Tải bản đầy đủ (.pdf) (58 trang)

Tác dụng hạ Acid Uric máu của Mán Đỉa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1 MB, 58 trang )

BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

PHAN THỊ ANH THƯ

ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG HẠ ACID URIC
THỰC NGHIỆM CỦA MÁN ĐỈA
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ

HÀ NỘI - 2015


BỘ Y TẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC DƯỢC HÀ NỘI

PHAN THỊ ANH THƯ

ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG HẠ ACID URIC
THỰC NGHIỆM CỦA MÁN ĐỈA
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP DƯỢC SĨ

Người hướng dẫn:
1. TS. Nguyễn Thùy Dương
2. TS. Nguyễn Quỳnh Chi
Nơi thực hiện:
1. Bộ môn Dược lực
2. Bộ môn Dược liệu

HÀ NỘI - 2015



LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành khóa luận này, tôi đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của thầy
cô, bạn bè và người thân.
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới TS. Nguyễn Thùy Dương,
TS. Nguyễn Quỳnh Chi và TS. Nguyễn Hoàng Anh, những người thầy đã luôn tận
tình hướng dẫn, quan tâm và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn Đảng ủy, Ban giám hiệu, phòng Đào tạo cùng các
bộ môn, phòng ban khác của Trường đại học Dược Hà Nội đã tạo điều kiện cho tôi
trong thời gian học tập và nghiên cứu.
Tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô, các anh chị kỹ thuật viên tại Bộ môn
Dược lực và Bộ môn Dược liệu đã luôn tạo điều kiện và nhiệt tình giúp đỡ tôi trong
quá trình thực hiện đề tài.
Xin cám ơn những người bạn đã và đang cùng nghiên cứu khoa học tại Bộ
môn Dược lực, những người luôn động viên, giúp đỡ và đóng góp ý kiến cho tôi hoàn
thành khóa luận.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình và người thân, những người luôn bên cạnh
và ủng hộ hết lòng, là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao đối với tôi trong thời gian thực
hiện khóa luận này.
Hà Nội, tháng 5 năm 2015
Sinh viên

Phan Thị Anh Thư


MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC CÁC BẢNG
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
ĐẶT VẤN ĐỀ.............................................................................................................1

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN .......................................................................................2
1.1. Tổng quan về tăng acid uric máu .....................................................................2
1.1.1. Định nghĩa .........................................................................................................2
1.1.2. Nguyên nhân gây tăng acid uric máu ................................................................2
1.1.3. Hậu quả của tăng acid uric máu ........................................................................5
1.1.4. Điều trị tăng acid uric máu ................................................................................6
1.2. Tổng quan về dược liệu mán đỉa.....................................................................10
1.2.1. Tên gọi và phân loại ........................................................................................10
1.2.2. Đặc điểm thực vật ...........................................................................................11
1.2.4. Thành phần hóa học ........................................................................................11
1.2.5. Tác dụng sinh học và công dụng .....................................................................13
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ........................15
2.1. Nguyên liệu, phương tiện nghiên cứu.............................................................15
2.1.1. Nguyên liệu nghiên cứu ..................................................................................15
2.1.2. Phương tiện nghiên cứu ..................................................................................16
2.2. Nội dung nghiên cứu ........................................................................................17
2.3. Phương pháp nghiên cứu.................................................................................18
2.3.1. Phương pháp đánh giá ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng độ acid
uric huyết thanh trên mô hình gây tăng acid uric cấp bằng kali oxonat ...................18
2.3.2. Phương pháp đánh giá ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hoạt độ enzym
xanthin oxidase gan chuột thí nghiệm.......................................................................19
2.3.3. Phương pháp đánh giá ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến sự thải trừ
urat qua thận chuột thí nghiệm ..................................................................................22


2.3.4. Phương pháp xử lý số liệu...............................................................................24
CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM VÀ KẾT QUẢ .......................................................25
3.1. Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng độ acid uric huyết thanh
trên mô hình gây tăng acid uric cấp bằng kali oxonat ........................................25
3.2. Cơ chế làm hạ acid uric huyết thanh in vivo của cao toàn phần mán đỉa ..27

3.2.1. Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hoạt độ xanthin oxidase gan chuột
thí nghiệm..................................................................................................................27
3.2.2. Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến sự thải trừ urat qua thận chuột thí
nghiệm .......................................................................................................................29
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN ........................................................................................34
4.1. Về ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng độ acid uric huyết thanh
trên mô hình gây tăng acid uric cấp bằng kali oxonat ........................................34
4.2. Về cơ chế làm hạ acid uric huyết thanh in vivo của cao toàn phần mán đỉa
...................................................................................................................................36
4.2.1. Về ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hoạt độ xanthin oxidase gan
chuột thí nghiệm ........................................................................................................36
4.2.2. Về ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến sự thải trừ urat qua thận chuột
thí nghiệm..................................................................................................................37
KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT......................................................................................40
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ALT

: Alanine aminotransferase

CMC-Na

: Natri carboxymethyl cellulose

DHBV

: Duck hepatitis B virus (virus viêm gan B vịt)


DL/kg

: Dược liệu/kg

ED50

: Mức liều đạt 50% đáp ứng

EDTA

: Ethylendiamintetraacetic acid

FDA

: Food and Drug Administration
(Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ)

IC50

: Nồng độ ức chế 50% hoạt độ enzym

GLUT9

: Glucose transporter 9 (kênh vận chuyển glucose 9)

HGPRT

: Hypoxanthin-guanin phosphoribosyl transferase


HSV-1

: Herpes simplex virus type 1 (virus herpes đơn dạng loại 1)

mARN

: Messenger ribonucleic acid (acid ribonucleic thông tin)

