Tải bản đầy đủ (.pdf) (65 trang)

Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến tiếp cận dịch y tế ở nhóm nam bán dâm đồng giới tại hà nội năm 2014 2015

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (963.52 KB, 65 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ Y TẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y HÀ NỘI

NGUYỄN HỒNG NGÂN

Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến tiếp cận dịch vụ y tế ở nhóm
nam bán dâm đồng giới tại Hà Nội năm 2014 - 2015”

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CỬ NHÂN Y KHOA
KHÓA 2011 – 2015

Thầy hướng dẫn khoa học:
Th.S: VĂN ĐÌNH HÒA

HÀ NỘI – 2015
LỜI CẢM ƠN


Hoàn thành khóa luận này, trước tiên em xin gửi lời cảm ơn chân thành
nhất tới ThS. Văn Đình Hòa - Cán bộ giảng dạy Bộ môn Dịch tễ - Viện Đào
tạo Y học Dự Phòng và Y tế Công cộng, người thầy trực tiếp hướng dẫn và
chỉ bảo cho em trong suốt quá trình học tập và làm khóa luận.
Em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS.Lê Minh Giang - Cán bộ giảng
dạy Bộ môn Dịch tễ - Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng đã
tạo điều kiện thuận lợi để em có thể hoàn thành khóa luận này.
Em xin gửi lời cảm ơn tới các anh chị của Trung tâm Nghiên cứu và
Đào tạo HIV/AIDS – Trường Đại học Y Hà Nội đã giúp đỡ em trong quá
trình hoàn thành khóa luận.


Em xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Giám hiệu, Phòng Đào tạo Đại
học Trường Đại học Y Hà Nội đã tạo môi trường thuận lợi cho em trong suốt
4 năm dưới mái trường.
Em xin chân thành cảm ơn Thầy Cô trong bộ môn Dịch tễ, Viện Đào
tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, trường Đại học Y Hà Nội đã đóng góp
nhiều ý kiến quý báu cho em trong quá trình làm khóa luận.
Và cuối cùng em xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới gia đình, người
thân và bạn bè đã luôn ở bên cạnh động viên, khích lệ và hỗ trợ.

Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2015
Sinh viên

Nguyễn Hồng Ngân
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM


Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
LỜI CAM ĐOAN
Kính gửi: - Ban Giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội.
- Phòng Quản lý Đào tạo Đại học, phòng Công tác học sinh sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.
- Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng - Trường
Đại học Y Hà Nội.
- Bộ môn Dịch tễ Trường Đại học Y Hà Nội.
- Hội đồng chấm Khóa luận tốt nghiệp năm 2014 - 2015.

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của tôi. Các số liệu,
cách xử lý, phân tích số liệu là hoàn toàn trung thực và khách quan. Các kết
quả nghiên cứu này chưa được công bố ở trong bất kỳ tài liệu nào.
Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2015
Sinh viên


Nguyễn Hồng Ngân


MỤC LỤC

LỜI CẢM ƠN
LỜI CAM ĐOAN
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC BẢNG
DANH MỤC BIỂU ĐỒ
ĐẶT VẤN ĐỀ .................................................................................................. 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU........................................................ 3
1.1. Một số khái niệm cơ bản ........................................................................ 3
1.1.1. Nam quan hệ tình dục đồng giới ....................................................... 3
1.2. Đặc Điểm nhân khẩu – xã hội, nhân dạng tình dục, nhân dạng giới. .... 6
1.3. Tình hình các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nhóm nam bán
dâm đồng giới ....................................................................................... 8
1.3.1. Trên thế giới ...................................................................................... 8
1.3.2. Việt Nam ........................................................................................... 9
1.4. Tình hình thực trạng tiếp cận sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm nam bán
dâm đồng giới ..................................................................................... 10
1.4.1. Trên thế giới .................................................................................... 10
1.4.2. Việt Nam ......................................................................................... 11
1.5. Một số yếu tố liên quan đến thực trạng sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm
nam quan hệ tình dục đồng giới .......................................................... 14
1.5.1. Kiến thức ......................................................................................... 14
1.5.2. Sự kỳ thị .......................................................................................... 14
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU......... 16
2.1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu ........................................................ 16



2.1.1. Địa điểm: ......................................................................................... 16
2.1.2. Thời gian ......................................................................................... 16
2.2. Đối tượng nghiên cứu........................................................................... 16
2.3. Phương pháp nghiên cứu...................................................................... 16
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu ........................................................................ 16
2.3.2. Cỡ mẫu nghiên cứu ......................................................................... 17
2.3.3. Cách chọn mẫu ................................................................................ 17
2.3.4. Biến số nghiên cứu.......................................................................... 18
2.3.5. Xử lý và phân tích số liệu ............................................................... 20
2.3.6. Sai số và cách khắc phục sai số ...................................................... 21
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ................................................... 22
3.1. Thông tin chung ................................................................................... 22
3.2. Thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế ở đối tượng tham gia nghiên cứu ..... 24
3.3. Một số yếu tố liên quan đến tiếp cận dịch vụ y tế ở đối tượng tham gia
nghiên cứu .......................................................................................... 33
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN ............................................................................ 34
4.1. Thông tin đối tượng tham gia nghiên cứu ............................................ 34
4.2. Thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế ở đối tượng tham gia nghiên cứu ..... 35
4.3. Một số yếu tố liên quan đến tiếp cận dịch vụ y tế ở đối tượng tham gia
nghiên cứu ........................................................................................... 39
KẾT LUẬN .................................................................................................... 41
KHUYẾN NGHỊ............................................................................................ 42
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC


DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT


QHTDĐG

Quan hệ tình dục đồng giới

HIV

Vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người
(Human Immuno-deficiency Virus)

