Tải bản đầy đủ (.doc) (14 trang)

Đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Dạ Ngân

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (126.35 KB, 14 trang )

NHÀ VĂN DẠ NGÂN VÀ NHỮNG ĐẶC SẮC TRONG SÁNG TÁC

1. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Dạ Ngân
1.1. Cuộc đời
Dạ Ngân tên thật là Lê Hồng Nga, bút danh khác là Lê Long Mỹ, Dạ Hương. Bà
sinh ngày 06 tháng 02 năm 1952, quê ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang,
quê gốc ở miệt vườn cổ Cao Lãnh sông Tiền nhưng vì ông nội bà thích thi thố văn nghệ
nên đưa gia đình bà xuống Cần Thơ để thỏa chí nghề vườn. Dạ Ngân là phụ nữ miệt vườn
chính cống và bà luôn tự hào về điều đó. Dạ Ngân nguyên là Trưởng Ban văn xuôi, tuần
báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam.
Tuổi thơ Dạ Ngân sống cùng gia đình nội, ba đi kháng chiến, sau đó bị tù, án khổ
sai Côn Đảo rồi chết trong xà lim, Dạ Ngân được chăm sóc bởi người cô. Ở vào vùng
hành lang giữa căn cứ kháng chiến tỉnh với căn cứ kháng chiến Khu Chín, gia đình Dạ
Ngân không có sự lựa chọn nào khác cho tất cả chị em gái nhà bà phải đi vào Cứ tham
gia đánh giặc. Lý tưởng đã được đơn giản hoá thành thù nhà rồi sau mới là nghĩa nước.
Ngay từ hồi ở Cứ, lúc Dạ Ngân che đèn lén đọc: "Sông Đông êm đềm", cuốn sách thời
đó bị coi là: “có vấn đề chính trị và đạo đức”, những người lớn tuổi trong toà báo bảo sớm
muộn gì bà cũng viết văn, bà để ngoài tai những lời tiên tri. Dạ Ngân thường xuyên xấu
hổ vì bị phê bình chính thức hoặc không chính thức rằng bà lãng mạn, con người bà đa
sầu đa cảm và có kiểu sinh hoạt tiểu tư sản.
Dạ Ngân có một chuyện tình sâu đậm nhưng trắc trở với nhà văn Nguyễn Quang
Thân, bởi họ đều đã có gia đình, cả hai cộng lại có tất cả năm người con và khủng khiếp
nhất là cái khoảng cách hai nghìn cây số. Năm 1993, sau mười một năm kéo dài mối tình
họ mới có hồi kết và chính thức có một tờ giấy kết hôn.
1.2. Sự nghiệp sáng tác
Năm 1978, Dạ Ngân bắt đầu sáng tác, truyện đầu tay của bà được Tạp chí Văn
Nghệ tỉnh in vào số Tết. Từ bộ phận làm tin, thuộc Sở văn hoá thông tin tỉnh Hậu Giang,
Dạ Ngân được chuyển sang Hội văn nghệ tỉnh sau truyện ngắn ấy. Đầu năm 1982, lần đầu
một truyện ngắn của bà được in trên tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn. Tháng 4 năm
1982, bà được mời đi dự Trại sáng tác của Hội ở Vũng Tàu. Tại đây, Dạ Ngân có cơ hội
tiếp xúc với những thế hệ nhà văn tên tuổi như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Thành Long,


Nguyễn Quang Thân, Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn...Cũng chính từ đây cuộc đời nhà
văn Dạ Ngân bước sang một con đò khác, trở thành một cây bút chuyên nghiệp, bà rất tin
vào ngòi bút của mình, tin vào sự lao động nghiêm túc của mình, tin vào những thông
1


điệp sâu sắc mà mình muốn gửi gắm. Bà tự nhận: “Tôi như người được vỡ hoang, tôi tin
vào văn chương và cũng tin hơn vào bản thân mình”.
Năm 1987, Dạ Ngân được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam và đây là cơ hội để
bà phát triển sự nghiệp sáng tác của mình, bà được tu nghiệp bốn năm ở Trường viết văn
Nguyễn Du, cũng được sống trong bầu không khí của văn hoá cội nguồn giữa Hà Nội làm
cho sáng tác của bà được xen lẫn giữa các miền văn hóa.
Dạ Ngân là một trong những nhà văn đương đại có nhiều đóng góp cho nền văn
học nước nhà với nhiều thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim...phải nói
rằng tính hiện thực, chất lãng mạn và chất Nam Bộ được thể hiện rõ nét trong những sáng
tác của bà.
Một số tác phẩm chính của Dạ Ngân: “Quãng đời ấm áp - tập truyện (1986), Ngày
của một đời - tiểu thuyết (1989), Con chó và vụ li hôn - tập truyện (1990), Cõi nhà - tập
truyện (1993), Mẹ mèo - truyện dài thiếu nhi (1992), Mùa đốt đồng - tập tản văn (2000),
Lục bình mải miết - tập ký (2002), Nhìn từ phía khác - tập truyện (2002), Miệt vườn xa
lắm - truyện dài thiếu nhi (2003), Gia đình bé mọn - tiểu thuyết (2005), 100 tản mạn hồn
quê (2007), Nước nguồn xuôi mãi - tập truyện ngắn (2008)”…
Dạ Ngân đạt được một số giải thưởng văn học: Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn
nghệ Quân đội năm 1987; Giải nhì truyện ngắn báo Tuổi Trẻ năm 1989; Giải ba truyện
ngắn báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1990; Giải khuyến khích Nxb Kim Đồng năm 2002;
Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội năm 2005; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2004,
2006).

2. Đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong sáng tác của Dạ Ngân
2.1. Những đề tài tiêu biểu

2.1.1. Đề tài gia đình
Dạ Ngân là nhà văn nữ khá thành công trong mảng viết về đề tài gia đình mà ở đó
thân phận người phụ nữ được quan tâm và mọi ngóc ngách trong tâm hồn họ được khai
thác triệt để. Đó có thể là một gia đình hạnh phúc sau khi đã vượt qua những hiểu lầm,
khúc mắc trong cuộc sống để rồi hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn trong Ai người Hà
Nội: “Những ngày ấy mới thật là trăng mật. Ông đưa bà lên núi với tổ tiên, đi loanh
quanh khắp vùng và đi lại với đám ruộng ngô rồi cùng ngồi ngất ngây như một đôi trẻ.
Chuyến về, xe đứa cháu kẹp ba lên thị trấn để ông bà theo đôi vé mà con gái đã đặt cho…
Ông nắm lấy tay bà, tay trong tay, ánh mắt rạng ngời, quả quyết” . Đó cũng có thể là
cuộc đời, thân phận người phụ nữ với bi kịch gia đình trong Con chó và vụ li hôn: “Toàn
là chuyện của cảm giác và chi tiết đối với tòa là vặt vãnh, Đoan không có cách nào khác
là giữ nó lại để chỉ đau một mình”. Nhân vật Đoan phải chịu nỗi đau về cả thể xác và tinh
2


thần khi đối mặt với người chồng mà đã từng một thời đầu ấp tay gối. Để rồi những mâu
thuẫn cứ thế chồng chất lên nhau và “tức nước vỡ bờ” dẫn đến hạnh phúc gia đình tan nát.
Khi những tâm hồn không tìm được tiếng nói chung thì những rạn nứt bên trong của mối
quan hệ gia đình càng bộc lộ rõ hơn bao giờ hết: “Đã lâu, giữa anh và chị không còn
cảnh đầu ấp, tay gối, thay vào đó là cuộc chiến tranh lạnh làm đông đặc không khí trong
nhà, tưởng có thể xắn ra được”.
Nhắc đến đề tài gia đình trong các sáng tác của Dạ Ngân thì không thể không kể đến
tiểu thuyết Gia đình bé mọn. Đó là một gia đình từ kết quả của một cuộc hôn nhân không
có tình yêu. Bên cạnh đó là sự vô tâm, hờ hững của người chồng đầy tham vọng đã khiến
người vợ khao khát một hạnh phúc mới nhưng quá trình tìm đến hạnh phúc thật sự cô đã
gặp phải nhiều chỉ trích bởi định kiến xã hội và cuối cùng khi chạm đến hạnh phúc thì
trong tâm trí cô lại day dứt bởi tình mẫu tử thiêng liêng không thể nào chối bỏ. Đây có thể
được coi là một trong những tác phẩm phản ánh một cách sâu sắc và chân thực nhất về bi
kịch gia đình bên cạnh truyện ngắn Con chó và vụ li hôn.
2.1.2. Đề tài người lính

Người lính dưới ngòi bút của Dạ Ngân mang những vẻ đẹp đầy lãng mạn nhưng
cũng không kém phần gai góc. Và Nguyệt trong Trăng về là một người như thế: “Nguyệt
là vậy, với sức vóc gan lì, chị dễ dàng phản ứng như chiếc lò xo dưới sức ép của hoàn
cảnh. Dưới trăng, chị đứng trên sạp xuồng, mái tóc dày bới tém trên cổ áo bà ba đen, vai
và hông uyển chuyển một cách quyết liệt theo nhịp sào”. Từ đây ta có thể liên tưởng đến
nhân vật cũng tên Nguyệt trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu: “tôi kịp
nhận thấy vẻ xinh đẹp của cô gái, một vẻ đẹp giản dị và mát mẻ như sương núi toả ra từ
nét mặt, lời nói và tấm thân mảnh dẻ, khác hẳn với nhiều cô gái công trường thường cô
nào cũng thấp và đẫy đà. Cô ta mặc áo xanh chít hông vừa khít, mái tóc dày tết thành hai
dải. Chiếc làn và chiếc nón mới trắng loá khoác ở cánh tay một cách nhẹ nhàng” rồi đến
khi: “Trăng sáng soi thẳng vào khuôn mặt Nguyệt làm cho khuôn mặt tươi mát ngời lên
và đẹp lạ thường!”
Dường như họ có rất nhiều điểm tương đồng, từ cái tên đến con người. Tất cả đều
đẹp, đẹp cả ngoại hình lẫn phẩm chất. Có thể nói là “đẹp như trăng”. Điều đó cũng tượng
trưng cho vẻ đẹp của người lính trong chiến tranh, nó như xoa dịu đi sự tàn khốc của bom
đạn. Bên cạnh đó cũng có một sự thật là những người lính sau chiến đấu trở về nhà phải
đối mặt với biết bao đổi thay trong cuộc sống khiến họ dường như không thể nào hòa
nhập được. Ngần ấy thời gian sống trong những trận chiến khốc liệt nay quay về đối với
họ như bắt đầu một cuộc sống mới, mọi thứ hoàn toàn xa lạ. Và nhân vật Hoành trong
Cái ban công trống cũng phải đối mặt với hoàn cảnh như thế và từ đó rơi vào bi kịch.
Anh không chấp nhận được cái cảnh vợ mình vì vật chất “cơm, áo, gạo, tiền” mà dùng
những thủ đoạn mánh khóe trong bán buôn và trở thành chủ nợ : “Anh, một thằng sĩ quan
3


già đời như anh mà phải theo sau vợ, phóng lên nhà người ta sừng sộ rồi xông vô bồ xúc
lúa của người ta để trừ nợ được sao?". Đối với anh như vậy thì “thà chết còn hơn”.
2.1.3. Đề tài người tri thức
Với đề tài người tri thức, Dạ Ngân tập trung xoáy sâu vào những góc khuất, những
mặt trái của những tri thức trẻ trong xã hội. Chẳng hạn như người được mang danh tri

thức, được đi du học bên Tây mà lại không cảm thông và thấu hiểu cho sự khó khăn của
gia đình mình trong Xương hai nước, giấy hai gang. Bởi lẽ, trong cuộc sống đầy rẫy
những khó khăn thì điều cần nhất trong gia đình là sự sẻ chia chứ không phải cứ luôn
miệng trách móc. Vì đơn giản, trong hoàn cảnh ấy thì xương hầm lại nước thứ hai và giấy
vệ sinh khi dùng thì phải đo bằng gang tay. Tất cả cũng vì muốn tiết kiệm chi phí trang
trải cho cuộc sống thời bao cấp. Chỉ vì chuyện người mẹ không chăm sóc được cho hàm
răng của con được trắng sáng mà theo anh ta hàm răng trắng thể hiện sự văn minh, trí tuệ
và năng lực. Tất cả những điều đó đã được tác giả khắc họa một cách đầy mỉa mai, châm
biếm.
Nhưng bên cạnh đó Dạ Ngân cũng đã phác họa những nhân vật có phẩm chất tốt
được xem là tri thức trong xã hội. Đó là cô nhà báo trong Chưa phải ngày buồn nhất. Khi
đối mặt với tình huống bị bắt buộc xem phim sex để rồi bàn luận, phê bình về nó thì chị
đã có thái độ đau buồn và giận dữ. Thế đấy, một bộ phận những người có chức trách trong
xã hội mà lại đem chuyện này ra gọi là “phê bình văn hóa” thì bảo sao chị không đau
buồn đến độ “nói sao cho hết”.