OAT

: Organic anion transporter (kênh vận chuyển anion hữu cơ)

OAT1

: Organic anion transporter 1 (kênh vận chuyển anion hữu cơ 1)

PEG

: Polyethylen glycol

PEG 400

: Polyethylen glycol 400

PRPP

: Phosphoribosyl pyrophosphat

RSV


: Respiratory syncytial virus (virus hô hấp hợp bào)

URAT1

: Urate transporter 1 (kênh vận chuyển urat 1)


DANH MỤC CÁC BẢNG
STT

Ký hiệu

1

1.1

Tên bảng

Một số hợp chất có trong dược liệu mán đỉa

Trang

12

Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng
2

3.1

độ acid uric huyết thanh trên mô hình gây tăng cấp


26

bằng kali oxonat
3

3.2

4

3.3

5

3.4

Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hoạt độ
xanthin oxidase gan chuột thí nghiệm
Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến thể tích
nước tiểu chuột thí nghiệm
Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến pH
nước tiểu chuột thí nghiệm

28

29

30

Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng

6

3.5

độ acid uric, creatinin trong nước tiểu, huyết thanh
và hệ số thải trừ urat chuột thí nghiệm

31


DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
STT

Ký hiệu

Tên hình

1

1.1

Quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể

3

2

1.2

Hệ vận chuyển urat tại tế bào ống thận


5

3

2.1

4

2.2

Ảnh chụp tiêu bản cành lá mán đỉa
(Archidendron clypearia (Jack) I.C.Nielsen, Fabaceae)
Thiết kế nghiên cứu

Trang

15
18

Quy trình thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của cao toàn
5

2.3

phần mán đỉa đến nồng độ acid uric huyết thanh trên mô

19

hình gây tăng cấp bằng kali oxonat

Quy trình thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của cao toàn
6

2.4

phần mán đỉa đến hoạt độ xanthin oxidase gan chuột thí

21

nghiệm
Quy trình thí nghiệm đánh giá ảnh hưởng của cao toàn
7

2.5

phần mán đỉa đến sự thải trừ urat qua thận chuột thí

23

nghiệm
Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng độ acid
8

3.1

uric huyết thanh trên mô hình gây tăng cấp bằng kali

26

oxonat

9

3.2

Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hoạt độ
xanthin oxidase gan chuột thí nghiệm

28

Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến nồng độ acid
10

3.3

uric, creatinin trong nước tiểu, huyết thanh chuột thí

32

nghiệm
11

3.4

Ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hệ số thải trừ
urat chuột thí nghiệm

33


1


ĐẶT VẤN ĐỀ
Tăng acid uric máu là chứng rối loạn chuyển hóa có thể dẫn đến gút, suy thận
[23], [48] và liên quan đến các bệnh như tăng huyết áp [34], bệnh mạch vành [39],
hội chứng chuyển hóa [51]. Tình trạng tăng acid uric máu xảy ra khá phổ biến ở nhiều
nước trên thế giới. Tại Mỹ, năm 2007-2008 có 21,5% dân số trên 20 tuổi (tương ứng
với khoảng 43,3 triệu người) bị tăng acid uric máu, tăng 2,4% so với giai đoạn 19881994 [78]. Tại Nhật Bản, tỉ lệ tăng acid uric ở nam giới năm 2006 là 30% [27]. Tỉ lệ
người mắc bệnh gút, căn bệnh có nguyên nhân trực tiếp do tăng acid uric, cũng gia
tăng trong vài thập kỷ gần đây ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, New Zealand [43],
[61], [78]. Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu ở bệnh viện Bạch Mai, bệnh gút đứng
thứ tư về tỉ lệ mắc trong các bệnh xương khớp, chiếm 8,57% [8].
Hiện nay đã có nhiều tân dược được sử dụng để kiểm soát nồng độ acid uric
cho hiệu quả điều trị tốt. Tuy nhiên, các thuốc này còn nhiều hạn chế do gây các tác
dụng không mong muốn nặng nề cho bệnh nhân như phản ứng dị ứng, các bệnh về
tiêu hóa, gan, thận [15], [19], [23]. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành nhằm tìm ra
thuốc mới có thể khắc phục nhược điểm của các thuốc đang được sử dụng, trong đó
một hướng chính là tập trung nghiên cứu các nguồn thảo dược. Năm 2013, Hoàng
Thị Thanh Thảo đã tiến hành sàng lọc đánh giá tác dụng ức chế xanthin oxidase,
enzym tham gia vào quá trình tạo thành acid uric trong cơ thể - đích tác dụng của
nhiều thuốc làm hạ acid uric máu hiện nay, của 91 mẫu dược liệu Việt Nam. Kết quả
cho thấy, trong 91 mẫu nghiên cứu mán đỉa là dược liệu có tác dụng tốt nhất. Cao
toàn phần cũng như một số phân đoạn và chất tinh khiết phân lập được từ mán đỉa
đều thể hiện tác dụng ức chế xanthin oxidase in vitro tương đối mạnh [14]. Tác dụng
ức chế xanthin oxidase in vitro tốt mở ra khả năng mán đỉa có thể làm hạ acid uric.
Để tiếp tục đánh giá tác dụng hạ acid uric của mán đỉa trên động vật thí nghiệm nhằm
góp phần đưa dược liệu này vào ứng dụng trong thực tế điều trị, đề tài “Đánh giá tác
dụng hạ acid uric thực nghiệm của mán đỉa” được thực hiện với 2 mục tiêu:
1. Đánh giá tác dụng hạ acid uric huyết thanh in vivo của dược liệu mán đỉa.
2. Xác định cơ chế làm hạ acid uric huyết thanh in vivo của dược liệu mán đỉa.



