Tải bản đầy đủ (.pdf) (78 trang)

Thế giới nhân vật trong tác phẩm tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của nguyễn nhật ánh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.12 MB, 78 trang )

LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và kết
quả nghiên cứu nêu trong đề tài là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ
một công trình nào khác.

Sinh viên

Trần Thị Trung Anh


Xin trân trọng gửi lời tri ân đến cô giáo ThS. Trần Thị Mỹ Hồng, người đã tận
tình hướng dẫn tôi thực hiện và hoàn thành đề tài này.
Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến quý thầy cô đã giảng dạy và đóng góp
những ý kiến quý báu cho tôi trong quá trình học tập.
Xin chân thành cảm ơn Khoa Sư phạm Tiểu học - Mầm non, Trường Đại học
Quảng Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi nghiên cứu.
Nhân dịp này cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất!

Sinh viên
Trần Thị Trung Anh


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ..............................................................................................................i
1. Lý do chọn đề tài .........................................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề..............................................................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...............................................................................5
3.1. Đối tượng nghiên cứu ...............................................................................................5
3.2. Phạm vi nghiên cứu ..................................................................................................5
4. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................5
5. Đóng góp của đề tài .....................................................................................................5


6. Cấu trúc của đề tài .......................................................................................................6
NỘI DUNG......................................................................................................................7
Chương 1: HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH ....7
1.1. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh ........................................................................................7
1.1.1. Vài nét về cuộc đời và quan điểm sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh .7
1.1.2. Hành trình sáng tác văn chương của Nguyễn Nhật Ánh .....................................12
1.2. Tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” .........................................................16
Chương 2: CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM “TÔI THẤY HOA VÀNG
TRÊN CỎ XANH” ..........................................................................................................19
2.1. Khái niệm nhân vật và thế giới nhân vật ................................................................ 19
2.1.1. Khái niệm nhân vật..............................................................................................19
2.1.2. Thế giới nhân vật .................................................................................................20
2.1.3. Vai trò của nhân vật trong các tác phẩm văn học...............................................21
2.2. Các kiểu nhân vật trong tác phẩm "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" ....................23
2.2.1. Nhân vật trẻ em....................................................................................................23
2.2.2. Nhân vật người lớn ..............................................................................................34
2.2.3. Nhân vật là loài vật .............................................................................................42
Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM “TÔI
THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH” ..........................................................................48
3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình................................................................................48
3.2. Nghệ thuật miêu tả hành động ................................................................................50


3.3. Nghệ thuật miêu tả nội tâm ....................................................................................53
3.4. Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.................................................................................54
KẾT LUẬN ...................................................................................................................60
TÀI LIỆU THAM KHẢO .............................................................................................62
PHỤ LỤC .....................................................................................................................65



PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Bất cứ một nền văn học nào trên thế giới cũng chứa đựng trong lòng nó một bộ
phận không thể thiếu là văn học thiếu nhi. Assen Bossev – nhà văn Bungari đã từng
nói : “những cuốn sách hay đều là người bạn đời vĩnh viễn của tuổi nhỏ; chính chúng
cho trẻ con đôi cánh để bay lên mà chinh phục cuộc sống”. Văn học thiếu nhi chính là
"món quà của một bạn nhỏ ngày xưa tặng các bạn bây giờ” (Xuân Quỳnh). Đây là
những sáng tác mà tác giả, dù là trẻ em hay nhà văn lớn tuổi, đều phải biết nhìn con
người, nhìn cuộc đời bụi bặm của chúng ta bằng con mắt trong veo và ngơ ngác của
con trẻ, phải biết hiến dâng trọn vẹn cái phần tinh tuý nhất của đời mình, của tâm hồn
mình cho trẻ. Đó là những tác phẩm văn học hàm chứa tất cả những xúc cảm và
tình cảm tinh tế, hồn nhiên của trẻ thơ, được các em thích thú, say mê và có giá trị giáo
dục, hình thành tâm hồn và nhân cách trẻ thơ. Nó có vai trò quan trọng đối với sự hình
thành và phát triển toàn diện nhân cách con người ngay từ thuở nhỏ, là hành trang cho
mỗi người trên suốt đường đời. Văn học không chỉ góp phần làm giàu có tâm hồn,
nâng cao năng lực cảm thụ cái đẹp, mà còn giúp cho lứa tuổi thiếu nhi phát triển trí
tuệ, mở rộng sự hiểu biết và hướng tới một lối sống giàu lòng nhân ái. Với những lí do
đó mà văn học về đề tài trẻ thơ là mảng đề tài cực kì quan trọng.
Văn học thiếu nhi Việt Nam từ sau cuộc kháng chiến chống Mĩ, đặc biệt từ 1986
có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng cùng với sự phát triển chung của nền văn học dân
tộc. Công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước đã thực sự đem lại một không khí mới
cho văn học nước nhà, trong đó có bộ phận văn học thiếu nhi. Sáng tác cho các em, từ
những năm đầu thời kì đổi mới đến nay, đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nổi lên
trong mảng đề tài viết cho thiếu nhi là các tác giả Duy Khán, Nguyễn Quang Sáng,
Phùng Quán, Vũ Đức Nguyên, Vi Hồng, Vũ Bảo,… giai đoạn tiếp theo có Thu Trân,
Nguyễn Nhật Ánh, Kim Hài, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trần Thiên Hương, Nguyễn Thị
Mai… Có thể nói, đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi từ đầu thời kì đổi mới đã phát
triển hùng hậu thể hiện rõ tính chuyên nghiệp của bộ phận sáng tác cho các em. Và
cũng vì vậy mà chưa bao giờ, văn học thiếu nhi Việt Nam lại phát triển phong phú như
ở thời kì này.

1


Truyện của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ là “không gian” cho tuổi thơ mà dành
cho tất cả những ai đã từng trải qua tuổi thơ. Trong buổi tọa đàm mới đây nhất về nhà
văn Nguyễn Nhật Ánh, PGS.TS Văn Giá nhận định: “Nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà
văn thiếu nhi e chừng cái danh xứng ấy trở nên chật chội với nhà văn này. Anh là
người viết nhiều, và viết hay. Anh viết cho thiếu nhi, và không chỉ thiếu nhi. Thực ra,
anh viết cho tất thảy người lớn – những người đã từng có một thuở thiếu nhi, và đang
còn giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn. Anh viết cho tất cả. Và anh thuộc về tất
cả”.[7]
Trong mỗi tác phẩm văn học không thể thiếu vắng nhân vật. Nhân vật là phương
diện quan trọng bậc nhất của tác phẩm văn học, là phương tiện cơ bản giúp người nghệ
sỹ miêu tả đời sống con người thông qua những hình tượng nghệ thuật. Do đó, nghiên
cứu văn chương từ góc độ này sẽ làm sáng tỏ nhiều điều về thể loại, trào lưu, quan
niệm văn học, phong cách sáng tạo… Như vậy, việc chiếm lĩnh các mặt giá trị của tác
phẩm sẽ khó có thể thực hiện, nếu không tìm hiểu phương diện nhân vật - một thành
quả nghệ thuật quan trọng trong sáng tác của mỗi nhà văn.
Với khối lượng sáng tác khổng lồ và hầu hết là truyện viết cho tuổi thơ và tuổi
mới lớn, nhân vật chủ yếu trong các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh là nhân vật trẻ
em. Sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh thu hút được nhiều sự quan tâm của giới chuyên
môn. Hiện nay đã có khá nhiều công trình nghiên cứu lớn nhỏ, nhưng bản thân tôi xuất
phát từ lòng yêu mến trẻ thơ, khâm phục tài năng của tác giả, yêu thích những sáng tác
của nhà văn, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Thế giới nhân vật trong tác phẩm
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh” làm vấn đề cho lí luận của
mình. Khóa luận có mong muốn mang lại cái nhìn mới về thế giới nhân vật, đồng thời
muốn chiếm lĩnh giá trị nhân văn - thẩm mỹ của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh, cũng như
lí giải sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc.
2. Lịch sử vấn đề
Từ thập niên 90 của của thế kỉ XX, tên tuổi của Nguyễn Nhật Ánh và một loạt

tác phẩm của ông xuất hiện khá nhiều trên các báo, tạp chí, các trang thông tin điện tử,
trong các cuốn sách nghiên cứu về văn học thiếu nhi Việt Nam cũng như ở cả những
tài liệu không trực tiếp liên quan đến văn học.

