Tải bản đầy đủ (.pdf) (72 trang)

Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An (LV thạc sĩ)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (564.26 KB, 72 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN VĂN TIỆT

QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG
HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TỈNH LONG AN

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI - 2017


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN VĂN TIỆT

QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG
HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TỈNH LONG AN

Chuyên ngành: Luật Hình sự và Tố tụng hình sự
Mã số: 60.38.01.04

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. ĐINH THỊ MAI



HÀ NỘI - 2017


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của tôi.
Những tài liệu tham khảo và trích dẫn đảm bảo tin cậy, chính xác và trung
thực. Những kết luận khoa học của luận văn vừ mang tính kế thừa các công
trình khoa học trước đây nhưng đảm bảo chưa từng được công bố trong các
công trình khoa học khác.
Tác giả luận văn

NGUYỄN VĂN TIỆT


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN
VÀ LỢI ÍCH HƠP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ THEO PHÁP LUẬT TỐ
TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM ........................................................................ 6
1.1. Những vấn đề lý luận và pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự trong tố tụng hình sự ..................................................................... 6
1.2. Pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng
hình sự ......................................................................................................... 19
Chương 2: THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH
SỰ VIỆT NAM VỀ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA ĐƯƠNG
SỰ TỪ THỰC TIỄN TỈNH LONG AN ...................................................... 28
2.1. Sơ lược về tỉnh Long An và tình hình về quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự theo tố tụng hình sự Việt Nam .................................................... 28
2.2. Thực trạng áp dụng pháp luật tố tụng hình sự về quyền và lợi ích hợp

pháp của đương sự trên địa bàn tỉnh Long An từ năm 2010 đến 2016 ....... 31
2.3. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng
các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam đối với quyền và lợi
ích hợp pháp của đương sự trên địa bàn tỉnh Long An từ năm 2010 đến
2016 ............................................................................................................. 44
Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TỐ
TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP
CỦA ĐƯƠNG SỰ.......................................................................................... 48
3.1. Giải pháp hoàn thiện các qui định của pháp luật tố tụng hình sự Việt
Nam về đương sự, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng
hình sự ......................................................................................................... 48


3.2. Giải pháp tăng cường hướng dẫn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự
Việt Nam thống nhất trong cả nước đối với đương sự ............................... 55
3.3. Các giải pháp khác ............................................................................... 56
KẾT LUẬN .................................................................................................... 60
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ..................................................... 63


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên
quan là người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự Việt
Nam. Việc tham gia tố tụng của họ không chỉ nhằm bảo vệ, khôi phục những
quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đã bị hành vi phạm tội xâm
hại mà còn góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật khách quan của vụ
án, xác định đúng thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra và buộc người có hành
vi tội phạm phải chịu trách nhiệm. Xác định đúng tư cách nguyên đơn dân sự,
bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đảm bảo các quyền và

lợi ích hợp pháp của những người này trong quá trình tiến hành tố tụng là một
trong những đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hình sự được chính xác, khách
quan, toàn diện và đầy đủ. Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 qui định nguyên
đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến
vụ án là những người tham gia tố tụng nhưng không qui định rõ về quyền và
lợi ích hợp pháp của họ và chế định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.
Ngoài ra Bộ luật tố tụng hình sự 1988 chưa xếp họ vào nhóm đương sự.
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 được Quốc hội nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17/12/2003 không định nghĩa thế nào
là đương sự. Tuy nhiên tại điều 59 qui định người bảo vệ quyền lợi cho đương
sự, khoản 1 điều này qui định: “1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn
dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền
nhờ luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận bảo vệ quyền lợi cho mình”. Mặt khác bộ
luật qui định về việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến
hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trong trường hợp vụ án hình sự
phải giải quyết vấn đề bồi thường, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh
1


và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì có thể tách ra để
giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp
của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
đến vụ án có thể không được giải quyết đồng thời với vụ án hình sự. Nhưng
họ được tham gia tố tụng và họ được quyền mời luật sư, bào chữa viên nhân
dân hoặc người khác bảo vệ quyền lợi cho họ trong tố tụng hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tại điểm g, khoản 1, điều 4 đã đưa ra định
nghĩa: “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Như vậy đương sự trong luật mới
không bao gồm bị hại nhưng chủ thể thực hiện chức năng này lại đồng nhất