2

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN
1.1. Tổng quan về tăng acid uric máu
1.1.1. Định nghĩa
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của các hợp chất nhân purin trong
cơ thể người. Đây một acid yếu với pKa là 5,75 và 10,3. Trong huyết thanh, dịch
ngoại bào và dịch khớp, 98% acid uric tồn tại dưới dạng muối mononatri urat ở pH
7,4. Nồng độ urat bão hòa trong huyết thanh là 6,8 mg/dL (405 µmol/L) ở 37oC [48].
Tăng acid uric máu được xác định khi nồng độ acid uric huyết thanh cao hơn khoảng
2 lần độ lệch chuẩn so với nồng độ acid uric trung bình của người khỏe mạnh (tùy
theo lứa tuổi và giới tính), thường là 7 mg/dL (416 μmol/L) ở nam và 6 mg/dL (357
μmol/L) ở nữ [23].
1.1.2. Nguyên nhân gây tăng acid uric máu
Nồng độ acid uric được giữ ở mức sinh lý bình thường do có sự cân bằng giữa
quá trình hình thành và đào thải. Khi có bất thường xảy ra trong cơ thể hoặc do nguyên
nhân bên ngoài, một trong hai hoặc cả hai quá trình bị rối loạn, acid uric bị tăng sinh
hoặc giảm thải trừ sẽ dẫn đến tăng tích lũy trong các mô và máu [23], [48], [53].
1.1.2.1. Quá trình tăng tổng hợp acid uric
Acid uric là sản phẩm thoái giáng của các hợp chất nhân purin trong cơ thể
thông qua một chu trình chuyển hóa có sự tham gia của nhiều enzym và cơ chất [23].
Chính vì vậy, nguyên nhân dẫn đến tăng sinh acid uric có thể bắt nguồn từ sự gia tăng
các hợp chất purin đi vào quá trình chuyển hóa hoặc do rối loạn các enzym tham gia
xúc tác cho các quá trình đó. Quá trình chuyển hóa purin tạo được mô tả ở hình 1.1.


3

Hình 1.1. Quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể [23]

Sự gia tăng các hợp chất purin có thể tới từ nguyên nhân ngoại sinh (chế độ
ăn giàu purin như gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng…) hoặc nội sinh (tăng tổng hợp
mới base purin do rối loạn di truyền hoặc tăng tạo ra từ quá trình thoái hóa các acid
nucleic khi dùng các thuốc diệt tế bào hay mắc các bệnh mà tế bào có chu trình sống
ngắn như: bệnh đa hồng cầu, đa u tủy xương, vẩy nến...) [1], [2], [23], [48].
Sự rối loạn hoạt động của các enzym gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành
acid uric có thể kể đến là sự tăng hoạt tính của phosphoribosyl pyrophosphat (PRPP)
synthetase và giảm hoạt tính hypoxanthin-guanin phosphoribosyl transferase
(HGPRT). PRPP synthetase bị tăng hoạt tính khiến cho nồng độ của PRPP tăng lên,
HGPRT bị giảm hoạt tính làm tăng chuyển guanin và hypoxanthin thành acid uric và
khiến cho PRPP tham gia nhiều hơn vào quá trình kết hợp với glutamin trong bước


4

đầu tiên của quá trình chuyển hóa purin thành acid uric. Kết quả cuối cùng của các
hoạt động bất thường này là acid uric được tạo ra nhiều hơn trong khi sự thải trừ
không thay đổi, urat bắt đầu tích lũy và có thể dẫn đến một số biểu hiện trên lâm sàng
[1], [23], [48].
Mặc dù nguyên nhân gây tăng sinh acid uric là từ nguồn purin hoặc các enzym
như PRPP synthetase hoặc HGPRT, hiện nay để ức chế hình thành acid uric đích tác
dụng mà nhiều thuốc hướng đến là enzym xanthin oxidase. Xanthin oxidase có nhiều
ở gan và ruột, là enzym chủ chốt xúc tác cho những bước cuối cùng tạo acid uric [28].
Việc ức chế xanthin oxidase có thể làm giảm sản xuất acid uric mà không phụ thuộc
vào nguyên nhân gây tăng acid uric.
1.1.2.2. Quá trình giảm thải trừ acid uric
Thận là cơ quan đóng vai trò chủ yếu trong đào thải acid uric. Sự thải trừ acid
uric phụ thuộc vào 4 quá trình: lọc ở cầu thận, bài tiết, tái hấp thu và bài tiết sau khi
đã tái hấp thu ở ống thận. Acid uric bị ứ đọng trong cơ thể có thể do giảm mức độ lọc
cầu thận, giảm bài tiết hoặc tăng tái hấp thu, trong đó, nguyên nhân liên quan đến quá

trình tái hấp thu thường được nhắc tới nhiều nhất [23], [48]. Các tác nhân làm tăng
tái hấp thu acid uric ở ống thận gồm có: tình trạng béo phì, kháng insulin, rối loạn
lipid máu hoặc sử dụng các loại thuốc như: thuốc lợi tiểu, salicylat liều thấp, acid
nicotinic,…Các tác nhân này chủ yếu làm tăng tái hấp thu acid uric do tác động đến
các kênh vận chuyển anion hữu cơ (Organic anion transporter - OAT) ở ống thận
[34], [48], [60]. Hệ vận chuyển anion hữu cơ ở ống thận và một số thuốc liên quan
đến thải trừ urat được minh họa trong hình 1.2.