2


Trước hết là ở các ấn phẩm mang tính chất chuyên ngành như các sách nghiên
cứu về văn học thiếu nhi, đáng chú ý nhất là công trình Bách khoa thư Văn học thiếu
nhi Việt Nam do hai tác giả Vân Thanh và Nguyên An biên soạn. Hai tác giả đã sưu
tầm và giới thiệu một loạt các bài viết về văn học thiếu nhi Việt Nam, trong đó có
nhiều bài của các tác giả khác nhau như Lã Thị Bắc Lý, Nguyễn Hương Giang, Thu
Việt, Văn Hồng, có đề cập đến Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm của ông. Trong bài viết
của Lã Thị Bắc Lý, mặc dù vẫn trích dẫn Nguyễn Nhật Ánh và các tác phẩm của ông
như một minh họa cho các luận điểm về văn học thiếu nhi trong thời kì đổi mới nhưng
tác giả đã có nhiều đoạn mang tính chất giới thiệu, phân tích khái quát giá trị của tác
phẩm Kính vạn hoa, bộ truyện dài đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh. Thêm vào đó, tác
giả Hương Giang đã dành một bài viết để nói về Nguyễn Nhật Ánh và một loạt các tác
phẩm của nhà văn như: Cô gái đến từ hôm qua, Chú bé rắc rối.
Lê Phương Liên trong bài viết Văn xuôi và trẻ em đã nhận xét: “Nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh là một tác giả thành công với bạn đọc trẻ, anh là người có một “khóe
văn” riêng. Anh chiếm được tình cảm của hàng triệu người đọc cũng không ngoài quy
luật tự sự và đối thoại nội tâm của tuổi thơ, không ngoài sự tự phát hiện ra chất hài
hước của chính mình” [17]. Các sáng tác như Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh chính là những tác phẩm được không chỉ trẻ em
mà cả người lớn yêu thích.
Nhà nghiên cứu Vân Thanh đã từng nhiều lần nhắc đến thành công của Nguyễn
Nhật Ánh trong sáng tác dành cho thiếu nhi. Trong bài viết “Nguyễn Nhật Ánh - nhà
văn lôi cuốn trẻ thơ”, tác giả đã đề cập đến đề tài, chủ đề, nhân vật, giọng điệu và giới
thiệu khái quát về tập truyện “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Nguyễn Nhật Ánh đã

làm được một điều kì diệu, đó là đem đến cho bạn đọc trẻ thơ sự thú vị và niềm vui
háo hức mong chờ những tác phẩm tiếp theo của anh. “Và quả nhiên, Nguyễn Nhật
Ánh đã không làm bạn đọc thất vọng. Anh tiếp tục trình làng Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ. Vẫn với lối viết dí dỏm kiểu Kính vạn hoa, Tôi là Bê tô nhưng dấu ấn tâm trạng
tác giả đã in đậm nét hơn, tâm trạng của con người càng đi xa tuổi thơ càng da diết
nhớ về tuổi thơ. Đây là tập sách được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và giải
thưởng ASEAN, 2010. Cùng với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và Lá nằm trong
lá, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ… Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện sức viết bền bỉ của
mình” [18].
3


Nhà văn Lê Minh Khuê trên báo Tiền phong đã nhận xét: “Nguyễn Nhật Ánh
trong sáng từ cách nghĩ, cách cảm, từ ngôn ngữ đối thoại, từ cách miêu tả đến xây
dựng nhân vật. Tất cả đều đầy sức khơi gợi tới cái đẹp. Anh khơi dậy sự tự tin, tin vào
sức mạnh của trí tuệ, tin vào con đường của mỗi người trong đời. Tác phẩm của
Nguyễn Nhật Ánh in hàng chục ngàn bản mỗi cuốn, là sự chờ đợi háo hức như chờ đợi
người “hò hẹn” của các em. Mấy ai được hạnh phúc như anh” [15]. Nhà văn có một
khoảng trời riêng và thực sự làm chủ khoảng đất sáng tạo của mình. Đó chính là lý do
người đọc háo hức chờ đón tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh. “Mỗi cuốn truyện là
một tuổi thơ trọn vẹn, lần nào cũng như bắt đầu lại từ đầu, với những ký ức lung linh
hoa lá và những trải nghiệm khóc cười rất thật tưởng chừng không có bóng dáng của
“hư cấu văn học”. Cũng vì thế mà khó có thể xác định nhà văn viết cho về thế hệ nào,
thời đại nào. Có cảm tưởng, người đọc sau trăm năm nữa vẫn sẽ có được một Nguyễn
Nhật Ánh đồng hành với ký ức tuổi thơ của mình như thế này mà thôi” [1].
Tác giả Nguyễn Thụy Anh cảm thấy tuổi thơ của chính mình và bạn bè cũng như
thế hệ sau sẽ luôn đồng hành cùng ký ức trong mỗi cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh.
Bên cạnh các ấn phẩm trên, các bài viết về Nguyễn Nhật Ánh và các tác phẩm của ông
còn xuất hiện trên các báo như báo Lao động, Thanh niên, các tạp chí và nhiều trang
thông tin điện tử như Evan.net, Phongdiep.net,... Bộ truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ

xanh đã được dựng thành phim cho thiếu nhi, các tác phẩm khác cũng được dựng
thành phim như Cô gái đến từ hôm qua, Kính vạn hoa và một số truyện của Nguyễn
Nhật Ánh đang có dự án chuyển thể thành truyện tranh.
Luận văn Đặc điểm truyện Nguyễn Nhật Ánh của tác giả Bùi Thu Thủy đã chỉ ra
đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức trong bốn tập truyện gồm Kính vạn hoa,
Chuyện xứ Lang Biang, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ và Tôi là Bêtô. Từ những khái
quát đó, chúng ta có thể đánh giá được đóng góp và vị trí của Nguyễn Nhật Ánh trong
nền văn học thiếu nhi Việt Nam.
Từ những đánh giá, nhận xét cùng với những công trình nghiên cứu công phu
của các tác giả vừa nêu đã cho thấy sự quan tâm của độc giả, giới nghiên cứu đến
“hiện tượng” Nguyễn Nhật Ánh là không hề nhỏ. Mặc dù vậy, đến nay vẫn chưa có
công trình nào tập trung nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về “Thế giới nhân
vật trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyến Nhật Ánh”. Bởi vậy, chúng tôi
mạnh dạn đưa ra một hướng tiếp cận mới về phương diện này. Tất cả những ý kiến
đánh giá, nhận xét, những công trình khoa học nêu trên là những tư liệu quý báu giúp
chúng tôi triển khai đề tài.
4