tại điều 84. Chủ thể thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
cho bị hại, đương sự trong vụ án hình sự có thêm người đại diện nhưng không
định nghĩa người đại diện như thế nào dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về
người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Vì vậy, nghiên cứu về
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo qui định của pháp luật tố tụng
hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An là một đề tài có giá trị tham khảo
nhất định đối với pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó,
việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
trong tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay để đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu
quả áp dụng chế định này trong thực tế còn là một nhu cầu khách quan và cần
thiết hiện nay. Với những lý do trên, học viên đã chọn đề tài: “Quyền và lợi
ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự theo pháp luật tố tụng hình
sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An” làm Luận văn thạc sĩ Luật học.

2


2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Trong thời gian qua, ở nước ta đã có rất nhiều công trình khoa học
nghiên cứu về việc quy định và áp dụng pháp luật trong tố tụng hình sự như
Luận văn thạc sỹ Luật học, các bài viết, công trình nghiên cứu phân tích, giải
quyết và làm rõ được một số vấn đề lý luận về bị hại, đương sự, người bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân
sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong tố tụng hình sự như: khái
niệm, ý nghĩa, các kiến nghị hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự nhưng chưa có
công trình nghiên cứu về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án
hình sự. Đây là một đề tài mới nên không tránh khỏi những thiếu sót nhất
định. Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về

quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự theo pháp luật
tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn thông qua nghiên cứu thực tiễn áp dụng qui định về quyền và
lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự theo tố tụng hình sự Việt
Nam từ thực tiễn tỉnh Long An với mong muốn sẽ đóng góp một cách tiếp
cận nghiên cứu về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo qui định của
pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam tại một địa bàn cụ thể, từ đó góp phần
nâng cao nhận thức về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo qui định
của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nói chung cũng như đề xuất các giải
pháp mang tính cụ thể về vấn đề này. Trên cơ sở đối tượng và phạm vi nghiên
cứu trên, tác giả tập trung vào giải quyết những nhiệm vụ như sau:
Khái quát các vấn đề lý luận về quyền và lợi ích hợp pháp của đương
sự trong trong tố tụng hình sự như: khái niệm, bản chất, đặc điểm, phân loại
và những phát triển về lý luận và qui định về quyền và lợi ích hợp pháp của

3


đương sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ năm 1988 đến năm
2016.
Đánh giá thực trạng áp dụng các qui định về quyền và lợi ích hợp pháp
của đương sự từ thực tiễn tỉnh Long An trong thời gian từ năm 2010 đến năm
2016.
Đề ra những giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng
hình sự Việt Nam về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và thực hiện
chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình
sự Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực trạng các quy định về

quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo pháp luật tố tụng hình sự Việt
Nam từ năm 1988 đến năm 2016, nghiên cứu đánh giá thực trạng áp dụng các
qui định của pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự từ thực tiễn
tỉnh Long An từ năm 2010 đến năm 2016. Trong đó, khái niệm đương sự
được hiểu theo quan điểm của Bộ luật tố tụng hình sự mới 2015, bao gồm:
Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ
nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về lý luận nhà nước và pháp
luật.
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội và
khoa học pháp lý: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê …
6. Ý nghĩa luận và thực tiễn của luận văn
Tập hợp những nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến
hành tố tụng, người tham gia tố tụng về ý nghĩa của việc quy định và áp dụng
các quy định về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự
4


theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An giai đoạn
từ ngày 01/10/2010 đến ngày 31/10/2016.
Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật tố
tụng hình sự về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự,
góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và áp
dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền và góp phần hoàn thiện pháp
luật tố tụng hình sự Việt Nam.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có
kết cầu gổm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật về quyền và lợi ích hợp

pháp của đương sự trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Chương 2: Thực trạng áp dụng pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự từ thực tiễn tỉnh Long An.
Chương 3: Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự Việt
Nam về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

