A. MỞ ĐẦU
Có thể nhận thấy trong bất kỳ thời đại nào, đời sống xã hội luôn có sự đa
dạng, phong phú nhất định. Sự thể hiện cảm xúc, tình cảm hay xu hướng giới
tính không nằm ngoài quy luật đó. Nhu cầu sống, thể hiện bản thân và đạt
được hanh phúc rất được chú trọng. Việc kết hôn để thỏa mãn nhu cầu của
mỗi cá nhân là điều tất yếu. Nhưng có một vấn đề đã, đang và sẽ còn gây
nhiều tranh cãi đó chính là vấn đề hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về vấn đề này, quan điểm của cộng
đồng Việt Nam và thế giới ra sao. Do vậy em xin chọn đề tài “ vấn đề hôn
nhân đồng giới theo quy định của pháp luật hiện hành." Để có thể đi sâu vào
đề tài, em xin chia phần nội dung của bài tiểu luận thành 4 phần. Phần (i)
Khái quát các khái niệm về kết hôn và đồng giới; phần (ii) pháp luật quốc tế
và Việt Nam quy định về hôn nhân đồng giới; phần (iii) thực trạng về kết
hôn đồng giới tại Việt Nam, quan điểm của người dân và cộng đồng người
đồng tính; phần (iv) quan điểm của bản thân và giải pháp kiến nghị.
B. NỘI DUNG
I.
Một số vấn đề lý luận chung về kết hôn đồng giới
1. Kết hôn
1.1. Khái niệm.
Hôn nhân là sự liên kết giữa nam và nữ nhằm để chung sống lâu dài, cùng
nhau xây dựng gia đình và được pháp luật thừa nhận. Hay để giải thích rõ ràng
hơn thì hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi thực hiện các quy định
của pháp luật về kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn nhằm chung sống với nhau
và xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc. Việc kết hôn được quy định tại
Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 “Kết hôn là việc nam và nữ
xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết
hôn và đăng ký kết hôn.” Từ quy định trên ta có thể nhận thấy rằng việc kết hôn
cần thỏa mãn hai yếu tố cơ bản. Thứ nhất, sự tự nguyện của nam, nữ trong việc
xác lập mối quan hệ vợ chồng và thứ hai là cần được nhà nước thừa nhận.
1.2.
Điều kiện kết hôn.
1
Để có thể được nhà nước thừa nhận về việc kết hôn, nam nữ cần phải thỏa
mãn các điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn theo những điều đã được quy định
trong luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân
theo các điều kiện là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; do hai
bên nam nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự. không
phạm vào các hành vi bị cấm bao gồm: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn,
cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng
mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ,
chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có
chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng
dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha,
mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha
chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế
với con riêng của chồng.
Và tại khoản 2 điều 8 luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định thêm
một vấn đề rất cụ thể rằng Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những
người cùng giới tính.
Dựa theo quy định trên, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 không cấm
những người cùng giới tính kết hôn với nhau nhưng cũng không thừa nhân hôn
nhân giữa những người cùng giới tính. Do vậy khi hai người cùng giới tính đăng
kí kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn từ chối đăng kí.
2. Kết hôn đồng giới
2.1. Đồng tính.
Chủ thể được xác định trong việc nói đến kết hôn đồng giới là những
người đồng tính. Đồng tính luyến ái, gọi tắt là đồng tính, là thuật ngữ chỉ việc bị
hấp dẫn trên phương diện tình yêu, tình dục hoặc việc yêu đương hay quan hệ
tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong hoàn cảnh nào đó hoặc
một cách lâu dài. Quan niệm về người đồng tính rất đa dạng và điều này phản
2
ảnh sự đa dạng về cách hiểu thế nào là người đồng tính của xã hội. Sự đa dạng
bắt nguồn từ cách nhận định các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống xã hội –
từ góc độ con người sinh học, đặc điểm cấu tạo cơ thể, thay đổi nội tiết tố bên
trong cơ thể, vai trò giới v.v… Bản chất “là hai người cùng giới yêu nhau và có
ham muốn quan hệ tình dục với nhau” là cách hiểu về ngườ đồng tính từ mọi
cách hiểu. Như vậy, có thể nêu khái niệm “Người đồng tính là người có sự hấp
dẫn về cảm xúc hoặc tình cảm hoặc tình dục với người cùng giới. Người đồng
tính nam thường gọi là “gay” và người đồng tính nữ thường được gọi là
“les”/“lesbian”. Đồng thời khẳng định đồng tính không phải là một bệnh, nó là
một thiên hướng tình dục, giống như dị tính luyến ái, song tính luyến ái.
2.2.
Kết hôn đồng giới
Theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hôn nhân thì hiện nay không
có một định nghĩa cụ thể về việc hôn đồng giới. Lí dó tại vì kết hôn tại Việt
Nam chỉ được công nhận giữa hai người khác giới đã thỏa mãn các điều kiện
kết hôn. Nhưng ta vẫn có thể hiêu rằng kết hôn giữa những người cùng giới tính
là việc xác lập quan hệ vợ chồng giữa hai người đều là nam hoặc đều là nữ.
