Tải bản đầy đủ (.doc) (23 trang)

QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ NGƯỜI PHỤ nữ TRONG "BẾN KHÔNG CHỒNG" của DƯƠNG HƯỚNG1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (128.83 KB, 23 trang )

MỞ ĐẦU
Quan niệm nghệ thuật về con người là một phạm trù rất quan trọng, được nhắc
đi nhắc lại nhiều lần trong thi pháp học. Có thể khẳng định, quan niệm chính là một
phương tiện thiết yếu của sáng tạo nghệ thuật.
Bất kỳ một nền văn học nào cũng lấy con người làm đối tượng chủ yếu. Nhân
vật chính là hình thức miêu tả con người tập trung. Văn học và cuộc sống là hai vòng
tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người, nhận xét trên của nhà văn Nguyễn Minh
Châu nói lên được sứ mệnh cao cả của văn chương là phản ánh một cách sinh động và
trung thực về con người.
Có thể thấy, vấn đề con người giữ vị trí trung tâm của mọi khoa học, là vấn đề
cốt lõi của các lý luận xã hội và nhân văn, kinh tế,… Trong văn học con người là điểm
xuất phát, đồng thời cũng là đích cuối cùng của mọi sáng tạo. Toàn bộ thế giới nghệ
thuật trong văn học bộc lộ một quan niệm thẩm mỹ về con người. Một tác phẩm văn
học có thể không có nhân vật người nhưng nó luôn phải là câu chuyện về cõi nhân
sinh. Có như vậy, văn học mới làm cho con người lương thiện hơn, nhân ái hơn và
cũng làm cho con người đa dạng, phong phú, từng trải và hiểu biết hơn.
Như vây, tìm hiểu quan niệm nghệ thauatj vè con người sẽ giúp chúng ta có cơ
sở khoa học để tiếp cận với nghệ thuật một cách nghệ thuật, để tìm hiểu sâu hơn về
phong cách của nhà văn mà ở đây chúng tôi chọn tác giả Dương Hướng với tiểu
thuyết Bến không chồng. Có thể thấy chưa có thật nhiều công trình đi sâu vào nghiên
cứu một cách có hệ thống quan niệm nghệ thuật về con người (đặc biệt là người phụ
nữ) trong tiểu thuyết Bến không chồng
Trên cơ sở những hiểu biết nhất định về thi pháp học hiện đại, tác giả Dương
Hướn cùng tiểu thuyết Bến không chồng, bài tiểu luận này chỉ xin bước đầu điểm
qua một số nét khái quát của thi pháp học hiện đại tập trung ở vấn đề quan niệm nghệ
thuật về con người, từ hệ thống lý thuyết, chúng tôi sẽ vận dụng vào nghiên cứu, tìm
1


hiểu quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết Bến không chồng của
nhà văn Dương Hướng.


Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, bài tiểu luận gồm hai
chương chính:
Chương 1: Cơ sở lý thuyết.
Chương 2: Quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong tiểu thuyết Bến không
chồng của Dương Hướng.

NỘI DUNG
2


CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1 Lý thuyết chung về quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học
1.1.1 Quan niệm về con người trong văn học
Văn học là nhân học, là nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người. Con người là
đối tượng chủ yếu của văn học. Dù miêu tả thần linh, ma quỷ, đồ vật, hoặc đơn giản là
miêu tả các nhân vật, văn học đều thể hiện con người. Mặt khác, người ta không thể
miêu tả về con người, nếu không hiểu biết, cảm nhận và có các phương tiện, biện
pháp nhất định. Điều này tạo thành chiều sâu, tính độc đáo của hình tượng con người
trong văn học. Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm
thấy con người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể
hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình
tượng nhân vật trong đó.
Nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học, tuy nhiên
trước nay người ta chỉ chú ý tới phương diện khách thể của nó. Nhân vật mang những
phẩm chất gì? Tính cách nhân vật như thế nào? Ngoại hình được khắc họa ra sao, tâm
lý nhân vật có gì đặc sắc? Ngôn ngữ nhân vật có được cá tính hóa hay không? Đó là
những vấn đề không thể bỏ qua khi phân tích nhân vật như một khách thể. Từ đó,
cũng nhiều khi người ta phân tích nhân vật như những con người có thật ở ngoài đời.
Tóm lại, trong văn học, yếu tố con người được nói đến như một điều tất yếu. Con
người chính là nhân vật trung tâm của văn học

1.1.2 Xác định khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người là khái niệm cơ bản nhằm thể hiện khả
năng khám phá, sáng tạo trong lĩnh vực miêu tả, thể hiện con người của nhà văn. Có
thể nói, nó giống như là một chiếc chìa khóa vàng góp phần gợi mở cho chúng ta tất
cả những gì bí ẩn trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ nói chung và từng
thời đại nói riêng. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù được nhiều nhà nghiên cứu quan
3


tâm tìm hiểu, song khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người vẫn còn nhiều cách
định nghĩa và diễn đạt khác nhau.
Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: Quan niệm nghệ thuật về con người là một
cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn, tầm cảm của
nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình. Tức, quan niệm nghệ
thuật về con người sẽ đi vào phân tích, mổ xẻ đối tượng con người đã được hóa thân
thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học của
tác giả, từ đó, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các hình tượng nhân vật trong
đó. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy được giá trị của hình tượng nghệ thuật trong các tác
phẩm. Giáo sư Huỳnh Như Phương cũng góp tiếng nói của mình bằng một cách nhìn
khá bao quát: Quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện tầm nhìn của nhà văn và
chiều sâu triết lí của tác phẩm.
Cũng với vấn đề về quan niệm nghệ thuật về con người, Từ điển Thuật ngữ
văn học định nghĩa như sau: Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức bên
trong, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức tác phẩm. Nó gắn với các phạm trù
khác như phương pháp sáng tác, phong cách của nhà văn, làm thành thước đo của
hình thức văn học và cơ sở của tư duy nghệ thuật.
Nhìn chung, tuy khác nhau về cách diễn đạt nhưng những khái niệm trên đều
nói lên được cái cốt lõi của vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người.
1.2. Nhà văn Dương Hướng và Bến không chồng
Nhà văn Dương Hướng họ và tên khai sinh là Dương Văn Hướng, sinh ngày 8

