BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
KIỀU THỊ THÙY LINH
HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ THEO QUY ĐỊNH CỦA
PHÁP LUẬT DÂN SỰ VIỆT NAM HIỆN HÀNH –
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI - 2017
BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
KIỀU THỊ THÙY LINH
HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT DÂN SỰ
VIỆT NAM HIỆN HÀNH – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
CHUYÊN NGÀNH: LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
MÃ SỐ: 62 38 01 03
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. TS. NGUYỄN MINH TUẤN
2. PGS.TS. PHẠM VĂN TUYẾT
HÀ NỘI - 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu
của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là hoàn
toàn trung thực. Những kết luận khoa học của luận án
không trùng lặp và chưa từng được công bố ở các
công trình nghiên cứu trước đó.
Tác giả luận án
Kiều Thị Thùy Linh
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu sinh xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với
TS. Nguyễn Minh Tuấn - Người hướng dẫn 1 và PGS.TS.
Phạm Văn Tuyết - Người hướng dẫn 2, cùng các thầy
giáo, cô giáo đã chỉ bảo tận tình; xin cảm ơn các anh,
chị, bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đã động viên,
khuyến khích, giúp đỡ, đóng góp ý kiến quý báu để tác
giả hoàn thành bản luận án này.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Kiều Thị Thùy Linh
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT SỬ DỤNG TRONG LUẬN ÁN
DV
Dịch vụ
HĐDV
Hợp đồng dịch vụ
BLDS
Bộ luật dân sự
BLDS 1995
Bộ luật Dân sự được Quốc hội khóa 9 thông
qua ngày 28 tháng 10 năm 1995
BLDS 2005
Bộ luật Dân sự được Quốc hội khóa 11 thông
qua ngày 29 tháng 12 năm 2005
BLDS 2015
Bộ luật dân sự được Quốc hội khóa 13 thông
qua ngày 24 tháng 11 năm 2015
TAND
Tòa án nhân dân
MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT SỬ DỤNG TRONG LUẬN ÁN
LỜI NÓI ĐẦU
1
PHẦN A: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ
8
LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
PHẦN B: NỘI DUNG LUẬN ÁN
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về hợp đồng dịch vụ
14
1.1. Khái niệm dịch vụ và hợp đồng dịch vụ
14
1.2. Đặc điểm hợp đồng dịch vụ
27
1.3. Phân loại hợp đồng dịch vụ
33
1.4. Phân biệt hợp đồng dịch vụ với hợp đồng thực hiện công việc phi
43
dịch vụ
1.5. Hợp đồng dịch vụ trong pháp luật một số quốc gia và khu vực trên
50
thế giới
Kết luận chương 1
58
Chương 2: Thực trạng quy định pháp luật dân sự Việt Nam về
59
hợp đồng dịch vụ
2.1. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ
59
2.2. Chủ thể của hợp đồng dịch vụ
65
2.3. Giá dịch vụ và trả tiền dịch vụ
73
2.4. Quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng và bên sử dụng
81
2.5. Thực hiện hợp đồng dịch vụ
98
Kết luận chương 2
104
Chương 3: Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện quy định
107
pháp luật dân sự Việt Nam về hợp đồng dịch vụ
3.1. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật dân sự trong giải quyết
107
tranh chấp về hợp đồng dịch vụ
3.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật dân sự Việt Nam về hợp
122
đồng dịch vụ
Kết luận chương 3
148
KẾT LUẬN
149
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
Phụ lục 1: NỘI DUNG CỤ THỂ MỘT SỐ CÔNG TRÌNH NGHIÊN
CỨU VỀ DỊCH VỤ VÀ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Phụ lục 2: CÁC BIỂU ĐỒ THỂ HIỆN VAI TRÒ DỊCH VỤ TRONG
CƠ CẤU NỀN KINH TẾ
Phụ lục 3: BẢNG SO SÁNH QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP
ĐỒNG DỊCH VỤ TRONG BLDS 2005 VÀ BLDS 2015
Phụ lục 4: HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ TRONG NGUYÊN TẮC CHUNG
LUẬT HỢP ĐỒNG CHÂU ÂU
Phụ lục 5: QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ
TRONG LUẬT CUNG ỨNG HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ 1982 CỦA
ANH
Phụ lục 6: BẢNG PHÂN LOẠI CÁC NGÀNH DỊCH VỤ THEO
WTO
Phụ lục 7: NỘI DUNG CƠ BẢN CÁC BẢN ÁN SỬ DỤNG TRONG
LUẬN ÁN
Phụ lục 8: DỰ THẢO ĐỀ XUẤT ÁN LỆ VỀ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
Phụ lục 9: BẢNG GIÁ DỊCH VỤ TẠI CẢNG TÂN CẢNG – CÁT
LÁI
LỜI NÓI ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Việt Nam chuyển từ nền
kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phù hợp với đường lối mới của Đảng lãnh đạo, Nhà Nước đã ban hành nhiều
chính sách thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, trong đó có lĩnh vực DV. Chính vì
vậy, nền kinh tế của Việt Nam có sự chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều
thành tựu đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực DV. DV chiếm tỉ trọng ngày càng lớn
trong cơ cấu kinh tế qua các năm: 38,13% (năm 2005), 38,23% (năm 2010),
38,31% (năm 2013), 41% (năm 2014) và 40,92% (năm 2016)1. Các con số trên
ngoài việc phản ánh sự phát triển của DV còn phản ánh vai trò ngày càng quan
trọng của lĩnh vực này trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam. Trong định hướng phát
triển phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo, Đảng và Nhà nước tiếp tục tập trung đẩy
mạnh sự toàn diện và coi DV là một lĩnh vực trung tâm. Nghị quyết Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra chỉ tiêu quan trọng
trong giai đoạn 2016 -2020 là đưa tỉ trọng công nghiệp và DV đạt 85% tổng sản
phẩm quốc nội (viết tắt GDP) [15].
Quá trình cung ứng, sử dụng DV được thực hiện giữa các chủ thể thường là
quan hệ hợp đồng hình thành trên cơ sở giao kết HĐDV. Trong xu hướng DV phát
triển mạnh mẽ, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế – xã hội nên
HĐDV ngày càng trở nên thông dụng. Trước bối cảnh này, với vai trò là một công
cụ pháp lý điều chỉnh, bên cạnh các quy định dành cho hợp đồng dân sự nói chung,
pháp luật dân sự của Việt Nam mà trọng tâm là BLDS đã có quy định riêng về
HĐDV. Tuy vậy, các quy định về HĐDV hiện nay vẫn chưa đủ sức bao quát để
điều chỉnh các quan hệ cung ứng, sử dụng DV phát sinh trong thực tiễn. Số lượng
các tranh chấp về xác lập, thực hiện hay chấm dứt HĐDV đang ngày càng gia tăng.