2.3. Các hình thức công nhận hôn nhân đồng giới trên thế giới
Tuy rằng pháp luật Việt Nam không tồn tại và quy định các hình thức hôn
nhân đồng giới nhưng pháp luật các nước trên thế giới tồn tại rất nhiều các chế
định khác nhau, gần tương tự như hôn nhân với các tên gọi khác nhau, ví dụ
như: quan hệ đối tác chung nhà (domestic partnership), kết đôi có đăng ký
(registered partnership), kết hợp dân sự (civil union) hay các tên gọi khác tùy
vào từng quốc gia. Tổng quan có thể chia sự công nhận pháp lý đối với mối
quan hệ giữa hai người cùng giới tính vào ba hình thức kết đôi chính sau đây:
• Hôn nhân
Hôn nhân là hình thức kết đôi có đăng ký với Nhà nước, được cấp giấy
chứng nhận đăng ký kết hôn với đầy đủ tất cả những quyền, nghĩa vụ và sự công
3
nhận pháp lý như những cặp khác giới.
• Kết đôi có đăng ký
Kết đôi có đăng ký là hình thức kết đôi có đăng ký với Nhà nước, được
cấp giấy chứng nhận “có quan hệ gia đình,” “kết đôi có đăng ký”,“kết hợp dân
sự” hoặc các tên gọi tương tự khác tùy vào từng quốc gia. Chế định này quy
định cho những cặp cùng giới một tình trạng, quyền, nghĩa vụ và sự công nhận
pháp lý tương đương (có thể có một vài ngoại lệ). Chế định này thường dành
riêng cho những cặp cùng giới; nhưng một vài quốc gia cũng cho phép những
cặp khác giới đăng ký theo hình thức này.
• Sống chung không đăng ký
Sống chung không đăng ký là hình thức kết đôi tự nguyện giữa hai
người, không đăng ký với Nhà nước. Chế định này áp dụng cho cả cặp cùng
giới và khác giới, tự động phát sinh khi hai người đã chung sống thực tế với
nhau một thời gian theo luật định. Hai người chung sống không đăng ký có một
số quyền lợi và nghĩa vụ hạn chế liên quan tới tài sản, nhân thân.
II.
Quy định pháp luật về kết hôn giữa những người có cùng giới tính
1. Trên thế giới
Việc bảo vệ quyền của người đồng tính ngày càng được quan tâm. Các quốc
gia trên thế giới luôn quam tâm đến việc làm thế nào để đảm bảo quyền và lợi
ích hợp pháp của người đồng tính, để giúp họ được bình đẳng như các chủ thể
khác. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay vẫn tồn tại hai luồng quan điểm, là ủng
hộ việc kết hôn đồng giới và phản đối kết hôn cùng giới.
Đến nay, trên thế giới đã có tới 23 quốc gia công nhận và cho phép kết hôn
đồng giới tính đến tháng 4/2016 và cho đến tháng 5/2010 có 32 quốc gia trên
thế giới chấp nhận đồng tính nữ nhưng không chấp nhận đồng tính nam. Cũng
theo báo cáo này, quan hệ đồng tính bị cấm tại 44 quốc gia trên thế giới, trong
4
đó có một số quốc gia như Iran, Mauritania, Saudi Arabia, Sudan, Yemen và
một phần của Nigeria, Somalia có thể xử phạt đến chết nếu phát hiện quan hệ
đồng tính.
Hiện nay trên thế giới chưa một nước nào ban hành đạo luật về hôn nhân
đồng giới riêng biệt, mà thường chỉ ban hành những đạo luật định nghĩa lại khái
niệm hôn nhân, bãi bỏ điều kiện về giới tính của hai bên phối ngẫu (phối ngẫu:
vợ hoặc chồng), không phân biệt giới tính, xu hướng tính dục và áp dụng cho tất
cả mọi người. Tại những quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, pháp luật
đã định nghĩa lại khái niệm hôn nhân, bãi bỏ điều kiện về giới tính của hai bên
phối ngẫu (vợ/chồng) dẫn đến việc ban hành một luật hôn nhân thống nhất
không phân biệt giới tính. “luật này áp dụng cho tất cả mọi người.” là một quy
định được ghi nhận trong luật hôn nhân tại Thụy Điển.
Tại những quốc gia hợp pháp hóa kết đôi giữa hai người cùng giới, bên
cạnh hôn nhân giữa hai người khác giới, trong hầu hết trường hợp, sự khác nhau
chỉ nằm ở tên gọi. Luật pháp nhiều nơi quy định các quyền, nghĩa vụ dành cho
kết đôi có đăng ký giữa hai người cùng giới là hoàn toàn giống với quyền, nghĩa
vụ dành cho hôn nhân giữa hai người khác giới. Ví dụ, Bộ luật Gia đình của
bang California (Hoa Kỳ) có một hình thức kết đôi dành riêng cho người đồng
tính có tên gọi là “quan hệ gia đình có đăng ký.” Bộ luật Gia đình của bang tại
đoạn 297.5(a) quy định rằng “các bên trong quan hệ gia đình có đăng ký có đầy
đủ các quyền, sự bảo hộ, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận giống
như các quy định dưới luật này”. Có hai nguyên nhân chủ yếu mà nhiều nước
bắt đầu thừa nhận quan hệ cùng giới bằng hình thức “kết đôi có đăng ký” hoặc
“kết hợp dân sự” là do các nhà lập pháp không muốn thay đổi định nghĩa hôn
nhân là giữa một nam và một nữ. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng muốn có
một bước đệm, một khoảng thời gian chuyển tiếp để xã hội có thể thay đổi quan
niệm về hôn nhân là giữa nam và nữ.
