Tải bản đầy đủ (.docx) (10 trang)

Con người hành hương trong thơ thiền lý trần và đường tống

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.18 KB, 10 trang )

Con người hành hương trong thơ Thiền
Lý Trần và Đường Tống
Thứ sáu, 06 Tháng 2 2009 04:29 Lê Thị Thanh Tâm

Xem kết quả:
Bình thường

/0
Tuyệt vời
B? phi?u

1. Con người trong thơ thiền – một khám phá vô tận nhìn từ
mối quan hệ giữa văn chương và tôn giáo:
Con người trong văn học tôn giáo thường có hai đặc tính: con
người với đức tin tôn giáo, hành trình tôn giáo và con người trong
vẻ đẹp muôn màu của văn học. Văn học Phật giáo là một kho
tàng lớn lao có lịch sử từ hàng nghìn năm, nếu kể cả các kinh
điển, kinh luan nói chung. Con người trong văn học Phật giáo
được mô tả và khơi gợi ở nhiều góc độ phong phú, bao gồm
chính hình ảnh Đức Phật với những tiền thân, các vị Phật, các kiếp người, với nhiều trạng thái và cơ duyên
Phật phap khác nhau. Do vậy, tìm hiểu hình ảnh con người trong văn học Phật giáo nói chung vừa để tìm hiểu
hành trình tu chứng của chính con người trên bước đường tâm linh mà họ đã chọn; đồng thời, cũng là tìm
kiếm các giá trị mỹ học Phật giáo đã làm nền và chuyển hóa vào các hình ảnh sâu sắc đó.
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chọn đối tượng khảo sát của mình là thơ thiền Lý – Trần của Việt Nam và
Đường – Tống của Trung Quốc. Chọn đối tượng kép như vậy, bài viết hướng đến so sánh hai nền thơ ca thiền
tông bắt nguồn từ hệ thống văn học Phật giáo phương Đông thông qua hình tượng con người, ở đây là hình
tượng con người hành hương.
Bài viết Vấn đề con người trong văn học thời đại Lý – Trần của Đoàn Thị Thu Vân[1] đã phân loại bốn quan
niệm biểu hiện con người cá nhân trong thơ thiền Lý- Trần là: 1- Con người tự do, 2- Con người vô ngã, 3Con người vô ý, 4- Con người vô ngôn. Tác giả kết luận bốn quan niệm này đều hướng đến Con người vũ trụ.
Nguyễn Phạm Hùng trong chuyên luận Thơ thiền Việt Nam – những vấn đề nghệ thuật và tư tưởng[2] lại chia
hình ảnh con người trong thơ thiền ra làm hai loại lớn: Con người Phật giáo và con người cá nhân. Trong con


người Phật giáo có bốn tiểu loại: 1 – Con người tự do, 2- Con người vô ngã, 3- Con người vô ngôn, 4- Con
người vũ trụ. Về con người cá nhân trong thơ thiền, tác giả nhận xét: “Trực giác trong thơ thiền giúp cho con
người cá nhân có điều kiện xuất hiện nhất định”, “Con người thường được nói tới trong thơ thiền là con người
siêu việt, có bản lĩnh, có nghị lực và sức mạnh, có thể tự mình giac ngộ chân lý”, “Thơ thiền quả là sự bộc lộ
một cách kiên nhẫn và thuyết phục cho sức sống, cho khả năng sống, cho niềm vui sống của con người”. Như
vậy, những đặc điểm mà tác giả Đoàn Thị Thu Vân dùng để đặt cho quan niệm con người cá nhân thì Nguyễn
Phạm Hùng xếp vào kiểu con người Phật giáo, phân biệt với con người cá nhân là con người của trực giác.
Nguyễn Hữu Sơn trong bài Thơ thiền – Những nẻo đường tu chứng và giải thoát đề cap đến ý nghĩa sâu xa
của tu chứng và giải thoát. Theo đó, tác giả soi chiếu con người trong thơ thiền từ góc độ “ngã” : “Ở các bài
thơ-kệ của các thiền sư tàng trữ trong Thiền uyển tập anh, có khi họ đặt mình ở ngôi thứ nhất như ngô, ngã,