2.2. Cảm hứng chủ đạo
2.2.1. Cảm hứng hiện thực:
Đó là những bức tranh chân thực và sinh động về hiện thực cuộc sống khốn khó
thời bao cấp. Trong bức tranh đó tác giả đã phần nào phê phán những mặt trái của xã hội,
những góc khuất trong cuộc sống của con người. Qua hầu hết các tác phẩm của Dạ Ngân
từ tiểu thuyết đến truyện ngắn ta đều thấy được hiện thực cuộc sống khó khăn lúc bấy giờ,
khi mà cái ác, cái xấu dần xuất hiện và hoành hành. Từ đó cũng xuất hiện những mâu
thuẫn trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Chẳng hạn như trong Con chó và vụ li hôn là
bức tranh về bi kịch gia đình một phần khi giữa các nhân vật không có sự cảm thông thấu
hiểu cho nhau. Đặc biệt thân phận người phụ nữ được tác giả quan tâm và khắc họa sâu
sắc qua phần lớn các tác phẩm của mình.
2.2.2. Cảm hứng trữ tình
Vốn là một nhà văn nữ nên không ngạc nhiên nếu như các tác phẩm của Dạ Ngân
mang đậm chất trữ tình. Điều đó được thể hiện qua tình yêu trắc trở đầy cảm động của

4


nhân vật tôi và người đàn ông tàn tật ( Nhìn từ phía khác ) hay tấm lòng yêu thương bao
la của người mẹ dành cho con trai ( Xương hai nước, giấy hai gang ) hoặc miêu tả không
gian lãng mạn, nên thơ của một vùng quê êm đềm trong buổi hoàng hôn ( Trên mái nhà
người phụ nữ )…Mỗi yếu tố trữ tình trong các tác phẩm chủ yếu góp phần làm “tươi
mát” không gian trong hiện thực không mấy tốt đẹp. Ngoài ra cũng cho ta thấy rằng
những điều tốt đẹp vẫn luôn hiện hữu và nó tồn tại song song với cái xấu.
2.3. Thế giới nhân vật đa dạng
Dưới tác động của những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về cuộc sống, con
người của giai đoạn văn học sau 1975 đã chi phối đến hầu hết các cây bút trẻ. Dạ Ngân,
một cây bút nhạy cảm, tinh tế trong cách nắm bắt và lý giải tâm lý nhân vật cũng chịu
nhiều tác động. Thế giới nhân vật trong những sáng tác của Dạ Ngân phong phú, sinh
động nhưng cũng rất phức tạp. Là nhà văn hướng tới chủ đề nhân tình, thế sự nên trong số
những nhân vật đó, ta có thể bắt gặp hình bóng của một nhà văn nữ với sự từng trải trong
cuộc sống, kể cả những trắc trở, bất hạnh trong tình yêu.
2.3.1. Kiểu nhân vật gặp nhiều bất hạnh trong tình yêu, hôn nhân và gia đình.
Người phụ nữ trong Con chó và vụ li hôn (Đoan) lại phải chịu những đau khổ, bất
hạnh trong cuộc sống vợ chồng với người chồng thô kệch, cứng nhắc, thậm chí có phần
tàn nhẫn. Đoan có thể chấp nhận anh chồng kĩ tính, có sở thích chùi xe đạp cả ngày không
biết chán, không kết giao nhiều bạn chỉ vì sợ tốn kém. Nhưng việc đối xử thô bạo, tàn
nhẫn với một con chó chỉ vì ghen tỵ lại là nỗi đau và bất hạnh đối với Đoan. Bi kịch được
đẩy lên đỉnh điểm khi người chồng giết thịt con chó Mực và ném đàn con của nó xuống
sông. Đoan đã phải lựa chọn một sự thật mà không một người phụ nữ nào mong muốn, đó
là li hôn. Li hôn với một lý do tế nhị mà người ngoài chẳng thể nào hiểu nổi - li hôn vì
một con chó.
Không chỉ phản ánh sự lỡ dở, bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân ở ngừời phụ nữ,
Dạ Ngân còn khai thác cả ở những người đàn ông, Hôm ấy trời đẹp lắm chính là một
trong số đó. Một người thanh niên yêu một cô gái tên Tím, tình yêu say đắm chia lìa bởi

chiến tranh, cô có chồng sau đó anh cũng lấy vợ rồi cùng gia đình vợ sang nước ngoài.
Mang tiếng là Việt kiều Mỹ nhưng số tiền mà anh kiếm được phải đổi lấy bằng mồ hôi,
nước mắt và gia đình. Trở về Việt Nam, anh tìm lại cô Tím ngày xưa, những kí ức đẹp đẽ
ngày trước không thể nào xóa đi hình ảnh tiều tụy đến không muốn nhìn lâu của Tím lúc
này. Anh giữ lại cho mình hôm ngỏ lời với Tím là hình ảnh một ngày đẹp trời chứ không
phải là hình ảnh của cô Tím kia. Thực tại thật nghiệt ngã, khiến cho con người ta không
thể nào sống trọn vẹn với những kí ức đẹp đẽ của những ngày trước.
2.3.2. Người phụ nữ giàu tình thương yêu, đức hi sinh, thủy chung
5