tháng 7 năm 1949 tại thôn An Lệnh, xã Thuỵ Liên, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình.
Tháng 9 năm 1965, ông tình nguyện đi công nhân quốc phòng làm nhiệm vụ vận
chuyển hàng hoá lương thực trên tuyến Khu 4 phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Năm 1971, ông vào bộ đôi chiến đấu tại chiến trường quân khu 5. Năm 1976 ra quân
chuyển ngành về cục hải quan Quảng Ninh và đã hưu năm 2008. Hiện nay đang làm
4


biên tập Báo Hạ Long tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ông bắt đầu viết văn
từ năm 1985 và là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Những tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể qua như: Gót son (tập truyện
ngắn - 1989): Bến không chồng (tiểu thuyết - 1990), Trần gian đời người (tiểu thuyết
– 1991), Người đàn bà trên bãi tắm (tập truyện ngắn), Tuyển chọn Dương
Hướng (1997), Dưới chín tầng trời (tiểu thuyết - 2007).
Với những cồng hiến của mình, Dương Hướng đã đạt được rất nhiều giải
thưởng văn học. Đó là:
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1991 với tiểu thuyết Bến không chồng.
- Giải thưởng Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với truyện ngắn Đêm trăng.
- Giải A văn nghệ Hạ Long với tập truyện Người đàn bà trên bãi tắm.
- Tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí Đất Quảng với truyện ngắn Quãng đời còn
lại năm 1987.
- Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩmNgười mắc
bệnh tâm thần năm 1989.
- Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm Bến
khách năm 2007.
- Giải thưởng văn học Hạ Long với tiểu thuyết Dưới chín tầng trời năm 2012.
Bến không chồng là cuốn tiểu thuyết để lại nhiều tiếng vang lớn trong lịch sử
văn học, tiểu thuyết, được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Ý, đã xuất sắc đạt giải thưởng hội
nhà văn Việt Nam 1991. Được chuyển thể thành phim nhựa dự liên hoan phim quốc tế
Thái bình dương và lên hoan phim Đức.

Được xem là một trong những tác phẩm ra đời sau thời kỳ Đổi Mới. Cùng với
những Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn
Khắc Trường), Thời xa vắng (Lê Lựu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Bến
không chồng của Dương Hướng đã được độc giả Việt Nam hân hoan đón nhận. Phải
nói rằng qua một thời gian dài, văn học nước nhà cứ dẫm chân mãi ở địa hạt minh
5


họa, tuyên truyền, cái chung đè bẹp cái riêng, trào lưu phủ trùm lên thân phận, giới
độc giả mới được thưởng thức dòng văn học phản tỉnh, phân tích những bi kịch thời
chiến và hậu chiến một cách Người hơn.
Bến không chồng lấy bối cảnh nông thôn miền Bắc những năm đánh Mỹ và
sau khi nước nhà thống nhất. Nhân vật xuyên suốt tác phẩm là Nguyễn Vạn, cựu binh
Điện Biên Phủ. Từ chiến trường trở về, Vạn đối mặt với cái làng Đông đầy những
mâu thuẫn họ tộc, xuất phát từ lời nguyền của cụ tổ tộc Nguyễn và tộc Vũ, mà trai gái
hai họ vĩnh viễn không thể lấy nhau. Mối thù truyền kiếp lại gặp ngay cơn bão cải
cách ruộng đất, bao nhiêu bi kịch đã rơi xuống những thân phận cuốc cày. Từ một lý
do vu vơ, Nguyễn Vạn đã phải tự tay xử bắn Xình, Xèng, những người anh em bà con
trong họ mà mới cách đó vài ngày, họ đã cùng nhau chén chú chén anh tại ngôi từ
đường tộc Nguyễn. Cái cảnh nông dân hả hê chia phần tài sản của địa chủ Hào, có
đứa trẻ vần cái trục đá đạp lúa hụt chân bị nghiền vọt óc. Rồi đội trưởng cải cách hủ
hóa với Tý Hin, em gái chủ tịch xã Đột. Rồi cảnh đấu tố địa chủ Hào diễn ra ngay
trước mắt người dân, có cả trẻ con, để ngay sau đó bọn trẻ tái hiện bằng cách trói đứa
cháu nội của Hào, phỉ nhổ, đánh đập rồi dùng súng cao su để “ trừng trị”.Thật không
có cách nào để làm hoen ố tâm hồn trẻ thơ hơn cách diễn trò bạo lực ngay trước mắt
chúng. Những chi tiết đó đã được Dương Hướng thuật lại với một giọng văn lạnh lùng
mà đau đớn. Vì sao nên nỗi. Một ngàn năm nô lệ phương Bắc, ông cha ta vẫn giữ vẹn
được văn hóa Việt để rồi giữ vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc chính là nhờ lối
sống làng xã, lối sống sau lũy tre, tương thân tương ái, tối lửa tắt đèn có nhau. Vậy mà
đùng một cái, những người nống dân hiền lành ấy lại được kích động để tố cáo lẫn

nhau, con tố cha, vợ tố chồng, trò tố thầy. Nông dân có hai đặc tính, vừa bao dung độ
lượng, lại vừa nhỏ nhen tị hiềm. Họ có thể san sẻ cho nhau tí gạo cho qua cơn đói,
nhưng cũng có thể kèn cựa nhau vì tí thể diện sân đình. Cải cách ruộng đất đã phá nát
cái giềng mối tốt đẹp giữa họ, kích động cái mặt xấu của họ, để rồi như một ngọn lửa
6


sân si bùng cháy, đến nỗi Đảng phải đứng ra xin lỗi, một lời xin lỗi muộn màng sau
khi bao nhiêu sinh mạng đã ngã xuống, bao mái nhà bị tang thương. Bi kịch là ở đấy.
Còn bi kịch của Hạnh, của Nghĩa, những cặp trai gái dám bước qua lời nguyền tổ tông
để đến với nhau, bi kịch ấy có nhiều, không riêng gì làng Đông, không riêng gì Việt
Nam nhưng lại có nhưng điểm sáng nhất định trong việc hướng tới những giá trị nhân
văn cao cả của con người.
Nhà văn áo lính Nguyễn Minh Châu từng viết: Bước ra khỏi một cuộc chiến
tranh cũng cần bản lĩnh và sự tỉnh táo như khi bước vào một cuộc chiến tranh. Người
lính trong tiểu thuyết hậu chiến phải nếm trải nỗi đau, ngộ nhận lầm lẫn khi nhận thức
cuộc sống, về những đổi thay chóng mặt. Tiểu thuyết Bến không chồng đã góp thêm
sắc màu mới trong việc khắc họa chân dung người lính và cả người phụ nữ. Đó là
gam màu trầm tối, xót xa nhưng chân thực và ám ảnh.
Tác phẩm vận động theo hành trình của nhân vật Vạn nhưng ở đây chúng tôi lại
tập trung đi vào tìm hiểu hình ảnh người phụ nữ dưới ánh sáng của thi pháp học hiện
đại.