3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là thế giới nhân vật trong tác phẩm “Tôi
thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài khảo sát tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nhà xuất bản trẻ,
2015 và một số tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản
sau:
Phương pháp phân tích – tổng hợp: Phương pháp phân tích giúp người viết chỉ

ra những biểu hiện cụ thể của hệ thống nhân vật và các biện pháp nghệ thuật đặc sắc
trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Phương pháp hệ thống: Tìm hiểu thế giới nhân vật trong tác phẩm “Tôi thấy
hoa vàng trên cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh phải đặt các phương diện của nhân vật
trong một hệ thống, chúng không tách rời, không độc lập mà nằm trong một chỉnh thể.
Phương pháp hệ thống giúp người viết hệ thống hóa các đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu
của tác phẩm.
Phương pháp so sánh: Để làm nổi bật những đặc điểm về nhân vật trong tác
phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, đồng thời góp phần khẳng định những thành
công của nhà văn, về phương diện này người viết sử dụng phương pháp so sánh. Đối
tượng được so sánh là các tác phẩm khác của các nhà văn Nguyễn Nhật Ánh như Kính
vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... Bên cạnh đó còn có các tác phẩm khác của
nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần,...
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp chuyên ngành Thi pháp học.
5. Đóng góp của đề tài
Về mặt lí luận: Với đề tài này, người nghiên cứu sẽ làm nổi bật nét đặc sắc về thế
giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên
cỏ xanh” của Nguyễn Nhật Ánh.
Về mặt thực tiễn: Đề tài góp phần vào việc tiếp nhận, tìm hiểu, nghiên cứu thế
thế giới nhân vật, qua đó là tài liệu quý cho giáo viên, sinh viên, quý bậc phụ huynh
quan tâm và tham khảo.
5


6. Cấu trúc của đề tài
Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của đề tài được
thể hiện trong 3 chương:
Chương 1: Hành trình sáng tạo của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Chương 2: Các kiểu nhân vật trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng

trên cỏ xanh”

6


NỘI DUNG
Chương 1: HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO CỦA NHÀ VĂN
NGUYỄN NHẬT ÁNH
1.1. Tác giả Nguyễn Nhật Ánh
1.1.1. Vài nét về cuộc đời và quan điểm sáng tác cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07/05/1955 tại xã Bình Quế, huyện
Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây có vùng cát mênh mông trắng xóa, vùng đất
chịu nhiều thiệt thòi, gian khó bởi thời tiết khắc nghiệt, nhưng bù lại cũng được thiên
nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp hấp dẫn, phong cảnh kì thú, đặc sản tươi ngon:
Quảng Nam có lụa Phú Bông
Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn
Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi.

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa uống đã say.
Có thể nói, mảnh đất Quảng Nam với các đặc trưng văn hóa riêng đã in sâu vào
tâm hồn nhà văn, để rồi đi vào các sáng tác của ông một cách tự nhiên và sâu lắng.
Một tuổi thơ với miền kí ức xa xăm nhưng không thể phai mờ dần trở lại trong các
sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. Nếu như không có quê hương với xóm làng và tuổi
thơ nhiều trải nghiệm, chắc thật khó để Nguyễn Nhật Ánh có thể viết được những
trang sách hay đến thế về tuổi thơ nơi miền quê nghèo dân dã. Theo những chia sẻ của
ông, ông chỉ sống ở ngôi làng Đo Đo, Bình Quế khoảng 8 năm nhưng nó đã trở thành
một miền kí ức rực rỡ và tươi đẹp nhất: “Tôi xa quê hương, gia đình từ rất sớm – do
đó nỗi nhớ xứ sở trong tôi bao giờ cũng vẹn nguyên và rực rỡ. Như một người đánh

mất tuổi thơ sớm nên khi cầm bút viết về tuổi thơ mới lớn là biết bao kỉ niệm ùa về,
xúc cảm cứ tràn vào trang viết”. Một lần khác Nguyễn Nhật Ánh viết: “Tôi là nhà
văn. Nên tôi thỏa nỗi nhớ quê của mình theo cách của người hành nghề con chữ.
Những kỉ niệm những vùng đất những gương mặt bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên
trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. Đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn tự hỏi:
7


có phải đó là nguyên nhân sâu xa khiến tôi trở thành nhà văn chuyên viết cho tuổi thơ
– một thế giới lung linh mà một kẻ tha hương không nguôi nhớ đến và tìm mọi cách
tái tạo trong những trang viết của mình” [25, tr 10].
Dường như quê hương và tuổi thơ chính là chất xúc tác đầu tiên, là cơ duyên đưa
Nguyễn Nhật Ánh trở thành một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Khi viết, nhà văn
như đang trở về với chính mình, chìm trong những cảm xúc của bản thân. Ở đâu đó,
những câu chuyện của tuổi học trò như chính một phần kí ức của nhà văn, là phần hòa
quyện của trí tưởng tượng sáng tạo và những chi tiết có thực của đời sống, là sự “nhập
nhằng” của quá khứ và hiện tại. Trên trang facebook cá nhân của mình, ông đã có
nhiều bài viết chia sẻ về cảm xúc khi quay lại miền quê xưa, gặp lại những con người
xưa. Trong những chia sẻ đó, ta bắt gặp hình ảnh của một cậu bé tinh nghịch, hồn
nhiên, giàu cảm xúc và tinh ý. Một trong những phẩm chất của cậu bé tinh nghịch
ngày nào đó là sự say mê với những trang sách: “Thuở bé tôi rất mê đọc sách. Tôi bị
quyến rũ bởi các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, đắm chìm
trong những trang sách của Edmonnd de Amicis, Victo Huygo, Hector Ma lot, và tôi
mơ ước sau này mình sẽ trở thành một nhà văn” [25, tr. 14]. Dường như những phẩm
chất ấy cũng góp phần làm nên một nhà văn sau này. Được trải nghiệm với những vốn
sống và cảm xúc phong phú chính là đôi cánh cho tâm hồn mỗi con người được thăng
hoa và sáng tạo.
Thuở nhỏ, Nguyễn Nhật Ánh theo học trường Tiểu La, sau đó tiếp tục học tại
trường Trần Cao Vân và Phan Chu Trinh tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Ở đây ông theo
học khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất ông tiếp

tục cuộc sống tự lập, kiếm sống bằng nhiều nghề ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó có lẽ
cũng là một trải nghiệm đáng quý đối với nhà văn. Những biến động của lịch sử đất
nước, những năm tháng bươn chải mưu sinh đã giúp nhà văn có thêm sự trưởng thành
và vững vàng. Năm 1976, sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Nhật Ánh tình nguyện
tham gia phong trào thanh niên xung phong do không thể xin việc vì lí do gia đình.
Đây là một biến cố có thể để lại những bất mãn, những tổn thương nhưng với ông nó
lại trở thành một cơ hội để bản lĩnh của ông được tôi rèn. Nhà văn chia sẻ: “Môi
trường thanh niên xung phong đã rèn luyện cho tôi thành một con người biết vượt khó,
có nghị lực, luôn yêu đời. Nó giúp cho con người sáng tác của tôi có một niềm tin và
cái nhìn trong trẻo với cuộc sống. Nếu không có thời gian đi Thanh niên xung phong
8


thì không hẳn tôi đã có những trang viết tươi tắn như bây giờ” [25, tr. 18]. Có lẽ với
Nguyễn Nhật Ánh, những thử thách chính là cơ hội để nhà văn vươn lên. Ông luôn tìm
thấy niềm tin và hướng đi đúng đắn cho bản thân, luôn hướng tới những điều tốt đẹp,
luôn tự đấu tranh để thanh lọc tâm hồn mình.
Những năm 80, Nguyễn Nhật Ánh về làm công việc dạy học. Quãng thời gian
đứng trên bục giảng của ông không nhiều nhưng là khoảng thời gian nhà văn được
tiếp xúc với các em thiếu nhi, được gắn bó với tuổi học trò. Nếu chỉ có kỉ niệm tuổi
thơ của bản thân thôi có lẽ chưa đủ để ông hiểu biết sâu sắc, am hiểu tường tận tâm lý
lứa tuổi, để rồi viết lên những trang văn về học trò một cách trong trẻo và chân thực
đến thế. Chính những năm tháng dạy học rồi chuyển qua làm công tác Đoàn, ông đã
quan sát, lắng nghe và thấu hiểu hơn lứa tuổi tươi đẹp nhất mà cũng ẩm ương nhất
đấy. Những trang viết của nhà văn trong thời gian này vừa có tính giáo dục cao lại vừa
nhẹ nhàng, hồn nhiên, mang tính hướng thiện.
Từ năm 1986 đến nay, Nguyễn Nhật Ánh làm phóng viên nhật báo Sài Gòn Giải
Phóng ngoài ra ông còn là một bình luận viên thể thao xuất sắc. Trong cương vị một
nhà báo, ông nhanh chóng khẳng định được khả năng của mình. Bên cạnh đó ông vẫn
tiếp tục viết văn thậm chí viết nhiều và số lượng ấn bản đạt tới kỉ lục. Công việc của