kiến ngã, cầu ngã, vấn ngã, bỉ-ngã, ngã bản, ngã hữu… hoặc có khi sử dùng hình thức chủ ngữ ẩn, song đều
để chỉ các phương thức tu chứng và giải thoát của chính con người”… Những yếu tố như: tự do, giải thoát, vô
ngã, vô ngôn… về cơ bản phản chiếu thành tựu giải thoát của con người trong thơ thiền từ hành trình tâm linh
có tính chất tu chứng. Tác giả Lê Thị Ngọc Hạnh trong luận văn thạc sĩ Chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng giải
thoát trong thơ thiền thời Lý-Trần (2003) đã nêu ra các cặp đối sánh như sau: 1- Con người nhân văn – con
người và Phật tính thường hữu trong tâm, 2- Con người tự do cá nhân – con người vô ngã, 3- Con người trần
tục – con người đời - đạo không hai. Vậy là xuất hiện thêm hai khái niệm: con người đời – đạo không hai và
con người Phật tính thường hữu. Các cách phân loại như vậy đều dựa trên nguyên tắc tiêu chí riêng và giới
hạn sự phân loại ấy trong phạm vi tham chiếu nhất định, chẳng hạn như tiêu chí về triết học thiền tông (vô ngã,
vô ý, vô ngôn, tự do…), tiêu chí về chức năng tôn giáo (con người Phật giáo và con người cá nhân), tiêu chí về
đối sanh trào lưu văn học với đặc điểm nội dung thể loại (chủ nghĩa nhân văn và tư tưởng giải thoát…), …
Thực ra, có thể mở rộng hình tượng con người trong thơ thiền thành nhiều cấp độ như: con người hành
hương (gắn rất chặt với hành trình tu chứng, cảm thức tôn giáo về đời sống con người trong thơ thiền), con
người trong lý tưởng Bồ Tát (là dấu hiệu dễ nhận thấy ở cả hai nền thơ ca thiền tông Việt Nam và Trung
Quốc), con người vui đạo tùy duyên (hầu hết tập trung vào thơ thiền đời Trần, Việt Nam), con người của cái
nhìn (xuất phát từ tính chất soi chiếu trong thẩm mỹ học Phật giáo, liên quan đến cái nhìn, tánh nhìn trong
hành trình tu tập), con người mộng huyễn (nhấn mạnh giác độ mộng huyễn trong thơ thiền và tính chất chơi
đùa ngoài thế gian của con người thiền)… Sở dĩ có thể mở rộng biên độ tìm hiểu con người trong thơ thiền là