Trong truyện ngắn Dạ Ngân, bên cạnh những vết nứt, những nguy cơ hiện hữu
trong đời sống gia đình hiện đại dưới tác động của nhiều yếu tố, người đọc vẫn nhận thấy
những giá trị truyền thống tốt đẹp tồn tại trong mái ấm gia đình . Đó là những người phụ
nữ với tính hi sinh và chịu đựng. Trong số những người phụ nữ ấy, phải nhắc đến những
người mẹ trong Người của mỗi người .
Xây dựng nhân vật với khuynh hướng độc thoại nội tâm là chủ yếu, người mẹ hiện
diện với tất cả nỗi băn khoăn, trăn trở làm sao giữ được sự yên ổn trong gia đình mỗi đứa
con. Nghịch lí trong chuyện này là mẹ chồng vốn phải được tôn trọng nhưng ở đây, nhân
vật người mẹ lại dè dặt và khúm núm để ý đến từng nét mặt cử chỉ của con dâu. Giữa cái
gia đình mà mọi người chỉ biết sống cho bản thân thì bà vẫn nặng lòng làm nhịp cầu nối
giữ gìn để con cháu mình được hạnh phúc, đoàn tụ. Bà đã dùng tất cả những đồng tiền ít
ỏi được đút nhét từ đứa con gái để mua vẻ mặt tươi cười của con dâu, bởi con dâu bà:
"không có thói quen đi chợ sớm để mẹ chỉ việc ở nhà làm bếp, càng không có thói quen
hỏi bà còn tiền không", bi kịch thay, sự tồn tại của bà lại là chướng ngại vật lớn nhất trong
vết rạn nứt gia đình người con.
Vậy là, người mẹ nghĩ thấu đáo đủ điều để lựa chọn giải pháp ra đi vẹn toàn, ít ảnh
hưởng đến con cái mình nhất. Bà đã từng nghĩ tới việc ra đi trong cái bể nước đồ sộ ở sân
sau nhà người con trai lớn nhưng vì nghĩ tới sự êm ấm của các con, không muốn chúng
phải bỏ nhà, phải li hôn nên bà đành thôi. Từng nghĩ đến cách ra đi bằng việc lao vào một

chiếc xe nhưng lại sợ mình bị thương, tàn tật, trở thành gánh nặng cho con cái nên bà
cũng lại tìm một cách khác. Người mẹ đã chở che cho con cái khi bé thơ, cho đến lúc về
già chợt nhận ra mình như một gánh nặng gia đình của chúng. Song, người mẹ với bản
chất đôn hậu không bao giờ tính toán thiệt hơn với những đứa con, lúc nào cũng bao bọc,
che chở và tha thứ cho những đứa con tội lỗi của mình.
2.3.3. Kiểu nhân vật người trí thức trong thời hậu chiến
Nhân vật người tri thức trong sáng tác của Dạ Ngân được khai thác ở nhiều góc độ.
Đó là người trí thức với niềm trân trọng những gì là hay, là đẹp. Trong Chuyện người
bay, kể về anh biên tập viên đã phát hiện ra một bản thảo rất tuyệt và đưa vội cho ông
giám đốc mà chưa kịp lưu lại tên hay bản nào. Bản thảo “Phải rời tàu” của một người
“nét chữ đàn ông đứng tuổi chân phương rành mạch, càng đọc càng thấy ngỡ ngàng bởi
sự chính xác của cảm xúc với từng cái dấu chấm, dấu phẩy". Người biên tập gọi đó là “tài
năng”. Thế nhưng tập bản thảo của con người tài năng ấy đă bị tên giám đốc có bệnh “yêu
ghế” vùi dập cho vào sọt rác với thói vô trách nhiêm của hắn. Anh biên tập cảm thấy mình
như nợ một món nợ ân tình
Hay trong Xương hai nước, giấy hai gang, ta lại bắt gặp hình ảnh của một người
tri thức với những yêu cầu khắt khe về hàm răng trong cái thời mà người ta không còn
6


những lo toan về cái đói, cái nghèo như cha mẹ thời bao cấp. Bởi anh có hàm răng mà có
người gọi nó giống như linh cẩu. Có thể nói đó là một anh mang tiếng trí thức nhưng
không hiểu được lí lẽ, anh không biết nghĩ đến những khổ cực mà mẹ anh cùng cả gia
đình phải gắn gượng, gồng mình trong cái thời mà xương ăn hết thịt lại đổ vào nấu nước
hầm lần hai để làm một nồi canh ngọt, giấy vệ sinh chỉ hai gang là đủ. Mà chỉ biết trách
người mẹ của mình mặc dù với người mẹ: "Sự thật, chưa bao giờ mẹ dám mơ con đi xa
như hôm nay để rồi luôn bị chất vấn vì sao hàm răng của con không mỹ mãn. Mỗi lần nói
chuyện răng miệng là vị trí mẹ con mình bị hoán đổi. Mẹ ngồi ghế bị cáo còn con là quan
tòa. Mẹ bị dồn đuổi, chỉ trích, chất vấn và buộc tội. Như thể mẹ lơ đểnh, như thể mẹ chây
lười, như thể mẹ dốt nát. Tệ hơn, như thể mẹ không xứng đáng".