một nhà báo tuy bận rộn và có cường độ lao động cao nhưng lại giúp cho ông có thể đi
nhiều nơi, gặp gỡ nhiều con người với nhiều góc nhìn trải nghiệm mới. Vì vậy nó đã
hỗ trợ cho việc viết văn của ông tốt hơn, đưa nhà văn tới gần đời sống hằng ngày hơn.
Nguyễn Nhật Ánh luôn khẳng định mình có cái tạng phù hợp với văn học thiếu
nhi. Dường như trong ông luôn có sẵn “đứa trẻ con” nào đó, bất kể tuổi tác thật sự của
ông. Ông là một người vui tươi, dí dỏm, thích đùa, luôn có nét tinh nghịch, dễ thương.
Ngoài cái “tạng” trời cho để phù hợp với tuổi học trò thì cũng phải kể đến chính tính
cách và sự nuôi dưỡng tâm hồn của tác giả đã giúp ông luôn giữ được giọng văn hồn
nhiên, trong trẻo, gần gũi với tuổi học trò.
Nguyễn Nhật Ánh đã làm nhiều công việc, ở những vị trí khác nhau. Chính
những công việc ấy cũng đã giúp ông hình thành nên vốn sống, tạo ra chất liệu để
sáng tạo. Song một phần khác là ở thái độ lao động nghiêm túc và trách nhiệm của
ông. Khi dạy học, làm công tác đoàn hay có thể ngay từ những ngày còn học sư phạm,
nhà văn đã được tiếp xúc với các bạn trẻ, có kĩ năng nghiệp vụ sư phạm để gần gũi
tuổi “thần tiên”. Không những vậy, chính ông đã đăng kí học một lớp tiếng Anh buổi
9


tối để có thêm dịp tiếp xúc với các bạn ở lứa tuổi học trò. Ông dành khá nhiều thời
gian để quan sát, tâm tình trò chuyện với các bạn trẻ quanh ông, với chính con gái và
các bạn của con. Ông còn sưu tầm toàn bộ sách giáo khoa từ lớp 1 tới lớp 12 để đọc,
để hiểu, để chia sẻ nhiều hơn với các bạn. Có lẽ chính thái độ chủ động, nghiêm túc và
chuyên nghiệp đó của nhà văn đã khiến cho các tác phẩm của ông dù viết chung về
một đề tài cũng không bao giờ cũ, vẫn luôn được đông đảo bạn đọc chú ý và đón
nhận. Ông viết về tuổi học trò bằng tâm tình của một người trong cuộc chứ không phải
bằng cảm nhận của một người lớn đứng bên ngoài thế giới đó rồi quan sát mà viết.
Như vậy, thành công của ông là thành công của một nghệ sĩ chân chính, lao động nghệ
thuật nghiêm túc, luôn tâm huyết và trách nhiệm với nghề chứ không chỉ là cơ duyên
của nhà văn với mảng văn học thiếu nhi.
Quan điểm sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh: “Trong con người tôi luôn có một

đứa trẻ con. Khi tôi lớn lên, khi tôi già đi, đứa trẻ con trong tôi không chịu lớn và làm
sao để nuôi dưỡng đứa trẻ con đó trong con người là một điều không dễ lý giải và tôi
nghĩ đó là quà tặng của số phận. Đứa trẻ con đó đã nuôi tôi và biết đâu một ngày nào
đó đứa trẻ con đó… già đi thì không biết tôi làm sao sống được”… Đó là chia sẻ của
nhà văn khi trả lời phỏng vấn trên báo Tuổi trẻ ra ngày 24/11/2013 với nhan đề
“Nguyễn Nhật Ánh: Trong tôi luôn có một đứa trẻ”. Lời chia sẻ cho thấy sự chân
thành và tâm huyết. Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận mình may mắn có được cơ duyên
với lứa tuổi học trò, với văn học thiếu nhi. Và với Nguyễn Nhật Ánh, ông luôn biết ơn
vì điều đó. Đó chính là thái độ trân trọng với nghề, là tấm lòng của một nghệ sĩ thực
thụ dành cho nghề của mình. Ông không che giấu tình yêu dành cho nghề viết văn,
niềm hạnh phúc được viết của mình: “Nếu bây giờ tôi kiếm được rất nhiều tiền mà
không bằng nghề mình yêu thích, có lẽ tôi không cảm thấy hạnh phúc thực sự” [25, tr.
14]. Cũng bởi với Nguyễn Nhật Ánh, nghề là đam mê chứ không chỉ là phương tiện
mưu sinh, thế nên sống bằng nghề là một hạnh phúc, được sống bằng nghề đó là một
niềm vui mà không dễ gì đánh đổi được. Sự đam mê và tình yêu dành cho nghề đã
biến nhà văn thành người “không có Chủ nhật”, “người mê công việc” như bạn bè ông
thường gọi. Nguyễn Nhật Ánh suy nghĩ về nghề rất nghiêm túc. Ông luôn khẳng định
yêu nghề là tiêu chí đầu tiên của một người làm nghề, nhưng đặc biệt hơn với văn
chương người ta không nên mưu cầu danh lợi mà trước hết phải viết như một sự thôi
thúc từ bên trong nội tâm mình. Có thế tác phẩm mới có giá trị: “tiền bạc đối với một
nhà văn nếu có chỉ là cái đến sau. Nếu để kiếm tiền, không ai chọn nghề viết văn. Khi
10


ngồi vào bàn viết, nhà văn chỉ tìm kiếm một thứ duy nhất: những ý tưởng. Tôi rất
thích một câu không biết của ai: lợi và danh đi trước sáng tác là một tai họa, đi song
hành với sáng tác là một cản trở còn đến sau sáng tác là hợp quy luật” [25, tr. 17].
Nghĩa là nhà văn hãy cứ cống hiến đi, cứ như con tằm rút ruột nhả tơ đi, anh sẽ được
trả công xứng đáng. Còn nếu cầm bút đã vì những toan tính thì thường lại ít khi đạt
được thành công. Chính quan điểm nghiêm túc và đúng đắn này đã giúp ông ghi được

