Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Truyền thuyết Đức thánh Chử và lễ hội Đền Hóa Dạ Trạch

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (105.38 KB, 3 trang )

Truyền thuyết Đức thánh Chử và lễ hội Đền Hóa Dạ Trạch
Sự tích Đức thánh Chử - một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt (Tản Viên, Phù
Đổng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh) là một truyền thuyết tình yêu bất tử và lãng mạn giữa
một chàng trai đánh cá nghèo ven sông với nàng công chúa Tiên Dung, con gái thứ hai của
Hùng Vương thứ 18. Cứ mùng 10 tháng 2 hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ
hội tưởng nhớ công ơn của họ.
Truyền thuyết về Chử Đồng Tử
Họ đã ở lại bên bãi sông Tự Nhiên (thuộc đất Hà Tây cũ) - ở nơi gặp gỡ "thiên định" đó,
cùng những người dân nghèo khai hoang mở mang đồng ruộng, mở bến chợ buôn bán. Một
lần ra biển buôn bán, Chử Đồng Tử đã gặp được Tiên ông trên một đảo nhỏ ngoài biển
truyền cho đạo Phật và các phép Tiên rồi còn cho chiếc gậy tử - sinh và chiếc nón biến
hoá... Chàng trở về quê, truyền lại phép thuật cho Tiên Dung, cả hai vợ chồng cùng đắc
đạo. Họ cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu (Hưng Yên ngày nay), dùng chiếc gậy thần
để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ...
Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa
chị em, rồi xe duyên với Chử Đồng Tử cùng nhau giúp Chử Đồng Chử giúp đời. Nàng Tây
Sa rất giỏi thuật bùa chú dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu
ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa, không thiếu một thứ gì. Lại thêm
tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ lính hầu xum xít. Sáng hôm sau, dân ở quanh vùng đều lấy làm
kinh dị, mang hương hoa thực phẩm đến xin làm tôi. Họ vào thành thấy các quan văn võ,
lính tráng tấp nập đông đảo như một nước riêng.
Vua Hùng được tin báo là con gái Tiên Dung làm phản bèn cho quân đi dẹp. Biết tin, Chử
Đồng Tử và Tiên Dung không hề chống lại và xin để cho Trời quyết định. Thế là đêm hôm
ấy, cả lâu đài và họ đã được đưa về trời bằng một trận cuồng phong, bão lớn, để lại trên
vùng đất ấy một cái chằm (đầm) rất rộng mà sau này nhân dân gọi là Nhất Dạ Trạch (đầm
một đêm, để ghi nhớ chuyện chỉ sau một đêm mà có đầm). Dân quanh vùng thương tiếc họ
đã lập đền thờ. Về sau Vua biết được sự thật về những công đức của họ nên đã truy phong
là những Thượng đẳng thần, cho tu sửa lại đền miếu và cho phép người dân nơi đây tổ
chức nghi lễ cúng tế hàng năm vào dịp xuân, thu nhị kỳ…
Chử Đồng Tử còn được coi là ông tổ của ngành ngoại thương Việt Nam, mang đến cho
người dân sự phồn vinh hạnh phúc, và đó là lý do mà Ngài được tôn thánh và là một trong


tứ bất tử.
Chử Đồng Tử được thờ ở rất nhiều làng thuộc vùng châu thổ hạ lưu sông Hồng. Cho đến
nay thì thấy có 62 làng thờ Ngài, thuộc Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên (nhiều nhất với 45
làng), Hà Tây, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình.
Lễ hội Đền Hóa Dạ Trạch
Đền Hóa Dạ Trạch còn có tên gọi là Đền Dạ Trạch, thuộc thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch,
huyện Khoái Châu, thờ Chử Đồng Tử, Tiên Dung Công chúa, Tây Sa Công chúa (còn gọi
là Hồng Vân Công chúa). Tương truyền, đền Hóa Dạ Trạch được xây dựng trên nền cao
của lâu đài thành quách xưa, ngay sau khi ba vị hóa về trời.
Vào cuối thế kỷ 19, đền được trùng tu tôn tạo, do công sức đóng góp của nhân dân tổng
Vĩnh và người chỉ huy xây dựng là tiến sĩ Chu Mạnh Trinh. Đền Hóa Dạ Trạch lưu giữ
nhiều cổ vật như sắc phong, hoành phi câu đối, đại tự. Đặc biệt là chiếc nón và cây gậy -
phép biến hóa của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Tượng cá chép, gọi là ông “Bế”
(“Bế ngư thần quan”), tạo hình cá chép đang hóa rồng. “Dạ Trạch Từ Chung” (Chuông đền
Dạ Trạch) đúc năm Thành Thái thứ 14 (1902) ghi lại quá trình trùng tu di tích.
Tương truyền, khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ thất thế, Nguyễn Trãi đến Đền
Hóa Dạ Trạch cầu đảo được thần báo mộng vào Lam Sơn, phò Lê Lợi chống giặc Minh
xâm lược. Trong quần thể di tích còn có đầm Dạ Trạch. Đây là dấu tích của khu đầm Dạ
Trạch rộng lớn trước đây, nơi Dạ Trạch Vương Triệu Quang Phục đóng quân doanh chống
quân Lương xâm lược (thế kỷ 6) thắng lợi.
Hàng năm, đền Hóa Dạ Trạch có bốn tiết chính: ngày 4/1 (âm lịch) - ngày sinh của Tiên
Dung công chúa; 10/2 - ngày sinh của Hồng Vân công chúa; 12/8 - ngày sinh Chử Đồng
Tử; 17/11 - ngày kỵ thánh. Lễ hội chính diễn ra từ ngày mùng 10 đến 12 tháng 2 (âm lịch),
kỷ niệm ngày sinh Hồng Vân công chúa.
Mở đầu là nghi thức rước nước từ sông Hồng về lễ thánh. Đám rước uy nghi, rồng vàng
dẫn đầu, hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, bát bửu, kiệu long đình, kiệu
chóe nước, kiệu đặt nón, gậy, kiệu “Bế ngư thần quan”, ba kiệu rước Chử Đồng Tử, Tiên
Dung công chúa, Hồng Vân công chúa.
Đám rước tới sông Hồng cũng là lúc thuyền rồng bên bãi Tự Nhiên (xã Tự Nhiên - Thường
Tín) ra chào đón, cùng tham gia hội. Trên sông cờ xí rợp trời, rồng vàng uốn lượn, tiếng