Để giải quyết thực trạng này, việc phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, hoàn
thiện các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam về HĐDV là một yêu cầu cấp
thiết cả về lý luận và thực tiễn.
Để hoàn thiện pháp luật về HĐDV trước hết phải xuất phát từ các vấn đề lý
luận DV và HĐDV. Tuy nhiên, khoa học pháp lý hiện nay còn thiếu vắng nhiều
1
Tác giả tự tổng hợp theo Tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục thống kê tại địa chỉ www.gso.gov.vn (xem
Phụ lục 2)
1
công trình nghiên cứu sâu về hai nội dung này. Một vài công trình nghiên cứu DV
dưới góc độ kinh tế ngành, một số bài viết về HĐDV chỉ dừng lại ở mức độ phân
tích, bình luận một vài khía cạnh trong các quy định pháp luật hiện hành đối với
hợp đồng này. Chưa có công trình nào nghiên cứu HĐDV theo pháp luật dân sự
hiện hành một cách toàn diện, tổng thể để tìm ra điểm phù hợp và chưa phù hợp.
Chính từ vai trò của DV và HĐDV, định hướng phát triển DV của Đảng và
Nhà nước trong tương lai, tính thông dụng của HĐDV trong các giao dịch dân sự
cũng như quy định pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, thực tiễn
áp dụng pháp luật về HĐDV bộc lộ nhiều điểm bất cập và các công trình nghiên
cứu làm sáng tỏ vấn đề lý luận về DV, HĐDV còn hạn chế, nghiên cứu sinh quyết
định lựa chọn đề tài: “Hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật dân sự Việt
Nam hiện hành – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” làm đề tài nghiên cứu luận
án tiến sĩ luật học.
2. Tình hình nghiên cứu: Xem Phần A luận án và Phụ lục 1.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về DV, HĐDV cũng như thực tiễn các
quy định pháp luật về HĐDV, thực tiễn áp dụng trong giải quyết tranh chấp để luận
án đưa ra các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật hiện hành về hợp đồng này,
đặc biệt trong bối cảnh BLDS 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2017 thay thế cho
BLDS 2005 nhưng các quy định của BLDS mới kế thừa gần như toàn bộ, trọn vẹn
và không có sự sửa đổi đột phá về nội dung so với BLDS cũ.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện các mục đích trên, luận án giải quyết các nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, tìm ra bản chất của DV nói chung, xác định rõ phạm vi các hoạt động
DV là đối tượng của HĐDV – một hợp đồng dân sự thông dụng được pháp luật dân
sự thừa nhận và quy định.
Hai là, xây dựng khái niệm mang tính học thuật về HĐDV và trên cơ sở đó
đưa ra các đặc điểm của HĐDV và phân loại HĐDV.
Ba là, phân tích, đánh giá nhằm tìm ra điểm hợp lý và điểm chưa hợp lý trong
quy định pháp luật dân sự hiện hành về HĐDV. Các điểm này của quy định pháp
luật hiện hành xác định trên cơ sở phân tích luật thực định, tính tích cực, hạn chế
2
khi áp dụng các quy định pháp luật này vào giải quyết các vụ việc thực tế, đặc biệt
trong các vụ tranh chấp giữa các bên chủ thể về xác lập, thực hiện hay chấm dứt
HĐDV.
Bốn là, luận án đưa ra các phương án, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật
dân sự hiện hành về HĐDV để các quy định này phát huy được vai trò quan trọng
trong việc vừa là khung pháp lý giúp cho các chủ thể thực hiện giao dịch HĐDV
vừa là cơ sở giải quyết các tranh chấp nếu có phát sinh.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Một là, luận án nghiên cứu các vấn đề lý luận liên quan đến HĐDV bao gồm:
khái niệm HĐDV, đặc điểm HĐDV, phân loại HĐDV, phân biệt HĐDV với hợp
đồng thực hiện công việc… Hai là, luận án nghiên cứu các quy định của pháp luật
về HĐDV của Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung nghiên cứu: Ngành DV là một bộ phận của kinh tế - xã hội rất
đa dạng, do nhiều chủ thể thực hiện, cung cấp. Nghiên cứu về chủ thể thực hiện và
mục đích thực hiện, DV được chia thành hai loại: DV công và DV tư. DV công là
nhóm DV do cơ quan nhà nước hoặc các chủ thể được nhà nước ủy quyền cung cấp
DV cho các chủ thể trong xã hội nhằm mục tiêu đảm bảo sự ổn định phát triển kinh
tế – xã hội của một quốc gia, duy trì quản lý nhà nước… DV tư được áp dụng cho
nhóm DV mà giữa bên cung ứng DV (sau đây gọi chung là bên cung ứng) và bên
sử dụng DV (sau đây gọi chung là bên sử dụng) có sự bình đẳng về địa vị pháp lý,
xác lập quan hệ trên cơ sở thỏa thuận. Trong BLDS 2005 thì bên sử dụng được gọi
là bên thuê DV. Hoạt động cung ứng, sử dụng DV phụ thuộc vào nhu cầu và năng
lực của từng bên chủ thể. Xem xét HĐDV với tư cách là một hợp đồng dân sự, một
công cụ pháp lý hình thành nên các quan hệ pháp luật về cung ứng, sử dụng DV
trong đời sống xã hội nên phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ giới hạn trong các
hoạt động cung ứng, sử dụng DV tư.
Bản thân các DV rất đa dạng, trong đó nhiều hoạt động DV có quy chế pháp
lý điều chỉnh riêng như DV bảo hiểm, DV vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa,
đường biển, đường hàng không)… Trong khuôn khổ nghiên cứu của luận án, tác
giả chỉ nghiên cứu những vấn đề chung về DV, HĐDV cũng như quy chế pháp lý
3
nói chung về hợp đồng này. Việc sử dụng các HĐDV cụ thể chỉ mang tính minh
họa, làm sáng tỏ các vấn đề chung thuộc về lý luận hoặc quy định pháp luật dành
cho HĐDV nói chung.
Bên cung ứng rất đa dạng bao gồm cá nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư
cách pháp nhân… Trong khuôn khổ luận án, đặc biệt trọng tâm nghiên cứu quy
định của BLDS – luật gốc trong pháp luật dân sự - về HĐDV, tác giả lựa chọn phân
tích hai chủ thể cơ bản của luật dân sự là cá nhân và pháp nhân để làm rõ các điều
kiện thực hiện DV, khả năng thực hiện, quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng trong
quan hệ hợp đồng cung ứng, sử dụng DV.