tên tuổi của mình trong lòng bạn đọc, gặt hái được những thành công nhất định.
Nguyễn Nhật Ánh khi cầm bút rất chú trọng tới độc giả. Ông cho rằng đó là đối
tượng quan trọng nhất trong quá trình sáng tác của mình. Ông luôn tâm niệm văn học
thiếu nhi là không chỉ viết về thiếu nhi mà phải là thực sự viết cho thiếu nhi, phải làm
sao để “trẻ em khen hay, phụ huynh khen tốt” nghĩa là có cả tính giáo dục và cả tính
thẩm mĩ phù hợp với tâm lý lứa tuổi của trẻ em. Ông hiểu được trọng trách trên mỗi
trang văn của mình sao cho phải trở thành một “trụ đỡ tinh thần” cho các em mà vẫn
phải tránh được mọi sự “gượng gạo và áp đặt”. Ông hiểu rằng nghề viết văn cũng
giống như nhiều nghề khác trong xã hội nhưng nó khác ở chỗ nó còn mang một “sứ
mệnh” đó là: “là một nhà văn chuyên tâm viết cho thiếu nhi, tôi nghĩ công việc của tôi
là giúp cho các bạn đọc trẻ giàu có cảm xúc hơn, qua đó sống tốt hơn” [25, tr. 9].
Nguyễn Nhật Ánh ý thức được những khó khăn của văn học thiếu nhi trong một thời
đại mới. Nhưng càng khó khăn, nhà văn càng cần phải nỗ lực: “Trong tình hình các
em chơi nhiều hơn đọc, đọc truyện tranh nhiều hơn truyện chữ, đọc truyện dịch nhiều
hơn truyện trong nước, tôi nghĩ nhà văn viết cho thiếu nhi phải cố viết làm sao để thu
hút các em đến với sách, đến với truyện chữ, đến với văn học Việt Nam. Tôi tin rằng
đó là một cuộc chiến đấu mang ý nghĩa xã hội, một cuộc chiến không cân sức nhằm
thử thách tinh thần trách nhiệm của nhà văn” [25, tr. 9]. Thực hiện chức năng giáo
dục của văn chương nhưng không được đánh mất đi tính thẩm mĩ. Từ chỗ xác định
được đối tượng của mình, Nguyễn Nhật Ánh xác định phương thức tiếp cận và lựa
chọn kĩ thuật viết sao cho phù hợp. Viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi nhà văn phải
cố giữ cho được cái trong trẻo và giản dị của mình, vì thế: “những thủ pháp nghệ
thuật được vận dụng trong các tác phẩm viết cho người lớn không phải bao giờ cũng
tìm thấy chỗ đứng thích hợp trong các tác phẩm viết cho trẻ em” [25, tr. 21]. Nguyễn
Nhật Ánh đã tìm ra chiếc chìa khóa để bước vào thế giới trẻ thơ đó chính là “sự nhạy
cảm đặc biệt của chính mình”.

11



Bí quyết thành công của Nguyễn Nhật Ánh có lẽ chính là dồn toàn bộ tâm trí cho
mỗi trang sách. Mỗi khi viết, nhà văn như bỏ lại phía sau lưng mình những bụi bặm
của cuộc sống để có thể giữ được sự trong trẻo thong dong: “Tôi có thể viết trong
không khí ồn ào, náo nhiệt lẫn yên tĩnh. Thậm chí tôi có thể gác việc viết lách sang
một bên để trả nợ một bài báo hoặc giải quyết một công việc gấp rút nào đó. Tuy vậy
khi ngồi vào bàn sáng tác tôi hoàn toàn sống trong thế giới của riêng mình” [25, tr. 9].
Như vậy, có thể thấy Nguyễn Nhật Ánh có một quan niệm sáng tác đúng đắn. Và
suốt hành trình sáng tác của mình, ông đã nỗ lực giữ vững quan điểm sáng tác ấy. Có
lẽ chính sự nghiêm túc, bền bỉ đó đã đưa nhà văn đến được thành công của ngày hôm
nay.
1.1.2. Hành trình sáng tác văn chương của Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu sáng tác từ khá sớm, khoảng những năm nhà văn 13
tuổi ông đã có những tác phẩm đầu tay. Được biết đến với các bút danh như Anh Bồ
Câu với chuyên mục gỡ rối tơ lòng cho tuổi mới lớn, Chu Đình Ngạn khi bình luận thể
thao, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông,… nhưng có lẽ cái tên Nguyễn Nhật Ánh
là cái tên để lại dấu ấn trong lòng độc giả hơn cả. Tính tới thời điểm này, trong mảng
văn học thiếu nhi hiện đại khó có tác giả nào có thể vượt qua được Nguyễn Nhật Ánh
về số lượng đầu sách, số lượng bản in các tác phẩm văn học thiếu nhi cũng như các
giải thưởng.
Trước khi viết văn, Nguyễn Nhật Ánh được biết đến như một nhà thơ, trong đó
có bài thơ nổi tiếng của ông đã được phổ nhạc là bài Thành phố tình yêu và nỗi nhớ.
Tính đến nay ông đã có 5 tập thơ được xuất bản là: Thành phố tháng 4 (in cùng Lê Thị
Kim), Đầu xuân ra sông giặt áo, Thơ tình Nguyễn Nhật Ánh, Tứ tuyệt cho nàng và Lễ
hội của đêm đen. Ngoài thơ, ông đã từng thử sức viết ở các thể loại khác nhau. Ông
từng viết theo đơn đặt hàng của Nxb Kim Đồng về đề tài thanh niên xung phong.
Nhưng cuối cùng tác phẩm của ông không được in vì không thực sự có chất lượng.
Chỉ khi đến với mảng văn học thiếu nhi với tác phẩm đầu tiên được xuất bản là
Trước vòng chung kết (xuất bản năm 1985), Nguyễn Nhật Ánh mới khẳng định được
sở trường của mình. Từ đây ông được biết đến như một nhà văn thiếu nhi với gia tài
sáng tác đáng nể:

- Trước vòng chung kết (truyện dài 1985)
- Cú phạt đền (truyện dài, 1985)
12


- Chuyện cổ tích dành cho người lớn (Tập truyện, 1987)
- Bàn có năm chỗ ngồi (truyện dài, 1987)
- Còn chút gì để nhớ (truyện dài, 1988)
- Bí mật của một võ sĩ (tập truyện, 1989)
- Cô gái đến từ hôm qua (truyện dài, 1989)
- Nữ sinh (truyện dài, 1989)
- Chú bé rắc rối (truyện dài, 1989)
- Thiên thần nhỏ của tôi (truyện dài, 1990)
- Phòng trọ ba người (truyện dài, 1990)
- Mắt biếc (truyện dài, 1990)
- Thằng quỷ nhỏ (truyện dài, 1990)
- Hoa hồng xứ khác (truyện dài, 1991)
- Hạ đỏ (truyện dài, 1991)
- Bong bóng lên trời (truyện dài, 1991)
- Bồ câu không đưa thư (truyện dài, 1993)
- Những chàng trai xấu xí (truyện dài, 1993)
- Trại hoa vàng (truyện dài, 1994)
- Út Quyên và tôi (truyện dài, 1995)
- Đi qua hoa cúc (truyện dài, 1995)
- Buổi chiều Windows (truyện dài, 1995)
- Quán gò đi lên (truyện dài, 1999)
- Những cô em gái (truyện dài, 2000)
- Ngôi trường mọi khi (truyện dài, 2001)
- Tôi là Bêtô (truyện, 2007)
- Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (truyện, 2008)

- Đảo mộng mơ (truyện dài, 2009)
- Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (truyện dài, 2010)
- Lá nằm trong lá (truyện dài, 2011)
- Có hai con mèo nằm trên cửa sổ (truyện dài, 2012)
- Sương khói quê nhà (tạp văn, 2012)
- Ngồi khóc trên cây (truyện dài, 2013)
- Chúc một ngày tốt lành (truyện dài, 2014)
13