5


Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH
HƠP PHÁP CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM

1.1. Những vấn đề lý luận và pháp luật về quyền và lợi ích hợp
pháp của đương sự trong tố tụng hình sự
1.1.1. Khái niệm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự
- Khái niệm đương sự trong tố tụng hình sự:
Theo Từ điển tiếng Việt, đương sự là “Người là đối tượng trong một sự
việc nào đó được đưa ra giải quyết”. Như vậy, đương sự chỉ bao gồm những
chủ thể tham gia vào vụ việc được giải quyết mà vụ việc đó có ảnh hưởng
đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Khái niệm đương sự được quy định trong Bộ
luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính tương đồng với khái niệm
này. Riêng thuật ngữ đương sự trong Tố tụng hình sự lại được hiểu ở những
phạm vi khác.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 qui định người bị hại, nguyên đơn
dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án
là những người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự
năm 2003 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông
qua ngày 17/12/2003 không định nghĩa thế nào là đương sự. Tuy nhiên tại

điều 59 qui định người bảo vệ quyền lợi cho đương sự, khoản 1 điều này qui
định: “1. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự có quyền nhờ luật sư, bào chữa viên
nhân dân hoặc người khác được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp
nhận bảo vệ quyền lợi cho mình”. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tại điểm g,
khoản 1, điều 4 đã đưa ra định nghĩa: “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị
đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”. Như
6


vậy đương sự trong tố tụng hình sự theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không
bao gồm bị hại.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 qui định: “Nguyên đơn dân sự là cá
nhân, cơ quan hoặc tổ chức bị thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có
đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.” (Khoản 1, điều 40); “Bị đơn dân sự là cá
nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm vật chất
đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.” (Khoản 1, điều 41); Bộ luật tố
tụng hình sự năm 1988 không định nghĩa thế nào là “Người có quyền và lợi
ích hợp pháp liên quan đến vụ án” nhưng vẫn đưa họ tham gia tố tụng.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 vẫn giữ nguyên khái niệm nguyên
đơn dân sự. Sửa đổi khái niệm bị đơn dân sự “Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ
quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với
thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Bộ luật tố tụng hình sự 2003 cũng đã bổ
sung “người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án” tham gia tố tụng tuy chưa định
nghĩa thế nào là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 qui định: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân,
cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường
thiệt hại” (Khoản 1, điều 63). Như vậy nguyên đơn dân sự phải là chủ thể bị
thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt
hại. Trong vụ án dân sự người khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi hợp

pháp của mình là nguyên đơn dân sự. Nguyên đơn trong tố tụng dân sự không
nhất thiết phải bị thiệt hại; thiệt hại không chỉ là thiệt hại về vật chất mà còn
có những thiệt hại khác, và nhất thiết không phải là thiệt hại do tội phạm gây
ra. Còn nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự là người bị thiệt hại về vật
chất, thiệt hại khác và thiệt hại đó gắn liện với hành vi tội phạm gây ra.
Nguyên đơn dân sự trong tố tụng hình sự có thể đồng thời là người bị hại
trong vụ án hình sự nếu họ có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong trường
7


hợp này thì họ có cả quyền của người bị hại và quyền của nguyên đơn dân sự.
Tuy nhiên, họ chỉ sử dụng quyền của người bị hại khi tham gia tố tụng là đủ,
không cần thiết phải tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự.
Trong một số trường hợp, người bị thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, danh dự,
nhân phẩm do tội phạm gây ra nhưng hành vi đó không bị truy cứu trách
nhiệm hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi khác do cùng một
chủ thể gây ra thì họ không phải là bị hại. Trường hợp này nếu họ có đơn yêu
cầu bồi thường thì cơ quan tiến hành tố tụng xác định họ là nguyên đơn dân
sự. Ví dụ một nhóm người xông vào quán đập phá làm hư hỏng tài sản, đánh
người gây thương tích nhẹ nên thiệt hại không đủ định lượng truy tố tội “Huỷ
hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” và tội “Cố ý gậy thương tích”.
Nhóm người đó chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Gây rối trật tự
công cộng”. Trong trường hợp này chủ tài sản bị hư hại và người bị thương
tích không phải là bị hại. Nếu họ có đơn yêu cầu thì cơ quan tiến hành tố tụng
xác định họ tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự.
“Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại” (Khoản 1, điều 64). Bị đơn dân
sự là cá nhân, tức là người có hành vi phạm tội gây ra thiệt hại về vật chất cho
nguyên đơn dân sự. Nếu người có hành vi phạm tội gây ra thiệt hại về vật chất
cho nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên thì bố, mẹ hoặc người đỡ

