Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

BTL Lịch sử văn minh thế giới

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.64 KB, 6 trang )

ĐẶT VẤN ĐỀ
Có thể nói trong quá trình phát triển văn minh, người phương Đông nói chung và
người Ai Cập cổ đại nói riêng đã tạo ra những di sản văn hóa cực kì quí báu và đồ sộ
trên tất cả các lĩnh vực: chữ viết, văn học, khoa học tự nhiên… Đặc biệt là nghệ thuật
của văn minh Ai Cập cổ đại đã đạt tới một trình độ một trình độ rất cao. Cho đến nay
người ta vẫn cố gắng khám phá bí ẩn đằng sau những công trình, di sản còn lại của nền
văn minh Ai Cập cổ đại kỳ bí. Nổi bật nhất là nghệ thuật và chữ tượng hình còn sót lại
trong các ngôi mộ, lăng tẩm. Để tìm hiểu rõ hơn về lĩnh vực nghệ thuật của văn minh
Ai Cập cổ đại, em xin chọn đề bài số 3: “Đặc điểm và thành tựu trên lĩnh vực nghệ
thuật của văn minh Ai Cập cổ đại”
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I .NHỮNG NÉT KHÁI QUÁT VỀ LĨNH VỰC NGHỆ THUẬT CỦAVĂN MINH
AI CẬP CỔ ĐẠI
Nền văn hoá vật chất và tinh thần của văn minh Ai Cập cổ đại được xây dựng từ khi có
người đến sinh sống ven sông Nin. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế – xã hội,
văn hoá Ai Cập cũng đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Có thể nói rằng văn hoá Ai
Cập là một trong những nền văn hoá cổ nhất và phát triển rực rỡ nhất của thế giới cổ
đại. Cho đến nay, những thành tựu văn hoá ấy vẫn làm cho chúng ta thán phục và ngạc
nhiên trước sức sáng tạo kì diệu của nhân dân Ai Cập thời cổ đại.
II. NHỮNG THÀNH TỰU NGHỆ THUẬT TIÊU BIỂU CỦA NỀN VĂN MINH
AI CẬP CỔ ĐẠI.
1.Văn học:
Ai Cập cổ đại có một kho tàng văn học khá phong phú, bao gồm tục ngữ, thơ ca trữ
tình, các câu chuyện mang tính chất đại lý, giáo huấn, trào phúng, truyện thần thoại…
Trong số đó, Truyện hai anh em, Nói Thật và Nói Láo, Lời răn dạy của Đuaup, Sống
sót sau vụ đắm thuyền v.v…là những truyện tương đối tiêu biểu.


Truyện Nói Thật và Nói Láo kể chuyện hai anh em, người anh tên là Nói Láo, người
em tên là Nói Thật. Nói Láo huênh hoang rằng có một vật có thể chứa được cả núi
rừng. Nói Thật không chứng minh được như thế là nói láo nên đã bị móc mắt. Nói


Thật trở thành đầy tớ của người anh và bị đày đọa rất cực khổ. Nhưng có một cô gái
xinh đẹp đã yêu và lấy anh chàng mù lòa và sinh được một đứa con trai. Lớn lên đứa
con quyết báo thù cho cha. Một hôm, nó dắt một con bò của mình đến nhà của Nói
Láo. Nói Láo muốn đổi con bò, nhưng đứa bé không đồng ý, lại còn bịa ra nhiều
chuyện hoang đường về con bò của mình. Hơn nữa nó còn xin các thần phán xử Nói
Láo. Các thần không tin những lời bịa đặt về con bò, và nhớ lại những chuyện hoang
đường mà trước kia Nói Láo đã bịa đặt, vì vậy cuối cùng đứa bé đã thắng được kiện.
Lời kể của Ipuxe nói về những biến động lớn lao trong xã hội do cuộc khởi nghĩa quần
chúng năm 1750 TCN đem lại:
“Hãy xem: Sự việc hình như không bao giờ xảy ra ấy cuối cùng đã xảy ra rồi. Nhà vua
đã bị những người nghèo khổ bắt.”
“Hãy xem: Những người trong cung đình đã bị đuổi ra khỏi cung điện của nhà vua.”
“Hãy xem: Dân thường trong nước đã biến thành phú ông. Những người giàu có đã
biến thành những người không có của cải.”
“Hãy xem: Những người vốn bị quản lý thì lại biến thành chủ nô. Những kẻ bản thân
mình vốn bị người khác sai khiến thì nay lại sai khiến người khác.”
Lời răn dạy của Đuaup là những lời của người cha trên đường tiễn con lên kinh đô để
học, khuyên con phải chăm chỉ học tập để sau này làm quan, nếu không sẽ phải làm
thợ thủ công, mà làm thợ gì cũng rất cực khổ:
“Ta chưa hề thấy người thợ điêu khắc hoặc người thợ làm đồ trang sức được làm sứ
giả, nhưng ta lại thấy một người thợ đồng làm việc bên lò. Ngón tay của anh ta giống
như da cá sấu, mùi trên mình anh ta còn hôi hơn cá”.