vì: 1- đặt thơ thiền trong tương quan so sánh, chúng tôi có điều kiện tìm thấy nhiều đặc tính giống và khác
nhau của hai nền thơ ca mà Phật giáo Thiền tông có ảnh hưởng sâu sắc; 2- Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận
thấy thế giới quan vô tận cũng như tư duy phủ nhận huyền ảo vốn có trong văn học Phật giáo đã mang lại cho
Thơ thiền chân trời rộng mở của các biểu hiện con người Thiền. Nghĩa là, phân loại con người trong trường
hợp này dựa trên tiêu chí mỹ học Phật giáo.
2. Hình tượng con người hành hương trong văn học Thiền tông Phật giáo:
Hành hương trong tôn giáo thường được xem như biểu tượng về hành trình đức tin. Kinh Thánh đã kể lại
nhiều cuộc hành hương vĩ đại của loài người như hành trình của dân Chúa từ Ai Cập về Đất hứa với 40 năm
lưu lạc giữa sa mạc nóng bỏng, cuộc hành hương của Chúa Jesus về thành địa Jerusalem... Hành hương về
sông Hằng, về Bồ Đề đạo tràng – nơi Đức Phật chứng đắc… cũng thường được nhắc đến trong các đien
truyện Phật giáo. Nhưng hành hương không chỉ là những chuyến đi của những tín đồ hoặc các tu sĩ đến một
địa danh cụ thể nào đó. Về mặt tinh thần, hành hương mang nhiều lớp nghĩa tâm linh sâu sắc. Hành hương
vừa gợi đến những chuyến đi, những cuộc phiêu bồng của đời người, vừa mang ý nghĩa tu tập, kham nhẫn
của người học đạo.
Kinh Hoa Nghiêm, bộ Kinh tiêu biểu cho Phật giáo Đại thừa với hình tượng Thiện tài Đồng tử, nhân vật trải qua
53 thế giới để gặp gỡ chư Phật và cầu học đạo, đã mở ra chiều sâu vô tận cho ý niệm về những chuyến đi của
tâm linh con người. Thiên Tiêu dao du, Tề Vật luận của Trang Tử luận bàn rất nhiều về những cuộc du ngoạn
vĩ đại, từ cái thế trôi vô tận của loài cá Côn đến cái tung vẫy của cánh chim Bằng. Bên cạnh đó, âm hưởng “qui
khứ lai từ” của thơ ca Trung Quốc đời Đường cũng phản chiếu tinh thần “trở về” trong thơ ca thời kỳ này; trở
về với thiên nhiên, với tâm nhàn. Do vậy, cũng có thể nói, hành hương vừa là cảm thức mang màu sắc tôn
giáo nói chung, vừa là cảm thức phổ biến của con người trong những biến cố đời sống và tinh thần. Do hòa
hợp sâu sắc triết học Lão Trang, Thiền tông Trung Hoa đã du nhập trọn vẹn tinh thần chơi đùa tiêu dao của
học thuyết này, mặt khác, nó cũng không từ chối ghi nhận và diễn bày cả những cảm thức thân phận khác mà
con người có thể có trong cuộc đời rộng lớn.


Tính chất biểu tượng của hành hương trong Thiền học là đi từ đau khổ tới giác ngộ, từ lưu lạc đến lúc trở về.
Hành hương trong Thiền là con đường “đồng với bụi bặm”, nhưng chính lúc ấy, hành giả cung hướng trọn tâm
mình đến sự chứng ngộ viên mãn, trở về ngôi nhà của bản tâm. Hình ảnh “về nhà” là một trong những hình
ảnh biểu trưng bản thể đặc sắc nhất mà thơ thiền của cả hai thời đại lớn : Lý – Trần (Việt Nam) và Đường –