5

Hình 1.2. Hệ vận chuyển urat tại tế bào ống thận [60]
Acid uric bị giảm đào thải cũng có thể do bệnh nhân mắc một số bệnh về thận
như suy giảm chức năng thận, bệnh thận mạn tính [1], [48].
Ngoài các nguyên nhân chỉ làm tăng sinh hoặc giảm thải trừ acid uric còn có
những yếu tố ảnh hưởng tới cả 2 quá trình trên như: rượu, sốc, chứng suy giảm
glucose-6-phosphatase hoặc giảm fructose-1-phosphate aldolase [48].
1.1.3. Hậu quả của tăng acid uric máu
Tình trạng tăng acid uric máu có thể không biểu hiện triệu chứng và không
cần điều trị. Tuy nhiên, tăng acid uric kéo dài có thể dẫn đến bệnh gút, sỏi urat tiết
niệu hay suy thận cấp [23], [48], [53].
Khi lượng acid uric trong cơ thể tăng cao (nồng độ trong huyết thanh >
7mg/dL) thì tinh thể urat bắt đầu kết lắng. Các tinh thể này có thể lắng đọng ở màng
hoạt dịch, thận, sụn xương, gân, các mô dưới da… gây ra biểu hiện gút tại các cơ
quan đó. Tại khớp, urat lắng đọng gây hiện tượng nổi hạt tophi và viêm đa khớp. Nổi
hạt tophi thường thấy ở xung quanh khớp, màng hoạt dịch, đầu xương, sụn vành tai…
Viêm đa khớp thường biểu hiện thành tình trạng viêm cấp với các triệu chứng dữ dội
hoặc viêm mạn dai dẳng kéo dài tại các khớp. Tại thận, urat lắng đọng rải rác ở tổ



6

chức kẽ thận, bể thận, niệu quản có thể gây sỏi tiết niệu (có ở 20 - 30% bệnh nhân
gút), lắng đọng ồ ạt ở ống thận có thể gây suy thận cấp, lắng đọng lâu dài ở nhu mô
thận có thể gây suy thận mạn. Suy thận thường gặp ở bệnh nhân gút có hạt tophi, tiến
triển chậm và là nguyên nhân gây tử vong. Tại các cơ quan khác, urat lắng đọng tại
gân, túi thanh dịch có thể gây đứt gân hoặc chèn ép thần kinh, lắng đọng ngoài da và
móng tay chân thành từng vùng, mảng có thể gây nhầm lẫn với bệnh ngoài da khác
(vẩy nến, nấm…) [1], [2].
Ngoài bệnh gút và bệnh thận do gút, hiện tượng tăng acid uric máu cũng được
nhiều nghiên cứu chứng minh là có mối liên quan đến tăng huyết áp [34], [66], nguy
cơ bệnh mạch vành ở phụ nữ [39] và hội chứng chuyển hóa (béo phì, rối loạn chuyển
hóa lipoprotein máu, rối loạn chuyển hóa glucose) ở người già [51].
1.1.4. Điều trị tăng acid uric máu
1.1.4.1. Các thuốc hóa dược sử dụng trong điều trị tăng acid uric máu
Hiện nay có 3 nhóm thuốc được sử dụng để điều trị tăng acid uric với 3 cơ chế
tương ứng là: ức chế xanthin oxidase, làm tăng thải trừ acid uric qua thận và làm tiêu
acid uric .
○ Các thuốc ức chế xanthin oxidase
Xanthin oxidase là phức hợp molybdoflavoenzyme, xúc tác cho 2 bước cuối
cùng trong chu trình chuyển hóa purin là quá trình hydroxyl hóa hypoxanthine thành
xanthine và xanthine thành acid uric [28]. Các thuốc ức chế enzym xanthin oxidase
ngăn cản sự hình thành acid uric ở giai đoạn cuối, có tác dụng trên bệnh nhân bị tăng
acid uric do bất kỳ nguyên nhân nào, được lựa chọn hàng đầu hiện nay để điều trị
tăng acid uric máu và gút mạn tính [40], [76]. Các thuốc được sử dụng trên lâm sàng:
allopurinol và febuxostat [40], [53].
▪ Allopurinol
Allopurinol ức chế enzym xanthin oxidase theo cơ chế ức chế cạnh tranh ở
nồng độ thấp và không cạnh tranh ở nồng độ cao. Chất chuyển hóa chính của
allopurinol là oxypurinol cũng ức chế không cạnh tranh với xanthin oxidase [19].

Thuốc được sử dụng chủ yếu để điều trị tăng acid uric máu và nước tiểu trong gút


7

nguyên phát và thứ phát, tăng acid uric máu do dùng hóa trị liệu và bệnh sỏi canxi
oxalat niệu tái phát [15]. Tác dụng không mong muốn nguy hiểm nhất có thể gặp phải
khi dùng allopurinol là phản ứng dị ứng nghiêm trọng (hội chứng Stevens-Johnson,
phản ứng trên da và toàn thân) dẫn đến tử vong [40]. Các tác dụng không mong muốn
khác gồm: độc tính trên gan gây tăng transaminase trong máu, tác động lên thần kinh
trung ương gây chóng mặt, mất tỉnh táo, có thể làm tăng tần số bị cơn gút cấp trong
6-12 tháng đầu điều trị [15].
▪ Febuxostat
Febuxostat tạo phức hợp bền vững với cả dạng oxy hóa và dạng khử của
xanthin oxidase, do đó ức chế hoạt động của enzym [19]. Thuốc được FDA phê duyệt
để điều trị tăng acid uric ở bệnh nhân gút năm 2009 [53] nhưng không được sử dụng
để điều trị tăng acid uric không triệu chứng [15], [19]. Tác dụng không mong muốn:
có thể làm xuất hiện cơn gút cấp khi bắt đầu điều trị, buồn nôn, đau khớp, mẩn đỏ,
rối loạn chức năng gan… [15].
○ Các thuốc làm tăng thải trừ urat qua thận
Các thuốc làm tăng thải trừ urat tác động chủ yếu vào quá trình tái hấp thu
acid uric thông qua ức chế các chất vận chuyển anion ở tế bào ống thận [19]. Nhóm
thuốc này ít được sử dụng hơn nhóm ức chế xanthin oxidase [53], bị chống chỉ định
với các bệnh nhân mẫn cảm, suy giảm chức năng thận (độ thanh thải creatinin < 50
mL/phút) và bệnh nhân bị tăng tổng hợp acid uric [23]. Một số thuốc trong nhóm:
probenecid, sulfinpyrazon, benzbromazon [53].
▪ Probenecid
Probenecid được dùng để điều trị tăng acid uric máu liên quan đến gút, tăng
acid uric thứ cấp do dùng lợi tiểu thiazid, furosemid, acid ethacrylic, pyranzinamid
và ethambutol. Thuốc không được dùng cho tình trạng tăng acid uric không triệu