CHƯƠNG 2: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG TIỂU THUYẾT BẾN KHÔNG CHỒNG CỦA DƯƠNG HƯỚNG

7


2.1 Những quan niệm nghệ thuật về người phụ nữ trong văn học qua các

giai đoạn
2.1.1 Trước năm 1945
Trong văn xuôi, người phụ nữ trong giai đoạn này dường như được xây dựng
trong quan niệm về hồng nhan bạc mệnh có từ thời trung đại. Đó là Tố Tâm trong Tố
Tâm, chị Dậu trong Tắt đèn, dì Hảo trong Dì Hảo… Những nhân vật nữ này phản
ánh tình trạng bế tắc trong tư tưởng người Việt Nam trước Cách mạng trong hoàn
cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến.
Hình ảnh người phụ nữ trong thơ ca giai đoạn này không hẳn là đề tài chính,
nhưng ít nhiều cũng thấy thấp thoáng trong thơ của một số nhà thơ trong phong trào
Thơ mới. Chẳng còn là tiếng kêu thổn thức, cũng chẳng thấy tiếng khóc nấc lòng…
người phụ nữ Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp giản dị của cuộc sống, với lo toan đời
thường. Ví như trong thơ Lưu Trọng Lư:
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa
Và càng không thể quên được nét đằm thắm, dịu dàng của người mẹ khuyên vành áo
thắm, áo the nâu trong Đường về quê mẹ - Đoàn Văn Cừ. Và tiêu biểu hơn cả, chúng
ta thấy hình ảnh người mẹ thôn quê được hiện lên rất chân thực trong thơ Nguyễn
Bính với nét đẹp của người mẹ Việt Nam truyền thống tảo tần, đảm đang, giàu lòng
yêu thương và đức hi sinh. Ai như mẹ trong ngày Tết biết lo toan, vun vén như thế
này ?
Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua
Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức
Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba
(Tết của mẹ tôi – Nguyễn Bính)
8


2.1.2 Từ 1945 đến 1975
Cùng với không khí hào hùng của một thời lịch sử đầy máu và hoa của dân tộc,

người phụ nữ Việt Nam đã có một diện mạo mới bên cạnh những nét đẹp truyền thống
bao đời của người phụ nữ Việt nam: nhân hậu, thuỷ chung, chịu thương chịu khó…
theo như quan niệm của thời đại. Tiếp nối truyền thống hào hùng của bà Trưng, bà
Triệu, họ bước vào cuộc chiến đấu thần thánh của đất nước, làm nên những tượng đài
bất tử về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong lòng dân tộc, thời đại. Họ có thể có
tên hoặc không tên cụ thể, có thể là nhân vật lịch sử hay chỉ là hình tượng nhưng tất
cả đều mang trong mình vẻ đẹp của thời đại không thể phủ nhận. Đó là chị Sứ (Hòn
Đất), chị Út Tịch (Người mẹ cầm súng), Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng), chị
Nguyễn Thị Lý (Người con gái Việt Nam), là những cô du kích, chị dân công…, là
những bà mẹ Việt Nam nhân hậu, kiên cường, yêu nước, thương con: mẹ Suốt, mẹ
Tơm, những bà Bầm, bà Bủ… Họ không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là
những anh hùng trên mặt trận sản xuất: Chị Hai năm tấn, Đào (Mùa lạc)…Và đằng
sau dáng vẻ yếu đuối của người phụ nữ là một nghị lực phi thường, một sức sống tiềm
tàng, mãnh liệt: Đào ( Mùa lạc), Mỵ (Vợ chồng A Phủ)…
Trong không khí của cuộc cách mạng sục sôi và dưới ánh sáng của lý tưởng
mới, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp mới – vẻ đẹp của
những con người đã được giải phóng, được tháo ra khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo
phong kiến một thời, để hòa mình vào công cuộc chung của đất nước. Đó là những cô
thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, Nguyễn Đình Thi viết:
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
Hoặc có thể là những cô gái Nam Bộ dịu dàng như những nàng tiên, là những cô du
kích, giao liên của chốn quê hương gian khổ mà anh dũng trong Trở về quê nội – Lê
Anh Xuân… Tất cả đều hiện lên đẹp đẽ bởi mang trong mình hồn thiêng của sông
9


nước. Họ là người đại diện cho dân tộc, là một phần của lịch sử, họ tạo nắng cho nhân
gian và tạo nắng cho thơ – nghĩa là họ làm đẹp cho cuộc đời, họ cũng là cảm hứng
của thi sĩ...