Tống (Trung Quốc) đã mang lại cho nền văn học Phật giáo.
Không phải ngẫu nhiên mà D.T Suzuki đã dành rất nhiều trang cho phần viết về cảm thức hành hương của các
thiền sư Nhật Bản mà trong đó Basho là một đại biểu vĩ đại: “Trong thời đại Basho, cuộc sống con người chưa
bị đẩy vào sự tầm thường và quẫn bách. Một cái nón tre, một cây gậy trúc, và một túi vải là đủ cho nhà thơ
trong chuyến hành hương đời mình. Ông có thể dừng lại đôi chút ở một ngôi làng nào đó, hoặc ở bất kỳ nơi
nào đập vào trí tưởng tượng của nhà thơ, hứng thú trước một kinh nghiệm nào đó đến với mình, cho dù
những điều này bao chứa cả nỗi gian khổ của chuyến hành hương giản dị. Nhưng hãy nhớ rằng một cuộc
hành trình quá dễ dàng và đầy đủ tiện nghi đồng nghĩa với việc ý nghĩa tinh thần của nó cũng mất đi. Có thể
đó là sự đa cảm, nhưng cảm giác cô đơn mà chuyến du hành mang lại sẽ giúp con người thấu hiểu được ý
nghĩa của đời sống, vì cuộc sống này, suy cho cùng, là một chuyến phiêu lưu vô định”. Tất nhiên, Basho là
nhân vật của thế kỷ 17, cách xa hai triều đại mà chúng tôi quan tâm đến 3 thế kỷ. Nhưng tinh thần thiền học
Nhật Bản với những thành tựu mỹ học rực rỡ của nó cũng là những điểm tham chiếu trong khi luận bàn về thơ
thiền phương Đông nói chung. Hành hương, trong nhiều góc độ, lại gợi ra cả cảm thức lưu đày kín đáo. Điều
này xảy ra khi hành hương trở thành hành trình sống với nội dung ám chỉ thân phận con người. Do đó, đôi khi
những chuyến đi trong thơ thiền vẫn không tránh khỏi niềm u uẩn.
Trong thơ thiền Việt Nam và Trung Quốc, người ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh: áo tơi, gậy trúc, lều cỏ, đường
núi, thuyền không, am vắng, …Đó là gì, nếu không phải là cốt cách và không gian của một hành nhân vĩnh
cửu?
Trong thiền tịch Trung Hoa, có một thi ảnh tuyệt vời, rút từ công án “Muôn dặm không một tấc cỏ” của thiền sư
Động Sơn. “Ngoài cửa là cỏ” - Không gian cỏ mênh mông là đường chăng? Hay chẳng phải đường? Ngoài
cửa là sự sống chăng? Hay là cái chết?... “Ngoài cưa là cỏ” là một thi ảnh đa nghĩa, gợi ra một không gian
huyền ảo. Hành giả tu thiền chính là người đi trên con đường chẳng phải đường ấy, với mục đích tối hậu là
biến cuộc phiêu lưu thành chuyến trở về. Xuất phát từ cảm thức hành hương mà hàng loạt các hình ảnh thơ
ca xuất hiện trong thơ thiền Việt Nam và Trung Quốc đều mang một ý vị triết lý rất riêng với những ám ảnh tinh
tế về con đường tu chứng nhọc nhằn nhưng không kém phần kỳ dieu.
3. Con người hành hương – những biểu hiện nghệ thuật và tư tưởng trong thơ thiền Lý Trần và Đường
Tống:
3.1. Con người với hành trình lên núi cao
Núi non trong kinh điển Phật giáo là những hình ảnh quen thuộc, biểu tượng cho giác ngộ, ví dụ như núi Tu Di,
núi Linh Sơn (hay Linh Thứu), núi Lăng già… Núi non rừng sâu từ xa xưa cũng là nơi tu tập của nhiều bậc đại

sư, thánh hiền. Vì thế, hình ảnh những ngọn núi cao ngất và hành trình lên núi cao thường để lại nhiều dấu ấn
trong thơ ca thiền tông. Nói như Thiền sư Vân Nham, “Núi sông đất đai đều hiển lộ pháp thân” hoặc như
Trương Duyệt: “Núi sâu tịch lịch đạo tâm sinh”. Hành trình lên núi là hành trình của những thien nhân “Giày cỏ
đan vài ba tháng – Ao gai từng vá đôi lần” (Thiền sư Linh Trừng), “ngồi nhàn với hoa trên non, chim dưới suối”
(Vương An Thạch), là “người cầm ngang ống sáo ngọc” mà đi giữa đường hoa nửa sáng nửa tà lên nui (Trần


Nhân Tông), là người “chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian” mà ngắm nhìn mây trên đỉnh núi cao ngất (Tuệ
Trung thượng sĩ)…
Tô Thức có bài vịnh núi Lô Sơn đậm phong thái thiền học: “Thiền đạo với thi ca là đồng hay khac, chớ nên
nghi ngờ mà tra hỏi; hãy quên đi những sự phân biệt Ta và Người, cuối cùng, anh với tôi hãy mở cánh cửa
bắc, ngẩng đầu nhìn lên ba mươi sáu ngọn núi xanh”. Tô Thức, cũng như Hàn Sơn, Vương Duy, Trần Thái
Tông đều là những bậc thiền nhân thiết tha với cảnh núi non, am vắng. Núi non là nơi cất giữ tâm linh cho họ,
cũng là nơi trở về của Tâm thể. Núi cao, sâu, vắng lặng. tương đồng kỳ diệu với Tâm không.
Đường quanh theo non núi xanh xanh, đường núi, đường mòn, đường vắng chính là những biến thể khác
nhau của tinh thần hành hương thiền tông. Trong bài Ngẫu tác, Tuệ Trung thượng sĩ đã viết như sau:
Đường trung đoan tọa tịch vô nghiên
Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên
Dịch thơ:
Giữa nhà không nói chỉ ngồi yên
Nhàn ngắm Côn Luân sợi khói lên
(Huệ Chi dịch)
Tác giả ngồi giữa phòng thiền nhưng tâm linh đang xuôi chảy một hành trình riêng – hành trình lên đỉnh
tinh thần mà nhà thơ gói gọn bằng một chữ “nhàn”: Nhàn ngắm sợi khói bay trên đỉnh Côn Luân. Sợi khói
mong manh ấy có thể thu hút toàn tâm của một thiền nhân ngồi an tọa giữa nhà. Đó là một pháp chứa vạn
pháp trong thế giới Hoa Nghiêm chăng? Tâm người và sợi khói trên đỉnh chót núi kia đồng nhau chăng? Tâm
người lên núi theo sợi khói nhỏ của hơi thở – một hành trình kỳ diệu.
Đời Đường, thi Phật Vương Duy cũng có câu tuyệt bút về hành trình trên núi như sau:
Sơn lộ nguyên vô vũ
Không thúy thấp nhân y