- Về mặt thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu HĐDV trong quy định pháp
luật dân sự Việt Nam hiện hành. Do đó, tác giả trọng tâm phân tích các quy định
trong BLDS 2015 về HĐDV. Tuy nhiên, do BLDS 2015 vừa có hiệu lực từ
1/1/2017 nên các số liệu về thực trạng áp dụng pháp luật còn rất hạn chế và bản
thân cơ quan thực thi pháp luật cũng chưa tiến hành tổng kết kết quả thực hiện
BLDS này. Hơn nữa, BLDS 2015 kế thừa gần như trọn vẹn các quy định của BLDS
2005 nên tác giả sử dụng các số liệu, thông số, bản án, văn bản luật trong giai đoạn
BLDS 2005 có hiệu lực để phân tích, so sánh và đưa ra dự kiến tác động các quy
định BLDS 2015 về HĐDV trong việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng này trong thực
tiễn.
- Về mặt không gian: Luận án nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành
của Việt Nam về HĐDV do đó các quy phạm pháp luật quy định, các vụ việc trong
thực tiễn diễn ra trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Pháp luật và các vụ việc của các
quốc gia, khu vực khác trên thế giới chỉ là nguồn đối chiếu, học hỏi để tác giả đưa
ra những đánh giá, cái nhìn toàn diện của pháp luật Việt Nam về HĐDV trong xu
thế hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin về duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử làm nền tảng nghiên cứu lý luận các vấn đề về DV,
HĐDV cũng như quy định pháp luật về hợp đồng này. Tác giả cũng nghiên cứu
trên cơ sở Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản
Việt Nam, chính sách quản lý của nhà nước đối với các vấn đề thuộc đời sống kinh
tế - xã hội. Bên cạnh đó, các vấn đề lý luận thuộc về bản chất của kinh tế hàng hóa,
4
tự do hóa các hoạt động kinh tế, DV cũng được tác giả bám sát để phân tích, bình
luận phù hợp với xu hướng, bản chất vận động của nền kinh tế thị trường.
5.2. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể
Trên cơ sở các phương pháp luận chung tại mục 5.1, luận án sử dụng các biện
pháp nghiên cứu cụ thể sau để thực hiện đề tài này:
- Phương pháp nghiên cứu kết hợp giữa lý luận với thực tiễn: Phương pháp
này xuyên suốt ở tất cả các chương của luận án. Cụ thể, tác giả sử dụng lý luận về
DV, cung ứng DV, hợp đồng dân sự…; Từ các vấn đề lý luận đó, luận án khái quát
lên thành những vấn đề có tính lý luận về HĐDV (Chương 1); kết hợp giữa lý luận
và thực tiễn làm cơ sở đề xuất các kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật hiện
hành về HĐDV (Chương 3).
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Đây là phương pháp nghiên cứu được
sử dụng xuyên suốt từ Chương 1 cho đến Chương 3 của luận án. Luận án phân tích
các khía cạnh mang tính lý luận của kinh tế sản xuất hàng hóa, DV, các quy luật chi
phối nền sản xuất hàng hóa, các yếu tố chi phối đến xác định bản chất hợp đồng
dân sự… từ đó luận án khái quát hóa các vấn đề phản ánh bản chất của HĐDV.
Luận án cũng phân tích các quy định pháp luật hiện hành về HĐDV, quy định pháp
luật các nước khác trên thế giới từ đó tổng hợp các nội dung cần được điều chỉnh,
bổ sung, hoàn thiện.
- Phương pháp lịch sử: Quy phạm pháp luật được xây dựng gắn liền với sự
phát triển, vận động của kinh tế - văn hóa – xã hội của mỗi quốc gia nên bản thân
pháp luật cũng phản ánh lịch sử nhất định. Luận án sử dụng phương pháp lịch sử
trong quá trình phân tích về sự phát triển, biến động của nền kinh tế đối với sự ra
đời, tồn tại của DV cũng như HĐDV. Bên cạnh đó, luận án cũng sử dụng phương
pháp này để nghiên cứu một cách xuyên suốt, liên tục quy định pháp luật về HĐDV
qua từng giai đoạn lịch sử. Áp dụng phương pháp này giúp cho luận án đưa ra các
kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật có tính kế thừa các quy định pháp luật hiện
hành và bổ sung các quy định mới phù hợp với xu thế phát triển, vận động của nền
kinh tế.
- Phương pháp hệ thống hóa: Luận án sử dụng phương pháp hệ thống hóa để
trình bày các vấn đề, các nội dung theo một trình tự, một bố cục hợp lý, chặt chẽ,
có sự gắn kết, kế thừa, phát triển các vấn đề, các nội dụng để đạt được mục đích,
yêu cầu đã được xác định cho luận án.
5
- Phương pháp so sánh: Phương pháp so sánh được luận án sử dụng trong
việc nhận diện bản chất DV là đối tượng của HĐDV, so sánh giữa hợp đồng dân sự
nói chung với HĐDV, so sánh các quy định pháp lý hiện hành với các quy định
pháp luật cũ (trong BLDS 1995 và BLDS 2005), với pháp luật các quốc gia, khu
vực khác trên thế giới. Từ phương pháp so sánh này, luận án tìm ra các điểm tương
đồng, điểm khác biệt để nhận diện bản chất các vấn đề nghiên cứu, đưa ra các kiến
nghị hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp.
- Phương pháp phân tích tình huống: Luận án sử dụng phương pháp phân tích
tình huống trong quá trình phân tích các tình huống, bản án trong thực tiễn về DV,
HĐDV. Việc phân tích tình huống được sử dụng chủ yếu trong Chương 3 nhằm
làm sáng tỏ thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về HĐDV, đặc biệt trong hoạt
động giải quyết tranh chấp.
6. Những đóng góp mới của luận án
Luận án có các đóng góp mới cụ thể sau:
Một là, phân tích, làm rõ nguồn gốc, bản chất của DV để đi đến xây dựng khái
niệm DV, đặc biệt DV là đối tượng của HĐDV.
Hai là, phân tích có hệ thống các yếu tố chi phối nhằm xác định bản chất của
HĐDV, xây dựng khái niệm, đặc điểm của HĐDV và tiến hành phân loại hợp đồng
theo các căn cứ nhất định.
Ba là, phân tích toàn diện, khái quát quy định về HĐDV trong pháp luật một
số nước, khu vực trên thế giới.
Bốn là, phân tích toàn diện, có hệ thống các quy định pháp luật dân sự hiện
hành về HĐDV (các quy định BLDS 2015), đặc biệt có góc nhìn so sánh, đối chiếu
với các quy định pháp luật về hợp đồng này trong BLDS 2005 (Bộ luật vừa hết
hiệu lực vào ngày 31/12/2016).
Năm là, tiến hành phân tích các bản án, các vụ việc xảy ra trong thực tiễn áp
dụng HĐDV từ đó tìm ra ưu điểm, hạn chế trong áp dụng quy định pháp luật về
HĐDV.
Sáu là, trên cơ sở các căn cứ để hoàn thiện, luận án đưa ra các kiến nghị nhằm
sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về HĐDV trên cơ sở yêu cầu hòa
nhập pháp luật quốc tế về loại hợp đồng này.