2.1.3 Sau 1975
Người phụ nữ đẹp theo chuẩn mực xã hội hiện đại không chỉ đẹp về nhan sắc,
đạo đức mà còn phải là người có vẻ đẹp trí tuệ, không chỉ giỏi việc nước mà còn đảm
việc nhà, vừa phát huy những truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam vừa
biết tiếp biến tinh thần thời đại cho phù hợp với bản sắc dân tộc. Như vậy, cùng với sự
phát triển của xã hội thì cái “gu” thẩm mỹ của người Việt cũng cao hơn. Nhưng, văn
học giai đoạn này không xây dựng kiểu nhân vật điển hình cho vẻ đẹp của người phụ
nữ Việt Nam theo đúng như chuẩn mực đó của xã hội. Trái lại, văn học tìm đến cái
đẹp của người phụ nữ trong chính cuộc sống sinh hoạt thường nhật của họ. Thực tế
này một lần nữa khẳng định quan niệm thẩm mỹ xuyên suốt của dân tộc ta: cái đẹp
gắn với cuộc sống hiện thực, bình dị, không tô vẽ. Ta có thể tìm thấy hình ảnh gần
gũi, dung dị mà vẫn đầy súc hút của người phụ nữ Việt Nam hiện đại trong các sáng
tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thuỳ Mai, Y Ban, Đỗ Bích Thuý, Nguyễn Ngọc
Tư …
Sau cuộc chiến tranh, đất nước hòa bình trở lại, người phụ nữ đã thay đổi nhiều
về tâm tư, tình cảm và cả những khát vọng yêu thương. Nếu coi thơ ca là tiếng nói
của tâm hồn thì hơn bao giờ hết thời đại tự do đã cho phép người phụ nữ nói rõ những
cung bậc của lòng mình. Họ hiện lên trong thơ như con người giữa đời thường tâm sự
với ta về cuộc đời, tình yêu về sự sống. Và đặc biệt, chưa bao giờ ta thấy nhu cầu
hạnh phúc, nhu cầu tự do đến tột độ như tình yêu lại hiện lên rõ nét như trong thời kỳ
này khi đến với thơ của Phan Huyền Thư hay Vi Thùy Linh… Nếu xưa kia, Hồ Xuân
Hương đã từng tung hê, nhạo báng tất cả… mà rốt cục, vẫn không khỏi ngao ngán,
ngậm ngùi vì muốn vùng vẫy, muốn bứt phá mà không được; thì ngày hôm nay, người
phụ nữ có quyền được sống đúng với xúc cảm và bản năng yêu đương của mình:
10


Trong dữ dội em khát khao bình yên
Em muốn ngủ trong anh như rễ cây trong đất
Em trổ nhịp mong từ căn phòng trống

Hằn nơi em, cả mảng trời bầm tím
Em ép mình trong tiếng khóc khô
Có ai đó nói rằng: Người phụ nữ là một nửa thế giới. Và quả thật, họ đã đi vào
những trang viết chảy suốt trong văn học từ trước đến nay, để rồi không chỉ làm nên
một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay
và cả mai sau.
2.2 Cái nhìn về người phụ nữ trong Bến không chồng của Dương Hướng
2.2.1 Mang vẻ đẹp của người con gái hậu phương
Chiến tranh chống Mỹ ác liệt kéo dài, kéo luôn những người con trai ra trận
biền biệt nơi biên giới. Ở quê nhà là bóng hình của những mẹ, những chị, những vợ
mỏi mòn đợi trông. Cái mỏi mòn trong từng hơi thở, trong từng ánh mắt, từng nụ cười
nhưng đôi tay, đôi chân họ vẫn thoăn thoắt hoàn thành nhiệm vụ của chốn hậu
phương. Mỏi mòn mà vẫn đẹp, nét đẹp âm trầm mà son sắt, thủy chung.
Đó là bà Nhân – mẹ Hạnh – một đời tần tảo, rất mực yêu chồng, thương con.
Bà mang vẻ đẹp mặn mà đầy những ưu tư của người phụ nữ nhiều nỗi đau và nỗi cô
đơn. Chồng hi sinh nơi chiến trường, bà nghẹn lòng bấm bụng nuôi con. Rồi hai đứa
con trai cũng lần lượt không trở về. Bà hiện lên với một vẻ đẹp mạnh mẽ, thủy chung.
Bà Khiên – mẹ Nghĩa cũng là một người phụ nữ như vậy! Có thể bà Khiên không bất
hạnh bằng bà Nhân nhưng người đọc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp con người chịu
thương, chịu khó và lối sống lễ nghĩa, chu đáo của bà.
Đẹp nhất, thu hút nhất phải nói đến Hạnh. Cô là nhân vật nữ chính làm toát lên
giá trị nhân văn của tác phẩm. Ngay từ những trang đầu, khi Hạnh chỉ là đứa trẻ con
11


nhem nhuốc đã được tác giả xây dựng với vẻ đẹp hồn nhiên, giàu cảm xúc và cá tính.
Lớn lên, Hạnh càng lúc càng mặn mà, đằm thắm – vẻ đẹp của hương quê, của người
con gái đang độ xuân thì. Hạnh cứ rực lên như bông hoa cúc trước cửa từ đường. Mái
tóc Hạnh giống tóc mẹ, dài và đen óng. Khuôn ngực đầy lên phập phồng, mỗi khi
nhìn Nghĩa ánh mắt Hạnh lại rực cháy lên ngọn lửa thiêu nóng trái tim cậu trưởng

nam con dòng họ Nguyễn… Nhiều lúc nghĩa lại cứ ngỡ Hạnh là cô Ngà từ trong câu
truyện "mắt tiên" mà ông nội đã kể. Không phải ngẫu nhiên mà Nghĩa chỉ vừa lên
đường đi nghĩa vụ thì Hạnh đã gặp không ít những sàm sỡ, nhòm ngó. Cũng như mẹ
mình, Hạnh không chỉ mang một vẻ đẹp tinh khôi của cô gái đồng quê mà còn chứa
một vẻ đẹp tâm hồn cao thượng – nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Vẻ đẹp ấy gắn liền với một khát khao, đó là muốn yêu và dám yêu. Vì thế, ta thấy ở
Hạnh trỗi dậy sự nổi loạn mạnh mẽ mà thời đại buột phải chấp nhận.
Không chỉ có Hạnh mà còn có rất nhiều những cô gái khác cũng góp phần dựng
nên cái Bến không chồng. Đó là những Thủy, Dâu, Thắm, Cúc, Thao,… Mỗi người
một vẻ đẹp, mỗi người một thế giới tâm hồn, một số phận nhưng họ đều gặp gỡ nhau
ở sự hồn nhiên, sôi nổi của tuổi trẻ và khát vọng hạnh phúc của người con gái trong
và sau chiến tranh.
2.2.2 Mang bi kịch thời hậu chiến
Một nửa đẹp nhất của thế giới này là phụ nữ. Một nửa của cay đắng, bất hạnh
trong cuộc đời cũng thuộc về người phụ nữ. Trong tiểu thuyết Dương Hướng, nổi lên
là những bi kịch của người phụ nữ. Đó thường là những con người đẹp về thể chất và
tâm hồn nhưng luôn phải chịu một số phận bất hạnh. Là phụ nữ, ai cũng ước mong có
một hạnh phúc bình dị được làm vợ, làm mẹ, nhưng các nhân vật phụ nữ của Dương
Hướng ít ai toại nguyện. Sự bất hạnh của họ có thể do những biến động lịch sử, do
những chế ước nghặt nghèo của xã hội, có thể do những định kiến họ không dám vượt
qua.
12