- Bảy bước tới mùa hè (truyện dài, 2015)
- Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng (truyện dài, 2016)
- Ngày xưa có một chuyện tình (truyện dài, 2016)
Ngoài ra còn có 2 tập truyện dài kỳ là tập Kính vạn hoa (54 tập, trong đó có 45
tập được in trong khoảng từ năm 1995 – 2002) và tập Chuyện xứ Lang Biang (4 tập in
trong khoảng 2004 – 2006), cuốn tạp văn Người Quảng đi ăn mì Quảng (2012),
Thương nhớ Trà Long (2014), bộ truyện tranh cho thiếu nhi Bim và những chuyện kì
thú (1998). Có thể nói với 5 tập thơ, trên 30 tập truyện và truyện dài, 2 cuốn tạp văn
và 3 bộ truyện lớn, ông đã có một gia tài tác phẩm lớn thể hiện sức sáng tạo, khả năng
lao động và sự chăm chỉ, cần mẫn trên mỗi trang sách của mình.
Nguyễn Nhật Ánh còn sở hữu những giải thưởng như: Văn học trẻ hạng A năm
1990 với tác phẩm Chú bé rắc rối do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí
Minh trao tặng, giải nhà văn yêu thích trong 20 năm từ 1975 – 1995 qua cuộc bình
chọn của bạn đọc do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ
chức; Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn tiêu biểu
giai đoạn 1975 – 1995; năm 1998 Nguyễn Nhật Ánh được trao giải thưởng tác giả có
sách bán chạy nhất do NXB Kim Đồng trao tặng, giải thưởng Vì thế hệ trẻ cho bộ
truyện Kính vạn hoa vào năm 2003 do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí
Minh trao tặng; Kính vạn hoa còn được bầu chọn là 10 cuốn sách được yêu thích nhất
do Ban văn học Thiếu nhi Hội nhà văn Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, nxb Kim

Đồng, Nxb Trẻ và Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em phối hợp tổ chức; Cho tôi xin
một vé đi tuổi thơ được giải thưởng cuốn sách hay nhất của năm 2007 do báo Người
Lao động bình chọn và Hội Nhà văn trao giải thưởng sách hay; đến năm 2010 cuốn
sách này giành được giải thưởng Văn học ASEAN; … Những giải thưởng này ở
những quy mô khác nhau, có những giải thưởng là của giới nghiên cứu phê bình
nhưng cũng có những giải thưởng là bình chọn của bạn đọc, có giải thưởng trong nước
và có giải thưởng quốc tế. Điều đó một lần nữa minh chứng cho tài năng của Nguyễn
Nhật Ánh, cho khả năng sáng tạo và không ngừng tìm tòi của ông.
Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh còn được dịch ra tiếng nước ngoài như Mắt
biếc được dịch sang tiếng Nhật, Cô gái đến từ hôm qua được dịch ra tiếng Nga và trở
thành tài liệu học tiếng Việt cho người Nga, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được dịch
sáng tiếng Thái, tiếng Anh và tiếng Hàn để xuất bản tại Thái và Hàn. Điều đó cho thấy
14


sức hấp dẫn của các tác phẩm không chỉ với độc giả trong nước mà còn có thể “xuất
khẩu văn chương” đến với bạn đọc nước ngoài. Nguyễn Nhật Ánh đã cạnh tranh thành
công với các tác phẩm văn học dịch, thậm chí ông còn có cuộc “phản công” ngược trở
lại, mang sáng tác của mình đến với bạn bè thế giới.
Không những vậy, các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đang được nhiều đạo diễn
chú ý. Bộ phim truyền hình Kính vạn hoa đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ
các khán giả nhí mà cả ở những người đã qua tuổi “nhí”. Bộ phim điện ảnh “Tôi thấy
hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn
Nhật Ánh đã tạo nên một kỉ lục phòng vé vào thời điểm bộ phim ra đời, thu hút được
sự chú ý của dư luận.
Các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh có thể chia làm 2 nhóm: một nhóm là các
sáng tác dành cho tuổi học trò mà ở đây là lứa tuổi cấp 3 với các tác phẩm như Ngôi
trường mọi khi, Cô gái đến từ hôm qua, Bong bóng lên trời, Bồ câu không đưa
thư,…Các tác phẩm này thường thể hiện tâm lý lứa tuổi khá chân thực. Đó là
những rung động đầu đời, những phức tạp của tuổi mới lớn. Nhà văn đã khéo léo thể

hiện những cảm xúc mong manh và trong trẻo, những nỗi buồn, niềm tiếc nuối man
mác,… Nhóm thứ 2 là các sáng tác dành cho lứa tuổi từ cấp 2 trở xuống. Ở nhóm này,
ông chủ yếu miêu tả các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, các câu chuyện trường lớp, quá
trình khám phá thế giới qua đôi mắt trong trẻo hồn nhiên của tuổi thơ. Trên những
trang sách của ông, dường như ai cũng gặp lại tuổi thơ của chính mình với những trò
nghịch ngợm, những toan tính, suy nghĩ còn non nớt,… Những cuốn sách của Nguyễn
Nhật Ánh giống như một cuốn Bách khoa toàn thư về thế giới trẻ em. Ngoài ra, ông
còn có một bộ truyện viết cho tuổi nhi đồng là bộ truyện Bim và những chuyện kì thú
với nhiều chi tiết ngộ nghĩnh gợi ra những bài học giáo dục ý nghĩa mà nhẹ nhàng.
Nguyễn Nhật Ánh khi in các tác phẩm của mình thường gọi tên nó là truyện dài,
truyện chứ không xếp nó là tiểu thuyết hay truyện ngắn. Thuật ngữ truyện dài chưa có
nhiều định nghĩa như truyện ngắn hay tiểu thuyết. Có thể hiểu truyện dài là những tự
sự có quy mô lớn hơn truyện ngắn nhưng chưa đồ sộ như tiểu thuyết. Chúng ta nhận
thấy các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh khó có thể nói đó là những truyện ngắn vì
không chỉ ở dung lượng câu chữ mà còn ở cách phản ánh hiện thực. Truyện ngắn
thường phản ánh hiện thực trong một lát cắt chứ ko phải một quá trình. Nhưng ở
truyện của Nguyễn Nhật Ánh ta thấy rõ được cả một tiến trình câu chuyện. Do đó nó
15


chắc chắn không phải là những truyện ngắn. Với quy mô các tác phẩm của Nguyễn
Nhật Ánh có nhiều truyện có dung lượng tương đương với các tiểu thuyết đương đại.
Song tác giả lại không định danh tác phẩm của mình là tiểu thuyết có lẽ vì kết cấu tác
phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thường đơn giản hơn. Câu chuyện có thể kéo dài theo
một diễn tiến nhưng thường được chia nhỏ thành các câu chuyện bé hơn. Bản thân
cách viết này phù hợp với văn học thiếu nhi.
Như vậy, có thể thấy hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu từ khá
sớm, đã từng đi qua nhiều thể loại với những thử nghiệm khác nhau. Song cuối cùng
tài năng của ông được khẳng định ở mảng truyện viết cho thiếu nhi mà chủ yếu là
truyện dài (có quy mô nhỏ hơn hoặc gần bằng tiểu thuyết). Các sáng tác của ông đã

được vinh danh ở nhiều giải thưởng khác nhau, cũng đã được dịch sang tiếng nước
ngoài, được chuyển thể thành phim. Ở đâu, trong lĩnh vực nào Nguyễn Nhật Ánh cũng
được đánh giá cao. Ông được xem là một nhà văn viết cho thiếu nhi tiêu biểu cho giai
đoạn văn học sau 1975. Nhà văn có một sức viết dồi dào, khả năng sáng tạo phong
phú và đặc biệt là tinh thần lao động nghiêm túc, bền bỉ.
1.2. Tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là tác phẩm nằm trong loạt các sáng tác mới nhất
của nhà văn viết theo lối văn hóm hỉnh, dí dỏm mà đựng đầy những kỉ niệm về tuổi
thơ. Tác phẩm lần đầu xuất bản tại Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 2010 bởi “Nhà
xuất bản trẻ”, cùng với những hình ảnh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện.
Cuốn sách đã được nhận giải thưởng ASEAN và là một trong những tác phẩm hay
nhất về tuổi học trò. Hơn 300 trang sách ấy đã mang đến cho người đọc rất nhiều cảm
xúc, vui buồn xen lẫn với nhau. Ngoài ra “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã được
đạo diễn Victor Vũ cảm nhận và chuyển thành một bộ phim có ý nghĩa sâu sắc, được
mọi người đón nhận cũng không kém gì cuốn sách ấy.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Thiều - một học sinh lớp 7 sống ở vùng quê
nghèo cùng với người em trai tên Tường, là một cậu bé dễ thương, hiền lành, rất yêu
mến anh trai và rất thích chơi đùa cùng các loài động vật, thường say mê những câu
chuyện cổ tích, đặc biệt là Cóc Tía. Thiều là một người hướng ngoại, tinh quái, nhiều
16