AIDS

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người
(Acquired Immune Deficiency Syndrom)

NQHTDĐG

Nam quan hệ tình dục đồng giới

STIs

Các nhiễm trùng lây qua đường tình dục
(Sexually transmitted infections)

NBDĐG

Nam bán dâm đồng giới

UNAIDS

Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS

(The Joint United Nations Programme on HIV/AIDS)

DVYT

Dich vụ y tế

IBBS

Giám sát kết hợp hành vi và các chỉ số sinh học
(Integrated Biological and Behavioral Surveillance)

HBV

Vi rút viêm gan B
(Hepatitis B virus)

HPV

Vi rút gây bênh sùi mào gà
(Human Papillomavirus)

QHTD

Quan hệ tình dục

NVYT

Nhân viên y tế

CSSK


Chăm sóc sức khỏe

BCS

Bao cao su

OR

Tỷ suất chênh
(Odds Ratio)


DANH MỤC BẢNG

Bảng 3.1: Thông tin chung của đối tượng nghiên cứu .................................... 22
Bảng 3.2: Đặc điểm giới tự nhận và đặc điểm tình dục .................................. 23
Bảng 3.3: Đặc điểm tình dục theo đặc điểm giới tự nhận ............................... 23
Bảng 3.4: Tỷ lệ tiếp cận DVYT của đối tượng nghiên cứu trong 6 tháng qua .... 24
Bảng 3.5: Tỷ lệ tiếp cận DVYT trong 6 tháng qua theo đặc điểm tình dục ở
đối tượng nghiên cứu .................................................................... 24
Bảng 3.6: Mức độ cảm thấy dễ chịu khi nói chuyện với NVYT về hành vi
QHTDĐG ...................................................................................... 26
Bảng 3.7: Các lý do mà đối tượng không đề cập QHTDĐG với NVYT........ 26
Bảng 3.8: Tỷ lệ phân bố việc xét nghiệm HIV ............................................... 27
Bảng 3.9: Tỷ lệ phân bố nguồn thông tin về HIV/AIDS ................................ 28
Bảng 3.10: Loại chủ đề mà đối tượng trao đổi với NVYT trong lần gần nhất .... 30
Bảng 3.11: Tỷ lệ các loại vật liệu giảm hại nhận được lần gần nhất ............. 31
Bảng 3.12: Lý do chính mà đối tượng đi xét nghiệm HIV trong lần gần đây nhất... 32
Bảng 3.13: Một số yếu tố liên quan đến tiếp cận DVYT trong 6 tháng qua .. 33



DANH MỤC BIỂU ĐỒ

Biểu đồ 3.1: Tỷ lệ % theo từng cảm nhận về khả năng có được DVYT về STIs..... 25
Biểu đồ 3.2: Tỷ lệ đối tượng nói thật với NVYT về QHTDĐG ..................... 25
Biểu đồ 3.3: Mức độ tìm kiếm dịch vụ xét nghiệm HIV trong 12 tháng tới .. 27
Biểu đồ 3.4: Tỷ lệ phân bố nơi nhận BCS miễn phí ....................................... 29
Biểu đồ 3.5: Loại NVYT mà đối tượng trao đổi trong lần gần đây nhất ........ 29
Biểu đồ 3.6: Lý do chính mà đối tượng đến CSYT trong lần gần đây nhất. .. 31


1

ĐẶT VẤN ĐỀ

Tuyên bố Alma Ata năm 1978 cho rằng tiếp cận các dịch vụ y tế
(DVYT) là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, mất công bằng trong việc
tiếp cận và sử dụng DVYT luôn xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, có sự khác biệt
lớn giữa các nhóm đối tượng khác nhau như nhóm dân cư nói chung và nhóm
đối tượng dễ bị tổn thương như nam quan hệ tình dục đồng giới
(NQHTDĐG), gái mại dâm và người khuyết tật, giữa các vùng miền khác
nhau. Việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) không tốt sẽ ảnh
hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế xã hội.
Những nghiên cứu Dịch tễ học và xã hội về lây nhiễm HIV của nhóm
NQHTDĐG đã cho thấy nhóm nam bán dâm đồng giới (NBDĐG) là nhóm có
nguy cơ lây nhiễm cao với HIV và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình
dục (STIs) khác [1],[2],[3],[4],[5],[6]. Tuy nhiên việc tiếp cận và sử dụng
DVYT ở nhóm này lại chưa hiệu quả. Các nghiên cứu trên thế giới nói chung
cho thấy dưới 50% đối tượng này đã từng xét nghiệm HIV, trên 50% đối

tượng tự điều trị khi mắc STIs thay vì tìm đến cơ sở y tế (CSYT) [7],[8],[9].
Điển hình như nghiên cứu tại thành phố Larkana, Parkistan có đến 65% người
được hỏi không biết đến trung tâm sức khỏe y tế của chính phủ, nơi họ có thể
đến điều trị STIs và làm xét nghiệm sàng lọc HIV. 100% đối tượng trả lời
chưa từng đi xét nghiệm sàng lọc HIV. 78% đối tượng tự điều trị khi mắc
bệnh, trong khi chỉ 22% tìm đến bác sĩ có trình độ chuyên môn [7]. Ở Việt
Nam, tỷ lệ nhóm NBDĐG tiếp cận DVYT cũng nằm trong xu hướng thấp nói
chung. Trong nghiên cứu về vai trò của DVYT nói chung trong tăng cường
xét nghiệm HIV ở 654 NBDĐG tính từ 1/2009 đến 7/2011 tại Hà Nội, Nha
Trang, thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ được xét nghiệm HIV trong vòng 2 năm
qua là 17,9%. 50,6% số người tham gia có khám sức khỏe tổng quát trong