Bến không chồng nói về nỗi đau những người gái nhỏ hậu phương. Chồng hi
sinh, họ thầm lặng cực nhọc nuôi con, gặp tình yêu mới lại thêm bất hạnh mới. Như
chị Nhân, một lần đau nỗi mất chồng, hai lần thổn thức trước sự hi sinh của hai đứa
con trai, là nỗi xót xa cho sự bất hạnh của đứa con gái còn lại, lại thêm bao tháng
ngày khổ sở vì một tình yêu phải che giấu. Như Hạnh, tan nát tình duyên vì mối thù
dòng họ. Cái bến sông đẹp đẽ lại có tên Bến không chồng như chính số phận của

những người đàn bà khổ đau ở đây. Hạnh đã chịu bao cực nhục để đến với Nghĩa.
Hạnh dám chống lại lời nguyền để yêu thương Nghĩa, Hạnh hi sinh tuổi xuân chờ
chồng nuôi mẹ. Vượt qua được định kiến của dòng họ thì chiến tranh một lần nữa lại
phủ bóng đen xuống cuộc đời Hạnh khi cướp khả năng làm cha của chồng chị. Hạnh
sống trong đau đớn nhưng vẫn không thôi khát vọng được làm mẹ. Trong một cảnh
ngộ đặc biệt, Hạnh đã được bù đắp. Chị có thai với chú Vạn – người bạn đồng ngũ
của bố Hạnh, người đã yêu nhưng không dám đi đến hôn nhân với mẹ Hạnh. Niềm
vui muộn mằn buộc chị phải xa xứ để bảo vệ danh dự cho người đàn ông ấy. Cái hạnh
phúc bình dị ngỡ như người phụ nữ nào cũng có quyền hưởng, nhưng với Hạnh, đó là
cả một hành trình nhọc nhằn, cay đắng, vật lộn. Cuộc đời không hề bằng phẳng, nhất
là đối với những người phụ nữ dám sống, dám yêu, dám cháy hết mình vì tình yêu,
hạnh phúc. Bởi với phụ nữ, tình yêu không phải là một chương đoạn mà là thiên
truyện của cả cuộc đời. Họ mải mốt kiếm tìm giữa cuộc đời đầy cạm bẫy và biến
động. Những cô gái dù có chồng hay không chồng, được làm mẹ hay không vẫn chưa
bao giờ thôi nguôi ngoai trong mình khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Đó là đớn đau, là
trò đùa của số phận, là trớ trêu của định mệnh, là bi kịch của người phụ nữ. Cuộc đời
của người phụ nữ như Hạnh là một cuộc đời dằng dặc những buồn thương. Lúc nhỏ
sống thiếu tình cảm của người cha vì cha hi sinh nơi chiến trận. Lớn lên yêu Nghĩa,
không được dòng họ nhà Nghĩa chấp nhận, bao cay cực và buồn tủi đến với Hạnh.
Đêm tân hôn hai vợ chồng phải ra bờ sông tìm chỗ ngủ: Đám cưới tan, làng Đông
chợt lặng đi. Cô dâu chú rể lại dắt nhau ra bờ sông. Một tay Nghĩa cắp cái phông
13


xanh của đội văn nghệ, một tay nắm lấy bàn tay Hạnh… Cả thế giới không có cặp vợ
chồng nào lại có đêm tân hôn như Hạnh và Nghĩa. Chẳng được bao lâu thì Nghĩa lên
đường nhập ngũ. Hạnh sống trong mòn mỏi: Đã tám năm nay Hạnh nhận ra mình
sống bằng những kỉ niệm với Nghĩa nhiều hơn là chờ đợi ở tương lai. Những hi vọng
ngày một mỏng manh, dù mỏng manh vẫn hơn là tắt hẳn. Hạnh lội xuống bến rửa
chân, lòng ngẩn ngơ nhìn mặt trăng loang loáng dưới nước. Hạnh thấy mình lạc vào

thế giới mông lung sâu thẳm của những câu chuyện huyền thoại xa xưa… Hạnh thật
sự đã thành Hòn Vọng phu ngay khi đang sống. Nỗi trông đợi mòn mỏi của cô được
nhà văn miêu tả với một cái nhìn đầy cảm thương trân trọng: “Hạnh đi trên bờ sông
quen thuộc xuống cống Linh. Lần này không có Nghĩa, Hạnh thấy trống trải…Hạnh
kì công tự làm lấy chiếc gối đôi thêu bông hoa hồng và đôi chim, con bay con đậu.
Hạnh tự nhận mình là con chim đậu đợi chờ con chim bay đi trở về. Chiếc gối đôi
hạnh phúc chưa một lần vợ chồng được gối chung. Chiếc gối đôi hạnh phúc đã thấm
bao mồ hôi và nước mắt của Hạnh, Hạnh đã giặt không biết bao lần sờn cũ đi mà anh
vẫn chưa về. Chiếc gối khâu bằng vải popơlin trắng, dài tới 80 phân, mỗi lần đem ra
sông Đình giặt, Hạnh phải giấu giếm không muốn để ai nhìn thấy sợ người ta quở,
khi phơi Hạnh cũng mang ra tận ngoài vườn chuối để phơi cho đỡ chướng. Còn gì
khiến trái tim chúng ta xót xa hơn một nỗi khắc khoải hạnh phúc phải luôn đối diện
với thói lãnh cảm, sự vô tâm của người đời. Hạnh giấu giếm vì sợ cái nhìn nghiệt ngã
của người đời khi cả nước đang gồng mình vì giặc dã, ai dám nghĩ đến hạnh phúc
riêng tư. Lúc này chỉ có con người công dân, không có con người cá nhân. Dương
Hướng đã nhìn vào nỗi éo le của Hạnh với một cái nhìn hiện thực đầy nhân bản: Bến
vắng. Nỗi buồn cô liêu. Một tiếc nuối thoáng qua. Một thời xuân sắc và những phút ái
ân với Nghĩa bỗng trỗi dậy. Đầu óc Hạnh căng ra rung lên ngây ngất đi tìm lạc thú
trong hoang tưởng. Hạnh lao ra dòng nước mát lạnh sóng sánh bóng trăng. Cơ thể
lâu nay khô héo bỗng rạo rực ngập tràn hưng phấn. Hạnh vùng vẫy, quẫy đạp trong
ham muốn làm tình với nước. Trong phút chốc Hạnh thấy mình đang chìm dần như
14


