Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Nghĩ về nghề dạy học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (82.52 KB, 2 trang )

Ngày 20/11 – Nghĩ về nghề dạy học
Qua bao lận đận của cuộc mưu sinh, đặc biệt là những tháng năm bao cấp đói nghèo, cho đến
cả bây giờ, cuộc sống thầy trò đã khá hơn lên cùng sự phát triển chung của đất nước, cái đạo lý thầy
- trò với truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn được người Việt Nam ta ủ giữ rất thiêng liêng, mà hễ có
điều kiện là nó bùng dậy một cách mãnh liệt. Tình cảm ấy như một khoảng trời trong xanh mà dẫu
giông tố bão bùng cũng không thể làm nhạt phai đi được. Chính vì yêu cái chữ mà người dân Việt
chúng ta quý trọng vô cùng những người làm nghề dạy học. Một nghề nghiệp mà cho dù hoàn cảnh
cuộc đời chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, cũng chẳng ai cho phép mình u sầu,
bất mãn trước học trò. Bước lên bục giảng, trước bao nhiêu ánh mắt trong veo, chờ đợi của học trò,
người thầy cơ hồ như quên đi tất thảy những nỗi niềm riêng tư cho dù trong đời làm nghề ai cũng
gặp những học trò hư. Nhưng cái chân lý "một con sâu làm rầu nồi canh" được người thầy cảm nhận
rất rõ, và vì vậy, đôi ba em học trò hư ấy không dễ gì đánh mất niềm tin về cả một thế hệ tương lai
trong lòng người thầy giáo.
Có một thuở nhiều ý kiến cho rằng: không nên ví nghề dạy học như người đưa đò cho khách
sang sông vì nghe nó phũ phàng quá. Nhưng tri thức dân gian đúc kết từ chiêm nghiệm của muôn
mặt đời thường, nó vẫn có cái lý riêng của nó. Người chèo đò tận tuỵ với mỗi chuyến đò đầy cùng
bao nhiêu khách sang sông ai mà nhớ hết. Nhưng ai đã từng một đôi lần trong cuộc đời mình đi qua
đò, mới ngộ ra rằng: khách lại nhớ rất rõ gương mặt người chèo đò trên bến sông ngày ấy. Nghĩa là,
thật sự có sự tương đồng rất rõ trong đặc điểm nghề nghiệp của người thầy và người chèo đò: tiếp
xúc với số đông liên tục hết chuyến đò này đến chuyến đò kia cũng như với hết thế hệ học trò này
đến thế hệ học trò kia. Dù đông nhưng cả hai nghề này lại có thêm một tương đồng là vô cùng thầm
lặng, vô cùng tận tuỵ. Tận tuỵ trong từng bước chân để khách bước xuống đò, tận tuỵ trong từng
nhát chèo khua trên sông nước. Chỉ cần một chút lơ là, khách có thể chưa bước lên đò đã ngã bùm
xuống nước. Lỡ tay để đò chao là tội lỗi một đời nghề. Dìu con đò bình yên qua bến sông rồi vẫn tận
tuỵ để dìu từng bước chân người bước lên bờ bên kia cho vô sự. Đắm chuyến đò đi là luỵ một đời
nghề.
Rồi đây nữa, nghề dạy học còn được ví như một nông dân cần mẫn, lầm lụi và chịu đựng:
"Các em mở ra những trang sách ruộng đồng
Tôi cúi xuống gieo vào hạt chữ
Có giọt mồ hôi và dấu tay mình ấp ủ
Lặng thầm nói với mai sau


Mải miết đôi tay đầy bụi phấn trắng phau
Như nhà nông bốn mùa lấm láp
Viên phấn tự mất đi để đâm chồi sự thật" (Đoàn Vị Thượng).
Sự ví von này lại cũng có cái lý của nó mặc dù hai nghề nghiệp này có đặc điểm hoàn toàn
khác nhau. Nhưng có sao đâu, dù nghề gì, muốn tinh cũng cần sự tận tuỵ, dù có là lao động giản đơn
hay phức tạp cũng phải "nhất nghệ tinh" mới "nhất thân vinh". Chính cái hết lòng, cái lặng thầm, cái
bụi phấn lấm láp như bùn đất kia đã khiến nghề nông rất gần với nghề giáo. Hơn thế nữa, nghề nông
gắn liền với hạt giống, với ươm mầm, đó chính là cái "hạt chữ" mà người thầy giáo gieo ngay trên
trang giấy trắng với những nét mực đen, và gieo cả vào trang vở lòng trắng trinh của lớp lớp học trò.
Có lẽ chính từ mối liên tưởng gieo mầm, ươm giống, làm nên những chồi xanh hi vọng ấy mà Hồ
Chí Minh từng khái quát "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng
người" như một chân lý vĩnh hằng.
Cái thời bao cấp khó khăn, nghề dạy học là một nghề nghiệp nghèo nhất trong những nghề
cần tri thức. Nhưng đâu phải như các nghề khác, chỉ cần có tri thức là đủ, người thầy lại cần có tấm
lòng. Giữ được lòng mình trong sáng, giữ được Phẩm - Hạnh - Thầy trong cái đói dằn vặt hàng đêm,
chính là thử thách lớn lao đối với người thầy. Khoảng thời gian ấy, đã có không ít những chuyện
tiếu lâm đau lòng về cái nghèo của người thầy giáo. Nhiều đồng nghiệp bỏ nghề để chạy theo một
nghề nghiệp khác dù trong lòng cứ nuối tiếc mông lung. Chính lúc thử thách này, người thầy lại
được ví như người lính:
"Cái bục giảng không cao nhưng đã có một đôi người vấp té
Viên phấn của lòng mình không giữ nổi trên tay
Buông thả đấy rồi những ngón loay hoay
Sẽ mỏi mòn đi và rơi rụng
Như người lính không tự cầm lấy súng
Vách chiến hào đâu phải dễ ấm lưng" (Đoàn Vị Thượng).
Vâng. không "dễ ấm" chút nào nếu vì khó khăn mà tự buông vũ khí. Ở đây có mối liên tưởng
giữa viên phấn và viên đạn. Và chính mối liên tưởng này nẩy ra cái ví von thú vị ấy: người thầy
buông phấn trong lúc khó khăn này chẳng khác gì người lính tự buông súng ngay giữa trận tiền.
Những năm học gần đây, toàn ngành giáo dục đang tham gia vào cuộc vận động "Nói không
với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" ở các trường học nói chung, từ năm học

2007-2008, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tiếp tục bắt tay vào thực
hiện cuộc vận động "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội"nhằm
chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Năm học 2009-2010 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là
năm học tập trung cho chủ đề: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo
nhu cầu xã hội”.
Đối với thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hưởng ứng cuộc vận động này chẳng có gì
khác hơn là ngẫm lại đặc điểm nghề mình để lòng mình trong sáng, tự mình đổi mới phương pháp
dạy học, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục để góp phần vào sự nghiệp phát triển nền
giáo dục. Tản mạn đôi điều không đầu không đũa, nhưng là những chiêm nghiệm, nghĩ suy trong
trên 25 năm gắn lòng mình cùng nghề dạy học. Đây là những lời trần tình thay cho những đồng
nghiệp vô cùng đáng kính trọng của tôi - những thầy cô giáo đủ mọi ngành nghề nên đôi lúc chuyện
chữ nghĩa, văn chương họ ít nói nên lời.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×