2
vòng một năm qua, số còn lại chưa từng khám sức khỏe tổng quát hoặc đã
khám hơn một năm trước đó. Có 17,9% số người tham gia đã từng trao đổi
với nhân viên y tế về QHTDĐG của họ [10].
Nguyên nhân dẫn đến việc tiếp cận DVYT thấp ở nhóm NBDĐG có thể
do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về các dịch vụ CSSK. Tuy nhiên chất xúc
tác chính cho vấn đề trên là do các quy định của pháp luật và văn hóa xã hội
đặc biệt là sự kì thị, phân biệt đối xử [11]. Ở hầu hết các quốc gia trên thế
giới, dù các mối quan hệ đồng giới có bị coi là phạm pháp hay không thì
những phong tục tập quán vẫn nghiêng về lên án với các hành vi tình dục
đồng giới nói chung và hành vi bán dâm đồng giới nói riêng.
Rõ ràng, nhóm NBDĐG là nhóm đa dạng về bạn tình, nguy cơ lây nhiễm
STIs cao. Tuy nhiên tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa có
nghiên cứu nào đề cập đầy đủ đến việc tiếp cận DVYT ở nhóm này. Xuất phát
từ tồn tại trên, chúng em thực hiện đề tài: “Thực trạng và một số yếu tố liên
quan đến tiếp cận dịch vụ y tế ở nhóm nam bán dâm đồng giới tại Hà Nội năm
2014 - 2015” nhằm cung cấp bằng chứng để thực hiện các chương trình can

thiệp tốt hơn với ba mục tiêu sau:
1. Mô tả thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế ở nhóm nam bán dâm đồng
giới tại Hà Nội năm 2014 – 2015.
2. Mô tả một số yếu tố liên quan đến tiếp cận dịch vụ y tế ở nhóm nam
bán dâm đồng giới tại Hà Nội năm 2014 – 2015.


3

CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1. Một số khái niệm cơ bản
1.1.1. Nam quan hệ tình dục đồng giới
1.1.1.1. Định nghĩa
Theo Vũ Ngọc Bảo và Philippe Girault, thì thuật ngữ MSM (Men who
have sex with men) bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thập kỷ 1990, khi những
người nhiễm HIV đầu tiên là người đồng tính luyến ái. Cụm từ này được dịch
ra là “Nam quan hệ tình dục đồng giới” [12].
Khung hướng dẫn Hành động của UNAIDS về tiếp cận phổ cập đối với
nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới đã định nghĩa
như sau: Nam quan hệ tình dục đồng giới là những người nam giới có quan
hệ tình dục với những người nam khác, bất kể họ có quan hệ tình dục với phụ
nữ hay không hoặc có những nhân dạng cá nhân hay nhân dạng xă hội liên
quan tới hành vi đó, như là “gay” hoặc “lưỡng tính” [13].
Như vậy, NQHTDĐG bao gồm cả đồng tính nam và những người có
hành vi quan hệ tình dục đồng giới. Mặc dù hiện nay đã có nhiều quan điểm
nhìn nhận đúng hơn nhưng ở nhiều nơi nhóm này vẫn là nhóm đối tượng dễ bị
tổn thương, hay phải chịu sự kì thị của xã hội.
1.1.1.2. Phân loại
Theo UNAIDS phân loại trong ấn phẩm HIV và Nam giới có quan hệ

tình dục đồng giới ở Châu Á – Thái Bình Dương thì NQHTDĐG có thể được
phân loại theo những tiêu chí sau [11].
- Theo đặc tính tình dục (đồng tính nam (gay), đồng tính (homosexual), tình
dục khác giới (heterosexual); tình dục cả 2 giới (bisexual); chuyển đổi giới tính,
hoặc những khái niệm tương tự) mà không quan tâm đến hành vi tình dục;


4
- Theo thừa nhận và công khai về đặc tính tình dục (công khai là đồng
tính nam hoặc còn ẩn giấu);
- Theo bạn tình (nam, nữ và/hoặc chuyển đổi giới tính);
- Theo các lý do để lựa chọn bạn tình (ý thích tự nhiên, bị cưỡng ép
hoặc chịu áp lực, được thúc đẩy làm mại dâm, do hoàn cảnh thuận tiện, hoặc
chỉ là vui chơi, phải sống trong môi trường toàn nam giới);
- Theo vai trò trong các thực hành tình dục cụ thể (cho, nhận, cả cho cả
nhận, không có vai trò nào, tình dục qua đường miệng, thủ dâm cho nhau
hoặc những hành động khác);
- Theo đặc tính vai trò và hành vi có liên quan đến giới (nam hay nữ, tính
nam hoặc tính nữ, y phục giống nữ hoặc y phục theo giới tính đang mang).
1.1.1.3. Nam bán dâm đồng giới
Nam bán dâm đồng giới là một bộ phận trong nhóm nam quan hệ tình
dục đồng giới (MSM hay viết tắt của Men Who Have Sex With Men). Họ là
những người sinh ra là nam giới và có hoạt động trao đổi tình dục với nam
giới vì mục đích lấy tiền hoặc các giá trị vật chất khác (quần áo, xe máy, công
việc, chuyến du lịch, chỗ ở vv…), mặc dù bản thân họ có thể không phải là
người đồng tính (là những người tự nhận đặc điểm tình dục của bản thân là ưa
thích nam giới hơn phụ nữ) [13].
1.1.1.4. Một số khái niệm khác về nam quan hệ tình dục đồng giới
- Bóng lộ: được sử dụng để chỉ những người nam giới mà họ thể hiện
bản thân như người nữ giới và họ không cần cố gắng để che dấu đi bản chất

tính tình dục đồng giới [14].
- Bóng kín: để chỉ những người đàn ông trông nam tính và giấu các
hoạt động đồng tính luyến ái của họ, họ cũng tin rằng nhiều bóng kín đã kết
hôn và có con [14].