5
Hình thức kết đôi có đăng ký là mô hình của kỹ thuật lập pháp “tách biệt
nhưng bình đẳng” (“seperate but equal”), với ý tưởng rằng không đụng chạm
đến những chế định truyền thống, nhạy cảm mà vẫn tạo ra được sự công bằng
cho tất cả mọi người một cách hợp pháp. Tuy nhiên, quan điểm của những
người ủng hộ hôn nhân không phân biệt giới tính là mặc dù quyền lợi của hai
hình thức như nhau, nhưng khi nào vẫn còn sự phân biệt nghĩa là vẫn chưa có
được công bằng thật sự. Ở những quốc gia này, điều mà pháp luật hướng tới là
thống nhất lại thành một chế định hôn nhân duy nhất dành cho tất cả mọi người.
Đó cũng là lý do ngày càng có nhiều nước chuyển từ hình thức kết hợp dân sự
hay sống chung có đăng ký sang hình thức hôn nhân cùng giới. Tùy vào từng
quốc gia mà thời gian chuyển đổi nhanh hay chậm.
Mới đây nhất, Hoa Kỳ, Thẩm phán Anthony M. Kennedy, thuộc Toà án tối
cao Mỹ, cho biết bắt đầu từ ngày 26/6, các cặp đồng tính nam và nữ trên toàn
nước Mỹ đã có thể bình đẳng đăng ký kết hôn, được bảo vệ bởi luật hôn nhân
và những điều luật liên quan như về con cái, phân chia tài sản sau ly hôn... Họ
được hưởng mọi quyền lợi cũng như thực thi mọi nghĩa vụ như một cặp vợ
chồng dị tính. Tòa án Tối cao Mỹ chính thức công nhận mọi công dân Mỹ đều
có thể kết hôn, không phân biệt giới tính hay xu hướng tình dục, với tỷ lệ 5/4 số
phiếu biểu quyết. Đây được coi là một chiến thắng to lớn của những người đấu
tranh giành quyền bình đẳng cho người đồng tính, tạo ảnh hưởng rộng lớn trên
toàn thế giới.
Tuy rằng rất đông các quốc gia hiện nay thực hiện chính sách bảo vệ quyền
và lợi ích của người đồng tính, nhưng có một số các quốc gia, do có quan điểm
khác, mà không thừa nhận quyền của người đồng tính, và coi quan hệ của người
đồng tính như một tội phạm.
Ở đất nước hồi giáo Iran chỉ quan hệ tình dục của những cặp vợ chồng đã kết
hôn được coi là hợp pháp, tất cả những quan hệ tình dục khác bị coi là bất hợp
6
pháp. Nếu bị phát hiện quan hệ tình dục đồng tính, thì sẽ bị coi là tội phạm kê
gian và bị phạt rất nặng, thậm chí là tử hình. Một tổ chức nhân quyền Anh trong
một báo cáo khẳng định có 4000 đến 6000 người đồng tính nam và nữ bị tử hình
vì các tội liên quan đến xu hướng tình dục của mình. Thậm chí, pháp luật nước
này không có sự phân biệt các hành vi kê gian và hành vi xâm phạm tình dục
đồng giới khác như hãm hiếp hay bức hại.
Iran chỉ là một điển hình cho các quốc gia Hồi giáo khác xem đồng tính là
một tội nghiêm trọng, có thể bị tử hình như: Mauritania, Pakistan, Saudi-Arabia,
Sudan, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Yemen, một số vùng của Nigeria
và Somalia, Cộng hòa Chechnya ở Nga.
Do những quan điểm, tư tưởng tôn giao riêng, dù thế giới ngày một đề cập
đến nhân quyền thì đồng tính vẫn bị xem là tội phạm tại 76 quốc gia và bị trừng
phạt bằng tử hình ở ít nhất năm quốc gia.
2. Pháp luật Việt Nam về kết hôn đồng giới
2.1. Kết hôn
Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định việc kết hôn
giữa người đồng tính là một trong những hành vi bị cấm, thể hiện tại Khoản 5
Điều 10 : “Những trường hợp cấm kết hôn…5. Giữa những người cùng giới
tính.”
Đối với trường hợp kết hôn, Tòa án có quyền hủy việc kết hôn trái pháp
luật đó khi có yêu cầu. Đối với trường hợp chung sông giữa những người cùng
giới tính cần phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội
trong việc giáo dục, vận động các bên chấm dứt việc chung sống trái pháp luật.