đầu của người chưa thành niên đó là bị đơn dân sự. Như vậy, bị đơn dân sự là
cá nhân có thể là bị can, bị cáo trong trường hợp bị can, bị cáo là người thành
niên và việc phạm tội của họ không liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ do
cơ quan, tổ chức giao cho; cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của bị can, bị cáo trong
trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Cơ quan, tổ chức là bị đơn
dân sự khi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, người lao động của cơ
quan, tổ chức này có hành vi phạm tội gây thiệt hại về vật chất cho nguyên
8


đơn dân sự. Ngoài ra, chủ nguồn nguy hiểm cao độ, bên bảo hiểm trách nhiệm
dân sự cũng có thể trở thành bị đơn dân sự nếu nguyên đơn dân sự yêu cầu.
Trong trường hợp bị hại, nguyên đơn dân sự có đơn yêu cầu bị cáo bồi thường
thiệt hại thì họ vừa là bị cáo vừa là bị đơn dân sự nhưng trong thực tiễn xét xử
cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là bị
cáo mà không xác định họ vừa là bị cáo vừa là bị đơn dân sự. Tuy nhiên trong
trường hợp này họ vẫn có quyền của bị đơn dân sự trong vụ án hình sự.
“Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan,
tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự” (Khoản 1, điều
65). Người có quyền lợi liên quan đến vụ án hình sự chỉ có quyền lợi về vật
chất do bị tội phạm xâm hại nhưng họ không có đơn yêu cầu. Người có nghĩa
vụ liên quan đến vụ án hình sự chỉ có nghĩ vụ bồi thường về vật chất do bị tội
phạm xâm hại nhưng họ không bị yêu cầu bồi thường. Đặc biệt trong một số
trường hợp luật định họ còn phại bồi thường thay cho bị cáo nếu họ là cha,
mẹ, người giám hộ cho bị cáo là người chưa thành niên, người bị hạn chế về
thể chất, tinh thần.
Như vậy, đương sự trong tố tụng hình sự bao gồm: Nguyên đơn dân sự,
bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
- Khái niệm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình
sự:

Từ khái niệm đương sự trong tố tụng hình sự gồm nguyên đơn dân sự,
bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự cho
nên đương sự trong tố tụng hình sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Quyền của
họ là quyền dân sự bao gồm quyền về tài sản theo qui định của Bộ luật dân
sự. Lợi ích của họ là lợi ích vật chất có được từ quyền về tài sản.
Để được công nhận là nguyên đơn dân sự thì cá nhân, cơ quan, tổ chức
phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đã được
9


công nhận là nguyên đơn dân sự là người tham gia tố tụng hình sự. Nguyên
đơn dân sự có các quyền: Quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa
vụ quy định tại Điều này; Quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Quyền được thông
báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; Quyền yêu cầu giám định, định giá tài
sản theo quy định của pháp luật; Quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch,
người dịch thuật; Quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm
bồi thường; Quyền tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên
tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và
lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên tòa; Quyền tự bảo vệ,
nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Quyền tự khiếu nại
quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng; Quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường
thiệt hại; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bị đơn dân sự có các quyền: Quyền được thông báo, giải thích quyền
và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần
hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn dân sự; Quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu,
đồ vật, yêu cầu; Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan

và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Quyền
yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Quyền được
thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án có liên quan đến việc đòi bồi
thường thiệt hại; Quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch
thuật; Quyền tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa
hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi
10


ích hợp pháp của bị đơn; xem biên bản phiên tòa; Quyền tự bảo vệ, nhờ người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Quyền khiếu nại quyết định,
hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Quyền
kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần bồi thường thiệt hại; Các
quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có quyền: Được
thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Đưa ra chứng
cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định
của pháp luật; Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa
hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài
liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm
tra, đánh giá; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực
tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình; Khiếu nại quyết định, hành
vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Các quyền
khác theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có trách
nhiệm bảo đảm cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan thực hiện các quyền của họ.