Dịch nghĩa:
Đường núi vốn không có mưa
Chỉ màu xanh hư không làm ướt áo người
Màu xanh hư không của Vương Duy là một ám ảnh giàu chất thơ và mang phong vị thiền sâu kín. Màu xanh
hư không ấy rất gần với tánh không bao la, cái sunyata huyền mộng của tinh thần Trung Quán; nhưng làm sao
cái tánh không ấy có thể làm ướt áo người? Hay nó cũng đồng với cõi trần ai? Hay nó vẫn hằng theo đuổi và
chở nặng thân phận con người?...
3.2. Con người với những chuyến tiêu dao, chơi đùa


Hơi thở của Lão Trang trong thơ thiền có lẽ thể hiện đậm nhất ở tính chất chơi đùa. Cuộc hành hương của
những hành giả trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát, pha chút nhiệm màu bởi được tinh chế rất nhiều xúc cảm của
thú tiêu dao.
Vương Duy trong nhiều bài thơ đã kể lại những chuyến du ngoạn đến nguồn đào – suối hoa đào. Đó có thể là
một cảnh tượng đẹp trong bất kỳ bài thơ nào, nhưng với xúc cảm giác ngộ có từ hoa đào của thiền sư Linh
Vân, hình ảnh hoa đào còn mang một ý vị giải thoát. Nhà thơ viết:
Ngư chu trục thủy ái sơn xuân
Lưỡng ngạn đào hoa giáp cổ tân
tọa khan hồng thụ bất tri viễn
Dịch nghĩa:
Thuyền chài theo dòng nước yêu cảnh nước non mùa xuân
hai bên bờ hoa đào nở trên bến cũ
mãi xem “hồng thụ” mà không biết đã đi xa…
Tuệ Trung thượng sĩ có đến hai bài Giang hồ tự thích, một bài là cảnh của chiếc thuyền không nằm ghếch trên
cát sau chuyến hồ hai mải mê, va bài còn lại có hình ảnh chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên sông dài, cùng với
tiếng nhạn kêu giữa gió thu… Âm hưởng tiêu dao của nhà thơ thể hiện rõ nét hơn qua bài Phóng cuồng ngâm:
Thiên địa diếu vọng hề hà mang mang
Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương
Hoặc cao cao hề vân chi sơn
Hoặc thâm thâm hề thủy chi dương

Cơ tắc xan hề hòa la phạn
Khốn tắc miên hề hà hữu hương
Hứng thời xuy hề vô khổng địch
Tĩnh xứ phần hề giải thoát hương
Quyện tiểu phại hề hoan hỷ địa
Khát bão xuyết hề tiêu dao thang
Dịch nghĩa:


Ngắm trời đất sao mà mênh mông
Chống gậy nhởn nhơ ngoài thế gian
Hoặc đến chỗ núi mây cao cao
Hoặc đến chỗ biển nước sâu sâu
Đói thì ăn cơm hòa la
Mệt thì ngủ làng “không có làng”
Khi hứng thì thổi sáo không lỗ
Nơi yên tĩnh thì thắp hương giải thoát
Mệt thì nghỉ tạm đất hoan hỷ
Khát thì uống no thang tiêu dao…
(Huệ Chi – Đỗ Văn Hỷ)
Đó là thế giới của hoan hỷ và kỳ diệu. Cuộc tiêu dao của Tuệ Trung tuy chứa đựng sâu thẳm niềm an nhiên
của Thiền, nhưng vẫn không ngừng trở thành niềm hân hoan của con người trước cuộc chơi lớn, nơi đạo và
đời cùng một gương mặt.
Huyền Quang tôn giả cũng có bài Chu trung (Trong thuyền) gợi khí vị thiền rất khéo: Một lá thuyền con, một
khách hải hồ – Chèo khỏi rặng lau, tiếng gió xào xạc – Bốn bề mịt mù, con nước buổi chiều đương lên – một
chim âu trắng giữa khoảng trời nước liền nhau[3]. Hay ở bài Phiếm chu (Chơi thuyền), nhà thơ cũng kể về còn
thuyền xa tít ruổi rong giữa chốn non xanh nước biếc, nơi có trăng rơi xuống đáy sông…
3.3. Con người với chiếc thuyền trong sóng nước :
Bát nhã Tâm kinh kết thúc bằng mật chú với ý nghĩa: “đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, qua đến bờ bên
kia”(Yết đế! Yết đế! Ba la yết đế! Ba la tăng yết đế!Bồ đề tát bà ha!). Hình ảnh con thuyền đưa hành giả vượt

bờ (đáo bỉ ngạn) trở thành hình ảnh thường xuyên trong văn học Phật giáo với nhiều biến thể như: con thuyền
chở trăng, con thuyền Bát nhã, con thuyền sang bờ bên kia, con thuyền của tánh không bao la…
Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, trang 126, viết: ‘Không những đứng về phương diện tư tưởng
mà đứng về phương diện văn học, hình ảnh một chiếc thuyền trống không lặng lẽ vượt biển dưới ánh trăng
tịch tĩnh của Lăng Già là một hình ảnh màu nhiệm”.
Đó là con thuyền không của thiền sư Huệ Sinh (đời Lý): “Không không độ hải chu”, là con thuyền đầy ắp ánh
trăng của Hoa Đình Thuyền tử - vị thiền sư chèo thuyền bí ẩn đời Đường với câu thơ kinh điển: “Mãn thuyền
không tải nguyệt minh qui”, nghĩa là: con thuyền suông chở ánh trăng sáng quay về. Tuệ Trung thượng sĩ đời
Trần thì khác hơn. Con thuyền của ông là con thuyền ngao du, con thuyền trong cuộc chơi của mọi sóng gió,
con thuyền “chơi đùa với chân như”, “chơi đùa với hư không”, là con thuyền của “cái lòng trống không, cái hư
tâm”: “Người chèo nay bặt tăm hơi – Thuyền không trên cát lâu rồi thuyền không”[4].


Thơ thiền đời Đường còn có câu thơ lạ của Đầu Tử Nghĩa Thanh: “Tịch dương ảnh lý phong đào cấp - Bất
giác di chu hạ độ hôn”, nghĩa là: trong bóng chiều sóng to gió cả - Bỗng nhiên (ta) đẩy thuyền xuống bến ngao
du. Khác với con thuyền thong thả về chốn thiền của Vương Duy, con thuyền của Đầu Tử ngao du như nhiên
giữa sóng gió như nhiên. Những cuộc vượt bờ thường vẫn không giống nhau, bởi vì thời tiết nhân gian cũng
luôn khac nhau.
3.4.Con người tìm kiếm:
Những thiền sư-nhà thơ như như Hàn Sơn, Vương Duy, như Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông, sau
này là Basho của Nhật Bản, đều là nhưng hành giả vĩ đại trên con đường giải thoát. Con đường gắn với sự tìm
kiếm và tu luyện đã trở thành một biểu tượng. Đó là con đường vô tận và sâu thẳm của Vương Duy khi đi về
suối hoa đào, đường của Tuệ Trung trong khúc cuồng ca, đường của Điều ngự Trúc Lâm Trần Nhân Tông trên
đỉnh Yên Tư... Cuộc du hành ấy là cuộc tìm kiếm không nguôi ánh sáng của tự do và đại ngộ. Bản thân khái
niệm “tìm kiếm” trong thiền chứa đựng một nội dung kép, đó là sự khổ học và “hài hước”. Một xê xích mảy may
có thể biến cuộc tìm kiếm ấy thành một trò đùa của vô minh. Vì thế, tính chất “phản tỉnh” trong tìm kiếm thường
xuất hiện rất nhiều trong thơ thiền của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Bài thơ sau của Sơ Sơn Như mang khí thiền lồng lộng:
Bất xuất man man thảo lộ già
Xuất môn do cánh cách thiên nhai