hát, tiếng đàn, tiếng trống rộn ràng thúc. Một bô lão cao tuổi trong làng thận trọng múc
từng gáo nước đổ vào chóe.
Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về Đền Hóa tế Thánh. Đi đầu đoàn rước là
hai bô lão cùng hai nam hai nữ dâng nước vào đền.
Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện
cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu
nguyện một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu.
Sau kiệu nước, kiệu long đình là kiệu nón và gậy, vật dụng giúp Chử Đồng Tử, Tiên Dung,
Hồng Vân chữa bệnh cứu dân.
“Bế Ngư thần quan” - vật thiêng đưa Tam vị đức thánh hóa lên trời, ngựa hồng - ngựa bạch
phương tiện mà vợ chồng Chử Đồng Tử đi để tìm thuốc và chữa bệnh cho dân làng.
Kiệu Đức Thánh Chử uy nghi cùng hai kiệu của nhị vị phu nhân, Tiên Dung công chúa và
Hồng Vân công chúa kiêu sa hiền thục trong bộ xiêm y lộng lẫy thả hồn mình theo sương
giăng và gió bay. Xen vào kiệu rước là đội tế, các bô lão trong trang phục lễ hội truyền
thống đi hộ giá kiệu, các tán lọng đi hai bên che cho kiệu, các đội cờ, đội văn nghệ, đội
múa sinh tiền làm tưng bừng lễ hội.
Đoàn rước làm sống lại thiên tình sử bất hủ, thắp sáng lên khát vọng sống trong tình yêu và
an bình, ước mơ một tình yêu đích thực, bất tử, vượt lên cường quyền áp bức, chia lìa, đói
nghèo và bệnh tật.
Cuối đoàn rước là đội múa sư tử và rồng làm náo nhiệt không gian lễ hội mùa Xuân vui
tươi và tràn đầy sức sống. Rồng và sư tử là những hình tượng biểu hiện cho sức mạnh, uy
linh, sự trường tồn và cũng là biểu tượng của yếu tố nước - một yếu tố không thể thiếu của
cư dân nông nghiệp lúa nước.
Sau khi kiệu rước được đưa vào an vị trong đền, các kiệu rước thánh được an vị sân đền,
đội hình ổn định, lễ khai hội bắt đầu. Sau lễ khai hội là nhiều hoạt động vui chơi, múa hát,
tranh tài, các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu đất, bịt mắt bắt dê, kéo co, chọi gà, hát
quan họ… được tổ chức tại khu vực đền.
Mỗi người dù già trẻ, trai gái đều có thể chọn cho mình một thú vui khi đến với lễ hội.
Cũng có người đến đây để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nguyện cầu một năm bình an và tài
lộc. Và không ít những nam thanh nữ tú đến để cầu cho tình yêu hạnh phúc, vẹn tròn, cầu

cho đôi lứa mãi được bên nhau.
Chỉ một lần dự lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, du khách sẽ hiểu vì sao những giá trị văn
hoá dân gian truyền thống lại có sức sống bền bỉ ngàn đời, tình yêu đích thực trường tồn
cùng thời gian để rồi lại trông đợi đến mùa Xuân sau tìm về nơi đây.
Thanh Thủy

×