Không chỉ gặp khó khăn về vật chất, những người trí thức còn phải chịu đựng
những loại văn hóa lố lăng, kệch cỡm... Chưa phải ngày buồn nhất có một nữ nhà báo bị
“bắt buộc” phải xem phim sex để rồi phê bình và bàn luận về nó. Những cảm xúc được
đem đến từ những "hành động" khiến người ta phải đỏ mặt trong phim khiến chị cảm thấy
như bị lột trần dưới bao nhiêu đôi mắt "cử tọa đàn ông kia". Lòng chị tràn ngập giận dữ
và đau buồn: "Chị giận dỗi lên xe, không biết giận ai và giận gì, chỉ thấy lòng tràn ngập
giận dữ và đau buồn. Buồn không biết nói sao cho hết. Cái lũ đóng phim, cái lũ làm
phim, cái lũ bán phim và cả cái lũ đã bắt những người như chị ngồi xen với đàn ông để
xem chúng bằng màn ảnh rộng giữa thanh thiên và bạch nhật". Cái gọi là xem để phê
bình kia thực chất là cái gì thì chỉ những người trong cuộc mới hiểu được.
2.3.4. Nhân vật người lính
Đến với những sáng tác của Dạ Ngân, người lính trong chiến tranh không chỉ là
những con người anh dũng, hy sinh vì tổ quốc, mà còn tồn tại cả những góc độ bình
thường đến mức tầm thường trong cuộc sống.
Đó là sự hi sinh một cách bất ngờ của Nguyệt khi chuyển sang cứ mới. Trăng về
kể về một đội thông tin hoạt động trong vùng sông mà cả hai đầu đều bị địch chiếm đóng.
Trong đội có một cô gái tên Nguyệt rất đẹp, thu hút sự chú ý của nhiều người. Khi nước
lên đội phải chuyển cứ và Nguyệt muốn làm một chỗ tắm riêng cho hai chị em tại Cứ
mới. Nhưng trong quá trình dựng nhà tắm, Nguyệt vướng phải trái nổ và chết, mọi chuyện
diễn ra một cách nhanh chóng và bất ngờ, vẽ đẹp ấy bị vùi dập không phải bởi những
chiến công vinh quang cho tổ quốc, mà lại là những việc hết sức bình thường của cuộc
sống.
Hay đó là sự bất lực trước hạnh phúc gia đình tan vỡ của Hoành trong Cái ban
công trống . Hoành một quân nhân đã nghỉ hưu, trong một lần bất hòa, vợ anh vô tình ngã
chết ở ban công. Mọi nghi vấn đều dồn vào người chồng, Hoành tìm đến người em nuôi
để phân trần, cuộc đời của Hoành là cuộc đời của một người lính đã sống và chiến đấu
7


anh dũng, kiên cường nhưng cho đến khi về với gia đình lại không được sự tôn trọng của

cả vợ và con: "sắp tới trong nhà có chồng của con, từ rày ba má đừng chó mèo với nhau
nữa, nhục con lắm nghen".
Những nhân vật trong sáng tác của Dạ Ngân rất phong phú, mỗi câu chuyện đều có
những kiểu nhân vật khác nhau, trên đây là những kiểu nhân vật tiêu biểu nhất.

2.4. Đặc điểm ngôn ngữ trong sáng tác của Dạ Ngân
2.4.1. Ngôn ngữ trong các sáng tác của Dạ Ngân mang đậm chất “nữ tính”
Ngôn ngữ trong sáng tác của Dạ Ngân có khi nhẹ nhàng, trầm lắng; khi lại chan
chứa yêu thương. Người đọc dễ dàng nhận ra, bên cạnh những hiện thực bề bộn, éo le của
cuộc sống đời thường được phản ánh trong các tác phẩm là chất văn bình dị, nhẹ nhàng,
không kém phần sâu sắc của một nhà văn nữ. Đặc điểm đầu tiên biểu hiện cho ngôn ngữ
mang sắc thái “nữ tính” trong truyện ngắn Dạ Ngân là loại ngôn ngữ mang tính trực cảm
của người phụ nữ. Viết về những người mẹ giàu tình yêu thương, đức hi sinh trong gia
đình Dạ Ngân đã sử dụng ngôn ngữ mang đầy tình mẫu tử. Người mẹ trong truyện ngắn
Xương hai nước, giấy hai gang dù luôn bị người con trai nơi xa gọi điện trách móc sáng,
trưa, chiều, tối về việc đánh răng cho đứa cháu trai nhưng không vì thế mà hờn giận, ghét
bỏ con. Khi nhớ lại hình ảnh của cậu con trai khi còn thơ trẻ, người mẹ vẫn tràn ngập yêu
thương, trìu mến: “Mẹ vừa thương con vừa nhớ lâu nụ cười của con khi ấy. Nó thông báo
với mẹ những phẩm chất mà mẹ mong chờ. Con hồn nhiên, rất ngoan, dễ dạy và biết
thích nghi hoàn cảnh”.
Ngôn ngữ trong truyện ngắn Dạ Ngân mang đậm chất “nữ tính” và cái trực cảm mà
có lẽ chỉ thấy ở những người đàn bà. Tác giả không sử dụng nhiều cái kết bất ngờ, thậm
chí lần theo mạch cốt truyện người đọc cũng có thể dự cảm được điều gì sẽ xảy ra với
nhân vật nhưng tác phẩm không vì thế mà mất đi tính hấp dẫn. Sự sâu lắng, bình dị nhưng
không kém phần sắc sảo trong ngòi bút Dạ Ngân đã chinh phục được nhiều độc giả.
2.4.2. Ngôn ngữ đời thường, dung dị nhưng phong phú và sống động
Dạ Ngân đã sử dụng những ngôn ngữ đời thường dung dị nhưng vô cùng phong
phú, sống động. Trước hết đó là việc đưa vào trong tác phẩm những lời ăn, tiếng nói hàng
ngày, dung nạp nhiều khẩu ngữ như: “Ái chà, cái quá khứ ấy như đã áp sát lưng nàng”,
“Mầy ở đâu ra, hử, cái con này, mầy ở đâu ra, hử” (Nàng ở đâu ra), “Làm cái nghề gì

moi tim, moi óc, chết sớm có ngày” (Nước nguồn xuôi mãi).
Trong truyện ngắn Dạ Ngân chúng ta còn thấy cả sự suồng sã thậm chí bồ bã của
lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nhà văn đưa vào truyện của mình một cách rất tự nhiên như:

