ trước đến nay có một chỗ mà xem ra có
vẻ như chấp nhận được là bám vào những gì học sinh đã được dạy, đã được
học. Do đó, khi đi thi, học sinh dễ có cảm giác thế này: các thầy không đánh
đố mình. Đó là cái chỗ mà gọi là được thì chưa hẳn đã là được nhưng cái nếp
quen rồi . Còn cách ra đề của bạn, như Văn nghệ Trẻ đã giới thiệu, dễ gây
cho người ta cảm giác: thì ra bao nhiêu công dùi mài kinh sử, hàng 12 năm
trời chả áp dụng được gì vào cái kì thi ấy cả. Thậm chí có những học sinh
không cần học hết 12, mới học lớp 10, 11 có khi là cũng làm được. Nhưng
cách ra đề này lại có những cái được khác. Theo tôi, cách làm của người ta
rất đáng để mình lưu ý.


Ở ta, ra đề theo kiểu "truyền thống", thì học sinh có vẻ yên tâm. Thầy cũng
có vẻ yên tâm là mình có dạy, và nếu học sinh có học thì có thể làm được bài
theo kiểu đánh giá của mình. Nhưng cách làm đó thực chất là hạn chế, thậm
chí loại trừ sự chủ động sáng tạo, loại trừ cái tạo nên phong cách sống của
học sinh để trở thành con người thời hiện đại. Kiểu ra đề thi như thế là kiểu:
cái gì thầy đã cho mình thì mình trả lại gần như nguyên xi như thế. Nó
không những không hơn gì kiểu thi cử thời phong kiến ngày xưa, mà còn
kém hơn ở chỗ: ngày xưa nội dung thi cử của các cụ còn có chỗ đòi hỏi thí
sinh phải vận dụng kiến văn của mình để xử lý những tình huống cụ thể.

Theo tôi, vấn đề của chúng ta là: phải hướng tới cách ra đề thi mở, cần
những kiểu ra đề thi khác với đề thi bây giờ. Nhưng để làm được điều này
thì cần phải có lộ trình, tiến hành từng bước một. Và học sinh phải được
chuẩn bị, phải được chuẩn bị thật sự để đi theo cái hướng này. Bộ Giáo dục
cần công bố trước định hướng cách ra đề, công bố rằng sẽ thi theo kiểu như
thế, để từng bước thầy và trò được làm quen. Phải có những công trình
nghiên cứu hẳn hoi để chứng minh rằng nếu tôi ra đề theo kiểu mới như thế
thì tôi sẽ huy động được những gì thầy đã dạy, trò đã học...

Để tạo ra được một sự chuyển biến trong cách dạy, cách học thông qua việc
ra đề thi như thế, cần tham khảo cách làm của các quốc gia có nền giáo dục
tiên tiến. Nhưng không phải chỉ có thế, môn Văn có thể tham khảo ngay
cách học, cách ra đề của các bộ môn bạn (bộ môn Toán chẳng hạn) để xem
xem có những điểm gì có thể tham khảo và học tập được. Hơn thế nữa, cần
phân biệt thật rõ: một đề thi học sinh giỏi Văn khác với một đề thi Văn tốt
nghiệp phổ thông hoặc một đề thi Văn tuyển sinh đại học. Nếu không cẩn
thận, đề tuyển sinh đại học theo cách làm 3 chung như hiện nay sẽ cuốn theo
cái hướng đi tìm học sinh có năng khiếu Văn, chứ không phải học sinh có
năng lực học đại học nói chung.


PV: - Xin được quay trở lại với kiểu ra đề thi Văn quen thuộc ở ta lâu
nay: khuôn đề thi vào vài chục tác giả, vài chục tác phẩm quen thuộc.
Học trò, để được điểm, thì phải nói theo thầy, nói theo không phải một
mà đến hàng trăm ông thầy mới đúng được đáp án. Mà những tác
phẩm, những tác giả thuộc vùng ra đề thì luôn là chuyện cũ, người xưa.
Văn chương, tất nhiên không phải mọi cái đã có đều là xưa, đều là cũ,
nhưng tựu chung chúng ta vẫn bắt học trò chú mục vào những cái đã
có, không tạo điều kiện cho học trò đối diện với hiện tại và hướng tới
tương lai, trong khi đề thi Văn của họ thì làm được việc này...

VXT: - Cái kiểu ra đề của nước ngoài, như Văn nghệ Trẻ đã giới thiệu, nó
buộc học sinh phải học: anh học xưa tốt, nhưng anh luôn luôn phải quan tâm
đến những vấn đề của hiện tại, tức là anh thực sự học làm người.