Tới năm 2013, khi xem xét và biên soạn Luật Hôn nhân & Gia đình 2014,
Quốc hội đã bỏ điều cấm này và thay bằng điều 8, khoản 2 là hôn nhân giữa
những người cùng giới tính không được nhà nước thừa nhận.
7
“2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới
tính.”
Đây là kết quả của quá trình vận động và thảo luận xã hội trong suốt những
năm qua, dẫn đến việc các nhà làm luật đã nhìn nhận tích cực hơn về quyền kết
hôn, bình đẳng của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới.
Không thừa nhận có nghĩa rằng pháp luật không cho phép người đồng giới
đăng kí kết hôn tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay được coi như vợ chồng với các quyền và nghĩa vụ tương ứng.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 không coi đám cưới, hôn
lễ như những hình thức kết hôn có giá trị pháp lý. Vì vậy, những người đồng
giới hoàn toàn có thể tổ chức tiệc chiêu đãi như tiệc cưới và chung sống với
nhau. Trong năm 2012, việc chính quyền phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh
Kiên Giang xử phạt hành chính một đám cưới đồng giới dựa trên Nghị định
87/2001/NĐ-CP gây xôn xao dư luận và nhiều tranh luận về việc áp dụng quy
định này. Điều 8 “Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ
hôn nhân một vợ, một chồng
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành
vi sau đây:
……….
e) Kết hôn giữa những người cùng giới tính.
2. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khác
Buộc chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật đối với trường hợp vi phạm
quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo đó chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính khi xác định việc
tổ chức đám cưới vi phạm vào điểm e khoản 1 điều 8 của nghị định này. Hiện
8
tại, nghị định này đã bị thay thế bởi Nghị định 110/2013/NĐ-CP và điều khoản
phạt tiền việc kết hôn đồng tính cũng đã bị loại bỏ.
Từ trước đến nay pháp luật Việt Nam chưa có một quy định nào về xử phạt
hành chính đối với hành vi tổ chức đám cưới cùng giới. Trong thực tế đã có đám
cưới cùng giới bị chính quyền xử phạt xuất phát từ nhận thức của chính quyền,
cách hiểu và áp dụng pháp luật của chính quyền. Nếu Luật đã cấm hoặc không
công nhận thì không có Ủy ban nhân dân nào có thể cho phép cặp đôi cùng giới
đăng ký kết hôn được (ví dụ như không có mẫu Giấy đăng ký kết hôn cùng
giới). Chính vì vậy, nếu có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi đăng ký
kết hôn cùng giới là không cần thiết, không có tính khả thi. Đối với hành vi tổ
chức đám cưới cùng giới không thuộc sự điều chỉnh của pháp luật hôn nhân và
gia đình.
Như vậy hôn nhân đồng tính không còn bị cấm. Người đồng tính có thể tổ
chức hôn lễ, chung sống với nhau nhưng dưới con mắt pháp luật thì không được
coi như vợ chồng và không thể đăng kí kết hôn với cơ quan nhà nước.
2.2. Nhận nuôi con của cặp đôi đồng tính
a. Đồng tính nam
Căn cứ theo Điều 14, Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định về điều kiện
đối với người nhận con nuôi:
"Điều 14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi
1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi
dưỡng, giáo dục con nuôi;
9
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở
chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức
khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà,
cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép
buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán,
đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của
chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi
thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.”
Ví dụ A và B là một cặp đồng tính nam. Như vậy A hoặc B nếu đáp ứng các
điều kiện quy định tại Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 nghĩa là một trong
hai có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều
kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục
con nuôi; có tư cách đạo đức tốt. Hơn nữa A hoặc B không rơi vào các trường
hợp quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì bạn hoặc
bạn trai bạn có thể nhận đứa trẻ là con nuôi. Cũng cần lưu ý, tại Khoản 3 Điều 8
Luật nuôi con nuôi quy định "Một người chỉ được làm con nuôi của một người
độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng” Như vậy A và B là người đồng
tính, quan hệ của hai người chưa được pháp luật công nhận là vợ chồng. Chính
và vậy, A và B không thể cùng đứng tên trong việc nhận con nuôi. Chỉ có bạn
hoặc bạn trai bạn được đứng tên nếu như hai bạn muốn nhận con nuôi.
10
b. Đồng tính nữ
Do pháp luật không cấm người mẹ mang thai nhờ khoa học. Do đó một trong
hai người của cặp đôi đồng tính nữ có thể mang thai làm mẹ ruột của đứa trẻ.
Xong người còn lại của cặp đôi đồng tính nữ đó có thể nhận đứa bé đó làm con
nuôi của mình miễn là người đó thỏa mãn các điều kiện tại điều 14 luật nuôi con
nuôi đã được đề cập ở trên cùng với đứa bé thỏa mãn các điều kiện tại điều 8.
2.3.
Vấn đề tài sản
Trong trường hợp hai người cùng giới tính chung sống với nhau mà sau đó
chấm dứt việc chung sống, nếu có tranh chấp về tài sản thì giải quyết như đối
với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng quy định tài điều 16 luật hôn
nhân và gia đình 2014.