“Con xem, ngoài nghề làm quan ra, không có một nghề nghiệp nào là không có người
cai quản, vì bản thân ông quan mới là người cai quản”.
Truyện Sống sót sau vụ đắm thuyền nói về một người vâng lệnh vua cùng 120 thủy
thủ đi thuyền đến một vùng mỏ. Giữa biển, thuyền gặp bão, tất cả thủy thủ đều chết,
chỉ có một mình người ấy nhờ có một khúc gỗ nên được sống sót. Anh ta bị giạt vào
một hòn đảo. Chúa đảo là một con rắn lớn, đã dùng mồm cắp anh về chỗ ở của rắn.

Rắn bảo anh ta cứ yên tâm ở lại đó, sau 4 tháng sẽ có thuyền từ kinh thành đến đón
anh về. Sự việc xảy ra đúng như lời rắn nói. Anh hết lời cảm ơn rắn. Khi rời đảo, rắn
tặng anh nhiều tặng phẩm, chúc anh lên đường mạnh khỏe và nói anh rằng sau khi rời
hòn đảo thì đảo sẽ biến thành làn sóng. Hai tháng sau, thuyền về đến kinh thành, anh
yết kiến vua, dâng lễ vật từ đảo đem về, được vua phong cho làm thị vệ.
2.Kiến trúc và điêu khắc:
Nghệ thuật kiến trúc của Ai Cập cổ đại đã đạt đến trình độ rất cao. Các công trình kiến
trúc tiêu biểu là cung điện, đền miếu, đặc biệt là Kim tự tháp.
a. Kim Tự Tháp:
Kim Tự Tháp là những ngôi mộ của các vua Ai Cập thuộc Vương triều III và Vương
triều IV thời Cổ vương quốc. Các ngôi mộ ấy được xây dựng ở vùng sa mạc Tây Nam
Cairo ngày nay.
Kim Tự Tháp được bắt đầu xây dựng từ thời vua Djeser, vua đầu tiên của vương triều
III, vương triều đầu tiên của thời Cổ vương quốc. Đây là một ngôi tháp có bậc, cao
60m, đáy là một hình chữ nhật dài 120m, rộng 106m. Xung quanh tháp Djeser có đền
thờ và mộ những thành viên trong gia đình và những người thân cận. Toàn bộ khu lăng
này được bao bọc bởi một tường thành xây bằng đá vôi. Thời kỳ Kim Tự Tháp được
xây dựng nhiều nhất và đồ sộ nhất là thời vương triều IV. Vua đầu tiên của vương triều
này là Xnepru, đã xây cho mình hai Kim Tự Tháp, cái thứ nhất cao 36,5 m, cái thứ hai
cao 99 m. Các vua kế tiếp như Keop, Kephren, Mikerin đều xây dựng những Kim Tự


Tháp rất lớn: Kim Tự Tháp Keop (tên Ai Cập) là Hufu cao 146,5 m, Kim Tự Tháp
Kephren cao 137 m, Kim Tự Tháp Mikerin cao 66 m.
“Trong số các Kim Tự Tháp ở Ai Cập, cao lớn nhất, tiêu biểu nhất là Kim Tự Tháp của
Keop, con của Xnephru. Kim Tự Tháp Keop xây thành hình tháp chóp, đáy là một
hình vuông mỗi cạnh 230 m, bốn mặt là những tam giác ngoảnh về bốn hướng đông,
tây, nam, bắc. Toàn bộ Kim Tự Tháp được xây bằng những tảng đá vôi mài nhẵn, mỗi
tảng nặng 2,5 tấn, có tảng nặng 30 tấn. Để xây Kim Tự Tháp này, người ta đã dùng
đến 2.300.000 tảng đá với một khối lượng là 2.408.000 m khối. Phương pháp xây Kim

Tự Tháp là ghép các tảng đá được mài nhẵn với nhau chứ không dùng vữa, thế mà các
mạch ghép kín đến mức một lá kim loại mỏng cũng không thể lách qua được. Ở mặt
phía Bắc của Kim Tự Tháp Keop, cách mặt đất hơn 13 m, có một cái cửa thông với
hầm mộ, Kim Tự Tháp Keop có hai hầm mộ: một hầm mộ nằm ở sâu 30 m dưới lòng
đất và một hầm mộ ở giữa Kim Tự Tháp cách mặt đất 40 m. Người ta cho rằng theo
thiết kế ban đầu, hầm mộ ở sâu dưới đất, nhưng khi đã làm xong thì Keop thay đổi ý
kiến, bắt phải xây ở trên cao.
Hơn 2000 năm sau, nhà sử học Hy Lạp Herodop đến Ai Cập còn được nghe cư dân ở
đây kể lại quá trình xây Kim Tự Tháp. Herodop cho biết, sau khi quyết định xây Kim
Tự Tháp, Keop đã huy động toàn thể nhân dân lao động trong nước đến công trường
làm việc. Họ được tổ chức thành từng đội gồm 100.000 người, cứ ba tháng thì thay
phiên một lần. Kim Tự Tháp được xây ở tả ngạn sông Nil, nhưng nơi khai thác đá lại ở
nơi hữu ngạn. Vì vậy người ta phải dùng thuyền chở đá từ nơi khai thác đến nơi xây
Kim Tự Tháp. Từ bến đá đến khu lăng mộ, người ta phải xây một con đường bằng
những tảng đá mái nhẵn, dài hơn 900 m, rộng 18 m và chỗ cao nhất là 15 m. Chỉ riêng
việc xây dựng con đường này đã mất đến 10 năm. Từ đây, người ta để đá lên xe trượt
rồi dùng người hoặc bò kéo để chở đá đến công trường. Không kể thời gian làm đường
và hầm mộ dưới đất, việc xây Kim Tự Tháp đã kéo dài 20 năm mới hình thành”.
Việc xây Kim Tự Tháp như Herodop nói, “đã đem lại cho nhân dân Ai Cập cổ đại
không biết bao nhiêu tai họa”. Nhưng nhân dân Ai Cập cổ đại, bằng bàn tay và khối óc