lần khiến em mình chịu những tai họa nhưng lại rất thương em. Về gần cuối câu
chuyện Thiều thích một cô gái cùng lớp nhưng lại lớn hơn mình một tuổi tên là Mận.
Mận xinh xắn, ngây thơ nhưng lại học không được tốt do phải chăm sóc người cha
mắc bệnh phong bị mẹ giam trên gác nhà. Lại một nhân vật khác tên Đàn, chú Đàn là
em trai của ba Thiều, bị mất một cánh tay do tai nạn nhưng vẫn yêu đời và thường kể

chuyện cho hai anh em Thiều, Tường nghe. Nỗi muộn phiền duy nhất của chú là ở
chuyện tình trắc trở do cánh tay cụt gây ra. Chú đang yêu chị Vinh – một cô gái cùng
xóm, lại là con gái thầy chủ nhiệm lớp Thiều, người thầy mà lúc nào Thiều cũng sợ
chết khiếp. Nhiều chuyện liên tiếp xảy ra. Khi căn gác nhà Mận bị bốc cháy, Mận suy
sụp hoàn toàn bởi chịu cú sốc lớn từ gia đình. Thiều đã giúp đỡ Mận trong lúc khó
khăn nhất và đưa cô bé về ở chung với mình. Về sau, chú Đàn và chị Vinh cùng dắt
nhau bỏ trốn vì không nhận được sự chấp thuận của hai gia đình cùng với những tai
họa khác nhau mà Thiều đã gây ra cho Tường. Mận sau đó được mẹ đón đi tìm cha và
Thiều lại tận tình chăm sóc cho Tường sau những rủi ro mà chính Thiều gây ra cho
em. Một hôm, Thiều mừng rỡ khi hay tin em mình tỉnh dậy, và được nghe em kể
chuyện về nàng công chúa. Nàng công chúa ấy là Nhi – con một người mổ lợn trong
làng. Người làng lầm tưởng Nhi đã chết sau vụ tai nạn ba năm trước nhưng đã có vấn
đề về thần kinh. Sự nôn nóng muốn gặp Nhi càng làm cho Tường quyết tâm tập đi lại.
Một ngày nọ hai anh em nhìn thấy Nhi đang bị đám trẻ trong làng bắt nạt, Tường đã
dùng hết sức bằng chính đôi chân mình để bảo vệ Nhi. Kì diệu thay, nghĩa cử này lại
giúp cô bé nhớ ra mọi chuyện và trở lại bình thường. Ngoài ra câu chuyện còn xuất
hiện các nhân vật khác như ba mẹ của Thiều, thầy chủ nhiệm, thằng Sơn, bạn Xin,...
Họ đều giúp ta mở ra chân trời mới và biết yêu thương nhau, biết trân trọng tuổi thơ
của mình nhiều hơn.
Có thể nói, 81 chương trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là 81 toa tàu nhỏ
chất chứa những câu chuyện nhỏ nhặt, chậm rãi và tinh khôi của những đứa trẻ giữa
khung cảnh thôn quê thân thuộc, thanh bình. Ở toa tàu này ta gặp những câu chuyện
hài hước, vui nhộn của cậu nhóc Tưởng đi làm chim xanh cho chú Đàn, hay chuyện lá
thư tình đầu đời của Thiều. Ở những toa khác ta lại gặp những câu chuyện ngậm ngùi
thương xót vì cha của bé Mận bị bạo bệnh đã bỏ nhà ra đi vì không muốn liên lụy tới
vợ con. Hay chuyện ông Tám Tàng giả điên làm vua vì đứa con gái tâm thần luôn nghĩ
mình là công chúa. Ai đã đọc rồi dù muốn quên đi cũng rất khó, đó là sự đan xen giữa
cảm xúc của các nhân vật, để rồi kết thúc là nụ cười nhẹ nhàng và mắt ướt.
17



Tuy tác phẩm này không có nhiều tình tiết gay cấn thế nhưng điều đặc biệt mà tác
phẩm này đem lại là trên cốt truyện hết sức đơn giản, nhà văn đã xây dựng được
những nhân vật hết sức gần gũi, khiến cho bạn đọc rất dễ đồng cảm, có khi còn ngẩn
ngơ không biết mình đã hòa vào câu chuyện cùng nhân vật lúc nào không hay. Có lẽ
bởi khi ta mở cuốn sách ra ta đã thấy hiện ra ngay trước mắt một thế giới trẻ thơ hồn
nhiên, ngây ngô với những suy nghĩ nhẹ nhàng, giản dị nhưng cũng thật sâu sắc.Với
giọng điệu dí dỏm cùng những áng văn đáng yêu quen thuộc, dân dã và đôi lúc cao
trào, cả tác phẩm đã đem đến cho độc giả một sự ngạc nhiên lớn khi đi suốt từ bất ngờ
này đến bất ngờ khác, hơn thế là luôn gợi ra những kí ức trẻ thơ trong trẻo. Đến với
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, ta thấy ở đó một chất văn nhẹ nhàng, những ngôn
từ mộc mạc mà quá đỗi gần gũi, nhà văn đã một lần cho ta được trở về tuổi thơ , nơi
tiếng cười được mãi vang lên cùng với bao ước mơ cháy bỏng, bao yêu thương hạnh
phúc mà không có một chút lo toan, muộn phiền.
***
Nguyễn Nhật Ánh được bạn đọc yêu mến không chỉ bởi nhà văn đã nói rất đúng,
rất tài về thiếu nhi, làm cho các em cảm thấy gần gũi, thân thiết, mà còn bởi nhà văn
đến với thiếu nhi bằng tình yêu thương, trân trọng thật lòng. Ông không chỉ là nhà
văn, ông còn là người bạn, nhà tâm lí, nhà giáo dục. Quan niệm sáng tác của Nguyễn
Nhật Ánh không chỉ thể hiện tâm huyết của nhà văn dành cho tuổi thơ mà còn thể
hiện nhận thức đúng đắn về vai trò của “nghề văn” trong việc chuẩn bị cho các em
những hành trang cần thiết để tự tin bước vào đời. Không chỉ chú trọng đến cuộc
sống thực tế, Nguyễn Nhật Ánh còn bồi dưỡng tâm hồn cho các em, nuôi dưỡng bản
chất hồn nhiên, khiến cho các em giữ được ước mơ, biết quan tâm đến ông bà, cha
mẹ, anh chị, quan tâm đến bạn bè,...
Mỗi câu chuyện trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đều là một lời
tâm tình nhẹ nhàng, mộc mạc và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng không ngoại
lệ. Đọc tác phẩm, ta như tìm lại một khoảng trời để nhớ, để mong trong một cuộc sống
hiện đại này. Quả thật nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không làm ta thất vọng bởi cách dẫn
dắt khiến ta được trở lại cái bối cảnh yên bình của làng quê với tiếng sáo diều vi vu,

với những trò chơi dân gian quen thuộc, để rồi qua những nhân vật trong tác phẩm, ta
cảm nhận được tình cảm, sự yêu thương giữa anh em, bạn bè, làng xóm hay là tình yêu
nỗi nhớ, là cái ác, cái phản diện trong đời sống thường ngày…Và rồi từ đó ta chợt
nhận ra tuổi thơ của mình qua những trang giấy thơm tho ngập tràn cảm xúc.
18