III. Thực trạng vấn đề kết hôn đồng giới tại Việt Nam
1. Quan điểm của người dân
Trên thế giới, xu hướng ủng hộ người đồng tính gia tăng qua từng năm. Song,
hiện nay vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính vẫn
gây nhiều tranh cãi tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, pháp luật đã loại hôn nhân
đồng tính ra khỏi danh sách cấm, tuy nhiên cho đến nay vẫn “không thừa nhận”
hình thức này.
Nhằm trưng cầu dân ý về vấn đề này, cuối năm 2013, Viện Xã hội học, Viện
chiến lược và chính sách y tế, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường
(iSEE) đã khảo sát lấy ý kiến của 5.297 người dân Việt Nam, độ tuổi từ 18 đến
69 ở 2.592 hộ gia đình thuộc 8 tỉnh thành. Kết quả ghi nhận:
11
- 90% người dân Việt Nam biết về đồng tính và 62% biết về việc sống chung
như vợ chồng giữa hai người cùng giới tính.
- 30% người dân có quen ai đó là người đồng tính (họ hàng, bạn bè, đồng
nghiệp, hàng xóm...).
- Đa số người dân cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh
hưởng đến gia đình (72,7%) hay cá nhân họ (63,2%). Xét theo vùng miền,
người miền Bắc và người miền Trung ủng hộ tích cực hơn (78% và 74%) so với
miền Nam (68%).
- 90% cho rằng nếu hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thì sẽ có tác động đến
cộng đồng xã hội kể cả tích cực lẫn tiêu cực. 20% cho rằng việc hợp pháp hóa
hôn nhân đồng tính sẽ có tác động tiêu cực đến gia đình họ trong khi 73% số
người được hỏi cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh
hưởng đến gia đình hay cá nhân họ.
- 33,7% ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Xét về trình độ học vấn,
những người học càng cao thì ủng hộ nhiều hơn (49,7% người học cao đẳng, đại
học trở lên ủng hộ, nhưng chỉ có 18,5% người trình độ dưới phổ thông cơ sở
ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới).
- 41,2% người dân ủng hộ việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng của
những người cùng giới tính. Sự ủng hộ cũng tỷ lệ thuận với học vấn của người
dân.
- 56% người dân ủng hộ đôi cùng giới nhận con nuôi, 51% ủng hộ quyền sở hữu
tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế.
- Những trường hợp có quen biết người đồng tính xác suất ủng hộ hợp pháp hóa
hôn nhân cùng giới lớn gấp đôi so với các trường hợp không quen biết. Điều
này cho thấy việc xuất hiện công khai, sống thật của người đồng tính có tác
động tốt đến thái độ ủng hộ của xã hội
12
2. Quan điểm của người đồng tính
Trong số gần 3.000 người truy cập vào đường dẫn điều tra trực tuyến do
Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) thực hiện trong năm
2013, hơn 11% người hiện đang trong mối quan hệ cùng giới đang sống chung
với nhau tại nhà của một trong hai người hoặc cùng mua, thuê nhà để sống
chung. Số ít hơn (5.6%) hiện sống cùng với gia đình hoặc người cùng chung
sống. Những cặp đôi cùng giới đang chung sống đều ở độ tuổi có điều kiện để
có thể ở chung, có tài chính ổn định, hoặc sống xa gia đình và ở trọ riêng một
mình. Thời gian của mối quan hệ này khá lâu dài và ổn định (trên 2 năm và trên
5 năm có xu hướng phổ biến hơn với các cặp nữ). Hầu hết các cặp đôi không hề
có nghi lễ ra mắt hoặc thực hiện bất cứ thủ tục gì khi quyết định về sống chung
với nhau. Có khoảng một phần tư số cặp tham gia nghiên cứu định tính cho biết
gia đình của người yêu mình không hề biết về mối quan hệ đồng giới của con
họ. Chỉ có một số người tổ chức bữa tiệc nhỏ để những người thân biết về mối
quan hệ đồng giới của họ. Cũng giống như việc tạo dựng và bắt đầu một cuộc
hôn nhân giữa những người nam và nữ, các cặp đôi cùng giới khi đi đến quyết
định sống chung đa phần là kết quả của mong muốn tạo dựng một không gian
chung của hai người mà ở đó họ có thể mang lại sự chia sẻ về tinh thần, tình
cảm (87.5%), thể hiện sự cam kết thuỷ chung (81%), bắt đầu những cam kết ổn
định và lâu dài (70%)
Khảo sát về mong muốn có con trong nhóm người trả lời thuộc độ tuổi kết
hôn và hiện đang trong một mối quan hệ đồng giới cho thấy: 61% mong muốn
có con trong tương lai, 9% không muốn có con, 30% còn lại chưa nghĩ hoặc
chưa tính đến việc này. Về mục đích và ý nghĩa của việc có con, đa phần các
cặp đôi cho rằng việc có con sẽ giúp họ tăng cường sự gắn bó cho cuộc sống đôi
lứa (84%) hay coi đó là trách nhiệm của bản thân với gia đình (61.3%). Vì
không thể sinh con một cách tự nhiên trong mối quan hệ đồng giới, các cặp đôi
lựa chọn cho mình các hình thức đa dạng và tùy vào hoàn cảnh từng gia đình.