6
7. Kết cấu của luận án
Ngoài Danh mục từ viết tắt, Mục lục, Lời mở đầu, Phần A về Tổng quan tình
hình nghiên cứu và cơ sở lý thuyết của đề tài, Kết luận, Danh mục tài liệu tham
khảo, các Phụ lục, Phần B Nội dung luận án chia thành 3 chương như sau:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về hợp đồng dịch vụ
Chương 2: Thực trạng quy định pháp luật dân sự Việt Nam về hợp đồng dịch vụ
Chương 3: Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật dân
sự Việt Nam về hợp đồng dịch vụ
7
PHẦN A
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
I. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước
Các công trình nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài về HĐDV2 chiếm số
lượng không lớn trong các công trình nghiên cứu về luật học nói chung. Một vài
công trình nghiên cứu tiêu biểu như “Luật dân sự Việt Nam lược giải – Các hợp
đồng dân sự thông dụng” của Tiến sĩ luật học, Luật sư Nguyễn Mạnh Bách, “Bình
luận các hợp đồng thông dụng trong BLDS Việt Nam” của Tiến sĩ luật học Nguyễn
Ngọc Điện, “Phát triển ngành dịch vụ” của đồng chủ biên PGS.TS Nguyễn Hồng
Sơn và TS. Nguyễn Mạnh Hùng xuất bản năm 2010, Luận án tiến sĩ “Hợp đồng
thương mại dịch vụ và giải quyết tranh chấp về hợp đồng thương mại dịch vụ ở
Việt Nam” được tác giả Hà Công Anh Bảo bảo vệ thành công tại Đại học Ngoại
thương Hà Nội. Các công trình nghiên cứu đã giải quyết được một số vấn đề mang
tính lý luận cũng như thực tiễn xoay quanh HĐDV. Cụ thể:
- Khái niệm dịch vụ: Mỗi công trình nghiên cứu đưa ra khái niệm DV phù hợp
với góc độ nghiên cứu. Adam Smith cho rằng DV là các hoạt động đem lại lợi ích
cho con người, vô hình, không có khả năng lưu trữ. Bên cạnh đó, DV cũng được
định nghĩa: “các hoạt động của con người được kết tinh thành các loại sản phẩm
vô hình và không thể cầm nắm được” [56, trang 1], hoặc “theo nghĩa rộng thì dịch
vụ được coi là ngành kinh tế thứ ba. Theo cách hiểu này thì hoạt động kinh tế nằm
ngoài hai ngành công nghiệp và nông nghiệp được coi là thuộc ngành dịch vụ.
Theo nghĩa hẹp thì dịch vụ là phần mềm của sản phẩm hỗ trợ cho khách hàng
trước, trong và sau khi bán” [56, trang 5] và có thể là “hoạt động có chủ đích
nhằm đáp ứng nhu cầu nào đó của con người. Dịch vụ không tồn tại ở dạng sản
phẩm cụ thể (hữu hình) như hàng hóa nhưng nó phục vụ trực tiếp nhu cầu nhất
định của xã hội” [56, trang 7] … Như vậy, dù có nhiều cách hiểu khác nhau về DV
nhưng đều có đặc điểm chung là các hoạt động kinh tế thực hiện phục vụ cho nhu
cầu của con người.
- Đặc điểm dịch vụ: Mặc dù hoạt động DV rất phong phú nhưng đều có những
2
Tham khảo nội dung chi tiết từng công trình tại Phụ lục 1.
8
đặc điểm chung nhất định. Theo tác giả Chu Khắc Bình, DV có ba đặc điểm: Vô
hình nên khó xác định; Quá trình sản xuất (cung ứng) DV và tiêu dùng DV thường
xảy ra đồng thời; DV không thể lưu trữ được [20, trang 1 - 2]. Tác giả Đoàn Kim
Hồng đưa ra quan điểm về các đặc điểm của DV trong đó ngoài ba đặc điểm nêu
trên còn có các đặc điểm sau: tính không đồng nhất, khó xác định trọng lượng và
không có khả năng hư hỏng [35, trang 6-7]. Tác giả Ngạc Thị Hồng Xiêm cho rằng
dịch vụ có ba đặc điểm: Tính vô hình (intangibility), tính không đồng nhất
(heterogeneity) và tính không thể tách rời/chia cắt (inseparability) [52, trang 6 – 7].
Như vậy, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra các đặc điểm của DV phù hợp với góc độ
nghiên cứu của mình. Nhìn chung, DV thường mang đặc điểm là vô hình, không
thể lưu trữ, không đồng nhất và không thể tách rời.
- Phân loại dịch vụ: Tác giả Đoàn Kim Hồng phân loại DV trên cơ sở phân
loại của Hiệp định chung về thương mại DV GATS (General Agreement on Trade
in Services) của Tổ chức Thương mại thế giới (World Trade Organisation – WTO)
[35, trang 7]. Tác giả Chu Khắc Bình phân loại DV dựa vào hai tiêu chí: Dựa vào
tính chất thương mại (DV chia thành DV mang tính thương mại và DV không
mang tính thương mại) và dựa vào mục tiêu DV (DV phân thành DV phân phối,
DV sản xuất, DV xã hội và DV cá nhân).
- Định nghĩa hợp đồng dịch vụ: Tiến sĩ Luật học Nguyễn Ngọc Điện định
nghĩa: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên làm dịch vụ
thực hiện một công việc cho bên sử dụng dịch vụ, còn bên sử dụng dịch vụ phải trả
công cho bên làm dịch vụ”. Định nghĩa này được trình bày trong tác phẩm “Bình
luận hợp đồng thông dụng trong Luật Dân sự Việt Nam”. Tác giả đi vào nghiên
cứu, phân tích quy định BLDS 1995 về HĐDV. Tuy BLDS 1995 đã hết hiệu lực
nhưng những quy định của bộ luật này được kế thừa gần như toàn bộ trong BLDS
2005 nên giá trị tham khảo của công trình rất lớn. Như vậy, tác giả Nguyễn Ngọc
Điện có quan điểm tương đồng với khái niệm HĐDV đã được ghi nhận trong Giáo
trình Luật dân sự của Đại học Luật Hà Nội [24, trang 195]. Qua đây cho thấy, định
nghĩa HĐDV chứa đựng hai điều kiện cơ bản: sự thỏa thuận của các bên chủ thể và
làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của bên cung ứng và bên thuê.
- Đặc điểm hợp đồng dịch vụ: HĐDV mang hai đặc điểm cơ bản là có “tính
đền bù” và “song vụ” [24, trang 195]. Tính đền bù của HĐDV thể hiện khi bên
thuê phải trả tiền phí DV cho bên thực hiện công việc khi bên cung ứng hoàn thành
9
nghĩa vụ của mình hoặc theo thỏa thuận của các bên. Bên cung ứng và bên sử dụng
đều có các nghĩa vụ nhất định nên tạo nên tính song vụ, tức là các bên đều có nghĩa
vụ tương ứng với nhau theo nội dung hợp đồng.