Hồi cơ đạp trước thông tiêu lộ
Hà xứ thanh sơn bất thị gia
Dịch nghĩa:
Không đi cỏ phủ che đường lối ra cửa vẫn còn cách trời xa
lúc xoay đầu lại đạp nhằm con đường dẫn lên trời
chỗ núi xanh nào mà chẳng phải là nhà của thiền nhân trở về”[5].
Con đường-chẳng phải đường ấy lại trở thành bản tâm, được nhìn từ thế lưỡng vong - cả hai đều quên của
chính hành gia - quên con đường vọng động để trở lại lập tức với sơ tâm. Thiền sư Trạm Đường Trung Quốc
có câu thơ rất huyền diệu: “Phong đầu lộ, tạm kinh quá” nghĩa là: Phật chỉ là con đường trên đỉnh cô phong, có
thể đi qua mà chẳng thể ở lại. Vạn pháp là vô môn, kể cả pháp vĩ đại nhất là Niết Bàn, vì vậy mà hãy đi qua
nó, như cánh chim không để lại dấu vết. Vương Lão Sư (Trung Quốc) có cả chùm 10 bài thơ vịnh tranh chăn
trâu. Cảm thức tìm dấu, thay dấu, tìm trâu, được trâu… phản chiếu cái nhìn thiền học về bản thể rất rõ nét.
Hình ảnh con đường xa thẳm, mênh mông, không có lối… là nỗi ám ảnh lớn lao nhất đối với người “cầu đạo”.
Thiền sư Linh Vân Chí Cần viết: “Tam thập niên lai tầm kiếm khách – Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi”, nghĩa là: Ba
mươi năm qua đi tìm bậc chân sư – bao lần lá rụng lại đâm chồi. Hay như Thuyền Tử Đức Thành: “Tam thập
niên lai hải thượng du – thủy thanh ngư hiện bất thôn câu”, nghĩa là: Ba mươi năm nổi trôi trên biển đạo –
Nước trong thấy rõ cá mà cá chẳng ăn mồi…[6]


Không khí khắc khổ tìm kiếm trong thơ thiền Trung Quốc thường được thay bằng niềm an nhiên hồn hậu
“đừng tìm kiếm” của thơ thiền Việt Nam. Đó là các lời khuyên nhủ tưởng chừng rất ngược giáo pháp: “Chẳng
cần niệm Phật, chẳng cần Thiền, Muốn biết không tội phuc thì đừng trì giới và nhẫn nhục (Tuệ Trung) Vô tâm
trước cảnh hỏi chi Thiền; Ai trói buộc mà phải tìm cách giải thoát (Trần Nhân Tông)…
Hình ảnh con đường và nỗi niềm hành hương còn ghi lại dấu ấn vô cùng sâu sắc trong thơ Trần Thánh Tông:
Sinh như trước sam
Tử như thoát khố
Tự cổ cập kim
Cánh vô dị lộ
Dịch thơ:
Sống như mặc áo

