Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

CON NGƯỜI TRONG NGÂM KHÚC

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (178.85 KB, 6 trang )

CON NGƯỜI TRONG NGÂM KHÚC

Trong văn học Việt Nam, thể loại ngâm khúc được ra đời từ giữa thế kỷ XVIII. Đến nửa
đầu thế kỷ XIX, thể loại này đạt được những thành tựu rực rỡ, góp phần quan trọng vào quá
trình phát triển nền văn học nước nhà.
1.

Khái niệm ngâm khúc
Lê Bán Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi cho rằng Ngâm khúc là Thể thơ trữ tình dài
hơi, thường được làm theo thể song thất lục bát để ngâm nga, than vãn nhằm bộc lộ những
tâm trạng, tình cảm buồn phiền đau xót triền miên day dứt. Vì thế ngâm khúc còn được gọi là
khúc, vãn hay thán. Trong văn học Việt Nam, ngâm khúc giữ một vị trí quan trọng và đặc biệt
phát triển từ giữa TK XVIII đến giữa TK XIX. Theo Từ điển văn học (bộ mới) [Nxb Thế giới, H.
2003]

Theo đó, có thể hiểu ngâm khúc trung đại Việt Nam là một thể loại của văn học dân tộc.
Chức năng của ngâm khúc nhằm bộc lộ những tâm trạng, tình cảm buồn phiền đau xót triền
miên day dứt.. Nội dung của nó đa dạng, phong phú phản ánh nhiều cung bậc của đời sống
tình cảm con người thời trung đại.
Ngâm khúc dùng hình thức thơ song thất lục bát trung đại Việt Nam manh nha từ thế kỷ XVI
và kết thúc vào cuối thế kỷ XIX. Đánh dấu chính thức bằng tác phẩm Chinh phụ ngâm
khúc [bản dịch của Đoàn Thị Điểm (?) 1705 - 1748] và kết thúc bằng Tự tình khúc của Cao
Bá Nhạ (? - ?) và Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (1815 - 1866).
Về đặc điểm của thể ngâm khúc,GS Trần Đình Sử cho rằng Tinh thần bi kịch thể hiện ở chỗ tìm
lại giá trị nhân sinh mà không được, không cam chịu mất mát giá trị mà đành bất lực và do
bất lực mà lòng bất lực càng mạnh thêm, day dứt hơn, và nhấn mạnh chức năng của thể loại
này như sau: “Có thể nói khúc ngâm có nhiệm vụ phơi trải lòng đau xót, sầu tủi, tiếc hận của
mình”
Những tác phẩm ngâm khúc tiêu biểu như Chinh phụ ngâm (của Đặng Trần Côn, dịch nôm
Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Ai tư vãn (Ngọc Hân công chúa),
Thu dạ lữ hoài ngâm (Đinh Nhật Thận), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ) đã đánh dấu một mốc son


cho nền văn học Việt Nam trung đại ở thể loại ngâm khúc. Nếu thơ Đường luật diễn tả một
khoảng khắc của tâm trạng, một cảm xúc trước cảnh vật, một nỗi buồn thoáng qua thì ngâm
khúc lại diễn tả một quá trình tâm trạng phong phú, phức tạp nhưng nói chung là đứng yên,
không phát triển mà “ngưng đọng lại trên một khối sầu”. Con người trong ngâm khúc vì thế
cũng khác với con người trong truyện Nôm và thơ trữ tình, thơ tự sự, không phải là con người


cộng đồng sử thi hay con người nhà nho tài tử mà là con người cô độc, con người vỡ mộng trước
hoàn cảnh, trước thực tại xã hội.
2.

Con người trong ngâm khúc
2.1. Con người cô độc
Ở giai đoạn trước, người ta chỉ chú ý tới đời sống tinh thần, phương diện hình nhi thượng, thì
nay vấn đề quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc trần thế được các nhà văn đặt ra như một vấn
đề bức thiết của thời đại. Trong ngâm khúc, con người trần tục nhục cảm xuất hiện nhằm khẳng
định nhu cầu sống tự nhiên của con người. Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm đầy ắp khát
vọng về cuộc sống vật chất, nhục cảm. Cuộc sống phòng khuê với niềm khát khao mãnh liệt
hạnh phúc lứa đôi được đề cập đến một cách tinh tế.

Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Bóng dương lồng bóng đồ mi trập trùng.
- Đệm hồng thúy thơm tho mùi xạ,
Bóng bội hoàn lấp loá trăng thanh.
Mây mưa mấy giọt chung tình…
- Đoá lê ngon mắt cửu trùng,
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu…
(Cung oán ngâm)
Dưới ngòi bút của Nguyễn Gia Thiều, cung nữ hiện diện là một con người thật sự,
sống động và vô cùng đáng yêu với những tâm tư, cảm xúc và khát vọng

mãnh liệt, khác hẳn những nhân vật mang tính ước lệ thường thấy trong văn
học thời phong kiến.
Tuy nhiên, hạnh phúc chỉ là quá khứ, còn thực tại quá phũ phàng. Khi nhu cầusống chính
đáng, tự nhiên không được đáp ứng, con người rơi vào nỗi buồn đau, cô độc day dứt khắc khoải
triền miên.
Trong Cung oán ngâm, nhà văn diễn tả chuỗi ngày sống trong đau khổ, trong mỏi
mòn chờ đợi, để rồi bị những nỗi khao khát hạnh phúc vò xé cõi lòng của người cung nữ. Hồi cố
về quá khứ hạnh phúc, người cung nữ càng sầu tủi, oán than hiện tại, càng sầu oán bao nhiêu
càng khát khao hạnh phúc bấy nhiêu. Khi bị thất sủng, trong chốn thâm cung, nàng chỉ còn
biết sống trong vô vọng và cô độc:
Đêm năm canh lần nương vách quế
Cái buồn này ai để giết nhau
Giết nhau chẳng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa”
Trong Chinh phụ ngâm, người chinh phụ lại mỏi mòn trông đợi người chồng đi chiến
trận. Mong chồng mang ấn phong hầu trở về để rạng danh dòng họ nhưng sự trông đợi hoàn
toàn vô vọng. Người chinh phụ cô độc trong sự mỏi mòn. Niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi đã
giày vò nàng.
Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau (Chinh phụ ngâm)


Người chinh phu ra đi không hẹn ngày trở lại. Những cuộc chiến tranh phong kiến đã cướp đi
của nàng hạnh phúc và tuổi trẻ.
Để diễn tả tâm trạng cô độc triền miên, các nhà văn đặt nhân vật trong nhiều không gian, thời
gian tâm lí khác nhau, trong sự so sánh ứng chiếu giữa quá khứ với hiện tại để làm nổi bật dòng
tâm trạng nhớ tiếc quá khứ đẹp đẽ huy hoàng, đau khổ xót xa, tủi hận cho hiện tại không lối
thoát, mơ tưởng tương lai xa xăm mờ mịt. Qua đó, bênh vực cho khát vọng sống chính đáng

của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đồng thời lên án tố cao chiến tranh phong kiến, chế độ
đa thê đã tước đoạt, vùi dập hạnh phúc, tuổi trẻ của con người.
2. Con người vỡ mộng
Theo Trần Hà Nam trong bài viết “ Tính ước lệ trong văn học trung đại” đăng trên blog
cá nhân: “ Con người thời trung đại có tinh thần hướng thượng, coi trọng những giá trị cộng
đồng, những phẩm chất chung mà khó chấp nhận sự thay đổi lề thói hoặc những cá tính tự
do… Nói về gương quân tử thì phải gắn với phẩm chất cao quí “nhân nghĩa lễ trí tín”, phụ nữ thì
soi mình vào “công dung ngôn hạnh”, cuộc sống ẩn sĩ thì phải gắn với “ngư tiều canh mục”,
phẩm chất tài hoa thì phải “cầm kỳ thi hoạ”, “phong hoa tuyết nguyệt…” Hình ảnh người chinh
phu và cả chinh phụ trong Chinh phụ ngâm không nằm ngoài công thức này. Xuất phát từ ý
thức về nghĩa vụ, quan niệm về công danh, danh dự của một trang hào kiệt hình ảnh người
chinh phu trong mắt người chinh phụ trong buổi tiễn đưa là hình ảnh đẹp, rực rỡ, uy nghi:
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
Bên cạnh nỗi buồn, lưu luyến, sầu muộn của buổi tiễn đưa, chinh phụ đã khẳng khái “ phép
công đã trọng, niềm tây sá gì”.
Tuy nhiên, tư tưởng đòi quyền sống quyền hạnh phúc của con người – tư tưởng chủ đạo của văn
học giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII, đã khiến hình mẫu nhân vật đã thay đổi. Người chinh phụ từ
việc coi trọng “niềm công” qua bao ngày tháng khắc khoải xa chồng, đã có sự thay đổi về nhận
thức. Không hề phủ nhận lý tưởng công danh nhưng nàng cũng đã hiểu chiếc ấn công hầu
không có ý nghĩa bằng hạnh phúc đôi lứa:
Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Trong tưởng tượng của người chinh phụ, cảnh chiến trường hiện lên trước mắt nàng thật đen tối.
Ở đây không hề có tiếng ngựa hí, tiếng quân reo, hay tiếng va chạm của vũ khí mà chỉ có một
luồng tử khí lạnh lẽo bao trùm.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi theo
Nhận thức đầu tiên rõ rệt nhất của chinh phụ là cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng nàng bị phá
vỡ, hai người phải chia lìa đôi ngả là hết sức vô lí, là không thể chấp nhận được. Ðau khổ vì biệt