thể có con ba ba thuồng luồng đang trôi tuột xuống đáy sông. Hạnh hoảng loạn chới
với cố nhoài lên bãi cát. Tay vẫn giữ khư khư bộ quần áo ướt sũng nước. Hạnh lao
lên bến chạy dọc bờ sông. Hạnh chạy mãi, chạy mãi… Nỗi khao khát đầy bản năng
cuả người đàn bà trẻ xa chồng được nhà văn diễn tả thật tinh tế và cảm thông. Hạnh
phúc quá ít ỏi, quá mong manh, Hạnh sống trong kí ức nhiều hơn là sống với hi vọng.
Kí ức về những ngày bên Nghĩa, được làm vợ, được sống trọn vẹn trong tình yêu luôn

bùng cháy trong Hạnh. Chiến tranh xộc đến từng gia đình, cướp đi hạnh phúc chính
đáng của hàng triệu người. Đâu chỉ người ngoài tiền tuyến hàng ngày đối mặt với cái
chết mới phải chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh mà những người vợ, người mẹ ở
hậu phương cũng mỏi mòn, nhức nhối với bao nỗi đau. Hạnh phúc lứa đôi trở thành
một ham muốn thấm đẫm nước mắt, thấm đẫm nỗi đau của con người. Sự kết tụ và
ngưng đọng đến mức dày đặc, không thể giải tỏa của nỗi buồn. Nỗi cô đơn của người
đàn bà trẻ đẹp, đang ở tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống phải sống xa chồng, lầm
lũi trong cảnh bặt vô âm tín do sự chia cắt của chiến tranh đã giày vò Hạnh, xé nát trái
tim cô. Nhu cầu bản năng xui khiến cô nổi loạn. Hạnh ngâm mình dưới nước để mặc
cho thân xác cuồng loạn trong sự bao che của nước. Bản năng của con người cũng
đáng được cảm thông khi họ bị đặt vào hoàn cảnh quá nghiệt ngã , khi họ không thể
tự định đoạt số phận mình, đặc biệt là đối với người phụ nữ. Chị Nhân, Thắm, Cúc,
Nhài cũng từng khao khát những phút giây được sống trọn vẹn với phần người bản
năng rất người ấy. Không vì định kiến của xã hội, vì mặc cảm nạ dòng, chị Nhân hẳn
đã có một mái ấm gia đình với Vạn. Nhưng hạnh phúc cứ ngấp nghé rồi lại tuột mất,
hai con người vừa cháy lòng mong muốn được sống với nhau, lại vừa canh chừng
nhau để kìm nén cảm xúc. Cuộc đời Hạnh tiểu biểu cho cuộc đời bao người phụ nữ
làng Đông bên cái Bến không chồng đau khổ, cô đơn (như chị Nhân – mẹ Hạnh, bà
Khiên – mẹ Nghĩa, như Dâu, Thắm…)

15


Xa hơn nữa đó là số phận của những người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến
tranh. Như Thủy chẳng hạn, Thủy là bác sĩ, có học, xinh đẹp và nhân hậu. Sau khi ly
hôn với Hạnh, Nghĩa đến với Thủy, nhưng Thủy biết anh không còn khả năng sinh
con. Vì yêu Nghĩa, Thủy đã bất chấp tất cả, tìm mọi cách để có đứa con mang lại sự
bình yên cho anh. Nhìn ánh mắt thèm khát của Nghĩa khi nhìn một đứa trẻ con ngoài
đường, lòng cô thắt lại. Cô đã hiến thân cho một kẻ qua đường chỉ cốt để Nghĩa được
làm cha. Nhưng cô thất bại. Không phải ai cũng dễ có một cái nhìn đầy cảm thông

cho những éo le của lòng người như Dương Hướng.
Với Thủy, yêu, hạnh phúc là được hi sinh. Khi lấy Nghĩa, Thủy hiểu nỗi khao khát
của chồng muốn có con đã liều mình với người đàn ông xa lạ, để rồi cô tự dằn vặt
mình là kẻ xấu xa tồi tệ. Dường như nhà văn đã sống, đã trăn trở vô cùng với những
khao khát tận đáy lòng của những người vợ, người mẹ.
Còn đó biết bao người phụ nữ xứng đáng có hạnh phúc nhưng rồi đành để tuột
mất trong âm thầm tiếc nuối. Những người phụ nữ như Dâu, Thắm, Cúc, Nhài,… mỗi
người mang trong mình những nỗi đau không gọi thành tên. Thắm không hạnh phúc trong
hôn nhân, để trái tim đi theo tiếng gọi của tình yêu mới. Thắm đem lòng yêu chàng pháo
thủ, nhưng khi chiến tranh kết thúc, anh chàng của Thắm đã đi lấy vợ mà không hề biết
rằng mình có con với Thắm, đang là niềm chờ mong mòn mỏi của cả hai mẹ con. Niềm an
ủi với cô là đứa con. Dâu, Cúc, Thao…chịu cảnh không chồng bởi những dữ dằn, khốc liệt
của chiến tranh. Dâu chờ đợi anh trai của Hạnh, nhưng cái cô nhận được là mảnh giấy báo
tử. Dâu nói trong chua chát: tao đang sung sướng…vì bỗng nhiên tao trở thành gái tân. Rõ
ràng về giá trị phụ nữ tao hơn hẳn mày….Trai thời loạn, gái thời bình. Hòa bình rồi!
ha ha…Đàn ông lại sẽ đầy ra... Cúc trả lễ cho Thành vì không thể chấp nhận khuôn
mặt bị chiến tranh hủy hoại đến mức ghê sợ. Thao cũng trả lễ vì người yêu đảo ngũ,
không thể sống trong tủi nhục, cay đắng… Tất cả đều do chiến tranh. Hóa ra móng
vuốt của chiến tranh len lỏi mọi ngóc ngách ở cuộc đời này.
16