5
- Bóng nửa mùa: chỉ những người thể hiện sự xuất hiện của bản thân
họ theo sự thay đổi của bối cảnh xã hội. Ví dụ như một người có thể là bóng
kín vào ban ngày và là bóng lộ vào ban đêm khi họ giao tiếp với bóng khác.
Một người cũng có thể là bóng lộ khi ở nhà nếu họ hàng gia đình nhận thức
được giới tính thật của họ [14].
- Chuyển giới: là tình trạng mà một người có các đặc điểm cơ thể hoàn
toàn bình thường về mặt giới tính (nam hoàn toàn hay nữ hoàn toàn) nhưng
lại tin rằng họ thuộc về giới tính khác (nam nhưng nghĩ mình là nữ, hay nữ
nghĩ mình là nam) và sống như giới tính họ tin [15].
- Chuyển giới tính: là thực hiện phẫu thuật, điều trị hóc môn để đổi
giới tính sinh học từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam [15].
1.1.1.5. Tiếp cận dịch vụ y tế
Tuyên bố Alma Ata năm 1978 cho rằng tiếp cận các DVYT là quyền cơ
bản của con người. Tuy vậy không phải lúc nào cũng có thể đạt được, mất
công bằng trong việc tiếp cận và sử dụng DVYT luôn xảy ra ở mọi nơi trên
thế giới, có sự khác biệt lớn giữa các nhóm đối tượng khác nhau như nhóm
dân cư nói chung và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như NQHTDĐG, gái
mại dâm, người khuyết tật, giữa các vùng miền khác nhau. Việc tiếp cận dịch
vụ CSSK không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế xã hội.
Theo tác giả Nguyễn Thị Minh Châu, có nhiều định nghĩa về tiếp cận
DVYT song hầu hết các nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm rằng tiếp
cận liên quan đến việc sử dụng các dịch vụ theo nhu cầu [16]. Có người định
nghĩa tiếp cận như là cơ hội sử dụng DVYT và không phân biệt giữa tiếp cận

và sử dụng. Có người phân biệt cung ứng dịch vụ và cơ hội sử dụng DVYT
với việc thực sự sử dụng DVYT trong khi đa số đều coi tiếp cận các DVYT
và cơ hội sử dụng DVYT là bao gồm nhu cầu thực có [16].
Viện y học Mỹ định nghĩa tiếp cận DVYT là “việc sử dụng kịp thời các
dịch vụ chăm sóc sức khỏe cá nhân để có được tình trạng sức khỏe tốt nhất có


6
thể” [17].
Việc tiếp cận dịch vụ y tế phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố sau:
- Khả năng đáp ứng của dịch vụ y tế như điều kiện cơ sở vật chất, thuốc,
trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế.
- Việc người dân có thực sự sử dụng dịch vụ y tế hay không.
1.2. Đặc Điểm nhân khẩu – xã hội, nhân dạng tình dục, nhân dạng giới.
Trên thế giới, những nghiên cứu ở đối tượng nam bán dâm được tiến
hành ở những độ tuổi khác nhau, phổ biến ở nam giới trẻ có độ tuổi trung
bình dao động từ 21 đến 26, đa dạng về trình độ học vấn, và phần lớn chưa
kết hôn, nghề nghiệp đa dạng nhưng chủ yếu là bán dâm.
- Một nghiên cứu trên 259 NBDĐG từ 19-39 ở Hàng Châu, Trung Quốc
đã cho thấy độ tuổi trung bình 21,9, trong đó 61,4% trình độ trung học cơ sở,
đa số chưa kết hôn với tỷ lệ 94,2%, đồng tính 30,2%, tình dục khác giới
12,6%, lưỡng tính 46,2%; 54,1% đối tượng bán dâm chủ yếu thời gian [18].
- Trong nghiên cứu khác ở Ấn Độ trong số 75 NBDĐG với độ tuổi trung
bình 23,3, đa số chưa lập gia đình chiếm tỷ lệ 85%, trình độ trung học phổ
thông trở lên chiếm 55%, khoảng 80% đối tượng có nghề nghiệp chính là bán
dâm [19].
Tại Việt Nam, nhóm NBDĐG cũng có các đặc điểm tương tự, nghiên
cứu năm 2009 tại TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Hải Phòng cho thấy nhóm
NBDĐG gồm một số lượng đáng kể đến từ tỉnh khác (40,0% - 87,0%) với
nghề nghiệp tương đối đa dạng và mức thu nhập dao động tùy theo tỉnh/thành

phố [20].
- Ở Hà Nội, theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Hoa nghiên cứu
trên 250 NBDĐG năm 2009-2010 đã cho thấy: các đối tượng tham gia nghiên
cứu có độ tuổi trung bình là 22 (16-35), trong đó nhóm tuổi từ 20-24 tham gia