Như vậy, quyền của đương sự trong tố tụng hình sự là quyền yêu cầu
bồi thường thiệt hại và quyền bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra và lợi
ích hợp pháp của đương sự là lợi ích phát sinh từ quyền của đương sự.
1.1.2. Bản chất quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng
hình sự
Từ phân tích quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nêu trên thì
đương sự nhìn chung có một số quyền giống nhau như: Quyền được thông
11


báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này; Quyền đưa ra chứng
cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Quyền yêu cầu giám định, định giá tài sản theo
quy định của pháp luật; Quyền tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị
chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa
để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
Quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Quyền kháng cáo
bản án, quyết định của Tòa án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền
lợi, nghĩa vụ của mình; Quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Các quyền khác theo quy định
của pháp luật. Tuỳ theo tư cách tham gia tố tụng mà các đương sự có những
quyền và lợi ích khác nhau. Nguyên đơn dân sự còn được quyền đề nghị mức
bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường thiệt hại. Bị đơn dân sự
được quyền chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của
nguyên đơn dân sự. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt
hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Để trở thành
nguyên đơn dân sự thì cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây
ra phải có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu bị thiệt hại nhưng cá nhân,
cơ quan, tổ chức bị thiệt hại không có đơn yêu cầu bồi thường thì cũng không

phải là nguyên đơn dân sự. Nếu cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức tuy có bị thiệt
hại nhưng họ không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại thì họ không thể
tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn dân sự. Cơ quan tiến hành tố tụng
cũng không thể buộc họ phải tham gia tố tụng trong vụ án hình sự với tư cách
nguyên đơn dân sự. Không có nguyên đơn dân sự thì sẽ không có bị đơn dân
sự. Trong trường hợp này, tòa án phải tách phần dân sự trong vụ án hình sự để
giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự, nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến
12


trách nhiệm hình sự của bị cáo. Việc tham gia tố tụng đối với nguyên đơn dân
sự trong vụ án hình sự là quyền chứ không phải nghĩa vụ; nếu xét thấy sự có
mặt tại phiên tòa của họ là cần thiết để xác định sự thật vụ án thì tòa án chỉ có
thể triệu tập họ đến phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan đến vụ án.
Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng hình sự
là quyền dân sự nên mang bản chất dân sự mà cụ thể là bồi thường thiệt hại
ngoài hợp đồng.
1.1.3. Đặc điểm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự
Đặc điểm thứ nhất: Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự gắn liền với hành vi phạm tội.
Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự là một trong những
nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự nên nó chứa đựng những nội dung
thể hiện phương châm, định hướng của Đảng và Nhà nước ta là giải quyết vấn
đề dân sự cùng với trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự, không tách riêng
vấn đề dân sự để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự trừ trường hợp việc
tách phần dân sự không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự. Mặt
khác, do đây là một nguyên tắc cơ bản của Luật tố tụng hình sự nên nguyên
tắc này chi phối toàn bộ quá trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử,

thi hành án đối với các vụ án có vấn đề dân sự phát sinh do tội phạm gây ra.
Vì vậy trong quá trình tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố
tụng ngoài việc phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm hình sự còn
phải chứng minh và giải quyết phần trách nhiệm dân sự trong vụ án một cách
chính xác, khách quan, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ
quan, tố chức. Nguyên tắc này đòi hỏi ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự
vấn đề dân sự đã phải là một trong những nội dung cần phải thu thập chứng
13