2.2.3 Họ mang những khát vọng rất “phụ nữ”
Là con người, ai cũng mang trong mình những khát vọng. Dẫu đó là tham vọng
hay đơn giản chỉ là muốn an phận, cuộn tròn trong vỏ bọc thì cũng đều là hướng tới
hạnh phúc của mình. Đó là khát vọng chân chính mang đậm tính nhân bản. Và với
người phụ nữ khao khát hạnh phúc lại càng cháy bỏng hơn.
Là con gái bao giờ cũng muốn mình thật nhỏ bé trước một ai đó, muốn được
chở che, yêu thương. Thuở nhỏ, cái bóng cao rộng ấy là gia đình để rồi một mai họ
chỉ cần một bờ vai vững chãi của một người đàn ông mà thôi! Đó là người họ yêu và

yêu họ. Khát vọng về tình yêu bao giờ cũng mãnh liệt như thế! Với những người phụ
nữ trong Bến không chồng, họ cũng không nguôi khao khát. Có những người dám
thể hiện như Hạnh, Thắm, Thủy, mụ Hơn,…nhưng cũng có những người phải âm
thầm giấu kín, đó là bà Nhân. Hạnh yêu Nghĩa với một tình yêu chân thành, bất chấp
những ràng buột của dòng họ nhà Nghĩa. Mang trong mình khát vọng tuổi trẻ của thế
hệ mới, Hạnh không ngừng đấu tranh cho tình yêu của mình. Dẫu cho tình yêu ấy
đơm bông ngoài sương sa, giá lạnh thì cũng đầy hương vị, vị của cỏ non, vị của tình
yêu đằm thắm.
Hay với Thủy – người con gái mang nét đẹp yêu kiều của thị thành. Cô yêu
Nghĩa với một tình cảm hồn nhiên. Có lẽ cô giả vờ hồn nhiên để được yêu anh, được
hôn anh khi cô biết Nghĩa đã có Hạnh. Để rồi cả cuộc đời con gái, Thủy âm thầm
chung thủy với anh. Tình yêu ấy lâu ngày dâng lên ham muốn nồng cháy và chỉ cần
có một cơ hội, Thủy đã dâng hiến tất cả cho người mình yêu một cách hạnh phúc.
Thắm cũng vậy, không hạnh phúc với anh chồng thọt giàu có, Thắm mạnh dạn hẹn
họ, tình tứ, ăn nằm với anh lính chốt. Dù chỉ một lần nhưng đó là tình yêu của Thắm
và quãng đời sau đó của cô là những tháng ngày chờ đợi mỏi mòn.
Đặc biệt, khát vọng tình yêu mãnh liệt nhất phải nói đến bà Nhân. Yêu và được
yêu quả là hạnh phúc nhưng niềm hạnh phúc ấy có trọn vẹn khi cố chon vùi tình yêu
17


ấy. Nó trở thành nỗi đau đớn vô cùng. Nhất là đối với một người phụ nữ vốn mang
nhiều nỗi đau như bà Nhân. Chồng đi chinh chiến, một mình vò võ nuôi con cô đơn
biết bao! Cay đắng biết bao! Nhất là đối với người phụ nữ đẹp mặn mà như thế lại
càng chua chát, xót xa. Rồi một ngày nhận tin chồng hy sinh, niềm đau thương chen
lẫn sự tủi hờn lại càng đọng lại thành một khối nặng. Hơn bao giờ hết, tấm thân nhỏ
bé của bà lại càng cần có tình yêu của một người đàn ông. Đó là ông Vạn. Thế nhưng
chỉ vì những ràng buột của lễ giáo và vì cả quãng thời gian đằng đẵng thờ chồng đã
không cho phép mình vượt qua để yêu Vạn. Dẫu thế, trong người phụ nữ ấy không
bao giờ thôi khát khao yêu đương.

Họ không chỉ muốn được yêu theo nghĩa một người tình mà cao hơn cả là khát
vọng được làm vợ, làm dâu. Đó là một thiên chức cao cả của người phụ nữ. Hạnh là
một tiêu biểu. Tình yêu của Hạnh mang khát vọng muốn chăm sóc cho Nghĩa, chăm
lo cho gia đình anh trọn đời xứng với chức danh vợ hiền, dâu thảo. Và chức phận ấy
được thể hiện trong khoảng thời gian Nghĩa vắng nhà, Hạnh một lòng chăm lo nhà
cửa, phụng dưỡng cha mẹ mặc cho những điều tiếng ác nghiệt của dòng họ. Thủy
cũng vậy, dẫu biết Nghĩa đã có vợ nhưng trong lòng cô lúc nào cũng mong mỏi. Thế
nên cô dám tìm đến gia đình anh, âm thầm thực hiện bổn phận của người vợ, người
dâu dù chưa mang danh phận chính thức.
Và khát vọng làm mẹ có lẽ khát vọng cao nhất của một tình yêu chân chính, là
trái ngọt của những bông hoa tươi thắm. Làm mẹ lại càng quan trọng hơn đối với
những ai mang nặng trách nhiệm làm vợ, làm dâu. Đó là Hạnh. Khát vọng ấy thể hiện
ở sự quyết tâm, cố gắng trong mỗi lần Nghĩa ghé về thăm nhà. Thế rồi bao lần chờ đợi
cũng chẳng có dấu hiệu gì. Sự chờ đợi của chồng, mẹ chồng và những xét nét của
dòng họ càng dấy lên trong Hạnh ước mơ làm mẹ - hạnh phúc tưởng chừng đơn giản
của bao người phụ nữ. Cho đến khi Hạnh nhận được kết quả mình không thể sinh con,
không thể kể hết nỗi đau khôn cùng ấy! Trong Hạnh là một mớ những hoang mang,
18


dằn vặt, đó không chỉ là mặc cảm bản thân không thể chứng minh được sự vô lí của
lời nguyền dòng họ, là sự tủi hổ vì không làm tròn trách nhiệm của một người vợ,
người dâu. Nhưng cao nhất có lẽ là Hạnh không bao giờ được gọi hai tiếng “mẹ ơi!”
của đứa con mà mình mang nặng đẻ đau. Đối với người phụ nữ, không có nỗi đau nào
lớn bằng nỗi đau ấy!
Những khát vọng ấy thật dung dị với một người phụ nữ bình thường nhưng lớn
lao biết bao đối với mỗi nhân vật nữ trong Bến không chồng. Tại sao? Vì chiến tranh
đã cướp đi hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy của họ mất rồi! Chính vì vậy, chưa
bao giờ họ ước muốn đất nước hòa bình đến vậy! Hòa bình và những người lính trở
về, vợ sẽ gặp chồng, những người yêu nhau sẽ gặp nhau, những kẻ cô đơn sẽ có cơ