- Mối liên hệ giữa hợp đồng dịch vụ với các hợp đồng có đối tượng công việc
như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ: Tác giả Nguyễn
Mạnh Bách cho rằng, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng gia công là một dạng của
HĐDV [58, trang 167-254], hợp đồng ủy quyền là hợp đồng độc lập so với HĐDV
[58, trang 258-9]. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện đưa ra quan điểm rằng gia công, vận
chuyển là các dạng DV đặc biệt khi thỏa mãn điều kiện của DV, tức là phải do
người có chuyên môn thực hiện [62, trang 320 – 3]. Nhà nghiên cứu phân biệt thực
hiện công việc do ủy quyền độc lập với hoạt động DV [62, trang 325-6]. Các phân
tích mặc dù chưa trọng tâm nhưng đã phản ánh phần nào mối quan hệ giữa HĐDV
với một số hợp đồng có đối tượng là công việc.
1.2. Đánh giá tổng quan về tình hình nghiên cứu
Các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước về HĐDV đã đem lại
những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong các công trình này vẫn chưa giải
quyết một số vấn đề lý luận từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu.
(i) Mặt tích cực: Về cơ bản, các công trình đã có những phân tích nhất định về
mặt lý luận đối với DV và HĐDV. Những phân tích này sẽ là nền tảng cho các nhà
nghiên cứu tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo.
(ii) Mặt hạn chế: Những nghiên cứu về HĐDV còn chưa giải quyết được các
vấn đề cơ bản sau:
- Chưa có sự phân tích một cách hệ thống nguồn gốc ra đời của DV để xác
định các thuộc tính và xây dựng khái niệm DV.
- Chưa có một công trình nghiên cứu về HĐDV nói chung mặc dù đã có nhiều
công trình nghiên cứu về từng HĐDV cụ thể như hợp đồng vận chuyển, hợp đồng
bảo hiểm, hợp đồng thương mại DV… Do đó, bản chất, định nghĩa, đặc điểm, phân
loại về HĐDV còn chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống.
- Chưa có công trình nào nghiên cứu, phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện về
thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về HĐDV từ khi pháp luật dân sự có ghi nhận
các quy định pháp luật về hợp đồng này trong BLDS.
- Các công trình còn phân tích tản mát về mối quan hệ giữa HĐDV với một số
10
hợp đồng có đối tượng công việc. Việc phân tích cụ thể, chi tiết, hệ thống có ý
nghĩa trong việc áp dụng quy định pháp luật vào điều chỉnh các quan hệ hợp đồng.
II. Cơ sở lý thuyết và hướng tiếp cận của đề tài
2.1. Câu hỏi nghiên cứu
Để đạt được mục đích tác giả đặt ra trong mục 3.1 của Lời nói đầu luận án,
người nghiên cứu đặt ra các câu hỏi làm nền tảng, định hướng cho quá trình nghiên
cứu của mình. Các nhóm câu hỏi nghiên cứu cụ thể:
(i) Nhóm câu hỏi thứ nhất: DV là gì? Phạm vi các hoạt động DV nào sẽ được
cung ứng, thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý?
(ii) Nhóm câu hỏi thứ hai: HĐDV là gì? Các đặc điểm đặc trưng của HĐDV
và nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cơ chế pháp lý dành cho hợp đồng này?
Các căn cứ phân loại HĐDV? Mặc dù tồn tại nhiều nhóm HĐDV nhưng các quy
định pháp luật nào sẽ điều chỉnh chung toàn bộ các hợp đồng này và pháp luật về
HĐDV là gì?
(iii) Nhóm câu hỏi thứ ba: Thực trạng quy định pháp luật điều chỉnh cho
HĐDV bao gồm các quy định nào? Các quy định đó được hiểu ra sao và có ý nghĩa
như thế nào trong quá trình điều chỉnh các quan hệ về cung ứng, sử dụng DV?
(iv) Nhóm câu hỏi thứ tư: Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về HĐDV
có những điểm tích cực và bộc lộ các hạn chế nào? Các hạn chế trong quy định
pháp luật có cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và sửa đổi, bổ sung trên cơ sở nào?
2.2. Lý thuyết nghiên cứu
(i) Lý thuyết về dịch vụ: Các lý thuyết về sự ra đời, tồn tại, các yếu tố chi phối
đến sự phát triển của DV với tư cách là sản phẩm của nền kinh tế sản xuất hàng hóa
được tác giả vận dụng để phân tích, xác định nguồn gốc, các quy luật chi phối đến
sự phát triển của hoạt động DV.
(ii) Lý thuyết về hợp đồng dân sự: Các vấn đề thuộc về bản chất, đặc trưng
pháp lý của hợp đồng dân sự được tác giả sử dụng để lý giải bản chất, đặc điểm,
phân loại HĐDV với tư cách là một trong các hợp đồng dân sự thông dụng.
2.3. Các giả thiết nghiên cứu
Trên cơ sở mục đích nghiên cứu, các câu hỏi nghiên cứu, các lý thuyết nghiên
cứu mà tác giả đề ra, tác giả đặt ra các giả thiết nghiên cứu cũng như kết quả
11
nghiên cứu dự định đạt được trong luận án:
(i) Giả thiết nghiên cứu thứ nhất: DV là đối tượng của HĐDV chỉ bao gồm
các công việc được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận của các chủ thể có địa vị pháp
lý bình đẳng, với mục đích thỏa mãn lợi ích vật chất hoặc tinh thần của bản thân
chủ thể đó. Như vậy, các hoạt động DV tư sẽ là đối tượng trong các HĐDV được
các chủ thể giao kết.
Kết quả dự định đạt được trong luận án là phân tích có hệ thống nguồn gốc ra
đời, đặc trưng của DV, xác định các đặc điểm phân biệt giữa DV tư với DV công
để xác định rõ ranh giới DV là đối tượng của HĐDV.
(ii) Giả thiết nghiên cứu thứ hai: HĐDV bản chất là một hợp đồng mua bán
hàng hóa mà DV là hàng hóa đặc biệt trên thị trường. DV ra đời gắn liền với sản
xuất hàng hóa, được trao đổi theo quy luật giá trị trên thị trường. Do vậy, các đặc
điểm của HĐDV thể hiện rõ các đặc tính của một hợp đồng mua bán hàng hóa đặc
biệt.
Kết quả dự định đạt được trong luận án là tìm ra bản chất HĐDV, phân tích
các đặc điểm của hợp đồng một cách có hệ thống với các lập luận nhất định.
(iii) Giả thiết nghiên cứu thứ ba: Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh
mẽ hướng đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, DV tiếp tục trở
thành một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế cũng như là hướng phát
triển tiếp theo của cả nền kinh tế - kinh tế DV - thì HĐDV tiếp tục là một hợp đồng
thông dụng, phổ biến và chiếm số lượng ngày càng lớn trong tổng số các giao dịch
mà các chủ thể xác lập trong đời sống kinh tế - xã hội. Do đó, vai trò của quy định
pháp luật về HĐDV sẽ ngày càng quan trọng vì nó là quy định chung điều chỉnh,
định hướng các quan hệ về cung ứng, sử dụng DV phù hợp với chiến lược phát
triển của đất nước.