cứ đề chứng minh làm rõ và thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố
tụng hình sự. Tòa án, với chức năng của mình trên cơ sở những chứng cứ đã
thu thập được của Cơ quan điều tra và trong phạm vi quyết định truy tố của
Viện kiểm sát tiến hành xét xử, ra phán quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm
dân sự cùng với việc giải quyết những nội dung của trách nhiệm hình sự trong
cùng một bản án. Trong vụ án hình sự, khi đã khởi tố vụ án mà có vấn đề dân
sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ
xem xét giải quyết ngay mà không cần phải có thủ tục khởi kiện dân sự khác
nữa. Như vậy, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được xem xét và giải
quyết ngay từ giai đoạn khởi tố vụ án hình sự mà không cần phải có bất kể
thủ tục nào khác nữa, kể cả thủ tục phải có yêu cầu khởi kiện của các chủ thể
có quyền khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Bên cạnh đó,
chủ thể tham gia vào việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự theo
thủ tục tố tụng hình sự giữa một bên là người phải bồi thường với tư cách tố
tụng là bị can, bị cáo hoặc bị đơn dân sự với một bên là người được bồi
thường với tư cách tố tụng là người bị hại hoặc nguyên đơn dân sự hoặc
người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Qua đó, có thể thấy trong thủ tục tố
tụng hình sự thì tư cách tố tụng của bị đơn có thể đồng thời là bị can, bị cáo.
Việc đưa ra yêu cầu bồi thường được quy định tại các điều 63,64 và 65 của
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì đây là quyền chứ không phải là nghĩa vụ.

Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hình sự nói
chung, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói riêng luôn gắn liền với
việc khởi tố vụ án hình sự. Nói cách khác, quyền và lợi ích hợp pháp của
đương sự mang đặc điểm gắn liền với hành vi tội phạm.
Đặc điểm thứ hai: Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự là quyền về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

14


Nguyên tắc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự chỉ có phạm vi
áp dụng đối với những quan hệ về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xuất
hiện do việc thực hiện tội phạm. Có nhiều vấn đề dân sự phát sinh do việc
thực hiện tội phạm gây thiệt hại cho các quan hệ dân sự, bao gồm thiệt hại
đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, tài sản thì ngoài việc làm phát
sinh trách nhiệm hình sự, còn làm phát sinh trách nhiệm dân sự của những
người tham gia tố tụng nói chung và đương sự nói riêng. Những vấn đề có
liên quan đến tiền và tài sản như: tang vật, án phí, tịch thu vật, tiền hoặc tài
sản do phạm tội mà có, đòi lại tài sản, đòi bồi thường thiệt hại… Nói cách
khác, đối với quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hình sự chỉ
được xác định trong phạm vi thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân bị tội
phạm xâm hại. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mang đặc
điểm là quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyền bồi thường thiệt hại của
tổ chức, cá nhân bị tội phạm xâm hại.
Đặc điểm thứ ba: Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự là quyền tự thoả thuận, tự định đoạt.
Trong vụ án hình sự, khi đã khởi tố vụ án mà có vấn đề thiệt hại liên
quan đến việc thực hiện tội phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét
giải quyết ngay mà không cần phải có thủ tục khởi kiện dân sự khác. Như
vậy, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự sẽ được xem xét và giải quyết ngay từ

giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không cần
phải có bất kể thủ tục nào khác nữa, kể cả thủ tục phải có yêu cầu khởi kiện
của các chủ thể có quyền khởi kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Như vậy quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng nói chung và
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói riêng được đảm bảo trong tố tụng
hình sự thông qua các điểm a, khoản 2, điều 63; điểm a, khoản 2, điều 64; và
điểm a, khoản 2, điều 65; Bộ luật tố tụng hình sự.
15