hội gặp gỡ,…Biết bao những ước vọng màu hồng mà họ đã tự dệt nên thật lung linh,
đẹp đẽ. Nhưng có phải, hòa bình là hạnh phúc?
Có thể thấy, Dương Hướng đã đề cập nhiều đến khát vọng người phụ nữ và
miêu tả một cách chi tiết, sinh động. Nói đến khát vọng không là đều mới mẻ trong
văn chương nhưng dám nói thẳng, nói cụ thể thì có lẽ chỉ ở giai đoạn này mới làm
được. Trước đó, tình yêu, khát vọng tình yêu của người phụ nữ có chăng cũng chỉ
được thể hiện qua những cái làm duyên tình tứ Mắt đen tròn thương thương quá đi
thôi! (Quê hương – Giang Nam) hay là nhưng lá thư chân thành của Nguyệt trong
Mảnh trăng cuối rừng… Tình yêu gắn liền với nhiệm vụ, tình yêu đôi lứa nhường
chỗ cho tình yêu Tổ quốc. Mấy ai nói nhiều đến tình yêu của riêng mình? Và khát
vọng yêu đương và những thiên chức của cuộc đời chỉ biết âm thầm giấu kín hứa hẹn
ở tương lai, khi mà đất nước đã hòa bình. Bến không chồng đã nói thật, nói rõ ràng
về cái điều chất chứa bấy lâu nay. Càng nói thật, càng ca ngợi vẻ đẹp thì càng thấu
hiểu cho nỗi đau mà họ phải chịu đựng. Đó là điểm mới phù hợp với thời đại – thời
đại với những tàn tích, những nghèo khổ, những ước ao được sống một cuộc sống
bình thường, yên ấm của bao người đã hy sinh rất nhiều cho cuộc chiến đầy gian khổ.
19


Đó là khát vọng và bi kịch chung không chỉ ở Hạnh, Thủy, Thắm, bà Nhân,… trong
Bến không chồng của Dương Hướng mà nhiều nhân vật nữ trong những tác phẩm
cùng thời như Lan, Hạnh, Phương,… Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh), là
Hương, Tuyết,… hay Thời xa vắng của Lê Lựu cũng đều canh cánh một nỗi niềm
như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà Bến không chồng là một trong bộ ba tác phẩm
đạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1991. Với việc xây dựng nên hình tượng những
người phụ nữ đẹp có số phận bất hạnh nhưng mang những khát vọng hết sức lớn lao,
tác phẩm mang đậm chủ nghĩa nhân bản, nhân đạo và nhân văn cao cả.

KẾT LUẬN
Tiểu thuyết hậu chiến tranh là một bước tiến vượt bậc của văn học Việt Nam

thời đổi mới. Nhà văn đã mạnh dạn nhìn vào những mảng tối, khuất lấp mà văn học
cách mạng né tránh. Sự thay đổi trong tư duy sáng tạo, cùng với cái nhìn mới mẽ, táo
bạo của lớp nhà văn trưởng thành trong chiến tranh đã mang đến cho văn học một hơi
thở mới. Có ý kiến cho rằng, mọi sự thay đổi trong văn học đều bắt nguồn từ sự thay
20


đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người. Do vậy, đi sâu khám phá quan niệm
nghệ thuật về con người trong văn học là bước đi ngắn nhất để chúng ta đến gần với
cái bản chất nội tại của tác phẩm, nắm được sự thay đổi, cách tân và vận động của cả
một giai đoạn, một thời kì văn học.
Chiến tranh đồng nghĩa với những đau thương mất mát, những cuộc chia li kẻ ở
người đi. Trong Bến không chồng của Dương Hướng, những hy sinh mất mát là vô
cùng to lớn. Có thể nói Dương Hướng đã thể hiện rất thành công những nhân vật nữ
trong Bến không chồng. Với bút pháp sắc xảo cùng với một tâm hồn nhạy cảm,
Dương Hương đồng cảm đến sâu sắc nỗi đau của họ. Đức hy sinh, lòng vị tha đã làm
nên những phẩm chất quý giá của người phụ nữ Việt Nam nói chung, trong Bến
không chồng của Dương Hướng nói riêng. Chung quy lại, có thể thấy rằng bi kịch
của những người phụ nữ trong Bến không chồng là sau chiến tranh không một người
phụ nữ nào có chồng! Xưa nay, khi nhắc đến chiến tranh người ta thường đề cập đến
người đàn ông, chớ ít ai xem trọng vai trò của người phụ nữ.
Điểm khác trong tính cách các nhân vật nữ của nhà văn Dương Hướng so với
các tác phẩm viết về những người chinh phụ là nhân vật không cam chịu hoàn cảnh số
phận, luôn đấu tranh vượt lên đi tìm hạnh phúc. Đó là một cô Hạnh, cô Thủy khao
khát có con, chồng không có khả năng sinh con thì quyết đòi cho mình cái quyền có
con như bao người phụ nữ khác. Hạnh có con với Vạn, còn Thủy đi xin con từ một
người đàn ông xa lạ nhưng không thành. Những chi tiết này đều thể hiện cái nhìn
nhân văn sâu sắc của nhà văn. Có nhà phê bình đã nhận xét: Dương Hướng là ngòi
bút có tình nói về nỗi đau của con người. Đọc những trang văn về người phụ nữ ta
thấy được sức nặng chuyên chở tình người trong tiểu thuyết của ông.


21


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Cự Đệ, Truyện ngắn Việt Nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung, NXB
Giáo dục, 2007, Hà Nội.
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB
Giáo dục, 2007, Hà Nội.

22


3. Nguyễn Văn Kha, Đổi mới quan niệm về con người trong truyện Việt Nam
1975 – 2000, NXB Đại học Quốc gia, 2006, thành phố Hồ Chí Minh.
4. Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, Hà Nội.
5. Nguyễn Kim Phong, Nguyễn Văn Tùng, Đào Tiến Dũng và nhiều tác giả,
Tuyển tập mười năm tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, NXB Giáo dục, 2003, Hà Nội.
6. Trần Đình Sử, Giáo trình thi pháp học, NXB ĐH Sư phạm thành phố Hồ Chí
Minh, 1993, TP Hồ Chí Minh.
7. Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB
Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, Hà Nội.
8. Một số bài viết trên Internet.

23



×