chứng, tăng acid uric do hóa trị liệu ung thư, xạ trị hoặc các bệnh tăng sản tủy. Các
tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng probenecid: phản ứng quá mẫn,
độc tính trên thận gây sỏi urat, đái máu, cơn đau quặn thận, làm nặng và kéo dài cơn
gút cấp, đau đầu, buồn nôn, nôn, chán ăn… [15].


8

▪ Sulfinpyrazon
Sulfinpyrazon cũng được sử dụng để điều trị tăng acid uric máu như
probenecid và có thể được dùng phối hợp với allopurinol để tăng tác dụng, đặc biệt
ở bệnh nhân có hạt tophi. Các tác dụng không mong muốn: phản ứng dị ứng, gây
khởi phát cơn gút cấp, sỏi thận, loét đường tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng, giảm tế bào
máu, chóng mặt... [15].
▪ Benzbromazon
Benzbromazon là thuốc có tác dụng làm tăng thải trừ acid uric mạnh, có thể
dùng trên bệnh nhân suy thận nhẹ và vừa [76]. Hiện nay, thuốc không được sử dụng
tại Mỹ [40] và được lưu hành hạn chế ở một số nước châu Âu do có một số trường
hợp báo cáo thuốc gây độc tính nghiêm trọng trên gan [19], [76].
○ Các thuốc làm tiêu acid uric
Các thuốc trong nhóm này được tái tổ hợp và biến đổi từ enzym uricase ở động
vật, có tác dụng kích thích chuyển acid uric thành allantoin dễ tan khiến nồng độ acid
uric máu hạ xuống. Thuốc đại diện cho nhóm là pegloticase, được FDA phê duyệt
năm 2010 để điều trị gút mạn tính không đáp ứng với các thuốc hạ acid uric khác
[53]. Ngoài ra còn có rasburicase dùng để kiểm soát nồng độ acid uric ở những bệnh
nhân ung thư đang điều trị bằng hóa trị liệu [15], [53].
1.1.4.2. Các dược liệu và bài thuốc từ dược liệu
○ Các dược liệu và bài thuốc được sử dụng để điều trị thống phong
Tình trạng tăng acid uric máu không có chứng bệnh tương ứng trong Đông y,
tuy nhiên, bệnh gút, căn bệnh có nguyên nhân trực tiếp do tăng acid uric thì được xếp

vào chứng tý, được gọi là bệnh thống phong và được điều trị bằng nhiều vị thuốc và
bài thuốc khác nhau [4].
▪ Các vị thuốc điều trị thống phong
Theo lý luận y học phương Đông, để điều trị thống phong cần sử dụng các vị
thuốc thuộc các nhóm như: tán hàn (can khương, quế nhục, phụ tử…), trừ thấp (độc
hoạt, tang ký sinh, sa kê, ngưu tất, hy thiêm, thương truật, ý dĩ, phục linh, tỳ giải…)
và hoạt huyết, bổ huyết (đương quy, xuyên khung…) [3], [4].


9

▪ Các bài thuốc điều trị thống phong
Các vị thuốc trên được phối hợp thành các bài thuốc khác nhau, được sử dụng
tùy theo thể bệnh thống phong: Độc hoạt tang ký sinh gia giảm và Ngũ tích tán gia
giảm được dùng để trị bệnh thể hàn tý, Ý dĩ nhân thang gia giảm dùng để trị bệnh thể
thấp tý, Bạch hổ quế chi thang gia vị dùng để trị bệnh thể lịch tiết phong… [3], [4].
○ Một số dược liệu và bài thuốc đã được đánh giá tác dụng và cơ chế hạ acid uric
Nhiều dược liệu và bài thuốc từ dược liệu đã được đánh giá tác dụng và xác
định cơ chế hạ acid uric máu theo 2 hướng chính: ức chế xanthin oxidase và làm tăng
thải trừ urat qua thận.
▪ Một số dược liệu và bài thuốc có tác dụng ức chế xanthin oxidase
Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh nhiều dược liệu có tác dụng hạ
acid uric máu thông qua ức chế xanthin oxidase. Một số dược liệu có thể kể đến là:
hy thiêm (Siegesbeckia orientalis L.) [7], cần tây (Apium graveolens L.) [13], trắc
bách diệp (Biota orientalis (L.) Endl.) [77]. Các dược liệu này làm hạ acid uric huyết
thanh chuột nhắt trên mô hình gây tăng acid uric cấp và làm giảm hoạt độ xanthin
oxidase gan chuột. Các nghiên cứu sàng lọc in vitro cũng cho thấy nhiều dược liệu
thể hiện khả năng ức chế xanthin oxidase tốt. Cúc hoa (Chrysanthemum sinense
Sabine.) [54], mán đỉa (Archidendron clypearia (Jack) I.C.Nielsen) [14], chòi mòi
mờ (Antidesma ambigum Pax & Hoffm), [10] là một số dược liệu tiềm năng có tác