7
chiếm số đông (52,8%). Có 1,2% tỷ lệ thấp là người không biết chữ, 87,2% có
trình độ học vấn từ trung học trở lên, trong đó 19,6% số đối tượng có trình độ
trung cấp/cao đẳng/đại học. Hầu hết các đối tượng độc thân, chưa bao giờ kết
hôn (94,4%), đa số các đối tượng là người ngoại tỉnh (78,0%), 78,0% đối
tượng không có nơi ngủ qua đêm cố định. Đa số có thu nhập từ 2.000.000 5.000.000 đồng (53,6%) trong tháng qua [21].
- Ở thành phố Hồ Chí Minh theo Donn Colby nghiên cứu trên 200
NBDĐG vào năm 2011 thì đối tượng nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 22
(16-41). Thu nhập trung bình là 5.000.000 đồng một tháng và 39% cho biết là
không làm việc một công việc nào khác ngoài việc bán dâm đồng giới [22].
Tỷ lệ nhóm NBDĐG tự nhận là người đồng tính nam/gay, lưỡng tính,
dị tính, là đàn ông, là phụ nữ khác nhau giữa các thành phố.
- Tại Hà Nội, tỷ lệ tự nhận mình là dị tính cao hơn so với các nhóm còn
lại, tương ứng với nhận dạng tình dục dị tính. Chủ yếu đối tượng tự nhận
mình là nam giới (68,8%), chỉ có 5,2% tự nhận mình là nữ giới và 5,2% tự
nhận mình là người chuyển giới. Phần lớn (56,0%) đối tượng thích QHTD với
nữ, hơn 1/3 đối tượng thích QHTD với nam và 12,4% thích QHTD với cả
nam và nữ [21].
Theo đánh giá khác tại Hà Nội thì NBDĐG tự nhận mình là đàn ông
(76,4%) và bị hấp dẫn bởi nữ giới (73,6%), một tỷ lệ rất thấp tự nhận mình là
phụ nữ (1,8%) [23].
- Tại thành phố Hồ Chí Minh, 1/2 nhóm NBDĐG tự nhận là đồng tính,
tiếp đến là lưỡng tính (32,0%) và dị tính là 16,0% [24]. Nghiên cứu khác tại
thành phố Hồ Chí Minh năm 2011, nhóm tự nhận mình là lưỡng tính chiếm tỷ

lệ cao nhất (42,9%), tiếp đến là đồng tính (37,9%) và dị tính là 19,2% [22].


8
1.3. Tình hình các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở nhóm nam bán
dâm đồng giới
1.3.1. Trên thế giới
Theo UNAIDS [11] thì: ít nhất có từ 5% đến 10% trường hợp nhiễm HIV
trên thế giới là lây truyền qua tình dục đồng giới nam không an toàn và ước tính
số NQHTDĐG chiếm khoảng 2% đến 5% tổng số nam giới trên toàn thế giới.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhóm NBDĐG là nhóm có tỷ lệ nhiễm
HIV và STIs cao [1].
- Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NBDĐG tại một số quốc gia trên thế giới
dao động từ 3,6% - 33,0% [2],[3],[4],[25]. Như ở Braxin, một nghiên cứu
năm 2008 đã so sánh tỷ lệ nhiễm HIV giữa hai nhóm nam tình dục đồng giới
bán dâm và không bán dâm cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm bán dâm là
13,5%, cao hơn nhiều so với nhóm không bán dâm (5,8%) [4].
- Nghiên cứu khác tại Tây Ban Nha (2009 - 2010) cho thấy 6,0% nhóm
NBDĐG nhiễm ít nhất một STI tại thời điểm hiện tại và một tỷ lệ cao hơn
(33,0%) đã từng mắc STIs [26].
- Ở Victoria, Australia số lượng khai báo mắc bệnh giang mai giai đoạn
đầu ở những người nam giới, mà phần lớn từ nhóm NQHTDĐG, tăng từ 119
vào năm 2005 lên 373 vào năm 2008. Tương ứng, tỉ lệ mắc giang mai giai
đoạn đầu là 23% và 40%. 46% những người đàn ông được chẩn đoán mắc
bệnh giang mai giai đoạn sớm có HIV dương tính vào năm 2008 [27].
- Các báo cáo gần đây về bệnh giang mai trong nhóm NQHTDĐG được
đặc trưng bởi tỉ lệ đồng nhiễm HIV và hành vi tình dục có nguy cơ cao
[5],[6]. Tại California, 1489 trường hợp mắc giang mai tiên phát và thứ phát
đã được báo cáo trong năm 2005, tăng hơn 700% so với năm 1999. 79% là
NQHTDĐG, và trong số này, 61% trường hợp đa số tự báo cáo bị nhiễm HIV

dương tính [6].


9
1.3.2. Việt Nam
Những nghiên cứu bước đầu ở nhóm NBDĐG từ giữa thập kỷ 2000 đã
cho thấy xu hướng gia tăng dịch HIV ở nhóm này. Theo kết quả nghiên cứu
IBBS cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm NBDĐG tại Hà Nội năm
2006 là 8,8% và năm 2009 tăng lên 14,3%, tại thành phố Hồ Chí Minh năm
2006 là 9,5% và tăng lên 15,3% vào năm 2009 và tỷ lệ nhiễm ít nhất một STI
tại Hà Nội và TP HCM năm 2009 lần lượt là 18,7% và 21,5% [20],[28].
Trong các báo cáo giám sát trong quần thể NQHTDĐG trên địa bàn Hà
Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2005 cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm Lậu
trực tràng - hậu môn cao trong quần thể NQHTDĐG (11,5% tại thành phố Hà
Nội và 6,7% tại thành phố Hồ Chí Minh) có liên quan tới tỷ lệ sử dụng BCS
thấp khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn với bạn tình nam. Một điều tra
tương tự vào năm 2009 cho thấy tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm NQHTDĐG ở
Hà Nội ước tính là 17,4% (tăng đáng kể so với 9,4% vào năm 2005) [20],[29].
Tại thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhiễm HIV ước tính trong năm 2010 là
16,7% (tăng từ 5,3% vào thời điểm năm 2005) [29].Các tỷ lệ này chỉ thấp hơn
so với nhóm nam giới tiêm chích ma tuý, nhưng cao hơn nhiều so với nhóm
nữ bán dâm và các nhóm khác trong cộng đồng.
Tỷ lệ hiện nhiễm STIs (không phải HIV) trong nhóm NQHTDĐG duy trì
ở mức cao. Cứ năm người NQHTDĐG tại thành phố Hồ Chí Minh thì có một
người nhiễm một trong STIs như: giang mai, lậu sinh dục, lậu trực tràng,
Chlamydia sinh dục hoặc Chlamydia trục tràng. Không giống với Hà Nội, tỷ
lệ NQHTDĐG tại thành phố Hồ Chí Minh STIs năm 2009 cao hơn so với
năm 2006. Nhiễm STIs trong nhóm NQHTDĐG tại Hà Nội có giảm tuy nhiên
tỷ lệ hiện nhiễm vẫn đang ở mức trên 10% năm 2009 [20].
Một nghiên cứu trên nhóm NBDĐG được tiến hành tại Hà Nội năm 2007