Chương 2
CÁC KIỂU NHÂN VẬT TRONG TÁC PHẨM
“TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH”
2.1. Khái niệm nhân vật và thế giới nhân vật
2.1.1. Khái niệm nhân vật
Trong tác phẩm văn học, xây dựng nhân vật là vấn đề rất quan trọng mà nhà văn
quan tâm. Bởi bản chất của văn học là một quan hệ với đời sống, văn học tái hiện đời
sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của đời sống.
Nhân vật trong tác phẩm không chỉ thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm mà còn thể
hiện quan điểm nghệ thuật về con người của một nhà văn ở những thời điểm lịch sử
nhất định. Nhà văn Tô Hoài, trong Sổ tay viết văn (1977), khi nói về nhân vật, ông cho
rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy trong một sáng tác, giải quyết hết
thảy trong một sáng tác”. Quả đúng như vậy, nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng,
chủ đề tác phẩm mà còn là nơi tập trung các giá trị của tác phẩm. Thành bại của một đời
văn, của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật. Khi nhắc đến
tên của tác giả hoặc tác phẩm của nhà văn, người đọc thường nhớ đến tên nhân vật của
họ. Chẳng hạn khi nhắc đến Nam Cao, người đọc nghĩ ngay đến các nhân vật văn học:
Chí Phèo, Lão Hạc, Thứ. Nhắc đến Vũ Trọng Phụng người ta nghĩ ngay đến Xuân Tóc
Đỏ, Nghị Hách.
Trong giáo trình Lí luận văn học do Phương Lựu chủ biên đã nêu lên định nghĩa
khá kĩ về khái niệm nhân vật văn học: “Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người
được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật
có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh,… đó là những nhân vật không tên như thằng bán tơ,

một mụ nào trong Truyện Kiều của Nguyễn Du,… đó là những con vật trong truyện cổ
tích, đồng thoại, thần thoại, bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật
mang nội dung, ý nghĩa con người… Khái niệm nhân vật có khi chỉ sử dụng một cách
ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác
phẩm. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu để ta
nhận biết” [19, tr.277].
19


Trong giáo trình Lí luận văn học do giáo sư Hà Minh Đức chủ biên, các tác giả lại
cho rằng: “Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không
phải là sự sao chụp đầy đủ một chi tiết biểu hiện đầy đủ của con người mà chỉ là sự thể
hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách… và
cần chú ý thêm một điều: Thực ra khái niệm nhân vật thường được quan niệm với một
phạm vi rộng lớn hơn nhiều, đó không chỉ là những con người, những con người có tên
và không tên, được khắc họa sâu đậm hoặc chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm,
mà còn có thể là sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng, tính cách con người…
cũng có khi đó không phải là những con người, sự vật cụ thể, mà chỉ là một hiện tượng
về con người hoặc liên quan đến con người, được thể hiện nổi bật trong tác phẩm” [12,
tr.126].
Khái niệm nhân vật văn học còn được trình bày sáng rõ trong cuốn Từ điển thuật
ngữ văn học (nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên) với
nội dung cơ bản giống với cách định nghĩa trong cuốn Lí luận văn học do Phương Lựu
chủ biên: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học.
Nhân vật văn học có thể có tên riêng (Tấm, Cám, Chị Dậu, Anh Pha) cũng có thể không
có tên riêng. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ
một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm… Nhân vật
văn học là một đơn vị đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật
trong đời sống” [13, tr.235].
Nói tóm lại, các nhà nghiên cứu lí luận văn học bằng cách này hay cách khác khi

định nghĩa nhân vật văn học vẫn căn bản gặp nhau ở những nội hàm không thể thiếu của
khái niệm này: Thứ nhất, nó phải là đối tượng mà văn học miêu tả, thể hiện bằng
phương tiện văn học. Thứ hai, đó là những con người hoặc những con vật, đồ vật, sự
vật, hiện tượng mang tính ước lệ và có tính cách điệu so với đời sống hiện thực bởi nó
đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ.
2.1.2. Thế giới nhân vật
Thế giới nhân vật là hệ thống các nhân vật được tổ chức tạo thành một chỉnh thể
nghệ thuật, trong đó mỗi nhân vật là một yếu tố của chỉnh thể. Mỗi thế giới nhân vật
được quy định bởi cách tổ chức, sắp xếp theo ý đồ nghệ thuật, sự sáng tạo của nhà văn
làm sao cho các nhân vật trong tác phẩm liên kết, tác động lẫn nhau, soi sáng nhau để
cùng phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng tác giả và điều nhà văn muốn nói cùng bạn
đọc.
20


Xét về phía độc giả, thế giới nhân vật là sự cảm nhận của người đọc về hình tượng
các nhân vật trong tác phẩm từ hình dáng đến nội tâm, việc làm, các loại quan hệ chằng
chịt của chúng. Từ đó, rút ra được những hiểu biết, ý nghĩa của tác phẩm về nhiều
phương diện theo tiêu chuẩn cái đẹp nghệ thuật trong sự vận động không ngừng của đời
sống ý thức nhân loại nói chung. Thế giới nhân vật trong thơ với chủ thể trữ tình đóng
vai trò chủ đạo và quanh nó là các kiểu nhân vật trữ tình. Thơ trữ tình chú trọng đến vẻ
đẹp của tâm trạng con người và cuộc sống khách quan. Cùng một đối tượng phản ánh,
nhà tiểu thuyết quan tâm đến chất liệu của hiện thực khách quan, đến tính sự kiện còn
nhà thơ thì quan tâm chủ yếu đến vẻ đẹp bên trong, cái đẹp truyền cảm của đối tượng.
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết đông đúc hơn và nhân vật tồn tại trên
nền bối cảnh hiện thực xã hội.
Tác phẩm văn học nào cũng là một hệ thống chỉnh thể của những hệ thống nhỏ
hơn. Các nhân vật trong một tác phẩm cũng thực sự tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh,
chúng liên quan với nhau, móc nối với nhau không chỉ bằng tiến trình các sự kiện miêu
tả, mà suy cho cùng còn bằng logic từ nội dung nghệ thuật của nhà văn. Hệ thống nhân

vật đem lại cho hệ thống nghệ thuật của tác phẩm một sự thống nhất, đồng thời quan hệ
giữa các nhân vật trong mỗi hệ thống ít hay nhiều đều phản ánh mối quan hệ xã hội hiện
thực của con người.
Như vậy, thế giới nhân vật trong tác phẩm là một tổ chức nghệ thuật thống nhất.
Các nhân vật có mối liên hệ chặt chẽ và sống động như cuộc sống thực ngoài đời,
nhưng cô đọng, súc tích và ấn tượng hơn. Chủ đề tư tưởng tác phẩm thường được biểu
hiện qua hệ thống nhân vật, nhất là qua hình tượng nhân vật chính.
2.1.3. Vai trò của nhân vật trong các tác phẩm văn học
Nhân vật văn học vừa mang chức năng xã hội, vừa phải làm tròn chức năng văn
học của nó. Với tư cách là một chất liệu có mối quan hệ nội tại và thống nhất sâu sắc
với cấu trúc của tác phẩm, nhân vật được thừa nhận là một thành phần quan trọng
không thể vắng mặt trong loại hình văn chương tự sự. Chức năng của nhân vật là khái
quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, ao ước và kỳ
vọng về con người. Chính vì thế, thành công trong công cuộc xây dựng nhân vật chính
là sự thành công của tác phẩm văn học. Một tác phẩm văn học được đánh giá là có giá
trị, có chiều sâu, có sức sống lâu bền khi tác phẩm ấy khắc họa rõ nét, chân thực và sinh
21


×