dụng ức chế xanthin oxidase in vitro tương đối mạnh với IC50 < 20 µg/mL.
Các bài thuốc và chế phẩm phối hợp từ nhiều dược liệu cũng được đánh giá
tác dụng hạ acid uric và khả năng ức chế xanthin oxidase. Một trong số các bài thuốc
và chế phẩm đó là Ermiao wan của Trung Quốc (chứa thương truật và hoàng bá).
Theo nghiên cứu năm 2004 của Kong và cộng sự, Ermiao wan làm hạ acid uric huyết
thanh chuột nhắt trắng bị gây tăng acid uric cấp bằng kali oxonat và thể hiện tác dụng
ức chế xanthin oxidase in vivo [42].
▪ Một số dược liệu và bài thuốc có tác dụng làm tăng thải trừ acid uric
Ngoài các dược liệu làm hạ acid uric máu theo cơ chế ức chế xanthin oxidase,
nhiều dược liệu có tác dụng hạ acid uric do có khả năng làm tăng thải trừ urat qua


10

thận. Một dược liệu mới được nghiên cứu năm 2014 về tác dụng và cơ chế hạ acid
uric là tỳ giải (Dioscorea septemloba Thunb.). Trong nghiên cứu của Su và cộng sự,
trên mô hình gây tăng acid mạn tính bằng kali oxonat đường uống ở chuột nhắt, cao
chiết nước của tỳ giải làm giảm nồng độ acid uric huyết thanh, làm tăng lượng acid
uric đào thải qua thận 24 giờ nhưng không ức chế xanthin oxidase gan chuột khi so
sánh với lô chứng bệnh [64].
Theo các nghiên cứu tại Trung Quốc, một số bài thuốc điều trị gút cổ truyền
của nước này như Shuang Qi (chứa long não, tam thất) [41], Simiao (chứa thương
truật, hoàng bá, ý dĩ, ngưu tất) [29], Wuling san (chứa trạch tả, bạch truật, quế nhục,
phục linh) [22], Xie Zhuo Chu Bi Fang (chứa thổ phục linh, ngưu tất) [65] thể hiện
tác dụng làm hạ acid uric huyết thanh chuột nhắt. Cơ chế hạ acid uric của các bài
thuốc trên được xác đinh là làm tăng thải trừ urat thông qua tác động lên các yếu tố
liên quan đến hệ vận chuyển ion ở ống thận.
▪ Một số bài thuốc vừa ức chế xanthin oxidase vừa làm tăng thải trừ urat qua thận
Trong 2 nghiên cứu được công bố năm 2010 và 2012 tiến hành trên chuột bị
gây tăng acid uric mạn bằng kali oxonat, 2 bài thuốc của Trung Quốc là Simiao gia

giảm (chứa hoàng bá, ý dĩ, ngưu tất, phấn tỳ giải, tri mẫu) [32] và Sanmiao (chứa
hoàng bá, thương truật, ngưu tất) [69] làm hạ acid uric máu theo cả 2 cơ chế: ức chế
xanthin oxidase và làm tăng thải trừ urat qua thận trên chuột nhắt trắng. Cả 2 bài
thuốc đều làm giảm nồng độ acid uric huyết thanh và hoạt độ xanthin oxidase gan
chuột, làm tăng nồng độ acid uric nước tiểu 24 giờ và hệ số thải trừ urat của chuột
khi so sánh với lô chứng.
1.2. Tổng quan về dược liệu mán đỉa
1.2.1. Tên gọi và phân loại
○ Tên gọi
Tên khoa học: Archidendron clypearia (Jack) I.C.Nielsen [72].
Tên khác: Pithecellobium clypearia (Jack) Benth, Pithecellobium angulatum
Bentham, Inga clypearia Jack, Abarema angulata (Bentham) Kostermans [6], [72].
Tên thường gọi: mán đỉa, giác, khét, hông linh, lim sẹt, ràng ràng [6].


11

○ Phân loại
Loài mán đỉa (Archidendron clypearia (Jack) I.C.Nielsen) thuộc chi
Archidendron, họ Đậu (Fabaceae), bộ Đậu (Fabales), phân lớp Hoa hồng (Rosidae),
ngành Ngọc lan (Magnoliophyta) [5].
1.2.2. Đặc điểm thực vật
○ Mô tả
Cây gỗ hay cây nhỡ cao 10-15m, nhánh ngang, có cạnh. Lá kép lông chim 2
lần mang 4-5 cặp cuống bậc hai, mỗi cuống bậc hai mang 3-8 đôi lá chét. Lá chét
hình bình hành, hình trái xoan hay hình ngọn giáo ngược, gốc hình nêm không cân
đối, đầu nhọn thường có mũi, có lông mịn ở hai mặt hoặc có lông tơ ở mặt dưới.
Cụm hoa là chùm tán hay chùy ở ngọn, phân nhánh 3 lần, có lông, các cuống
mang tán hay ngù gồm khoảng 10 hoa có cuống 1-3 mm. Đài hình chén hay hình
phễu; tràng hình phễu hay hình chuông, màu vàng nhạt. Nhị 10-25, ống nhị bằng ống