- 2008 cho kết quả 2,1% NBDĐG tham gia nghiên cứu nhiễm HIV, tỷ lệ


10
nhiễm ít nhất một STI là 26,0% [23]. Nghiên cứu tại TP HCM năm 2010 cho
thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm NBDĐG là 6,3%, nhiễm giang mai là
4,0%, nhiễm chlamydia là 2,0%, lậu là 2,0%, viêm gan B là 24,3% và viêm
gan C là 4,0% [24].
1.4. Tình hình thực trạng tiếp cận sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm nam bán
dâm đồng giới
1.4.1. Trên thế giới
Trên thế giới, nhiều nơi tình dục đồng giới nam vẫn chịu sự kì thị mạnh
mẽ, vẫn có nơi chưa được pháp luật công nhận, sự quan tâm của xã hội đặc
biệt là y tế còn hạn chế.
Việc tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV ở nhóm NBDĐG trong các nghiên
cứu trên thế giới nhìn chung đều thấp và dưới 50% [7],[8],[30],[9] .Tỷ lệ này
ở Shenzhen, China chiếm 43% và những NBDĐG có bạn tình QHTD qua
đường hậu môn nhiều và có nhiều đối tác được báo cáo có một tỷ lệ xét
nghiệm HIV cao hơn [8]. Tại Jakarta, Indonesia, ít hơn 3,0% nhóm NBDĐG
đã từng xét nghiệm HIV tự nguyện mặc dù có tới 28,0% NBDĐG tiếp xúc với
các chương trình dự phòng trong năm qua [30]. Thậm chí, một nghiên cứu tại
thành phố Larkana, Parkistan cho thấy 100% NBDĐG được hỏi trả lời chưa
từng đi xét nghiệm sàng lọc HIV, trong số này có đến 65% người được hỏi
không biết đến trung tâm sức khỏe y tế của chính phủ, nơi họ có thể đến điều
trị STIs và làm xét nghiệm sàng lọc HIV [7]. Ở Mỹ cũng chỉ khoảng 50% đối
tượng đã từng làm xét nghiệm HIV [9].
Phần lớn đối tượng NBDĐG còn rất hạn chế trong việc tiếp cận DVYT
chung. Đa số họ không tìm đến các CSYT mà chủ yếu tự điều trị cho bản
thân. Như tại Jakarta, Indonesia 44,9% đối tượng NBDĐG đã tìm kiếm
DVYT khi có triệu chứng STIs, gần 50% (48,2%) tự điều trị [30]. Cũng về

vấn đề này, ở Lakana, Pakistan thì chỉ 22% tìm đến bác sĩ có trình độ chuyên


11
môn, trong khi 78% đối tượng tự điều trị khi mắc bệnh [7]. Tại Mỹ, chỉ có
32% NBDĐG có bảo hiểm y tế, 11% đã từng tiết lộ với một bác sĩ về hành vi
QHTDĐG [9]. Rào cản việc tiết lộ hành vi QHTDĐG do sự mất lòng tin
không được bảo mật, xấu hổ, phân biệt đối xử… Các xét nghiệm liên quan
đến STIs còn rất ít do chi phí, sự bất tiện, thiếu quan tâm… Ở Córdoba,
Argentina, chỉ 41,9% đã từng tiêm vaccin viêm gan A hoặc B [31].
1.4.2. Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động dự phòng HIV cho nhóm NQHTDĐG gia tăng
đáng kể từ năm 2005 khi có các chương trình được tài trợ của PEPFAR. Các
chương trình này áp dụng mô hình can thiệp trước đó của nhóm IDUs, trong
đó nhấn mạnh việc xây dựng các nhóm “tự lực” và các chương trình giáo dục
viên đồng đẳng tại nhiều thành phố (ví dụ như Câu lạc bộ Hải Đăng ở Hà Nội
và Câu lạc bộ Bầu Trời Xanh ở thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên kết quả
của hoạt động này còn hạn chế:
- Tỷ lệ NQHTDĐG xét nghiệm sàng lọc HIV còn thấp, ví dụ như theo kết
quả điều tra IBBS năm 2009-2010 thì chỉ có 19% NQHTDĐG ở Hà Nội có làm
xét nghiệm HIV và nhận kết quả xét nghiệm trong năm trước điều tra [20].
- Có thể việc triển khai mô hình tiếp cận đồng đẳng có thể mang lại một
số kết quả nhất định trong giai đoạn đầu do các NQHTDĐG là giáo dục viên
đồng đẳng có thể phát huy và sử dụng các mối quan hệ xã hội sẵn có của
mình với các NQHTDĐG khác [14],[29],[32],[33]. Tuy nhiên, trong bối cảnh
văn hóa xã hội ở Việt nam, giả định này cần phải xem xét. Một số lượng lớn
NQHTDĐG ở Việt Nam không thừa nhận công khai nhân dạng của bản thân
là người đồng tính, do bản thân họ không thấy mình có được quyền lợi gì khi
công khai đặc điểm nhân dạng này mà còn có thể bị kỳ thị và phân biệt đối
xử, và do đó họ sẽ không tham gia trong các mạng lưới hay dịch vụ dành cho

NQHTDĐG, và các đồng đẳng trong các nhóm tự lực của NQHTDĐG không
dễ dàng tiếp cận với hệ thống mạng lưới của họ [34].