Kết quả dự định đạt được trong luận án là phân tích để làm rõ vai trò, thực
trạng quy định pháp luật về HĐDV – các quy định chung định hướng khi tiến hành
thỏa thuận, giao kết và thực hiện các hợp đồng này.
(iv) Giả thiết nghiên cứu thứ tư: Quá trình áp dụng quy định pháp luật về
HĐDV vào trong thực tiễn sẽ bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định còn “vênh” so
với pháp luật các quốc gia, khu vực kinh tế khác trên thế giới. Do đó, pháp luật về
HĐDV cần được làm sáng tỏ các điểm bất cập, hạn chế, thiếu vắng để hoàn thiện
12
trên cơ sở nhất định, phù hợp với tốc độ phát triển, vai trò của DV trong đời sống
kinh tế.
Kết quả dự định đạt được trong luận án là nêu rõ các điểm bất cập trong thực
tiễn áp dụng quy định pháp luật về HĐDV. Luận án cũng đưa ra lý do và cơ sở để
hoàn thiện các quy định pháp luật này. Đồng thời, luận án phải đưa ra các kiến nghị
cụ thể hoàn thiện quy định pháp luật về HĐDV.
2.4. Hướng tiếp cận nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu luận án nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu thuộc
chuyên ngành luật dân sự tập trung vào HĐDV. Do đó, khi tiếp cận và làm sáng tỏ
các vấn đề lý luận cũng như thực trạng quy định pháp luật về HĐDV, tác giả cần
phải tiếp cận theo hướng cân bằng giữa các yêu cầu:
Thứ nhất, HĐDV là một dạng của hợp đồng dân sự nên nó sẽ mang đầy đủ
các bản chất của hợp đồng này cũng như có những đặc điểm riêng do đối tượng áp
dụng chi phối.
Thứ hai, các quy định về HĐDV trong BLDS mang trong mình hai sứ mệnh.
Các quy định này là các quy định riêng dành cho hợp đồng dân sự thông dụng bên
cạnh nhóm nguyên tắc chung dành cho mọi hợp đồng. Đồng thời, các quy định này
cũng là các quy định chung dành cho tất cả các HĐDV phát sinh trong lĩnh vực tư
mặc dù nhiều DV được điều chỉnh bởi cơ chế pháp lý riêng. Do đó, những nghiên
cứu, phân tích, kiến nghị về quy định pháp luật HĐDV trong BLDS vừa đảm bảo
vai trò quy định gốc của BLDS, vừa phải phù hợp với tính chất riêng của nhóm DV
là đối tượng của hợp đồng này. Hơn nữa, người nghiên cứu cũng phải đảm bảo các
phân tích, kiến nghị vừa phù hợp với tính linh hoạt trong các quan hệ cung ứng, sử
dụng DV, vừa đảm bảo tính chặt chẽ, tránh các tranh chấp có thể xảy ra và khi xảy
ra tranh chấp thì quy định pháp luật là cơ sở cơ bản giải quyết các tranh chấp này.
13
PHẦN B: NỘI DUNG LUẬN ÁN
CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
1.1. Khái niệm dịch vụ và hợp đồng dịch vụ
1.1.1. Khái niệm dịch vụ
1.1.1.1. Một số quan niệm về dịch vụ
Thuật ngữ “DV” được sử dụng ngày càng thông dụng, tỉ lệ thuận với tốc độ
gia tăng, phát triển của các hoạt động kinh tế. Các hoạt động chỉ cần mang tính
thường xuyên, phổ biến, có tính phục vụ đều được gắn với thuật ngữ DV. Thậm
chí, DV còn được sử dụng cho các quan hệ có đối tượng là tài sản như DV mua
bán hàng hóa, DV trao đổi hàng hóa, DV ăn uống… Hoạt động cầm đồ có bản chất
là các thỏa thuận vay tài sản với mức lãi suất cao và áp dụng biện pháp cầm cố tài
sản được sử dụng với cách gọi thông thường là DV cầm đồ.
Về mặt lý luận, hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về DV bởi mỗi một
quan điểm được đưa ra ở góc nhìn khác nhau. DV là hoạt động kinh tế nên nhiều
nhà kinh tế học coi DV “là quá trình lao động, sinh ra và mất đi cùng thời điểm
với quá trình lao động đó, theo đó dịch vụ là một hàng hóa vô hình và có tính chất
nhất thời” [56, trang 78]. Các nhà kinh tế học cổ điển coi DV là hàng hóa được
trao đổi trên thị trường và tuân theo các quy luật của thị trường. Điển hình của
quan niệm này là quan niệm của Adam Smith về DV. Ông cho rằng: “Dịch vụ
không mang tính sản xuất (nonproductive) vì không để lại một sản phẩm vật chất
hữu hình, trong đó những tầng lớp được coi trọng trong xã hội như cha đạo, luật
sư, thầy thuốc, người viết thư thuê, nhạc công, ca sĩ opera, vũ công… thực sự
không sản sinh ra bất kỳ giá trị nào và không được hàm chứa trong một vật thể
xác định hay một loại mặt hàng có thể bán được và công việc của người này tàn
lụi đúng lúc nó được sinh ra” [99, trang 271]. Quan niệm của Adam Smith phản
ánh hai đặc điểm cơ bản của DV là sự vô hình (khác biệt với vật là tài sản hữu
hình) và sự “tàn lụi” DV cùng với thời điểm nó sinh ra. Tuy nhiên, đối với nền
kinh tế sản xuất hiện đại, kết quả DV được lưu giữ thông qua các hình thức nhất
định nên quan niệm của Adam Smith về thời điểm thực hiện và sử dụng DV không
phản ánh hết các trạng thái tồn tại kết quả DV. DV trong nền kinh tế hiện đại được
đánh giá “có tính hàng hóa nhiều hơn, vừa lưu trữ được và vận chuyển được đến
mọi nơi, vừa có thể sử dụng được trong một thời gian dài, thậm chí gần như vô
hạn” [56, trang 20]. Nhà kinh tế học Philip Kotler quan niệm DV dưới góc nhìn so
14
sánh trực tiếp với tài sản hữu hình (là các vật). Ông cho rằng: “Dịch vụ là một hoạt
động hay lợi ích cung ứng nhằm để trao đổi, chủ yếu là vô hình và không dẫn đến
việc chuyển giao quyền sở hữu. Việc thực hiện dịch vụ có thể gắn liền hoặc không
gắn liền với sản phẩm vật chất” [113, trang 200]. Như vậy, theo quan niệm của
Philip Kotler, DV mang bốn đặc trưng cơ bản: 1. DV là hoạt động, là các hành vi
có ý chí của con người; 2. DV đem lại các lợi ích và có tính “trao đổi” tức là để
mua đi, bán lại trên thị trường; 3. DV là sản phẩm vô hình nên không nhận biết
được bằng các giác quan của con người. Chính tính vô hình của DV nên không dẫn
đến kết quả chuyển giao quyền sở hữu như đối với tài sản trong các giao dịch trên
thị trường; 4. Kết quả DV có thể gắn với sản phẩm vật chất nhất định (như hoạt
động gia công tạo ra vật cụ thể hoặc hoạt động sửa chữa nhằm đảm bảo chất lượng
của tài sản sau khi bị hư hỏng) hoặc gắn với các lợi ích tinh thần nhằm thỏa mãn
nhu cầu thuộc về cảm xúc bên trong của các chủ thể. Qua phân tích trên cho thấy,
các quan niệm về DV đa dạng phụ thuộc vào góc độ nghiên cứu của các nhà khoa học.