Vấn đề dân sự được giải quyết trong vụ án hình sự nên khi xem xét vấn
đề dân sự đó cần phải áp dụng các quy định, các nguyên tắc chung của luật tố
tụng hình sự để giải quyết. Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng không áp
dụng cứng nhắc các nguyên tắc của tố tụng hình sự để giải quyết vấn đề dân
sự mà còn áp dụng một số nguyên tắc của tố tụng dân sự nhằm đảm bảo
quyền lợi cho các đương sự khi tham gia tố tụng như: Nguyên tắc đảm bao sự
bình đẳng giữa các đương sự, nguyên tắc bảo đảm quyền tự định đoạt của
đương sự… Bởi vì dù là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự nhưng thực chất
đó là quan hệ dân sự, mà đặc thù của quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ bình
đẳng giữa các bên đương sự, sự tự nguyện của các đương sự, sự tự định đoạt
của đương sự do đó cần đảm bảo sự bình đẳng, tự nguyện, tự thỏa thuận giữa
các đương sụ khi tham gia tố tụng.
Đặc điểm thứ tư: Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là quyền
được chứng minh không phải nghĩa vụ phải chứng minh.
Trong tố tụng hình sự, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của
các cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng phải điều tra, thu
thập chứng cứ để chứng minh tội phạm. Vấn đề dân sự phát sinh khi có hành
vi tội phạm xảy ra được giải quyết trong vụ án hình sự nên trước hết phải tuân
theo các nguyên tắc của tố tụng hình sự, do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng
có trách nhiệm điều tra, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ vụ án, bao gồm cả

việc điều tra, thu thập chứng cứ để làm rõ về phần trách nhiệm dân sự trong
vụ án hình sự. Trường hợp các đương sự không cung cấp được chứng cứ về
vấn đề dân sự mà những vấn đề dân sự này có liên quan đến việc xác định
trách nhiệm hình sự của bị cáo thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải điều tra,
làm rõ thiệt hại đã xảy ra, trên cơ sở đó xác định được mức bồi thường thiệt
hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các đương sự.

16


Đặc điểm thứ năm: Quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không
bắt buộc phải hoà giải.
Trong pháp luật tố tụng hình sự không quy định thủ tục hòa giữa các
bên khi giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, tuy nhiên vấn đề này
trong thực tiễn vẫn xảy ra và được cơ quan tiến hành tố tụng tôn trọng ở mọi
giai đoạn tố tụng. Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, cơ quan tiến hành
tố tụng, người tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác
định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ
chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và
tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Như vậy, các
chứng cứ chứng minh có thiệt hại, quyền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
thường được cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ. Mặt khác, việc hoàn thành
trách nhiệm dân sự cũng là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo cho nên cơ quan tiến
hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn tạo điều kiện cho các đương sự tự
thoả thuận với nhau để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
1.1.4. Phân loại quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự
Có nhiều tiêu chí để phân loại quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
như: phân loại dựa trên quyền và nghĩa vụ, phân loại theo nhóm quyền chung
của đương sự và quyền riêng của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có

quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, phân loại dựa theo từng chủ thể
của quyền, phân loại dựa trên luật thực định… Bộ luật tố tụng hình sự năm
1988 không định nghĩa thế nào là đương sự. Tuy nhiên Bộ luật qui định
quyền của nguyên đơn dân sự, quyền của bị đơn dân sự và quyền của người
có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án. Bộ luật tố tụng hình sự 2003 cũng
không định nghĩa đương sự. Bộ luật qui định quyền của nguyên đơn dân sự,
quyền của bị đơn dân sự và quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan
17


đến vụ án. Bên cạnh đó Bộ luật còn qui định họ phải có mặt theo giấy triệu
tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những
tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (đối với nguyên đơn dân
sự), trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt
hại (đối với bị đơn dân sự), trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên
quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình (Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan đến vụ án. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã đưa ra định nghĩa khái
niệm đương sự: “Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự” Tuy nhiên Bộ luật lại qui
định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể là đương sự. Trong luận văn này tác
giả chia quyền của đương sự trong tố tụng hình sự gồm hai nhóm quyền:
Thứ nhất: Nhóm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bị thiệt hại
do tội phạm gây ra: Nhóm này bao gồm quyền và lợi ích hợp pháp của
nguyên đơn dân sự và quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi liên
quan đến vụ án hình sự. Đây là quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm chủ thể
mà pháp luật qui định được bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.
Thứ hai: Nhóm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà pháp luật
quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra: Nhóm
này bao gồm quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn dân sự và quyền và lợi ích
hợp pháp của người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Đây là quyền và

lợi ích hợp pháp của nhóm chủ thể mà pháp luật qui định phải bồi thường
thiệt hại do tội phạm gây ra.
Trong các Bộ luật tố tụng hình sự 1988, 2003 và 2015 lại có cách phân
loại khác. Các Bộ luật nêu trên lại qui định quyền của từng chủ thể gồm:
nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan đến vụ án. Nhìn chung các cách phân loại là tương đối nhằm mục
đích khác nhau tuỳ theo cách nghiên cứu của từng tác giả.
18