12
Vào năm 2009, nhóm nghiên cứu Đại học y Hà Nội và Viện Nghiên
cứu và Phát triển quốc gia Hoa Kỳ với sự tài trợ của Viện Nghiên cứu Quốc
gia về Lạm dụng Ma túy của Hoa Kỳ (NIDA) tiến hành nghiên cứu ở 710 đối
tượng tại 3 thành phố (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang) nhằm
thu thập những thông tin về đặc điểm dịch tễ của nhóm NBDĐG. Kết quả cho
thấy chỉ có khoảng 1/3 (36%) đã từng đến khám tại các CSYT trong 1 năm
gần đây. Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với STIs rất cao trong đó có 19% nhiễm
HPV, 13% nhiễm Lậu, 12% nhiễm Chlamydia, 14% nhiễm HBV. Trong khi
đó tỷ lệ báo cáo đã từng được chẩn đoán với STIs chỉ khoảng 5%, điều này
cho thấy việc đi khám xét nghiệm STIs chỉ xảy ra khi có triệu chứng. Tỷ lệ đã
được tiêm phòng vacxin HBV hay HPV thấp và tỷ lệ biết về những loại virus
này hoặc là biết về vacxin dự phòng rất thấp [35].
Trong nghiên cứu về vai trò của DVYT nói chung trong tăng cường xét
nghiệm HIV ở nhóm NBDĐG [10].
- Trong tổng số 654 NBDĐG trong 30 ngày qua ở Hà Nội, Nha Trang,
thành phố Hồ Chí Minh, thì tỷ lệ được xét nghiệm HIV trong vòng 2 năm qua
là 17,9%. Có 50,6% số người tham gia có khám sức khỏe tổng quát trong
vòng một năm qua, số còn lại chưa từng khám sức khỏe tổng quát hoặc đã
khám hơn một năm qua. Có 17,9% số người tham gia đã từng trao đổi với
NVYT về QHTDĐG của họ [10].
- Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ NBDĐT có xét nghiệm HIV trong vòng 2
năm qua ở mức khá thấp, dưới 18% trong mẫu nghiên cứu. Trong số những
người được xét nghiệm HIV, có tới trên 60% là ở thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả tại thành phố Hồ Chí Minh tương đồng với một nghiên cứu trước đó
cho thấy tỷ lệ xét nghiệm cao và có xu hướng tăng lên, từ 37% năm 2009 đến

50% năm 2010. Kết quả này có thể được giải thích là do những can thiệp
trong nhóm NBDĐG tại thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm chú ý và phát
triển sớm hơn các thành phố khác [10].


13
- Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sử dụng DVYT
nói chung cũng như trao đổi với NVYT về QHTDĐG với tình trạng xét
nghiệm HIV ở NBDĐG. Tỷ lệ xét nghiệm HIV cao hơn ở những người có đi
khám sức khỏe tổng quát dưới 1 năm và những người đã từng trao đổi với
NVYT về QHTDĐG. Các yếu tố khác làm tăng xét nghiệm HIV là thu nhập
trong tháng qua trên 3 triệu, nhận được bao cao su và chất bôi trơn trong 6
tháng qua, có tham gia câu lạc bộ NQHTDĐG trong 12 tháng qua [10].
Một nghiên cứu khác tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ phần
trăm của NBDĐG đã tiếp cận các dịch vụ gia tăng đáng kể từ năm 2009 đến
năm 2010. Tỷ lệ phần trăm NBDĐG đã nhận BCS tăng từ 45% lên 74%, chất
bôi trơn từ 30% lên 71%, tờ rơi HIV cho NQHTDĐG từ 25% lên 67%, và các
xét nghiệm HIV từ 37% lên 50%. Tuy nhiên, tỷ lệ NBDĐG nhận tất cả bốn dịch
vụ thì còn thấp, chỉ chiếm 34%. Trong năm 2010, chỉ có 36% của NBDĐG xét
nghiệm STIs, trong khi đó 68% đã gặp các đồng đẳng [36]. Hơn nữa, hiếm khi
NBDĐG tiết lộ có QHTDĐG với nhân viên chăm sóc sức khỏe do sự kì thị và tự
kì thị, điều này ảnh hưởng tới việc tiếp cận hiệu quả các DVYT [37].
Tại Hà Nội năm 2009 đã tiến hành một nghiên cứu trên 110 NBDĐG
cho thấy khoảng một nửa (53%) số NBDĐG nhận được thông tin về HIV từ
các dự án tiếp cận khác nhau trong năm qua. Nguồn thông tin HIV quan trọng
khác là qua phương tiện truyền thông (83%), bạn bè (37%), biết qua người
nhiễm HIV dương tính (33%), qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (21%), qua
đối tác tình dục bình thường (19%). Mặc dù 53% NBDĐG đã từng mắc một
STI nhưng chỉ có 13% đã nhận được một điều trị STI tại bệnh viện. Hiệu
thuốc là nơi phổ biến mà họ tìm đến chữa trị. Khoảng 1/3 (37%) NBDĐG đã

từng xét nghiêm HIV [38].