13
Khá nhiều cặp đôi chọn cách đầu tư tình cảm, tài chính và công sức cho cháu
mình để có thể thay thế người con. Khoảng 1/5 số người tham gia phỏng vấn
sâu có ý định có con đẻ của mình. Có những cặp lại muốn nuôi con nuôi (nhận
trẻ mồ côi)
Các cặp đôi cùng giới cho biết đa phần những khó khăn của họ đến từ việc
không được pháp luật công nhận và bảo hộ (72%), không được sự công nhận
của xã hội và cộng đồng (68.7%) hay gia đình không chấp nhận (66.2%). Bên
cạnh đó, việc không có sự ràng buộc về mặt pháp luật (51.2%), hoặc không có
sự tư vấn, khuyên bảo hay hỗ trợ từ gia đình khi gặp các mâu thuẫn trong tình
cảm cũng khiến quan hệ của họ kém bền vững hơn (51.3%)
IV. Nhận xét
1. Đánh giá quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang tồn tại hai xu
hướng thừa nhận và không thừa nhận hôn nhân giữa nhưng người cùng giới
tính. Tuy nhiên, sự chuyển biến từ “cấm kết hôn đồng giới” đến “không thừa
nhận kết hôn đồng giới” là một sự đột phá, một tín hiệu vui cho những người
đồng tính tại Việt Nam. So với “cấm”, “không thừa nhận” nhẹ nhàng, nhân văn,
nhân đạo hơn. Điều này thể hiện sự thay đổi trong quan niệm, nhận thức của xã
hội ta nói chung, đặc biệt là những nhà làm luật về quyền kết hôn, sự bình đẳng
của người đồng tính và các cặp đôi cùng giới. Tuy là vậy nhưng do nhiều
nguyên nhân mà pháp luật vẫn không công nhân việc kết hôn đồng giới, những
nguyên nhân chính phải nói đến bao gồm:
- Nếu quy định lại và sửa đổi các quy định có liên quan đến hôn nhân đồng
giới sẽ cần chỉnh sửa lại một hệ thống đồ sộ các quy phạm pháp luật đã
quy định từ trước, liên hệ chặt chẽ với nhau. Do đó không thể làm trong
một sớm một chiều, đòi hỏi sự đầu tư về công sức lẫn thời gian.
- Phong tục tập quán chưa thể tiếp nhận thêm hình thức hôn nhân mới này.
2. Ý kiến cá nhân và kiến nghị
• Ý kiến cá nhân
14
Thứ nhất, các hình thức chung sống trong xã hội nói chung ngày càng trở
nên đa dạng.
Trong 30 năm gần đây, các hình thức gia đình khác như gia đình bố mẹ đơn
thân (single parent), kết hợp dân sự (civil union), sống chung có đăng ký
(registered partnership), sống chung không đăng ký (unregistered partnership)
đặc biệt ở các nước phát triển qua số liệu nhân khẩu không ngừng tăng lên bên
cạnh hình thức hôn nhân truyền thống (nam nữ kết hôn ở tuổi trưởng thành) để
hình thành gia đình,
Thứ hai, việc không thừa nhận kết đôi đồng giới sẽ tác động đến những
người đồng tính ở các khía cạnh. Theo số liệu từ cuộc khảo sát về mối quan hệ
đồng giới do Trung tâm nghiên cứu về quyền của người đồng tính, song tính và
chuyển giới cho thấy sự kỳ thị xã hội tiếp tục tiếp diễn (87%), người đồng tính
có thể bị trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc bạo lực học đường
(87.8%), không dám bộc lộ xu hướng tính dục (95.5%), nhiều người kết hôn dị
tính giả (89%), không được đảm bảo quyền yêu thương và kết đôi (94%), không
được đảm bảo sức khoẻ tinh thần (93.9%), không có được đời sống và sức khoẻ
tình dục viên mãn (92.5%). Về các tác động đến gia đình của những người đồng
tính, kết quả điều tra cho thấy: nếu không có sự công nhận của pháp luật, gia
đình của những người đồng tính họ tiếp tục phải chịu sự kỳ thị xã hội nặng nề
(74.9%), vấn đề bạo hành gia đình sẽ còn tiếp diễn (62.4%). Với xã hội nói
chung, khi không có sự công nhận pháp luật với kết hôn cùng giới, sự kỳ thị của
xã hội đối với người đồng tính sẽ còn tiếp diễn nặng nề (71.2%), từ đó khiến
người đồng tính không tự tin tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh
tế - xã hội (78.1%), làm gia tăng nguy cơ lây lan Hội chứng suy giảm miễn dịch
mắc phải (HIV/AIDS) và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (82.1%).
Thứ ba, cho phép kết hôn đồng giới không làm mất đi giá trị của hôn nhân
truyền thống.