tràng; bầu có lông mịn hoặc lông tơ. Quả 20 x 1cm, dẹp, xoắn theo hình trôn ốc, vỏ
quả có màu cam ở mặt ngoài, đỏ ở mặt trong, có lông mềm hay lông tơ. Hạt 5-10,
hình bầu dục hay hình cầu, có áo hạt mỏng, màu đen lam.
○ Phân bố
Cây có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, New Guinea… Ở nước ta,
cây mọc rải rác từ các tỉnh phía Bắc đến các tỉnh Nam Bộ như Đồng Nai, Kiên Giang.
○ Sinh thái
Thường thấy trong các rừng đầm lầy, rừng thường xanh trên đất sét, rừng thưa
cây họ Dầu và các rừng hỗn giao rụng lá vùng núi ở độ cao giữa 0 và 1700m. Cây ưa
sáng, ưa đất chua, ưa ẩm. Ra hoa vào tháng 3-4, có quả chín vào tháng 6-7 [5], [6].
1.2.4. Thành phần hóa học
Một số nghiên cứu tại Trung Quốc và Việt Nam cho thấy các chất hóa học đã
phân lập được từ mán đỉa thuộc các nhóm hợp chất chính là flavonoid, các
polyphenol cấu tạo nên tanin, các hợp chất terpenoid đóng vai trò là sapogenin [11],
[18], [37], [45], [46], [49], [71], [73]. Một số hợp chất hóa học đã phân lập được từ
mán đỉa được trình bày ở bảng 1.1.


12

Bảng 1.1. Một số hợp chất có trong dược liệu mán đỉa
Nhóm hợp chất

Chất hóa học

TLTK

7-O-galloyltricetiflavan

[11], [46]


7,4′-di-O-galloyltricetiflavan

[37], [46]

(−)-5,7,3′,4′,5′-pentahydroxyflavan
(−)-epigallocatechin-7-gallat

[18]

(+)-3,5,3',4',5'-pentahydroxyflavan-7-gallat
(−)-5,3',4',5'-tetrahydroxyflavan-7-gallat

[37]

(2R,3R)-7-O-galloylplumbocatechin
5-hydroxy-3,7,3',4'-tetramethoxyflavon
Flavonoid
5,4'-dihydroxy-3,7,3'-trimethoxyflavon

[71]

Luteolin (5,7,3',4'-tetrahydroxyflavon)
Fisetin (3,7,3′,4′-tetrahydroxyflavon)
[49]
Robinetin (3,7,3',4',5'-pentahydroxyflavon)
Quercetin (3,5,7,3',4'-pentahydroxyflavon)

Polyphenol


[45], [73]

Luteolin-7-O-β-D-glucopyranosid

[71]

Myricetin-3-O-α-L-rhamnopyranosid

[18]

Quercetin-3-O-α-L-rhamnopyranosid

[11], [18]

Acid gallic

[71], [45]

Ethyl gallat

[11]

Methyl gallat

[18]

Acid oleanolic
Triterpenoid

Acid ursolic


[71]

α-amyrin
Sterol

β-sitosterol

[11]

Daucosterol (β-sitosterol glucosid)

[71]


13

1.2.5. Tác dụng sinh học và công dụng
○ Sử dụng mán đỉa theo kinh nghiệm dân gian
Tại Việt Nam lá mán đỉa được dùng để nhuộm đen và nấu nước tắm trị ghẻ.
Ở Ấn Độ, lá dùng làm bột trị ho, đau chân, phù, thủy đậu và đậu mùa, ở Lào dùng để
trị vết thương [5], ở miền Bắc Thái Lan, mán đỉa trị sốt, đau răng, đau mắt [16], [56].
○ Các tác dụng sinh học
▪ Tác dụng chống viêm và chống dị ứng
Dịch chiết ethanol của mán đỉa và các chất phân lập thể hiện tác dụng chống
viêm và chống dị ứng rõ rệt trên mô hình gây phù ở tai và chân chuột nhắt trong một
nghiên cứu ở Trung Quốc năm 2009 [18]. Nghiên cứu của Yang và cộng sự năm 2012
và 2013 cũng cho thấy dịch chiết methanol của mán đỉa có tác dụng chống viêm tốt
trên mô hình gây viêm ruột kết bằng dextran natri sulfat và gây viêm dạ dày bằng
ethanol/HCl ở chuột nhắt. Cơ chế chống viêm của mán đỉa được chứng minh là có

liên quan đến các yếu tố tham gia vào quá trình dịch mã tạo ra các enzym và chất
trung gian hóa học trong phản ứng viêm [73], [74].
▪ Tác dụng kháng virus
Các nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy dịch chiết mán đỉa trong các dung
môi khác nhau và một số hợp chất flavonoid phân lập được từ dịch chiết có tác dụng
kháng virus cúm H1N1 [37], [46], virus đường hô hấp (RSV), virus herpes (HSV-1)
ở người [46] và virus viêm gan B ở vịt (DHBV) [44].
▪ Tác dụng bảo vệ gan
Mán đỉa có tác dụng làm giảm nồng độ ALT trong máu chuột trên mô hình
gây viêm gan bằng lipopolysaccharid của Propionibacterium acnes và paracetamol
theo 2 nghiên cứu năm 2009 và 2013 [11], [18].
▪ Tác dụng chống oxy hóa
Nguyễn Thị Hoài và cộng sự đã sàng lọc hoạt tính chống oxy hóa in vitro của
một số cây thuốc của đồng bào Pako - Vân Kiều ở Quảng Trị và nhận thấy mán đỉa
có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất với ED50 của cao toàn phần là 2,18 µg/mL [9].
Nguyễn Khánh Thùy Linh tiếp tục nghiên cứu hoạt tính chống oxy hóa của các phân


14

đoạn mán đỉa và thu được kết quả phân đoạn ethyl acetat có tác dụng chống oxy hóa
mạnh nhất với ED50 là 0,63 µg/mL [11].
▪ Tác dụng ức chế xanthine oxidase in vitro
Năm 2013, kết quả sàng lọc tác dụng ức chế xanthine oxidase in vitro của
Hoàng Thị Thanh Thảo cho thấy mán đỉa là dược liệu có tác dụng tốt nhất trong 91
mẫu dược liệu được nghiên cứu với IC50 của cao toàn phần là 15,6 µg/ml. Phân đoạn
có khả năng ức chế xanthin oxidase in vitro mạnh nhất là phân đoạn ethyl acetat với
IC50 là 4,4 µg/ml. Chất tinh khiết ACE8 phân lập được từ cao ethyl acetat có tác dụng
ức chế enzym mạnh nhất đã được xác định cơ chế là ức chế không cạnh tranh [14].
Từ kinh nghiệm dân gian và các nghiên cứu khoa học, có thể thấy mán đỉa là

dược liệu có nhiều ứng dụng để làm thuốc chữa bệnh. Đặc biệt tác dụng chống viêm,
chống oxy hóa và khả năng ức chế xanthine oxidase in vitro tốt cho thấy dược liệu
này có nhiều tiềm năng trong điều trị tăng acid uric máu và bệnh gút.