Chết như cởi quần
Xưa nay vô cùng
không đường nào khác”[7]
(Nhật Chiêu dịch)
Con người tìm kiếm điều gì, dù lớn lao đến đâu, cũng chỉ vòng quanh hai chữ tử sinh mà Vô nhị Thượng nhân
Trần Thánh Tông đã gọi tên: “trước sam” – “thoát khố” (mặc áo- cởi quần). Bởi thế mà nhà thơ gọi nó là con
đường duy nhất. Mọi sự tìm kiếm đều là những bước đi hướng tâm về cõi không, nhìn cuộc đời trong những
biến đổi hết sức phù vân mà cũng vô cùng sinh tử.
4. Đôi lời kết
Nhà nghiên cứu mỹ học thiền tông nổi tiếng Blyth trong Thiền và Thiền cổ điển (Zen and Zen classics) viết:
“Thiền mang đến cho chúng ta “lời giảng pháp trên hòn đá và cuốn sách trong dòng suối chảy”, và một câu
khác: “cánh cửa ma lực của thơ ca mở ra biển cả của những sóng gió khổ đau”. Hành trình của con người
Thiền trong các trước tác của các thiền sư, nhà thơ thể hiện rõ ý chí hành đạo và sự hoà đồng huyền diệu vào
đời sống, thiết tha mà không bám víu, giải thoát mà không lìa bỏ. Con người hành hương là tiêu điểm chứa
đựng nhiều hạt nhân mỹ học và tư tưởng Phật giáo, tạo thành một trong những hình tượng có sức chứa lớn
lao về cả về triết lý trong thơ, về nhân cách thiền sư – thi sĩ, về quan điểm con người trong hành trình tôn giáo
và hành trình sống…

Lê Tâm


Tư liệu tham khảo
1. Thơ thiền Đường Tống, Đỗ Tùng Bách, NXB Đồng Nai, 2000.
2. Vương Duy thi tuyển, Giản Chi, NXB Văn hóa thông tin, 1993.
3. Như một chiếc thuyền không, Nhật Chiêu, Văn hoá Phật giáo số 9, 2005.
4. Vần thơ sinh tử của Vô Nhị Thượng Nhân, Nhật Chiêu, Văn hoá Phật giáo số 8, 2005.
5. Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang, NXB Văn học, H, 2000.
6. Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần – diện mạo và đặc điểm, Nguyễn Công Lý, NXB ĐH Quốc gia
TPHCM, 2002.
7. Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, NXB KHXH, H, 1989.

8. Lý thuyết khoa giáo về con người qua tư tưởng Gandayuha (Hoa Nghiêm), 12. Thích Tâm Thiện, Luận văn
Khoá bồi dưỡng giảng sư, 1996.
9. Khảo sát đặc trưng nghệ thuật thơ thiền Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIV, 6. Đoàn Thị Thu Vân, NXB Văn học,
H, 1996.
10. Thiền luận, Suzuki, NXB TP Hồ Chí Minh, 1992.
11. Nam Hoa Kinh
12.Kinh Hoa Nghiêm
13. Kinh Bát Nhã
14. D.T. Suzuki, Zen and Japanese Culture, Tokyo, Japan.
15. Zen and Zen classics – R.H.Blyth, Volume 7, The Hokuseido Press, 1963.

[1] Xin xem Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Đình Sử…, NXB Giáo
dục, Hà Nội, 1997.
[2] Thơ thiền Việt Nam – những vấn đề nghệ thuật và tư tưởng, Nguyễn Phạm Hùng, NXB Đại học Quốc gia
Hà Nội, 1999.
[3] Nguyên tác xem trong Thơ văn Lý – Trần, tập thượng II, NXB KHXH, H, 1989, trang 684.


[4] Xem bài Như một chiếc thuyền không, Nhật Chiêu, Văn hóa Phật giáo số 9, tháng 10-2005, trang 55.
[5] Xem Thơ thiền Đường Tống, Sđd, tr. 240.
[6] Các trích dẫn thơ thiền Trung Quốc lấy từ nguồn Thơ thiền Đường Tống, Sđd.
[7] Xem bài viết “Vần thơ Sinh Tử của Vô Nhị Thượng Nhân” của Nhật Chiêu, Văn hóa Phật giáo, số 8, tháng
9-2005, trang 49-51.
Lần cập nhật cuối ( Thứ bảy, 08 Tháng 8 2009 14:



×