li, vì chờ đợi, vì thất vọng đã làm cho nàng như khô héo thêm. Chiến tranh đã làm tàn phai
nhan sắc, làm héo hon tấm lòng người vợ trẻ trông chồng. Sự đối lập giữa con người và chiến
tranh càng trở nên mạnh mẽ. Tư tưởng này còn có giá trị phản chiến sâu sắc. Chinh phụ ngâm
vì thế đã phản ánh chân thực cuộc sống, đồng thời phản ánh những vấn đề cơ bản về tâm lý con
người của thời đại.
Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều ban đầu đặt rất nhiều
niềm tin, hy vọng vào "đấng quân vương", mơ ước được sống một cuộc sống nhung lụa vàng
son theo kiểu "Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn mãn kiếp ngồi trong thuyền chài". Với
nhan sắc tuyệt trần "Hương trời đắm nguyệt say hoa/ Tây Thi mất vía Hằng Nga giật mình", với
tài năng hơn người "Cờ tiên rượu thánh ai đang/ Lưu Linh, Đế Thích là hàng tri âm", lại đang là
"Đóa lê ngon mắt cửu trùng", nàng mong muốn được sống giàu sang vinh hiển, khát vọng đạt


được hạnh phúc tột đỉnh. Đối với nàng, cuộc sống đúng nghĩa phải là cuộc sống nơi lầu vàng
gác tía, nàng coi thường cuộc sống thường dân:
Lan mấy đóa lạc loài sơn dã
Uổng mùi hương vương giả lắm thay
Lúc được sủng ái, thậm chí niềm tin, sự hy vọng ấy còn được nâng lên thành những ảo tưởng,
ngộ nhận. Nàng nhầm tưởng những cuộc ái ân với nhà vua là một cuộc tình chung thủy:
Mây mưa mấy giọt chung tình
Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn
Sự say mê thoáng chốc của nhà vua khiến nàng lầm lẫn, xem đó là "duyên hương lửa"
Phải duyên hương lửa cùng nhau
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào
Nàng mơ tưởng hão huyền về một tình yêu nồng thắm, vững bền:
Tranh tỉ dực nhìn ưa chim nọ
Đồ liên chi lần trỏ hoa kia
Chữ đồng lấy đấy mà ghi
Mượn điều thất tịch mà thề bách niên
Trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều có hình ảnh con người khủng hoảng niềm

tin một cách sâu sắc.
Sự khủng hoảng niềm tin ấy có lẽ đã trở thành nét tâm lý chung thuộc về thời đại - thời đại mà
Nguyễn Gia Thiều sống và sáng tác. Đó là giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến, giai đoạn
rệu rã của ý thức hệ Nho giáo. Mọi trật tự tôn ti sụp đổ, mọi giá trị lộn nhào. Chưa bao giờ con
người cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, mất phương hướng như bây giờ.
Đối mặt với một hiện thực đen tối và thối nát như vậy, con người bắt đầu phản tỉnh để hoài nghi
về những giá trị mà trước đây mình tôn thờ. Họ mất dần niềm tin vào chế độ phong kiến, mất
dần hy vọng vào những chuẩn mực của đạo đức nhà Nho. Con người cộng đồng, con người
"quân quốc" dần dần mờ nhạt nhường chỗ cho con người cá nhân với sự trỗi dậy mãnh liệt về
bản ngã - những con người nhiều trăn trở, suy tư, nhiều khát vọng, ham muốn và cũng rất
nhiều những nỗi âu lo.
Có ngờ đâu tình yêu kia chỉ như mây khói, hạnh phúc kia phút chốc vụt bay. Sự sủng ái của
nhà vua hóa ra không phải "duyên hương lửa", không phải "nghĩa trăm năm" mà chỉ là sự đắm
say phút chốc khi nàng đang trẻ đẹp.
Ai ngờ bỗng một năm một nhạt
Nguồn ân kia ai tát mà vơi
Suy đi đâu biết cơ trời
Bỗng không mà hóa ra người vị vong
Từ chỗ là "Vẻ vưu vật trăm chiều chải chuốt/ Lòng quân vương chi chút trên tay", trong thoáng
chốc bỗng biến thành "người vị vong". Người cung nữ bị thất sủng, phải đối mặt với một thực tại
chua xót, bẽ bàng, đối mặt với bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu uất ức. Một khối cô đơn gặm nhấm
tâm hồn nàng:
"Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải


Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ"
"Một mình đứng tủi ngồi sầu
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa"
Sống trong tâm trạng ấy, người cung nữ dần dần đánh mất niềm tin vào những thứ trước đây
nàng tin tưởng. Giấc mộng lầu son giờ đổ vỡ, mọi ảo tưởng, ngộ nhận tiêu tan. Nàng rơi vào bi

kịch vỡ mộng. Nàng bắt đầu phản tỉnh để nhận thức được rằng hóa ra những thứ mà trước đây
nàng cho là tốt đẹp, cao quý lại là những thứ đen tối, xấu xa. Vinh hoa phú quý chỉ như một thứ
"mồi", thứ "bả" lừa gạt con người: "Mồi phú quý dử làng xa mã/ bả vinh hoa lừa gã công khanh/
Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không". Đức vua mà nàng đặt
tất cả mọi niềm tin, hy vọng thực ra là một tên háo sắc, vô sỉ không hơn, không kém:
"Vốn đã biết cái thân câu chõ
Cá no mồi cũng khó nhử lên"
"Đông quân sao khéo bất tình
Cành hoa tàn nguyệt bực mình hoài xuân"
Mất niềm tin vào những giá trị cũ, người cung nữ tìm đến với những giá trị mới. Nàng hiểu ra
rằng hạnh phúc không phải được tạo nên từ lầu vàng điện ngọc, từ phù phiếm, xa hoa. Hạnh
phúc chỉ đến từ tình yêu chân thành, chung thủy. Cuộc sống êm đẹp nhất là cuộc sống vui vẻ
sum vầy, có chồng có vợ.
Kìa điểu thú là loài vạn vật
Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng
Có âm dương có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê
Trực tiếp trải nghiệm trong một thực tế phũ phàng, trực tiếp nếm trải bao đắng cay, chua chát,
nàng mới cảm thấy thèm cái giản dị nhưng rất đỗi ngọt ngào của "cảnh sống nhà quê" đầm ấm
chan hòa:
Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm
Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon
Cùng nhau một giấc hoành môn
Lau nhau ríu rít cò con chung tình
Cái "Cảnh sống nhà quê" mà nàng khao khát ấy không gì khác hơn là cảnh sống "ngồi trong
thuyền chài" mà trước đây nàng khinh rẻ. Đôi khi trong cuộc đời, con người ta phải trải qua
trăm đắng nghìn cay mới có thể nhận chân ra giá trị của những thứ bên cạnh mà trước đó mình
không hề biết. Người cung nữ trong khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều đã phải đánh đổi hạnh
phúc cả đời mình để nhận ra một điều rằng hạnh phúc được vun đắp từ vinh hoa, phú quý là thứ
hạnh phúc không vững bền. Hạnh phúc vững bền phải là hạnh phúc được xây đắp từ tình yêu,

từ tình chồng vợ. Nàng đã phải trải qua một quá trình tự nhận thức từ chỗ ảo tưởng, ngộ nhận
đến sụp đổ niềm tin với những giá trị cũ và tìm đến với những giá trị mới nhân văn, nhân bản
hơn. Trong hình ảnh con người tự phản tỉnh ấy, dường như phảng phất bóng dáng của Nguyễn
Gia Thiều, người trí thức thuộc hàng "danh gia vọng tộc", có tài, có tâm nhưng đã phải tận mắt
chứng kiến bao nhiêu biến động của thời thế, bao nhiêu ngang trái của cuộc đời để rồi ngay cả
trong lúc được trọng dụng nhất, ông đã "chán công danh bỏ khiếm việc binh, về nhàn cư bên
Tây Hồ". Hành động ấy của ông phải chăng cũng là hành động của một con người khủng hoảng
niềm tin sâu sắc để rồi tự phản tỉnh mà nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống?


Tóm lại, sự ra đời của thể ngâm khúc cùng với những đổi thay quan niệm về con người
thời trung đại đã đem đến cho thể loại này những dấu ấn riêng, nổi bật. Con người cộng đồng
phai nhạt nhường chỗ cho con người cá nhân, con người nhân văn, nhân bản với những khát
vọng sống chính đáng. Thành tựu của thể ngâm khúc đã góp phần vào thành tựu chung của
trào lưu nhân đạo chủ nghĩa cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX – một chặng đường văn học với
nhiều đỉnh cao rực rỡ.

Nhóm học viên
Hà Thị Hoài Phương - Nguyễn Thế Thạn



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×