8


“Chó ta! Chó quê mùa thấy mẹ chứ tây tàu gì", “Buông ra! Nó đái vô quần bây giờ. Bộ
xà bông rẻ lắm hả", " Đồ rượng đực". (Con chó và vụ li hôn)
2.4.3. Ngôn ngữ giàu chất triết lý
Dạ Ngân dần khẳng định là một cây bút triển vọng và có trách nhiệm với nghề. Với
những trăn trở, băn khoăn về những mặt trái, ẩn ức trong cuộc sống và khát khao đi tìm vẻ
đẹp tâm hồn trong mỗi con ngừời. Truyện ngắn Chuyện người bay mang nặng những tâm
sự, trăn trở của nhân vật tôi – một người biên tập, đã phát hiện ra một tác phẩm đầy triển
vọng nhưng lại vì những lí do tế nhị, nhạy cảm nên không được đăng, từ đó nhân vật tôi
rút ra được những chiêm nghiệm tuy muộn màng nhưng đầy ám ảnh: “Những người đến
muộn thường xem văn chương như thiền. Chỉ một lần lỡ ngồi với nơi nhốn nháo và không
được tôn trọng, họ sẽ rút êm vào bóng tối và vẫn thiền đều, chắc chắn là như vậy”. Có lẽ
đây cũng chính là những chiêm nghiệm của Dạ Ngân sau những năm tháng gắn bó với
nghiệp văn chương.
Truyện ngắn Người của mỗi người lại chứa đựng triết lí đầy xót xa về sự vô tâm,
bội bạc của những đứa con với người sinh thành ra chúng: “Hóa ra khi đứa con còn nhỏ,
mẹ là cái cây tỏa bóng, lớn chút nữa mẹ là quả ngọt, là chỗ dựa tin cậy, khi hết đời cây
bỗng thành chướng ngại. Và cuối cùng chúng chỉ muốn bứng đi cho rảnh nợ!” Mỗi nhận
vật tuy có một hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau ở một điểm đó là những con người
đã có trải nghiệm sâu sắc, thấm thía trong cuộc sống. Bằng việc sử dụng hình thức ngôn
ngữ mang đậm chất triết lí, nhà văn đã bộc lộ được thế giới quan, nhân sinh quan của
mình qua tác phẩm.
2.4.4. Ngôn ngữ đậm chất trữ tình
Những tác phẩm của Dạ Ngân, bên cạnh mảng hiện thực cuộc sống được phơi bày

, người đọc cũng cảm nhận được chất trữ tình đằm thắm trong mỗi trang văn miêu tả con
người và thiên nhiên nhẹ nhàng, sâu lắng. Trong truyện Trên mái nhà người phụ nữ,
những ngôn từ miêu tả được nhà văn sử dụng rất nhuần nhuyễn, đậm chất trữ tình mang
lại hiệu quả cao trong việc khắc họa vẻ đẹp nên thơ của một vùng quê thanh bình, yên ả
trong ánh hoàng hôn: “Hoàng hôn vãi xuống giữa dòng một dải lụa ửng tím. Vài cánh cò
chểnh mảng trên không trung nghi ngút màu lam, màu trắng nuột nà trở thành điểm sáng
riêng tư lãng mạn trên trời chiều. Tiếng bần rụng thảng thốt trong biền lá, từ đó vọng ra
tiếng chim bìm bịp trên mặt sông như tiếng vỗ khắc khoải trên mặt trống”. Dạ Ngân sử
dụng ngôn từ mang dấu ấn cảm xúc cá nhân, đậm chất trữ tình, vì thế chúng mang nét
phong cách riêng, trầm lắng và giàu cảm xúc, chứ không mang thái độ khách quan, lạnh
lùng như nhiều nhà văn khác.

3. Tác phẩm tiêu biểu: Tiểu thuyết “Gia đình bé mọn”
9


Cuốn tiểu thuyết Gia đình bé mọn với 295 trang viết của nhà văn Dạ Ngân là một
trong những tác phẩm làm nên sự thành công trong sự nghiệp cầm bút của bà. Tác phẩm
đã đạt được giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội năm 2005. Đây là tác phẩm làm nên sự
độc đáo trong phong cách sáng tác, đồng thời thể hiện cách nhìn của nhà văn về con
người, về cuộc đời. Không chỉ đề cập đến vấn đề gia đình mà tác phẩm còn nêu ra những
vấn đề mang tầm rộng lớn hơn về cuộc sống sau những năm chiến tranh đã đi qua.
3.1. Tóm tắt tác phẩm:
Tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời của một nữ nhà văn miền Nam tên là Lê Thị Mỹ
Tiệp, sống có ước mơ, có đam mê . Ba cô là một liệt sĩ Côn Đảo và Tiệp được ví như một
"ngôi sao" của dòng tộc. Cô khát khao một mái ấm với những tình cảm thiết tha, nhưng
thực tế lại không có được niềm hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Một cuộc sống hôn nhân
không có tình yêu với Tuyên, là cán bộ tuyên huấn, một người chồng lạnh nhạt với vợ, hờ
hững với con. Tuyên bị cám dỗ bởi những danh vọng và tiền tài, suốt một đời chạy theo
những đòi hỏi của uy quyền mà quên đi nghĩa vụ của một người chồng, người cha đúng

mực. Họ có với nhau 1 bé gái 9 tuổi tên là Thu Thi và 1 bé trai tên là Vĩnh Chuyên. Cuộc
sống gia đình ngày càng trở nên nhạt nhẽo và rồi Tiệp nhận ra hôn nhân mà không xây
dựng trên tình yêu thì nó chỉ làm cho người ta cảm thấy ngột ngạt, kìm hãm. Sự vô tâm
của chồng càng làm Tiệp thêm nhiều bất mãn, càng thôi thúc cô đi tìm một tình yêu chân
chính và rồi cô đã nảy sinh tình cảm với một người đồng nghiệp. Cuộc tình chớp nhoáng,
chóng vánh như vậy qua đi, Tiệp phải gánh chịu mọi lời trách cứ, sỉ nhục của người đời.
Định kiến của xã hội khắc nghiệt đã không thông cảm cho cô, gia đình cũng không ngừng
dè bĩu, khinh khi cô. Chỉ đến khi Tiệp gặp được Đính, một người đàn ông xứ Nghệ, đã có
gia đình, cũng mang trong mình một niềm yêu thích văn chương đã tiếp thêm ngọn lửa
yêu thương sưởi ấm tâm hồn của Tiệp. Người đàn ông ấy đã khơi dậy trong Tiệp những
khát khao, những phút giây mà trước đây với chồng chưa bao giờ cô có được. Một tình
yêu cháy bỏng cứ thế mà sinh sôi nảy nở, họ cùng nhau ước mơ, cùng nhau thêu dệt về
tương lai dù là nó vẫn còn quá xa xôi, mờ mịt. Kẻ Nam, người Bắc họ đã sống trong nỗi
nhớ thương da diết, những trắc trở ngày càng trở nên khốn đốn. Cuộc sống thiếu thốn thời
bao cấp, định kiến cổ hũ như cố đè nặng, cố nhấn chìm một tình yêu vừa chớm nở. Bằng
tình yêu chân chính, cuối cùng họ vẫn đến được với nhau nhưng đồng thời cũng là lúc nỗi
ray rứt, xót xa của người mẹ dành cho con càng trở nên da diết. Khiến Tiệp ân hận, dằn
vặt bản thân khi bất chấp vượt qua hàng ngàn cây số, bỏ lại sau lưng các con đang cần
vòng tay của mẹ mà tìm chạy theo hạnh phúc của chính mình…
3.2. Những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật
3.2.1. Đặc sắc về nội dung