Dưới góc độ lý luận, để hiểu bản chất DV cần sự nghiên cứu cụ thể, đặc biệt
đi từ nguồn gốc DV để nắm được các đặc điểm cơ bản của DV cũng như có thể
khái quát hóa thành khái niệm DV.
1.1.1.2. Nguồn gốc dịch vụ
Các – Mác khẳng định: “Dịch vụ là con đẻ của nền kinh tế sản xuất hàng
hóa, khi mà nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đòi hỏi một sự lưu thông thông
suốt, trôi chảy, liên tục để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao đó của con người thì
dịch vụ ngày càng phát triển” [105, trang 576] đã phản ánh rõ nét nguồn gốc ra
đời của DV cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa sự phát triển kinh tế hàng hóa với
sự phát triển của DV. Loài người đã trải qua nhiều giai đoạn sản xuất kinh tế
nhưng bàn về nguồn gốc ra đời của DV thì phải nói đến nền kinh tế hàng hóa. Nền
kinh tế hàng hóa ra đời sau nền kinh tế đầu tiên là nền kinh tế tự cung tự cấp (còn
được gọi là kinh tế tự nhiên). Đối với nền kinh tế tự nhiên, con người sản xuất ra
các sản phẩm chủ yếu đáp ứng nhu cầu của bản thân mình. Việc mua đi, bán lại
các sản phẩm là kết quả thực hiện bằng hành vi con người dường như chưa tồn tại
phổ biến trong nền kinh tế sản xuất này. Mặc dù bản thân trong nền kinh tế tự
nhiên đã xuất hiện, tồn tại một số người thực hiện công việc mang tính chất thường
xuyên, liên tục như một số dòng họ chuyên thực hiện công việc may mặc (chính là
gia công tạo nên các bộ quần áo đáp ứng nhu cầu của chủ thể khác), thậm chí
15
nhiều người chuyên vận chuyển hàng hóa từ khu vực này sang khu vực khác và
nhận tiền công cho công việc này. Tuy nhiên, các công việc này chưa trở thành
DV. Trí tuệ con người phát triển ở một mức độ nhất định, sự gia tăng cả về chất và
lượng của công cụ sản xuất cộng với mỗi khu vực có lợi thế sản xuất sản phẩm
khác nhau dẫn đến việc dư thừa sản phẩm mình tạo ra nhưng lại thiếu các sản
phẩm khác trong khi nhu cầu của con người ngày càng cao. Chính vì vậy mà nền
kinh tế mang tính chất tự cung tự cấp không thể đáp ứng được nên buộc nền kinh
tế của loài người chuyển dần sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Sự ra đời của nền
kinh tế sản xuất hàng hóa kéo theo ra đời của DV nên DV được coi là “con đẻ” của
nền kinh tế sản xuất này. Như vậy, kinh tế sản xuất hàng hóa và DV ra đời do hội
tụ đủ các yếu tố:
Một là, hình thành nhóm người chuyên thực hiện một công việc hoặc một
nhóm công việc nhất định. Xuất phát từ điều kiện phân công lao động xã hội của
nền kinh tế hàng hóa, lao động tiến dần đến “chuyên môn hóa giữa các cá nhân,
các nhóm người (tập thể) hoặc các vùng trong nền kinh tế để làm ra một hay một
số loại sản phẩn nhất định với số lượng lớn” [21, trang 576]. DV chỉ ra đời khi
xuất hiện các cá nhân hoặc nhóm cá nhân, hoặc một vùng trong nền kinh tế chuyên
thực hiện một hoặc một nhóm công việc nhất định. Nói một cách khác, cá nhân,
pháp nhân này thực hiện một công việc nhằm phục vụ cho nhu cầu của các cá
nhân, tổ chức khác trong xã hội khi họ có nhu cầu. Đối với cá nhân, thực hiện một
công việc nhất định hình thành nên nghề nghiệp của người đó còn đối với tập thể
có thể tạo nên các làng nghề, thậm chí có thể ra đời các pháp nhân như công ty,
xưởng sản xuất, nhà máy sản xuất…
Hai là, năng lực thực hiện công việc của mỗi cá nhân, mỗi tập thể, thậm chí
mỗi vùng kinh tế có sự khác biệt. Bên cạnh điều kiện về phân công lao động xã
hội, điều kiện sự tách biệt tương đối về kinh tế giữa các chủ thể sản xuất cũng là
một điều kiện để nền kinh tế hàng hóa ra đời. Điều kiện này chi phối trực tiếp đến
các đặc tính của nền kinh tế hàng hóa như có sự trao đổi hàng hóa, cạnh tranh giữa
các nhà cung ứng cùng một mặt hàng. Đối với DV, dù thực hiện cùng một loại
công việc hoặc nhóm công việc nhất định nhưng mỗi cá nhân, tập thể lại có năng
lực thực hiện khác nhau. Do đó, khi tiến hành trao đổi DV với tư cách hàng hóa
trên thị trường, các nhà cung ứng DV thực hiện trên cơ sở cạnh tranh với nhau,
chấp nhận sự khác biệt trong giá cả của cùng một loại DV vì còn phụ thuộc vào
16
tính chuyên nghiệp, kỹ năng, chuyên môn, điều kiện vật chất... khi thực hiện công việc.
1.1.1.3. Thuộc tính của dịch vụ
Từ nguồn gốc ra đời được phân tích có thể thấy DV mang các thuộc tính cơ
bản sau:
Một là, DV là hoạt động của con người nhằm thực hiện công việc nhất định
đáp ứng, phục vụ nhu cầu của chủ thể trong xã hội. Hoạt động này là chuỗi các
hành vi có ý chí của con người, có thể được hỗ trợ bởi máy móc, khoa học kỹ thuật
với mục tiêu đem lại hiệu quả công việc cao hơn. Quá trình thực hiện DV phải đem
lại lợi ích cho con người. Để thỏa mãn một lợi ích nhất định, bên sử dụng xác lập
với bên cung ứng một quan hệ cung ứng, sử dụng DV theo đó bên cung ứng thực
hiện công việc vì lợi ích của bên sử dụng hoặc người sử dụng DV. Vì vậy, lợi ích
là cơ sở để DV ra đời. DV có thể đem lại các lợi ích vật chất (kết quả hoạt động gia
công, kết quả hoạt động sửa chữa…) hoặc lợi ích tinh thần cho con người.