15
Hôn nhân đồng giới còn mang lại những tác động tích cực cho thể chế hôn
nhân truyền thống giữa nam và nữ nói chung. Hôn nhân đồng giới có tính bình
đẳng tương đối cao vì hai người ít có sự phân công lao động hay trách nhiệm
theo giới. Cục thống kê Austrarlia đã tiến hành một cuộc điều tra, kết quả thống
kê cho thấy gia đình đồng tính có nhiều ưu điểm vượt trội hơn.
59% các cặp đồng tính nữ và 57% đôi đồng tính nam biết chia sẻ các công
việc chung của gia đình trong khi chỉ có 38% các cặp vợ chồng dị tính làm được
điều này.
Hơn 50% các cặp đồng tính có bằng cử nhân và đang làm việc với những
chức vụ khá cao như quản lý hoặc chuyên gia trong một số lĩnh vực. Con số này
ở những cặp đôi dị tính là 40%.
Về thu nhập, có khoảng 50% các cặp đồng tính ở Australia kiếm được hơn
1.000 USD trong một tuần.
Có khoảng 33.700 các cặp vợ chồng đồng tính và 6.300 đứa trẻ đang được
nuôi dưỡng trong những gia đình này.
Ta có thể thấy chỉ số chia sẻ công việc chung của những người đồng tính cao
hơn hẳn so với những cặp đôi vợ chồng dị tính. Từ đó dẫn đến việc đỡ tạo áp
lực cho nhau và chia sẻ được nhiều hơn. Có thể làm tiền đề để xây dựng một gia
đình tốt cho xã hội. Điều mà mục đích của hôn nhân hướng tới
Trong khi các quan ngại xã hội chỉ thường tập trung vào việc liệu hôn nhân
đồng giới mang lại điều gì cho xã hội, thì trên thực tế, việc không chấp nhận
điều này đang gây những tác hại xấu. Do áp lực của xã hội và của bố mẹ về hôn
nhân truyền thống để tạo dựng gia đình và từ nhu cầu của chính bản thân để có
quyền được có con hoặc cần phải có hôn nhân truyền thống mới được coi là
người trưởng thành “bình thường” trong xã hội, nhiều người đồng tính đã kết
hôn với người khác giới. Hậu quả để lại là cho dù họ có được những đứa con và
16
vai trò là bố, là mẹ của họ được xã hội thừa nhận, nhưng cuối cùng rất nhiều các
hôn nhân kiểu này bị đổ vỡ do họ không thể mãi sống với một cái vỏ bọc và để
lại những hậu quả của sự đổ vỡ lên người bạn đời, và ảnh hưởng tiêu cực lên
thái độ và hành vi của con cái về vấn đề kết hôn.
Thứ tư, chức năng nuôi dưỡng và xã hội hóa trẻ con trong gia đình đồng tính
có đảm bảo?
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt nào trong quá trình
phát triển giữa các nhóm trẻ có phụ huynh là đồng tính hay dị tính. Dựa trên
bốn yếu tố quan trọng là: trí thông minh của trẻ, sự chuyển biến tâm lý, sự thích
nghi với xã hội và mức độ hòa nhập với bạn bè. Xu hướng tính dục của người
bố, người mẹ không ảnh hưởng nặng đến xu hướng tính dục của đứa con. Cha
mẹ đồng tính không có nghĩa là con cái cũng sẽ đồng tính, bởi vì cũng giống
như cha mẹ bình thường không có nghĩa con cái sẽ bình thường, con cái vẫn có
thể bị đồng tính. Vậy nên, sự công nhận của pháp luật sẽ khiến cho trẻ em có
cảm giác ổn định khi bố mẹ đồng tính có mối gắn kết lâu dài qua sự thừa nhận
pháp luật.