của mình, đã để lại cho nền văn minh nhân loại những công trình kiến trúc vô giá. Trải
qua gần 500 năm, các Kim Tự Tháp hùng vĩ vẫn đứng sừng sững ở vùng sa mạc Ai
Cập bất chấp thời gian và mưa nắng. Vì vậy từ lâu người Ai Cập có câu: “Tất cả đều
sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim Tự Tháp”. Và cũng chính vì vậy, từ thời cổ đại,
người ta đã xếp Kim Tự Tháp Keop là kỳ quan số một trong bảy kỳ quan thế giới. Đến
nay, trong bảy kỳ quan ấy, cũng chỉ còn lại mỗi Kim Tự Tháp mà thôi.
b. Tượng Sphynx (nhân sư):
Nghệ thuật điêu khắc của Ai Cập cổ đại cũng có những thành tựu rất lớn biểu hiện ở

hai mặt tượng và phù điêu. Từ thời Cổ vương quốc về sau,các vua Ai Cập thường sai
tạc tượng của mình và những người trong vương thất, Tượng thường tạc trên đá, gỗ
hoặc đúc bằng đồng. Trong số các tượng của Ai Cập cổ đại, đẹp nhất là tượng bán thân
hoàng hậu Nefetiti, vợ của vua Ichnaton. Tuy nhiên, độc đáo nhất trong nghệ thuật
điêu khắc của Ai Cập cổ đại là tượng Sphynx.
Sphynx, người ta thường dịch là con nhân sư, là những bức tượng mình sư tử đầu
người hoặc dê. Những tượng này thường đặt trước cổng đền miếu. Cá biệt, có đền
miếu có đến 500 tượng như vậy.
“Trong số các tượng Sphynx của Ai Cập cổ đại, tiêu biểu nhất là tượng Sphynx gần
Kim Tự Tháp Kephren ở Ghide. Tượng Sphynx này dài 55 m, cao 20 m, chỉ riêng cái
tai đã dài 2 m. Đó chính là tượng của vua Kephren. Thể hiện vua dưới hình tượng đầu
người mình sư tử là muốn ca ngợi vua không chỉ có trí tuệ của loài người mà còn có
sức mạnh như sư tử. Tượng này được tạc vào thế kỷ XXIX TCN theo lệnh của
Kephren. Từ đó về sau, tượng càng làm tăng thêm vẻ uy nghi và huyền bí của khu lăng
mộ làm cho con người khiếp sợ. Dân du mục ở sa mạc gọi tượng Sphynx này là “vị
thần khủng khiếp”, mỗi lần đi qua vùng này họ phải đi đường vòng chứ không dám
đến gần. Hàng ngàn năm nay, người ta cứ thắc mắc mãi không rõ phía trong tượng
Sphynx có gì không. Có người cho rằng trong tượng có gian phòng dùng để tế thần,
phía dưới có con đường ngầm. Chính vì muốn tìm hiểu Sphynx, Bonapac đã cho nã
pháo vào đầu tượng này làm tượng Sphynx bị hỏng một phần”.


Tóm lại, nền văn minh Ai Cập cổ đại đã để lại cho nhân loại nhiều thành tựu tuyệt vời
và đã có nhiều đóng góp trực tiếp đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong nền
văn hóa thế giới.
KẾT LUẬN
Như vậy, với sự tài hoa và trí óc vượt trội, cư dân Ai Cập cổ đại đã tạo nên các công
trình kiến trúc, điêu khắc vĩ đại, mà những bí ẩn về nó vẫn luôn là niềm đam mê, đích
khám phá của rất nhiều các nhà khoa học. Những kiến thức chung về lịch sử, cùng với
sự nhận xét trong bài tập trên đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về nghệ thuật của

văn minh Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, do sự hiểu biết của em còn nhiều hạn chế, nên
trong bài không thể tránh khỏi những sai sót, mong thầy cô thông cảm, đóng góp ý
kiến để bài tập và kiến thức của chúng em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành
cảm ơn.



×