Hai là, DV là các hoạt động được thực hiện có tính chuyên môn hóa, có tổ
chức. Chuyên môn hóa là kết quả tất yếu của quá trình phân công lao động xã hội.
Khi chủ thể thực hiện chuyên về một công việc cụ thể tức là “làm về một phạm vi,
một việc gì đó” [66, trang 309] trong một thời gian liên tục, có sự ổn định nhất
định. Nhờ vậy, chủ thể thực hiện DV nâng cao chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm
thực hiện công việc và dần dần hội tụ đầy đủ kỹ năng để thực hiện công việc có kết
quả tốt nhất mà không chủ thể nào cũng có thể làm được. Chủ thể này cũng thực
hiện công việc lặp đi lặp lại, liên tục đem lại lợi ích cho bất kỳ khách hàng nào có
nhu cầu. Tính tổ chức trong thực hiện DV được hiểu là công việc được thực hiện
theo một chu trình, các bước thực hiện nhất định. Chu trình, các bước thực hiện
công việc được bên cung ứng xây dựng trên cơ sở kiến thức được đào tạo, kinh
nghiệm được tích lũy cũng như sáng tạo của chính chủ thể này. Công việc được
thực hiện theo một chu trình nhất định đảm bảo kết quả DV thu được theo đúng dự
liệu ban đầu, đồng thời cũng hạn chế những sai lệch của kết quả thực hiện công
việc so với các cam kết đối với khách hàng. Chính tính chuyên môn hóa và tổ chức
làm nên tính độc lập giữa bên cung ứng với bên sử dụng trong quá trình thực hiện
công việc.
Ba là, DV là một loại hàng hóa luôn gắn liền với thị trường, chịu sự chi phối
của quy luật thị trường. DV ra đời trên cơ sở phân công lao động xã hội và trở
thành một loại hàng hóa đặc biệt được mua đi – bán lại trên thị trường. Dù trong
nền kinh tế tự nhiên hay trong nền kinh tế hàng hóa, với trí tuệ của mình, con
17
người đã biết bằng hành vi chính mình thực hiện công việc đáp ứng nhu cầu của
bản thân cũng như của các chủ thể khác. Tuy nhiên, DV chính là quá trình thực
hiện công việc với sự hội tụ những điều kiện nhất định. Nói một cách khác, công
việc đáp ứng lợi ích của con người gồm có hai nhóm chính: DV và các công việc
không mang tính DV (còn được gọi là công việc phi DV). Thuộc tính đặc trưng
của DV so với các công việc phi DV là chỉ ra đời trong kinh tế hàng hóa và luôn
gắn liền với thị trường hàng hóa. Trao đổi DV trên thị trường được xác định theo
hai giá trị là giá trị sử dụng3 và giá trị hàng hóa4. Các quy luật của kinh tế thị
trường như quy luật giá trị5, quy luật cung cầu6, quy luật cạnh tranh7, quy luật lưu
thông tiền tệ8 trực tiếp chi phối đến sự ra đời, lưu thông hàng hóa đặc biệt này trên
thị trường. Tuy nhiên, so với các hàng hóa hữu hình trên thị trường thì DV lại có
những đặc trưng riêng nhất định. DV không tồn tại dưới dạng vật chất nên chất
lượng DV cũng không được xác định trực tiếp theo các chỉ số nhất định như các
hàng hóa hữu hình. Quá trình cung ứng và tiêu dùng DV về cơ bản là xảy ra đồng
thời nên DV không có khả năng lưu trữ. Chính vì vậy nhiều nhà nghiên cứu đều
đồng thuận quan điểm cho rằng DV có tính chất vô hình, không lưu trữ được.
Bốn là, DV là hàng hóa đặc biệt có giá trị và giá trị sử dụng. Theo quan điểm
của kinh tế chính trị học thì giá trị hàng hóa nói chung, trong đó có DV là sự kết
tinh sức lao động. Tuy nhiên, giá trị này được biểu hiện thông qua giá cả hàng hóa.
Giá trị DV cũng được thể hiện thông qua giá cả DV. Giá trị sử dụng của DV chính
là những lợi ích mà DV đem lại cho người sử dụng DV. Chính vì vậy, khi DV
3
Giá trị sử dụng “là công dụng của hàng hóa đó trong việc thỏa mãn nhu cầu của con người” [21, trang 36].
4
Giá trị hàng hóa là một quan hệ xã hội, nó là phạm trù phản ánh quan hệ kinh tế giữa những người sản xuất
hàng hóa với nhau. Giá trị hàng hóa là giá trị lao động kết tinh trong hàng hóa. [21, trang 38].
5
Quy luật giá trị được coi là quy luật kinh tế cơ bản của kinh tế hàng hóa. Quy luật giá trị đặt ra yêu cầu việc
sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết. Do đó, khi chi phí lao động
khác nhau dẫn đến giá trị các DV cũng khác nhau [21, trang 57].
6
Quy luật cung – cầu: Cầu là nhu cầu của xã hội về hàng hóa, cung là tổng số hàng hóa trên thị trường hoặc có
khả năng thực tế cung cấp cho thị trường. Mối quan hệ cung – cầu thực chất là mối quan hệ giữa sản xuất và
tiêu dùng trong xã hội. Khi cung lớn thì cầu cũng lớn và xác định cầu hoàn toàn dựa trên cung trong thị trường
[21, trang 62-63].
7
Quy luật cạnh tranh: Bản chất cạnh tranh phản ánh xung đột lợi ích giữa các chủ thể trong nền kinh tế hàng
hóa. Khi phân công lao động xã hội làm cho chủ thể sản xuất không thể tách rời nhau, môi trường kinh doanh
lại hạn hẹp và mỗi chủ thể có năng lực kinh doanh khác nhau thì hệ quả tất yếu là giữa các chủ thể sản xuất phải
cạnh tranh với nhau đề giành khách hàng. Tính hai mặt của quy luật cạnh tranh chính là nó vừa thúc đẩy sản
xuất kinh doanh nhưng cũng có thể buộc chủ thể sản xuất sử dụng các Phương pháp cạnh tranh không lành
mạnh [21, trang 65].
8
Quy luật lưu thông tiền tệ: Tiền tệ được coi là chất bôi trơn cho các hoạt động kinh tế nói chung nên quy luật
lưu thông tiền tệ sẽ xác định số lượng tiền cần thiết cho lưu thông để đảm bảo trao đổi hàng hóa bình thường
[21, trang 67].
18