14
1.5. Một số yếu tố liên quan đến thực trạng sử dụng dịch vụ y tế ở nhóm
nam quan hệ tình dục đồng giới
1.5.1. Kiến thức
NQHTDĐG thường thiếu kiến thức về HIV thậm chí nhiều người còn hiểu sai
về những nguy cơ đi liền với tình dục không an toàn giữa nam và nam.
- Một niềm tin rất phổ biến trong những người NQHTDĐG là HIV không lây
truyền trong những người trông khỏe mạnh [11].
- Trong số 423 NQHTDĐG tham gia một khảo sát được thực hiện ở
Myanmar, cho thấy, mặc dù có kiến thức và nhận thức về HIV cao nhưng
90% người tin rằng họ không có nguy cơ lây nhiễm [11].
- Ở Việt Nam, nghiên cứu trên 110 NBDĐG tại Hà Nội cho thấy đối
tượng có kiến thức về HIV thấp chiếm 12%, trung bình 65%, cao 23%. Ít hơn
một nửa (42%) nghĩ rằng họ có nguy cơ bị lây nhiễm HIV, trong khi 37% cho
rằng họ không có rủi ro, với 21% là không chắc chắn [38].
Sự thiếu hiểu biết hoặc thông tin sai về HIV mà những người nam có
QHTDĐG không an toàn. Hơn nữa số lượng bạn tình cao, việc sử dụng BCS
thấp dẫn đến việc lây lan STIs cao trong nhóm này và cho đối tượng khác.
1.5.2. Sự kỳ thị
Sự kỳ thị đã cản trở việc hoạch định cũng như việc tác động đến đối
tượng mắc STIs nói chung và HIV nói riêng ở nhóm NQHTDĐG và thực tế
đã cho thấy:
- Mặc dù tỷ lệ cao mắc HIV trong nhóm NQHTDĐG cao, nhưng Mỹ đã
rất chậm chạp trong việc giải quyết các dịch bệnh một cách có chiến lược.
Phải mất 30 năm công tác vận động cộng đồng trước khi Mỹ công bố một
chiến lược quốc gia phòng ngừa và chăm sóc HIV/AIDS [39].
- Theo UNAIDS, một cuộc khảo sát tiến hành năm 2006 cho thấy ở 16

trên 20 nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tình dục đồng giới


15
nam là phạm pháp. Không phải mọi quốc gia có luật đã thực thi luật, nhưng
những luật này vẫn tạo ra khó khăn cho các hoạt động tiếp cận và can thiệp
với những người NQHTDĐG [11].
- Tại Jakarta, Indonesia, một niềm tin rất phổ biến là STIs là bệnh của
phụ nữ đã dẫn tới kết quả là ít NQHTDĐG đi kiểm tra xét nghiệm STIs và
HIV [40].
- Ở Việt Nam, phân biệt đối xử trong môi trường CSSK đã được đề
cập. Các biểu hiện bao gồm các hành động phi ngôn ngữ, chẳng hạn như bị bỏ
qua hoặc nhìn chằm chằm với vẻ mặt không bằng lòng, và đang được điều trị
với một thái độ không thân thiện. Chửi mắng và dịch vụ thường xuyên từ chối
cũng đã được quan sát. NQHTDĐG cảm thấy rằng họ phải đối mặt với sự kỳ
thị kép do đồng tính luyến ái và tình trạng nhiễm HIV của họ [4],[41].


16

CHƯƠNG 2
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
2.1.1. Địa điểm:
Nghiên cứu được tiến hành tại Hà Nội, tập trung ở các quận nội thành có sự
xuất hiện nhiều của nhóm QHTDĐG như: hồ Hoàn Kiếm, hồ Thuyền Quang,
công viên Thống Nhất, khu tẩm quất, mát xa, các spa, xông hơi, quán bar.
2.1.2. Thời gian
Tiến hành từ tháng 3/2014 đến tháng 6/2015.

2.2. Đối tượng nghiên cứu
Là nam có QHTD bán dâm đồng giới tại Hà Nội.
- Tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng vào nghiên cứu
+ Nam giới tuổi từ 16 đến 29.
+ Sống tại Hà Nội ít nhất 1 tháng qua.
+ Có hành vi QHTD miệng hoặc hậu môn với một nam giới khác
trong vòng 90 ngày qua mà trong mối quan hệ đó có sự mong đợi
một phần hay toàn bộ về mặt vật chất hoặc sự đền bù (gồm có tiền,
ma túy, chỗ ở, quần áo, quà tặng hoặc các trao đổi có giá trị kinh tế
khác) để trao đổi với việc QHTD.
- Tiêu chuẩn loại trừ
+ Không hợp tác.
+ Không đủ tiêu chuẩn lựa chọn vào nghiên cứu.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang, với mục đích nhằm mô tả thực trạng và một số
yếu tố liên quan đến tiếp cận DVYT trên nhóm này tại thời điểm nghiên cứu.


17
2.3.2. Cỡ mẫu nghiên cứu
Áp dụng công thức

n=

Z (21 / 2)

p (1  p )
d2


Trong đó:
+ n: Là cỡ mẫu nghiên cứu tối thiểu.
+ p = 0,804: tỷ lệ đã từng sử dụng các dịch vụ y tế ở nhóm nam bán dâm
đồng giới (dựa theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Phương Hoa) [21].
+ Z1-α/2 là hệ số giới hạn tin cậy, ứng với độ tin cậy 95%,   0.05 thì
Z(1-  / 2 ) = 1,96.
+ d (sai số cho phép) = 0,04.
+ Kết quả n = 379. Thực tế, tổng số đối tượng tham gia nghiên cứu là 590.
2.3.3. Cách chọn mẫu
Phương pháp lấy mẫu theo thời gian - địa điểm (Time-Location
Sampling) được sử dụng bao gồm đánh giá cộng đồng nhằm xác định các
thông tin về thời gian, địa điểm mà NBDĐT thường xuất hiện và ước tính số
lượng NBDĐT từ đó xác định khung chọn mẫu.


×