• Kiến nghị
Thứ nhất, nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc kêu
gọi các tổ chức, đề ra các chính sách giúp cho cộng đồng người đồng tính có thể
hòa nhập hơn với xã hội. Từ đó từng bước xóa bỏ đi từng định kiến về cái nhin
của mọi người với cộng đồng người đồng tính để có thể từng bước đi đến kết
quả là không còn thấy kì lạ với hôn nhân đồng giới
Thứ hai, các nhà làm luật từng bước tiếp nhận các quy định của các hệ
thống pháp luật phát triển trên thế giới đã quy định về vấn đề hôn nhân đồng
giới. Sửa đổi bổ sung dần về các khai niệm như đăng kí kết đôi,.. để có thể từng
bước chấp nhận hôn nhân đồng giới và không tạo ra sự đột ngột với cả hệ thống
luật. cần tổ chức nghiên cứu sâu hơn về thực trạng quan điểm của tầng lớp xã
17
hội về đồng tính, HNCG, đánh giá trên những cơ sở đầy đủ và rõ ràng hơn để có
những kiến nghị xác đáng hơn
Thứ ba, hiện nay phụ nữ đơn thân có thể sinh con theo phương pháp khoa
học nhưng nam giới đơn thân thì không có quyền này. Vì vậy, có thể mở rộng
theo hướng nam đồng tính có thể lấy tinh trùng của mình kết hợp với noãn
(trong ngân hàng hoặc người hiến tặng vô danh) để nhờ người phụ nữ khác
mang thai hộ. Theo đó, nam đồng tính có thể có con riêng của mình một cách
chính thức mà không phải đi nhờ người khác đẻ thuê trái phép như hiện nay (và
cũng chỉ được nhận đứa trẻ đó làm con nuôi vì không hợp pháp). Bên cạnh đó,
một số đạo luật khác cũng nên quan tâm các vấn đề liên quan đến cộng đồng
LGBT như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Trợ giúp pháp lý…
Tổng kết
Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới thể hiện sự ủng hộ việc kết hôn
đồng giới. Pháp luật về quyền nói chung và quyền kết hôn nói riêng của người
đồng tính ở các nước trên thế giới đã có một quá trình phát triển khá lâu dài,
phức tạp và chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố chính trị, tôn giáo, dân tộc,…
Có thể nhận thấy quyền kết hôn giữa những người cùng giới tính là một quyền
quan trọng, tạo ra nhiều sóng gió chính trị cũng như ảnh hưởng đến quá trình
xây dựng pháp luật của các quốc gia. Để tạo cơ sở cho việc ghi nhận quan hệ
cùng giới, nhà nước cần đưa ra những định hướng nhận thức đúng đắn hơn về
cộng đồng LGBT nói chung, cộng đồng đồng tính tại Việt Nam. Việc ban hành
các quy định mới trong luật pháp ở Việt Nam để hợp pháp hóa quan hệ đồng
giới là cần thiết và cần được tiến hành song song với các hoạt động đánh giá tác
động, nâng cao nhận thức để xã hội hiểu và đón nhận.
Có thể nhận thấy vấn đề xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ, trong đó
các quyền con người được bảo đảm và thực thi thông qua cơ chế pháp luật hiệu
quả là mục tiêu chung của toàn thể nhân loại. Xu hướng mở rộng phạm vi các
18
quyền con người, tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của các nhóm người dễ bị
tổn thương trong xã hội là các đề tài được các nhà nghiên cứu trong và ngoài
nước quan tâm sâu sắc trong thời gian gần đây. Người đồng tính với những đặc
điểm riêng về sự hấp dẫn tình dục, quan hệ tình cảm là đối tượng thường xuyên
chịu những tác động tiêu cực từ những phân biệt đối xử, định kiến và kỳ thị dựa
trên xu hướng tình dục đặc biệt của mình. Tuy vậy, hầu như pháp luật và những
nhà nghiên cứu luật học chưa thật sự chú ý đến vấn đề này. Các quy phạm pháp
luật về người đồng tính gần như bị bỏ ngỏ, chưa có các công trình nghiên cứu
khoa học pháp lý có giá trị về đề tài quyền của người đồng tính. Tùy thuộc vào
nền văn hóa, niềm tin tôn giáo, hệ thống chính trị mà mỗi quốc gia có các quy
định khác nhau. Đây là điều Việt Nam có thể tham khảo và học hỏi để quyết
định có nên thừa nhận quyền cho người đồng tính hay không, mức độ thừa nhận
đến đâu, cần phải ban hành những văn bản pháp luật nào để thực hiện quyền và
bảo vệ quyền cho người đồng tính.
19
C. KẾT LUẬN
Dựa trên những nhận định, tìm hiểu về vấn đề kết hôn đồng giới đã đưa
chúng ta đến gần hơn với những khái niệm về người đồng tính, hiểu được một
chút về cộng đồng LBGT. Nắm được những quy định về hôn nhân đồng giới tại
Việt Nam và thực trạng đang diễn ra, lí do tại sao nước ta vẫn chưa thừa nhận
hôn nhân đồng giới. Dựa trên những quy định pháp lý của các nước, chúng ta có
thể tiếp nhặt và đưa vào sao cho phù hợp với đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị
mà vẫn bảo vệ, bảo đảm được quyền cho người đồng tính. Trong quá trình làm
bài do khả năng còn hạn chế nên không thể tránh khỏi sai sót, kính mong thầy
cô góp ý và sửa chữa để bài làm được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm
ơn.
20
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
2.
3.
4.
5.
6.
Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đinh, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đinh, trường Đại học Luật Hà Nội.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2000.
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Luật nuôi con nuôi 2010
chuyên đề hôn nhân đồng giới: kinh nghiệm một số nước và thực tế tại
Việt Nam” – Viện nghiên cứu lập pháp thuộc ủy ban thường vụ quốc hội
7. Trương Hồng Quang, Một số quan điểm về kết hôn cung giới tại Việt
Nam hiện nay, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
8. Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
hôn nhân và gia đình.
9. Nghị định 110/2013/NĐ-CP về QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM
HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BỔ TRỢ TƯ PHÁP, HÀNH
CHÍNH TƯ PHÁP, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH, THI HÀNH ÁN DÂN
SỰ, PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ
10. />11. />12. Pháp luật một số quốc gia trên thế giới về quyền của người đồng tính,
cổng thông tin viện khoa học pháp lý điện tử bộ tư pháp
21