10


Tiểu thuyết Gia đình bé mọn là bi kịch của người phụ nữ trong đời sống gia đình
và khát khao được đi tìm hạnh phúc thực sự giữa một thời hậu chiến.
Trong tác phẩm, những con người đại diện cho quyền lực hay tự cho là gắn với sứ
mệnh bảo vệ cuộc sống theo đúng lễ nghi, đạo lí như Hai Khâm, 4 ông Thường vụ, dòng
tộc: “vòng vây của nàng là những bà góa, cô góa, má góa, chị góa, cô em út cũng góa,

bốn bức tường gương mà nếu soi vào thì nàng phải lập tức quên tuổi trẻ và khát vọng của
mình để đi nhớ rằng không thể so sánh nỗi bất hạnh nào với nỗi bất hạnh của những
người góa bụa”. Và Tuyên chồng của Tiệp người vốn:“nói chuyện thời sự hoặc đứng lớp
cho cán bộ cơ sở với giáo trình tủ “Thế nào là nếp sống mới con người mới”” lại là
những người có những quan niệm cứng nhắc, cổ hủ và áp đặt.
Thông qua nhân vật Mỹ Tiệp mà nhà văn Dạ Ngân đã thể hiện đó là một người phụ
nữ biết đấu tranh cho một tình yêu đích thực, vượt qua mọi rào cản khắc nghiệp của định
kiến, của những lời dèm pha để từng bước tiến đến hạnh phúc thật sự. Bên trong người
phụ nữ ấy có những quyết liệt, đam mê và còn có những ham muốn:“nàng bốc cháy từ
gót chân lên tới đỉnh đầu và thực sự không biết mình đang bồng bểnh ở đâu, chính danh
hay không chính danh, tà dâm hay không tà dâm, chỉ thấy mình đúng là mình trong tưởng
tượng, thỏa mãn một cách hài hòa sâu sắc”.
Đồng thời tác phẩm còn bộc lộ bản chất của một thời bao cấp với những điều khốn
khó trong cuộc sống. Những thói đời xấu xa, ích kỷ, ham chuộng hư vinh và thói giả
nhân, giả nghĩa. Quan hệ giữa người với người ngày càng trở nên lạnh lùng, sòng phẳng
đến tàn nhẫn. Cuộc sống vật chất ngày càng được cải thiện nhưng tâm hồn và nhân cách
cũng càng ngày càng bị xói mòn, chai sạn. Đời sống gia đình cũng trở nên nhạt nhẽo bởi
sự vô tâm của Tuyên: “Chồng nàng ít khi giỡn với con, chưa bao giờ anh ta tung Vĩnh
Tuyên lên hay để nó trên vai như những người đàn ông sung sướng với con trai, trong khi
đó anh thích chăm sóc với lũ heo vì nó đem lại niềm vui thực tế”.
Tiểu thuyết cho ta thấy sức mạnh của một tình yêu chân chính, dù nó là mảnh
ghép từ những tình cảm không trọn vẹn, của những con người chịu nhiều đau khổ, bất
hạnh trong tình yêu như Tiệp và Đính. Dù mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa Tiệp cũng là
một người phụ nữ cần được yêu thương, được chở che bởi một người đàn ông: “Tiệp
nghe thấy bên cạnh mình không phải là mùi của cực nhọc, thiếu thốn mà là mùi của ưu
tư, vật vã, cựa quậy, như cái cây vô danh rất mảnh bị chèn ép dưới một tản đá và nó đã
lách lên, hãnh diện dưới ánh mặt trời. Giá có thể tự do để đi vòng sang bên Đính, dựa
hẳn vào cánh tay tháo vát ấy mà đi, đi mãi.” Tình yêu ấy dường như có thể xóa mờ đi
khoảng cách về không gian và thời gian, những chặng đường hàng nghìn cây số vẫn
không làm hai tâm hồn đang yêu cảm thấy e dè, chán nản. Cứ như thế sau hơn 10 năm,

cuối cùng họ cũng có được một mái ấm cho riêng mình, phải chăng đó cũng là ước muốn

11


của tất cả chúng ta khi con người chịu quá nhiều khổ đau, vùi dập họ cũng cần có được
một người bên cạnh sẻ chia, cho họ niềm tin vào cuộc sống dù nó thật mỏng manh.
Mặt khác càng về cuối tác phẩm chúng ta lại càng thấy rõ sự giằng xé, day dứt
mãnh liệt hơn trong tâm thức của nhân vật Tiệp. Đứng trước ngưỡng cửa của sự lựa chọn
một là hạnh phúc mà mình ấp ủ suốt bao năm với Đính, những nhớ nhung da diết, khao
khát được ngày tận hưởng cuộc sống vợ chồng đúng nghĩa và một là sự lựa chọn ở bên
con cái. Thu Thi và Vĩnh Chuyên là sợi dây ràng buộc giữa Tiệp và Tuyên, vì con nên
người phụ nữ ấy đã nhẫn nhịn và cam chịu cho đến khi không thể nào cứu vãn được nữa.
Chúng cũng là nguồn động lực để Tiệp bước tiếp quãng đời đầy nghiệt ngã của mình.
Người mẹ ấy đã thử một lần ích kỷ để sống cho bản thân, nhưng nỗi ăn năn, đau xót cũng
từ đấy mà ngày đêm dằn vặt, giằng xé nội tâm: “Để được sống với người mình yêu cũng
có nghĩa là phải thường xuyên gào khóc với lương tâm làm mẹ như vầy sao, cái giá này
nàng đã lượng hết chưa và phải trả đến bao giờ?”, “nếu như có cái kiếp sau ấy thì nàng
sẽ chọn sao cho hai thứ tình ấy có trong nhau, sinh ra cho nhau và vì nhau, mãi mãi, suốt
đời.”
3.2.2. Đặc sắc nghệ thuật
Tiểu thuyết “Gia đình bé mọn” được nhà văn Dạ Ngân viết bằng ngôn ngữ gần
gũi, giản dị nhưng vẫn mang nét đặc sắc của vùng miền. Những từ ngữ mang đậm sắc thái
của Nam Bộ như : tui, ráng, xúm vô, nghen, há,… và những từ mang sắc thái của miền
Bắc như: bố, nì, mi, rứa,…
Qua đây, ta còn thấy được khả năng gợi tả vô cùng chân thực về cuộc sống thông
qua cách nhìn nhận của nhân vật Mỹ Tiệp. Khốn khó, thiếu thốn về vật chất, con người
còn phải chịu nhiều khổ cực trong từng miếng ăn “đi ăn mà phải tì vai, áp lưng, giơ
phiếu như thị trường chứng khoán” hay lối sinh hoạt vẫn còn quá nhiều nhếch nhác, cảnh
chen chút nhau đề tranh mua vé tàu, trong hàng quán thì chiếc thìa nhôm phải đục lỗ vì sợ