Tôi vẫn nói với học trò như thế này: học Văn, trước hết là học làm người.
Càng hiểu cuộc sống bao nhiêu thì càng có điều kiện hiểu Văn bấy nhiêu.
Càng hiểu Văn được bao nhiêu thì càng có điều kiện để sống tốt hơn. Tôi
dạy nhiều thế hệ học sinh chuyên Văn và có khuyên các cháu như thế. Tất
nhiên mong muốn là một chuyện, còn có thực hiên được hay không thì lại là
chuyện khác. Tôi thường nghĩ: cái đích của môn Văn nói chung là môn học
chủ lực để mà dạy học sinh làm người. Cho nên có những bài thầy trò chúng
tôi dành nhiều thì giờ để nói chuyện với nhau về những vấn đề của cuộc
sống liên quan tới bài học. Tôi cho rằng trong những trường hợp cụ thể của
những giờ Văn cụ thể, cái đó có lợi hơn là dạy cho học sinh rằng bài thơ này
cần nắm được giá trị như sau: một là, hai là, ba là…Tất nhiên không phải bài
nào cũng thế, nhưng có những bài như thế.

Từ đó mới thấy rằng: thi Văn nói chung là phải nhắm cái đích định hướng
cho việc dạy và học làm người, chứ không phải là thi nhằm cái đích kiểm
tra xem đã học sinh nhắc lại được những gì từ những điều ông thầy đã nói,

đã viết. Hai cái đó, hai quy trình rất khác nhau, hai quan điểm rất khác nhau.
Nói chuyện thi cử, lại nhớ những cuộc thi Học sinh thanh lịch của trường
tôi. Trong một cuộc thi như thế, tôi là một trong mấy thầy cô được phân
công làm Giám khảo. Trong phần thi "ứng xử" của cô học sinh là con một
nhà báo nổi tiếng, thay vì những câu hỏi kiểu: "Theo em thì cái nết có đánh
chết cái đẹp hay không?" - kiểu câu hỏi giống như một cô phóng viên hỏi
một chiến sĩ Trường Sa: "Đồng chí sống ở Trường Sa thì phải nhớ quê lắm
nhỉ?" (Cười rất to!!!), tôi ra tình huống kiểu khác: "Trước mặt chúng ta là
một bộ ấm chén, một hộp trà, một phích nước. Em hãy pha trà, mời nước các
thầy cô trong Ban Giám khảo". Đơn giản thế thôi…

PV: - Nhân đây xin thầy kể cho nghe một vài kỷ niệm về việc dạy văn
và học văn…

VXT: - Chẳng hạn, có cái chuyện thế này… Ngày ấy, tôi dạy học ở Hà
Bắc… thời chiến tranh… Tôi thấy các thầy cô thường chủ quan trong việc ra
đề, chấm bài, chữa bài cho học sinh. Đại khái, cứ nghĩ rằng với cái đề này
thì rất cần phải làm theo như thế này mới là đúng. Tôi rủ mấy thầy cô trong
tổ Văn: anh em ta cùng thử làm một bài văn với cái cái đề này, xem chúng ta
có gặp nhau ở điểm nào không. Kết quả: trong bài làm của anh em chúng tôi
có rất nhiều ý khác nhau. Tôi không nói bài làm của ai là đúng, của ai là sai.
Tôi chỉ muốn chứng minh là chính chúng ta - những người dạy học sinh, ra
đề cho học sinh, chấm bài cho học sinh… mà chúng ta còn lệch nhau…

Trong rất nhiều trường hợp, khi ra đề cho học sinh trên lớp, khi học sinh làm
bài, tôi cũng ngồi thử làm. Và nhận ra rằng: chính mình, trong 2 tiết, làm ra
một bài văn cũng không hề dễ dàng, nhiều trường hợp cũng không hơn gì
học trò! Đấy là mình là người ra đề, biết rõ yêu cầu của người ra đề! Lẳng
lạng thu bài của học sinh. Khi trả bài, việc đầu tiên, tôi thú thực với học sinh
là thầy cũng làm bài cùng với các em nhưng thầy không làm xong, để cho

học sinh thấy, thầy đánh giá rất công bằng.
Có lẽ chúng ta cũng nên kể cho nhau nghe xem một số nước họ dạy Văn
như thế nào, họ học Văn và thi Văn như thế nào? Cán bộ giáo dục của ta đi
tham quan, học hỏi nước ngoài có ít đâu?! Kể cả các nước tưởng như không
có truyền thống về văn chương như Singapore chẳng hạn, vậy mà họ vẫn có
môn Văn. Vậy môn Văn của họ có gì?

Càng ngày càng thấy cần phải dạy sao cho học sinh học được cách làm
người - chủ động, sáng tạo và nhân văn. Điều này là đúng, nhưng mà khó,
rất khó. Chính vì khó như thế cho nên cần phải huy động nhiều công sức,
tâm trí của rất nhiều người. Có làm được như thế, thì việc “mỗi ngày học
sinh đến trường là một ngày vui” mới trở thành hiện thực. Có làm được như
vậy, thì giờ học Văn mới không còn là nỗi khiếp sợ, không còn là sự nhàm
chán, mới trở thành giờ học mà các em chờ đợi, đón đợi. Một giờ Văn vừa
có điểm chung với những giờ Toán, nhưng đồng thời lại có cái khác với một
giờ Toán.

PV: - Xin cảm ơn thầy!

×