1.2. Pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố
tụng hình sự
1.2.1. Lịch sử các qui định về quyền và lợi ích hợp pháp của đương
sự trong tố tụng hình sự Việt Nam
Giai đoạn từ năm 1945 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 1988:
Từ năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988
nước ta chưa có một bộ luật hoàn thiện về tố tụng hình sự. Các qui định về
giải quyết các vụ án hình sự được qui định trong các văn bản hướng dẫn của
Toà án nhân dân tối cao như: Thông tư số 2252/HCTP ngày 29/10/1953,
Thông tư số 16/TATC ngày 27/09/1974 của Toà án nhân dân tối cao. Do đó
quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng chưa được qui định cụ thể và
thống nhất trong cả nước.
Giai đoạn từ năm 1988 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 2003:
Bộ luật tố tụng hình sự 1988 không đưa ra định nghĩa về đương sự. Bộ
luật chỉ qui định các quyền của từng chủ thể tham gia tố tụng trong đó có
nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền và lợi ích hợp pháp liên
quan đến vụ án. Khoản 2, điều 40 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 qui định
về quyền của nguyên đơn dân sự: “Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện
hợp pháp của họ có quyền đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo
về kết quả điều tra; đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định,

người phiên dịch theo quy định của Bộ luật này; có quyền đề nghị mức bồi
thường, và các biện pháp bảo đảm bồi thường; tham gia phiên toà; khiếu nại
quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết
định của Toà án về phần bồi thường thiệt hại”. Khoản 2, điều 41, Bộ luật tố
tụng hình sự năm 1988 qui định quyền của bị đơn dân sự: “Bị đơn dân sự
hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại việc đòi bồi thường
của nguyên đơn dân sự; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; được thông báo
19


kết quả điều tra có liên quan đến việc đòi bồi thường; đề nghị thay đổi người
tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch theo quy định của Bộ
luật này; tham gia phiên toà; khiếu nại quyết định của cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát; kháng cáo bản án và quyết định của Toà án về phần bồi thường thiệt
hại”. Khoản 2, điều 42, Bộ luật tố tụng hình sự qui định quyền của người có
quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án: “Người có quyền và lợi ích
hợp pháp liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được tham
gia phiên toà; đưa ra chứng cứ và những yêu cầu; kháng cáo bản án hoặc
quyết định của Toà án về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền và lợi
ích hợp pháp của mình”. Tuy Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 không đưa ra
khái niệm đương sự trong vụ án hình sự nhưng Bộ luật đã xếp nguyên đơn
dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích liên quan đến vụ án vào
nhóm người tham gia tố tụng và qui định cụ thể một số quyền của họ khi tham
gia tố tụng. Từ đây địa vị pháp lý của họ chính thức được luật hoá.
Giai đoạn từ năm 2003 đến trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng không đưa ra khái niệm đương
sự. Tuy nhiên thuật ngữ đương sự đã được sử dụng tại điều 59 của Bộ luật qui
định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo điều luật
này thì khái niệm đương sự bao gồm bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự
và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bộ luật cũng chưa qui

định cụ thể các chủ thể được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho đương
sự như điều 59 đã qui định. Mặt khác Bộ luật cũng không qui định về việc
vắng mặt của người bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Việc qui định như trên
tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn tới việc áp dụng pháp luật không thống
nhất. Dù vậy, Bộ luật tố tụng hình sự 2003 qui định cụ thể về quyền của các
chủ thể tham gia tố tụng:

20


×