nạn ăn cắp vặt, rồi cảnh Tiệp phải dùng que diêm để tự xoay sở khi vào nhà vệ sinh công
cộng với bao thứ ô nhiễm. Hệ thống y tế vô cùng kém cỏi và sự gian trá của bậc lương y,
những người phụ nữ đi thử thai thì phải nộp 750ml nước tiểu “Họ bắt mình nộp để nước
tiểu thì bán cho dân trồng rau còn chai thì bán lại cho cơ sở sản xuất rượu lậu!”.
Cách miêu tả tinh tế và chi tiết qua cảm nhận sâu sắc bằng những giác quan của
Tiệp, nhân vật có thể ngửi thấy cái vựa củi đước bốc lên mùi vỏ cây mục thấm nước, mùi
lá cỏ và nước mương của vườn nhà, mùi than bếp lò, mùi chuột gián mốc meo lưu cữu,
hương thơm của bông lựu trắng… Nhìn thấy màu xanh của hàng cây xà cừ, dãy hành lang
vàng dài hun hút, cây mận cụt ngọn bên hông tòa án, khoảng xi măng vắng lặng và cô
quạnh, những rễ già trồi lên làm nứt toạt mấy kẽ bê tông,…

12


Thời gian nghệ thuật ở đây có khi là hiện tại, có khi là quá khứ chúng đan xen lẫn
nhau. Không gian có lúc trở nên nhỏ bé và như làm cho con người trở nên tù túng, bó hẹp
chính mình trước hoàn cảnh. Khi thì là không gian trong hoàn cảnh chiến tranh thông qua
hồi tưởng của nhân vật Mỹ Tiệp, không gian thực tại ở miền Nam nơi mà cô đang sống và
làm việc. Không gian với những khó khăn của thời bao cấp ở miền Bắc. Thời gian và
không gia nghệ thuật được tác giả thể hiện một cách khéo léo, sinh động theo mạch cảm
xúc của nhân vật và góp phần làm cho cốt truyện được hấp dẫn hơn.
Miêu tả hành động và khắc họa nội tâm nhân vật một cách sâu sắc. Dạ Ngân đã để
cho nhân vật của mình đứng trước những hoàn cảnh trớ trêu để nhân vật có thể bộc lộ
những suy nghĩ và trăn trở của bản thân. Phải chăng đó cũng thể hiện cho nhân sinh quan
của tác giả không phải là người buông xuôi theo số phận mặc cho dư luận chà đạp lên sự
sống còn. Mà đó là cách nhìn, cách nghĩ của con người mới, của người phụ nữ can đảm,
biết đấu tranh để tìm lấy hạnh phúc. Song, tình cảm mẫu tử thiêng liêng vẫn không thể
nào bôi xóa được, dẫu cho rằng Tiệp đã chọn cho mình một chân trời khác để bù đắp lại
bao tháng ngày xa vắng người thương: “nàng nghẹt thở bên Đính, không phải vì tâm
trạng của một nàng dâu, một người vợ chính danh mà vì nàng là một người mẹ đã bỏ vãi

các con ở xa mình hàng nghìn cây số đề đi lấy chồng”. Thành công của Dạ Ngân còn bộc
lộ thông qua việc để nội tâm nhân vật giằng xé quyết liệt: “Nàng đứng yên và bỗng dưng
ôm bụng và đổ ập xuống, nàng đổ xuống một cách thê thảm, quằn quại như một cái cây
trong bão, nàng muốn được gào khóc, được đào bới, nàng muốn vạch đất xé trời để được
thấy các con, giá có thể chạy bổ mà trở về được, giá có thể nhìn thấy chúng một lần
nữa”.
Bằng ngòi bút của mình, Dạ Ngân không hề lẫn tránh hiện thực, bà đã phanh phui
một cách chân thực về những tăm tối, những góc khuất của cuộc sống. Là một lời cổ vũ
cho những ai biết đi tìm hạnh phúc thật sự, là niềm thương cảm cho thân phận người phụ
nữ vốn chịu nhiều tủi nhục, đớn đau. Bên cạnh đó cũng là một lời thú tội, một sự xám hối
của người làm mẹ đối với những đứa con khi phải sống trong những tháng ngày đau khổ
vì không thể toàn vẹn đôi bề. Tác phẩm chưa hẳn gọi là tự truyện bởi Dạ Ngân chỉ dùng
chính sự từng trải của bản thân, những biến cố trong cuộc sống làm chất liệu thô và bằng
sự sáng tạo của mình mà nhà văn đã thổi vào đó cái hồn, cái sức sống riêng cho tác phẩm.

TỔNG KẾT
Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng bên cạnh những cây bút xuất sắc khác
như Nguyễn Ngọc Tư, Trang Thế Hy…nhà văn Dạ Ngân đã khẳng định vị trí của
mình trong nền văn học Đồng Bằng Sông Cửu Long sau năm 1975. Dạ Ngân đã
thực sự để lại dấu ấn trong lòng độc giả. Trên từng trang viết, nữ nhà văn đã chứng

13


minh tâm huyết của chính mình thông qua việc phản ánh chân thực và sinh động về
cuộc sống, trong mối qua hệ giữa con người với con người.

14




×