15

CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nguyên liệu, phương tiện nghiên cứu
2.1.1. Nguyên liệu nghiên cứu
2.1.1.1. Dược liệu nghiên cứu
Dược liệu nghiên cứu là cành lá của cây mán đỉa (Archidendron clypearia
(Jack) I.C.Nielsen) được thu hái tại Mê Linh, Hà Nội tháng 1 năm 2014.
Mẫu dược liệu được TS. Trần Thế Bách, phòng Thực vật, Viện Sinh thái và
Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định tên
khoa học.
Mẫu tiêu bản cây được lưu giữ tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện
Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam.

Hình 2.1. Ảnh chụp tiêu bản cành lá mán đỉa
(Archidendron clypearia (Jack) I.C.Nielsen, Fabaceae)


16

2.1.1.2. Chuẩn bị mẫu nghiên cứu
Sau khi thu hái, dược liệu được làm sạch, sấy khô, xay thô. Bột dược liệu được
ngâm với dung môi methanol trong 48 giờ ở nhiệt độ phòng. Lặp lại 3 lần.
Dịch chiết 3 lần được đem cất thu hồi dung môi dưới áp suất giảm và cô cách
thủy đến cao đặc. Sau khi điều chế, cao dược liệu được bảo quản ở nhiệt độ 0 - 4oC.

Hàm ẩm dược liệu là 4,94%. Hiệu suất chiết cao là 37,26%.
2.1.2. Phương tiện nghiên cứu
2.1.2.1. Động vật thí nghiệm
Chuột nhắt trắng chủng Swiss, giống đực, cân nặng từ 18-22g, khỏe mạnh do
Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cung cấp.
Động vật được nuôi ổn định với điều kiện phòng thí nghiệm ít nhất 5 ngày
trước khi thực hiện nghiên cứu, được nuôi dưỡng bằng thức ăn tiêu chuẩn do Viện
Vệ sinh dịch tễ trung ương cung cấp, uống nước tự do.
2.1.2.2. Hóa chất, thuốc thử
- Allopurinol (Sigma Aldrich).
- Bộ hóa chất định lượng acid uric gồm hóa chất phản ứng và acid uric chuẩn
(BioSystems).
- Bộ hóa chất định lượng creatinin gồm hóa chất phản ứng và creatinin chuẩn
(Liquick Cor).
- Các dung môi, hóa chất pha hệ đệm dùng cho phản ứng enzym đạt tiêu chuẩn
phân tích.
- Dung môi dùng cho chiết xuất: methanol đạt tiêu chuẩn công nghiệp.
- Kali oxonat 97%, dùng cho nghiên cứu và phát triển (Sigma Aldrich).
2.1.2.3. Thiết bị, dụng cụ
- Cân kĩ thuật Presica-BJ610C, TE412 (Sartorius).
- Cân phân tích AY 220 (Shimadzu).
- Đĩa UV 96 giếng đáy phẳng Costar 3635 (Corning).
- Hệ thống ELISA gồm máy đọc khay vi tinh thể (Biotek, Hoa Kì) và máy ủ
lắc khay (Awareness, Hoa Kì).


17

- Lồng hứng nước tiểu.
- Máy cất nước 2 lần (Halminton, Hoa Kì).

- Máy cất quay Buchi Rotavapor R210.
- Máy đo pH (Eutech).
- Máy ly tâm EBA 20 (Hettich Zentrifugen, Đức).
- Máy ly tâm lạnh Centrifuge 5702R và Centrifuge 5415R (Eppendorf).
- Máy siêu âm Power sonic 405.
- Máy sinh hóa TC-3300 Plus (Teco Diagnostics USA).
- Nồi cách thủy SSY-H, GFL (Memmert).
- Thiết bị nghiền đồng thể WiseStir HS-30E (Daihan).
- Tủ ấm điều nhiệt (Memmert).
- Các dụng cụ sử dụng để pha thuốc, lấy mẫu và xét nghiệm: micropipet và
đầu côn tương ứng, ống microtube, dụng cụ thủy tinh, chày, cối sứ, mao quản, bơm
kim tiêm, ống nghiệm các loại.
2.2. Nội dung nghiên cứu
Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra, đề tài được thiết kế với các nội
dung tiến hành như sau:
- Thực hiện mục tiêu 1: Đánh giá ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa với
các mức liều khác nhau đến nồng độ acid uric huyết thanh trên mô hình gây tăng acid
uric cấp bằng kali oxonat.
- Thực hiện mục tiêu 2: Xác định sơ bộ cơ chế làm hạ acid uric huyết thanh in
vivo của cao toàn phần mán đỉa trên thực nghiệm thông qua:
+ Đánh giá ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến hoạt độ xanthin oxidase
gan chuột thí nghiệm.
+ Đánh giá ảnh hưởng của cao toàn phần mán đỉa đến sự thải trừ urat qua thận
chuột thí nghiệm.


×